Trước khi gặp già Đô lần cuối cùng cạnh đống
rác gần cửa nhà hát vài tuần lễ, hắn đã được yết kiến ông Trần. Đó là điều hắn
ao ước mong đợi từ ngày hắn được ra khỏi trại. Cũng như ở trong tù hắn đã mong
mỏi biết bao về cuộc gặp giữa ông và anh Chân. Bởi vì ông là người quyết định
số phận của hắn. Ông là người đã ký vào bản án tử hình của hắn. Có thể ông
không định khai đao. Nhưng rồi ông đã phải khai đao. Ông không định trói hắn
vào cọc và hạ lệnh cho đội hành quyết siết cò. Nhưng rồi ông lại làm như vậy.
Tình thế xô đẩy. Có lúc chính ông cũng không làm chủ được hoàn cảnh. Hắn mong
mỏi được gặp ông cũng chỉ vì ông có phép mầu, làm cho đầu hắn đã bị chặt lìa
khỏi cổ dính lại với thân mình, làm cho lồng ngực hắn bị dạn bắn thủng lỗ chỗ,
máu phun phè phè, bỗng dưng lành lại, da thịt mịn màng.
“Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Bố hắn vẫn
dạy hắn như vậy. Điều mình không muốn thì đừng bắt người khác phải chịu. Hắn
không muốn bị quy chụp, bởi vậy hắn đứng về phía ông Trần để cắt nghĩa những
việc làm của ông đối với hắn. Hắn muốn lý giải ông một cách khách quan. Kết
luận cuối cùng rút ra chỉ có thể là một trong hai trường hợp sau đây:
1- Những thông tin về hắn đến với ông bị bóp
méo, sai lạc.
2- Ông bắt hắn vì cách mạng. Nhưng khi ông
biết bắt hắn là sai, ông không có cách nào sửa lại được. Ông đành phải hy sinh
hắn. Giá hắn làm ở một xí nghiệp nào đấy, bị bắt vì tình nghi tham ô, ăn cắp,
nay biết là oan có thể ông sẽ trả hắn về cương vị cũ. Đằng này hắn lại là phóng
viên, một cán bộ có máu mặt, miếng không có nhưng có tiếng, quen biết rộng, khi
bắt đã tạo thành dư luận ầm ĩ. Nếu thả lại càng ầm ĩ hơn.
Hắn đành phải chịu hy sinh thôi. Bao nhiêu
người còn phải hy sinh tính mạng mình nữa kia. So sánh với hàng triệu người đã
ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc, hàng vạn người bị bắn oan trong cải cách ruộng đất
và với cả nhiều người bị bắt oan nữa chứ, chắc chắn là như vậy, dù ngành có
công minh đến mấy, thì sự hy sinh mất mát của hắn thật không đáng kể. Chỉ là
hạt cát trong sa mạc. Ông không muốn hắn phải hy sinh, nhưng tình thế này ngoài
ý muốn của ông. Ông phải kiên quyết để bảo vệ uy tín của ngành, của tập thể,
một điều rất cần thiết cho nền chuyên chính.
Uy tín của ông là uy tín của ngành. Nó không
còn là của riêng ông, của riêng ai nữa. Uy tín của ông là để phục vụ cách mạng.
Nó thuộc về cách mạng, thuộc về nền chuyên chính, hơn lúc nào hết đang phải
trấn áp thù trong giặc ngoài, bảo vệ thành quả cách mạng. Ông lúc nào cũng toàn
tâm, toàn ý phục vụ cách mạng.
Vì cách mạng ông phải xử sự như một người bíết
rằng hơi quá tay nhưng vẫn phải làm. Lưỡi gươm trấn áp phải tỏ ra sắc bén, hiệu
quả. Ông thanh thản trước lương tâm vì cái động cơ của việc làm đó. Động cơ là
xuất phát điểm của hành động, là tính mục đích của công việc. Nó biện minh cho
hành động. Động cơ của ông trong sáng. Hoàn toàn trong sáng.
Điểm nữa, ông biết chắc mọi đơn từ của hắn gửi
các nơi, các cấp đều trở lại nơi ông. Ông thừa biết cái cung cách người ta xử
lý các đơn từ loại ấy như thế nào. Kiến trong miệng chén có bò đi đâu. Ông lại
là người giải quyết. Mọi đơn từ đều được kính chuyển về thành phố. Nghĩa là về
ông. Ông giao lại cho đám cấp dưới của ông. Họ là những người thông minh, họ
biết phải làm gì với những đơn ấy. Họ biết phải làm gì với hắn để đè bẹp ý chí
của hắn. Điều quan trọng là phải đè bẹp ý chí của hắn. Khi ông cho đưa hắn về
75, ông đã định tha hắn. Của đáng tội, bắt con em một gia đình cách mạng có
công với nước vì những chuyện có vấn đề tư tưởng như vậy tù bốn nảm là đủ cho
việc ngăn chặn rồi. Nhưng hắn không biết điều. Ông cần phải cho hắn đi một tăng
nữa. Hắn vẫn không hiểu được những điều tối thiểu, còn đang trong tù mà đã phát
biểu khi ra sẽ khiếu nại. Quá tự tin và hung hăng. Nếu hắn biết thân biết phận,
biết cách xử lý, nhận vài khuyết điểm nào đó - ai mà chả có khuyết điểm- hắn sẽ
được ông đối xử một cách khác. Một cách đối xử chứng tỏ Đảng luôn mở đường cho
những kẻ biết hối cải, chứng tỏ sự rộng lượng của riêng ông. Và dẫn dần ông lại
cho nó những điều ông có thể cho được. Chỉ cần nó biết mình, biết người. Nó
biết nó. Nó phải biết nó. Nó định lấy cái cương của cá nhân nó chọi lại cái
cương của cách mạng. Húc đầu vào đá thôi, con ạ. Trứng chọi đá, chọi sao nổi.
Cách mạng sẽ đè bẹp tất cả. Cái tăng bổ sung sau này là dành cho mục đích ấy.
Chí ít thì cũng có thêm thời gian cho câu chuyện của hắn thành dĩ vãng. Để lâu
cái gì chẳng hoá thành bùn. Ông chẳng bao giờ được chủ động trong xử sự. Ông xử
sự, ông hành động theo cách bọn địch, bọn bất mãn, bọn phá hoại bắt ông phải
hành động.
Cũng có thể ông chẳng nghĩ ngợi gì. Ông không
nghĩ vì ông đã quen rồi, quen nhìn thấy máu rồi. Với lại chẳng qua ông không
bắt được quả tang hắn mà thôi. Hơn nữa nếu trước khi bị bắt, hắn chống đối một
cách không tự giác, vô ý thức, thì bây giờ ở tù ra hẳn là hắn đã và sẽ chống
đối một cách triệt để, có ý thức. Điều đó phù hợp với biện chứng, với logic.
Đối xử với hắn như đối xử với một tên phản cách mạng là điều buộc ông phải làm.
Hắn cũng công nhận rằng ông bắt hắn không phải
vì tư thù, ác ý. Số cán bộ trung gian đã xuyên tạc hắn với ông. Những thông tin
ban đầu của họ là không đúng (như: Hắn là người bất mãn, bẻ bút không viết nữa,
đả kích chế độ trong nói năng, phát ngôn..). Những thông tin này có thể do bọn
Bách ở báo, bọn xấu, bọn đố kỵ cung cấp. Cũng có khi chỉ là những câu chuyện
vui của những người chẳng ác ý gì. Hắn lại không chịu ca ngợi Mao chủ tịch,
không vẽ râu vào ảnh Khrusôp, không mạt sát phim “Bài ca người lính”. Đó là
chưa kể hắn giao du rất rộng với bao nhiêu phần tủ đáng nghi ngờ ở Hà Nội.
Những hiện tượng ấy ghép lại, được kết dính bằng một nhận định toàn bộ cho một
ý đồ. Một sợi chỉ đỏ xuyên suốt như thường nói. Thế là ông Trần duyệt bắt thôi.
Bởi vậy, hắn đã bao lần tìm gặp ông Trần nhưng không được, vì ông ở ngay trong
sở. Có lính gác. Hắn chỉ đưa được đơn vào phòng thường trực. Hắn hỏi Bình:
- Ông Trần trông thế nào nhỉ? Thời còn làm
báo, hắn chưa tiếp xúc với ông. Vì hắn không theo dõi nội chính. Hắn theo dõi
khối công nghiệp. Có một lần ông Trần đến cơ quan báo cáo tình hình trật tự trị
an cho anh em phóng viên, ông mở đầu bài nói cùng với một ý khi ông kết luận:
- Các đồng chí nghe để biết thôi. Ngành chúng
tôi càng ít nói trên báo càng tốt. Hễ nói nhiều là tình hình không hay rồi đấy.
Hắn chỉ trông thấy ông có mỗi lần ấy. Hắn
không nhớ được nét mặt ông. Bình bảo: “Mày có nhớ thằng Thanh Nhàn không? Ông
ấy có kiểu người của thằng Thanh Nhàn”, “Thanh Nhàn nào?” “Thanh Nhàn xi- măng.
Vẫn viết tin cho chúng mình ấy”. Hắn lắc đầu: “Quên rồi”. Bình nhăn trán suy
nghĩ và bật kêu lên: “Trông ông Trần giống Lâm Bưu. Đúng. Đúng. Giống Lâm Bưu”.
Thật là một so sánh bất ngờ và kỳ lạ.
ấy thế mà khi gặp ông, hắn hiểu Bình có lý:
Thấy ông người ta liền nghĩ đến Lâm Bưu, nhất là lúc Lâm Bưu đứng cạnh Mao chủ
tịch, quyển sách đỏ cầm tay, Lâm Bưu ở cái tư thế profil nhìn bao quát cả đám
quần chúng mênh mông Thiên An Môn ấy.
Dáng người ông nhỏ nhắn, lông mày rậm hơi chổi
sể, khuôn mặt xương xương, hóp lại về phía cằm và cặp mắt nhỏ, hẹp ẩn dưới hàng
lông mày rậm, lại càng nhỏ hơn mỗi khi ông cười. (Thực ra ông có cặp mắt lươn
ti hí, nhưng hắn không muốn dùng chữ ấy).
Ngoại hình của ông làm hắn thất vọng. Nó chẳng
chứng tỏ điều gì, ngoài cái cảm giác đó là một con chạch, rất khó nắm bắt, còn
ngoi lên, còn ngoi lên nữa. Thật đối lập với ông Hoàng. Cao lớn, đẹp đẽ, khoan
thai. Hắn hiểu ngay ông Hoàng không phải là đối thủ của ông Trần. Ông Hoàng tin
ở lẽ phải, ở chính nghĩa, tuyên chiến trước khi giáp trận. Còn ông Trần sẵn
sàng đánh trộm sau lưng, hạ đối thủ ngay từ nhát dao đâm trộm ấy.
Không phải hắn ghét ông Trần hay yêu ông Hoàng
mà gán ghép cho mỗi ông một vẻ xấu đẹp thích ứng. Hắn chỉ trung thành với hiện
thực. Hắn vẫn phản đối kiểu xuyên tạc hiện thực, dẫn đến công thức nhàm chán:
Về ngoại hình chính diện bao giờ cũng đẹp đẽ, còn phản diện thì tha hồ bôi bác.
Có một chi tiết nữa ở ông Trần mà hắn rất nhớ
là trong lúc nói chuyện, thỉnh thoảng đồng tử mắt ông lại thu nhỏ lại. Hắn quả
quyết như vậy vì hắn có thói quen nhìn thẳng vào mat người đối thoại, và hắn
thấy điều ấy rất rõ. Khi ông Trần xúc động, đồng tử ông hơi co lại theo hình
bầu dục, một hình bầu dục dựng đứng giữa lòng con mắt như nứt ra giữa hai mí
mắt. Thật là dị tướng!
Hắn cũng không ngờ được gặp ông (đời hắn quả
là liên tiếp những chuỗi bất ngờ). Lang thang tìm cách kiếm sống, đến nhà một
người quen ở vùng ven đô để hỏi việc gia công sợi buộc lạp-xường, hắn thấy ông
Trần bước vào sân cùng với mấy người nữa. Ngay lúc ấy hắn nghĩ đến Lâm Bưu và
hắn biết đã gặp ai. Ông Trần đang đứng trước mặt hắn. Tiên ông và phù thuỷ đang
đứng trước mặt hắn. Hắn lảng vảng ở vườn, chờ cho chủ, khách uống hết một tuần
trà, mới vào nhà lễ phép tự giới thiệu và xin được gặp ông vào một ngày nào đó.
Cố che giấu, nhưng vẫn để lộ một chút ngạc nhiên, ông nhận lời.
Hôm ấy ông Trần đến đấy ăn thịt chó, và sau đó
anh chủ nhà cho hắn biết anh bị ông ấy căn vặn mãi: Có phải anh ta bố trí mời
ông tới nhà để hắn gặp không? Đúng là ông nhìn sự việc không đơn giản xuôi
chiều, rất trí lự và dưới nhiều góc độ.
Hắn ra về ngay để khỏi phiền anh chủ nhà, khỏi
đưa anh vào thế khó xử. Hắn xúc động vì quá bất ngờ. Hắn đạp xe về chỗ anh
Thân, thở hổn hển:
- Em vừa gặp ông Trần xong.
Hắn thuật lại chuyện và nói:
- Ông Trần hẹn cho em gặp rồi.
Anh Thân bảo:
- Gặp một ông thường vụ làm gì mà cứ cuống lên
thế. Binh thường thôi.
Không bình thường đâu anh ơi! Đây là lần đầu
tiên một ông thường vụ gặp hắn. Mà lại chính là ông Trần, người bắt hắn, người
có cái gậy thần, người đã làm thay đổi cuộc đời hắn. Ông Trần nhận sẽ gặp hắn.
Hắn chờ, chờ mãi. Ông Hoàng đã về nhà hắn hai lần rồi, ông Trần mới cho người
đưa giấy mời hắn tới Sở. Không phải giấy gọi, giấy hẹn, mà giấy mời. Thật là
tôn trọng và lịch sự.
Hắn đã chuẩn bị kỹ cho cuộc gặp này. Bình,
Ngọc và hắn đã thống nhất: Phải rất linh hoạt. Đừng cứng nhắc đòi phục hồi, đòi
bản thảo. Không ăn thua gì đâu. Phải tùy tình hình.
Hắn đến Sở. Cùng tiếp hắn có cả ông Quảng,
trưởng phòng đặc trách văn hóa. Vậy là hôm nay hắn được gặp cả hai ông. Khác
hẳn ông Trần, ông Quảng cao lớn, béo tốt, dầy đặn, phúc hậu và toàn nói những
điều nhân đức. Ngoại hình và ngôn ngữ ông Quảng đáp ứng điều hắn vẫn suy nghĩ
về những đao phủ thời hiện đại. Ông Trần mời hắn ngồi xa-lông, ông Quảng đóng
vai người tháp tùng. Ông Quảng pha trà, rót nước, bóc bao thuốc lá Điện Biên
bao bạc mời hắn. Bình đẳng, lịch thiệp, văn hoá, tôn trọng và hiếu khách.
Ông Trần ngả lưng vào xa-lông, nhìn hắn cười
thoả mãn như một người lâu quá không được gặp hắn và vẫn mong gặp hắn như cái
kiểu “bấy lâu vắng mặt khát khao”. Ông hỏi hắn thân mật như hỏi một cán bộ dưới
quyền mà ông hiểu từ chân tơ, kẽ tóc:
- Thế nào? Thắc mắc lắm phải không?
Rõ ràng ông biết hết ruột gan hắn. Đã bao năm
rồi hắn chưa được một ông công an nào hỏi một câu như vậy. Với giọng điệu cởi
mở thông cảm như vậy.
Hắn cố nặn ra một nụ cười tươi tỉnh và khiêm tốn:
- Thưa anh, tôi như một đứa con bị bố mẹ đánh.
Cảm thấy bị đánh oan, rất mong có dịp thưa lại cùng bố mẹ.
Câu trả lời ấy làm vừa lòng ông Trần. Hắn chờ
câu nói tiếp theo của ông để đoán biết ông định giải quyết cho hắn vấn đề gì.
- Chúng tôi đã nhận được đơn của anh. Tôi nghĩ
bây giờ trước hết phải lo việc làm cho anh đã. Có đúng thế không?
“Thế là ông khoanh lại vấn đề ấy: Việc làm! “
Hắn hiểu và tin chắc như vậy. Việc làm. Nhưng
là việc gì chứ? Bảo hắn đi quai búa hay đi phụ nề?
Hắn nghĩ tới những công việc khổ sai hắn đã
trải. Phải nói rõ. Không thể chung chung được.
- Thưa anh. Tôi bị thiệt thòi nhiều. Chẳng
riêng tôi. Vợ tôi được cơ quan cử đi học đại học, đang học thì bị Sở Công an
gọi về làm phụ kho trong khi bạn bè vợ tôi đều đỗ đại học và...
Ông Trần bật ngồi thẳng lên, ông ngắt lời hắn:
- Ai? Ai? Sao lại gọi chị ấy về?
Giọng ông ngạc nhiên, sửng sốt. Thật bất ngờ
với hắn. Hắn vẫn tưởng chính ông Trần quyết định việc ấy Và lần đầu tiên hắn
thấy đồng tử của ông co lại thành hình bầu dục dựng đứng giữa con mắt nhỏ. Ông
nghiêm khắc nhìn ông Quảng như muốn hỏi: “Sao lại có chuyện ấy? Sao tôi không
biết gì cả? Ai cho phép các anh làm như vậy?”
Ông Quảng với vẻ nhẫn nhục cao cả của một
người làm điều thiện, nhưng buộc phải mang cái vỏ độc ác mà người ta dễ hiểu
lầm, nhìn ông Trần với vẻ biết lỗi:
- “Báo cáo anh, dạo ấy anh Tuấn đang ở trong
trại. Phải đưa chị ấy về vì các cháu không ai chăm sóc. Cả bốn cháu còn quá
nhỏ.”
Sự tiêu diệt cuộc đời vợ hắn đã được người ta
giải thích như vậy. Hắn căm thù và ghê tởm nhất sự dối trá mà đây lại là sự dối
trá trắng trợn nhất với hắn. Sự đê tiện đến vậy là giớí hạn, là tận cùng. Hắn
uất ức nhìn ông Quảng, cái nhìn ngây ngô như một con vật bị giết trước lúc
chết. Nghĩa là hắn nhìn ông mà chẳng nhìn thấy gì. Hắn nhìn ông ma còn cố nén,
cố giữ cho mạch máu khỏi vỡ toác ra. Ông Trần khinh khỉnh nhìn ông Quảng, cái
nhìn chứa đựng dông bão, làm vơi đi rất nhiều bóng tối trong lòng hắn. Hắn tin
rằng khi hắn về, ông Trần sẽ trút lôi đình và ông Quảng sẽ lãnh đủ, sẽ hiểu thế
nào là những hành động vô nguyên tắc, tư thù cá nhân, phá hoại chính sách của
Đảng. Hắn nói mà chính hắn cũng ngạc nhiên ở giọng điệu bình tĩnh của mình:
- Báo cáo anh đấy là sự đau khổ lớn thứ hai
của chúng tôi. Về chuyện các cháu, chúng tôi đã thu xếp cho chúng về ở với bố
mẹ tôi. Vợ tôi rất quyết tám khắc phục mọi khó khăn để học đại học.
Ông Trần trầm ngâm, tư lự. Rõ ràng ông đang
gánh nỗi đau khổ của hắn. Như được ông khuyến khích, hắn nói tiếp:
- Bạn học của vợ tôi học xong đều là kỹ sư,
trưởng phó phòng. Có người còn là chủ nhiệm. Vợ tôi về Công ty làm phụ kho. Tôi
nói vậy để báo cáo với anh là chẳng cứ tôi bị thiệt thòi mà cả vợ tôi. Mong anh
thông cảm với hoàn cảnh của tôi, cho tôi làm một việc gì đó hợp với khả năng và
sức khoẻ của tôi, để tôi có thể có thu nhập.
Lời xin thật khiêm tốn, thiết tha. Ông Trần
như chỉ mong hắn đề nghị điều gì đó để ông giúp hắn vợi bớt được khổ đau. Ông
sốt sắng có pha chút long trọng để hắn hiểu ràng đây là những lời nói chính
thống hắn có thể hoàn toàn tin tưởng:
- Tôi hôm nay nhân danh lãnh đạo thành phố,
giám đôc Công an nói với anh rằng: Anh sẽ được làm một việc phù hợp với khả
năng để từ đó có thu nhập.
ôi! Thật tuyệt vời! Ông Trần thương hắn. Dù
sao ông cũng biết hắn đau khổ nhiều, mà hắn lại là em một người cùng cấp uỷ với
ông, là con một gia đình cách mạng. Chưa một người công an nào nói với hắn như
vậy. Người ta toàn răn đe hoặc nói như đánh đố.
Trong không khí cởi mở ấy, hắn dấn thêm một
bước, cụ thể hơn:
- Thưa anh, tôi có thể làm thi đua được không
ạ?
Hắn nói vậy vì hắn nhớ đến ông Hoàng. Ông Trần
nhướn cặp mắt nhỏ lúc đó trông rất nhân từ bao dung và lấp lánh:
- Được chứ. Sao lại không. Thay mặt lãnh đạo
thành phố tôi nói với anh là anh được làm thi đua. Thay mặt lãnh đạo thành phố
tôi nói: các con anh được vào đại học. Anh hoàn toàn yên tâm.
Đó chính là điều hắn định sẽ hỏi ông. Là một
nội dung cốt yếu hắn muốn được nói cùng ông. Hắn biết hắn đã gây đau khổ cho
con cái. Cái lý lịch đi tù, phản cách mạng của hắn là một gia tài ghê gớm mà
chúng nó sẽ thừa kế. Con địa chủ, con tư sản không được vào đại học. Đã hẳn.
Ngay nông dân lao động không vào hợp tác xã, con cái dù học giỏi đến mấy cũng
không được vào đại học. Nói gì đến con một thằng. phản động hiện hành. Hắn còn
đang lựa lời tìm cách nói với ông chuyện con cái thì ông đã chủ động nói trước.
Ông Trần quả đã nhìn thấu tim gan hắn. Hắn nhìn ông, cái nhìn kính trọng, biết
ơn. Hẳn ông Trần đã hiểu lời nói của đôi mắt hắn, ông hỏi hắn:
- Thế, được chưa?
Hắn cám ơn ông, cám ơn lãnh đạo thành phố và ý
thức được ràng đây là lần gặp duy nhất trong đời hắn với ông Trần, bởi thế cần
phải tranh thủ làm cho ông hiểu hắn:
- Thưa anh, tôi nghĩ việc xử lý tôi là quá nặng.
Tôi sợ rằng anh nhìn tôi qua những lăng kính trung gian. Tôi cũng phải báo cáo
với anh rằng: Chưa ai nói tôi mắc tội gì.
Hắn im lặng. Ông Trần khuyến khích:
- Cứ nói tiếp đi.
- Thưa anh, tôi nói điều gì có thể anh không
tin. Nhưng tôi nói điều này chắc là anh tin. Đó là tôi rất muốn ở nhà với vợ,
với con, tôi rất sợ đi tù một lần nữa. Muốn vậy tôi phải biết những khuyết điểm
của tôi để tôi rút kinh nghiệm, để tôi tránh. Cho đến bây giờ trong cơ quan an
ninh, chưa ai nói cho tôi biết tôi có những khuyết điểm gì.
Hắn muốn nói rõ hơn: Thưa anh tôi chưa biết
tôi mắc tội gì, tôi xin được biết để tôi tu dưỡng. Nhưng sợ rằng câu nói ấy ngụ
vẻ khiêu khích, bôi nhọ cơ quan an ninh. Làm gì có chuyện đi tù năm năm mà
chẳng biết mình mắc tội gì. Hắn phải thay chữ tội bằng chữ khuyết điểm. Thì
khuyết điểm cũng là tội chứ sao. Hắn nói và nghiêm trang nhìn ông Trần, dò xem
phản ừng trên nét mặt ông. Ông gật đầu như kiểu đã biết tình huống này từ lâu
rồi. Ông nói với vẻ nhẫn nại, cam chịu của một Chúa cứu thế:.
- Tôi biết. Tôi biết anh thắc mắc nhiều.
Phương pháp tư tưởng của anh khá chủ quan. Về chuyện ấy chúng tôi sẽ làm việc
với anh vào một dịp khác. Chắc chắn anh sẽ được thoả mãn.
Lại những điều muôn thuở, những lời nói kiểu
đánh đố làm hắn dị ứng. Nhưng hắn vẫn lễ phép vâng vâng. Hắn đã thực hiên được
phương châm tự đề ra cho mình từ khi bị bắt. Thái độ mềm dẻo, khiêm tốn, nhưng
cứng rắn về nguyên tắc. Không lùi bước trước bất kỳ ai, bất kỳ sự dung doạ nào.
Như vậy, dù sao buổi gặp ông Trần cũng đạt được mục đích: Thay mặt lãnh đạo
thành phố, Sở Công an, ông Trần đồng ý cho hản đi làm trở lại, hắn được làm thi
đua, con hắn được đi học đại học. Đó là nhửng thắng lợi quan trọng. Đó là những
yếu tố pháp lý mà hắn sẽ nắm lấy để nói chuyện với những người còn muốn giết hắn,
đầy đọa hắn. Hắn đã làm ông Trần hiểu hắn hơn. Hiểu những gì hắn đã chịu, đang
chịu, hiểu tâm tư nguyện vọng chân thành của hắn. Hiển nỗi đau của vợ hắn. Và
hắn cũng hiểu ông Trần hơn. Hắn hiểu bọn cán bộ trung gian đã xuyên tạc hắn với
ông. Chỉ bằng vào việc họ gọi vợ hắn về không cho học nữa là đủ biết bọn ấy
thật độc ác và lộng quyền. Chính bọn ấy đang phá chế độ, phá Đảng, đang phá
hoại lòng tin của quần chúng. Họ làm những việc tầy đình trắng trợn mà lãnh đạo
không hay biết gì cả. Việc của hắn nếu ông Trần hay biết từ đầu thì đâu đến
nỗi. Hắn tin rằng cùng với thời gian, ông Trần sẽ hiểu hắn hơn nữa và sẽ đối xử
với hắn, với vợ con hắn không đến nỗi nào. Tất nhiên hắn chẳng mong ông kỷ
luật, khiển trách mắng mỏ cái làng kính trung gian ấy, nhưng ông sẽ không đến
nỗi khắt khe với hắn như chính bọn “lăng kính”, bọn ông Lan, ông Quảng.
Nghĩ đến Ngọc bị đuổi học, nghĩ đến lời giải
thích của ông Quảng về chuyện gọi Ngọc về để trông nom con cái và sự sửng sốt
của ông Trần, hắn căm thù vị trưởng phòng đặc trách ván hoá phương phi, phúc
hậu và nghĩ hẳn ông Trần đã thấy được hắn bị đối xử quá đáng như thế nào. Hắn
tin ông Trần bắt đầu nhìn thấy sự thật. Sẽ thay đổi cách đối xử với hắn. Ông đã
hứa với hắn về công việc, lại có sự giúp đỡ của ông Hoàng, hắn sẽ thuận lợi.
Điều đó là tối thiểu. Hắn phải được hưởng điều tối thiểu ấy. Hắn muốn được giải
quyết tận gốc cơ. Hắn có tội hay không có tội. Bản thảo hắn tốt hay xấu? Bởi
thế hắn lễ phép nói với ông Trần trước khi ra về:
- Thưa anh, tôi rất cám ơn anh đã cho tôi được
gặp, cho tôi được đi làm và các con tôi sẽ được vào đại học. (Phải nhấn lại một
lần nữa những điều quan trọng ấy chứ). Tôi tha thiết đề nghị anh chỉ thị cho
tôi xin lại bản thảo của tôi. Đó là tất cả gia sản, công sức mười năm lao động
miệt mài của tôi. Thực sự tôi đã bị tịch thu tài sản.
Hắn nói với giọng đau khổ van xin cầu khẩn của
một kiếp giun dế nhỏ mọn để tăng thêm sức thuyết phục, để lời đề nghị của hắn
không hàm một ý hỗn xược, xấc láo nào có thể làm ông phật ý. Ông Trần gật đầu
và nhiệt tình đáp:
- Được, anh cứ yên tâm. Bản thảo của anh là
của anh.
Hắn thuật lại cho Bình nghe. Bình gầm gừ, uất
hận:
- Đã đành phải nhấn mạnh với bọn ấy để chúng
nó hiểu không phải chỉ cái xe đạp, cái áo sơ-mi mới là tài sản, nhưng bản thảo
của mày không chỉ là tài sản của mày, đó là tài sản quốc gia.
Đụng đến điều ấy là Bình uất hận. Đó là chỗ
nhạy cảm nhất trong thần kinh của anh. Anh lầu bầu:
- Bọn phá hoại văn hóa.
Điều ấy hắn cũng thừa biết, hắn còn nghiền
ngẫm nhiều hơn, nhưng hắn không dám nói ra. Hắn sợ với cả Bình, sợ với chính
hắn. Hắn sợ cứ nói thế thì đâm quen đi, mà muốn không nói thì trước hết phải
đừng nghĩ. Hắn rụt rè với mọi người và đâm ra rụt rè với chính mình. Rụt rè cả
trong suy nghĩ. Thực ra hắn rất muốn nói với ông Trần: “Tôi không xin anh sự
chiếu cố, sự khoan hồng. Tôi chỉ muốn được hưởng luật pháp. Tôi xin anh một lời
buộc tội”.
Đó là những lời thẳng thắn, là bản chất của sự
việc, là sự chân thành và cũng là mục đích của luật pháp, mục tiêu của Sở Công
an nữa mà sao nghe cứ như khiêu khích. Nên chỉ đến khi ngồi một mình hắn mới
nghiền ngẫm vụng những câu đối thoại ấy trong chốc lát. Cho nó hả trong đầu tí
chút. Rồi thôi.
CHƯƠNG 56
Tiếng lành đồn xa. Chuyện hắn gặp ông Trần và
những lời ông Trần hứa hẹn với hắn đã được nhiều người biết. Chắc chắn anh Thân
và Bình là những người háng hái phổ biến tin này, kèm theo vài lời bình luận về
sự giải quyết có lý có tình của thường vụ - tức là của ông Trần, cũng có nghĩa
là hắn chẳng có tội tình gì.
Sau buổi đó ít lâu, nghĩa là đã bước sang năm
1975, năm được ghi vào lịch sử đất nước và lịch sử đời hắn như những cái mốc
quan trọng: Năm toàn thắng ở miền Nam, năm hắn được đi làm. Một người bạn thân
của anh Thân, một người quen hắn, yêu quí hắn, đến nhà hắn mang theo nửa ki-lô
chè búp loại ngon nhất, một xếp giấy trắng, một mớ những bản báo cáo đã đánh
máy, bảo hắn:
- Lãnh đạo thành phố cho ông đi làm rồi, phải
không? Ông về chỗ tôi. Trong khi chờ đợi, ông giúp tôi! Tôi phải báo cáo điển
hình ở hội nghị tổng kết của Bộ Lao động. Ông cố giúp tôi. Chè đây.
Và lấy từ trong túi ra nửa cây thuốc Tam
Thanh.
- Thuốc đây.
Đó là món nhuận bút đầu tiên khi hắn ra tù,
khoản thù lao của ông Thưởng, trưởng phòng lao động khu phố. Ông cũng là một
người khét tiếng với những dư luận bao quanh như ông Ngoãn, trưởng phòng thủ
công, em ruột ông Trần.
Người ta thêu dệt rất nhiều chuyện không hay
về ông Thưởng. Chuyện ông ăn đút lót, chuyện ông giàu có, chuyện gặp được ông
còn khó hơn gặp bí thư thành ủy. Chuyện ông gây khó khăn cho mọi người trong
việc cấp giấy đi làm... vv và vv...
Có lẽ chỉ hai điều đúng thôi: ông không biết
đi xe đạp. Và từ sáng sớm đã có nhiều xe đạp đón ông đi ăn sáng. Ai mời được
ông ngồi sau pooc - ba - ga chở ông đi thì đã có thể vênh mặt lên với người
khác được rồi.
Hắn chỉ thấy ông là người tuyệt vời. Ông trước
đây cũng là một cộng tác viên của báo. Hắn không để ý gì đến ông. (Vì ông thì
chẳng bao giờ có thể là nguyên mẫu cho một tác phẩm văn nghệ được. Phải là
những công nhân lò nung, những người thợ cơ khí, những người gác đèn ngoài đảo
xa). Nhưng ông Thưởng biết hắn, để ý đến hắn, quí hắn. Lòng quí mến của ông là
hoàn toàn thành thật, không vụ lợi. (Hắn thì đem lại cho ông mối lợi gì mới
được chứ). Ông quí hắn, vì ông có viết lách chút ít (một quí viết vài ba cái
tin thôi). Ông thấy rõ cái khổ của nghề cầm bút và tài năng của hắn. Ông quí
hắn, vì ông là bạn với anh Thân. Ông thương hắn, vì ông biết hắn chẳng có tội tình
gì mà trong ông vẫn còn sót một chút đặc tính của dân tộc: Sự thương vay.
Hắn đỡ các thứ trong tay ông, cảm thấy mình
trở lại làm người khi cầm xếp giấy và những bản báo cáo ông đưa hắn làm tài
liệu. Có lẽ Ngọc nói đúng: Hắn có quí nhân phù trợ. Ông Thưởng - cái ông trưởng
phòng không biết đi xe đạp và chỉ quen biết bình thường này - bỗng trở thành
ngôi sao chiếu mệnh cho hắn. Hắn nghĩ: Đời hắn nếu không có ông Hoàng, ông
Thưởng thì sẽ ra sao? Đã bao lần hắn nói: Trên có ông Hoàng, dưới có ông
Thưởng. Đó là những người hắn mang ơn cứu mạng. Những người sống tết, chết giỗ.
Đấy mới thật là những “người thay đổi đời tôi”.
Thỉnh thoảng đến thăm và cũng là để xem bản
báo cáo viết đến đâu rồi, ông Thưởng nhắc lại:
- Ông về chỗ tôi làm. Về với tôi. Đời ông có khốn
nạn thế này ông mới phải về với tôi. Chứ không làm sao tôi dám nói vậy.
Đó là những lời có thể làm người ta khóc được.
Vì vẫn được đánh giá đúng. Vẫn được coi trọng. Và muốn vợi cho nhau khổ đau...
Hắn viết cho ông cái báo cáo về giải quyết lao
động ở một khu phố. Đây sẽ là báo cáo minh hoạ, bổ sung cho báo cáo tổng kết
của Bộ trưởng. Hắn lại lúi húi ngồi viết. Lại thức khuya khuya một tý. Lại pha
trà. Lại đốt thuốc. Lại bơm thêm mực vào cái bút Pilot ngòi cánh sẻ bằng vàng
14 cara, người bạn trung thành không rời hắn suốt năm năm tù tội, theo hắn vào
tù từ ngày đầu tiên, ở xà lim 76, xà lim 75, lên đến tận V. Q. Hắn viết báo cáo
công phu như viết một truyện ngắn. Đó là sáng tác đầu tay của hắn trong khúc
đời mới. Ông Thưởng ghé lại đọc những trang đã viết và rất hài lòng. Một đệ tử
đèo ông bằng xe đạp đến nhà hắn, và đúng giờ hẹn lại đón ông. Hắn nghĩ hắn sẽ
làm quân của ông Thưởng thôi. Có một thủ trưởng như vậy, còn ao ước gì hơn. Ông
Thưởng bảo: ông đã đặt vấn đề xin hắn với tổ chức khu phố rồi. Tất cả đều ủng
hộ. Ông Trần đã bật đèn xanh thì cứ thế mà làm, chẳng ai nghi ngại điều gì.
Hắn làm đơn xin việc gửi ông Thưởng. Xin vào
chỗ ông Thưởng có một điều thuận tiện là chỉ cần lá đơn ấy thôi. Làm đơn xin
vào nơi khác phải qua chỗ ông Thưởng, phải qua phòng lao động. Ông Thưởng nhận
đơn tại nhà hắn, nói cả với hắn về dự kiến phân công nữa. Hắn mong quá. Mong
từng ngày. Càng mừng càng mong. Càng mong càng sốt ruột. Năm ấy lại mưa dầm.
Mưa xuân ảo não, thúc giục. Thứ mưa xuân mịt mù trời đất, tê cóng trong lòng.
Những ngày mưa xuân đầu năm 1975, già Đô quần áo lên rêu cắm cúi trên những
đống rác mà hắn gạp lần cuối cùng ở cửa nhà hát. Hắn đã nhìn thấy ánh sáng ở
cuối đường hầm. Hắn sắp đi hết đoạn đường của hắn. Già Đô cũng sắp đi hết đoạn
đường của già. Bằng cách của già. Bằng cách nằm phiêu diêu và thấy mình như tan
đi...
Vào lúc đó cả miền Bắc bàng hoàng vì chiến
thắng.
Khi quân ta bắt đầu chia cắt quân địch, bao
vây Đà Nẵng thì hắn nhận được giấy mời ra đồn của công an khu phố. Hắn nghi
ngại. Hắn cảm thấy có một điều gì rất xấu đến với hắn. Linh tính mách bảo hắn.
Và hắn đã không nhầm. Đích thân ông Khuổng, thiếu tá trưởng khu công an tiếp
hắn. Cái quân hàm thiếu tá, lại là thiếu tá công an, thời đó giá trị lắm. Ông
thiếu tá có dáng cao, gầy răng trắng, sít nhau rất đẹp. Ông tiếp hắn như một
thiếu tá trưởng khu tiếp kẻ phạm tội đã hết hạn cải tạo: Bề trên, nghiêm khắc,
lạnh lùng, khinh khỉnh vv
Ông chỉ ghế cho hắn ngồi:
- Thế nào” Mấy hôm nay anh có nghe đài không?
- Thưa thiếu tá, có ạ. Tôi nghe tin tức qua
cái loa ở Ngã Bảy.
- Phấn khởi chứ?
Câu hỏi ấy có nghĩa là: Bọn chống Đảng, bọn
phản cách mạng các anh còn hoài nghi, còn mất lòng tin nữa không. Cách mạng
đang tiến bước, những bước quyết định. Các anh đã mở mắt ra chưa?
- Thưa ông, phấn khởi ạ.
Sao lại không phấn khởi khi cuộc chiến đẫm máu
kéo dài ba mươi năm có thể sẽ chấm dứt. Quả là không ngờ tình huống xảy ra
nhanh như vậy cùng với phương châm chiến lược nổi tiếng của ta: “Thần tốc” và
phương châm chiến lược nổi tiếng của Thiệu: “Tuỳ nghi di tản!”. Đã có lúc tưởng
chiến tranh sẽ kéo dài như Nam - Bắc phân tranh thời Trịnh-Nguyễn, như cuộc
chiến trăm năm của Pháp. Hy vọng đây là lần đổ máu cuối cùng. Để lại sống trong
hoà thuận. Để người đất mũi Cà Mau và người vùng biên giới Lạng Sơn gặp nhau có
thể vỗ vai nhau, gọi nhau là người anh em. Bởi vì chẳng bao giờ một người đánh
cá Phan Thiết lại nghĩ phải đi giết chết người thợ sơn tràng Bắc Giang và ngược
lại. Chiến tranh là kế tục của chính trị. Đây là cuộc chiến của hai ý thức hệ,
của hai hệ thống, đã có những lúc tưởng không có ngày cuối cùng, cuộc chiến dài
nhất thế kỷ này có thể sắp kết thúc. Để có thể chấm dứt canh vay tuổi quân,
cảnh làng xóm vắng ngắt thanh niên, cảnh xương máu trộn với bùn đất Trường Sơn.
Những bà mẹ khóc con, những người vợ trẻ goá chồng đã là nhiều quá rồi trên dất
nước này. Chiến tranh còn kéo theo nó bao nhiêu thứ. Chiến tranh ắt phải có
người bạn đồng hành: Tù đầy. Không thể nào khác được. Dù nó xảy ra ở đâu. Hắn
khẳng định phát hiện của mình. Chân lý ấy hắn đã khám phá ra bằng chính cuộc
đời hắn. Sau này khi nghe tin ở nước nào trên thế giới đang có chiến tranh, hắn
nghĩ ngay đến những nhà tù tất nhiên phải có ở nơi ấy nghĩ đến rất nhiều người
đau khổ và oan khuất bị lưu đầy tăm tối, dù màu da nào, dù chưa biết mặt, nhưng
đều là anh em, những người như hắn đã âm thầm góp vào cuộc chiến cái quí giá
nhất của đời mình: Tự do.
Chính lúc đang ngồi với ông Khuổng, hắn lại
nghiền ngẫm và khẳng định “công lao” của hắn đã đi tù để đóng góp vào chiến
thắng. Không ai có thể bác bỏ được điều ấy. Không ai có thể tước đi của hắn
niềm tự hào nhục nhã hắn có. Ông Khuổng chuyển giọng:
- Hôm nay chúng tôi mời anh ra đây để thông
báo với anh một việc.
Đó là giọng nói của nhà đương cục. Ông lạnh
lùng nhìn hắn:
- Chúng tôi đã quyết định: Anh không được đi
làm.
Hắn choáng váng. Lúc đó hắn choáng váng.
Nhưng sau này nghĩ lại hắn lại thấy đó là
những lời thành thật, dễ nghe. Hắn vẫn thường ao ước được nghe một câu nói
thẳng thắn của các ông công an:
“Tao giết mày đây. Tao đang giết mày”. Thế là
gọi sự việc bằng tên của nó. Là sự thẳng thắn, thành thật. Không giả dối, không
đạo đức giả. Dù sao cũng dễ chịu hơn nhịều so với giọng điệu bi thương: “Chúng
tôi giúp dỡ anh, cảnh tỉnh anh, để anh khỏi trượt sâu vào con đường tội lỗi”.
“Chúng tôi để chị Tuấn về không học nữa vì các cháu còn bé, không ai bảo đảm”.
Hắn ngồi lặng đi.
Đã nghĩ rằng việc gì cũng có thể xảy đến với
mình mà vẫn cứ lặng đi. Những việc tốt đẹp thế làm sao lại có được. Bây giờ mới
thật không ngạc nhiên về bất cứ vấn đề gì nữa.
- Thưa thiếu tá, anh Trần thay mặt lãnh đạo
thành phố, thay mặt Sở Công an đã nói với tôi là tôi được đi làm ở cơ quan nhà
nước, được làm những việc phù hợp với khả năng...
Hắn nói và đau khổ nghĩ rằng: Lẽ ra trong buổi
gặp ông Trần hắn phải viết ngay vào một tờ giấy nội dung quan trọng ấy và xin
ông Trần ký ngay vào đó. Dù như vậy có lố bịch đi chăng nữa, có biểu hiện thiếu
lòng tin đi chăng nữa, bất lịch sự chăng nữa. Ông Khuổng không che giấu sự giễu
cợt:
- Điều ấy anh đi mà hỏi anh Trần nhé. Còn tôi
nói: Anh! Không! Được! Đi! Làm!
Ông nói dằn từng tiếng, để nhấn mạnh tính xác
thực, trọng lượng của quyết định, giống cách nói của A Thềnh: Tôi! Không!
Lậm!Cậm! Đâu! ông còn bồi thê-m một đòn nữa. Hình như ông đoán được hắn đang nghĩ
gì.
- Tôi đã chỉ thị cho tiểu khu rồi. Tiểu khu
không được ký giấy cho anh đi làm.
Đúng là lúc ấy hắn đang nghĩ đến ông Hoàng.
Ông Khuổng không cho hắn đi làm, ông Thưởng chịu bó tay, nhưng ông Hoàng thì
chẳng đời nào. Ông Khuổng là ai, hẳn ông Hoàng không biết tới sự tồn tại của
ông. Hắn nghĩ là hắn vẫn được đi làm, bất chấp ông Khuổng không cho hắn đi.
Nhưng điều ông Khuổng vừa nói làm hắn hoảng sợ. Đúng là hắn phải chịu ông. Ông
Hoàng cũng phải thua ông. Tiểu khu không xác nhận, không ký vào đơn, phòng lao
động không thể nào cấp giấy cho hắn được. Một đòn chết tươi, không thể chống
đỡ. Cái gót chân Asin mà các ông ấy đã nghiền ngắm rất kỹ. Hắn chỉ còn một con
đường: Chết trong khi sống.
CHƯƠNG 57
Hắn không thể chấp nhận điều ấy. Hắn tìm gặp
ông Trần, nhưng sao gặp được ông. Hắn vẫn tin rằng nếu gặp được ông Trần, mọi
sự sẽ được giải quyết. Hắn bảo với những người thân:.
- Chính ông Trần đã đồng ý cho tôi đi làm mà
ông Khuổng lại bảo thế.
Nhưng anh Thân lắc đầu:
- Ông Trần nói vậy thôi. Việc này là do chính
ông Trần.
Hắn ngớ ra:
- Sao? Anh bảo gì?
Anh Thân cắm phẫn:
- Bố thằng Khuổng sống lại cũng không dám làm
trái ý ông Trần.
- Nghĩa là...
- Nghĩa là ông Trần nói với chú thế thôi, sau
đó ông Trần chỉ thị cho thằng Khuổng những việc ngược lại để nó làm với chú.
Hắn cố bám vào một dẫn chứng khác:
- Cũng có thể chỉ là bọn trung gian. Như nhà
em đang đi học bị bọn Quảng, Lan gọi về dấy, ông Trần có biết đâu. Em nói, ông
ấy cứ ngớ ra.
Anh Thân càng căm phẫn hơn:
- Cũng là ông Trần hết. Không có lệnh ông
Trần, thằng Quảng sao dám tự tiện gọi thím ấy về. Bố bảo!
Lúc bấy giờ hắn chưa tin ngay lời anh Thân.
Hắn chỉ ngờ ngợ thôi. Nhưng khi bình tĩnh lại, hắn suy xét và thấy anh Thân
đúng. Nhất là sau này khi ông Bượng đã về hưu, ông nói với hắn hết. Đúng là mọi
điều đều ở ông Trần. Sao ông ác thế Hắn không hiểu nổi. ác và xảo quyệt. Hắn
chưa từng gặp một người như ông.
Nhưng vậy sao ông lại gặp hắn, hứa hẹn với
hắn?
Hắn suy nghĩ và thử đi tìm nguyên nhân. Tại
ông Hoàng, nên ông Trần phải làm động tác giả ấy. Cũng có thể đơn giản là ông
muốn gặp hắn, nhìn con người đã bị ông hại, nhìn cái xác chết còn muốn gượng
gạo ngồi dậy. Cũng có thể ông muốn tạo một dư luận tốt về mình trong thành phố,
chuẩn bị cho kỳ đại hội Đảng tới. Ông thâm hiểm thế, nào ai biết được vì sao
ông gặp hắn. Chỉ có điều chắc chắn là ông Khuổng không thù oán gì hắn chẳng bao
giờ lại làm một việc ngu ngốc là chống lại ông Trần, chống lại lãnh đạo thành
phố. Điều ấy rõ ràng như ông Khuổng không là một người điên vậy.
Đúng như hắn dự đoán. Ông Trần lên như diều.
Từ giám đốc Sở Công an ông lên làm bí thư thành uỷ. Rồi ông lên trung ương, làm
thứ trưởng. Ông đi thăm các báo. ảnh ông in trên trang nhất, ngay dưới
măng-sét. Hắn hiểu đời hắn không còn chút hy vọng gì nữa. Và hắn buồn rầu nghĩ:
Những người như ông Trần mà được tín nhiệm như vậy thì chẳng riêng gì đời hắn,
đời bao người khác cũng không hy vọng nhiều nhặn gì đâu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét