Phan Châu Trinh (1872-1926) |
Nguyên Ngọc - Đầu thế kỷ XX, sau thất bại của các cuộc khởi
nghĩa Cần vương, đã xuất hiện Phong trào Duy Tân, thoạt tiên được khởi xướng
bởi một nhóm trí thức ưu tú, thường được gọi là “bộ ba Quảng Nam” gồm Phan Châu
Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng. Phong trào nhóm lên ở Quảng Nam, nhanh
chóng loan ra khắp Trung Kỳ, ảnh hưởng sâu rộng đến cả nước, đưa tới cuộc Trung
Kỳ dân biến năm 1908, cuộc bạo loạn chống Pháp lớn nhất trước Cách mạng tháng Tám.
Cuộc nổi dậy bị đàn áp nặng nề, Trần Quý Cáp bị chém ở Khánh Hòa, Phan Châu
Trinh bị đày ra Côn Đảo, về sau thoát tù đã sang Pháp để tiếp tục hoạt động,
đến năm 1925 trở về nước, và mất ngày 24/3/1926, đến nay vừa đúng 85 năm. Huỳnh
Thúc Kháng cũng bị đày Côn Đảo, sau khi ra tù đã chuyển sang hoạt động hợp
pháp, chủ trương báo Tiếng Dân, tờ báo đậm khuynh hướng yêu nước chống Pháp
sống được lâu nhất dưới thời Pháp thuộc; và trong số ba người, ông cũng là
người còn sống được lâu nhất, để trở thành Phó Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ
cộng hòa bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1945.
Có một điều cần chú ý: cuộc nổi dậy rung trời
chuyển đất năm 1908 không hề nằm trong ý đồ hay kế hoạch của những người chủ
chốt khởi xướng phong trào Duy Tân, họ không hề lãnh đạo nó, nó nằm ngoài ý
định của họ, thậm chí ngược với nguyện vọng và chương trình của họ. Có lẽ đó là
một điều chúng ta sẽ cố gắng tìm hiểu, thử giải thích đôi phần hôm nay.
Nói về người đồng chí thân thiết nhất của mình,
cũng là người đứng đầu nhóm “bộ ba Quảng Nam”, Huỳnh Thúc Kháng có một đánh giá
rất đáng chú ý, ông gọi Phan Châu Trinh là “nhà cách mạng đầu tiên của Việt
Nam”. Như thường thấy ở các nhà Nho uyên thâm chuyển sang Tây học và sử dụng
chữ quốc ngữ, Huỳnh Thúc Kháng vốn là người rất nghiêm túc, cẩn trọng, súc tích
trong từng câu chữ phát ngôn. Chắc chắn đánh giá trên đây của ông dựa trên
những suy ngẫm sâu xa, những hiểu biết rất kỹ về người đồng chí tâm huyết nhất
của mình, và những so sánh không hời hợt. Ông hiểu nhà cách mạng không chỉ là
người mưu đồ một cuộc nổi dậy, chủ trương một cuộc khởi nghĩa, lật đổ một chính
quyền… Nhà cách mạng là người muốn thay đổi một xã hội, biến đổi số phận một
dân tộc, chuyển cuộc sống của đất nước và con người sang một cấp độ khác, một
đường hướng và một thời đại khác. Chính vì nhận thức như vậy nên ông đã không
dành danh hiệu ấy cho ai khác trong những người chiến sĩ và anh hùng cùng thời
với ông, ngoài Phan Châu Trinh.
Để cố gắng tìm hiểu đánh giá thoạt nghe có thể
đáng ngạc nhiên này, có lẽ cần trở lại dù chỉ rất vắn tắt hành trình tư tưởng
và hoạt động của Phan Châu Trinh.
"Đọc
sách mới"...
Phan Châu Trinh sinh năm 1872 tại làng Tây Lộc,
huyện Hà Đông, nay là huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Cha ông hy sinh trong
cuộc khởi nghĩa Cần Vương do Trần Dư và Nguyễn Duy Hiệu cầm đầu. Năm 29 tuổi đỗ
Phó bảng, cùng khoa với cụ Nguyễn Sinh Huy, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; sau
đó làm thừa biện, một chức quan nhỏ ở bộ Lễ của triều đình Huế. Những ai đã đọc
qua dù chỉ đôi chút về Phan Châu Trinh đều biết ông rất khinh bỉ, căm ghét, đả
kích kịch liệt vua quan triều đình Huế. Vậy tại sao ông lại ra Huế và làm quan?
Huế bấy giờ là kinh đô, nơi diễn ra đời sống chính trị và văn hóa quan trọng
nhất, nơi hội tụ và liên lạc rộng rãi với những nhân vật ưu tú trên cả nước… Và
điều còn quan trọng hơn: là đầu mối (cùng với Hội An một phần) qua đường biển
tiếp nhận tài liệu đến từ Trung Hoa cũng đang sôi sục trăn trở tìm đường. Nhà
nghiên cứu Nguyễn Văn Dương trong Tuyển tập Phan Châu Trinh, ở phần Niên biểu,
về những năm này chỉ ghi rất gọn mà đầy ý nghĩa: “1903: Làm quan ở Huế. Đọc
sách mới. Kết giao với Phan Bội Châu… Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp cũng ra
Huế đọc sách mới.” Năm 1904, Phan Châu Trinh từ quan. Còn Trần Quý Cáp và Huỳnh
Thúc Kháng đỗ cao song không hề chịu làm quan, nhưng cũng ra Huế, để “đọc sách
mới”. Cùng có mặt ở Huế và cùng say sưa “đọc sách mới” bấy giờ còn có nhiều trí
thức nổi tiếng: Phan Bội Châu, Đào Nguyên Phổ, Vũ Phương Trứ… Nhiều người khác
như Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế, Nguyễn Hiệt Chi, Lương Văn Can… ở Bắc, Hồ Tá
Bang, Trần Lê Chất, Nguyễn Trọng Lợi… ở trong Nam, tuy không về Huế nhưng đều
liên lạc với trung tâm Huế, và cũng chủ yếu để “đọc sách mới”.
“Sách mới” là chữ của Nguyễn Văn Dương dịch cái
mà hồi ấy người ta quen gọi là “Tân Thư”. Hẳn rồi đến một lúc cần trở lại
nghiên cứu những “tân thư”, hiện tượng “đọc tân thư” sôi nổi một thời ấy, hiểu
cho rõ tác động của chúng đối với một giai đoạn có thể có tính quyết định của
lịch sử cận đại nước ta. Tân Thư là các sách được chuyển sang từ Trung Quốc,
gồm các tác phẩm của Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi, và các sách của Nhật, của
Pháp được dịch ra chữ Hán, trong đó các tác phẩm kinh điển của Montesquieu (mà
người ta dịch là Mạnh Đức Tư Cưu) và Jean Jacques Rousseau (được dịch là Lư
Thoa). Sau khi đọc Tân thư, Trần Quý Cáp thổn thức: “… nửa đêm tỉnh giấc, nước
mắt đầm đìa”. Tân Thư đã gây chấn động dữ dội trong tất cả tầng lớp tinh hoa
yêu nước đang đau đáu tìm đường trong thế cùng cực bế tắc sau thất bại Cần
Vương anh hùng mà tuyệt vọng. Tìm đường, đi con đường nào đây để có thể cứu
nước, đưa dân tộc thoát ra khỏi vòng nô lệ? Tân Thư thổi một luồng gió mới vào
những đầu óc đang cháy bỏng bấy giờ. Tác động của nó cực kỳ to lớn. Tuy nhiên,
đều là những nhà ái quốc tâm huyết, mỗi người đã chịu tác động đó một cách khác
nhau, đi đến những suy ngẫm và những kết luận khác nhau, theo cách nói ngày
nay, những phương án chiến lược khác nhau. Chính ở đây ta nhận ra chân dung tư
tưởng và văn hóa, chính trị đặc sắc, có thể nói đặc sắc đến “độc nhất”, của
Phan Châu Trinh. Trong một nghiên cứu gần đây (tháng 9-2010) tác giả Lê Thị
Hiền Minh ở Đại học Québec, Canada viết: “Khác với Phan Bội Châu chỉ thấy ở đấy
một cuộc chiến đấu vũ trang đánh đuổi người Pháp ra khỏi Việt Nam cũng giống
hệt như tổ tiên ông đối với quân xâm lược Trung Hoa, Phan Châu Trinh đã nhận
ngay ra một vấn đề phức tạp hơn là một cuộc ngoại xâm về mặt lãnh thổ: vấn đề
trang bị cho “những người yếu hơn” các phương tiện để bước vào một cuộc tiến
hóa ở cấp độ toàn cầu, đưa dân tộc Việt Nam lên con đường hiện đại hóa.”1. Như
vậy, nếu đối với hầu hết những chí sĩ yêu nước đương thời, chấn động của Tân
thư chỉ là thêm một kích thích mạnh mẽ ý chí dân tộc, tinh thần chống ngoại
xâm, mà không dẫn đến một đường hướng gì mới về căn bản, do chưa có thay đổi gì
về tầm nhìn; thì ở Phan Châu Trinh (và hai người đồng chí thân thiết nhất của
ông trong bộ ba Quảng Nam) nó mở ra một chân trời hoàn toàn khác; như cách nói
ngày nay, nó mở ra cho ông chân trời “toàn cầu hóa”. Ông là người đầu tiên nhận
ra phương Tây, không chỉ là một phương Tây kỹ thuật tiên tiến như Phạm Phú Thứ,
thậm chí như Nguyễn Trường Tộ đã thấy và lo lắng …, mà là một phương Tây văn
hóa, văn minh, khác hẳn và cao hơn cái thế giới hạn hẹp phương Đông ta từng
biết xưa nay và vẫn loay hoay tìm đường trong đó.
Pháp (và phương Tây nói chung bấy giờ) là thế
lực (puissance) hoàn toàn khác với Trung Hoa, mối uy hiếp mà Việt Nam đã thành
công trong việc giữ một khoảng cách nhất định suốt gần một nghìn năm. Giữ được
như vậy là vì dù tương quan lực lượng đã nhiều lần hết sức chênh lệch, nhưng
hai bên đều thuộc cùng một thời đại lịch sử, một nền văn minh tương đồng. Thắng
lợi của Việt Nam chống đồng hóa Trung Hoa suốt nghìn năm, như chúng ta đã nói
nhiều lần, là thắng lợi văn hóa. Thắng lợi văn hóa trong khung khổ đóng kín của
phương Đông, hay cũng có thể nói khung khổ thế giới Hán hóa (sinisé).
... và
bài học về văn hoá
Giáp mặt với Pháp, với phương Tây, “sự thống
nhất văn hóa và chính trị cho đến nay được bảo vệ bằng việc giữ gìn các giá trị
Khổng giáo bị lay chuyển bởi các giá trị của thiên chúa giáo và, ít nhận ra
được rõ hơn, bởi việc du nhập một hệ chữ viết dựa trên nguyên tắc Hy-La, chữ
Quốc ngữ, được coi là ngôn ngữ chính thức song song với chữ Pháp từ năm 1878…”2
Nhà sử học David Marr viết: “Việt Nam đi vào một biện chứng văn hóa và bản sắc
quyết định; việc mất lãnh thổ lại cộng thêm mối uy hiếp mất tiếp ngay các quy
chiếu tâm lý-xã hội văn hóa… Thế hệ các nhà nho trưởng thành vào những năm 1900
bị ám ảnh bởi hình ảnh 'mất nước', không chỉ theo nghĩa chính trị, mà còn
nghiêm trọng hơn là mất 'một sự sống còn về sau với tư cách là người Việt Nam'
”… Có lẽ lâu nay, khi nói về tình thế của đất nước vào đầu thế kỷ XX chúng ta
đã tập trung chú ý vào sự mất mát đau đớn lãnh thổ, mà chưa làm rõ được hết
những khía cạnh sâu xa và tinh tế này của xã hội khi đối mặt với phương Tây,
với cuộc “toàn cầu hóa” lần thứ nhất, có thể gọi như vậy, mà Phan Châu Trinh,
với một cái nhìn sáng suốt đã là người duy nhất nhận ra một cách hết sức tỉnh
táo và sáng rõ. Ông nhận ra không chỉ tai họa đau đớn mất lãnh thổ quốc gia
(như trong lịch sử ta đã nhiều lần mất vào tay Trung Hoa), mà lâu dài hơn, sâu
sắc hơn, căn bản hơn, khó khăn hơn, nguy hiểm mất còn hơn, ông nhận ra một cuộc
khủng hoảng văn hóa nghiêm trọng, thậm chí chưa từng có; điều mà David Marr chỉ
ra là ở “các quy chiếu tâm lý-xã hội văn hóa”. Về sau Hoàng Xuân Hãn nói rằng
chỗ độc đáo và đặc sắc nhất của Phan Châu Trinh so với tất cả những người ưu tú
nhất đương thời, là ông đã đi tìm và tìm thấy nguyên nhân mất nước, dân tộc sa vào
vòng nô lệ bi thảm, ở trong văn hóa, trong sự lạc hậu nguy hiểm về văn hóa của
Việt Nam, lạc hậu cả một thời đại, so với thế giới văn minh rộng lớn, toàn cầu,
và Việt Nam từ nay không thể sống còn ngoài cái thế giới ấy, cái toàn cầu ấy,
mà các tân thư đã mở mắt cho ông nhìn thấy. Vậy nên, tôi nghĩ có thể nói mà
không hề sợ quá đáng, Phan Châu Trinh là nhà văn hóa tiên phong và lớn nhất của
Việt Nam trong thế kỷ XX – và có thể cả thế kỷ sau đó nữa như ta sẽ suy nghĩ
thêm. Và bài học lớn nhất của Phan Châu Trinh để lại cho chúng ta là bài học về
văn hóa.
Từ nhận thức cơ bản đó, ông đặt lên hàng đầu
nhiệm vụ và chương trình đưa dân tộc vào “một cuộc tiến hóa ở cấp độ toàn cầu,
đưa dân tộc Việt Nam lên con đường hiện đại hóa”. Và như vậy, vấn đề lãnh thổ,
khôi phục lãnh thổ quốc gia, tức vấn đề độc lập, được coi như là một bộ phận
cần thiết nhưng không phải là cứu cánh của chương trình dài hạn rộng lớn, cơ
bản hơn nhiều, mà ông biết và chủ trương phải tiến hành từng bước.
Ta từng biết Phan Châu Trinh có chủ trương tự
trị; và đi đến tự trị bằng con đường hòa bình, không bao động. Hẳn cần nói rõ,
dù chỉ là phần nào, về tư tưởng này của ông, hình như lâu nay thường khá bị
hiểu lầm. Trong chủ trương này có phần mà ông gọi là “Ỷ Pháp cầu tiến bộ”, học
lấy ngay cái hay chắt lọc được của đối thủ để đem lại sự tiến bộ cho dân ta.
Thực ra trong suốt lịch sử lâu dài bài học này vốn không lạ với người Việt. Tổ
tiên ta đã học biết bao nhiêu của Trung Hoa để góp cho sự trưởng thành toàn
diện và cả cho sức mạnh chống ngoại xâm của dân tộc. Huống nữa học lấy văn minh
phương Tây mà ta biết ta đã chậm trễ mất cả một thời đại là vô cùng cần thiết
và cấp bách. Tuy nhiên, tư tưởng về tự trị của Phan Châu Trinh không chỉ bó hẹp
trong ý nghĩa đó. Trong luận văn đã nhắc đến trên đây của Lê Thị Hiền Minh, tự
trị được dịch là autonomie. Và theo từ điển autonomie được giải thích: “Quyền
tự trị. Quyền tự do, độc lập về đạo đức hoặc về trí tuệ”. Đây là khía cạnh và
nội dung quan trọng trong chủ trương lớn của Phan Châu Trinh. Lê Thị Hiền Minh
viết: “Dự án hiện đại hóa Việt Nam của ông (Phan Châu Trinh), trong thực tế, là
một dự án tự trị hóa (autonomisation) trong đó sự tự trị cá nhân và tập thể của
những người Việt Nam sẽ thúc đẩy đất nước lên những đường ray của hiện đại hóa
và văn minh”. Vậy rõ ràng ở đây có thể thay từ tự trị (thường chỉ được hiểu
theo nghĩa một thiết chế chính trị) bằng từ tự chủ. Và từ đó, khẩu hiểu nổi
tiếng của Phan Châu Trinh “Khai dân trí” cũng rõ ràng bộc lộ một ý nghĩa sâu xa
mà có lẽ lâu nay chúng ta cũng chưa thấu hiểu hết tinh thần. Khai dân trí chính
là xây dựng nên con người tự chủ, cá nhân tự chủ, để đi đến tập thể tự chủ. Nhà
nghiên cứu Verbunt viết: “Chính trong sự tự trị được hiểu là một sự tự tổ chức
quản trị trong liên quan phụ thuộc lẫn nhau… Phan Châu Trinh tìm thấy một sức
mạnh giải phóng chứ không phải một nền độc lập như Phan Bội Châu. Theo nghĩa
đó, tự trị là “giá trị cho phép cùng tồn tại với những người khác mà ta không
còn có thể áp đặt nền văn hóa của mình. Quyền của các thiểu số được xác định trong
chính chuyển động cơ bản này”. Tác giả này còn nói rõ hơn: “Bởi mọi tập thể đều
gồm những cá nhân, nên sự tự trị như một tiến trình không thể được trao cho một
tập thể người mà không đi qua từng người. Tiến trình mà chúng ta gọi là “tự trị
hóa” đó trước hết phải là một tiến trình riêng biệt (tức của từng cá nhân, từng
cá nhân tiến đến tự chủ) trước khi đạt đến một kích thước tập thể, và việc đó,
thông qua giáo dục, theo Phan Châu Trinh mà khái niệm tu thân trong tự phát
triển của mỗi người không hề xa lạ… Dự án tự trị hóa của Phan Châu Trinh đồng
thời là một dự án giáo dục hiện đại đưa mọi người Việt Nam qua con đường của
trường học tự do ở Bắc Kỳ (tức mô hình Đông Kinh Nghĩa Thục) và một dự án xã
hội-kinh tế nhằm thiết lập một hệ thống hỗ trợ tập thể cho sự phát triển của
các tổ chức kinh tế…”
“Khai dân
trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh”…
Ở đây cần đặc biệt chú ý tư tưởng của Phan Châu
Trinh về giáo dục nhấn mạnh đến việc xây dựng cá nhân tự chủ, mà ông coi là cơ
sở của tự chủ tập thể, tự chủ dân tộc. Nhiều tác giả nghiên cứu các văn bản của
Phan Châu Trinh, đặc biệt các thư ông viết cho Toàn quyền Beau, cho vua Hàm
Nghi, cho vua Khải Định nêu bật cách xưng hô của Phan Châu Trinh được cho là
hoàn toàn có ý thức: ông luôn xưng “tôi”. Chúng ta biết về mặt từ nguyên “tôi”
vốn xuất phát từ quan hệ “vua-tôi”, với ý nghĩa là “tôi tớ, thần dân của vua”.
Phan Châu Trinh xưng tôi với ý nghĩa khác, ý nghĩa được Alexandre de Rhodes chỉ
ra khi ông coi từ này là tương đương với ego trong tiếng La-tinh. “Tôi” của
Phan Châu Trinh chính là cái “le moi” phương Tây. Một cái tôi độc lập, có ý
thức về nhân cách độc lập và ngang bằng của mình với người đối thoại. Phan Châu
Trinh luôn xưng “tôi” trong tất cả các văn bản viết cho nhân dân, cho người cấp
trên, cho các quan chức Pháp và Việt. Trong thư gửi Toàn quyền Beau năm 1907,
ông mở đầu: “Tôi, Phan Châu Trinh, thự trước tác hậu bổ, tỏ bày cái tình trạng
nguy cấp ở nước Việt Nam…”. Năm 1922, trong thư Thất điều gửi Khải Định, ông
viết: “Tôi, Trinh, sinh găp lúc: trong thì nước nhà nghiêng ngập, ngoài thì các
nước đua tranh lên đường tiến bộ…” Lê Thị Hiền Minh nhận xét: “Phan Châu Trinh
nói với toàn quyền Beau với tư cách là viên chức nói với viên chức, nhà chuyên
môn nói với nhà chuyên môn, con người nói với con người”. Một nhà nghiên cưu
khác, Trương, B.L. thì viết: “Là con người tư duy tự do, có thể nhìn chính lịch
sử của dân tộc mình với một khoảng cách, chính là với tư cách “con người đích
thực” (“personne authentique”) mà Phan Châu Trinh đã viết cho toàn quyền Beau:
“Tôi, Phan Châu Trinh, quan chức cũ…”. Guidon cho rằng “bản sắc cá nhân đó (ở
Phan Châu Trinh) đòi hỏi một hệ đạo đức thẩm nhập suốt đời, hệ đạo đức của một
công dân tự do đảm nhận các quyền và các bổn phận của mình”.
Hình như lâu nay khi nghiên cứu về hệ thống các
trường Duy Tân mà bộ ba Quảng Nam đã lập được ở tỉnh nhà trong khoảng thời gian
từ năm 1903 đến 1908, cũng như về trường Đông Kinh Nghĩa Thục, chúng ta chưa
chú ý tìm hiểu kỹ nội dung và tính chất rất quan trọng này trong quan điểm giáo
dục ở các cơ sở nói trên. Chúng ta đã nói nhiều về tinh thần yêu nước, ý chí
chống ngoại xâm được kích thích, cổ vũ mạnh mẽ, tinh thần thực hoc ở đây, mà
chưa làm rõ được triết lý về xây dựng con người hiện đại tự trị, tự chủ, con
người tự do trước hết tự trong chính mình còn sâu xa hơn nhiều của các trường
này.
Dò lại hành trình tư tưởng của ông, đọc lại kỹ
các trước tác của ông, ta nhận ra rõ ở chính Phan Châu Trinh hình ảnh tiêu biểu
của một con người như vậy. Và một con người đạt được đến tự do như vậy thì có
khả năng đặt biệt là giữ được khoảng cách với mọi điều đã được coi là “chân
lý”, là “lịch sử”, kể cả với lịch sử của chính dân tộc mình.
Chính với khoảng cách độc lập đặc sắc đó, đầy
trách nhiệm và cực kỳ dũng cảm, Phan Châu Trinh đã ráo riết chỉ ra hai nhược
điểm chí tử của dân tộc, đặc biệt trong hoàn cảnh của “toàn cầu hóa”, mà thẳng
thắn một cách phi thường ông cho là tập trung rõ nhất, cực điểm nhất ở một con
người đương thời lừng danh mà ông rất thân thiết, yêu mến, kính trọng và bảo
vệ: Phan Bội Châu. Hai nhược điểm chí tử: một mặt chủ nghĩa yêu nước hẹp hòi,
sô vanh, mặt khác, nghịch lý thay, ý thức vọng ngoại mù quáng. Ông nói về Phan
Bội Châu, mà cũng là nói về dân tộc mình, chẳng hề một chút khoan nhượng, nương
nhẹ: “Phan Bội Châu là người chưng ra rõ nhất những tập quán dân tộc hình thành
trong lịch sử của dân tộc Việt Nam suốt thiên niên kỷ qua. Nếu có ai đó không
biết bản chất thật của người Việt Nam, thì hãy cứ nhìn ông ấy. Dân tộc ta có
tình yêu nước hẹp hòi và ở ông ấy, tư tưởng sô vanh lên đến cực điểm. Dân tộc
ta có tính vọng ngoại và ở ông ấy, sự phụ thuộc vào sức mạnh bên ngoài lên đến
tối đa. Dân tộc ta thiếu tinh thần độc lập và ở ông ấy cái thiếu đó càng rõ rệt
hơn cả …”.
Phan Châu Trinh coi ý nghĩa của cuộc đời ông là
nỗ lực cứu nhân dân thoát ra khỏi những điểm yếu chí tử ấy, tự xây dựng cho
mình, từ từng cá nhân, đến toàn dân tộc ý thức tự chủ - mà ông gọi là tự trị.
Tư tưởng đó tập trung trong khẩu hiệu nổi tiếng của ông: “Khai dân trí, Chấn
dân khí, Hậu dân sinh”…
Trong một thời gian ngắn hôm nay hẳn không thể
nói kỹ và sâu hết về tư tưởng của Phan Châu Trinh mà dẫu chỉ điểm qua ta đã có
thể nhận ra tính hệ thống, liên hoàn chặt chẽ, sâu sắc, và tính hiện đại đáng
kinh ngạc của nó. Chương trình của ông là chương trình thay đổi một dân tộc,
sửa chữa và làm lại nó, tự trong chiều sâu nhất của nó, chiều văn hóa, để nó có
thể tồn tại và phát triển trong một thế giới tất yếu toàn cầu hóa.
Kẻ “lạc lối
trời Âu”...
Cũng như tất cả những nhà tiên phong, những nhà
khai sáng chân chính, nghĩa là những người đi trước, Phan Châu Trinh đã cô đơn
trong cuộc đời của ông, và theo một ý nghĩa nào đó, cả về sau nữa. Ông không
được sự đồng tình của phần lớn giới sĩ phu cùng thời, trong đó có vị sĩ phu ông
kính trọng nhất: Phan Bội Châu. Quan hệ giữa Phan Châu Trinh-Phan Bội Châu là
điển hình của một tình bạn kỳ lạ mà tiếc thay hình như ngày nay chúng ta không
còn được thấy, đối nghịch kịch liệt về tư tưởng và quan điểm, đường lối, nhưng
thân thiết và kính trọng nhau chẳng ai bằng. Khi Phan Châu Trinh mất năm 1926,
Phan Bội Châu đã viết đôi câu đối thống thiết và đầy ý nghĩa:
“Thương
hải vi điền, tinh vệ hàm thạch
Chung Kỳ ký một, Bá Nha đoạn huyền”
Chung Kỳ ký một, Bá Nha đoạn huyền”
“Biển
thẳm lấp chưa bằng, tinh vệ còn đội đá
Chung Kỳ thôi đã mất, Bá Nha dứt dây đàn”
Chung Kỳ thôi đã mất, Bá Nha dứt dây đàn”
Chung Kỳ Phan Châu Trinh đã mất, Bá Nha Phan
Bội Châu đau đớn dứt dây đàn bởi biết còn cùng ai chia sẻ?
Phan Châu Trinh cũng cô đơn trước nhân dân
đương thời của ông mà ông đã cống hiến cả cuộc đời để quyết cứu, cho một tương
lai xán lạn bền vững mà ông đã sáng suốt nhận ra con đường để đi tới. Ông hiểu
điều đó một cách sâu sắc. Ông nói: “Không phải tôi không biết sự ngờ vực của
các quan chức người Pháp đối với tôi. Không phải tôi không biết sự căm ghét của
các quan chức người Việt đối với tôi. Không phải tôi không biết mối hiềm khích
của Phan Bội Châu đối với tôi. Không phải tôi không cảm thấy sự gièm pha của
nhân dân Việt Nam đối với tôi. Nhưng tôi không tìm cách tránh sự ngờ vực ấy”.
Ông tin sắt đá ở tư tưởng của ông, đường lối cứu dân tộc của ông. Là con người
tự trị, tự chủ cao độ, là nhà tư tưởng tự do, có khả năng tạo một khoảng cách
ngay với lịch sử dân tộc mình, với một hệ đạo đức ông đã tự xây dựng được cho
mình, với tư cách là công dân tự do đảm nhận các quyền và các bổn phận của
mình, cô đơn, ông dõng dạc tuyên bố: “Việc này, tôi, Trinh, đã nhận ra, quyết
đảm nhận lấy, không nhường cho ai nữa hết!”
Gần suốt một trăm năm ông cũng cô đơn với hậu
thế. Chúng ta đã quá biết những người coi ông là kẻ “lạc lối trời Âu” …
Tiếp tục
chương trình lớn của Phan Châu Trinh
Lịch sử đã đi những con đường khác. Chúng ta
đều biết song song với phong trào Duy Tân hòa bình của Phan Châu Trinh, là chủ
trương “thiết huyết” của Phan Bội Châu, mà Phan Châu Trinh thẳng thắn chỉ ra
rằng ông ấy đã lợi dụng sự ngu dốt của nhân dân (mà Phan Châu Trinh quyết ra công
thức tỉnh) để kích động “nhằm thỏa mãn chính khuynh hướng hủy hoại của mình”.
Cuộc khai dân trí của phong trào Duy Tân, hoàn toàn ngoài ý muốn và chủ trương
của những người khởi xướng, chịu ảnh hưởng tự nhiên và cũng tất yếu của phái
thiết huyết, sự bất bình tự nhiên và quyết liệt của nhân dân tự phát, đã dẫn
đến cuộc Trung Kỳ dân biến 1908 anh hùng của nhân dân nhưng tai hại cho một con
đường đi đang được sáng suốt tính toán và thực hiện. Nó đã được kẻ thù lập tức
lợi dụng để tiến hành một cuộc tắm máu. Chương trình anh minh và vĩ đại của ông
bị phá vỡ và dở dang.
Chúng ta đều biết trong lịch sử không có “nếu”.
Nhưng suy nghiệm từ lịch sử cho hôm nay thì bao giờ cũng cần. Những gì đã diễn
ra thì đã diễn ra. Song phải chăng có thể một trong những nguyên nhân của những
vấn nạn mà chúng ta, xã hội chúng ta, đang gặp ngày nay và vẫn còn rất loay
hoay chưa thật tìm được đường ra, chính là ở sự dở dang vừa nói trên đó. Cuộc
khai hóa cơ bản, do nhà khai hóa vĩ đại Phan Châu Trinh chủ trương và tiến hành
một trăm năm trước thì nay vẫn dở dang, vẫn còn nguyên đó.
Rõ ràng tư tưởng của ông, chương trình của ông,
trong cốt lõi của nó, hôm nay vẫn còn nguyên tính cập nhật, thậm chí còn nóng
hổi hơn, cấp bách hơn.
Tiếp tục chương trình lớn của ông là trách
nhiệm lịch sử của chúng ta, mỗi chúng ta, hôm nay, và cả ngày mai.
Nguyên Ngọc
3-2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét