I) Thử
nhận dạng lại chân dung nhân vật Phạm Quỳnh
Phạm
Quỳnh ngoài bút hiệu Hồng Nhân hoặc Hoa Đường còn có bút hiệu Thượng Chi. Ông
quê gốc ở làng Lương Ngọc (nay là xã Thúc Kháng) phủ Bình Giang tỉnh Hải Dương,
nhưng gia đình ra Hà Nội sinh sống lập nghiệp và sinh ra ông tại đây ngày 17
tháng 12 năm 1892. Đáng thương tâm là chỉ mới chín tháng sau thì bà mẹ đã chết.
Cha ông là một nhà nho dạy học, cũng mất khi ông lên chín tuổi, từ đó phải sống
cuộc đời cơ khổ linh đinh, được bà nội nuôi cho ăn học, như ông đã có dịp ngậm
ngùi nhắc lại trong tập Pháp du hành nhật ký. Năm 1908, Phạm Quỳnh thi đỗ bằng
Thành chung rồi vào làm việc tại Trường Viễn Đông bác cổ Hà Nội, có cơ hội đọc
được nhiều sách và học thêm chữ Hán. Từ năm 1913, ông cộng tác viết một số bài
dịch thuật văn học và tư tưởng cho tờ Đông Dương tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh.
Năm 1917, với sự bảo trợ của Louis Marty, Trưởng phòng chính trị tại phủ Toàn
quyền Pháp, ông đứng ra thành lập tạp chíNam Phong, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút.
Năm 1922, ông được cử sang Pháp với tư cách đại diện hội Khai Trí Tiến Đức mà
ông là thành viên sáng lập chính, dự hội chợ triển lãm Marseille, lên Paris ở lại
ba tháng, diễn thuyết nhiều lần trước ban chính trị và ban luân lý của Viện hàn
lâm Pháp. Ông tận lực trong việc phiên dịch và truyền bá tư tưởng dân chủ của
phương Tây, cổ xúy cho việc gây dựng một nền học quốc gia mới (gọi là quốc học)
có tính chất chiết trung Đông Tây thay thế cho Hán học đang suy tàn, gây lấy
trong quốc dân một chủ nghĩa quốc gia ôn hòa dựa trên cơ sở văn hóa. Về chính
trị, ông chủ trương thuyết quân chủ lập hiến, theo đó phải quy định rõ ràng quyền
của dân, của vua quan và của nhà nước bảo hộ bằng hiến pháp. Tháng 11 năm 1932,
Phạm Quỳnh được mời vào Huế nhận chức Đổng lý Ngự tiền văn phòng cho vua Bảo Đại
theo ý đồ cải cách chính trị của Pháp, sau đó giữ chức Thượng thư Bộ Học (giáo
dục) rồi Bộ Lại (1942), toan thi hành một số cải cách lớn về giáo dục và chính
trị nhưng không đạt kết quả. Sau Cách mạng tháng Tám, ngày 23.8.1945, ông bị
chính quyền cách mạng bắt và xử tội ở Huế.
Hai
trang nhật ký năm 1922 tại Pháp của Phạm Quỳnh
Trong
lịch sử văn học Việt Nam thời kỳ cận-hiện đại, Phạm Quỳnh có lẽ là một trong những
nhân vật nổi bật nhưng lại có vẻ gây nên nhiều cuộc tranh luận với những ý kiến
đánh giá khác nhau nhất. Nói như vậy, dù tán thành hay phản đối, hoặc giữ thái
độ chiết trung, mặc nhiên mọi người đã thừa nhận vai trò không thể bỏ qua hoặc
xem thường của nhân vật nầy trong một bối cảnh lịch sử-văn hóa cụ thể nhất định.
Tuy nhiên, nếu chỉ tính trong khoảng hầu hết thời gian của 30 năm trở lại đây,
tên tuổi Phạm Quỳnh hầu như hoàn toàn đã bị khuất lấp vào dĩ vãng vì những lý
do ngoắt ngoéo tế nhị của lịch sử hiện đại. Ở miền Nam trước năm 1975, trong
vài sách văn học sử tiêu biểu như của Phạm Thế Ngũ, Thanh Lãng..., Phạm Quỳnh
và Nam Phong tạp chí được giới thiệu khá chi tiết, thường dài trên cả trăm
trang, với đầy đủ những khía cạnh phức tạp của vấn đề. Rồi vào khoảng năm 1963,
đã nổ ra một cuộc tranh luận kịch liệt kéo dài gọi là “Vụ án truyện Kiều”, có sự
tham dự của rất nhiều văn nhân, học giả và nhà nghiên cứu văn học tiêu biểu, mà
giáo sư Nguyễn Văn Trung đã có công tập hợp lại thành một hồ sơ để giới thiệu
cho các sinh viên đại học văn khoa Sài Gòn thời đó.
Phạm
Quỳnh qua đời năm 1945, nhưng ngay từ năm 1941, khi ông còn sống, tên ông như
là người đại diện của “Nhóm Nam Phong” đã được đưa vào một chương trong sách Việt
Nam văn học sử yếu của cố giáo sư Dương Quảng Hàm, trong phần chương trình dành
cho Năm thứ ba ban Trung học Việt Nam, với những đánh giá cơ bản là rất tốt vì
giáo sư Dương Quảng Hàm hầu như không để ý gì đến khía cạnh các mối quan hệ
chính trị của nhân vật nầy trong thời cuộc lúc đó: “Cả cái văn nghiệp của ông
Phạm Quỳnh đều xuất hiện trên tạp chí Nam Phong, tạp chí ấy trong một thời kỳ,
đã thành được một cơ quan chung cho các học giả cùng theo đuổi một chủ đích với
ông...”. Và khi đánh giá chung Phạm Quỳnh bên cạnh Nguyễn Văn Vĩnh (nhóm Đông
Dương tạp chí), giáo sư Dương Quảng Hàm đưa ra kết luận để kết thúc chương sách
nêu trên: “Ông Vĩnh có công diễn dịch những tiểu thuyết và kịch bản của Âu Tây
và phát biểu những cái hay trong tiếng Nam ra; ông Quỳnh thì có công dịch thuật
các học thuyết tư tưởng của Thái Tây và luyện cho tiếng Nam có thể diễn đạt được
các ý tưởng mới. Đối với nền văn hóa cũ của nước ta, thì ông Vĩnh hay khảo cứu
những phong tục tín ngưỡng của dân chúng, mà ông Quỳnh thường nghiên cứu đến chế
độ, văn chương của tiền nhân. Văn ông Vĩnh có tính cách giản dị của một nhà văn
bình dân, văn ông Quỳnh có tính cách trang nghiêm của một học giả. Tuy văn nghiệp
của mỗi người có tính cách riêng, nhưng hai ông đều có công với việc thành lập
quốc văn vậy”.
Ngay
trong quyển văn học sử có thể coi là quy mô đầu tiên của Dương Quảng Hàm nói
trên, hơn một nửa số tài liệu đã được tham khảo sử dụng từ tạp chíNam Phong,
còn về bố cục và nội dung thì phảng phất gần đúng với bản chương trình “Ngôn ngữ
và văn chương Hán Việt” do Phạm Quỳnh vạch ra năm 1924 để dùng cho việc giảng dạy
của ông ở trường Cao đẳng Đông Dương, mà có người coi là mầm mống của những môn
học thuộc văn khoa Việt Nam sau nầy.
Nếu chỉ
tính riêng cái “công với việc thành lập quốc văn” thôi thì cũng đã là một công
lao đóng góp không nhỏ. Năm 1942, khi xuất bản sách Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc
Phan cũng đã dành cho Phạm Quỳnh nhà văn đến hơn ba mươi trang sách với hết lời
ca ngợi liên quan đến những công trình khảo cứu, dịch thuật, du ký và bình luận:
“Ông là người viết nhiều nhất trong tạp chí Nam Phong. Một điều mà người đọc nhận
thấy trước nhất trong những bài biên tập và trước thuật của ông là ông không cẩu
thả... Phạm Quỳnh là một nhà văn có thể bàn luận một cách vững vàng và sáng suốt
bất cứ về một vấn đề gì, từ thơ văn cho đến triết lý, đạo giáo, cho đến chính
trị, xã hội, không một vấn đề nào là ông không tham khảo tường tận trước khi
đem bàn trên mặt giấy. Trong lịch sử văn học hiện đại, người ta sẽ không thể
nào quên được tạp chí Nam Phong, vì nếu ai đọc toàn bộ tạp chí này, cũng phải
nhận là rất đầy đủ, có thể giúp cho người học giả một phần to tát trong việc soạn
một bộ bách khoa toàn thư bằng quốc văn”.
Cuộc đời
của Phạm Quỳnh gắn liền với tạp chí Nam Phong (từ năm 1917 đến năm 1932). Tất cả
mọi chủ trương, quan điểm, việc làm của ông cả về văn hóa lẫn chính trị cũng đều
được thực hiện thông qua tạp chí nầy với sự tham gia của cả đồng đội bao gồm những
người đồng thanh khí đã đi theo đường lối của ông trên suốt một đoạn đường dài.
Đây là tờ tạp chí do người Pháp lập ra giao cho Phạm Quỳnh điều khiển, dưới tên
Nam Phong có ghi rõ là “Thông tin Pháp” (L’information française), giống như
ngày nay dưới mỗi tờ báo người ta ghi “Cơ quan ngôn luận của...”, nên mục đích
của nó dĩ nhiên trước hết là biện minh, phục vụ cho chính sách cai trị của người
Pháp ở Việt Nam. Điều nầy đã quá rõ ràng, nhưng nếu nói Phạm Quỳnh chỉ là một
tên “Việt gian tay sai phản động buôn dân bán nước mãi quốc cầu vinh” thì là
nói quá dễ, trong khi việc đời đâu có đơn giản như vậy, vì như thế là không thấy
hết mọi khía cạnh quan hệ phức tạp của con người với thời cuộc trong một giai
đoạn lịch sử đặc thù.
Có thể
nói, hầu như ai cũng trách họ Phạm trong đất nước nô lệ chẳng những không đấu
tranh chống lại chủ nghĩa thực dân một cách tích cực bằng bạo động mà còn a dua
theo Pháp. Trên thực tế hành động, về chính trị ông chỉ là một người theo chủ
nghĩa cải lương bảo thủ, chủ trương chính thể quân chủ lập hiến, tạo lập một nước
Việt Nam mới tự trị bằng cách xây dựng một nền giáo dục và quốc học Việt Nam
dung hợp những tinh hoa tư tưởng đông tây nhằm đào tạo một tầng lớp trí thức mới
học hỏi theo những điểm tiến bộ của phương tây trên cơ sở chấp nhận chế độ thuộc
địa và có sự giúp đỡ của người Pháp. Ngay cả điều nầy, xét về kết quả thực hiện
vốn rất hạn chế, cả khi nắm được đại quyền trong tay với chức Đổng lý Ngự tiền
văn phòng cho triều đình Huế (1932), rồi Thượng thư Bộ Học, Thượng thư Bộ Lại,
xem ra Phạm Quỳnh cũng chỉ là một nhà chính trị đầy mộng tưởng. Nói cách khác,
ông chỉ là một nhà văn-nhà báo-nhà giáo dục và học giả giỏi chứ không có cái
năng khiếu, sở trường lẫn sở thích của một người hoạt động chính trị dù theo chủ
nghĩa cải lương hay cách mạng. Về phương diện nầy, có lẽ ông rất giống với một
người cùng thời cũng từng cộng tác với Nam Phong là Trần Trọng Kim, chỉ làm việc
tốt với vai trò của nhà giáo dục-học giả chứ không thể làm chính trị được. Nếu
vì những lý do run rủi của cuộc sống, thời cuộc hoặc do nhận thức không chính
xác về bản chất, khả năng của mình mà hạng học giả phải dấn thân vào con đường
chính trị với chút hi vọng thực hiện hoài bão thì trước sau gì cũng thất bại
thê thảm, như một Trần Trọng Kim sau “một cơn gió bụi”, cuối cùng cũng phải ngậm
thở ngùi than mà thôi, bằng mấy câu thơ Đường mượn của Đái Thúc Luân “Liêu lạc
bi tiền sự, chi li tiếu thử thân” (Quạnh hiu thương chuyện xưa kia, vẩn vơ lẩn
thẩn cười chê thân mình). Đây là một chân lý đã được lịch sử chứng minh chắc nịch,
và nếu cứ tiếp tục suy diễn theo lối nầy, giả định Phạm Quỳnh có dấn thân vào
con đường cách mạng bạo động để chống Pháp thì kết quả cùng lắm nếu không như
Nguyễn Thái Học phải lên đoạn đầu đài rất sớm thì cũng giống cụ Phan Bội Châu
và một số sĩ phu yêu nước khác. Không những thế, có thể còn vì lý do giả định nầy
mà ngoài tác dụng làm gương và động viên dân chúng về tinh thần yêu nước chống
Pháp, Phạm Quỳnh chẳng những không thể trở thành một lãnh tụ chống Pháp thành
công mà cũng chẳng đóng góp được việc gì quan trọng tích cực trên phương diện
xây dựng văn hóa-giáo dục như ông đã làm được. Do vậy dứt khoát chúng ta không
nên lấy lẽ Phạm Quỳnh chủ trương Pháp-Việt đề huề chẳng hạn để làm lý do kết án
ông một cách quá nặng nề như một số người thiển cận và quá khích đã làm, mà chỉ
coi đó cũng là một chủ trương chính trị bên cạnh nhiều chủ trương loại khác,
trong một đất nước mất chủ quyền mà sự phân liệt về tư tưởng, đường lối của
hàng ngũ trí thức để tìm ra một hệ giải pháp cứu nước là điều hầu như không thể
nào tránh khỏi. Còn việc ông ca ngợi thực dân Pháp có lẽ cũng đáng trách, nhưng
sẽ có thái độ bao dung nhiều hơn nếu người ta chịu thừa nhận một thực tế rằng,
trừ trường hợp ở trong một chế độ dân chủ đã thật sự phát triển, coi báo chí đối
lập là tự nhiên, còn thời nào cũng vậy, nội dung báo chí đặt dưới sự chủ quản của
ai thì cũng phải nói theo người đó. Xét về mặt nầy, tờ báo của Phạm Quỳnh coi vậy
thỉnh thoảng cũng có những ý kiến độc lập hoặc đối lập, nhất là từ năm 1922,
khi nó không còn là một cơ quan chuyên nịnh hót chính quyền, hoặc hoàn toàn
không có thái độ đòi hỏi gì khác, xem ra còn khá hơn không ít tờ báo của những
giai đoạn mới hơn sau nầy, được hoạt động trong môi trường quốc gia độc lập
nhưng nội dung lại rất tầm thường kém cỏi.
Mộ Phạm Quỳnh tại chùa Vạn Phước, Huế. |
Phạm
Quỳnh không làm cách mạng nhưng hầu như ông không hề có một lời lẽ nào nói xấu
các chí sĩ hoạt động yêu nước. Trái lại, ông coi những người làm quốc sự lúc đó
là thành phần khả kính, đứng trên ông một bực, chấp nhận mỗi người một việc
theo chí hướng riêng, vì ông không có cái can đảm hoặc hoàn cảnh để làm được
như họ. Khi viết bài trả lời lại bài “Cảnh cáo các nhà học phiệt” (đăng trên
báo Phụ Nữ Tân Văn số 62 ra ngày 24.7.1930) của Phan Khôi công kích thái độ làm
thinh tự cao coi thường dư luận của ông khi bị cụ nghè Ngô Đức Kế mạt sát trong
vụ ông suy tôn Truyện Kiều vào dịp lễ kỷ niệm Nguyễn Du hồi sáu năm trước (năm
1924), vì bị gán cho những mục đích không tốt đẹp, Phạm Quỳnh đã dùng những lời
lẽ rất nhã nhặn và tôn kính khi nhắc đến bậc quốc sĩ: “Họ Ngô đối với tôi vốn
không hiềm khích gì. Ông là người quốc sự phạm cũ, vì việc nước mà long đong
chìm nổi trong bao năm, dẫu người không đồng tư tưởng, đồng chánh kiến với ông,
cũng phải kính trọng cái thân thế của ông. Tôi cũng vậy, thủy chung vẫn coi ông
như bậc đàn anh”.
Cũng
nhân bài viết nêu trên, ông xác định lại thái độ chính trị của mình, là chỉ làm
văn hóa chứ không làm chính trị: “Tôi vốn là nhà làm văn, nhà học vấn. Cái chủ
nghĩa tôi phụng sự bấy lâu nay – kể có trên dưới mười lăm năm trời thật là dốc
một lòng, chuyên một dạ – chính là chủ nghĩa quốc gia, nhưng chỉ mới phụng sự về
phương diện văn hóa, chưa hề chuyển di sang phương diện chính trị. Tôi thiết
nghĩ rằng muốn cho nước nhà được độc lập, thì phải gây lấy cái hồn độc lập cho
quốc dân. Muốn gây lấy cái hồn độc lập cho quốc dân thì phải có khí cụ để tuyên
truyền giáo dục. Cái khí cụ để tuyên truyền giáo dục là ngôn ngữ văn tự trong
nước. Bởi thế cho nên 15 năm nay, tôi không làm một việc gì khác cả: chỉ cúc
cung tận tụy về một việc, là cổ động cho quốc văn, tài bồi cho quốc văn, gây dựng
cho quốc văn thành một nền văn chương đích đáng, có thể dùng làm cái lợi khí để
truyền bá văn minh trong nước. Các bạn đồng chí trongNam ngoài Bắc cũng đã công
nhận cho cái công phu ấy không phải là vô ích. Vì tôi chỉ chuyên chủ về một việc
tài bồi quốc văn như vậy, cho nên thật không để chí vào việc chính trị. Ai bình
phẩm tôi về chính trị là bình phẩm sai cả. Tôi cho là bất túc kính trọng, nên
không hề đối đáp, không hề cải chính bao giờ”.
Trên
thực tế, nhờ kiên trì nhẫn nại đấu tranh theo đuổi mục đích, và giữ vững lập
trường văn hóa, Phạm Quỳnh đã cơ bản đạt được những hoài bão chính của mình.
Vào chặng cuối đời, sau khi vào triều đình Huế giữ các chức thượng thư mà cũng
chẳng thi hành được thuyết lập hiến, rồi đến ngày Nhật đảo chánh Pháp
(9.3.1945), Phạm Quỳnh và cả nội các cũ bị thay thế, coi như con người chính trị
đã thất bại. Người ta để ý có lúc Phạm Quỳnh dường như chán nản, lui về sống âm
thầm cuộc đời của người ẩn dật trong một căn nhà hẻo lánh trên bờ sông An Cựu ở
Huế, không tham gia chính phủ mới của Trần Trọng Kim, không chạy theo thực dân
Pháp để được Pháp bảo vệ, nhưng cũng không theo một phe phái cách mạng nào. Sự
thất bại chính trị đã làm hại không ít uy tín của con người văn hóa Phạm Quỳnh,
gây nên rất nhiều cách đánh giá khác nhau của hậu thế về nhân cách cùng sự nghiệp
của ông, để đến Cách mạng tháng 8.1945 thì “bị chính quyền cách mạng xử tội”
(theo Đinh Xuân Lâm-Trương Hữu Quýnh: Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam, NXB.
Giáo Dục, năm 2000, tr. 351).
Về sự
kiện kết liễu cuộc đời của nhân vật thời đại – học giả Phạm Quỳnh, hiện nay
chúng ta chưa có tài liệu công khai đầy đủ để biết rõ, nên khó đánh giá lại tội
ông có đáng bị xử chết vào thời điểm lịch sử nước sôi lửa bỏng đó hay không, nhất
là khi so sánh với Bảo Đại vốn là quân vương của ông, cũng theo Pháp, cùng với
nhiều người khác, nhưng số phận ít bi thảm hơn. Có loại ý kiến tương đối trầm
tĩnh, cho rằng: “Trong cuộc đời Phạm Quỳnh, cái bước rẽ 1932 không phải là bước
rẽ đưa đến nẩy nở và vinh quang mà là đưa đến chấm dứt sự nghiệp. Ngày nay
chúng ta có nghiên cứu Phạm Quỳnh là nghiên cứu nhà báo và nhà văn của tạp chí
Nam Phong, con người và tư tưởng trước 1932, con người tốt đẹp đã đóng một vai
trò tương đối tiến bộ trong một giai đoạn lịch sử chánh trị và nhất là đã dày
công xây đắp cho nền học và nền văn mới” (Phạm Thế Ngũ: Việt Nam văn học sử giản
ước tân biên, tập III, Quốc học tùng thư, 1965, tr. 170).
Bỏ qua
tất cả mọi vấn đề thuộc về quan điểm lập trường cùng thái độ, phương cách dấn
thân, ai cũng thấy về phương diện cá nhân, Phạm Quỳnh là một người suốt đời làm
việc siêng năng tận tụy, không ăn chơi trác táng, thậm chí còn sống khắc khổ nữa
là khác. “Nhà văn ấy ở tư tưởng cũng như ở đời tư có lẽ kém lãng mạn nhất thế hệ...
Suốt đời ông chỉ là một thứ thầy dòng giảng đạo, nghiêm nghị đạo mạo... Phê
bình Phạm Quỳnh, người ta vẫn thường chịu ảnh hưởng những thành kiến chính trị,
và cái vụ Ngô Đức Kế vẫn còn đè nặng lên một bên cán cân của dư luận đối với
ông, ngay ở dư luận những người làm văn học” (Phạm Thế Ngũ, sđd., tr. 159).
Ngay trong giai đoạn ra làm quan ở Huế, người ta có thể chê Phạm Quỳnh là không
sáng suốt, bất thức thời vụ nầy khác, hoặc cũng ít nhiều ham mê chức vụ (ai mà
không ít nhiều như vậy?), và cuối cùng thất bại, nhưng dù sao ông cũng là một
ông quan lớn có học vấn uyên bác gần như có thể nói là bậc nhất thời đó, và
chưa nghe ai có một lời phê bình ông là kẻ tham quan ô lại hoặc lạm dụng chức
quyền để được nhà cao cửa rộng phục vụ cho những mục đích thuần túy cá nhân.
Xét về phương diện đó, nếu có ai muốn xếp ông vào hạng chính nhân quân tử thì
chúng ta ngày nay cũng không nên cản vì không phải là điều quá đáng.
Nhờ suốt
đời tận tụy làm việc, Phạm Quỳnh đã để lại một sự nghiệp văn hóa quả thật đồ sộ.
Tạp chí Nam Phong ra trong 17 năm được 210 số, riêng ngòi bút Phạm Quỳnh viết
ra đã có tới chục ngàn trang. Trong số năm viết lách kể trên, ông trở thành một
nhà ngôn luận có khả năng bàn một cách rành mạch và có sức thuyết phục về đủ thứ
chuyện trên đời. Một phần những loạt bài biên dịch, khảo cứu, du ký có giá trị
của ông thuộc đủ thể loại về sau đã được sắp xếp lại để in thành sách trong bộ
Nam Phong tùng thư. Riêng bộ Thượng Chi văn tập gồm năm quyển chỉ là một phần
nhỏ những thiên nghị luận hoặc biên khảo tương đối quan trọng được dọn lại
trong năm 1942 khi đã vào làm quan ở Huế, chọn lọc từ số hàng trăm bài báo viết
ra trong giai đoạn đầu Nam Phong (1917-1922), gồm những bài ông khiêm tốn gọi
là “coi được”, tựu trung phát biểu được hầu hết những ý kiến chủ yếu của ông
liên quan đến các vấn đề văn hóa, ngôn ngữ, văn học, giáo dục, chính trị, kinh
tế, triết học... mà ngày nay đọc lại vẫn còn có thể rút ra được rất nhiều điều
bổ ích.
Nhưng
bản chất khắc nghiệt của dòng chảy lịch sử thường ít tạo cơ hội để xét riêng
cho những trường hợp đặc biệt, nhất là trong lúc phong trào cách mạng cuộn dâng
như vũ bão tạo nên những khoảng tranh tối tranh sáng khiến khó tránh khỏi tình
trạng của một số người bồng bột quá khích. Có lẽ vì vậy mà cuộc đời Phạm Quỳnh
đã bị kết thúc một cách không êm thắm, hoàn toàn không có chút gì tương ứng với
bộ mặt thư sinh hiền lành của ông trong bộ quốc phục cùng với cặp kính trắng của
nhà học giả không biết sắt máu là gì, suốt đời chỉ chúi mũi làm bạn với sách vở
và vì thế không thể có cái lanh lợi ứng biến khôn ngoan của một người lọc lõi
chính trị. Tên tuổi của Phạm Quỳnh cũng vì lý do đó bẵng đi một thời gian rất
dài không thấy được nhắc tới trong chương trình văn học của nhà trường xã hội
chủ nghĩa. Quyển Từ điển Văn học bộ cũ của Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội xuất bản
năm 1983 của thế kỷ vừa qua cũng không thấy có mục tên ông. Mãi đến năm 2000,
sau khi đã vượt qua một cách khá khó khăn thời kỳ mông muội cực đoan của chủ
nghĩa giáo điều, để bắt đầu nhận thức lại một cách trầm tĩnh hơn những vấn đề
thuộc quá khứ lịch sử, tên Phạm Quỳnh mới được chính thức nêu thành mục từ
trong quyển Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam của Nhà xuất bản Giáo Dục (không
kể một cuốn khác cùng tên được xuất bản trước đó gần 10 năm, của Nguyễn Bá Thế-Nguyễn
Q. Thắng, có một mục về ông nhưng không phải của Nhà xuất bản Giáo Dục). Gần
đây nhất, trong bộ Từ điển Văn học bộ mới (Nhà xuất bản Thế Giới, tháng
10.2004), tên ông đã được bổ sung trong mục Phạm Quỳnh do Nguyễn Huệ Chi viết,
dài đến 3 trang giấy khổ lớn, với một sự trình bày khá khách quan và trân trọng,
thừa nhận hầu hết tất cả mọi công lao đóng góp của ông đối với nền văn hóa nước
nhà. Trong sách thí điểm phân ban môn văn học thực hiện từ năm nay (2005), Phạm
Quỳnh lần đầu tiên mới được đưa vào sách giáo khoa nhà trường phổ thông, nhưng
còn rất ít, ở những chỗ nói về sự phát triển của nền văn học-báo chí quốc ngữ
và cuộc tranh luận Truyện Kiều giữa ông Ngô với ông Phạm, kể ra cũng là một điểm
tiến bộ rất đáng khích lệ trong quá trình điều chỉnh nhận thức.
Trước
đó, quý II năm 2003, Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin và Trung Tâm Văn Hóa Ngôn
Ngữ Đông Tây cũng đã xuất bản một tuyển tập gần 30 bài viết của ông, lấy tên Phạm
Quỳnh, luận giải văn học và triết học (do Trịnh Bá Đĩnh tuyển chọn, giới thiệu).
Mấy tập du ký của ông như Mười ngày ở Huế, Pháp du hành nhật ký cũng được Nhà
xuất bản Hội Nhà Văn lần lượt cho in lại (tháng 4.2004) một cách trân trọng.
Như vậy,
trong thực tiễn đổi mới của hoạt động văn học, vấn đề Phạm Quỳnh đã được xã hội
nhận thức lại một cách sáng sủa thỏa đáng và công bằng hơn nhiều so với trước
đây, không cần phải thúc đẩy vận động gì thêm nữa. Nhưng sở dĩ có những phân
tích dài dòng trên kia về cuộc đời hoạt động và tư tưởng của ông là để từ một
trường hợp cụ thể Phạm Quỳnh, chúng ta còn có thể rút ra bài học kinh nghiệm
chung khi cần phải xét lại những người nào khác có cảnh ngộ tương tự như Phạm
Quỳnh, để chuộc lại những lầm lỡ nếu có trong cách suy nghĩ hoặc hành động của
quá khứ. Đằng khác, nếu chịu khó đi xa hơn, chúng ta ngày nay sẽ phải thẳng thắn
để nhìn nhận rằng, dường như cùng với câu chuyện Phạm Quỳnh, còn có rất nhiều vấn
đề chung khác cũng phải bình tâm xét lại một thể, như về mối quan hệ giữa văn
hóa với chính trị, giữa văn học với cách mạng hiểu theo nghĩa làm chính trị
cách mạng từ trong sâu xa vốn dĩ không phải là cứu cánh tối hậu của cuộc sống
mà chỉ là phương tiện chẳng đặng đừng để thanh toán một tình trạng chính trị tệ
hại nào đó đã có trước đó, ở đây là chủ nghĩa thực dân Pháp, tương tự như việc
Mác bắt buộc phải làm chống lại chủ nghĩa tư bản man rợ hồi giữa thế kỷ 19 với
chủ tâm hướng tới giải phóng cho toàn nhân loại ra khỏi tình trạng tha hóa mọi
mặt chứ không phải để chống lại nhân loại. Việc làm nầy luôn phải có sự trả
giá, đôi khi rất đắt, thậm chí đổ máu nhiều nữa, và một khi hoàn cảnh đã đổi
thay trong cái dòng vận động bất tuyệt của cuộc đời trùng trùng duyên khởi, có
khi chúng ta vĩnh viễn sẽ không có cơ hội nào sử dụng lại những biện pháp chính
trị bất đắc dĩ đã thi thố trong một thời, nhưng lại phải luôn sử dụng những giá
trị văn hóa nhân bản được chắt lọc lại từ trong thực tiễn của cuộc đấu tranh
vinh quang nhưng cũng đầy khổ đau của cả một dân tộc, trong đó có những công
trình đóng góp của Phạm Quỳnh và của những người khác tương tự như ông.
Xét
cho cùng, giả định nếu mọi thành phần trong dân tộc đều muốn làm cách mạng hết
thì điều đó cũng có nghĩa là không bao giờ có cách mạng, vì không có cái tiền đề
cho sự hình thành những lực lượng cần thiết như vậy; rà rồi nếu điều giả định
là xảy ra được, thì đất nước sẽ duy nhất chỉ có một loại người tốt làm cách mạng
cùng với một dòng văn học duy nhất làm bá chủ, không có mùi mẽ gì khác, phỏng
có thể nào chịu nổi được không? Cách nhìn nhận nầy là dựa hẳn trên quy luật biện
chứng, phối hợp với sự xét đoán của lương tri và đối chiếu thực tế lịch sử, có
khác với loại quan điểm xưa nay vẫn lưu hành muốn đối lập rạch ròi giữa hai loại
người, hai dòng văn học, hai thứ văn hóa..., mà không chịu thấy mối quan hệ
tương giao tương tác giữa chúng để hình thành nên cái chỉnh thể thực tế lịch sử
đang xuất hiện rành rành ở trước mắt mọi người chúng ta. Thiết nghĩ, mọi vấn đề
xây dựng văn hóa trong tương lai, cũng như chuyện hòa giải hòa hợp dân tộc, đều
nên được xem xét theo một quan điểm cởi mở như bài viết nầy đã cố gắng phân
tích, đề nghị.
Trần
Văn Chánh
Tháng
7-2005
Đã
đăng tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (55). Huế: Sở Khoa học và
Công nghệ Thừa Thiên - Huế, Quý 2, 2006. E-mail: Kcmtthue@dng.vnn.vn
II) Phạm
Quỳnh -người nặng lòng với nhà
Cụ tổ
của Phạm Quỳnh là Cử nhân Dưỡng Am Phạm Hội (1791-1854). Cụ có hai đời vợ và một
bà thiếp. Nhưng đến năm bốn mươi tuổi mới sinh được một trai là ông Khiêm Trai
Phạm Ngạch. Ba mươi hai tuổi, ông Ngạch đỗ tú tài, có hai con đều chết khi mới
mười bảy tuổi. Nên khi ông mất sớm, đã cho ông nội Phạm Quỳnh thừa tự gia sản của
cụ Phạm Hội để lại: một căn nhà nhỏ hình ống ở số 1 phố Hàng Trống Hà Nội, do học
trò xây dựng nên để thờ thầy21[1]
Ông nội
lại chỉ sinh được một trai là Phạm Hữu Điển (thân phụ Phạm Quỳnh), rồi bị cảm
mà chết trẻ ngay khi vừa làm xong bài thi, cho vào ống quyển còn đeo ở cổ, chưa
kịp nộp. Sau được xét chấm đỗ tú tài. Phạm Hữu Điển cũng đỗ tú tài, sinh được
Phạm Quỳnh mới chín tháng thì vợ mất, mẹ phải bế cháu nội sang hàng xóm xin bú
chực và mớm cơm cho ăn, rồi sớm khuya chăm sóc tận tình khi cháu bị đậu mùa.
Mãn tang vợ ít lâu, ông Điển tục huyền, sinh được một trai nữa, đặt tên là Phạm
Bái. Năm Phạm Quỳnh lên chín, thì ông mất; sau đó chú bé Bái cũng chết yểu. Bà
vợ kế còn trẻ, đi bước nữa. Phạm Quỳnh thơ dại sống với bà nội và cụ Tú, vợ ông
Ngạch, người cho gia đình thừa tự. Và ông đã lớn lên trong tình yêu thương,
chăm sóc chu đáo của hai bà cụ nghèo khổ, vắt kiệt sức tàn gìn giữ giọt máu hiếm
hoi của cả dòng họ. Côi cút, cô đơn từ nhỏ, Phạm Quỳnh tha thiết quý mến từng
người ruột thịt thân yêu của mình. Điều đó ăn sâu vào tiềm thức của ông. Suốt đời
ông yêu thương chăm sóc những người thân như luôn e sợ có thể có ngày ông lại mất
họ…như đã từng mất mát quá nhiều từ thuở lọt lòng.
Cụ Tú
và cụ Cả là bà nội Phạm Quỳnh, sống trong cảnh gieo neo, chật vật, bòn từng quả
táo, trái bồ hòn, ít rau cỏ lèo tèo trong vườn sau nhà và buôn bán lặt vặt nuôi
cháu khôn lớn22.[2]Đến năm mười sáu tuổi, Phạm Quỳnh đi làm, đời sống gia đình
mới bớt khó khăn. Hằng ngày, đi bộ từ Hàng Trống vòng qua hồ Hoàn Kiếm đến làm
việc ở trường Viễn Đông Bác Cổ (Ecole Francaise d’Extrême Orient), Phạm Quỳnh
đi qua một cửa hiệu bán đồng hồ, bao giờ cũng dừng lại ngắm nghía chiếc đồng hồ
quả quýt xinh xắn bày trong tủ kính, thèm thuồng mà không dám nghĩ đến chuyện
mua. Sau này, khi ông nhận thêm việc dạy tiếng Việt tính theo giờ cho một vài
người Pháp ở trường, thu nhập có khá hơn, ông mới dành dụm mua cho mình chiếc đồng
hồ đúng như thế, ở hiệu ấy, và giữ luôn bên mình như một vật báu suốt nhiều năm
ròng, kể cả khi đã trở thành Thượng thư triều đình Huế23[3]
Hồi trẻ,
say mê văn minh Pháp, nên khi hai bà cụ bảo về quê thăm và sửa sang phần mộ ông
cha thì ông từ chối không đi, nói là: “Người đã mất rồi thì nên để cho người ta
yên”; cho là: “Người mất rồi thì kỉ niệm để trong lòng là đủ”. Nhưng đến khoảng
năm 1915, khi ông chừng hai mươi hai tuổi, bà cụ Tú qua đời, thì ông lại giữ
đúng lễ xưa, khiến Hoàng Đạo Thuý, người bà con kém ông bảy tuổi, cũng là người
say mê văn minh Pháp phải ngạc nhiên: Đầu đội mũ dứa, tay chống gậy trúc, đưa
tiễn cụ đến tận nơi yên nghỉ cuối cùng ở cánh đồng Bạch Mai, cạnh một bờ
rào24[4]
Từ nhỏ
ở Hàng Trống, cho đến sau này về Hàng Da, rồi vào Huế, Phạm Quỳnh bao giờ cũng
giữ nguyên nếp kê bàn học và làm việc dọc trước bàn thờ tổ tiên. Trên bàn thờ,
có đặt những bài vị ghi danh các vị bằng chữ Hán và sau này, còn đánh số thứ tự
để khi giỗ vị nào thì vợ con theo lời ông bảo dễ dàng lấy đúng bài vị vị đó đặt
ra trước, tiện chuẩn bị bày biện bàn thờ. Ông rất trọng kị giỗ gia tiên. Khi cỗ
bàn đã bày xong thì ông khăn đóng áo dài, trịnh trọng thắp nhang khấn vái, sau
mới đến vợ và các con vào lễ. Ông còn kể cho vợ và các con về tiểu sử vị giỗ
ngày hôm đó và thường dạy các con: “Phải làm sao cho gia đình mình trong như
thuỷ tinh, không chút bụi mờ; giữ gìn đạo đức, nền nếp sao cho khỏi hổ với vong
linh các cụ”25[5]
Với
người khuất núi còn như vậy, Phạm Quỳnh càng yêu kính hơn những người trên còn
sống. Chính vì thấy cụ Tú quá già, cụ Cả tuy còn khoẻ nhưng tuổi cũng cao mà
hai cụ ngày đêm vẫn vất vả vì mình, cho nên đi làm được một năm thì ông lấy vợ
là cô Lê Thị Vân, để có người đỡ đần hai cụ. Ông thường cùng vợ về quê ở thôn
Nhân Thục làng Thọ Vực tổng Xuân Cầu huyện Văn Giang tỉnh Bắc Ninh26[6]thăm mẹ
vợ, thường gọi là cụ Ký (do ông chồng làm ký lục, bấy giờ đã qua đời), thăm các
cô em vợ là Hợp, Mai và cậu út Tốn. Chính những lần về quê vợ này, ông ra đồng
xem bà con nông dân làm lụng mà đã ghi được biết bao câu ca dao tục ngữ dân ca
hay, tăng thêm đáng kể vốn từ ngữ dân tộc của ông.27[7] Hồi đã khá giả ông nói
với cậu Tốn là muốn biếu bà mẹ vợ một ngôi nhà, hỏi có muốn lấy nhà ở Hà Nội
cho tiện việc học hành làm ăn sau này của các em không, thì cậu Tốn trả lời là
anh chị cho thì tùy anh chị thôi. Thế là ông bàn với vợ, bà bảo: “Cứ làm cái
nhà to ngay giữa làng, chớ làm ở Hà Nội, dân làng có mấy ai ra Hà Nội đâu mà biết”.
Rồi cho dỡ ngôi nhà gỗ còn tốt đi để xây ngôi nhà mới tại làng, đến nay (năm
2000) vẫn còn.28[8]
Cô Vân
có em gái là Hợp, nhà quen gọi là cô Nhỡ, bởi dưới cô còn một em gái nữa là cô
Mai. Chị đi lấy chồng bấy giờ đã là nhà báo nổi danh ở Hà Nội, còn em vẫn ở quê
làm ruộng, mò cua, bắt ốc, hái rau,…Có khi nhớ chị, cô đem những thứ ấy sang tận
Hà Nội, lên bán ở chợ Hàng Da ngay gần nhà chị để tiện ghé thăm. Bà chị xấu hổ
vì thấy em gái ăn mặc lôi thôi lếch thếch, lại còn quang gánh, thúng mủng, nên
thấy mặt là thường đuổi về ngay. Nhưng những lần gặp ông thì thật là may. Ông mở
cửa, đi thẳng vào nhà như “những nhà nho chân chính”, không thấy em vợ đứng cạnh
cửa. Khi cô đánh tiếng chào, thì ông mừng rỡ, vồn vã hỏi thăm buôn bán thế nào,
mẹ và các em bên nhà có được mạnh khoẻ không, rồi cuối cùng, bao giờ cũng móc
túi lấy tiền dúi cho, bảo là: “Dì cầm tạm, đỡ tiền tàu xe”. Sau đó, mới gọi to
báo cho vợ biết là có em gái sang chơi. Trước khi về, cô sang chào ông thì bao
giờ ông cũng đưa sang vợ, nói là “Cho dì tiền tàu xe và mua quà cáp cho bà và
các em bên nhà”29[9]
Sau
này, năm 1928, ông có mua lại của ông chủ Mỹ Ký (chuyên làm đồ trang sức bằng
vàng giả, nổi tiếng một thời) một trang trại ở ấp Thái Hà, nhưng chỉ để mẹ vợ ở
cùng gia đình cậu út Tốn; gia đình ông thỉnh thoảng mới về thăm thôi30[10]
Phạm
Quỳnh rất yêu vợ nhưng tính tình kín đáo, thường ít để lộ ra ngoài. Năm 1909, mới
làm việc có một năm, ông đã được Trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội cử sang Pháp
làm chức trợ giáo ở khoa tiếng An Nam trường Đông Phương Bác Ngữ (Ecole des
Langues Orientales), một dịp may hiếm có, thời ấy người trẻ tuổi nào cũng ao ước.
Vậy mà ông đã từ chối. Chỉ vì mới … lấy vợ! Sau này, năm 1922 có dịp sang Pháp
thăm trường ấy, ông đã ghi lại trong nhật ký: “Giá nhận đi hồi ấy thì Trường
Bác Cổ không đề cử ông Phan (Văn Trường- PT ghi chú), và sự nghiệp mình có lẽ lại
xoay ra một phương diện khác.” Nhưng ông không hề tỏ ý tiếc… Cũng trong dịp
này, sau khi thăm bảo tàng Trocadero và bảo tàng Guimet ở Paris, ông lại ghi:
“Thứ bảy, 27-5: Người Tây bình phẩm đàn bà An Nam có thói nhuộm răng đen thường
nói rằng: Trông miệng người đàn bà An Nam tối om như cái hố sâu. Người Tây có lẽ
lấy thế làm xấu thật, nhưng ta lại cho thế là đẹp. Cô con gái nào nhuộm răng
khéo, đen nhánh như hạt huyền, thì tựa hồ như có duyên thêm lên. Tôi xin thú thật
rằng, tôi không thể trông được một người đàn bà An Nam để răng trắng, dẫu đẹp
mười mươi mà xem bộ răng đủ chán ngắt rồi. Vì người đẹp là người thế nào? Là một
người hệt với hình ảnh một kẻ “ý trung nhân” của mình. Kẻ “ý trung nhân” của
người An Nam ta là một người đàn bà da trắng, tóc dài, hình dáng yểu điệu… mà
phải có bộ răng đen nhay nháy (chúng tôi nhấn mạnh – PT) mới được. Nếu răng trắng
thời hỏng toẹt, không hệt với người trong mộng nữa.” Ông ghi nhật ký đúng như
thế. Mà đây lại là nhật ký để đăng công khai đều đặn trên báo Nam Phong của ông!
Vì ông đang nhớ vợ, mà kẻ “ý trung nhân” như ông tả ở trên, thì bất cứ ai đương
thời quen biết gia đình ông đều dễ dàng nhận ra ngay đó chính là chân dung của
vợ ông, cô gái một làng quan họ xứ Kinh Bắc. Ngày 23-6, ông ghi: “mình mặc
jaquette, vào hiệu ảnh chụp cái ảnh gửi về nhà”. Đó là bức ảnh đầu tiên ông mặc
âu phục, tóc cũng đã cắt mất cái “búi tó củ hành”. Trước thay đổi lớn đó về
hình thức, ông thấy cần “thông báo khẩn” cho vợ biết. Ông gửi ngay ảnh đó về31[11]với
lời đề tặng đúng kiểu của riêng ông “Gửi hiền thê, ở nhà”32[12]
Vợ chồng
đồng tuổi Nhâm Thìn với nhau nên thương yêu, chiều chuộng, giúp đỡ nhau, suốt đời
không hề có xích mích gì. Bà Cả Mọc, tên thật là Hoàng Thị Uyên, một nhân vật nổi
tiếng về hoạt động xã hội của Hà Nội đầu thế kỷ thứ 20, là cháu bà thiếp của cụ
Phạm Hội, lập hội Tế Sinh. Đây là một hội từ thiện chuyên trông con nhỏ cho những
người lao động nghèo đi làm ban ngày và còn mở một trại dưỡng lão ở Phúc Yên
giúp các cụ già cô đơn, không nơi nương tựa.33[13]Phạm Quỳnh coi bà nh và vô số
ca dao tục ngữ dân ca…35[15]Tuy không ham, nhưng ông cũng cố học đánh mạt chược
mà ông biết bà thích và chơi khá thạo. Chỉ cốt để cùng bà và gia đình tiêu khiển
trong mùa mưa xứ Huế.36[16]
Còn có
bằng chứng nào “hùng hồn” hơn về tình yêu của ông đối với vợ là họ đã có với nhau
đến mười sáu mặt con! Ông bà sống với nhau được ba mươi sáu năm, kể từ người
con trai cả sinh năm 1911 đến cô con út sinh năm 1938, trong hai mươi bảy năm ấy,
ngoài ba người mất từ khi chưa đầy tuổi tôi, cũng còn lại đến năm trai và tám
gái. Tuy đông con như thế nhưng hiếm có người cha nào trên đời này lại yêu
thương chăm sóc con cái đến như ông. Những người con của ông, ít tuổi nhất nay
cũng đã ngót bảy mươi, người lớn tuổi nhất hiện còn sống đã ngoài chín mươi,
nhưng không một ai quên được nhưng kỉ niệm về tình thương yêu và sự chăm sóc
ông đã dành cho mình. Đông con như thế mà ông vẫn chú ý đến từng người một, và
yêu thương chăm sóc các con như nhau, không hề có sự “trọng nam, khinh nữ” hoặc
“con yêu, con ghét” như thói thường vẫn vậy. Ông cũng không bao giờ lấy quyền
làm cha để bắt các con phải theo ý mình, mà chỉ cảm hoá bằng tình thương yêu và
lẽ phải mà thôi. “Dĩ thân vi giáo” là cách giáo dục của ông. Ông bao giờ cũng
thân thiết, gần gũi bầy con đông đúc, nhiều vẻ.
Các
con ông gọi cha bằng Thầy, gọi mẹ bằng Me và xưng là Em. Có lẽ là do ông gọi vợ
theo kiểu Tây là Me (Mère) nó, còn bà thì gọi ông theo kiểu ta là Thầy nó. Và cả
hai đều quý các con, thường gọi nựng khi còn nhỏ là Em, lâu ngày hình thành nếp
xưng hô độc đáo của riêng gia đình ông.
Mười bảy
tuổi lấy vợ thì mười tám tuổi ông có con trai đầu lòng, đặt tên là Phạm Giao.
Theo lệ cũ: tên con trai suy từ tên cha ra, đã có cây quỳnh tất phải có cành
giao. Hai năm sau, vợ ông sinh một bé gái trắng nõn nà như cọng giá, nhà bèn đặt
tên là Giá, ông cũng chấp nhận. Hai năm sau nữa, lại một bé gái ra đời, cứ ngày
ngủ đêm thức, nhà lại đặt luôn cho tên là Thức, ông lại cũng chấp nhận, cho làm
khai sinh như thế. Sự dễ dãi này cũng dễ hiểu, người thời ấy thường không coi
trọng việc đặt tên cho con gái, vì sau này lấy chồng thì sẽ lấy tên chồng thôi.
Nhà số 1 phố Hàng Trống là nơi chôn nhau cắt rốn của ba anh em. Sau này, khi đã
là chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Nam Phong, dọn về ở số 5 phố Hàng Da, các con
sinh ra đều được ông chọn đặt tên cẩn thận. Trước chuyến đi Pháp năm 1922, ông
có thêm ba con, một trai là Phạm Bích, hai gái là Hảo và Ngoạn. Mới hai mươi
chín tuổi, ông đã sinh đến sáu con.37[17]Chỉ đọc những dòng ông viết trong Pháp
du hành trình nhật ký đăng trên báo Nam Phong năm ấy, cũng thấy được ông thương
yêu các con đến thế nào
“Thứ
ba, 20-6: Chánh Công ty rượu Đông Pháp mời cơm trưa…Dự tiệc… còn có ông em ruột…
bà em dâu và hai đứa cháu gọi ông bà bằng bác. Hai thằng bé ngộ quá, mình chơi
đùa với chúng nó lại càng thêm nhớ đến lũ con ở nhà.” Phải, ở nhà ông cũng có
hai thằng bé là Giao và Bích mà…
“Thứ
sáu, 23-6:…vào hiệu ảnh, chụp cái ảnh gửi về nhà”.38[18]Ông gửi ảnh ấy về thì
bà lại gửi sang cho ông bức ảnh ông mặc áo gấm bế bé gái Ngoạn. Ảnh chụp trước
lúc ông đi xa. Ai ngờ, sau đó ông diễn thuyết đến bốn bận, có lần ở cả Viện Hàn
Lâm Pháp, khiến các báo Paris xôn xao lên, tranh nhau đăng bài nói của ông, còn
xin cả ảnh để đăng kèm cho thêm sức thuyết phục. Bấy giờ, tuy mới chụp ảnh mặc
âu phục gửi về nhà, nhưng ông lại không dùng ảnh ấy, mà đưa đăng bức ảnh mặc áo
dài khăn đóng, đang bế con gái mới vừa mấy tháng. “Bé” Phạm Thị Ngoạn, sau này
là tiến sĩ đại học Sorbonne Paris với luận văn Tìm hiểu tạp chí Nam Phong
(Introduction au Nam Phong) nghiên cứu về sự nghiệp chủ yếu của đời ông, vẫn luôn
giữ bên mình bức ảnh đó, coi như báu vật quý nhất đời mình. Bà nắn nót đề sau ảnh
dòng chữ: “Tôi đã có mặt trên báo chí Paris từ năm 1922”. Năm 1922 chính là năm
sinh bà Ngoạn.
“Thứ bảy,
24-6: cơm trưa rồi đi chơi cửa hàng Bon Marché ở đường De Sèvres… Nhân vào khu
bán các đồ chơi trẻ con, mua mấy thằng phệnh, con thú, cái xe để gửi về lũ trẻ ở
nhà cho vừa kịp tết tháng tám. Nhà hàng nhận gói, gửi cẩn thận, chỉ phải chịu
thêm tiền bưu phí mà thôi. Lũ trẻ nhận được mấy gói này chắc là mừng lắm. Nghĩ
đến chúng nó lại càng thêm nhớ.” Thế là đang sống giữa Paris phồn hoa đô hội bậc
nhất thế giới, lòng ông vẫn hướng về quê nhà; ông vẫn nhớ là sắp đến Tết Trung
thu, và càng nhớ các con.
“Thứ
năm, 29-6: Năm giờ chiều mới ở vườn bách thú ra, trước khi lên xe, mua một mớ
cartes postales (bưu ảnh) các giống thú lạ để gửi về cho các trẻ nhỏ ở nhà. Nào
là sư tử, nào là hổ báo, nào là hươu nai, nào là vượn khỉ, mỗi cô mỗi cậu được
mấy con giống, xem mà tranh nhau ỏm tỏi! Còn cái con nai cao cổ kia, chắc anh
chị nào cũng thích, ta phải mua đến nửa tá mới đủ.” Nửa tá là đúng, bấy giờ ông
có vừa đúng nửa tá…con, hai trai bốn gái, kể cả cô mới sinh mấy tháng trước khi
ông đi.
Và rồi,
“Thứ hai, 17-7: đi vào vườn Luxembourg. Vào đến giữa vườn, trông cái cảnh mới đẹp
sao!...Nhưng đẹp nhất là cái cảnh mặt trời về tây, bóng dương đã xế, mây vàng
ngẩn ngơ, thật là Trời tây bảng lảng bóng vàng
“Không
gì đẹp bằng góc trời đó, mà cũng không gì buồn bằng đám mây đó. Vì trông mây, lại
sực nhớ đến nhà: Lòng quê gửi đám mây vàng xa xa. Mến cảnh nhớ nhà, nhớ nhà mà
mến cảnh, trong lòng lại càng ngổn ngang thêm nữa. Trời vừa sập tối, lính canh
vườn đã nổi trống để giục khách tháo lui. Lủi thủi bước ra, đi thẳng về trọ…mãi
canh khuya vẫn trằn trọc chưa ngủ được. Từ ngày sang đây đến giờ, đến hôm nay,
mới thấy buồn là một, thật là: Lạnh lùng thay giấc cô miên”39[19]
Ông nhớ
nhà, nhớ vợ và các con là phải. Biết bao việc hằng ngày trong gia đình gắn bó với
ông. Ở nhà, bữa ăn nào các con trai cũng ngồi bàn ăn cùng thầy, các con gái thì
ngồi sập ăn cùng me. Thỉnh thoảng có thì giờ, ông cùng các con đi xem phim, cứ
mua bốn năm vé, mấy cha con cùng ngồi xem. Thời ấy, phim câm, thỉnh thoảng có
chiếu chữ Pháp trên màn ảnh. Ông đọc rồi giải thích cho mấy anh chị em, cứ truyền
khẩu nhau mà nghe. Khi có kịch cải lương hoặc vở chèo nào hay, thì ông mua vé
cho vợ đi xem cùng các con.40[20]
Sáng
sáng, ông dậy sớm, đun nước pha cà phê, không phải để ông uống mà là dành cho
các con. Ông mua sẵn từng chai lít dầu cá (thứ thuốc bổ tốt nhất thời ấy) cho
lũ trẻ. Mỗi sáng, gọi các con đến xếp hàng, tự tay ông rót từng thìa dầu cá cho
vào chén cà phê nhỏ, đưa cho từng đứa uống, rồi bảo lau miệng bằng giấy bản ông
để sẵn bên bàn, sau đó ăn xôi, đi học. Trước khi ăn cơm, ông bảo các con rửa
tay xà phòng trong chậu đặt gần bàn ăn. Ông lo chăm sóc các con như thể sợ vẩn
vơ là có thể lúc nào đó, ông sẽ bị mất một đứa, mà đứa nào ông cũng quí, cũng
yêu với tất cả tấm lòng! Vậy mà, ông đã phải gánh chịu tai hoạ đó. Không phải
chỉ một lần…
Cô con
thứ bảy mất lúc mới được nửa năm, còn cô thứ chín cũng chỉ sống với ông vẻn vẹn
có chín tháng. Cả hai đều trắng trẻo, xinh xắn. Ông mời thầy thuốc người Pháp
là Piquemal đến tận nhà chạy chữa hằng ngày mà vẫn không sao cứu được. Ông đi bộ
theo chân kiệu tang bé nhỏ, đưa các con đến tận mộ. Vậy mà đêm về, có lần đang
ngủ ông bỗng hốt hoảng choàng dậy, vội vã chạy sang buồng vợ, tưởng như nghe thấy
có tiếng con nhỏ khóc. Ông vốn cận thị, lại không kịp đeo kính, nên lao cả đầu
vào cửa kính mới bừng tỉnh, rồi thở dài, lủi thủi về lại giường nằm, trằn trọc
cho đến sáng. Con gái đầu của ông, cụ Phạm Thị Giá, đến năm ngoài tám mươi tuổi,
vẫn còn nhớ như in trong óc cảnh tượng này.
Năm
1926 ông bà lại sinh một gái. Ông quyết định đặt tên con là Hoàn và nói rằng:
“Đây là trời “hoàn” lại, thay cho hai người con gái đã mất”. Bé Hoàn được ông
bà yêu chiều đặc biệt. Bữa cơm thì cho ngồi ghế mây cao ở giữa, ông một bên, bà
một bên. Ông hỏi: “Em yêu thầy hay me?”. Khi cô bé trả lời: “Em yêu thầy và
me”, thì bà lại hỏi: “Emyêu me hay thầy?”. Và cô bé đáp: “Em yêu me và thầy!”.
Ông như muốn nhìn thấy qua hình hài bé Hoàn cả hình bóng hai con gái ông rất mực
yêu thương nhưng mệnh yểu.
Nhưng
định mệnh trớ trêu vẫn bắt ông phải đau khổ vì mất con một lần nữa. Sau bé
Hoàn, bà lại sinh cho ông một bé gái, đứa con thứ mười một của ông. Thấy con
gái xinh xắn, nhỏ nhoi, ông mới đặt tên cho em là Yến. Bấy giờ có nữ thi sĩ
Pháp là bà Jeanne Duclos Salesse mến phục tài ông, thường lại nhà chơi, thấy
cháu bé mới sinh, hỏi tên, rồi làm tặng một bài thơ, có câu:
“Xin
chào Chim Yến Nhỏ, đã khéo chọn hình mẫu từ những nét của mẹ em xinh đẹp, để ngời
sáng lên như một viên kim cương, ơi Chim Yến”
Nhưng
mới được năm tháng tuổi thì em mắc bệnh hiểm nghèo, chữa chạy chăm sóc thế nào
bệnh cũng chẳng hề thuyên giảm, cứ ngày một nặng lên. Bé Yến suy kiệt, héo hon
dần ngay trước mắt ông. Nhiều đêm, ông bế con gái nhỏ, yếu ớt như cái giải
khoai, để em gục đầu vào vai mà nhẹ nhàng đi quanh bức tượng Phật Bà Quan Âm bằng
sứ trắng muốt, cao chừng tám mươi phân, cổ tượng ông có đeo cho một chuỗi hạt
san hô đỏ, trước tượng, đặt một lư trầm thơm ngát. Ông cứ đi như thế suốt đêm,
bế con vác vai, miệng khe khẽ ngâm nga những câu thơ cổ, mong ru em ngủ, giấc
ngủ mong manh, chập chờn. Nhưng rồi, việc ông lo sợ nhất vẫn cứ đến, Chim Yến
Nhỏ lại cũng bỏ ông mà bay đi. Sau khi tác giả bài thơ tặng em về Pháp được một
tháng.
Nhiều
năm sau, khi được tin bà Salesse mất, ông có làm bài tưởng niệm, trong đó có
câu:
“Bà
Jeanne Duclos không còn nữa! Kỉ niệm về bà gắn bó với một sinh linh nhỏ nhoi
thân thiết với tôi, sau khi bà lên đường một tháng, đã bay về Trời; nơi ấy, chắc
là bà sẽ gặp lại em”
Ông vẫn
không sao quên được tổn thất lớn lao mình đã phải chịu đựng năm ấy. Mất một đứa
con, là ông đứt một khúc ruột
Giữa
hai cô con yểu mệnh, ông được một trai khôi ngô, mừng rỡ đặt tên là Khuê, ngôi
sao sáng trong “nhị thập bát tú” (sau này sẽ là Giáo sư nổi tiếng về lão khoa,
Nhà giáo Nhân dân, Chủ tịch đầu tiên của Hội Người cao tuổi Việt Nam, và từng
được bầu làm đại biểu quốc hội của tỉnh Hải Dương quê hương ông, với số phiếu
cao nhất). Sau Chim Yến Nhỏ, ông lại được thêm một trai nữa. Cậu này thay chỗ
bé Hoàn trong bữa ăn gia đình, được ngồi giữa ông bà. Ông đau dạ dày, quanh năm
chỉ ăn xôi với ít thịt gà thịt lợn kho. Bữa xôi nào, ông cũng chỉ xắn ăn chung
quanh, để lại giữa đĩa một cái “cù lao” nhỏ, dành cho bé Tuyên. Cái cung cách để
dành lại cho con một chút thức ăn đó, ông có đã lâu. Cụ Phạm Thị Giá còn nhớ
rõ: “ Có đêm, tôi ngủ đã lâu, tỉnh dậy, thấy bên bàn giấy thầy đèn vẫn sáng.
Tôi thương thầy làm việc quá khuya, mở cửa sang, thì thầy hỏi: “Con ngủ rồi à,
sang đây ngồi chép cho thầy.” Tôi ngồi vào bàn viết và thầy ra ngồi ghế xích
đu, cầm quyển sách, dịch và đọc thẳng như người ta đọc chính tả cho tôi viết, đến
mỏi cả tay. Đêm càng khuya, thầy càng tỉnh táo và giọng đọc vẫn rõ ràng. Sau chừng
hai tiếng đồng hồ, tôi vừa mỏi tay, vừa buồn ngủ thì thầy mới như chợt nhận ra,
và bảo tôi cắt cam cho thầy xơi…Cam bổ làm sáu, thầy xơi bốn miếng, còn hai miếng,
bảo tôi ăn. Thầy còn nói vào mắc áo có cái gi-lê trắng của thầy, trong túi có
gì thì thầy cho. Tôi vào lục túi, được mấy hào lấy làm sung sướng lắm, đó là thầy
thưởng công cho tôi”.41[21]
Sau
đó, ông bà còn sinh hai gái nữa, đặt tên là Diễm (tên khai sinh bị ghi nhầm là
Giễm, không sửa được!) và Lệ; chỉ bằng vào hai cái tên thôi, cũng đủ biết hai
cô xinh đẹp dường nào. Rốt lòng là một trai tên Tuân, một gái út tên Viên, có
thể là do khi sinh ra cô tròn trặn, mà cũng có thể ông cho đàn con đông đến như
vậy là “viên mãn” rồi.
Bà Phạm
Thị Hoàn còn nhớ: “Vào Huế tôi có thêm ba em, hai gái một trai. Tôi nhận thấy
chiều nào đi làm về, thầy tôi cũng xuống ngay nhà ngang thăm em bé, đặt em bé
xuống giường, lấy hai tay vuốt từ đùi xuống chân, hoặc nắn hai cánh tay trở ngược
lên vai, vừa vuốt vừa nựng: “Vươn vai, chóng nhớn, vươn vai, chóng nhớn”. Tôi
được chứng kiến thầy tôi “tỏ tình” với các em bé, nên cũng yên chí là các anh
chị tôi và tôi cũng đều đã được chăm sóc như vậy”.42[22]Ông vẫn yêu mến, chăm
sóc các con hết lòng, dù đó đã là các con thứ mười bốn, mười lăm, và mười sáu của
ông.
Ông
thường nói với các con là mình không có tuổi thanh niên. Trong thời gian còn
làm báo, đôi khi ông cũng có lần cùng bạn bè tới các ca lâu tửu điếm, thưởng thức
hát ả đào. Theo tập quán thời ấy cho phép, người ta hỏi ông có “chấm” một cô
đào nào không thì ông trả lời: “Tôi có con sớm quá, khiến khi các đào nương còn
ít tuổi đến với tôi, tự nhiên tôi liên tưởng đến các con gái tôi, và vì vậy,
nên không bị cám dỗ”.43[23]
Ông
không bao giờ cáu giận, to tiếng với ai cả. Bực mình lắm, cũng chỉ thấy ông tặc
lưỡi là cùng. Ông không bao giờ dùng quyền uy hay hình phạt. Con trai cả ông đã
kết duyên với con gái ông bạn văn thân thiết nhất của ông, sinh được hai trai,
thì lại đem lòng yêu thương và lấy một cô gái Huế “tân thời”, rồi đưa nhau vào
tận Sài Gòn sinh sống như dân lao động, khi ông đã là mệnh quan của triều đình.
Ngày giỗ kị, các quan mũ áo chỉnh tề đã tề tựu đông đủ, mới thấy cậu cả về nhà,
mặc bộ đồ tây vàng, thời ấy chỉ những người phát thư mới mặc, đi thẳng vào giữa
hàng các quan đang khúm núm, chìa tay ra suồng sã bắt tay từng người và chào hỏi
tự nhiên. Tin đồn: “Cậu cả con cụ Thượng vào Sài Gòn mở tiệm cơm đeo bị cói đi
mua thịt bò ở chợ Bến Thành” khiến không ít người dị nghị: “Sao cụ lại để ông
con cả lấy nghề của chú Ba Tàu!” Nhưng ông chẳng có hình thức trừng phạt gì,
cũng không trách mắng con trai. Ông vẫn thương và giúp đỡ tận tình cả con trai
với cô vợ cả và hai con trai, lẫn cô vợ lẽ và ba đứa con, không hề phân biệt đối
xử, coi cũng như các con cháu khác của ông vậy, khiến cho gia đình tám con người
ấy vẫn sống hoà hợp lâu dài mà không đi đến hận thù, đổ vỡ. Đương thời, một thạc
sĩ y khoa trẻ, tốt nghiệp từ Pháp về Huế, do yêu thương và quyết xin cha cho lấy
một cô gái Huế “tân thời” người Hoàng Tộc, nhưng trái ý cha, đã bị bắt nằm sấp
trước bàn thờ tổ tiên, trên mông đặt một cái roi mây “để tổ tiên trừng phạt tội
bất kính, làm bại hoại gia phong”, ngay trước mặt bà con dòng họ, làm xôn xao xứ
Huế một thời.44[24]
Ông
theo dõi tỉ mỉ và tạo mọi điều kiện cho con cái phát huy thiên hướng của mình,
không hề áp đặt, kể cả trong học hành lẫn vui chơi, giải trí. Hồi đi công cán
Quảng Trị, ông mua hẳn một ngôi nhà gỗ lớn, rồi cho tháo dỡ về lắp trong khuôn
viên biệt thự Hoa Đường của gia đình, giữa vườn cây cỏ hoa lá xanh tươi. Chung
quanh nhà, chạy một hàng hiên tráng xi-măng xanh mát rượi. Kế đến là dãy phòng
xinh xắn bao quanh một hội trường nhỏ. Có lẽ vì nghĩ đến bầy con cháu đông đảo
đang trưởng thành mà ông đã chọn mua ngôi nhà gỗ lớn này. Đúng là một Thiên Đường
của lũ trẻ, giữa thiên nhiên thoáng mát. Con trai con gái lớn ông, mỗi người một
phòng riêng. Cậu cả thì thích ghi-ta phím lõm, chơi các bản vọng cổ cải lương;
cậu hai lại thích ghi-ta cổ điển phương tây; cậu ba ham đàn phong cầm; cậu tư
mê cả ghi-ta lẫn phong cầm, sau này sẽ thành nhạc sĩ nổi tiếng của nước ta là
Phạm Tuyên, tác giả hơn sáu trăm ca khúc.. Có lần rỗi rãi, ông xuống thăm nhà gỗ,
thì gặp Phạm Bích con trai thứ hai của ông đang đệm đàn và hát cùng Hoàng Gia Lịnh
bài Việt Nam bất diệt anh này mới sáng tác đưa bạn xem thử. Ông khen hay, bảo cứ
hát tiếp đi, rồi đứng yên nghe hai người hát cho đến hết bài, mới đi chỗ khác.
Kỉ niệm ấy, đến năm ngoài tám mươi tuổi cụ Lịnh vẫn còn nhớ rõ.45[25]
Lần
khác, muốn giới thiệu các con với một bạn người Pháp, ông đưa bạn xuống nhà gỗ,
tình cờ gặp đúng lúc bọn trẻ đang tổ chức “chiếu phim” với máy chiếu tự làm lấy
bằng bìa và phim bằng giấy bóng kính do Phạm Tuyên vẽ. Âm nhạc do Phạm Vinh,
đính tôn của ông (sau này, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là nhạc sĩ quân
đội, trưởng Đoàn Văn công Trường Sơn) tùy cảnh trong phim mà mở các đoạn nhạc
thích hợp có trong những đĩa hát cũ, bằng kèn hát lên dây cót. Các cháu nhỏ, đứa
lo “soát vé”, đứa lo “đưa chỗ” cho khách. Ông khách người Pháp được xem buổi
chiếu phim ấy vừa thích thú vừa thương lũ trẻ, sau này đã gửi tặng các con ông
một máy chiếu phim 8mm hiệu Pathée, thật ngoài mong ước của lũ trẻ. Còn các cô
gái thì đan len, thêu thùa hoặc học hát cũng là ở nhà gỗ cả. Các con cháu ông
có thói quen hát nhiều bè, chỉ cần một người cất tiếng hát là có người khác phụ
hoạ, hát đệm theo luôn, có khi đến ba bốn bè. Về thể thao, các con ông ham bơi
lội, quần vợt, săn bắn và câu cá ở ngay con sông nhỏ An Cựu trước cổng nhà. Hầu
như ai cũng biết vẽ. Và tất nhiên, ham đọc sách báo, thích thơ văn. Gia đình có
cả một thư viện đồ sộ hàng vạn cuốn sách, tủ sách kín tường, cao đến tận trần
nhà. Trong nhà cũng ra được một tờ Gia đình tuần báo, có đủ cả “bản báo phóng
viên”, “biên tập”, “hoạ sĩ trình bày”…thuật lại những diễn biến trong đại gia
đình tuần qua, giới thiệu các món ăn kỳ lạ, và có phóng sự thuật cả chuyện “có
tiếng ai đó khóc trong đêm khuya…” để trêu chọc nhau cho vui. Hội trường nhà gỗ
còn là nơi các thầy dạy kèm được ông mời đến dạy các con cháu nhỏ học buổi chiều
và buổi tối. Hầu như ông không phải nhắc nhở con cháu về việc học, tự chúng có
lòng ham học, ham hiểu biết rồi.
Biệt thự Hoa Đường bên sông An Cựu, ngoại thành Huế. Cổng có hai chữ nho Hoa Đường. Phạm Quỳnh đứng trong khuôn viên, gần cổng, mùa hè năm 1945. |
Phạm Tuyên (24 tuổi), con trai thứ tư và Phạm Vinh (22tuổi) cháu đích tôn của ông, chụp ảnh kỉ niệm trên cầu Thê Húc hồ Gươm, sau khi gặp lại nhau năm 1954 tại Hà Nội vừa "giải phóng" |
Vào tuổi
xế chiều, Giáo sư Nguyễn Phước Bửu Tập vẫn thấy cần chia sẻ một ký ức tuổi thơ
với đông đảo cử tọa của Ngày Phạm Quỳnh (năm 1999). Một hôm cậu Tập, học trò lớp
nhất tiểu học được bạn cùng bàn là Xương mời đến chơi biệt thự Hoa Đường. Cậu đến
thì bị hai lính lệ gác cổng đuổi. Hôm đi học, bèn nói cho Xương biết. Chủ nhật
sau, cậu đi câu cá ở sông An Cựu, qua cổng thì hai anh lính hôm trước rượt
theo, lễ độ Mời vào chơi với cậu Xương và Cụ Thượng muốn gặp cậu. Cậu vào thì
Xương giới thiệu với bác mình là cụ Thượng. Giáo sư kể: “Thong dong, hiền từ, tế
nhị không nhắc đến chuyện cũ, cụ Phạm thăm hỏi gia đình tôi và dẫn vào thư viện
xem sách. Sách, đâu cũng sách là sách… Cụ giảng cho biết thế nào là loại sách
quí…”46[26]
Con
người cô đơn là ông luôn tìm thấy niềm vui, nguồn sống trong bầy con cháu đông
đảo, lạc quan, năng động. Ông như thấy có trách nhiệm với cái bộ lạc mà ông đã
sinh ra ấy, đến mức ông ngần ngại trước tất cả những quyết định gì có thể gây tổn
thất cho bộ lạc của mình, làm “sẩy đàn, tan nghé”, ông e ngại tất cả những gì
quyết liệt, mang tính bạo lực. Những việc ông dồn tất cả tâm sức vào làm cũng
chỉ là để chuẩn bị cho một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân dân, cho đất nước sau
này, mà ông còn chưa biết chắc là sẽ nên làm thế nào để đạt được. Ông chỉ cố gắng
làm những gì mà sức mình có thể làm được thôi. Có lẽ vì thế mà ông ít tâm sự
cùng vợ con việc mình làm, cứ lặng lẽ âm thầm làm một mình, chẳng dám lôi kéo
ai, kể cả những người thân nhất của ông đi vào con đường của mình, mà ông biết
là có không ít chông gai, lại khó được chia sẻ. Ông tìm nguồn an ủi, chỗ dựa
tinh thần chính từ trong bộ lạc thân yêu của mình, để tiếp tục sống mà làm việc.
Có lẽ ông nghĩ: không nên làm cho con cháu sớm phải bận tâm với những việc
ngoài tầm suy nghĩ của chúng; cứ để cho chúng sống hồn nhiên được lúc nào hay
lúc ấy; bởi cái gì phải đến, tất sẽ đến đúng lúc cần phải đến thôi…Ông vốn là
người cho thì thật nhiều, mà nhận thì chẳng bao nhiêu.
Ông
cũng không nệ “môn đăng, hộ đối” như lề thói đương thời. Cô con cả ông được một
thanh niên nghèo người Huế đem lòng yêu thương. Anh là con một quan huỵên thanh
liêm về hưu trước tuổi, tự làm việc nuôi thân ăn học thành tài, lại thay cha
nuôi cả gia đình đông đúc, sau này là một trong tám vị sáng lập trường Thăng
Long (Ngõ Trạm) nổi tiếng ở Hà Nội. Thấy người có đức có chí, khi con gái thuận
tình, thì ông cũng bằng lòng gả cho. Ông trọng ông thông gia là quan huyện thà
về hưu ở lứa tuổi bốn mươi còn hơn là theo lệnh Tây đi lùng bắt những “người
làm quốc sự” mà mình cho là lương dân. Một lần sinh nhật ông, ông này đến dự,
có cho người mang theo một mâm lễ lớn, phủ vải đỏ. Ông đưa hai tay đón nhận, cảm
ơn là Đã cho quà nhiều quá! Và sai người nhà mang vào nhà trong, rồi kính cẩn mời
ông thông gia vào bàn thượng khách. Ông không cho khách dự - phần lớn là các
quan trong triều và giới thượng lưu trí thức- thấy món quà tặng đó: Chỉ là một
buồng chuối tiêu cắt ở vườn nhà!47[27]
Vợ chồng
cô con cả sinh con đầu lòng năm 1932, ông vào tận bệnh viện thăm cháu gái và
cho biết là năm ấy, ông sẽ vào làm quan trong Huế. Ông vuốt má cháu ngoại đầu
tiên mà nói: “Sang năm, vợ chồng cho cháu về Huế thì tiện, có bên nội lại có cả
bên ngoại nữa.” Sau đó, cứ mỗi lần gia đình này về Huế, ông lại cho lái xe ra tận
ga đón, rồi đưa thẳng cả nhà về bên nội ở một thời gian, sau mới cho đón về bên
ngoại, ở lại lâu hơn.
Các
con ông đều lấy người mình yêu thương, không hề có cảnh “cha mẹ đặt đâu, con ngồi
đấy” như đương thời. Ông yêu quý tất cả dâu rể, âu yếm tất cả các cháu nội ngoại.
Khi ở Huế, những dịp con cháu về đông đảo, cả nhà quần tụ trong biệt thự Hoa Đường
rộng lớn, bữa ăn phải đánh chuông báo mới biết mà về cùng ăn. Ông ngồi đầu một
bàn dài, ăn xôi, vợ con dâu rể và lũ cháu nội ngoại lớn nhỏ tuỳ tiện chọn lấy
chỗ nào thích thì ngồi hai bên bàn, ăn uống trò chuyện vui vẻ. Buổi chiều mát
thỉnh thoảng có mụ Mệ người làng An Cựu bán chè đậu ván quen, gánh một gánh đầy
vào nhà, là con cháu bu lại, mỗi người một bát, ăn cho nhanh còn thêm bát nữa,
chỉ loáng cái đã hết cả gánh hàng. Mụ Mệ cười tươi, phô hai hàng lợi cứng,
không còn sót một cái răng nào, giữa tiếng xôn xao của lũ trẻ mời mụ ngày mai lại
đến. Con cháu mụ Mệ cũng thường vào Hoa Đường chơi với con cháu ông.
Phạm
Quỳnh thân thiết với những người giúp việc gia đình hằng ngày như người nhà.
Cho nên, sau khi gia biến, ông không còn, nhưng cụ Hạt, cụ bếp Nguyên, u Nấm, u
Viết vẫn giúp việc vợ con ông cho đến tuổi già, tận tình và trung tín. Cụ thợ
may Liễn (tên thường gọi là ông Hai Lươn, em ông Cả Trạch), thường xuyên thăm
nom, giúp đỡ gia đình cô con cả ông những khi có việc. Các con cái cụ như Sâm,
Nhung… thường đi lại, gắn bó thân thiết với cháu ngoại Phạm Quỳnh. Các ông Bồng,
Huệ, Thìa, Khoá, Hồ, Gà… vẫn gắn bó như xưa. Năm 1954, Hà Nội giải phóng, hội
nghị giáo dục toàn miền Bắc họp lần đầu. Con trai Phạm Quỳnh là giáo viên Khu Học
xá Trung ương từ Nam Ninh (Trung Quốc) về nước dự. Buổi tối, họp kín, chỉ toàn
Đảng viên. Giờ giải lao, thì có một người cùng họp đến gặp, hỏi có phải là con
Cụ Phạm không, rồi tự xưng Tôi tên là Thìa, em anh Khoá đây,thân thiết, không
chút e ngại.
Phạm Quỳnh và vợ cùng các con trai, gái, dâu, rể và các cháu nội, ngoại trong lễ mừng ngày sinh lần thứ năm mươi của hai ông bà cùng tuổi nhâm thìn, gia đình tổ chức tại biệt thự Hoa Đường, năm 1942.
Bà
Hoàn, hồi nhỏ ở Huế thường giúp ông các việc vặt như: mở máy hát các điệu Nam
Ai, Nam Bằng, Tứ Đại Cảnh, hò mái nhì mái đẩy, những bản ca trù, hát nói, chèo
cổ, Kiều lẩy, Tần Cung Oán…hay đọc sách cho ông nghe và chuyên cắt móng tay cho
ông. Năm gần bảy mươi tuổi, bà vẫn còn nhớ: “Mỗi lần như vậy, thầy tôi lại nói
đùa: Thầy là một nhà nho để móng tay ngắn. Riêng câu đó cũng chứng tỏ thầy tôi
luôn luôn dung hoà cái xưa và cái nay”.49[29]
Ông
yêu quý những người thân của mình và cũng được đáp lại bằng tình cảm kính yêu
chân thành, tha thiết nhất.
Năm
1945, sau khi từ quan rút về sống ẩn dật trong biệt thự Hoa Đường lúc mới năm
mươi hai tuổi, ông nghiền ngẫm và miệt mài đọc, dốc tâm huyết dịch những bài
thơ Đỗ Phủ mình tâm đắc nhất. Được đúng năm mươi mốt bài thì gửi Đông Hồ Lâm Tấn
Phác, người bạn văn chương thân thiết sành thơ và bắt đầu viết Kiến văn cảm tưởng:
Hoa Đường tuỳ bút trong một cuốn vở học trò, mới được non năm mươi trang giấy.50[30]
Tháng sáu năm ấy, nhà báo Nguyễn Vạn An, đại diện nhóm Tri Tân, được cụ Nguyễn
Văn Tố, người đồng sự với ông ngày trước ở Trường Viễn Đông Bác Cổ, giới thiệu
đến thăm ông. Sau này, khi viết bài Khi danh vọng về chiều: Tôi đã gặp Phạm Quỳnh
ở biệt thự Hoa Đường, ông An có thuật lại những lời ông nói bấy giờ: “Tôi đã lỡ
lầm mà ra làm quan, vì trước khi dấn thân vào hoạn lộ, thật ra tôi vẫn tưởng
tôi sẽ làm được rất nhiều việc mà trước kia tôi chỉ phụng sự được trong mực đen
giấy trắng”…”Hiện thời, tôi phải tĩnh dưỡng trong ít lâu, rồi tôi sẽ trở lại hoạt
động cho văn học”…” Tương lai nước ta sau này là do ở chữ quốc ngữ, nó sẽ là nền
móng của công cuộc giải phóng và độc lập sau này”…”Trong một thời gian ra làm
quan, tôi tự nhận thấy thâu thái học hỏi thêm được “nhân tình thế thái” rất nhiều.
Ngày nay, trở lại nghiệp cũ, có lẽ ngòi bút của tôi sẽ được dồi dào, phong phú
hơn xưa…Suốt một đời tôi đã phụng sự cho văn học, thì ngày nay không vì lẽ gì
tôi lại không muốn trở lại cái đời cầm bút đã bị một thời gian bỏ dở.”51[31]
Phạm
Quỳnh, Thượng thu Triều đình Huế (từ 1932--3/1945)
Từ
lâu, ông đã muốn thoát khỏi quan trường mà không sao thoát được. Năm 1932, nghe
tin ông nhận vào Huế làm quan, Hoàng Đạo Thúy đã can ngăn hết lời, nhưng ông vẫn
ngây thơ trả lời rằng: “Tôi vào thử một tháng, không làm được gì thì tôi lại
ra”.52[32]Ông còn nói với nhà báo Nguyễn Vạn An vào tháng 6-1945: “Trong trường
hợp nào, chúng ta cũng phải đặt quốc gia lên trên hết, dù trong địa hạt văn hoá
cũng vậy. Cá nhân không có nghĩa và cũng không có sức mạnh gì cả”.53
_________________
21
Hoàng Đạo Thuý: bản dịch Trích gia phả họ Hoàng Đạo; Phụ: Bên Ngoại (Hoàng Đạo
Thành soạn, viết); Phả ký học trò viết (Tô Ngọc Huê soạn, Ngô Văn Dạng viết)
22
Hoàng Đạo Thuý: Các việc tiếp theo (viết ngày 16-7-1991, tại Hà Nội)
23 Phạm
Thị Giá: Thư gửi con trai (tháng 4-1988); Thư gửi con trai (25-5-1988); Thư gửi
em gái (14-9-1992)
24
Hoàng Đạo Thuý: Băng ghi âm lời nói với con trai Phạm Quỳnh (ngày 19-4-1991, tại
Hà Nội)
25 Phạm
Thị Giá: Thư gửi con trai (tháng 4-1988); Thư gửi con trai (25-5-1988); Thư gửi
em gái (14-9-1992)
26
Theo lời kể của ông Lê Đức Vượng, cháu gọi Phạm Quỳnh bằng bác, trực tiếp kể
cho người viết bài này, năm 1999
27
Theo lời kể của cụ Lê Thị Hợp, em vợ Phạm Quỳnh trực tiếp kể cho người viết bài
này từ 1960 đến 1975
28
Theo lời kể của bà Lê Thị Trung, cháu gọi Phạm Quỳnh bằng bác, trực tiếp kể cho
người viết bài này ngày 19-1-2000
29
Theo lời kể của cụ Lê Thị Hợp, em vợ Phạm Quỳnh trực tiếp kể cho người viết bài
này từ 1960 đến 1975
30 ,
32 Phạm Thị Giá: Thư gửi con trai (tháng 4-1988); Thư gửi con trai (25-5-1988);
Thư gửi em gái (14-9-1992)
31 Phạm
Quỳnh: Hành trình nhật ký, NXB Ý Việt, Paris, 1997
33
Hoàng Đạo Thuý: Phố phường Hà Nội xưa, NXB Văn Hoá - Thông Tin, Hà Nội, 2000
34
Hoàng Đạo Thuý: Băng ghi âm lời nói với con trai Phạm Quỳnh (ngày 19-4-1991, tại
Hà Nội)
35 Phạm
Thị Hoàn: Thầy tôi, viết tại Yerres, bài đọc trong lễ kỷ niệm lần thứ 100 ngày
sinh Phạm Quỳnh tổ chức tại Paris ngày 19-12-1992. Báo Ái Hữu số 115 tháng
6-1992, Paris
36 Phạm
Thị Ngoạn: Tìm hiểu tạp chí Nam Phong (bản dịch của Phạm Trọng Nhân, NXB Ý Việt,
Paris, 1993)
37 Phạm
Thị Giá: Thư gửi con trai (tháng 4-1988); Thư gửi con trai (25-5-1988); Thư gửi
em gái (14-9-1992)
38 Phạm
Quỳnh: Hành trình nhật ký, NXB Ý Việt, Paris, 1997
39 Phạm
Quỳnh: Hành trình nhật ký, NXB Ý Việt, Paris, 1997
40 Phạm
Thị Giá: Thư gửi con trai (tháng 4-1988); Thư gửi con trai (25-5-1988); Thư gửi
em gái (14-9-1992)
41 Phạm
Thị Giá: Thư gửi con trai (tháng 4-1988); Thư gửi con trai (25-5-1988); Thư gửi
em gái (14-9-1992)
42 Phạm
Thị Hoàn: Thầy tôi, viết tại Yerres, bài đọc trong lễ kỷ niệm lần thứ 100 ngày
sinh Phạm Quỳnh tổ chức tại Paris ngày 19-12-1992. Báo Ái Hữu số 115 tháng
6-1992, Paris
43 Phạm
Thị Ngoạn: Tìm hiểu tạp chí Nam Phong (bản dịch của Phạm Trọng Nhân, NXB Ý Việt,
Paris, 1993)
44
Theo lời kể của bác sĩ Ngô Văn Quỹ, trực tiếp kể cho người viết bài này, tại
Thành phố Hồ Chi Minh, năm 1999
45
Theo lời kể của Giáo sư Sử học Hoàng Gia Lịnh, sống ở Paris trực tiếp kể cho
người viết bài này.
46
Nguyễn Phước Bửu Tập - Chiến sĩ ái quốc Phạm Quỳnh, tạp chí Văn Hoá số 50, Mỹ
47
Theo lời kể của bà Tôn Nữ Việt An, cháu ngoại Phạm Quỳnh, trực tiếp kể cho người
viết bài này qua điện thoại (tháng 1-2006)
48 Phạm
Thị Giá: Thư gửi con trai (tháng 4-1988); Thư gửi con trai (25-5-1988); Thư gửi
em gái (14-9-1992)
49 Phạm
Thị Hoàn: Thầy tôi, viết tại Yerres, bài đọc trong lễ kỷ niệm lần thứ 100 ngày
sinh Phạm Quỳnh tổ chức tại Paris ngày 19-12-1992. Báo Ái Hữu số 115 tháng
6-1992, Paris
50 Phạm
Quỳnh: Tuyển tập và Di cảo, NXB An Tiêm, Paris, 1992
51, 53
Nguyễn Vạn An: Khi danh vọng về chiều: Tôi đã gặp Phạm Quỳnh ở biệt thự Hoa Đường,
báo Tin Điển, ngày 23-3-1952
52 Hoàng
Đạo Thuý: Băng ghi âm lời nói với con trai Phạm Quỳnh (ngày 19-4-1991, tại Hà Nội)
Phạm
Tôn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét