Mao Trạch Đông Cuộc Đời Chính Trị Và Tình Dục - Chương 21
ưu Thiếu Kỳ Đã Chết
Như Thế Nào
Lý Chí Thỏa - Trần Trung Đạo Lược Dịch -
Năm 1967, Trung Quốc rơi
vào hỗn loạn. Ðánh nhau đã bùng nổ giữa các phe vì nhiều phe đã có súng ống.
Các cơ quan đảng đoàn gì đều phân hóa trầm trọng. Khẩu hiệu của bọn phản loạn
là "Lật đổ hết mọi thứ" và "Phát động chiến tranh nội
chiến". Mao đứng về phe phản loạn. Y nói với tôi cuộc cách mạng văn hóa
không thể thành công nếu chúng ta không ủng hộ bọn tả khuynh. Chính vì thế,
đích thân Mao ra lịnh cho quân đội ủng hộ cánh phản loạn. Mục đích chính của quân
đội là ủng hộ các lực lượng phản loạn, huấn luyện quân sự cho đám Hồng Vệ Binh
và quân sự hóa toàn bộ các cơ quan chính phủ. Trong vài tháng khoảng 2 triệu
quân đã được động viên để giúp cánh tả.
Tại Bắc Kinh, Mao dựa vào lực lượng an ninh
thuộc Binh Đoàn Bảo Vệ Trung Ương của Uông Ðông Hưng. Binh Ðoàn nầy còn mang
biệt danh là binh đoàn 8341, không trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu. Mao có hệ thống
liên lạc thẳng với Uông Ðông Hưng mà không cần phải thông qua hệ thống rườm rà
của Lâm Bưu. Tuy nhiên Mao lại ít khi phải gặp Uông Ðông Hưng như tôi, nên
nhiều khi tôi lại là kẻ chuyển giao mệnh lệnh từ Mao đến Uông Ðông Hưng.
Vào mùa xuân 1967, tôi chuyển lệnh từ Mao
xuống cho Uông Ðông Hưng để đem quân thuộc Binh Ðoàn Bảo Vệ Trung Ương đến hàng
loạt các nhà máy ở Bắc Kinh, bắt đầu là nhà máy tơ sợi. Tới phiên họ Uông, y
lại ra lịnh cho một phụ tá của ông ta để thiết lập văn phòng gọi là "ủng
hộ cánh tả", văn phòng nầy lại thành lập một "ủy ban quân quản",
và ủy ban nầy cử ra hai ủy viên để chiếm giữ nhà máy tơ sợi Bắc Kinh.
Mao cũng bắt đầu tỏ ra nghi ngờ tôi, lý do là
tôi không thích liên quan đến chính trị. Dấu hiệu khó chịu đầu tiên của tôi mà
tôi cảm thấy xảy ra vào ngày 13 tháng Bảy năm 1967. Hôm đó, Mao đi Vũ Hán và đó
cũng là lần đầu tiên Mao không mời tôi đi theo. Lâm Bưu đề nghị một bác sĩ quân
y thuộc Bộ Quốc Phòng tháp tùng Mao. Tôi biết nguy cơ đang đến, cả Uông Ðông
Hưng cũng cảm thấy điều nầy. Họ Uông tin chắc chắn rằng đây lại là tác phẩm của
Giang Thanh.
Bạo động của Cách Mạng Văn Hóa tiếp tục lan
tràn. Những cuộc ấu đả, đánh đập luôn xảy ra. Tình trạng tại Vũ Hán vô cùng
nguy ngập đến nỗi Mao phải thân chinh đi giảng hòa. Bắc Kinh đang trên bờ vực
thẳm của hỗn loạn. Với Mao đang trên đường kinh lý, mọi quyền hành tập trung
trong tay Giang Thanh. Uông Ðông Hưng lo sợ dùm sinh mạng tôi nên khuyên
"phải bám lấy Trung Nam Hải, đừng đến nhà máy sợi. Nếu có chuyện gì xảy ra
thì chạy đi Vũ Hán ngay." Tôi nghe lời Uông Ðông Hưng mà ở lại Trung Nam
Hải, nhưng chỉ ở lại để chứng kiến thảm trạng đang sắp sửa xảy ra cho những
lãnh đạo cao cấp nhất của đảng và nhà nước. Chủ Tịch Nhà Nước Lưu Thiếu Kỳ là
đối tượng hàng đầu của Cách Mạng Văn Hóa tại Bắc Kinh. Nhiều trăm Vệ Binh Ðỏ
tập trung trước cổng phía tây của Trung Nam Hải, hô to khẩu hiệu đòi lật đổ Lưu
Thiếu Kỳ. Dọc bờ tường Trung Nam Hải treo một khẩu hiệu thật to để chống lại
một người mà cách đây không lâu Mao đã chọn làm người kế vị mình. Ðến buổi
chiều con số tập trung ngày càng đông, xe cộ ngừng chạy, giao thông tắc nghẽn,
mùi hôi hám bốc lên từ đám người chen lấn nhau giữa cơn nắng hè tháng Bảy. Chưa
bao giờ trước đó Trung Nam Hải, thủ phủ của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa
lại bị bao vây như thế nầy. Ðám vệ binh của Uông Ðông Hưng, những người có
trách nhiệm bảo vệ các lãnh đạo tối cao, đứng một cách thụ động bên cạnh đám
đông mỗi lúc càng đông thêm.
Sáng ngày 18 tháng Bảy, trong lúc tôi đang
ngồi đọc tờ báo buổi sáng thì một anh bảo vệ chạy vào báo "Chủ Tịch Lưu
Thiếu Kỳ đang bị đấu tố trước cửa dinh Chủ Tịch Nước.", tôi tức khắc chạy
ra xem.
Một đám đông đã tập trung. Ðám nầy phần lớn là
cán bộ từ Ban Thư Ký thuôc Hội Ðồng Tổng Lý. Binh sĩ từ Cục Bảo Vệ Trung Ương
cũng có mặt nhưng chỉ đứng nhìn. Không một ai giúp ông ta chút gì cả. Lưu Thiếu
Kỳ và vợ là Vương Quang Mỹ, đang đứng giữa trung tâm đám đông, đang bị bọn cán
bộ trong ban thư ký xô đẩy và đấm đá. Áo sơ-mi của Lưu Thiếu Kỳ bị rách tả tơi.
Nhiều người kéo cả tóc ông ta. Khi tôi cố lại gần để nhìn cho rõ thì thấy một
vài người tréo tay Lưu Thiếy Kỳ, trong lúc tên khác cố đẩy ông ta quỳ trong vị
trí "máy bay đang đáp". Cuối cùng, chúng bắt ông ta nằm xấp, mặt úp
gần sát đất, tên thì đá vào lưng, tên thì tán tai vào mặt ông ta. Tôi không còn
đủ sức đứng nhìn. Lưu Thiếu Kỳ trong thời gian đó đã là một ông già, và trên
mọi danh nghĩa, ông ta còn là Chủ Tịch nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa."
Tôi rời quang cảnh chỗ Lưu Thiếu Kỳ và đi dần
đến tư dinh của Ðặng Tiểu Bình, Tổng Bí Thư Ðảng và vợ là Trác Lâm. Sau đó tôi
lần tới chỗ Ðào Trú và vợ là Tăng Trực cũng đang bị đấu tố. Cả hai cặp vợ chồng
Ðặng Tiểu Bình và Ðào Trú đang bị chửi bới, xô đẩy nhưng không có đánh đập. Tôi
gặp Dương Di Ðông, Phó Tư Lịnh Binh Ðoàn Bảo Vệ, cũng đang đứng xem. Họ Dương
cho tôi biết, y đã báo cáo cho Uông Ðông Hưng nhưng không nhận được chỉ thị trả
lời.
Ba ngày sau khi các lãnh tụ trung ương bị đấu
tố, Uông Ðông Hưng gọi tôi. Y đã tháp tùng Mao đến Thượng Hải và Mao muốn tôi
trình diện ông ta ở Thượng Hải tức khắc. Mao đang bị vừa đau cuống họng vừa bộ
phận sinh dục của y cũng ghẻ lở. Tôi lưu ý ông ta bịnh ghẻ lở dễ bị truyền
nhiễm qua những cuộc làm tình nhưng ông ta chẳng thèm để ý.
Mao Chủ Tịch muốn biết tình hình đang xảy ra
tại Trung Nam Hải. Tôi báo cho ông ta biết phe tả đã chiếm cả dinh Chủ Tịch Nhà
Nước, Lưu Thiếu Kỳ, Ðặng Tiểu Bình, Ðào Trú đều bị đấu tố. Mao yên lặng không
nói gì. Ðêm đó, Mao cho vời tôi đến và lặp lại những gì tôi thấy một lần nữa.
Sau đó ông ta nói "họ không nghe lời tôi". Mao đang ám chỉ Ủy Ban
Cách Mạng Văn Hóa trong đó có vợ ông ta. Mao nói với tôi "Tôi đã chỉ thị
cho họ không được đụng chạm đến 3 lãnh đạo, nhưng họ không nghe." Tôi kết
luận là Mao không ra lệnh làm công việc ấy.
Trong thời gian Mao vắng mặt, Bắc Kinh nằm
trong tay quân phe tả. Bọn Vương Ly và Quan Phong xoay sang tố cáo cả người bạn
chiến đấu ngày xưa của Mao là Thống Chế Trần Di. Thống chế họ Trần nhiều lần
phê bình Cách Mạng Văn Hóa. Phe tả chiếm cả bộ ngọai giao của Trần Di và đốt
cháy tòa tham vụ Anh thành bình địa. Mao trở lại Bắc Kinh vào tháng Tám, nghe
tin nầy, tức khắc ra lệnh loại bỏ hai tên nầy tức khắc. Tuy nhiên những tên quá
khích nầy chỉ là những vật tế thần. Kẻ thực sự đứng sau bức màn để điều khiển
mọi thứ là Khanh Sinh, Trần Bá Ðạt và Giang Thanh. Mao cũng tỏ ra khó chịu với
hành vi của Giang Thanh nhưng không làm gì để ngăn chận.
Tháng Tư năm 1969, những ủy viên trung ương
đảng không bị thanh trừng chuẩn bị Ðại Hội Ðảng lần thứ chín. Ðường lối
"lãnh đạo tập thể" và "chống chủ nghĩa phiêu lưu" được đề
ra trong Ðại Hội 8 đã bị hủy bỏ. Sự suy tôn cá nhân đã đạt đến đỉnh cao. Cả
Trung Quốc đều mang hình Mao, đi đâu cũng lận theo cuốn Mao Tuyển nhỏ màu đỏ.
Ngay cả một cái biên nhận nhỏ trong tiệm tạp hóa cũng in thêm một câu nói vàng
ngọc của Mao Chủ Tịch. Buổi sáng trước khi đi làm đều phải cúi lạy bức hình
Mao, chiều về cũng cúi đầu bái lạy và sám hối những điều mình đã sai trong ngày
hôm đó.
Còn "chủ nghĩa phiêu lưu" thì sao ?
Kết quả của chính sách Bước Tiến Nhảy Vọt là khoảng từ 25 đến 30 triệu dân
Trung Quốc đã chết. Cách Mạng Văn Hóa đã đưa quốc gia vào con đường hỗn loạn,
tàn phá con người, gia đình, tình bạn và mọi cơ cấu của xã hội Trung Quốc.
Lưu Thiếu Kỳ, chủ tịch Nhà Nước, người đã bị
Mao đổ lỗi cho mọi điều mà y cho là sai trong hội nghị 8, chẳng những bị loại
bỏ mà còn bị trục xuất ra khỏi đảng. Năm 1969, tôi không biết Lưu Thiếu Kỳ đâu
nhưng không dám hỏi ai. Thật lâu sau tôi mới biết rằng ông ta đã chết.
Ðặng Tiểu Bình cũng bị loại. Hầu hết các lãnh
đạo cấp tỉnh cũng bị thanh trừng. Các cơ cấu lãnh đạo địa phương nằm trong tay
các Ủy Ban Cách Mạng. Ða số ủy viên được bầu ra trong Ðại Hội 8 đã bị loại.
Những người, trước đây đồng minh nhau để loại bỏ lớp già cũng bắt đầu căng
thẳng. Hai Nhóm nổi bật trong số nầy, một nhóm ủng hộ Lâm Bưu và nhóm khác ủng
hộ Giang Thanh. Cả hai đang cố gắng để đưa vào Bộ Chính Trị người của họ.
Chu Ân Lai, một trong những lãnh đạo tối cao
của đảng còn sống sót, rõ ràng là đang ở trong tình trạng khủng hoảng tinh thần
trầm trọng. Ông ta chưa bao giờ thảo luận về chính trị với tôi trước đó, nhưng
một buổi tối khi gặp tôi ngang qua nhà của Uông Ðông Hưng, Chu Ân Lai kéo tôi
ra một góc để nói chuyện. Ông ta thắc mắc Mao đang nghĩ gì về tương lai của cơ
cấu lãnh đạo đảng. Vì những lời tố cáo chống lại Chu Ân Lai đến từ phía Giang
Thanh, tôi nghĩ là mình cũng nên cho ông ta biết vài điều để ông ta phòng thân
"Ngay từ khi chiến dịch Cách Mạng Văn Hóa bắt đầu, Thủ Tướng chính là đối
tượng của họ. Tôi giải thích cho ông ta rằng Giang Thanh nói rằng Cách Mạng Văn
Hóa là cuộc đấu tranh giữa cách mạng mới và cách mạng cũ. Theo Giang Thanh
"cách mạng cũ" chẳng ai xa lạ là Chu Ân Lai. Tôi cũng cho y biết là
Mao Chủ Tịch cảm thấy rất khó chịu trước cuộc đấu tố do phong trào "16
tháng Năm" tổ chức. Hiện nay đám phản loạn nầy vẫn còn đang âm mưu chống
lại ông ta.
Nghe xong Chu Ân Lai cảm thấy vô cùng chán
nản, y nói "Trong mấy chục năm qua, tôi đã làm tất cả những gì làm được để
giúp đỡ Giang Thanh". Họ Chu còn kể lể rằng hồi thế chiến thứ hai, khi ông
ta còn ở Nam Kinh, Gianh Thanh bị đau răng, đích thân ông ta phải bay đến Diên
An để đưa bà ta xuống Nam Kinh để nhổ răng. Trong thời gian bà ta đi Liên Xô
vào lần 1949 và 1956, chính ông ta cũng là người đã sắp xếp mọi thủ tục. Chu Ân
Lai cũng năm nỉ tôi đừng tiết lộ những tin tức về việc Giang Thanh và đồng bọn
đang âm mưu hãm hại y cho ai biết.
Chu Ân Lai, hơn bất cứ lãnh đạo nào, đã trung
thành Mao một cách tuyệt đối. Trung thành đến nổi có lần Lâm Bưu đã phê bình
Chu như là một "đầy tớ ngoan ngoãn" của Mao. Chu không phải trung
thành mà phải nói cho đúng chữ là phụ thuộc.
Mao Trạch Đông Cuộc Đời Chính Trị Và Tình Dục - Chương 22
Cuộc Phản Loạn Của Lâm
Bưu
Lý Chí Thỏa - Trần Trung Đạo Lược Dịch - tvvn.org
Trung quốc có hai kẻ thù chính: Liên Xô và Mỹ.
Tháng Ba năm 1969, nhiều cuộc đụng độ giữa quân đội Trung Quốc và Liên Xô dọc
biên giới tranh chấp giữa hai nước trong khu vực sông Hắc Long Giang. Vài tháng
sau đó, cả nước bị động viên vào cuộc chiến, nhiều triệu dân chúng phải tản cư
về nông thôn. Các thành phần bị cho là chống đảng bị đày đi cải tạo lao động
tay chân tay tại một trại cải tạo được che đậy dưới hình thức của một trường
đào tạo cán bộ gọi là Mùng Bảy Tháng Năm. Thật ra trường nầy được lập ra không
phải để đào tạo nhưng là một nơi để đày đọa các thành phần bị nghi ngờ là chống
đối.
Trong thời điểm cao độ của cuộc tranh chấp
quân sự giữa Trung Quốc và Liên Xô, Mao hỏi tôi "Hãy nghĩ đến điều nầy.
Chúng ta có nhiều kẻ thù, phía bắc và phía tây là Liên Xô, phía Nam là Ấn Ðộ,
phía đông là Nhật Bản. Nếu tất cả cùng tấn công chúng ta một lúc, theo Bác Sĩ
thì chúng ta nên đối phó bằng cách nào ?." Tôi nghĩ suốt ngày không ra.
Sang hôm sau, Mao lại hỏi câu khác "Hãy nghĩ thêm điều nầy nữa. Phía sau
Nhật Bản là Mỹ. Ông bà ta thường thỏa hiệp với kẻ thù ở xa và tấn công kẻ thù ở
gần. Có đúng vậy không ?." Nghe Mao nói, tôi ngạc nhiên hỏi lại Mao
"Làm thế nào có thể đàm phán với Mỹ ?" Mao trả lời "Mỹ và Liên
Xô không giống nhau. Tổng thống Mỹ hiện nay là Nixon, một tổng thống hữu khuynh
và chống Cộng kịch liệt. Mỹ không quan tâm gì về chuyện đất đai của Trung Quốc.
Tôi thích nói chuyện với một tổng thống hữu khuynh như ông ta. Những người hữu
khuynh thường nói ngay những gì họ nghĩ, không giống như những người thiên tả,
nói một đường nghĩ một ngõ." Cả tôi lẫn Uông Ðông Hưng đều không tin là
Mao nói thật nhưng chính Mao thì lại rất trân trọng và nghiêm túc.
Trong lúc đó tại Hoa Kỳ, Tổng Thống Richard
Nixon cũng đang theo đuổi một chính sách đối ngoại mới. Qua trung gian của Tổng
Thống nước Paksitan và Chủ tịch Rumani Nicholai Ceausecau, Tổng Thống Nixon đã
thăm dò ý định Trung Quốc. Tổng thống Nixon cũng bày tỏ ý định chống đối chính
sách của Liên Xô về việc thiết lập một nền an ninh tập thể tại Á Châu. Mao
tương tự cũng chống đối chính sách của Liên Xô. Mao đe dọa Liên Xô "Bom
nguyên tử và hỏa tiễn của Trung Quốc dù không bắn tới Mỹ nhưng bắn vào lãnh thổ
Liên Xô thì tới ngay."
Tháng 12 năm 1969, Thủ Tướng Chu Ân Lai trình
Mao một bức điện tín chuyển từ toà đại sứ Trung Quốc tại Ba Lan, nơi Mỹ và
Trung Quốc đang trong thời gian đàm phán từ lâu nhưng không có kết quả gì. Lần
nầy thì phía Hoa Kỳ đề nghị một phiên họp mới. Mao rất quan tâm về nội dung bức
điện, y nói với tôi "Hai bên đã ngồi lại suốt mười một năm nhưng chưa thực
sự trao đổi chuyện gì. Bây giờ mới thật sự gọi là đàm phán. Nixon phải thành
thật khi ông ta chuyển lời muốn đàm phán với chúng ta."
Trong thời gian Mao tìm cách hòa hoãn với Mỹ
thì lại gia tăng mối bất hòa với Lâm Bưu. Lần đầu tôi nhận thấy điều nầy trong
chuyến kinh lý miền nam vào Tháng Năm 1969, ngay sau khi Ðại Hội Ðảng Lần Thứ
9. Và tới tháng 8 năm 1971 thì sự bất đồng đã lên tới mức cao độ. Sĩ Quang Di
báo cáo với Mao rằng một tổ chức gián điệp bí mật đặt dưới quyền của Lâm Lập
Quả, con trai Lâm Bưu, đã được thiết lập trong Bộ Tham Mưu Không Quân. Tổ chức
gián điện nầy bao gồm nhiều đơn vị, với mật danh là "Hạm đội liên hợp",
"Nhóm nhỏ Thượng Hải" và "Tiểu đoàn hướng dẫn". Những nhóm
hoạt động lén lút nầy nhằm mục đích cướp đoạt quyền hành từ tay Mao.
Ngày 14 tháng 8 năm 1971, Mao quyết định đi
một vòng kinh lý để đánh giá sự ủng hộ của quân đội đối với bản thân ông ta.
Chúng tôi đáp xe lửa xuôi nam. Trạm dừng chân đầu tiên là Vũ Hán và sau đó lần
lượt là Trân Sa, Nam Kinh, Hàn Châu và Thượng Hải. Ðến đâu Mao cũng tiếp xúc bí
mật với các lãnh đạo đảng và quân đội tại mỗi địa phương. Nội dung lời chỉ thị
của Mao tương tự là: Tại đại hội đảng ở Lư Sơn, có kẻ đã vội vã âm mưu tiếm
đoạt quyền lãnh đạo đảng, phân hóa đảng. Vấn đề đó cho đến nay vẫn chưa giải
quyết xong.
Mao không đích danh tấn công Lâm Bưu nhưng mục
tiêu của những lời tố cáo của y thì không thể nào lầm lẫn cho một người nào
khác hơn là Lâm Bưu. Mao cũng nghi ngờ quyền hạn của Diệp Quần, vợ Lâm Bưu. Mao
than phiền "Tôi chưa hề chấp thuận cho phép việc người vợ quản lý các công
việc của chồng. Nhưng Diệp Quần đang quản lý các công việc của Lâm Bưu, các
tướng Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Lý Thuyết Phong, Lý Tác Bằng đều phải
qua ngã Diệp Quần để được tiếp xúc với Lâm Bưu." Sau hơn một tháng kinh lý
miền nam, chúng tôi trở về Bắc Kinh vào ngày 12 tháng 9 năm 1971. Trước khi trở
về tư dinh ở Trung Nam Hải, Mao tiếp xúc với Bộ Tư Lịnh Quân Khu Bắc Kinh, và
cũng như các nơi đã đi qua, Mao cho họ biết các quan tâm của ông ta về Thống
Chế Lâm Bưu đang âm mưu phản loạn.
Trong khi chúng tôi chưa kịp lo thu dọn đồ đạc
sau chuyến kinh lý mới về thì Uông Ðông Hưng nhận được cú điện thoại từ Bắc Ðái
Hà. Lúc đó khoảng vài phút sau mười giờ. Ngươì gọi là Trương Hùng, phó tư lịnh
Binh Ðoàn Bảo Vệ Trung Ương. Họ Trương thông báo khẩn cấp rằng con gái của Lâm
Bưu là Lâm Ðậu Ðậu, cho y biết rằng Diệp Quần và Lâm Lập Quả đã bắt cóc Lâm Bưu
và bắt buột ông ta phải bỏ trốn.
Uông Ðông Hưng gọi điện thoại cho Chu Ân Lai.
Tôi có mặt tại chỗ khi Chu Ân Lai đến lúc 11 giờ. Lúc đó Chu Ân Lai mới thông
báo cho Mao biết sự tình. Mặt Mao sa sầm khi nghe họ Chu báo cáo là Lâm Bưu đã
trốn thoát. Chu đề nghị Mao di chuyển qua Nhân Dân Ðại Sảnh để an toàn hơn.
Theo Chu Ân Lai thì đồng bọn của Lâm Bưu còn nhiều, nếu họ muốn đảo chánh thì
chắc chắn họ sắp sửa tấn công. Uông Ðông Hưng sắp xếp xe cộ để đưa Mao qua Nhân
Dân Ðại Sảnh và ra lịnh môt tiểu đoàn bảo vệ canh phòng nghiêm nhặt chung
quanh. Toàn bộ Binh Ðoàn 8341 được đặt trong tình trạng cảnh giác. Mọi thông
tin liên lạc với bên ngoài đều bị cắt đứt. Tại Nhân Dân Ðại Sảnh, Mao ngụ trong
phòng 118 với vài nữ phục vụ. Bộ chỉ huy của Uông Ðông Hưng được thiết lập ngay
trong một phòng bên cạnh.
Khoảng 12 giờ 50 phút sáng 13 tháng 9 năm
1971. Tướng Trương Hùng khẩn báo từ Bắc Ðái Hà rằng họ đã theo đuổi đoàn xe của
Lâm Bưu đến phi trường, đã khai hỏa vào đoàn xe nhưng không có kết quả vì xe
của Lâm Bưu thuộc loại xe ngăn đạn. Ðoàn xe Lâm Bưu chạy quá nhanh đến nỗi khi
xe của Trương Hùng ra đến phi trường thì máy bay của Lâm Bưu đang trên đường
rời phi đạo.
Chu Ân Lai đề nghị dùng hỏa tiễn để tấn công
máy bay nhưng Mao từ chối. Y nói "Mưa rơi từ trời cao, góa phụ sẽ tái giá.
Chúng ta sẽ làm gì ? Lâm Bưu đã muốn đi thì để y đi."
Chúng tôi chỉ biết chờ.
Nhưng rồi cũng chẳng cần bắn. Chúng tôi biết
sau đó rằng máy bay đã cất cánh quá vội vã và không mang theo nhiên liệu thích
hợp. Khi cất cánh chiếc máy bay đã chạm phải thùng nhiên liệu làm cho một bánh
phía bên phải bị hư hỏng. Máy bay cũng không có phi công phụ hay hoa tiêu tháp
tùng theo.
Hệ thống Radar Trung Quốc theo dõi máy bay khi
nó đang tiến dần lên hướng tây bắc tức là hướng về phía Liên Xô. Theo nguồn tin
đầu tiên mà chúng tôi nhận được thì Lâm Bưu dự định bay về Quảng Châu để lập
chính phủ riêng, nhưng điều nầy đến sáng ngày 13 thì chứng tỏ là không đúng.
Vào khoảng 2 giờ sáng thì chúng tôi được báo
cáo là Lâm Bưu đang tiến vào không phận Cộng Hòa Ngoại Mông. Máy bay lúc đó
không còn xuất hiện trên màn ảnh radar của Trung Quốc nữa. Chu Ân Lai quay sang
nói với Mao "Thế là chúng ta lại có thêm một kẻ phản bội", Mao đáp
"Giống như Dương Quang Tạo và Vương Minh."
Tuy nhiên đến buổi chiều thì một tin quan
trọng Chu Ân Lai nhận được từ Ðại Sứ Trung Quốc tại Cộng Hòa Ngoại Mông cho
biết rằng một chiếc máy bay với chín người gồm tám nam và một nữ đã bị đã bị
hỏng rớt trong khu vực Undur Khan thuộc lãnh thổ Ngoại Mông, tất cả hành khách
trên tàu đều thiệt mạng. Ba ngày sau viên đại sứ thông báo cho Chu Ân Lai biết,
sau khi so sánh với bản chụp phim của răng, thì một trong 8 nam hành khách kia
là Lâm Bưu.
Những cuộc điều tra sau đó cho biết Lâm Bưu và
đồng bọn đã thực hiện một đề án có tên là Ðề Án 5-7-1, nhằm âm mưu bắt và ngay
cả ám sát Mao để chiếm lấy quyền lực. Mao không hề biết điều nầy mặc dù đã nghi
ngờ Lâm Bưu từ lâu. Việc Mao đi kinh lý các khu vực chính trị và quân sự là một
phần trong chiến lược quân sự của y và để xác định sự ủng hộ từ các địa phương.
Tuy nhiên việc Mao tiếp xúc với các tư lịnh quân sự địa phương cho Lâm Bưu biết
rằng y không còn nhiều thời gian để thực hiện ý âm mưu. Nội dung các buổi họp
của Mao với các tư lịnh quân sự theo nguyên tắc thì bí mật nhưng tư lịnh Quân Khu
Vũ Hán lại học lại nội dung cho Chính Ủy Hải Quân là tướng Lý Tác Bàng biết.
Viên tướng họ Lý lại cảnh giác tướng Hoàng Vĩnh Thắng, Tổng Tham Mưu Trưởng
Quân Ðội và là một tay chân thân cận của Lâm Bưu. Hoàng Vĩnh Thắng, đến phiên
mình, đã báo cáo lên Lâm Bưu trong lúc họ Lâm đang nghỉ hè ở Bắc Ðái Hà. Họ tức
khắc phát họa âm mưu ám sát Mao.
Lâm Bưu và đồng bọn có hàng loạt kế hoạch.
Không Ðoàn 5 có khả năng thả bom đoàn xe lửa của Mao. Binh Ðoàn Không Quân 4
cũng có thể bắn hạ Mao. Cuối cùng là kế hoạch đặt bom trên đường xe lửa nơi
chiếc xe lửa đặt biệt của Mao đi qua được chấp nhận.
Tôi thật sự không biết là những báo cáo về âm
mưu của Lâm Bưu có chính xác hay không. Tôi cũng biết là việc ám sát Mao không
phải là dễ dàng. Uông Ðông Hưng và các cán bộ bảo vệ dưới quyền y đều hoạt động
vô cùng bí mật. Mọi sự duy chuyển của Mao đều rất kín đáo và thay đổi vô cùng
nhanh chóng đến nỗi ngay cả những nhân viên thân cận nhất cũng không được biết
trước. Khi Mao trở lại Bắc Kinh an toàn, Lâm Bưu biết rằng y đã thua trận và
con đường duy nhất là bỏ trốn. Lý Ðậu Ðậu báo cáo rằng Lâm Bưu bị bắt cóc là
sai. Lý Ðậu Ðậu có hiếu với cha đến nỗi không thấy cha cô ta sai chỗ nào cả.
Cuối năm 1971, khi biến cố Lâm Bưu được thông báo cho quần chúng biết, ai ai
cũng đều ngạc nhiên. Sau biến cố đó, sức khỏe của Mao ngày càng sa sút. Ngày 20
tháng 11 năm 1971, khi Mao tiếp Thủ Tướng Cộng Sản Việt Nam Phạm Văn Ðồng tại
Nhân Dân Ðại Sảnh, màn ảnh truyền hình cho thấy Mao với những bước chân run
rẩy. Mao lúc nầy đang nghĩ đến một chiến lược mới, không phải tấn công đối thủ
nhưng là lúc để hòa hoãn. Thể hiện đầu tiên qua việc Mao đích thân tham dự tang
lễ của Thống Chế Trần Di, nguyên bộ trưởng ngoại giao, đã bị cách chức vì chống
lại Mao. Tình trạng sức khỏe của Mao tiếp tục suy giảm, và cả đội y sĩ chúng
tôi cố gắng phục hồi sức khoẻ cho y trước ngày Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon
viếng thăm Trung Quốc vào 21 tháng 2 năm 1972.
Mao Trạch Đông Cuộc Đời Chính Trị Và Tình Dục - Chương 23
Chuyến Viếng Thăm Lịch
Sử Của Tổng Thống Nixon
Lý Chí Thỏa - Trần Trung Đạo Lược Dịch - tvvn.org
Mao rất hồi hộp chờ đợi Tổng Thống Hoa Kỳ đến.
Ông ta thức dậy rất sớm và hỏi ngay khi nào Tổng Thống Nixon sẽ tới. Mao lo cắt
tóc và chải đầu bóng loáng. Mặc dù Mao muốn gặp Tổng Thống Hoa Kỳ ngay nhưng
theo thủ tục, Tổng Thống Nixon cần phải nghỉ ngơi và sau đó tham dự buổi tiếp
tân do Thủ Tướng Chu Ân Lai khoản đãi. Mao đành phải đồng ý nhưng chỉ thị là
đưa Tổng Thống đến cho y gặp ngay vào sáng sớm ngày mai.
Tổng Thống Hoa Kỳ Nixon là người đầu tiên
xuống xe, theo sau là Tiến Sĩ Henry Kissinger và rồi Winston Lord, người sau
nầy là đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc. Nội dung của buổi nói chuyện đã được viết
lại đầy đủ trong nhật ký của Tổng Thống Nixon. Ðiểm đáng nhớ duy nhất là việc
Mao thông báo cho Tổng Thống Hoa Kỳ biết, mặc dù quan hệ giữa hai nước đã cải
thiện nhưng báo chí Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục phê bình Hoa Kỳ, và báo chí Hoa
Kỳ cũng nên tiếp tục phê binh Trung Quốc. Việc thay đổi quan hệ, dù tốt, theo
Mao, cũng cần phải có thời gian.
Thế giới đã phải chờ 30 năm để thấy sự thù
địch giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ được giải quyết. Mao tin rằng các quốc gia dù
với một hệ thống kinh tế khác nhau vẫn có thể hợp tác được và ông ta đang tìm
kiếm sự hợp tác rộng rãi hơn với các nước tư bản. Trường hợp Nam Hàn là một ví
dụ. Dân Nam Hàn thích ăn cay. Trung Quốc sản xuất tương ớt cay rất dễ dàng và
đã xuất cảng đến 300 ngàn tấn sang Nam Hàn. Tuy nhiên Mao lại không nhìn thấy
một nền hòa bình thế giới lâu dài. Theo Mao, dù hợp tác, nhưng nhân loại đã và
đang bị phân chia thành ba thế giới khác nhau. Thế giới thứ nhất bao gồm Mỹ và
Liên Xô. Hai quốc gia nầy ôm mộng thống trị nhân loại, họ giàu có, tiên tiến về
kỹ thuật và trang bị nguyên tử tối tân. Thế giới thứ hai là các quốc gia tư bản
lớn như Nhật, Gia Nã Ðại v.v. cũng giàu có và trang bị một ít nguyên tử. Thế
giới thứ ba là các quốc gia đông dân,nghèo và là nạn nhân của các cuộc đấu
tranh giữa các siêu cường. Trung Quốc thuộc vào thế giới thứ ba. Vì vậy, hoà
bình, đối với Mao chỉ là tạm thời.
Quan niệm của Mao đúng một phần. Sau chuyến
viếng thăm của Tổng Thống Richard Nixon, các quốc gia khác cũng lần lượt công
nhận Trung Quốc. Mao đạt được một chiến thắng ngoại giao khác khi Thủ Tướng
Nhật Bản Kakuei Tanaka viếng thăm Trung Quốc vào tháng 9 cùng năm. Kết quả của
chuyến viếng thăm của Thủ Tướng Tanaka là một thông cáo chung về việc tái lập
quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Mao và Tanaka có nhiều điểm chung. Cả hai đều
chưa từng vào đại học. Cả hai đều đạt đến quyền lực qua con đường đấu tranh.
Mao tìm thấy ở Tanaka một con người can đảm, đã tái lập quan hệ ngoại giao bất
chấp sự chống đối từ nội bộ đảng Dân Chủ Tự Do đang cầm quyền tại Nhật.
Sau chuyến viếng thăm của lãnh tụ hai cường
quốc Mỹ và Nhật. Mao dành thời gian còn lại với cô thư ký trẻ đẹp Trương Ngọc
Phụng. Phụng, lúc bấy giờ đã có chồng nhưng ở và làm việc với Mao. Cả hai ở
chung và ăn cơm với nhau. Mọi người muốn gặp Mao đều phải qua ngã Trương Ngọc
Phụng, kể cả Giang Thanh. Giang Thanh phải nịnh bợ cô Trương và ngay cả hối lộ
cô ta bằng những chiếc đồng hồ, quần áo tây phương đắt tiền. Tôi và Trương Ngọc
Phụng không hợp tính nhau. Mỗi bữa ăn Phụng phục vụ Mao một ly rượu nhưng tôi,
với tư cách một bác sĩ, lại cho đó là không nên. Mao thì chiều chuộng Trương
Ngọc Phụng và không muốn làm nàng buồn lòng.
Cuối năm 1972, Trương Ngọc Phụng có thai. Mọi
người trong bộ tham mưu của Mao biết điều nầy và nghĩ rằng Mao là cha của bào
thai đó. Tôi thì biết là không phải. Một ông già 80 tuổi và tinh trùng đã chết
từ lâu như Mao thì làm thế nào mà sinh con đẻ cái được. Trương Ngọc Phụng, dù
đang sống và làm việc với Mao, trên thực tế là gái có chồng. Chồng của Phụng có
mặt thường xuyên bên cạnh vợ trong thời gian sinh đẻ tại bịnh viện. Các phụ tá
thân cận của Mao, kể cả Giang Thanh, Uông Ðông Hưng... vì đinh ninh rằng đứa bé
là con Mao nên ai cũng hăm hở viếng thăm, tặng quà cáp rối rít.
Mao không phải là người duy nhất đang trong
tuổi già bịnh hoạn. Các nhân vật lãnh đạo khác sống sót trong thời kỳ Vạn Lý
Trường Sinh đều trong tuổi già bịnh tật. Khanh Sinh là một kẻ độc ác và trách
nhiệm đối với nhiều nạn nhân vô tội trong Cách Mạng Văn Hóa. Sau Khanh Sinh là
Chu Ân Lai. Thủ Tướng họ Chu bị bịnh ung thư nhưng Mao lại không cho phép y
được điều trị. Theo Mao, bịnh ung thư là không thuốc chữa. Cuối năm 1973 tình
trạng sức khỏe của Mao sa sút trầm trọng và đây cũng là thời gian y tìm một
người kế vị. Người đó không ai khác hơn là Ðặng Tiểu Bình.
Nội bộ đảng chia làm hai phe. Một phe cực tả
dưới sự lãnh đạo của Giang Thanh, Diêu Văn Nguyên, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng
Văn và cánh khác gồm viên thủ tướng bịnh hoạn Chu Ân lai và Thống Chế Diệp Kiếm
Anh. Trong một phiên họp với các tư lịnh quân sự của tám quân khu, Mao nói
"Tôi đang triệu hồi một lãnh tụ đầy năng lực, ông ta là Ðặng Tiểu Bình.
Ðặng sẽ được chỉ định vào chức vụ Ủy Viên Bộ Chính Trị và Quân Ủy Trung Ương.
Ðặng không thích chức Tổng Bí Thư Ðảng nên tôi cử y vào chức Tổng Tham Mưu
Trưởng Quân Ðội."
Giang Thanh cố gắng loại bỏ ảnh hưởng của Chu
và Ðặng bằng một chiến dịch "Bài Khổng, Chống Chu" vào năm 1974.
Nhưng nhân dân Trung Quốc đã quá chán ngán với những cuộc biểu tình, thanh
trừng đẫm máu trước đó nên không ai muốn tham gia ủng hộ. Cuối cùng chính Mao
cũng không còn chịu nổi Giang Thanh. Ngày 20 tháng 3 năm 1974, Mao viết cho
Giang Thanh một lá thư với nội dung "Tốt hơn tôi và bà đừng gặp nhau nữa.
Tôi đã khuyến cáo bà bao nhiều lần trong suốt nhiều năm nhưng bà không nghe.
Sách vở của chủ nghĩa Mác Lê, và cả của tôi rất nhiều nhưng bà không chịu học.
Tôi đã tám mươi mốt tuổi và bịnh hoạn nhưng bà chẳng quan tâm chỉ lo tận hưởng
đặc quyền. Mai nầy khi tôi chết đi bà sẽ làm gì ?."
Mao Trạch Đông Cuộc Đời Chính Trị Và Tình Dục - Chương 24
Mao Phục Hồi Và hạ Bệ
Đặng Tiểu Bình
Lý Chí Thỏa - Trần Trung Đạo Lược Dịch - tvvn.org
Vào tháng 7 năm 1974, chúng tôi biết rằng Mao
sẽ không còn sống bao lâu nữa. Ông ta không còn đủ nhãn lực để nhận ra ngón tay
trước mắt và ông thể phân biệt giữa ánh sáng và bóng tối. Giọng nói của Mao lạc
hẳn đi và chúng tôi không còn thể nào hiểu ông ta đang nói gì.
Thái độ chống đối y học của ông ta thì vẫn
tiếp tục. Nhưng biết bịnh tình của chính mình ngày càng trầm trọng, Mao đành
phải để các bác sĩ chuyên khoa khám xét. Kết luận chung của hội đồng y khoa là
Mao không thể sống hơn hai năm nữa. Khi tôi trình lên Uông Ðông Hưng và giải
thích về căn bịnh hiểm nghèo mà Mao đang gặp phải thì họ Uông chẳng hiểu gì ráo
về y khoa. Sang ngày hôm sau, chúng tôi tìm gặp Thống Chế Diệp Kiếm Anh. Sử
dụng một hình người mẫu, chúng tôi trình bày cho Thống Chế biết căn bịnh của
Mao Chủ Tịch. Diệp Kiếm Anh là một con người có hiểu biết nhất trong hàng ngũ
lãnh đạo tối cao mà chúng tôi báo cáo. Thống chế họ Diệp lắng nghe một cách
trân trọng, đặt ra những câu hỏi và quan sát mô hình người nhân tạo. Ông ta đề
nghị thiết lập ngay một trạm y khoa để chữa trị những ai cùng có căn bịnh như Mao,
và dùng những kinh nghiệm chữa trị cho những người đó mà chữa trị cho Mao.
Sau đó chúng tôi báo cáo lên Chu Ân Lai. Sức
khỏe của họ Chu ngày đang sa sút trầm trọng, nên dĩ nhiên, y thông cảm với
chúng tôi ngay. Bản thân Chu Ân Lai cũng cần phải giải phẫu nhưng Mao lại không
chấp thuận. Theo kết quả thử nghiệm mới nhất thì trong nước tiểu của Chu Ân Lai
đã có máu. Vợ của Chu quá nóng lòng nên phải can thiệp. Bà ta khôn khéo nhờ cô
y tá trẻ đẹp họ Lý, người đang làm việc trong phòng thí nghiệm và cũng là người
Mao đang say mê. May mắn thay cho viên thủ tướng, đã phải nhờ một cô y tá cứu
mạng. Mao cuối cùng đã chấp nhận. Ngày 1 tháng 6 năm 1974, Chu Ân Lai nhập viện
tại bịnh viện 305. Căn bịnh của họ Chu đã đến hồi trầm trọng.
Bộ chính trị họp khẩn để bàn về sức khỏe của
Mao. Tôi biết rằng trong phiên họp nầy, Mao Trạch Ðông đã chống lại Giang
Thanh. Về mặt chính trị, ông ta và bà ta đã hoàn toàn tách biệt. Mao cũng không
quên cảnh cáo bọn Diêu Văn Nguyên, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn đang lập ra
một nhóm gọi là thành phần Thượng Hải. Những lời cảnh cáo nầy là dấu hiệu báo
trước cho cái gọi là Bọn Bốn Người sau nầy.
Tháng 9 năm 1974 chúng tôi tháp tùng Mao đi Hồ
Nam. Mao lại thích bơi bất chấp lời can ngăn của bác sĩ. Cũng may là buổi bơi
lội của Mao do chính y hủy bỏ vì mỗi lần Mao đưa mặt xuống nước là bị nghẹt thở
ngay. Từ đó Mao Chủ Tịch không bao giờ bơi lội nữa.
Tình hình chính trị tại Bắc Kinh vẫn căng
thẳng. Hội nghị Ban Chấp Hành Trung Ương và Hội Nghị Ðại Biểu Nhân Dân (Quốc
Hội) dự định nhóm họp vào tháng Giêng năm 1975. Hai hội nghị nầy một phần để
chính thức hóa chức vụ của Ðặng Tiểu Bình như Phó Thủ Tướng, Phó Chủ Tịch Quân
Ủy Trung Ương, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Ðội kiêm Ủy Viên Thường Trực Bộ Chính
Trị. Nhóm Giang Thanh đang nổ lực chống lại sự đề cử nầy và họ cũng cố vận động
cho Vương Hồng Văn được bầu vào vào chức vụ Phó Chủ Tịch Hội Ðồng Ðại Biểu Nhân
Dân. Họ Vương đến Hồ Nam để yết kiến Mao nhưng bị Mao đuổi về. Mọi chức vụ của
Ðặng Tiểu Bình, sau đó, đã được phê chuẩn trong hội nghị Ban Chấp Hành Trung
Ương và Quốc Hội.
Ngày 30 tháng 1 năm 1975, tôi đi thăm Chu Ân
Lai. Căn bịnh của Thủ Tướng đã bắt đầu chuyển sang một giai đoạn khác, trầm
trọng hơn. Bác sĩ khám phá ngay cả trong phân của họ Chu cũng có máu. Tuy nhiên
Thủ Tướng họ Chu cũng cố về tham dự phiên họp quan trọng của Bộ Chính Trị để
thảo luận về tình trạng sức khỏe của Mao Chủ Tịch.
Buổi họp được tổ chức vào ngày 15 tháng 2 năm
1975. Uông Ðông Hưng khuyên chúng tôi nên trình bày một cách chi tiết về tình
trạng bệnh lý của Mao và cũng không quên nhắc chúng tôi phải nói cho lớn vì
Ðặng Tiểu Bình có bịnh nặng tai. Khi chúng tôi bước vào phòng họp thì các cấp
lãnh đạo tối cao đã có mặt. Ðặng Tiểu Bình, Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh ngồi
giữa, chung quanh là các ủy viên Bộ Chính Trị. Chúng tôi không dám nhắc đến
chuyện Mao còn sống bao lâu nhưng trình bày về xác suất rất nhỏ của những người
sống sót một khi đã mắc lấy bịnh. Khi chúng tôi nhắc đến căn bịnh hiểm nghèo và
rất hiếm của Mao thì Giang Thanh chất vấn "Làm thế nào mà Mao Chủ Tịch mắc
bệnh và bằng chứng đâu ?" Thú thật nhiều câu hỏi của Giang Thanh không thể
nào trả lời được. May thay có Chu Ân Lai thường can gián và bày tỏ sự cám ơn
của ông đối với y sĩ đoàn đã tận tình lo lắng cho sức khỏe của Mao. Ðặng Tiểu
Bình cũng can thiệp và đề nghị y sĩ đoàn làm tất cả những gì chúng tôi có thể
làm được để chữa trị cho Mao. Nhờ vậy mà không khí phiên họp dịu bớt đi.
Khoảng 2 tháng sau phiên họp của Bộ Chính Trị,
Giang Thanh và đồng bọn đã tung ra một chiến dịch chống Ðặng Tiểu Bình và các
lãnh tụ kỳ cựu của đảng. Giang Thanh lợi dụng cơ hội Chu Ân Lai đang dở sống dở
chết, Ðặng Tiểu Bình vừa mới cất nhắc lên, và chính bản thân Mao cũng đang bịnh
nặng, để tập trung chống lại các lãnh đạo cao cấp nhưng già nua của đảng. Phe
Giang Thanh tố cáo các lãnh tụ già là theo "chủ nghĩa kinh nghiệm",
ngụ ý là các lãnh tụ đó chỉ biết làm việc theo kinh nghiệm mà dốt về lý thuyết
cũng như thiếu trình độ hiểu biết. Khi Mao biết những lời tố cáo nầy, y rất
giận và tuyên bố "Chủ nghĩa giáo điều hay chủ nghĩa kinh nghiệm cũng đều
sai như nhau vì cả hai đã đi ngược lại với đường lối sáng tạo của chủ nghĩa
Mác-Lênin." Tháng 5 năm đó, Mao lần nữa phê bình Giang Thanh và đồng bọn
"Các đồng chí nên tin vào Chủ Nghĩa Mác-Lênin và đừng tin vào chủ nghĩa
xét lại, nên đoàn kết và chống lại chia rẽ... Không nên thành lập băng đảng
chính trị Bọn Bốn Người. Theo tôi thì những kẻ phê bình chủ nghĩa kinh nghiệm
lại là những kẻ tin vào chủ nghĩa kinh nghiệm hơn ai hết".
Với sự ủng hộ của Mao, Ðặng Tiểu Bình thật sự
trở thành người chủ tọa trong các phiên họp của Bộ Chính Trị. Theo tôi biết,
Ðặng Tiểu Bình không có ý thanh trừng Giang Thanh và đồng bọn trong lúc đó,
trái lại Giang Thanh và phe nhóm luôn tìm cách để loại bỏ Ðặng Tiểu Bình. Ðặng
và Chu Ân Lai rất thông minh, họ biết rằng dù sao Giang Thanh cũng là vợ của
Mao. Và mặc dù Mao phê bình Giang Thanh nặng nề chỉ vì không muốn bà ta nắm quá
nhiều quyền lực chứ không phải là muốn hạ bệ bà ta hoàn toàn.
Khang Sinh, cố vấn của Giang Thanh trong thời
kỳ cách mạng văn hóa và hiện đang nằm chờ chết với căn bịnh ung thư, thì lại
nghĩ khác. Họ Khang nghĩ một cách sai lầm là Ðặng Tiểu Bình đang tìm cách loại
bỏ Giang Thanh. Chiến dịch tấn công Ðặng Tiểu Bình tiếp tục. Mao Viễn Tân, với
tư cách là phát ngôn viên của nhóm thường phê bình Ðặng Tiểu Bình, nào là họ
Ðặng cố gắng vô hiệu hóa các thành quả của Cách Mạng Văn Hóa, nào là rất ít khi
phê bình chủ nghĩa xét lại của Lưu Thiếu Kỳ. Theo lời của Uông Ðông Hưng thì
cháu của Mao rất có ảnh hưởng với Mao và dần dần những lời tấn công của y nhắm
vào Ðặng đã có thêm hiệu quả. Hiệu quả đầu tiên là Mao đã thăng Mao Viễn Tân
thành người liên lạc giữa Mao và Bộ Chính Trị. Ðặng Tiểu Bình trong lúc đó lại
tiếp tục nghe những lời vu khống từ phía Giang Thanh và đồng bọn. Mao nghĩ rằng
lề lối làm việc của Ðặng Tiểu Bình là một vấn đề nhưng vẫn tin rằng họ Ðặng có
thể cải cách được, và vì vậy không nghĩ đến chuyện hạ bệ Ðặng Tiểu Bình ngay
lúc đó.
Giữa tháng 10 năm 1975 thì phong trào chống
Ðặng do nhóm Giang Thanh chủ xướng đã lên cao độ. Giang Thanh có vẻ không những
muốn chiếm lấy vị trí của Ðặng mà còn muốn đem Ðặng Tiểu Bình ra xử tử. Trong
lúc đó thì bịnh tình của Mao đã đến hồi trầm trọng. Mao không đi tiểu được
nhiều, mỗi ngày chỉ vài trăm phân khối nước.
Chu Ân Lai chết vào ngày 8 tháng Giêng năm
1976. Trong hàng ngũ lãnh đạo cũng không có phản ứng gì lớn vì, trước đó, ai
cũng biết Thủ Tướng họ Chu đang chết. Các thành phần chống Ðặng có thêm cơ hội
để tăng cường. Ðặng vẫn còn trong chức vụ nhưng thực tế không có quyền hạn gì.
Chính bản thân Mao cũng đang chờ chết. Bản thân tôi có cảm tình với Ðặng Tiểu
Bình vì tôi nghĩ chỉ có họ Ðặng là đủ khả năng lèo lái đất nước sau khi Mao
chết. Mao trong lúc nầy lại nghe lời Mao Viễn Tân mà bất tín nhiệm Ðặng Tiểu
Bình. Mao Viễn Tân cho lưu hành nội dung buổi trao đổi giữa y và Mao, trong đó
Mao phê bình Ðặng Tiểu Bình nặng nề.
Nhiều người cho rằng lời phê bình của Mao nhắm
vào Ðặng Tiểu Bình là bất công và cũng cho rằng nhà nước đã tỏ ra lơ là trước
cái chết của Thủ Tướng Chu Ân Lai nên họ đã tự động tập trung và làm lễ truy
điệu Thủ Tướng họ Chu tại quảng trường Thiên An Môn. Con số người tham dự bắt
đầu từ vài ngàn người, dần dần tăng đến vài chục, rồi vài trăm ngàn người. Tôi
biết ngay rằng phong trào quần chúng tự phát nhằm tưởng niệm Chu Ân Lai và cùng
lúc phản đối lại Giang Thanh và đồng bọn. Giang Thanh dĩ nhiên nhận thức ra
điều nầy nên ra lịnh cho Mao Viễn Tân báo cáo với Mao rằng cuộc biểu tình là do
các thành phần phản cách mạng tổ chức. Mao, vì vậy, cũng tin rằng cuộc biểu
tình là do các thành phần phản động tổ chức. Mao tức khắc nghĩ ngay đến Ðặng
Tiểu Bình như là đầu tàu cho cuộc nổi dậy nầy. Ngoại trừ chức vụ đảng viên Cộng
Sản, Mao hạ lịnh tước bỏ mọi chức vụ khác của Ðặng trong đảng cũng như nhà
nước. Mao muốn triệu Hoa Quốc Phong về trung ương để đảm nhiệm chức vụ Thủ
Tướng kiêm Phó Chủ Tịch Ðảng. Bộ Chính Trị họp và đồng ý với đề nghị của Mao.
Thế là thêm một lần nữa, Ðặng Tiểu Bình lại bị hạ bệ và Hoa Quốc Phong một cách
chính thức thay thế Chu Ân Lai.
Mao Trạch Đông Cuộc Đời Chính Trị Và Tình Dục - Chương 25
Mao Trạch Đông Trong
Giờ Vĩnh Biệt
Lý Chí Thỏa - Trần Trung Đạo Lược Dịch - tvvn.org
Ngày 11 tháng 5 năm 1976, các y tá chạy vào
khẩn báo cho chúng tôi biết là Mao đang ngộp thở. Khi chúng tôi chạy vào thì
Trương Ngọc Phụng chận chúng tôi lại viện cớ là không có phép. Tôi trả lời cô
ta là Mao Chủ Tịch có thể đang bị chấn động tim và cần được khám ngay, không
thể chờ phép. Hoa Quốc Phong, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều cũng có mặt ngay
sau đó. Chúng tôi đồng ý rằng Mao cần phải tịnh dưỡng. Hoa Quốc Phong chỉ thị
cho tất cả tòa đại sứ Trung Quốc trên toàn thế giới rằng Chủ Tịch Mao sẽ không
tiếp bất cứ một khách nước ngoài nào.
Ngày 17 tháng 7 năm 1976, Hoa Quốc Phong triệu
tập một phiên họp giữa Bộ Chính Trị và y sĩ đoàn để duyệt xét tình trạng sức
khỏe của Mao. Trong phiên họp, Giang Thanh tố cáo chúng tôi là đã quá trầm
trọng hóa bịnh tình của Mao để trốn tránh trách nhiệm. Nhưng cũng may là Hoa
Quốc Phong can thiệp và chỉ ra rằng chúng tôi đã làm việc hết sức siêng năng và
cần mẫn. Ông ta nói "Chúng tôi không hiểu về y khoa, do đó, chỉ yêu cầu
các bác sĩ hãy làm tất cả những gì quí vị có thể để săn sóc cho Mao Chủ
Tịch."
Khi đến phiên Uông Ðông Hưng trực, tôi bày tỏ
sự lo ngại của tôi về Giang Thanh cho y nghe. Họ Uông nói "Giang Thanh
luôn luôn phê bình một người nào đó trong mỗi phiên họp của Bộ Chính Trị. Mới
đây trong một phiên họp của Hội Ðồng Nhà Nước, Giang Thanh lại phê bình Hoa
Quốc Phong." Uông Ðông Hưng cũng hỏi ý kiến tôi về việc loại bỏ Giang
Thanh ngay cả khi Mao còn sống. Tôi khuyên y nên chờ vì Mao vẫn còn ý thức. Mắt
trái của Mao bị mờ nhưng y vẫn còn đọc được bằng mắt phải. Không thể loại bỏ
Giang Thanh mà không có sự đồng ý của Mao. Uông cũng kể tôi nghe rằng Hoa Quốc
Phong có ý định bắt giữ Giang Thanh, y chỉ ngại nếu chẳng may Giang Thanh thoát
được thì thật là nguy hiểm. Uông bảo đảm với Hoa Quốc Phong dù phải đi đến tận
cùng của trái đất, họ Uông cũng nhất định phải bắt cho được Giang Thanh.
Ðêm 27 và 28 tháng 7, tôi trở lại phòng riêng
để chợp mắt một chút thì động đất xảy ra. Tiếng nổ đinh tai nhức óc làm rung
chuyển cả dinh thự. Mọi người chạy ra sau vườn nhưng tôi mệt quá nên nằm lì tại
chỗ để cố tìm cách ngủ một giấc. Chuông điện thoại reo liên tục, đầu dây bên kia
là tiếng của Uông Ðông Hưng gọi tôi vào phòng của Mao gấp. Mao thức giấc và y
cũng ý thức rằng một cuộc động đất vừa mới xảy ra. Chúng tôi đồng ý dời Mao qua
biệt thự 202 cũng trong khu vực Trung Nam Hải, được xây dựng vào năm 1974 để
nhằm chống lại động đất.
Vào lúc 5 giờ sáng ngày 2 tháng 9, Mao chịu
đựng một lần chấn động tim nữa, trầm trọng hơn hai lần trước. Thân thể của Mao
đang chết dần. Phổi đã suy yếu một cách trầm trọng hơn trước, nước tiểu chỉ còn
ra được khoảng 300 phân khối một ngày. Tuy nhiên, Mao vẫn còn ý thức và hỏi
liệu y có gì nguy hiểm không. Chúng tôi bảo đảm với ông ta là bịnh tình của ông
sẽ thuyên giảm. Dĩ nhiên kông ai dám mở miệng nói với Mao Trạch Ðông là ông ta
sẽ chết bất cứ lúc nào.
Ba ngày sau, điều kiện của Mao vẫn trong tình
trạng nguy kịch, Hoa Quốc Phong mời Giang Thanh trở về. Bà ta trở về nhưng viện
cớ quá mệt không vào thăm chồng ngay. Ngoại trừ Uông Ðông Hưng, ai cũng ngạc
nhiên về thái độ lơ là của bà. Họ Uông biết rằng trong thâm tâm, Giang Thanh
đang mong cho Mao chết. Phe cánh bà ta đang mạnh và Mao trong lúc nầy là chướng
ngại cuối cùng trên đường nắm lấy quyền lực của bà ta.
Buổi chiều ngày 7 tháng 9, Giang Thanh đến
biệt thự 202, nơi Mao đang được điều trị. Bà ta bắt tay từng người trong bác sĩ
đoàn đang túc trực tại đây và nói "Quý vị nên mừng mới phải." Thái độ
kỳ lạ của bà ta làm ai cũng ngạc nhiên, chỉ sau đó chúng tôi mới ý thức rằng ý
của bà là Mao sắp chết và bà sắp sửa nắm lấy quyền hành tối thượng. Buổi chiều
bà ta trở lại tìm một số tài liệu mà bà ta đã gởi cho Mao trước đó. Không ai
rảnh để giúp bà ta nên bà lại phàn nàn rằng những tài liệu đã bị đánh cắp.
Giang Thanh trở lại lần nữa vào sáng ngày 8
tháng 9 và chỉ thị chúng tôi phải thay vị thế nằm ngủ của Mao Chủ Tịch. Chúng
tôi phản đối và cả Hoa Quốc Phong cũng yêu cầu Giang Thanh không nên can thiệp
vào công việc của bác sĩ.
Về phía chúng tôi, chúng tôi cũng chẳng còn
phương thuốc nào hữu hiệu hơn nữa. Mười phút sau nửa đêm ngày 9 tháng 9 năm
1976, nhịp tim của Mao Trạch Ðông ngừng đập, biểu đồ trên máy đo nhịp tim đã vẻ
thành một đường ngang dài. Chủ Tịch Mao Trạch Ðông đã chết.
HẾT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét