21.
NGHĨA BẠN BÈ
Sáng hôm sau tôi đến, chị Thọ đã sẵn sàng. Chiếc xe đạp nó
cũng mệt mỏi, ốm yếu như tôi, nhưng nó và tôi vẫn còn đủ sức đèo thêm chị Thọ
phía yên sau. Theo sự chỉ dẫn của chị Thọ, tôi đi qua Lăng Tả Quân Lê văn
Duyệt, rồi ghé sang ngã ba Hàng Xanh, tiến về phía Cầu Kinh. Trên đường đi, chị
Thọ và tôi trao đổi nhiều chuyện về thằng Lý, thằng Lợi và những sự việc liên
quan.
Đến một ngôi nhà cửa
sắt, ba tầng lầu, tường xây granito có một cái cổng bên hông, cửa đóng im ỉm để
xe ô-tô ra vào. Chị Thọ nói, đây là ngôi nhà của cậu Lợi, (Lợi là em họ của
chị). Đã thỏa định trước với chị Thọ, khi đến nhà Lợi, chị cứ nấp vào một chỗ,
để tôi bất ngờ gặp thằng Lợi, xem nó có nhận ra tôi không?
Một thoáng trở về ngày
tôi từ giã Thành Đô, để đi vào vùng bão lửa. Khi ấy tôi và Lợi đều là trai độc
thân, nhởn nhơ giữa chợ đời, thế mà giờ nó đã trở thành một nhà ” tư sản ” của
đất Sài Gòn. Tiến đến cái cổng sắt to, rộng, tôi nhẹ tay đè vào núm chuông
điện. Một luồng xúc cảm đẩy ngược xuống tim, làm lòng tôi hồi hộp. Chừng năm phút
sau, cánh cửa sắt cổng đẩy hé, một đứa bé khôi ngô, trắng trẻo chừng 9, 10 tuổi
thò mặt ra nhìn tôi, ngập ngừng:
- Thưa ông hỏi ai ạ?
Đoán ngay là con thằng
Lợi, tôi chậm chạp nói như hết hơi:
- Tôi muốn gặp ba của
cháu!
Nó đóng cửa lại, cũng
không nói tôi chờ, nhưng tôi biết người ra bây giờ phải là ba của nó. Năm ba
phút sau, cánh cửa lại hé ra, thằng Lợi nhìn tôi một vài giây, rồi cất tiếng
hỏi:
- Thưa ông … hỏi cái gì
ạ?
Đè sự hồi hộp xuống,
tôi rành rọt:
- Tôi muốn mua của ông
… cái máy ?
Quá xúc động, nên tôi
nói đại. Cũng lạ kỳ, giai đoạn cuối 1980, nhà nào ở Sài Gòn cũng đều thận trọng
lo lắng, nhất là những nhà có của. Thế mà một người lạ, hỏi mua một cái máy,
chưa biết là máy gì, nó cũng không nói với ai là bán, vậy mà nó dám mở cổng cho
tôi vào? (Sau này, nó cũng bảo thật là kỳ lạ). Mặc chiếc quần đùi trắng, sơ-mi
trắng, tay cầm chùm chìa khóa, nó lui cui dẫn tôi đi vào. Gần đến cây ổi to
giữa sân, nó chợt ngừng, quay lại mở to mắt hỏi rời rạc:
- Tô… có máy… gì bán
đâu?
Vì bất chợt nó đứng
lại, thành ra tôi đã sát gần mặt nó, nhìn đôi mắt mở to của nó chằm chằm vào
mặt tôi, tôi không thể chịu được nữa rồi. Tôi tát cho nó một cái! Mắt nó lại
càng mở to, tưởng đến rách ra. Một giây như một luồng điện, nó chợt hiểu. Nó
chỉ một ngón tay vào sát mặt tôi, thảng thốt:
- Thằng Bình hả !
Tôi và nó đã ôm chầm
lấy nhau ở giữa sân, trước con mắt đờ ra của đứa con lúc đầu ra mở cổng. Nó líu
ríu kẻo tôi vào phòng khách. Tôi thoáng nhìn lên gác, thấy những khuôn mặt của
vợ con nó, mấy người cũng đang theo dõi từ nãy những gì giữa tôi và thằng Lợi.
Cũng lúc đó, chị Thọ đẩy cổng dẫn chiếc xe đạp đi vào. Chị Thọ, thằng Lợi và
tôi đã ngồi vào ghế salon. Trên gác lục tục kéo xuống, nhìn thoáng một người
mũi cao như lai Tây, tôi đã nhận ra vợ thằng Lợi, chính là cô Duyên ngày ấy!
Tôi nhớ vào khoảng giữa
năm 1961, giai đoạn ấy tôi đang ở số 62 đường Trần Hưng Đạo Sài Gòn. Buồng tôi
ở tương đối là sang, có đèn chùm, ghế bành bọc nhung đỏ, có máy đun nước nóng,
và có máy điều hòa không khí. Khi đó, Brown và Dale đang hàng ngày, huấn luyện
tôi. Người Mỹ ra vào một chỗ phải như vậy nó mới hợp lý, không làm ngạc nhiên
những người tò mò, nhất là phản gián của đối phương. Phan, Brown, Dale đã căn
dặn tôi, không được cho ai biết nơi tôi ở đó, thế mà tôi đã phá luật chỉ vì
thằng Lợi.
Khi ấy, nó làm Tỉnh
Đoàn Thanh Niên Cộng Hòa tỉnh Phước Thành. Nó kiếm được một “cô em” rất đẹp,
cuối tuần thường đèo Lambretta mang em về Sài Gòn. Một buổi nó ghé tai tôi khẩn
khoản:
- Em là loại hoa khôi
của tỉnh Bình Dương, gia đình nho giáo, không có cách nào mời em vào khách sạn
cả, em chỉ đồng ý vào nhà bạn bè v.v. . .
Vì bạn bè, mình có
thiệt thòi cũng sẵn sàng nên tôi đã đưa chìa khóa phòng tôi cho Lợi với những
lời căn dặn cần thiết.
Tôi không cần biết, tôi
ra quán Anh Vũ ngồi tới 1 giờ đêm mới về, theo qui định với Lợi. Khi tôi về mới
thấy thoáng qua ở cửa, khi “anh chị” đi ra, và thằng Lợi đã lí nhí giới thiệu
cô Duyên này. Sau đó, chẳng bao giờ tôi gặp cô Duyên nữa cho tới ngày, tôi đi ”
mất tiêu “.
Để tôi trong ý thức và
thời gian, thằng Lợi vẫn ngồi ở salon nó gọi đứa con gái đầu lòng tên là Mỹ
Linh:
- Con lên gác, vào
buồng ba, lấy cái quần ba vẫn mặc xuống đây?
Vợ chồng Lợi đã có bốn
con:
- Nguyễn thị Mỹ Linh 17
tuổi
- Nguyễn Hữu Lực 15
tuổi
- Nguyễn Hữu Lượng 11
tuổi
- Nguyễn Hữu Luyện 9
tuổi
Trong cái thế này, các
cháu đều phải coi tôi như một ông chú “cò bơ, cò bất“, ”tiểu tốt, vô danh” vậy!
Khi cháu Mỹ Linh đưa
chiếc quần tây mầu nâu xuống, thằng Lợi đã móc chiếc ví da đen, túi quần sau,
lôi ra một tấm hình của tôi chụp 20 mươi năm xưa. Thằng Lợi bảo:
- Tao tin là mày đã
chết rồi! Tao là bạn thân, nên tao hiểu mày. Mày đã không làm thì thôi, chứ đã
đảm trách một việc gì thì mày không có cái kiểu đấm vào vai, vào tay, vào lưng
mà mày sẽ đâm vào tim cho đúng huyệt, chứ không chơi vơi, với kẻ thù. Vậy mày
ra miền Bắc, mà không về thì hầu như tao coi như đã chết rồi, huống chi cộng
sản đã cướp được miền Nam từ 1975. Đã năm năm không hề có tin tức của mày, thì
điều tao suy đoán càng chính xác.
Vì thế tao có gặp mày ở
ngoài đường, tao cũng không nhận vì tao đinh ninh mày đã chết rồi. Tấm ảnh của
mày tao vẫn mang theo trong ví, để chứng tỏ mày luôn luôn ở trong lòng tao, dù
mày đã về với Chúa.
Còn một sự việc nhỏ nữa
bây giờ tôi vẫn nhớ như vừa mới xẩy ra. Cô Duyên (xin lỗi chị Lợi) đã xấp xỉ 40
tuổi, tuy vẫn còn đẹp. Hôm đó, cô ấy đi ra, đi vào, dáng đi õng ẹo, cứ nói đi
nói lại một câu:
- Bây giờ tôi già và
xấu qua rồi !
Phải rồi khi ấy cô đang
18 – 19 cái tuổi của ” nhựa sống căng tròn, nghe cô “Duyên”. Thấy chị Lợi, than
vãn hai, ba lần như tiếc nuối tuổi xuân, tôi đã phải đứng dậy để tay vào ngực:
- Chị Lợi ơi ! … .Chị
hãy nhìn tôi đây này, ngày xưa tôi như thế nào. Bây giờ tôi sống sót trở về là
công dân hạng hai, của CHXHCN ốm o, già lão phải đến CA trình diện hàng ngày
đây này. Chị hãy nhìn tôi, mà vui trong hạnh phúc gia đình, mà Chúa đã ban cho
anh chị và các cháu.
Cả ngày và đêm hôm đó,
tôi đã ở lại nhà anh chị Lợi. Thôi thì thượng vàng, hạ cám chuyện lớn, chuyện
nhỏ tích lũy trong hầu bao, lâu dài, chúng tôi đã cùng nhau dốc hết. Vì chị Thọ
còn mỗi bà cụ ở nhà, nên đã dùng chiếc xe ”mịn- lớp – sằng Bảo Long ra đời ”
(khi Bảo Đại đẻ Bảo Long) của tôi, để trở về khu Đa Kao.
Do yêu cầu chủ trương
thứ hai của tôi: Ngày mai, tôi và cả gia đình Lợi sẽ đến bà cụ và chị Thọ, để
cùng ra mộ thằng Lý. Vì nó nằm có một mình, ngoài nghĩa địa. Hơn nữa, tôi cũng
còn cần trao đổi với nó, một vài chuyện ân tình.
Thằng Lợi mà để làm
việc xã hội, nó sẽ phát huy được “sở trường”, nó chu đáo cả những chuyện tôi
không ngờ. Nó bảo:
- Ông bà cụ và mày bây
giờ gặp khó khăn, trách nhiệm của mày là… Và ngay buổi chiều, nó một
chiếc xe đạp, tôi một chiếc, đèo một túi gạo chừng 20 kg, do chị Lợi đã chuẩn
bị sẵn.
Hai chúng tôi lại nhởn
nhơ, thung thăng, song song trở xuống khu Ông Tạ, Hòa Hưng. Có lúc nó và tôi
cùng đăm chiêu, không nói với nhau một lời, mỗi người mỗi dòng tư tưởng, nhưng
tôi chắc phải có lúc nó có dòng “xuân non” như tôi. Nhớ quá! Cái ngày hai thằng
cũng đạp xe song song trên đường phố Sài Gòn , để mài đũng quần trên ghế nhà trường.
Cũng là một điều khác
thường, từ ngày còn niên thiếu tôi có một nhược điểm, là lòng tự ái và tự trọng
cao. Thế mà, tôi mang gạo của thằng Lợi về nhà cho bố mẹ, lại không thấy lòng
mình bị tổn thương?
Mẹ tôi đã phải lau
nhiều lần nước mắt, khi tay cụ run run cầm tay thằng Lợi. Cụ xúc động cho tình
nghĩa bạn bè còn áng đỏ tươi lên, giữa cái nền xám xịt của tình người trong xã
hội ngày nay. Theo như đã dự trù chiều theo ý kiến của tôi, sáng hôm ấy, trừ
cháu Mỹ Linh và cháu Luyện phải ở lại coi nhà. Tôi, vợ chồng Lợi, cháu Lực và
Lượng ba chiếc xe đạp đèo nhau đến nhà cụ Lý. Chị Thọ đèo thằng Lượng, còn tôi
mang cụ Lý.
Một đoàn xuôi xuống khu
Tân Chí Linh vùng Ông Tạ. Tôi không ngờ ở đấy lại có một nghĩa trang thật rộng.
Ngôi mộ của Nguyễn Vĩnh Lý, đã được xây cất đàng hoàng. Chúng tôi hì hục dọn
dẹp làm cỏ. Niềm cảm xúc đã làm cho bà cụ, chị Thọ và Lợi nước mắt đoanh tròng.
Theo thủ tục tôn giáo, tất cả chúng tôi thắp nhang, nến và đọc kinh cầu nguyện
cho linh hồn của Lý. Tôi nhìn tấm hình của Lý gắn tại mộ bia, đôi mắt của Lý
cũng đăm chiêu nhìn tôi. Một cơn gió rì rào lướt nhẹ qua, như tôi nhìn ”thấy
làn môi của Lý mấp máy, tai tôi nghe cả giọng nói của Lý ngày xưa:
- Mày đã trở về đấy à?
Tôi nhìn cái nốt ruồi
dưới mũi của Lý, tự nhiên một hình ảnh nhỏ ngày xưa của Lý, đã ùa về trong tâm
tường của tôi. Buổi ấy khoảng 1957, ngày Tết của dân tộc, Lý, thằng Phác (bạn
học Chasseloup Laubat của Lý) và tôi đều đóng bộ. Duy nhất có cô Mỹ Huyền
(Trưng Vương) chưa là bồ của ai đi theo. Giữa dòng người ”ngựa xe như nước, áo
quần như nêm” ấy của ngày Xuân quê hương, khi chúng tôi đi qua chợ Bến Thành,
bước chân lên đường Bonard, có hai cậu 15- 16 đuổi theo kéo áo Lý lại, vồn vã:
- Cậu ơi! Nốt ruồi trên
miệng của cậu, làm mất đẹp trai đi?
Giơ ra cái khay nhiều
chai lọ, miệng chúng lại ríu rít:
- Loại thuốc mới này
của Nhật, chúng cháu chỉ làm mười phút sau, nốt ruồi của cậu sẽ biến mất?
Vì có bóng Mỹ Huyền
giai nhân đi bên cạnh, chúng tôi bất ngờ, đều đỏ mặt, lúng túng. Thằng Lý cũng
đỏ mặt , nhưng nó quay lại, dõng dạc với hai cậu nhỏ:
- Ơ hay! Tôi vừa ” cấy
” được mấy ngày, mất hàng trăm bạc! Sao lại tẩy đi?
Hai cậu bé đực mặt ra,
chả nói ra lời. Chúng tôi đều cười, thở phào và không thể quên được cái ”nhanh
trí ” của Lý.
Sau 18 năm ”Bác và
Đảng” đã đào tạo tôi thành một người thợ có tay nghề về cả hàng ngang (giường,
bàn, tủ, ghế) lẫn hàng dọc (xây dựng, sửa chữa nhà cửa). Nhà thằng Lợi cao và
rộng, nên tôi có nhiều việc làm, do đấy tôi thường xuyên ở nhà thằng Lợi, chỉ chiều
tôi phải về trình diện công an khu vực. Một điều băn khoăn nhiều của tôi về
thằng Lợi, từ khi về gặp lại nó, nên tôi đã hỏi thẳng nó:
-Tại sao lại không đi
di tản?
Nó đã trả lời tôi, hai
ý chính:
1) Gia đình phía bên vợ
nó, có nhiều người ở phía bên kia (cộng sản)
2) Tao ở lại, để sẽ
chơi với tụi này về kinh tế.
Ngay khi còn trên con
tàu ”Thống Nhất” trên đường xuôi Nam, tôi đã có ba chủ trương, khi về tới Sài
Gòn sau gần hai chục năm xa cách:
1) Tìm về bố mẹ, anh
em, họ hàng.
2) Tìm lại hai thằng bạn
thân Lý và Lợi.
3) Tìm mọi cách để thăm
mộ ông Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu. Tư cách, lòng tự trọng dân tộc và ý
chí của hai người, tôi coi trọng.
Hai điều trên đã tạm
ổn, còn điều thứ ba, lòng tôi thì muốn thằng Lợi cùng đi, nhưng tôi nhìn thấy
nó phải lo toan nhiều công việc tối ngày cho vợ con nó. Phần khác, đây là quan
điểm tư tưởng của mỗi người. Hơn nữa tấm lòng của mỗi người thì không bao giờ
nên gò, ép, kéo lôi. Nếu không nói là làm giảm ý nghĩa, có khi còn làm mất cả
cái đẹp của sự việc. Tốt nhất, hãy một mình tự mò mẫm lấy, cho riêng một mình.
Tên công an khu vực của
tôi chừng 22- 23 tuổi, độc thân tên là Huỳnh Lộc, người Long Xuyên. Lúc đầu, y
cũng tỏ uy quyền của một CA đối với một phó thường dân như tôi, đang trong tay
của y. Qua thời gian và sự việc, y đã thấy càng phồng mang, trợn mắt thì thiệt
hơn nhiều, vả lại chỗ đứng của y quá nhỏ, y lại còn có quá nhiều nhược điểm.
Chỉ vài lần tiếp xúc, đổi trao một vài vấn đề, cũng là thăm dò, bắt mạch, để
rồi càng ngày y càng có thiện cảm với tôi hơn. Như tôi đã xác định ở những phần
trên, mình đã có sự thật, nếu có thêm chút khả năng vận dụng, ứng dụng đúng
lúc, đúng chỗ thì tính hơn hẳn của ta càng thấy rõ.
Dần dần Lộc tỏ ra nhiều
việc làm quá lố. Có lần ở trên Thanh Đa, Cầu Kinh về tới, tôi thoáng thấy bóng
Huỳnh Lộc, ngất ngưởng cầm một chai rượu trắng trong một căn nhà ngoài đường
Cách Mạng Tháng Tám. Vì khu xóm và chính vì tôi, nên một buổi tối, tôi đưa Lộc
vào một hiệu uống nước chanh, để nói chuyện.
Tôi biết, nếu Lộc không
thay đổi cảnh sinh hoạt, sớm muộn nó sẽ bị cho về đuổi gà; đôi khi còn mang
họa. Kinh nghiệm nhiều năm đã cho tôi biết , anh phụ trách khu vực, một thời
gian, không đạt những yêu cầu của họ, họ đã đặt anh trong danh sách loại. Bây
giờ Lộc lại có những hiện tượng tiêu cực, rượu chè, hút thuốc lá vàng cả ngón
tay. Sau khi nghe tôi tận tình vạch ra từng sự việc, Lộc giật mình, tái mặt ! Y
tỏ ra rất ăn năn, thành khẩn:
- Em sẽ cam đoan với
anh, từ nay em sẽ chấn chỉnh lại.
Tôi và khu xóm muốn duy
trì sự thoải mái tương đối như hiện nay, thì phải khéo léo ”sửa sai” cho Lộc.
Rất rõ ràng, vì Lộc tiêu cực, mềm yếu, lỏng lẻo, chúng sẽ đưa một tên ”hóc búa”
đến thay. Do nhiều bà con ta chỉ nhìn có một mặt, nên đã cố mời mọc, lôi kéo
công an khu vực bằng những bữa tiệc ngon lành. Thậm chí rộng rãi cả về tài
chính nữa, để rồi Huỳnh Lộc chỉ giữ được không đến một tháng, y trở lại đường
cũ.
Đến cuối tháng đó, một
công an nữ người Quảng Bình thay thế, tên CA nữ này là Mỹ Lệ. Y thị đi từng nhà
trong khu vực tra xét xem sổ hộ khẩu, với số người hiện diện. Mặt của y thị tái
ngoét như quả cà ghém luộc. Sáng ngày thứ Bẩy y thị yêu cầu tôi , một chàng
Thiếu úy Hải Quân tên là Từ và một chuẩn úy Thủ Đức tên là Quý (mới ra trường
1974), ra chợ Nam Hòa quét dọn, làm vệ sinh. Tôi hiểu mục đích của y thị là
hành hạ, làm nhục những người của chế độ cũ mà thôi.
Giữa chợ búa đông bà
con qua lại, y thị tay cầm cuốn sổ con đứng coi chúng tôi làm việc. Mặt cứ câng
câng lên, chỉ chỗ này, nhắc chỗ kia để thị oai.
Y thị chừng 21- 22
tuổi, chả biết có chồng con gì chưa. Chắc y thị được ý kiến của Đảng ủy Phường
hay Quận, để hành chúng tôi, y thị còn bắt chúng tôi móc, khều rác rưởi ở dưới
các cống rãnh chung quanh chợ.
Chủ nhật lên nhà thằng
Lợi. Tôi kể lại sự việc, thằng Lợi đã nháy mắt bảo tôi:
- Hãy nghe tao, mày
phải cho cô ả lên “đỉnh vu sơn“. Nếu không mày sẽ còn khổ, nó còn hành!
Tôi biết thằng “chó
chết” này! Nó thấy tôi bực bội, nó nói để cho vui !
- Ngán gì!
Tôi cũng đùa lại
– Nhưng cái mặt của “ả”
như rau muống xào …!
Vừa lúc đó, chị Lợi
trong buồng đi ra, chỉ nghe được mấy tiếng: “Rau muống xào!” Chị Lợi nhanh
nhẩu:
- Anh Bình thích ăn rau
muống xào, chiều nay tôi sẽ làm món “Rau muống xào tỏi “, các anh thử xem có
kém gì nhà hàng Đồng Khánh xưa?
Thứ Hai tuần trước, tên
Trung úy Mậu, phường trướng đã yêu cầu tôi theo lệnh của Quận, tôi phải gia
nhập “Tổ mành trúc 19/5″ làm việc hàng ngày, ngay cạnh ủy ban Phường 6. Như
thế, hàng ngày 7 giờ tối, tôi phải trình diện để lấy chữ ký của công an khu
vực, chúng vẫn chưa yên lòng, chúng còn bắt tôi mỗi ngày ở bên cạnh chúng nữa.
Điều đặc biệt hơn nữa
mà tôi biết: Giai đoạn ấy, ở phường 6 có khoảng hơn ba chục người đi học tập
về. Cấp bực từ Đại tá trở xuống, hầu hết trình diện tháng một lần, có 5 người
trình diện tuần một lần, trình diện ngày một lần chỉ có một mình tôi. (Do Huỳnh
Lộc cho biết)
Tôi lần mò xem là có
phải chúng còn nghi ngờ tôi, nên phải quản lý chặt chẽ, tôi như ở tù vậy? Hay
khi đó, tôi là loại tù từ miền Bắc về, lại mang cái tội Gián Điệp thường gây
mạng lưới bí mật, nên chúng cảnh giác? Thời gian sẽ giúp tôi để trả lời, hai câu
hỏi trên.
22. THĂM MỘ CỤ NGÔ
Tôi đã vận dụng lý do: Mẹ tôi vừa ho ra máu, bố tôi đêm qua
đã té ở dưới bếp, chảy máu mũi. Tôi phải lo cơm nước, thuốc men cho hai cụ, và
tôi phải thu xếp nhiều chuyện trong nhà v.v. . . Thứ Ba tuần tới tôi mới có thể
đi làm việc ở tổ Mành Trúc, trong khi chúng bắt tôi đi làm Thứ Hai. Phải dùng
nhiều cách để hỗ trợ nhau, tên Mậu mới đồng ý.
Như thế phải tranh thủ
ngày mai, tôi thực hiện cái chủ trương thứ ba, là thăm mộ Cụ Ngô. Những ngày
trước, tôi lựa lời thăm hỏi, không ngờ người cho tôi tin tức tương đối đáng tin
cậy, là ông Trùm Lộc. Ông là công giáo được phường chỉ định làm tổ trưởng khu
phố của tôi. Tối thứ Năm hàng tuần, tôi vẫn phải đến nhà ông để sinh hoạt tổ
dân phố với bà con, đọc báo và nghe thông báo điều này, khoản kia của Phường,
của Quận. ông Trùm Lộc, hơn sáu chục tuổi tỏ vẻ lấm lét, ghé vào tai tôi thì
thầm:
- Mộ của Cụ Diệm và ông
Nhu được ông bà Trần Trung Dung (là cháu), chôn ở nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi.
Tôi hiểu một mình tôi
vào thăm mộ hai người, là không tiện lắm! Tôi biết tụi cộng sản vẫn rải những
công an chìm, lẫn vào những người ra vào nghĩa trang. Như chúng sẽ bí mật chụp
hình, hoặc để ý những ai còn tư tưởng hướng về một người mà chúng kình địch.
Những tổng thống, hoặc các vị lãnh đạo khác chúng chẳng phí thời gian làm như
vậy.
Tôi đã hẹn trước với
cháu Thanh Lan, con của cô Xuân cũng đã 19 – 20 tuổi rồi. Điều tôi không thể
quên, là cái tên “Thanh Lan” này lại chính tôi đã đặt cho cháu, khi vào thăm mẹ
nó sinh ở nhà thương Từ Dũ. Hơn một năm trước ngày tôi đi Bắc, bố nó là công
nhân ở Ba Son, đẻ con đầu lòng chưa kịp đặt tên. Bấy giờ anh trai vào thăm, nên
mẹ nó nhờ tôi đặt tên cho cháu luôn. Đi với cháu gái, cho có vẻ gia đình, nếu
biết khéo léo ứng xử có thể qua mặt, những con mắt cú vọ của CA chìm.
Hai bác cháu đã mò mẫm
đến được mục tiêu. Lúc đầu, tôi còn ngồi xa xa cạnh những ngôi mộ khác, để quan
sát theo dõi toàn bộ hiện trường. Tôi hơi ngạc nhiên, nhìn hai bó huệ còn tươi
và một bó to bạch hồng, ở mỗi ngôi mộ. Hơn một chục cây nhang đang nghi ngút
tỏa mùi hương, luồn vào trong gió của mỗi ngôi mộ.
Tôi bần thần, ngước mắt
nhìn lên mây trời , lòng tôi rung rung mở dần ra như một sự cảm ơn không bằng
lời. Những ai đã vừa tặng hoa, thắp nhang cho hai ngôi mộ đặc biệt này? Phải
chăng cũng là những người dân vô danh như tôi và cháu Lan? Chỉ vì lòng ngưỡng
phục một người đã dám gạt bỏ tiền tài và danh vọng, chọn cái chết dứt khoát,
không chịu để chủ quyền Quốc Gia bị xâm phạm, không những người dân ngưỡng
phục, kẻ thù cũng không thể coi thường.
Thấy không có gì trở
ngại, tôi và cháu Lan trang trọng thắp nhang và đặt một bông hoa hồng nhỏ (tôi
không đủ tiền mua một bó), như tỏ tấm lòng của một người, đã nhận một nhiệm vụ
trong thời của cụ, ra Hà Nội nhưng bất tài, kém khả năng hiểu biết, nên đã rơi
vào tay kẻ thù. Nay sống sót trở về, tôi xin cúi đầu tạ tội với cụ, với đồng
bào lầm than khổ đau hiện nay, và sau này.
Tôi nhìn kỹ từng phần
nhỏ của hai ngôi mộ, rồi tôi lại nhìn lên trời. Mây đen trắng lổn nhổn trên nền
xanh mát của bầu trời. Tôi ngắm một đám mây to, đang đùn lên về phía Đông. Tôi
chợt thấy- có thể từ lòng thành mong ước, hay trí tưởng tượng- rõ ràng tôi nhìn
thấy nét mặt một bà cụ già tóc trắng phau, bộ mặt hiền từ đôn hậu. Mắt Cụ đang
đăm đăm nhìn tôi, cháu Lan và hai ngôi mộ. Một luồng lạnh từ trong xương sống
đi dần lên đầu tôi, phải chăng là hồn thiêng của dân tộc, linh khí của sông núi
và của Sài Gòn đã bốc lên, kết tụ lại? Đó là Người Mẹ Hiền Việt Nam. Miệng của
Mẹ mấp máy tôi nghe rành rọt:
Các con thương yêu của
mẹ! Với ý chí rắn chắc, bền bỉ chịu đựng, các con hãy đứng dậy bằng chính đôi
chân của mình, mẹ luôn luôn đứng bên cạnh và độ trì cho các con.
Tôi bàng hoàng thảng
thốt, quay lại cháu Lan đang quỳ bên cạnh, mắt cháu Lan cũng đang ngước nhìn
lên trời. Không biết cháu có nghe thấy những lời, của Mẹ Việt Nam như tôi
không?
Kính thưa quý vị độc
giả ! Hiện giờ tôi đang viết hồi ký tường thuật lại những cảnh đời tôi đã trải
qua! Theo sự hiểu biết của tôi, hồi ký là tường thuật lại những sự việc gì tai
tôi nghe, mắt tôi thấy, những sự kiện tôi đã phải trải qua và những gì chính
tôi cảm nghĩ ở trong trại tù, không thể nhìn được trong buồng xà-lim này với
trong buồng xà-lim kia. Ngoài trại chung không thể chứng kiến buồng này, nhìn
sang buồng khác, càng không thể biết được cảm nghĩ của người khác. Viết như vậy
là tưởng tượng, tưởng tượng là hư cấu, hư cấu là viết tiểu thuyết. Tôi luôn
luôn tôn trọng sự hiểu biết rộng rãi, sáng suốt của quý vị.
Có một chuyện nhỏ,
nhưng buồn cười, tôi xin trình bày, như một thể hiện lòng tôn trọng của tôi về
sự sáng suốt của quý vị. Khi cháu Lan và tôi dắt hai chiếc xe đạp vào nghĩa
trang Mạc Đỉnh Chi, mấy bà, mấy cô bán nhang, nến, hoa xông ra mời chào:
- Mời cậu mợ mua hoa
đi!
- Mời cậu mợ mua nhang,
nến này!
Tôi đã nghiêm mặt nói
rõ ràng:
- Đây là cháu của tôi!
Tôi là bác của nó !
Mấy bà xin lỗi, nhưng
có cô lại buông một câu cộc lốc:
- Thế mà !
Do sự mời chào, lôi kéo
khách mua hàng, nhưng cũng nói lên một điều: Vì tù lâu, nằm yên một chỗ, nên
tôi không già lắm! Lòng tôi cũng ” rổn ” lên một niềm vui, hy vọng sẽ lấy được
vợ, không sợ ở ” giá “
Cháu Lan hiện nay đã có
ba con, người cháu rể tên là Mão, hai vợ chồng mở một hiệu phở khá đông khách,
ở Ông Tạ Sài Gòn.
Buổi chiều, tôi và bố
mẹ vừa ăn xong, thì có tiếng gõ cửa, tôi lại tưởng CA. Nhưng thật vui, đó là
anh Đèo Văn Bạch, anh được về trước tôi 7- 8 tháng, anh đã đến thăm tôi hơn
tuần lễ trước. Nhà anh ở phía trước hồ bơi Cộng Hòa, tôi lại phải nhớ để ghi vào
sổ trình diện, anh Bạch trình diện tháng một lần. Sở dĩ tôi tưởng anh Bạch là
CA, vì mới đêm qua CA phường, CA khu vực một giờ đêm, đập cửa nhà tôi rầm rầm.
Chúng bắt mở cửa ngay, cửa vừa mở chúng gạt tôi ra, chen lấn vào trong nhà. Đèn
pin chiếu loang loáng khắp trên gác, dưới bếp, xoi mói, chúng bắt đưa sổ hộ
khẩu, sổ trình diện. Tôi còn thoáng thấy một vài tên áo vàng nữa, phía sau nhà.
Cảnh giác của chúng thật cao và kỹ thuật cũng thâm hậu.
Chúng suy đoán, bất ngờ
ban đêm đột nhập vào khám nhà, nếu trong nhà có người lạ, không hợp pháp thì sẽ
chạy chuồn ra ngoài, nên chúng đã phòng sẵn bên ngoài. Tôi thì chẳng ngán ngẩm
gì, nhưng thầy mẹ tôi mù lòa, già yếu, các người hốt hoảng đờ người ra.
Tôi không nhìn rõ,
nhưng chắc mặt các người phải tái đi, chúng kéo hất tung cả mùng mền của thầy
mẹ tôi.
Tôi cảm thấy, tôi có
lỗi với bậc sinh thành lắm, không những làm các người lo lắng, mà ngay giấc ngủ
của các người cũng không yên. Sau khi chúng rút đi rồi, không một lời chào thầy
mẹ tôi, tôi đã quỳ xuống, gục đầu vào đầu gối mẹ tôi, mắt tôi mờ đi, nói trong
nghẹn ngào:
- Xin thầy mẹ, tha lỗi
cho con!
Mẹ tôi đưa bàn tay run
rẩy vuốt đầu tôi, từng dòng nước từ đôi mắt loà chảy xuống má, mẹ tôi không nói
ra lời, bố tôi đã vào màn, chỉ nghe những tiếng thều thào mệt nhọc:
- Lậy Chúa tôi! Lạy
Chúa tôi!
Tôi không hiểu thực dân
Pháp ngày trước có làm như thế với người dân không?
Sáng hôm sau tôi đã đến
tổ mành trúc, với cái tên: “Mành Trúc Xuất Khẩu 19 tháng Năm”. Đây là một khu
thủ công chuyên sản xuất mành trúc của Phường, chừng gần hai chục người, năm
sáu cậu 15- 16 tuổi, bẩy tám bà xồn xồn 30- 35 tuổi, vài thanh niên, mấy ông
nhơ nhỡ như tôi. Tổ mành trúc do một bác chừng 50 tuổi, tên là Bằng làm tổ
trưởng, các công nhân kể trên toàn là thường dân, chỉ có tôi là đi tù về mà
thôi. Thấy tôi có vẻ nhanh nhẹn, nên ông Bằng phân công tôi ở khâu cắt trúc,
bằng một chiếc máy cưa con con.
Sản xuất tính theo giờ
và mức khoán, hình thức thì có vẻ nền nếp, nhưng thực tế thì không phải như
thế. Chỉ thoáng qua thái độ làm việc của mọi người, qua các khâu tôi đã thấy,
cũng như cái chung của công nhân dưới chế độ ưu việt XHCN dân chủ gấp triệu lần
các chế độ dân chủ, của các nước tư bản. Trên sổ sách ghi 7 đồng một ngày,
nhưng riêng tôi cuối tuần lãnh lương chiều thứ Sáu, ông Bằng đã khất lại, để
tuần sau. Chỉ hơn một tuần tôi đã biết ông Bằng là một cán bộ của phường. Từ
đó, trừ thứ Bẩy, Chủ Nhật cuối tuần, hoặc những ngày đặc biệt tôi phải lên
Thành xuống Quận, ngày nào tôi cũng phải đi làm ở tổ Mành Trúc.
Một buổi chiều tôi cà
rịch, cà tàng đạp xe đến đường Phan Đình Phùng để mua thuốc đau mắt cho mẹ tôi,
thoáng một bóng người quen quen, anh ta đang định trèo lên một chiếc xe Buýt.
Tôi dẫn xe đến, người đó cũng quay lại. Ồ! Tôi không thể tin ở mắt mình, Lộc,
Lộc Vàng! Tôi và Lộc Vàng đã ríu rít như “mít quậy sinh tố với dứa”, vừa ngọt
vừa thơm ngát. Lộc Vàng trong vụ nhạc vàng ” đồi trụy ” của Hà Nội năm 1967
(tôi đã tường thuật), tôi siết chặt tay Lộc vồn vã:
- Sao lại ở đây? Sao
lại ở trong này? Vào đây bao giờ và ở đâu?
Lộc không trả lời, mà
cũng cuống quít hỏi tôi tới tấp:
- Anh về bao giờ? Nhìn
anh mà em không nghĩ là anh? Vì em không tin được !
Nhớ lại những ngày cuối
tuần buồn lê thê, trong trại tù Thanh Phong muốn tìm những giờ phút trầm lắng
để gửi hồn chơi vơi về những nơi mình muốn. Cái thú nhất giai đoạn ấy với tôi
là ngồi năm bẩy người, những người cùng ”gu” phóng đãng chơi vơi tâm hồn, với
một ca trà rừng đặc, nhấm nháp bằng những chiếc ly nứa con tự chế.
Sắp xếp người ”ghếch”
(tiếng trong tù) áo vàng. Nếu có áo vàng vào trại thì người gác ra hiệu, trong
này lời ca tiếng nhạc, bất đầu đổi ”gam” từ nhạc xanh ra nhạc ”đỏ“. Toán Xồm
đàn, Đắc Sọ đập sàn nứa thay trống, Lộc Vàng ca Nhạc ”tiền chiến, như những
bài: Thiên Thai, Đêm Đông, Suối Mơ, Cánh hoa duyên kiếp v.v. . . Hay nhạc
”vàng“: Mưa Rừng, Tàu Đêm Năm Cũ v. v… Thậm chí cả những bài của Sài Gòn sau
này (tôi chưa biết) Đời Là Vạn Ngày Sầu, Xuân Này Con Không Về, Áo Lụa Hà Đông
v.v. . .
Giọng ca của Lộc Vàng
nổi tiếng của đất Thăng Long. Bây giờ trong một bối cảnh lâm ly ngục tù, ngồi
lim dim đôi mắt, mặc cho lời ca, tiếng nhạc tỉ tê rót vào tai, thì còn cái thú
nào hơn?
Sau khi miền Nam bị ”
cướp giật ” cộng sản chuyển tôi ra trại xây. Nhóm ”nhạc vàng” Toán Xồm, Đắc
Sọ, Thành Tai Voi và Lộc Vàng, tôi không còn gặp nữa. Cho tới ngày tôi được ra
từ trại Thanh Phong (Thanh Hóa) giữa năm 1980 cùng với Toán Xồm, tôi không có
thời gian để hỏi về những người trong nhóm đó.
Hôm nay, bất chợt gặp
lại Lộc Vàng ở Sài Gòn. Lộc Vàng đã được tha từ 1977, như thế Lộc đã có hơn hai
năm ở ngoài chiếc lồng to, cuộc sống tần tảo, Lộc đã xoay sở đủ nghề: quét vôi,
làm thuê, gánh nước v.v. . .
Hiện nay, Lộc tìm vào
Sài Gòn ”phe phẩy” vặt vãnh, tìm nơi ”đất lành chim đậu“. Gặp tôi, Lộc tưởng là
một dịp may, Lộc có biết đâu, tôi còn bị o-ép, đè bóp hơn ở trong tù. Ngồi ở
một quán nước mía, hai anh em tâm tình, đều tắc tị. Trong những câu chuyện lan
man, đến những người đã đi tù về, hiện đang ở Hà Nội, chợt Lộc nói như khoe
thành tích:
- Em mới gặp ông Võ,
bây giờ về hưu, ông buồn lắm! ông ấy muốn về Nam mà không có tiền!
Đầu óc tôi lơ mơ, chưa
nhớ rõ ”Võ” nào? Thấy mặt tôi ngẩn tò te, Lộc đã hỏi, như giải thích:
- Anh không biết ông
Võ, chánh giám thị ở Hỏa Lò à ?
Tôi chợt nhớ, ông Võ đó
đã có ”â ” với tôi, đã cấm CAVT đánh tôi, trong buổi tôi trốn tù ở Hỏa Lò 1964.
Tôi săn đón hơn:
- Ủa, em gặp trong
trường hợp nào? ông ta có khỏe không?
Lộc vẫn vồn vã:
- Em mới ngồi uống cà
phê với cụ ấy ở Hàng Trống, cụ ấy bây giờ hom hem, bé tí, em cũng gặp cô Vân y
tá nữa!
Như một luồng điện, tôi
vội vàng cầm tay Lộc, vồ vập:
- Em biết cô Vân ư? Em
gặp cô ấy ở đâu?
Lộc lại lơ đãng vô
tình, không thấy sự mất bình thường của tôi, Lộc trả lời một cách rời rạc:
- Em đang ngồi với ông
Võ, thấy cô Vân đi với một đứa nhỏ, em hỏi luôn ông Võ, là cô Vân có con lớn
thế?
- Ông Võ trả lời em
sao?
Bây giờ Lộc đã thấy
thái độ không thường của tôi, Lộc còn cười, nói như đùa trêu tôi:
- Mặt anh làm gì mà
thất sắc thế! Làm như cô Vân là bồ của anh không bằng?
Tôi đứng dậy trả tiền,
kéo Lộc ra mé đường, tôi muốn rủ Lộc về nhà tôi chơi để hỏi thêm chi tiết, phần
vì cũng gần tối đến giờ trình diện, và còn phải mua thuốc kịp cho mẹ. Lộc nói
là Lộc về Bắc chuyến tàu Thống Nhất chiều mai, Lộc hiện đang ở nhà một người
quen bên Khánh Hội. Tôi cứ khẩn khoản bảo Lộc ngồi lên yên, tôi ”đèo” đi mua
thuốc cho mẹ. Chơi với tôi, khoảng 9 giờ tôi sẽ mang Lộc về Khánh Hội.
Tôi ngấu nghiến đạp xe,
mua thuốc rồi về, mới 6: 30 đã tới nhà. Trên đường tôi đã cho Lộc biết sơ qua
cảnh sống của tôi. Lộc lại tỏ ra thương cảm, chia xẻ với tôi hơn, tôi chỉ có 4
đồng, trả tiền nước mía hết 2 đồng chỉ còn 2 đồng, tôi đành mua hai quả trứng
vịt 1đồng 50 để bác, có rau muống luộc nữa, thế là hơn trong tù rồi. Bố mẹ tôi
đã ăn cơm từ chiều. Tôi chỉ cho Lộc bếp núc, rồi tôi lấy cuốn vở sang nhà cô Mỹ
Lệ ở xóm bên, trình diện. Gạo hãy còn nhiều, hai chục ký, thằng Lợi cho đã ăn
hết đâu.
23. NGƯỜI ẤY ĐÃ SANG ĐÒ
Trên đường đi xe, tôi đã được biết sơ lược: Vì Lộc không
biết gì giữa tôi và cô Vân, nên cũng chẳng hỏi kỹ ông Võ. Chỉ biết cô Vân đã
lấy chồng cuối năm 1969, HCM chết xong thì cô Vân đám cưới với một Trung úy bộ
đội đi B. Hiện nay cô đã có một con trai 6 – 7 tuổi, Lộc cũng không nói chuyện
với cô Vân, ngay ông Võ, Lộc cũng không biết địa chỉ.
Tôi trình diện CA về,
thì Lộc cũng đã nấu xong cơm, tôi hì hục bác trứng và luộc tí rau muống, đã mua
từ hôm qua. Hai anh em ăn cơm ở sàn trên gác, chỉ có trứng bác và rau muống
luộc, nhưng thật đậm đà nghĩa tình trong khó khăn cuộc sống, của những người đi
tù về.
Phần tôi vẫn thèm, nhớ
tiếng hát của Lộc vàng nhất là lòng tôi đang nát nhão, như dưa khú lâu ngày.
Tôi đã cho Lộc biết sơ sơ một chút sự liên hệ giữa tôi và cô Vân. Sau khi cơm
nước xong, Lộc đã nho nhỏ hát tặng tôi một bài trên căn gác trống, không có
đàn, trống. Tôi đã nằm lịm đi để mặc cho giọng hát truyền cảm của Lộc, chui
luồn vào cơ thể, rúc vào hồn tôi. Theo Lộc, đây là bài: Lá Đổ Muôn Chiều:
Thu đi cho lá vàng
…….bay….
Lá rơi…….cho đám cưới
về……..
Có những đêm về
sáng……..
Đời . buồn…..chi mấy cố
nhân ơi…..
Đã vội chi……men rượu….
nhấp đôi môi…..
Mà phung phí…..đời
em…..không tiếc nhớ… …
Lá đổ muôn chiều…..ôi
lá úa…..
Phải chăng . . . . . là
nước mắt người đi . . .
Em ơi…..đừng dối lòng……
Dù sao chăng
nữa…….không nhớ đến tình đôi ta……..
Thôi thế đây……anh cố
đành quên ….rằng có người …… Cầm bằng……như không biết ………mà thôi…….
Lá Thu…..còn lại……đôi
ba cánh…..
Đành lòng….cho nước
cuốn…….hoa trôi…..
Thôi thế từ nay…….như
vàng bay…….
Làm lòng anh …….nhớ
mãi……… người ơi……
Nhớ nhau …….từ làn môi
………đôi mắt……..
Đời vắng em rồi……….vui
với ai?………
(Đoàn Chuẩn, lời Từ
Linh)
Lộc vàng đã đập vào
chân tôi, dù tôi không ngủ, nhưng tôi như vừa ở một vùng đầy sương khói chui
ra. Một ý thơ của T.T.KH hãy còn già một nửa ở trong đầu:
Nếu biết rằng tôi….. đã
……..lấy chồng!
Trời ơi!…….người ấy có
……buồn không?…..
Bao nhiêu ngược xuôi,
ngang dọc rối rắm trong đầu, tôi thừa nhận cô Vân lấy chồng là đúng, là hợp lý,
vậy mà tại sao, tôi vẫn buồn? Lộc nói, mà mắt nhìn tôi như nài nỉ:
- Anh đưa em về đi, kẻo
khuya!
Tôi muốn Lộc ngủ lại
với tôi đêm nay, nhưng Lộc cũng đã hiểu. Bất ngờ lũ Nặc – Nô CA lại vào khám
nhà. Hai bên đều tự hiểu, tôi đứng dậy đưa Lộc về Khánh Hội. Bố mẹ tôi đã nằm
yên ở trong màn, tôi cũng cần về sớm, sợ chúng vào lúc tôi không có nhà. Chiều
theo ý của Lộc, tôi đạp xe theo đường Công Lý để Lộc nhìn Dinh Độc Lập một lần.
Mới khoảng hơn 9 giờ mà Sài Gòn đã đìu hiu vắng vẻ.
Bao nhiêu năm xa vắng,
tôi nhìn Dinh Độc Lập tận mắt, niềm ước mơ, niềm khắc khoải nhớ thương, thế mà
tâm trạng của tôi chỉ thấy dửng dưng, quấn quít một chút xót xa. Nhìn tòa nhà
từ xa, dưới ánh đèn đêm của thành phố, tôi có cảm tường như nét mặt của thầy
tôi. Chiếc cửa sổ chiếu ánh đèn lờ mờ như đôi mắt kèm nhèm, cửa to phía dưới
như cái miệng của thầy tôi méo xẹo, trong đêm CA vào khám nhà. Đã đạp xe qua
rồi, mà đầu tôi còn ngoái lại; đúng nét mặt thiểu não của thầy tôi, cụ cũng đã
lẩn thẩn rồi !
Đến một xóm nghèo phía
bên kia cầu Khánh Hội. Một cái ôm khắng khít chia tay với Lộc, không hẹn ngày
gặp lại. Nét mặt của Lộc, cũng thiểu não như nét mặt của thầy tôi khi nãy đi
qua, Lộc đã giúi vào túi tôi 10 đồng. Tôi hiểu Lộc muốn chia xẻ với cảnh đời
rách mướp của tôi lúc này, nhưng tôi đã cương quyết không nhận! Phần vì chính
cảnh sống của Lộc cũng chỉ là một cái ” sơ mướp “, phần khác, dù tôi đang gặp
khó khăn thế này, hay rồi đây sẽ hơn nhiều thế nữa, tôi vẫn đứng bằng chính đôi
chân của tôi. Tôi đã trả lại Lộc, những người cùng khổ có lòng và một cái ôm
chặt nữa, để chia tay.
Hôm sau, buổi sáng tôi
không làm sao bò dậy được, miệng khô đắng như cho giấy vào thấm, đã đến giờ ra
tổ Mành Trúc, nhưng tôi cố mãi vẫn chưa ngồi được lên. Phải ra báo và xin phép
nghỉ một ngày, nhưng tôi đành nằm liệt. Thế mà khoảng 9 giờ, cô ả Mỹ Lệ đã mò
đến gõ cửa. Tôi nghe tiếng của thầy tôi nói, không thành câu:
- Thằng Bình ốm. . . .
. .trên gác !
Tôi nghe tiếng chân khe
khẽ, nhè nhẹ bước lên thang gác! Cô “ả” này liều thật? Nếu mặt cô “ả” không
phải là quả cà ghém luộc? Và nếu tôi không có định kiến ” ghét rồi ” từ hôm đầu
gặp “ả” thì cơ hội này, sẽ có một câu chuyện của cuộc đời.
Một giọng êm nhẹ, khác
với mọi khi:
- Anh Bình!
Tôi cứ nằm im trong
màn, xem sao?
Tiếng bước chân nhè nhẹ
trên sàn gác, rồi chiếc màn tôi nhúc nhích: Đúng là coi ”trời bằng vung“. Cô ả
lưỡng lự, dùng dằng một lúc, rồi cô bước chân rón rén đi xuống nhà. Cho đến khi
nghe tiếng chốt cửa của thầy tôi, một ý tưởng không thực tế len lỏi vào đầu:
Giá đấy là cô Vân. Tôi cong hai chân bật người dậy theo thói quen, xuống đến
dưới nhà nghe tiếng mẹ tôi ở trong màn:
- Con đã uống thuốc gì
chưa?
Thầy tôi cũng đã chui
ra khỏi màn. Để thầy mẹ tôi yên lòng, tôi nói cố ra vẻ bình thường:
- Con không có sao đâu!
Mấy hôm trước cô Thu,
đã đưa sang hơn một chục ký gạo và một nải chuối. Tôi phải sắp xếp dọn dẹp
trong nhà. Khi còn ở trong tù, tưởng như không có ngày về thì mơ ước, thèm khát
được làm những công việc này, để phụng dưỡng đấng sinh thành. Bây giờ có, lại
coi thường! Không thấy đó là một điều may mắn, sung sướng! Tâm lý của con người
cũng kỳ lạ !
Tôi chợt nhớ đến thằng
Đạt, từ cái dạo tôi mới về thằng Lợi đã cho tôi biết sơ về Đạt. Tôi cũng xin sơ
lược về Đạt.
Thời gian 1955-1956 tôi
chạy Bình Xuyên, lên sống ở trại định cư Hà Nội Hố Nai Biên Hòa. ở đây, tôi đã
quen Nguyễn Hữu Lợi và Nguyễn Đức Đạt. Tôi với Đạt cũng chơi thân, nhưng không
thân bằng Lợi với tôi. Bố của Đạt làm về bưu điện ở ngoài Bắc, bây giờ di cư
vào Nam, già yếu về hưu.
Một số cậu thanh niên
Hà Nội ở trại chơi với nhau, trong đó có Lợi, Đạt và tôi. Khi tôi đi Bắc, cậu
nào cũng còn độc thân. Khi tôi trở về thì Nguyễn Hữu Lợi (tôi đã tường thuật
trên), còn thằng Nguyễn Đức Đạt, nghe vợ chồng Lợi nói: Thằng Đạt có cái tú tài
đôi đã theo nghề bố, thi vào ngạch bưu điện. Thời gian Mỹ ồ ạt vào miền Nam,
Sài Gòn cũng ” cuốn theo chiều gió” thằng
Đạt nghe đâu đã làm
trướng phòng nhân viên ” bở béo ” ngay bưu điện trung ương ở Sài Gòn (cạnh nhà
thờ chính tòa). Hiện nay vợ con gia đình Đạt đang ở Trương Tấn Bửu, còn vì sao
gia đình nó lại không đi di tản, tôi sẽ đến thăm gia đình, và hỏi trực tiếp nó.
Lợi dụng ngày hôm nay
(không đến tổ mành trúc), tôi chuẩn bị lo nhà cửa và cho bố mẹ xong, xách xe
đạp, tôi sang tìm nhà thằng Đạt. Sau một lúc mò mẫm, tôi đã đứng trước nhà của
Đạt, thoáng qua một vài nét bên ngoài cũng là loại khá giả, nhưng không bằng
thằng Lợi. Tôi bấm chuông đứng chờ, qua vợ chồng Lợi, nên Đạt và tôi không có
cái bất ngờ gặp lại. Ngày xưa cậu trưởng phòng này, nọ; giờ đây đang ngồi đút
cơm cho đứa con út, giúp vợ, giữ nhà.
Đạt rất vui, gọi cả vợ
con trên gác xuống giới thiệu. Anh chị Đạt được năm sáu đứa con, đứa con gái
lớn cũng 17 tuổi, con trai kế tiếp là Nguyễn Vạn Thắng 15 tuổi. Vợ chồng Đạt cứ
ríu rít định làm cơm ăn bữa chiều. Tôi đã hiểu dưới chế độ ” tem phiếu ” nên
tôi dứt khoát từ chối, lý do phải về trông nom ông bà cụ v.v. . . Ngay từ ngày
tôi chưa đi Bắc, Đạt vẫn mến nể tôi, nhất là về mặt ngang tàng coi nguy hiểm là
chuyện bình thường.
Do đấy, khi ở phòng
khách chỉ có Đạt và tôi, tôi đã hỏi Đạt, có rào đón. Chính tôi cũng muốn biết
tâm trạng, sự hiểu biết của một người có tú tài đôi, đã từng là một trường
phòng ở Sài Gòn, cũng đã tiếp xúc nhiều với bạn bè Mỹ, Việt v.v. . . nên tôi đã
ngửng lên hỏi:
- Đạt ơi? Bây giờ tao
hỏi mày, với lòng tự trọng, trả lời những suy nghĩ thực mày đang nghĩ. Mày có
đồng ý như thế không?
Mặt Đạt ngẩng lên tỏ
ra, rất chân thành:
- Mày hỏi gì tao cũng
nói sự thật?
Thấy đã đủ để biết rõ
vấn đề, tôi hỏi ngay:
- Lý do chính, vì sao
gia đình mày không đi di tản?
Thằng Đạt, cái mặt chảy
dài, đứng hẳn dậy, nói như còn phẫn uất :
- Cái số của tao, chỉ
vì vợ tao khi đó đang chửa đứa thứ tư, bố tao lại đang ốm nặng. Ngày 27-4,
thằng Ted Folk, trung uý Hải Quân, quen thân gia đình tao, nói hai ba lần, tao
vẫn dứt khoát không đi.
Ngập ngừng một chút,
nhìn qua cửa sổ rồi quay lại, tỏra thành khẩn:
- Thực sự khi ấy tao
còn tiếc cái nhà này, và đi như vậy, sẽ không biết như thế nào. Người ta bảo:
”xẩy nhà ra thất nghiệp “.
Để cho cạn lý, tôi gặng
hỏi tiếp:
- Mày nghĩ kỹ lại đi,
còn một lý do nào nữa, để mày không đi?
Nó nhìn tôi chăm chú,
và lấc đầu. Vào thời gian ấy (1980-1981), vượt biên bị lừa lọc, bị chết cao
nhất. Tôi nhớ có một chiếc tàu ở ngoài Cấp bị vỡ, đắm chết hơn 300 người. Khu
Ông Tạ, Tân Bình hầu như nhiều nhà phải để tang ngầm. Tôi thấy thằng Đạt cứ
lúng túng, tìm nhiều lý do để bảo vệ. Đạt chưa nhìn thấy cái nguyên nhân chính,
vì thế tôi đặt một câu hỏi nữa cho sáng vấn đề. Trước khi hỏi, tôi vẫn phải
ràng lại:
- Bây giờ tao hỏi thật
mày một câu, mà cũng nói thực lòng mày: “Nếu bây giờ có một chiếc tàu của Mỹ
đến cảng Bạch Đằng, mày phải bỏ hết tất cả, cả vợ con, nhà cửa, bố mẹ, chỉ được
mặc một chiếc quần đùi, tàu sẽ đón đi, mày có đi không?”
Đạt tươi hẳn mặt, nói
như quả quyết :
- Đi, đi chứ! Tao đi
ngay?
Tôi thong thả nói rành
rọt:
- Như thế, tất cả những
lý do mày nói, đều là sai cả ! Cái nguyên nhân chính mày không nhìn thấy, hoặc
chỉ nhìn thấy mập mờ, để mày và gia đình không đi di tản ngày 30/4/1975 là khi
ấy mày chưa nhìn rõ cộng sản. Mày không ngờ cộng sản đểu ra, sắt thép, nham
hiểm như bây giờ!
Mặt thằng Đạt lại đực
ra, đầu gật gật, miệng còn nói như nhắc lại:
- Tao không ngờ nó độc
hiểm, sắt máu như vậy!
Tôi phải nói chút nữa
cho trọn ý:
- Mày nhớ, ông cụ (bố
của Đạt) và mày, đã từng ở khu 3 (Việt Minh) về thành 1950 (vào Hà Nội). Đã di
cư vào miền Nam 1954, mà còn mơ hồ, chưa nhìn rõ sự việc. Huống chi hầu hết
đồng bào ở miền Nam. Chưa một ngày sống với cộng sản, và nếu có biết về cộng
sản cũng chỉ qua sách báo, thì làm sao hiểu được cái tim đen của họ. Anh còn
vũ khí, anh còn tiền, anh còn bên ngoài vòng kiềm tỏa của họ, anh đừng vội vỗ
ngực, tự đắc: Tao còn đi guốc vào những lừa lọc, thủ đoạn của cộng sản. Chưa
đâu! Khi nào anh đã hạ vũ khí cất đi, anh hết tiền, anh đã vào trong sự kiềm
tỏa của cộng sản. Khi đó anh mới hiểu tim đen của cộng sản, mà một khi anh
đã hiểu, đã đủ hiểu thì anh không còn, làm gì được cộng sản nữa.
24. GIĂNG LƯỚI BẮT TÔM
Đã chiều muộn, tôi từ giã anh chị Đạt để về nhà, chuẩn bị
đi trình diện CA. Về đến nhà, ngạc nhiên, tôi thấy một chiếc xe đạp dựng khóa
phía ngoài cửa, thì ra anh chàng Lê Văn Bưởi, cũng là điệp viên ra Bắc cá lẻ
như tôi (Thép Đen III). Anh bị án 20 năm, nhưng lại được về trước tôi. Anh ở
trên khu Đắc Lộ; tôi và anh đã gặp nhau một lần, giống như anh Bạch. Anh Bưởi
đang sống nhờ, tạm trú một gia đình có cái xưởng lán làm gỗ, anh sống lai rai
giúp việc nhà cho một người, còn có chút tấm lòng bao dung những kẻ khốn cùng.
Ngoài những chuyện bình
thường, anh ghé vào tai tôi thì thầm: “CIA đã bắt mối liên lạc với anh, có thể
họ sẽ đón anh đi một ngày gần đây”.
Hoàn cảnh của tôi như
một người sắp chết đuối, không có điều kiện nào để bơi nữa, thấy bất cứ vật gì
nổi cũng đều bám, hy vọng sống được.
Một chút mặc cảm vấn
vít vào vị thế nhỏ bé của mình, anh Bưởi đã tâm sự với tôi từ buổi đầu gặp nhau
ở phân trại E, phố Lu Lào Cai 1968. Anh là loại tình báo chiến lược, loại cấp
cao của VNCH. Mình chỉ là loại tép riu chiến thuật, nên Mỹ đâu có để ý gì đến!
Lòng nghĩ như thế, nhưng cuộc sống của tôi bị nhiều dồn ép, nghẹt thở quá nên
tôi đã xuống nước, nói với anh Bưởi:
- Nếu anh đi được, nhớ
đừng quên tôi đang bơi lội, trong sình lầy nhé !
Anh Bưởi nhìn tôi với
ánh mắt chia xẻ:
- Bình yên tâm, tôi
không thể quên Bình đâu!
Tuy nghe anh Bưởi nói
thế, nhưng đầu tôi lại lóe lên một ý:
Biết đâu, đây chỉ là
một đòn hiểm của cộng sản? Mình là loại do áp lực của Quốc Tế, của dư luận.
cộng sản thả về để làm chiếc loa “không công” cho cộng sản, chứ cộng sản
không tha do thực lòng họ. Như vậy sớm muộn, nó sẽ cố tìm cớ để bắt lại, hoặc
sẽ tạo điều kiện, bầy ra một hình thức khác, để bắt mình về tội hình sự. Có khi
còn làm mai một hết những năm tháng tù đày, về chống cộng sản của mình. Nghĩ
như thế, tôi quay lại tỏ ra bình thường nói chuyện, hơi một chút trầm trồ:
- Làm sao anh lại biết
đấy là đường dây của CIA? Họ là loại người nào? Họ đến với anh ra sao?
Anh Bưởi đã biết tôi,
không có cơ sở thì làm sao tôi tin, mắt anh liếc nhìn hai phía, rồi ngồi gần
lại tôi:
- Là một anh Xích-lô
bình thường, họ còn hỏi tôi: Cuộc sống có khó khăn lấm không? Có thể lần gặp
tới, họ sẽ cung cấp một hai cây vàng!
Tôi hỏi liền:
- Khi nào lần gặp kỳ
tới?
- Sáng thứ Tư này !
Vì có chủ trương nên
tôi hỏi rõ:
- Mấy giờ và ở đâu?
-10 giờ sáng ở bùng
binh, chợ Bến Thành!
Để biết rõ sự thật, và
cũng để một con mắt cho sự việc của anh Bưởi có an toàn không? Ngày mai tôi sẽ
ngoan ngoãn đi làm tổ mành trúc, chiều mai (Thứ Ba) sẽ báo cáo ông Bàng, tôi
xin đi khám bệnh nơi một ông lang trên Ngã Bẩy sáng thứ Tư, tôi sẽ đi làm buổi
chiều.
Hôm sau tôi dậy thật
sớm, từ 6 giờ, tôi đã có quán tính, nếu không làm thì thôi, nếu đã định làm thì
đừng tiếc công, dù có thiệt thòi hay mệt nhọc hơn, tôi chấp nhận. Để đạt những
điều mình muốn, để không than trách tiếc nuối bỏ lỡ công việc này do mình lười,
lỗi chính do mình.
Tôi tính anh Bưởi có
hẹn 10 giờ, có thể anh Bưởi từ nhà đi sớm từ 9 giờ, nhỡ đi việc khác nữa, anh
rời nhà ngay 8 giờ sáng thì sao? Vậy phòng hờ cao, là 7 giờ tôi đã có mặt ở
phía trước cửa nhà anh rồi.
Tôi đứng từ một chỗ xa,
cách cái cửa lán mộc nơi anh Bưởi đang ở hơn 100 mét. Trong một chỗ khuất nẻo
thuận tiện, để nếu anh Bưởi ra, tôi phải biết. Lấy một nắm cơm nếp đã từ hôm
kia cô Xuân mang biếu thầy mẹ, chưa ăn hết trong túi. Miệng nhai miếng cơm nếp
vừa cứng, vừa hơi có mùi, mắt nhìn lên bầu trời sớm mai của khu Đắc Lộ. Mãi
phía Tây, phía có dòng sông Sài Gòn, hơn một chục con hải âu, hay vịt trời cứ
vòng quanh chao đảo đuổi nhau, không hiểu chúng đùa vui, hay đang săn đuổi bắt
những côn trùng trong không khí?
Mặt trời còn chưa bò
dậy mà da trời đã như một cánh buồm xanh mát mắt, chỉ có ba cụm mây nhỏ trăng
trắng, cảm tưởng như một bà tiên vừa bưng một rổ bông gòn đi qua để vương vãi.
Nếu ở gần, tôi chẳng tiếc công, đến nhặt hết cho cái màu xanh dịu êm ấy, nó êm
dịu hơn.
Mãi 9:15 anh Bưởi, mới
xách chiếc xe đạp đàn ông (chắc mượn của anh chị chủ nhà) lò cò trong cổng đi
ra. Tôi giữ một khoảng cách, tùy theo trên dưới hàng trăm mét, trong dòng người
ngược xuôi mỗi lúc càng đông. Tôi không để mất ”con mồi” là anh Bưởi, và cũng
không để anh Bưởi biết là tôi đang theo anh. Bất chợt tâm tư của tôi lại trở về
với tháng Năm, tháng Sáu ở Thăng Long thành 1962. Tôi lại là ”con mồi” và
thường có năm cái đuôi của phản gián cộng sản đi theo. Khác nhau hoàn toàn về
ý nghĩa, bây giờ tôi lại đang dõi theo một đồng chí, một người bạn của tôi.
Điệp viên về vườn, theo dõi một điệp viên hết thời. Vì muốn biết sự thật và
cảnh giác cho bạn mình, cũng là cho mình. Từ hè của một ngôi nhà có cửa vòm
phía gần rạp ciné Lê Lợi ngày xưa, tôi nhìn ra anh Bưởi đang ngồi một mình hút
thuốc, trên chiếc ghế ciment ở công viên Quách Thị Trang. Từ 10 giờ kém 10,
tinh thần tôi căng thẳng hơn vì điều tiết của mắt. Cả một hiện trường rộng với
đầy người, xe cộ qua lại. Không những để ý người sẽ đến với anh Bưởi, mà còn
phía sau và chung quanh người đó, từ những hiện tượng, thái độ để mình thẩm
định.
Hai mươi phút sau, tức
10 giờ 10, một anh xích – lô, gác xe ở chỗ quán nước phía bên kia bùng binh,
anh ta đội chiếc mũ vải tai bèo như nhiều xích – lô khác, che sụp gần kín mắt,
thái độ quan sát của anh ta, tôi nghi có thể là đối tượng. Quả như rằng, anh ta
vượt những dòng xe để tiến sang bùng binh, mà anh Bưởi vẫn chưa thấy, nhưng anh
ta đã nhận thấy anh Bưởi rồi.
Khi anh Bưởi đã nhận
ra, anh ta ra hiệu tay để anh Bưởi theo, thái độ anh này rất tháo vát, nhanh
nhẹn. Chừng 35, 36 tuổi, mặc chiếc quần short mầu vàng nhạt đã tã. Chiếc áo màu
cứt ngựa, rách cụt cả hai tay. Họ đã theo nhau trở về đường Cách Mạng Tháng
Tám, vào một quán nước chéo vườn Tao Đàn.
Nửa giờ sau hai người
ra hè phố còn bắt tay nhau, một người ra xe đạp, một người đến xích lô và đi về
hai ngả khác nhau. Người tôi cần biết là tên xích lô này sẽ đi về đâu, làm gì?
Trước khi y rẽ về đường Võ Tành, y còn ngoái lại nhìn về phía sau, sợ có anh
Bưởi theo.
Y lách vào mấy phố vắng
rồi trở ra đại lộ Trần Hưng Đạo. Điều làm tôi càng đặt vấn đề, khi y đạp xe qua
nhà thờ Huyện Sĩ có một bà dẫn tay một đứa nhỏ năm, sáu tuổi vẫy xích – lô, y
đã xua tay từ chối. Cuối cùng, y đã đến một ngôi nhà sang trọng, ngay phía trái
trước thành CA, nơi hơn ba tuần trước tôi phải đến trình diện, y lái tuột xích
– lô vào trong sân. Tôi chờ đến 11:30 không thấy y ra, tôi phải về cơm nước và
chuẩn bị đi làm chiều.
Trên đường về nhà, tôi
chưa thể có một kết luận rõ ràng, phải sau giờ làm chiều lên nhà anh Bưởi gặp
anh đã, nhưng tôi cũng hơi phân định được chiều hướng. Khả năng hãn hữu, nếu
không nói là không có cái kiểu CIA lại đặt nơi liên lạc ở trước Thành công an
của cộng sản. Kể cả phương châm: nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất. Vậy
chỉ có thể của cộng sản mới hợp tình, hợp lý.
Chiều hôm đó, tôi gặp
lại anh Bưởi, tôi muốn đến anh trước rồi về trình diện sau. Anh Bưởi đang hì
hục hót đống mùn cưa (cưa máy) trong lán mộc. Tôi cũng loay hoay làm với anh để
nói chuyện. Tinh thần thái độ anh Bưởi tỏ ra phấn chấn rõ rệt. Tôi hỏi anh đã
gặp người xích lô lần trước hẹn chưa? v.v. . . Anh Bưởi tươi tỉnh trả lời là họ
còn xem cả giấy ra trại nữa và tôi cũng đã nói sơ, gợi ý về Bình. Họ nói còn
phải xin ý kiến, và dặn tuyệt đối không được mở rộng thêm. Tôi hỏi anh Bưởi một
vài việc, cho sáng tỏ thêm như: Gặp họ có lâu không? Họ có mời ăn uống gì
không? Phương cách đi như thế nào? và vào khoảng bao giờ? Còn chuyện cây vàng
thì sao?
Tất cả anh Bưởi chỉ
được biết lờ mờ, thường lấy chữ ” bí mật”, chờ, để trả lời nhiều vấn đề v.v. .
. Tôi đã ngửi thấy cái hơi ngược hay xuôi rồi. Trước khi tôi có ý kiến, tôi vẫn
hỏi để biết về sự tinh tế, của anh Bưởi:
- Anh Bưởi ơi: có lúc
nào anh nghĩ đây là một đường dây của cộng sản? Và có khi nào anh thử lại
chưa? Như thử một cái máy, xem còn tốt hay hư rồi ấy mà !
Anh Bưởi đã trả lời tôi
một cách tin tưởng:
- Họ tư cách, đúng mực
lắm !
Không do dự, tôi nói
luôn, còn về. Gần đến giờ trình diện và còn sinh hoạt cá nhân:
- Bây giờ anh hãy nghe
tôi, anh hãy tìm cách từ chối không giao thiệp nữa. Phần tôi, tôi nói rõ ràng,
tôi sống đến bây giờ là vì bố mẹ tôi, bởi vậy tôi chẳng ra đi, khi bố mẹ tôi
chưa “mãn phần “.
Thấy anh Bưởi mở to mắt
nhìn tôi như không hiểu, tôi cầm tay anh Bưởi bóp nhẹ nói:
- Chiều nay sáu bẩy giờ
tối, đến tôi. Rất cần đấy!
Từ lâu, anh Bưởi đã
hiểu tôi, khi tôi nói như vậy là có việc cần nói thật.
Vội vàng đạp xe về tới
nhà, tôi khẽ mở khóa vào nhà mà, thầy mẹ tôi không biết. Thầy tôi hôm nay chưa
ăn cơm, và từ trong màn người cứ rên, nghe não ruột. Mẹ tôi đang lần mò ra chỗ
ấm tích, tay sờ miệng chén để rót nước. Tôi cứ đứng yên theo dõi, một tay mẹ
tôi cầm một viên thuốc, một tay cầm chén nước, chân chậm chạp tiến về phía
giường thầy tôi. Nhưng người không có tay sờ, nên lại đi ra phía cửa để rồi xô
vào chiếc xe đạp tôi dựng sát cửa sổ, rơi cả thuốc, đổ cả chén nước, tôi không
nhanh tay đỡ ôm lấy người thì người đã ngã xuống nền nhà.
Mắt tôi lại mờ đi, ôm
mẹ mà lòng tôi như quắt lại, vặn vò xót xa. Miệng tôi gọi mẹ chỉ còn thều thào.
Tôi đỡ mẹ tôi đến giường thầy tôi, thầy tôi kêu đau bụng từ chiều, mẹ tôi đã mò
mẫm kiếm được viên thuốc, rồi rót nước cố đưa đến cho thầy tôi. Cầm tay thầy,
tôi còn hổn hển:
- Thầy đau ở đâu?
Thầy tôi không nói, mà
chỉ run rẩy chỉ tay xuống bụng, tôi chỉ biết cho người uống thuốc, rồi xoa bụng
cho người. Tôi vo gạo, gầy nồi cơm, nhìn trong chạn chỉ còn hai miếng đậu rán,
lúc trưa còn lại, trong khi chờ cơm chín, tôi tranh thủ cầm sổ chạy sang cô CA
Mỹ Lệ ở xóm trong.
Đi qua nhà bà Lân phía cuối nhà thờ, nhìn trên cái sạp bán
những thứ lặt vặt của bà, một hũ cà ghém nén trắng phau, quyến rũ tôi đã từ
lâu. Trình diện xong trở về phen này quyết tâm mua một đồng cà, để cho đời lên
hương và thỏa lòng thèm muốn của mình. Cứ nghĩ đến câu: Canh đay, chan đẵm… Quả cà cắn
ngang là nước miếng
của tôi đã rỉ ra cuống họng rồi. Lần trước em Thu đã đút vào túi tôi mười đồng,
hôm nay còn ba đồng trong túi, nên khi trở về tôi đã thực hiện được cái hạnh
phúc đó. Tuy chưa tròn, chưa có canh rau đay, điều này phải chờ khi nào em Xuân
hay em Thu, vì tôi chưa biết nấu, nhưng từ quan điểm:Hãy thích những cái gì mình đang có, lòng tôi vẫn thấy
xởi lởi mang gói cà về.
Thầy tôi chắc đã đỡ
đau, nằm im, mẹ tôi đã về giường, tôi trang trọng nhè nhẹ chuẩn bị một bữa cơm
thịnh soạn, để cùng hưởng với thầy mẹ tôi.
Khi cơm đã đầy đủ trên
chiếc bàn con góc nhà, tôi vào đỡ thầy tôi ngồi dậy, và dẫn thầy tôi xuống bếp
đi tiểu với lời khích lệ:
- Hôm nay con thổi cơm
rất dẻo, vì thầy đau bụng!
Tôi đã đỡ mẹ tôi ra
ngồi một ghế, mẹ tôi hãy còn tinh tế thật! Tôi chưa nói gì thế mà cụ chỉ ngồi
một tí đã hỏi:
- Tao ngửi thấy mùi cà
ghém nén phải không?
Tôi đã vồ lấy hai tay
cụ, trầm trồ:
- Mẹ của con giỏi lắm!
Con vừa mua cà ở hiệu bà Lân.
Mâm cơm chỉ có đĩa đậu
(hai miếng nhỏ) và một bát cà ghém nén, một bát con mắm tôm (không có chanh).
Tôi đã có chủ định: hai miếng đậu để dành cho song thân, mỗi người một. Tôi đã
có cà và thêm thắt chút mắm tôm.
Nghiệm ra rằng cứ hình
dung, như những ngày còn ngồi trong xà- lim ở Hỏa Lò, hạnh phúc cuộc đời lại ùa
về tràn ấp lòng tôi. Ngày ấy làm gì có cà ghém mắm tôm, làm gì có bát cơm đầy,
và làm gì được ngồi với đấng sinh thành?
Tôi xin cảm tạ Chúa,
cảm tạ cuộc đời thật nhiều, đã ban cho tôi niềm hạnh phúc này. Nhìn ba bát cơm
còn khói bay lên, nhìn thầy tôi nhìn mẹ tôi, rồi tôi nhìn lên bàn thờ Chúa. Đức
Mẹ Maria giang tay, nhìn gia đình tôi bằng đôi mắt bao la dịu hiền. Mẹ tôi làm
dấu nguyện kinh theo thủ tục tôn giáo, tôi làm theo thủ tục gia đình là mời
thầy, mời mẹ xơi cơm. Tôi đã gắp hai miếng đậu vào bát hai người, riêng mẹ tôi
có thêm một quả cà .
Nhìn đôi mắt của mẹ tôi
lòa hõm vào, nhưng khi người cắn quả cà, tôi cảm thấy nét hân hoan của mẹ tôi.
Tôi phải xuống bếp lấy chiếc quạt nan, khi nãy nấu cơm tôi đã mang xuống, bây
giờ nhìn mồ hôi đã lấm tấm trên mặt mẹ tôi, tôi phải quạt cho người.
Khi trở lại bát cơm của
tôi lại có hai miếng đậu, tôi không muốn, mà nước mắt tôi cứ tràn ra, làm sao
tôi ăn được hai miếng đậu này. Tôi gắp lại bát thầy mẹ, mà tay tôi còn run rẩy
vì tấm lòng thương con, lồng lộng như đại dương của các người (bây giờ ngồi
viết lại mấy dòng này mắt tôi lại mờ đi).
25. LOẠI NGƯỜI BỆNH TÂM THẦN
Trong khi dọn dẹp, rửa chén bát, tôi chợt nhớ cái hẹn sáng
mai thứ Bẩy với Hoàng Ngọc Quang. Tôi xin phép sơ lược về Quang:
Khi được ra khỏi tù về
Nam, tôi có mang lén giúp mấy cái thư gửi cho gia đình, của mấy anh BK còn ở
lại. Trong đó có một thư của anh Hoàng Ngọc Chính (anh là tu xuất), anh ở trong
toán Remus. Ra Bắc ngày 20-1-1965, địa bàn hoạt động tại Điện Biên, Lai Châu.
Toán của anh gồm có bốn người:
1. Hoàng Ngọc Chính,
Toán trưởng. Được về, năm 1984 vượt biên, mất tích. Cho tới nay (12/04), vẫn
chưa có tin.
2. Nguyễn Văn Hiếu, đã
đến Mỹ.
3. Nguyễn Văn Lực, Toán
phó. Hiện ở Australia, Melboume
4. Trần Quang Toản,
chết ở Atlanta. 4/1997, Ung thư phổi.
Lá thư của anh gửi cho
người anh ruột ở khu Sơn Tây (sau bưu điện Chí Hòa). Tôi đã đến khu Sơn Tây,
nhà của anh Thăng trong một khu xóm giữa những ruộng rau muống xanh tươi, phía
sau đường Bắc Hải, Ông Tạ.
Đương nhiên nhà anh
Thăng đều sinh sống bằng nghề trồng rau xanh, chung quanh nhà thờ Sơn Tây. Anh
Thăng có mấy con trai, con gái, trong đó có người con trai là Hoàng Ngọc Quang.
Quang khi ấy khoảng 26 – 27 tuổi đã tốt nghiệp Cử nhân Sư Phạm năm 1977. Vì tốt
nghiệp ở chế độ mới nên Quang học tiếp, khi tôi gặp Quang đã là phó tiến sĩ
(Master) đang là giảng viên phụ của một trường đại học bên Chợ Lớn.
Quang là cháu của Hoàng
Ngọc Chính thì vai vế phải gọi tôi là chú. Phần vì tôi không vợ con, phần khác
vì kiến thức và vì muốn tình thân tươi trẻ nên Quang và tôi đã coi nhau như anh
em. Do hợp tính nên Quang và tôi thường đi chơi với nhau. Quang cũng đã sang
nhà tôi nhiều lần, những ngày nghỉ hay những ngày cuối tuần, tôi và Quang hay
lang thang đây đó bằng hai chiếc xe đạp, tuổi đời của chúng như nhau.
Tôi mến và quý Quang là
một thanh niên có cái nhẫn nại và thông minh khác thường. Có những lần tôi và
Quang đi trên đường Thống Nhất, gặp một đám thanh niên nam nữ 20 đến 25 tuổi,
chúng đều cúi đầu lễ phép chào Quang và tôi, đó là những đám sinh viên mà Quang
đã dậy. Trông thầy và trò lẫn lộn với nhau.
Quang mến và quý tôi là
một người không may ở tù cộng sản khá lâu mất hết cái tuổi hoa mộng đẹp nhất
của một đời người, như chú của Quang. Mấy hôm trước Quang sang tôi chơi, Quang
nhìn cái sân con con ở bếp, gạch tung lên từng mảng.
Nhà bố mẹ tôi có người
đàn ông nào, hay có ai đâu để trông nom. Tôi và Quang đều đồng ý ngày thứ Bẩy
này, sẽ sửa sang lại cái sân 2×3 mét. Một bể nước mưa đã chiếm 2 mét vuông rồi,
chỉ còn cái sân 4 mét vuông mà thôi.
Sáng thứ Bẩy, Quang
sang sớm, tôi đã chuẩn bị vôi gạch, dụng cụ v.v. . . từ hôm qua. Tôi không hề
biết về thợ nề, nhưng dưới chế độ ưu việt XHCN, cái chuyện “không có trâu, bắt
nghé đi cầy” , là chuyện thường tình. Hai anh em hì hục, lóng ngóng thao tác,
cũng phải hoàn thành cái sân. Có một chuyện tôi không thể không nói: Trong khi
tôi đang ngọ ngoạy lát gạch, cái vòi nước máy ở góc bể nước, cứ nhỏ giọt. Tôi
quay lại Quang, đưa cái kìm con và chỉ vòi nước:
- Em cầm kìm này, vặn
chặt lại cho anh, để nó khỏi ướt sân!
Quang vội vàng nhận cái
kìm từ tay tôi. Tôi làm một lúc lâu, quay lại, nước vẫn nhỏ giọt như cũ. Quang
cầm cái kìm cứ xoay ngược rồi xuôi, mở ra lại đóng vào, tay chân của Quang lóng
nga, lóng ngóng làm tôi ngạc nhiên. Tôi phải đỡ cho Quang, vì thấy Quang tỏ ra
khổ tâm quá, không làm được một việc nhỏ, như vậy.
Về lãnh vực học hành
Quang là người thông minh ít ai bằng. Như thế đã cho tôi càng hiểu rõ: Không
được coi thường bất cứ ai! Ngược lại cũng không quá trọng phục với bất cứ người
nào. Mỗi người đều có ưu và khuyết, chỉ có mức độ ưu khuyết nhiều ít khác nhau,
và loại ưu khuyết gì? Một ông Thạc sĩ, một nhà Bác học, thậm chí cả một nhà
thông thái mà người đời thường ca tụng, họ cũng có nhiều khuyết điểm, nếu không
nhìn thấy là vì chúng ta chưa tìm hiểu kỹ, hoặc không có điều kiện để chúng ta
nhìn thấy mà thôi. Như thế cũng rõ ràng ngược lại, dù là một bác dân cày, một
người thợ mỏ ở dưới hầm sâu, một người đạp xe xích – lô, một người nông dân ở
nông thôn hay rừng núi, họ đều có những hiểu biết đặc biệt, nếu chúng ta chưa
thấy thì cũng như trên của các nhà thông thái. Chúng ta chưa tìm hiểu kỹ, chưa
có điều kiện để nhìn, để chứng kiến mà thôi.
Tóm lại: Tôi không dám
coi thường bất cứ một ai, trừ nhân cách. Có những sự việc họ chậm hiểu thôi,
nhưng rồi họ sẽ hiểu. Nói cách khác: Nếu ai nham hiểm, thủ đoạn, lừa lọc, miệng
và lòng khác nhau, sớm muộn, chung quanh người ta sẽ biết. Ai hiền lành, không
có ý hại ai, chân thật, có thể do những thế lực, do bè phái bị che đi, bị oan
khuất nhưng rồi mọi người đều nhìn rõ bản chất sự việc, và con người.
Viết đến đây tôi lại chợt
nhớ đến thuyết ”tương đối” của Albert Einstein. Thành ra, người này có hiểu
biết hơn người kia là do hoàn cảnh, và điều kiện. Tôi lại chợt thót người lại,
do hoàn cảnh và điều kiện nên hiểu biết hơn nhau. Có nghĩa người này hơn người
kia rồi còn gì nữa? Như vậy, tôi lý luận loanh quanh, rồi tôi lại trở về điểm
khởi đầu!
(Tôi hiểu thuyết Tương
Đối của Albert Einstein là về vật lý, chuyển động của không gian 3 chiều, 4
chiều. Tôi thấy cũng có ý nghĩa trong xã hội và tư tướng của con người, cũng
như thuyết Trung Dung của Đức Không Tử).
Thật nguy hiểm? Trong
đời sống của chúng ta, hẳn mỗi người đã thấy, đã gặp một hay vài người. Do hoàn
cảnh và điều kiện họ có nhiều hiểu biết về nhiều lãnh vực, chuyện ngược, chuyện
xuôi, chuyện ngang, chuyện dọc. Nếu họ không có ý chí chế ngự mạnh, không có
một đạo đức tâm linh, trong một lúc nào đó, chừng mực nào đó, những sự hiểu
biết ấy, đã làm cho đầu óc người ấy quay cuồng, sùng sục trở thành bịnh tâm
thần, hay khùng điên.
Nếu họ có quyền thế, họ
sẽ làm ra những chuyện hàng trăm, hàng triệu người chết như: Tần Thủy Hoàng,
Staline, Hitler, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh và hiện nay là Kim Chính Nhật v.v.
. . Giống như trong chuyện võ hiệp (của ông Kim Dung), cá biệt một vài cao thủ,
họ thiếu điều hành bởi tâm linh, đạo đức nên những bí kíp cao siêu, kỵ nhau,
hóa giải nhau rồi anh chàng cao thủ đó bị ” tẩu hỏa nhập ma “.
Không được! Phải có sự
nhiệm mầu, kỳ diệu trong cuộc đời ! Nghĩa là có một đấng tối cao như tạo hóa,
điều hành mọi sự việc, tùy theo không gian, thời gian, dân tộc. Con người đẻ ra
văn hóa, quan điểm khác nhau, nên có tôn giáo này, tôn giáo kia, chứ chỉ có một
đấng uy quyền tối cao duy nhất. Như thế xã hội loài người bây giờ, và sau này
mới yên lành, mới bớt loại khùng điên, tẩu hỏa nhập ma.
Đi làm cho tổ mành trúc,
tuần thứ hai lại khất không trả lương, nên tôi chỉ làm vừa phải phất phơ. Đến
nay đã gần hai tháng, mà vẫn không có gạo, cũng không có tiền. Hôm nay sửa chữa
cái sân sau, cho mình, tôi mới làm cật lực. Bốn giờ chiều đã hoàn thành theo
yêu cầu của chính chúng tôi, để rồi thầy tôi ra nhìn. Người đã nói một câu, quá
kỳ lạ và đặc biệt đối với tôi:
- Con của thầy giỏi
nhỉ!
Trí nhớ của thầy tôi đã
lẫn lộn, nhưng người vẫn không quên hút thuốc lào, mỗi ngày ba điếu. Hôm nay,
thầy tôi nhìn cái sân, người lại nói thế! Đó là một phần thưởng vô giá với tôi,
như một hành trang thiêng liêng (thầy tôi đã mất) tôi sẽ mang theo trọn đời.
Khi tôi đi trình diện
về, nhà tôi lại có khách, bà này đang ngồi nói chuyện với mẹ tôi , dáng mặt tôi
đã nhìn thấy hai ba lần. Mẹ tôi bảo:
- Hôm con mới về, chính
bà Chức này đi xe đạp sang gọi con Xuân đấy!
Tôi đã nói lên sự biết
ơn của tôi:
- Bố mẹ của tôi, mù lòa
già yếu, nhà lại neo người, chỉ biết nhờ xóm giềng, tôi xin biết ơn bà !
Bà Chức đôn hậu, hiền
lành, bà gọi thầy mẹ tôi là hai cụ. Gia đình của bà, ở ngay phía sau nhà tôi,
chỉ cách có một cái giếng.
Thằng Lợi đã hẹn từ một
tuần trước, ngày mai chủ nhật tôi sẽ lên nhà của Lợi. Thằng Lợi đã cho tôi một
tin bất ngờ, một nguồn hy vọng, từ khi về tôi chưa dám nghĩ tới. Nó đã bỏ tiền
để chung với một người, bên cầu chữ Y để đóng hay mua, một chiếc thuyền vượt
biên. Tính thằng Lợi tôi đã biết, nó đã chuẩn bị hàng tháng, hôm nay mới cho
tôi biết . Nó đã nói rõ:
Trước đây nó không hoặc
chưa nghĩ tới ra đi vì nhiều lý do, chính nó đã nói, nó ở lại để chơi với tụi
này (cộng sản) về kinh tế. Nhưng tôi đã trở về, nói cho nó nhiều chuyện về
cộng sản. Những thủ đoạn sắt máu, lật lọng, nham hiểm của cộng sản từ ngày
thành lập Đảng (3 – 2 – 1930) diễn tiến cho tới ngày nay. Tôi cũng nhấn mạnh:
Tuy tao biết khả năng của mày, nhưng mày chơi với chúng về kinh tế, mà mày vẫn
nằm trong sự kiềm tỏa của chúng thì rồi sớm muộn, cuối cùng mày sẽ thua.
Không những mất hết, mà
còn nguy hiểm đến cả tính mạng nữa. Tôi đã đưa ra những dẫn chứng bằng người
thực, việc thực từ thời Pháp, Nhật, chính phủ liên hiệp, Quốc gia, ngoài Bắc
trong Nam v.v. . . Nó đã phải suy ngẫm và chắc nó đã chuyển đổi chủ trương, nên
mới có quyết định ra đi .
Theo như kế hoạch dự
trù của nó, chuyến đi sẽ vào khoảng đầu 1981. Vì tôi không có tiền, hơn nữa tôi
mới ra tù, tôi có biết gì về Sài Gòn đâu? Cho nên tất cả mọi vấn đề đều mặc cho
Lợi lo toan, tính toán. Tôi cũng chẳng có thời gian để đi tìm hiểu đây đó, vì
phải đi làm mành trúc và trình diện CA hàng ngày.
Buổi chiều, từ trên
thằng Lợi về tới nhà, thoáng trong nhà qua cửa sổ thấy một cậu bé 15- 16 tuổi
đang loay hoay ở dưới bếp với mẹ tôi. Vào tới cửa, nghe thầy tôi nói ngắt
quãng:
- Thằng…… Khanh!
Thằng……. Khanh!
Tôi chả hiểu thằng
Khanh nào, thì cậu nhỏ từ bếp đi lên, nó và tôi đều nhìn nhau trân trân, tôi
hỏi ngập ngừng:
- Cháu là ai?
Nó chạy đến ôm chầm lấy
tôi, miệng mếu máo:
- Bác Bình phải không?
Bố mẹ cháu là Lý ạ !
Tôi chợt hiểu, càng ôm
chặt rồi bế bổng, cháu Khanh lên! Miệng líu ríu:
- Cháu lên bao giờ?
Mẹ tôi cũng đang lò dò
từ dưới bếp đi lên nhà. Sự việc sơ lược về người em trai duy nhất của tôi là…
Công Lý: Vào khoảng cuối 1963, em tôi theo chúng bạn gia nhập binh chủng Thiên
Thần Mũ Đỏ. Là một trung sĩ đã chiến đấu tung hoành ở nhiều vùng chiến thuật,
để rồi cuối 1964 lấy vợ. Cuộc sống và di chuyển thế nào tới hội nghị Paris, em
tôi đã mang cả gia đình về sống ở Hồng Ngự, thuộc tỉnh Đồng Tháp, tới cuối
1976, chăm chỉ làm nông nghiệp ở địa phương.
Hai vợ chồng đã có sáu
mặt con, thằng Khanh là đứa con trai cả, năm nay đã 16 tuổi. Vào một đêm rằm
trăng sáng, em Lý của tôi vẫn ngủ trong một căn nhà lá nhỏ, ở giữa cánh đồng để
coi ruộng lúa. Em bị một tên trung đội trưởng du kích xã Tam Nông, bắn vỡ bọng
đái chết khi đang ngủ. Do tư thù từ trước, bây giờ thời thế có súng trong tay,
nên y đã hạ thủ, để trả thù.
Tôi ngồi nghe mẹ tôi và
cháu Khanh thay nhau tường thuật lại người tôi cứ lịm dần, nhưng ngực của tôi
nóng như có lửa đốt. Dựa lưng ghế, mặt tôi ngửa lên nhìn trần nhà, nhưng chả
nhìn thấy cái gì, óc của tôi thì căng ra xoay lộn: Thằng Khanh khi ấy 12 tuổi,
mẹ tôi đôi mắt đã lòa ngồi một chỗ, sự việc rất lơ mơ, chưa có gì rõ ràng cụ
thể. Tôi sẽ thăm dò lại cô Xuân, cô hu và chính tôi sẽ lên Hồng Ngự, gặp vợ chú
Lý với đàn cháu nhỏ, và phải thăm mộ người em trai duy nhất của tôi, (dù em tôi
đã nằm yên ở trong mồ). Tôi được biết khái niệm, tên sát thủ đó chỉ bị bắt vài
tháng, và hiện vẫn ngông nghênh sống ở địa phương, với nhiều thế lực.
26. THĂM MỘ EM TRAI
Tôi hiểu sự việc này giải quyết phải có “điểm ” và có “thời
“, điểm “nút” lại chính ở nơi tôi. Tôi đang ở cái thế “trên đe, dưới búa” cả
ngày lẫn đêm, vậy hãy “nuốt sâu” vùi lấp nó lại.
Trước mắt hãy đến mộ
thăm em tôi một lần, không phải là không có nguy hiểm, nếu tôi không dự trù ứng
đối chuẩn bị trước. Tôi chỉ có ngày thứ Bẩy và Chủ Nhật cuối tuần. Tôi viết tờ
giấy báo cáo cho phường và CA khu vực: Thăm các cháu, thăm mộ người em, thăm bà
chị con ông bác ruột v.v . . . Đi sáng thứ Bẩy, Chủ Nhật trở về.
Ông Trung úy Mậu ngoài
phường chấp nhận, nhưng CA khu vực lại không đồng ý, vì thứ Bẩy đó tôi phải đi
hót rác, dọn dẹp chung quanh khu vực chợ Nam Hòa. Cách một thứ Bẩy, phải đi lao
động buổi sáng, do Mỹ Lệ đứng điều hành.
Tôi đã đề nghị, sẽ đi
lao động vào thứ Bẩy tới, nét mặt cô “Ả” , cứ câng câng, lắc đầu không đồng ý !
Nhìn quả “cà ghém luộc” , lòng tôi hơi tiêng tiếc cái hôm ” ả ” mò lên căn gác
vắng, của tôi! Tôi cứ đi, đâu có ” ngán ” gì, khi tôi đã có phường chấp thuận.
Xe đò đi Long Xuyên,
Hồng Ngự chật như nêm cối. Đất nước tôi từ Bắc chí Nam đều khốn khổ như nhau.
Từ xưa, trên sách báo tôi đã nghe, đã đọc về vựa lúa của đồng bằng sông Cửu
Long. Đến nay, cái đồng bằng đó, đang ở ngay trước mặt tôi. Nó rộng và bằng
phẳng đến nỗi đứng ở bên đường, tôi có thể nhìn thấy trái đất tròn.
Tôi hơi ngạc nhiên,
nhìn trải dài ra cánh đồng ruộng lúa chín vàng, những làn sóng từng hàng lần
lượt đuổi nhau nhấp nhô như sóng biển ngoài khơi, chỉ có khác là mầu xanh (của
nước) và mầu vàng (của lúa). Trên chiếc xe chật, mùi “mồ hôi ” lẫn vào mùi lúa
chín, thành một cái mùi riêng biệt của Đồng Tháp. Để rồi sau này ở xứ Cờ Hoa,
tôi ngửi thoáng thấy mùi giò lụa, tôi lại nhớ đến Đồng Tháp Mười ngày ấy.
Cả một cái vung khổng
lồ mầu xanh lam của bầu trời, úp chụp lấy mầu vàng óng của lúa chín. Xa xa dưới
chân, riềm là một vạch ngang, mầu xám xám của nhà cửa, cây cối. Ngoài miền Bắc,
tôi chưa hề nhìn thấy cảnh này, cái vựa lúa vĩ đại của quê hương yêu dấu đã quấn,
hằn vào tâm tường. Thật là lạ kỳ ! Sau này, khi tôi được may mắn chiêm ngưỡng
bức tranh “Đất, Trời” của Van Gogh, trong bảo tàng viện thành Trier, dịp tôi
đến thăm nhà lưu niệm của Karl Marx, bên Tây Đức 1992, hồn tôi lại trở về vựa
lúa vĩ đại của dân tộc.
Xe chỉ đến Long Xuyên,
từ Long Xuyên về Hồng Ngự phải đi bằng xe lôi, trên con đường huyện lồi lõm do
phục vụ cuộc chiến lâu dài, đào xới, phá đường, chôn mìn v.v. .. Để rồi nắng
mưa đã góp phần, làm cho con đường giờ đây như một cánh tay gầy, đầy ghẻ lở,
hắc lào. Chiếc xe lôi nhún nhẩy lắc lư như lên đồng. Nét mặt bác tài xế hằn
những vết nhăn trên trán, và quấn quanh miệng, môi bác mím lại, mỗi khi chiếc
xe giằn xuống một ổ gà, như nói lên sự an phận, chịu đựng thân phận một người
công dân của một chế độ “vì dân và do dân”.
Ngôi nhà sàn thương yêu
của em tôi, một nửa ghé ra mặt đường, một nửa nằm gác lên con sông Hồng Ngự đầy
mầu mỡ phù sa. Con sông thật là rộng, nhìn sang phía bên kia bờ lau sậy, xa
hàng hai ba trăm mét, thỉnh thoảng có những chiếc tàu nhỏ, hay ca- nô xì khói
chạy ngược dòng vào phía trong hay ra phía ngoài. Nhìn thím Lý chừng 35-40 tuổi
nhẫn nhục, ngồi võng đút cơm cho đứa con gái chừng bốn năm tuổi, nhìn ba bốn
đứa con trai trần truồng đang nô đùa trên mặt sàn, nhìn căn nhà nửa gỗ, nửa
tre, lợp tôn nó đã ôm ấp người em trai độc nhất của tôi bao nhiêu tháng ngày.
Bây giờ nó vẫn trân quý nâng niu, những giọt máu còn để lại cho đời của đứa em.
Tiếng nhóp nhép của sóng nước phía dưới sàn vẳng lên, tiếng ò e cọt kẹt của
những rui mè trên mái như tiếng nỉ non thầm thì, của người em bạc mệnh:
- Anh ơi! Hãy thương
đàn con của em!
Tôi quay ngoắt lại gọi
tất cả các cháu lại cho tôi ôm từng đứa, và hỏi từng tên:
Hoài Khanh 16 tuổi, đã
về Sài Gòn thăm ông bà nội và đón tôi, Chí Trung 12 tuổi, Chí Tuấn 1 tuổi, Chí
Dũng 10 tuổi, Chí Bảo 8 tuổi, và cháu Hồng Trang 5 tuổi.
Như thế gồm 6 đứa, năm trai và một gái. Trừ thằng Khanh con
cả, bốn đứa con trai sau đều lấy đệm là “Chí “. Kết hợp với tấm hình của tôi
1959 thấy trong cuốn album của chú Lý. Tấm hình tôi mặc sơ- mi trắng ngấn tay,
chụp ở giai đoạn trong trại học sinh di cư Pavie Lamothe Phú Thọ. Lật phía sau
tấm hình nét chữ riêng biệt của em Lý còn ghi: “Đặng Chí Bình. Người anh đáng
kính của mình!”.Tôi không thể hiểu lời ghi chú trên của em tôi trong
tình huống nào, vào giai đoạn nào. Vì ý nghĩa ấy, tôi đã lấy và in tấm hình đó
ở tập I Thép Đen.
Từ tấm hình của tôi,
đến lấy đệm “Chí ” của tôi đặt cho các con của chú, đã như một dấu ấn trong
lòng tôi. Trừ thằng Khanh, bác cháu đã có nhiều chuyện ở trên đường, tôi lục
túi cho mỗi đứa một đồng, mua kẹo, bánh theo ý của mỗi đứa. Tôi cũng nói rõ với
các cháu, tôi đi làm ba tháng nay không có gạo và cũng không tiền, tôi cũng xin
lỗi các cháu, tôi xin lỗi cả thím Lý, đời các cháu lầm than nheo nhóc có phần
của tôi góp vào.
Thím Lý nói một câu vẫn
còn buộc túm trong lòng tôi:
- Nếu anh Lý biết anh còn sống trong tù ngoài Bắc, thì anh
Lý đã ra Bắc rồi! Nếu anh Lý ra Bắc 1976 thì anh ấy lại không…” nói đến đây
thím Lý nấc lên, không nói ra lời nữa. Lại chữ “nếu cái chữ mà một văn hào
người Pháp đã dùng nó một cách điển hình nhất: Chữ “nếu”có thể đút cả thành
phố Paris vào một cái chai nhỏ (Avec
un “si”, on mettrait Paris en bouteille).
Lúc đó đã ba giờ chiều,
trời tối sầm lại rồi chuyển gió lộng, con sông Hồng Ngự cũng bị đất trời làm nó
ngứa ngáy dộp hết cả người. Người nó như khúc mình con rồng giương hết cả vẩy
lên. Do hoàn cảnh và điều kiện, thằng Khanh sáng mai phải lên thị trấn Hồng
Ngự, nó đang làm thuê cho một ông chủ “đít mới đỏ” do nhuộm sau 30-4-1975, nó
đã xin nghỉ một tuần về Sài Gòn. Tôi, sáng mai cũng phải về lại Sài Gòn trình
diện với CA khu vực Hôm nay đã “cương ẩu” với cô nàng mặt “quả cà ghém luộc”
rồi. Vậy, dù cho có mưa gió bão bùng, bằng mọi giá, hôm nay phải ra đồng gặp
người em của tôi. Tôi, thằng Khanh, Trung, ba bác cháu chạy đến một cửa hàng
bách hóa mua nhang và nến. Trên đường, qua các cháu, tôi được biết tên “sát
thủ” ở một xóm phía bên kia cũng, có một vợ và hai con. Tôi đã quan sát, qua
những tình huống sinh hoạt, của dân trong vùng.
Tôi đã đưa giấy chấp
nhận của Phường 6 cho tôi lên Hồng Ngự cho công an địa phương để ngủ lại đêm
nay. Chính tôi luôn có một con mắt “cảnh giác”, dù rằng tôi không có một chủ
trương gì cả, nhưng chữ “ngờ” thì đã ai học được?
Trời có thể mưa to, hơn
nữa thím Lý ở nhà với cháu Hồng Trang, nấu cơm. Tôi và tất cả năm đứa cháu trai
lách lau sậy tiến về một nghĩa địa cách nhà gần hai cây số, cỏ dại mọc um tùm
che khuất cả ngôi mộ. Tất cả sáu bác cháu cùng dọn sạch. Một con dao quắm tôi
vùng vẫy, một ý nghĩ chợt đến tên “du kích” thật hèn! Hạ thủ một người đang
ngủ, y sống kiếp của con rùa, con thỏ lén lút không những sợ ngay cái bóng của
mình mà còn sợ cả ánh sáng. Là rùa, là thỏ mà có thời vẫn áo mũ nghênh ngang,
xe mã; ngược lại tướng mà hết thời, thì cũng chỉ mòn mỏi chết dần.
Mùi cỏ dại bị phát, bị
nhổ hăng lên trong gió, nó nồng nồng, hăng hăng, cái mùi chất phác, mộc mạc của
máu xương tiền nhân quyện vào trong đất.
Một làn chớp nháng lên
xanh lè cả nghĩa địa, rồi những tiếng ùng ục… ùng ục phía chân trời.
Những đám mây đen vần vũ trên bầu trời sũng những nước, mấy đứa nhỏ lấm lét
nhìn lên trời sợ mưa ở giữa cánh đồng, tôi muốn nói với thằng Khanh, Trung,
Tuấn mấy đứa lớn:
- Các cháu hãy thắp
nhang, đốt nến rồi bác cháu ta sẽ đọc một số kinh, cầu cho linh hồn bố các
cháu? Bác cũng chẳng thuộc kinh nhiều, chúng ta hãy cầu nguyện giản đơn, điều
quan trọng là phải có lòng thành.
Bất chợt một tiếng nổ
như xé màng tang, ngay ở trên đầu, cả năm đứa đều ôm chầm lấy tôi. Các cháu
nhỏ, như muốn tìm sự bảo vệ, chở che của một ông bác.
Nhìn ngôi mộ đất thấp
lè tè của em Lý, tay tôi ôm và vỗ nhẹ các cháu, tôi như muốn nói: Bác của các
cháu đã tài hèn sức mọn, lại không có thời, cũng đành tàn lụi dần theo vận
nước, bác xin các cháu tha lỗi cho bác! Nhưng không thể thết ra thành lời.
Để xóa đi những nỗi
niềm đầy vơi yếm thế trong lòng, tôi nhìn lên mây trời xám đen đang quay lộn,
nói với các cháu:
- Bác hỏi cả năm cháu!
Nếu bác cháu mình đang đọc kinh cho bố các cháu, trời có mưa to, gió lớn, bác
cháu mình vẫn cương quyết đọc cho xong buổi kinh, các cháu có dám không?
- Chúng cháu “dám”!
Không sợ trời mưa!
Mưa bắt đầu rơi, rồi
như tháo cống, nước đổ xuống ầm ầm xối xả các cháu đã được khích lệ trang bị ý
chí chịu đựng. Mưa rơi, mặc mưa rơi, bác cháu chúng tôi vẫn đọc kinh đều đều,
mưa tầm tã rắc đổ lên đầu chúng tôi. Từng dòng nước chảy luồn vào cơ thể, thỉnh
thoảng một đứa đưa tay lên vuốt mắt. Không biết chúng vuốt nước mưa hay nước mắt,
khóc thương cho người bố hẩm hiu, nằm dưới mộ một mình đơn độc, cô liêu?.
Tiếng réo rột roạt của
nước mưa chảy chung quanh, lẫn với tiếng mưa gió như giọng nói em Lý ngày nào:
- Anh ơi? Hãy cưu mang
các con của em!
Bụng của tôi sôi lên ọ…
ẹ như muốn nói : Nút đầu tiên phải cởi là anh ra được nước ngoài, em hãy hỗ trợ
anh! Một tiếng sấm gào lên ở chân trời phía đông như lời khẳng định của em Lý :
- Lúc nào em cũng ở bên
anh!
Trên đường bác cháu trở
về, óc tôi vẫn vấn vít cảnh ngoài mộ chú Lý vừa qua, dù chỉ là những dòng hình
dung, tướng tượng trong tâm tưởng nhưng có một sức thúc đẩy mãnh liệt trong
lòng tôi, để thể hiện ra trong cuộc sống.
Sáu bác cháu về đến
nhà, mưa vẫn còn rơi nhì nhẹt.Nhìn dòng Hồng Ngự cuộn đỏ phù sa, tôi rủ cả năm
cháu nhào xuống vẫy vùng. Cháu Dũng và Bảo nhỏ nhất, cũng bơi lội ra trò. Hầu
như những đứa nhỏ được sinh ra bên bờ sông nước, đều chẳng lạ gì lội với bơi.
Từ dưới dòng nước, qua màn mưa thưa, trời lại sáng dần, tôi nhìn lên nhà em Lý,
rõ ràng có hai người phụ nữ.
Một người chắc là thím
Lý, còn người nữa là ai? Khi bác cháu vừa lên đến cửa thì “người ấy “đã chạy
ra, cầm cả hai tay tôi, nói trong nước mắt đoanh tròng:
- Cậu Bình! Chị tường
cậu đã chết rồi !
Tôi nghẹn ngào ôm chầm
lấy chị, không nói ra lời, chị là chị Công, con của bác Hạnh là anh ruột của
thầy tôi. Bác của tôi có ba người con, chị Công là cả, chí cùng tuổi với tôi.
Thời 1945 chị xuống phố ở với bố mẹ tôi. Tháng ba Ất Dậu 1945, nạn đói khốc
liệt của quê hương đã làm chết hơn hai triệu người, cả gia đình bác Hạnh ở trên
quê đã góp phần bốn người, chị Công ở dưới phố với bố mẹ tôi nên còn sống và
chúng tôi đã gặp nhau hôm nay.
Tôi nhớ trước khi tôi
ra Bắc chị đã có chồng, chị không có con, nhưng không rõ người chồng của chị
ngày ấy là anh Ký bây giờ ra sao, tôi cũng lơ mơ không hỏi được để biết. Chỉ vì
giai đoạn từ trại tù về miền Nam này tôi bị Công An Thành, CA Quận, CA Phường,
CA khu phố và phòng Quản lý những người học tập cải tạo được tha về, ràng bố,
ép đè vây hãm mê tơi. Không gạo, không tiền mà vẫn phải đi làm hàng ngày.
Một điều khi còn trong
tù tôi thường thấp thỏm, nếu được về Nam, cần biết rõ: Sau khi tôi ra Bắc bị
mất tích, bố mẹ tôi có được đền bù phần nào, do chính phủ VNCH hay không? Cho
tới lúc tôi đang ngồi viết những dòng này, tôi cũng không hề có một manh mối
nào giải đáp rõ ràng cho câu hỏi trên của tôi. Tôi muốn biết để cho niềm ẩn ức
ở trong lòng đậy lại, hay xóa đi, chứ chuyện đó đã “over” rồi.
Chị Công, vùng này hiện
nay Huyện Tam Nông Đồng Tháp gọi chị là bà Hai Bắc, ở một gian nhà tranh vách
đất nhỏ với một đứa con gái nuôi tên là Ngọc (đầu 1981). Bữa ấy, bằng mọi giá
chị Công bắt tôi phải đến nhà chị ngủ đêm và sẽ ăn một bữa cơm nghèo với chị.
Nghĩa tình chị em và những kỷ niệm ngày ấu thơ, tôi đã làm theo lời chị.
Sau bữa cơm sáng với chị
Công của tôi, một mình rong ruổi về Sài Gòn. Tiễn tôi ra đến cửa, chị Công còn
cầm tay tôi như ngày còn bé:
- Cậu về có biết đường
thăm hỏi ở các bến xe?
Vỗ vai chị tôi nói
cười, như còn ngây thơ lắm:
- Chị quên rằng khi còn
“bức màn sất”1962, chỉ một cái địa chỉ, một mình em đã mò mẫm tới chỗ em cần
đến trong khi ở miền Nam giai đoạn ấy, đã biết gì bên trong ” bức màn sắt “, kể
cả CIA?
Về đến nhà, tôi thưa
trình sự việc lên Hồng Ngự với thầy mẹ tôi xong, là đến gặp cô công an Mỹ Lệ
ngay. Mặt của cô “ả” , đang có chút máu mặt, thoáng thấy tôi đẩy cửa vào, mặt ả
lại xám đi để tỏ ra ta oai nghiêm mới càng giống quả “cà ghém luộc”. Cô ả hạch
sách, bất tôi phải viết bản kiểm điểm, tại sao đã không nghe lời CA? Tôi nói là
tôi không sai, nên tôi không làm kiểm điểm.
Tuy vậy, sáng hôm sau
tôi đã đến gặp tên trung úy Mậu, đã chấp thuận cho tôi đi Hồng Ngự để thăm mộ
em trai, và các cháu nhỏ con của em trai. Tôi trình bầy lại sự việc, rồi chỉ
khẽ chêm một câu:
- Từ trước tôi cứ tướng
CA khu vực, phải dưới quyền của Phường !
Tôi không hề có chủ
trương gì, nhưng lại gặt hái được kết quả. Hai ngày sau, có một CA khu vực khác
về thay cô Mỹ Lệ hắc búa, đó là Ngọc Anh.
27. CÁI “CÕNG” CỦA QUẢN CHẾ
Cái mặt của cô CA mới, cũng vàng vàng xạm xạm, hình như
toàn do từ thanh niên xung phong trong chiến tranh, ngớ ngẩn đã nghe lời thúc
giục, khích lệ của những con cáo già cộng sản. Các cô các cậu đã xông vào
rừng núi, nơi đèo heo, hút gió, nằm bờ, nằm bụi nơi ám khí của rừng già, mặt cô
cậu nào cũng có vấn đề. Bây giờ Đảng trả công cho làm chức này, khung kia. Tôi
cứ nhìn thấy nước da và cái mặt hơi rô rỗ của cô CA này là tôi lại nghĩ ngay
đến cái “bánh xèo”, nó cũng vàng vàng lom lõm sần sùi.
Tuy vậy cô Ngọc Anh này
lời nói lại dịu và niềm nở một chút, không nhấm nhẳn, cộc cằn như cô Mỹ Lệ.
Nhất là đôi mắt của cô Ngọc Anh, dù rằng lấp lánh ở giữa cái “bánh xèo” nhưng
đôi con ngươi óng xanh, vo lại hơi ưỡn cong ra mỗi khi cô cười. Tối nay, tôi
phải phóng xe sang thằng Lợi, không ngờ nó cũng đang cần gặp tôi, nó cho tôi
biết chuyến đi sẽ vào đầu tháng một, như thế chỉ còn gần một tháng để chuẩn bị,
nó yêu cầu tôi về chuẩn bị với gia đình, với khu phố. Phần tôi, tôi lo. Phần
nó, nó lo. Phần chung, cuối tuần sẽ bàn bạc với tôi. Trên đường đạp xe về nhà,
thấy giấc mơ có chiều hướng hiện thực, tôi suy nghĩ rất nhiều về bố mẹ già,
ngổn ngang nhiều ngả: Đất nước, bố mẹ, cuộc đời, ba đối thể này cọ xát, giằng
co, to nhỏ, nặng nhẹ cả mấy đêm ngày tôi trăn trở không yên. Đêm thứ ba, tôi
trèo vào mùng mẹ tôi, bóp đầu, đấm lưng cho người, lựa trong câu chuyện rồi tôi
tự than:
- Mẹ ơi! Chúng nó o-ép
con quá, mẹ ạ !
Thực sự, tôi không muốn
mẹ tôi buồn, nhưng lòng tôi rối quá! Thân tôi không đáng kể, nhưng vì bố mẹ
tôi, tôi mới đứt ruột, nát lòng. Mẹ tôi sờ soạng lên đầu, lên cổ tôi, nói trong
nghẹn ngào, đau đớn:
- Mẹ muốn con ra đi ,
nhưng mẹ không có… tiền !
Mẹ tôi đã nói ra điều
tôi không thể mở miệng mấy ngày hôm nay. Hai mẹ con thầm thì bên nhau, cả buổi
tối hôm ấy. Tôi không ngờ, người cũng buồn đã nhiều đêm ngày là mắt người đã
lòa, người không còn khả năng lo tiền, vàng cho tôi đi. Người nói rõ, hiện nay
con chỉ có một cách duy nhất là ra đi, ở lại chỉ là lặn lội trong bùn cả đời.
Từ năm, sáu tháng
trước, sau một tuần tôi trở về người đã muốn bảo tôi phải ra đi, nhưng người
lại không có điều kiện , người còn hiểu rõ, dù tôi có muốn ở lại hầu hạ cha mẹ
già cũng không được. Cái loại tội của tôi, sớm muộn nó sẽ tìm cách bắt vào tù
trở lại, nhìn không ra, thân vẫn khổ, mà cha mẹ cũng vẫn không phụng dưỡng
được.
Nghe tiếng ho húng hắng
của thầy tôi ở giường ngoài, tôi phải sang nói ý cho thầy tôi biết sơ, dự định
ra đi của tôi. Tôi hiểu rằng thầy tôi tâm trí không còn sáng suốt bình thường,
người lại nói ra khi có người đến nhà. Tôi vén màn, thầy tôi vắt một tay lên
trán, với dáng nằm suy tư, thầy tôi mở mắt nhìn, tôi khẽ hỏi:
- Hôm nay thầy có ngủ
ngon không?
Thầy tôi giơ một tay
như muốn ngồi dậy, tôi trèo lên giường, nhẹ đỡ thầy tôi dậy, cầm bàn tay nhăn
nheo xương xẩu của người, tôi vuốt ve. Óc tôi liên tưởng đến ngày trước, cũng
bàn tay gầy guộc, nhăn nheo này, thầy tôi đã biểu diễn những đường quyền Mai
Hoa, có lúc dẻo cong uốn éo co như sợi lạt, lúc vùn vụt nhanh nhẹn như một con
cắt chiến đấu với diều hâu, và cũng bàn tay này đã uốn nắn cho tôi đứng Chảo Mã
Tấn, Đinh Tấn và Trung Bình Tấn trong bài Quý Châu Quyền.
Bé cậy cha, già cậy
con!
Giờ đây thầy tôi đã già
yếu, trông nhờ vào con phụng dưỡng đỡ đần, tôi đã trốn bỏ đi biệt gần hai chục
năm. Bây giờ sống sót được trở về, lại định trốn đi nữa, một niềm xót xa quặn
lòng tôi lại. Tôi ôm lấy thầy tôi, ghé sát vào tai người, nói như khẩn nài:
- Xin thầy tha tội cho
con!
Chả hiểu thầy tôi có
hiểu tôi nói gì không mà nước mắt của tôi cứ ràn rụa. Thầy tôi đặt nhẹ một tay
lên vai tôi và cứ nhìn tôi trân trân như mất thần, tôi nói luôn, hơi ngập
ngừng:
- Thầy ơi ? con phải
ra…
Tự nhiên thầy tôi nhấc
một cánh màn, rồi người chậm chạp cho chân xuống tìm dép. Nhanh nhẹn, tôi nhẩy
xuống lấy đôi dép xỏ vào chân cho người. Thầy tôi tiến đến chiếc tủ cũ từ ngày
tôi ra Bắc, lúi húi một lúc, thầy tôi lấy ra chiếc túi con vải đen, người lôi
ra một chiếc đồng hồ đeo tay đưa cho tôi, miệng người thều thào:
- Con… phải… đi!
Tay tôi cầm chiếc đồng
hồ, nhưng đầu óc tôi băn khoăn: Người nói thế là người đã hiểu, câu tôi nói dở
dang trên với người? Tôi cầm chiếc đồng hồ Seiko 5 của Nhật vào giường trong
hỏi mẹ. Mẹ tôi mỉm cười, mặt người rất tươi, tay mân mê chiếc đồng hồ tôi vừa
đưa:
- Chiếc đồng hồ này của
thằng Lý mua cho thầy, ngày nó còn sống! Bố mày giữ kỹ lắm, chỉ đeo có mấy lần.
Tôi vừa đeo chiếc đồng
hồ vào tay, vừa tâm niệm: Tôi sẽ giữ chiếc đồng hồ này theo khả năng, nó là một
” di bảo” của bố mình.
Hôm nay tôi phải mang
sổ gia đình và tem phiếu ra phường xếp hàng, để mua gạo và bo bo cho bố mẹ tôi.
Gần 11 giờ trưa, tôi mới ôm một túi, mười ký gạo và tám ký bo bo về tới nhà, đó
là tiêu chuẩn tem phiếu một tháng, của bố mẹ tôi. Các cụ già không có răng móm
mém không nhai được bo bo, giá bo bo đổi ngay chỗ người xếp hàng: cứ 3 bo bo
lấy một gạo. Trong tù tôi đã ăn bo bo nhiều, chỉ không biết nấu. Chưa biết, thì
hôm nay tôi phải biết. Nhà lại hết củi, tôi chạy ra chợ mua hai đồng củi, được
hai bó củi nho nhỏ. Lần mò trong chợ Nam Hòa, tôi mua năm hào đậu “cô – ve” về
luộc dừ cho thầy mẹ tôi. Nhìn thấy một bà bán một thúng con cà ghém, tôi đã có
chủ định, sẽ có một ngày tôi thực hiện được một món ăn sở thích của mẹ tôi. Món
người thích ăn nhất, hai tháng trước cô Thu đã nấu cho mẹ tôi: Thịt ba chỉ xào
cháy cạnh, nấu với cà ghém, cà chua, phải có lá tía tô, hơn hai tháng rồi, tôi
biết mẹ tôi thèm lắm. Món ăn sở thích của thầy tôi cũng thật khác thường, người
thích nhất là món đường phên. Ngày nào cũng vậy, sau bữa cơm chiều, ăn một cục
đường phên, hút một điếu thuốc lào, là người vào trong màn yên vị.
Hôm lên Hồng Ngự, chị
Công đã đút vào túi của tôi sáu chục, tiền xe cộ, cho đến nay trong túi còn 32
đồng. Từ nãy đến giờ tôi đi qua một hàng cá, nhìn một con cá rô biển nằm phây
phây, dù đã chết rồi. Tôi cứ lượn đi, lượn lại hai lần rồi, tay đã đút vào túi
lấy gân để tiến vào, nhưng rồi lại quay ra, xin hẹn một ngày khác. Hôm nay tôi
đã mua một ký đường phên, món “ruột” của thầy tôi rồi.
Về nhà, sau khi gầy nồi
cơm cho thầy mẹ, tôi lấy một kí bo bo để hầm cho tôi cả hai bữa. Khiếp thật,
riêng nồi bo bo hơn một giờ rồi mà hãy còn cứng, đã mất tiêu một bó củi rồi.
Sáng nay, tôi chỉ xin phép nghỉ được nửa buổi để xếp hàng mua gạo cho bố mẹ. Vừa
dọn cơm xong cho thầy mẹ tôi, tôi chỉ xúc vội được một túi “bo bo” vừa dọn cơm
vừa nhai. Và bây giờ, tôi xách cả cái túi con bo bo để vừa đi vừa thưởng thức,
trên đường đến tổ mành trúc.
Đã hẹn với cô Thu từ
tuần trước, sáng thứ Bẩy này, khi tôi đi lao động XHCN với cô CA khu vực Ngọc
Anh xong, là đi liền với cô Thu vào nhà giam Chí Hòa để thăm chú Hoàng, chồng
cô Thu. Tôi chưa hề biết mặt, cả tình, cả nghĩa và vì em gái của mình, tôi phải
vào thăm chú ấy một lần, dù rằng thời gian của tôi ở ngoài, còn khắt khe hơn
nhiều lần trong tù. Trong tù chỉ có kém cảnh tôi hiện nay là không được đi lại
mà thôi, tinh thần không bị căng thẳng hàng ngày, hàng đêm như tôi.
Ngày Chủ Nhật phải lên
thằng Lợi để đi vào cụ thể, những nét chính của chuyến đi. Đúng 5 giờ 10 phút
tôi về gần đến nhà, tiếng mẹ tôi gào thét, tôi vừa mở cửa đã nghe mẹ tôi la to:
- Tao mù lòa già yếu,
bố thì lẩm cẩm gần tám chục tuổi, mà nó còn về ăn bám!
Phía nhà ông Tấn mở cửa
ra nhìn, nhà bà Cần, bà Tường cũng ra ngó nhìn tôi. Tôi ra ngoài đứng dựa vào
cửa, mặt rầu rầu. Tôi và mẹ tôi đã chuẩn bị ăn ý, thỉnh thoảng người sẽ gào
thét la mắng tôi: Bốn mươi mấy tuổi rồi mà không nuôi nổi thân, còn về ăn bám
cha mẹ mù lòa già yếu v.v. . . để xóm giềng có ý niệm sau này.
Mẹ tôi gào, mắng làm
như thật, tôi phải vào ôm lấy cụ, nói nhỏ: Vừa thôi kẻo mẹ mệt, lại bệnh thì
con còn khổ nữa, thậm chí, tôi còn phải ghé tai cụ:
- Đủ rồi, để hôm khác!
Cả ông Trùm Lộc, tổ
trưởng khu phố cũng mò đến khuyên răn mẹ tôi, tôi ra trước cửa ngồi dựa tường
thiểu não. Thoáng bóng cả cô ả Ngọc Anh từ xa, tôi vờ gục đầu như không biết,
nghe rõ tiếng hỏi của Ngọc Anh với ông Thanh hàng xóm, và rồi tiếng ông cụ
Thanh trả lời:
- Bà cụ chửi bới anh cu
Bình, còn về ăn bám bố mẹ già !
Tôi ngửng lên đứng dậy
vào nhà, còn nhìn thấy đôi mắt nâu rười rượi chia xẻ nỗi niềm, của tên áo vàng
khu vực. Cả một buổi tối cứ trằn trọc, hết trở mình bên này, lại trở mình bên
kia, tôi nằm mãi mà không ngủ được. Cuộc đời, đất nước, cha mẹ, để rồi thiếp đi
trong giấc ngủ muộn, nhiều khắc khoải. Bỗng có tiếng đập thình thình vào cửa,
tôi bò nhổm dậy, xuống dưới nhà.
Tiếng đập cửa hãy còn
rầm rầm, ánh đèn pin từ các cửa sổ, chiếu vào trong nhà loang loáng. Thầy mẹ
tôi đều đã dậy. Khi tôi mở được cửa, hai ba người đẩy tôi ra, xông vào trong
nhà. Người chạy xuống bếp, người leo lên gác, họ sục sạo như bắt giặc. Tôi bật
được đèn lên, toàn là những người tôi chưa hề thấy bao giờ. Một tên đeo lon
thượng úy cứ nhìn tôi chằm chằm. Thầy tôi đã vén màn thò đầu ra, miệng người cứ
lảm nhảm:
- Lậy Chúa tôi!…..Lậy
….Chúa …. Tôi!
Mẹ tôi vẫn trong màn
rên rỉ:
- Con xin… phó linh
hồn…
Nhìn đồng hồ mới hơn
một giờ, tên thượng úy chiếu đèn pin vào mặt tôi, hỏi gằn giọng:
- Tên Mẫn CIA đâu?
Tôi ngơ ngác, chẳng
hiểu tên Mẫn nào! Tôi chợt nghĩ: Có thể đây là công an Thành hay Quận. Họ nghi
ngờ nhà tôi có tên Mẫn CIA nào đó! Tôi cũng nhìn thẳng vào tên Thượng úy. Tôi
định nói: “tôi đang để nó trong túi, của tôi đây này”! Nhưng tôi đã từ tốn trả
lời:
- Tôi không biết tên
Mẫn nào cả.
Bây giờ mới thấy ông
Trùm Lộc, tổ trướng khu phố và cô Ngọc Anh công an khu vực, đẩy cửa bước vào.
Cô ả Ngọc Anh tiến đến trước tên Thượng úy ỏn ẻn:
- Báo cáo thủ trướng…
Tên Thượng úy, hất
chiếc đèn bấm cầm tay:
- Đồng chí đi ra ngoài!
Cô ả, vác cái mặt tiu
nghỉu đi ra. Ông Trùm Lộc, mặt cũng rầu rầu như tôi, nghiêng đầu như chào, rồi
cũng đi ra. Hai tên côn đồ hất tung cả mùng, màn của thầy mẹ tôi lên, trong khi
các người vẫn rên rỉ, ngồi cóm róm trong một góc giường. Thoáng bên ngoài, còn
nhiều tên áo vàng nữa.
Tôi mới về nhà được hơn
bốn tháng, mà đã ba lần công an vào khám xét nhà ban đêm. Buổi tối lên nhà Lợi,
tôi kể lại cảnh khám đêm qua. Thằng Lợi nghe tôi kể, mặt nó cứ đỏ dần lên, nói
gầm gừ:
- Phát xít Nhật, cũng
không như thế!
Còn chị Lợi cứ nói, vẻ
băn khoăn:
- Sao bây giờ… họ lại
ác ôn như vậy?
Phải rồi… Họ hàng gia
đình chị đều ở phía “bên kia”, thằng Lợi đã nói với tôi trước đây.
Sau khi chuyện trò
chung chung xong, tôi và Lợi đã lên gác vào một căn buồng trống, tôi đã ngủ
nhiều lần những ngày cuối tuần. Tôi được biết chuyến đi đã được quyết định đêm
14-01- 1981 . Con gái lớn của thằng Lợi, 17 tuổi là Nguyễn Thị Mỹ Linh, và cả
ba con trai của nó, cùng đi chuyến này. Riêng một mình chị Lợi ở lại để phòng
hờ, chuyến đi không thành. Hơn nữa có người để giữ cái nhà. Vả lại chị Lợi họ
hàng, thân nhân đều theo Cách Mạng từ trước 1975.
Theo thằng Lợi, chiếc
ghe này chung hai phía, phía bên kia và phía thằng Lợi. Hai bên đã thỏa thuận,
mỗi phía được rước thêm bao nhiêu khách. Những quy định gặp nhau ở đâu, nơi
đón, nơi nằm ếm chờ tuyến đường, thời gian, đều đã được quy ước rõ ràng rồi.
Chuyến này cũng có hai đứa con lớn của vợ chồng thằng Đạt, là Thu Thủy 17 tuổi
và Thắng 16 tuổi. Biết có cả Lợi và tôi đi nên Đạt cho hai đứa con đi theo như
gửi gấm.
28. ĐÔI BẠN NGÀY NAY
Thằng Lợi không có thời gian để trực tiếp điều hành, chuẩn
bị cho chuyến đi, cũng như con thuyền, nên về tài chánh đều do phía thằng Lợi
đảm nhận.
Riêng về phía tôi, vợ
chồng Lợi đã căn dặn kỹ càng, chi tiết: “Nếu chuyến đi trót lọt thì không nói
làm gì, trường hợp bị bể, bị bắt, tôi sẽ đóng vai của thằng Lợi. Tôi đã rõ về
đời thằng Lợi, cả gia đình con cái, vợ của nó. Cho nên, nếu tàu bị bắt thì sẽ
là thằng Lợi bằng xương, bằng thịt. Điều này đều đã được dặn dò sơ qua, cho
những người quen biết Lợi, trong chuyến đi. Theo anh chị Lợi:
Tôi là một người nguy
hiểm. Nếu, lại rơi vào tay Việt Cộng thì chắc chắn được về lòng đất sớm, là
may. Nếu sống, về chậm bao lâu, thì bị hành hạ khổ cực bấy lâu, rồi cũng chết
trong khổ đau. Cho nên, còn trong giai đoạn VC chưa nắm hoàn toàn ngóc ngách ở
miền Nam, tôi đóng vai là thằng Lợi mới được. Còn về thằng Lợi, nó đã là thổ
địa mảnh đất này, chỗ nào nó chui cũng được Nó còn đập tay vào vai tôi, nói đùa
bỡn như, không có chuyện gì:
- Tao biết, mày thừa
tài để đóng đạt vai trò !
Lòng tôi thì lịm đi, vì
xúc động! Tôi hình dung, nếu tôi bị bắt ở trong trại giam, chị Lợi sẽ vào để
tiếp tế thăm hỏi chồng mình. Để công an khỏi nghi ngờ, tôi và chị Lợi phải như
thế nào, trước mặt CA? Thế nào với các con tôi: Mỹ Linh, Hữu Lực, Hữu Lượng và
Hữu Luyện? v.v. . .Tôi nhìn đăm đăm vào mặt thằng Lợi, nó cũng chằm chằm nhìn
tôi. Dưới ánh điện, tôi còn nhìn rõ con ngươi của nó hôm nay, dài ra như hình
trái xoan.
Đôi con ngươi ấy có mầu
xanh của nước biển, thỉnh thoảng lại lóe sáng. Cái mầu xanh biển khơi này, là
cái mầu của thủy chung. Dù có giông tố, bão bùng thì vẫn trước sau như một,
muôn đời vẫn là mầu xanh. Tôi nhìn qua cửa sổ, dù trời đã tối đen, nhưng tôi
vẫn biết trong cái đen tối mênh mông vô cùng đó, có một đấng thượng đế tối cao
uy quyền. Tôi như muốn quỳ xuống để cảm tạ Người, đã ban cho tôi một người bạn,
đã cho tôi được hưởng những nghĩa tình bao la như đại dương của bạn bè. Óc tôi
liên tướng đến đôi bạn ngày xưa: Lưu Bình, Dương Lễ, và một đôi bạn ngày nay,
trong một môi trường: tình người hình như đã cạn khô. Tôi nhớ lại hai ba tháng
trước, có lần thứ Bẩy, Chủ Nhật tôi đến nhà Lợi, chị Lợi đã ngần ngừ hỏi tôi,
như sợ tôi từ chối:
- Anh Bình có thể giúp
tôi, một việc được không?
Nhìn thằng Lợi, rồi vừa
cười, tôi vừa nói:
- Chị làm cái gì mà
quan trọng thế! Cái gì tôi làm được thì chị cứ nói.
Chị Lợi vào buồng xách
ra hai cái túi xách, để trước mặt tôi:
- Tôi còn nhiều việc
quá! Tiền họ đóng hụi cho tôi hàng tuần nay, hơn một chục bát “hụi”. Tôi còn để
lung tung, nhờ anh sắp xếp lại, loại nào ra loại ấy, rồi anh cũng đếm dùm, anh
ghi ra giấy rõ ràng, cho tôi nhé ! Cám ơn anh trước!
Vợ chồng Lợi còn nhờ
tôi trông luôn nhà, hai vợ chồng phải đi có việc Giấy 50 đồng, 20 đồng, 10
đồng, 5 đồng, 1 đồng lộn tùng phèo, đầy hai cái túi xách bằng nhựa. Một mình
tôi làm gần 3 giờ đồng hồ, trong khi đời sống của tôi khi ấy, 10 đồng đã là một
vấn đề không nhỏ, tôi vừa sắp tiền, đầu óc tôi miên man. Trước hết tôi phải xin
cám ơn tấm lòng biết người, của vợ chồng Lợi, đã tin tưởng một người bạn. Phần
tôi tự hiểu, phải hành xử sao cho xứng đáng với vợ chồng nó. Tôi nghĩ một câu,
không nhớ rõ của vị nào; Chỉ những người có tâm hồn, mới được hưởng những ân
tình tâm hồn. Không có tâm hồn của Roméo, thì cũng không có tâm hồn của
Juliette.
Cứ đi tìm thì chả bao
giờ thấy, dù nó ở ngay chung quanh mình .
Xin trở lại những chuẩn
bị của chuyến đi.
Tôi về đến khu Ông Tạ
đã 9 giờ 30 tối. Khi vào đến cổng xứ Nam Hòa, dưới ánh đèn điện mập mờ sáng
tối, một hình ảnh vẫn ghi vào tiềm thức dịu dàng, lâng lâng của tôi. Thầy tôi
chống gậy đầu tóc bạc phơ, đang cầm tay dẫn mẹ tôi 72 tuổi mù lòa, đi phía sau.
Hình ảnh một ông cụ đầu bạc, dẫn dắt một bà cụ mù lòa. Cả khu vực ấy: Nam Hòa,
Nghĩa Hòa, Sơn Tây và khu Thánh Tâm, hình như nhiều người nhìn thấy hơn một
lần.
Tôi đã đến thay thầy
tôi dẫn mẹ tôi về nhà, tôi cũng băn khoăn hỏi mẹ tôi:
- Sao hôm nay, thầy mẹ
về chầu muộn thế?
Mẹ tôi nói rất nhỏ,
nhưng tôi vẫn nghe rõ:
- Cha Bình (giống tên
tôi), hôm nay người giảng thêm về: “tình thương yêu, đùm bọc giữa người với
người “.
Tôi cũng nói luôn với
mẹ tôi là đêm 14-1 này tôi sẽ ra đi. Mẹ tôi, đem cả hai tay nắm chặt tay tôi
như muốn giữ lại, nhưng miệng người lại nói:
- Mẹ vẫn hàng ngày, cầu
khấn Chúa và Đức Mẹ Maria cho con !
Về nhà cơm nước xong là
tôi lên gác ngủ, khoảng 11 giờ tôi đã ngủ được đâu, nghe tiếng mẹ tôi vọng lên:
- Thằng Bình đã ngủ
chưa con?
Bật dậy, tôi vừa xuống
gác vừa thưa khe khẽ, sợ phá giấc ngủ của thầy tôi. Tôi vào ngồi bên người,
cũng thì thào:
- Sao mẹ chưa ngủ?
Người không nói gì,
người sờ tìm tay tôi, rồi người giúi vào tay tôi, một cái khăn tay nhỏ, người
cũng thì thào:
- Con hãy giữ kỹ để
phòng thân !
Tôi khẽ bước xuống, ra
mé cửa sổ có ánh sáng đèn đường chiếu vào, có 2 tờ giấy 50 đồng và hai chiếc
nhẫn vàng, mỗi chiếc một chỉ đã móp méo. Tôi hiểu mẹ tôi lòa đã 16 năm rồi,
người không có tiền, chắc rằng do các em tôi dấm dúi biếu mẹ, mẹ tôi đã dành
dụm, chắt chiu để ” thủ “. Bây giờ vì con, mẹ tôi có tiếc gì? Nước mất của tôi
đã dàn ra, nhưng mẹ tôi làm sao mà nhìn thấy! Hai chỉ vàng, một trăm bạc với
lúc có, thì không là gì, nhưng trong lúc này! Tôi gói cả lại, ngửa bàn tay của
người, rồi đặt lên, tôi nói trong nước mắt:
- Xin mẹ tha tội cho
con! Con bất tài, trở thành con bất hiếu!
Để cho mẹ già yên lòng,
tôi bóp nhẹ tay người nói thêm:
- Thân con xoay xở
được! Mẹ hãy giữ lấy phòng hờ cho thầy mẹ!
Chỉ còn bốn ngày nữa,
ngày ra đi càng đến gần, nhiều việc càng dồn dập, tôi đã sang chú Tuất + Xuân.
Tôi đã đi với cô Thu vào Chí Hòa thăm chú Hoàng, tôi đều đã nói với các cô chú
ấy chuyến đi của tôi và nhắc nhở hãy thay tôi trông nom cha mẹ mù lòa già yếu.
Những ước vọng của chuyến đi của tôi có ba tình huống:
Đẹp nhất. Đi đến nơi
mình mong muốn, chuyến đi trót lọt.
Điều thứ nhì là sẽ chết
ở biển khơi, tôi vui lòng từ giã cuộc đời này.
Điều thứ ba là điều xấu
nhất, điều bất hạnh nhất là bị bắt.
Sáng nay thứ Bẩy là
ngày tôi phải ra chợ Nam Hòa, lao động xã hội chủ nghĩa. Ngoài hai người đã có
từ những tuần trước, là cậu Từ sĩ quan Hải quân và cậu Quý chuẩn úy Thủ Đức,
hôm nay có thêm hai anh nữa. Hai anh này đầu cũng đã điểm sương. Mới sáng sớm,
năm anh chàng của VNCH bị một cô CA áo vàng, chỉ huy sai bảo “tóe phở , móc lỗ
cống này, quét con đường kia, dọn đống rác kia, khênh cái sạp này v.v. . . Bao
nhiêu bà con qua lại chợ búa, họ đều nhìn với những nét mặt trầm tư, những đôi
mắt cảm thông với những người đã chiến bại.
Riêng tôi, vừa làm vừa
ngắm nhìn từng căn nhà góc phố, từng chiếc lều, từng gian hàng của ngôi chợ,
tiếng chuông lanh lảnh, thánh thót của nhà thờ Nam Hòa. Tất cả là quê hương, là
ruột thịt của tôi, tôi sắp phải lìa bỏ, từ giã để ra đi đến một phương trời
chưa biết.
Cô Ngọc Anh nhìn tôi
hôm nay, tôi cảm thấy có một chút lạ thường. Cũng khuôn mặt chiếc bánh “xèo”
vừa lửa, vàng ươm ánh lên nét mời mọc, tôi nhìn cô như muốn nói “cảm ơn” tối
hôm qua tôi trình diện xin chữ ký của cô. Được thỏa thuận của bốn anh kia, tôi
đề nghị hôm nay lao động sớm hơn một giờ, từ 7 đến 11 giờ thay vì trước đây 8 –
12 giờ. Cô đã nhìn tôi đăm đăm và gật đầu. Ngoài ra như tôi muốn ghé vào tai cô
thì thào: “Hôm nay lần cuối, xin giã biệt cô bánh “xèo” nhé !”
Vì đã hẹn trước với
thằng Lợi, vừa dứt điểm LĐXHCN, tôi “nhót” lên yên chiếc xe đạp phóng về khu
Thanh Đa, cầu Kinh. Trước ngày đi, gặp nhau để xác định mấy điều quy định.
Hôm nay thằng Lợi có
việc phải sang cầu ông Lãnh, chiều mới về, nó bảo tôi phải chờ nó về ! Tôi rủ
cháu Lượng và cháu Luyện ra cầu Kinh chơi, mấy chú cháu vui đùa bên ven bờ dòng
sông. Nhìn con sông nước chảy hiền hòa, với những khóm dừa nằm ngả bóng hai bên
bờ. Xa xa mãi sâu phía trái tôi nhìn rõ, những trái chôm chôm và mãng cầu, dòng
liên tường của tôi một thoáng giật lùi lại hơn hai mươi năm trước ở Lái Thiêu
Bình Dương, với những ngày cuối tuần đầy hoa mộng thời niên thiếu cắp sách đến
trường. Tôi quay lại hỏi hai cháu, tay chỉ về phía những chòm cây xanh um:
- Các cháu có thích đến
xem vườn chôm chôm đó không?
Cả hai đứa đều hớn hở
ra mặt, thằng Lượng dõng dạc:
- Chúng cháu thích lắm
chứ! Bố cháu không chịu dẫn chúng cháu đi!
Vừa đi tôi vừa nói, như
vui đùa:
- Bố các cháu là người
ham việc, còn chú lại ham chơi, nên mới không có tiền !
Đến gần vườn trái cây,
nhìn rõ toàn bộ có một vẻ không có người chăm bón, một vài cành cây gẫy, thậm
chí có một cây mận (roi) đã đổ nằm ngang lối đi. Đây đó cỏ đã trườn ra nhiều
khoảnh, một ông già quấn khăn rằn, nằm hút thuốc rê phì phèo trên một chiếc
võng đang đu đưa. Một căn nhà hai gian, vách gỗ lợp ngói úp, ở sâu mãi giữa
vườn. Chú cháu dõi theo tiếng con chim chèo bẻo đang chuyền cành, thỉnh thoảng
lại kêu lên hai tiếng: u… tí… u… tí… Càng gần đến chiếc võng của ông già chừng
ngoài sáu mươi, tôi hơi nghiêng mình nhã nhặn chào, khi thấy ông già quay ra:
- Thưa bác nằm nghỉ
trưa?
Mặt ông già đang tươi
tỉnh, nghiêm hẳn lại rồi tỏ ra lạnh lùng:
- Ừa……..ừa……..?
Hơi ngạc nhiên, nên tôi
hỏi tiếp:
- Vườn trái cây của
bác, hình như không có người chăm sóc?
Ông già nhỏm hẳn người,
ngồi dậy. Nói như phì ra từ một niềm ẩn ức ở trong lòng:
- Vườn cây của người ta
như ni, lại bắt gộp vào làm hợp tác xã Hai năm nay, tôi không mần nữa!
Để xem lòng dân miền
Nam, tôi nói mà như hỏi:
- Các bác nông gia
không đồng ý, sao không biểu tình phản đối?
Ông già bỏ cả hai chân
xuống dép, đứng hẳn lên:
- Chế độ cũ thì mới
biểu tình được, chứ chế độ này có cho biểu tình đâu! Xã này đã bẩy người bị bắt
rồi!
Thấy hay hay, tôi chân
thành nói thực về tôi:
- Cháu mới ở tù ngoài
Bắc về, nên nhiều điều không biết, hôm nay chỉ vì theo tiếng hót của một con
chim nên lạc vào vườn, để gặp bác.
Ông già đổi thái độ
ngay, ông nói lẹ mà như rống lên:
- Chèng đéc ơi! Tôi
tưởng cậu là cán bộ cỡ của miền Bắc chứ! Cậu nói tiếng Bắc ” rặt “!
Ông già kẻo tay tôi,
rồi nhìn hai cháu Lượng, Luyện:
- Con của cậu đấy hả?
- Dạ, con của người
bạn! Cháu chưa có gia đình!
Thế là ông già lại thắc
mắc: “Trông đã bốn mươi mấy rồi, sao lại chưa có vợ?“. Cứ chuyện này lại ra
chuyện kia, để rồi ông già tên là Huỳnh Đức kéo tay tôi vào nhà giới thiệu bà
vợ, cũng hiền hậu, ông Huỳnh Đức cũng nói thực:
- Trước 1975, năm ông
đã che giấu nhiều cán bộ cộng sản , ông có hai đứa con trai đã theo vào bưng
vừa bị hạ tầng công tác do bản thân chúng nó, và của nông gia chúng tôi. Bây
giờ chúng tôi chẳng cần trồng cấy, cây trái nào ra bao nhiêu, hái mà hưởng,
chúng tôi đã hiểu rồi!
Ông bước vào buồng loay
hoay một lúc, xách ra một cái túi bao tải con, đặt trước mặt tôi:
- Cậu mang về cho lũ
nhỏ ăn chơi!
Tôi không thể từ chối,
cuối cùng tôi đã phải mang về một túi lớn ổi, chôm chôm, mãng cầu. Tôi thăm hỏi
bác già Huỳnh Đức để hiểu thêm tâm trạng của người dân Nam bộ. Tôi đã hiểu ở
miền Bắc, mấy chục năm dưới sự kìm kẹp hà khắc của VC, hầu hết người dân đều
căm phẫn, phản đối. Nhưng với cái tài lắt léo, chuyển đổi, hóa giải có một
không hai của tụi lãnh đạo VC, kết hợp với khẩu súng và trại tù, nhân dân cũng
đành chịu đói khát lầm than.
Cái tài mà ngay mới đây – đầu 2004 trên intemet- bà Dương
Thu Hương, một văn sĩ trong lòng của chế độ, do chính chế độ VC đào tạo đã viết
và phát biểu: ” Tháng ….1989, cả thế giới loài người đã xôn xao, ngạc nhiên ghê
tởm lên án nhà cầm quyền của Trung Quốc, đã đàn áp đẫm máu dã man ở Thiên An
Môn. Đã dùng xe tăng, súng lớn bắn xả vào đám biểu tình của sinh viên và người
dân tay không, của Trung Quốc.
Thằng Lợi đã về, điều
nó căn dặn chính là khi xuống thuyền, tuyệt đối không để ai biết sự quen biết
giữa tôi và nó. Ngoài ra, chị Lợi đưa cho tôi một cái nhẫn vàng hai chỉ với lời
dặn dò thân tình:
- Anh hãy cất dấu kỹ,
trong cái thế chạy trốn, hay bị bắt, hãy đút cho công an mà chạy.
Một điều nữa, chị Lợi
sẽ tùy theo, cách vài tháng sẽ đưa gạo xuống cho ông bà cụ. Tôi từ chối là tôi
đã giả dối với bạn, nhận thì lòng tôi cũng không nín được tiếng thở dài, cho
cái hèn, kém của mình. Theo sự nhắc nhở cuối cùng của thằng Lợi, đúng 5: 00
chiều ngày 14 – 1 – 1981, tôi sẽ đón một chiếc xe hàng QH trên cầu Trương Minh
Giảng. Khi lên xe, có người hỏi thì đưa miếng bìa con mầu vàng có chữ Huế+ Qui
Nhơn (nét chữ của Lợi) cho họ, khi đi qua đồn Cỏ May, xe sẽ đậu ở chỗ qui định.
Lúc ấy sẽ có người đón đưa, như vậy, mỗi người đi đều có sự dặn dò, qui định
đón, đưa riêng.
Sáng ngày 14 trước khi
tôi đi làm tổ mành trúc, tôi đã căn dặn mẹ tôi những điều cần thiết. Buổi trưa,
sau khi cơm nước xong, tôi vào ôm cổ mẹ tôi, rồi thầy tôi, không hiểu ở nhà mẹ
tôi có nói gì với thầy tôi không? Khi tôi ôm cổ thầy tôi, thầy tôi cứ ôm tôi
mãi, người không chịu bỏ tay ra, miệng thì cứ run rẩy thều thào:
- Con đi…..Chúa phù
hộ……..cho con!…….
Trong khi nằm trong
buồng, mẹ tôi bắt đầu khóc lóc, gào lên:
- Mày là thằng con bất
hiếu! Mày không giúp đỡ tao thì thôi chứ, mày còn ăn bám mà không biết nhục à ?
Ba giờ, tôi xách xe đạp
và chiếc túi có bộ quần áo cũ ra khỏi nhà, trước những con mắt của một số người
hàng xóm chung quanh. Các khâu, đoạn đều như dự trù, chỉ lúc qua đồn Cỏ May,
trình giấy tờ sao đó, lằng nhằng đến 20 phút. Tôi không hiểu móc ngoặc, hay đàn
xếp giữa CA và bến bãi ra sao? Khoảng 10 giờ, họ dẫn nhóm chúng tôi 7- 8 người
theo họ ra thuyền.
Việt Nam cũng có Thiên
An Môn, nhưng những nhà lãnh đạo của cộng sản Việt Nam đã chặt, đã băm Thiên
An Môn Việt Nam ra hàng nghìn mảnh, rồi họ ngâm dầm vào thuốc mê và thuốc độc,
sau đó họ rắc vào khắp người dân, nên đã tan biến. Không một ai hay, thế giới
lại càng mù tịt. Riêng về lãnh vực này, những nhà lãnh đạo của Trung Quốc phải
cắp cặp sang, để những nhà lãnh đạo Việt Nam dạy cho “.
29. RA KHƠI TÌM TỰ DO
Trời tối đen, chúng tôi cứ đi mãi, hơn một giờ sau đến một
vùng sông nước, họ nói sắp tới thuyền rồi, tuyệt đối im lặng! Khi tôi trông mờ
mờ một con thuyền ở một bến sông, thì có tiếng cháu Thủy nho nhỏ (con gái lớn
của Đạt) “chú Bình đâu?” Cũng lúc ấy, chiếc thuyền đã nổ máy.
Nhiều dòng người túa ra
hỗn độn tranh nhau để xuống thuyền. Bất ngờ, một người ôm chầm lấy cổ tôi, có
tiếng hổn hển sát tai tôi: “Cháu sợ quá! Chú Bình ơi!” Tôi đã biết là cháu
Thủy, có cả thằng Thắng nữa. Tôi hiểu lúc này phải tranh thủ lên thuyền, con
Thủy cứ nằng nặc ôm cổ, bắt tôi cõng qua một lỗ lội. Tay dẫn thằng Thắng, con
Thủy ở trên lưng, trong những giây phút hối hả. Trên thuyền lại có tiếng vật
lộn cãi vã, tôi cũng mệt quá rồi, tôi đặt cháu Thủy xuống và cao giọng:
- Các cháu leo lên
thuyền, tìm chỗ ngồi đã.
Tôi hỗ trợ đẩy hai đứa
lên thuyền. Con thuyền rất là “khẳm” lại chòng chành vì xô xát, có nhiều tiếng
hô, tiếng quát, như đánh nhau:
- Không xuống nữa,
thuyền đắm chết hết bây giờ?
- Lái thuyền ra đi!
Ồn ào, lộn xộn, thằng
Lợi cầm vào tay tôi, nói khẽ:
- Mày đi, tao dẫn con
tao lên bờ! Mày là đại diện thay tao!
Không còn kịp nói gì
với nhau, thuyền quay mũi, rời bến, tiếng máy rú to dần, tôi nằm một góc. Ở
dưới hầm thuyền la liệt, hỗn độn đầy người. Thuyền chạy chừng được một giờ thì
có hai tiếng súng CKC, có tiếng ai nói hốt hoảng:
- Công an gọi vào!
Tôi nhoi lên nhìn ra
ngoài, một ánh đèn xa xa trong chỗ tối đen, tôi dự đoán đây là cửa sông, ra
biển. Tôi không hề biết ai với ai trên thuyền, nhưng vì mạng sống của chính
mình, tôi nói to như ra lệnh:
- Cứ tăng ga, phóng ra
khơi!
Con thuyền lồng lên rồi
rẽ sóng, lại hai phát CKC nữa. Mặc! Thuyền vẫn phăng phăng, hướng về phía Nam.
Sóng biển đã làm cho con thuyền chồm lên lắc lư. Cái nhược điểm say sóng cố hữu
của tôi đã bắt đầu. Người tôi đã thấy nôn nao, khó chịu, tôi đã tìm được một
chỗ nằm yên. Cháu Thủy từ một khoang bên mò sang bên này gọi:
- Chú Bình nằm ở đâu?
Tôi giơ một tay, dưới
ánh sáng đèn dầu mé vách, cháu đã nhìn thấy, cháu bước qua một số người để đến
bên tôi. Người tôi đã nôn nao quá rồi, mà phải đỡ cho cháu Thủy nằm bên cạnh.
Tôi xin cảm ơn cháu Thủy, đã tin tường và quý mến tôi. Cũng đã có nhiều người
nôn ọe góc này, chỗ kia, mùi của nôn mửa đã nồng nặc cả con thuyền.
Tôi muốn đẩy cháu Thủy
đi chỗ khác, tôi không muốn mùi nôn ọe của tôi để cháu Thủy kinh tởm, tay tôi
đẩy cháu Thủy đi, miệng chỉ mới nói: ” cháu đi chỗ ….. ” thì tôi đã ồng ộc nôn
cơm cháo ra rồi. Cháu Thủy và ai ở chung quanh cũng sợ dãn cả ra, cháu Thủy đã
sang khoang khác, mà tôi vẫn còn tiếp tục nôn, mật xanh, mật vàng. Chuyến này
tôi cũng xin cho ra hết, giống như ngày tôi đi con thuyền xâm nhập miền Bắc đầu
1962.
Có tiếng ai nói ngắt
quãng:
- Đã ra….. Hải ……….phận
Quốc Tế……… rồi!
Con thuyền càng chồm
lên, nhào xuống, tiếng nôn ọe đây đó càng dồn dập, tôi thì rũ rượi như con gà ”
rù “. Do tôi nôn mửa nhiều, mùi chua khăn khẳn nồng nặc, dù chật chội, nhưng
lớn bé ai cũng sợ tôi, họ đều cố nhích xa tôi, nên chỗ của tôi tương đối thoải
mái nằm.
Thuyền đã chạy được gần
hai giờ, chẳng ai nói ra, tuy sóng càng to, gió càng lớn nhưng trong lòng của
mỗi người nỗi lắng lo bị CA bắt đã nhỏ dần. Đây đó đã nghe tiếng trẻ con khóc,
tiếng gọi tên nhau í – ới. Một số người đi từ khoang này sang khoang thuyền
kia, ngơ ngác sục sạo tìm người thân.
Con thuyền vẫn tròng
trành lắc lư, nhấp nhô, tôi lại phải bò dậy để nôn nữa, ruột gan của tôi như
xoắn quắt lại để nôn. Tôi có cảm tưởng tôi phải nôn cho ra hết cả bộ ruột, dạ
dầy, phèo phổi của tôi. Cái bệnh say sóng này cũng thật lạ kỳ, không phụ thuộc
vào trẻ hay già, phụ nữ, đàn ông, khỏe hay yếu, có thể do tính chất máu của mỗi
người. Có nhiều người quay lại, ngó ngấp nhìn tôi . . . . . . Mặc, tôi lại nằm
đổ vật ra ! Có tiếng nói từ sàn thuyền vẳng xuống:
” Đã đi ngang qua Côn
Sơn rồi ! “
“Trời …….đã sáng
……rồi!”
Như có một nguồn sinh
lực bừng lên trong người, tôi ngồi dậy và xem đồng hồ tay: 4 giờ 30 phút sáng
ngày 15/1/81. Có lẽ tôi đã nôn thốc, nôn tháo nhiều lần, để rồi không còn gì để
nôn ra nữa, nên người tôi tỉnh dần. Nhưng yếu tố chính là: Nỗi lắng lo bị bắt
đè nặng trong lòng, đã nhẹ đi và niềm hy vọng của ngày mai, nơi phương trời
càng lớn dần lên. Giọng nói khi nãy từ sàn thuyền lại vọng xuống:
- Thuyền đã đi qua Côn
Đảo rồi!
Qua những khe hở của
vách thuyền, ánh sáng đã vàng ửng lên, chắc mặt trời đã chui lên khỏi mặt biển.
Đầu óc của tôi đang lần giở lại hình ảnh đêm vừa rồi, thằng Lợi và các con của
nó, đã lên bờ trở về. Tôi chợt nhớ tới cháu Thủy và Thắng, con của vợ chồng Đạt
nằm ở đâu? Như thế, chỉ còn hai cháu đi theo tôi. Chỗ này, chỗ kia bà con đã
lấy thức ăn, thức uống ra để giải quyết cái dạ dầy của mỗi người, hẳn nó đã
nhắc nhở. Trong túi của tôi có một cái giò lụa và hai cái bánh giò, do mẹ của
tôi chuẩn bị, nhưng tôi chả cần ăn và cũng không dám ăn. Tôi đã có chút kinh
nghiệm say sóng, trong những lần đi thuyền ra Bắc, không ăn lại khỏe người hơn
là ăn.
Phần vì, tin tưởng con
thuyền đã ra khỏi tầm kiểm soát của bộ đội, công an Việt Cộng. Phần vì, cả một
đêm trắng chạy, chui rúc, bờ bụi, sợ hãi, lo âu. Phần khác nữa, say sóng nôn
mửa suốt đêm, tôi nằm vật ra, lịm đi lúc nào không hay. Khi tôi mở mắt ra, lại
thấy tối lờ mờ, tôi giơ tay cố hướng về chiếc đèn dầu, treo mé vách thuyền:
4giờ 30, tiếng máy thuyền vẫn rổn rảng lẫn với tiếng dạt dào của sóng biển.
Tiếng ọc ạch, nhóp nhép
của sóng nước đập vào mạn thuyền làm tôi tỉnh ra thêm. Tôi nằm lắc lư theo con
thuyền, óc phân định thời gian và sự việc, tại sao lại 4giờ 30? Phải chăng đã
qua một ngày mà tôi không biết? Thiếp đi là đêm, tỉnh ra lại là đêm mà đồng hồ
chỉ kém giờ hơn. Như thế, ít nhất phải qua một ngày rồi. Trời sáng lại dần, và
lại đã có ánh nắng. Tiếng máy thuyền tự nhiên như mắc nghẹn, rồi hồng hộc lên,
con thuyền rùng lên bần bật, tiếng máy như hết hơi, thở hắt ra rồi im bặt. Nhốn
nháo, mọi người đều trợn mắt nhìn nhau, ngơ ngác. Tôi cảm thấy một sự bất
thường, ngồi nhổm dậy, chung quanh tôi người chật như nêm cối, đàn ông, đàn bà,
trẻ con, người lớn nằm ngổn ngang. Tôi lảo đảo đứng dậy, tìm chỗ mò lên sàn
thuyền. Không khí trong lành của biển khơi như chui nhào vào trong phổi, tôi
tỉnh hẳn. Trên sàn thuyền, cũng lố nhố đầy người đang đổ dồn mắt về khoang máy
của chiếc thuyền. Ba người, đầy dầu mỡ từ trong khoang máy bước ra, mặt tái
nhợt, một người thốt cao giọng:
- Máy bị lột “dên” rồi!
Tiếng la hét, trong đám
đông lố nhố:
- Có sửa chữa được
không?
- Chạy tối đa. . . quá
sức mà !
Tôi chả hiểu lột “dên ”
là thế nào, nhưng những người xử dụng máy đã không có kinh nghiệm, bất cứ một
loại máy móc gì để tối đa “gas” mà chạy mãi, thì phải hư là đương nhiên . Ngay
con người cũng thế, chạy tối đa một lúc thì phải nghỉ hay chậm lại nếu không
thì chỉ có lăn đùng ra mà “xỉu”. Bốn, năm người túm lại khoang máy kìm, búa, mỏ
lết, hì hục hàng giờ cũng đành bó tay. Một người nói to như “phì” nỗi tuyệt
vọng ra cho mọi người:
- Máy đã lột “dên”, chỉ
có về xưởng máy “đại tu” mới sửa được!
Mặt trời đã quắc mắt
như giận dữ nhìn theo mọi người trên sàn thuyền, con thuyền trở thành “vô định”
giữa đại dương. Chung quanh, trên dưới chỉ có nước với trời, như trên hành tinh
này có mỗi con thuyền “vô định” này mà thôi. Mặc cho gió, mặc cho sóng đẩy
thuyền đi rồi lại đẩy về, như vậy con thuyền đã chạy được hai đêm và hơn một
ngày. Không một ai biết con thuyền đang ở vị trí nào? Một khi không biết rõ vị
trí, thì đều trở thành suy đoán mò linh tinh.
Người thì bảo có thể
đây là bên ngoài Căm Bốt, người thì nói đã ở trong vịnh Thái Lan, có người còn
bảo, có khi đã gần Mã Lai rồi. Khoảng 12 giờ trưa, phần vì niềm tuyệt vọng đã
tràn ắp lòng tôi, rồi lại không có một cái gì trong bụng kể cả nước. Tôi chui
xuống hầm thuyền, tìm về chỗ cũ nằm vật ra, tôi chợt nhớ đến cháu Thủy và Thắng
từ hôm qua, tôi chưa biết các cháu ở chỗ nào?
Con thuyền dài chừng
15- 16 mét, rộng khoảng bốn mét rưỡi đến năm mét, có khoảng bốn, năm chục người
cả trẻ con. Nghĩ đến cái giò lụa và hai chiếc bánh giò trong cái tay nải, tôi
không dám ăn. Từ hôm trước tôi nhìn hai đứa nhỏ cứ quấn quít lấy mẹ nó, một bà
chừng 35 tuổi, nửa tỉnh, nửa quê của miền Nam. Tôi lôi cái giò và cái bánh hãy
còn thơm mùi lá, cầm ở tay ngập ngừng, người mẹ và hai cháu nhỏ đều nhìn tôi.
Tôi cười, rồi hỏi dè dặt:
- Tôi không ăn, chị có
thể vui lòng cho hai cháu ăn dùm?
Mặt hai cháu nhỏ tươi
hơn ra, nhưng chị ấy lại ngần ngừ, tôi cố nhoài người sang đưa hết cho hai cháu
nhỏ. Chị cầm giò và bánh, không nói gì nhưng ánh mắt của chị, như thay cho một
lời cảm ơn! Người chồng ngồi dậy. nói với giọng trìu mến:
- Anh hai cố ăn “dô”
đi, anh có ăn gì đâu!
Mặt người nào cũng hốc
hác, quần áo tả tơi, đầu tóc rối bù, mới có hai ngày, hai đêm, mắt ai cũng lỗ
đáo vào, trắng nhợt ra. Tôi cố đứng dậy định lần sang khoang phía cuối thuyền,
để tìm cháu Thủy, Thắng. Đây đó những bãi nôn mửa, vỏ chuối, lá bánh thậm chí
cả những “băng màn”của phụ nữ, đầy máu. Tôi lại quay về nằm vật ra, nghĩ đến
tất cả những người này, trong đó phải có tôi xin về lòng đại dương, và xin hiến
tặng những thân xác này cho những ông cá, bà cá, chúng tôi xin về nơi vĩnh
hằng.
Buổi sáng ngày thứ ba
(17-l), con thuyền vẫn tròng trành theo sóng biển, tôi mệt quá cũng chẳng muốn
bò dậy làm gì. Có lẽ vì không ăn uống, nên tôi cũng không cần đại, tiểu tiện ba
bốn ngày. Đồng hồ đã 6 giờ, khi tôi trở mình, ngay ở lòng (bụng) tôi có một hộp
sữa ông Thọ. Tôi tưởng trong mộng mị tưởng tượng, tôi ngồi hẳn dậy ngơ ngác
nhìn mọi người chung quanh, tay tôi vẫn cầm hộp sữa. Khi hai vợ chồng anh chị
người Miên quay lại, tôi giơ hộp sữa lên, hỏi:
- Có phải của anh chị
không?
Nhưng cả hai anh chị
đều thiểu não lắc đầu, thấy hai người và nhiều người khác cũng rũ rượi và mệt
mỏi, tôi chả hỏi nữa. Tôi cầm hộp sữa tới khi trời sáng hẳn, và tôi cũng tỉnh
hẳn người. Không biết của một ân nhân nào? Tôi nhìn ai, khi họ quay lại, tôi
cũng nghĩ là của người đó, nhưng rồi khi tôi hỏi, họ đều mệt mỏi lắc đầu. Thôi
cứ cho là một ông tiên hay một bà tiên cho, bây giờ tôi đang cần cứ dùng đã. Vị
ân nhân nào cũng sâu sắc thật, vì không ra mặt nên bắt người nhận, cho tới chết
mới quên được. Tôi đã dùng một mũi dao díp dùi lỗ và như một thần dược, bây giờ
tôi nhìn cái gì cũng rõ ràng. Hôm qua, hôm kia, nhìn ai cũng lờ mờ như có mưa
phùn. Tôi ngồi lắc lư nghiêng ngả, hồn như lạc vào chốn “Thiên Thai”. Trên sàn
thuyền rộ lên tiếng reo hò của đàn ông, phụ nữ:
- Có tàu ngoại quốc?
- Đứng lên chỗ cao mà
vời!
Tôi nhào lên như có lò
so, chẳng biết là Đông, Tây, Nam, Bắc (thuyền quay lung tung mà không có điểm
tựa). Mắt thường nhìn sát phía chân trời, có một chấm trắng dài di chuyển. Gần
hai chục người đứng trên sạp thuyền, đều giơ tay vẫy vời, cả tôi cũng vung vẩy
như muốn nhẩy lên vì mừng, có tiếng nói như gào:
- Đem trẻ con lên đây,
cho tàu nhìn thấy, nó mới tới cứu!
Người cởi áo trắng, áo
đen, khăn đỏ ra vẫy, vung tứ tung. Thậm chí, có người còn quấn một cái khăn
bông trắng, vào đầu chiếc đòn gánh giơ cao lên ngoáy, vẫy. Chấm trắng càng lúc
càng mờ, rồi mất hẳn. Mặt trời lặn dần xuống biển, mọi khi thì tôi say sưa
ngắm, nhưng lúc này thì hoàng hôn, hay bình minh cũng mặc. Nhìn bốn, năm cậu
thanh niên, cường tráng thật khỏe mạnh, một áng liên tưởng về mình, trước những
ngày xông vào vùng bão lửa, tôi mỉm cười với các cậu. Sau khi chuyện trò, vì là
cùng hội, cùng thuyền tôi biết một cậu tên là Bạch ở bên khu Bình Xuyên, hai
cậu nữa là Triết và Thâu dân chài lưới của Nghệ Tĩnh. Trông cậu nào cũng khỏe
mạnh và đầy sức sống, dăm ba câu chuyện đổi trao, tôi thấy mến các cậu, và các
cậu cũng thích nghe tôi nói chuyện.
Từ khi tôi biết có
chuyến đi, tôi đã nhuần nhuyễn một “vỏ bọc”: ” Tôi theo bố mẹ di cư vào Nam, bố
mẹ đã chết hết, nhà nghèo, tôi đi làm thuê, làm mướn, nay học được nghề mộc.
Thường người ta đóng thuyền, đóng bè, ai mướn tôi cũng làm để sống, biết làm
tính cộng, tính trừ, học hết tiểu học. Mánh, thấy cái tàu này vượt biên thì
tôi “căn me “(Không có tiền, thấy thuyền nào đi, thì lẻn trốn lên), may ra đi được
nước ngoài, thì đỡ khổ”.
Đại cương, tôi lựa
trong tư thế đó để nói chuyện với mọi người trong thuyền. Buổi chiều hôm ấy,
tôi thoáng thấy một vấn đề sinh tử trầm trọng, cho mọi người trong thuyền. Qua
năm sáu cậu tôi quen, tàu có 43 người, gồm cả gia đình chủ tàu. Đàn ông con
trai 16 người, năm sáu ông già, bà già còn lại hầu hết là đàn bà, con gái và
trẻ em. Từ mấy ngày qua, đây đó, tôi đã thấy những bà mẹ dội nước, từ những
chiếc thau con tắm rửa kỳ cọ, cho những cháu nhỏ. Có những bà, những cô gái, cắm
cúi rửa mặt ở những chiếc thau nhôm con.
Sáng tối, đêm ngày, tôi
để ý ở trong góc, khoang giàn máy, có một bồn nước nhỏ tròn, nằm dài chừng 2
mét, cao khoảng 1mét. Mọi người đều đến múc nước, rửa ráy hay uống ở đấy. Tôi
được biết bồn nước ấy là toàn bộ nước ngọt, để giải quyết ăn uống cho cả
thuyền. Không hề có một ai trông coi, quản lý, mạnh ai đến lấy nước giải quyết
cho cá nhân.
Con thuyền đã trở thành
vô định, cả về thời gian (chưa biết đến bao giờ), về không gian (chưa biết sẽ
trôi dạt về đâu), chỉ một trận cuồng lộ, giận khùng của biển khơi. Thuyền chạy,
thì khả dĩ phần nào chống đỡ được với mưa bão, cuồng phong; thuyền chết máy,
như chiếc lá trôi dạt giữa đại dương, ai cũng đã thấy chắc chắn nó sẽ xuống đáy
đại dương, mà nằm. Sự sống và chết cho cả con thuyền, thế mà không một ai để ý
đến. Tôi đến bồn nước mở nắp, quan sát, lấy que thăm đò, mới có hai ngày ba đêm
mà nước chỉ còn một phần ba của bồn. Dung tích của cả bồn chỉ vào khoảng gần
hai mét khối nước, bây giờ chỉ còn một phần ba thì còn lại bao nhiêu nước? Cứ
cái đà như mấy ngày nay, có thể ngay chiều nay, hay ngày mai là hết nước.
Về ăn, do thực phẩm của
mỗi người, của mỗi gia đình mang theo còn có thể e dè tự túc. Nước uống mà hết,
thì sẽ thấy tình huống ra sao? Tình trạng hiện nay của con thuyền, chỉ có trời
mới biết.
Mấy cậu thanh niên,
cũng theo tôi đang đứng chung quanh bồn nước. Những bà con ở trong khoang
thuyền ấy, sau khi hiểu ra vấn đề, đều thấy rất nghiêm trọng về chuyện nước
nôi. Một cụ già chừng sáu mươi lăm tuổi, đầu đã bạc trắng, hai má đã hóp lõm
vào, nhưng đôi mắt vẫn còn sáng long lanh, tiến lại chỗ bồn nước. Giọng nói của
cụ, tuy khàn khàn nhưng rất dõng dạc:
- Đây là sự sống và
chết của cả con thuyền, các ông phải có biện pháp thế nào. Tôi thấy nhiều người
đến đánh răng, rửa mặt, dùng nước rất là phung phí, nhất là ban đêm.
Tôi thấy sự việc này
phải giải quyết hôm nay, và ngay từ bây giờ, tôi và nhiều người thấy cần mời
chủ thuyền đến để bàn biện pháp. Cậu Triết đã nhanh nhẩu, lên chỗ phòng hoa
tiêu một lúc, rồi đi xuống cùng với một ông chừng hơn bốn chục tuổi. Tôi được
biết chủ thuyền tên là Cường, sau khi ông Cường nghe mọi người nói, ông đã
hiểu. Chính ông, đã tỏ ra tự trách đã không để ý đến và không ngờ, lại nghiêm
trọng như vậy. Nhiều ý kiến giống nhau và khác nhau, cuối cùng đều thấy cần
thiết, phải có một người, điều hành quản lý nước.
Ồn ào, xôn xao bàn tán,
ý kiến đa số, kể cả ông Cường, chỉ định tôi là người chịu trách nhiệm, quản lý
và điều hành. Tôi tự thấy không thể đảm nhận được, vì tôi say sóng, nhiều lúc
ngắc ngư “con tàu đi”, tôi thấy chính ông Cường làm công việc này là đúng và
thích hợp. Nhưng ông Cường đã giẫy nẩy từ chối, vì hiện nay vợ của ông đang sốt
nặng. Hai ngày nay không ăn uống gì ông thường xuyên phải săn sóc.
Tôi hiểu chẳng một ai
muốn làm cái công việc “không đâu” này. Bận rộn và mất thời gian, nhất là trong
lúc cuộc đời có thể đi “đứt” nay mai. Phải là một người có ý thức trách nhiệm,
với tập thể chung quanh mình. Ông già bạc đầu, hõm má khi nãy đã để hai tay vào
hai vai tôi, nói khàn khàn không ra hơi:
- Anh đừng ngại khó,
ngại khổ giúp bà con trong thuyền đi!
Tôi đã thấy chẳng nên
lằng nhằng, một sự việc không nên. Tôi giơ tay, nói với mọi người:
- Tôi sẽ đảm nhận với
điều kiện: tất cả mọi người trong thuyền đều phải chấp nhận thực hiện, những điều
đã cùng thỏa thuận đồng ý, cả chủ thuyền và cả tôi?
Mọi người nhao nhao lên
đồng ý.
Tôi nói tiếp:
- Số phận của con
thuyền chưa biết được kéo dài bao nhiêu ngày nữa, nước ở trong bồn đã gần cạn,
chỉ còn một phần ba. Ông bà mình đã dậy: Lúc còn thì chẳng ăn dè, đến khi hết
thì ăn dè, cũng chẳng ra. Vậy bắt đầu từ ngay hôm nay: Người lớn mỗi ngày hai
ly (tôi cầm một cái ly, loại tám ly bằng một lít), một ly lúc 8 giờ sáng và một
ly lúc 4 giờ chiều, trẻ con thì một ly.
Ngay bây giờ, mấy cậu
Triết, Bạch và Thâu, cùng với tôi tìm cách khóa cái bồn nước. Chỉ mở lúc 8 giờ
sáng, và 4 giờ chiều mỗi ngày.
Ông Cường, cứ nhìn theo
tôi và các cậu loay hoay làm việc, tôi biết ông chỉ đoán tôi là một khách hàng.
Tôi thì hiểu, ông chỉ có một nửa cổ phần của con thuyền, còn của thằng Lợi một
nửa, mà hiện giờ tôi là đại diện, nhưng tôi cũng chả cần phải nói ra làm gì.
Khoảng gần tối có tiếng hô hoán ầm ầm:
- Có tàu to lắm! Đang
đến gần!
Tôi và nhiều người đều
leo lên sàn thuyền, trong cái tối đen của nước và trời, rõ ràng có mấy ánh đèn
sáng. Với sự ước lượng, phán đoán các điểm sáng đó, cách xa khoảng từ 8 – 10
cây số. Có người nói: “sao chúng ta không đốt lửa lên!” Ý kiến thật hay! Thế là
mọi người moi móc giấy đủ loại, giấy báo, gói đồ v.v… Đốt lên một đống trên sàn
thuyền, trong một chiếc mâm bằng nhôm, niềm hy vọng như tràn dâng trong lòng
mọi người. Một cánh tay quàng ôm vào cổ, tôi quay lại: ồ, cháu Thủy! Thảo nào
cánh tay thật là mềm và mát. Tôi cầm lấy, hỏi giật giọng:
- Mấy bữa nay, các cháu
ở đâu?
Cháu Thủy nói như khóc:
- Cháu và thằng Thắng,
nằm mãi trong góc phía đầu mũi thuyền.
Mọi tâm tư lúc này của
tôi, đang hướng về mấy điểm sáng mơ hồ trong đêm đen, của biển trời. Tôi lấy
một thanh gỗ, khều cho đám giấy trong chiếc thau, cháy to lên. Nhưng những điểm
sáng, của chiếc tàu xa xôi cứ bé dần lại, để rồi mất hút vào cái tối đen vô
cùng, của trời và nước. Nó cũng mang theo, cả những nguồn hy vọng sôi nổi, của
mọi người trong con thuyền vô định.
Tôi quay lại, sàn
thuyền đã vãn người. Nhìn chiếc thau đốt lửa, bây giờ chỉ còn vài túm giấy cháy
dở đã tắt ngúm. Những tàn than, gió lộng của biển khơi đã quét sạch, rắc trên
những lớp sóng bạc đầu, đang ưỡn lên gào, gọi lại “nàng gió” ngày đêm. Tôi lần
mò về chỗ, mệt nhọc chìm dần vào giấc ngủ, nhiều khắc khoải lắng lo.
Hôm nay là ngày thứ
năm, lênh đênh dật dờ, trong con thuyền vô định. Nhiều người đã nằm liệt luôn,
ít còn nghe những tiếng bàn tán chuyện trò. Người tôi cũng như nhão ra, chẳng
muốn bò dậy nữa, hộp sữa ông Thọ tôi đã dùng quá một nửa rồi, mỗi ngày hai lần,
tôi chỉ mút chừng hai thìa con, rồi tôi uống nước. Tôi xin cúi đầu cảm tạ ân
nhân, đã cho tôi điều kiện để tồn tại.
Tôi nhớ buổi tối hôm
qua, một chị chừng ba mươi tuổi, bế đứa con trai khoảng ba tuổi đến bên tôi, có
vẻ lấm lét. Tay chị cầm một chiếc ca nhôm, to chừng ba phần tư lít. Chị đặt
chiếc ca xuống cạnh tôi, tay chị moi túi lấy ra một chiếc nhẫn vàng chừng một
chỉ, chị ghé sát gần tôi nói khe khẽ:
- Em biếu anh chiếc
nhẫn này! Anh giúp con em, một ca nước, nó cần pha sữa !
Tôi hơi đẩy tay chị ra
một chút, nhìn nét mặt nhăn nhó của chị và cháu nhỏ, lòng tôi xót xa như quắt
lại, tôi lắc đầu và nhẹ nhàng: “Không được chị ơi! Đây là của chung chứ có phải
của tôi đâu!”
Thái độ quyết liệt của
tôi, chị đứng dậy, bế con đi luôn. Chính ngay bản thân tôi, vì chỉ có ba thìa
sữa, tôi cần có đủ nước để trang trải trong cơ thể, nên thiếu nhiều lắm. Hàng
ngày tôi phát nước cho mỗi người, có người uống vội vàng ly vẫn còn đọng lại
vài giọt, tôi đã uống tại đấy, để lấy ly đong cho người khác. Mỗi ngày nỗi
tuyệt vọng trên nét mặt mọi người càng làm tái đi, mắt của mọi người cùng trắng
nhợt ra, tóc tai, quần áo càng lôi thôi, lếch thếch hơn. Đến ngày thứ năm tiêu
chuẩn nước, chỉ còn một ly cho cả ngày. Nước gần cạn rồi ông trời ạ !
Gần một chục chiếc
tàu, tùy theo xa gần qua lại, ngày, đêm, trưa, chiều, nhưng rồi hình như những
chiếc tàu đó (không biết của những nước nào). Chúng không hề có mắt, coi như
trên đại dương này, chỉ có một chiếc tàu của họ mà thôi.
Cả thuyền, người tích
cực vẫy vời tàu cứu nhất, cũng phải nản lòng, hình như lương tâm của thế giới,
đã bị đóng băng rồi. Tối khuya hôm đó, một trận mưa miền nhiệt đới rào rào như
đổ nước xuống, dù nhiều người đang mệt, đang ngủ đều xô lên sàn thuyền. Ai cũng
ngửa đầu, hả miệng mặc cho những hạt mưa tự do rắc vào cho nó đã, nó sướng, bù
lại những ngày, nước được coi như những giọt nhựa sống của con người.
Mấy đêm nay, tôi cứ nằm
trằn trọc, quằn quại mãi nhìn con thuyền với 43 mạng người, cứ tiến dần đến chỗ
chào từ giã cuộc đời. Bất khả kháng, nghĩ lối nào, mặt nào cũng tắc tỵ. Con
thuyền từ bốn năm ngày nay cứ trôi đi, dạt về không có một điểm nào là “chằng”
là “cứ” ở giữa cái mênh mông của biển cả. Ngày nào tôi cũng lên sàn thuyền,
nhìn ra khắp chung quanh, cũng chỉ nước và trời.
Điều tâm lý lạ kỳ, cũng
là nước biển xanh, cái mầu của những cặp thương yêu nhau mặn nồng, đã gọi là
mầu xanh của “ái ân”. Nhưng sao lúc này, tôi nhìn cái mầu xanh của bể khơi, tôi
thấy nó đen ngòm, chứa chất bao nhiêu những huyền bí, linh thiêng đe dọa. Vì nó
sắp đưa tất cả chúng tôi, sang bên kia thế giới, sẽ ngoạm và nuốt trửng, tất cả
chúng tôi nay mai vào mồm nó .
Đêm khuya tôi ngồi một
mình, dựa vào vách buồng hoa tiêu, để nghe những âm thanh của biển đêm. Bỗng
một đàn cá to tướng, đen như mun, nhổm lên mặt nước đuổi nhau. Tôi thấy rùng
mình, lạnh xương sống, tướng như một lũ ma quỷ của Hà Bá, Diêm Vương lên giễu
cợt, như báo cho chúng tôi biết: “Chúng tao sắp được ăn xác chúng mày“. Cũng
những con cá ấy ở bể nuôi cá, hay những vùng biển khi đi trên tàu du lịch, thấy
chúng hiền lành, như một lũ trẻ em nô đùa. Thế mà giờ đây tôi lại rùng mình nổi
gai ốc, vì cái uy lực huyền bí, đe dọa của chúng.
Khắc khoải trằn trọc
mãi trong đêm thâu, gần sáng tôi chợt nghĩ đến một ý niệm: Tại sao không làm
những cái bơi chèo? Trong thuyền có nhiều đàn ông thanh niên, mỗi người hay hai
người một cái để chèo? Do mặt trời từ mấy ngày nay, chúng tôi đã xác định được
Đông Tây Nam Bắc, như vậy, ít ra còn chủ động phần nào.
Chứ không như mấy ngày
nay, là cái kiểu tiêu cực: “nằm ngửa há miệng, rồi chờ sung rụng”. Sáng sớm hôm
sau, tôi tập hợp các cậu thanh niên và chủ tàu, tôi đưa ra ý kiến. Hầu hết đều
hoan nghênh và chúng tôi xúc tiến. Chủ tàu còn mấy hộp đinh năm phân khi đóng
tàu còn thừa, với những thanh gỗ có thể lấy ra được của con thuyền. Tôi lại là
thợ mộc, nên chả khó khăn gì, chỉ hai giờ sau đã có bốn cái “bơi chèo” cứng
chắc, do chế biến. Tất cả đều đồng ý là cứ chèo về hướng Bắc, rồi tùy theo cơ
trời. Chúng tôi dù muốn hay không cũng tự nguyện, xin giao cuộc sống cho đấng
tối cao quyết định.
Đặc biệt những người
chèo, tiêu chuẩn nước gấp đôi, nghĩa là họ được mỗi người một ly. Không có điểm
tựa làm chuẩn, nhưng rõ ràng ai cũng thừa nhận con thuyền có lướt đi trên sóng.
Tôi cũng được vinh hạnh mó tay chèo, tuy mệt, nhưng tinh thần của mọi người
trong thuyền, được nâng cao rõ rệt. Còn thuyền đã có những nụ cười và tiếng
nói, chứ không im lìm, như những ngày hôm trước.
Cho đến chiều ngày thứ
sáu, tức là (ngày 20/l), vẫn cứ thay nhau tiếp tục chèo, cả đêm hôm ấy. Sáng
ngày thứ bẩy, kể từ đêm 14/11, trời hôm nay đẹp lạ lùng! Nhất là vào khoảng 7
giờ sáng, có một con chim lạ, to như con chim câu, chân và mỏ đều đen tuyền, cổ
có một khoanh vàng và một khoanh đỏ, cánh và đuôi màu trắng toát. Nó không hót,
không kêu, chẳng biết từ đâu bay đến đậu ở cái chĩa ngang trên ngọn, của cây
cột ở giữa thuyền.
Mấy ông bà già tin rằng
nó mang theo cái may, cái hên cho những nơi nó đến. Nhưng tôi lại nghĩ, chim
không thể ở giữa biển, mà phải ở chỗ có đất, có cây, như thế đất liền hay đảo,
phải ở gần đâu đây. Chúng tôi đều căng mắt ra, nhìn khắp bốn phương nhưng vẫn
chỉ là trời với nước. Tôi quay ra nói với các bạn, đang chèo:
- Xin các bạn cứ vững
tay chèo? Phần thưởng sẽ đến với những người, có ý chí miệt mài, kiên định.
Con chim cứ vẫn đậu yên
chỗ cũ, bản thân tôi không có cái gì, tôi quay nói to với mọi người:
- Chắc con chim này nó
cũng đói! Nó phải từ ở nơi xa xôi, chỉ có một con thuyền này giữa đại dương,
nên đậu đại xuống nghỉ cánh. Nó cũng có hoàn cảnh lỡ “cơ” như chúng ta, bà con
ai có còn thức ăn ngô, gạo hay mì cũng được, cho tôi xin một chút cho nó !
Mọi người nhìn nhau,
chẳng ai nói một câu. Tôi hiểu, chẳng còn ai có lương thực, nên tôi ngửng lên
nói to với con chim. Cứ coi như là, nó hiểu:
- Chim ơi! Thông cảm
nhé! Chúng tôi cũng sắp chết đói và chết khát rồi! Chúng tôi cũng lỡ “cơ” như
chim thôi!
30. CỐ GẮNG, CỐ GẮNG, CỐ GẮNG NỮA
Một bà già tay run rẩy (chắc vì đói và mệt) đưa cho tôi hai
miếng mì khô bé tí, mắt bà lại nhìn con chim! Tôi hiểu, cầm hai miếng mì khô,
tôi cũng không biết làm sao cho nó ăn. Tôi buộc vào đầu một cái que một miếng,
rồi giơ lên, chẳng hiểu vì sao, con chim cứ nhìn trân trân vào miếng mồi, nhưng
vẫn lạnh lùng đứng yên, nó không thích ăn hay nó không ăn được? Nó cũng chẳng
có thái độ gì, trong khi chính tôi, sáu bảy ngày nay chỉ có một hộp sữa, nhìn
miếng mì khô, tôi cũng thèm lắm, nhưng phải mang vào trả lại bà cụ, với lời cảm
ơn thay cho con chim. Khoảng gần trưa, tôi đang nằm lim dim vì mệt, thì có
tiếng cậu Bạch kêu lên, như reo mừng:
- Ối trời ơi! ở đây có
một hòm to lương thực!
Tôi xông đến ngay,
trong một cái góc khuất, sát vào hầm máy dưới đáy của thuyền: mì sợi khô, gạo
tẻ, gạo nếp v.v. .. Tôi hiểu ngay, đây là do thằng Lợi, chuẩn bị cho chuyến đi,
ông Cường không hề biết, điều này đã nói rõ. Tôi suy đoán: chắc thằng Lợi lo mọi
chuyện cho chuyến đi, từ máy móc cho tới khâu đóng thuyền. Ông Cường hợp đồng,
chỉ là người lo bến bãi, đón khách v.v. . .
Ông Cường được nhận một
số khách nào đó, theo thỏa thuận với thằng Lợi, nhưng tới ngày đi, ông Cường đã
đưa quá nhiều khách để lấy vàng, lấy tiền, vì thế đã xẩy ra xô xát cãi lộn, để
rồi thằng Lợi đã mang con cái trở lên bờ.
Lúc này ông Cường, cũng
đã xô đến nhớn nhác nhìn hòm lương thực, tôi nhẹ đưa một câu để ông Cường này
biết điều một chút. Tôi nói to, cho mọi người cùng nghe:
- Cái này là do thằng
Lợi đây, nó không kịp nói với tôi, thì đã lên bờ rồi.
Ông Cường đang chỉ chỏ,
định giải quyết những thực phẩm đó thấy tôi nói như thế, ông ta ngừng lại ngay
như bị chạm huyệt. Tôi lờ đi và nói tiếp với mọi người:
- Lương thực này là của
chung mọi người trên thuyền. Điều quan trọng bây giờ là nước, nước chỉ còn đủ
dùng cho một ngày nữa, ăn nhiều bây giờ, lại càng phải cần nước nhiều. Do đấy,
tôi đề nghị hãy chia đều cho mỗi người một chút, rồi từ từ theo điều kiện chúng
ta giải quyết dần. Tôi xin minh định rõ ràng: Cũng như nước, quý vị đã giao cho
tôi, lương thực cũng sẽ như thế.
Nói rồi tôi nhìn các
cậu Bạch, Triết và Thâu, qua những buổi tâm tình các cậu ấy sẽ ủng hộ tôi. Hơn
nữa, tôi làm theo đường chính, thực sự vì mọi người trong thuyền. Cụ thể sau
khi tôi đưa ra ý kiến ấy, không những mấy cậu thanh niên giơ tay tán thành, ông
già má hõm (sau này tôi đã biết tên là bác Kiệt) và anh chị gần cạnh tôi (người
Miên) cũng lên tiếng đồng ý. Dù như thế, để cho nó êm vui, tôi quay lại nói như
cùng phe với ông Cường:
-Ông Cường cũng đồng ý
, giải quyết như thế phải không?
Ông Cường vừa cười vừa
gật đầu, và cũng trở gót về phòng hoa tiêu. Tôi cười bước sang khoang bên, mấy
bà, mấy cô, chào ầm lên như đùa:
- Chào ông thần nước!
Tôi biết là các bà đùa
vui, nên tôi chỉ cười.
Tôi nhờ bác Kiệt và các
cậu phân chia mỗi người một ít lương thực, tôi vẫn lưu ý là hết nước, ăn nhiều
càng nguy hiểm, cho nên chỉ từ từ ít một. Mấy ngày trước, trong những lúc ngồi
trao đổi chuyện trò với các cậu thanh niên, tình cờ tôi nắm được một ý là:
Cái hôm ở bến bãi lên
thuyền có xô xát, lộn xộn là vì ông Cường cho khách, lên thuyền nhiều quá.
Thuyền có thể bị chìm, nên thằng Lợi cương quyết không đồng ý. Hôm ấy, thằng
Lợi đã mang con lên bờ, chứ nếu không, phe cánh bên ông Cường sẽ giải quyết
thằng Lợi. Nghĩa là sẽ cho nó đi “mò tôm” ở ngay chỗ bến bãi. Tôi nghe mà người
nóng lên và buồn cho lòng con người, dễ dàng phản nhau, chỉ vì đồng tiền. Nghe
để biết vừa đủ thôi, bởi vì trong điều kiện hiện nay cứ đóng cái vai không hề
quen biết Lợi là chính.
Vừa qua tôi đã hơi vội,
nên đã lòi ra một chút, tuỳ theo sau này tôi phải tìm cách hóa giải, với ông
Cường. Mặt khác, tôi không hề tỏ ra quen biết Lợi nhiều, mà chỉ nghe nói, khi
đi đóng ghe thuê để kiếm ăn v.v. . . Vì trách nhiệm chung, cũng như nước, tôi
mới có ý kiến. Tôi để mặc bác Kiệt và các cậu giải quyết lương thực, tôi cũng
chỉ nhận phần như mọi người.
Con thuyền vẫn thay
nhau chèo về hướng Bấc, khoảng 4 giờ chiều, con chim lạ bỗng bay đi, cũng về
hướng Bắc. Như thế, càng chứng tỏ đã có chiều hướng đi đúng hướng, chỉ không
biết rõ đấy là Căm-pu-Chia hay là Thái Lan mà thôi.
Mặt trời đã chui dần
xuống biển, bầu trời cũng thẫm dần lại, bỗng từ phía Nam, một luồng sáng từ
dưới nước chạy ngược lên trời. Mới chập tối mà đã có sao chổi đổi ngôi, tôi
chưa từng được nhìn sao chổi, đổi ngôi ngoài khơi bao giờ, nên mới thấy lạ. Cậu
Triết đang chèo, chạy vội xuống khoang gọi kêu rối rít:
- Có tàu đánh cá !
Nhiều người lại chạy xô
lên sàn thuyền, đúng rồi xa xa rõ ràng có ánh đèn lấp loáng ở phía Bắc. Tôi
cũng xô đến, tiếp tay chèo với mấy cậu thanh niên, điểm sáng càng ngày càng rõ
ra, thậm chí tôi đã nhìn thấy cả bóng người đi lại. Mấy chị phụ nữ nhanh nhẩu,
cho hai tay lên miệng làm loa, gào to:
- Xin cứu chúng tôi với
!
- Chúng tôi không còn
nước uống!
Tiếng gào lẫn vào tiếng
sóng, thuyền của họ to gấp hai thuyền của chúng tôi. Có hai, ba người nhấp nhô
cũng hướng về thuyền chúng tôi, nghe những tiếng ó é lẫn vào sóng gió của biển
khơi. Tôi giơ một tay che gió ở tai, cố lắng nghe xem họ nói tiếng gì? Cao Miên
hay Thái Lan? Vì xa đến hàng trăm mét nên, không thể phân định được. Thuyền của
tôi, bà con xô lên càng đông, nhiều tiếng gào réo lên của cả đàn ông lẫn đàn
bà:
- Cứu chúng tôi với!
Chúng tôi không có nước uống!
Thuyền chúng tôi càng
gần, đã trông rõ họ mặc quần áo đen và nâu, bây giờ thì đã nghe rõ:
- Làm sao mà cứu?
Câu hỏi bất chợt, làm
chúng tôi ớ cả ra, không ai trả lời được. Chẳng lẽ nói chúng tôi đi vượt biên?
Riêng tôi thì buồn và vui lẫn lộn. Tướng rằng sẽ nghe tiếng ngoại quốc: Thái
Lan hay Miên, dù không hiểu nhưng lòng tôi sẽ vui biết mấy! Ai ngờ đâu lại là
tiếng Việt, tiếng Việt lúc này, là tê tái lòng, chúng tôi vẫn còn trong khu vực
của Việt Cộng. Rõ ràng con thuyền đó là đánh cá, cũng là lúc, tôi đã nhìn thấy
một khẩu CKC ở bên vách thuyền. Tôi kéo vội tay cậu Triết, Thâu và Bạch ra sau,
nói nhanh:
- Nếu họ sang thuyền
mình, tôi sẽ thuyết phục họ vượt biên với chúng ta, nếu không được, tôi sẽ cướp
súng của họ rồi cướp tàu Các cậu phải nhanh trí, ứng tiếp tôi nhé ! Lúc này
phải liều, để tự cứu mình !
Cả ba bốn cậu đều sốt
sắng đồng ý! Tôi vỗ vào vai cậu Thâu và Triết, nói nhẹ như khích lệ:
- Hai cậu đã là dân vệ
xứ Bình An, của cha Quỳnh mà !
Khi thuyền chúng tôi
chèo cách chừng hơn 10 mét, một người cao lớn, nói giọng chỉ huy, giơ cả hai
tay, xòe ra như đẩy lại:
- Ngừng lại đấy! Không
được đến gần!
Như vậy, họ đã có kinh
nghiệm với những người vượt biên. Họ không sang thuyền chúng tôi, và cũng không
cho thuyền chúng tôi, đến gần. Bên thuyền ấy bẩy, tám người tiến ra nhìn chúng
tôi, thuyền chúng tôi bây giờ nhiều bà mẹ đã mang cả con nít lên, ồn ào hỏi han
qua lại. Họ đã biết chúng tôi vượt biên, thuyền chết máy đã một tuần, bây giờ
xin nước uống!
Phía trên buồng lái,
mấy người ra mũi thuyền, gào sang thuyền đánh cá, để nói chuyện. (Tôi chỉ quan
sát chứ không hề lên tiếng). Nội dung những trao đổi:
Nếu ai sửa được máy,
chúng tôi chạy được, chúng tôi có hiện vật là đồng hồ, một ít tiền, vàng v.v. .
. để trả công!
(Họ cung cấp nước,
nhưng không thể sửa máy).
Chúng tôi cũng đã biết:
Vùng biển này ở bên ngoài Hòn Khoai, chỉ cách HK chừng 25 cây số. Tôi hiểu HK
cũng đã sát với vùng biển của Cam Bốt, nhưng vẫn thuộc hải phận của Việt Nam.
Cả một tuần lễ, con
thuyền chúng tôi lênh đênh, trôi đi, dạt về vẫn còn loanh quanh trong hải phận
của VN. Họ đồng ý cho nước uống, họ ném sang một đầu cuộn dây thừng, buộc giăng
giữa hai con thuyền, buộc những can nhựa, thùng nhựa lân chuyền giữa hai
thuyền, họ cho được sáu can nhựa nước uống.
Phải thừa nhận dòng máu
Việt trong con người của họ, vẫn còn hơi hướng, mầu sắc của Âu Lạc, vua Hùng.
Họ chưa mất hết như những tên Việt Cộng bị những dòng máu lai căng cộng sản,
pha trộn vào để cạn hết tình người, không còn nghĩa đồng bào, nhìn những tình
tự dân tộc như một sự cổ hủ, lạc hậu.
Bây giờ họ cho chúng
tôi ba điều kiện để tự quyết định. Thuyền của họ trong đội thuyền đánh cá quốc
doanh. Tôi hiểu, cái vòi hút của Đảng phải thò tới những thuyền đánh cá này. Có
nghĩa, trên thuyền ấy phải có một tên, của cái Đảng lai căng mất gốc:
1) Nếu muốn tiếp tục ra
đi thì cứ tự tiện.
2) Nếu muốn họ kéo vào
Hòn Khoai (họ không có trách nhiệm gì, vì họ không quen biết. Họ cứ kéo thuyền
vào, giao cho đồn công an).
3) Họ sẽ kéo thuyền về
Minh Hải, cũng giao cho đồn công an. Nhưng là nơi họ về, địa phương của họ.
Chúng tôi, kẻo hết
xuống khoang giữa của thuyền để lấy ý kiến chung. Tôi tranh thủ trao đổi vận
động các thanh niên, bác Kiệt, cả gia đình của ông Cường. Bây giờ đã có nước
rồi (Dè dặt cũng được bốn, năm ngày), lương thực dè xẻn cũng còn năm sáu ngày,
vậy hãy quyết tâm ra đi tiếp, cứ chèo sang phía vịnh Thái Lan. Một số thì im
lặng, mấy bà có con dại, cứ nằng nặc phải quay về, tôi cao giọng nói mấy nét
chính:
- Thưa bà con trong
thuyền, chúng ta đã mất bao nhiêu công lao, ngày tháng chuẩn bị. Chúng ta đã bị
hơn một tuần lễ lênh đênh, đói khát trên con thuyền vô định giữa biển khơi, vì
chúng ta đã xác định, chúng ta không thể sống dưới chế độ hà khấc sắt máu vô
thần của Việt Cộng. Chúng ta ra đi chấp nhận mọi gian khổ, thậm chí cả mạng
sống của chúng ta để đổi lấy tự do cho mình, và cho gia đình con cháu của chúng
ta, vậy đây mới là một trở ngại bước đầu, chúng ta đã nản lòng, sợ sệt quay về?
Ba chị phụ nữ dẫn năm
cháu nhỏ ra giữa, một chị đã quỳ xuống trước mặt tôi mếu máo:
- Tôi lậy ông, hãy cứu
mấy đứa nhỏ này!
Tôi choáng người, vội
vàng đỡ chị đứng dậy ngay, chị nói sụt sùi trong nước mắt:
- Đi về, đàn ông thanh
niên bất quá bị tù một đến hai năm sẽ được tha, đàn bà con gái thì một vài
tháng, rồi cũng được về. Nhưng nếu đi, thuyền không có máy, chẳng biết đến ngày
nào, không chết vì bão tố, thì cũng chết đói, chết khát. Xin các ông hãy thương
mấy đứa nhỏ, chúng nó có tội tình gì, mà bắt chúng nó chết!
Cái cá tính tình cảm lố
bịch của tôi lại nổi lên, tôi nhắm mắt, ngửa mặt nhìn lên phía trời cao. Đời
tôi đi chiến đấu chịu bao nhiêu gian khổ là cho người khác, trường hợp này cái
cá nhân của tôi đã trở thành con số không.
Tôi mệt nhọc, bước sang
khoang bên, về chỗ nằm, tai tôi còn nghe nhiều tiếng:
- Thôi quay về ! Quay
về ! Trong đó có cả những tiếng của những người khi sớm: Quyết ra đi!
Tôi nằm, tính toán lo
lắng cho phận mình: Sẽ để tuỳ theo tình huống để ứng biến !
Khi ông Cường và một số
đông xin họ kéo thuyền về Minh Hải, họ nói, còn cần ở lại đánh cá đêm nay, hai
giờ chiều mai, bắt đầu quay về. Tôi cần phải ngủ, để lấy lại sức của những ngày
vặn vò với số mệnh.
Sáng hôm sau, mặt trời
đã dậy từ lâu, ồn ào, xôn xao ở trên sàn thuyền, người tôi cũng đã phần nào
tỉnh táo, tôi mò lên và được biết thuyền bên ấy họ đã buộc hai cái thúng đậy
bao tải, dù xa hàng chục mét, cũng còn thấy khói giẫy dọn mơ hồ. Họ có nhã ý
nấu cơm nóng cho bà con thưởng thức sau một tuần không có cơm. Quả như tôi đã
suy nghĩ: Dòng máu của họ hãy còn trong lành, tinh khôi chưa bị pha thuốc mê,
thuốc độc của chủ nghĩa ngoại lai cộng sản. Tôi chợt nghĩ đến những can dầu ở
dưới hầm thuyền, không dùng đến, tôi gợi ý với ông Cường và các cậu thanh niên,
nếu họ muốn, xin tặng họ, nếu không về đồn CA, chúng tịch thu cả thuyền. Mãi,
họ đồng ý lấy năm, sáu can dầu trong hàng chục can, thuyền không dùng đến (mỗi
can hai chục lít).
Đúng hai giờ như lời họ
đã nói, họ ròng dây để kéo, cách xa thuyền họ chừng 7 mét. Quả máy thuyền của
họ thật là khỏe, họ kéo thuyền chúng tôi đi băng băng. Qua một vài sự việc tiếp
xúc tôi hiểu bên thuyền ấy có những người có tình, có nghĩa, có trước có sau.
Tôi rất tiếc, không có điều kiện tiếp cận để tâm tình, trao đổi về kiếp sống
của con người. Cho nên, điều kiện quyết định mọi sự việc trong cuộc đời.
Qua thăm dò, được biết
họ sẽ kéo thuyền của chúng tôi về thẳng đồn công an của Minh Hải (vì cuộc sống,
vì nồi cơm, họ không thể làm gì khác hơn).
Tình huống này tôi đã
cân nhắc và quyết định. Được biết thuyền kéo về đến Minh Hải, sẽ vào khoảng 10
giờ đêm. Tôi hiểu: phải làm những cái gì người ta chưa, hoặc không nghĩ tới thì
mới dễ, khi mà thuyền đã về đến đồn CA, thì khó trốn thoát. Có thể chúng có
súng và còng tay mang theo xuống thuyền, chúng sẽ bắt đàn ông xuống hết hầm
thuyền, rồi lần lượt chúng khóa tay từng người v.v. . . Vậy tốt nhất, bất ngờ
nhất, khi thuyền kéo về đến gần đồn CA, họ phải đánh tín hiệu cho nhau (đêm
tối) bằng đèn bấm, xác định khoảng cách, tôi sẽ xuống biển, lặn rồi bơi chéo về
một hướng xa đồn CA. Không ai nghĩ là tôi dám xuống ở ngoài biển, khi còn xa bờ
về ban đêm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét