Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

CHUYỆN KỂ NĂM 2000 - PHẦN 9

CHƯƠNG 25
Buổi chiều định mệnh đã đến khi hắn được gọi ra gặp mặt. Giá như không có buổi chiều hôm ấy, không có buổi gặp mặt chiều hôm ấy, hắn đã được tha từ đầu năm 1972 rồi. Có nó, nên ông ấy đã bàn lại, cân nhắc lại và thấy rằng không thể tha hắn được. Các ông ấy đã định tha, nhưng các ông ấy đã nghĩ lại. Hắn phải tù thêm mười bốn tháng nữa. Mười bốn tháng chẳng là bao so với một đời người. Nhưng mười bốn tháng tù là đáng kể. Một ngày tù dài bằng mười thế kỷ ở ngoài đời. Hơn bốn trăm ngày nào ít ỏi gì đâu. Hơn bốn trăm ngày, nhưng lại có hai cái Tết tù, bốn cái bánh chưng con và sáu lạng thịt trâu kho ăn Tết.

Vả lại nào có biết đâu khi bị giải trở lại Q.N để đi tù tiếp, mình chỉ tù tăng hai này có mười bốn tháng. Mười bốn tháng ghê sợ thật, nhưng còn ghê sợ gấp vạn lần là ý nghĩ tuyệt vọng, lần này đi là không có ngày về. Tù không án, các ông ấy đã tốt, đã định tha, thế rồi mình không kìm giữ được, vẫn cứ nghĩ sao nói vậy, khiến các ông ấy thấy nếu cho mình ra, mình vẫn chủ quan, mình làm đơn từ kêu khiếu cửa này cửa khác, phiền đến các ông ấy. Dù cái sự phiền hoàn toàn không đáng kể, không thể là mối đe dọa tới uy tín của các ông. Vì hắn làm sao chống lại được cả Sở Công an và nhất là chống lại một ông lãnh đạo toàn bộ khối nội chính bao gồm cả ba ngành công an viện kiểm sát, tòa án, với bề dày thành tích như một huyền thoại, với quyền sinh quyền sát trong tay. Nó chỉ có thể là một mối bạn tâm nhỏ nhoi. Nhưng ngay mối bận tâm nhỏ nhoi ấy, một chút gợn lên ấy cũng không thể có. Bởi thế nên lại từ 75 ra đi làm sao dám nghĩ đến ngày về. ôi! Chút lòng trung thực từ sau xin chừa . Đã bao lần tự nhủ thế rồi mà cái tật nghĩ sao nói vậy vẫn không sửa được.
Lẽ ra không có tăng hai, không đi coi vườn, không lên V.Q, không gặp Lượng, Cân, Phổ. Lẽ ra không phải chịu mười bốn tháng khổ đau, không nhìn A Thềnh chết, không thấy chiếc xe công nông nổ bành bạch chở xác anh Mán ra rừng. Sau này khi nỗi đau đã dịu, nhìn về quá khứ mười bốn tháng ấy (chỉ bó gọn trong mười bốn tháng tù thêm ấy thôi) như người ngoài cuộc đứng nhìn vào cuộc dời ai đó, hắn tự bảo: Chẳng nên ân hận làm gì. Số phận đã bắt nếm chén đắng cay thì đành cạn chén. Khi đã là vật thể nghiệm, hãy thể nghiệm hết mình. Nhưng rồi nghĩ tới bố mẹ giờ đây khuất núi, nghĩ tới Ngọc, tới các con, những người ruột thịt vì hắn mà phải chịu thêm mười bốn tháng khổ đau, hắn lại thấy vết thương đã lành dấu rồi bỗng dưng rỏ máu. Cõi mù mịt ấy của số phận lẽ ra đừng nên có. Cõi tuyệt vọng ấy đừng nên có đối với những người thân.
Và nó bắt đầu từ buổi gặp mặt ở 75. Chao! Một khi cứ nghĩ rằng sau buổi gặp mặt ấy là được về với Ngọc. Dù đã tập cho quen với thất vọng, luôn xác định rằng đời mình là một chuỗi những khốn nạn liên tiếp nối nhau mà sao khi xảy ra vẫn không thể nào chịu nổi, vẫn là quá sức chịu đựng của một con người.
Đang kể chuyện các trại trung ương cho anh em trong B nghe, hắn vội theo ông quản giáo đi ra. Lúc ấy đã tan tầm. Chỉ một mình hắn được ra gặp mặt, không một phạm nhân nào khác nữa. Rõ ràng đây là một cuộc gặp mặt đặc biệt dành cho hắn. phòng gặp mặt cũng là một phòng làm việc nào đó của cán bộ. Ông Lan, anh Thân (anh thứ hai của hắn) và Ngọc. Hắn biết tan tầm vì Ngọc nói: "Vừa tan tầm là em đến đây ngay”. Ngọc mới nhận được tin hắn về sáng nay. (Trước đó trong những cuộc họp cán bộ toàn thành phố, anh Thân đã được nhiều người kín kín hở hở rỉ tai là đã có chủ trương cho hắn được về). Ngọc và anh Thân được mời lên Sở Công an, người ta thông báo hắn đã đứợc chuyển về 75. Sở Công an yêu cầu gia đình và anh Thân giúp đỡ bên an ninh để hắn trở thành người công dân tốt. Và chiều nay, lúc tan tầm hai người có thể vào thăm hắn. Ngọc mua vội mấy gói kẹo mang vào cho hắn. Nhìn nét mặt Ngọc, hắn hiểu Ngọc hy vọng như thế nào. Ngọc gầy guộc, cam chịu, ít nói, nhưng hắn đọc trong mắt Ngọc niềm hy vọng lớn lao. Bên cạnh niềm hy vọng ấy, hắn còn cảm thấy nỗi lo sợ bị thất vọng. Anh Thân vẫn như vậy. Vào tuổi anh ít có thay đổi.
Và ông Lan. Gặp ông hắn bàng hoàng. Hắn lại nhìn thấy ông, nhìn thấy định mệnh. Định mệnh của hắn hiện thân thành một con người. Mắt sắc lạnh, mặt dài hơi gẫy, môi mỏng dính. Hắn đã quên hẳn ông rồi. Đi trại trung ương hắn không nhớ tới ông nữa. Hắn chỉ nhớ tới bố mẹ, vợ con. Hắn chỉ nghĩ tới củ khoai, mẩu sắn nhặt được ở dọc đường. Bởi hắn đói. Hắn phải đi làm khổ sai. Hắn phải tồn tại.
Về 75 hắn chỉ nghĩ tới việc được tha. ở đây, đêm nằm nghe vọng tiếng còi ô-tô tải, nghe chương trình nhạc tập thể dục buổi sáng, hắn cảm thấy bằng tất cả các giác quan hơi thở và nhịp điệu của thành phố. Thành phố hắn đã yêu đến từng viên đá lát vỉa hè, từng làn khói nhà máy. Thành phố lúc nào cũng mang mùi gió biển. Thành phố quê hương hắn đã về làm việc và sinh sống. Hắn đã rời Hà Nội về đây, nghe theo tiếng gọi của Đảng, nghe theo lời khuyên của các nhà văn đàn anh, mơ ước và tin tưởng đầy lòng, chắt chiu tích cóp từng chi tiết cuộc sống với khát vọng sẽ khái quát một giai đoạn mới của thành phố đã sang trang. Tác phẩm của hắn sẽ dầy ánh nắng là tiếp theo những trang đen tối của đời thợ trong Bỉ vỏ, Sóng gầm .
Nằm ở 75 lần này hắn thấy gần nhà lắm rồi. Từ đây về nhà hắn chỉ mười lăm, hai mươi phút xe đạp. Dọc bờ sông Trà thẳng đến nhà băng, quành về Ngã Bảy. Hắn hình dung rõ từng ngọn cây, những dòng người đi xe đạp ngược xuôi. Hắn hình dung ra căn buồng của hắn, vợ con hắn.
Hắn vẫn nằm ở dây mà nhà hắn chỉ cách đó một đoạn đường. Hắn thức trắng đêm. Hắn nghĩ ngợi. Hắn nằm im, mắt mở chong chong. Chờ đêm qua. Chờ sáng. Chặng đường hắn đã đi... Dài. Đen tối. Sắp tới nơi rồi. Trời sắp sáng rồi.
Hắn chỉ nghĩ vậy. Hắn đâu có nghĩ đến ông Lan.
Nhìn thấy ông, hắn bàng hoàng. Thì ra số mệnh hắn gắn chặt với ông. Thì ra trên đời vẫn còn có con người này. Thì ra ngồi ở đây, nhưng ông vẫn không rời mắt khỏi hắn suốt chuỗi ngày dài vô tận ấy, ngay cả khi hắn biệt xứ trong rừng sâu các trại trung ương.
Ông Lan ngồi đó như một cái hố sâu chắn ngang con đường hắn trở về. Như bức tường đá cao vút, kiên cố, bên trên có hàng rào dây thép gai chạy điện của trại giam này mà hắn không thể nào vượt qua.
Ông Lan ngồi đó, mặc áo bông xanh cười nói với anh Thân (rõ ràng trông ông già hơn hắn), như một tai ương được báo trước. Như một tiền kiếp nào đó đang nói về những bước đường hắn phải trải qua, khỏng thể nào tránh được.
Ông Lan ngồi đó chập chờn như một ảo ảnh nói chuyện với vợ hắn (lúc này trông ông trẻ hơn hắn) là hiện thân cho toàn bộ sức mạnh của cỗ máy khổng lồ nghiền nát đời hắn, đời vợ hắn.
Nhưng ông Trần đã quyết định. Ông Trần là giám đốc, là thường vụ. Một quyết định của ông Trần không ai được bàn cãi. Ông Trần đã nói với anh Chân. Cả ông Trần, cả ông Lan dều không thù hằn gì hắn. Ông Lan có thể đã dính líu quá sâu vào vụ này, chứ ông Trần thì không. Một ông thường vụ vào sinh ra tử, toàn thành phố nhìn vào, nhất định sẽ công tâm. Hắn tin như vậy. Hắn tin hắn sẽ được tha, bởi ông Trần đại diện cho công bằng và nhân ái, bởi hắn không có tội.
Ngọc nói: "Anh đã về gần. Mừng lắm. Cả nhà mong anh về”.
Bao giờ nhìn Ngọc hắn cũng cảm thấy vừa gần gũi, vừa xa vời. Ngọc đấy, cách hắn một cái bàn con, nhưng là hai thế giới. Ngọc đâu có phải đi từ nhà đến đây. Em đi suốt nghìn đêm thương nhớ lại. Hắn đã có một câu thơ như vậy sau buổi gặp Ngọc ở Q.N. Hắn cũng không phải đi từ buồng giam ra gặp Ngọc. Anh giết dần từng giây địa ngục đợi chờ em.
Anh Thân vẫn với vẻ xã giao mềm mỏng như bản chất của anh:
- Các anh bên công an nói với tôi sẽ giải quyết cho chú về, nhưng chú phải xác định...
Hắn đưa mắt nhìn anh Thân như chính anh đang lăng mạ hắn. Anh Thân bỏ dở câu nói. Ông Lan hướng cặp mắt quyền uy vào một thính giả vô hình.
- Đúng. Trước hết anh phải xác định được những sai lầm của mình. Phải nhận thức được thiếu sót của bản thân. Chúng tôi giam giữ anh không ngoài mục đích ấy.
Còn gì trắng trợn hơn. Gian dối hơn. Đạo đức giả hơn. Đểu hơn. Hắn bình tĩnh:
- Thưa ông. Cho đến giờ tôi chưa được biết tội của tôi. Chưa ai nói cho tôi biết tôi có tội gì.
Ông Lan cười nhạt, quay về phía Ngọc và như thanh minh: “Đấy. Anh ấy cứ thế. ”
Sau này hắn tự giày vò, nguyền rủa mình vì đã nói ra câu ấy. Giá hắn đừng thấy nghẹn nơi cổ. Giá hắn đừng nói. Bình tĩnh trước những lời giả dối. Dùng cái giả dối để ứng xử với sự giả dối như bao người đã làm thì đâu đén nỗi. Hắn lại phải trở lại Q.N như số mệnh đã hẹn trước. Như mũi tên đã lắp lên dây cung căng sẳn. Cứ thế lao di, vào cõi mịt mù của số phận. Tết đó hắn ở 75. Đó là cái Tết thứ tư trong tù. Sau Tết mấy ngày, hắn bị đưa đi. Tinh mơ, ông già B trưởng đã kể chuyện giấc mơ của ông ta. Ông mơ thấy ô-tô đến đón người trong B ra đi. Hắn chẳng nghĩ ngợi gì. Dạo ấy hắn không tin mộng triệu. Hắn vẫn chờ được trở về. Điều hắn nói với ông Lan có gì mới đâu. Hắn đã nói với ông Lan nhiều lần. ở Q.N hắn đã làm nhiều đơn kêu oan. Đến lúc anh em lục tục trở dậy, gấp gọn nội vụ dể ngay ngắn sát tưởng thì có tiếng mở khóa buồng giam.
- Anh Tuấn mang hết nội vụ ra ngoài.
Hắn ra đi, còn nghe thấy tiếng ông B trưởng nói khe khẽ:
- Tôi mơ thấy có xe ô-tô đến đón mà.
Cho đến lúc ấy hắn vẫn nghĩ rằng hắn có thể được về. Nhưng khi đã dặt hòm xiểng, chăn màn, cặp lồng, túi và ngồi trên chiếc xe com-măng-ca Rumani đít vuông thì hắn hiểu cái gì đang chờ hắn. Hắn hiểu hắn lại tới chốn nào. Sau này khi đã được tha, đọc lại những bức thư viết cho vợ thời gian đó, hắn sống lại nỗi đau ngày ấy.
Em của anh vô cùng thương và yêu quý!
Anh đã hai lần viết thư cho em. Hẳn em không nhận được. Anh đã nhắn nhiều tin về cho em. Anh trở lại Q.N như định mệnh bắt phải về. Thôi thì cho là chúng ta không có cuộc đời nữa. Khi mà họ cố tình. Van xin thế là đủ. Giờ phải đấu tranh. Anh đã xin gặp ban giám thị trại, nhưng các ông ấy không cho gặp. Vì có lẽ cũng ngoài sức giải quyết của các ông ấy. Sức khỏe anh ngày càng yếu. Anh chỉ mong em đừng do dự. Và khi nguồn thành phố đã tắt thì phải mở bằng được con đường Hà Nội. Gửi đơn đi các nơi. Và phải dùng biện pháp tích cực nhất: Trực tiếp gặp các vị lãnh đạo.
Trong những chuyện này em phải có nghị lực. Đưng nghe lời bàn tán hoài nghi của thầy mẹ, các anh. Anh tin rằng trực tiếp gặp các vị lãnh đạo sẽ giải quyết được tất ca. Đảng bao giờ cũng sáng suốt. Hắn em cũng tin chồng em hoàn toàn vô tội. Anh đã chứng minh rằng anh theo Đảng, chứ không chống Đảng. Họ không bác bỏ anh khi có mặt anh. Sao bây giờ họ lại nói tội của anh với em, với các anh một cách vắng mặt anh như vậy. Và không nhận tội thì không được về. Nhưng nhận tội gì đây. Không nhận tội thì tù đến bao giờ. Phải có lòng tin rằng sự thật sẽ thắng, Đảng rất quan tâm đến con người, em ạ. Để có quyết tâm và không tuyệt vọng.
Trở lại Q.N anh mới nhận được thư em viết trước Tết kể chuyện em đón con Thương ra chơi ngày Nôen. Anh không dám đọc nữa. Đến bây giờ sắp 1-5 rồi, anh vẫn không dám đọc lại bức thư em. ôi! Lẽ ra anh đã được về rồi. Không còn ở trại Q.N này để nhận nó, đọc nó. Anh không dám cầm đến nó. Và vẫn chưa đọc hết nó. Thư em gửi Giang đã nhận được.
Chúng ta hy vọng gì ở tương lai. Anh chỉ nghĩ đến nấm mồ chờ anh và chờ tất cả mọi người. Bởi vì bất kỳ ai rồi cũng đều phải từ biệt thế giới này. Cuộc sống thật là một điều kinh khủng. Ngày gần đây anh còn hy vọng được trở về trông thấy bố mẹ già. Giờ đây hy vọng ấy cũng tắt rồi. Anh phải tiêu diệt nó ngay từ bây giờ, để sau này, khi anh trở về mà bố mẹ không còn, hoặc khi anh chết không về gặp được bố mẹ nữa thì cũng quen được với điều đau đầu ấy.
Em! Thương em vô cùng. Thương các con quá. Bao giờ tôi được ôm ấp, vuốt ve các con tôi. Bốn năm rồi tôi không trông thấy chúng. Chúng đã lớn. Chúng đã lớn, nhưng với anh chúng vẫn bé bong như những ngày anh mới bị vào tù. Vẫn những tiếng nỉ non, những trò chơi bốn năm trước - Và lẽ ra giờ đây anh đang chơi đùa với chúng.
Em của anh! Em đã chịu tất cả những đắng cay mà một người có thể chịu. Bao giờ gặp lại em. Gặp lại tình yêu của anh, niềm hy vọng của anh mà nhờ có nó anh đã sống qua được những ngày này.
Nếu em không làm được việc kêu oan cho anh, thì anh không có ngày về. Sự thật là như vậy. Đừng lên thăm anh làm gì. Vất vả quá. Khổ thân em. Anh đã quen chịu đựng...
Bức thư khá dài này không phải chuyển theo đường chính thức của trại (mỗi tháng trại cho gửi một lần). Bửc thư kể lể khổ đau và dặn biện pháp đấu tranh này chắc chắn nhờ một bạn tù được tha giấu mang về cho vợ hắn. Nhưng hắn không nhớ được người hắn gửi.
Đã lâu quá rồi. Hắn chỉ nhớ cái xe com-măng-ca đít vuông đã chở hắn đi. Hắn nhớ vì cái sản phẩm Ru-ma-ni ấy được cải tiến mà hắn không tưởng tượng nổi. Nhìn bề ngoài nó hoàn toàn là một cái xe bình thường. Nhưng bên trong được ngăn thành bốn ô. Bằng sắt và tôn lá. Bốn cái xà lim lưu dộng.
Chỉ có một mình hắn trong một ô cuối. Hắn dán mắt vào miếng kính to bằng bàn tay ở đuôi xe, nhìn con đường phía sau. Rồi hắn ngồi xuống ghế. Nhắm mắt, hắn cũng biết xe đi về đâu. Con đường này hắn đã đạp xe ít nhất mỗi tuần hai lượt. Lượt về. Lượt đi. Thuộc từng cái dốc, từng ổ gà. Mấy chục năm nay.
Xe qua phà được khoảng hai mươi phút. Hắn đoán đã đến chỗ rẽ. Rẽ phải. Nhưng xe lại quẹo trái. Xe đi lối tắt rồi. Nghĩa là về đúng qua đầu làng hắn. Đang ngồi hắn nhổm lên nhìn qua ô kính tí xíu. Không nhìn ra được phía trước để thấy quê hương từ xa chạy lại gần mình. Hắn nhìn về phía sau. Kia rồi. Đã qua cái lò gạch. Nghĩa là sắp đến lối rẽ vào làng. Con dường này, vợ chồng hắn đã đèo nhau trên chiếc xe Thống Nhất vợ hắn được phân phối. Những chiều thứ bảy đạp xe về. Tắm rửa, giặt giũ cho các con. Cởi hết quần áo của chúng, rồi ôm lấy những thân hình nhỏ nhoi, trần truồng, thơm tho, giẫy giụa ấy mà kỳ cọ. Dù chúng có nô nghịch, bẩn thỉu, đất cát, mồ hôi mồ kê cũng vẫn là thơm tho. Rồi dọn mâm chõng ra sân ăn cơm với bố mẹ. Vừa ăn vừa nhìn trời chiều xanh trên đầu, trời chiều xanh bốn chung quanh. Những chiều chủ nhật đạp xe đi. Các con líu ríu ra cổng tiễn. Bố mẹ dặn dò phải cẩn thận bom đạn. Hẹn với bố mẹ, hẹn với các con chiều thứ bảy tới lại về.
Lại đèo nhau trên chiếc xe đạp phân phối. Không thấy ngại. Không thấy mệt. Có những hôm phà chết máy, những hôm giờ cao điểm, tắc nghẽn, ghi-đông xe đạp cứng ngắc ở cửa bến, tiến không được, lùi không được. Những hôm máy bay bắn phá phải vòng lên đi lối Bến Kiền, nhá nhem rồi còn vác xe lội bãi lên đò, phù sa trơn nhẫy, hai vợ chồng bị bọc kéo nhau suýt nhào cả xuống sông. Qua đò là tối mịt. Có tiếng bà mẹ khóc con hy sinh trong B thảm thiết từ một xóm vọng ra. Tối như bưng. Càng tối vì hai bên đường những cây phi lao cao vút. Chợt tất cả như cô đặc đen kịt lại. Hoảng hồn phanh vội. Cho cả chân xuống đất mà phanh. Thấy hai đứa đã chui vào gầm một xe chở tên lửa đỗ ven đường. Tám chín giờ tối mới về đến đây. Đến đây là coi như hết mệt nhọc. Là sắp sửa tới nhà.
Đây rồi. Con đường rẽ vào làng. Con đường đất núi đỏ au. Hai hàng bạch đàn sóng nhau chạy từ đường cái qua cầu vào đến đầu thôn Nội. Đi giữa hai bờ tre rợp bóng tới một khúc ngoẹo là về thôn Ngoại.
Chỗ đó là ruộng lúa. Hai vợ chồng hắn đã để sổng con vịt mua phiếu ở đó. Nó tuột dây trói chân, nhảy xuống ruộng. Hắn vội để ngả xe đạp ở bờ đường, lội xuống ruộng. Ngọc cũng xắn quần lội. Hai người lừa, dồn nó vào chỗ dặt ngả xe đạp. Hắn túm được con vịt khi nó đang leo dốc lên đường cái.
Con vịt. Con đường làng. Con đường quành ra đầu trạm xá, đi qua chợ đến một dầm nước mênh mông. Con đường dẫn đến nhà hắn. Cái cổng tre. Vườn. Sân... Bố mẹ hắn đang ở đấy. Con hắn đang ở đấy, Ngọc đang ở đâu? Còn ở đây hay đã sang phố đi làm rồi, em ơi!
Bấy giờ vẫn còn là Tết. Kìa một làn khói lên. Lúa xanh. Tre xanh. Xa rồi. Mất hút rồi. Hắn vẫn dán mắt vào cửa kính. Đã thấy một thị trấn nhỏ. Đến làng Xuân Lãng rồi! Đu. Một gốc đu. Đông người. Một em nhỏ, ba người đàn ông có tuổi ăn mạc đẹp đi trên đường. Chắc là đi chúc Tết.
Qua làng rồi Hết rồi Hắn ngồi phịch xuống ghế, nhìn bốn bức tường thép hẹp xung quanh. Ngọc ơi! Có biết anh đi rồi không? Ngày về không có đâu, em ạ. Xe qua một ổ gà. Hắn bị xóc, đầu đập vào tường thép.
Chiếc xà lim đi động hẹp. Rất hẹp. Vẫn lăn đi.
 CHƯƠNG 26
Bữa cơm đầu tiên hắn ăn với gia đình hắn. Con Thương và anh nó, thằng Hiệp ngồi đầu nồi. Cả nhà quây quần quanh cái mâm nhôm chỉ có hai món: Một quả trứng bác dành cho bé Dương và một bát ô-tô cá khô nấu với rau diếp, sáng tác của thằng Hiệp. Nó không muốn chơi với thằng Dương. Việc khó khăn ấy, nó đẩy cho em nó. Nó nhận phần nấu cơm.
Sau những giây phút choáng váng vì niềm vui bất ngờ quá lớn, Ngọc đã để ý ngay đến nữa cơm. Nhìn mấy chiếc lá rau diếp chín nhũn trong nồi riêu cá khô, nàng định xuống thang ra Ngã Bảy, nhưng khi biết bé Dương có tiêu chuẩn một quả trứng gà bác với cà chua, hắn nhất định giữ Ngọc lại. Hắn không muốn Ngọc đi đâu cả. Hắn không muốn xa Ngọc trong lúc này.
- Anh ăn kiểu gì cũng ngon mà.
Trừ mỗi mình thằng Hiệp ăn vội. Còn cả nhà vừa ăn vừa nhìn ngắm nhau. Vắng đàn ông lạnh nhà, vắng đàn bà lạnh bếp. Hắn đã về. Căn nhà của mấy mẹ con không lạnh nữa rồi. Cái Thương vừa ăn vừa bón cho em. Nhưng bé Dương không nghe, cứ đòi bố chúc. Nó vẫn chưa hết bỡ ngỡ vì có cả một người bố đang ngồi trước mặt nó, chúc cho nó, ăn cơm cùng với nó, với mẹ Ngọc, với các anh chị. Thỉnh thoảng nó lại ngừng nhai nhìn bố chăm chú. Hắn cũng nhìn nó ân yếm và đưa tay vuốt vuốt đứa con mà hắn biết hắn có từ gần bốn năm nay, nhưng đến giờ mới được nhìn thấy.
Đúng như Ngọc viết trong thư gửi cho hắn khi hắn còn ở tù: Anh cứ hình dung bé Dương giống hệt thằng Hiệp, nhưng lại có lúm đồng tiền nữa. Ai cũng khen xinh. Có hôm nó bảo: Xinh thế mà chẳng được cái gì ăn cả. Buồn cười lắm, anh ạ. Hắn nhìn Ngọc và thấy Ngọc đang nhìn mình như muốn hỏi: “Em nói có đúng hhông”. Hắn gật đầu: “Đúng".
Thằng Hiệp lùa vội mấy bát cơm, buông bát đũa, lấy xe đạp của mẹ xuống gác: “Con đến chú Bình, đến bác Thân đây, rồi mẹ cho con mang xe đạp đi học luôn, không muộn mất, mẹ ạ". Hắn thấy con hắn đứa nào cũng lớn quá. Lạ hẳn. Nhưng hắn vẫn nhận ngay ra là con hắn.
Bé Dương đứng lên, nắm chặt hai tay, răng nghiến lại (để biểu hiện quyết tâm của nó) nói:
- Mẹ về ông bà bắt bốn con gà của con cho bố.
Ngọc và con Thương cười vang. Để hắn hiểu hết ngọn nguồn câu nói ấy, Ngọc bảo:
- Chả là thế này. Em mua cho bốn đứa bốn con gà. Em Dương nhận hết bốn con: Của con, của bố. Con chị chúm chím cái mồm, bắt chước thằng em, rồi bảo:
- Em hôm nay hào phóng thế nhỉ. Cho bố cả bốn con.
Hắn xốc bé Dương lên lòng. Bé vẫn tiếp tục câu chuyện của bé:
- Mẹ phải về ngay đấy.
Bé Dương, cái sinh linh kỳ diệu nhỗ bé của hắn mà hắn đang bồng bế trên tay được nuôi trong bụng mẹ bằng nước mắt là kết quả tình yêu giữa hai vợ chồng trong những ngày tự do cuối cùng của hắn khi hai người còn được gần nhau, khi hắn đưa nàng đi học. Đó là những ngày mãi mãi chói sáng, mãi mãi tươi đẹp, mãi mãi ghi nhớ trong cuộc đời tăm tối của hắn. Bởi bản thân sự tuyệt diệu của những ngày ấy. Bởi sau đó là tù tội, là chia cắt, là đen tối. Nào ngờ chuyến đưa Ngọc lên trường đại học, trở về thì bị... Nào ngờ xa Ngọc lần ấy là đi vào cõi khác. Cuộc đời hai vợ chồng cũng giống như những cây phi lao trồng dọc đường quốc lộ, trồng dọc hai bên đường Thanh Nguyên, từ phà Tắm về nhà bố mẹ.
Khi đưa Ngọc đi, hàng cây xanh tốt biết bao. Khi để Ngọc ở trường trở về, hàng cây mơn mởn đang tuổi trưởng thành với những cành lá kim xanh trĩu nặng xếp thành hình chóp đã bị vặn cụt ngọn, những thớ gỗ ở chỗ gẫy đó xoắn lại đứt phựt như người ta xoắn vặn nắm rau muống. Cái vệt cơn bão số 7 năm 1968 đi qua còn để lại, cơn bão muộn đã gần cuối thu thật hãi hùng. Cũng như cây bị xoắn đứt ngang thân, ít lâu sau hắn bị bắt. Hay đó là điềm báo trước mà hắn không biết. Hạnh phúc và tai họa gần kề nhau như thế đấy. Lúc hàng cây đang xanh, lúc hai vợ chồng ngồi trên tàu hỏa lên Hà Nội và đi tiếp đến trường trong lòng biết bao náo nức là lúc cơn bão đã hình thành đâu đó ở biển Đông. Và cũng lúc ấy người ta đã lập hồ sơ chuẩn bị bắt hắn rồi.
Chuyến đi cùng nhau năm ấy lên trường đại học sẽ vĩnh viễn nằm trong trí nhớ hắn. Chỉ cần quên hết chung quanh, chỉ cần bật một kênh nào đó trong dĩ vãng là có một con tàu đang lăn bánh trong buổi chiều tà hầm hập, tiếng bánh gang dằn vào những chỗ nối, tiếng còi giật lên vang vọng, trong toa người đứng người ngồi chen chúc như nêm.
Và cũng bởi vì còn đang chiến tranh, chưa biết tàu chỉ chạy đến ga nào, đến đâu thì phải xuống để về trưởng. Địa chỉ trường Ngọc sẽ học hoàn toàn mới mẻ đối với cả hai. Nên hắn lấy vé tới ga cuối cùng. Ga Vũ ẻn.
Đó là chuyến tàu đưa Ngọc đến tương lai để bằng chị bằng em, bằng bè bạn. Cuối cùng mơ ước học đại học của Ngọc đã thành sự thật. Nàng đã phấn đấu. Liên tục đạt danh hiệu lao động tiên tiến. Có thừa số năm công tác quy định. Cơ quan đã cử nàng đi. Nàng thức đêm ở giường khi hắn ngồi cày ở bàn. Để ôn tập.
Tàu đi. Tiếng rầm rập mà nghe như tiếng hát ca. Nóng ngột ngạt, nhưng câu chuyện của hành khách trong toa vẫn cứ vui vẻ từ chuyện này nhảy sang chuyện khác. Dù đã tối rồi chẳng nhìn thấy mặt nhau. Đột nhiên tàu đưng lại. Nhao nhao. Đỗ đây à? Còn chay nữa không? Thôi. Cứ xuống đứng cạnh đường sắt một lát cho mát.
Hàng quà nhiều. Đèn con sáng như sao sa. Những bà mẹ, những em bé, những n. ười vợ của một vùng quê mang ra đây nắm cơm nếp đỗ đen, quả bòng, quả na, nồi bún riêu, mẹt thuốc lá. Tàu lại chuyển bánh. Tất cả bám đu lên. Rồi trời đen kịt lại. Tàu đang đi vào một vùng gió mát lạnh hơi nước. Mặt mũi nóng bừng dịu lại. Mưa. Mưa chéo. Gió ào ào bên ngoài. Cánh cửa đóng kín: nhưng vẫn có những giọt nước li ti bắn vào mặt họ. Ngọc ngồi nhích lại gần hắn. Tiếng hồng hộc của con tàu đang lao đi trong đêm mưa gió làm hai người quên được một chút lo lắng đến quãng đường còn lại. Nó có cái gì động viên, kích thích họ. Thế rồi cơn mưa tạnh đột ngột như đã đột ngột trút nước. Gió nhẹ. Cửa mở. Mát lạnh hai má. Tàu dừng hẳn. Lần này thì xuống tàu thật rồi. Hai vợ chồng chờ lấy xe đạp. Về đâu?
Những người bán hàng mời chào. Có cả những quán nhỏ, treo đèn, có ghế có bàn. Hắn và Ngọc ăn phở. Hắn thích ăn phở.
Khi trả tiền ông chủ quán xong, như một phép mầu, số hành khách xuống tàu đã biến đi đâu hết. Chỉ còn lại hai người. ông hàng phở chỉ cho họ biết lối đi ra đường quốc lộ. Con đường tối lượn quành sát một sườn núi bị vạc hoắm vào.
Hắn và Ngọc nhìn nhau. Ngọc nhìn quanh và phát hiện có một ánh đèn giữa cánh đồng phía xa. Họ nhận ra đấy là cánh đồng vì trăng đã lên. Một vầng trăng muộn to lớn trên bầu trời không một hạt bụi. Một vầng trăng muộn tuổi thơ.
Hai người dắt xe về phía đó. Như những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ trong rừng, trèo lên cây cao thấy ánh lửa trong nhà phù thủy đằng xa.
Nhưng họ không phải là những đứa trẻ và đấy cũng không phải là nhà của phù thủy. Đấy là một nhà kho hợp tác giữa đồng. Sân gạch rộng. Lúa tháng Tám xanh trĩu lá chung quanh trải ra đến mờ sương. Làng xóm chỉ là một vệt đen mãi xa.
Hắn dắt xe thiếu nhi Liên xô (anh Chân đã mua cho hắn cái xe này), Ngọc dắt xe Thống Nhất với chậu men, túi dết, ba-lô, túi xách...
Một người đàn ông đứng tuổi đang ngồi lau súng giữa nhà. Nghe hắn trình bày, ông ta vui vẻ:
- Cô chú cứ nghỉ ở đây!
Ông ta pha nước, nói về cơn dông, về đường đi đến cái xã có trường Ngọc học sơ tán. "Cũng gần đây thôi. Hai chục cây số nữa là đến, dễ đi lắm ".
Rồi ông ta đứng dậy:
- Súng đây. Chú trông kho giúp tôi. Hợp tác hôm nay giết lợn. Tôi đi lấy ít lòng ra anh em mình uống rượu.
Người sao đáng yêu. Vừa gặp đã tin ngay. Không hỏi giấy. Không hỏi đăng ký kết hôn. Lại trao cho cả súng. Có lẽ mặt mũi bọn hắn trông cũng lương thiện.
Khi đó con người đối với nhau còn tốt. Còn có lòng tin. Còn coi nhau như anh em.
Đi gần hết sân, ông thủ kho quay lại:
- Bể nước mưa đầy ở đầu nhà đấy. Rửa mặt mũi đi. Hay là tắm luôn cho mát.
Ông đi và mất hút vào cánh đồng mờ mờ hơi nước.
Trong xà lim hắn đã nhiều lần nhớ lại đêm hôm ấy Ngọc cũng biết hắn đang nghĩ tới điều gì. Nàng bảo:
- Chuyến vừa rồi lên thăm anh, em lại đi qua Tam Dương. Cùng một lối đi, anh ạ.
Nàng chỉ nói vậy. Hắn hiểu, điều đó với nàng có ý nghĩa gì. Con đường ấy sáng hôm sau hắn với nàng từ biệt ông thủ kho ra đi. Rồi từ Vĩnh Tường ngược lên. Vừa gò lưng đạp xe trên con đường nhựa hai bên trồng toàn những cây bồ kết dại vừa đọc Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ơi . Mỏi là ngồi nghỉ. Mua na ngồi ở gốc cây vệ đường mà ăn, mặc người qua lại.
Hắn nhường Ngọc đi xe Thống Nhất bon hơn, dễ đi hơn. Nàng lại đi qua Tam Dương, nghĩa là nàng lại sống lại cái đêm tuyệt vời ấy.
Nàng vợi nước mưa. Bể nước mưa đầy. Nước từ máng vẫn còn chảy ri rỉ xuống bể. Nàng cúi xuống vớt nước lên ngực để quen với nước lạnh. Hắn giội ào. Nước mát làm hai người tỉnh lại, xuýt xoa vì sung sướng, được rửa sạch bụi bậm của cả một ngày. Ngọc cẩn thận nhìn chung quanh và đứng thẳng người lên giội như hắn. Lần đầu tiên hắn thấy trăng vàng chảy trên người, trăng vàng chảy trên da thịt vợ hắn. Trăng chiếu lên người nàng. Trên đầu nàng là vòm trời thu không một gợn mây, chỉ một vầng trăng to tròn, gần như trong suối, im lặng, đang tỏa sáng. Chung quanh nàng là đồng lúa chạy tới mờ sương. Loang loáng phía xa những chuôm ao dát bạc giữa đồng.
Hắn nhìn tấm thân trần của vợ hắn lồ lộ giữa trời như lần đầu tiên hắn được thấy. Đó, nàng lại bước những bước uyển chuyển tới bể. Nàng bước lên bậc và cúi xuống múc nước, một bên vai nhô lên. Nàng bước ra xa bể, nghiêng người giội gáo nước lên vai. Trăng lại chảy trên người nàng. Trăng chảy từ vai đến gót chân nàng, tràn ra sân gạch. Trăng chiếu trên người nàng thành những mảng sáng và tối. ở những bờ sáng tối gặp nhau, rực lên những viền vàng.
Tất cả đang lịm đi. Không một tiếng chó sủa, tiếng gà gáy. Trời đất vừa được tắm rửa sau cơn mưa lành lạnh đêm thu, tinh khiết lạ thường. Hắn nhìn trời, nhìn trăng và lại nhìn Ngọc. Biết hắn đang nhìn, nàng quay lưng về phía hắn. Hắn lùi ra xa hơn để nhìn nàng trong toàn cảnh, để đặt nàng đúng trong bầu trời này, để đặt nàng dưới trăng này, giữa cánh đồng gió nhẹ này. Rồi hắn bước tới bể, múc một gáo nước giội cho nàng. Nàng đứng im, ngoan ngoãn. Những búp tóc đen ướt nước sau gáy càng làm nổi làn da nàng tràng ngần. Nàng đưa tay ra phía sau cuộn lại. Hắn thấy ngay eo nàng, chỗ sống lưng thắt lại trước khi cong ra có một khoảng nước loang và khô đi rất nhanh. Hắn múc một gáo nước giội cho hắn từ đầu xuống. Vẫn ướt đẫm như vậy, hắn ôm nàng, khe khẽ hờ hờ như nàng làm bằng thủy tinh dễ vỡ. Nàng thoát khỏi tay hắn, bảo hắn:
- Mặc quần áo vào đi. Ông thủ kho sắp về.
Điều đó chỉ kích thích thêm hắn - cái việc hai vợ chồng hắn như vụng trộm. Hắn kéo nàng ra giữa sân:
- ở đây có thể nhìn thấy ông ấy từ xa. Không sợ. ở đó trăng càng vằng vặc.
Ngọc đă ở trong vòng tay hắn. Ngọc mát lạnh đêm thu trong tay hắn, đầy đặn, mềm mại và ngoan ngoãn. Hắn hôn lên khắp người Ngọc. ở đâu trên người nàng cũng một mùi nước mưa tươi mát và tinh khiết ấy. Mùi của trăng, của đêm thu, của cánh đồng, của sương, của trời đất sau cơn mưa có trên mọi chỗ da thịt nàng. Hắn bế Ngọc lên, rồi lại đạt Ngọc xuống. Hắn ép Ngọc vào người mình, cảm thấy tim nàng đang đập dồn phía ngoài lồng ngực hắn. Ngọc vẫn ngoan ngoãn và im lặng. Ngọc đứng úp mặt vào vai hắn. Hắn thấy hơi thở Ngọc nóng hổi ngay nơi cổ. Hắn cảm nhận hết người nàng, vừa quen thuộc vừa mới mẻ. Và bỗng nhiên nàng thức tỉnh.
Nàng ghì lấy hắn, mỗi lúc một mãnh liệt hơn. Nàng rướn lên ép chặt vào người hắn. Nàng đưa tay vuốt dọc người hàn, rồi quay mặt hắn về phía trăng, nhìn ngắm. Môi nàng hé mẻ. Hắn cúi xuống. Cái hôn này còn hơn cả những cái hôn ở nhà anh chị Diệu, còn hơn cả những cái hôn ở Vĩnh Tuy.
Nàng lại lùi ra xa để nhìn hắn trong toàn cảnh. Nhìn hắn từ đầu đến chân như hắn đã nhìn nàng. Mặt nàng tràn đầy ánh trăng. tình yêu và hạnh phúc.
Hắn bước tới, nhẹ như không có trọng lượng. Sân gạch sạch và mát rượi sau cơn mưa. Hắn quỳ xuống, vòng tay về phía sau đỡ lấy nàng. Nàng đứng run rảy như sắp ngã. Hắn áp má vào người nàng vẫn đang mát lạnh. ở đó những giọt trăng vàng li ti còn đọng rối bời làm hắn choáng ngợp. Và bỗng thấy mình lạc giữa mênh mông. Một mênh mông xoai xoải lớn dần lên không còn trời và đất. Một mênh mông im lặng chờ đón hắn và dù có tới đó cả nghìn lần thì đây vẫn là lần đi tới đầu tiên. Như trở về hang động sơ khai.
Như mưa xuân mịn màng một thời thơ ấu. Như lạc giữa một khu rừng nguyên sinh, những cây cao hoang vu ẩm ướt vút lên, khe suối êm đềm chảy và khúc ngoặt sau suối hứa hẹn một thảm cỏ xanh rờn, trên đó là lâu đài cổ tích. Không còn nữa trời đêm, cánh đồng, sân gạch vằng vặc. Chỉ mát rượi nơi má, nơi cánh tay vòng ôm đỡ nàng, mà họng thì khô khát.
Và những giọt tráng sát môi hắn, sát mi mắt hắn cứ lớn dần lên mãi. Hắn chầm chậm ngậm lấy trăng vẫn còn đang chảy xuống, văn còn đang đọng lại lung linh. Trăng tan trên môi, trên miệng. Trăng ngấm vào đầu lưỡi. Một thứ nước thần tiên. Ngọc cong người ép đầu hắn vào đó như người hụt hẫng bám vào điểm tựa, như người. sắp chết chìm giữa biển níu lấy cá phao cứu mạng. Rất nhanh, nàng quỳ xuống, ôm lấy hắn từ phía lưng, thì thầm:
- Để đến đêm. ông thủ kho sắp về.
 CHƯƠNG 27
Bữa ăn không ăn cũng no, nhìn nhau nhiều mà ăn ít: bữa ăn chỉ có cá khô nấu rau diếp ấy, hắn và Ngọc chưa thể nói chuyện gì với nhau được. Biết bao chuyện muốn nói. Bắt đầu từ đâu? Vả lại từ nay là sống bên nhau, còn nhiều thời gian. Không giống như mười lăm phút gặp mặt trong trại, trước sự hiện diện của ông quản giáo. Hắn chỉ kể hành trình của hắn từ trại về nhà.
Hắn kể chuyện hắn ở Hà Nội hai ngày vừa qua, hắn kể chuyện buổi sáng hắn được ông Quân gọi ở lại. Hắn lấy ra bọc chè hắn mua, cái ca nhôm có cả nắp của Lỷ Xìn Cắm, bộ quần áo nâu và tút thuốc lá của anh chị Diệu. Hắn chẳng có quà gì cho lũ trẻ.
Ngọc đỡ tất cả từ tay hắn. Tới bộ quần áo xám, Ngọc giũ nó ra, lật phía trước, phía sau nhìn ngắm, từ hàng chữ số viết bằng sơn cứng lại, chỗ bạc sau lưng áo, cái cổ áo ghét bẩn tới chỗ mốc lâm thâm đen ở ngực áo và hai ống quần. Nàng ấp bộ quần áo tù của chồng lên mặt, rồi cất vào tủ.
Vừa lúc ấy Bình đến. Bình chạy lên thang gác, nhảy hai bậc một. Chỉ nghe tiếng chạy rầm rầm, hắn cũng biết ngay là Bình. Chẳng ai có thể đến với hắn như thế. Bình ào vào nhà và đứng sững nhìn hắn:
- Từ cõi chết anh trở về chói lọi . Xem nào. Béo. Đen.
Ngọc ngờ ngợ:
- Anh ấy hơi sưng sưng. Em đang lo. Bình nhìn lại bạn, cảm thấy Ngọc nói đúng. Bình và hắn ôm lấy nhau. Hắn vỗ vỗ vào lưng Bình như muốn nói: Tao đã về. Tao vẫn có một thằng bạn thân thiết là mày. Tao vẫn như xưa. Hắn lại được trong vòng tay bè bạn.
Bé Dương đứng lên, chạy đến, kéo áo Bình:
- Bố Tuấn đấy
Bình xốc thằng bé lện. Anh nghiến ngấu thằng bé:
- Bố Tuấn đấy hử? Bố Tuấn về với Dương, với mẹ Ngọc đây hử?
Bé Dương nũng nịu:
- Chú Bình làm ngựa cơ
Ngọc mắng yêu con:
- Dương, đừng nũng chú. Thương, bế em, con, để chú nói chuyện,
Cái Thương bê mâm bát vào bếp, rồi trở ra đón em. Nhưng Bình đã phủ phục xuống sàn. Bé Dương đã cỡi trên lưng chú. Bình bò chầm chậm, rồi anh chồm những bước dài, lồng lên như ngựa phi. Thằng Dương vừa sợ, vừa thích. Nó túm chặt tóc Bình, cười khanh khách. Đã lâu lắm nó mới vui như vậy. Mới thấy cả nhà vui như vậy. Nó vừa cười vừa nhìn bố. Nó vẫn chưa quen có bố. Nhưng nó tin đây đúng là bố nó.
Nhìn hai chú cháu nô đùa, hắn hiểu rằng trong những ngày hắn đi vắng, những ngày hắn ở Hintơn theo cách nói của những người tù, Bình vẫn sang nhà hắn, động viên vợ hắn, nô đùa với các con hắn.
Đến bây giờ hắn mới biết cái tủ đứng mới đóng là kỳ công của Bình. Bình chỉ vào cái tủ:
- Tác phẩm đầu tay đấy.
Cái hòm xe Java 05, tủ sách của hắn, đi-văng của hắn, quan tài ba tấm dài hai tấm ngắn thiếu mất ván thiên của hắn đã biến thành cái tủ đứng sơn xanh. Bình đã thu nó lại thành bốn tấm dài, hai tấm ngắn, có chân, có cánh, mở ra mở vào được nhờ có bản lề phía ngoài bào nhẫn cẩn thận. Tủ nom hệt chiếc quan tài dựng đứng. Bình bảo:
- Hết bốn ki-lô-gam đinh tất cả. Để đảm bảo mộng mẹo chắc chắn. Đóng hình quan tài nhằm mục đích lưỡng dụng vì đang B52. Rất có thể dùng vào việc khác.
Hắn pha trà. Cái ấm pha trà của hắn vẫn là cái ấm ấy, có chữ “Thương binh” vắt từ vòi sang quai ấm, nhưng sao hắn vẫn thấy ngờ ngợ. Lạ lẫm. Con Thương giơ tay bế em, nhưng bé Dương không chịu, bé tót lên lòng bố.
Ngọc lên cơ quan báo cáo xin phép nghỉ và đi chợ. Còn lại hắn và Bình. Lại ngồi trên cái ghế dựa này, bên cái bàn này.
Một thời xa lắm rồi hai người cũng ngồi như vậy. Hắn uống trà và ngạc nhiên. Phải mãi về sau hắn mới quen cách uống trà trước kia của hắn, cách uống trà của ngoài đời. Đó là sự chênh lệch về nhiệt độ. Thứ chè bọn hắn uống nóng bỏng mồm. Cho chè vào cái ca mỏng của già Đô, đun lên sôi đều rồi rót, uống. Uống xong dồn bã từ hôm trước tới hôm sau đem ninh lại. Cái ca đầy bã chè, sôi lim rim. Hắn thấy kiểu uống chè ở nhà phí quá. Món bã đổ đi ấy, làm như bọn hắn, cho ninh lại vẫn còn được nước, uống vẫn ngon. Hắn cất bọc chè và lấy tút thuốc lá Tam Đảo ra.
Hắn chưa bao giờ dám hút cả tút thuốc lá Tam Đảo một cách vô lo nghĩ như vậy. Bởi vì đấy là gần nửa tháng lương của loại cán bộ như hắn, tuy giá mậu dịch chỉ bốn đồng. Anh chị Diệu quả thật quan tâm đến hắn. Bình kể lại những điều Bình đã viết trong thư gửi lén vào cho hắn. Rất đơn giản. Thư viết bằng giấy pơ-luya, viết cả hai mặt bằng thứ chữ li ti để chứa được một lượng thông tin nhiều nhất, rồi gấp, cuộn lại cho thật nhỏ. Trong khi hắn nhận đồ tiếp tế thì đưa vào tay hắn cùng với gói vừng, gói bánh...
Đã nằm trong quân số cục lao cải, người ta không ngặt nghèo lắm trong chuyện thư từ như khi còn giam cứu. Tuy nhiên cũng phải hết sức cẩn thận. Bị lộ là kỷ luật. Không được nhận một thứ gì.
Bình ôn lại buổi chiều hôm trước khi hắn bị bắt.
Bình sang nhà hắn dạy hắn lau xe đạp. Lau dầu cái xe thiếu nhi Liên Xô anh Chân mua hộ hắn theo giá cung cấp. Cả hai đều thực hiện đúng quy trình một ông thợ sửa xe đạp: Ngậm một điếu thuốc lá đã tắt lệch ở một bên mép và nói về cái xe đạp của một nhà nhiếp ảnh bạn họ. Xe tòng tọc “Tất cả mọi bộ phận đều kêu, trừ có cái chuông” nhưng lại kẻ trên khung cả một cái mác dài như một dòng khẩu hiệu: Alfa de luxe Tubes Peugeot. Thế là cái xe của nhà nhiếp ảnh, thứ hàng thủ công chính hiệu của mấy ông thợ gò ấy luôn được nhắc đến với đầy đủ phẩm trật dài dòng như tên một nhà quý tộc Tây Ban Nha:
- Cho mình mượn cái Alfa de luxe Tubes Peugeot mình đi đằng này.
- Cái Alfa de luxe Tubes Peugoet tuột xích rồi!
Lau xong xe đạp, hai người quấy bột mỳ ăn. Độn tới năm mươi phần trăm bột mì. Đưa gia công bột mỳ thì hao, lại mất nhiều tiền. Đành phải ăn vậy thôi. Có mỡ thì rán, nhưng mỡ đâu lắm thế. Đành cho nước quấy nấu cháo. Vợ con Bình cũng đi sơ tán. Hai người tiện đâu ăn đấy. Cả hai đặt cho món ăn khó nuốt này một cái tên khá hay: cháo Kasa. đó là thứ cháo bọn hắn đọc trong các tiểu thuyết Nga.
- Trong tù tao đọc thư mày viết về những điều ấy, mày có biết tao cảm thấy thế nào không? Tao cảm thấy tao đã bị mày xúc phạm.
Bình tròn mắt không hiểu.
- Tao nghĩ mày vẫn còn hài hước được nghĩa là mày không hiểu tao. Mày không biết tao sống trong hoàn cảnh khủng khiếp như thế nào.
Ngừng một lát, hắn tiếp:
- Bây giờ tao sung sướng vì thấy mình vẫn còn hài hước được.
- Trong ấy tao không hiểu. Nhưng ở ngoài đời, mày phải hài hước. Hài hước mới sống nổi. Mà mày cũng đừng dại gì đánh mất cái khả năng quý báu ấy của mày.
Hắn hóm hỉnh:
- Cháo Kasa, xe Alfa de luxe Tubes Peugeot. Còn cây dương xỉ nữa.
Đó cũng là một loại cây bọn hắn gặp quá nhiều trong các truyện nước ngoài. Hắn đã chỉ vào cây phượng trên đường hỏi Bình: Cây gì đây? Bình đáp đầy tự tin về kiến thức uyên bác của mình: Cây dương xỉ.
Bình cười ầm lên như bắt quả tang hắn đang nghịch ngợm:
- Tao vẫn nói mày là thằng có trí nhớ tốt mà. Thôi, để yên tao nói. Mày có hình dung sáng hôm sau, tao đến cơ quan như thế nào không, tổng biên tập họp cơ quan thông báo: “Tên Tuấn đã bị bắt”. Tao rụng rời chân tay. Tất cả chúng nó đều nhìn tao.
- Lúc ấy khoảng mấy giờ?
- Tám giờ.
Lúc ấy hắn mới nghe tuyên bố bị bắt thôi, chứ chưa bị bắt. Lúc ấy đang khám nhà. Với tất cả sự thành thạo. cẩn thận, tỉ mỉ, lịch sự và tế nhị nữa. Phải đến hơn mười giờ sáng hắn mới vào xà lim 76. Hắn bị nhốt khoảng một tiếng đồng hồ thì có tiếng mở khóa cửa: Ra nhận suất cơm. Hắn nhìn suất cơm tù đầu tiên trong đời đã đặt dưới đất từ bao giờ. Một bát chậu men cơm ngô, một bát chậu men canh rau cải củ và một bô nước uống âm ấm. Cái bô han gỉ, nước trắng mà trông như nước vối. Hắn dần quen với thứ cơm để dưới đất ấy, thứ nước đựng trong bô sắt han ấy. Hắn vừa uống vừa soi gương. Cái bô han làm nước có màu sẫm, soi gương rất tốt. Râu tóc hắn cợp ra. Hắn trông thấy bóng mình mà kinh. Nhất là râu. Râu cằm, râu mép. Uống nước, nước đọng cả trên râu từng giọt. Hệt như cảnh những người tù râu ria bưng gáo nước to tướng lên miệng uống trong phim hắn đã xem.
Mày bị bắt được nửa tháng, họ bắt đầu gọi tao. Bình tiếp tục kể. Bây giờ hắn mới biết người ta đã tìm tài liệu về hắn ghê gơm như thế. Bình bị gọi hỏi liên tiếp (người ta thừa biết Bình là bạn thân của hàn). Cũng với những nội dung ấy: Sáng tác của hắn. phát ngôn của hắn. Quan hệ bè bạn của hắn. Thái độ đối với các đồng chí đảng viên trong cơ quan của hắn. Họ tập trung khai thác hai bài viết của hắn: “Những tiếng động bị nhốt" và "Con dế trong căn buồng ông thuyền trưởng".
Trong tù họ cũng đã hỏi hắn về hai sáng tác này. Hắn thất vọng nghĩ: Thật là bới lông tìm vết. Hắn đã lễ phép và chán ngán nói với ông Lan như nói với những người cố tình không chịu hiểu:
- Thưa ông. Tôi bây giờ cái tóc cái tội.
“Những tiếng động bị nhốt" là bài phóng sự in trong tạp chí văn nghệ của thành phố. Hắn viết về những người thợ cơ khí làm phuy xăng, phải chui vào trong phuy hàn giữa khói hàn bị nhốt và tiếng nổ bị nhốt của que hàn chảy dưới hồ quang. Hắn ca ngợi những chiến sĩ thầm lặng, bình thường trong cuộc chiến tranh giao thông vận tải. Hắn đặt cái tên ấy cho hấp dẫn. Vậy mà người ta tìm cách lái cái tên ấy sang một nội dung khác: Những tài năng bị giam hãm, những tài năng bị thui chột.
Còn căn nguyên chuyện"Con dế trong căn buồng ông thuyền trưởng" là xức cảm của hắn khi về quê thăm con ra. Đứng ở cửa mở khóa, hắn chợt nghe thấy tiếng dế kêu trong buồng hắn.
Tiếng dế cri cri, crang crang, to, vang, vui vẻ như đang ở trong tổ của nó, như nó là chủ căn buồng. Đó là tia chớp như Pauxtôpxki viết, để cơn mưa chữ của hắn xuất hiện về một chnyện trong chiến tranh. Hắn nghe dế ca và hơi phật ý về sự tự tin của dế. Con dế từ đâu đến. Nhà hắn trên gác, giữa thành phố. Làm sao dế đến được. Hắn hình dung: Bom Mỹ hất dế lên. Dế bay giữa những ngôi sao rơi, những viên đạn phòng không đỏ lừ. Dế đến căn buồng một ông thuyền trưởng đang chở hàng vào khu vực cán gáo. Những con gián chuyên sống trong bóng tối béo núc, hôi sì, xúm lại đánh dế... Dế đã sử dụng những cú đá tuyệt diệu, bắp chân khỏe mạnh, thân hình rắn như sừng của mình được tôi luyện trong sương đêm, trong nắng sớm để tự bảo vệ, dù dế nhỏ hơn.
Ông Lan cười nhạt bảo Bình:
- Có chuyện gì mà anh và anh Tuấn không nói với nhau. Anh Tuấn viết truyện ấy là viết xỏ xiên. Những con gián chuyên sống trong bóng tối, béo nức hôi sì là ai. Anh đừng tưởng chúng tôi không biết đâu.
Và ông cũng tỏ ra không lạ gì bọn hắn:
- Các anh nói với nhau: Viết thì phải lách mà!
Bình vẫn một mực giữ ý kiến của mình:
- Đây là một truyện hay, viết về đề tài chiến tranh. Còn những con gián cũng có thể hiểu rộng ra là những gì trái với bản chất cuộc sống của chúng ta. Chúng ta chiến đấu chống Mỹ và chống lại những gì phi xã hội chủ nghĩa.
- Anh đừng bao che cho anh Tuấn. Vô ích. Vì chính anh Tuấn đã nhận với chúng tôi rồi. Những con gián ấy là ám chỉ những đảng viên ở cơ quan báo.
Bình vẫn từ tốn:
- Vâng. Nếu vậy thì đến bây giờ tôi mới biết cái dụng ý ấy của anh Tuấn.
Bình bảo hắn:
- Tao thừa biết là nó bịa, nhưng tranh luận làm gì.
- Tao thì phải tranh luận. Tao không có chỗ lùi nữa.
- Phía sau chúng ta là Mạc Tư Khoa
- Ngồi lấy cung, tao vẫn nhìn thấy tay ấy viết. Mày có biết nó viết thế nào không? Con rế trong căn buồng ông thuyền trưởng. Tao thực sự chán ngán. Lấy cung một người viết văn mà những chữ bình thường nhất cũng viết sai chính tả.
Tất cả những ai quen biết hắn đều bị gọi hỏi. Các cộng tác viên ở các cơ quan xí nghiệp, những người viết trẻ vốn yêu mến và có quan hệ với hắn. Ngoài việc viết lách là chuyện phát ngôn của hắn.
Chuyện hắn kêu ca mậu dịch cửa quyền, móc ngoặc là nặng nhất. Rồi đến chuyện thái độ đối với một số đảng viên trong cơ quan. Phải nói rằng Bình đã chịu đựng rất nhiều. Mỗi khi có giấy của Sở Công an mời Bình, mọi người lại xầm xì bàn tán. Đang thì thào với nhau, thông thạo và hiểu biết về các sự kiện lớn ấy trong cơ quan, tất cả im lặng khi Bình đến.
Bách, bí thư chi bộ, biên ủy báo, một đại úy chuyển ngành, trực tiếp phụ trách khối công nghiệp, nghĩa là trực tiếp phụ trách Bình và hắn, mời Bình ngồi, lặng lẽ đưa giấy mời của Sở Công an cho Bình với vẻ mặt bị xúc phạm. Bách ngồi rung đùi chờ lời phát biểu của Bình, nhưng Bình xem giấy mời xong, cho vào túi áo sơ-mi và đứng lên.
Bách ngơ ngác trước thái độ kỳ lạ ấy của Bình:
-Đồng chí Bình, ngồi lại tôi trao đổi.
Đã gọi nhau là đồng chí tức là căng rồi đây. Bình quay lại, giọng nói giữ đúng nguyên tắc để đáp lại giọng nói của Bách:
- Đồng chí bảo gì cơ ạ?
- Đồng chí ngồi xuống đã.
Bình ngồi lặng im, giữ cho mình vẻ khiêm tốn cần thiết.
- Đồng chí có ý kiến gì về giấy gọi này?
- Tôi không có ý kiến gì cả.
Bách nghiêm nét mặt:
- Đây là một việc gây tổn thất lớn đến uy tín của báo. Báo chúng ta là báo Đảng. Một phóng viên bị bắt. Một phóng viên khác bị công an gọi hỏi.
- Tao im lặng. Biết nói với nó cái gì. Nó nói có phần đúng của nó. Nhưng tao tởm nhất là nó nói với vẻ mặt đau khổ, vẻ mặt của người bị lăng nhục.
Trong khi mình bết rõ rằng nó đang sung sướng. Nó dang hả hê vì nó thấy mày và tao bị khốn nạn. Cái mà chúng mình kỵ nhất là thói đạo đức giả. ở đâu cũng có bọn ấy. Thói đạo đức giả càng tập trung ở những người đang làm hại người khác. Tao đã hiểu được điều đó.
Hắn nhớ lại có lần ông Lan nói với hắn: "Chúng tôi chỉ muốn giúp đỡ anh. Kéo anh ra khỏi con đường tội lỗi. Anh tương bắt anh chúng tôi vui lắm hay sao. Anh đã lầm. Chúng tôi đau đớn. Vì đó cũng là tổn thất chung. Trị bệnh cứu người. Đó là mục đích của chúng tôi ". Hắn đã hỏi lại ông Lan: Nêú vậy, sao các ông không báo động, cảnh cáo tôi ngay khi tôi có những dấu hiệu đầu tiên của sự phạm tội Có phải tôi không bị bắt không? Tôi bị bắt nghĩa là Đảng mất một cán bộ.
ôi! Thật là ngây thơ. Đến mức ngây ngô nữa. Nhưng hắn thành thật. Rất thành thật.
Ông Lan không trả lời. Ông chỉ cười, vẫn là nụ cười của người lớn trước câu hỏi của trẻ con, không thể giải thích được ngoài câu: “Khi nào lớn lên con, cháu, hay em sẽ hiểu ". Lúc ấy hắn trông ông rõ ràng già hơn hắn rất nhiều. Thế rồi, một hôm nghe ông Lan khoe mình đã thụ lý bao nhiêu án chung thân, án tử hình, hắn tự cười mình sao lại hỏi ông Lan câu hỏi ngây thơ ấy.
Trị bệnh cứu người. Hắn đang được cứu đây. Thật không thể chịu đựng nổi. Hắn nhìn ông Lan một lần nữa, rất nhanh. Và hắn sửng sốt: ông bỗng trẻ, rất trẻ, chỉ thuộc thế hệ đàn em hắn
- Bách khuyên tao: Càng gặp khó khăn càng phải tích cực công tác. Không được tiêu cực. Tiêu cực chỉ có hại cho bản thân.
- Tao tin nó nói thật. Mày có biết tại sao tao hiểu nó nói thật không?
- Mày có máy phát hiện nói dối à? Trong xà lim tao cũng đã đề nghị đưa máy phát hiện nói dối đến để kiểm tra lời khai của tao.
- Tao biết nó nói thật vì tư dưng giọng nó trong veo. Lên cao đúng một ốc-ta .
Hai người cười giàn giụa nước mắt. Đúng rồi. Bách có kiểu nói như vậy, Khi nào xúc động (thân thiết, giận dữ, vui vẻ, lo lắng...) tự nhiên Bách nói giọng nữ. Hắn bỗng nhớ ra đặc điểm ấy của người thủ trưởng trực tiếp cũ của mình.
- Nó bảo: Lãnh đạo yêu cầu đồng chí phát biểu trung thực với công an về anh Tuấn. Đó là trách nhiệm công dân của đồng chí.
- Nói sự thật về anh Tuấn là trách nhiệm công dân của tôi.
Bình biết khi Bách nói đến trách nhiệm công dân là nói đến nhiệm vụ của mỗi công dân phải tố giác bọn phản động. Nhưng Bình nói đén trách nhiệm công dân là nói đến trách nhiệm bảo việc thực thi pháp luật mà trong trường hợp này rõ ràng có sự nhầm lẫn.
- Chi bộ, biên ủy cũng sẽ có trách nhiệm của mình.
Không chịu được giọng nói nước đôi ấy lâu hơn nữa, Bình đứng lên lễ phép:
- Báo cáo đồng chí, tôi sẽ trung thực. Các đồng chí yên tâm.
Câu chuyện giữa hai người bạn bị ngắt quãng. Lại có tiếng guốc lên thang. Anh chị Thân đến muộn vì chị Thân nằm bệnh viện. Nhưng được tin hắn về, chị vẫn xin phép bệnh viện tới gặp hắn. Chị gầy gò, cổ cứng đơ, vẹo về một bên. Chị bị thần kinh tọa. Anh Thân cười vang, nụ cười của anh bao giờ cũng quyến rũ.
- Tôi đang chuẩn bị vào bệnh viện thăm bà ấy, thì cu Hiệp đến. Cứ đứng giữa nhà cười. Hỏi có việc gì cũng không nói. Tôi biết ngay: Bố về phải không? Nó vâng. Mừng quá, vội vào bệnh viện báo tin cho bà ấy.
Chị Thân nói rất khó khăn, nhưng chị vẫn cố gắng nói. Giọng chị yếu ngắt ra từng tiếng:
- Cả nhà chỉ có hai chú cháu đi xa. Chú đã về. Mừng quá. Còn thằng Hải nhà tôi, chẳng biết ra sao. Chẳng thấy thư từ tin tức gì.
Đôi mắt chị rầu rầu nhìn hắn.
Hắn biết thằng Hải đi B dài . Hắn không biết động viên chị Thân thế nào. ở đó chiến sự luôn ác liệt. Nhiều người. Rất nhiền người không trở lại. Về sau này, hắn được nghe một câu nói của bố mà hắn cho là đúng: "Cũng là cái phúc cái phận cả thôi ".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét