Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

TRUY NGUYÊN “SỞ THÍCH” ĂN CẮP VẶT CỦA NGƯỜI VIỆT

Luật Hồi giáo xử rất nặng tội ăn cắp: Người phạm tội ăn cắp bị chặt tay! Ở Việt Nam: cách nay hơn chục năm có chuyện KT, một nữ phóng viên VTV, con gái Tổng Giám đốc VTV, đi công tác nước ngoài, vô siêu thị mua sắm, ăn cắp, bị bắt, báo chí đăng rùm lên. Vậy mà về nước, cô ây ngang nhiên xuất hiện hàng ngày trên các chương trình TV chuyên về Văn hóa!

Ăn cắp vặt là "nét tính cách có cội nguồn văn hóa, xuất phát từ chính điều kiện sống của người Kinh", nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ nhận định.
Lâu nay, thói tắt mắt, ăn cắp vặt diễn ra khá phổ biến trong xã hội, từ việc vặt quả táo trong vườn khi chủ nhà đi vắng, cân thiếu cho khách hòng kiếm lời, bớt tiền ăn của cơ quan mong kiếm chác được ngần nào hay ngần ấy... Phải chăng, ăn cắp vặt là đặc trưng trong tính cách của người Việt? Lý giải của những nhà nghiên cứu trên nhiều góc độ sẽ phần nào hé mở nguyên nhân của tính xấu này.
Một cách ứng xử để phù hợp thực tiễn
Thừa nhận "ăn cắp vặt là một tính rất xấu" song theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ, Đại học KHXH&NV Hà Nội thì "đó là nét tính cách có cội nguồn văn hóa, xuất phát từ chính điều kiện sống của người Kinh".
Ông Vỹ lý giải: Tính cách là một hình thái tinh thần mà mọi hình thái tinh thần được sản sinh đều dựa trên cơ sở hiện thực. Cơ sở hiện thực gồm tồn tại tự nhiên và tồn tại xã hội. Trước cơ sở hiện thực ấy, người ta phải biết ứng xử sao cho hiệu quả nhất. Ứng xử đó lặp đi lặp lại, tạo thành dấu vết tinh thần tương đối định hình, đó là tính cách.
Với người Kinh, tồn tại tự nhiên là nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, không gian bị chia cắt phong phú (bên rừng bên biển), chịu sự khắc nghiệt của khí hậu và sự phong phú đến phức tạp của môi trường sinh thái. Mặt khác, người Kinh là tộc người hình thành muộn, có sự hỗn tạp và pha trộn cả về huyết thống và văn hóa. Mốt quá trình lịch sử lâu dài, con người vận động trong tính hỗn tạp và phong phú đó đã hình thành nên cách ứng xử: Nhạy bén, có tính thực tiễn cao, khéo léo, có tinh thần cố kết dòng họ và cố kết cộng đồng.
"Chính tồn tại khách quan đó tạo cho người Kinh không hướng đến việc tích lũy trí tuệ mà chỉ hướng tới ứng xử khôn khéo. Cuộc sống khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, vậy nên buộc người ta phải biết thu vén cho bản thân, cho gia đình, dòng họ của mình. Thậm chí, để thu vén được, người ta phải ăn cắp vặt. Vậy nên, có thể nói, ăn cắp vặt cũng là một cách ứng xử cho phù hợp thực tiễn", ông Vỹ nêu quan điểm.
Theo các nhà nghiên cứu, xóa bỏ ăn cắp vặt không hề dễ.
Ăn cắp vặt vì không có tôn giáo
Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng, chính tồn tại khách quan của người Kinh đã khiến họ không thể tạo ra được năng lượng tập trung, không có xu hướng tích lũy những năng lượng tinh thần. Vì thế, "người Kinh không sản sinh ra những tôn giáo, triết thuyết, lý thuyết khoa học mang tính phổ quát mà cơ sở hiện thực đã hướng con người ta tới sự có lợi trước sự phức tạp của tự nhiên và xã hội". Cũng theo ông Vỹ, khi có một tôn giáo cụ thể, người ta sẽ thần thánh hóa lên, lấy những quy tắc, quy ước của tôn giáo đó làm "kim chỉ nam" cho mọi hành động. Chẳng hạn, khi tôn giáo quy định không được tự ý lấy đồ của người khác, nếu không sẽ bị lên án, bị cô lập... thì người theo tôn giáo đó sẽ tuân thủ nghiêm ngặt. Đằng này, vì người Kinh không sản sinh ra được tôn giáo nào, chỉ lo ứng xử với thực tiễn nên chưa bao giờ pháp luật được coi trọng. "Có Phật giáo khuyên người ta không ăn cắp nhưng giờ ta phá hết rồi, đừng có tưởng ta có tôn giáo. Thế nên, chuyện lấy trộm đồ của người khác cũng dễ hiểu thôi, vì người ta có biết sợ cái gì đâu", ông Vỹ nói.
Vì thiếu ý thức cá nhân và cộng đồng
Theo PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Viện phó Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh thì ngoài những yếu tố do lòng tham cố hữu của con người, do đời sống khó khăn nên "bần cùng sinh đạo tặc" thì còn có nguyên do là người Việt "không có ý thức về cá nhân và cộng đồng".
"Trong xã hội truyền thống, hình như người Việt chưa đủ trình độ nhận thức giữa cái chung với cái riêng, cái của cộng đồng - của người khác với cái của mình nên mới sinh ra chuyện cứ lấy được của ai thứ gì về cho mình là tốt. Nó là đặc tính chung của xã hội truyền thống mà ở đó cứ hở ra là lấy", theo ông Đức.
Lý giải cho việc không phân định được cái riêng - cái chung, ông Đức cho rằng, ngày xưa, trong quan hệ cộng đồng làng xã là phi kinh tế, có thể sử dụng đồ đạc của nhau thoải mái, kiểu nhà tôi gieo được luống rau, anh có thể sang hái bất cứ lúc nào mà không cần hỏi ý kiến và ngược lại. Cứ thế, nó ăn sâu vào cách nghĩ, cách làm của người Việt, dần tạo thành thói quen cho đến ngày nay.
Do quản lý xã hội
Ông Lê Quý Đức bổ sung thêm: Trong một xã hội mà "cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan", dân chúng sẽ nhìn vào đó và nghĩ rằng đến quan còn đi ăn cướp thì hỏi gì là của chung, của riêng nữa. Chẳng thế mà có câu "Trống đình ai đánh thì thùng, của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng".
Ông dẫn chứng: "Thời Mạc Đăng Doanh thế kỷ XVI được Lê Quý Đôn ghi trong Đại Việt thông sử rằng: Của rơi ngoài đường không ai nhặt, đêm nằm nhà cửa không cần đóng then cài chốt, trâu bò để ngoài đồng nó sinh con đẻ cái rồi dắt nhau về nhà. Rõ ràng, thời ấy thái bình như thế cũng là do quản lý chặt chẽ thôi". Như vậy, để ăn cắp vặt xảy ra có một phần nguyên do luật pháp chưa nghiêm. "Đương nhiên là phải trừ nhóm người ăn cắp vặt do bệnh lý ra", ông Đức nêu quan điểm.
Nhìn nhận về thói ăn cắp vặt hiện nay, cả ông Nguyễn Hùng Vỹ và ông Lê Quý Đức đều cho rằng "vẫn rất phổ biến". Bởi cùng với những lý do đã chỉ ra ở trên thì có một thời gian khá dài, "chúng ta sống trong mô hình hợp tác xã. Từ viên gạch, gánh phân trâu bò cũng là của hợp tác xã. Anh đi qua nhân lúc không ai để ý thì nhặt một viên gạch cất vào trong người mang về để tích trữ phòng khi cần đến. Hay ra đường, thấy cành củi khô ai làm vương ra cũng đút vội vào túi quần để đem về nhóm bếp lò... Sống trong bối cảnh ấy, người ta phải hành xử như thế và dần dần nó định hình thành thói quen, tính cách", ông Đức phân tích.
Bây giờ, ăn cắp vặt diễn ra muôn hình vạn trạng và cũng rất tinh vi. "Tham nhũng cũng chính là biểu hiện của ăn cắp vặt, từ cái thói ăn cắp vặt mà sinh ra cả thôi. Và nó cũng chẳng loại trừ nhóm đối tượng nào, quan to ăn to, quan bé ăn bé, đứa chăn nghé ăn đòng đòng", ông Lê Quý Đức nói.
Theo các nhà nghiên cứu, xóa bỏ ăn cắp vặt không hề dễ vì đó còn là sản phẩm của lịch sử. Muốn giảm bớt ăn cắp vặt trong cuộc sống, bên cạnh việc đẩy mạnh giáo dục thì luật pháp cũng cần nghiêm minh, trong đó không thể không đề cập đến yếu tố làm gương trong xã hội. Ông Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng, trước tiên, những người làm công tác quản lý phải làm gương để xã hội noi theo.
-       "Nói là người Việt Nam ăn cắp vặt thì phải xét trong vấn đề thời gian, thời điểm cụ thể. Tôi sống ở Thủ đô trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám đến 1953, thời đó làm gì có ăn cắp vặt. Đến kẻ cắp chợ Đồng Xuân nổi tiếng lắm mà đi làm tự vệ, chợ Đồng Xuân làm đồn đánh thực dân Pháp, gái giang hồ đi làm cứu thương, địa chủ hiến ruộng, tư sản có "tuần lễ vàng" hiến vàng. Bây giờ, ăn cắp vặt nhan nhản cũng là vì lý tưởng sống đã nhạt đi, nhiều người chạy theo vật chất tầm thường, tôn thờ chủ nghĩa vật chất. Cái đấy nguy hại lắm!". - Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc


An Nhiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét