Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

CHUYỆN KỂ NĂM 2000 - PHẦN 7

CHƯƠNG 19
Sớm hôm sau, hắn ra Bến Nứa. Trong túi hắn rủng rỉnh tiền. Anh chị Diệu cho. Một xe ca đã đông người ngồi. Và ở bậc lên xuống người đứng vòng quanh anh ét.
Hắn sấn đến. Hắn lách vào. Nhiều người làm như hắn, tiền cầm sàn trên tay, nhưng anh ét không thèm nhận tiền của ai. Anh mắng những hành khách già bằng tuổi bố mẹ anh như mắng con anh vậy.
- Hết vé rồi. Khổ lắm nữa.
- Đã bảo. Không tin thì cứ đứng đến mai.
Mọi người tản ra, buồn rầu. Nhớ đến chuyến xe tù trại về đây, hắn rút tờ lệnh tha ra. Quên cả xấu hổ nhục nhã, hắn ấp úng.
- Báo cáo anh, tôi mới ở tù ra. Tôi mới được tha. . , năm năm...
- Đã bảo là hết mà. Tù thì tù, nhưng cũng phải còn chỗ chứ!
Tuy anh ta nói thế nhưng hắn vẫn thấy có người lên xe. Sau này, khi đi buôn thuốc lá, hắn hoàn toàn hiểu bọn tài ét ấy. Chỉ cần đàng hoàng bước lên xe, không vé, ngồi vào ghế và khi người ét đeo kính râm, còn trẻ nhưng đã để ria mép đến, thì đưa cho anh ta gấp đôi, gấp ba số tiền vé với vẻ mặt thản nhiên, từng trải là được.
Hắn nuốt hận vì người ta cho hắn biết: Cả ngày hôm ấy chỉ có một chuyến ô-tô duy nhất. Tàu hỏa cũng không có. Hắn không bịa đâu. Hắn có thể nói rõ ngày hôm đó. Lấy ngày hắn được tha cộng thêm hai ngày nữa: Ngày 05-4-1973. Ngày hôm đó ở Hà Nội gặp những ai, nói chuyện những gì hắn không nhớ. Hắn chỉ nghĩ đến vợ con. Một ngày hôm ấy chắc chắn dài hơn bất kỳ một ngày tù nào khác.
Hắn giở bộ quần áo tù cho anh chị Diệu xem. Cái màu quần áo xám nhợt, lâm thâm mốc đen vì mồ hôi, chữ số đỏ trước ngực, sau lưng, dưới gối, cái màu ấy ở trong tù còn khả dĩ, chứ ở ngoài đời trông quá thể. Hắn mặc bộ quần áo ấy vào. Hắn đứng giữa nhà, cười hồn nhiên:
- Trong tù đúng là thế này đây, anh chị ạ.
Chị Diệu rơm rớm nước mắt, gắt lên.
- Thôi, chú cởi ra đi.
Anh Diệu lắc đầu:
- Trông sợ quá. Cứ như Jean Valjean đang ở trong nhà.
Chị Diệu thở dài:
- Khiếp. Trong ấy người nào người ấy đều như thế cả. Hàng nghìn người...
Hắn muốn nói với anh chị: Cái chính là cái vẻ mặt của những người tù cơ. ở đây em không còn bị tù nữa nên vẻ mặt em không đại diện cho ai cả...
Hắn nghĩ hắn đã có lại nụ cười, có lại sự phản xạ trên nét mặt. ít nhất là sau hai ngày tự do nó cũng linh hoạt hơn nét mặt ông Quân trực trại.
Hắn đã đúng. Nhưng hắn không ngờ xóa được nét mặt tù đâu phải dễ. Cái dấu ấn còn để lại lâu. Rất lâu. Nó in vào hắn cho đến tận cuối đời, cho đến lúc chết như đóng bằng sắt nung đỏ. Điều ấy thật đúng như vậy. Chẳng hạn như hắn luôn tự bảo mình là người không có tội, không việc gì phải xấu hổ với mọi người. ấy thế mà cái ý thức cùng đinh mạt hạng mà hắn luôn phủ nhận cứ tồn tại trong hắn, cái dáng người khép nép, ngồi đâu cũng cố thu nhỏ lại vĩnh viễn là dáng ngồi của hắn. Và cho đến tận những năm cuối đời, hắn còn phát hiện ra mình có một thói quen nữa: Thói quen gãi tai khi nói chuyện với người khác, dù bất cứ ai. Gãi tai cả khi nói chuyện với con mình. Thói quen kỳ cục ấy hình thành từ những tháng năm tù tội và định hình trong chuỗi ngày dằng dặc tiếp theo - những ngày hậu tù - mà hắn không hay. Ngay khi biết mình có thói quen buồn cười ấy, hắn vẫn không sao sửa được. Vẫn cứ là gãi tai trong khi đối thoại. Vẫn cứ là gãi tai ngay khi nói chuyện với con.
Hoặc dễ xác định hơn là cứ xem ảnh hắn. Cứ xem những bức ảnh hắn chụp hai, ba mươi năm sau, vẻ u uất đau khổ lo lắng trên mặt hắn cứ hiện ra. Tấm ảnh chụp ở Đồ Sơn khi hắn đã được đi làm lại càng thảm thương. Hắn đứng trên sân sau khách sạn Vạn Hoa lộng gió và cao ngất. Nhìn ra bốn chung quanh. Nhìn về Hòn Dấu bao kỉ niệm. Đảo Hòn Dấu gắn với những năm tháng đẹp nhất của đời hắn. Hòn Dấu có đất có cây, có rừng rậm. Khoai lang Hòn Dấu ngon nổi tiếng. Luộc khoai, chủ khách ngồi ăn. Làm bùi nhùi soi thuốc bắt "cum cum” . Những con cua đá thấy ánh sáng, giương đôi mắt nằm im không động đậy Hắn cùng cả tổ khí tượng hải văn reo hò mỗi khi có một con “cum cum " được bỏ vào thùng. Tuổi trẻ lúc đó là cùng chung lý tưởng. Lầ chan hòa cởi mở. Là tiếp nhận nhau vào một tập thể mà không dị ứng với một tế bào lạ. Anh chị em trên đảo cùng lớp tuổi hắn đón hắn như một người quen cũ. Cô cán bộ khí tượng hải văn tình nguyện ra đây sau một chuyện tình dang dở kéo hắn lên cái đài quan sát, giảng cho hắn cách ngắm máy đo sóng và hắn hiểu rằng những bản tin thời tiết hàng ngày hắn nghe trên đài ngắn gọn khô khan chính là bắt nguồn từ những hoạt dộng lặng lẽ của biết bao người như cô. Cô đưa cho hắn xem tập thơ cô làm trên đẫo, trong đó cô gọi con chim biển “Hãy dừng cánh trông, con người chiến thắng, phong ba bão bùng".
Hắn như nhìn thấy rõ cô dắt bò, tài sản của cả tổ, đi dọc ruộng khoai lang và âu yếm nhìn nó gặm cỏ. Thấy cô từ khu nhà tắm đi lên, tay bưng nón quần áo ướt, tóc búi rất cao, áo phin nâu, ngả người leo dốc như đi ngược chiều gió thổi. Hắn như sống lại một tối xuống bến đón anh em dưới đài quan sát, gặp cả tổ đi lên. Đèn pin lập lòe giữa lối đi hẹp trong rừng cây trên đảo. Cô gái hải văn đi đầu, vai cô vắt biết bao quần áo của cánh thanh niên, như một cái giá lưu động. Theo sau là đám con trai quần đùi áo may-ô cười nói ồn ã. Nhìn đống quần áo đàn ông trên vai cô, tự nhiên hắn cảm thấy buồn buồn, gần như ghen tuông thất vọng...
Đâu rồi chàng phóng viên thuở ấy. Đâu rồi lớp người thuở ấy? Số phận ra sao rồi lớp thanh niên ấy? Liệu bao giờ sẽ có lại lớp thanh niên như thế nữa. Một lớp thanh niên mới tuyệt vời và vô tư làm sao, một lớp thanh niên có thể làm nên tất cả.
Một bàn tay đặt lên vai hắn. Hắn quay lại. Đồng chí thứ trưởng kiêm tổng giám đốc kéo hắn ra chụp ảnh màu bàng máy ảnh tự động Konica. Đồng chí thân tình trách hắn:
- Trời đất quỷ thần ơi! Tôi dưa ông ra nghỉ Đồ Sơn mà ông cứ buồn rười rượi. Tôi chán cho ông quá!
Hắn giật mình. Hắn đang thanh thản. Hắn có buồn đâu. Hắn chỉ đang nhớ lại một tí chút kỷ niệm. Thế mà người ngoài nhìn hắn buồn rười rượi. Thật không dễ gì xóa được cái dấu ấn nung đỏ trong tim ấy.
 CHƯƠNG 20
Hắn đã về đến P. Tàu hỏa đang đưa hắn vào ga.
Hắn gọi xích-lô. Không mặc cả. Hắn đã phải ở lại Hà Nội thêm một ngày nữa. Nghĩa là từ lúc cầm quyết định, nhận tiền của trại là ba ngày rồi. Hắn không thể chiu đựng lâu được nữa. Anh Diệu đã gọi điện ra ga. Nhà ga cho biết trừ một ngày đột xuất không có tàu, nhà ga vẫn có hai chuyến tàu trong ngày.
Hắn đi chuyến tàu sớm. Hắn dậy từ tinh mơ. sự xếp hàng mua vé hôm đó thật khổ ải. Hành khách dồn lại từ hôm trước. Không. Hắn quyết chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này. Hắn ra ga Hàng Cỏ từ lúc còn tối đất. Hắn là một trong những người xếp hàng đầu tiên.
Khi ấn cái vé bằng giấy các-tông hình chữ nhật có ghi giá tiền 2 đồng 05 vào túi, hắn sung sướng như người vớ được của. Hắn đi lang thang trong sân ga. Hắn đã đút số tiền anh Diệu cho vào túi quần trước, nhưng hắn vẫn cảnh giác. Trong tù Giang là đã dặn hắn: Đó là chỗ an toàn hơn túi sơ-mi, hơn túi quần sau. Tiền để ở đó rất khó đá.
Ngoài sân ga, người ngồi, người đứng, người trải nỉ-lông nằm ngủ. Một dãy người đang ngồi hướng về một của bán vé còn dóng im ỉm, bỗng đồng loạt đứng lên chạy cả về một phía: Rầm rập, hốt hoảng, vội vã. Và lại tranh nhau, xô nhau đứng rồi ngồi, hướng cả vào một cửa ghi-sê khác cũng đóng im ỉm. Hắn hỏi một thanh niên ngồi cuối hàng, giọng lễ phép và được một câu trả lời ngắn, đanh như phát súng CKC:
- Vinh nhanh!
Cũng súc tích như "cá mè ô 5", câu trả lời đó có nghĩa là lấy vé tàu nhanh đi Vinh. Nhưng hắn không hiểu. Không hiểu, nhưng không dám hỏi thêm nữa. Hắn nghĩ đến vợ hắn. Đã bao lần vợ hắn lang thang bồng bế con cái, vật vạ ở ga để đi học đại học, để đi tiếp tế cho hắn. Bị móc túi, bị mất cắp cả túi xách. Khóc rồi về. Hắn đã kể chuyện vợ hắn bị mất cắp sạch cho Giang nghe. Giang là bạn tù, là lính mổ. Giang rất thân với hắn. Giang kêu:
- Thôi Anh đừng kể nữa. Em sợ lắm!
ở sân ga, hắn quan sát nhưng chàng lính mổ vật vờ. Đã ở nơi ấy ra rồi thì dễ nhận thôi. Những anh trạc tuổi 17, 18 cứ lượn vòng ngoài. Hay ngồi hàng nước. Thường đi có đôi. Nét đặc biệt là quần áo Tô Châu. Để mọi người, nhất là dân quác tưởng nhầm bộ đội. Và móng trắng. Dép nhựa Tiền Phong có quai hậu, cài khóa tử tế. Để bùng cho nhanh mà. Nhiều lính móng trắng.
Trong tù những lính móng trắng bị tỏi , ngoài đời lại có những lính móng trắng khác. Bao giờ hết được. ở tù ra, hắn nhìn bọn này với một phần thông cảm hơn. Hắn không chỉ ghê tởm, căm ghét như trước. Hắn nghĩ xã hội, gia đình phải chịu trách nhiệm môt phần. Như Giang chẳng hạn. Giang là con liệt sĩ...
Thông cảm với các chú thì thông cảm, nhưng anh vẫn phải cảnh giác. Hắn thò tay vào túi quần, nắm chặt gần chục đồng còn lại. Hắn lên tàu và rất nhanh tìm được chỗ ngồi cạnh cửa sổ. Bao nhiêu năm rồi đói thèm cửa sổ. Khi tàu ra khỏi thành phố, hắn mới thực sự biết thế nào là tốc độ. Thì ra tự do là liên tiếp nâng cao tốc độ. Hôm đi ô-tô từ trại về Hà Nội, hắn đứng giữa những người là người. Mãi đến khi gần về đến Hà Nội, xe mới vắng một chút. Nhưng hắn vẫn phải ngồi ở giữa xe. Hôm nay hắn ngồi ngay cạnh cửa sổ. Gió thổi tung tóc hắn, như muốn rứt tóc hắn ném đi. Còn tàu thở hồng hộc. Cố lên. Nhanh nữa lên. Đồng bằng, lũy tre. Những hàng bạch đàn hai bên những con mương. Cầu sắt, một cái vó bè, những chiếc ô-tô ngược trở lại và những chiếc ô-tô xuôi theo đoàn tàu, chạy song song chỗ hắn ngồi một lúc, rồi vượt lên...
Hắn xuống ga P. Hắn đã tính trước. Tàu về P. lúc mười một giờ. Giờ ấy hẳn vợ hắn đã đi làm về. Vợ con hắn hẳn ra Ngã Bảy mua rau. Ngồi trên xích-lô, tay ôm cái túi vải, hắn bỗng cảm thấy buốt hai chân. Hắn hồi hộp quá. Ông xích- lô không biết gì về tâm trạng hắn, vẫn phóng nhanh. Hắn muốn ông đi chậm lại. Để hắn tìm trong những phụ nữ đang quay mặt vào phía những người bán hàng ngồi trên vỉa hè kia xem ai là vợ hắn. Hai mắt cá chân hắn buốt. Buốt trong tủy, chạy từ mắt cá chân lên đầu gối. Như người mắc bệnh phong thấp. Như người bị lạnh quá. Cả đời hắn chưa thấy thế bao giờ. Hắn khẽ nhấc một chân lên. Rồi chân kia. Không. Chán hắn vẫn cử động được, nhưng đau và khó khăn. Cầu cho chân hắn đừng đau. Xích-lô dừng lại. Hắn trả tiền và xách túi vào nhà. Hắn không muốn gặp ai trong căn nhà đông hộ này. Và hắn đã gặp may.
Hắn bước nhanh lên gác. Nhẹ nhàng không một tiếng dộng. Như một con mèo. Hắn nhô người lên cầu thang. Nhìn vào nhà hắn. Cửa mở. Hai đứa trẻ đang ngồi chơi trong nhà. Con chị, thang em. Hắn nhận ngay ra chúng. Đã 5 năm, nó đã lớn, khác trước rất nhiều. Đó là nói về con chị. Còn thằng em. Thằng con bé của hắn. Hắn chưa hề gặp. Nhưng hắn cũng nhận ra đó là con hắn. Con chị kêu lên:
- Bố!
Nó đứng bật dậy chạy ra. ôi! Nó đã lớn như vậy. Nó đã lớn như thế này ư? Hắn ôm và bế bổng đứa con gái lên. Trong bếp, thằng lớn đang nấu cơm thò ra. Nó đứng chôn chân ở cửa bếp. Nó toét mồm cười:
- Bố về.
Và chạy lại phía bố. Ba bố con ôm chặt nhau. Hắn ghì những mẩu đời của hắn. Hắn ghì những mảnh thịt xương của hắn. Hắn hít má con hắn. Trong nhà thằng bé đứng ngơ ngác. Nó không dám ra.
- Dương ơi! Bố về. Ra với bố!
Chị nó gọi nó. Hắn đứng quay về phía thằng bé con, hai tay dang rộng chờ đợi. Thằng bé ngước đôi mắt trẻ thơ nhìn người đàn ông râu ria xa lạ mà anh chị nó gọi là bố. Nó vẫn nghe ông bà, mẹ, anh chị nói về bố. Khi nó khóc, mọi người dỗ nó: "Nín đi, bố về, bố yêu ".
Thời gian sơ tán, nó ỏ nhà ông bà, với thằng Téng, bằng tuổi nó, thằng Đường kém tuổi nó, đều là con bác nó. Tối nó được ngủ với ông, nhưng chỉ được ôm lưng ông, còn thằng Đường bé hơn, được ông nằm nghiêng ôm vào lòng.
Chủ nhật nào bố thằng Đường cũng về. Thằng Đường, thằng Téng gọi bố. Bác nó bế thằng Đường lên. Rồi bác nó bế nó. Nó gọi bác bằng bác. Không phải bố. Nó mong bố. Chủ nhật càng mong hơn. Mong mãi. Nó hỏi mẹ: "Bố đi đâu hả mẹ Sao bố không về ”.
Chính nó một hôm đã nghiến răng, mắt long lên, bảo mẹ: "Con với mẹ đi đánh điện cho bố về với con đi”. Nó biết nó có bố. Nó vẫn chờ lúc bố nó trở về. Hôm nay bố nó đã về. Nó do dự bước về phía bố.
Một bước, hai bước.
Hắn không thể chờ đợi được ntta. Hắn chạy vào, xốc thằng bé con lên, chạy quanh căn buồng hẹp. Hắn ghì thừng bé vào ngực. Hắn nâng thằng bé lên đỉnh đầu. Rồi hắn ngồi xuống giữa nhà. Đứa con trai sinh ra khi hắn đi tù, đứng trong vòng chân khoanh tròn của hắn.
Thằng bé hình như bây giờ mới thật tin rằng đây là bố nó. Chỉ có bố mới có thể yêu nó như thế. Bố nó đã về. Từ lúc sinh ra, nó không có bố, nay nó cũng đã có bố như thằng Téng, thằng Đường.
Nó ôm lấy cổ bố, nép vào ngực bố.
- Bố ơi Sao bố đi lâu thế?
Đó là một câu hỏi. Một lời trách móc. Hay tiếng than thân?
Những giọt nước mắt to nóng lăn trên má hắn.
Hắn không giữ được. Hắn quệt ngang, sợ thằng bé trông thấy. Không thể để tổn thương tới một tâm hồn 4 tuổi. Không thể bắn những mũi tên vào dôi mắt trẻ thơ 4 tuổi.
Một lúc sau, khi đã nằm ngửa trong vòng tay hắn, bé Dương đưa tay lên cằm hắn, chạm vào những sợi râu rễ tre của hắn.
Nó nỉ non:
- Bố ơi! Bố già chưa, hả bố?
Hắn cúi xuống nhìn đôi má non bệu, cái miệng xinh xinh hé mở có mấy cái răng sữa trắng nhỏ như gạo nếp của đứa con đang đợi hắn trả lời. Hắn áp mặt vào ngực thằng bé, nghe rõ tiếng tim đập nhanh trong lồng ngực nhỏ nhoi. Hắn day day mặt vào đấy, thầm thì trong óc: “ôi con tôi. Bố già rồi. Bố chết rồi. Bố đã qua một kiếp. Bố vừa sống lại về với con đây.
 CHƯƠNG 21
Thế là cuối cùng hắn đã về đến nhà hắn. Đến căn buồng của hắn. Nghe tiếng guốc lên thang gấp gáp, như chạy, hắn biết là vợ hắn đã về. Tiếng lên thang của vợ hắn có một nhịp điệu riêng. Dù đã năm năm hắn vẫn nhận ra. Hắn bật ra hành lang. Vợ hắn đang lên tới giữa cầu thang, ngửa mặt nhìn hắn. Phải khóc năm năm mới có được nụ cười như nàng. Phải tuyệt vọng năm năm, tủi nhục khắc khoải năm năm, góa bụa năm năm mới có được khuôn mặt sáng bừng lên như nàng lúc này.
Hàng chục năm sau này khi tóc nàng đã bạc, nàng hỏi lại hắn:
- Anh bế em lên ngay ở cầu thang, anh còn nhớ không?
Cái ngày hắn mới bị bắt, cứ mỗi lần đạp xe về nhà, nàng lại ngước nhìn lên cửa sổ tìm bóng hắn và lại một lần nữa, nàng buồn rần hiểu rằng hắn đã đi tù. Nàng sẽ bước vào nhà chỉ có một mình nàng vắng lạnh (các con nàng đã đi sơ tán). Nàng khao khát nghe giọng nói của hắn, khao khát nhìn dáng đi của hắn trong căn buồng nàng đã sống với hắn, đã quen và quý mến bè bạn của hắn, đã đẻ bốn đứa con với hắn.
Cái phản xạ nhìn lên cửa sổ tìm bóng hắn phải hàng năm sau nàng mới bỏ được.
Nàng ôm lấy hắn bằng xương bằng thịt. Nàng òa lên khóc. Và nàng nín bặt. Nàng cười. Hắn vuốt dọc lưng nàng. Người vợ đau khổ, tuyệt vời của hắn. Trong một bức thư gửi từ trại tù, nhờ một người bạn được tha, yểm mang về cho nàng, hắn viết: “Trước đây anh yêu em, giờ anh yêu và kính trọng em ".
Hắn kéo vợ hắn và gọi lũ con hắn vào buồng. Hắn dang tay ôm bốn mẹ con. Hắn ý thức được rằng: Đây là tất cả gia đình hắn. Là vợ con hắn, là da thịt hắn mà người ta đã cắt lìa. Và hắn đã có, lại tất cả. Vợ hắn hiểu những điều hắn đang nghĩ. Nàng chúi đầu vào vai hắn:
- Con Nguyệt đang ở quê với ông bà.
Nguyệt là tên đứa con thứ ba của hắn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét