Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

CHUYỆN KỂ NĂM 2000 - PHẦN 6

CHƯƠNG 16
Hắn không ngờ phải đứng chân ở Hà Nội mất hai ngày. Hắn tự nhủ: Ngọc đã phải chờ đợi hơn một ngàn ngày rồi, hai ngày nữa đáng là bao. Với lại cũng là ngoài ý muốn của hắn. ăn cơm ở nhà Lê Bàn xong, hắn đi gặp anh chị Diệu. Đang giờ làm việc, hắn đến thẳng tòa báo. ở một góc sân, một người cởi trần, đầu trăng xóa như bông, toàn bọt xà-phòng đang cuốc đất, chung quanh mấy con ngan đang đâm lông ống nhoai vào đớp giun. Hắn thông cảm với cái đầu trắng xóa ấy. Chả là trong tù xà-phòng hiếm lắm. Hắn gội đầu và cũng cứ xoa gãi tràng ngầu lên, rồi đi kỳ cọ chân tay, xong đâu đấy mới giội nước lên đầu. Nó ăn hết gầu, chỉ mất ít xà-phòng nhưng sạch. Người ấy trông quen quen. Hình như là Con-Đĩ-Ngựa. Một người hắn không bao giờ nghĩ đến trong những nám tháng tù tội. Đã quên hẳn đi rồi, như quên món bánh tráng nhìn thấy trong khi ăn bữa cơm tự do đầu tiên ở vệ đưòng chờ ô-tô đến.

Hắn nhìn lại một lúc và nhận ra đúng là Con-Đĩ-Ngựa. Chỉ vì cái đầu ông ta ngầu bọt xà-phòng nên trông hơi lạ đi. Hắn bật cười. Cười một mình khi nghĩ đến những chuyện về ông ta. (Được cười, thật sung sướng biết bao). Thực ra hắn chưa một lần tiếp xúc với ông, nhưng chị Diệu đã kể cho hắn nghe mọi chuyện về ông. Một cán bộ lâu năm. Vào tù ra tội. Trong tù, bọn Pháp hỏi: Ai ủng hộ Liên Xô đứng sang một bên. ông là người đầu tiên hiên ngang đứng sang bên đó. Chúng tra tấn ông. Gí cả bàn là nung đỏ vào lưng. Vết sẹo ấy vẫn còn. Nếu hắn đứng ở phía trong bếp nhìn ra thế nào cũng thấy. Ông ở tập thể, nhưng không ăn tập thể. Nấu riêng. Tiểu táo. Ba lạng thịt phiếu ông mua mậu dịch, thật trớ trêu, như một trò đùa của định mệnh, lần nào cũng toàn bạc nhạc. Từ cửa hàng mậu dịch về, ông đi các phòng, chìa miếng thịt cho mọi người xem, phẫn uất:
- Con đĩ ngựa đây. Con đĩ ngựa nó bán cho miếng thịt thế này đây. Đấy là ông nói về cô mậu dịch viên đã bán thịt cho ông. Chẳng biết mặt mũi tính tình cô ta ra sao mà ông phác họa chân dung cô như vậy. Từ ấy ông được anh em trong tòa báo gọi lâ Con-Đĩ-Ngựa. Ông rất vui vẻ nhận cái tên ấy, cái tên ông rủa sả cô mậu dịch. Còn tên Chính, đồng chí Đỗ Trọng Chính chỉ được dùng đến trong các cuộc họp cơ quan và chi bộ.
Hắn rụt rè bước lại định hỏi Con Đĩ Ngựa về anh chị Diệu, thì chợt nhìn thấy chị Diệu đang nói chuyện với một phụ nữ còn trẻ. tóc phi-dê trong một phòng có máy chữ.
Chị Diệu ctĩng trông thấy hắn. Chị chạy ra kêu lên:
- Ơ Chú Tuấn. Chú Tuấn đã về rồi đây này.
Chị nắm lấy tay hắn. Chị vẫn như vậy. Hơi đẫy ra. Hai chị em nhìn nhau một lúc lâu.
- Em về hôm qua.
Chị Diệu nắm tay hắn kéo vào cửa phòng:
- Cô Hà ơi! Eng Tuấng eng đã về rồi đây này.
Hắn đã nhận ra cô gái phi-dê. Cô Hà, cô thư ký đánh máy nhìn hắn. Cô cười rất tươi, đến nỗi hắn ngờ ngợ không hiểu cô có biết hắn vừa ở chốn nào về không? Hắn thích thú vì chị vẫn giữ nguyên tính hài hước. Như không có những ngày tù của hắn. Như hắn vẫn ở P lên gặp các nhà xuất bản buôn văn bán chữ, chứ không phải hắn đi tù về. Và hẳn là chị vẫn nói với cô Hà về cái tài bắt chước các tiếng địa phương của hắn.
Cũng như rõ ràng chị vẫn thích được nói chuyện với hắn. Hai chị em vẫn có thể nói với nhau bất cứ chuyện gì. Chị nói thật có duyên. Cái ngày hắn chưa đi tù, chị kể về đám người chạy rầm rập ngoài phố như có báo động. Chị gọi hỏi, không ai trả lời. Có một bà tổt bụng nhất không quay đầu lại, vừa chạy vừa thét lên để chị biết:
- Cá mè ô 5
Chị cười giàn giụa nước mắt:
- Tức là mậu dịch bán cá mè cắt ô 5. Còn ô thì đi mua.
Chị kể chuyện Tết nào Sở Thương nghiệp Hà Nội cũng triệu tập các cơ quan lên họp và Tết nào chị cũng được nghe ông phó giám đốc mở đầu bài nói bằng câu:
- Tết năm nay chúng tôi cố gắng bảo đảm bằng năm ngoái.
Có thể ông ta quên rằng năm nào ông cũng nói câu mở đầu kinh điển ấy. Vì một năm ông chỉ nói một lần. Còn chị thì chị nhớ. Vì năm nào chị cũng phải nghe. Mười mấy năm chị làm quản lý, đồng chí phụ trách báo cứ đến Tết đưa tờ giấy triệu tập họp cho chị, lại bảo:
- Này, ông cố gắng bằng năm ngoái mời họp đây. Bà đi họp xem Tết nhất ra làm sao.
Chị Diệu để hắn đứng ngoài sân, chạy lên gác tìm anh Diệu. Cả ba đi bộ về nhà. Chả là nhà anh chị Diệu ở liền cạnh cơ quan. Anh Diệu lấy ngay một bộ quần áo: cái áo sơ-mi pô-pơ-lin trắng ngắn tay, quần ka-ki và cả xanh-tuya của anh đưa cho hắn.
Hắn lại thay màu. Không màu nâu nữa. Trông hắn đã giống với đời thường. Dù vẫn còn lúng túng, ngượng nghịu với bộ cánh xi-vin chưa thể nào quen ngay được.
Anh chị Diệu ngắm nghía hắn như nhà điêu khắc ngắm nghía tác phẩm của mình vẻ hài lòng. Chị Diệu xuống nhà và trở lên với một tút thuốc lá Tam Đảo. Thật tuyệt vời. Chị bao giờ cũng vậy. Chị chỉ là chị dâu và anh Diệu là con ông bác, nhưng anh chị coi hắn như em ruột. Vì bản tính anh chị. Vì hắn đã công tác ở Hà Nội mãi, có chủ nhật nào không lên nhà anh chị chơi, hoặc ăn cơm, ăn chè ở nhà anh chị. Anh Diệu cũng suýt lao đao, khi cho đăng báo bài phóng sự dài kỳ về nạn gái điếm còn lại ở thủ đô sau tiếp quản. Người ta phê phán anh là đã đi vào những đề tài nhằm khêu gợi thú tính, bôi đen chế độ. Trong khi bao đề tài khác, bao mặt trận xây dựng khác đang cần sự có mặt của người cầm bút. Anh cũng là người vào rừng chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng.
Hắn đỡ tút thuốc lá trong tay chị Diệu, bóc ra lấy một điếu hút, bụng nghĩ: ở trong ấy, đây là cả một gia tài. Giải quyết được bao nhiêu thứ. Mỗi biêu một lệnh . Chỗ này được một cân chè đây. Uống với già Đô được hơn tháng, tối nào cũng sột sệt không phải lo nghĩ. Chị Diệu nhìn hắn hút mà cảm thấy sung sướng.
Chị Diệu: Chú đã điện cho cô Ngọc chưa?
Hắn: Em không biết trước. Có phải tù án đâu mà biết, mà điện.
Chị Diệu: Cô ấy mừng lắm. Lần nào cô ấy lên đây cũng khóc.
Anh Diệu: à! Hình như Vũ Phương cũng bị bắt rồi phải không?
Hắn: Vâng. Hôm qua em ngủ nhà nó. Về đến đây em mới biết.
Chị Diệu: Khổ thân cậu ấy. Lúc chú mới bị bắt, cứ đến đây hỏi thăm tin tức thằng Tuấn.
Hắn hỏi tin tức gia đình. Đợt B52 vừa qua làm hắn rất lo. Hắn cứ tưởng người nhà, họ hàng thân thích hắn bị sứt sát vì đều có mạt ở những nơi trọng điểm. Nhưng không. Tất cả nguyên vẹn. Cả nhà hắn chỉ có hai người đi xa: Hắn và thằng Hải con anh Thân, anh ruột hắn. Hắn đã về, chỉ còn mỗi thằng Hải đi bộ đội đã tham gia đánh chiếm Huế và hiện nay vẫn còn trong B.
Hắn không nhớ được bữa cơm ăn ở nhà anh chị Diệu. Hắn chỉ nhớ tối hôm đó hắn ở nhà một mình: Anh chị đã lấy vé xem phim. Hắn giục anh chị đi xem, đừng bỏ vé vì hắn. Cán buồng của anh chị Diệu vẫn như năm năm trước. Vẫn cửa sổ trông ra cây phi lao ấy, cái sàn lim lau thẫm bóng ấy, cái giường ấy. Nơi để xô nước ấy, cái bàn quay mặt vào lò sưởi ấy.
Đây là thiên đường hò hẹn của hắn với Ngọc khi hai người yêu nhau. Hình như cái hôn đầu tiên trong đời hắn là ở đây. ở đây hay ở Vĩnh Tuy, hắn không nhớ nữa.
Dạo ấy hắn là phóng viên báo T. ăn, ngủ, làm việc, ở cùng một nơi, một căn nhà phía cuối đường Bà Triệu. Ngọc ở ngay bên kia đường đối diện với cơ quan hắn. Chỉ cần nhìn thấy Ngọc ở cửa là có thể ra một tín hiệu: Hơi hất đầu về phía ngã tư Tô Hiến Thành và nhận tín hiệu của Ngọc: Một cái gật đầu khe khẽ. Thế là hắn đạp cái xe Parker biển xanh ra ngã tư chờ Ngọc tới. Hai người lên cơ quan anh Diệu, mượn chìa khóa nhà anh chị. Chị Diệu vừa đưa chìa khóa vừa nói:
- Lại đón cô Ngọc lên chơi hở. Tý nữa, nếu chúng tôi đi vắng cả, thì cứ đưa chìa khóa cho cô Hà nhé.
Ngọc cầm đĩa đi mua xôi ruốc, xôi lạp xường. Hai người ngồi ăn. Ngọc gọt mắc coọc, Ngọc pha nước chanh. Ngọc làm nghiêm:
- Em. Không được trêu chị. Để yên chị làm. Cứ quấy chị thôi. Hư lắm.
Trong căn buồng này hai người đã quên tất cả thế giới đang tồn tại. Nàng lúc đó mới 19 tuổi. áo ngắn tay bồng vai. Tóc xõa ngang lưng. Dáng đi hơi ngả về phía trước. Tiếng guốc của nàng như tiếng hài pha-lê của Lọ Lem, như tiếng guốc lên thang trong thơ Quang Dũng . Hai người đi, cũng chẳng biết là đi đâu nữa. Đời vui. Người vui. Mình vui. Đi cho hết những phố phường, những vỉa hè Hà Nội. Di cho hết những đêm đầu hè như đêm nay mà hắn vốn rất yêu và nàng cũng rất yêu. Đi vì nàng đi bên hắn. Nàng cũng háo hức như hắn. Hắn nhìn nghiêng và thấy cánh tay nàng tròn được cái tay áo lụa may bồng lên ôm rất khít. Một ánh đèn màu từ rạp Majestic hắt ra. Gò má nàng, mái tóc nàng, cả người nàng, cả cây cối chung quanh nàng đều nhuộm xanh như không có thực.
 CHƯƠNG 17
Hắn nhớ lại tất cả.
Hà Nội là thành phố của hắn.
Hà Nội là thành phố những năm tuổi trẻ tươi đẹp nhất của hắn.
Không phải chỉ là thành phố một thời yêu Ngọc.
Đó còn là thành phố một thời tin tưởng. Một thời tuổi thanh xuân tràn đầy sức sống. Học xong phổ thông, vào thanh niên xung phong, tiếp quản Hà Nội. Ngày 9-10- 1954 từ bốt Hàng Trống trở về nhà thương Đồn Thủy, thao thức không ngủ. Xem đồng hồ, nghe đồng chí Vũ nói: “Giờ này, Tây đang rút khỏi cầu Long Biên ". Đi dọc hành lang sang nửa nhà thương Đồn Thủy bên kia, bọn Tây đóng bên đó đã đi hết cả. Bọn Tây (chắc là nhân viên thầy thuốc) già, to béo vẫn nhìn bọn mình tập thể dục đầu này hành lang, toàn lứa tuổi hai mươi, trẻ măng, nhưng tự tin khi tiếp xúc với họ vì "sau lưng ta là Điện Biên Phủ”. Sớm 10-10 ra khỏi nhà thương Đồn Thủy, sang bên kia đường, nơi vẫn gặp các sĩ quan Pháp để cùng lên ô-tô đi tiếp quản công thự. Muốn òa lên khóc: Nơi ấy đã treo tấm ảnh Bác Hồ gầy gò với chòm râu thưa. Một khẩu hiệu vắt ngang đường: Hoan nghênh đại quân ta vào giải phóng Thủ đô.
Rồi những đêm nhảy múa với công nhân nhà máy điện, nhà máy đèn, nhà máy nước. Cô gái Cửa Bắc xinh đẹp sáng bừng lên khi mời được mình vào nhà chơi. Cả nhà cô, cả mấy nhà gần đấy sáng bừng lên một niềm sung sướng và kiêu hãnh vì bộ quần áo màu cỏ của mình ở trong nhà họ.
Và từ chối đi học nước ngoài. Lúc đó đã được chọn về làm phóng viên báo T. Thỏa mãn khát khao từ khi còn đi học: Trở thành người cầm bút. Sống ở Vácxôvi, Praha, Mạc Tư Khoa thật tuyệt vời nhưng sao bằng sống giữa Thủ đô Hà Nội. Tùy viên văn hóa, kỹ sư, bác sĩ chỉ có thể là những viên chức mẫn cán, sánh sao được với lao động nhà văn. Nguyện vọng cả đời đã thành sự thật. Cánh cửa đời rộng mở. Tự tay mình dựng xây sự nghiệp. Tương lai mình do mình định đoạt. Lăn lộn với cuộc sống. Ghi. Đọc. Viết. Trao đổi với bè bạn. Cả một lớp bạn cùng lứa trẻ trung, vui tươi, thông minh, tài năng, hóm hỉnh, tin tưởng ở nhau, lúc nào cũng là nguồn động viên nhau làm việc.
Những đêm trong buồng tập thể, tuân theo nội quy tắt đèn để khỏi ảnh hưởng đến giấc ngủ của người khác, ra bật ngọn điện cầu thang ngồi đọc sách tới khuya. Những lúc giành ra-két đánh pinh-pông, quần nhau suốt ngày không mệt. Giọng Nguyễn Vũ Phương liến láu đọc bài tổng kết về các văn nghệ sĩ tên có chữ Xuân:
- Xuân Diệu, Xuân Thiêm là Xuân tượng trưng. Xuân Hồng, Xuân Thâm là Xuân màu sắc. Về khí tượng có Xuân Vũ, Xuân Phong. Xuân âm nhạc là Xuân Cang, Xuân Khánh. Còn nếu bạn muốn nghiên cứu Xuân giáo dực chúng tôi có Xuân Sách, Xuân Trường...
Mình mượn xà-phòng của Vũ Mạc để giặt. Tất cả đứng ở bể nước nhìn mình mài xà-phòng của Vũ Mạc vào bộ quần áo bẩn. Vũ Mạc nhại thơ Nêruđa:
Hãy đến xem
Tuấn xát
xà-phòng
Hãy xem
Tuấn xát xà-phòng
Hãy đến xem Tuấn xát xà-phòng
Đêm ba mươi Tết, xuôi tàu từ Mục Nam Quan về Hà Nội với anh lái xe hỏa. Tới cơ quan là giao thừa, đốt pháo ở cơ quan khói mù mịt. Đập lúa trên sân nhà đồng chí bí thư chi đoàn vùng chiêm trũng Hà Nam. Về Bắc Giang chống hạn, nghiêng sông đổ nước vào đồng. Chuyến đi Thanh Hóa khi mới yêu Ngọc, cả thế gian là sầu nhớ, vừa đến tỉnh đoàn đã vội hỏi đường ra bưu điện, đánh điện về cho Ngọc.
Quốc khánh mùng 2-9, dậy từ lúc cả thành phố còn đang ngủ. Náo nức. Đứng ở cửa chờ Ngọc. Nhìn sang cánh cửa bên kia đường vẫn khép. Rồi nàng mở cửa nhẹ nhàng bước ra áo dài trắng, quần trắng, đồng phục của trường đi đón ngày Quốc khánh. Hai đứa nắm tay nhau đi trên đường phố vang tanh. Không một bóng người. Như thành phố dành riêng cho ta. Vẫn chưa thể quen được với ý nghĩ mình có cả một người con gái để mà yêu quý. Có tên của người ấy để mình lên tiếng gọi. Cảm ơn em về tình em yêu anh. Cảm ơn mẹ cha, mẹ cha sinh em ngày ấy để cho anh 19 năm sau đó. Để bây giờ em là của anh. Để em đi bên anh và để anh yêu. Đi đâu bây giờ em? Còn sớm quá. Em dịu dàng và tinh khiết như bầu trời đêm trước lúc rạng đông này. Phố Tô Hiến Thành trong mơ. Ra tới phố Huế vẫn là trong mơ. Tay trong tay đi mãì trong phố vắng. Kia rồi một cửa hàng vừa mở. Mình và Ngọc là những người đầu tiên bước vào hiệu. Uống cà-phê sữa. Nhìn nhau. Rồi chia tay khi trời rạng sáng. Nàng đi tới trường. Mình đến Ba Đình trong khối các cơ quan trung ương.
Buổi trưa, nàng lại sang. Nàng đã tắm gội, tươi tắn lạ thường. Đến chiều hai đứa ra bờ Hồ Hoàn Kiếm, tìm một chỗ ngồi từ lúc mặt trời vừa lặn để xí một chỗ cho đến tối. Để được ngồi giữa đám đông cũng yêu đời như mình. Để đảm bảo được nhìn thấy pháo hoa trên hồ. Những chùm pháo hoa trên bầu trời mịn như nhung có lẽ là những gì đẹp nhất, kỳ ảo nhất mà con người sáng tạo ra. Mình vừa ngước nhìn pháo hoa vừa quay lại nhìn nàng. Nàng mở to màt nhìn trời. Cặp mắt nàng, gương mặt nàng với bao màu sắc của pháo hoa ngày hội lướt qua. Nàng còn kỳ diệu hơn, xinh đẹp hơn mọi chùm pháo hoa đẹp nhất.
 CHƯƠNG 18
Hắn thở dài.
Hắn thở dài trong căn buồng vắng vẻ. Sau hai ngày đầy ắp các sự kiện, căng thẳng vừa qua hắn muốn được yên tĩnh. Và hắn đã được yên tĩnh. Lúc anh chị Diệu xuống thang là lúc hắn đi tắm. Mùi xà-phòng Thiên Lý làm hắn ngỡ ngàng. Sau này hắn còn được dùng nhiều loại xà-phòng thơm sang trọng, đắt tiền như Camay. Lux, Fa, Zest, nhưng sẽ chẳng có một thứ xà-phòng thơm nào tạo một cảm giác lâng lâng, dễ chịu, quí phái như bánh xà-phòng Thiên Lý ấy. Đó chỉ là một loại xà-phòng nội hóa, sản xuất ở Hà Nội, đã biến mất tự bao giờ khi hàng ngoại tràn vào. Năm năm hắn chỉ dùng vài bánh xà phòng giặt Liên Xô 72%. Nước suối trại Q.N vốn dĩ rất tốt. Khăn mặt hắn không xà-phòng cũng trắng bong. Quần áo tù sạch như tẩy, rõ từng sợi vải. Mồ hôi dầu cũng đi hết. Đó là thứ nước suối kỳ lạ. Trại tù nào chẳng nằm trong một lòng chảo. Bốn chung quanh là núi cao rừng rậm.
Trưa hè hầm hập lửa. Không một phe phẩy gió.
Mặt trời đốt vai hắn. Trong lồng ngực hắn lửa đất. Bàn chân giẫm lên đất bỏng giãy. Hắn cố gánh hết 70 gánh nước từ suối chạy lên tưới dọc các luống rau. Đó là tiêu chuẩn buổi sáng (buổi chiều 50 gánh). Hắn nghĩ đến Ngọc để trời đất dịu lại. Vừa run rẩy leo dốc, hắn vừa gọi Ngọc để lò lửa trong người hắn dịu lại
Từ nơi này anh sẽ gọi tên em
ơi dòng suối mát trái tim bốc lửa
Anh lại bay tung ước mơ suy nghĩ
In chân trời trên mỗi vòng xiềng
Làm thơ, đối thoại với Ngọc, hắn nghĩ được về tương lai. Hắn quên được vất vả. Nhưng rồi thực tại vẫn như bốc lửa. Người hắn như bốc lửa. Khi tiếng còi của ông vũ trang báo hiệu hết giờ, hắn cùng mọi người xuống suối tắm giặt để về trại. Lúc đó các toán quản chế làm việc trong khu hàng rào quây kín cũng được dong ra suối.
Mệt nhọc, đầm đìa mồ hôi, cái đói cắn vào bụng, hắn ngồi phịch xuống một tảng đá cuội, ngâm chân giữa suối. Mát dịu tới phổi, mát tới óc. Mặc anh em tắm. Hắn ngồi thở và nhìn nhưng thân thể trần truồng rải dọc lòng suối cạn. Người nằm cho nước chảy từ đầu đến chân. Người ngồi bệt cho nước vòng qua sườn. Người ghẻ cùng mình. Những bắp tay xăm trổ. Những bắp đùi, những bộ ngực trổ. Vĩnh biệt. Hận đời. Ngày tận thế. Mỏ neo. Trái tim rỏ máu có mũi tên xuyên qua. Rắn thè lưỡi. Đàn bà khỏa thân. Có người còn trổ cả trên lưng một bức tranh sơn thủy có núi có sông, có thuyền buồm, có lũy tre, hàng cau, có đàn cò vẫy cánh. Một anh dùi cả vào “chim" và đeo vào đó một cái pơ-lắc bằng nhôm lõng thõng. Cả bọn xúm lại cúi nâng cái pơ-lắc lên đọc: Vĩnh biệt em yêu.
Hắn vẫn có tính tiểu tư sản. Chỉ riêng mình hắn không tắm truồng. Hắn vận quần lót. Hắn thấy xót xa khi nhìn hàng ki-lô-mét dài dưới suối, những thân hình trần truồng kỳ cọ, giặt giũ, người nọ tắm nước bẩn của người kia. Hắn ngồi nghỉ một lúc, rồi mới tắm. Nước suối chỉ chảy qua một tý dưới chân thôi, cơn nóng đã dịu hẳn. Ngồi lâu là không muốn tắm nữa. Cái thứ suối kỳ lạ. Khác hẳn với suối VQ, suối QN trong vắt. Chảy nhanh. Tù xuống tắm, vẩn đục lên nhưng lại trong ngay. Và lạnh. Về mùa hè cũng buốt.
Một lần đi chặt nứa, hắn đã ngược mãi lên phía trên dòng suối tìm vả. Nghe anh em bên toán lâm sản nói trên ấy có vả. Vả hay mọc bên suối. Hắn ngược lên. Cứ ven suối mà đi. Rừng im phăng phắc. Cây lá héo nẫu. Mồ hôi dính áo. Hàn không tìm thấy vả chín. Chỉ có vài quả còn xanh.
Nhưng bù lại, hắn thấy một vùng nước rộng. Vẫn là con suối, nhưng ở đây lòng suối tràn ra. Nước trong. Rõ cát. Rõ từng con cá nhỏ bơi trên cát. Chung quanh những thân cây ngả ra, rể cây ngâm dưới nước.
Im lặng. Không một tiếng chim.
Mặc dù đang ở tù, hắn vẫn xúc động. Cái vốn thẩm mỹ vẫn còn trong người hắn. Hắn bỗng nhớ đến đảo Long Châu, khi hắn xuống xuồng lách vào vụng. Cũng nước trong vắt. Cũng cát trắng và những con cá nhiều màu. Hắn cởi bỏ hết quần áo. Lội xuống. Nước lạnh làm hắn rướn người lên. Rồi òa bơi. Lâu lắm mới bơi. Hắn lội vào trú nắng dưới một gốc cây và bỗng đứng trước một phát hiện: một lối nhỏ phía sau cây. Hắn bơí theo lối ấy. Nước vẫn trong và cát vẫn trắng dưới chân.
Một mình hắn với thiên nhiên. Hắn quên trong phút chốc thân phận tù đày. Hắn đứng trước một cửa hang ngập nước. Hắn lội vào. Những rễ cây từ trần hang xòa ra dưới nước, trắng xóa như vôi. Con tôm nhỏ dập dờn trước mặt hắn cũng trắng xóa như vôi. Mình trắng, râu cũng trắng cong vút. Hắn đuổi con tôm. Nó bung mình nhởn nhơ giữa một thế giới trắng xóa trong làn nước trong vắt và mát lạnh. Nếu bắt được, hắn sẽ ăn sống. Hắn nô giỡn với con tôm và bỗng thấy lạnh run người.
Hắn bơi vội ra, mặc quần ảo và vác nứa về trại. Con suối Q.N là thế. Dòng nước Q.N là như thế. Suối V.Q chảy chậm, nước đục và không mát. Mồ hôi dầu, mồ hôi muối, không có xà-phòng giặt không thể sạch. Một năm trên ấy hắn không có xà-phòng.
Khái niệm xà-phòng thơm bỗng đến. Nó gây sốc. Nó làm sống lại cả một quãng đời.
Năm năm rồi, hắn mới tắm trong buồng tắm, dù chỉ là một buồng tắm hẹp tối om, sát gần nhà xí, một buồng tắm chung cho cả khu nhà. Hai xô, một thau. Thế là đủ. Hắn kỳ cọ cho hết cái mùi tù bám vào hắn. Năm năm mới được tắm kỹ càng, kỳ cọ kỹ càng. Muốn tắm đến bao giờ thì tắm. Không vội vàng, lúc nào cũng chờ đợi tiếng quát “thôi", "lên”! của ông quản giáo hay ông vũ trang. Tắm ở 75 có cái sướng: nước nhiều, nhưng thời gian căng hơn. Phải hợp lý hóa đến mức cao nhất. Vứt quần áo bẩn dưới chân. Múc nước giội vào người, nước sẽ chảy xuống quần áo, làm ướt quần áo. Hai tay kỳ khắp người trong lúc hai chân giẫm giẫm lên đống quần áo ướt, người cứ nhảy như con choi choi. Rồi tìm một trụ vuông, dựa lưng vào cạnh trụ, mài lưng vào đó (động tác kỳ lưng đấy). Mài lưng, nhưng vẫn nhảy nhảy đạp chân lên đống quần áo ướt để vò quần áo. Người kỳ xong, quần áo ctĩng vò xong. Rồi tráng cho người, tráng cho quần áo. Cầm quản áo, giội xuôi vài gáo. Thế là sạch, thế là xong.
Chậu còn không có, nói gì đến xà-phòng.
Tự do là như vậy.
Tự do là không phải khỏa thân trước mặt người khác. Không phải tắm trước sự canh gác tò mò của người khác (lúc đó hắn thấy mình như súc vật). Tự do được múc nước từ xô giội vào người trong nhà tắm đóng kín, không có ai đứng nhìn mìnhvới con mắt thù địch và sốt ruột. Tự do là được thoải mái kỳ cọ. Là bọt Thiên Lý ngầu trên tóc, khắp mình mùi thơm nhẹ nhàng dễ chịu lâng lâng.
Hắn tắm và ý thức rất rõ là lại có được thân thể mình. Từ nay thân thể hắn là của hắn, thuộc về hắn. Hắn vuốt ve hai cánh tay, xoa lên ngực, đưa tay xuống bụng xuống đùi, quành tay ra sau lưng, đưa tay xuống dưới, cảm thấy hài lòng với. thân hình mình vẫn còn đang độ tráng niên. Bỗng sống lại tình yêu thân thể, một tình yêu tưởng đã quên đi, một tình yêu tưởng đã không còn.
Hắn lại kỳ một lần nữa, lại xoa lên mọi chỗ một lần nữa. Hắn khám phá người hắn từng xen-ti-mét. Và mỗi tế bào trên thân hình hắn đều ứng với một tế bào một thân hình khác: Thân hình vợ hắn. Hắn vuốt ve người hắn và nghĩ tới những chỗ ấy trên người nàng. Thế rồi người hắn không chỉ là người hắn nữa. Hắn đang vuốt ve vợ hắn. Dù nhà tắm tối, hắn vẫn nhắm mắt lại. Nàng. Nàng đang khỏa thân trước mặt hắn. Hắn hình dung rất rõ thân hình vợ. Kể cả những nhược điểm, như cái núm về bên phải hơi bị thụt vào bầu vú khi còn con gái, chỉ tới lúc nuôi con mọn mới trở lại bình thường như núm về bên kia; và dù đã sinh con, hai núm về vẫn đỏ hồng. Nốt rồi đen chỗ này, bên ngực trái. Nốt ruồi đỏ, nốt ruồi son chênh chếch phía trên chỗ ấy... Hắn đã chiêm ngưỡng nàng từng xen-ti-mét một. Chỉ sau khi đã yêu nhau nhiều lần, nàng mới cho hắn nhìn nàng khỏa thân. Lần đầu tiên được nhìn nàng khỏa thân không phải ở đây, nhà anh chị Diệu, mà là ở khu tập thể cơ quan. Lần yêu nhau đầu tiên cũng tại đấy. Đúng tối mùng 3 tháng 7, ngày sinh nhật hắn. Mọi người đi chơi hết. Hắn ở nhà chở Ngọc. Hắn và Ngọc ngồi trên cái giường cá nhân kê sát tường trong một căn buồng trên tầng hai phố Bà Triệu, vừa là nhà ở vừa là nhà làm việc. Hắn kéo Ngọc cùng nằm xuống. Cảm giác có một người con gái nằm sát cạnh mình song song từ đầu đến chân mới lạ lùng và cảm động không thể nào tin được. Không nén được cảm xúc đang tràn ứ, hắn nằm nghiêng ôm lấy Ngọc và rồi ấp lên người Ngọc. Lần yêu nhau đầu tiên bắt đầu như thế. Là cái sự bán khỏa thân của cả hai lúc nào không biết. (Hay có biết mà làm như không biết. Kể cả Ngọc. Bởi vì lúc ấy Ngọc hơi nhấc người lên cơ mà). Không hẳn là sung sương. Mà bàng hoàng. Và đau. Và chảy máu. Không chỉ nàng chảy máu. Cả hắn. Hắn cố nhìn khuôn mặt nàng lúc ấy để biết những gì đã đến với nàng mà không được. Hắn cố nhìn xuống phía dưới mà không được. Nàng không cho hắn nhìn. Nàng ghì đầu hắn xuống chiếu, vít đầu hắn xuống sát tai nàng, không cho hắn ngẩng đầu lên. Mà hắn muốn nhìn biết bao.
Yêu nhau xong hai người đạp xe đèo nhau đi phố. Không muốn bị bắt chợt chỉ có hai người trong nhà. Không xấu hổ, không sợ bị phê bình, mà là không muốn nghe những lời bỡn cợt chế giễu, dù rất xa xôi bóng gió cũng vẫn là dung tục việc làm thiêng liêng của họ. Với lại phải đi để chia sẻ niềm vui với đường phố, với người, với cây. Phải đến với khoảng không thoáng đãng để nói với trời đất rằng họ đã thực sự là người lớn, đã thực sự là đàn ông là đàn bà, họ đã đi tới chốn tận cùng ấy của thế giới này, họ đã gắn bó cùng nhau từ nay và mãi mãi. .
Hai vợ chồng (có thể gọi là hai vợ chồng từ đấy) đạp xe xuống Lò Đúc, qua Phà Đen, ngồi trên bờ cỏ Vĩnh Tuy đón gió sông Hồng. Nàng để hắn thoải mái khám phá nàng. Tin cậy. Trao thân. Run rẩy đón nhận với bao khát khao sung sướng. Qua bàn tay hắn nhận biết người nàng còn rõ ràng hơn nửa tiếng đồng hồ trước đó trong căn buồng phố Bà Triệu. Chỉ đến khi trở về, rủ nhau ăn phở, dưới bóng điện sáng trưng treo trước quầy phở vỉa hè, nàng mới phát hiện ra vạt áo sơ-mi trắng của hắn có những vết máu đỏ tươi. Hắn vội ngồi sát vào quầy để không ai nhìn thấy. Hai người cười với nhau, nụ cười thông đồng và ngời ngời hạnh phúc.
Khi ăn phở xong, nàng lại phát hiện ra cái đồng hồ đeo ở cổ tay nàng đã rơi mất từ bao giờ. Thế là lại đèo nhau trở lại Vĩnh Tuy. Xác định ngay chỗ hai đứa vừa ngồi. Cả hai cùng cúi tìm. Dưới trời sao, sáng lên ánh mạ của chiếc Nikles trên bãi cỏ.
Ngày mùng 3 tháng 7 năm ấy. là một ngày như vậy của hai vợ chồng hắn. Hắn đã tìm trên các báo những sự kiện lớn trên thế giới xảy ra trong ngày mùng 3 tháng 7 nam ấy, cắt những tin ấy ra dán vào nhật ký, quyển nhật ký đã bị Sở Công an thu. Hình như Tổng thống Pháp tuyên bố một câu gì đó. Mỹ thử bom nguyên tử, cả tin và Adenauer nữa... Những mẩu tin đó dán bên cạnh tờ lịch mùng 3 tháng 7, trang sau cài món tóc của Ngọc cắt tặng... Chao. Giá hắn nhớ được những mẩu tin ngày ấy.
Hắn chậm rãi lau khô người, mạc vào mình bộ quần áo anh Diệu cho, xách chậu xô bước lên thang gác. Cảm giác sạch sẽ, mát mẻ, tỉnh táo, mùi xà- phòng thơm của thế giới xa lạ mà quen thuộc tỏa ra từ người hắn làm hắn cảm thấy phút chốc mình bỗng trở thành người quyền quý.
Và phải được đối thoại với nàng. Ngay lúc này. Ngay lúc này, không chậm trễ. Phải được có nàng ngay bên cạnh để mà ôm ấp, trìu mến, để kéo nàng vào lòng, để bế nàng đứng lên, để đặt nàng nằm xuống, để khỏa thân cùng nhau, hoàn toàn không có chút ngăn cách nào dù chỉ một lượt vải mỏng. Bàn anh Diệu có sẵn giấy bút. Hắn viết. Hắn viết trong yên lặng hoàn toàn.
Em!
Anh đã từ địa ngục trở về. Hai ngày rồi, anh đã được tự do. 48 tiếng, đúng hơn cho đến giờ phút này anh mới đuợc tự do 36 tiếng đồng hồ. Còn một đêm nay nữa và ngày mai anh sẽ về với em. Chỉ chậm lắm là thì mai thôi, em ạ. Nghĩa là còn khoảng 16 tiếng xa nhau nữa thôi, em ơi. Anh sẽ lại bên em như em viết: chúng ta tưởng như không thể xa nhau quá một tuần.
Thế mà đã năm năm. . Thật khủng khiếp khi nhìn lại cái ngày bắt đầu. Cái ngày thứ sáu 8- 11- 1968 ấy.
Em buồn, đau đớn và nhục nhã lắm, phải không em. Không, đừng nhục nhã. Anh đã nói nhiều lần với họ rằng: tôi sống theo phương châm: sống sao có thể nhìn thẳng vào mắt mọi người mà không xấu hổ. Chúng ta không có gì để phải nhục nhã, Ngọc của anh ạ. Anh tự hào vì em. Anh tự hào vì những gì anh đã chịu đựng, đã vượt qua. Và anh sắp về với em. Anh sắp được ôm em vào lòng. Chao ơi! Bao giờ được như vậy. Ngồi ở nhà anh chị Dịệu, anh viết những dòng này với em, mà nhớ em cồn cào bứt rút đến tận đầu ngón tay anh. .
Khổ thân em. Em vẫn chưa biết anh đã được tự do và đang về với em. Em vẫn còn lo lắng cho anh thêm hai ngày vô ích. Lỗi đó tại anh. Tại anh không về ngay được với em. Hãy tha lỗi cho anh, không cất đi cho em được hai ngày đau khổ âý...
Hắn viết lộn xộn và cất bức thư ấy vào xếp thư vợ con hắn gửi cho hắn mang từ trại về. Ngọn đèn đỉện, vuông giấy trắng trên bàn viết của anh Diệu, căn phòng yên tĩnh cùng với việc hắn vừa viết một bức thư dài lắm hắn nhớ đến cái bàn viết của hắn. Đã bao đêm hắn ngồi viết như đêm nay, nhưng không phải để trò chuyện với vợ hắn mà đối thoại với toàn thế giới. Nghĩa là hắn sáng tác. Hắn thích hai câu thơ Maia:
Tôi se quên năm quên tháng quên ngày
Đóng cửa cô đơn ngồi bên giấy trắng
Ngồi bên giấy trắng. Một hạnh phúc tuyệt vời. Ngọn đèn bàn chiếu một ô sáng. Cẩn thận hơn, hắn lấy một tờ báo, khoanh thành cái bù đài, úp chụp xuống để khỏi làm chói mắt vợ con đang nằm trong màn. Khi vợ con hắn đi nằm là lúc hắn ngồi bên giấy trắng. Trên khuôn sáng nhỏ ấy, xếp giấy càng nổi lên màu trắng tinh khiết, trang trọng mời chào. Đó là thế giới của hắn. ở đó có trời, có biển, có người. Có tình yêu và bất hạnh. Có một ngọn cây cao vút, quê hương của một thủy thủ. Cả làng không ai trèo lên được ngọn cây, ngoại trừ một người, một người đui cả hai con mắt. Có người gác đèn biển, chiều chiều nhớ tiếng gà con bị mẹ bỏ chiêm chiếp vào chuồng muộn. Anh cứ đứng nhìn con cua bơi, những ngoe xanh vụng về gạt nước, bị sóng đánh lạng đi như người ném thia lia. ở đó có sóng biển xô như núi. Một con cá cơm nhỏ xíu nhảy lên không trung, lộn mấy vòng, rơi xuống, rồi lại thong thả bơi đi. Có người bí thư chi bộ địch hậu uống một bát nước mắm cho nóng người, đội rong, lội đầm trở về làng, giành lại nhân dân.
Có đêm tháng 10 trên sân hai vợ chồng người xã viên già. Có cuộc đời người giám đốc nhà máy cơ khí hay như tiểu thuyết. Có khẩu pháo 14 ly 5 trên sân thượng một xí nghiệp. Có một đầu cầu khói lửa Cát chảy thành thủy tinh, kính trên cửa sổ xưa xcanh, vụn thành cát nhỏ
Đó là lòng hắn yêu Đảng, lòng hắn yêu cuộc sống. Là cái máu thi đấu của hắn với những trở ngại, khó khăn: Vốn sống, thời gian, kiến thức. Là lòng hắn quyết tâm đạt được những gì cao nhất so với khả nàng của hắn. Là tình yêu của hắn với vợ con, món nợ hắn phải trang trải với đời, với bạn bè, với Ngọc. Ngày đi làm đêm hắn viết. Hắn có thói quen thức khuya.
Hạnh phúc là được thức khuya trong yên lặng. Hạnh phúc là những dòng chữ kín từng trang. Là bóng tối mờ mờ trong phòng. Và ở một góc nhà, màn buông, tiếng vợ con thở nhẹ nhàng trong giấc ngủ. Hạnh phúc là lúc đêm khuya cặm cụi, bỗng cảm thấy có người đứng sau lưng. Buông bút, ngả người trên ghế, đầu đã chạm ngay vào ngực vợ. Linh cảm không nhầm.
Nàng đứng sau lưng tự bao giờ. Nàng đứng yên lặng nhìn mình làm việc. Nàng đưa tay ép nhẹ đầu mình vào ngưc nàng. Đầy đặn. ấm. Mềm. Mình dụi đầu vào đó và ngước mắt nhìn lên, thấy rõ dưới cằm nàng có một vết sẹo nhỏ, chỉ nhìn từ góc độ ấy mới thấy; vết sẹo khi nàng còn bé tí, bị vập vào miệng chum nước. Đứng phía sau, nàng ấp hai tay vào cằm mình, thì thào:
- Đói không?
Gật đầu. Thế là hai vợ chồng khóa trái cửa, để con ngủ trong màn, đi ăn phở khuya. Ông hàng phở Ngã Bảy quen.
Hắn mong thời gian đi nhanh.
Đêm thứ hai hắn ngủ ở Hà Nội, vẫn là một đêm trằn trọc dài dằng dặc như một đêm VQ, một đêm QN, một đêm xà lim 75.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét