Chương XVI
CHA THẰNG VŨ
Chiều hôm mồng ba, Vũ, bộ mặt có vẻ sát khí đằng đằng; tay cầm hai hộp kẹo tây,
đến bệnh viện của Điệp. Nhưng Điệp đi vắng chưa về, Vũ hỏi thì người nhà bảo:
- Ông tôi đi Bắc Giang, hẹn về ngay, nhưng không hiểu làm sao chưa thấy về.
Vũ thất vọng băn khoăn nói:
- Tôi muốn thưa ông một câu chuyện, mà chờ đây có tiện không nhỉ?
- Được cậu cứ chờ, ông tôi cũng đoán là cậu sẽ trở lại.
Vũ ngồi ở buồng khách, thơ thẩn một mình, vừa buồn, vừa mong mỏi. Vũ sở dĩ đến
đây, mục đích chỉ định ngủ nhờ một tối nữa để thực hành cái ý định mới xảy ra
trong óc từ ban chiều, mà nghĩ đến việc ấy, Vũ quả quyết như một ông quan tòa
khép án tội nhân vậy.
Vũ ngồi chống tay lên cằm, yên như phỗng đá, nột lúc, nắm tay, nghiến răng, trợn
mắt, đứng phắt dậy, đi đi lại lại rất hùng hổ, rồi lại thở dài ngồi phịch vuống.
Vũ nóng ruột lắm.
Nguyên theo lời Điệp dặn, sáng hôm sau Vũ đi tìm làng cha đẻ, tên là Cách. Đó
là một sự mà Vũ chẳng ngờ, vì Vũ hỏi thăm nhà ông Cách nhưng không ai biết ông
Cách là ai. Người ta bảo:
- Cả làng này không có ai tên là Cách cả.
Đi một quăng nữa, đến trước nhà Hội đồng. Vũ gặp một vài ông già khăn áo chỉnh
tề, đứng trò chuyện với nhau. Vũ bèn hỏi nhưng mọi người đều lắc đầu, đáp:
- Tên là gì chứ là Cách thì ở làng này không có.
Vũ ngạc nhiên, vừa bước đi một bước, bỗng có một ông nói:
- Này, hãy khoan, cậu.
Rồi ông ấy hỏi các ông kia:
- Hay Cách là thằng Tư Kềnh chăng?
- Tư Kênh sao lại tên là Cách?
Có lẽ phải, tôi còn nhớ ngày xưa nó có bảo nó tên là Cách.
Vũ vội hỏi:
- Thưa ông, vậy thì nhà ông ta ở đâu?
- Cậu cứ đi thẳng đường này, đến chỗ quá hàng rào xương rồng kia, thì rẽ sang
tay phải, đi vào ngõ ấy qua độ ba bốn nhà, hết nhà có cái cổng đất thì là nhà
nó đấy.
Vũ cảm ơn, chào rồi đi, nhưng tai còn được nghe một câu bình phẩm nát cả gan cả
ruột:
- Thằng Tư Kênh mà cũng ông với ênh!
Vũ vào ngõ, trong bụng khấp khởi mừng thầm, cũng cái mừng hôm trước đứng cửa bệnh
viện của Điệp, tức là cái mừng sẽ được trông thấy nhà cửa của cha, được trông
thấy mặt mũi cha.
Đi càng gần tới, trống ngực càng đập mạnh. Vũ vui sướng quá.
Đến nơi, Vũ đứng ngoài cổng nhìn vào, định có gặp ai ở sân thì vẫy ra, nhưng chờ
mãi, không thấy một người nào cả.
Cái nhà ấy chỉ có ba gian, mà lụp xụp quá. Gọi đúng tên ra, thì nó là cái lều,
bức vách ba bên thì xiêu vẹo, nhưng cũng đỡ nổi cái mái bằng rơm mà làm gì chẳng
đổ nổi cái mái khốn nạn ấy vì là rơm lợp đã lâu ngày, nó bết gí xuống, dính với
nhau, trông mỏng tèo tèo. Đằng trước chẳng có cửa dả gì, nên ngày cũng như đêm,
suốt năm nó ngoác miệng ra mà nhận lấy những trận gió cắt ruột của mùa đông, sức
nóng thiêu mày của mùa hạ. Đằng trước nhà, một miếng đất, để gọi là sân rau giền
rau sam và cỏ, tranh nhau mọc bừa bãi, bẩn thỉu quá! Toàn thể cả nhà cửa, đất
cát, giá trị chưa bằng tấm áo mặc thường của các vị tiểu thư.
Nhìn kỹ từng ấy cái. Vũ bỗng nghĩ:
“Mẹ ta là con một ông quan đại thần, có lẽ nào có mang ta với người chủ cái nhà
khốn nạn này? Hay ta lại lầm nốt chăng?”
Vũ rón rén bước vào sân, ngó trong nhà, thấy có độc một tấm phản, trên tấm phản
có độc một người nằm đắp cniếu, kê đầu lên cái gối làm bằng nửa khúc tre.
Vũ phân vân, bèn gõ tay vào cột. Người ấy quay mặt ra nhìn, tự nhiên Vũ thấy rạo
rực trong lòng, suýt ứa hai hàng nước mắt.
Người ấy ngồi nhổm dậy. Vũ chào, hỏi:
- Thưa ông, có phải tên ông là ông Cách hay không?
Người ấy nhìn Vũ từ đầu đến chân, rồi lắc đầu nói:
- Tôi là Tư Kênh, cậu hỏi gì?
Vũ hơi thất vọng, hỏi lại:
- Nhưng ngày xưa có bao giờ tên ông là Cách không?
Người ấy gãi cái đầu trọc tếch có lốm đốm tóc bạc, nghĩ, rồi lắc đầu có vẻ ngờ
vực:
- Không! Cậu hỏi làm gì?
Đáp xong, người ấy chống tay xuống phản, nhăn cái mặt răn reo nứt rạn, ngồi lại
chiều khác, ra dáng đau đớn lắm, Vũ nói:
- Mười lăm năm về trước ông tên là Cách mà?
Người ấy vừa thở vừa nói:
- Cậu đừng gọi tôi là ông, lỡ các cụ làng tôi nghe thấy.
- Không, ngại gì, ông ạ. Mười lăm năm về trước, có bao giờ ông tên là Cách
không?
- À, phải, nhưng không phải tên, đó là “mè rô”. Tôi đi lính “mè rô mim tóa săng
ván cách”. Người ta vẫn gọi quen tôi là Cách, nhưng ở làng vẫn gọi tôi là thằng
Tư Kềnh.
Vũ giật mình đánh thót, chân tay run lên, xám mặt lại:
- Thế bây giờ ông làm gì?
Tư Kềnh lắc đầu:
- Tôi yếu lắm, làm gì được? Mới gần năm mươi tuổi đầu nhưng lắm bệnh tật lắm.
Vũ biến sắc mặt, bỗng hai dòng lệ rơi xuống đất. Vũ lấy vạt áo lau, rồi hỏi:
- Thế ông ăn bằng gì?
- Bữa đói bữa no, cậu ạ. Khi nào tôi khỏe thì đi hầu các cụ cũng được bữa cơm.
Độ này ốm, thì ông Bá bên cạnh vẫn cho ăn, nhưng tôi nể lắm.
Vũ lặng người, vờ nhìn ra ngoài sân một lúc rồi lại hỏi:
- Thế nhà ông không có ai à?
Tư Kênh thở dài, nói:
- Tôi không có vợ mà cũng không có họ hàng. Nghèo khổ lắm, cậu ạ. Mong chết mà
không được. Vả ốm yếu đói khát thì ma nào nó lấy!
Vũ không thể nhịn được nữa, đành mặc cho nước mắt nó tuôn ra.
- Ồng phải bệnh gì?
- Cái nghèo cái đói nó dễ sinh ra nhiều bệnh tật lắm. Nhưng cũng vì tôi đi nước
độc về, nên bây giờ tôi bị tê thấp đã đến mười năm nay.
- Ông có muốn chữa khỏi không?
Tư Kênh giúm mặt lại cười, cái cười của người khốn nạn, rồi lắc đầu:
- Khỏi để phải sống khổ, thì tôi khỏi làm gì?
- Ông khỏi thì tự nhiên ông được đủ ăn súng sướng.
Tư Kênh lắc đầu. Vũ ngậm ngùi hỏi:
- Ông còn nhớ chuyện ngày xưa không?
- Chuyện gì?
- Tại làm sao ông nghèo khổ thế này? Trước ông đi lính kia mà?
- Phải, tôi đi lính khố xanh.
- Ông có đóng ở phủ, dưới quyền ông phủ Trần phải không?
Tư Kênh chống hai tay ra đằng sau, nghĩ rồi gật.
- Thế ông còn nhớ cô nào là cô Thuý Liễu không?
Tư Kềnh cựa mình nhăn mặt, run run hai tay suýt ngã. Vũ vội chạy lại đỡ, Tư
Kênh rên hừ hừ nghiến răng nói:
- Cậu là mật thám…
Hai giọt nước mắt của Vũ rơi bộp xuống mặt Tư Kềnh. Vũ đắp chiếu cho Tư Kênh rồi
tiếp:
- Không, tôi là người lương thiện.
Tư Kênh trừng trừng hai mắt nhìn Vũ. Vũ nói:
- Cô Thuý Liễu sai tôi đến thăm ông.
Tư Kênh vừa rên vừa lắc đầu:
- Không phải.
- Tôi nói thực. Ông cầm lấy cái này.
Vũ móc túi đưa cho Tư Kềnh cái giấy năm đồng vào tay. Tư Kênh nhìn tờ giấy bạc,
rồi nhắm mắt nhăn răng ra cười, gò ngực lên mà hổn hển.
- Tôi cảm ơn cô Thuý Liễu, tôi cảm ơn cậu.
Vũ thấy Tư Kềnh sung sướng bao nhiêu, thì khổ tâm bấy nhiêu, mà càng khổ tâm
bao nhiêu, càng giận mẹ bấy nhiêu. Vũ nói:
- Tôi thương ông lắm.
Tư Kênh gật, nói:
- Bây giờ cô ấy lấy ai? Được mấy con rồi? ,
- Cô ấy lấy một ông Phủ, được bốn con trai.
- Trời ơi, chóng quá nhỉ! Thế ông Phán ấy sau ra làm quan à? Cô ấy sung sướng
nhỉ. Thế mà cũng được làm bà quan!
- Thế ngày độ ông đi lính mãn hạn thì ông làm gì?
- Nào có được mãn hạn đâu! Tôi đóng ở phủ ấy được ít lâu rồi vì việc đánh mất đạn,
quan bắt đổi cả năm người.
- Việc đó ông có rõ ai lấy không?
- Chả phải ai lấy cả. Có một hôm quan gọi tôi lên, bảo đưa cả bao đạn của tôi
lên cho quan mượn nhưng ngờ đâu ngài giữ lấy, rồi bẩm tỉnh là tôi đánh mất đạn.
- Thế à? Sao ông không kêu?
- Kêu ai? Tôi phải đổi, cả đồn phải đổi, mà cả trại lính lệ cũng phải đuổi hết.
Ở đồn mới được vài hôm, tôi bị bắt, là thông đồng bán đạn cho giặc cướp, rồi phải
tù và bị giam ở một tỉnh trung châu. Ớ đấy, một hôm tôi xe cát vào dinh quan
Chánh án, thì tình cờ gặp ngay cô Thuý Liễu và quan Phủ năm ấy làm Chánh án tỉnh
này. Bởi vậy, hơn một tháng sau, tôi phải phát vãng lên mạn ngược, trên Sơn La.
Tôi ở đấy, không chịu được nước, suýt chết mấy lần. Nhưng thà chết ngay ngày ấy,
còn hơn đeo bệnh tật vào mình mà sống dai dẳng đến bây giờ.
- Thế là ông dại nên mới phải tội oan.
- Phận hèn thì còn kêu thế nào được oan! Tôi biết là quan thù tôi vì một việc.
- Việc gì?
- Việc tôi với cô Thuý Liễu.
Vũ vờ hỏi:
- Sao lại dính đến cô Thuý Liễu?
Tư Kênh nghĩ ngợi, rồi tươi tỉnh hẳn lên, vì được nhắc lại cái đời sung sướng
đã qua:
- Nguyên ở phủ ấy, nhà tư chỉ cách trại cơ có cái sân bếp chừng hai mươi bước.
Buồng cô ngay ở đầu nhà, có cửa sổ trông xuống trại. Ngày ấy tôi còn trẻ trung,
đẹp đẽ, khỏe mạnh lắm và chưa vợ. Cũng là vui chơi với nhau trong trại, anh em
chúng tôi hay hát, hát tuồng, hát chèo, hát lý, kể kiều Sài Goòng, kể sa mạc.
Trong bọn anh em, tôi có giọng tốt nhất. Một hôm về tháng tám, tôi đang kể sa mạc,
bỗng trông ra ngoài phía trên buồng cô, thấy cửa mở đèn tắt, mà cô thì ngồi ở
trong, muốn chừng đang nghe. Tôi thấy vậy, im không hát nữa, thì văng vẳng, tôi
nghe tiếng đàn cô đánh. Hôm sau, lúc đó gần canh ba, trời sáng trăng, tôi lại bắc
chõng ra sân, và cũng kể sa mạc. Tôi lại trông thấy cửa buồng cô mở ra, và thấy
bóng cô đứng đấy. Vì hôm trước có đám cướp to ở cuối phủ, nên tối ấy quan đi tuần
với thầy quản Đòn và ba người lính; chỉ còn anh Tắng Sít canh ờ cổng, và tôi ở
nhà coi trại mà thôi. Tôi thấy cô nghe, phần sợ cũng có, phần muốn ghẹo cô cũng
có, tôi lại im không hát nữa. Nhưng tôi vừa im tiếng hát, thì lanh lảnh cô gọi:
- Anh Cách hát nữa đi.
Tôi bèn cố lấy giọng, hát những câu cực hay, thì thấy cô leo lên cửa sổ, ngồi
phệt, thòng chân xuống gọi:
- Này, anh Cách lại gần đây mà hát.
Tôi nhìn trước nhìn sau và trong bếp, thấy vắng vẻ quá, vì quan đi vắng, nên
người nhà cũng đi chơi, mà trên nhà trên, bà lớn và các cô cũng đi ngủ cả, nên
đánh liều, tôi bắc chõng lên sân bếp để hát, nhưng hát khẽ thôi, vì tôi sợ trên
nhà biết thì phải chửi. Nhưng cô bảo:
- Hát to lên anh!
- Bẩm cô, con sợ trên nhà nghe tiếng.
- Thế thì lại gần đây mà hát. Anh hát hay lắm.
Tôi trong bụng đã thấy muốn giở mặt liều, nhưng nghĩ mình hèn mọn, ngộ lỡ ra
thì tù mọt gông, tôi bèn nói:
- Bẩm cô tha phép cho con.
- Không sợ! Anh hát rồi tôi sẽ thưởng cho anh; hôm nay vắng vẻ, tôi cho anh cứ
tự do mà.
Nói đến đó Tư Kềnh thở dài. Vũ nói:
- Thế là tôi hiểu rồi. Thôi, ông không phải nói thêm nữa.
- Vâng. Nhưng cậu phải biết là cô ấy mê tôi trước, chứ Bụt trên tòa gà nào dám
mổ mắt. Ngày ấy quan bắt cô ấy uống thuốc mãi, nhưng không làm thế nào cho cái
thai ra được.
Vũ tái mặt, nói lảng:
- Nhưng sao ông không khiếu oan, kể rõ đầu đuôi như thế?
Tư Kềnh thở dài, cựa mình, hai tay chống lại, lắc đầu, nói:
- Mình dại mình chịu, đổ tiếng cho người ta thì mình có hay thêm gì đâu. Vả tôi
không nỡ, vì ngày ấy tôi được cô ấy thương tôi lắm.
- Thế bây giờ tôi hỏi ông câu này, ông nói thực nhé.
- Vâng cậu cứ hỏi.
Vũ móc túi, lấy mảnh giấy nặc danh hôm trước Điệp đưa cho, hỏi:
- Có phải thư này ông viết phải không?
Tư Kềnh cố gượng ngồi dậy, đọc từ đầu đến cuối bức thư.
Trong khi ấy Vũ ngắm cái nét mặt xanh xao của Tư Kênh, và mong một tiếng trả lời
ở cửa miệng người ấy.
- Phải!
Vũ như bị sét đánh, bỗng nức nở khóc, làm cho Tư Kềnh trố mắt lên nhìn, chẳng
hiểu sao cả.
- Phải, thư này chính tay tôi viết, khi tôi chưa lên Sơn La. Nhưng cậu ơi, cậu
làm ơn bảo cho tôi biết rồi sau cô đẻ con trai hay con gái.
Vũ cau mặt nghĩ. Bỗng nắm chặt tay, Vũ đấm xuống phản, rồi hỏi:
- Ông bảo gì?
- Cậu làm ơn cho tôi biết rồi sau cô đẻ con trai hay con gái?
- Đẻ con trai, đứa bé ấy hiện vẫn còn sống và ở với cô Thuý Liễu, nhưng nó bị cực
nhục lắm, chính tai tôi nghe thấy mấy lần nó bị mẹ nó diếc là con nhà lính mà
tính nhà quan.
Tư Kềnh lác đầu:
- Bạc quá! Ác quá! Bất nhân quá? Hèn nào mà rồi tôi hỏi thăm, có người nói rằng
ngày mới đẻ đửa bé cô ấy bóp nó chết ngạt, nhưng may có người biết.
Vũ giật mình đánh thót, rụng rời chân tay. Một lúc mới hỏi:
- Đứa bé bị bạc đăi, vẫn cố đi tìm ông đấy.
Tư Kềnh thổn thức lên khóc, gò lưng mà ho sù sụ, nhăn nhó, gục đầu xuống cổ, quệt
vai áo lên mắt:
- Con ơi!
Vũ cũng khóc.
Tư Kênh ho mệt quá, nhờ Vũ đỡ nằm và bảo:
- Vậy cậu có gặp nó, nhờ cậu làm ơn đưa nó về đây cho tôi.
- Thế nào rồi ông cũng gặp con ông, ông cố sống thêm hai ba năm nữa. Nó sẽ nuôi
nấng ông được tử tế. Ông sẽ có lắm tiền nhiều bạc.
Tư Kênh thở dài. Hai người lặng nhìn nhau hồi lâu, mỗi người hiểu một cách, rồi
Vũ cầm mũ cáo từ ra đi…
Chương XVII
ĐIỆP VỚI THUÝ LIỄU
Vũ ngồi một mình ở buồng khách nhà bác sĩ Điệp, tay bóp
trán suy nghĩ lại cái cảnh khốn nạn của cha, cái lòng bất nhân của mẹ, thì càng
oán ông Phủ Long và Thuý Liễu.
Đến độ bảy giờ tổí, bỗng có tiếng còi bóp inh ỏi ở ngoài phố, người gác quen hiệu,
chạy ra mở cổng. Hai cánh cửa sắt rít lên, khi chiếc xe hơi hòm kính nhẹ nhàng,
nhảy chồm rồi tiến vào đến sân, thì Vũ đã đứng chờ ở đó.
Xe chưa tắt máy, Điệp đã gọi vang người nhà và hai thầy khán hộ. Vũ đoán hẳn có
việc gì quan trọng chi đây, bèn chạy lại gần xe, để cùng mọi người chờ làm đỡ
công việc.
Điệp thấy Vũ chào, mỉm cười gật đầu, nhưng nét mặt vẫn rất lo lắng, hấp tấp xuống
xe, theo sau là một người trẻ tuổi. Điệp giới thiệu với Vũ:
- Đây là em Xuân, con cụ ân nhân của tôi.
Rồi ngoảnh lại bảo Xuân:
- Người mà anh mới nói chuyện cùng em buổi sáng.
Vũ và Xuân chào nhau, Điệp nói:
- Tôi bận, cậu Vũ chờ tôi sẽ nói chuyện nhé.
Vũ hỏi khẽ Xuân:
- Thưa ông, ông Đốc bận gì, sao trông mặt ngài có ý hốt hoảng vậy?
Xuân trỏ vào trong xe nói:
- Có người ốm nặng, chúng tôi đưa về đây.
Vũ nhìn Điệp, nhìn Xuân đứng lặng.
Trong bệnh viện, đèn bật sáng trưng, mọi người khiêng chiếc giường lên gác, và
ôm chăn đệm, gốì, mới thay đi theo.
Điệp và Xuân vẫn đứng đấy. Vũ tò mò cố nhìn vào trong xe, thấy một người quấn
chặt trong chiếc chăn nâu, trông như khúc gỗ, không rõ mặt mũi.
Khi giường ghế trên gác kê dọn đã xong, Điệp mở cửa xe, rồi cùng Xuân khênh bệnh
nhân lên gác, Xuân bảo Vũ:
- Có cái hòm trong xe, cậu bưng hộ lên.
Vũ cúi vào trong xe, lôi cái hòm ra. Cái hòm ấy bằng gỗ tạp sơn đen, vuông chăn
chắn, đằng sau có bản lề, đằng trước khóa, nhưng bản lề và khóa đều long cả. Vũ
tưởng cái hòm nặng, cố hết sức khênh, thì trái lại, cái hòm nhẹ bổng lên,
nghiêng đi, nắp bật ra, Vũ trông rõ trong có một ít quần áo bằng vải nâu. Vũ
phân vân, không hiểu con bệnh là hạng người thế nào mà được biệt đãi như thế.
Đặt bệnh nhân lên giường, mọi người thay chăn và gối. Lần này thì Vũ nhìn rõ.
Người này hẳn là ốm nặng lắm. Mặt mũi đen đủi, xấu xí, hốc hác, lưỡng quyền và
hàm răng vêu lên xám ngoẹt, mặt và hai tay gồ ghề những xương cùng gân, thân thể
mềm lả như cái xác không hồn, bởi vì có con mắt có thể biểu hiện cho sự sống,
thì đã lờ đờ hoặc nhắm mắt rồi. Trông bộ tóc dựng ngược như lông bàn chải. Vũ sực
nhớ đến cái đầu của cha Vũ, thì đoán là một anh tù bị phát vãng trên mạn ngược
mới về; thật, giá trên ngực, Vũ không trông rõ cái lần áo phập phồng lên xuống,
thì đã tưởng là người chết rồi.
Vũ thấy Điệp có dáng rất lo lắng, ngại ngùng, cẩn thận. Tự tay Điệp đi sửa soạn
các đồ tiêm. Vũ hỏi khẽ Xuân:
- Thưa ông, người ốm là ai?
- Chị tôi đó. Chị tôi ốm đã ba tháng nay ở chùa Phương Thành.
Vũ cảm động, trố mắt nhìn Lan một cách cung kính. Vậy là người có ảnh treo
trong buồng ngủ của Điệp! Vậy là người Điệp yêu, Điệp quý, Điệp nhớ nhất đời!
Lan nằm trên giường bệnh, bất tỉnh nhân sự. Điệp cầm tay Lan, thất vọng lắc đầu,
nói:
- Chậm quá rồi, khó lắm.
Một cái yên lặng man mác, mỗi người tâm sự một khác, đều cùng nhìn nhau thở
dài.
Bỗng Vũ khẽ hỏi:
- Bà ấy phải bệnh gì? “
Điệp liếc mắt, Xuân hiểu ý, không muốn có tiếng nói xôn xao bên người ốm, bèn bấm
Vũ, hai người rón rén ra buồng thuốc. Xuân nói:
- Chị tôi không rõ là mắc bệnh gì, bởi vì nhiều bệnh quá, những bệnh về tâm lý
nó đã ăn sâu vào trong tâm hồn hàng mười lăm năm nay, bây giờ mới phát ra thì rất
là khó chữa.
- Nhưng bác sĩ hết lòng, hẳn có hy vọng.
Xuân lắc đầu, cười một cách đau đớn:
- Mặc dầu. Vì hiện nay bác sĩ cũng chưa phân biệt được bệnh. Ấy thế mà anh tôi
và tôi xin mãi sư cụ mới bằng lòng cho về đó. Sư cụ rất thương mến chị tôi, cứ
nhất định không nghe, nói rằng không muốn phó thác tính mệnh cho ai cả; vì sư cụ
coi chị tôi như con, năm nay người đã ngoại tám mươi tuổi. Chị tôi thì ốm nặng
quá, mê mẩn không còn hiểu gì, đến nỗi chúng tôi mang về đây, cũng không biết.
- Nhưng nếu bà ấy biết rằng bác sĩ và ông trông nom săn sóc cho, thì hẳn bệnh
mười phần phải giảm ngay năm sáu.
Xuân gật đầu:
- Có lẽ.
Bỗng Điệp lứng thững ra, vẫn thất vọng, lử thử nói:
- Anh phải mời vài ông bác sĩ nữa cùng hiệp lực để chữa mới được.
Xuân hỏi:
- Bây giờ chị em ra sao? Anh?
- Tiêm rồi, nhưng còn phải nghe từ giờ đến nửa đêm mới có thể yên tâm được.
Nói rồi, Điệp xuống nhà dưới.
Trên gác bệnh viện đêm hôm ấy tấp nập kẻ ra người vào, nhưng đều rất sẽ sàng,
không có một tiếng động to.
Lan nằm lả trong chăn, lúc thì hổn hển thở, lúc thì ự ự cựa, cũng có lúc mở mắt
ra, nhưng chỉ vài giây đồng hồ, rồi lại gà gà nhắm lại, rất mệt nhọc.
Ba bốn ông Đốc tờ và Điệp cùng nhau nghe bệnh và bàn bạc, nhưng ai cũng đều lắc
đầu, Điệp càng lo.
Độ khoảng mười giờ, Điệp thấy Lan thở đều hơn trước và nằm im, Điệp mới khẽ ra,
đóng cửa lại, đi ăn cơm.
Trong khi ngồi vào bàn, Điệp gọi Vũ đến cạnh nói chuyện. Vũ thấy Điệp hơi vững
dạ, nói:
- Con chúc bà ấy sẽ chóng khỏi, để cùng ông trọn lời ước xưa.
Điệp đổi ngay ra nét mặt rầu rầu:
- Tôi nào dám mong nhiều quá thế, có phải một mình tôi quyết định được việc ấy
đâu? Vả mong bà ấy khỏi được bệnh cũng đã khó lắm rồi. Thế nào? Cậu về đây, hẳn
ý cậu muốn cho tôi biết rõ cậu đã được nghe và thấy những gì.
Vũ tái mét mặt, kể hết đầu đuôi câu chuyện Tư Kênh rồi khóc. Điệp và Xuân rất
ngậm ngùi. Vũ kết cục:
- Con đến đây, chủ ý định thưa ông lại việc đó, rồi sáng mai, con xin phép ông
con đi sớm.
- Cậu đi đâu? Cậu có thể ở đây với tôi, tôi sẽ cho cậu đi học tử tế, cậu đừng
ngại.
Vũ bồi hồi đáp:
- Nếu con có phải nhờ đến ông, thì sau này kia, chứ bây giờ thì quyết con phải
đi.
- Cậu về với ông bà Phủ?
Vũ cười:
- Thưa ông, đối với một người đã lập tâm giết con mấy lần, thì là kẻ thù, chứ
là mẹ sao được.
Điệp an ủi nói:
- Đành vậy, nhưng bà Phủ có công mang nặng đẻ đau, ông Phủ có công nuôi nấng cậu
từ thuở bé đến giờ, cậu nên nghĩ chỗ đó.
- Nhưng chẳng may cho mẹ con, là con không chiều được ý mẹ con mà chết ngay từ
khi còn là cái thai, thì hẳn là lẽ tự nhiên, ông Phủ Long phải nuôi con. Ông Phủ
Long và mẹ con coi con như kẻ thù, tất con không thể coi ông ấy và bà ấy là cha
là mẹ nữa.
- Vậy thì cha cậu sẽ là ông Cách?
Vũ lắc đầu:
- Ông Cách! Nào ông ấy có định tâm có con đâu!… Con chỉ là cái kết quả của sự
đùa bỡn của ông ấy và bà Thuý Liễu mà thôi.
- Cậu nghĩ thế không được. Người ta uống nước phải nhớ nguồn.
- Con là con của xã hội, chứ không là con riêng của một ai.
Rồi đau đớn, Vũ ngồi yên lặng một lát, trầm ngâm. Độ năm phút sau, Vũ lại nói:
- Con không muốn ai biết cỗi rễ của con. Con không muốn ngày sau hễ ai nói đến
con, người ta lại thì thào rằng: Đó là con hoang của thằng lính tập. Nghĩa là
con chỉ là một người con chịu trách nhiệm những công việc của cha hay mẹ.
Điệp đương lo lắng bỗng bật cười. Vũ lại nói:
- Chỉ có tay Thần Chết là có thể xóa được hết cả dấu vết ở đời.
Điệp lại cười:
- Chỉ có linh hồn cao thượng, đại lượng, cũng như chỉ có công việc bổn phận mới
có thể làm quên được nỗi khổ thống ở đời. Tôi đây, nếu không cương quyết lấy
công việc về bổn phận để phấn đấu với những nỗi đau đớn, thì những cái này nó
đã sai khiến giầy vò tôi biết đến thế nào rồi. Ớ đời, ta phải sống cao thượng
và làm việc.
Câu chuyện đang vui, bỗng Điệp nghe thấy tiếng Lan ự ự trong buồng, vội bỏ cả
bát đũa vùng chạy vào.
Đêm hôm ấy, Điệp tuy nằm trên giường, nhưng không dám chợp hẳn mắt. Trong buồng
Lan, tức là buồng Xuân học, chỉ thắp một đèn ngủ lờ mờ, còn thì tắt hết. Điệp vắt
tay lên trán, vơ vẩn lo lắng về bệnh tình của Lan, lúc nào cũng lắng tai nghe
ngóng. Hồ thấy một tiếng động là giật mình. Bên ngoài gió vi vút thổi, cái đêm
chầy thăm thẳm, lạnh lùng, nó chứa bao nỗi kinh hùng, bí hiểm, lại càng dọa Điệp,
làm cho Điệp hễ động thiu thiu mơ màng là đâ thấy những giấc chiêm bao sợ hãi.
Bỗng ngoài buồng thuốc, ngọn đèn điện bật sáng trưng. Điệp mở choàng mắt ra,
khe khẽ lật chăn ngồi nhổm dậy. Rồi gượng lẹ. Điệp đứng lên rón rén đến sau
cánh cửa kính có màn đăng ten dòm vào.
Điệp ngạc nhiên, sững hẳn người ra.
Vũ ngồi ở trên bàn, đang loay hoay với hai hộp kẹo.
Điệp lẳng lặng nhìn để dò xét xem Vũ định làm gì. Vì bàn kê ngay gần đấy, nên
Điệp trông rõ lắm.
Vũ buộc dây chằng bốn bên hai cái hộp, rồi dán mảnh giấy đè lên nút buộc, và cầm
bút. Chẳng mấy chổc trên mặt hộp. Điệp đã trông rõ mấy dòng chữ sâu này.
Bà Phủ Hoàng Xuân Long
Làng Yên Hạ
Lạc Quần
Viết xong, Vũ cầm cái hộp ngắm nghía, rồi chống tay lên bàn ra chiều nghĩ ngợi.
Một lúc, Vũ gục hẳn mặt xuống, rồi bỗng ngẩng phắt đầu lên, cầm bút viết đề nốt
cái hộp nữa:
Ông Hoàng Xuân Long
Tri Phủ
Ga Lai Khê
Viết xong, lại như bận trước, Vũ cầm cái hộp ngắm nghía, rồi như có điều gì hối
hận không yên tâm.
Điệp cắn môi, cau đôi lông mi lại nghĩ, không hiểu Vũ có ý gì mà gửi hai hộp kẹo
cho hai người ấy. Nhưng chắc rằng thế nào cũng là việc không hay. Điệp nhận kỹ
nét mặt Vũ, bỗng đâm nghi, bèn trông bốn bên buồng thuốc. Điệp giật nẩy mình: lọ
thuốc độc vẫn để kia, nhưng vợi đi hẳn một nửa.
Điệp hiểu ngay lập tức, run lên, lạnh toát cả người. Lúc bấy giờ, buồng ngoài,
Điệp thấy Vũ vẫn ngồi thừ, tay cầm hai cái hộp giơ lên lại đặt xuống, mà ngắm
nghía mấy dòng chữ. Chàng thở dài, lắc đầu.
Điệp mơ màng, đứng ngây như khúc gỗ, đến nỗi ngọn đèn điện tắt lúc nào cũng
không để ý đến nữa.
Lúc bấy giờ đã bôn giờ rưỡi sáng. Hơi lạnh quanh mình làm cho Điệp như sực tỉnh
giấc chiêm bao. Chàng bâng khuâng, đi lại giường, ngồi gục đầu, nhắm đôi mắt
nghĩ ngợi. Hẳn là trong cái óc nhân đạo của chàng tưởng tượng ra bao nhiêu cái
thảm trạng trong gia đình họ Hoàng.
Rồi tự nhiên chàng quả quyết đứng phắt dậy, đến mở tủ. Chàng bấm ngọn đèn pin
soi vào trong ngăn, lấy ra ba tờ giấy bạc một trăm, gặp lại và bỏ vào trong chiếc
phong bì danh thiếp và dán kín.
Rồi giữa cái lặng lẽ, trong trẻo, tôn nghiêm của buổi canh tàn, Điệp lẹ làng bước
đi, mở cửa ra buồng ngoài, nín hơi, rón rén đến cạnh giường Vũ. Chàng đứng đằng
đầu giường, lắng tai nghe, thấy Vũ đã ngáy, chàng bèn với tay lên đỉnh màn, nhấc
lấy cái mũ của Vũ, bỏ phong bì vào vành mú da lần trong; rồi lại êm lặng để trả
chỗ cũ. Điệp lại khe khẽ thò tay vào màn, rút dần dần lấy ra hai hộp kẹo, rồi
rón rén về buồng mình.
Rất khéo léo, chàng bóc cái giấy để tên trên hộp, rồi lấy con dao cắt dây chằng
bốn bên, nậy nắp, đổ hết kẹo ra, và soi đèn xét rất kỹ lưỡng. Một lúc lâu,
chàng gói cả kẹo vào một cái gói riêng, và nhét vào hộp những mảnh sắt con con
và chèn đầy giấy vụn xung quanh. Điệp đóng nắp hộp, lắc thử rồi buộc dây, dán
giấy như cũ.
Làm cẩn thận xong. Điệp sẽ sàng, lắng tai từng tí, rồi cất trả hai cái hộp vào
chỗ cũ cho Vũ.
Cất xong, Điệp đứng ngay ở đầu giường, hai mắt đăm đăm nhìn Vũ mà ngậm ngùi.
Sau lượt màn thưa, Vũ nằm sóng sượt, dưới vầng tóc đen ngòm, lờ mờ có cái cánh
tay vắt ngang qua mắt và trán; vậy mà Điệp cũng tưởng tượng thấy cái mặt nhăn
nhó của thằng bé con mười lăm tuổi, đầy những vết thương về vật chất, và về tinh
thần!
Rồi trên bộ mặt sắt đá của Điệp mà người xưa vẫn cho là bạc, từ từ chảy ra hai
dòng lệ long lanh!
Chương XVIII
ĐIỆP VỚI LAN
Không những không có hy vọng chứa khỏi, mà cũng
không mong hàng ngày nữa, được giờ nào hay giờ ấy mà thôi. Điệp cố hết sức chữa
cho Lan tỉnh trong một lúc để được nói chuyện trước khi vĩnh quyết, nhưng khó
quá, lúc nào Lan cũng li bì, mà ba bốn bận ngất đi, tưởng không cứu được nữa.
Suốt cả ngày hôm sau, mấy vị bác sĩ đến thăm bệnh cho Lan, nhưng cũng không ích
gì. Điệp lại cho mời cả mấy ông thầy khách, thầy ta, xưa nay có tiếng là danh
sư nhưng ai bắt mạch xong cũng từ chối. Điệp đành bó tay cùng Xuân ngồi ở ghế
kê ngay sát đầu giường để chờ lúc Lan giở chứng thì gọi.
Nằm trong chăn, hai mắt gà gà; Lan vẫn hổn hển thở. Cứ mỗi khi Lan cựa, hoặc
rên, thì Điệp và Xuân lại giật mình nhìn nhau và dò xem Lan muốn gì. Điệp chắc
rằng Lan cứ thế rồi lịm đi, như ngọn đèn hết dầu thì tắt.
Nhưng bỗng tự nhiên, Lan thở mạnh một cái, rồi hai con mắt mở to, có vẻ tinh thần.
Điệp mừng quá, nhưng là cái mừng ở trong sự tuyệt vọng, vì Điệp biết rằng đó là
phút cuối cùng của
Lan lấy hết cái sức tàn để phấn đấu với sự chết.
Lan giương mắt nhìn, nhìn Điệp và nhìn Xuân. Điệp ghé đầu lại gần, gọi:
- Cô Lan!
Xuân rơm rớm nước mắt, cũng gọi:
- Chị ơi!
Lan trừng trừng nhìn hai người để làm hiệu thưa. Điệp hỏi:
- Cô Lan, cô có biết tôi là ai không?
Lan lim dim hai mắt, gật đầu.
Điệp bảo:
- Cô thử nói tên xem có đúng không?
Lan giương đôi mi mắt chòng chọc nhìn vào mặt Điệp khẽ cất tiếng:
- Điệp!
Nói xong, tủm tỉm cười. Điệp trỏ vào Xuân hỏi:
- Thế cô có biết ai đây không?
Lan quay nhìn, nhìn mãi, rồi lắc.
- Xuân đấy, em Xuân đấy.
Lan vẫn nhìn, Xuân hỏi:
- Chị có nhận ra không? Em đây mà.
Lan lắc. Xuân nói:
- Tại ngày chị còn nhà, em còn bé quá, bây giờ em lớn, em khác hẳn đi.
Lan gật, rồi ú ớ nói líu lưỡi hỏi:
- Thầy mạnh chứ?
- Thầy mất sáu năm nay rồi, chị không biết à?
Lan lắc, rồi nức lên nhưng không khóc ra nước mắt.
- Bây giờ em học ở ban Tủ tài trường Bảo hộ. Anh Điệp nuôi cho ăn học.
Lan quay nhìn Điệp, gật một cái. Điệp nói:
- Đây là nhà tôi, bệnh viện của tôi mới mở, tôi không làm việc nhà nước nữa.
Lan gật, rồi cố nhăn mặt, dùng hết sức, hỏi bằng giọng khàn khàn, líu ríu rất
khó nghe:
- Mấy con?
Điệp trợn mắt ngạc nhiên hỏi:
- Cô tỉnh hay mê? Cô Lan?
- Tỉnh.
- Thế cô có nhận được ba cái thư tôi gởi vào chùa không?
Lan gật.
- Sao cô lại hỏi thế?
Lan thong thả lấc đầu, đáp:
- Tôi không đọc.
Một hồi trống ngực làm cho Điệp bồi hồi, hai dòng lệ bỗng bò trên má chàng; Điệp
nhăn nhó hỏi dồn:
- Sao lại không đọc?
Lan lắc, lả ngoẹo đầu thở dài:
- Thế cô có biết tôi bỏ Thuý Liễu ngay mấy tháng sau khi cưới không?
Lan lắc. Xuân nhìn Điệp nói:
- Hay là chị tưởng Thuý Liễu vẫn ở với anh, mà không muốn đứng giữa, làm rối cuộc
hòa hợp gia đình anhj nên mới thế?
Lan gật. Điệp nói:
- Tôi không lấy ai cả. Ngày ấy tôi bị bắt buộc cưới Thuý Liễu, chứ không nhận
Thuý Liễu là vợ.
Lan nhìn Điệp, có ý cảm động, nhăn mặt lại, mà ngực phồng to rồi giẹp xuống như
đã bắt được một hơi nặng nề. Điệp nói:
- Bây giờ tôi đỗ y khoa bác sĩ, là nhờ ông nhà cho sang Tây học. Đẻ tôi mất sau
khi tôi ở Pháp về được một năm. Em Xuân học hành ngoan ngoãn, chắc nối được
nghiệp nhà.
Lan gật.
- Ngày tôi bỏ Thuý Liễu, tôi có vào chùa định thăm cô nhưng không vào, vì tôi
muốn quyết lập thân trước rồi mới nghĩ đến cuộc nhân duyên sau.
Một nụ cười khô đét nở trên cặp môi héo hắt của Lan. Lan lắc đầu.
- Sao cô lại đày đọa thân cô quá thế. Cô làm gì nên tội, tự làm khổ như thế để
thiệt một đời?
Lan nhăn mặt, lắc đầu, cố nói:
- Tôi tưởng…
Rồi giũ lên mà ho; ho xong, hai mắt đờ ra, lim dim, thở… Điệp lắc đầu, bảo
Xuân:
- Thương hại quá.
Lan lại cố mở mắt ra để nhìn. Điệp hỏi:
- Thế ba cái thư tôi gửi về đâu?
Lan lại dim mắt, nói:
- Hòm
Điệp bảo Xuân lục ra lấy, thì quả nhiên ba cái phong bi còn dán nguyên- Điệp vò
đầu vò tai, nhăn nhó nói:
- Khổ quá. Tôi thương cô quá.
Rồi Điệp nức nở lên mấy tiếng, ngồi phịch xuống ghế. Xuân cũng thổn thức. Quanh
mắt Lan bấy giờ cũng lóng lánh một quầng lệ.
Điệp bảo Xuân mang ảnh ông Tú Yầ ảnh Lan cho Lan xem. Lan nhìn, rồi mỉm cười, gật
đầu. Điệp hỏi:
- Cô Iíệu trong mình thế nào?
Nước mắt đẫm len, Lan lúng bứng trong lưỡi mấy tiếng.
- Tôi chết… chân lạnh…
Điệp và Xuân nhìn nhau thở dài. Điệp hỏi:
- Thỉnh thoảng tôi với em Xuân có lại chùa hỏi thăm cô, cô có biết không?
Lan lắc, Điệp nhăn mặt, nói:
- Khổ thân quá! Trời đã cho người ta cái quên là một, cái quen là hai, để rịt
những vết thương trong tâm hồn mà không biết lợi dụng. Đau đớn cho Lan biết chừng
nào! Lan ơi!
Vừa nói Điệp vừa nức nở khóc. Lan quay mặt nhìn chàng tỏ tình thương hại, gọi:
- Anh!
Xuân cũng gọi:
- Anh Điệp, chị em hỏi gì.
Điệp lau mắt, ghé tai gần:
- Cô hỏi gì tôi.
Lan thở mạnh, ú ớ nói khẽ:
- Đừng khóc… tôi chết… lạnh đùi…
- Cô muốn tôi để cô ở đâu?
Lan hỏi:
- Chôn ấy à?
- Phải!
- Đâu cũng được.
- Ở nhà quê nhé!
Lan gật, sau cái gật, một cái mỉm cười cố sức sau cái cười cố sức, hai con mắt
chòng chọc nhìn vào Điệp nhưng lờ đờ dần.
Điệp gọi:
- Cô Lan!
Xuân cũng gọi:
- Chị ơi!
Không thấy trả lời, Điệp và Xuân run lên, cố gọi. Bỗng trên môi mấp máy:
- Tôi… chết… lạnh ngực.
Hai người đứng sát lại giường; mắt Lan tuy đờ, mất dần tinh thần, nhưng như vẫn
có ý tiếc mà cố nhìn theo Điệp, Điệp gọi:
- Cô Lan.
Tự nhiên Lan lại cựa đầu để tỏ ý hiểu, rồi rên như muốn thưa. Điệp hỏi dồn:
- Cô còn muốn gì nữa không?
Tuy đầu đã ẻo lả, nhưng Lan cố lắc được vài lần, lưỡi đã rụt lại, nhưng Lan cố
phào ra mấy tiếng líu ríu:
- Tôi thỏa lắm rồi.
Bốn tiếng ấy làm cho Điệp sung sướng, như thấy trẻ hẳn người lại: Rồi Lan rên ú
ớ như gọi, nhưng không còn ra tiếng gì nữa. Đứng trước cái phút cuối cùng của
Lan, Điệp cảm động quá, không thể khóc được, cố giương mắt nhìn Lan, để được in
sâu trong hình ảnh người đã hy sinh một đời cho mình được sung sướng mà tuy mắt
đã đờ hẳn, Lan vẫn chòng chọc trông Điệp. Bỗng trong chăn thấy ngó ngoáy cựa,
Xuân lật lên thì hai bàn tay Lan đang xòe ra, chắp lại với nhau. Rồi giật mạnh
một cái, hai tay lạnh như đồng, Lan choàng tay ra, nắưi chặt lấy cổ tay Điệp và
Xuân, thì một tiếng nấc, ngực Lan thôi không thoi thóp nữa, sống mũi vẹo đi,
nhưng hai mắt lờ đờ trắng phếch, vẫn cố mở nguyên để nhìn vào mé Điệp đứng…
Chương XIX
TRÊN ĐỈNH GÒ XƯA
Năm giờ chiều hôm sau ở chợ Gỏi, người ta đã thấy phường
kèn trống, bát âm, và phu đòn, sắp sẵn nhà táng lính xa ngồi chờ ở gốc đa để
đón đám ma.
Cảnh xuân mà ảm đạm. Mặt trời chìm tây, hất cái bóng úa tàn lên những đám mây bạc
mờ, lộn ra các mầu óng ánh như khảm. Cây khô chưa nẩy lộc, đứng lom khom bên cạnh
đường. Khóm tre kẽo kẹt, làm tơi tả chiếc lá vàng sum soe bay, rồi nằm mắc trên
bụi tầm xuân dại.
Một chốc, ba chiếc ô tô từ đằng xa phăng phăng chạy lại, bốp còi inh ỏi, đến đầu
chợ thì dừng.
Tiếng kèn nổi lên, theo gió đưa đi những giọt rền rỉ sầu thảm, khói hương phảng
phất bay lên, đám ma thong thả theo lối rẽ vào làng Văn Ngoại, rồi đi quanh rặng
tre trên bờ sông. Người đưa đám mỗi lúc một đông. Trông thấy Điệp, Xuân, và một
vị sư bác chùa Phương Thành, nghiêm trang đi sát sau cữu, thì ai nấy đều nhớ đến
cảnh ngộ Lan mà sụt sùi giọt lệ. Trời về chiều đã tăng cái vẻ sầu thảm, trời về
chiều lại bày thêm cảnh đám ma có giọng khóc nỉ non ai oán… Tạo hóa như khéo vẽ
nên bức tranh đoạn trường!
Trống vẫn thúc, kèn vẫn rên. Hồn và xác Lan trong chiếc nhà táng, nghêng ngang
theo sau tiếng bát âm ẻo lả, lượn vùng quanh lũy, qua mấy thửa ruộng trồng má đề
thì hạ xuống, cạnh cái gò chính Điệp và Lan đã ngồi nói chuyện hôm mười sáu
tháng năm khoảng mười lăm năm trước.
Trời thấp dần. Núi non xa dần. Cảnh vật xung quanh đã nhuộm một mầu sẫm, buồn
rười rượi như sắp chết. Bức màn sương, trên rủ xuống, xa đưa lại, cũng dần dà
trùm khuất mọi nơi, rải rác vẻ u ám thê lương vào buổi chiều hôm hiu hắt.
Rồi sau, cây lẩn với núi, núi lẩn với trời, ánh sáng lờ mờ chỉ còn thu lại có một
khoảng xung quanh gò đất giô lên giữa cánh đồng không mông quạnh.
Chim lạc đàn bay về tổ đã hết, người đưa đám đi về nhà đã thưa. Mấy bác phu vác
cuốc lên vai, lững thững, yên lặng nối đuôi nhau xa dần.
Thấy sự vắng vẻ mỗi lúc một buồn tênh, như cảnh chợ buổi chiều hôm thưa lác
đác, Điệp xúc động đến cái nỗi đời lẻ tẻ kẻ còn người khuất, tử biệt sinh ly,
mà nguồn cơn thắc mắc, sóng lòng dào dạt. Rồi đây, chàng cũng ít khi về thăm
cái gò này, mà Lan sẽ một mình chôn chặt khối tình, chờ trăng, đón gió, để ôn lại
những ngày thơ ngây.
Trời thấp hẳn, xung quanh không có một tiếng động. Núi non cảnh vật đều mù mịt
một màu đen, bi đát như để tang. Giữa khoảng vũ trụ cao thâm man mác, trên đỉnh
gò còn trơ hai cái bóng người đen đen, nhỏ xíu, đứng sững, dắt tay nhau, gục đầu
lặng lẽ trước cái nấm đất mới đắp.
Trời tối sập. Cơn gió thở dài làm lạnh lẽo tấm lòng não nùng, như muốn lật tung
chiếc màn trời thẳm nghiêm khơi ngất. Xung quanh chỉ còn cái cao thâm man mác của
vũ trụ. Điệp và Xuân còn nấn ná không nỡ dời chỗ ở cuối cùng của Lan. Biết bao
tâm sự mang máng. Điệp còn muốn nhớ lại cái đoạn lệ sử của người chan chứa những
ân tình, tưởng tượng lại cái buổi dưới bóng trăng trong hôm mười sáu tháng năm
ngày trước.
Mấy lần toan đi không dứt, Điệp và Xuân cứ đứng sửng cạnh mả mà ngậm ngùi. Bỗng
Xuân bảo:
- Thôi ta nên về kẻo khuya.
Điệp lau hai hàng nước mắt, nhìn bốn bề tối mịt như bưng, mới nắm chặt lấy tay
Xuân, lắc đầu nói:
- Em ơi! cũng trong cảnh khổ não, bao giờ người đàn bà cũng nhu nhược hơn đàn
ông, cho nên mới chịu để sự đau đớn nó giày vò đến chết.
Hai tiếng thở dài nối nhau, hai người lững thững, yên lặng, dắt tay bước đi,
nhưng đến chân gò, còn trầm ngâm đứng quay lại trông một lượt nữa cái mô đất vô
hồn, thơ thẩn, nó cũng lẳng lặng nhìn theo bằng mấy nén hương còn lấp lánh
sáng.
Than ôi! Lòng người với vũ trụ, cái nào man mác cao thâm hơn?
HẾT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét