Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

TẮT LỬA LÒNG - PHẦN 2

Nguyễn Công Hoan
Chương VI
 … RỒI LẠI ĐẾN DUYÊN
    
Cậu giết con thi giết, chứ con chả lấy người ta đâu! Cậu đừng ép con.
- Tao không cần phải ép may, con đĩ dại kia ạ. Tao ép nó đấy!
- Cậu ép nó lấy con, nhưng con không lấy nó!
- Làm sao?
- Nó gầy và xấu lắm!
- Ngu như con chó ấy! Nó gầy và xấu, thì nuôi trong một tháng, cho ăn nhiều cao lương mỹ vị vào, tự khắc béo tốt đẹp đẽ ngay chứ sợ gì!
- Nhưng nhà nó nghèo!
- Nhà nó nghèo thì nhà mày có của, khỉ ạ! Nếu tao là con gái nhà giầu, tao chỉ lấy những thằng chồng nghèo, càng dễ sai khiến!

- Nhưng mà nó là con nhà dân!
- Lại còn con ông Trời nữa à! Mà con nhà dân, nó càng biết sợ mình! Tao tưởng mày lấy được nó là may cho mày đấy.
- Hu! Hu! Nhưng sao nó không học cao đẳng!
- Mày muốn nó học cao đẳng, rồi tao bắt nó chứ gì! Tao đã định tâm bao nhiêu lâu rồi, mà mày cứ cứng cổ. Con gái chúng bay đứa nào cũng muốn lấy chồng cao đẳng, ông cho lại không ế hết cho mà trắng mắt ra à!
- Nhưng mà cái bộ Lý Đình Dù thế, thì mặc sao được quần áo tây!
- Ông kệ xác mày, cho mày chết già! Ông muốn che chở cho mày, ông muốn bịt mắt thiên hạ, ông muốn mau mau gả tống gả tháo mày đi cho ông đỡ bận thân, mà mày còn kén cá chọn canh. Mày thử nghĩ xem, mày còn nõn nường gì ma đài các mãi. Mày bêu xấu ông, cáu tiết ông chỉ cho một phát súng là bỏ đời! Mày làm nhục cả nhà, cả họ!…
Ông Phủ sở dĩ phải giở lôi đình để dỗ cô con gái yêu là Thuý Liễu lấy chồng, là vì hễ nghĩ đến Thuý Liễu ông lại sốt ruột lắm. Người ta bảo có con gái lớn trong nhà thì hãm tài. Thật thế chăng? Sao vừa tan hầu chiều, ông đã gọi Thuý Liễu vào buồng, đóng các cửa lại và gắt gỏng dữ dội thế.
Thấy Thuý Liễu bưng mặt khóc, ông đập bàn đánh thình, đứng phắt dậy:
- Mày còn oán nỗi gì? Thuốc cắt cho mày, tự tao phải thân hành lên Hà Nội để cân, mà mày không chịu chăm uống. Biết thế tao cứ kệ xác mẹ mày cho xong. Hay mày muốn cũng ngồi tù thì ông cho vào tù cả một thể. Ông không thương nửa.
Thuý Liễu khóc hu hu nói:
- Con lạy cậu, cậu đừng mỉa con thế!
- Ông thèm mỉa mày à?
Rồi ông phồng má, thở phù phù, đi đi lại lại trong buồng, hai tay nắm hai đầu vạt áo sau, phất ra phất vào rõ mạnh để quạt. Bỗng ông thấy lạch xạch quả bàng cánh cửa, ông quay ra, biến sắc mặt, quát hỏi:
- Đứa nào đấy?
Cánh cửa mở hẳn, con vú vào, chắp tay nói:
- Bẩm cụ lớn…
- Ai cho mày vào đây?
Con Vú run cầm cập, bẩm:
- Bẩm cụ lớn, có tên Vũ Khắc Điệp xin vào hầu.
Đang lúc thịnh nộ, vả ngờ con Vú nghe hết rõ câu chuyện, nên ông trợn mắt, đập bàn gắt:
- Mặc kệ nó!
Con Vú xám người, lui ra, đóng cửa, nhưng bị gọi giật ngay lại:
- Vú Áp!
- Dạ!
- Đưa nó xuống nhà khách, bảo nó chờ tao! Ăn nói cho có lễ phép, nghe không!
Chờ con Vú đi ra, ông Phủ quay lại Thuý Liễu, hất hàm hỏi:
- Tao đã định như thế, mày có theo hay không? Đồ mất dạy!
Thuý Liễu lau nước mắt, thở dài. Ông Phủ bảo:
- Xuống bếp bảo chị Ba mày làm cơm, dọn tao với nó cùng ăn.
Tấn kịch rùng mình sởn gáy ở trong buồng kín đến đó thì hạ màn, rồi ông Phủ đóng vai khác ở cảnh khác. Ông ra đứng giữa hiên nhà tư, nhìn xuống chỗ Điệp ngôi, tươi cười vui vẻ vẫy Điệp. Điệp vái chào đi lên, ông Phủ bạo:
- Chú mong anh mãi, buồn quá, chú đương nằm khàn trong kia? Sao anh đến đây muộn làm vậy?
- Dạ bẩm quan lớn, à bẩm chú, cháu đến đã lâu, nhưng vào buổi hầu, cháu sợ chú bận, nên cháu đi xem phố.
Ông Phủ vẫn thấy Điệp thực thà, cười nụ, nói:
- Phố phủ này lèo tèo có mấy nóc nhà, có gì lạ mà xem! Hôm nay chú chả bận gì cả, buổi hầu chiều chú có ra đến công đường đâu!
- Bẩm tên lính canh cổng báo cháu rằng chú có đông dân đến hầu lắm.
Ông Phủ lắc đầu, cười, nói vội:
- Láo thế thì thôi. Anh đừng tin chúng nó, chúng nó mới đổi về cả, nên chẳng biết tí gì. Bận sau, anh cứ vào tuột nhà trong.
Ông Phủ đưa Điệp vào phòng, bảo ngồi, và hỏi:
- Thế nào? Mẹ, à quên đẻ định cho cháu ra sao?
- Bẩm chú, trăm sự nhờ chú, đáng lẽ đẻ cháu đến hầu chú để bẩm chuyện, nhưng vì thấy nói chú sắp thăng quan, nên đẻ cháu đợi khi chú đi cung chức rồi lên mừng chú một thể.
- Càng hay! Lâu lắm chú không gặp đẻ, chú cũng muốn mời đẻ lên chơi. Thế anh đã làm đơn chưa?
- Ừ, chứ mà làm giáo học, thì chú thấy nhiều cái khó chịu lắm, anh ạ. Rồi đến khi bị bạc đãi thì anh phó gào mới hết nói cao thượng! Ờ, mà quái, sao chú ghét bọn giáo học thế, họ khựng khượng quá, mà tên nào cũng khả nghi! Làm thư ký các tòa, ai người ta cũng gọí là quan, có giá trị bao nhiêu không?
- Bẩm chú, cháu tướng giá trị thì ở người.
- Ấy, cái lý thì thế, nhưng sự thực không thế. Chú thấy anh lanh lợi, chú sợ anh làm giáo học, nó phí đi mất.
Nói xong, ông Phủ gọi lính lấy bút giấy bảo cách cho Điệp làm đơn, rồi viết thư riêng vận động cho chàng.
Độ bảy giờ rưỡi, bữa cơm dọn ra. Ông Phủ vui vẻ, bảo Điệp ngồi vào bàn ăn. Ông xoa hai tay, nhìn vào các đĩa xào nóng hôi hổi, bảo thằng bếp:
- Lấy rượu! Anh Phán uống được rượu đấy chứ?
- Bẩm chú không ạ.
- Ồ, phải học uống rượu mới được. Rượu là cái tiêu khiển thần tiên, nó làm cho ta quên các nỗi khổ thống. Chú thích rượu lắm. Anh uống với chú một chén rượu cho vui.
- Bẩm chú tha cho cháu, cháu không uống được tí nào!
- Không hề chi. Chả say đâu mà sợ. Mà có say thì để ngủ cho dễ, chứ có còn việc gì nữa. Vả ở đời, anh cũng nên biết qua mấy thứ cần cho cách giao thiệp, như đánh tổ tôm, uống rượu, hút thuốc phiện, đánh trống chầu. Hóm nay chú có anh đến chơi, chú vui vẻ lắm.
Điệp nể lời ông Phủ, không dám cưỡng, vả nhân tiện chàng cũng muốn uống chén rượu để mừng mình, cho nên chàng cầm cốc, nhắp một hụm, rồi nhán mặt nuốt đánh ực một cái, thấy nóng ran cả lên. Ông Phủ cười, bảo:
- Nó cay cay, hăng hăng, tê tê phải không?
Điệp tủm tim, bấm:
- Dạ!
- Uống hụm nữa mà xem.
Điệp lại nhắp nữa. Ông Phủ rót thêm cho đầy cốc và khen:
- Ừ, làm tài trai, rượu không biết uống thì hèn lắm.
Điệp cố nâng miệng chai lên, nhưng ông Phủ cứ ép uống:
- Phải uống say đi, cần gì!
Độ mười lăm phút, Điệp đã choáng váng, nói đã lắp, trông cái nhà, cái cửa đã thấy nghiêng nghiêng, đổ đổ, mà lúc cao hứng, chàng quên cả giữ lễ, cười chuyện to tướng. Rồi cứ uống tràn chẳng biết gì, đến nỗi chàng mát mờ, lưỡi ríu. Rồi nói huyên thuyên, chẳng ăn thua đâu vào đâu, đang câu nọ chàng dọ sang câu kia, cổ khi quên, chêm cả tiếng lóng ở trường vào chuyện!
Điệp say thực rồi, nhưng ông Phủ vẫn chưa tha cho chàng, cứ rót thêm cho đầy cốc.
- Anh uống đi, chú còn phải uống nhiều.
Điệp hai mắt thật lờ đờ, tay run run giơ cốc lên, lảo đảo đứng dậy, nhăn răng ra cười, nói:
- Ừ thì uống, cần đếch gì! Tôi có say tôi chết!
Rồi nốc một hơi, khà một cái, chàng gục xuống mặt bàn. Lúc ngẩng dậy, ông Phủ lại dí vào tay một cốc đầy, chàng lại uống hết. Nhưng lần này thì chàng qụy hẳn, chân tay rú ra mềm nhũn như người mới chết.
Đêm hôm ấy, trên chăn dưới đệm, Điệp đánh một giấc ngủ thật say đến tận sáng hôm sau.
Sáng hôm sau, chàng cựa dậy, thấy tê dại hẳn cánh tay phải mà mình lại gác chân lên một người. Chàng không hiểu tại sao mình lại nằm với ai ở đâu. Chàng mở mắt ra. Tuy cửa vẫn đóng nguyên, nhưng trong buồng sáng lắm, chàng thấy trước mặt có một cái lưng bè bè, cao như bức thành. Chàng vừa tưởng được hân hạnh ngủ chung với ông Phủ, thì đã trông thấy cái nạm tóc xù xù đen nhánh, dài lê thê, ngoằn ngoèo quấn lấp cả gối. Điệp nhìn kỹ, thôi chết rồi: Thuý Liễu! Trống ngực nổi lên, chàng duỗi cẵng ra, nhắm nghiền đôi mắt lại, giả cách ngủ.
Điệp nằm bên Thuý Liễu mà đâm lo vẩn vơ chàng không hiểu ma men ám ảnh thế nào, lại lò mò vào buồng này ngủ được! Thế này mà ông Phủ biết có chết hay không? Liệu ông có để yên cho chàng được hưởng cái tương lai may mắn nữa không? Mà có lẽ ma đưa lối quỷ đưa đường, chứ nào chàng có tính nguyệt hoa, say rượu rồi đi sục gái đâu! Vả dù chàng có phải thực hay tơ mơ như thế nữa, thì dại gì mà vuốt râu hùm!
Điệp cứ cố duỗi thẳng tay cho Thuý Liễu kê cái đầu nặng chình chịch lên trên mà không dám cựa. Nhưng càng không dám cựa, càng muốn cựa, càng không được cựa, chàng càng thấy mỏi rời cánh tay! Lại còn nỗi khát nước quá chừng mới khổ nữa chứ!
Điệp thấy tình thế nguy ngập, nên chỉ còn cách cứ giả vờ ngủ là khôn nhất, đành nằm lỳ đấy cho đến lúc Thuý Liễu dậy, khi ấy chàng hãy trở dậy sau. Như thế chàng cũng có thể tỏ cho mọi người biết rằng mình say, ngủ li bì, đến nỗi chẳng biết chi cả.
Điệp nằm im, chờ, nóng ruột quá mà Thuý Liễu thì cứ nằm mãi. Chàng để ý nghe, thấy Thuý Liễu hô hấp không đều, và thỉnh thoảng thở dài luôn, thì không rõ nàng ngủ hay thức. Lắm lúc Thuý Liễu cựa mạnh quá, và đạp lia lịa. Giá Điệp có ngủ thực cũng phải sực thức dậy, nhưng vì ngủ giả cách nên nhất định chàng nằm gan, mặc kệ. Thành ra hai người đo giường lâu quá.
Bỗng cánh cửa mở ra, và có người đi vào. Điệp xấu hổ càng giả vờ ngủ thin thít. Bỗng một tiếng đằng hắng làm cho Điệp sợ rủn cả người: Ông Phủ! Trống ngực chàng lại nổi lên, mạnh hơn lúc nãy. Nhưng rồi tiếng cửa lại khép, Điệp mở lim dim con mắt để nhìn, trong buồng không còn ai nữa.
Điệp lo quá, song cố nhịn thở dài! Không biết khi dậy, chàng có nên thú thực với ân nhân câu chuyện này hay không? Khốn nạn! Ngủ với Thuý Liễu lo chết đi nào có được sung sướng ai mà phải mang tội vạ.
Điệp không được cựa, mỏi dần cả mình, lắm lúc đầu gối Thuý Liễu lại thúc mạnh vào mạng mỡ, đau điếng người mà không dám kêu! Chàng chờ và mong mãi! Lắng tai nghe, đồng hồ bên buồng cạnh đã thong thả điểm một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín tiếng! Thuý Liễu hết cựa đến đạp, khó chịu quá. Không hiểu Điệp chờ Thuý Liễu dậy trước hay chính Thuý Liễu chờ Điệp dậy trước? Cho nên hai người nhất định nằm ăn vạ thi nhau!
Nhưng mà đến thi chữ Điệp còn đỗ được huống chi là thi nằm! Bởi vậy, rồi sau khi Điệp bị Thuý Liễu hẩy mạnh đến ba bốn cái mà vẫn cố nằm gan, thì chàng thấy Thuý Liễu thở dài, ngồi dậy, rồi mở cửa đi ra.
Được nhẹ nhõm cả cánh tay và thở dài tự do. Điệp nằm rốn thêm độ mười lăm phút nữa rồi cũng trở dậy.
Chàng ra ngoài rửa mặt, cố làm ra dáng vô tình tự nhiên, nhưng vẫn ngượng nghịu thế nào ấy. Chàng có ý nhận bọn đầy tớ, thấy đứa nào cũng nhìn mình, như biết rõ cả câu chuyện bậy này.
Điệp vào buồng khách, nhìn lên đồng hồ, thấy thì giờ chạy nhanh vùn vụt, mà chàng chỉ mong lâu hãy tan hầu để được ngồi yên nghĩ câu đối đáp lời ông Phủ, khi ông mắng trách.
Nhưng đến mười một rưỡi, khi trong trại cơ nổi hồi trống tan thì trong ngực Điệp cũng nổi theo hồi trống lo. Ông Phủ lừ lừ từ công đường đi xuống. Tự nhiên Điệp vừa sợ vừa xấu hổ, nhưng cũng cố đứng dậy một cách sượng sùng.
Không biết rằng thực thế hay Điệp nghĩ lầm, chàng thấy ông Phủ lãnh đạm hẳn đi. Đích là ông giận lắm. Chàng toan giải bầy để tỏ nỗi oan uổng của mình, nhưng tình ngay lý gian, biết nói thế nào cho trôi được? Rượu say mèm rồi lê đến ngủ với con gái người ta, mà nằm gí đến trưa mới dậy được, chính người ta bắt được quả tang, còn oan nỗi gì? May người ta giữ kín, tức là người ta không muốn lộ ra để bọn đầy tớ nó cười cho, người ta tha bỏ tù là tốt phúc, chứ còn chối cãi thế nào được? Khốn nạn, chỉ có lương tâm Điệp mới hiểu cho Điệp, nhưng mà nếu cứ viện lương tâm ra để mong minh oan, thì cũng khó nghe lắm. Điệp thấy ông Phủ không nói gì, lấy làm tấm tắc, bèn đánh liều nói:
- Bẩm chú…
Ông Phủ lạnh lùng hỏi:
- Hôm qua anh say quá nhỉ! Anh có biết gì không?
Điệp thấy ông Phủ khởi thế công, đành rằng mình đuối lý thì nên giữ thế chủ, hễ vứng được là khá rồi, nên trả lời:
- Bẩm chú, cháu chẳng biết gì cả.
Ông Phủ cười lạt. Nhưng cái cười tuy lạt mà nó đậm đà bao nhiêu ý nhị, khiến Điệp rối beng không biết nên rào đón về mặt nào cho kín. Ông Phủ nói:
- Người ta say sượu, hay mất cả lẽ phải.
- Dạ, bẩm chú hôm qua cháu say quá, chẳng còn biết trời đất là gì, bây giờ cháu vẫn còn thấy choáng váng.
Ông Phủ cười sâu sắc:
- Phải, anh mệt lắm tôi biết. Anh vừa mới dậy phải không?
Câu nói đau như xói vào lòng Điệp. Điệp tức vì ông Phủ chỉ nói lởn vởn xa xôi, chứ chưa vào hẳn chỗ đáng nói. Mà biết rằng hễ trả lời câu nào là hở câu ấy, nên chàng chỉ “dạ” cho kín đáo.
- Cái đơn của anh và cái thư của tôi có lẽ đã đến Hà Nội rồi.
Điệp biết ông Phủ cứ tiến binh dần dần vào khắp các mặt, lấy làm nguy lắm, hẳn rồi sau ông chỉ cho một phát đạn là mình mất cựa, cho nên càng phải giấu không cho ông dò biết được đội quân của mình nhiều ít mạnh yếu thế nào, bèn:
- Dạ!
Nhưng rồi ông Phủ bày các thế trận khác. Ông không đánh thẳng Điệp, mà dùng lương tâm chàng đánh chàng mới mạnh hơn. Ông gọi vú Áp, và lũ người nhà, đùng đùng nổi giận, đập bàn đập ghế om xòm, tìm những tội cỏn con của chúng rồi nhất định đuổi suốt lượt, không nuôi đứa nào nữa.
Quả nhiên Điệp sợ bằng hai trước. Rồi từ đó, ông lại vui vẻ như thường, Điệp càng lấy làm lo lắng bứt rứt. Cho nên ăn cơm xong Điệp xin phép về. Ông Phủ bằng lòng ngay, không lưu lại như Tân trước. Ông lại gửi chàng cái thư đưa cho bà Cử và dặn:
- Anh nên tin cậy ở tôi, rồi điều gì anh cũng được như ý. Nhưng vì danh dự, anh không nên kể chuyện ấy với ai.
Câu nói rất mập mờ, khiến Điệp không hiểu là về việc công danh hay việc Thuý Liễu, cho nên trong khi đi đường chàng mở ngay thư ra xem trước.
Thưa bà Cử,
Việc công danh của anh Điệp, như thế cũng đã chắc xong, xin bà cứ yên lòng chờ đợi trong ít làu nữa.
Nhưng còn một điêu tối muốn bàn cùng bà, là anh Điệp năm nay đã lớn tuổi, bà nên tính đến bê gia thất để được yên tuổi già. Vậy nếu bà có cần để tôi giúp về chữ duyên của anh ấy, tôi xin hết lòng như tôi đã hết lòng giúp anh ấy về hai chữ công danh.
Tôi thiết nghĩ ở thời buổi này, bà nên cho phép anh ấy đựoc tự do kén chọn, bằng lòng ai thỉ bà nên ưng thuận, nhất là những nơi xứng đáng, anh ấy đã biết rõ mà thưa với bà, thì bà cũng cho anh ấy được tùy ý. Anh ấy cẩn thận, ngoan ngoãn là một người con rất hiếu thảò, tôi rất yêu. Vậy xin có lời mừng bà, và khi nào bà được thư thả, mời bà lên chơi, sẽ có nhiều câu chuyện đáng nói.
Nay thư
Le Tri phủ TRẤN
Đọc xong Điệp toát mồ hôi, thấy ông Phủ lầm quá mà buồn, mà hối, mà lo. Buồn cho mình long đong chưa hết chuyện nọ đã đến chuyện kia rắc rối. Hối vì mình trót quá dại dột say sưa để xảy ra vạ gió tai bay. Lo cho đường nhân duyên của Lan và mình không khéo vì việc này mà sinh ra gàng quải. Nghĩ vậy, Điệp nhăn nhó một mình, bèn xé nhỏ bức thư, nhất định giấu, không nói cho ai biết cả…
 Chương VII
TIN SÉT ĐÁNH…
    
iệp về nhà, vơ vẩn, thờ thẩn, không vui vẻ như mọi ngày. Bà Cử hỏi cớ, nhưng chàng giấu, không dám nói thực cái nỗi lòng của mình. Ngày nào Điệp cũng sang ông Tú, ông Tú cũng nhận thấy chàng có vẻ lo lắng, hẳn có một chuyện tâm sự uất ức không tiện nói ra. Nhiều bận ông Tú gợi ra để dò ý chàng, nhưng gợi sao cho đúng được vào nơi có mạch sầu?
Hôm sau, người phu trạm đưa Điệp một bức thư. Ký nhận xong, chàng nhìn chữ để phong bì, thấy nét mềm và sắc, rõ chữ đàn bà. Chàng chột dạ, vội bóc ra xem, thì chỗ ký tên ba chữ Trần Thuý Liễu, làm chàng không còn hồn vía nào nữa.
Anh Điệp
Hẳn anh chẳng ngờ đàu rằng lúc anh đi khỏi, thì cậu em chửi mắng em ra làm sao. Mười chín năm trời nay, em giữ tấm thân trong sạch, nào ai hay rằng đến bây giờ tự nhiên vô cớ, em không còn dám khoe băng khoe tuyết với đời nữa.
Cái đêm hôm ấy, chỉ vì anh quả cuồng dại mà giết danh dự của em, của nhà em, cả họ em. Khốn nạn, bao cái tủi nhục một mình em xin chịu đựng hết, em không dám oán trách ai cả, nhưng em chỉ yêu cầu anh một điều, là mai sau dù có thế nào, thì nhờ anh minh oan hộ cho em, vì chỉ một mình anh là hiểu cho người bạc mệnh này cái nỗi oan ức ấy.
Em chờ thư anh trả lời. Thư riêng của em, không ai xem cả.
TRẦN THÚY LIỄU
Đọc xong, Điệp rủn cả người, xé thư đi. Những tiếng “mai sau dù có thế nào, người bạc mệnh” làm cho Điệp phải lo, phải sợ! Đích là Thuý Liễu đâm liều mà đi tự vẫn, nên mới nói thế. Mà chẳng định thế, sao Thuý Liễu lại yêu cầu chàng minh oan làm gì. Điệp không ngờ mình lại làm nên một tội đại ác không tưởng tượng được. Không ngờ mình giết người!
Thần lương tâm ở đâu đến trách mắng Điệp khiến chàng ăn năn cái tội của mình. Chàng chỉ hơi có thể tự tha thứ được ở chỗ mình không định làm mà nên vạ. Điệp thở dài, bóp trán, cắn môi, đắn đo mải, mới quyết trả lời Thuý Liễu. Điệp viết ráp, chữa đi chữa lại, mới chép ra giấy trắng, rồi đọc kỹ một lượt, lại ngần ngừ xé đi. Rồi lại viết, rồi lại xé đến lượt thứ tư mới định hằn, chàng rút ngắn vài câu, cho đủ nghĩa:
Em Thuý Liễu,
Tiếp thư em, anh rất hối hận, vỉ quá cùồng dại mà đêm hôm ấy, anh đã làm hại một đời em. Nhưng em chớ quá liều thân, anh xin thề với lương tâm rằng, anh sẽ hết sức chu toàn danh dự cho em. Em thế nào, chỉ một mình anh biết, anh thế nào, cũng chỉ một mình em hay, vậy xin em chớ ngại.
VŨ KHẮC ĐIỆP
Viết xong thư, Điệp tạm được đỡ lo.
Từ hôm sau, ngày nào chàng cũng đón người phu trạm để hỏi xem mình có thư hay không, vì chàng áy náy sợ Thuý Liễu tự tử lắm.
Một hôm Điệp tiếp được thư của ông Phủ. Chàng tái mét mặt, lật đật bóc ra, thì may quá, ông báo cho chàng tin ông thăng Chánh án, và bảo chàng biết công việc của chàng mười phần đã chắc chín, chỉ còn chờ nghị định ký nữa là xong. Không thấy ông nói đả động gì đến Thuý Liễu, Điệp mừng lắm.
Nhưng cơ sự đã như thế này, Điệp chẳng mong được đi thư ký lục sự tý nào, mà nhất là phải làm việc dưới quyền ông Chánh án này! Điệp nghĩ đến ông, khó chịu như nghĩ đến một con cọp, một con ma, mà chàng chỉ mong được tránh xa, cho khỏi sinh chuyện.
Những lúc đêm khuya, Điệp sực nhớ lại cái buổi chàng cùng Thuý Liễu chung chiếu, chung chăn, mà giật mình thon thót. Chẳng hay việc này vỡ lở ra thì Lan đối với mình ra sao? Ngày cưới của Điệp, bà Cử cũng đã dự định, chỉ từ nay đến tháng hai sang năm là cùng. Nhiều bận Điệp muốn nói với mẹ xin cưới ngay, để tránh mọi chuyện trắc trở, song vì giữ ý, nên lại thôi.
Hôm tiếp được nghị định bổ đi làm, ông Tú sửa bữa cơm mời bà Cử cùng Điệp sang dự. Ăn xong, ông Tú tiễn Điệp hai mươi đồng bạc và nói:
- Bây giờ anh đi làm, chẳng thiếu chi, nhưng gọi là tôi giúp anh lúc buổi đầu.
Điệp cảm động, không ngần ngừ, giơ hai tay cầm ngay lấy và thưa:
- Ơn của ông, không khí nào con dám chối từ.
Bà Cử thấy Điệp khéo thì bằng lòng lắm. Rồi ông Tú khuyên răn mọi điều, Điệp cúi đầu nghe rất vui vẻ, ông Tú lại viết thư cho một người bạn là ông Cả Tòng ở trên tỉnh, để nói cho Điệp ở trọ.
Điệp lên đường, cả bà Cử cùng đi tiễn, nhân tiện đến mừng và cảm ơn ông Chánh án.
***
Hôm ấy là chủ nhật, ông Chánh án không phải ra tòa. Ông ngồi trong nhà, thấy Điệp đi với một bà ăn mặc nhà quê, thì đoán ngay là bà Cử, vội chạy ra đón.
Ông làm ra dáng rất vồn vã, sai người nhà khênh hòm hộ Điệp, và cho mời bà lớn ra.
Ông mừng cho bà Cử có con ngoan ngoãn, hiền lành, hiếu hạnh. Bà Cử thấy ông dễ dãi, thì cũng hả lòng, nhưng vẫn có ý rợn, vì ông là quan. Nói đến chuyện nhà ở, ông hỏi bà Cử:
- Thưa bác, bác định cho anh Phán ở đâu?
- Bẩm quan lớn, ông Tú chúng tôi định thu xếp cho cháu ở trọ nhà ông Cả Tòng ngoài phố.
- À, ông Cả Tòng, tôi cũng biết, ông ta đã vào trong này vài lần. Ông Tú nào cũng quen ông ấy thế?
- Bẩm ông Tú họ Nguyễn, người làng chúng tôi là chỗ thông gia.
Ông Chánh án trừng mắt hỏi:
- Vậy anh Phán có vợ rồi?
- Bẩm quan lớn chưa. Nhưng ông Tú chúng tôi với ông cháu ngày xưa đã giao ước cùng nhau, mà bây giờ ông Tú giữ lời hứa trước, trông nom cho cháu từ thuở bé…
Ông Chánh án cười nhạo báng:
- Thế thì đã gọi là thông gia sao được! Tôi tưởng bà cứ cho anh ấy ở trong này với tôi cho tiện thì hơn.
Bà Cử thấy ông Chánh án săn sóc đến con mình thì phân vân, nhưng Điệp khẽ liếc mẹ một cái, nên bà Cử không trả lời. Ông Chánh án hiểu ý, vuốt cái cằm nhẵn thín, nói:
- Các anh ấy còn ít tuổi, sợ kiếm được tiền rồi bị bạn bè rủ rê đi chơi bời, ở trong này với tôi thì bó buộc một tý
Điệp thưa:
- Bẩm chu không phải thế ạ. Ông Cả Tòng có con là bạn học với cháu, nên cháu xin phép chú ở ngoài ấy cho vui. Vả cháu tiện có bạn để học hành.
Ông Chánh án nói:
- Thì anh hãy ở tạm trong này dăm bữa nửa tháng, đừng ngại.
Bà Cử bảo Điệp:
- Hay là quan lớn dạy thế, thì con hãy nghe. Vả bây giờ chưa tìm được nhà ông Cả Tòng.
Bất đắc dĩ Điệp phải bằng lòng ở trong dinh. Nhưng nhận lời mà vừa lo, vừa buồn.
Hôm sau bà Cử về, Điệp bắt đầu ra tòa làm việc.
Ồng Chánh án cho chàng ngồi ngay trong buồng ông, để tiện dạy dỗ các công việc. Ông thấy chàng thông minh, giảng đâu hiếu đấy, lấy làm yên tâm, khen:
- Rồi anh làm hơn chú được. Nhưng cốt nhất là phải khéo xử với quan thày.
Trái lại, Điệp thấy nản trí ngay từ buổi đầu, vì tưởng tượng đến công việc sau này, mình sẽ chỉ như cái máy.
Điệp ở trong dinh được ba hôm, bực mình quá, mất cả tự do. Vả khó chịu nhất là thỉnh thoảng cứ chạm trán Thuý Liễu. Điệp thì nhìn thẳng nhưng dù nhìn thẳng đến đâu cũng thấy được cái vô ý của Thuý Liễu, đến nỗi có lúc chàng phải phát ngượng! Cho nên đến hôm thứ tư, chàng xin phép ông Chánh án ra ở ngoài phố. Ông Chánh án không bằng lòng, nhưng chẳng còn cớ gì giữ nổi, nên phải để cho chàng đi. Điệp như con chim sổ lồng, thấy dễ chịu lắm.
Tối hôm sau, ông Cả Tòng nói chuyện với Điệp rằng ông Chánh án muốn gả tiểu thư cho chảng, và hỏi ý chàng nghĩ ra sao. Điệp như bị sét đánh, trả lời:
- Thưa ông tôi đã làm rể ông Tú rồi thì làm rể ông Chánh án sao được?
Hôm sau đi làm, thoạt gặp ông Chánh án, Điệp đã hơi giận đầy lên cổ. Tan hầu chiều, ông bảo chàng về nhà riêng để nói chuyện, chàng hiểu ý ngay.
Đến nhà, Điệp theo ông vào buồng khách. Tuy ông không có cảm giác về sự rét, nhưng ông thân hành đóng các cửa kính, rồi tươi cười xếp bằng tròn trên sập, nói:
- Hôm qua, ông Cả Tòng có nói câu chuyện gì với anh không?
- Bẩm chú có ạ.
Ông gật gù, hỏi:
- Thế anh đã trả lời ông ấy thế nào?
Điệp bướng bỉnh đáp:
- Bẩm chú, cháu nói với ông ấy rằng cháu có vợ rồi.
Ông Chánh án cố ghìm sự giận dữ, cười lạt, hỏi:
- Anh có vợ rồi?
Điệp trông cái cười lạt bỗng sợ hơn cái gật, nên dịu:
- Bẩm chú biết rằng chú thương cháu như con, muốn gây dựng cho cháu được hẳn hoi, cháu không biết lấy gì báo đáp. Nhưng bẩm chú, cháu đã trót hò hẹn với con ông Tú người làng.
Ông Chánh án lại cười:
- Thế thì anh trót học trường Sư phạm, sao bây giờ anh lại đi thư ký lục sự?
- Bẩm chú, nhưng mà cháu nợ ông Tú cháu một cái ơn to.
Ông Chánh án lại cười, nói:
- À, ra ông Tú nói cho anh đỗ, ông Tú xin cho anh đi làm đấy nhỉ!
Điệp lúng túng chưa biết trả lời ra sao, thì ông Chánh án hoạnh luôn câu nữa:
- Anh với con ông Tú, đã nặng tình với nhau như với con Thuý Liễu nhà tôi chưa?
Điệp cuống lên, sửng sốt cả người, cựa mạnh một cái, nói ấp úng:
- Bẩm chú, hôm ấy…
Ông Chánh án không cho Điệp dứt lời:
- Tôi tưởng anh trung hậu, chứ ra anh lại lừa, lại phản tôi.
- Bẩm chú…
- Anh làm hại danh dự nó, nghĩa là anh làm hại danh dự tôi.
- Bẩm…
- Mà tôi không ngờ đâu, tôi nuôi ong tay áọ. Tôi không ngờ đâu, anh đáp lại tôi bằng cách ấy.
Điệp run người, tắc hơi, không nói được tiếng nào nữa.
- Anh không nên bắt chước lối các công tử Hà thành mà dùng cái lối ngựa truy phong ấy được.
- Bẩm chú, thật là oan cháu quá. Nguyên là…
- Anh kêu oan, tôi cũng ví dụ là oan. Nhưng anh nỡ xử với con tôi như thế à? Anh nỡ bỏ nó à?
- Bẩm chú cháu có làm gì đâu mà cháu bỏ.
- Anh phải biết, tôi rõ cả đầu đuôi câu chuyện rồi. Nay tôi đã định, anh không được bướng. Anh đã làm hại đời con Thuý Liễu, thì anh cứu lấy đời nó, lẽ đó là công bằng; vả dĩ nó là con tôi.
- Bẩm chú, ông Tú Nguyễn đã hứa gả cô Lan cho cháu.
- T
hì từ chối phắt đi, khó gì!
Điệp rưng rưng nước mắt, rồi hu hu lên khóc. Ông Chánh án bảo:
- Đời anh bây giờ là trong tay tôi, anh liệu đó! Nếu anh kệ đời con Thuý Liễu, thì tôi không để đời anh yên đâu. Nếu anh cứ khăng khăng một mực cưỡng chế hoài, thì liệu hồn cả cái đời ông Tú nhà anh nữa. Tôi mà làm ra thì tù tội cả lũ, chớ trách.
Thấy câu nói gọn thon lỏn, trôi chảy như miếng “tào phở”. Điệp nghẹn ngào, ngồi trơ như bức tượng, mặt nóng bừng bừng. Giá trông ông Chánh án không có oai, Điệp đã quyết can đảm cầm cái ghế choang phăng cho ông một cái vào đầu, rồi sau muốn ra sao thì ra.
Ông Chánh án nhìn Điệp mất hồn ngay như khúc gỗ, thì ông lại sắt đá, lãnh đạm, hất cằm bảo:
- Cho anh về ăn cơm. Vài hỏm nữa, nghỉ hai ngáy, tôi cho phép anh về nhà quê mà hỏi ý đẻ.

Chương VIII
ÔNG ẤY LÀ ÔNG QUAN, ÔNG ẤY KHÔNG THÈM NÓI DỐI

Được nghỉ lễ hai hôm, Điệp về nhà quê. Người làng gặp chàng, đêu hỏi han chuyện trò, vui vẻ, tưởng như cậu Phán đem khối bổng lộc về kính mẹ, chứ có biết đâu là chàng đem tấm lòng chết trở về nhà!
Điệp đến đầu cầu, nhìn xuống đường thấy có vết bánh ô tô vẫn còn mới, mà trẻ con làng nháo nhác kháo nhau đi xem quan. Điệp gặp một vài ông kỳ lý khăn áo chỉnh tề đi lại có ý vội vã, chàng hỏi xem quan nào, thì họ bảo:
- Quan Chánh án.
Điệp lo sợ. Ông Chánh án đi về có việc gì? Nếu là việc công, sao chàng không biết? Chàng đương đoán phỏng, thì kìa lù lù cái xe ô tố đỗ trước cổng nhà ông Tú đã làm cho chàng giật nẩy mình. Chàng biết tất có chuyện chẳng hay.
Qua nhà ông Tú, Điệp nhìn vào, thấy cả mẹ cũng ở trong ấy. Tự nhiên chàng đứng dừng lại, sửng sốt cả người, như điên như dại.
Bà Cử trông thấy con, vẫy vào.
Điệp đến sân, trông rõ ông Chánh án và ông Tú ngồi ở ghế giữa, bà Cử thì ngồi phản bên. Trong buồng
Lan ngó ra nhìn Điệp nét mặt sợ hãi. Điệp chắp tay chào mọi người, nhưng chẳng ai trả lời một tiếng. Thấy sự lãnh đạm đột ngột ấy, chàng đoán được cả đầu đuôi câu chuyện. Rồi ai nấy nét mặt giận dữ, không nhìn nhau, đều im lặng. Cái im lặng mới nặng nề làm sao? Điệp biết rằng vì có mình nên câu chuyện bị ngắt quãng, chàng bèn bẽn lẽn ngồi cạnh mẹ. Bỗng ông Chánh án đứng phắt dậy, nói:
- Đấy, anh ấy đã về, bà Cử và ông Tú hỏi anh ấy thì rõ, rồi bảo anh ấy hộ tôi.
Nói đoạn ông đi ra, ông Tú mời lại thế nào cũng không ở.
Điệp theo mọi người ra tiễn ông Chánh án, ruột rối như mớ bòng bong, nhất là chưa biết đích câu chuyện nó xoay đến thế nào.
Xe ô tô mở máy chạy. Ông Tú quay lại nói với bà Cử.
- Mời bà hãy ở lại chơi.
Bà Cử và Điệp theo vào. Điệp chưa ngồi yên đã bị mẹ mắng thốc một hồi.
- Tao không ngờ mày bất hiếu bất mục, lừa lật, hư đốn như thế. Tao xấu hổ về mày. Thôi, từ nay tao kệ xác mày, có thân thì lo, tao không có mày nữa!
Nói đoạn bà òa lên khóc. Điệp nghẹn ngào, không đáp được lời nào. Mà lời nói không ra được, thì tất nước mắt phải ra thay. Ông Tú ngồi chống tay vào má, nhìn Điệp. Lúc ấy ở trong buồng nghe có tiếng sụt sịt.
Một lúc, Điệp nói:
- Thưa đẻ, đẻ nói cho con đầu đuôi câu chuyện rồi đẻ cho phép con thưa lại hãy hay, chứ đẻ cứ mắng át đi thì con biết làm thế nào được?
- Thôi, tôi cắn cỏ tôi van ông, tôi không dám đẻ đẻ con con với ông nữa.
Rồi bà nằm vật xuống giường, nghẹn ngào, hai tay vuốt ngực. Điệp như đứt từng khúc ruột thưa:
- Thưa ông, thưa đẻ, con oan lắm. Việc này con biết cả rồi. Ông Chánh án muốn gả con gái cho con, nên mới đặt điều cho con như thế.
- Đặt điều à! Mày còn già họng phải không? Ông ấy bắt được quả tang mày nằm với cô gì, bây giờ mày còn cãi à!
- Con lạy đẻ, đẻ ôn tồn mà nghe con phân trần mọi lẽ, chứ chưa chi đẻ đã tin ngay ông Chánh án, thì đẻ giết con đi còn hơn. Nguyên là hôm con đến phủ để trả lời việc xin đi làm của con, thì bữa cơm tối hôm ấy, ông ấy ép con uống rượu. Con uống say quá, chẳng biết trời đất là gì, đến nỗi thiếp đi, rồi sáng hôm sau, con thấy con nằm chung một giường với cô Thuý Liễu. Thực con không hiểu vì sao!
- Không hiểu vì sao? Vì mày phải lòng cô ấy. Tao không ngờ mày liều lĩnh bất nhân đến như thế!
- Bẩm đẻ, thực ông Chánh án lầm, nay ông ấy làm lầm cả ông Tú lẫn đẻ.
- Nếu mày bảo ông ấy lầm, sao việc to thế, mày về giấu, mày không dám nói?
- Bởi vì hôm con về, ông Chánh án có gửi cho đẻ cái thư.
- Ừ phải, mày cũng bịt đi!
- Trong cái thư ấy, ông ấy khuyên đẻ nên hỏi vợ cho con, và hứa sẽ hết lòng giúp, nhưng con hiểu ý ông ấy muốn gả Thuý Liễu cho con, vì ông ấy lầm. Con thấy ông ấy nghĩ tới một điều không thể thực hành được, nên con xé thư đi, không dám nói với đẻ, sợ đẻ để bụng mà nghĩ ngợi. Bởi thế từ hôm ấy, con thơ thẩn cả người, vì con lo.
- Sao tao hỏi mày, mày không nói? Mày nhớ nó chứ lo cái gì?
Ông Tú bảo:
- Phải, tôi cũng có ý hỏi xem anh ấy vơ vẩn cái gì, nhưng anh ấy cũng không nói.
Bà Cử lại nổi giận đùng đùng:
- Đồ bất hiếu mày có học mà ăn ở thế à!
Ông Tú can:
- Không, bà đừng nên làm quá như thế! Nhưng tôi hỏi anh Phán. Thế anh với cô Thuý Liễu có tình ý gì với nhau không? Anh cứ nói thực.
Điệp thấy ông Tú ôn tồn, thì nở nang khúc ruột, cho là ông Tú bao giờ cũng đại lượng, suy xét kỹ hơn, thì ông có thể làm trạng sư cho mình, bèn trả lời:
- Bẩm ông, con xin thề rằng nếu con có tình ý gì với Thuý Liễu, con không dám sống thêm một ngày nào nữa.
Ông Tú ung dung cười, đưa Điệp mảnh giấy nói:
- Sao lại có thư này? Hay không phải chứ anh?
Điệp nhìn mảmh giấy rõ cái thư chính tay mình viết cho Thuý Liễu hôm nọ. Điệp cầm lấy, trông lại từng chứ. Trời ơi! sao mà những lời ám muội quá lắm thế! Thật là đôi nhân ngãi vừa viết cho nhau, chứ còn cãi thế nào được. Điệp nhìn kỹ ông Tú bằng con mắt nằn nì, nhưng cứ nói rõ sự thực:
- Bẩm ông, vì hôm con về, Thuý Liễu bị ông Chánh án mắng tàn nhẫn, nên đánh liều định tự vẫn, có viết giấy nhờ con sau khi chết thì minh oan hộ. Nhưng lương tâm nào để con nỡ mặc cô chết một cách oan uổng, con bèn trả lời bằng mấy câu này.
Ông Tú cầm tờ giấy, đọc to lên đến câu “vỉ quá cuồng dại mà đêm ấy anh đã làm hại một đời em” thì dằn từng tiếng mà nhìn Điệp, khiến Điệp như bị từng ấy nhát dao đâm xói vào ruột gan.
Đọc xong thư, ông Tú hỏi:
- Thế cái thư của Thuý Liễu viết cho anh đâu?
- Bẩm ông, con xé rồi.
Ông Tú lắc đầu, cười lạt, đến nỗi Điệp phải khóc.
- Thôi, anh đừng khóc nữa cho thêm nặng tình. Làm quái gì cái vặt, rồi anh sẽ được sở cầu như ý, lo gì?
- Bẩm ông, xin ông chớ quá giận con. Điều sở cầu của con là được nhờ vả ông suốt đời.
Ông Tú lắc đầu mát mẻ nói:
- Tôi không dám, anh nói quá.
- Bẩm ông, xin ông xét cho con. Hẳn ông cũng biết từ thuở bé, tính con như thế nào.
- Phải tôi biết thì đã hẳn, nhưng tôi có ngờ đâu. Anh bảo ông Chánh án còn lầm nữa là! Này! Ông ấy bảo anh định sở khanh đấy!
- Trời ơi! Ông Chánh án là người thế nào lời ông đoan hôm nọ rất đúng, ông ấy muốn gả Thuý Liễu cho con, nên bịa để nói dối ông và đẻ con đó mà thôi.
Bà Cử ngôi nhỏm dậy, xỉa xói nói:
- Ông ấy là ông quan ông ấy không thèm nói dối! Mày bảo ông ấy bịa rằng mày chim con gái ông ấy, ông ấy bịa rằng mày ngủ với con gái ông ấy phải không? Đồ vô phúc!
- Thôi, bà đừng mắng anh ấy, anh ấy tủi. Tôi đã đoán rằng anh ấy cứ nhờ ông Chánh án, có xảy ra sự gì thì tôi chịu trách nhiệm, nay tôi xin giữ lời hứa, thế là êm chuyện.
Bà Cử lại vật mình xuống giường, nói:
- Xin ông chớ giận mẹ con tôi.
- Không hề gì, dù anh Điệp có làm rể ông Chánh án, thì tùy ý anh ấy, chứ không bao giờ tôi đốì với bà kém trước, xin bà chớ ngại.
Điệp nói:
- Bẩm quả ông Chánh án ép con, ông ấy dọa rằng nếu con không nghe thì ông ấy làm hại cả ông nữa.
Ông Tú đủng đỉnh nói:
- Cái đó cố nhiên. Vì anh đã làm hại con ông ta, tất nhiên ông ta phải làm hại tôi, cho sự nhân duyên của anh và con bé nhà tôi ngăn trở.
Điệp thở dài, lau nước mắt nói:
- Chỉ có cách là con chết đi cho xong. Ông Chánh án khôn ngoan, có ô tô, về nói chuyện trước với ông và đẻ, nên ông và đẻ tin ngay.
Bà Cử nghiến răng, chỉ vào mặt Điệp:
- Mày cho mẹ mày là đồ ngốc phải không? Mày đã làm một điều đại ác. Lũ người nhà đầy tớ ông Chánh án phải đuổi oan vì mày, mày có biết không? Coi chúng nó oán đến chết, con ạ.
Điệp sực nghĩ ra sáng hôm ấy, Ông Phủ hầm hầm quát mắng đầy tớ, và đuổi suốt lượt. Song chàng ôn tồn nói với mẹ:
- Ông ấy đuổi chúng nó về tội gì, ông ấy đã nói rõ cả hôm ấy.
- Tội gì! Ông ấy ngờ chúng nó đồng mưu với mày. Đuổi chúng nó đi, vì ông ấy lại muốn không cho những đứa biết chuyện này bàn ra tán vào, rồi lên tỉnh mới lại đi bép xép, mách lẻo với người khác, hại danh giá nhà ông ấy.
Hiểu bụng thâm hiểm của ông Chánh án, Điệp lắc đầu nói:
- Đẻ tin ông ấy quá!
Ông Tú cười:
- Không phải chúng tôi tin lời ông ấy đâu. Bao giờ chúng tôi chẳng tin anh trước. Tôi tin lời nói của anh ở trong bức thư này anh viết cho Thuý Liễu.
- Thế này thì con còn nên sống làm gì, vì con đã phụ bạc ông.
- Đừng hoài thân, vô ích, anh ạ. Bằng lòng ai thì lấy người ta, chứ cần gì!
- Khốn nạn thân con, thưa ông, con bị ông Chánh án ép! Con ức quá!
Ông Tú cười sâu sắc. Bà Cử đang nằm, bỗng kêu nhức đầu, lấy dầu bôi, rồi xin phép ông Tứ về, vì thấy trong người khó chịu!
Điệp theo mẹ, trong bụng rối beng. Chàng chỉ muốn bỏ phắt công việc làm ăn để về nhà quê mà ở cho yên thân. Nhưng 'bây giờ cơ sự đã quá như thế này, dù ở đâu, mình cũng không tránh khỏi được tay ông Chánh án, và chắc gì ông Tú gả Lan cho mình nữa? Mà bỏ việc thì chết đói; con trai đã lớn tuổi, không lẽ bắt mẹ phải nuôi báo cô đến bao giờ.
Bà Cử về nhà, lên giường lấy chăn ra đắp. Điệp thấy cảnh càng cực, cực nhất là mình không làm gì nên tội, mà bỗng hai gia đình tự nhiên gây nên mối ác cảm, sầu thảm như thế này.
Chàng ngồi cạnh mẹ, khẽ kiếm lời an ủi:
- Thưa đẻ, đẻ không nên nghĩ ngợi quá nữa. Rồi hẳn đẻ sẽ thấu nỗi oan cho con, mà ông Tú sau này cũng không giận con nữa.
Bà Cử lại nổi trận lôi đình, ngồi nhỏm dậy, xỉ vả:
- Người ta hoài con cũng không thèm gả cho cái thứ mày. Mày là đồ khốn nạn! Tao chỉ dạy mày những cái ăn ở trung hậu, mày học ở đâu những thói ba que của con nhà mất dạy. Mày bêu tao, mày làm nhục tao với ông Tú.
Rồi không còn sức nữa, bà nằm xuống, thở hồng hộc, đập chân đập tay, nước mắt ràn cả xuống thái dương.
Điệp đành chịu để mẹ mắng, không dám nói cốt để bà yên nghỉ một tí.
Chàng ngồi ủ rũ, khoanh tay trước ngực, gục mặt xuống nghĩ ngợi. Trong óc chàng, biết bao cảnh vùn vụt diễn ra, khiến chàng mỗi lúc lại thở dài. Chàng tưởng như thấy ông Chánh án trợn mắt dọa:
- Đời anh bây giờ là trong tay tôi, anh liệu đó!
Lại thấy ông tươi cười, rót rượu cho chàng mà bảo:
- Ừ, làm tài trai, rượu không biết uống thì hèn lắm.
Rồi chàng nhớ lại sáng hôm ấy, cùng Thuý Liễu nằm ở trong buồng. Chàng nghĩ tới ông Tú nói mát:
- Tôi tin lời nói của anh ở trong bức thư này.
Rồi chàng lại văng vẳng thấy mẹ máng:
- Đồ vô phúc!
Bỗng đến cái cảnh dưới trăng hỏm mười sáu tháng năm trước, dưới vùng trời trong trẻo chàng như lại được nghe Lan thỏ thẻ:
- Vậy mà chưa chi cậu đã ghét, đã khinh, đã phụ tôi.
Từng ấy điều nghĩ làm cho Điệp bứt rứt, bực dọc, nước mắt ở đâu lại chầy ra. Bà Cử nằm đó, thỉnh thoảng lại cựa và kêu rên lên một tiếng kinh hồn. Điệp tưởng tượng đến khi mình cùng Thuý Liễu lấy nhau, mà Lan thì kết hôn với một người khác. Thỉnh thoảng hai cặp vợ chồng, khi về làng Văn Ngoại, có gặp nhau thì chỉ nhìn nhau bẽn lẽn, mà tâm sự rạt rào.
Điệp để tay vào trán mẹ, thấy hơi hâm hấp nóng.
Chàng lo mẹ ốm quá. Nhưng biết làm thế nào?
Một lúc lâu chàng thấy mẹ nằm yên, và đã ngáy. Chàng mừng vì nếu mẹ ngủ được một tí thì đỡ nghĩ ngợi nhiều sinh mệt.
Bỗng có tiếng gót chân ngoài hè, Điệp ngửng đầu lên nhìn: Lan đến.
Vừa mừng, vừa tủi, vừa thẹn, vừa vui, chàng thấy trong bụng nao nao, chẳng hay Lan đến làm chi, chẳng hay mình gặp Lan Tân này là hay hay là dở.
Điệp đứng dậy. Lan vẻ mặt rất buồn, thấy Điệp ra đón, ngượng nghịu đứng dừng lại, luống cuống vội nói:
- Thưa cậu, thầy tôi sai mang thứ thuốc này sang đây để bà dùng.
Điệp ngùi ngùi, thở dài:
- Thưa cô đẻ tôi mới ngủ. Tôi muốn mời cô xuống nhà ngang, cho tôi được tỏ chút tâm tình.
Lan cười, đau đớn:
- Thôi, không cần, cậu ạ.
Điệp choáng đầu lên, mãi mới nói được:
- Thế cô cũng không thương tôi nữa hay sao?
Lan thở dài, không đáp. Điệp đi xuống nhà ngang trước, rồi mời Lan, Lan ngần ngừ, nhìn vào trong nhà chỗ bà Cử nằm, rồi cũng theo xuống.
 Chương IX

THÔI, TỪ NAY…

    Đến nhà ngang Đỉệp mời Lan ngồỉ, và nói ngay:
- Tôi gặp cô bây giờ thực là một dịp may cho tôi được thổ lộ hết tâm sự. Tôi xin kể cô nghe đầu đuôi câu chuyện, mong rằng cô thấu nỗi khổ tâm cho tối,
Lan lạnh lùng không đáp, Điệp tiếp:
- Ông nhà và đẻ tôi vì quá tin lời ông Chánh án, đến nỗi trách mắng tôi những điều mà tôi nghe phải đứt từng khúc ruột, cho nên tôi không dám mong cô tin tôi, miễn là cô rõ chuyện cho, ấy là tôi được hả dạ.
Lan nhăn mặt, đáp:
- Cậu nói mau lên, đừng giáo đầu dài nữa.
- Vâng. Nguyên hốm thi, tôi suýt bị hỏng về…
- Về điện học, phải, tôi đã biết rồi.
- Vâng, rồi tôi được đỗ, tôi bèn đến cảm ơn ông Phủ Trần. Tôi tới phủ, thì vừa mới trống hầu chiều, ông Phủ bận việc, chưa tiếp tôi, cho tôi xuống nhằ khách. Lúc ấy, lo ló ở chỗ thủng bức vách rõ ràng có một cái mặt nhìn tôi, khi tôi biết, thì tôi thấy tiếng giầy chạy. Đó, Thuý Liễu con ông Phủ đấy. Thuý Liễu lên nhà tư, gảy đàn, đọc tiểu thuyết, rồi nằm ngủ ở hiên đến tận tan hầu, nghe tiếng trống mới vùng dậy.
Trong khi tôi phải ngồi chờ ba giờ đồng hồ, tôi nóng ruột quá, đã bực tức cái lối bệ vệ của các quan, cho nên khi thấy ông Phủ, tôi đem lòng ác cảm. Nhưng ngờ đâu ông ấy tiếp tôi một cách rất tử tế, cho tôi lên nhà tư, gọi tôi bằng cháu và xưng là chú. Hôm ấy ông Phủ khuyên tôi bỏ giáo học, và xin đi thư ký lục sự vì ông ấy sẽ được thăng Chánh án, và vận động cho tôi làm việc dưới quỳên ông. Thật tôi không ngờ đâu ông ấy rắp tâm chăng lưới để chụp tôi. Mới hôm qua, có một việc xảy ra trong dinh, tôi mới rõ ông ấy là độc ác, và mới hiểu bụng dạ sâu sắc của ông ấy.
- Việc gì?
- Nào có gì là quan hệ đâu! Chỉ có một thằng tù, khi nó xe cát vào trong dinh, không hiểu nó ăn cắp gì, hay hỗn hào gì với ông ấy hoặc với cô con gái rượu, mà ông ấy đùng đùng thịnh nộ, gọi dây nói cho ông Cẩm cấm chỉ nó không được vãng lai vào dinh, rồi lại làm tờ bẩm rất đanh thép, vu cho nó vào dinh ăn cắp. Có lẽ thằng ấy phải ra tòa xử một lượt nữa, mà phen này ắt bị án nặng, phải phát vãng lên thượng du.
- Thế nào là đanh thép?
- Ông ấy tự thảo giấy lấy và gửi lấy, nên tôi không được đọc. Ấy là tôi thấy anh em bên tòa Sứ nói chuyện lại như thế, họ khen ông Chánh án giỏi việc. Cho nên việc của ông tôi quyết là ông ấy dự định đã lâu, đâu vào đấy cả, mà bây giờ đến nỗi tôi đang mắc vào tròng nên khó gỡ.
Lan trước làm mặt lãnh đạm, sau lờ đờ con mắt nhìn xuống để chú ý vào lời Điệp, đến đó, nàng nhìn thẳng vào chàng và hỏi:
- Trong khi cùng ông Phủ nói chuyện, cậu có để ý đến câu gì quan trọng không?
- Không, chỉ có việc xin đi thư ký lục sự là quan trọng, còn thì ông hỏi thăm nom nhà cửa.
- Hỏi thăm thế nào?
- Hỏi thăm đẻ tôi, và hỏi tôi bao nhiêu tuổi. À, ông ấy còn hỏi đùa là có vợ chưa.
- Thế cậu trả lời sao?
- Tôi cứ thực thưa rằng tôi hăm mốt, và chưa có vợ.
- Ông ấy bảo thế nào?
- Ông ấy không bảo gì cả. À, quên, phải rồi, có, có; thấy tôi nói hăm mốt tuổi, ông ấy bảo ngay rằng tôi hơn Thuý Liễu hai tuổi.
- Cậu nói nốt đi.
- Rồi tôi về bẩm đẻ tôi và ông nhà.
- Tôi biết rồi, gì nữa.
- Vì ông Phủ dặn tôi nên đến tận nơi mà trả lời chứ đừng viết thư, nên tôi lại phải đi lần thứ hai, tức là lần có đêm tôi ngủ với Thuý Liễu.
Lan đang ngồi im, cựa mạnh một cái, sa sầm nét mặt, hỏi:
- Tại làm sao?
- Hôm ấy ông Phủ vui vẻ quá, ngài ép tôi uống rượu.
- Quên, trong khi chờ ông Phủ, cậu có trông thấy cô gì ấy không?
- Không biết Thuý Liễu có trông thấy tôi hay không, chứ tôi thì không gặp; vả mãi đến tan hầu tôi mới vào phủ, vì tôi không muốn phải chờ như lần trước, nên tôi đi chơi ngoài phố.
- Trong khi nói chuyện, ông Phủ có đả động gì đến Thuý Liễu nữa không?
Điệp nghĩ rồi nói:
- Không, đích rằng không.
- Thế nào nữa?
- Tôi có biết uống rượu đâu, nhưng ông ấy cứ bắt uống. Tôi nhắp một tí, thấy choáng váng trong người. Rồi lúc vui chuyện, tôi quên đi, và nể nên uống mãi, uống mãi, đến nỗi bất tỉnh nhân sự.
- Cậu nói chuyện với ông Phủ những gì?
- Cũng có chuyện công danh mà thôi, còn sau những gì tôi không nhớ, vì tôi say quá, nhưng chắc rằng chẳng có chi đáng chú ý. Tôi gục xuống bàn, thế rồi chẳng biết tự tôi đi ngủ hay ai khênh tôi đi ngủ, sáng hôm sau, tôi thấy tôi nằm với Thuý Liễu một giường. Tôi thề rằng chỗ này tôi không nói dối.
Lan chống tay vào cằm, đăm đăm con mắt:
- Cậu cứ nói đi.
- Lúc mở mắt dậy, tôi thấy đã trưa lắm rồi. Tôi bị Thuý Liễu gối đầu lên cánh tay tôi, sái bại hẳn đi. Tôi lo quá, nhưng vào lúc khó khăn thế này thì nằm lì cũng chết, nhưng dậy ngay càng chết; tôi đắn đo mãi, nên quyết định cứ giả cách ngủ, để nằm gan, chờ cho Thuý Liễu dậy trước, tôi mới dậy sau, vờ như không biết gì cả. Nhưng mãi, Thuý Liễu không dậy, mà một lúc, tôi thấy ông Phủ vào trong buồng…
Lan nhìn Điệp.
- Nhưng rồi ông ấy lẳng lặng đi ra.
- Thế bao giờ Thuý Liễu mới dậy?
- Mãi đến hơn chín giờ. Tôi dậy, tự lấy làm ngượng, nhưng cố làm mặt tự nhiên. Tan hầu ông Phủ xuống nhà tư, thấy tôi thì lãnh đạm hẳn đi, và tìm những câu xa xôi để trách móc.
- Sao ông ấy lại để yên cậu lúc bắt được ở trong buồng?
- Tôi không hiểu.
- Thế rồi ông ấy có gắt mắng cậu không?
- Không! Thế tôi mới khó chịu, không rõ ý ông ấy ra sao cả. Ông ấy lại còn gọi lũ nhà đầy tớ lên, tìm kiếm ra tội, và đuổi suốt lượt ngay trước mặt tôi. Ăn cơm xong, tôi xin về, ông ấy lạnh lùng đưa cái thư gởi về cho đẻ tôi. Tôi bóc thư ra xem trước, thì thấy ông ấy khuyên đẻ tôi nên nghĩ đến chữ duyên của tôi, và hứa sẽ cũng giúp tôi như đã hết lòng về công danh của tôi. Tôi biết rằng ông ấy lầm, tưởng tôi có tình với Thuý Liễu, nên bảo ý đẻ tôi nếu tôi có xin lấy Thuý Liễu thì ông ấy gả cho. Tôi xé thư đi, về nhà không dám nói với ai cả, mà một mình ngày đêm lo lắng, chắc thế nào cuộc nhân duyên của cô cùng tôi cũng bị ngăn trở.
Điệp thở dài. Lan cũng thở dài.
- Đến hôm tôi đi làm, ông Chánh án nhờ ông Cả Tòng bắn tin gọi gả, rồi chính ông ấy cũng hỏi tôi, nhưng tôi nhất định chối từ.
Lan lại làm như nghe chuyện không can thiệp đến mình, nói:
- Nếu cậu đã làm hại người ta, thì cậu nên cứu người ta, thế là nhân từ.
Điệp nhăn nhó nói:
- Khốn nạn thân tôi, tôi có lòng dạ nào nghĩ đến ai nữa mà làm hại! Nếu cô hiểu bụng cho tôi, chắc cô không nói câu ấy. Từ ngày tôi gặp cô, được cô tỏ cho tôi biết ý cô quyết định, vì tôi như bị thu hết tâm hồn…
Lan lắc đầu, xua tay, nói:
- Cậu nói hết chuyện ấy đi, lâu lắm rồi.
- Ai ở ngoài cũng tưởng tôi làm hại danh dự Thuý Liễu; vì vậy mà sau khi tôi về, có lẽ Thuý Liễu bị xỉ vả một trận kịch liệt, nên quyết tình quyên sinh, mà gửi cho tôi bức thư.
- Bức thư thế nào.
- Trong thư, Thuý Liễu xin tôi một điều là minh oan cho, vì chỉ một mình tôi hiểu Thuý Liễu, và yêu cầu tôi trả lời. Tôi nghĩ hối hận vì tôi vô tình đến nỗi Thuý Liễu phải hủy hoại một đời, nên tôi trả lời Thuý Liễu bằng bức thư ban nãy ông đọc. Tôi chỉ lạ một điều là sao cái thư ấy lại lạc được vào tay ông Chánh án.
Lan gật gù nói:
- Cái đó không lấy gì làm lạ.
Điệp thấy Lan có ý băn khoăn, chứ không lãnh đạm như ban nãy, vui vẻ hỏi:
- Cô đoán tại sao?
Lan đổi ngay nét mặt lạnh lùng, đáp:
- Tại thư của Thuý Liễu vào tay ông ấy nên ông ấy bóc ra chứ sao?
Điệp thở dài, nói nốt:
- Tôi chối từ lời ông Chánh án, ông ấy gắt, bảo tôi về nói chuyện với đẻ tôi. Ông ấy thấy tôi nói đã đính hôn cùng cô, thì đe dọa, dọa cả tôi, dọa cả ông nhà nữa.
Lan cười, cái cười chua chát.
- Rồi ông ấy về tọt đây nói chuyện trước cùng ông nhà với đẻ tôi cho nên bây giờ tôi mới bị hắt hủi như thế này.
Nói đến đó, Điệp bưng mặt khóc. Hai mắt Lan cũng mọng mọng những lệ mà nhìn lên xà nhà. Điệp nói:
- Cô ơi, nếu cô biết bụng cho tôi…
Lan nghiêm ngay nét mặt lại nói:
- Thôi, thì cũng đành vậy chứ sao?
- Cô có tin tôi không?
Lan thở dài không đáp.
- Cô có yêu, có thương tôi nữa không?
Lan lắc đầu, nói:
- Bây giờ tôi không có quyền mà cậu cũng không nên hỏi tôi câu ấy nữa.
Điệp lại ràn rụa nước mắt, Lan cứ lạnh lùng như không, nói:
- Cậu quên tôi đi.
Điệp cựa mạnh kinh ngạc, đáp:
- Không thể. Cô không nên quá ác thế. Trái tim tôi như sắt đá, nhưng từ thuở bé đã khắc ba chữ Nguyễn Thị Lan càng ngày càng sâu, bây giờ phải mài đi mới sạch nhẵn và có thể khắc được chứ khác. Nhưng mà, cô ơi, như thế thì nó bị thương.
Nói đến đấy, Điệp bưng mặt nức nở không ra tiếng, Lan cảm động quá, quay đi, lấy vạt áo chùi nước mắt. Một lúc Điệp ngẩng đầu, hỏi Lan:
- Cô có giận tôi không?
Lan lại cố nghiêm nói:
- Tôi cũng không có quyền.
- Tôi không thể yêu được ai nữa, tâm hồn tôi đã gởi cô từ lâu rồi.
Lan lắc đầu, nói:
- Tôi nào dám giữ?
Điệp càng thấy Lan nói mát, càng như đứt từng khúc ruột. Lan nói:
- Nếu cậu muốn yên thân, thì cậu nên kết duyên cùng Thuý Liễu.
- Tôi yên thân sao được, mà nếu lấy Thuý Liễu để được yên thân, sao tôi ích kỷ như thế được?
- Không phải là ích kỷ, vì cậu làm yên cả gia đình tôi. Cậu hy sinh chữ duyên mà báo đáp thày tôi ở chỗ đó. Rồi tôi quên cậu; tôi quên cậu rồi.
- Cô có thể tàn nhẫn với tôi thế được à?
- Tôi không lấy cậu nữa, cậu không kết duyên với Thuý Liễu mặc dầu.
Điệp thổn thức:
- Thế thì chỉ còn một mình tôi đi trên đường đời hiu quạnh, tôi sống với ai?
Lan vẫn lạnh lẽo cười lạt.
- Mặc kệ cậu.
Nghe câu nói như sét đánh ngang tai, Điệp trợn mắt lên nhìn Lan một cách giận dứ, khiến Lan tự nhiên đổi ngay ra nét mặt dịu dàng. Nhưng rất nhanh, Lan lại làm ngay nghiêm nghị mà nói một câu để nuôi cái giận dữ đã mất:
- Tôi mặc kệ cậu thật.
Nghe câu nhắc lại, Điệp như bị tiếng sét lần thứ hai mất cả tinh thần; chàng phải ôm lấy ngực. Bỗng Lan không giấu được cảm tình thật nữa, thốt nhiên nức nở khóc:
- Nước mắt này của tôi bây giờ đối với cậu nó vô giá trị lắm, tôi không tội gì mà giữ nó nữa, tôi cứ cho nó tuôn hết ra.
Nhưng chỉ một tí thôi, Lan nín hẳn, lấy vạt áo chùi cho khô mắt. Điệp bị giọt lệ của Lan nói thấm đến tận đáy lòng, nhăn nhó, bứt rứt, nói:
- Cô Lan ơi! Từ hôm mười sáu tháng năm đến giờ, không ngày nào, không giờ nào, không phút nào là tôi không nghĩ đến cô. Óc tôi bị ái tình nó chiếm mất quá nửa, đến nỗi tôi chểnh mảng hết cả các công việc khác. Lúc nào tôi cũng hình như có cô ở trước mặt, mà những lời nói việc làm cũng đều nghĩ, như bị ảnh hưởng của bệnh tương tư. Nói tóm lại, tôi sống vì cô, tôi ước mong công danh cũng vì cô, mà trong trí tôi, cũng vì cô mà tôi có bao nhiêu ý định tốt đẹp về tương lai…
Lan đang nghe một cách cảm động, bỗng như tỉnh lại, sực nhớ đến điều gì, đứng phắt dậy vừa đi vừa quay lại, nói:
- Tôi cảm ơn cậu, nhưng cậu quên tôi đi, cậu đừng yêu tôi nữa. Thôi, từ nay…
Nói đến đấy, Lan thấy nghẹn lời, quay mặt đi rảo cẳng bước thẳng ra cửa, ra cổng, rồi về. Điệp đứng dậy trông theo, ngây người ra, không hiểu tại làm sao Lan dứt đứt câu chuyện một cách đột ngột thế.
Điệp không rõ bụng Lan với mình ra sao, sao lại có cái thái độ lạnh lùng nhưng lại chứa chan vẻ đằm thắm làm vậy? Lúc nghiêm, lúc khóc, vậy thì Lan có tin chàng mà thương hại tình cảnh chàng chăng?
Hay Lan nghe ông Chánh án mà giận dữ chàng? Nhưng giận hay thương, Điệp cũng không còn hi vọng gì nữa.
Chương X

TẤM LỎNG LAN VÀ ĐỒ HỒI MÔN THÚY LIỄU
   
Hôm nay là ngày đón dâu, ngày Điệp đón Thuý Liễu về làm vợ. Con đường nhỏ từ chợ Gỏi về làng Văn Ngoại, đã thấy phẳng phiu nhẵn nhụi như những hôm có quan Sứ về. Ở đầu cầu, bọn tuần đặt hương án bái vọng trên chiếc cổng chào, ngả nghiêng mấy ngọn cờ bay phấp phới, thấy cuộc nghênh tiếp trọng thể làm vậy, những bà đi chợ đều phải tấm tắc nói với nhau:
- Sung sướng chưa! Đó là đám cưới cậu Phán con cụ Cử lấy con gái cụ lớn Chánh án đấy.
Nguyên từ hôm Điệp bị mẹ mắng, ông Tú hắt hủi và Lan giận, thì cái tâm lý của chàng nó rối beng hơn thời cục nước Tàu, không bút nào tả cho thấu được. Rồi chàng lại bị ông Chánh án nhất định ép gả, hứa cáng đáng cho hết các khoản chi phí về việc cưới và dọa nếu không nghe thì lập tức có những việc xảy ra chẳng lành cho Điệp và cho ông Tú. Rồi ông Tú từ chối không gả Lan cho nữa, nên Điệp cũng đành như đời mình bỏ đi thôi thì ai bảo sao nghe vậy, chứ không suy xét nghĩ ngợi gì nữa. Điệp nếu không gọi được là chết dở, thì cũng là điên là cuồng mất rồi. Nhưng không bao giờ Điệp quên ông Tú, thỉnh thoảng chàng lại tự an ủi mà nghĩ rằng:
“Mình hy sinh hạnh phúc để trả nghĩa ông Tú vì nếu mình lấy Lan, thì ông Tú sẽ bị hại”.
Điệp về nhà, thấy nhà rộn rịp, kẻ ra người vào tấp nập, cỗ bàn linh đình, khách khứa vui vẻ. Chàng gượng ra chào hỏi mọi người, song mặt ngây ngô thờ thẫn, có lúc chàng không trả lời một câu của khách hỏi, có khi chàng đáp một câu người ta hỏi từ bao giờ. Chàng chỉ muốn được một chỗ tĩnh mịch để nằm yên mà nghĩ lại cảnh đau đớn để khóc, nhưng ai cho chàng được đau đớn được khóc? Hồ được ngồi nghỉ ở trong buồng, hồ nghĩ đến Lan mà suối lệ sắp được tuôn trào ra cho đỡ tấm tức, chàng đã bị gọi ra nhà ngoài để gượng vui tiếp một bọn mới vào mừng, mà những câu chúc, những chuỗi cười, như đâm vào ruột chàng cho thêm tan tác! Suốt ngày, nào lời đoán sau này chàng sẽ đi tri huyện; nào lời chắc chàng sẽ giàu có, làm rạng vẻ cho dân làng; nào tiếng pháo nổ đùng, tạch, nào tiếng kỳ cạch giã giò; thì chàng tưởng tượng như Lan nỉ non khóc lóc, như thần lương tâm mắng diếc, mỉa mai, khiến cho chàng nghe mà khúc lòng tê tái.
Bỗng có thằng bé con gọi Điệp ra một chỗ, đưa cho bức thư, nói:
- Thưa cậu, cô Lan gửi cho cậu và dặn cậu cho cái gì để làm tin là đã đến tay cậu.
Điệp vội cầm lấy phong bì, thấy nặng, biết là bức thư dài lắm, nóng bóc ra, bèn móc túi định lấy bút chì biên nhận mấy chứ và hẹn Lan sẽ trả lời, nhưng trong túi chỉ có con dao tây sáu lưỡi móc lòng thòng vào đầu dây sắt Điệp vội đưa cho nó cả dây lẫn dao, và dặn miệng một câu, rồi xé phong bì ra xem giấy.
Anh Điệp
Nếu ngày mai là ngày đáng mừng rỡ nhất đời của anh, thi em nên để anh được hoàn toàn vui vẻ, dám đâu làm rối ruột anh bằng mấy trang giấy này làm chi? Nhưng khốn nạn thân anh, vì em biết rằng anh khổ, vì em biết rằng anh cũng chết một nửa tấm lòng như em, nên em đưa anh bức thư này, em không hối hận chút nào cả. Vậy thì mấy lời của người quí anh, người thương anh, người yêu anh, chẳng qua nó cũng chỉ làm nẫu ruột nhầu gan anh như tiếng pháo mừng anh, như tiếng người chúc anh mà thôi.
Anh ơi, những như anh với em, thì có ngờ đâu là trên đường đời hiu quạnh, anh đi một đường, mà em đi một lối! Có ngờ đâu là ngày mai anh phải đi đón người bạn trăm năm mà không phải là em. Có ngờ đâu là anh em ta phải ly biệt một cách đau đớn!
Thôi thì người ta ra làm sao, chẳng qua là tại số của Trời định trước cả, ta nên nghĩ thế để nhẹ cái sức mạnh của sự ngược đãi của Tạo hóa mà gượng sống vậy, chứ biết làm thế nào?
Anh yêu em, em yêu anh, đôi ta vì cảnh ngộ mà yêu nhau, những tưởng một ngày kia được sum họp cùng nhau gây thành hạnh phúc, nhưng mà trời bắt, ta nên cam lòng, bùồn cũng thế thôi, khóc cũng thế thôi, anh ạ.
Em tự biết, anh không nỡ đứt ruột mà nhìn cuộc ái tình tang thương, như thế anh được an ủi rồi, anh không nên vì em mà nghĩ ngợi nữa. Anh nên lấy lòng nhân từ mà coi Thuý Liễu là vợ, anh nên yêu Thuý Liễu như yêu em, nói tóm lại, vì cuộc nhân duyên mới của anh đã thành rồi, anh nên quên hẳn em đi, mà làm đầy đủ bổn phận người chống cho gia đình có lạc thú vĩnh viễn.
Em xin nói thực cùng anh rằng tuy anh cùng em trăm năm chẳng vẹn, nhưng em cũng cho như thế là đủ rồi, anh đối với em thì kính yêu, em đối với anh thì một dạ, thế thì dù chẳng đã cưới xin như vợ chống, nhưng về tinh thần cũng đã nên nghĩa. Cho nên em coi như tơ duyên trước vẫn lành, mà anh thì phải đi vắng xa. Bởi vậy, em không buồn tủi, thì anh chẳng nên khóc lóc làm gì.
Khốn nạn, anh Điệp ơi, em vừa khuyên anh đừng nên khóc lóc, mà hay đâu nước mắt của em nó đã giàn giụa ra đày rồi. Thôi thỉ em cam chịu tội càng anh, cho phép em khóc nốt một lúc nữa cho hả dạ vậy. Ừ mà tội gì không khóc, ta nên khóc cho hết nước mắt đi, cái nước mắt này cũng chỉ được phép vì anh mà tự do rỏ xuống có đến ngày hôm nay nữa là hết. Đến lúc này ta nên than thở cùng nhau cho thỏa lòng, kẻo mai đây, anh bước sang lối đi khác, anh lấy vợ khác, thì dù em có khóc chăng nữa, cũng chỉ một mình em biết mà thôi.
Anh ơi, mấy hôm nay em thấy đường sá họ sửa sang lại, họ vá đắp lại, ở đầu cầu họ bày trí đồ bái vọng, nhất là từ hôm qua, bên tai em nghe tràng pháo nổ, thì em như bị xé lòng, nghe tiếng giã giò, thì em như bị đâm ruột, suốt ngày em chỉ gục lên đống chăn mà khóc, chẳng thiết ăn ngủ gì cả. Em khóc không phải vì em buồn cho em đâu, anh ạ. Số phận em như thế là đành rồi, nhưng em chỉ thương anh mà thôi, vi em chắc rằng anh tưởng thầy em và em giận anh lắm.
Không phải, không phải đâu, anh Điệp ạ. Thày em vờ giận dữ anh, mà em cũng bắt buộc phải hắt hủi cùng anh để cho anh khỏi bị hoạn nạn đấy thôi.
Em xin kể lại câu chuyện ấy.
Nguyên hôm ông Chánh án về nói chuyện anh, em đứng trong buồng, em nghe thấy hết cả. Ông ấy kể tội anh làm hại Thuý Liễu. Bà nhà ta và thày em thi không tin, nhưng đến khi ông ấy đưa cái giấy của anh viết cho con gái ông ấy, thì không ai còn bênh anh được chỗ nào nữa. Bà thì nổi giận, thày em thì thở dài, mà bụng em thì rối như mớ bòng bong, em thấy chán ngán vì anh quá, nên lúc ông Chánh án lên xe ra về, em không thể nào nhịn tủi thân, mà câm, được lệ.
Nhưng mà thày em hiểu rõ cả chuyện đấy anh ạ. Lúc thày em tiễn bà ra cổng thì vào ngay trong buồng em. Thày em thấy em đương gục mặt xuống giường mà thổn thức, thày em cũng mặc cho em được tự do đau đớn về anh, nghĩa là em đau đớn cho em nữa. Mà em biết rằng hẳn thày em cũng tha thứ cho em, cái lúc rầu gan nẫu ruột này, cho nên em không cần giữ gìn giấu diếm gì, vì em cho rằng nước mắt của em tuôn ra một cách chánh đáng.
Một lúc em gượng dậy, thày em gọi em lại mà bảo:
- Con ơi. Điệp nó phải lừa ông Chánh án thật đấy. Thày đoán hết cả chuyện rồi. Nó thực thà quá, nó không hiểu cái ý định sâu sắc của ông ấy từ lâu, nên đến bày giờ khó gỡ. Nếu nó nhất định khăng khăng vi nhà ta mà từ chối lời ông Chánh án, tất nó bị hoạn nạn, khổ một đời. Thày thương nó lắm. Thày không muốn nó vì mình đến nỗi bị vạ lây, con nghĩ sao?
Em nghe thầy nói, cảm động quá, lại bưng mặt khóc, không sao trả lời được. Thày em mới giảng nghĩa những nỗi anh mắc lừa cho em nghe, rồi đoán trước những việc xảy ra cho anh. Em càng thương anh. Nếu em cứ ích kỷ, nếu em cứ muốn cùng anh kết nghĩa trăm năm, thì anh sẽ bị hại một đời, âu là em quyết hy sinh hạnh phúc cho anh được sung sướng. Dù anh không được thật sung sướng, anh cũng không đến nỗi mắc vạ gió tai bay.
Em thương anh, em quí anh, em yêu anh, thì bao giờ em cũng thương, cũng quí, cũng yêu anh. Em định được việc này, em lấy làm hả dạ lắm, cho nên rồi thày em bảo em sang bên nhà, cốt gặp anh, và vờ làm cho anh mất hy vọng về em đi.
Nhưng khốn nạn, đứng trước cái ái tình nông nàn, đằm thắm, cao thượng, cái ái tình nó ăn rễ đã sâu vào trong tim em, em thấy em nhu nhược quá, dù em cố làm ra mặt lạnh lẽo, nhưng có được đâu, bất giác cái giả dối nó làm em khổ tàm đến nỗi bật ra tiếng khóc.
Em cũng biết rằng anh không thương yêu Thuý Liễu mà bất đắc dĩ anh phải bạn cùng Thuý Liễu suốt đời, thì anh vui vẻ thế nào được. Nhưng em xin anh một điều một điều nó giúp nốt cho ý định của em được hoàn toàn, là anh quên em đi và yêu lấy Thuý Liễu. Anh nên hiểu rằng Thuý Liễu là vợ anh, anh phải vì bổn phận, vì lương tầm mà yêu Thuý Liễu: dù bây giờ ái tình chưa có, nhưng không nên vì một lẽ gì mà cứ nhớ đến em mãi được. Vì em chỉ là người yêu của anh có đến ngày hôm nay mù thôi, còn từ mai, em xin anh trả lại tấm lòng cho em, anh nên quên em đi, chứ nào anh có quyền nhớ em mãi được, vả nếu cứ vì có em đứng giữa, mà anh với Thuý Liễu hờ hững cùng nhau, thì em không muốn thế dâu, em không ác được thế đâu.
Rồi đây, em chắc sẽ có người bạn trăm năm tốt như anh, anh đừng thương em nữa. Em sẽ quên anh để em làm đầy đủ bổn phận làm vợ người ấy.
Cứ kể ra thì cũng đau lòng đấy, anh nhỉ… Nhớ nhau mới khó, chứ quên nhau thỉ còn gì dễ hơn! Rôi ra anh cùng em có muốn gặp gỡ cũng chỉ mong họa là ở trong giấc mộng, nhưng biết có mộng thấy nhau hay không?
Đau đớn làm sao! Anh ơi! Em đã cố nói lảng ra chuyện khác mà lại nghĩ đến nỗi buồn. Em xin lỗi anh vậy, anh Điệp ơi! Đến đây em không thể cầm được nước mắt nữa. Ô hay! Sao từ hôm nọ đến nay, nước mắt em chảy ra nhiều quá lắm thế này, mà viết bức thư, em không ngờ tốn nó nhiều hơn mực!
Anh ơi! Lan hôm nay không được vui vẻ như Lan của anh hôm mười sáu tháng năm nữa đâu; Lan hôm nay không được đẫy đà như Lan của anh hôm nọ nữa đâu anh ạ.
Tâm hồn em anh lấy mất cả rồi, mai anh mang nó đi thỉ em lấy gì em sống được, hở anh? Em chỉ có một tấm lòng yêu mà thôi, cái tấm lòng yêu ấy em đã để dành cho anh, em đã trao cho anh từ lâu thì còn có thể lấy lại thế nào mà yêu người khác được nũa; đời em chỉ có thể yêu được một người, đời em chỉ có thể yêu được một mình anh, em không thể nào phụ bụng anh mà chia xẻ cho người khác nữa! Ngán cho em mới 20 tuổi đầu, tấm lòng chưa sống mà đã chết! Anh Điệp ơi, anh yêu em làm gì, để đến nỗi ngày nay ruột em đau như cắt thế này, anh ơi!
Đến bầy giờ em mới hiểu biết rằng ái tình nó làm cho người ta được sung sướng ít, nhưng phải cay đắng nhiều. Từ nay em quyết xa nó coi nó như kẻ thù, không bao giờ em dám mơ màng đến nó nữa.
Em viết đến đây mà run tay. Thôi thì em cũng cố vài hàng chữ nữa để chúc anh chị được bách niên giai lão, và xin anh đừng nghĩ đến em.
Còn như em, tuy chẳng được làm vợ anh, nhưng em cũng xin phép anh nhận em là một người em gái thân yêu của anh vậy. Em gọi sẵn anh là anh ngay từ đầu bức thư này cũng là ý ấy. Rối một đôi khi anh có về làng, xin anh cứ coi thày em và em như trước bởi vì thày em và em đều hiểu bụng thủy chung của anh, không hề trách giận anh một tí nào cả.
Thôi, em xin chào anh, và mong rằng anh sẽ vì em mà vui vẻ với Thuý Liễu; còn như em, nếu anh vướng vít ít tình cũ, thì em xin hò hẹn cùng anh đến kiếp sau.
Từ biệt anh,
Nguyễn Thị Lan
Điệp đọc xong thư thần hồn phiêu động, tâm trí như bay như cuốn đi đâu, chàng nhìn lại nét chứ nhòe mà không cầm lòng đậu nữa. Nào chàng ngờ đâu ông Tú và Lan lại hy sinh cả sự sung sướng cho chàng được yên thân! Chàng như điên như dại, vào buồng trùm chăn, đọc kỹ bức thư một lượt nữa. Rồi đọc đến hai ba lượt thì càng thấm thìa, đến nỗi nhầu cả tờ giấy.
Điệp đang mơ mơ màng màng về mấy chỗ làm cho Lan đau lòng, và nghĩ trả lời, bỗng có người gọi chàng ra ký sổ trạm.
Người phu trạm đưa chàng một cái phong bì, chữ đề xấu quá, và rất lạ; bóc ra, chàng đoán mãi không biết là của ai vì không ký tên. Thư rằng:
Thưa Cậu,
Chúng tôi nghe tin cậu sắp lấy cô Thuý Liễu, chúng tôi rất lấy làm yên tâm, vậy có mấy lời mừng cậu và cô Thuý Liễu.
Nhưng chúng tôi có một điều không thể giấu cậu được, là nhờ cậu làm phúc trông nom chu toàn cho cái thai ở trong bụng cô Thuý Liễu, nếu sau này nó có được làm người, chúng tôi xin cậu lấy lòng nhân từ mà nuôi nấng nó cho tử tế thì chúng tôi lấy làm cảm ơn cậu vạn bội…
Đọc xong, Điệp choáng người, như bị cảm, run lên, lạnh toát cả chân tay! Rồi sợ ngã, chàng vừa nức nở khóc vừa chạy vào trong buồng, nằm đóng chặt cửa lại.
Lúc ấy, trời chiều ủ dột, mấy đám mây uất ức như cũng cảm động thương người có trái tim bị thương.
Rồi giữa trưa hôm sau, khi sáu chiếc ô tô ông Chánh án thuê để Điệp rước Thuý Liễu về đến nhà, mà yêu, mà quí, mà làm bạn trăm năm, thi chàng nghe tin Lan vừa mới bỏ nhà đi đâu mất! Chàng rụng rời chân tay, rú lên một tiếng, rồi ngá ngất xuống sân gạch,

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét