Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

ĐÈN CÙ - TRẦN ĐỈNH - PHẦN 1

1     2     3     4     5    6    7    8
CHƯƠNG 1
Tôi đến ATêKa, an toàn khu (ATK) để làm báo Sự Thật đầu 1949.
ATêKa, an toàn khu là gì? Là căn cứ địa đầu não của Đảng cộng sản Đông Dương và chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, nằm ở chân hai con đèo tên Re và So của dãy Núi Hồng chia đôi hai huyện Định Hoá tỉnh Thái Nguyên và Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Còn Sự Thật?
Tháng 12 năm 1945, Đảng Cộng Sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán cùng với tờ báo tiếng nói của nó, Cờ Giải Phóng. 
Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác (không cõng kèm chủ nghĩa Lê-nin) bèn ra đời cùng báo Sự Thật. Đây là một vận động trái khoáy ngược chiều cực kỳ hiếm mà lúc ấy tôi chưa biết: vừa giành chính quyền để nổi nênh thì Đảng đã lập tức “thoái trào”, phải rút vào bí mật, giấu tiếng, ẩn danh như chưa từng bao giờ. Con ruồi đậu xuống má rồi bay đi ta còn hay thế nhưng nghịch lý tày trời này hầu như ít ai thấy. Đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại, Đảng không hề kỷ niệm cái sự kiện tự nó đánh giá được đủ hết giá trị thật của Đảng ngày mới ra mắt dân này bao giờ. Trong khi nồng nàn tưởng nhớ những Xô viết Nghệ Tĩnh (thất bại), Nam Kỳ Khởi nghĩa (thất bại) v. v… Toà soạn báo Sự Thật lúc ấy vẻn vẹn ba cây bút sắt: (Hà) Xuân Trường, thư ký toà soạn, Quang Đạm, Thép Mới (cựu binh làm từ báo Cờ Giải Phóng trước 1945). Và một cây bút lông: Phan Kế An, tức Phan Kích hay Kịch, con cả cụ Phan Kế Toại, nguyên khâm sai đại thần nay là bộ trưởng nội vụ, người ký tên đóng dấu nổi vào thẻ nhà báo của tôi. Trong thẻ này, tôi đã chữa 19 tuổi thành 23. Vì sao? Thép Mới nói cái thẻ này ngang với coupe-fil, “cắt chỉ”, của Pháp. Được phép vượt qua bất cứ chặn giữ, kiểm soát nào. 19 tuổi thì có lẽ khó, tôi nghĩ. Và ăn gian.
Ai mách Thép Mới cái thẻ báo chí thời Pháp thuộc cắt phăng mọi rào ngăn: Trường Chinh. Trong mắt chúng tôi, Trường Chinh là cây bút luận chiến tài ba và nhà báo lỗi lạc. Tự nhiên nghĩ ngay vậy thì anh sẽ cho chúng tôi cái quyền cắt mạnh hơn cả thời Pháp mọi ràng buộc cảnh sát tại hiện trường điều tra…
Tôi đến báo đảng ngay sau khi nó vừa mở hai cuộc bút chiến lẫy lừng. Một giữa Trường Chinh và Tô Ngọc Vân về văn nghệ có phục vụ chính trị và làm tuyên truyền không. Tô Ngọc Vân phản đối. Một giữa Quang Đạm và Vũ Trọng Khánh về toà án độc lập hay không độc lập. Vũ Trọng Khánh đòi độc lập. (Lúc ấy Quốc tế phân công Đảng cộng sản Pháp giúp đỡ Việt Cộng nên còn đậm ảnh hưởng phong cách cộng sản Pháp, Tổng bí thư hạ cố bút chiến với luật sư ngoài đảng hay mấy vị cầm đầu đảng chỉ đọc tiếng Pháp, không đọc được tiếng Nga và tiếng Hoa).
Cùng một phong trào chính trị rộng khắp đang được phản ánh lên báo: “cả nước lập công chuẩn bị chúc mừng Đại nguyên soái Stalin - Người Cha của các dân tộc, thượng thọ bảy chục. Kẻ vừa đến nương bên bóng Tổng bí thư là tôi ngỡ như mình đang được hưởng ké một vầng hào quang rất đỗi tự hào.
Năm chục năm sau, một hôm tôi hỏi Quang Đạm ấn tượng của anh về tôi hồi tôi mới đến báo đảng. Anh đấm tôi một cái:
- Nhóc!
Nhóc - chưa 19 mà - đã không chút sợ sệt khi bữa đầu bước vào dẫy lán vắng tanh và lành lạnh đặt bị cói xuống một sàn nứa lởm xởm mốc trắng như một cái lưỡi bệnh đầy tưa, những cái tưa sẽ quấn kín lấy người mình sau một đêm nếu mình không cựa quậy. Lại hơi rờn rợn với rừng kín mít bao quanh. Với ngọn Núi Hồng mà những đêm đại hàn, sương tràn về như lũ sền sệt, cuồn cuộn chảy từ một con đập không thấy đỉnh ở tít đen ngòm trên kia. Tôi thích thấy nó là khói hương từ hậu cung thượng ngàn thả xuống. Vô thức tôi đã thánh cung hoá an toàn khu.
Thử thách đầu tiên đến vào tối tiếp xúc Trường Chinh, Tổng bí thư và Chủ nhiệm báo. Tối ấy sương Núi Hồng giấu kín mãi Trường Chinh cho tới khi anh chợt hiện ra ở trước mặt. Lên sau tôi ít bữa nhưng nhiều tuổi hơn, một cán bộ Thái Bình được hỏi trước.
- Dạ, em người Thái Bình…, em lên làm văn thư…
Tôi thấp thỏm có được Tổng bí thư hạ cố bắt tay hỏi không. Nhưng vướng víu nhất lúc ấy lại là tôi sẽ xưng hô bằng gì. Một cảm giác bứt rứt gần như xui tôi lỉnh.
Trường Chinh tươi cười quay sang tôi:
- Vậy anh tre trẻ này là lính mới báo ta chứ?
- Vâng, tôi lên làm phóng viên báo Sự Thật (đúng như nghị quyết điều động của Trưởng ban đảng vụ Lê Văn Lương đánh máy trên giấy bản mỏng tanh nhưng dai.
Năm 1951, “đảng vụ” (gọi theo cộng sản Pháp chưa cướp chính quyền) mới đổi thành “tổ chức” (gọi theo Liên Xô đã có chính quyền và thành trung ương của phong trào cộng sản quốc tế).
Một ánh ngạc nhiên và thú vị trong mắt Trường Chinh. Bởi vẻ cưa đứt đục khoát và cái chữ “tôi” anh ít nghe thấy ở những cái miệng còn hơi sữa chăng?
Thử thách đầu này vượt tốt. Thử thách thứ hai hơi bị yếu. Sắp kỷ niệm ngày sinh Hồ Chí Minh, báo có bài xã luận “Nhân ngày sinh nhật của Hồ Chủ tịch - Phải tăng cường đoàn kết hơn nữa” của Trưởng ban tuyên truyền trung ương Lê Quang Đạo viết. Tôi mang bài báo sang trường Nguyễn Ái Quốc cho Trường Chinh đang lên lớp ở đó duyệt. Anh bảo tôi mệt, anh đọc tôi nghe. Tôi đọc. Được chừng mười dòng, anh bảo tôi đọc lại từ đầu. Từ surtitre (tựa phụ). Anh có biết là gì không Tôi đáp là biết. Rồi đọc đầu đề phụ “Nhân ngày sinh nhật Hồ Chủ tịch…”
Trường Chinh giơ tay bảo ngừng. Rút chiếc Parker 51 ra, anh đưa tôi bảo chữa đi. “Thấy cần chữa đâu cứ chữa”. Tôi ngồi đực nhìn mãi công trình nghệ thuật là cái nắp bút mạ vàng 18 ca ra. Quá sức tưởng tượng. Viết bằng bút Tổng bí thư! Rồi Tổng bí thư bảo chữa bài Trưởng ban tuyên truyền trung ương viết! Mặc dù trưởng ban ghé ngủ đêm ở báo thường đòi nằm chung với tôi rồi sờ sờ, lần lần. Tôi huých gỡ ra thì cười: “Thông cảm, bọn tớ ở tù nó thành ra mất nết như thế rồi!”
Tất nhiên tôi không chiếu cố tù cách mạng khoản này được.
- Làm báo phải mạnh dạn phát hiện vấn đề, đề xuất ý kiến - Trường Chinh nói. Anh thấy gì ở câu này không?
Tôi vẫn im lặng thì nói:
- Sinh nhật là gì?
- Sinh nhật là ngày sinh.
Và thế là thông nguồn, tôi nói tiếp luôn:
- Chữa lại thành nhân sinh nhật.
- Đúng! Có thể thay vào đó nào nhân dịp mừng ngày sinh, nhân lễ sinh nhật, nhân kỷ niệm sinh nhật…
Trường Chinh cầm bút giập đi chữ “nhật” thừa rồi kéo từ đó ra ngoài lề một đường thẳng mà anh cho tận cùng bằng một con ốc sên, nói:
- Chữ tắt này là chữ d của chữ deleitur, tiếng La Tinh có nghĩa là xoá.
Cái gì còn lại của bài học Tổng bí thư trực tiếp dạy tôi buổi ngu ngơ nhập môn cái chiều đầu hạ ngai ngái mùi rừng mới bắt nắng ấy? Tinh thần không sùng bái, tinh thần được nhìn, phê phán, xây dựng y như Tổng bí thư. Dưới ánh sáng của dấu hiệu deleitur. Phủ định, xoá bỏ. Mà nay trẻ con chúng dùng không biết bao nhiêu lần trên máy tính.
Thử thách thứ ba là bài báo đầu tiên. Lúc ấy vừa có cuộc bầu cử hội đồng nhân dân xã xong. Trường Chinh nói báo phải có bài “tươi mát”, tức là có chất văn học, thuật lại sự kiện này. Thép Mới, cây bút ký sự văn học đi Khu 3, tôi bị nhót ra thế mạng.
Không biết bầu cử cụ thể nào, tôi bịa. Nhưng bài báo đặc biệt sinh động, chân thực. Có cả cô gái Tày reo a lúi! trên đầu đẳng nhà sàn. Với tôi lúc ấy a lúi (ớ kìa) là thán ngữ đáng yêu nhất. Ai nói a lúi đều là con gái mặt hoa da ngọc.
Sau đó, Trường Chinh bảo cần một bài về tình quân dân.
Lại tôi. Tôi dựng ra một vùng chiêm trũng giáp vùng địch bị lụt, mùa màng ngập trắng, lúa sắp mọc mầm. Thì bộ đội về. Kỳ tích xuất hiện. Trắng đồng, sạch đồn..
Họp điểm báo hàng tuần, Trường Chinh khen tôi viết lôi cuốn. Nhưng tôi dùng sai chữ: phổng phao lại viết thành phổng phang.
Tôi cãi:
- Địa phương ấy nói thế.
- Viện đến tiếng địa phương thì hết bàn rồi… - Trường Chinh nói.
Chắc anh đã thấy cái sừng dê cỏn trên trán tôi.
Tôi liền rất xấu hổ. Nhận ra sai nhưng không có gan nhận.
Từ Khu ba, mẹ tôi gửi một thư lên. Không tem, nằm trong bị cói giao liên đêm đêm vượt đường 5, đường 6 khát máu. “Mẹ rất yêu cái tên Trần Đĩnh cộc. Con được vinh dự ở bên các vì sao sáng, con phải chịu khó, ngoan, vâng lời. Mẹ cấm hút thuốc lá. Buồn mồm vào rừng bứt lá mà nhấm, nghe không? Kèm một tấm ảnh đề ở lưng: “Xa xôi trăm dặm mẹ gửi lòng yêu thương của mẹ và các em vào bức ảnh này. Ban tặng Trần Đĩnh”.
Tôi nặng lời dặn đầu. Nhẹ lời sau. Thuốc lá mán dầy cộp và nhơm nhớp nhựa tôi quấn hai ba lá thành một điếu xì gà gộc dài hai chục phân tây còn nguyên các cánh hoa cỏ, những cánh hoa li ti trắng như những mã số khói loằng ngoằng một loài chim mật ghi tri thức tông truyền mà tôi nuốt trộm. Còn những “vì sao sáng” thành hết Nam Tào, Bắc Đẩu và tôi thì sẵn sàng hy sinh mình cho các ánh sáng thiêng liêng đó. Đôi khi dựng ra những kịch bản ảo rất hiểm nghèo để tập xả thân.
Một nếp quen gần thành kỷ luật của thời hoạt động chui lủi là mỗi người một bí danh. Cái bí danh hết sức hấp dẫn, ai cũng loay hoay cả tháng kén tìm cho mình một cái: nó cho anh một vận hội mới, nó cho ta sang trang, đổi đời thay phận cơ mà.
Chả hiểu sao tôi dứt khoát không bí bầu gì cho mình cái danh nào cả. Tuy đôi khi cảm thấy bên sườn trống chếnh thật!
Dạo đó ở Ateka, an toàn khu không nói tới giai cấp với chủ nghĩa xã hội. “Giấc ngủ mười năm” của Cụ Hồ mượn tên Trần Lực chỉ viết đến kháng chiến thắng lợi và đất nước hạnh phúc chung chung. Ai rồ mà lại nói chủ nghĩa xã hội, cải cách ruộng đất, thủ tiêu giai cấp? Để cho dân bỏ vào tề hết à? Về danh nghĩa Đảng đã giải tán, hoạt động trong bóng tối che chắn của chính quyền do đảng nắm chặt. Nội san của đảng cũng chỉ nói đến “tổ chức” hay “đoàn thể” và người ta đã đăng lên đó một chuyện vui: khi tuyên thệ trước ảnh Mác, Ăng-ghen, Lê-nin, Xít, “hội viên” bần cố nông vừa thôi chui “cổng mù” và mới được “đoàn thể” kết nạp đã “bẩm thưa mấy ông Tây rậm râu!”
Có thể nói lúc đó, Atêka chưa gò ép dữ. Mà còn cho tôi hưởng một không khí dân chủ, thoải mái nhất định. Dạy triết cho anh em quanh văn phòng trung ương, gồm cả báo đảng, đến quy luật lượng đổi chất đổi, Trường Chinh giải thích bằng cái thực tiễn dễ bập nhất vào đầu, cái thực tiễn đang quá ư khan hiếm và là mơ ước rộn rạo của hầu hết. Tức là giao hợp. Những cái nhún nhảy vào ra (nhiều anh em ở đây chưa có vợ nhưng có thể tưởng tượng ra, cái này không phải học mà). Trường Chinh rào trước, ấy là số lượng, số lượng nhiều đến mức nào thì người khoái rủn tỉ lên và lúc ấy là chất đổi. Mọi người cười rầm. Ngỡ chữ “rủn tỉ” chỉ kẻ phàm mới nói. Riêng cái cười Trường Chinh lúc ấy còn ngụ thêm ý: này, đừng tưởng tôi kém cạnh đâu đấy nhé. Chả lẽ tôi lại kê khai ra?
Đám cưới Võ, người cần vụ Trường Chinh, tôi dự đến trót cho tới khi Trường Chinh bảo hai vợ chồng mới cưới về. “Này, tôi bảo về nhưng mà giữ sức khỏe đấy nhá!”. Cười thú vị xong quay lại bảo tôi, khách còn lại cuối cùng ở “phòng khách” nhà anh: Thì cũng dặn sách vở giáo điều thế thôi chứ tôi ấy à, mai bà Minh đây (chỉ vào vợ) đẻ tối nay tôi vẫnjusqu’ au bout - đến cùng” (giơ ngón tay trỏ lên bấm vào gốc làm chừng). Trường Chinh kể một chuyện khiến tôi cảm thêm anh. Pháp đánh vào căn cứ địa chân Núi Hồng, giữa lúc Trường Chinh ở Bắc Cạn bị Pháp nhảy dù và anh đã bị kẹt trong một hầm “tăng sê” có mái ở giữa thị xã đầy lính Pháp. Lính đã đứng ở miệng hầm gọi xuống: “Ra đi, các quan trông thấy cả rồi…”. Trường Chinh bảo hai mẹ con một bà cùng nấp ở dưới hầm: “Bà ra là chúng hiếp cả hai mẹ con rồi giết…”. Anh đã cho hết giấy tờ trong người nhai nát rồi nuốt, chuẩn bị hô hai khẩu hiệu: Việt Nam độc lập muôn năm! Đảng cộng sản Đông Dương muôn năm. (Lúc ấy chưa phú quý nên chưa có lệ lễ nghĩa hô Hồ Chủ tịch muôn năm!) Đợi đêm tối Trường Chinh xuyên rừng mò về chân Núi Hồng thì Trung ương đã dạt cả sang Bắc Sơn - Đình Cả. Pháp theo sát nút. Linh hồn của kháng chiến thoát trong đường tơ kẽ tóc. Nhưng con chó béc-giê thuộc Tiểu đoàn 51 tiền thân Trung đoàn Thủ đô, con nuôi báo Sự Thật tặng Cụ Hồ đã bị hổ vồ.
Trong khi trên đường sang Bắc Sơn, nơi đã được Văn Cao cho sắc chàm pha màu gió, buồn tình, bọn Phan Kế An bắn súng cao su phá tổ ong rừng và cả đoàn của Thường vụ Trung ương chạy Tây liền bị ong rừng đuổi đánh. Lê Văn Lương - trưởng ban đảng vụ kiêm công việc như thường trực Ban bí thư bây giờ - chui đầu vào một bao tải thoát nạn phần nào. Hoàng Quốc Việt bị nặng nhất. Ông cứ vừa thúc ngựa tế vừa tế đứa nào mất dạy, vô kỷ luật… và ong theo luồng gió hút cứ nhè ông. (Sử sách xưa chép chuyện quân khởi nghĩa Lam Sơn chạy trốn phải rúc vào bụi rậm, quân Minh lao giáo theo chứ nay sử cách mạng cấm ghi mặt trái của chiến thắng…) Qua trận ong, Thường vụ Trung ương đảng vừa sang tới Bắc Sơn thì Pháp nhảy dù tại trận và đổ quân từ Lạng Sơn xuống. Thường vụ lại vội lui giật trở về chân Núi Hồng. Thời gian này, Cụ Hồ gọn nhẹ ra đi cấp tốc, bỏ rơi đại tá hàng binh Đức, Nguyễn Dân được lệnh hộ tống Cụ. Tiểu đoàn trưởng Vũ Lăng ở dưới quyền chỉ huy của viên đại tá nước ngoài này. Thời ấy ý thức “vô sản một nhà” còn mạnh nên hàng binh được phong đại tá và giao trọng trách phò Chủ tịch nước chạy giặc.
Thoát hiểm ở Bắc Cạn về, vừa hay gặp lại Trung ương dạt sang Bắc Sơn quay lui, Trường Chinh ngồi ngay ở bên đường (đầy vết giày đinh Pháp) suy nghĩ. Địch vây lùng như nhìn thấy mọi ngả tung toé chạy giặc của đầu não kháng chiến. Tình hình quá nước sôi lửa bỏng. Nhưng đám Thép Mới, Phạm Văn Khoa, Triện Triệu… vẫn cứ đùa tán ầm ầm. Trường Chinh nghiêm giọng gọi Thép Mới đến:
- Anh Hồng, thích vui vẻ trẻ trung thì anh có thể về Hà Nội!
Thép Mới nghiêm mặt đáp:
- Thưa anh, tôi nghĩ làm cách mạng thì dù tình huống nào ta cũng phải lạc quan vui vẻ chứ anh?
Trường Chinh lặng một lát rồi nói:
- Anh nói đúng nhưng tôi đang cần yên tĩnh, các anh giúp tôi ra xa ngoài kia tán có được không?
Tổng bí thư bớt không gian tư duy chính trị để chia cho cấp dưới không gian du hí. Lúc ấy chế độ trứng nước, người hiếm của kiệm, ngày mai vẫn là ẩn số lớn, lợi ích vật chất không hơn thua nhau mấy, lương lậu chưa có, cơm ăn áo mặc cơ bản bình đẳng, đảng chưa thể ngoài điều lệ lại giấm ớt phụ gia 19 điều cấm với đảng viên. (Và qua việc đảng viên vui nhận 19 khoản cấm đoán vô lý, đủ thấy lợi đã đến với đảng viên lớn tới mức nào).
Tấm áo sang nhất lúc đó ở căn cứ địa là hai chiếc blu-dông Mỹ bằng gabácđin, chiến lợi phẩm Trung đoàn Thủ đô biếu Cụ Hồ và Trường Chinh. Cụ còn có khoản rượu thuốc do Lang Bách, cũng lão thành cách mạng, bạn thân của Kỳ Vân, dưới trướng Nguyễn Lương Bằng pha chế. Lang Bách mang rượu đến tiến Cụ thường hay qua toà soạn báo Sự Thật tán gẫu. Có khi còn hỏi: “Có cậu nào muốn thử không, tớ sớt cho một tí? Một chén thôi là có thể bỏ cơm cả ngày!” Không anh nào dám sớt lấy một ít rượu thiêng.
Cho đến đầu năm 1949 Atêka vẫn chưa có bệnh viện. Trường Chinh đi công việc qua Đại Từ thường mua thuốc chống sốt rét quinacrin dân tản cư bán lẻ trên mẹt ở bên đường rồi về trao cho văn phòng trung ương phát cho người ốm.
Phải nói đến một thiết chế rất đặc biệt: “Nhà hạnh phúc”, một hai gian nhà dành riêng cho người ở cơ quan tiếp vợ hay chồng ở nơi khác đến.
Nhà hạnh phúc ra đời có lẽ là nhờ Trường Chinh. Một hôm anh lắc đầu nói với chúng tôi: “Ai lại anh Dương Đức Hiền, Tổng thư ký đảng Dân Chủ đến thăm vợ ở Phụ Vận (đảng đoàn Hội phụ nữ) mà phải đưa nhau ra rừng, một cụ phụ lão bắt gặp cứ kêu khắp bản lên là ôi thương tụi cán bộ quá, đè nhau ở lưng đồi thế kia. Nghe đâu anh Hiền lại còn ngóc đầu “chào cụ!” nữa chứ, cho đúng kỷ luật dân vận đi thưa gặp chào! Vì thế “Nhà hạnh phúc” bèn xuất hiện.
Một dạo chúng tôi ở Đồi A1, chung với ban kiểm tra của Trần Đăng Ninh và ban kinh tài của Nguyễn Lương Bằng. Tắm giếng, giỡn nhau cách tôi năm mét, Ninh hay bóp vú Sao Đỏ rồi kêu: “Béo nhỉ! Lấy vợ không? Thôi, lấy đi, nằm với vợ mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát”.
Một sáng mưa, trên đỉnh đồi nhìn xuống bếp dưới chân đồi, chúng tôi thấy Dương Đức Hiền đang ngồi xổm sưởi bèn vội xuống mời lên nhưng Hiền từ chối. Hôm ấy có việc thỉnh thị Trường Chinh, anh ghé bếp báo đảng lánh mưa. Tổng bí thư Đảng cộng sản trao việc cho Tổng thư ký Đảng Dân Chủ, còn lương thì tài vụ của Nguyễn Lương Bằng cấp. Cấp cả văn phòng phẩm - bao nhiêu giấy, mấy ngòi bút sắt, bút chì… Chả ai thấy Đảng Dân Chủ là chuyện cây kiểng sất cả.
Thép Mới nổi tiếng ở Atêka về phương châm anh tự đặt ra để răn mình: “mù, què, câm, điếc”. Cưỡng lại kỷ luật đang bắt đầu đi vào nề nếp sau khi cuốn “Bàn về tu dưỡng của người cộng sản” của Lưu Thiếu Kỳ được dịch và học tập rộng rãi. Quyển tu dưỡng đảng viên này dạy đảng viên tuyệt đối trung thành với đảng cùng gìn giữ kỷ luật, tóm lại hãy quên cá nhân đi. Tôi nhớ nhất chuyện một số người hỏi Lê-nin vào Đảng Xã Hội Dân Chủ Nga của Plékhanov rồi phá nó để lập Đảng Cộng sản Bolsevich thì có là chống đảng không, Lưu Thiếu Kỳ giải thích: không, bởi đó là Lê-nin còn anh thì chống đảng vì không là Lê-nin!
Một sáng sớm, Thép Mới và tôi, đứa chai rượu, đứa chai tương (tuột mất nút lá chuối, tôi phải bịt bằng ngón tay cái) đi đến một quán thịt chó trên đường sang Bộ tổng tư lệnh. Chợt có tiếng vó ngựa trước mặt. Thép Mới đánh nhoáng đã rúc vào bụi mua ven đường đầy sương long lanh. Một người cưỡi ngựa đi tới, mắt đen quăng quắc nhìn tôi đứng đực ngó lại ông vì tôi mải để ý đến bộ ria mép chải chuốt đen ánh, hệt một vật trang sức trên mặt. Ngựa khuất, Thép Mới ở trong bụi mua chui ra:
- Xừ Hoàng Quốc Việt… Tổ sư chụp mũ. Hắc lắm. Tao gọi cái điếu cày là ba-dô-ca mà xừ đến đâu cũng đem ra nhiếc: “Giai cấp công nhân đổ máu với nước mắt ra mới chế được thứ vũ khí lợi hại thế mà có người ví là cái điếu cày!”.
Lúc ấy tôi mới thấy ở đầu bản phía trước trắng muốt nguy nga một cây mai đang rộ hoa. Màu mai trắng ngỡ như đang bọc kín lấy cái bản này vào trong một vùng khí riêng thuần khiết. Chợt nghĩ dân bản này chắc phải là nghệ sĩ hết. Mới biết dựng lên bản kỳ, cây cờ của bản, quá đẹp này.
***
Một dạo Phan Kế An ngày ngày đến vẽ Cụ Hồ. Một chiều về sớm hơn, An nói: “À, cái Z tự nhiên mang ba lô, chăn chiếu đến chỗ Ông Cụ, tớ được xua về sớm. Vài tháng sau, An lại về muộn. Hỏi vì sao thì An nói không thấy Z. đến nữa. “Chắc máy Cụ yếu!”, giải đáp thuần túy sinh học. Không tính đến sở thích, gu của cụ.
Hồi đó, nhiều cộng tác viên tên tuổi như Nguyễn Khánh Toàn, Trần Văn Giàu, Xuân Thuỷ, chủ nhiệm báo Cứu Quốc. v.… hay lui tới Sự Thật. Cái tiền sảnh kề bên Tổng bí thư này là nơi các vị được nói năng thoải mái nhất, không sợ lộ bí mật, bô báo. Có mấy vị thường kể chuyện học ở Liên Xô.
Một hôm đi tắt về báo, qua sau dẫy chuồng xí của Văn phòng Tổng bí thư, tôi nghe thấy tiếng Lê Đạt, thư ký văn hoá văn nghệ của Trường Chinh láu táu nói rất to ở trong đó. Lát sau, tôi hỏi Đạt: “Cao đàm khoát luận gì trong chuồng xí thế mày?”. Đạt cười: “À, ngồi cạnh ông Thận, ông ấy hỏi ý kiến về bài Trần Văn Giàu viết về nhất nguyên, nhị nguyên trong triết học ở trên báo chúng mày…”
Nên chú thích: chuồng xí là một dẫy ba ngăn có liếp nứa che chắn từ vai xuống cho nên nếu ai đó cần “lên gân” thì thường phải quay mặt đi cho người ngồi bên không thấy mình đang quá vất vả vận dụng nội lực. Ít nhất đó cũng là chỗ không dung túng cho người ta che giấu hẳn thái độ.
Đầu 1949, Trường Chinh tuyển thư ký phụ trách văn hoá văn nghệ. Lê Đạt học ở trường luật được đưa về. Vừa tới trướng phủ, vừa nhất kiến Tổng bí thư, Đạt đã liền trái ý. Để thử sức thư ký mới, Trường Chinh đưa cho Lê Đạt quyển Le culte de l’ homme củaJacques Ducour, cộng sản Pháp:
- Ông này bàn về thờ phụng con người, anh đọc xong nói lại nhận xét của anh với tôi.
Hai hôm sau Đạt nói:
- Thưa anh, tôi thấy không nên dùng chữ thờ phụng con người.
- Vì sao?
- Tôi cũng chưa nói được rõ nhưng có lẽ nên nói tu dưỡng, vun xới, vun trồng gì đó.
Đang cần thờ phụng con người, Trường Chinh nạp ngay kẻ lần đầu ngỏ lời đã nói trái. Qua mười năm, có kim chỉ nam, ông đánh tơi tả kẻ muốn vun trồng con người, dám nói đến nhân văn.
Lâu về sau, một lần nhắc lại chuyện này, Đạt nói:
- Lúc mình chả có gì giúp nước mấy thì các ông ấy dùng. Lúc mình có nhiều cái để giúp thì các ông ấy nện.
Trở lại chuyện mấy vị lý luận sừng sỏ Trần Văn Giàu, Nguyễn Khánh Toàn… của đảng hay tạt Sự Thật tán. Cán bộ nói chung thường độc thân, vấn đề sinh lý nổi lên ám ảnh.
Một bữa, một vị (cho miễn nói tên) nói chuyện khi học ở Liên Xô cua gái Liên Xô thế nào. Này, tóc màu gì thì lông ở chỗ ấy cũng mầu ấy, thế chứ, có đứa như nghịch đem cả một cái mai cua bể luộc đỏ au úp vào… Rồi lại nói Ông Bác chỉ tìm nạ dòng. “Sao lại thế?” Thấy bác dại, chúng tôi kêu lên. Thì được giải thích: “Thế là Bác khôn, nạ dòng thì đỡ rày rà hậu sự …”
Nhiều vị thèm lấy vợ bé. Nêu cả danh tính các đối tượng trong mơ ra. Rồi kể tiếu lâm. Những chuyện làm giậm giật hết chân tay đã thành một mục giải trí công cộng. Hội nghị hễ nghỉ giải lao lại tán chuyện tiếu lâm. Ngay tại hội trường.
Họp Quốc hội, đại biểu mắc màn ngủ liền nhau trên sạp nứa dài chừng mươi mười lăm mét, khuya Nguyễn Hữu Đang vào lầm màn linh mục T., thân sĩ kháng chiến nổi tiếng. Nguyễn Hữu Đang kêu lên: “Ối giời, thảo nào mời ra làm cố vấn tối cao. Cao quá kìa!” Linh mục cười: “Mấy hôm họp Quốc hội được 'văn hoá cao' có cá thịt vào bụng nó mới vô kỷ luật thế”.
“Văn hoá cao” nghĩa là ăn có thịt cá. Đến mức khốn nạn nào đó, cờ soái văn hoá nhảy sang cắm vào miếng thịt.
Tố Hữu một trưa dậy ra suối giặt quần đùi. Ca cẩm với Kim Lân:
- Xuân Diệu nó mó máy mà tuột bu nó mất xích, mệt quá! Mà hai hôm nay lại cơm ăn toàn với măng.
Hai chuyện trên đây nằm trong danh mục tiếu lâm có thật.
Còn một chuyện không rõ thực hư.
Năm 1950, quân chí nguyện Trung Quốc kháng Mỹ viện Triều (Triều Tiên) với tổng tư lệnh là Nguyên soái Bành Đức Hoài, tên tuổi mấy vị nguyên soái Bát Nhất bỗng nổi như cồn trong an toàn khu. Ca ngợi nức lòng, nhắc đến còn nhiều hơn Mao và Lưu Thiếu Kỳ. Chúng tôi nghe được một chuyện về Chu Đức: cái của ông dài quá xá, trên đường vạn lý trường chinh khi đại tiện, ngài cứ phải lấy tay bưng lên không thì dính bê dính bết các thứ bẩn thỉu. Đúng không? Ai biết! Mà ai ở ta có thể biết? Loại suy dần thì còn hai vị có hoạt động lâu và sâu sát với bạn là Nguyễn Sơn và Bác. Chả hiểu sao đều thiên về khả năng Bác là người phổ biến sự tích kia và thế rồi tin xái cổ…
Đến đây đã có thể rút ra kết luận rằng càng gần sự thật thì càng nhiều dân chủ và ngược lại - càng nhiều dân chủ càng gần sự thật - được chưa? Chưa đánh thông biên giới phía bắc, các cố vấn Trung Cộng chưa sang, còn phong cách dân chủ của cộng sản Pháp…
CHƯƠNG 2
    
Khi người ta còn sống thật, tôi còn được hưởng một không khí dân chủ nhất định. (Báo l’Humanité (Nhân Đạo) cộng sản Pháp là tài liệu tham khảo đều đặn của lãnh đạo đảng và Pháp cộng chưa nắm quyền nên còn chịu khó ve vãn dân chúng). Một thí dụ: Trường Chinh đang đọc La Libération (Giải phóng) báo Pháp. Đi qua, tôi ghé nhòm thì Trường Chinh nói:
- Chốc anh bảo anh Trí đưa cho mượn. Có bài này hay, nên xem…
Một tối trình bày xong ma-két số báo mới, tôi mang cho Trường Chinh duyệt. Xem một lượt, Trường Chinh chợt cau mày gắt:
- Anh học cách làm của báo tư sản lúc nào đây? Tên Sự Thật xưa nay đã có chỗ của nó ở trên đầu cùng trang nhất. Cớ gì anh lại cho trán tụt xuống cằm còn cằm thì nhảy lên trán? Không cần câu khách bằng kiểu tư sản uốn éo này… Cho tôi cái bút!
Thư ký Trí đang cười cười ở đằng sau Trường Chinh thoắt đã biến mất. Tôi chạy đi tìm bút. Trường Chinh nói:
- Anh đến làm việc với tôi mà không có bút bên người sao? Yên chí anh đã làm là đúng ư?
Đó là lần tôi bị cọ dữ. Nhớ nữa cũng là vì tối ấy Văn phòng Tổng bí thư Trung ương bắt đầu có điện máy nổ. Nhìn cái bóng đèn 30 bu-gi chụp bằng bìa cứng hình cái phễu cắt loe ra thành răng cưa ở đầu cùng chiếu sáng được khoảng hai mét xung quanh, tôi cứ đinh ninh nó được mua ở An Po, bến tàu điện đầu đường Nguyễn Thái Học, chốn nô đùa của lũ trẻ con học sinh chúng tôi chờ xe điện đến trường chạy bom Mỹ vào Ba La Bông Đỏ ngày xưa.
1951, đi thực tế một năm ở huyện Lâm Thao, tôi thư cho Trường Chinh nói ở xã Văn Lung có một cha cố “rất hay” thì anh viết thư trả lời nói tôi nên tìm hiểu xem ông ấy có thực hiện tốt giảm tô giảm tức hay không và lời nhắc nhở này đã làm cho tôi khá ngượng. Mao Chủ tịch bắt đầu “nhắc Bác vấn đề lập trường” - chúng tôi nghe xì xào - mà anh và Cụ Hồ đã vi phạm khi chủ trương đoàn kết cả với địa chủ để đánh Pháp đuổi Nhật…
Một hôm Nguyễn Lương Bằng phàn nàn Tuấn, thư ký kinh tài của Trường Chinh đến hội nghị kinh tài Nguyễn Lương Bằng chủ trì đã lên nói “Tổng bí thư bận không đến được, tôi xin thay mặt có mấy ý kiến với hội nghị như sau…”. Lát sau Trường Chinh cười bảo chúng tôi:
- Thanh niên thì hay tếu ấy mà…
Có thể nói Trường Chinh là thần tượng của tôi. Song một người - nghe đâu có họ với Trường Chinh - cũng ảnh hưởng rất mạnh đến tôi. Ấy là Kỳ Vân, tức Đông Thọt, hay Nhân Chính, bút danh trên Sự Thật, người không biết một húy kỵ nào. Mày tao tớ hắn với hầu hết mọi người. Vô cùng thoải mái, hồn nhiên.
Nhà giàu, Kỳ Vân chuyên bị Nguyễn Lương Bằng bảo mua súng. Mua được năm khẩu súng trường rồi Kỳ Vân từ chối. “Cứ nã khống tiền tớ!”. Bằng bèn đưa tiền để Kỳ Vân mua năm khẩu pặc hoọc. Lính Tưởng (Giới Thạch) bán súng mời anh nhậu say rồi tráo súng giả. Bằng đòi kỷ luật, anh bảo anh đền tiền. Bằng bảo không lấy tiền, mà đòi kỷ luật nên đầu kháng chiến chống Pháp, Kỳ Vân đi trông một nông trường bò của Nguyễn Lương Bằng ở Đô Lương. Nhân viên làm chết mất cả mấy trăm con, Sao Đỏ (bí danh của Nguyễn Lương Bằng) lại phạt, điều anh về sửa mo-rát ở nhà in báo đảng, tài sản Nguyễn Lương Bằng quản. Trường Chinh qua thăm nhà in lập Ủy ban xí nghiệp, comité d’ entreprise, theo kinh nghiệm cộng sản Pháp - tôi phải viết tin này - gặp anh, đã kéo anh về toà soạn viết lý luận.
Một xẩm tối, tôi rủ Kỳ Vân sang Ban tuyên truyền trung ương liên hoan. Gần tới đầu bản, anh hỏi thằng nào trưởng ban. Tôi nói Lê Quang Đạo. Anh nhíu mày, lẩm bẩm, “Đạo nào nhỉ? Có thằng nào tên là Lê Quang Đạo đâu chứ?”. Tới nơi, tôi bị đám trẻ kéo đi hỏi có tiết mục gì góp vui không thì thấy tiếng Kỳ Vân gọi rất to:
- Trần Đĩnh…, Trần Đĩnh… này…
Trở lại. Thấy Lê Quang Đạo đang rúc đầu vào bụng Kỳ Vân, hai tay ôm quàng người Kỳ Vân và cả hai cười ha hả. Kỳ Vân vỗ vai Đạo bảo tôi:
- Tưởng thằng nào…, thằng Nguyện này tớ kết nạp vào đảng.
Hình như kết nạp đầu tiên Thân Mỡ, bí thư đầu tiên của Đình Bảng khi Kỳ Vân bí thư Bắc Ninh, Bắc Giang rồi Thân Mỡ kết nạp Đạo và một lứa trẻ tuổi sau đó lập nên chi bộ đầu tiên ở Đình Bảng. Tự tử chết khi tổng kết tư tưởng ở lớp học Mác-Lê Bắc Kinh, Thân bị khai trừ, không còn là người lập chi bộ đầu tiên ở Đình Bảng nữa. Người gieo hạt Kỳ Vân, sau này mắc vụ “xét lại” cũng thế.
Nguyên Hồng, Kim Lân, Như Phong, Nguyễn Địch Dũng đều rất phục Kỳ Vân. Rải truyền đơn giữa phiên chợ Dầu, Phù Lưu. Thong thả đi, thong thả ném… Một lần Kỳ Vân vào Phù Lưu trở ra, bị một cảnh sát nghi có thuốc phiện lậu, nó túm lấy cặp anh đòi khám. Trong cặp có súng, Kỳ Vân vội móc súng ra quăng đi nhưng không được. Quan phủ Từ Sơn biết là cộng sản lớn bèn đích thân lấy xe hơi giải anh về Hà Nội. Giữa chừng, đến quãng gần Chùa Dận có đầm sâu bên đường, Kỳ Vân ngoặc hai tay bị còng vào bánh lái giật. Xe lao xuống đầm. Có cơ thoát nhưng không may, Kỳ Vân bị cánh cửa xe đập vỡ xương hông, không chạy được. Kỳ Vân có tên Đông Thọt từ đấy. Mật thám tra hỏi chiến khu ở đâu, anh đáp ở Lục Nam. Giải đi đến chiến khu. Tìm cả ngày không ra, liền đánh lộn mề gà lăn lóc. Đi tù Sơn La, cố nhiên sau những trận đòn xăng tan ghê hồn.
Có thể nói Kỳ Vân là người đầu tiên giải kịch tính, giải huyền thoại cho các hoạt động cách mạng. Những tối Kỳ Vân kể chuyện hoạt động hải ngoại cùng Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Hải Thần…, chúng tôi cười tưởng đổ nhà sàn. Không thần bí hoá, không anh hùng hoá, không bi tráng hoá, anh cho chuyện của anh diễn ra như ngẫu nhiên và buồn cười. Chả nhân vật nào là thần tượng được qua mắt anh.
Tù ở Sơn La quá đông, Pháp giãn một số trong có Kỳ Vân về căng Bá Vân, Thái Nguyên. Đến đây, phớt lờ chi bộ, anh vượt ngục về Hải Phòng, sống ở Lạch Tray - mẹ anh có hàng dẫy nhà ở Hải Phòng và nhiều ruộng ở Kiến An - dặn mẹ ai hỏi thì bảo anh vẫn bị tù. “Vì sao?” Mẹ hỏi. “Vì không thì người ta giết con”, “Ai giết?”. “Các đồng chí của con… Con tự ý trốn tù mà…” (Tôi hỏi ngay: “Biết thế sao còn trốn?”. Kỳ Vân cười: “Thế triệt để tôn trọng pháp luật Tây mới là cách mạng à? Có thể trốn thì cứ trốn chứ. Cách mạng cần người hay cần tù?”)
Được ít lâu, bà mẹ tìm nói có người tên là Tự nhiều lần đến khẩn khoản xin gặp anh Đông, có chuyện rất cần. Nhận ra là Hoàng Quốc Việt, Kỳ Vân bèn gặp. Theo lệnh Trung ương, Việt tìm Kỳ Vân để bảo Kỳ Vân biết cùng sang Hoa Nam tham gia đại hội thành lập Việt Nam độc lập đồng minh hội do Quốc Dân Đảng Tưởng (Giới Thach) triệu tập cuối năm 1942. Họ muốn thống nhất các tổ chức chính trị Việt Nam ở Hoa Nam lại để đánh Nhật ở trong nước và cung cấp tình báo cho họ.
Tàu Tưởng bắt tù Cụ Hồ chỉ cốt để báo cho biết nó chả ngọng Cụ là cộng sản, cụ muốn hoạt động thì hãy chịu cương toả của nó… Nhờ tập thơ giãi bầy tâm sự trong tù với Tàu Tưởng tôi đây yêu nước chứ không cộng sản rồi nhờ có thêm người - như Hồ Học Lãm nói với Trương Phát Khuê, Cụ đã được ra tù và cùng với Nguyễn Hải Thần lãnh đạo Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội. Hoàng Quốc Việt và Kỳ Vân sang Hoa Nam Trung Quốc vì thế. Sau đó Kỳ Vân ở lại Hoa Nam. Đến Đại hội Tân Trào tháng 8 năm 1945, anh về họp với tư cách đại biểu cách mạng hải ngoại. Hay lỡm chuyện cách mạng - thường nhiều ngẫu nhiên ăn may và đã ăn may mà nên chuyện lớn kiểu như Trạng Lợn thì dễ buồn cười - Kỳ Vân cứ đảng viên quèn hoài.
Một chuyện nghe anh kể mà tôi rất phân vân. Lúc đó ở Sơn La giam mấy chục lính khố đỏ ủng hộ Trần Trung Lập theo Nhật nổ súng chống lại Pháp khi Nhật tiến công vào Lạng Sơn cuối 1940. Thua, Pháp đành ngừng
việc Đồng Minh chuyển vũ khí, trang bị cho Tưởng qua đường Hải Phòng - Vân Nam cũng như để Nhật đóng vài trăm quân trên mạn bắc sông Hồng và ở cảng Hải Phòng. Đổi lại, Nhật trả tù binh gồm cả những lính khố đỏ này cho Pháp. Ở nhà tù Sơn La, họ đặt kế hoạch vượt ngục để sang Trung Quốc. Nắm được tin này, chi ủy cộng sản liền chủ trương báo cho Pháp biết, phá không cho các tổ chức quốc gia “phản động” có thêm lực lượng, nhất là binh lính nhà nghề. Là chi ủy viên, Lê Liêm báo Kỳ Vân về quyết định này. Ai ngờ Kỳ Vân chất vấn luôn bí thư Lê Thanh Nghị. Trong tù, kỷ luật sắt, phổ biến vô nguyên tắc, biết vô nguyên tắc nghị quyết tối mật của chi ủy mà lại còn chất vấn và bất bình phản đối như thế này nữa thì cầm bằng toi. Kỳ Vân thế là lại thêm vết. Đám lính khố đỏ sau đó bị Pháp chuyển đi nhà tù khác… Vì sao thì bố ai biết, Kỳ Vân bảo tôi. Chắc họ bị lộ.
Tôi phục Kỳ Vân ngay thẳng nhưng không tán thành việc anh bênh lính khố đỏ!
- Nhưng sao phải phá họ? - Anh cười hỏi vặn lại.
- Phản động mà!
- Phản động mà chống Pháp! Đã mắc lừa Nhật cú vừa rồi thì lẽ nào vượt ngục ra họ lại tự đem họ nộp cho Nhật nữa? Vậy vượt ngục là để họ chống Pháp và Nhật. Còn với ta thì lấy gì bảo họ chống ta? Hay là vì đảng phải dẹp các đảng phái quốc gia để giành lấy độc quyền lãnh đạo? Trước khi hợp nhất, ba tổ chức cộng sản chẳng chửi nhau là phản động và đều muốn xơi tái nhau cả đấy thôi.
Nghe có lý nhưng tôi vẫn không thông lắm. Vẫn thấy để độc quyền lãnh đạo thì đảng cần phải làm suy yếu tất cả các đảng phái khác. Y như trong cuộc đua xe đạp vậy. Đối thủ ngã, anh có xuống đỡ dậy không?
Kỳ Vân cười:
- Ừ, có khi còn xuống đạp mấy cái cho gẫy xe nó nữa ấy chứ. Làm gì có tinh thần thượng võ sportif trong chính trị, mày.
Bữa đầu gặp Kỳ Vân, tôi lập tức mến. Chiều hôm ấy, mang bài vở đến nhà in làm số báo tới, tôi sắp lội con suối chạy quanh chân đồi lên nhà in thì ở bờ trước mặt một người cao cao gọi:
- Trần Đĩnh?
Môi đỏ, răng trắng, mắt long lanh, người ấy cười rất tươi nói tiếp:
- Thư sinh vào đây thì chỉ là dân toà soạn. Cậu viết được đấy. Ở nhà in mà bình văn toà soạn “kẻ cả” thế này?
Tôi hơi ngạc nhiên, thì anh nói tiếp:
- Văn cậu trẻ. Nhờ cái thần. Còn cậu viết trôi, viết hoạt thì là nhờ cái khí. Thần ở con mắt nhìn. Khí là ở luồng câu cú chuyển vần hay quan hệ sự việc móc xẩu vào nhau.
Phải nói tôi ngẩn tò te ra. Nhưng ai lại đi hỏi cho lòi cái dốt.
Ngay chiều hôm sau tắm suối, anh đã cho tôi hiểu hơn “thần” là thế nào. Giữa dòng suối ở quãng phình rộng ra nổi lên một doi đất đầy lau mọc cao um tùm. Rất nhiều chim bạc má lao vút vào trong đó rồi lại bay ra.
- Cậu có thấy bạc má khi bay ra hình như má có bạc lên hơn không? Biết đâu bãi lau này là mỹ viện của bạc má để vào xoa lại phấn cho má bạc thêm? Tối qua cậu cứ giục tớ cọ đi những vết mực in trộn nhọ chảo chúng bôi vào điếu cầy mà tớ dính phải. Cọ làm gì? Cái ánh bạc ở má con chim vừa nhờ vào mỹ viện mà đậm thêm lên kia có khi cũng bị các giống chim khác coi là một vết nhọ. Lính Xê-nê-ga-le (xứ Sénégal, Bắc Phi, thuộc Pháp - BT) rạch ba vạch sẹo lên má mà ta thấy sợ thì ở họ là để làm đẹp. Với họ sẹo là yếu tố điểm trang! Đỏ môi, quầng mắt ở phụ nữ bây giờ cũng là một thứ sẹo, sẹo làm đẹp mà thôi.
Thình lình bức màn xưa nay che mắt tôi với thế giới vô ngôn đầy nghĩa vụt rơi xuống. Sau này đọc các tổ sư bồ đề cấu trúc luận, tôi thường nhớ lại cái mỹ viện của chim bạc má là cái bãi lau giữa suối kia. Má bạc hay sẹo? Hay nhọ? Nhọ hay điểm trang? Đẹp và xấu? Ẩn ở sau tất cả các nghi vấn đó phải chăng là dục vọng? Dục vọng nảy ra vào thời điểm nào, nó nấp ở đâu và biến tướng ra sao trong ta.
Kỳ Vân hay đọc sách Tàu. Trên bàn nứa của anh một cuốn sách chữ Hán mỏng. Tôi hỏi, anh nói:
- À, Mao nói về quan hệ chính trị và văn nghệ.
- Hay không? - tôi hỏi.
- Cha này siết văn nghệ chặt như Lê-nin. Nhưng văn cha hay. Thì Tàu nó có truyền thống văn chương nghị luận từ Xuân Thu Chiến quốc, Lã Bất Vi còn gì. Đâu có như ta? Ta không có văn xuôi. Toàn chỉ là đàn kêu tích tịch tình tang, ai mang công chúa dưới hang mà về; đàn kêu tích tịch tang tề, công chúa đã về rồi lại hoá câm…, cứ ê a vần vò cốt sao sướng lỗ nhĩ và dễ thuộc. Cái cần nói ra bèn hoá thành thứ yếu, cái giúp người ta nhớ thì thành ra quan trọng… Không có văn tự, phải truyền khẩu nên nghịch đảo như thế…
Chỗ khác người ở Kỳ Vân có sức hút tôi. Tôi thích cái thao tác độc đáo tôi lờ mờ nhận thấy trong đầu anh.
Lúc bấy giờ ở an toàn khu, Lý Ban, phụ trách Hoa kiều vụ, giống như một nhà truyền giáo. Cảm nhận do bản năng, tôi không thích ông. Có lẽ vì cái không khí bí ẩn của lò luyện đan tư tưởng Mao Trạch Đông tạo dựng lên quanh nhà truyền giáo không có chút thế tục nào. Cố nhiên tôi phải hỏi cảm tưởng Kỳ Vân. Kỳ Vân nói anh không rõ lắm. Lý Ban hoạt động ở Quảng Đông, vợ Tàu và nói tiếng Việt thua Tàu phá sa Bờ Hồ. Nghe đâu, anh nói, đã quen biết tướng Nguyễn Sơn lâu nhưng Nguyễn Sơn ghét họ Lý lắm.
Tôi còn muốn hỏi anh chuyện Lý Ban cho Mã Phi “thịt” cô Trinh, nhân viên của Hoa Kiều vụ, nổi tiếng đẹp và giỏi tiếng Anh, xưa làm việc tại đại sứ quán của Tưởng ở Hà Nội. Vì đồn rằng Trinh là mật vụ của Tưởng. Nghe nói khi Mã Phi dưới trướng Lý Ban sắp đâm thì Trinh trật vú ra “hiến” nhưng không mua được Mã Phi. Trong khi Đ. V., cán bộ Hoa Kiều vụ, sau thành nhà văn thì yêu Trinh đã khóc thảm thiết dịp đó.
Thế là Lý Ban còn là một chánh án có bộ máy và quyền thủ tiêu người. Rồi ông là người Việt Nam đầu tiên sang Bắc Kinh chuẩn bị cho việc Cụ Hồ lần đầu tiên với tư cách Chủ tịch nước sang Bắc Kinh. Chúng tôi đều coi ông là người gần gũi Bắc Kinh nhất trong hàng ngũ cán bộ cao cấp Việt Nam, là nhân mối được Bắc Kinh tín nhiệm. Nhưng diện mạo nhà truyền giáo bí ẩn, cao siêu của ông vẫn cứ làm tôi không thích ông. Toan hỏi Kỳ Vân chuyện” thịt” Trinh nhưng tôi lại thôi.
Hình như an toàn khu cần một bầy những linh cẩu, kền kền lặng lẽ dọn sạch những vết tích khả dĩ làm ô uế bầu khí quyển cần được giữ lắng trong của nó. Im không bới chuyện, tôi đã ở trong hàng ngũ linh cẩu, kền kền.
Có điều lúc đó tôi không biết máu “đặc vụ” đã chảy ở trong chính hàng phụ mẫu của tôi. Và nhiều phần có vẻ dính đến Lý Ban!
Lúc ấy đâu ngờ mấy chục năm sau, Lý Ban lại mắc tội “thân Trung Quốc!”
***
Nửa thế kỷ sau, năm 2000, trong dịp mừng Lưu Động tám mươi tuổi, Hồng Sĩ bạn Kỳ Vân, cũng tù xét lại bảo tôi:
- Kỳ Vân nó yêu mày. Mày viết Bất Khuất có chi tiết Thuận đứng đèn mấy nghìn oát mà vẫn chịu được, tớ bảo Kỳ Vân là thằng Đĩnh nói phét. Bênh cậu, Kỳ Vân nói rằng Thuận, tức Tư Móm làm nghề thổi thông phong cho nên chịu nóng giỏi.
Kỳ Vân, cảm ơn anh. Tôi nói nhiều đến anh vì anh Mậu Ngọ, tôi Canh Ngọ, tôi cứ ngờ ngợ ở tôi có đôi chút gì na ná ở anh. Đại khái quàng tay còng vào bánh lái cho xe nhào xuống đầm, bất chấp thành bại. Nhưng có lẽ cả là vì không còn gì nữa của anh trên cõi đời này. Các con anh, ba đứa theo nhau chết hết. Thằng Tân, con trai út của anh, kỹ sư xe hơi ở Vũng Tàu tự tử. Hồi nào mẹ nó chết đuối ở Hồng Châu, gần quê Đỗ Mười, nó còn bé, hai bố con anh côi cút; chị gái bé, cái Châu, sơ tán theo đại học Bách khoa; và Thuận, em gái Thanh niên xung phong hy sinh năm 1966 ở đường mòn, tôi thường đến ngủ với anh - không màn ở ngay đầu cầu thang trời - để xem đêm hôm có gì thì đỡ đần hai bố con. Nay anh hết nhẵn. Còn độc bản lý lịch đóng dấu của Ban tổ chức trung ương. Nó nhợt nhạt quá so với con người anh, dù trong đó ghi anh bắt đầu hoạt động từ 1936, Mặt trận Bình dân bên Pháp, dù người kết nạp anh tháng 6-1940 là Hoàng Văn Thụ, bí thư xứ ủy. Nó chẳng còn ý nghĩa gì nhưng cầm đến nó tôi vẫn rưng rưng. Như được gần gũi có xúc giác với anh. Chẳng hiểu sao Kiến Giang lại đưa nó cho tôi và tôi thì cứ nghĩ là anh muốn thế! Giữ nó, có lúc tôi ngỡ mình là cái mỹ viện bãi lau giữa suối có thể chăm sóc cho vết nhọ nồi quanh mép hay nét son trang điểm trên quãng đời ngắn ngủi của anh. Những vết gông cùm, những mất mát quá phũ của anh là sẹo hay là trang điểm?
Những dòng viết hơi nhiều về anh ở đây chính là công việc của cái bãi lau mỹ viện săn sóc trông nom cho ước nguyện tự do của anh.
Nhưng hơn hết, tôi muốn cho anh hiện lên như tiêu biểu cho một lớp người không hiếm trong đảng cộng sản. Ông nội tri phủ, ông ngoại tri huyện, bố mẹ chủ nhà đất và ruộng nhưng anh khao khát tự do. Đọc thấy con đường mang biển dẫn tới tự do thế là hăm hở đi vào. Rồi nhận thấy tự do này là nhằm cho loài người do đó nó phải giam tự do của cá nhân anh vào trong cái lồng tập thể đúc bằng kỷ luật thép mang tên chế độ tập trung dân chủ. Thế là cả cuộc đời liền bị giằng xé giữa hai thứ tự do đối chọi nhau vô cùng nước lửa… Để không chóng thì chầy tất nhiên đi tới chống đảng, cái tổ chức độc quyền tất cả: bao cấp toàn bộ độc lập, tự do, chính nghĩa, đạo đức, nhân dân, đất nước, chân lý, quy luật rồi miếng ăn, chỗ ở, hôn nhân, ma chay, quyền sống, phận chết đã được đảng thiết kế cho mỗi hạng người, mỗi con người.

CHƯƠNG 3
    
Tháng 10-1949, nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa ra đời. Hơn hai tháng sau Cụ Hồ bí mật len qua vùng địch ở Phục Hoà, Cao Bằng đi Trung Quốc qua Thủy Khẩu. Trần Đăng Ninh, Vũ Đình Huỳnh và Phạm Văn Khoa phiên dịch tiếng Trung Quốc theo cụ. Lý Ban vốn tỉnh ủy viên Quảng Đông đi tiền trạm.
Lúc ấy dưới trướng Lý Ban nắm Hoa kiều vụ có Tắc Vầy, Trương Đức Duy, cán sự vô danh nhưng sau này làm đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, lời lời vào tai Hà Nội đều nặng cân lạng vô cùng. Người đứng trên bè nứa bao giờ nom vẫn kém uy hơn người đứng trên tàu lớn.
Bác xuất ngoại, trong ATêKa chúng tôi rất mực vui. Đang vô thừa nhận mà lại sắp vớ được họ hàng toàn oách ra dáng hết. Đâu có biết đại thí sinh Hồ Chí Minh sắp dự cuộc khẩu thí mà nếu trúng tuyển thì đất nước sẽ đoạn tuyệt hẳn với thế giới.
Chừng một tháng sau, Cụ về. An toàn khu mừng mở tom-bô-la, xổ số. Tôi trúng một bàn chải răng. Dòng chữ Three Stars - Made in Shanghai (Làm tại Thượng Hải) óng ánh kim nhũ như soi thấu suốt lên nữa cái cán mầu san hô mà tôi cứ thấy như hành lang thu nhỏ dẫn vào một xứ sở thần tiên vậy.
Thép Mới rủ tôi gặp Phạm Văn Khoa moi chuyện. Khoa đã được dặn cấm không hé răng. Cuối cùng trong hàng thịt chó trên đường sang Bộ tổng tư lệnh, anh chỉ lộ ra một chuyện.
- Chúng mày xì ra thì chết tao… Ừ, tao làm phiên dịch nhưng nhiều lúc Ông Cụ cũng chẳng cần tao… Ông Cụ sang kiểm thảo với Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai. Họ không hiểu ta. Họp trong này, bên ngoài tao nhớ là có cái bể bơi nước nóng bốc khói, (lúc ấy ai biết Mao có cái thú giầm mình trong bể bơi). Tao nhìn mấy ông Mao, Lưu, Chu thấy trợn bỏ mẹ. Nhất là Mao trắng hồng, cao lớn, trán nhẵn bóng gần như im lặng suốt buổi, hai bàn tay khoanh lại đút vào hai ống tay áo bông. Ông Cụ nhà mình nói… Thỉnh thoảng Mao lại dặng hắng ừ hừ hữ một cái rất to, kinh bỏ con bà, chẳng hiểu là tán thành hay phản đối. Ông Cụ kiểm thảo xong, Lưu Thiếu Kỳ nhận xét, góp ý kiến. Thôi, đủ rồi, thôi…
- Thôi thế nào được, - hai chúng tôi cứ hai bên trái phải thi nhau huých đẩy Khoa - Chỉ khai một chuyện nữa thôi thì tha - chúng tôi nói.
- Nói rồi chúng mày lại cứ Khoa Tếu lộ cho chúng mày… Thôi, nói cái này thôi… Khi đoàn đến Bằng Tường, Tẫu bốc phắt luôn mỗi mình ông Bác lên xe đưa đi trước. Mất tướng, bọn tao đi sau lo quá…
- Làm cứ như thổ phỉ thế vậy ư? Không coi quân tướng người ta ra gì, không thèm đếm xỉa đến đám hộ tống bảo vệ Cụ, coi như muỗi mắt à? - chúng tôi cáu.
Gần năm sau thì biết Chu Đức, Liêu Thừa Chí, Nhiếp Vinh Trăn đã xuống tận Bằng Tường “bắt cóc” cụ Hồ đi… Nghe mấy cái tên huyền thoại, chẳng hạn Chu Đức, sướng quá.
Chúng tôi cứ dai nhăng nhẳng ép Khoa phải nói gặp Mao đã làm những gì. Khoa xì tiếp ra một bí mật nữa: sau khi Ông Cụ kiểm thảo, trình bày các cái ta chủ trương và làm, Lưu Thiếu Kỳ nhận xét…
- Sao lại kiểm thảo?
- Là một chi bộ của Quốc tế mà, không nhớ ư? Phải xin Quốc tế cho nhận xét chứ.
- Thôi được, nhận xét sao? - Thép Mới và tôi dồn.
Khoa nghiêm mặt, hơi sửng:
- Tao chỉ nói một cái nữa thôi, nếu không tao báo cáo xừ Lê Văn Lương là chúng mày bắt tao vi phạm kỷ luật bí mật của Bác.
Chúng tôi đành gật đầu. Khoa nói, Lưu Thiếu Kỳ nhận xét chính sách tiêu thổ kháng chiến toàn bàn của Việt Nam là không cần thiết và lãng phí. Vì những nơi có tính chiến lược thì dù là vùng hoang vắng, địch cũng xây cất để đồn trú còn nơi không có tính chiến lược thì nhà cửa nguyên vẹn địch cũng không ở…
Tôi hơi ức. Bác báo cáo coi như kiểm điểm, thôi được, nhưng sao không phải Mao nhận xét Bác mà lại Lưu? Rồi Trì Cửu Chiến của Mao viết ca ngợi tiêu thổ mà tại sao Lưu lại nhận xét ta như thế. Tôi bảo Thép Mới, Thép Mới ờ hờ một lúc nói:
- Họ cũng phải nói thế chứ chả lẽ cứ học họ là giỏi như họ rồi bình đẳng với họ được sao? Họ muốn vạch một démarcation, tuyến phân rõ thày với trò ra mà mày. Họ muốn nói là ta học họ nhưng tự học cho nên đã bị giáo điều. Muốn gì họ cũng phải nắm được đằng chuôi chứ. Mèo còn không dạy hổ leo cây cơ mà.
- Thày cái gì, chuôi cái gì? - tôi phản ứng.
- Không thì sao lại sang ngồi kiểm điểm với họ? Có kiểm điểm với dân, với tao, với mày không? Nhưng vẫn hơn xưa chứ mày. Quang Trung đánh bại nó mà phải xin nó phong cho An Nam Quốc Vương. Nay bình đẳng quá rồi chứ! Ta Dân Chủ Cộng Hoà, họ Cộng Hoà Nhân Dân, khác nhau đấy.
Khoa cho biết sau đó Mao đi Liên Xô ký kết hiệp ước với Liên Xô đồng thời nhân dịp nói trước với Stalin việc Hồ Chí Minh muốn được gặp.
Sau này tài liệu chính thức của ta nói khi Cụ Hồ qua Bắc Kinh thì Mao đã đi Liên Xô rồi. Vì sao không biết, nhưng theo tôi Khoa nói đúng vì về nước mới mươi ngày anh đã kể với chúng tôi và vì không ai có thể bịa ra chi tiết Mao “ngồi đút tay vào ống tay áo bông mà dặng hắng ừ hừ hử hữ nghe kinh bỏ con bà” sống động như thế được. Sau này kể cho tôi viết hồi ký, Vũ Đình Huỳnh cũng bảo có gặp Cụ Mao nhưng khi vào họp thì Huỳnh phải ở ngoài, buồng Huỳnh ngồi trông ra một bể bơi nước nóng có bốc khói. Lúc ấy Mao sắp sang gặp Stalin và trong nghị sự chắc sẽ trao đổi ý kiến về công nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà do đó Mao phải nghe Cụ Hồ trình bày trước.
Bây giờ, sau khi đã nếm đủ thứ trò quỷ của cộng sản với nhau, mới hiểu Mao đi riêng là để vạch ranh giới. Hai nước lớn chúng tôi bàn chuyện chúng tôi với nhau là chính đã, sau đó nhân thể tôi sẽ thăm dò lo lót cho chuyện anh xin công nhận cho anh vào phe. Chung quy cốt phân rõ tôi trên anh dưới, anh nhờ tôi giúp, kết quả sao chờ tôi gặp Stalin đã! Còn Stalin biết Hồ Chí Minh đã ở Bắc Kinh nhưng nhận hay tiếp tục từ chối Hồ Chí Minh thì Stalin phải bàn với Mao. Phải chăng Mao chính là nhân tố quyết định làm cho Stalin thay đổi thái độ phủ nhận Hồ Chí Minh?
Sau đó nghe truyền đạt Stalin đã phân công Trung Quốc “phụ trách” Việt Nam, tôi cụt hứng dữ. “Phụ trách” thì phải là Liên Xô chứ sao lại Trung Quốc? Tôi khó chịu nhưng đây là chuyện ở trên tầng chót vót đầy linh thiêng thần bí của Đệ Tam Quốc Tế cho nên không vui rồi cũng cho qua. Lúc ấy chúng tôi sao hiểu nổi đây là món quà Stalin hối lộ Mao. Vả chăng bỏ thì thương mà vương thì chưa hết ghét, nên ông mượn bàn tay Mao nắm giúp!
Nhưng hệ lụy đã nằm lại sâu bền trong vô thức đảng viên cộng sản Việt Nam: vị trí đàn em, bên dưới, yên phận biết ơn đã thành nền móng cho một tư thế ứng xử với Trung Quốc.
Xuân Trường cho biết Bác nhà mình chủ động khẳng định với Bác Mao quan hệ môi răng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tự ái dân tộc thế là xẹp. Vai vế, tôn ti này Bác Hồ đặt ra.
Yêu Bác Hồ chả lẽ lại đi tự ái xằng với Anh Hai. Nên biết chính Bác tự nguyện nhận mình chỉ nêu ra được có tác phong, còn tư tưởng, lý luận thì để cho Mao Chủ tịch. Được lãnh tụ ráo riết giáo dục, (điều lệ thêm câu “lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam”, điện đảng gửi Đảng Cộng sản Trung Quốc viết Đảng Lao động Việt Nam nguyện học tập Đảng Cộng Sản Trung Quốc, học tập tư tưởng Mao Trạch Đông, tư tưởng lãnh đạo nhân dân Trung Quốc và các dân tộc Á Đông v.v… Từ 1951, tuần nào báo Nhân Dân cũng có vài mẩu của CB (tức Cụ Hồ) phổ biến kinh nghiệm mọi mặt của Trung Quốc… dần dà đảng viên cộng sản Việt Nam lại tìm ra chỗ để tự hào: được làm em của hai nước vĩ đại, Liên Xô anh cả, Trung Quốc anh hai. Cũng ngầm hiểu mình là anh ba trong cả phe. Có cha nào dám vũ trang đánh đế quốc như hai ông anh và Việt Nam đâu? Bảo mạng, không dám hy sinh mà. Toàn do Nga giải phóng cho!
Một năm sau, mở Đại hội II, Hồ Chủ tịch nói: “Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là đảng của dân tộc Việt Nam”. Không thích chui lủi, chúng tôi rất sướng được ra ánh sáng và thế là quên mất câu Cụ nói ngày cho đảng rút lui vào bóng tối: Nếu cần có đảng phái thì sẽ là ĐẢNG DÂN TỘC VIỆT NAM…
Việc đảng ra công khai cũng gây một số thắc mắc. Bọn tôi kêu cái tên Đảng Lao Động Việt Nam yếu quá thì được đả thông ngay:
- Ông Cụ đã thỉnh thị Stalin và Stalin bảo lấy tên này, như Mông Cổ lấy tên là Đảng Nhân Dân Cách Mạng.
Thế ra lúc Cộng sản Đông Dương, lúc Lao động Việt Nam đều do Stalin quyết định cả… Thấm đẫm tinh thần quốc tế nên nghe đả thông như thế lại sung sướng được lãnh tụ tối cao quan tâm đến cho từng li từng tí. Không biết nếu quan tâm thì lãnh tụ tối cao đã ôm lấy chứ đâu để Trung Quốc phụ trách. (Nói thêm về đả thông, tức đánh thông tư tưởng cho khỏi thắc mắc, dao động, bế tắc, chữ đầu miệng của cán bộ đảng viên Trung cộng mới ồ ạt nhập vào từ hội Việt cộng). Bây giờ mới thấy Ông Cụ nhiều phần mượn Stalin ra để đỡ phải giải thích dài dòng.
Chúng tôi còn hậm hực quanh chữ Nhân Dân, tên mới của báo đảng. Sao không giữ Sự Thật? như Pravda của Liên Xô, “Sự Thật mới cộng sản, Nhân Dân là kém nước!” Không nhớ ai đó nói: “Nay Liên Xô giao Việt Nam cho Trung Quốc phụ trách thì Việt Nam phải tỏ ra là vui vẻ chấp nhận chứ. Lấy tên báo đảng Trung Quốc là để nói tôi sẵn sàng đi với đồng chí đây. Chả lẽ ăn không của Trung Quốc à?”.
Cuối cùng Đại sứ La Quý Ba đã trình quốc thư mà mãi vẫn không thấy đại sứ Liên Xô đến, chúng tôi hơi lạ. Thép Mới bạo mồm giải thích: “Thông cảm mày, cha Liên Xô ở châu Âu sống sướng quen rồi, sang ta ở rừng hắn cũng ngại…”.
Lúc ấy chưa nhận hết hàm nghĩa của từ phụ trách. Đúng, thế nào là phụ trách? Là phải ốp sát, kèm chặt ở bên! Đồng chí La có tư cách song trùng: vừa đại sứ cách trở vừa thường xuyên đụng đầu bàn bạc ở cương vị “phụ trách”. Có một vị đại biểu của Quốc tế được chúng tôi cảm thấy gần gũi hơn. Đó là Léo Figuère, ủy viên trung ương Đảng cộng sản Pháp. Là cái bóng trung thành của Liên Xô nên cộng sản Pháp cũng đã từng lờ Việt Nam. Nay Stalin công nhận Việt Nam, cộng sản Pháp bèn cử Léo Figuère sang tìm hiểu ngọn nguồn - có là cộng sản thật không hay giả mạo? - và đặt trở lại mối quan hệ đồng chí.
Yêu cộng sản Pháp, Cụ Hồ gửi Léo mang một sợi dây chuyền vàng về tặng con gái Tổng bí thư Maurice Thorez. Ai ngờ, dây chuyền bỗng không cánh mà bay. Tin tối mật nhưng cũng đã lọt tai mấy đứa ở báo đảng sống kề bên Tổng bí thư.
Lê Phát, đại đội trưởng chỉ huy số lính đi theo bảo vệ Cụ qua vùng Pháp đóng để lên biên giới sang Trung Quốc cho tôi xem những bức ảnh anh chụp Cụ trong chuyến anh có vinh dự hộ tống ấy. Đặc biệt hai ba tấm hình Cụ ngủ trưa đã làm tôi se lòng. Cụ nằm ngửa, chân co chân duỗi nét mặt mệt mỏi. Không, có cả lo lắng, nom bỗng như là một ai đó khác, trần trụi, cô độc. Tôi sao biết nổi tâm trạng hết sức căng thẳng của Cụ lúc đó. Nói sao cho các ông anh đa nghi Tào Tháo tin mình là cộng sản thật? Giải thích sao cho trôi đoạn tình báo Mỹ vào căn cứ địa đầu não? Rồi vì sao lại đem đảng ra mà giải tán?… Tập an-bom này sau Lê Phát tặng Bảo Tàng Cách Mạng. Hộ tống Bác len qua vùng địch sang đất Trung Quốc, cuối đời Lê Phát một mình trốn sang Thụy Sĩ và chết ở trời Tây.
Nhân chuyện an-bom, tôi mượn một tấm ảnh để nói lên thực tại an toàn khu trước khi Cụ Hồ sang Trung Quốc cầu viện.
Tấm ảnh này tôi xin một cô bạn để cho gia đình Lê Đạt nhân giỗ đầu của anh. Cầm nó xem, tôi cứ lạ sao Đạt, trẻ nhất, lại là người mở đầu bức ảnh ở bên trái. Và ngay cạnh anh là Cụ Hồ, hai thày trò duy nhất ngồi xổm bên nhau, cạnh năm sáu thư ký của Trường Chinh đứng sau Tổng bí thư tư lự. Bức ảnh đập ngay vào mắt người xem bởi vẻ hoang vu, tiều tụy: một lán nứa nhỏ ba vách nứa tuềnh toàng không nội thất, sau đó một vạt cây cối bị đốn trơ gốc và miếng đất mới khai phá chưa kịp xây cất nhà lán. Nhưng nổi lên hơn cả là hình ảnh Cụ Hồ và Lê Đạt. Ai xui mà chỉ có hai người ngồi xổm? Cụ Hồ - chắc đến chỗ Trường Chinh có việc - hốc hác đăm chiêu, Lê Đạt mặt còn hơi sữa nhưng nom thẫn thờ. Tôi không thể không nghĩ đến hai cha con một nông dân già bán gà ế chợ chiều ủ ê bên nhau mà đường về thì xa và nhà thì nhẵn gạo… Đặc biệt không một chút ranh giới phân chia đẳng cấp giữa người và người. Không một bóng dáng quyền lực. Tất cả là một khung cảnh buồn, hiu hắt, suy tàn… Mấy thành viên cuối cùng của một bộ tộc sống trên một dẻo rừng biệt lập được National Geography chụp được. Bức ảnh với hết không khí hiện thực ủ ê của nó cho thấy Cụ Hồ không thể không băng qua vùng biên giới bị quân Pháp chiếm đóng để tìm Mao Trạch Đông.
***
Để liền một dải với Trung Quốc, với phe xã hội chủ nghĩa, nói khác đi, để làm được tiền đồn của phe, để thoát cảnh một mình “chiến đấu giữa vòng vây” (chữ của Võ Nguyên Giáp) ta mở Chiến dịch Biên Giới giải phóng Cao Bắc Lạng.
Tháng 8-1950 tôi lên Cao Bằng. Một nhóm lên đường với nhau từ Gốc Thông cửa ngõ Bộ Tổng: Dương Bích Liên, Vũ Cao, Hoàng Nghiêm điện ảnh, Thân Nhất Đài phát thanh và tôi. Bộ đội sang Quảng Tây học tác chiến từ mấy tháng trước trở về rầm rập đêm ngày. Cố vấn Trung Quốc cùng với những con ngựa cao to kiểu Xích Thố chở ngất ngưởng chăn đệm, thau chậu. Cố vấn xuống tới tiểu đoàn, trung đội. Ở tiểu đoàn 251 của Nguyễn Hữu An mà tôi xuống đó, có Lìu dính trảng, Lưu dinh trưởng, da mịn như da đàn bà lấm tấm tàn nhang màu mã não. Có hôm Nguyễn Hữu An buột mồm bảo tôi tên gì mà nghe lại như Húng Lìu dính chảo thế nhỉ? Thường đùa bảo cố vấn nói một hai ba bốn tiếng Việt để ôm bụng cười vì cố vấn cứ một hai ma mốn… Cái nọc dân tộc kỵ nhau vẫn cứ ló ra. Giữ kín đáo nhưng thỉnh thoảng đồng chí cố vấn Húng Lìu dính chảo vẫn để lộ cho biết quân Tưởng tác chiến rất giỏi. Có ý so với nó, quân Pháp kém xa.
Tôi ngày ngày dự các buổi trung đội trưởng Trung Quốc dạy bộ đội ta đánh bộc phá, đâm lê. “Chú ý ngoáy cổ tay, vặn thế này, xốc lên”, anh phiên dịch nói to như gắt. Đoàn báo chí, văn nghệ dự buổi Võ Nguyên Giáp phổ biến trên sa bàn kế hoạch đánh thị xã Cao Bằng.
Tôi còn bức ảnh chụp bữa ấy, trong đó tôi ngả người vào Nam Cao ngồi bậc cuối cầu thang nhà sàn. Bên kia thang là Dương Bích Liên.
Đưa ma Thâm Tâm… Một xóm nhỏ, một suối nhỏ nhảy chồm chồm trên nền đá dựng đứng, đổ nước ầm ầm ngay ở đầu nhà như có tiếng sóng đưa Thâm Tâm qua sông, tôi nghĩ khi len qua hẻm đá, sau cỗ áo… Sau đó cả lũ ôm bè nứa lần lượt qua một cái đầm rộng ven vách đá, đẹp như tranh thủy mặc.
Tôi và Nguyễn Địch Dũng đến trung đoàn 174 của Chu Huy Mân và Đặng Văn Việt.
Tuần sau đánh Đông Khê, không đánh Cao Bằng như kế hoạch ban đầu mà Võ Nguyên Giáp đã giới thiệu sa bàn với đám nhà báo, văn nghệ sĩ. Cố vấn Trung Quốc là đồng chí Trần Canh nói đánh vào cổ con rắn thì nó sẽ oằn người lại và ta có cơ diệt viện…
Xin trở lại chuyện chiến dịch lớn đầu tiên nhưng ở đây tôi chỉ kể lại vài ấn tượng in sâu trong tôi, kẻ lần đầu thử lửa lớn. Đánh Đông Khê, tôi đi với tiểu đoàn 251 chủ công Nguyễn Hữu An của trung đoàn 174. Tiến, người Tày là chính trị viên.
Xẩm tối hôm nổ súng, Nguyễn Đắc nhiếp ảnh, Dương Bích Hồng, sĩ quan địch vận, em trai Dương Bích Liên và tôi leo vào một hang đá trên đỉnh núi (nghe nói ban ngày Cụ Hồ đã vào đây quan sát trận địa) nhìn khắp một vùng núi non vắng lặng. Bên dưới kia một dẻo thung lũng hẹp rất êm ả, hết sức êm ả (thấy cả vài bụi cây còm cõi vàng vọt mà tôi chợt có ý muốn đến đó cùng xây nhà bên suối) chạy từ phải sang trái, đầu bên phải đã chìm vào bóng chiều xẫm lại. Trước mặt một hòn núi đá ngỏng lên bơ vơ ở giữa lũng. Khỏi nó, qua trái, lũng bắt đầu nở ra và xa xa dềnh lên âm u một núi mặt bàn cao, dài, phẳng, ma quái: Đông Khê đồn. Tiểu đoàn chủ công của Nguyễn Hữu An, D5, mà tôi theo đã nửa tháng, đêm nay sẽ húc vào đó.
Trời bỗng tối đi, tất cả như thụt lún xuống. Từ bìa rừng bên phải, mấy con cá lưng đỏ đòng đọc quẫy đuôi bơi ra ở giữa lòng lũng. Lại thấy đó là những bắp chuối rủ nhau dung dăng là là mặt đất và chúng đến đâu, đấy liền ưng ửng hoa đào. Nhưng chúng đã tan vào đâu mất rất nhanh. Mà hòn núi côi cút trước mắt, đồn tiền tiêu Cạm Phầy, mô hình phóng to của cái chày thời đá cũ thì bỗng giãy lên, rung rinh. A, hòn núi cổ quái kia là đồn Cạm Phầy và đàn cá, đàn bắp chuối này là đạn 75 li đến nã vào nó, khai hoả cho toàn trận đánh. Cạm Phầy chợt như bị một bùi nhùi rơm khổng lồ quất vào, lửa văng tung toé. Cùng lúc súng nổ ran tứ phía. Nhưng hết một đêm không xong, Nguyễn Hữu An không vào nổi đồn!
Trưa đến quân y tiền phương của trung đoàn. Nghe báo cáo thành tích La Văn Cầu chặt cụt tay khi lên đánh bộc phá bị đạn đui-xết (đạn 12 ly 7, âm tiếng Pháp - BT). Đưa tin luôn.
Đêm hôm sau tôi nằm với bốn khẩu sơn pháo bắn thẳng của tiểu đoàn trưởng Thành. Thành đưa tôi một điện thoại nghe ban chỉ huy trận đánh chỉ đạo. Cho bắn bao nhiêu viên 75 và còn hô bắn phát thứ mấy thứ mấy. Thành bảo tôi cố vấn Trung Quốc nói mỗi viên đạn pháo giá hai lạng vàng. Nghe suốt đêm Lê Liêm chính ủy mặt trận biên giới giục lính 251 “anh dũng tiến lên, hy sinh cũng lên, không thể để đến sáng nữa…”
Sáng tinh mơ sau đêm thứ hai diệt được Đông Khê, tiếng súng im hẳn. Tôi đeo ba lô lên vai toan dời đó lên đồn thì chợt hai phát đại bác trong đồn bắn ra rít lên gần như ở ngay bên mang tai. Tôi tụt vội xuống cái hốc đất ở trước khẩu pháo tôi vẫn núp cả đêm qua. Lầm chết người! Cái hốc ở sau khẩu pháo. Cái hốc đằng trước nó là mép núi buông thẳng đứng xuống con suối ở dưới đó ba chục mét. Tôi gọi to “Cứu! Kéo tôi lên với!”
Sau khi được kéo lên, tôi rời trận địa 75 li của Thành lên ngay đồn. Vừa tới khúc quành lượn rất đẹp lên đồn - con đường rải nhựa nhẵn thín - tôi phải quay về: bộ đội cấm. Pháp có thể nhảy dù xuống chiếm lại Đông Khê như tháng 5 trước đó.
Tối lên đồn. Tan hoang. Lửa khói. Một lính da đen cụt chân thấy tôi, giương hai con mắt trắng rã vì sợ, lê đít giật lùi tránh. Tôi vội phối hợp với anh ta, rẽ ngay ngả khác. Không muốn mình làm anh ta sợ thêm. Đến một góc đồn. Có lẽ là cái mạn bắc mà đêm qua chính ủy mặt trận Lê Liêm cứ suốt đêm điện thoại vỗ về, thúc giục “a lô D3, a lô D3, cố diệt ổ đui-xết mạn bắc đồn, a lô D3, a lô D3, các đồng chí cố lên…”. Dốc dựng đứng. Xung quanh tối om và mây mù bồng bềnh. Một tấm vải bạt căng lên như một cánh buồm phồng gió giữa biển và góc đồn vắng tanh thì như mũi một con tàu trôi trên sương mù. Cạnh cánh buồm, một đống lửa khá đượm và một lính Pháp nằm bên. Một mình. Mắt nhắm nghiền. Miệng thầm thì không dứt gọi Maman, Mẹ…, Maman
Điểm nhịp cho tiếng nhẩm ôn câu đầu đời, cánh buồm ưỡn cong lên thúc trống. Phần phật… Thình thình… Maman… Phần phật… Thình thình.. Maman
Trong mênh mang mờ mịt, cuộc gọi đáp giữa anh lính Pháp trạc tuổi tôi, hai chục tròn xoe và tiếng sóng gió một chuyến hồi hương ảo khiến tôi không thể rời chân. Càng không dám đến đặt bàn tay giả mẹ lên trán người sắp chết. Sợ phá vị trí thiêng liêng dành riêng cho người mẹ, sợ phá vỡ giấc mơ cuối cùng có lẽ là đẹp nhất của anh lính. Tiếng trống cúng tế hộ tống cuộc lên đường “thình thình, phần phật” đầy ắp không gian, đưa hai âmmaman uy nghi thiên di.
Mấy hôm sau chạy trên đoạn Khau Luông, Nà Kéo, Cốc Xá đường số 4, nơi quân lính ta và quân Charton, Lepage quần thảo giáp lá cà, tôi phải dốc lên mặt lọ Coty nước hoa chiến lợi phẩm nhặt trong hầm viên đại uý chỉ huy đồn Đông Khê - nó nằm bên một quả bưởi đã bóc hết cùi chưa tẽ múi, quả bưởi cứ khiến tôi nghĩ đến bóng một người đàn bà trong căn hầm cố thủ hẹp vanh đầy gạch vữa này. Xác lính Pháp nằm dài suốt hai vệ đường bốc mùi thối rữa. Cỏ lau mầu cốm non rạp xuống làm thảm đỡ mịn nhẵn đến không thể ngờ. Trên đó, trên tấm thảm ngỡ được là ủi đặc biệt công phu đó, những lồng ngực trống rỗng như đắp bằng bùn trộn trấu có những búi ruồi say sưa đánh vòng vo ve tíu tít ở bên trong. Một trái nghịch ám ảnh mãi tôi: cái khung bên ngoài xù xì ghê rợn sao lại dung được một vận động hớn hở, trơn mượt thế kia? Có phải chỗ miệng khung mở ra cho thấy không gian bên trong nửa sáng nửa tối kia chính là cái vùng người ta vẫn quàng thắt lưng vào? Có những lần cởi nó ra để rồi sau đó nhớ mãi người đàn bà lặng lẽ chờ. Sau này tôi ngạc nhiên bảo Nguyễn Tư Nghiêm sao lúc ấy lại nghĩ lạ như thế? Nghiêm nói:
- Trước cái mệnh sắp thành hư vô, cậu nghĩ tới cái hành vi tạo nên sự sống
Ngước mắt lên những lưng dốc ở trước mặt: mặt đường đang váng lên một chất ngũ sắc óng ánh mỡ. Ôi, biến hoá của vật chất và phần còn lại của một đời người! Tôi bịt mũi cắm đầu chạy. Chợt nghĩ tới những bà mẹ của các người lính chết này. Nếu ở đây lúc này, chắc các mẹ sẽ sờ lần tìm kiếm chi li từng dấu vết các mẹ rất thông thuộc trên người những đứa con… Và tôi không chạy nữa. Tự nhiên thấy yên tâm cho những đứa con đang tự thể hiện ra ở những dạng thối rữa khác nhau lạ lùng nhưng chắc chắn mẹ họ lại nhận ra được…
Nghe tin ta và cố vấn mâu thuẫn nhau. Cố vấn cho rằng ba ngày đánh Cốc Xá là nướng quân nhưng Giáp quyết diệt quân Charton đóng trên núi… Tự nhiên thấy khó chịu với các cố vấn. Như bị xúc phạm.
Trong tổng kết chiến dịch đã có các cuộc tranh luận khá gay gắt về phối hợp giữa binh sĩ Việt Nam và cố vấn.
Nhưng sau khi kết thúc thắng lợi chiến dịch biên giới, ngày 14-10- 1950, Hồ Chí Minh gửi thư cho Mao Trạch Đông, Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc: “Tóm lại, tôi cho rằng thắng lợi này là thắng lợi của đường lối Mao Trạch Đông cách mạng, quốc tế chủ nghĩa. Tôi không nói lời khách sáo: “Cảm ơn các đồng chí”, mà nói các đồng chí Việt Nam và nhân dân chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa giành lấy thắng lợi cuối cùng lớn hơn, lấy thành công để đền đáp sự kỳ vọng tha thiết và giúp đỡ to lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Liên Xô anh em”.
Chả ai thấy chữ đền đáp kỳ vọng nghe nó quá bề dưới…
Không phải ngẫu nhiên mà đến Đại hội 2 (1951), điều lệ đảng đã ghi “Tư tưởng Mao Trạch Đông là kim chỉ nam” của đảng.
Báo Sự Thật đăng bài “Khi chúng ta đánh” của tôi viết về trận nhổ đồn Đông Khê. Hai tháng sau, xong chiến dịch, một tối về đến Chợ Chu, vào quán nghỉ, tôi gặp Từ Bích Hoàng, Sĩ Ngọc ở báo Vệ Quốc Quân. Hai anh cho hay báo các anh đã đổi tên thành Quân Đội Nhân Dân và ra số thứ nhất, ở số báo ra mắt này, các anh đã xin phép đăng ở trang nhất bài “Khi chúng ta đánh”.
Và ở đây xin kể thêm lần hành quân qua Đại Bục, Đại Bác, đèo Khau Vác vào đánh Nghĩa Lộ. Tôi đi cùng Tô Hoài. Trung đoàn 88. Trời mưa dữ dội. Quân lính dừng lại ở bên một con suối rộng chừng hai mươi mét. Nước lũ cường dựng ngược lên một con dốc đứng gào thét. Anh trung đội trưởng hất đầu. Một lính trẻ măng mặt bầu bĩnh, má lũm đồng tiền đi lên. Tối qua anh ngủ gần chỗ tôi. Tiếng lính hành quân lần lượt truyền nhau: “Lệnh không ngâm Tây Tiến của Quang Dũng ủy mị”. Truyền miết nó gần như hoá ra Không… Tây Tiến… anh dũng… Lệnh vừa báo nghỉ thì mấy lính trẻ ồn ào tranh nhau ngủ bên anh lính má lũm đồng tiền. “Nằm với nó ấm lắm!” Bây giờ anh đứng ở đây. Anh nhẹ nhàng trườn vào dòng nước. Tôi thầm khen anh giỏi: biết đánh lén con nước dữ. Nhưng anh trúng nghi binh. Nó đã vồ nghiến lấy anh. Cuộn dây thừng trong tay anh tuột ra văng trên mặt nước như một lằn roi sáng quắc. Và chỉ một dìm xuống rồi một nhồi thúc lên là anh lính liền mất tăm. Khi anh dội ngược trở lên lần cuối, hai mắt anh mở đã dại đờ. Cái chết chớp nhoáng nhưng những nghi thức đi kèm nó lại từ tốn rất mực. Cặp mắt dại kia như mơ màng khép lại, tóc trên trán anh thong thả tách ra từng sợi lượn lờ rồi ngoan ngoãn theo nước mơn trớn phân chia để lần lượt rẽ trái rẽ phải hai bên, quá đều, quá phân miêng, khơi ra một đường ngôi quá thẳng, quá sạch, quá trắng ở chính ngay giữa đỉnh đầu anh. Tôi khẽ nấc và cắn chặt môi. Tôi thấy lại anh ba bốn tuổi đang ngửa mặt lên cho bàn tay mẹ định hình đường ngôi đầu tiên trong đời để anh giữ lấy mãi, đường ngôi mà nay con lũ trung thành đang tỉ mẩn xếp lại cho đúng nguyên mẫu ban đầu.
Tôi nhìn xuống nắm cơm mới bửa trong lòng bàn tay tôi: nó đã thành hai mảnh cùi rỗng bị mưa khoét tan nát hết… Sau đó bám dây qua, tôi trước, Tô Hoài sau. Người, ba lô, ruột tượng (mười ký gạo), tất cả nằm thẳng băng trên sóng cuồn cuộn. Hai đùi rung lên bần bật muốn rời bung ra. Sợi chão lớn chúng tôi ôm bấu lấy nó dạt cong ra như một cánh cung căng hết độ chỉ doạ đứt. Và chúng tôi là những đầu mẩu thừa của những cái nút buộc lật phật trên cánh cung…
Tối hôm ấy, Tô Hoài va tôi ngủ ở sườn núi dốc 30 độ. Đầu gối ba lô, mỗi đứa chèn chân vào một gốc cây cho khỏi tụt… Trước đó, chúng tôi qua một bản Mèo trên đỉnh núi. Ba nhà, mấy người đàn bà mặt phù, vàng ủng nhìn chúng tôi như nhìn người nước ngoài.
Tối hôm sau, đêm hành quân cuối cùng vào vây Nghĩa Lộ, chúng tôi bạt mạng chạy theo người trước mặt qua cây cầu dài mười mét, rộng bằng ba bàn chân tối mờ mờ. Suối reo như sôi bên dưới vực. Vừa chạy vừa nghĩ: Rơi, rơi này… Cái gì đưa chân đi? Không phải mắt! Một vong linh yêu thương nào đó.
***
Tôi ra trận lần đầu vào hồi tháng 8-1948. Kỷ niệm lần thứ ba Cách Mạng Tháng Tám, tỉnh mở “Cuộc tổng công kích Đường 5”. Tôi đi cùng ban chỉ huy một tiểu đoàn hành quân đêm qua vùng chiêm trũng giữa Cẩm Giàng - Gia Lộc để đánh bốt Mao Điền gần Đường 5. Mao Điền này có Văn Miếu đồ sộ không kém mấy Văn Miếu Hà Nội. Giữa chừng lọt vào trúng đồng lụt. Lội lên một xóm nhỏ hẻo lánh vắng tanh có một túp lều tí tẹo xiêu vẹo. Bảy tám chúng tôi vạch liếp vào. Hai người đàn bà, một già chắc là bà, một trẻ chắc là mẹ, và một đứa bé mấy tháng trong tay người mẹ mặt mũi đen nhẻm những vết tro than. Hai người sụp lạy như tế sao: “Bẩm lạy các quan, bẩm lạy các quan sinh phúc…”. Tất cả trở ra. Mình tôi nán lại, nắm tay bà già: “Ta, ta đây mà… ta…”. Thật lòng muốn lạy trả lại hai người đàn bà khiếp đảm.
Khỏi cái lều thì sục vào một bãi hoang đầy thị chín rụng nát dưới chân. Khu Văn Miếu Mao Điền ư! Mùi thơm ngào ngạt, bát ngát kỳ lạ. Cả cái bãi tối như đang được cất bổng lên tới một nơi thanh khiết không hăm hở, không sợ hãi, không người lạy người. Cả đời tôi sau này, ước mong hoà bình luôn hiện ra trong không gian thâm u tràn trề mùi thị lâng lâng đền miếu này…
Sau đó bị phục kích. Quay đầu chạy lui, nước ngang bụng. Những quả hoả châu dập dềnh tròng ghẹo trên đầu.
Trận đánh đầu thị xã Hải Dương có Trần Châu, anh tôi. Những quả mìn nằm trong giọ lợn hai lính khiêng một quả, chẳng rõ thế nào giữa chừng phát nổ. Lộ hết. Thế là rút, không đánh kỷ niệm cách mạng nữa. Nhưng bản tin ty thông tin hôm sau mang măng sét đỏ: Tổng công kích Đường 5 thắng lớn!
Chiến tranh để lại ở tôi ba ấn tượng sâu sắc: buồn, sợ và thương - thương dân, thương đồng đội, thương cả đối phương. Nhưng tất cả đều phải giấu kín. Như giấu nghi ngờ trong đầu: nhiều chiến công là phịa. Và đầu tiên giấu sự thật, cố nhiên.
Cuối cùng một phen hút chết. Sau khi tiêu diệt binh đoàn Charton và Lepage trên Đường số 4 và quân Pháp rút bỏ Thất Khê, ta tổ chức một tối đại lễ mừng chiến thắng ở ngay trung tâm thị xã Cao Bằng. Nghe nói Bác Hồ sẽ đến. Nhưng rồi tan.
Bom Pháp.
Tôi bị trận bom lớn đầu tiên xẩm chiều hôm đó. Ngỡ chữ Thọ vẫn ở trên trán đã văng đi đâu mất. Nằm ngửa nhìn Đa-cô-ta, loại DC3, từng đợt ba chiếc từ từ dịch đến trên nền trời đang tái dần. Đất vặn mình, hơi bom - hay cả mảnh bom - phần phật… Rồi chợt thấy nền trời như một tấm khăn giường rất căng rất phẳng và các chiếc Đa-cô-ta quay về xuôi đang trôi lướt trên đó. Đèn đuôi chúng nhấp nháy êm ả như vài ánh bếp đêm hôm rất gợi nhớ nhà. Biết nguy hiểm đã qua nhưng lại buồn.
***
Trước cảnh chiến địa tan hoang, ngổn ngang xác người tôi cứ luôn thấy buồn. Cố nhiên không dám thổ lộ. Tôi chú ý thấy thương binh địch và ta giống nhau lạ lùng ở con mắt sợ sệt.
Mặc dù ở quân y tiền phương, thương binh ta được cứu chữa tốt hơn… Thì ra cái sợ là dấu hiệu tuyệt đối bình đẳng của con người ở trước cái chết
Tôi không thể quên lần ở đồn Mộc Châu vừa im tiếng súng cuối 1952, tôi hỏi Vũ Lăng:
- Lúc đánh có sợ không?
- Sợ chứ!
- Sợ thật?
- Thật…, vãi đái ra mà. Nhưng chỉ lúc chờ đánh, lúc vây đồn thôi. Còn nổ súng rồi thì hết sợ. Diệt đồn xong, đứng dưới cờ chiến thắng phấp phới, quần đã khô từ bao giờ.
- May, tôi nghĩ thật nhưng nói bằng cái gịọng đùa, nếu cái sợ nó không thể hiện bằng nước mà lại bằng sẹo trên mặt nhỉ?
Vũ Lăng nhồi thuốc vào tẩu ngước lông mày rậm nhìn tôi.
- Thì trên mặt ai cũng dày cộp lên di tích sợ… Khi ấy khéo con người sẽ thôi đánh giết nhau.
Vũ Lăng dư dứ cái đầu tẩu vào tôi… Thuốc trong tẩu là Abdhulla.
Thế là có hôm tôi chợt thấy giá như cái sợ không chỉ để lại di tích trên mặt người bằng những cái sẹo mà cả những thành tích giết địch cũng được lưu lại bằng sẹo trên mặt? Chúng ta sẽ có những anh hùng mà mặt mũi giống hệt người bị hủi cùn hủi cụt. Lúc ấy Nhà nước khéo phải có một hình thức nào đó để giúp phân biệt sẹo anh hùng với sẹo hèn…
Nhưng lại tự dẹp ngay cái ý nghĩ tầm bậy đó. Tôi vẫn chưa nhận ra bản chất bạo lực, nhất là bạo lực vũ trang hay “chính quyền ra từ nòng súng” của cộng sản, hay rõ nữa: với mục tiêu đào mồ chôn tư bản, cộng sản không thể hoà bình với tư bản. Phải đến cuối 2010, đọc Matterhorn, tiểu thuyết ra mắt giữa 2010 viết về một đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ chiến đấu ở Khe Sanh, A Lưới, Cam Lộ tôi mới hiểu hơn. Tác giả, Karl Marlantes, tốt nghiệp đại học Yale - như vợ chồng Bill Clinton, W. Bush, Kissinger - 21 tuổi đã là lính ở Khe Sanh và tiểu thuyết này của ông đã được đánh giá rất cao - tác phẩm Mỹ viết về chiến tranh Việt Nam hay nhất và có lẽ khó có sách nào vượt hơn. Bởi tinh thần nhân văn tràn trề làm chỗ đứng cho tác giả nhìn nhận nhân vật trong tác phẩm. Tôi đã rất cảm động đọc đề tặng của ông: Tiểu thuyết này tặng cho các con tôi, chúng lớn lên với cái hay và cái dở của việc có một người bố là cựu chiến binh Thủy quân lục chiến. Nên biết ông nhận hơn mười loại huân huy chương khác nhau trên chiến trường Việt Nam.
Anh lính có chính ủy giáo dục chỉ thấy thiên đường là dành cho mình, người chính nghĩa; còn địa ngục thì cho thằng phản động, cái đứa mà mình đã lập công giết chết.
Thâm tâm kị chiến tranh, nên tôi nói hơi kỹ cảnh đau lòng của chết chóc. Chính tâm lý ngán chiến tranh đã dẫn tôi tới nỗi tội đồ.
***
Từ Trung Quốc vào ta cùng với vũ khí với những tam tam chế, tứ khoái nhất mạn, nhất điểm lưỡng diện, tiêm đao tung thâm chia cắt…, còn cố vấn, còn chỉnh huấn, có thể nói một nề nếp sinh hoạt mới, một ý tứ mới phải tuân thủ, coi trọng.
Tôi đã dự lớp chỉnh huấn đầu tiên chủ yếu dành cho đảng viên văn nghệ, báo chí ở ATêKa. Lớp cán bộ sang tận Hoa Nam học cách thức về chỉ đạo. Tôi cùng chi bộ - tức một nhà sàn - với Xuân Diệu, Nguyễn Tư Nghiêm, Phan Kế An, Lê Đạt… năm cái mồm lý sự cùng một số anh chị em khác.
“Mời các đồng chí trọng thính lên trên cùng”. Nam, trong học ủy, trịnh trọng mở lớp. Cả lớp - kể cả thâm nho Ngô Tất Tố - ngớ ra.
- Trọng thính là các đồng chí nặng tai ạ! Mọi người ồ lên.
Tôi vẽ trên báo tường: một người vẹo mặt đi, tai xệ xuống vai vì một quả tạ có chữ “trọng lượng thính”.
Bắt đầu thí điểm cho nên học nặng về tranh cãi chữ nghĩa. Chi bộ tôi bỏ cả ba buổi thảo luận say sưa thế nào là tôn chỉ.
Xuân Diệu cãi hăng nhất. Nhưng hết phần lý luận chuyển sang phần kiểm thảo thì đều cảm thấy ơn ớn. Mang máng một cái gì của sám hối tôn giáo, lờ mờ một cái gì xúc phạm nhân cách, cân cấn một cái gì muốn cưỡng lại nhưng không dám. Trung Quốc làm thế từ Diên An cơ mà! Mỗi người đều phải khai hết sai lầm, khuyết điểm ra với đảng dù nghiêm trọng đến đâu.
Lòng thành khẩn tự phanh phui bản thân là thước đo lòng trung thành với đảng. Xin nói thêm là khai cả tội ác của bố mẹ, vợ con, bạn bè nếu họ có. Một tên chỉ điểm vô hình được cài vào trong từng người. Và khi tên chỉ điểm ấy đã an vị trong anh thì từ đấy cái bóng lù lù của nó - một thằng cò sợ hay một thằng Javert của đảng - bèn trùm lên khắp người anh.
Có thể nói lớp chỉnh huấn tháng 3 năm 1951 ấy là mở đầu cho các cuộc chỉnh huấn đều kỳ của cán bộ đảng viên. Trước mỗi vận động lớn hay trong các cuộc học tập lý luận thường xuyên đều có chỉnh huấn. Chìa khoá vạn năng thúc đẩy tiến bộ tư tưởng! Dĩ nhiên lúc ấy tôi chưa thể nhận thấy đó là cuộc xâm thực ô nhiễm nhân cách. Những người chống Mao ở Trung Quốc chưa cầm quyền, chưa vạch ra mục đích chỉnh huấn nham hiểm của Mao, dùng chỉnh huấn khống chế mỗi tôi con của đảng bằng cách nắm lấy cung của mỗi tôi con - một biến thể của hồ sơ mật thám. Gogol viết một đại điền chủ thu mua các linh hồn chết. Ở đây thì lưu trữ rác rưởi của mỗi linh hồn rồi biến chúng thành một quả mìn đe nổ.
Song lần truy nã tư tưởng đầu tiên chưa gay gắt. Nói chung không có gì ghê gớm. Trừ Ngô Tất Tố bị lưu lại kiểm thảo thêm mấy ngày vì Tố muốn bỏ về sớm. Và Tố đã lỡ khai rằng hồi ở báo Cứu Quốc, trong một lần rượu Tết quá chén, Tố có nói một câu bậy bạ nghiêm trọng như sau: Tôi là con chó, con chó thời Tây rồi thời cộng sản. Cho thời Tây còn ủng oẳng sủa dăm ba tiếng chứ chó thời cong sản thì cúp đuôi nằm im re…
Như Phong, người từng dự bữa rượu kia bảo tôi:
- Bữa ấy, tớ có mặt, tớ cùng ở Cứu Quốc với Tố mà, Tố cứ đấm ngực kêu ô ô lên như mày kể thật nhưng… - Như Phong ôm miệng cười nhìn quanh - đếch biết là hắn say thật hay là vờ để chửi, mày ạ. Theo tớ thì vờ. Dạo ấy đang còn lỏng tay nến chúng nó mượn rượu nói xỏ, nay xem có thằng nào say nói láo nữa đâu!
Khó quên hình ảnh Ngô Tất Tố tóc dài nhưng thưa, hoa râm, lòng khòng đứng cúi đầu ăn cơm, một dáng co cụm như đeo biển miễn giao lưu, ở cái bàn tre đan xiêu vẹo vắng tanh dành cho học viên đau dạ dầy ăn nếp. Thỉnh thoảng Lê Đạt đến ngoác mồm ra tán ở bên…
Nhân đây nói liền sang Tố và công tác tư tưởng thời đó ở trong giới văn nghệ sĩ An toàn khu.
Hai năm trước Ngô Tất Tố dịch “Trời Hửng” của Trung Quốc. Tố sống ở một gian nhà nứa ngay cạnh gian của Nguyễn Tuân nhưng hai vị trưởng lão này kỵ vía, không nói năng với nhau. Mạc Phi bảo tôi, sớm nào Phi cũng đun nước sôi cho Tố pha trà. Anh vừa được cất nhắc vào ban lãnh đạo mới của đoàn kịch Chiến Thắng gồm có Song Kim, Hoàng Tích Linh và anh. Hai nhà lãnh đạo tài ba cũ Thế Lữ và Võ Đức Diên, nhà kiến trúc sư kiêm kịch tác gia và anh ruột của Trần Quang Huy đã bị Tố Hữu phế bỏ. Tố Hữu chỉ thị cho Tích Linh và Mạc Phi, hai đảng viên:
- Đảng đưa hai anh vào đây để làm gì? Để lọc hết máu tiểu tư sản cho đoàn kịch. Lọc rồi thì chuyền máu gì cho anh chị em? Máu công nông binh! Nói cụ thể là phải quần chúng hoá, tập thể hoá, quân sự hoá đoàn kịch… Tập thể hoá là thế nào? Nói cho dễ hiểu là không cần sân khấu, bục diễn, hậu trường, cánh gà, son phấn chi cả. Diễn lửa trà… à… trại… giữa trời, lưa.. trà… à… trại là đi thẳng từ quần chúng đến quần chúng. Tư tưởng tập thể còn là gì nữa? Là việc sao chỉ cần một người hát giọi? Đúng, ta cần là quần chúng đều biết hát, đều tự hát để tự nghe, tự nâng cao tình cảm cách mạng lên. Làm sao phải xòn phe cho rối mắt quần chúng? Bên Trung Quốc vì quần chúng, người ta thay đồ, rê bằng 1, 2, 3, quần chúng nhìn vào hát ngay được.
Theo Mạc Phi thì cụ đồ Tố và Tuân xung khắc nhau. Tố cho là Tuân kênh kiệu vờ để hách lác thật. Điệu bộ sang cả chuyện” lột xác “cho khác người. Tố mách Phi lật cái ảnh con trai Tuân, đại đội trưởng Trần Xuân Trường mà Tuân để ở trên bàn nứa của Tuân ra mà xem mặt sau. Phi xem. Thấy Tuân đề ở sau bức ảnh dòng chữ: “Je suis le fils de mon fils”. (Tôi là con của con tôi). Tố hỏi Phi:
- Xem rồi chứ? Tại sao cứt nhà tôm lại lộn lên làm đầu như thế? Vì công nông binh từ nay là đấng phụ mẫu sinh thành ra bọn trí thức vốn không bằng cả cục cứt.
Một sáng Trường Chinh họp kiểm điểm báo với chúng tôi ở dưới ngôi nhà sàn toà soạn. (Đêm đêm, đó là bãi thả dê của cụ chủ nhà người Tày. Sớm nào chúng tôi cũng nằm sấp trên sàn thò đầu nhìn cụ chủ mở cửa thả dê ra rừng. Bốn năm chục con dê toàn cái chen nhau lao ra. Nhưng tới cửa con nào con nấy đều bị con dê đực chặn lại phủ nhay nháy mấy cái, việc mà chúng tôi đùa là “điểm đít” thay cho điểm tâm).
Đang họp, Trường Chinh bỗng chỉ xuống chân đồi, ngay trước mặt:
- Các anh xem kìa.
Trên bờ tràn ruộng hẹp đầy nước loang loáng giữa những búi lúa mới vổng đuôi gà, ba người rồng rắn đi tới. Ba cái mũ vải (sau gọi là tai bèo nhưng dạo ấy ở An toàn khu gọi là mũ Tô Ngọc Vân), ba túi dết vải toòng teng cùng đeo về bên trái hông, ba cây gậy chống và ba cái tẩu phì phèo. Tất cả những đạo cụ sân khấu đi kèm nhà văn nhà thơ ấy đã được chia đều ra ở đầu, tay, miệng của Tố Hữu dẫn đạo, Nguyễn Tuân khúc giữa và Nguyễn Đình Thi khúc đuôi.
- Các anh xem, bắt chước nhau cho khác người nhưng lại phải giống hệt nhau, văn nghệ sĩ là phải như thế ư? Anh Nguyễn Tuân mặt to ngậm píp còn khả dĩ, chứ anh Tố Hữu mặt choắt thì píp nó che kín măt hết…
Trong mắt Trường Chinh, Tố Hữu không chỉ bé mặt mà còn bé chức. Nhưng đến Đại hội II, ba năm sau, anh đưa Tố Hữu vào sổ Thiên tào - dự khuyết trung ương. Cùng Lê Liêm, Xuân Thuỷ…
Trường Chinh lúc ấy rất quan tâm đến văn hoá văn nghệ.
Lê Đạt được kén làm thư ký mảng này. Một dạo Ban Văn Hoá của Trần Huy Liệu kiện Ban Văn Nghệ của Tố Hữu buôn lậu lấy tiền lập quỹ đen tiêu xài vung vãi. Trường Chinh cử Lê Đạt đến nghe hai bên. Đạt tới và trước hai bên nguyên bị sát khí đằng đằng, toét mồm tự giới thiệu:
- Dạ, thưa tôi đến thế này chẳng qua cũng là anh lính lệ nhà quan.
Trần Huy Liệu cười.
Tố Hữu xầm mặt lại.
Ít ra lúc ấy trên rừng, chủ nghĩa Mác-xít chưa thành chủ nghĩa Mác-mít, chủ nghĩa nồi cơm (tiếng Pháp: marmite - BT)… Chưa có câu “ngậm miệng ăn tiền”, “đi bằng đầu gối”, “mác xít có số”. Cái gì làm cho chủ nghĩa Mác-xít biến âm thành chủ nghĩa nồi cơm? Đảng đã dẫn tất cả đi vào con ngõ cụt, bước theo một ngọn đuốc kị lửa trí tuệ mà các “đồng chí” thèm thuồng đất đai lãnh thổ của mình giương lên…

CHƯƠNG 4
Sau chiến dịch Tây Bắc, giải phóng Nghĩa Lộ, một phần tỉnh Sơn La, thôi bao vây Nà Sản. Tôi và Tô Hoài đã dự cuộc họp Võ Nguyên Giáp kết thúc chiến dịch: không đủ sức công kiên vào tập đoàn cứ điểm đầu tiên mà Pháp gọi là “con nhím” này. Tôi thôi tùy quân ký giả, ngồi nhà phụ trách tổ cải cách ruộng đất của báo.
Tôi náo nức, xúc động. Cả nước đang tích cực chuẩn bị cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất giải phóng anh em giai cấp. Cụ Hồ có bài báo tiếng Pháp đăng đầy hai trang tờ “Vì một nền hoà bình lâu dài, vì một nền dân chủ mới”, cơ quan ngôn luận của Kominform, sau khi Stalin và Mao lên cho cụ một bài gân lập trường vô sản. Lúc ấy chưa đọc hồi ký Khruschev, tôi chưa biết: gặp Hồ Chí Minh, Stalin đã chỉ hai cái ghế nói: ghế này của nông dân, ghế này của địa chủ, anh ngồi vào ghế nào? Câu hỏi không giấu vẻ miệt thị và thế là ra đời bài báo Cụ Hồ tự phê bình đã chậm tiến hành cải cách ruộng đất. Tôi (Cụ nói) không nhớ rằng ở Việt Nam, tổ quốc còn gọi là đất nước - đất và nước cho nông dân. Bài báo có nghĩa cụ đã thế chấp bản lĩnh riêng để đổi lấy phe. Cụ rất hiểu: muốn làm cách mạng thì phải được phe cho nắm quyền! Như trước kia được Quốc tế cho phép lập đảng. Và giòng sông vào biển từ nay hoá mặn.
Chuẩn bị cải cách ruộng đất, từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 9 - 1953, Trung ương mở một lớp chỉnh huấn cho trí thức trong và ngoài đảng làm việc ở chính phủ và các đoàn thể trung ương. Nhiều tên tuổi như Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Huyên, Thế Lữ… đã dự học. Mục đích sâu xa là xây dựng lập trường giai cấp, đề cao công nhân, bần cố nông, hạ uy thế chính trị và tư tưởng của trí thức và các giai tầng không lao động chân tay khác. Sau đó, bắt đầu triệt để chỉnh đốn tổ chức, theo phương châm mạnh mẽ đề bạt công nông, gạt bỏ các thành phần “không trong sạch”.
Nhưng nói chung không mấy ai nhìn trước thấy triển vọng tối tăm, mà nếu có nhìn ra thì cũng thấy đó là điều hợp lý…
Mấy tòa nhà lán tre nứa cao rộng vây quanh hai mặt một hội trường lớn. Riêng ở một tòa ở xế trước hội trường là ba hay bốn chi bộ (gồm cả đảng viên lẫn không đảng phái). Chi bộ đầu lán có Nguyễn Cao Luyện, Tạ Mỹ Duật. Liền với nó, trên cùng một sạp giường nứa dài cả hai ba chục mét, một chi bộ nữa và đặc biệt lại có Nguyễn Tư Nghiêm và tôi. Ở sạp đối diện, cách một lối đi là hai chi bộ nữa. Một có Đặng Đình Hưng và một có Vũ Chính, Tổng cục trưởng Tổng cục 2 sau này.
Tố Hữu là bí thư học ủy. Cụ Hồ cách nhật, có khi liền ngày, đến xem điện ảnh, liên hoan với học viên. Cụ có mấy câu nổi tiếng trong hội trường: “Bác Hồ muốn nằm” khi mọi người hô “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Rồi tay chỉ vào đầu: “Từ đây thì Bác già, nhưng từ đây (tay chỉ vào bụng) thì Bác trẻ”. Một hôm, Bác nói: “Các chú các cô không sợ người ta kêu mình kém tri thức, ít lý luận. Họ kêu thì bảo họ rằng tôi lú nhưng chú tôi khôn. Chú tôi là Stalin, Mao Trạch Đông…”
Lê Duẩn thường có mặt. Giảng bài chính: Lập trường giai cấp nông dân và cách mạng dân tộc, dân chủ. Duẩn nhấn mạnh trong bước cách mạng này, người cộng sản phải có lập trường giai cấp nông dân để hiểu được nguyện vọng nông dân mà kiên quyết lãnh đạo họ cải cách ruộng đất, lấy lại quyền lợi, làm một cuộc đổi đời.
Tôi ngợ: theo Mác, Lê-nin thì người cộng sản không thể có lập trường nào khác ngoài lập trường giai cấp công nhân. Có điều ý kiến của Lê Duẩn chỉ nói ở trong cái lớp mấy trăm con người này. Vả chăng không ai dám phê phán hay chất vấn sất.
Phải nhận Duẩn nhiều ý độc đáo. Như ta mất nước cho Pháp là vì lúc đó đang là thời đại chủ nghĩa tư bản nó chiến thắng áp đảo phong kiến. Đổ hết tội cho nhà Nguyễn là không thấy xung đột của hai phương thức sản xuất, một đi lên, một tàn lụi.
Duẩn mới ở trong Nam ra với biệt hiệu đơ-xăng bu-gi, hai trăm nến (tiếng Pháp deux cents bougies - BT) chỉ sau có Cụ Hồ xanh-xăng bu-gi, năm trăm nến.
Chúng tôi hay xúm quanh Lê Duẩn để hỏi. Phải nhận ông có những cách giải thích độc đáo mà nay nghĩ lại thì thấy thường là ngụy biện. Chẳng hạn trả lời tại sao chỉ có Đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam chỉnh huấn còn các đảng Âu Mỹ thì không, Duẩn nói, vì ta và Trung Quốc ít công nhân cho nên phải bỏ công ra tỉa gọt từng đảng viên cho đa số có được lập trường giai cấp vô sản.
Một tối kẻng thình lình gọi toàn thể lên hội trường. Tề tựu lâu rồi mà trên sân khấu vẫn vắng tanh. Mọi người bắt đầu nhớn nhác thắc mắc. Thì Tố Hữu ủ rũ đi vào. Theo sau là cụ Hồ và nhiều người khác. Ông Cụ ngồi xuống ở trên cùng hàng đầu. Tôi bỏ chỗ leo lên ngồi ngay đằng sau lưng Cụ. Tố Hữu bước lên sân khấu, cằm đè lên hai tay bưng một vật gì ấp vào ngực, vẻ như cố giấu cái việc anh đang quay lưng lại lúi húi làm trên đó. Rồi cúi đầu đứng lặng một lúc khá lâu nữa. Khi mọi người bên dưới to tiếng hỏi nhau, Tố Hữu mới từ từ quay lại, nước mắt chan hòa trên mặt từ lúc nào. Trên phông mầu đỏ hiện lên chân dung đại nguyên soái Stalin. Bộ quân phục trắng lốp làm nổi bật hơn lên dải băng đen viền quanh rồi thắt nơ túm lại ở bên dưới.
Tôi thấy bàng hoàng hơn là đau buồn. Đúng hơn nữa, tôi vẫn bị khó chịu vì cái kiểu “đánh đố loài người” của Tố Hữu.
Ông ấy hình như tranh hơn thiên hạ cả ở chỗ được biết sớm hơn hung tin, do đó được ưu tiên đau xót trước và nhân thể lại tranh thủ dịp thị phạm cho lớp trí thức ngồi đây thái độ cách mạng đối với cái chết của lãnh tụ…
Trước mặt tôi, Cụ Hồ nức nở. Không ngừng đưa khăn tay mầu trắng lên lau nước mắt và nước mắt thì cứ chảy trên hai má Cụ đỏ bóng vì khóc, vì xúc động. Xong truy điệu, Cụ lập cập đứng lên về gian phòng dành riêng cho Cụ ở đằng sau hội trường, trong dẫy văn phòng học ủy nhìn xuống nhà ăn tập thể. Quên hộp thuốc lá Trung Hoa Bài hình tròn ở trên ghế bên cạnh.
Tôi cầm lấy nó đi men hiên đất cao hẹp rẽ vào phòng Cụ. “Dạ, thưa Bác, Bác để quên ạ!”
Cụ ngửng lên nhìn và tôi bỗng thấy mình lạc lõng quá, vô duyên quá, tọc mạch quá. Mặt Cụ xưng lên, đầm đìa nước mắt, hai mắt húp lại, những nét tôi chợt thấy chỉ cốt để cho mình Cụ được biết, một cái gì hết sức bí mật, riêng tư. Cụ ngơ ngẩn nhìn tôi, nhìn hộp thuốc lá như không hiểu tôi vào làm gì, cái hộp kia là gì và của ai… Tôi vội quay rất nhanh ra ngoài.
Hội trường tắt đèn. Chân dung Stalin chìm trong bóng tối.
Tôi bật nấc lên.
Lúc này nỗi thương đau của Bác Hồ có lẽ mới thấm vào tôi.
Ít lâu sau bài thơ khóc Stalin đăng lên báo, tôi nhận thấy mình đã thành kiến với Tố Hữu. Nhà thơ đã đau đớn thật:
“Thương cha, thương mẹ, thương chồng,
Thương mình có một
còn thương ông thương mười”. (Thơ Tố Hữu)
***
Một tối họp chi bộ nghe và nhận xét các bản tự kiểm thảo của nhau. Sau mỗi bài học cơ bản lại có một cuộc tự kiểm thảo và cuối lớp sẽ có bản tổng kết tư tưởng, gọi ra tên hệ tư tưởng của mỗi người. Tố Hữu xuống dự chi bộ chúng tôi tối đó. Tôi có phần đao to búa lớn phê phán người vừa trình bày xong bản kiểm thảo. Tố Hữu bỗng giơ tay ngăn tôi lại. Rồi từ tốn, nhỏ nhẹ nói “Đồng chí vừa phê phán ai, đồng chí biết không? Phê phán đồng chí của đồng chí đấy, đồng chí phải biết điều ấy! Đồng chí của đồng chí là gì? Là hòn ngọc…, tôi nói lại, là hòn ngọc, hòn vàng của đảng, là người mà chúng ta phải yêu mến nâng niu…”
Tôi phát hiện một chân lý cảm động. Tôi là hòn ngọc hòn vàng của đảng! Nhưng cùng lúc tôi ự ái vì bị “uốn nắn thái độ”. Cùng lúc nhận thấy trong con mắt Tố Hữu nhìn người vừa bị chỉnh đốn kia một ánh trắng xỉn, lạnh lẽo, một cái gì khinh khỉnh.
Định nghĩa đảng viên là ngọc là vàng của đảng cho nên vào tổng kiểm thảo Tố Hữu yêu cầu học viên rất ngặt. Hễ là con em hay liên quan với địa chủ, học viên đều phải thành khẩn tự khai báo với đảng mọi sai lầm tội lỗi của bản thân, chẳng hạn đồng tình, về hùa với gia đình, thậm chí cùng với gia đình trực tiếp đàn áp, bóc lột nông dân… Thứ hai, phải vạch ra mọi thủ đoạn đàn áp, bóc lột nông dân cùng tộí ác của bố mẹ, gia đình, họ hàng địa chủ, cường hào gian ác. Thứ ba trên cơ sở thành khẩn khai báo kia mà tuyên bố là căm thù bố mẹ, tỏ ra đã dứt khoát lập trường vô sản, đoạn tuyệt với kẻ thù giai cấp. Không đạt yêu cầu căm thù bố mẹ, đoạn tuyệt với bố mẹ thì bản tổng kiểm thảo bị “phá sản,” học viên đó phải ngồi học lại cho tới khi nào lập trường vô sản, lập trường nông dân thắng, anh ta công khai tuyên bố căm thù bố mẹ, đoạn tuyệt với bố mẹ mình.
Tố Hữu làm đúng lời Bác Hồ thôi. Sắp vào tổng kết tư tưởng, Bác Hồ đến nói chuyện - thực chất “động viên” học viên dứt khoát với tư tưởng sai và lầm lạc, tội lỗi của cá nhân.
Như thấy làm việc cho thực dân Pháp là nhục nhưng vẫn chưa triệt để, phải tiến lên một bước nữa là thấy tội của mình… Bữa ấy Bác lôi cả nhục và tội của cụ Bùi Bằng Đoàn ra.
Tôi nhớ chi tiết này vì tôi đã ái ngại cho cụ thượng thư cũ. Nhất là khi Bác Hồ nói “Xin lỗi cụ Bùi” thì cụ Bùi rất ôn tồn đáp lại: “Không dám, xin cụ cứ nói.” Tôi có phần thiện cảm với chữ “Không dám” mà từ khi lên ATK trên rừng bây giờ mới lại nghe đến. Cũng thương cụ Bùi chỉ được gọi là Cụ!
Lúc ấy tôi chưa biết Mao bày mẹo chỉnh huấn bắt khai tội cốt để hạ nhục bề dưới để dễ thu phục sai khiến - tao bắt mày khai cái thối tha nhất của mày ra mà mày nghe tao là mày hàng tao, tao nắm được ruột gan mày thì mày còn hòng thoát đi đâu.
Ở chi bộ chúng tôi, Nguyễn Tư Nghiêm là học viên duy nhất rơi vào cảnh gay go phải làm hai bước nhận nhục và có tội. Mẹ anh năm ấy đã già, có hơn hai mẫu ruộng cho cấy tô, một mình nuôi người em của Nghiêm bị điên. Nguyễn Tư Nghiêm nhất định không khai “tội ác” của mẹ. Chi bộ thuyết phục, răn đe, anh vẫn khăng khăng nói không thể căm thù mẹ, không thể coi mẹ là kẻ thù giai cấp, là có tội ác, không thể đoạn tuyệt mẹ mà trái lại anh biết ơn mẹ đã nuôi nấng anh thành người, cho anh được học mỹ thuật.
Tóm lại, đảng coi anh là ngọc là vàng để anh nghe đảng nhưng anh lại coi mẹ anh, kẻ thù giai cấp, hơn cả ngọc cả vàng. Và Nghiêm đã đơn thương độc mã nhỏ nhẹ, ấp úng chặn đứng một mầm văn hóa ác bắt đầu ló mòi mà người ta toan vun trồng nhân giống trên đất nước.
Cuối lớp học, xong phần tổng kết tư tưởng từng người, học ủy chọn đưa ra toàn thể hội trường ba báo cáo điển hình.
Một của Thế Lữ. Anh đã phạm sai lầm tham gia Việt Nam Quốc Dân Đảng, Tự Lực Văn Đoàn, lại làm thơ kêu gọi nhân dân ta, nhất là thanh niên, đi vào con đường thoát ly chính trị, lờ đi tiếng kêu cứu của đất nước nô lệ tủi nhục. Rồi đời sống sa đoạ, đĩ điếm, thuốc phiện…
Một của Tô Ngọc Vân. Anh là tiêu biểu rõ nét nhất của tư tưởng văn nghệ thoát ly chính trị mà tiêu biểu nhất là cuộc tranh luận kéo dài của anh với Trường Chinh năm 1948 ở trên báo Sự Thật về “nghệ thuật là tuyên truyền hay không là tuyên truyền?” Anh thẳng cánh bác bỏ nghệ thuật phải tuyên truyền.
Và một của Th. Lên tự nhận mắc chứng hủ hoá trai gái gần như bệnh lý mà có lẽ do, anh công khai thú nhận, “cái của tôi nó to quá!”. Truy nguồn gốc tư tưởng đến thế, nhân tiện phô diễn tính dục bằng lời - verbal exhibitionism thay cho hàng thật. Một dạo dài, tôi sinh hoạt chi bộ ghép với vợ chồng Th.
Đầu những năm 90, giỗ 49 ngày Trịnh Kính thổi clarinet ở cạnh nhà tôi, Song Kim, dì họ của anh đến. Chị buồn rầu nói:
- Báo cáo điển hình của anh Thế Lữ ở cái lớp ấy tôi vẫn còn giữ… Xấu hổ anh ạ…
- Chính bọn chúng tôi mới xấu hổ, - tôi khẽ nói. Đã xúm lại nghe… Nhưng có lẽ xấu hổ hơn cả là người đã đặt ra cái trò cho nhòm hội đồng vào đời tư người khác qua lỗ khoá.
Tôi đã giữ lại không nói tiếp:
- Chẳng lẽ hễ nhân danh cách mạng là có quyền đánh trống ghi tên cho đến nhòm lỗ khoá vào đời người khác hay sao chị ơi.
Thời đánh Nhân Văn, Song Kim đã từng phải che chắn cho Thế Lữ. Người ta đòi anh viết kiểm thảo cái tội không nhận rõ sai lầm của bọn phản động Nhân Văn. Nguyễn Khải được phân công đến động viên Thế Lữ viết. Chả biết thật hay giả, Thế Lữ liền nhờ Khải viết hộ bản tự kiểm điểm lệch lạc của mình. Kể lại cho tôi chuyện này, Khải còn đỏ mặt ngượng.
Làm nhục và sợ là yêu cầu sâu kín của “tự kiểm thảo”. Nhiều người đã tự sát. Bảo là vì nhục cả thì không chắc. Có thể là một cách phản kháng chăng? Người đầu tiên tự sát trong chỉnh huấn là Thân Mỡ, người đảng viên do Kỳ Vân kết nạp đầu tiên ở Đình Bảng, lúc học ở trường Mác-Lê Bắc Kinh rồi treo cổ chết khi tổng kết tư tưởng.
Ở lớp chỉnh huấn Lưu Động, Chính Yên báo Cứu Quốc dự, có Thướng, biên tập viên cùng báo với hai anh. Thướng treo cổ bên ngòi Thia, sông Đáy. Hai anh đã phải lặn lội tìm xác kẻ “phản bội,” lời của bí thư học ủy Nguyễn Chương. Học viên phải họp mít tinh ở hội trường rầm rầm hô đả đảo tội ác của tên Thướng mưu phá hoại chỉnh huấn, một phương thức quan trọng của xây dựng đảng. Chính Yên bảo tôi là trước đó Thướng ngồi trong hội trường một mình rất lâu. Bước ra thấy Chính Yên, Thướng quay đầu lại sau chửi:
- Mẹ chúng nó cao cao tại thượng. Trên cao chỉ có ảnh Mác, Ăng-ghen, Lê-nin, Stalin, Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh.
Chính Yên nói anh không nghĩ Thướng chửi mấy cụ đó.
Động cơ nào khiến một số anh em tự thủ tiêu. Nhục rồi tự xoá bỏ? Hay mượn diệt bản thân mà hy vọng diệt chính cái kẻ đã đưa mình tới nông nỗi tuyệt vọng này?
Tự sát biết đâu chẳng phải là muốn lẩn trốn một cách sống kinh hoàng? Đời thuở nào ngồi trước chi bộ lại lôi việc bố đi nhà thổ, mẹ ngủ với đày tớ ra trình báo?
À, lại còn tế nhị cho phép là nếu việc xấu xa quá thì sẽ được báo cáo riêng với học ủy. Tại lớp học tôi theo có người đau đớn khai ra việc mình ngủ cả với mẹ vợ và em gái vợ, có khi một đêm riêng rẽ với cả ba người. Khai rõ đủ thủ đoạn dụ dỗ, lừa bịp và cách tiến hành “tội ác” để lôi được tận gốc rễ của tư tưởng địa chủ nó ích kỷ, đểu giả, tàn bạo đến thế nào.
Chăm chú ghi từng câu hỏi của tập thể để trình bày cụ thể động cơ, địa điểm, thủ đoạn phạm tội. Có đồng chí khai mắc sai lầm thủ dâm. Năm chục tuổi mà còn mắc cái đó thì tư tưởng chiếm hữu và hưởng thụ của địa chủ ở đồng chí lớn quá thật. Nào đồng chí nói cho biết khi phạm tội đó đồng chí nghĩ chiếm hữu ai?
- Báo cáo (người trong chi bộ tôi và Nghiêm vừa tự thú bỗng nghẹn ngào) … báo cáo, tôi… Báo cáo…, cả chi bộ lắng nghe. Báo cáo tôi nghĩ đến cô con gái nhà chủ ở địa phương.
“Thành phần gia đình?”
“Có lẽ phú nông…”
“Đấy, ngưu tầm ngưu mã tầm mã, tư tưởng bóc lột gặp nhau đấy”.
Cứ thế nghiêm chỉnh xây dựng tư tưởng vô sản cho nhau. Đấu tranh tư tưởng là phải truy lùng triệt để như thế!
Nhưng có những người khóc vờ cho qua cầu. Thí dụ Dương Bích Liên. Anh bảo tớ có cách. Tớ nghĩ đến thuở bé tớ lấy lửa đốt các tổ kiến cho cháy xèo xèo thế rồi tớ chảy nước mắt thật. Sau này đi cải cách Liên luôn thủ một hộp sữa bên mình, đêm mút trộm. Tự bào chữa: cái này mình có mời thì nông dân cũng lắc.
Xin trở lại chuyện Nguyễn Tư Nghiêm.
Thương anh, kẻ bị Tố Hữu “uốn nắn thái độ” không yêu thương đồng chí là tôi đã xui bậy anh khai bừa đi là căm thù cho xong chuyện. Bảo anh là nói vâng, tôi căm thù trống không như kiểu Galilée nhận quả đất đứng nhưng miệng lẩm bẩm cho một mình mình nghe là nó vẫn quay ấy!
Nhưng Nghiêm cứ đau khổ lí nhí bảo tôi:
- Không…, không căm thù mẹ được.
Nghiêm cũng không căm thù được cả các địa chủ khác.
Một xẩm tối, chờ lên hội trường nghe giải đáp, Nghiêm bảo tôi:
- Tớ biết thế nhưng tớ không theo nổi. Tớ đọc Marx-Engels thấy nói Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa là sự đoạn tuyệt triệt để nhất với chế độ tư hữu; như thế tất nhiên nó phải đoạn tuyệt triệt để nhất với các tư tưởng truyền thống “Table rase” cơ mà, xóa sạch… Tớ biết thế nhưng tớ không theo thế được…
Lúc ấy cố nhiên Nghiêm chưa nghe Cụ Hồ nói đại ý giữa nhà to là nước với nhà nhỏ là gia đình riêng thì cái to là nặng, cái nhỏ là nhẹ, vậy nên người cách mạng chọn gia đình to.
Nhưng có nghe thì Nghiêm cũng không theo. Marx còn chả làm gì nổi được Nghiêm mà.
… Lần tham gia cải cảch ruộng đất ở Đức Lân, gần kè Úc Sơn, Thái Nguyên, sau một cuộc phát động quần chúng đấu tố địa chủ, Nghiêm mất tích. Tiêu tan đi như một cái bóng. Đội đã nghĩ tới phản động thủ tiêu. Ai hay quá kinh hãi về sự độc ác của con người với con người, anh bỏ trốn đội. Lủi ra ẩn ở giữa đồng lúa đang cữ trổ đòng. Bạch Mao nữ trốn địa chủ còn có rừng sâu, Nghiêm trốn đội cải cách chỉ còn có cánh đồng và những đòng lúa non cho anh bứt nhá thay cơm nhiều ngày. Phát hiện ra anh, người ta chỉ có thể kết luận là anh điên.
Và Nghiêm đã vào nhà thương điên Bạch Mai. Chung phòng với một anh lính điên. Kim Lân lúc đó là chi ủy viên phải đến thăm Nghiêm.
- Chả hiểu sao lại cho mình chui vào cơ quan lãnh đạo như vậy chứ? - - Kim Lân lè lưỡi bảo tôi
Cậu lính khen Nghiêm tốt lắm nhưng hễ lên cơn anh ta lại cứ nhè đầu Nghiêm mà nện. Tài, - Kim Lân nói, đau thế, ngày hai ba trận đòn điên thế mà nhất định không chịu ra nhá. Sau nhiều lần vào, tớ cứ dỗ cu cậu. Nào về với anh em đi, Nghiêm… Về…, về vẽ với anh em cho vui nhỉ…
Về một thời gian được đặt hàng minh hoạ Truyện Kiều.
Trường Chinh cho xổ toẹt. Phê rằng truyện Kiều là của Trung Quốc mà lại vẽ ăn mặc kiểu Việt Nam? Thật ra ông ấy không xài được những nét vẻ run rẩy mà mọi người kinh hãi lên vì đẹp và gọi là phong cách “thời kỳ điên”.
Sau đó, Trường Chinh muốn an ủi Nghiêm, ba lần mời Nghiêm đến
gặp. Nghiêm từ chối. Rúc vào đồng im lặng. Nay những bức vẽ Kiều được săn lùng ngang đồ sứ Minh - Thanh…
Bây giờ, thế kỷ 21, Nghiêm vẫn hoàn toàn rúc vào tranh và im lặng. Tây Tàu đến tìm gặp người đàn bà sống chung với anh nói anh đi vẽ xa. Bao giờ về? Không biết… Mà có khi chết giữa đường, ông ấy dặn trước như thế.
Khoảng 2009, 2010, một tối ở nhà Trần Lưu Hậu tôi gọi cho Nghiêm. Vợ anh, người đàn bà hay từ chối khách nói ông ấy ốm. Tôi nói xin bà nói giúp với ông ấy tôi là thế này. Ba phút sau Nghiêm ra.
- Ốm thật… Ừ, đến chơi nhé… Nhớ đến nha. Có tránh nhưng tránh ai thôi… Vẫn thoáng cái giọng Nghệ từ tốn, thấp trầm.
Tôi hài lòng. Có thế chứ. Rủ tôi bỏ cộng sản từ rất sớm cơ mà. Tết Quý Dậu, 1957. Giữa thoái trào dữ dội của phong trào cộng sản trên toàn thế giới…

CHƯƠNG 5
Mỗi số báo tôi được hai trang để tuyên truyền cải cách ruộng đất. Chủ yếu phổ biến kinh nghiệm các đoàn đang giảm tô giảm tức ở Thanh - Nghệ. Và kinh nghiệm cải cách ruộng đất ở Trung Quốc. Tài liệu ở nội san các đoàn giảm tô, bản dịch được Hoàng Ước, thư ký của Hoàng Quốc Việt, người chỉ đạo cải cách ruộng đất lúc đó gửi cho. Tóm lại các kinh nghiệm khêu gợi căm thù và tiến hành bạo lực (trong đó có cả chuyện Pavlik Morozov, cậu bé tố cáo bố phú nông ở Liên Xô).
Cải cách ruộng đất chính thức nổ pháo hiệu đầu tiên ở xã Dân Chủ, Đồng Bẩm, Thái Nguyên, trên quốc lộ 1 lên Lạng Sơn. Đối tượng: Nguyễn Thị Năm, tức Cát Hanh Long, nhân sĩ tên tuổi trong Trung ương Hội Liên Hiệp Phụ Nữ cũng như Trung ương Mặt trận Liên Việt, người thường cùng họp long trọng với Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt. Nay bà trở thành địa chủ phản động, cường hào gian ác lợi dụng tiếng thân sĩ để phá hoại cách mạng và kháng chiến, có nhiều nợ máu với bần cố nông. Quản lý đồn điền Nguyễn Lân, nguyên vô địch võ sĩ quyền Anh trước kia nổi tiếng khắp Đông Dương cũng là đối tượng đấu tố và xử bắn. Đặc biệt Công, con trai bà Nguyễn Thị Năm, Việt Minh bí mật, nay là chính ủy trung đoàn pháo 105 li đang học ở Côn Minh, Trung Quốc cũng bị gọi về, treo giò.
Một tình tiết thú vị: khi tướng Pháp Cogny lập tập đoàn cứ điểm đầu tiên ở Nà Sản mà ta không công phá được vì thiếu đại pháo bắn cầu vồng, đơn vị pháo 105 ly của Công đã chuẩn bị về nước tham gia chiến dịch thì Cogny rút, pháo ta bèn nán lại học tiếp. Ai ngờ việc đó đã khiến tướng Navarre kết luận Việt Minh không có đại pháo do đó hăng hái nhảy lên Điện Biên Phủ và Piroth đại tá pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ đã giật lựu đạn tự sát ngay khi pháo Việt Minh lên tiếng.
Để có phát pháo mở đầu cuộc cải cách ruộng đất, Trường Chinh chỉ thị báo Nhân Dân tường thuật vụ đấu Nguyễn Thị Năm - Cát Hanh Long. Tôi nhận nhiệm vụ. Trường Chinh nói phân công tôi vì cần một bài báo viết nổi bật lên khung cảnh sôi sục, sinh động của cuộc đấu tố để ca ngợi sức mạnh của bần cố nông được phát động, còn tội ác thì tôi cứ theo tài liệu, cáo trạng của đội. Tôi nói tôi không dự đấu tố thì anh bảo tôi khai thác Văn, người cấp dưỡng theo anh tới tận Đồng Bẩm và đã chứng kiến các buổi đấu tố. Sở dĩ báo chí không dự đấu là vì giữ bí mật, ngại Đồng Bẩm cách Hà Nội có vài chục cây số đường chim bay, Pháp có thể nhảy dù xuống đó. Cụ Hồ bịt râu đến dự một buổi và Trường Chinh thì đeo kính râm suốt.
Thế là tôi viết bài khai hỏa cải cách ruộng đất theo sự pha phách thêm nếm khó lòng tránh khỏi của người cấp dưỡng đáng yêu của tổng bí thư.
Sống trên rừng buồn, Văn nuôi một bộ râu dài rất đẹp. Cả vùng có lẽ chỉ có hai bộ râu tiên cốt là của Cụ Hồ và của Văn.
Nhưng Trường Chinh đã bắt anh cắt. “Anh để râu, dân cứ lầm anh là Bác, mà chào anh Bác ạ, thì anh lại cười”.
Văn mất râu nhưng còn đôi mắt cũng quăng quắc song mục đồng trùng. Dân lại kháo nhau: “Ông Ké dạo này giấu râu, ta chào thì quay đi”. Tôi bảo Văn khéo phải đeo kính thày bói chứ không khó lòng giữ nguyên được mắt. Xuống chợ Nỉ mà mua kính đi.
Vài anh em ở đại đội bảo vệ ATK bảo tôi nhiều đàn bà con gái địa phương thích Văn lắm nhưng anh ta không dám. Dám để có mà chết. Hôm sau họ sẽ kháo ầm là họ được Bác Hồ thương ngay.
Bài báo này tôi ký một tên ú ớ không còn nhớ và sau đó cũng không mó đến nó bao giờ. Chẳng hiểu vì sao.
Có lẽ để phối hợp với bài báo của tôi, CB (Bác Hồ) gửi đến bài “Địa chủ ác ghê”.
Thánh hiền dạy rằng: “Vi phú bất nhân”.
Ai cũng biết rằng địa chủ thì ác: như bóc lột nhân dân, tô cao lãi nặng, chây lười thuế khóa - thế thôi. Nào ngờ có bọn địa chủ giết người không nháy mắt. Đây là một thí dụ:
Mụ địa chủ Cát - Hanh - Long cùng hai đứa con và mấy tên lâu la đã kể các tội cụ thể và con số cụ thể”.
(Trong hồi ký nói về mười nỗi buồn của Bác Hồ, viết Bác không tán thành đấu Nguyễn Thị Năm nhưng phải nghe cố vấn Trung Quốc, Hoàng Tùng vô tình hay cố tình quên bài báo Bác gây căm thù cao độ này. Đâm ra lại đổ cho Bác cái lỗi không kiên định - nghe cả điều sai vốn trái với ý mình)
Dăm bữa sau bài “phóng sự nghe kể lại,” tôi xuống Đồng Bẩm. Tình cờ Tiêu Lang, báo Cứu Quốc, trong đội cải cách về đây còn ở lại lo hậu sự. Tôi hỏi chuyện bắn, anh lè lưỡi lắc đầu mãi rồi mới kể lại.
“Sợ lắm, tội lắm, đừng có nói với ai, chết tớ. Khi du kích đến đưa bà ta đi, bà ta đã cảm thấy có gì nên cứ lạy van “các anh làm gì thì bảo em trước để em còn tụng kinh”. Du kich quát: “Đưa đi chỗ giam khác thôi, im!”. Bà ta vừa quay người thì mấy loạt tiểu liên nổ ngay sát lưng. Mình được đội phân công ra Chùa Hang mua áo quan, chỉ thị chỉ mua áo tồi nhất. Và không được lộ là mua chôn địa chủ. Sợ như thế sẽ đề cao uy thế uy lực địa chủ mà. Khổ tớ, đi mua cứ bị nhà hàng thắc mắc chưa thấy ai đi mua áo cho người nhà mà cứ đòi cái rẻ tiền nhất. Mua áo quan được thì không cho bà ta vào lọt. Du kích mấy người bèn đặt bà ta nằm trên miệng cỗ áo rồi nhảy lên vừa giẫm vừa hô: “Chết còn ngoan cố này, ngoan cố nổi với các ông nông dân không này?”. Nghe xương kêu răng rắc mà tớ không dám chạy, sợ bị quy là thương địa chủ. Cuối cùng bà ta cũng vào lọt, nằm vẹo vọ như con rối gẫy vậy…”
Rồi tôi được nghe truyền đạt rằng các nước anh em ở Đông Âu, không phải Bác Hồ, tỏ ý không tán thành cải cách ruộng đất mà còn bắn đầu tiên một phụ nữ.
Chính ủy Công (được vinh dự CB nhắc đến trong bài báo trên kia) bị điệu từ Vân Nam về và ngồi cùng mẹ chịu đấu tố nhưng nghe nói không được dự buổi chôn cất mẹ. Nhưng đầu những năm 90, anh đã cải táng được cho mẹ rồi sau đó anh chết, lúc chỉ còn là một người bạc nhược, sợ sệt, lú lẫn.
Khoảng 1980-81, Minh Việt bị cổ chướng nằm bệnh viện, tôi ngày ngày đến trông nhà cho anh chị và nhân tiện hiệu đính “Gia đình Ti-bô” cho Nhà xuất bản Văn học. Một sáng nọ, một người trung niên đến. Rụt rè sợ sệt hỏi chị Minh Quang (vợ Minh Việt). Tôi nói chị ấy đi làm. Thì anh nói tên anh là Công như thế như thế muốn đến xin chị Minh Quang chứng nhận cho những ngày đầu kháng chiến anh có chiến đấu ở Khu Thành Công. Ái ngại bảo anh chỗ tìm chị Minh Quang xong, tôi thăm hỏi. Anh nói quên hết cả rồi.
- Còn nhớ tiếng Trung Quốc không?
“Kai pao, khai pháo, da tung xi xiang, đả thông tư tưởng, nhớ chứ?”
Lắc.
- Có 105 thì còn chỉ huy được không?
- Quên hết rồi. - Lắc, cười hiền lành.
Những chữ “quên mất rồi” ở anh nghe thê lương, kỳ lạ như từ nguyên thủy hoang vắng.
Thì chợt nói:
- Cũng còn nhớ được một ít.
Mặt Công hơi rạng sáng lên, nói:
- Cái ngày 20 tháng 8 năm 1945, báo Đông Pháp nhà tôi mua tháng gửi lên thì lại đổi thành Đông Phát, cả trang nhất đưa tin Tổng khởi nghĩa thắng lợi. Tôi vội chạy đưa cho Hoàng Thế Thiện để hắn chuyển ngay tới hai ông Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp đang chỉ huy đánh trại lính Nhật ở thị xã Thái Nguyên. Hai ông lúc ấy ở đồn điền ông Nghiêm Xuân Yêm ở Cù Vân. Nhờ tờ báo này Trung ương mới biết Hà Nội đã tổng khởi nghĩa…”
- Công lớn quá…, tôi nói.
Nhưng bụng nghĩ Hoàng Thế Thiện sau hứng tội về vụ án một bộ phận cấp ủy cộng sản Cam-pu-chia trong có Pen Sovan chống cộng sản Việt Nam mà thoáng buồn.
Ngoài báo anh gửi đọc lại có xứ ủy cuốc bộ lên cấp báo Nhật đe cho quân tiến đánh, ông Trường Chinh bèn lệnh ngừng lại và về Hà Nội xem xét. Không thì còn thúc quân đánh rồi Nhật nó đàn áp ra sao không biết.
Nhưng Công đã lại lắc đầu “quên, quên…”
Lú lẫn đã thành một boong ke trú náu ở trong não từ khi anh thanh minh mình tham gia cách mạng là do yêu nước thật lòng nhưng người ta cứ nhất định bảo anh “chui vào để phá hoại cách mạng”. Nhìn anh lò dò xuống lại cầu thang ra về, tôi không khỏi thương xót cho một cơ ngơi lớn sụp đổ dễ như bỡn.
Ngày Công sung sướng đưa số báo có tin Tổng khởi nghĩa cho Trung ương, anh đâu có ngờ rồi nó sẽ đưa tan nát thảm khốc đến với gia đình anh.
Bà Năm không thể biết người con trai là cựu chính ủy pháo rồi mắc chứng quên. Nhưng dân Đồng Bẩm thì không quên. Ở xã này có một quả đồi được dân tự động đặt cho nó tên một nạn nhân lớn: đồi Nguyễn Thị Năm. Đồi A1 Điện Biên Phủ thì Nhà nước đặt. So tên hai quả đồi thấy xem ra dân chuộng công minh hơn tự ca ngợi công tích.
Sau Nguyễn Thị Năm một tháng đến lượt xử Cử Cáp. Phát khai hoả thứ hai. Lần này tôi đến dự buổi thi hành án: bắn.
Mít tinh tuyên án vào buổi tối. Bãi đất thuộc xã Phú Xuân, vùng chè Tân Cương. Vài trăm con người ngồi vây kín lấy một khoảnh đất trống. Khai mạc rất thình lình.
Cũng thình lình chánh án Lê Giản xuất hiện.
Lại cũng rất thình lình mấy người lính giải hai đối tượng đi ra. Cử Cáp, hơn bảy mươi tuổi, nguyên huấn đạo, ủy viên Mặt trận Liên Việt, cũng địa chủ kháng chiến, thân sĩ như Nguyễn Thị Năm, tức là thuộc diện bị chính sách cải cách ruộng đất chiếu cố. Ấn tượng mạnh nhất ở ông già là chỏm râu bạc trắng. Cạnh cụ, bí thư chi bộ nhưng nay đã thành “Quốc dân đảng” thông đồng với Cử Cáp phá hoại kháng chiến. Thấp nhỏ, chạc bốn chục tuổi, anh có cái dáng quen thuộc của cán bộ xã ta thường hay lui tới nhà cùng cơm nước, ngủ đêm…
Không như Cử Cáp nom lớ ngớ - diễn viên chưa quen vai - anh có bộ dạng phức tạp: vừa sợ vừa khấp khởi. Đến phút cuối cùng thế nào đảng cũng hiểu bụng dạ trung thành của anh mà tha anh. Hai bị cói lép kẹp dưới nách, hai bị cáo đứng rúm ró. Duy một vật sống động, phiêu diêu tự tại: chòm râu cụ Cử Cáp. Nó cứ thanh nhàn vờn múa trong cái không gian và không khí rùng rợn, căng thẳng như đông cứng lại này. Tôi thấy nó như đang muốn thị phạm một cách giao tiếp dễ nghe, dễ hiểu, dễ tin cậy, không phải cái lời lẽ từ nay khó lọt tai nhau.
Chánh án Lê Giản tuyên bố Chủ tịch nước bác đơn xin ân xá. Lim, lệt sệt đôi ủng ra hô:
- Giải chúng đi!
Vọt ra năm sáu người lính đẩy hai người tù quay lui. Tôi thấy thô bạo quá. Nhưng kìa, họ vừa mới quay người, tốp lính đã quỳ rộp một cái xuống, đưa tiểu liên lên bóp cò. Lửa nhằng nhằng. Hai cái thân đổ vật. Chị cốt cán trẻ đứng bên tôi ôm chặt lấy tôi líu lưỡi lại:
- Anh có dầu… dầu Con Hổ, cho em…?
Đúng là phải dạy và nạp căm thù vào. Không thì khó có thể tự nhiên đùng đùng bạo lực.
Hai xác người nằm thẳng mềm mại. Bộ quần áo Cử Cáp xòa trắng tôn thêm mầu ánh bạc của chòm râu lên - cái vùng trắng duy nhất tinh khiết ở đây. Lịch phịch đôi ủng nặng, Lim đến bên từng người bắn vào thái dương phát súng “ân huệ”.
Thương, sợ và cả bất bình lẫn lộn trong tôi. Một sức mạnh nào đó không biết đã kéo tôi là đứa vốn nhát máu đến đứng trước cụ Cử Cáp.
Vô thức muốn nói với cụ một lời phân vua: “Thưa cụ, tôi không muốn thế này cho cụ…” Hay đúng hơn, chính chòm râu ông nội chợt hiện lên gọi tôi đến với nó?
Cái bị cói vẫn trung thành lép kẹp dưới nách gầy. Cạnh nó, một quả chuông to tướng, đỏ sậm, mầu ấm Mạnh Thần, quả tim bật ra như một chồi thịt nhầy nhụa, thon thót trên ngực người chết: cái chồi thịt, cái nụ sống ấy đang lén leo ra tìm gấp một nẻo trú ẩn riêng, xa khuất hẳn cái nơi đáng sợ này.
Sáng sau, cùng một cán bộ đội - “nhất đội nhì trời” - tôi vào nhà Cử Cáp. Một dãy nhà trình cổ, sơ sài trên một thềm đá ong quá cao, ngang eo tôi, nứt toác, sứt sẹo. Một mảnh sân đất đỏ quá rộng tưởng đi mãi không hết. Một bà già ngồi xổm trên thềm hai tay quàng ôm một đứa bé. Nhác thấy chúng tôi, bà cụ vội buông hai tay đứng lên để chắp lại vái. Con mắt cháu bé lập tức trợn lên kinh hoàng. Nó kêu “E!” Một tiếng rồi chạy. Rồi ngã ịch một cái từ trên thềm cao xuống sân.
“Sợ lắm, tội lắm, đừng có nói với ai, chết tớ. Khi du kích đến đưa bà ta đi, bà ta đã cảm thấy có gì nên cứ lạy van “các anh làm gì thì bảo em trước để em còn tụng kinh”. Du kich quát: “Đưa đi chỗ giam khác thôi, im!”. Bà ta vừa quay người thì mấy loạt tiểu liên nổ ngay sát lưng. Mình được đội phân công ra Chùa Hang mua áo quan, chỉ thị chỉ mua áo tồi nhất. Và không được lộ là mua chôn địa chủ. Sợ như thế sẽ đề cao uy thế uy lực địa chủ mà. Khổ tớ, đi mua cứ bị nhà hàng thắc mắc chưa thấy ai đi mua áo cho người nhà mà cứ đòi cái rẻ tiền nhất. Mua áo quan được thì không cho bà ta vào lọt. Du kích mấy người bèn đặt bà ta nằm trên miệng cỗ áo rồi nhảy lên vừa giẫm vừa hô: “Chết còn ngoan cố này, ngoan cố nổi với các ông nông dân không này?”. Nghe xương kêu răng rắc mà tớ không dám chạy, sợ bị quy là thương địa chủ. Cuối cùng bà ta cũng vào lọt, nằm vẹo vọ như con rối gẫy vậy…”
Rồi tôi được nghe truyền đạt rằng các nước anh em ở Đông Âu, không phải Bác Hồ, tỏ ý không tán thành cải cách ruộng đất mà còn bắn đầu tiên một phụ nữ.
Chính ủy Công (được vinh dự CB nhắc đến trong bài báo trên kia) bị điệu từ Vân Nam về và ngồi cùng mẹ chịu đấu tố nhưng nghe nói không được dự buổi chôn cất mẹ. Nhưng đầu những năm 90, anh đã cải táng được cho mẹ rồi sau đó anh chết, lúc chỉ còn là một người bạc nhược, sợ sệt, lú lẫn.
Khoảng 1980-81, Minh Việt bị cổ chướng nằm bệnh viện, tôi ngày ngày đến trông nhà cho anh chị và nhân tiện hiệu đính “Gia đình Ti-bô” cho Nhà xuất bản Văn học. Một sáng nọ, một người trung niên đến. Rụt rè sợ sệt hỏi chị Minh Quang (vợ Minh Việt). Tôi nói chị ấy đi làm. Thì anh nói tên anh là Công như thế như thế muốn đến xin chị Minh Quang chứng nhận cho những ngày đầu kháng chiến anh có chiến đấu ở Khu Thành Công. Ái ngại bảo anh chỗ tìm chị Minh Quang xong, tôi thăm hỏi. Anh nói quên hết cả rồi.
- Còn nhớ tiếng Trung Quốc không?
“Kai pao, khai pháo, da tung xi xiang, đả thông tư tưởng, nhớ chứ?”
Lắc.
- Có 105 thì còn chỉ huy được không?
- Quên hết rồi. - Lắc, cười hiền lành.
Những chữ “quên mất rồi” ở anh nghe thê lương, kỳ lạ như từ nguyên thủy hoang vắng.
Thì chợt nói:
- Cũng còn nhớ được một ít.
Mặt Công hơi rạng sáng lên, nói:
- Cái ngày 20 tháng 8 năm 1945, báo Đông Pháp nhà tôi mua tháng gửi lên thì lại đổi thành Đông Phát, cả trang nhất đưa tin Tổng khởi nghĩa thắng lợi. Tôi vội chạy đưa cho Hoàng Thế Thiện để hắn chuyển ngay tới hai ông Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp đang chỉ huy đánh trại lính Nhật ở thị xã Thái Nguyên. Hai ông lúc ấy ở đồn điền ông Nghiêm Xuân Yêm ở Cù Vân. Nhờ tờ báo này Trung ương mới biết Hà Nội đã tổng khởi nghĩa…”
- Công lớn quá…, tôi nói.
Nhưng bụng nghĩ Hoàng Thế Thiện sau hứng tội về vụ án một bộ phận cấp ủy cộng sản Cam-pu-chia trong có Pen Sovan chống cộng sản Việt Nam mà thoáng buồn.
Ngoài báo anh gửi đọc lại có xứ ủy cuốc bộ lên cấp báo Nhật đe cho quân tiến đánh, ông Trường Chinh bèn lệnh ngừng lại và về Hà Nội xem xét. Không thì còn thúc quân đánh rồi Nhật nó đàn áp ra sao không biết.
Nhưng Công đã lại lắc đầu “quên, quên…”
Lú lẫn đã thành một boong ke trú náu ở trong não từ khi anh thanh minh mình tham gia cách mạng là do yêu nước thật lòng nhưng người ta cứ nhất định bảo anh “chui vào để phá hoại cách mạng”. Nhìn anh lò dò xuống lại cầu thang ra về, tôi không khỏi thương xót cho một cơ ngơi lớn sụp đổ dễ như bỡn.
Ngày Công sung sướng đưa số báo có tin Tổng khởi nghĩa cho Trung ương, anh đâu có ngờ rồi nó sẽ đưa tan nát thảm khốc đến với gia đình anh.
Bà Năm không thể biết người con trai là cựu chính ủy pháo rồi mắc chứng quên. Nhưng dân Đồng Bẩm thì không quên. Ở xã này có một quả đồi được dân tự động đặt cho nó tên một nạn nhân lớn: đồi Nguyễn Thị Năm. Đồi A1 Điện Biên Phủ thì Nhà nước đặt. So tên hai quả đồi thấy xem ra dân chuộng công minh hơn tự ca ngợi công tích.
Sau Nguyễn Thị Năm một tháng đến lượt xử Cử Cáp. Phát khai hoả thứ hai. Lần này tôi đến dự buổi thi hành án: bắn.
Mít tinh tuyên án vào buổi tối. Bãi đất thuộc xã Phú Xuân, vùng chè Tân Cương. Vài trăm con người ngồi vây kín lấy một khoảnh đất trống. Khai mạc rất thình lình.
Cũng thình lình chánh án Lê Giản xuất hiện.
Lại cũng rất thình lình mấy người lính giải hai đối tượng đi ra. Cử Cáp, hơn bảy mươi tuổi, nguyên huấn đạo, ủy viên Mặt trận Liên Việt, cũng địa chủ kháng chiến, thân sĩ như Nguyễn Thị Năm, tức là thuộc diện bị chính sách cải cách ruộng đất chiếu cố. Ấn tượng mạnh nhất ở ông già là chỏm râu bạc trắng. Cạnh cụ, bí thư chi bộ nhưng nay đã thành “Quốc dân đảng” thông đồng với Cử Cáp phá hoại kháng chiến. Thấp nhỏ, chạc bốn chục tuổi, anh có cái dáng quen thuộc của cán bộ xã ta thường hay lui tới nhà cùng cơm nước, ngủ đêm…
Không như Cử Cáp nom lớ ngớ - diễn viên chưa quen vai - anh có bộ dạng phức tạp: vừa sợ vừa khấp khởi. Đến phút cuối cùng thế nào đảng cũng hiểu bụng dạ trung thành của anh mà tha anh. Hai bị cói lép kẹp dưới nách, hai bị cáo đứng rúm ró. Duy một vật sống động, phiêu diêu tự tại: chòm râu cụ Cử Cáp. Nó cứ thanh nhàn vờn múa trong cái không gian và không khí rùng rợn, căng thẳng như đông cứng lại này. Tôi thấy nó như đang muốn thị phạm một cách giao tiếp dễ nghe, dễ hiểu, dễ tin cậy, không phải cái lời lẽ từ nay khó lọt tai nhau.
Chánh án Lê Giản tuyên bố Chủ tịch nước bác đơn xin ân xá. Lim, lệt sệt đôi ủng ra hô:
- Giải chúng đi!
Vọt ra năm sáu người lính đẩy hai người tù quay lui. Tôi thấy thô bạo quá. Nhưng kìa, họ vừa mới quay người, tốp lính đã quỳ rộp một cái xuống, đưa tiểu liên lên bóp cò. Lửa nhằng nhằng. Hai cái thân đổ vật. Chị cốt cán trẻ đứng bên tôi ôm chặt lấy tôi líu lưỡi lại:
- Anh có dầu… dầu Con Hổ, cho em…?
Đúng là phải dạy và nạp căm thù vào. Không thì khó có thể tự nhiên đùng đùng bạo lực.
Hai xác người nằm thẳng mềm mại. Bộ quần áo Cử Cáp xòa trắng tôn thêm mầu ánh bạc của chòm râu lên - cái vùng trắng duy nhất tinh khiết ở đây. Lịch phịch đôi ủng nặng, Lim đến bên từng người bắn vào thái dương phát súng “ân huệ”.
Thương, sợ và cả bất bình lẫn lộn trong tôi. Một sức mạnh nào đó không biết đã kéo tôi là đứa vốnnhát máu đến đứng trước cụ Cử Cáp.
Vô thức muốn nói với cụ một lời phân vua: “Thưa cụ, tôi không muốn thế này cho cụ…” Hay đúng hơn, chính chòm râu ông nội chợt hiện lên gọi tôi đến với nó?
Cái bị cói vẫn trung thành lép kẹp dưới nách gầy. Cạnh nó, một quả chuông to tướng, đỏ sậm, mầu ấm Mạnh Thần, quả tim bật ra như một chồi thịt nhầy nhụa, thon thót trên ngực người chết: cái chồi thịt, cái nụ sống ấy đang lén leo ra tìm gấp một nẻo trú ẩn riêng, xa khuất hẳn cái nơi đáng sợ này.
Sáng sau, cùng một cán bộ đội - “nhất đội nhì trời” - tôi vào nhà Cử Cáp. Một dãy nhà trình cổ, sơ sài trên một thềm đá ong quá cao, ngang eo tôi, nứt toác, sứt sẹo. Một mảnh sân đất đỏ quá rộng tưởng đi mãi không hết. Một bà già ngồi xổm trên thềm hai tay quàng ôm một đứa bé. Nhác thấy chúng tôi, bà cụ vội buông hai tay đứng lên để chắp lại vái. Con mắt cháu bé lập tức trợn lên kinh hoàng. Nó kêu “E!” Một tiếng rồi chạy. Rồi ngã ịch một cái từ trên thềm cao xuống sân.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét