Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

DƯỚI BÓNG HOÀNG HÔN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Người ta nhìn thấy một gương mặt âm u trong buổi chiều tà của một vở diễn mà ở đó, sân khấu nhuộm máu khô, rác rến và những bàn tay người chới với kẽm gai… Một cuộc triển lãm xếp đặt nghệ thuật chăng? Không phải thế, đó là hiện thực sinh động, một hiện thực làm rơi nước mắt trên miền Nam Việt Nam hiện tại. Một miền Nam sau ba mươi mấy năm, người Cộng sản đã mang những thứ ấy để trưng bày, chưng diện và sơn phết lên số phận của vài mươi triệu người. Đừng nghĩ rằng đây là một sự hoang tưởng hay một đoạn văn siêu thực!
Sở dĩ tôi dám bạo miệng nói như thế, vì tôi quá đau buồn khi nghĩ đến những người tài xế xe, cũng có lúc họ hầm hố, găng tơ, nhưng đó là những khi họ quá bức bách, căng thẳng bởi cuộc sống thường nhật, bởi những cây dùi cui và màu vàng vừa quen thuộc vừa đe dọa – màu vàng cảnh sát giao thông. Và, đau buồn nhất là giữa con người với con người, chẳng còn tình người, người bóc lột người, người đối xử với người còn tệ hơn cả thú vật, không còn yêu thương, không còn niềm tin, không tôn trọng và cũng không còn nốt lòng tự trọng!
Vì sao? Vì sau ba mươi mấy năm, nhà nước Cộng sản đã mang hai thứ rác kinh hoàng, dị hợm nhất để nhuộm miền Nam Việt Nam, đó là lòng tham và chủ nghĩa Cộng sản. Hai thứ này, tuy hai mà một, tuy một mà hai, nó là hai mặt mâu thuẫn để phát triển của một chủ đích, âm mưu hay là một lý tưởng độc tài! 
Lần vứt rác đầu tiên vào miền Nam của người Cộng sản, có thể nhắc đến nền kinh tế tập trung bao cấp. Từ một miền Nam hoa lệ, trù phú và hào sảng, trong chốc lát bỗng tan tác, người thì bỏ chạy, kẻ thì mất trắng, chết chóc, tù đày, những người dân từ chỗ giàu có, tự tin trở nên nghèo khổ và tự ti. Với đời sống tem phiếu, xếp hàng nhận miếng ăn, cái đói luôn đe dọa đã đẩy con người xuống hàng súc vật, làm thí xác để rồi chờ ban phát miếng ăn. Không hơn không kém.
Chính môi trường này cộng với quyền lực của các ông, các bà lương thực, thuế vụ nói riêng và cán bộ mũ cối nói chung đã đẩy con người đến chỗ sợ đói, sợ chết và sợ bị mất phần, phải xuống nước và thậm chí không ít người phải khúm núm trước các ông các bà lương thực, cán bộ mũ cối và cầu cạnh họ với hy vọng mình không bị cắt xén miếng ăn…!
 Sau biến cố 30 tháng Tư năm 1975, nạn hôi của bùng phát, “kẻ chiến thắng” đã chẳng ngại ngần lùng sục, lấy bất kì cái gì đang có của “bên chiến bại”, không ngoại trừ vợ con và số phận, mạng sống của đối phương. Nạn hôi của đã biến miền Nam Việt Nam thành một cái chợ hay một bãi tha ma tràn ngập tiếng kêu than và oán hận, cừu thù dậy sóng. Và vết dấu của nạn hôi của kéo dài, loang rộng mãi về sau này, khi nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa xuất hiện.
Chưa xong, đó chỉ là một sọt rác bản năng mà người Cộng sản mang vào miền Nam, sọt rác tư tưởng cũng không kém phần li kì, gay cấn, nó nghiễm nhiên biến sự cướp giật, vô cảm thành một chủ nghĩa, chủ thuyết và đương nhiên, hành vi cướp giật, máu lạnh trở nên vững chãi hơn, có cơ sở lý luận hơn khi chủ nghĩa Cộng sản Mác – Lê nin, Mao Trạch Đông và tư tưởng Hồ Chí Minh chính thức bước qua cửa giảng đường, biến thành “hòn đá tảng tư tưởng” của hàng hàng lớp lớp thế hệ sau này.
Không cần biết đúng sai, không cần biết thế giới đã lên đường, đã bước vào đại lộ văn minh từ lâu, không cần biết học sinh, sinh viên có ưa hay không ưa thứ tư tưởng này, nó được xếp vào môn bắt buộc phải học và được đào tạo theo qui trình học thuộc lòng, đến kỳ thi lại chép những thứ mình đã học thuộc lòng ra giấy để vượt qua kì thi. Bất kì học sinh, sinh viên nào không thuộc lòng nó (đừng hòng giở tài liệu để sao chép, riêng môn học liên quan đến chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Cộng sản, giám thị phòng thi hét ra lửa!) thì mới hy vọng có tấm bằng sau này. Và nó nghiễm nhiên nằm lòng, ăn sâu vào não trạng nhiều thế hệ, dù muốn hay không muốn! 
Cái gì đến cũng phải đến, những ai đoạn tuyệt với nó cũng đã hiện diện, cũng đã lên tiếng kêu gọi nhân quyền, dân chủ, cởi mở, bảo vệ lãnh thổ… Những ai bị nhiễm sắc của nó cũng lộ diện đầy rẫy trong xã hội Việt Nam hiện tại.
Câu chuyện chiếc xe chở bia đi qua bùng binh Biên Hòa, ôm cua bị lạc tay lái làm đổ nhào bia ra đường và thay vì người dân dừng lại để giúp đỡ cho người bị nạn, họ đã thi nhau xúm vào giành giật, hôi của, cướp cạn. Mười mấy ngàn thùng bia Tiger bay vèo trong vòng chưa đầy ba mươi phút, người tài xế từ chỗ kêu gào, van xin người ta đừng lấy bia của mình chuyển sang cuống cuồng bốc lấy bốc để, chạy đua với thiên hạ để giữ lại chút tài sản đang bốc hơi của mình. Không còn gì đau đớn và nhục nhã hơn!
Lạ ở chỗ, sau một thời gian dài người tài xế không may và ông chủ xe của anh ta chờ đợi bảo hiểm giải quyết, bảo hiểm kết luận đây không phải là tai nạn mà đây là một vụ cướp. Cuối cùng, bên công ty vận tải hỗ trợ 20 triệu đồng, chủ xe và người tài xế phải bỏ ra 270 triệu đồng để trả nợ nếu không muốn ngồi tù(?).
Thử đặt vấn đề: Nếu đây là một vụ cướp, thì vụ cướp này không tầm cỡ về kinh tế nhưng lại có qui mô rất lớn và diễn ra công khai giữa thanh thiên bạch nhật, ngay ở bùng binh, giữa trung tâm và tai mắt an ninh. Vậy lúc này công an giao thông đang ở đâu mà không đến vãng hồi trật tự giao thông? Cảnh sát cơ động, công an khu vực ở đâu mà không đến dẹp loạn, bảo vệ an ninh và tài sản cho nhân dân?
Suy cho cùng, chiếc xe chở bia kia cũng phải đóng mọi thứ thuế theo qui định của pháp luật, không ngoại trừ cả thuế an ninh để đảm bảo an toàn trong quá trình lưu thông. Lẽ ra khi có cướp, ngành an ninh phải vào cuộc, phải truy đuổi, điều tra và thu hồi tài sản cho khổ chủ mới đúng chứ!
Cho dù con số thu hồi không nguyên vẹn chăng nữa nhưng chí ít nó cũng cho thấy nền an ninh Việt Nam không phải là thứ an ninh giả cầy chỉ biết mè nheo và trấn lột. Nhưng không, chính sự thiệt hại của chủ xe, của tài xế cũng như những khó khăn phía trước của những người tội nghiệp này cộng với thái độ hoàn toàn im lặng của ngành an ninh thành phố Biên Hòa sau hơn hai tuần dư luận xôn xao, đến nước họ tự cảm thấy nhột, buộc lòng phải lên tiếng gọi là điều tra, truy tố… đã cho thấy họ vốn là thứ an ninh giả cầy, bản chất họ là vậy, vì họ được học hành, được đào luyện trong môi trường Cộng sản xã hội chủ nghĩa.
Sau ba mươi mấy năm chiếm miền Nam, qui đất nước về một mối, cái điều mà nhà nước Cộng sản làm được nhiều nhất, đó là biến miền Nam Việt Nam thành một hố rác của lòng tham, đánh mất tự trọng, tội ác, vô cảm,bất chấp… trên nền tảng một hệ thống cai trị luôn mở đường để những thứ này tiến xa hơn, đạt ngưỡng “đỉnh cao trí tuệ” của chủ nghĩa Cộng sản. Tự dưng, nhìn vào hiện tình đất nước, cảm giác buồn và ớn lạnh thoáng qua, cứ như đang ngồi giữa sân ga vắng và đâu đó xa xa là tiếng lao nhao kêu than, tiếng trống điếu tang, tiếng chửi thề… Dưới một hoàng hôn đỏ ối màu máu! Đau thật là đau!
Viết Từ Sài Gòn

Viết Từ Sài Gòn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét