Nguyễn Chí Đức - Xin thành thật từ
đáy lòng tôi chúc mừng ông Lê Hiếu Đằng đã tuyên bố công khai ra khỏi đảng Cộng
Sản Việt Nam (ĐCS). Dù rằng trước đây tôi là người kịch liệt phản đối ông Đằng
vì thiếu thực tế khi manh nha khởi phát ý tưởng ra đời một đảng mới với lời hiệu
triệu các đảng viên từ bỏ đảng cùng tham gia trong khi chính mình thì chưa đầu
tầu gương mẫu và cũng chưa phác thảo sơ lược một cương lĩnh-hành động của một
chính đảng ra làm sao.
Tuyệt đối không được dùng những hành vi xé/đốt thẻ đảng hoặc tố khổ, tố ác đảng nếu có là ở một bài phân tích độc lập hay lúc trà dư tửu hậu. Vì khi chúng ta xin vào thì chúng ta đã tự nguyện phấn đấu và cũng đã tuyên thệ trung thành trước đảng kỳ, chân dung Hồ chủ tịch thì nay cảm thấy không phù hợp, không còn tình cảm với ĐCSVN nữa thì khi ra cũng nên “li dị” cho đàng hoàng và giữ lại những kỷ niệm một thời mình đã từng chiến đấu, hi sinh và trưởng thành khi gắn bó với ĐCS. Tôi nhớ hồi tôi sinh viên khi còn phấn đấu vào ĐCS, có một ông anh họ là cựu chiến binh chiến trường miền Nam từng nói với tôi “Bây giờ chú phấn đấu vào đảng còn dễ chứ thời của anh là trả bằng máu, bằng tính mạng của chính mình trên chiến trường”.
Dĩ nhiên điều tôi viết ra đây có thể khiến
những người là nạn nhân của chế độ Cộng Sản hay thuộc chế độ cũ VNCH cảm thấy
khó chịu nhưng hết sức thông cảm vì cá nhân tôi hay những người như ông Lê Hiếu
Đằng cái việc ra khỏi đảng không phải là dễ dàng. Trong thực tế tôi biết ngoài
xã hội hay trong chính họ hàng của tôi có những người không còn tha thiết với
đảng vì vấn đề lý tưởng nhưng họ bị ràng buộc vô hình bởi quá khứ, gia đình nên
họ không có lối thoát. Họ không dám công khai viết đơn nêu rõ lý do nên đành âm
thầm không sinh hoạt hoặc nại một lý do khác. Chẳng hạn cách đây vài tháng qua
một nhân mối trong hội NO-U, một anh đã giới thiệu cho tôi một chú là cựu chiến
binh, giáo viên trường tăng thiết giáp có suy nghĩ muốn công khai bỏ đảng.
Nhưng qua gặp gỡ, chú tâm sự thành thực “đảng thì không còn tha thiết nữa nhưng
còn nặng nghĩa tình nên cũng nhùng nhằng chưa dứt khoát”.
Qua đây, cũng nên hình thành một dạng hội tự
phát của những người bỏ đảng công khai mà tôi đã từng nêu lên Ý tưởng về CLB
Huynh Đệ Lầm Đường Lạc Lối. Hội này nên khiêm tốn là một dạng như
các loại hội thân hữu như đồng hương, đồng ngũ, đồng bệnh... thì hơn. Vừa là
chỗ dựa tinh thần cho những người sắp ra/mới ra bị hụt hẫng vì tinh thần, bà
con họ hàng/đồng nghiệp dị nghị, phân tích tình hình xã hội/chính trị nói chung
hoặc thăm viếng-đỡ đần nhau như bản chất chung của các hội thân hữu. Vì không
phải cứ ai ra khỏi ĐCS là có ý định hoạt động dân chủ hay tham gia một đảng
phái/tổ chức chính trị khác. Ngay cả những người này nếu có ý định hoạt động
chính trị thì về quan điểm, đường lối chưa chắc đã giống nhau, hoàn cảnh cá nhân
khác nhau nên không thể đánh đồng nhằm tạo hậu thuẫn từ những người bỏ đảng
đứng sau lưng một vài cá nhân nào đó cho dù đó là thiện chí, tiến bộ. Hãy để sự
quyết định cho mỗi cá nhân độc lập nếu cảm thấy phù hợp và tự nguyện đồng ý.
Càng không thể coi những người bỏ đảng là một hạt nhân nòng cốt nhằm qui tụ các
thành phần/tổ chức khác vây quanh nhằm tạo thế “đôi công” với ĐCSVN. Xét về
đường dài không có lợi cho đại cuộc Dân Chủ. Quan điểm của tôi là quan điểm chủ
nghĩa Quốc Gia nên tôi luôn suy nghĩ lấy toàn cục làm trọng.
Tiện đây những ai đã từng ra khỏi đảng dù công
khai hay âm thầm nên thắp một nén tâm hưởng tưởng nhớ các tiền bối uyên thâm,
nổi tiếng như học giả Nguyễn Kiến Giang và những người đã quá cố mà trong thời
kỳ xét lại, chống đảng tại miền Bắc và lẻ tẻ tại miền Nam sau 1975 chỉ vì qua
điểm khác biệt mà ngộ nạn. Cá nhân tôi coi những người đó thực sự “xứng danh
anh hùng” bị phân biệt đối xử, ghẻ lạnh của xã hội còn hơn cả những người đi tù
vì đấu tranh dân chủ, người bỏ đảng hiện nay. Vì những người này khi ra còn
được một cộng đồng Internet chú ý, quan tâm và đỡ đần ít nhiều trong khi những
người bỏ đảng thời kỳ xét lại gần như là bên lề của xã hội vào thời kỳ đó. Cố
nhiên còn những gương anh hùng khác không phải đảng viên ĐCS nhưng trong phạm
vi này tôi chỉ đề cập đến trường hợp bỏ đảng mà thôi.
Cuối cùng và một lần nữa xin chúc mừng ông Lê
Hiếu Đằng đã trở thành một người tự do!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét