Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

TRẠI GIAM CỔNG TRỜI - PHẦN 3

Trong hai bài trước quý vị đã được nhiều nhân chứng kể lại những hình khổ mà họ phải chịu khi họ hoàn toàn không làm một việc gì dù lớn dù nhỏ có phương hại đến xã hội, chính quyền cách mạng.
Trong bài này, quý vị sẽ được nghe nhân chứng tường thuật lại tại sao họ bị bắt và liệu nhà nước khi bắt họ như vậy đã dựa trên những yếu tố căn bản nào? Những nạn nhân khốn khổ của trại giam Cổng Trời là ai, và xã hội bên ngoài có ai biết sự giam giữ của họ trong trại giam kinh khủng này hay không, mời quý vị theo dõi.
Quay trở lại câu hỏi do đâu người cộng sản Việt Nam lại cương quyết xóa sổ đạo công giáo trong những ngày đầu tiên sau khi miền Bắc độc lập, mặc dù trước đó lịch sử đã ghi lại không sót một từ nào về hàng trăm cái chết của người công giáo dưới các triều đại nhà Nguyễn.
Lịch sử lập lại
Lịch sử giáo hội Việt Nam bị bách hại nhiều lần cho thấy lòng can đảm thà chết không bỏ đạo của hàng ngàn người công giáo miền Bắc. Dù bị bách hại đến đâu chăng nữa họ vẫn kiên nhẫn bám nhà thờ, bám cha xứ như người đắm tàu bám phao cứu sinh.
Lúc nhiều lúc ít, lúc mạnh lúc yếu nhưng chưa bao giờ các cuộc đàn áp ngừng lại hẳn. LM Nguyễn Thanh Đương chánh xứ Quy Hậu, Nghệ An, người bị tù đày nhiều năm trong trại Cổng Trời, cũng là một chứng nhân trong các cuộc bắt bớ này, kể lại việc chính quyền xé lẻ các vị tu sĩ ra thành từng phần nhỏ để dễ cho công việc bắt bớ, ông kể:
“Tất nhiên cũng có dư luận quần chúng thành ra họ cứ làm lẻ dần dần. Mỗi đợt mỗi thầy, mỗi đợt mỗi cha. Nói chung ở ngoài Bắc thì các thầy, các cha đi vào Nam nhiều rồi thành ra nó bắt dần dần cũng hết.
Ở ngoài Bắc hầu như không còn chủng viện, từ Thanh Hóa trở ra không còn. Cho đến khi nó lợi dụng việc trong Nam ra thả bom ngoài ni thì nó dẹp luôn. Nó bắt tất cả các thầy, các cha. Thầy nào không nghe nó thì nó bắt đi tù cho đến khi nào anh đầu hàng về xây dựng gia đình không đi tu nữa thì nó cho về.”
Những trái bom từ miền Nam mang ra đánh phá miền Bắc được cho là do sự chỉ điểm của các tu sĩ hay giáo dân miền Bắc nằm vùng làm gián điệp cho miền Nam. Những cáo buộc vô lý này được cán bộ rỉ tai trong dân chúng khiến nhiều người dân căm phẫn và quay trở lại chống đối những người láng giềng hiền lành của mình.
Cán bộ cũng không bỏ lỡ cơ hội để áp lực người công giáo bỏ đạo. Đối với các chủng sinh cũng vậy, một là bỏ chủng viện về nhà lấy vợ, hai là bỏ thây trong trại giam. LM Nguyễn Thanh Đương kể:
“Thời kỳ đầu tiên năm 1962 họ tập trung cho đến năm 1970 là thời kỳ họ bắt người công giáo. Họ bắt người công giáo bỏ đạo. Các cha, các thầy họ cũng bắt bỏ đạo. Các thầy lúc ấy đang còn là chủng sinh, họ bị giam riêng bởi vì không chịu bỏ đạo. Họ bị bỏ vào xà lim, bị cùm bị kẹp ở trong ấy.
Một số vì yếu quá cũng phải đầu hàng. Một số giáo dân rất kiên quyết. Đặc biệt giáo dân ở giáo phận Vinh là kiên cường hơn cả, họ không chịu bỏ đạo và sau này trong nhà tù đấu tranh bằng cách đọc kinh, cầu nguyện. Họ bắt đi cùm kẹp. Giáo dân ở Vinh thà chịu cùm không chịu bỏ đạo nên nó mới mở dần dần cho.”
Nó bắt tất cả các thầy, các cha. Thầy nào không nghe nó thì nó bắt đi tù cho đến khi nào anh đầu hàng về xây dựng gia đình không đi tu nữa thì nó cho về.
LM Nguyễn Thanh Đương
LM Chu Quang Tòng, từng là chánh xứ Thọ Ninh nay đã về hưu tại tòa Tổng giám mục Bắc Ninh, trong thời gian ấy đang là một chủng sinh. Ông bị bắt ở tù trong nhiều năm, giải qua nhiều trại giam và cuối cùng về trại Phong Quang, một trại giam khét tiếng sát với biên giới Trung Quốc, LM Chu Quang Tòng kể:
“Ngày 11 tháng 7 năm 1964 thì họ gọi lên cho biết là đi tàu suốt! Tức là lên trại giam Trung ương 2 Yên Bái, trại mà họ giam thiếu tướng De Castries.
Đến tháng Giêng năm 1965 sau khi Mỹ đưa máy bay ra đánh phá vùng Quảng Ninh thì họ lại di chuyển từ trại Yên Bái ngược về biên giới Trung Quốc, về trại Tân Sơn thuộc Lạng Sơn trên vùng Na Sầm, Thất Khê. Thế rồi họ cứ chuyển luôn như mèo tha chuột. Đến năm 1972 thì lại từ đó chuyển lên Phong Quang Lào Cai, giáp biên giới Trung Quốc.”
Không phải chỉ một mình LM Chu Quang Tòng trong trại giam, gần hai trăm người trong giáo phận mà ông quen biết cũng có mặt tại đây khiến không khí càng thêm sôi nổi. Những người tù đặc biệt này quây quần lại với nhau chứng kiến sự bắt bớ các linh mục, tu sĩ và giáo dân ngày một dày dặc hơn.
LM Chu Quang Tòng kể lại một giai đoạn hết sức khó khăn do bị bách hại trong giáo hội miền Bắc:
“Tôi không được gặp tất cả anh em nhưng những người trong giáo phận cho tôi biết thì lúc bấy giờ tất cả chúng tôi có thể nói rằng gần hai trăm anh em, chính xác là 168 anh em bao gồm linh mục, tu sĩ, chủng sinh mà đặc biệt là thành phần các chủng sinh.
Sau khi sự kiện Bùi Chu chịu chức môt loạt gồm 29 linh mục thì người ta sợ các giám mục miền Bắc cho phép truyền chức hết để đáp ứng nhu cầu linh mục nên người ta bắt đi một loạt. Các chủng sinh lớp lớn như chúng tôi, các chủng sinh dự bị mà người ta đoán là có thể truyền chức nay mai thì họ gom góp trong vòng nửa tháng là họ bắt đi.
Có nơi hơn 50 anh em bị bắt, mục đích của các cuộc bắt bớ này là chống đạo thôi. Ngày mùng 8 tháng 12 năm 1963 tại Bùi Chu, Đức cha chánh Phạm Năng Kính đã truyền chức cho một loạt 28 linh mục sau đó là lớp ngang với chúng tôi đều bị bắt hết.”
Lưu Nam, Nguyễn Quốc Anh cùng nhiều người nữa…
Không riêng linh mục hay tu sĩ bị Nhà nước chú ý mà những người có hoạt động trong những tổ chức của nhà thờ hay giáo hội cũng bị trừng phạt. Ông Lưu Đức Tâm một giáo dân tại Nghệ An kể lại việc cán bộ bắt cha ông là cụ Lưu Nam, với lý do ông cụ hoạt động cho Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam.
Đây là một tổ chức công giáo mà Nhà nước rất e ngại vì nó tập trung hầu hết trí thức công giáo của miền Bắc và hoạt động của Liên Đoàn được Nhà nước xem là rất nguy hiểm cho đảng. Ông Tâm kể lại việc bắt giữ thân phụ mình như sau:
“Ông cụ hoạt động cho Liên đoàn Công giáo Việt Nam. Liên đoàn này chỉ mang tính chất tôn giáo thôi. Lúc ấy ông cụ làm chủ tịch Liên đoàn và về mặt Nhà nước thì hợp pháp.
Tuy mang tiếng là hợp pháp nhưng đến một hôm thì người ta theo dõi và mời đi họp. Bởi vì ông cụ là người rất giỏi về võ nghệ cho nên khi bắt ông cụ thì người ta nghĩ rằng học trò của ông sẽ phản kháng và lúc ấy thì sẽ đổ máu. Cho nên người ta mời đi họp rồi âm thầm bắt luôn.
Người ta bắt ông cụ tại địa danh tên là Cống Chi Lăng. Một thời gian sau đó người ta đưa về xử án tại quê nhà với án lệnh là 20 năm tù khổ sai.”
Ông vốn là một người lương dân xuống đây để theo đạo công giáo. Đó là lý do khiến ông bị bắt nhưng người ta không nói ra, người ta bảo là không chịu cải tạo tốt.
Giáo dân Lưu Đức Tâm
Cụ Lưu Nam là một người được hầu hết các linh mục nể trọng vì chí khí quật cường và niềm tin mãnh liệt. Ông bỏ thân trong trại Cổng Trời sau nhiều năm bị giam cầm, bách hại.
Sau cha ruột, người anh rể trong gia đình là ông Nguyễn Quốc Anh cũng bị bắt vì theo đạo công giáo. Ông Lưu Đức Tâm kể về người anh rể này:
“ Ông Nguyễn Quốc Anh là người anh rể. Ông bị 17 năm tù. Ông vốn là một người lương dân xuống đây để theo đạo công giáo. Đó là lý do khiến ông bị bắt nhưng người ta không nói ra, người ta bảo là không chịu cải tạo tốt.
Trước đây ông Nguyễn Quốc Anh cũng đã từng vượt tuyến một lần và bị cải tạo 3 năm. Ông Quốc Anh là một người rất giỏi trong lĩnh vực toán học cho nên người ta mời đi dạy ở nhà trường nhưng ông không đi và sau này về mở trường dạy tư. Lý do ông muốn dạy ở đây vì ông theo công giáo vừa dạy học vừa học đạo luôn. Người ta bắt vì lý do thế.”
Thông tư 1960
Linh Mục Nguyễn Văn Vinh.
Linh mục Nguyễn Viết Cường thuộc giáo xứ Vạn Phần, Nghệ An cho biết lịch sử của những cuộc bắt bớ này mà theo ông thì chủ yếu từ một thông tư do ông Hồ Chí Minh ký vào năm 1960, LM Cường kể lại:
“Khi đó có chỉ thị của Trung ương Đảng không cho những thành phần con cái địa chủ phản động đi tu làm linh mục. Đó là thông tư 60 do Hồ Chí Minh ký. Tôi là nạn nhân của thông tư đó.
Ông nào cuới vợ thì thôi còn ông nào không chịu cưới vợ thì nó đánh giá còn nuôi mộng làm linh mục và như vậy thì nó tập trung đi hết. Không qua xét xử cũng không qua lấy cung, nó chỉ tập trung cải tạo cái tội đi tu. Nếu về cưới vợ thì thôi.”
Giữa thập niên 70 lần lượt những người tù này được trả về địa phương, người thì lấy vợ, người thì tiếp tục con đường tu học, LM Nguyễn Viết Cường may mắn hơn cả khi được về lại tòa giám mục để tiếp tục con đường tu hành, ông kể:
“Sau biến cố 75 đến năm 77 thì được tha nhưng tiếp tục quản chế 12 năm nữa. Đến năm 89 về tòa Giám mục và năm 90 mới được làm linh mục, lúc đó đã 59-60 tuổi rồi.
Trước khi làm linh mục trong buổi gặp cuối cùng thì Ủy Ban nhân dân tỉnh Nghệ An có hỏi một câu, bây giờ ông Cường còn ghét cộng sản lắm phải không? Tôi trả lời là cộng sản nào? Cộng sản đúng hay cộng sản sai? Cộng sản đúng là cộng sản nói rằng họ là đầy tớ nhân dân, trung thành với nhân dân. Vui sau nhân dân lo trước nhân dân. Một lòng một dạ phục vụ dân, làm đầy tớ dân Cộng sản đó thì tôi không ghét được.
Sau họ hỏi cộng sản bắt ông là cộng sản đúng hay sai, tôi nói cộng sản đó thì sai quá đi chứ. Bây giờ các ông cho tôi đi học làm linh mục là các ông đã nhận lỗi rồi.”
Nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy, LM Nguyễn Thanh Đương thuộc giáo xứ Quy Hậu, Nghệ An phải chạy trốn vào Nam sau khi được thả rồi "tu chui" mới được truyền chức linh mục, ông nói:
Khi đó có chỉ thị của Trung ương Đảng không cho những thành phần con cái địa chủ phản động đi tu làm linh mục. Đó là thông tư 60 do Hồ Chí Minh ký.
Linh mục Nguyễn Viết Cường
“Họ có cho về giáo xứ mô! Họ cho mình về nhà quê chịu quản chế ở đó 3 năm rồi sau đó phải trốn vô trong Nam đi làm thuê làm mướn đi học. Trong Nam có một số các cha dạy riêng kêu bằng học chui!”
Cũng là một tù nhân chính trị bất đồng chính kiến trong nhiều năm tại nhà tù miền Bắc, học giả Nguyễn Khắc Cần hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội cho biết cảm nghĩ của ông về những tù nhân công giáo này, ông nói:
“Số người Công giáo có những người chỉ là giáo dân thôi, có những người là frère hay chuẩn bị frère. Nói chung giáo dân họ có cái rất tốt là họ giữ đạo của họ rất nghiêm túc. Mặc dầu bị cấm hay hạn chế vấn đề cầu kinh nhưng họ vẫn làm. Đây là điều đáng tôn trọng.
Khi vi phạm những điều cấm này thì họ bị phạt rất nặng. Cái mức phạt rất nặng nhọc có thể sẽ đi xà lim, có thể bị cắt khẩu phần ăn, rất nhiều hình thức nó chả có quy luật gì cả.”
Có thực sự thay đổi?
Học giả Nguyễn Khắc Cần cũng cho biết hồi gần đây, cán bộ thường nói là đã có sự thay đổi lớn lao trong chính sách đối xử với tất cả tôn giáo trong nước, trong đó có công giáo, tuy nhiên ông không tin đây là sự thành tâm của chính quyền, chẳng qua chỉ là giai đoạn mà thôi. Ông nói:
Có thay đổi tạm thời cũng là chiến thuật mà thôi còn chiến lược thì hai bên không thể cùng tồn tại được.
Học giả Nguyễn Khắc Cần
“Rõ ràng bây giờ đã có thay đổi nhưng tôi thường nói chuyện với những nhà chính sách ở đây tôi nói thẳng, ông thay đổi hay không thay đổi thì không quan trọng vì các ông là người vô thần mà họ là người hữu thần. Có thay đổi tạm thời cũng là chiến thuật mà thôi còn chiến lược thì hai bên không thể cùng tồn tại được.”
Chúng tôi xin mượn lời của học giả Nguyễn Khắc Cần để làm kết luận bài viết sự bách hại người công giáo trong những năm qua tại miền Bắc Việt Nam.
Kỳ tới là bài thứ tư trong loạt bài “Trại Giam Cổng Trời” mô tả hình ảnh đầu tiên mà người tù chạm trán với nó ngay từ chân núi một vùng xa dân cư của tỉnh Hà Giang. Đường lên Cổng Trời có gì đặc biệt so với các trại giam khác mà nhiều người tù đã từng kinh qua? Mời quý vị đón theo dõi trong kỳ tới.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét