Tôi và Năm Cà Dom đi đốn nứa cất hẳn một cái nhà bếp con con để trời mưa khỏi ướt củi. Nóc nhà lợp cả bằng những thanh nứa bổ làm đôi, cứ úp vào nhau, cái sấp cái ngửa như lợp ngói ống.
Nhưng Năm Cà Dom bác ngay cái sáng kiến của chính mình nêu ra. Anh ta nói:
- Nói đùa vậy chớ không được đâu!
- Tại sao?
Anh ta giải thích rằng muốn làm mẽ thì phải có một ít cơm làm cốt cán, rồi bỏ cơm nguội vào đó cho nó ăn, nó mới tiết ra cái chất chua đó được, chứ nếu chỉ có cơm nguội không thôi thì bỏ vào ga-men chỉ thu thập một mớ cơm thiu cơm thối chớ không có con mẽ được.
Chỉ có vấn đề con mẽ mà hai đứa cãi nhau hằng mấy tiếng đồng hồ. Rồi thỉnh thoảng mấy ngày sau, tôi lại khui ra mà “tranh luận” nữa. Tôi nói với Năm Cà Dom:
- Tôi nhớ hồi ở nhà, người ta cứ rắc cơm nguội vào cái thố thôi mà.
- Nhưng mà người ta có sẵn cốt cán trong đó rồi, bỏ cơm nguội vào nó mới ăn hiểu chưa ông anh. Cứ “cải giống” hoài.
Tôi ngồi thừ ra mà nhớ cá trê trắng tát đìa, con thật to thịt nó rất dai, khứa nó ra, hoặc nướng nguyên con, chốc chốc lại phết mỡ hành lên, thơm bát ngát.
Chao ôi!
Tôi kể cho Năm Cà Dom nghe cái món ăn đặc biệt đó ở quê tôi. Năm Cà Dom lắc đầu:
- Thôi đi cha, đừng có kích thích cái “thú tính” đó, tôi nổi điên lên tôi mần thịt cô văn công của cậu tôi nướng bây giờ đa.
Hai đứa cứ ngồi nói mây nói gió như vậy suốt ngày, không có chuyện gì làm, mà không dám ngủ vì ngủ thì sợ sốt.
Bỗng một hôm có chuyện xảy ra:
Hôm ấy, chúng tôi đang ngồi tán gẫu bỗng có một cậu có vẻ là giao liên, từ đâu không biết, xăm xăm đi vào chỗ tôi và hỏi:
- Có cô nào văn công ở đây không?
- Không có ai là văn công hết. – Thu vọt miệng đáp.
- Ủa, sao kỳ vậy cà?
- Có cô văn công ở đằng kia kìa. – Thu trỏ tay bâng quơ thế là cậu chàng lủi ra, không chú ý nhìn ai hết.
Cậu ta vừa đi khuất thì tôi hỏi Thu:
- Sao em trả lời như vậy?
- Lộn xộn lắm anh ơi.
- Sao em biết là lộn xộn? Biết đâu chừng ngoài trung ương cho xe hơi máy bay gì vô rước em.
- Xùy! Còn lâu!
Tôi cười, Thu tiếp:
- Hôm anh đi lãnh gạo, ở nhà em có gặp một cậu bộ đội tới đây nói chuyện với em rất lâu. Anh ta là cần vụ của một ông tướng đóng ở gần đây.
- Ông nào?
- Cái ông tướng mà viết truyện ngắn đó, anh biết mà!
- Ai kìa?
- Cái lão phê bình cuốn Mười Năm của Tô Hoài rách mướp ra đó!
Tôi vỗ đùi kêu lên:
- Thế à? Thế ông ta cũng vô đây à? Anh biết rồi! Ai chớ ông đó thì anh có thấy mặt!
- Ông ta văn võ song toàn anh nhỉ?
- Võ của ông ta thì anh không biết chứ còn văn thì không “toàn” đâu. Ông ấy viết còn nặc mùi chánh ủy.
Thu nói:
- Em không rõ, nhưng em đoán là ổng mời em vô hát múa cho mấy ông bự xem chớ gì! Em không có đi đâu. Em ghét lắm. Họ có coi mình ra cái gì.
- Sao kỳ vậy?
- Em cũng không biết tại sao.
- Sao lại không biết?
- Hình như những người đó họ xem nghệ thuật với cặp kính kỳ lạ!
- Thế à?
- Em đã bị rồi mà.
- Tệ thế!
- Ừ thì như vậy đó. Cho nên bây giờ em có ấn tượng không xoá được. Là: hễ có mấy ông to xem thì em diễn không được.
Một buổi sáng, giao liên cho hay:
- Chuẩn bị lên đường.
Bọn tôi mừng lắm, nhưng khi nghe rõ lại thì chỉ có các vị rẽ xuống Bác Kế mới đi , còn ai đi Ông Cụ thì cứ yên trí nằm chơi đó cái đã. Chưa có hy vọng gì nhấc chân lên nổi đâu. Năm Cà Dom nói với tôi ngay:
- Đổi đồ.
- Đồ gì mà đổi?
- Ậy! Cứ nghe tôi. Cậu soạn quần áo rồi đi theo tôi.
- Có sóc hoặc buôn à?
- Có! Có!
- Người gì? Bana hay Rađê?
- Người gì thì người, miễn có đổi cho cậu thì thôi.
Tôi nghĩ: bây giờ lại gặp may nữa rồi! Nhưng nghĩ đến chuyện vô sóc thì ớn quá đi mất!
Chập sau, tôi đi theo Năm Cà Dom. Ông bác sĩ đi trước với vẻ cương quyết lạ lùng. Đang đi, bỗng ông rẽ sang trái và lom khom chui tọt vào lùm cây và bảo:
- Mấy cha nà sắp rẽ xuống Bác Kế, tôi mới làm quen. Họ còn nguyên thịt chà bông và thịt kho mặn.
Không hiểu làm thế nào mà các chả để dành giỏi như thế. Cũng nên nói thêm một điều lạ lùng ra đây về vấn đề cấp phát thực phẩm cho người đi Trường Sơn. Kẻ đi gấp đôi gấp ba, còn kẻ rẽ xuống Bác Kế thì chỉ đi một tháng là tới, thế mà thực phẩm vẫn lãnh đều. Tuị đi Ông Cụ có cái gì thì lũ đi Bác kế được cái ấy thậm chí nhiều món nhiều hơn tốt hơn của chúng tôi.
Đó, cụ Hồ thương dân Nam Bộ chiếu cố chúng nó như thế đó. Bởi thế cho nên mới có sự đổi chác ở dọc đường thế này.
Những hình ảnh mà tôi ghi ra sau đây là những hình ảnh vô cùng bi đát cho cái chánh sách cải cách ruộng đất ở Miền Bắc.
Đoá như một ông nông dân bần cố hỉ ngồi trên một cái rễ cây ngoằn ngoèo như một con rắn đang cuộn mình lên. Còn một ông nữa ngồi soạn đồ đạc trong ba-lô. Họ đang tiếp tục soạn một số đồ để giản chính hoặc đổi chác với chúng tôi.
Tưởng ai đâu, chẳng ngờ đó là một người quen của tôi trước đây. Anh ta ở Cục Lắp Máy ở ngoài bò sông tên là Đoá. Tôi hỏi Đoá:
- Anh còn nhớ tôi không?
Đoá nhìn tôi một chập rồi nói:
- Hơi quen quen!
Sự thực thì không quen gì cho lắm nên Đóa không nhớ tôi cũng phải.
Đoá vớ lấy cái gậy trúc bên cạnh. Đó là cái chân thứ ba, vừa là cái điếu cày của Đoá.
Đoá mang đi từ Hà Nội hai kí-lô thuốc lào. Đoá nén chặt nó vào một cái túi mủ ấn vào dưới đáy ba-lô xem như đó là thuốc tẩm bổ cho Đoá trong lúc đi đường. Vì anh chàng có sắm một cái điếu cày “poọc-ta-típ” tức là cái điếu rất nhỏ có thể giắt gọn trong lưng. Khi cần Đoá lấy ra hút một cách hết sức chớp nhoáng và giắt vào lưng cũng một cách hết sức chớp nhoáng làm cho người bên cạnh không kịp xin.
Mặc dù Đoá đã chuẩn bị chu đáo đến như thế, nhưng bợm ghiền vẫn cứ xin một cách “vô ngại”.
Cho nên Đoá vứt cái điếu cày đó đi mà chế tạo một chỉếc khác. Đoá làm ngay trong chiếc gậy trúc của Đoá. Có gì đâu, chỉ cần khoét một cái lỗ ở trên đầu chiếc gậy gắn vào đấy một cái nòng con, rồi chế vào đấy vài chục phân khối nước, thế là xong một cái điếu cày.
Đoá lấy làm thích thú về sự sáng tạo này. Nó giải quyết cơn ghiền rất thuận tiện, ngay trong lúc đang đi. Như vậy Đoá sẽ không bị chậm trể một bước nào. Và nếu có ai xin thì Đoá bảo gậy mình mắc chống, không thể đưa cho mượn được. Thấy làm như thế có kết quả, Đoá cứ xơi thuốc trong lúc đang đi, còn khi nghỉ xả hơi thì Đoá ngưng hẳn, không hút một điếu nào.
Có lẽ Đoá thấy khách đến để dạm hỏi đổi đồ, cho nên mới mang cái “điếu gậy” này ra để mà vừa mời khách vừa biểu diễn. Đoá tra thuốc, châm lửa, rít khe khẽ. Nước bên trong reo lên sòng sọc. Đoá thổi phù một cái, nước bắn nhẹ ra đằng nòng, rồi lại tiếp tục xơi thêm điếu nữa.
Thuốc lào của Đóa đựng trong một cái ống tuýp thuốc Dagénan đã tróc hẳn hết sơn. Đoá móc ra một tí tẹo thuốc, có thể đếm được từng sợi. Những sợi thuốc đen bị hai ngón tay tẫm nhựa vàng sậm và sành sõi vê lại thành viên to bằng hạt tiêu. Đoá tra vào nòng và lại bật lửa châm hút.
Đoá làm tất cả những việc trên với những cử chỉ thật kỹ lưỡng, không để đánh rơi một sợi thuốc, không để cho cái bật lửa cháy lâu, không để cho liều thuốc cháy sót một tí nào nghĩa là anh ta tận hưởng hoàn toàn cái liều thuốc của anh ta không để phí đi một sợi khói.
Khi đã hít trọn vẹn tất cả nhựa sống vào lồng ngực của anh ta, thì anh ta mới từ từ quay sang một bên và phun khói ra có vòi từ trong mũi trong mồm, từ cả hai khóe mắt, tất cả khói được phun ra từng chập có sự tính toán tiết chế, sao cho thần kinh hệ của anh ta đắm đuối đầy đủ trong cái mới khói và nhựa của liều thuốc.
Rồi gật gà, gật gù cái đầu trọc tóc đang ra tua tủa như một trái gáo, với cặp mắt mơ màng, Đoá ngoách sang chúng tôi đang ngồi ngắm hắn như xem một trò ảo thuật.
- “Làm” một phát đi cậu!
- Cậu làm cho đoả đi rồi mình làm.
Năm Cà Dom lắc đầu. Khoái ngồi bên cạnh đón lấy ngay. Khoái bật lửa và hơ vào đầu điếu có tính cách khử trùng, rồi lại hút. Tuy là bạn bè nhưng thuốc ai nấy hút. Thuốc của Khoái đựng trong một cái hộp dẹp nhỏ bằng cái bánh bích-quy.
Rít xong một điếu, Khoái cong năm ngón tay lên cào lia lịa trên cái đầu tóc bù xù và hỏi tụi tôi:
-Các đồng chấy có món gì đặc biệt không hỉ ?
- Thì quân áo lụa Hà Đông, đồ kaki. Cậu còn muốn đòi tiên đòi voi gì nữa hả?
- Đâu đưa tôi xem.
Tôi ném cả ôm đồ của tôi xuống đất cho Đoá và Khoái. Cả hai vồ lấy, cầm từng chiếc nâng lên xem tận mắt, và bứt bứt bấm bấm từng nơi để thử xem vải có mục không .
Tôi nói.
-Không có mục đâu mà sợ.
Khoái kê vào mũi và nhăn mặt bảo:
-Chua lòrn!
- Ừ thì bỏ trong ba-lô chớ phải ở Hà Nội sao mà bắt bẻ. Không đổi thì thời tôi mang về cất. – Năm Cà Dom nói xẳng giọng nửa chơi nửa thiệt. Cho mấy cha ~ không có quần áo phải vấn khố bỏ mạng chơi!
- Hừm, khu mình có vải xi ta chớ.
- Hồi đánh Tây kìa chớ bây giờ còn cái xưởng ma nào đâu mà dệt xi ta với xi tô. Tôi thấy bảo là trong khu các ông ăn toàn ngô mà tôi ớn xương sống.
- Ớn vì, ăn mãi rồi nó cũng quen !
Năm Cà Dom có lẽ hơi giật mình về cái ” tịch” trốn thoát khỏi cái ngã rẽ xuống khu năm cho nên Năm hỏi dò:
- Nhưng sao các cậu về khu năm mà không rẽ xuống ở ngoài kia mà đi tuốt luốt về tới trong này vậy ha?
- Khu năm rộng lắm chớ ông bạn. Nếu công tác các tỉnh ngoài kia thì mới rẽ xuống cái ngã đó, còn bọn này thì đi vô tỉnh giáp ranh khu sáu.
- Chơi tréo cẳng ngỗng thế. Cá ccha ở Quảng Nam mà họ lại cho các cha về Bình Định, Phú Yên công tác à?
- Chơi thế mới chết người. Bọn tôi đang thắc mắc một bụng đây!
Tôi đang lo Năm Cà Dom lộ bí mật về các việc đi lậu của anh ta, thì anh ta lại xổ ngay ra vấn đề đó.
- Tôi đây này cũng bị chơi tréo giò. Ai đời mình ở Hóc Môn mà nó lại phân công về Bình Định.
- Thế à ? Cả Khoái và Đóa trố mắt nhìn Năm Cà Dom.
- Thế thì đi vô chơi với bọn mình.
Tôi nháy Năm Cà Dom, nhưng Cà Dom cứ nói tướng lên:
- Tớ cũng về Bình Đinh đây, đi cùng đường với các cha cho vui. Bởi vậy nên đổi đồ rẻ rẻ nghe ! Có gì thì sau này tớ cho ăn ké. Chớ đổi đắt quá, sau này tớ không cho rớ vô đó !
Tôi phục Năm Cà Dom thật. Anh ta làm gì cũng có chuẩn bị trước hết.
Khoái nói:
- Bộ đồ bà ba lụa Hà Đông này thì tôi đổi cho đồng chí nửa lon kho mặn được không ?
- Được Tôi đáp. Hộp kho mặn đâu rồi ? Đưa đây.
- Còn tất cả các thứ kia nào khăn, áo tay ngắn, áo thun thì đổi nửa hộp nữa được không ?
- Được rồi ! Đưa đây một hộp kho mặn rồi lấy hết chỗ đồ đó.
Tôi cứ nói luôn không ăn phải chờ ý kiến của Năm mặc dù đồ đó phần lớn là của Năm, chớ tôi đâu còn món gì đáng kể. Tôi đã để lại tất cả cho đám người Thượng trong một cái buôn vô danh ở sau lưng tôi rồi.
Không biết nghĩ sao mà Khoái lại cằn nhằn:
- Những thứ này các đồng chí đã mặc cả rồi.
- Thì mặc rồi, nhưng còn mới. Có chịu đổi thì đồi, không đổi thì thôi. Cà Dom gắt ầm lên, làm như con buôn chợ đen ở chợ Đồng Xuân vậy. Đây là sự trao đổi tương đối có lợi cho hai bên chớ phải con buôn đâu mà các đồng chí ke re kéc réc tùng chút vậy ?
- Thì tôi cũng nói vậy thôi. Muối trên đường này mà, quý hơn vàng, chớ đâu có phải là đồ bỏ ?
- Nhưng mà về đó cái là muối trở thành đồ bỏ ngay mà.
- Ông bạn lạc hậu rồi . Bãi biển khu năm bây giờ bọn này không có mò xuống đó được như trước kia. Từ trên núi xuống cho thấu biển thì hàng tháng đấy ông bạn ạ, mà có nhiều khi, có đi mà không có về.
- Ai bảo?
- Quê tôi mà tôi không biết hay sao ?
Bỗng Đóa đánh đốp vào đùi một cái rõ to.
- Uổng quá ! Đến đây mình mới tiếc ngẩn tiếc ngơ.
Khoái quay lại:
-Tiếc cái gì?
Đóa gãi đầu gãi tai:
- Nếu mình “cày” được khỏi đi chuyến này thì ở lại ngoài đó mình mua được một cái “ô ri ông. “
- Cái ô-rây-dông hả?
- Không, “ô-ri-ôn” là đài radiô của Hungari.
Khoái chắn ngang hỏi:
- Còn cái đài “ốp ta oa “ của cậu to bằng cái thùng thiếc đó để làm gì mà phải mua thêm một cái nữa ?
- Mình mua được cái nọ thì bán cái kia chớ !
Khoái càu nhàu:
- Anh suýt nữa bị khai trừ vì mấy cái vụ buôn bán radiô đó. Ai đời gần ngày đi rồi mà cứ đòi xin ở lại để bán mấy cái radiô . Anh coi công tác cách mạng chẳng ra cái đếch gì cả.
Đoá cãi lại:
- Quan trọng cái thớ gì. Nằm đây hằng tháng rồi. Có đi đâu được không ? Nếu để tớ ở lại ít ngày tớ bán cái radiô lời được mấy chục bạc. Đằng này vì gấp đi bán đổ bán tháo. Tiếc tiếc là ! Mình mua cũng mất tiền dữ lắm chớ đâu phải xin người ta mà có được !
- Sao không ở ngoài luôn ôm cái radiô đó mà sống ?
Tôi ngại phải chứng kiến một sự bùng nổ giữa hai người. Nhưng xem vậy mà không quan trọng gì cả. Đóa cười khi khì và gọi ông bác sĩ Năm Cà Dom đang xem xét hộp kho khô.
- Ông bác sĩ ơi!
- Gì đó?
- Tớ cho xem cái này ! Đóa vớ lấy cái điếu gậy làm một điếu và lại nói rất phấn khởi. Cậu Khoái cậu đần bỏ mẹ đi đấy. Ai đời có chiếc xe đạp “Súp-pe-gốp” (Super Globe) lại bán rẻ mạt. Phải chi cho tôi hay, tôi đổi cho được ít nhất vài công đất.
Cà Dom hỏi:
- Đất gì ? Mua ở đâu cái thời buổi này mà mua được ?
- Được chớ.
- Người ta vô hợp tác xã tám, chín mươi phần trăm ai dư đất đâu mà bán vậy chớ. Ai bán đất, ai mua đất cũng bị khai trừ bỏ mạng !
- Không ! Tớ mua trong miền Nam quê tớ kia mà.
- Trời đất ? Làm sao mà mua vậy ?
- Vậy mà tôi mua được chớ ! Đóa lấy làm hãnh diện móc trong túi ra một tờ giấy nhỏ bằng trang giấy học trò trao cho tôi và Năm Cà Dom
- Đọc xem !
Năm Cà Dom cầm lấy, tôi cũng liếc mắt vào:
TỜ BÁN ĐẤT
“Tôi là Võ Văn Mịt đồng ý bán một mẫu đất của vườn tôi thuộc khoảnh gia cư do em trai của tôi là Võ Văn Mờ hiện cư ngụ tại đó với giá tiền là hai trăm đồng
Vậy khi ông Lê Đoá trình giấy này ra dù mọi quyền sở hữu của mảnh đất này đều thuộc về ông Đoá.
Hà Nội, ngàu… 1965
Ký tên
Đóa cười khè khè:
- Phen này về là tôi tha hồ trồng cây ăn trái.
Năm Cà Dom trao mảnh giấy lại cho Đóa và nói:
- Các cha làm bậy bạ quá. Phạm chánh sách chi bộ, nó kiểm thảo các anh xanh xương gà ác đấy. . .
- Cái gì mà phạm “chánh sách” ? Nó ‘ưng bán thì mình ưng mua chớ! Đất bỏ trống không có ai làm mà. Mình về mình tăng gia sản xuất chớ sao. Úy úy coi chừng, mấy hạt giống của tôi đâu rồi.. Chu choa, các cha ngồi trên đó rồi. Mắc mưa tôi sợ nó lên mọng cho nên tôi đem nó ra phơi đó !
Tôi ngồi nhóm lên, thấy có một nhúm lúa.
- Giống Nông Nghiệp I, Nông Nghiệp II đó các cha. Đem về cấy vào đất Bình Định thì hít thôi.
Năm Cà Dom cười:
- Nói vậy các cha định về trong đó cấy cày món ăn sao ?
- Thì phải tính tới đường đó chớ. Mình già rồi, về trong đó tranh sao lại bọn trẻ?
Năm Cà Dom hỏi tiếp:
- Nhưng làm sao mà anh mua được vậy ?
- Cũng dịp may thôi, thằng Mịt nó vô trường đi B cũng ở với mình một Chi. Nó tâm sự với mình có miếng đất như thế. Chừng về tới nơi hai đứa sẽ sản xuất. Đóa nói với giọng buồn buồn. Không nói giấu gì đồng chí. Tôi nay bốn mươi tám tuổi rồi, trẻ trung gì nữa. Kháng chiến chín năm hết sức lực. Ra Bắc ở mười hai năm chịu mưa phùn gió rét với lại đi làm công trường làm cầu mất năm năm. Cầu Đò Lèn, cầu Ninh Bình đều có tôi. Cầu Làng Giăng, cầu Lao Kay cũng có tôi. Còn sau này thì đi làm công trường đập đá mất bốn năm. Bệnh mất một năm mười một tháng sáu ngày. Còn chi là sức lực. Càng già càng yếu chớ đâu có mạnh lên được. Lại thêm mưa phùn gió bấc mình không quen. Bây giờ tôi biết tôi yếu lắm. Về tới nơi là chỉ còn một tí sức lực nữa thôi. Hoạt động chừng một năm là nằm mép rồi. Chừng đó ai nuôi ? Vợ con hồi mình đi tập kết đem hết ra ngoài đó. Bây giờ quất ngựa về một mình. Ai
nuôi ? Cho nên phải tính kế trước chớ.
Đóa nói tiếp:
- Nói thiệt với đồng chí, chẳng phải mua đắt đỏ gì. Tôi đưa cho thằng Mịt cái radiô Liên Xô với chiếc xe đạp coi như ba trăm bạc để về trong quê lấy miếng đất của nó.
Năm Cà Dom hỏi:
- Thế anh ta không đi à ?
- Gần đến ngày đi, anh ta bàn việc buôn bán với tôi như vậy rồi đập bệnh ở lại luôn.
Ban đầu tôi nghe câu chuyện mua bán đất đai thì lấy làm xem thường cái anh Huyện ủy này, nhưng khi nghe trọn đầu đuôi thì tôi rất thương tâm. Cuộc chiến đấu dưới sự điều khiển của các tay tổ thật là vô nhân đạo. Họ chỉ ngắm cái đích còn xác rơi hai bên đường thì không cần đếm làm chi.
Công việc của Đóa làm cho tôi bắt suy nghĩ đến số phận mình. Tuy tôi còn ít tuổi hơn Đóa, nhưng tương lai tôi có khác gì. Rồi đây mình sẽ đi đến cái ngày bi đát đó. Mải mê làm cách mạng mà ngày già nua đã đến mà không hay, hai mươi năm trời bất biết cha mẹ gia đình cố hương.
Một đêm nọ chàng văn sĩ chợt tỉnh nửa đêm nghe tiếng con cú kêu ở ngọn cây cao, nhớ quê nhà, nhớ song đường mới biết rằng mình bất hiếu.
Tôi đâm ra thương anh Huyện ủy viên này. Tôi hỏi:
- Thì ra đất Bắc anh không được công tác gì đúng trình độ anh hay sao ?
- Đúng cái gì mà đúng. Ở trong Nam tôi làm huyện ủy. Ra đất Bắc tôi suýt đi gác cổng. Cũng may người ta cho tôi đi làm trong đội cầu. Lặn lội với sắt, siết bù lon, sơn cầu v.v… mình không có nghề nên chuyện gì cũng phải làm. Mình có tranh đấu xin việc nhẹ thì nó bảo: Đảng viên phải gương mẫu. Thế là thôi. Kịp đến khi có phong trào về Nam thì nó móc mình lên từ dưới bùn đen. Nó lại cho mình về. Mình nói mình già rồi. Vợ con mình ở ngoài này cả. Vả lại mình bệnh, yếu sức. Nhưng nó lại cũng bảo: “Đảng viên nọ kia ! ” Thế là phải đi. Đấy đồng chí xem, bây giờ chồng Nam vợ Bắc. Vợ tôi nó đòi đi theo. Đi làm sao được mà đi ?
Tôi nhìn Đóa. Tội nghiệp anh ta hết sức.
Bao nhiêu những cá tính, những chuyện lặt vặt trong sinh hoạt tôi đều thấy không có nghĩa lý gì, so với một đời cần cù lao lực của anh. Con người anh, tuy tôi không quen nhiều nhưng nội cái việc mua đất cũng đủ làm cho tôi hiểu cái tính cần mẫn và biết lo xa của anh. Tôi nói:
- Nếu ở ngoài đó hay cái việc anh mua đất, thì nó sẽ khai trừ anh chết tươi .
Đóa cười:
- Hay làm sao hay được. Vô tới đây tôi mới cho vài anh em biết thôi mà cho dù có khai trừ tôi cũng chịu. Mình phải tính đến cái gì cụ thể hơn, già rồi, đâu có đi theo cái chuyện mông lung mãi được?
Tôi và Năm Cà Dom cầm hai cái nửa hộp lon kho khô đi về lều vẻ mặt hớn hở như vừa đạt được một cuộc đại chiến thắng. Chúng tôi biết ở đây là cái cửa khẩu rất lớn, có voi vận tải, cho nên mới có muối có khô. và cậu thủ kho mới bán cho mình dễ dàng như vậy Tôi bèn rủ Năm Cà Dom đi lùng tìm thêm thực phẩm và chất tươi.
Nghĩ mà thương anh bạn khu năm. Đúng là tuổi nào mơ ước nấy. Những sự dự tính và tương lai của anh ta làm cho tôi suy nghĩ. Chợt nhớ tới cái thằng “tôi” đâu còn là trẻ trung gì nữa, mà đã quá nửa đời người rồi. Sự nghiệp đúng là lem nhem ba lá sách mà cũng cứ nghé ngọ mãi, có ra cái chi đâu.
Con người ta, ai cũng đều phải có hai phần đời một là sự nghiệp của mình, hai là đời tu.
Con người ta ít ra cũng phải biết vui thú gia đình chứ. Cách mạng thì cách, chớ đâu cỏ thể bắt người ta trở thành cái cây trụi không lá không cà không hoa không trái!
Nếu hỏi cho kỹ lại về động cơ thì một trăm người về Nam có đến một trăm lẻ một người chán ghét miền Bắc và chín mươi chín người về để kiếm vợ theo câu “Ta về ta tắm áo ta, dù trong dù đục ao nhà đã quen”
Tôi nhớ lúc tôi đi qua những vùng có lẽ là khu năm, tôi gặp những cô văn công Hà Nội đi vào công tác ở K5 đi lãnh cái ăn. Tôi dùng riêng tiếng cái ăn vì nó phức tạp, nó kỳ cục, không thể gọi là thực phẩm. Cái ăn của anh chị em văn công này là lúa và bắp. Tôi thấy tôi lắc đầu, nhưng những anh chị em ấy bảo như thế hãy còn là quí hóa ! Nhiều khi đi lãnh lúa lãnh bắp không có thứ nào cả, phải đi về không, bụng đói chân không muốn bước, nước mắt ròng ròng. Văn công vô khu năm đâu có biểu diễn, vì đâu có chỗ nào để dựng được sân khấu, và đâu có ai có kiên nhẫn ngồi coi văn công. ..
Lãnh được lúa về mới đi vào buôn sóc mượn cối mượn chày mà vọt ra gạo.
Anh bạn Đóa có lẽ đã biết trước cái cảnh kháng chiến chống Pháp ngày xưa ở quê nhà rồi, cho nên mới nghĩ đến việc mua đất đai về phòng thân.
Cái việc này xem ra là phản chánh sách. Lúc đầu ở Hà Nội tôi có nghe chuyện này.
Tôi nghĩ như vậy, nhưng khi tôi vào đây thì tôi lại nghĩ khác ngay. Người ở trong cảnh mới có những ý nghĩ chính xác và thích hợp về hoàn cảnh đó.
Chỉ cái việc ăn dọc đường mà rắc rối thế đó. Ở Hà Nội dù có một bộ óc phi thường đến mấy cũng không nghĩ ra cái sinh hoạt ở trên con đường này. Thế mà họ dám bày đặt ra cả một chương trình hành quân đại qui mô với sức tưởng tượng của họ.
Bây giờ đi vô đây mạnh thằng nào thằng ấy bơi. Cho nên khi nghe ở đây có một cái cửa khẩu lớn có rất nhiều chất tươi thì tôi và Năm Cà Dom rủ nhau đi tìm. Trước khi đi tôi dặn kỹ Thu ở nhà trông chừng đồ đạc rồi chúng tôi mới đi.
—>Chương 14
- 14 -
Chúng tôi đi theo con đường mòn chúng tôi đã đi lãnh gạo. Thật là phiêu lưu. Nhưng cũng cứ đi. Vì tôi có nghe đồn là có một người bạn của tôi tên Bảy Nguyện làm xếp cái cửa khẩu này. Tìm được y thì đỡ lắm.
Nhưng không hiểu ma dắt lối quỉ đưa đường thế nào mà chúng tôi đi lọt vào một trại tù binh. . . Thế mới chết . Cho đến bây giờ trong óc tôi vẫn chưa phai mờ về cái trại gọi là trại tù binh đó (xin tạm mượn cái lối nói của các nhà chánh trị: Cái gọi là...)
Không ngờ ở giữa rừng này lại có một cái trại để cầm tù những người như thế. Không phải tôi vào đó một cách dễ dàng đâu. Chúng tôi lọt vào khu vực trại tù và bị bắt đưa tới ông cai ngục.
Ông ta là một ông già, râu ria xồm xoàm, tóc tai bù xù.
Khi chúng tôi tự giới thiệu thì lão rất mừng . Lão bèn tiếp chuyện với chúng tôi rất vui vẻ. Lão hỏi chúng tôi:
- Các anh có muốn xem tù nhân không ?
Bác sĩ Năm Cà Dom lắc đầu, nhưng tôi thì xin được xem thử có cái gì ở đây. Xem nó có khác với nhà tù ở Vinh và Hỏa Lò Hà Nội hay không ? Cho nên tôi đáp:
- Nếu cụ cho phép thì tôi xin xem.
- Hừm, tôi mà cụ gì. Anh rủa tôi ư?. ông già phản đối một cách vui vẻ. Trông tôi già lắm hả ?
- Có lẽ …
- Không ! Tôi chỉ mới bốn mươi hai tuổi thôi. Chẳng lớn hơn anh là mấy đâu.
- Nhưng trông… đồng chí… già đi nhiều quá.
- Tôi coi cái trại tù này ngót năm năm rồi, nghĩa là từ khi có chiến tranh xảy ra ở miền Nam.
Rồi ông ta đưa tôi đi. Ông ta giải thích:
- Tôi sẽ cho ông nhà văn xem cái hầm nhốt một tên đầu sỏ vừa cầm đầu một vụ vượt ngục, bi lộ, bi bắt trở lại, nhốt dưới hầm.
Ông cai ngục dắt tôi đi qua một cái cửa và một cái hàng rào làm bằng thân cây rừng mỗi chấn song to bằng cột nhà.
Xong ông Cai mới đến một chỗ, bảo một cậu cần vụ giở một cái nắp hầm cũng bằng gỗ ra và bảo tôi nhìn xuống dưới hầm. Tôi nhìn xuống đó. Ban đầu thì tôi không trông thấy gì cả nhưng chỉ sau vài giây thì tôi trông thấy một cái thân người nằm cong quắp như con tôm kho tàu, vì cái hầm hẹp không đủ cho anh ta duỗi thẳng chân ra.
- Này, thằng kia !
Ở dưới đáy em thấy có sự cử động rồi hai chấm sáng chiếu thẳng lên phía tôi. Có lẽ hắn ta đang nằm úp mặt vào vách hầm, nghe tiếng gọi mới quay nhìn lên tìm tí ánh sáng. Chắc anh ta chỉ tìm ánh sáng thôi, còn ngoài ra không có mục đích gì khác, bởi với hắn cũng thừa biết rằng mỗi lần người ta gọi hắn thì chẳng có điều gì tốt lành.
- Anh xem đó, ông Cal nói với tôi, hàng rào, hầm hố như vậy đó mà tụi nó dám tổ chức vượt ngục. Bởi vì tụi tôi cũng thả lỏng mỗi buổi sáng được vài phút cho chúng tập thể dục để ngừa bệnh phong tê. Chúng thừa một hôm anh gác bất ý, chúng xông ra tấn công
Ông Cai kể tiếp:
- Thằng này là đầu sỏ. Hắn đã vượt ngục một lần ở trại trên kia, ba thằng đều bị bắn chết. Hắn còn sống sót đấy. Chúng làm sao chạy thoát được. Đường đi nước bước ở khu rừng này chúng tôi thuộc như chỉ trong lòng bàn tay mà. Chúng nó chạy một buổi, chúng tôi chắc chắn còn theo kịp. Thằng này là lính gì không rõ mà dữ lắm. Hắn nói cũng ghê. Miệng lưới lắm. Một hôm có đồng chí Thượng tá Phó chánh ủy quân khu đền mời tất cả bọn chúng lên nói chuyện chơi. Đồng chí Thượng tá kể cho chúng nghe về những ưu đãi của đảng và chánh phủ đối với cán bộ nhà nước ở ngoài Bắc và bảo chúng nó hãy kể lại những ân huệ mà chúng được hưởng của chánh phủ Sài Gòn.
Ông Cai ngừng lại một chút rồi kêu lên:
- Mẹ kiếp, tôi nghe xong thì thấy mình tồi quá. Chẳng ra cái nước non gì cả. Nới về cái sự đi đứng ăn ở của nó thì mình không đi tới đâu cả Tội nghiệp, thế mà đồng chí Thượng tá của mình lại cứ tự mình là nhất thế giới cho nên mới bày ra cuộc nói chuyện đó. Chẳng dè nghe xong đồng chí ta mới ngã ngửa ra và suýt nổi quạu với thằng tù binh kia. Cho nên khi chấm dứt cuộc nói chuyện thì đồng chí bảo nhỏ tôi phải tìm cách chế ngự bọn này. Nếu để nó phun cái mùi phản động ra thì cả cán bộ ăn cai ngục đều bị nó mê hoặc: Kịp khi thằng này vượt ngục bi bắt lại thì đồng chí mật lệnh cho tôi. . . ba ngày cho nó ăn một lần.
Ông Cai lôi tôi ra đi về một dãy hầm khác và nháy nháy nhìn tôi tỏ vẻ ngại thằng tù dưới hầm nghe được.
Ông Cai hỏi tôi:
- Đồng chí có muốn xem Mỹ không ?
- Ở đây có Mỹ sao ?
- Có chớ!.
- Nhiều không đồng chí ?
- Vài thằng thôi! Ôi chao ! Cái thằng Mỹ thật kỳ lạ !
- Đây làm sao bắt được chúng nó ?
- Đánh trận bắt được, người ta đưa về.
Đứng trước hai tên Mỹ bi cùm trong gông, tôi không dám nhìn lâu. Chân chúng nó thọc vào một cái thân cây sả làm đôi có khoét lỗ vừa ống chân, một thằng thì chỉ thọc một chân vào còn một chân được tự do, còn thằng kia thì thọc cả hai chân vào, cứ ngồi như thế không xoay trở được.
Tôi vội vã xin trở ra ngay. Tôi không muốn đứng lâu trong ngục không muốn nhìn sự hành hạ, tra tấn của bất cứ ai đối với bất cứ ai.
Tôi đã nhìn thấy một cái củi gỗ nhốt chặt một tên Mỹ cách đây độ vài tuần lễ. Bây giờ tôi lại được xem cái cảnh đó tái diễn. Thật là khốn khổ.
Hai thằng Mỹ không biết trước đây ra sao, bây giờ như hai con sem-băng-dê khổng lồ, gần như lông lá trần truồng ngồi tô hô đưa chân vào gông, một thằng thì nằm dài ra, còn một thằng ngồi, hai tay chống tay ra phía sau. Chúng nhìn tôi có lẽ không có một xúc cảm.
Chúng cứ đờ đẫn ngây dại. Nhìn tháng ngày qua chúng có cảm giác gì ? Quê hương, gia đình . .. Không ai hiểu được.
Tôi đã trông thấy những tên Mỹ nhiều lần lúc tôi còn ở Hà Nội. Một lần ở Vinh, một lần ở Hỏa Lò và một lần khác ở Quảng Bình. Những tên Mỹ ở đây trông hãy còn chưa thành ngợm. Nghĩa là trông thấy chúng người ta còn biết rõ đó là những con người chưa lẫn với những con vật.
Tôi đã từng trông thấy những anh Mỹ bị bắt ở Quảng Bình, đại khái có một anh gọi là thiếu tá phi hành gia Sumaker bị bắn rơi cách thị xã Quảng Bình đâu vài chục cây số. Nghe nói anh ta không khai một điều gì ngoài ba điều: tên họ năm sanh và chức vụ. Những kẻ bắt được hắn không biết làm sao khai thác, đã dùng báng súng. Nhưng cuối cùng họ vẫn không đạt được mục đích. Họ phải dùng thủ đoạn khác. Nửa đêm họ vứt Sumaker lên xe chạy một mạch lên một ngọn đồi hoang, tống chàng ta văng xuống đất và chĩa súng vào ngực bảo khai. Nhưng Sumaker vẫn không nói gì ngoài tên tuổi và chức vụ của mình.
Nhưng đó là những điều không cần thiết bởi vì anh phi công nào mà chằng có ba điều đó trong cái thẻ quân nhân cất trong túi áo, túi quần.
Cuối cùng, họ đưa Sumaker đi. Đi hơn một ngày, mới đến nơi. Vừa đặt chân xuống đất Sumaker đã nói ngay: ” Đây là Hà Nội!”
Các người giải hắn đi thảy đều ngạc nhiên, không rõ vì sao mà thằng Mỹ này biết ngay cái địa điểm mà hắn chưa từng quen biết?
Tôi còn gặp một anh Mỹ khác trên chiến trường Vinh vào một đêm mùa hè năm 1965. Lúc đó thành phố Vinh bị đánh tan tành, không còn một người đân nào cư ngụ trong thành phố.
Tôi đã trông thấy những chiếc xe bò của sinh viên chở sách và học cụ tản cư khỏi thành phố, dưới ánh sáng của những chiếc pháo sáng máy bay Mỹ bắn tua tủa trên nền trời.
Ở đây pháo thủ ăn cơm trên mâm pháo và chỉ huy trưởng trận địa không bao giờ dám rời hầm chỉ huy, không bao giờ dám rời ống nghe, máy ngắm và các dụng cụ chỉ huy khác.
Một đêm tôi đang nằm chập chờn không ngủ được, thì có người đập tôi dậy và bảo:
- Có đi coi Mỹ không?
- Mỹ ở đâu mà coi? Tôi vừa dụi mắt vừa hỏi.
- Mỹ ở ngoài trận địa kia.
- Ở đâu có vậy?
- Không biết ở đâu.. hình như ở Đô Lương mang về.
- Thế hả.
Thế là tôi vừa giụi mắt tiếp, vừa bước đi chân thấp chân cao đi theo người ta ra coi Mỹ.
Tôi soi đèn pin lên. Chao ơi, hắn cao hơn tất cả mọi người hai cái đầu. Ấy là hắng đang gục xuống và chân không giày.
Người ta đùn hắn vào trại giam của tỉnh. Tôi cũng đi theo như một đứa trẻ con đi xem múa lân ngày Tết.
Tôi nom thấy rõ ràng dòng chữ in trên áo hắn mà tới nay tôi còn nhớ rõ ràng: Mac Kamey. Da hắn nâu, tóc hơi xoăn, mặt hắn nhô hẳn ra phía trước như một cái mũi tàu.
Người ta móc trong túi hắn ra một trái chanh còn xanh, lột tất cả đồ tư trang trên người hắn, cả sợi dây chuyền đeo trên cổ hắn (hình như đó là bảng loại máu của hắn). Hắn bảo là đồ riêng của hắn nhưng người ta đáp rằng hắn không được quyền giữ một thứ gì trong người hắn. Một người hỏi: trái chanh này mày mua ở đâu? Hắn đáp ở Philippine.
Rồi thôi. Sáng hôm sau tôi mới gặp lại Mac Kamey ở cái phòng khi đêm tôi đã trông thấy hắn. Tôi được biết thêm hắn là đại úy, nhờ mấy người làm ở nhà tù nói ra.
Người ta cho hắn một mảnh bánh mì trét mắm ruốc, hắn không ăn. Hắn không tỏ ra chút gì sợ sệt. Hắn nom một chú cóc con. Hắn cúi xuống nhặt lấy, đặt lên bàn tay rồi thầm thì với nó, ngây thơ như một thằng cu, trong khi người ta đứng chật ních cả hai bên cửa nhòm ngó hắn. Nhưng vô phúc cho hắn, một chiếc xe jeep đến.
Từ trên xe bước xuống một người. Hắn ngạc nhiên vì có lẽ hắn chưa từng trông thấy người Việt Nam nào to lớn như người nầm.
Đi cùng với người người kia còn có hai anh mang súng AK. Cái anh chàng to lớn kia đi ngang qua mặt Mac Kamey thì tôi nom thấy anh ta cao đến mép tai của thằng này, nhưng bề ngang thì to gấp rưỡi.
Anh ta ngồi vào bàn và, bằng một ngón tay, anh ta vẫy Mac Kamey tới. Anh ta vừa gọi, Kamey chưa kịp bước tới thì anh ta đã xô ghế đứng dậy bước ra khỏi bàn, giơ chân “sút” một cái vào chấn thủy của Mac Kamey đang lơ mơ không kịp đề phòng. Kamey lộn một vòng, văng qua thềm, rơi xuống tam cấp và lăn khoè nằm rên ở giữa sân.
Hai anh mang súng AK lôi Kamey vào.
Anh chàng to lớn vẫn đứng đó, nghếch mặt hỏi bằng tiếng Anh:
- Ai bảo mày đi tới đây ném bom?
- Tôi không biết ạ!
- Mày đi với ai?
- Tôi không biết.
- Mày ném bom được mấy lần rồi?
- Tất cả những điều ông vừa hỏi, tôi đều không thể trả lời được.
- Tại sao?
- Tổng thống Johnson không cho phép.
Anh chàng khổng lồ kia thộp ngực chiếc áo da phi công của Kamey quay một vòng và nghiến răng lại:
- Tổng thống mày không cho phép nói, nhưng tao bảo mày phải nói.
Đốp..đốp…đốp… vô hồi kỳ trận. Những cú giáng liên miên không ngừng vào thái dương của Kamey, không thể đếm kịp, không thể đếm hết. Người xem có cảm giác là anh ta đang thoi vào bao cát tập võ. Xong một hiệp, anh ta buông tay ra, đồi sang bên tay kia và lại thoi như trời giáng vào thái dương bên kia của Kamey.
Cái khuôn mặt của anh phi công Mỹ vốn đã xẹp, sau hai hiệp bị nện, tôi tưởng nó đã dẹp lại nhu một đồng xu.
Kamey ngã qụy xuống đất. Lập tức hai anh cận vệ nện báng súng vào tấm lưng của Kamey theo kiểu đồng bào Thượng vọt lúa chày đôi. Rồi họ lôi Kamey vất lên xe Jeep chạy vút đi. Không biết đi đâu nữa.
Cho nên lần này tôi gặp mấy chàng con cưng của Mỹ quốc bị tra chân vào xiềng thì tôi vụt nhớ tới anh chàng Kamey tội nghiệp. Không biết cực hình nào sướng hơn. Đòn hay xiềng?
Tôi hỏi anh Cai ngục:
- Mình cho bọn nó ăn gì?
- Rau.
- Nó chịu sao nổi?
- Chịu không nổi hả!… hi ..hi..cũng ráng mà chịu chứ. Nhưng đôi khi tôi cũng cho nó ít sắn, ngô. Rồi cũng chịu được cả đồng chí ạ! Như tôi đây, tôi có làm cai ngục bao giờ đâu thế mà tôi vẫn làm, tôi vẫn quen với đám tù này. Tôi mong một đêm nào đó khi ngủ thức dậy thì cả lũ này chết tiệt hết cho tôi nhờ. Thế là khoẻ nhất cho tôi.
Anh Cai ngục còn nói:
- Tụi tôi còn không có cái ăn, chúng nó tài gì? Tụi tôi còn phải nhịn đói đây mà. Tù càng đông, chúng tôi càng đói, vì cũng từng ấy khoai mì, nhưng phải chia mỏng ra anh hiểu không? Nhưng mình không dám để cho nó chết. Nó chết là mình phạm chính sách.
Tôi cười. Tôi nghĩ thầm:
- Chánh sách cái cóc gì nữa. Các anh đã bày ra chánh sách nhưng chính các anh đã vi phạm cái chánh sách đó đầu tiên.
Ví dụ như cái chánh sách về Miền Nam đây. Chúng tôi có ra hồn gì nữa không? Hình như người ta bị cắn rứt nhiều quá, cho nên người ta bày đặt chánh sách cho đỡ bị cắn rứt vì khi làm chánh sách là người ta như tưởng nó đã được hoàn tất mỹ mãn rồi.
Năm Cà Dom không nói gì suốt từ khi vào đây tới lúc trở ra. Ra khỏi khu nhà ngục xong, Năm Cà Dom lè lưỡi:
- Chúng mình vừa lạc Thiên Thai!
- Rầu quá! Toàn chuyện gì không thôi!
- Chuyện rừng!
—>Chương 15
- 15 -
Chúng tôi lại tìm đường đi ra cửa khẩu. Nhưng lại gặp một đoàn người khá đông. Hỏi ra thì mới hay rằng họ từ trong đi ra. Họ là những đoàn đi trước chúng tôi, nhưng vì kẹt đường nên chạy dội trở lại. Họ đã đi bảy ngày vào.
- Bỏ mạng rồi!
Tôi và Năm Cà Dom đều kêu lên, tiếng kêu bi thương tự đáy lòng. Giờ phút này tôi mới càng sốt ruột mong đi nhanh về tới nhà. Nhưng tới làm sao được, chỉ mới đi có một phần ba đường.
Nằm lại đây thì sức khoẻ cứ mòn dần, cứ yếu dần xuống. Lấy cái gì mà bồi dưỡng! Không khí ở đây là không khí chanh nước. Sức khoẻ của mình là cái lưỡi dao mà không khí vùng này là mảnh đá mài. Trái đất càng xoay thì lưỡi dao sức khoẻ của mình càng mòn.
Cho nên tôi và Năm Cà Dom mới tích cực đi tìm ông bạn cũ của tôi. Rốt cuộc lại gặp một ông bác sĩ bạn của Năm Cà Dom.
Hai người rất thân nhau nên mầy ta mi tớ ngay:
- Có cái mẹ gì ăn không hở mày?
- Có chứ.
- Cái gì, cho ngay không tao chết lăn ra dưới chân mày rồi mày sẽ bị tội! Mày còn giữ cái tên Cường của mày không?
- Đi vào bệnh xá chơi đi. – Cường đáp – Cường chớ đổi tên gì?
- Mày làm chức gì? Có quyền cho tao một cục mắm ruốc không?
- Được rồi! Đã bảo vào chơi thì vào.
Năm Cà Dom ngắm thằng bạn cũ rồi nói:
- Mầy trông như con đười ươi thế nhỉ?
- Là thế nào?
- Răng nhô ra, mắt thụt vào, tay chân ngoằn ngoèo trông đến phát nôn ra.
- Tao cũng không còn biết tao ra sao nữa mà.
Tôi xen vào câu chuyện:
- Tôi xin giới thiệu thêm ông Cà Dom vừa lập thành tích mới trong nền y học nhân loại.
- Ghê thế hả?
Tôi đáp:
- Thật tình như vậy mà. Ông bác sĩ Cà Dom vừa mổ ruột thừa cho người ta bằng lưỡi dao cạo râu.
- Trời đất! Cái thằng liều quá mày. Rủi chết người ta thì làm sao?
- Chứ bao nhiêu người chết trên đường này còn vô lý hơn đó, thì có ai đã làm sao không? Còn tao nếu tao mổ mà nó chết thì cũng huề. Vì sao? Vì tao không mổ nó cũng chết. Còn tao mổ thì may ra nó sống. Cái nước bài này mình đánh thì chỉ có huề không có thua mày hiểu không?
Cường lắc đầu:
- Mày ghê gớm thật.
Bệnh xá của bác sĩ Cường còn ghê gớm hơn cái lưỡi dao cạo râu mổ ruột thừa của bác sĩ Năm Cà Dom nhiều.
Thương binh nằm lểnh nghểnh nhu tằm trong nong. Màu băng trắng nuốt choáng đầu mắt tôi. Tôi có cảm giác tôi đang đi vào một rẫy bông vải đang nở rộ. Không nghe một tiếng rên.
Sự im lặng làm tôi ngỡ rằng mình đang đi vào nghĩa địa. Và điều sau này làm cho tâm trí tôi càng khẳng định cái cảm giác đó hơn. Mỗi cái giường của thương binh là sà mặt đất hoặc thương binh nằm ngay trên ni-lông trải dưới đất, bên cạnh đó là một cái hố như cái huyệt mộ để phòng máy bay. Nếu có bom đạn thì khiêng thương binh bỏ dưới hầm để tránh mảnh đạn. Nhưng lúc đó người đâu mà khiêng, hoạ chăng thương binh tự lăn xuống.
Hoặc chu đáo hơn, có những thương binh nằm hẳn dưới hố, có lẽ triền miên như thế, cho bảo đảm.
Người trông thấy ắt phải nghĩ rằng đó là người được chôn chỉ chờ lấp đất lại.
Đây là lần thứ hai tôi vào bệnh xá. Nhưng lần này tôi vào một cách cỡi ngựa xem hoa, bởi vì tôi không phải là bệnh nhân. Nhưng tôi lại có sự ghê tởm của một người “khoẻ!”
Thật ghê gớm quá!
Cường mời Năm Cà Dom và tôi vào lều của Cường. Có lẽ thân lắm nên Cường mới mời Năm Cà Dom thế này. Thói thường trên đường đi này, người ta chỉ nhận bạn, tìm bạn khi người ta thấy cần sự giúp đỡ của người bạn ấy, còn nếu khoẻ mạnh thì chẳng tìm làm gì. Còn Cường rất yên ổn nhưng vẫn niềm nở vớ Năm, và biết chắc chắn Năm sẽ xin hoặc nhờ mình một chuyện gì mà vẫn mời mọc, vậy là tốt lắm.
Cường nấu nước pha trà cho tôi và Năm Cà Dom uống. Xong Cường lấy một hộp sữa trong ba-lô ra và bảo:
- Tớ sẽ đãi các cậu mỗi người một ly.
- Được rồi. Tôi nhìn thấy hộp sữa mà tưởng như một bảo vật chưa từng thấy. Thế mà Cường đem ra đãi chúng tôi!
Ở giữa Trường Sơn này mà đãi nhau một cốc sữa. Ở Hà Nội có lần tôi mua được sữa, nhưng mang về nhà để đó chớ không dám ăn. Mua được hộp sữa cầm đi ngoài hè phố đã thấy hãnh diện vô cùng rồi. Để hộp sữa ngự trong nhà, có khách đến trông thấy mình rất lấy làm tự hào, còn nói gì bạn gái đến mà mình khui hộp sữa đãi một ly thì còn gì bằng?
Hồi mới lên đường tôi được phác cho một bọc sữa độ 150, 200 gram gì đ1o. Thế nhưng khi lên xe hơi tôi lại đánh rơi đi dưới sàn xe và cũng chính tôi nhặt được và tôi hỏi tất cả mọi người xem có ai rớt bọc sữa. Cố nhiên là không ai nhận. Khi lội bộ được năm bảy ngày, người ta mang sữa ra pha uống, tôi cũng moi ba-lô ra. Chẳng dè bọc sữa đã biến đi mất: cái bọc sữ kia laị chính là của tôi.
Cho nên tôi đành nhịn sữa suốt một tháng rưỡi nay. Nói cho chí tình, có một thằng bạn đã mời tôi một cốc nhạt nhạt gọi là cho có mùi sữa. Ở Hà Nội trước khi đi, tôi đã tặng cho anh bạn này một bình thủy giá trị, nếu tính ra thì bằng một ngàn cốc sữa này.
Cho mãi tới bây giờ đây tôi mới được uống một cốc sữa nữa. Nói cho ngay, bác sĩ Cường pha cũng khá ngọt. Tôi uống sữa pha trong cái nắp ga-men. Ngon không biết sao mà tả. Tựa hồ như một thứ cao lương mỹ vị của Ngọc Hoàng Thượng Đế dùng. Nói ra thì thành xấu hổ, chứ tôi có thể uốn sống hết liền hai ba hộp một lúc mới đã thèm.
Mình là khách, chẳng lẽ lại nói dèm để uống thêm cốc thứ hai. Sự đời không cho phép mình làm một cử chỉ chứng tỏ rằng mình muốn uống thêm một cốc nữa. Nhưng trong bụng tôi mong sao Năm Cà Dom “làm xấu” nói một câu thì chắc chắn bác sĩ Cường sẽ pha thêm tức khắc. Nhưng Năm Cà Dom lại rất nghiêm trang, không đùa, không nói úp mở gì cả cũng không nhắc đến cục mắm ruốc mà Năm định xin Cường lúc nãy.
Uống xong, Năm Cà Dom đứng dậy, từ giã:
- Thôi mình về nhé.
- Về thật à?
- Cũng chưa, nhưng…
- Đi đâu?
- Đi dạo bậy một lúc coi.
- Khoan đã! Để tớ nói chuyện này một chút.
Nói vừa dứt tiếng thì có người đến gọi Cường. Cường hỏi:
- Cái gì vậy? Chắc thương binh lại về phải không?
- Dạ.
- Thì bảo anh em y tá họ làm đi.
- Dạ đôngn quá mà lại nặng, họ không làm được.
Cường thở dài:
- Cái kiểu này thì tôi trốn mất.
Năm Cà Dom lặng im. Cường nói:
- Ở đâu họ không đưa, họ cứ đưa vô đây. Làm chưa xong lớp này đã tới lớp khác.
Người kia nói tiếp:
- Họ bị toàn bom bi.
- Bom bi là bom gì? – Năm Cà Dom hỏi.
Người kia hơi cáu:
- Dạ bom bi là … bom bi ạ!
- Nhưng bom bi là cái con mẹ gì mới được chớ mày Cường.
- Chậc ! Đề thong thả rồi tao sẽ giải thích cho. Nhưng hãy biết trước rằng bị thương bom bi thì mình giải phẫu trọc đầu không xong.
Cường hất hàm hỏi.
- Vô bao nhiêu
- Dạ độ trên mươi người.
-Anh về đi.
- Dạ.
Rồi Cường ngồi thừ ra. Cường lại thở dài thườn thượt:
- Chết còn sướng hơn. Chỉ có ngày nay là mình tưởng được yên ổn, chẳng ngờ rồi cũng bị thế này.
- Ê bác sĩ bác chó gì đâu hết rồi ?
Cường ngồi lên
- Cái tụi vô trách nhiệm quá ! Người ta đứt động mạch máu chảy như suối thế mà tìm không ra một thằng khốn nạn đó. Tao gặp tao cho một cái kẹo.
Cường vẫn ngồi im. Cái anh bộ đội có vẻ chỉ huy, quát lính:
- Ê tụi bày ! Nổi lửa đốt mẹ cái bệnh xá này đi. Xóa sổ mẹ nó đi ! Không cần thiết cái lũ vô dụng này.
Thấy bọn tôi không nhúc nhích, anh chỉ huy càng tức tối, anh ta sấn vào chòi chúng tôi:
- Mấy người biết bác sĩ bệnh xá này ở đâu không ?
Năm Cà Dom vọt miệng đáp:
- Trên văn phòng. Anh ta đang bào chế xi rô trên đó. Cứ đạp cửa vô là gặp ngay.
- Đi đường nào ?
- Đi lộn trở lên, rẽ qua tay phải. Nhanh lên kẻo nó đi công việc.
- Còn ông là cái gì ở đây?
- Dạ em là văn sĩ ạ.
- Văn sĩ à? Làm cái gì mà vô đây?
- Dạ viết văn ạ !
- Viết cái gì?
- Viết những gương bộ đội chiến đấu anh dũng.
- Còn bộ đội bi thương một lúc hai ba chực người có viết không ? Bị thương la om trời, nhức óc nhức xương, anh dũng cái con khỉ!
Rồi anh ta quày quả trở lui.
Cường cười khè khè:
- Hay lắm !
- Sợ à ? Cà Dom hỏi .
- Không sợ à?
- Sợ thiệt chớ chằng phải chơi. -Năm Cà Dom cười- Mày mà lên tiếng lúc nãy nó dám đá vô đầu mày lẩm. Bộ đội bị thương nhiều quá nên nó cáu. Thôi chấp nhất làm chi.
- Tao bị hoài. Có nhiều lúc tao trốn mất tiêu. Mày nghĩ coi toàn những vết thương phức tạp. Ngay ở bệnh viện lớn ở Hà Nội chữa còn chưa chắc đã khỏi, vậy mà tao tay không, không có cả cái nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ thế mà bảo chữa làm sao ?
Thế là tôi và Năm.Cà Dom đành rút lui, không có ý kiến. Bỗng Năm Cà Dom quay lại:
- Ê Cường!
- Gì?
- Mày có dầu không ?
- Dầu nhãn à ?
- Không ! Dầu nhãn làm cái gì ở đây. Dầu lửa cơ !
- Làm gì?
- Đổ hộp quẹt. Bông khô queo quẹt không bắt lửa !
- Được tớ sẽ cho. Cậu có gì dựng không ?
- Chớ cậu không có một cái chai dư nào à ?
- Trời đất ! ở đây không có cái gì dư cả. Tớ muốn tìm một cái chai để làm đèn mà tìm không ra. Có đâu mà cho ? Vậy làm sao ?
Tôi bảo:
- Chặt ống nứa.
- À hay ! Cà Dom cười. Đi chung cả tháng trời mới thấy ông văn sĩ có một cái sáng kiến xài được. Vậy đi chặt dùm đi.
Tôi đi chặt một cái ống nứa bằng bắp tay mang vào. Cường trỏ dưới hầm:
- Còn trong thùng đó, múc một ít đi.
- Bao nhiêu ? Mấy xăng-ti-cuýp? (cm3)
- Độ nửa ống cũng được.
- Chà ! Sướng he! Ông bác sĩ oai he!
- Dầu lửa ở đây chỉ để dành chế hộp quẹt thôi.
Tôi muốn nói: “Nếu uống hết hộp sữa đi mình xin luôn cái lon thì hay quá. ” nhưng tôi không dám. Bác sĩ Năm Cà Dom cười:
- Nói thiệt tình nhé t Để tớ giúp cậu một tay giải phẫu số thương binh này. Chớ một mình cậu, cậu làm sao xuể ?
Thế là hai ông bác sĩ đi đến chỗ đặt thương binh. Tôi vốn sợ thấy máu. nhưng cũng lót thót theo sau.
Trời ơi ! Tôi lóa mắt đi. Những thương binh để đầy cả một quãng dài, như những cái của nợ bắt mình phải gánh. Băng bó sơ sơ vì không có đủ băng. Mỗi người chỉ có một cuộn băng cá nhân. Nếu bị thương ở bụng thì chỉ quấn đủ một vòng. Không phải mươi người. Mà tôi có cảm giác là hằng trăm người. Máu chảy ngập đất . Nhiều người đang tự bịt lấy vết thương ngăn máu chảy.
Một người nghiến răng ken két, đôi tròng mắt lộ hẳn ra ngoài. Một người cứ thở “phì phì” từng cái ngắn gọn. Một người ngồi tựa gốc cây thều thào: ” Bồ mẹ ơi, chắc phen này con chết !Bố mẹ ơi ! Phen này con không còn trông thấy mặt bố mẹ nữa.” Anh này bị thương ở bả vai. Vết thương toác hoác cho nên tôi liếc qua thấy lá phổi phập phều bên trong như một loại bọt nước màu đỏ.
Một người đứt mất một ống chân, cứ quờ quờ tay trong không khí và kêu lên: “Chân tôi đâu rồi, chân tôi… “
Mỗi người mỗi kiểu nhưng cùng đau thương, không có anh nào giống anh nào. Họ có thể sống, có thể chết, nhưng vết thương họ một thì sẽ trở thành mười, mười trở thành trăm, vì không có thuốc. Bác sĩ Năm Cà Dom trở lui và rỉ tai tôi:
- Về! Về!
- Không ! Cậu nên ở lại mà giúp Cường. Tội nghiệp nó!
Năm Cà Dom lắc đầu:
- Một vết thương có thể giải phẫu mất một buổi. Rút lui là hay nhất . Làm gì nổi !
Rồi không từ giã Cường, Năm Cà Dom trở lui, vừa đi vừa chạy vụt nhanh như trốn nợ, không quên mang theo cái ống nứa dầu lửa Hai đứa đi thật nhanh nhưng khi vừa lội qua suối thì có người kêu lên:
- Cái gì thơm quá!
Tôi vọt miệng đáp:
- Dầu lửa hôi rình đây chớ dầu gì mà thơm.
- Dầu lửa hả, dầu lửa hả ?
Lập tức ba bốn người từ đâu không biết chạy ùa đến vây chúng tôi Một người bạo mồm:
- Cho tôi xin chút thấm bông hộp quẹt, đồng chí.
Năm Cà Dom gạt phắt:
- Dầu đâu mà cho ?
- Thì cho một chút, tôi chỉ thấm vừa ướt cái ruột ống quẹt mà thôi !
- Không được đâu đồng chí.
Năm Cà Dom từ chối khẳng khái. Bỗng một người cầm lấy mảnh bông vàng khè quệt vào cái ống nứa dầu lửa của tôi. Chẳng ngờ cái ống nứa dập, dầu rỉ ra ngoài tự nãy giờ cho nên họ mới thấy thơm. Năm Cà Dom lập tức nhảy vào bụi đốn ngay một cái ống nứa khác, sớt dầu sang rồi ném cái ống nứa dập vào mấy người kia:
- Cho mấy đồng chí đó!
Tức thì mấy người kia nhặt lấy ngay đập vỡ toang cái ống nứa ra và lấy bông gòn trong ruột ống quẹt chùi lia lia hết bên trong đến bên ngoài của những thanh nứa ướt dầu lửa.
Thiệt tội nghiệp ! Năm Cà Dom đoán tôi có thề xiêu lòng mà cho đám kia thấm ướt một ống quẹt nên bảo tôi:
- Đưa cho tôi cầm cái ống dầu -rồi đi vụt ra phía trước.
Tôi và Năm Cà Dom về gần đến lều thì Năm Cà Dom mới kêu lên :
- Bỏ mẹ rồi!
- Gì vậy ? Quên cái gì ?
- Mắm ruốc.
- Mẩm ruốc ở đâu ?
- Của thằng Cường. Nó hứa cho mình mà !
- Hồi nào ? .
- Thì lúc mình về nó bảo có chuyện gì đấy ?
- Nhưng sao cậu chắc nó cho mình mắm ruốc !
- Chắc thế vì nó là trưởng bệnh xá này mà. Chẳng lẽ nó chẳng cho mình được một cục mắm ruốc.
- Trưởng thì trưởng , đến chừng không có cũng không có như thường.
—>Chương 16
- 16 -
Về đến lều thì thấy trong lều của Thu hai người con gái nằm trên võng của Thu. Tôi nhận ra ngay là Ngân, khách của Thu. Ngân quen với Thu à ? Tôi tự hỏi thầm. Và lòng tôi thấy hơi xao xuyến. Tôi đã gặp Ngân trên kho gạo. Tôi còn đang lúng túng thì Thu đã gọi :
- Anh ơi ! Sang đây, có người muốn gặp anh đấy !
Tôi càng bối rối. Nhưng lại thấy chút gì phấn chấn trong người’?
Năm Cà Dom đang đổ hết gói thuốc ra đất đang chọn một cái lọ để trút dầu vào chắc. Năm Cà Dom không nhìn tôi, mà nói:
- Thì đi sang đi. Người ta mê văn của cậu chớ gì nữa ?
- Bày chuyện nữa đa !
- Để rồi xem. Tớ bấm mạch không đúng, tớ sẽ đền ! Thôi đi đi, “e lệ” cái gì! Kẻo người ta chờ!… Khí … khí.. hôm gặp cô nàng ở kho gạo là tớ bắt nhãn thấy rõ rồi mà ! Đi đi !
Tôi bước đi trong tiếng giục của Năm Cà Dom. Giá không có Thu ở đấy thì tôi chẳng ngại ngùng gì. Và giá tôi không mất tự nhiên đối với nàng tóc xoăn thì tôi cũng không lo chi. Đằng này thì tôi có xúc động về cái gương mặt khả ái kia, và ác nghiệt hơn nữa, Thu đã đoán biết sự xúc động đó của tôi đối với nàng.
Phái nữ giỏi thật. Nhìn Ngân mà Thu đoán ra tất cả. Và chẳng sai mảy may!
Tôi chào Ngân và hỏi:
- Cô ở đâu tới ? Quen với tôi à ?
- Quen chớ sao không quen ! Thu vui vẻ nói hớt Ngân. Ngân nghe tiếng anh lâu lắm, muốn gặp anh mà không biết anh ở đâu chẳng ngờ vừa qua đi lãnh gạo Ngân được một người bạn chỉ anh cho Ngân.
Tôi đã lúng túng càng lúng túng thêm ! Thu nói tiếp:
- Em đưa quyển sách của anh cho Ngân mượn đọc tự nãy giờ trong lúc Ngân chờ anh.
Ngân đang ngồi trên võng cùng với Thu, cúi xuống đọc quyển sách của tôi đặt giữa hai đùi nàng. Những ngón tay thon nhỏ đang đỡ quyển sách, hoặc đang nằm im trên trang sách.
Nghe Thu giới thiệu nàng với tôi, Ngân vẫn đọc, thỉnh thoảng ngước lên nhìn tôi rồi lại cúi xuống đọc.
Tôi cảm thấy quyển sách đã biến thành trái tim tôi và đang nằm gọn trong tay nàng. Cho nên mỗi khi nàng giở một trang sách thì tim tôi cũng rung động theo.
Chao ôi ! Những ngón tay hay những thỏi ngà ? Những ngón tay mà tôi bắt gặp lúc di chuyển vào đây khi chúng nắm giữ nhánh tre để nó khỏi bật vào mặt tôi đang từ phía sau tới. Không hiểu sao tôi lại mến cái cử chỉ văn minh đó, một cái cử chỉ văn minh giữa một vùng man dã.
Thu cười làm tôi khẽ giật mình. Thu nói và vỗ vai Ngân:
- Tác giả đấy, nói chuyện tìm hiểu tác giả rồi hãy đọc chuyện mới hay.
Ngân quay sang nhìn Thu, mặt đỏ ra, tỏ vẻ bất mãn một cách hài lòng về hai tiếng “tìm hiểu” của Thu cố ý dùng vừa rồi.
Ngân chẳng nói gì, cứ ngồi đọc mãi, hết trang này, đến trang khác Chốc chốc, những ngón tay lại khẽ giở sang trang và tờ giấy chỉ khua một tiếng rất khẽ mà có lẽ tôi cảm thấy hơn là nghe thấy !
- Thôi chào hai cô nhé ! Tôi đứng dậy và nói.
- Anh về à ?
-Về lo công việc.
- Ở chơi, Ngân muốn nói chuyện với anh mà. Ngân cũng muốn viết văn đấy !
- Thôi để khi khác.
Rồi tôi đi ngay. Tôi cảm thấy nếu ngồi đó càng lâu thì càng lộ rõ chân tướng của mình cho Thu nhìn.
Năm Cà Dom không nhìn tôi, vẫn hí hoáy với mấy cái lọ dầu lửa con con, Năm nói:
- Cô ấy đẹp đấy nhỉ.
- Thôi đi, nhỉ với chả nhé !
- Kỹ sư nông lâm phải không ?
-Ai bảo?
- Thì chính cậu nói với tớ mà.
- Không rõ đâu !
- Chối mãi !
- Tớ thề mà !
- Liếm mũi coi có đụng không mà thề ?
Chập sau, Ngân sang lều tôi. Ngân nói:
- Cho em mượn quyển sách này.
Năm Cà Dom vọt miệng đáp:
- Tặng luôn cho cô đấy !
- Úy ? Sao lạm quyền vậy ?
- Thì trước sau gì cậu cũng tặng mà !
- Đùa hoài.
- Để rồi xem.
Ngân nói:
- Em chẳng dám mong được tác giả tặng sách đâu, chỉ mong được mượn đọc thôi.
- Cái gì chớ cái đó thì tôi nghĩ rằng không phải là chuyện khó gì cho lắm! Cô có quyền lấy luôn làm của cũng được. Bởi vì theo tôi biết dù người ta có ăn cắp sách thì cũng chẳng tội lệ gì.
Năm Cà Dom bảo:
- Cô ngồi chơi đi. Coi chỗ nào ngồi được thì cứ ngồi . Này cô là Kỹ sư Nông Lâm hả?
- Dạ.
- Học trò của ông Của phải không ?
- Anh biết ông à ?
- Biết chớ. Ổng người Sóc Trăng mà.
Ngân hỏi:
- Sao anh biết rõ vậy ?
- Tôi có thằng bạn tên Bình là bác sĩ thú y học trò của ổng và một ông chú cũng là học trò của ổng. – Năm Cà Dom lắc đầu.- Kẹt lắm cô kỹ sư ơi ! Dân Nam Bộ mình ra ngoài đó không có chỗ ngồi đã đành, chỗ đứng cũng không có luôn.
- Thế hả?
- Còn làm bộ không biết nữa. Nè tôi hỏi cô, chớ cô về Nam là để “giải phóng ” hay vì bất mãn ?
- Anh hãy tự hỏi anh đi !
- Tôi à ? Miền Nam đâu có cần mình. .. ” giải phóng. ” Mình lê cái thân còm về đến nơi là để người ta nuôi báo cô chớ đâu còn sức để mà “giải phóng” ai? … Nhưng mà cô định vào Nam để dạy ông bà nông dân cấy lúa chắc ?
- Em chưa biết sao. Nhưng đi thì đi. Về tới trong đó hãy hay.
- Ai nghe mà dạy ? Giống lúa miền Bắc không cấy được ở miền Nam. Cũng như người Nam ra Bắc khó sống lắm. Người cũng vậy mà cây cỏ cũng vậy.
Năm Cà Dom cười hắc hắc, thích thú. Tôi bảo:
- Ông bác sĩ Cà Dom này nói leo qua lãnh vực chuyên môn của kỹ sư nông lâm rồi đó.
Năm Cà Dom vẫn thản nhiên tiếp:
- Còn nữa ! Ví dụ như cây so đũa trong mình. Không biết ai trong Nam đem hột giống ra phân phát cho các nông trường còn quý hơn hột nhân sâm. Vậy mà vẫn lãnh về trồng. Cao lên tới trời. Có bông mà không đậu trái nào hết. Đó, cô bạn kỹ sư nông lâm, có phải chúng mình là so đũa kia không ?
Tôi trừng mắt nhìn Năm Cà Dom:
- Ê tốp lại nghe !
- Thì mình nói ba lăng nhãng chơi ai nghe không nghe thời thôi.
- Thôi sao được. Cây vú sữa là tượng trưng cho cái gì biết không?
- Không biết.
Nữ kỹ sư nông lâm cười:
- Ảnh nói đúng chớ. Cây nào đất ấy. Người nào xứ ấy mà !
- Nọ ọ ! Tôi có người ủng hộ rồi. Mai mốt có đi ngang đây, cô ghé nhà tôi uống trà hoa nhài chơi cô kỹ sư he!
Ngân từ giã ra về. Năm Cà Dom nguých tôi và lén lén trỏ Thu. Tôi suỵt bảo im.
- Khà khà !
Thu nói vọng sang:
- Cô kỹ sư đẹp quá anh Năm nhỉ ?
- Ừ, đẹp quá !
- Thế cho nên mấy anh mới chủ trương ta về ta tắm ao ta phải không ?
- Đâu phải !
- Chớ sao ?
- Ao người mà mát mẻ thì ta cũng cứ tắm !
- Anh nói thế chứ!
- Thì đó, có phải tôi nói đúng không. “Bằng chứng hiển nhiên” đang ngồi ở đây một đống đây này ! Ông có về “tắm ao ta ” đâu.
- Các anh thì ghê gớm lẩm ! Nói thế nào nghe cũng xuôi.
Tôi biết Thu hờn trong bụng rồi. Nhưng Thu không nói ra. Đàn bà con gái trong vấn đề tình cảm, khi sổ sàng thì sổ sàng không ai bằng nhưng khi tế nhị thì cũng rất tế nhị.
Tôi không biết cách nào để đính chính khéo rằng tôi chỉ yêu nàng thôi. Mặc dù sự đính chính đó là giả dối. Nhưng dù sao, sự nịnh hót đó cũng vuốt ve được lòng tự ái của Thu.
Đêm xuống, tôi nằm trăn trở mãi, có ý không ngủ để chứng tỏ với Thu rằng tôi đang suy nghĩ, đau khổ vì Thu. Chắc nàng hài lòng lắm. Lúc chiều, cơm xoàng quá, không cải thiện được món gì , thành thử hơi xót ruột. Tôi gợi ý với Thu:
- Ta nấu chè ăn đi Thu.
- Anh Năm ơi! Thu gọi. Hùn đường nấu chè ăn đi!
Năm không đáp. Tôi biết là Năm không muốn tham gia.
- Tôi còn ít đường đây, ăn phức cho rồi. Trước sau gì cũng ăn.
Nói vậy rồi tôi lục túi lấy gói đường còn chừng bằng nửa nắm tay. Năm trăm gram đường đi hơn tháng nay còn từng ấy. Đôi lúc cố ý quên nó đi để giữ được nó lâu dài trong ba lô.
Nhưng đêm nay tôi thấy cần cho mình thêmn một ít nhiệt lượng như máy cần thêm xăng nhớt.
Tôi hăng hái nhóm bếp. Còn Thu thì soạn đồ nấu. Tiếng củi cháy lắc rắc, tiếng thở của hai đứa hòa nhau. Không khí trong lều ấm áp lạ thường.
Thu nhìn lửa với đôi mắt buồn rời rợi. Tôi chỉ biết có tôi mới làm cho Thu vui thôi. Tôi hỏi:
- Em nghĩ gì ?
- Em nghĩ rất nhiều thứ, nhưng không nghĩ gì cả.
- Nghĩa là sao ?
- Nghĩa là rốt cuộc rồi mình vẫn nằm trong cái túi gió túi mưa này. Nghĩ cho mấy rồi cũng không làm gì được.
- Em hay nghĩ vớ vẩn.
- Chứ anh nghĩ cụ thể à ?
- Đúng Anh mở mắt ra là nghĩ tới sự ăn uống. Mười ngày như một.
Nhưng vẫn là chuyện vớ vẩn vì anh không giải quyết được gì cả. Tôi thấy từ mấy hôm nay, tôi đối với Thu hơi nhạt nhẽo hơn trước Bây giờ, ngồi bên cạnh nàng trong cái không khí này tôi mới tự phát hiện ra điều đó. Bởi vì trước kia…
Trước kia, khi tôi ngồi gần nàng, tôi hơi phập phồng, run run, cử chỉ không tự nhiên. Trước kia, tôi trông thấy tóc nàng đẹp, môi nàng xinh, khung mặt tuyệt mỹ, nhưng những điều đó chẳng bao lâu mà nay trở thành ký ức.
Có lẽ vì Ngân xuất hiện chăng ?
Không hoàn toàn như vậy. Đối với Ngân, sự xúc động của tôi cũng thường. Tôi biết Ngân có vẻ đẹp riêng. Có thể Ngân đang mở qua cái lối cỏ ướt sương cho tôi bước vào. Nhưng tôi cũng không thiết. Tôi không thấy rạo rực, tôi không mơ ước nồng cháy như trước kia.
Đối với Thu không phải tôi bớt yêu nàng vì tôi đã đạt được cái gì rất cụ thể mà nàng đã mất cho tôi.
Bây giờ ngồi viết những dòng này, tôi mới nhìn rõ lại tình cảm của tôi trong những ngày ấy.
Cái gì cũng do sức khỏe mà nên, mà ra cả. Không có sức khỏe thì còn mong làm gì. Trong lúc mình cần sức dai bền của một lực sĩ thì mình lại như con bún thiu, thì đầu óc mình còn chứa đựng làm sao nổi một giấc mơ.
Thu bảo tôi:
- Anh bỏ đường vào đi. Gạo nở rồi.
- Bỏ hết nhé !
- Tùy anh.
- Cho nó ngọt !
Tôi thấy trong mắt Thu cả một nỗi u buồn. Có lẽ Thu cũng như tôi. Nàng đang hơ lửa đây, lửa là bếp lửa kia, lửa là tôi, tôi cố bốc thành lửa, nhưng vẫn không thấy nóng. Sóng mất nàng long lanh gợi cảm vô cùng, nhưng nay thì mờ hẳn.
Những câu nói của tôi và Thu không “đối đáp” nhau nữa, không cưới nhau chặt chẽ nữa. Nó chỉ va chạm nhau vừa phải để cho khỏi tẻ nhạt.
Những cử chỉ của hai đứa không còn đượm tình nồng thắm của nhau nữa mà nó mang tính chất xã giao.
Tôi nhớ lúc vượt con đường lấy suối làm đường bộ, đêm đó mưa dầm, tôi mắc võng cho Thu nằm, đánh gió cho Thu. Đôi chân Thu hiện lên trước mắt tôi, trong ánh hoàng hôn… Giữa cơn mưa và sau một cơn bơi lội ầm ì dưới nước, thế mà lửa trong người tôi vẫn bốc.
Còn bây giờ…
Tôi với Thu ngồi ăn chè nhạt nhạt, nói ít, húp chậm rãi, muốn cho chóng xong để về nghỉ ngơi !
Nhưng khi ăn xong bát chè, tôi lại có ý định khác. Tôi không nói gì hết, tôi cứ lên võng Thu nằm bừa.
Thu cũng không nói gì hết.
Hai đứa cứ giữ sự im lặng ấy, thi gan nhau xem đứa nào làm thinh được lâu hơn.
Kẻ thua trận là tôi. Thấy lạnh nhạt quá, tôi không chịu được, vả lại tôi đang bày cảnh để gây sự. Tôi nói:
- Anh bị con ve cắn ở sau gáy đây em!
- Anh chỉ bịa.
- Thật mà!
- Anh đóng kịch tài lắm.
Thu nói vậy, nhưng vẫn bước lại gần võng. Thu hơi rụt rè đề phòng, bước lại dầu võng mò ba lô. Tôi biết là Thu tìm cái đèn pin. Tôi bảo:
- Không cần đèn, em sờ vào là bắt được nó ngay.
Thu vẫn rút chiếc đèn pin và tra pin vào (Pin gói để bên ngoài vì sợ để sẵn trong đèn điện sẽ thoát đi hết) .
Thu vừa bước tới là tôi đã ôm ngoặc lấy đôi chân Thu và dìu Thu ngã lên võng. Thu kêu khe khẽ:
-Đứt dây!
- Không sao đâu.
- Ơ kìa, anh không nhớ cô gì ở trạm …
- Chặc, đã bảo anh xem rồi mà.
- Đút dây thì chết.
Thu không còn nói được nữa vì những thủ đoạn vừa êm dịu vừa thô bạo của chàng. Nàng như con nai vàng ngơ ngác biết sắp sa bẫy mà vẫn cứ bước vào…
…Tôi khẽ nắm mấy ngón chân nàng rồi lủi thủi trở về võng. Sương khuya lộp độp điểm trên nóc tăng ni lông.
Tôi không sao ngủ được. Trong một cái không khí ma thiêng nước độc mà đặc biệt như đêm nay của tôi, thì biết bao nhiêu điều gợn lên trong tâm trí.
Tôi bắt đầu thấy sợ những sự mơ ước về tình yêu. Tôi thấy sợ sự có mặt của đàn bà trong cuộc sống của tôi. Không hẳn như vậy nhưng nó có một sự “xuống thấp” của nhiệt tình.
Tôi không còn thích Thu nũng nịu, không hăng hái mắc võng treo tăng cho Thu, không thích trêu chọc Thu, cũng không thích đáp lại với tất cả sự “galanterie ” mỗi khi nàng đùa duyên với mình.
Nhưng Thu thì ngược lại. Nàng vẫn vui vẻ, đẹp và hay đùa. Sức khỏe nàng có sút đi, nhưng không đến nỗi thảm hại như tôi.
Sau mấy cơn sốt mà mấy quí ông giao liên ở những trạm trước đoán rằng tôi sẽ chết, tôi chỉ còn lại một lực lượng tổng trừ bị quá gầy gò.
Đi rừng đàn bà khỏe hơn đàn ông. Người ta nói thế như một câu tổng kết, không biết có đúng không nhưng theo tôi thấy thì tất cả đàn bà con gái mà tôi gặp trên đường này đều có mang đồ giúp cho bọn đàn ông, hoặc nấu cơm, nấu cháo cho đàn ông.
Thu không sốt mấy khi. Chỉ đau chân. Bây giờ thì ăn cũng khỏe, đi cũng khỏe. Có lẽ cơ thể nàng đã vượt được thử thách rồi chăng. Tôi nom thấy nàng hơi béo ra. Tuy nhiên dù nàng không được tốt, nhưng nàng rắn rỏi và gân guốc hơn lên.
Tôi lại nhớ lời của bác sĩ Cà Dom mà sợ:
- Coi chừng lại có con nít khóc oe oe trên đường này.
Tôi suy nghĩ đủ thứ chuyện trên đời, chuyện gì cũng có dính một tí đến Thu. Tôi chỗi dậy lại muốn sang Thu một lần nữa thì Thu đã lên tiếng. Thu ho húng hắng. Thu biết tôi còn thức. Tôi đứng dậy quờ chân mang giép.
Thu chưa ngủ. Thu biết tôi sang, nhưng vẫn nằm im. Khi tôi vừa tiến đến võng thì Thu đã ngồi bật dậy và bước xuống đất.
Thu bước lại bếp lửa, cời than. Những hòn than nằm dưới tro ánh lên, ngon lành như những viên kẹo.
Hai đứa ngồi bên nhau, không nói gì.
Ngoài trời tối om như mực tàu tuôn chảy khắp không gian. Tôi biết tình cảm giữa hai đứa đang ở một bước ngoặc. Tôi cảm thấy Thu sắp nói ra một điều gì quan trọng.
Quả thật, Thu hất mái tóc ra như một cử chỉ quả quyết rồi nói:
- Anh ạ!
-Gì em?
Thu nói suông sẽ mạch lạc như đã sắp sẵn từ lâu.
- Em định nói với anh từ lâu tâm tình của em. Em cảm thấy em có tội rất nhiều anh ạ. Đó là tâm tư sâu kín của em. Em đã có người yêu, đã hứa hôn. Cả trường và bạn bè ở Hà Nội đều biết. Chính vì thế mà em vừa xung phong vừa được chọn lựa đi Nam. Hai điều đó phối hợp lại thành ra cái chuyến đi phiêu lưu này của em. Em nói rành rẽ như thế bởi vì nếu em chỉ xung phong mà không nằm trong danh sách chọn lựa em cũng không được đi. Ngược lại có những kẻ được chọn lựa mà không chịu đi đập bệnh để xin ở lại. Riêng đối với em thì được cả hai, mỗi bên một nửa.
Nhưng khi đi một quãng thì em thấy không muốn đi nữa và đi thêm một quãng nữa thì sự không muốn đi đó gia tăng gấp bội. Nhưng phân tích cho kỹ thì em không muốn đi là vì hai lẽ. Lẽ thứ nhất là như em vẫn thường nói với anh. Nghĩa là cực quá, phung phí sức lực vô ích, và em đau chân, vô đến nơi em cũng không làm nên trò trống gì. Lý do thứ hai là em thấy tình cảm của em đối với anh ấy đổi thay một cách lạ kỳ.
Giống y như truyện phiêu lưu của một nhân vật thần thoại. Đi vào với người yêu nhưng trên đường đi, mình lại yêu một người khác Người khác đó là ai, anh biết rồi. Nếu em không đi với anh thì chắc chắn không có cái người khác đó xen vô cuộc đời em. Tuy rằng em vừa nói với anh rằng em có tội với anh ấy, nhưng nghĩ cho cùng em không có tội, vì công bình mà nói, em không yêu anh ấy. Sau này, nếu có dịp em sẽ nói với ảnh về điều này. Nhưng dù sao thì em cũng đã có lời hứa với người ta.
- Em có hứa thật à ?
- Có!
-Tại sao?
- Em cũng không biết tại sao.
- Tại sao không biết?
- Chưa ai hỏi em như anh.
- Thì bây giờ anh hỏi.
- Vì thế em mới đáp là em không biết tại sao.
Tôi thấy vừa tức tối, vừa tự ái, vừa ghen hờn, vừa đau khổ. Giá đừng yêu. Giá Thu đừng nói. Giá Thu đừng nói “vĩnh biệt ” từ nay. Tôi biết Thu có người yêu đã đi trước trong Nam nhưng đi bên cạnh Thu tôi không hề nhớ tới chuyện đó. Cũng như tôi đã quên khuấy đi rằng tôi từ giã người yêu của tôi rẽ xuống khu năm. Biết làm sao bây giờ.
Tình yêu là một thứ khách không mời mà đến hoặc ngược lại mời mà không đến. Khi nó đến thì nó đến, không ai cản ngăn được.
Tôi và Thu sống cực nhọc với nhau trên con đường này, nhưng không buông thả tình cảm , mà ngược lại rất dè xẻn, hà tiện và thận trọng như đứa bé nhận được tấm giấy thấm mới tinh thơm phức của mẹ mua cho, nó dự định sẽ thấm khô những dòng chữ nắn nót của nó, để nó nhìn lại trong giấy thấm mà thích thú về những dòng chữ ấy, nhưng trái ngược lại với ý muốn của nó. Những dấu mực trên mặt giấy thấm không làm cho nó vui. Tôi lẫn Thu hai đứa học trò thơ ngây đã đổ vấy mực ra cả tấm giấy thấm rồi, loang lỗ đốm to đốm nhỏ thành những hình hài kỳ quái, bất thường.
Yêu là một thứ bệnh không thể được miễn về sau cũng không có tiêm chủng ngừa được.
Thật tình cái gì mình sợ nhất lại thường xảy đến. Trong tình yêu càng như thế. Càng rào đón kín đáo lại càng sơ hở. Càng lẩn tránh nó càng đuổi theo. Tôi nói:
- Được rồi. Anh sẽ làm theo lời em. Em muốn gì cũng được. Bấy nhiêu tinh cảm em cho anh đã đủ lắm rồi. Tất cả tình cảm của người ta cho anh trong suốt từ xưa đến nay gộp lại cũng chỉ nhiều bằng của một mình em trong mấy ngày qua! Nếu em nói em có tội với người ta thì anh cũng không thể vô tội được. Nhưng tự trong thâm tâm của mình thì chính mình cho phép mình làm những điều mà mình cho rằng có tội ấy và cũng lại chính là mình tự bôi mặt để lên giọng quan tòa. Giết hay tha cũng đều có lý.
Thu ngồi im.
Tôi liếc nhìn Thu. Nàng đau khổ thực sự. Tôi biết nàng sống rất nặng về nội tâm. Nàng không phải là người con gái tầm thường. Nàng rất kiêu kỳ, và ngược lại rất ngoan ngoãn.
Tôi đợi nàng nói thêm. Tôi sẵn sàng làm theo những lời của nàng một cách tự nguyện, vì lòng tự ái. Tôi muốn xóa tan, đập nát ngay những tình cảm của hai đứa ngay trước mặt nàng, nên những tình cảm đó là những mảnh thủy tinh để cho nàng, chính nàng nghe thấy những tiếng tan vỡ vang động trên mặt đất và trong lòng nàng.
Thu nói tiếp:
- Em biết anh yêu em. Như một kẻ đi trên sa mạc bất thần gặp một con suối nhỏ. Anh uống thỏa thuê rồi anh lại đi.
- Và anh không bao giờ quên con suối ấy. Tôi tiếp ngay- tình yêu không thể nào là cuộc sống bình thường được. Em nên nhớ rằng em vừa nói rất đúng, nhưng hãy còn thiếu sót. Em nên làm con suối nhỏ giải được cơn khát cho anh giữa sa mạc hơn là làm một cái biển mênh mông trong lúc anh đang dầm mưa. Tình yêu là cái gì hiếm hoi, đắt giá và độc nhất. Em thử tự hiểu xem em nên là con suối hay làm cái biển kia đối với anh. Có thề em chia tay với anh ngay bây giờ nhưng em sẽ còn yêu anh mãi mãi. Em ạ. Vì như thế anh làm cốc rượu nồng hồng tươi làm em say em nhớ mãi hương vị trận say đó hơn là em uống hằng vại nước mà chẳng còn giữ lấy một hương vị gì. Anh cho rằng chúng mình cứ chia tay nhau ngay bây giờ đi. Anh thì quay lại với Phương, còn em thì cứ nhắm anh bạn của em làm đích. Ai về tổ ấy.
Tôi cười, tôi reo lên rất hồn nhiên:
- Thế mà hay ! Thế mà hay !
Thu lặng ngắt người ra. Ánh lửa không làm hồng nổi đôi má nàng. Có lẽ nàng tưởng rằng khi nàng thốt ra thì tôi sẽ phản đối và tôi càng vồ vập, tha thiết yêu nàng. Chẳng ngờ sự phản ứng của tôi rất xuôi chèo mát mái theo nàng. Nàng nói:
- Lúc nào anh cũng trêu tức em và làm cho em đau khổ.
- Ơ kìa ! Em nói có thực lòng em không ?
- Em em… cảm thấy như thế!
- Ô hay! Em đang ngồi thực trên mặt đất thì những điều em nói ra phải là thực chớ không thể cảm thấy được. Anh làm cho em đau khổ hay ngược lại ? Ai đã bảo chia tay trước ? Em ạ ! Trường Sơn gian khổ, gai góc, đầy đỉnh dốc, đầy hố sâu. Ta đã đi trên dốc, bên miệng hố, dẫm trên gai góc thì không thử thách nào mà ta không vượt nổi. Tuy có đau thương, nhưng có thấm gì ?
Tôi thấy tôi nói lan man bâng quơ và trong thâm tâm tôi, tôi cũng thấy đau khi chấp nhận sự chia tay dù nó hợp lý. Tôi nói:
- Anh biết em là người con gái đầy trí tuệ, cả trong những giây phút sôi nổi nhất, em vẫn giữ phần lớn trí tuệ còn trái tim thì chỉ dự một phần.
Thu gạt ngang:
- Anh nhầm. Anh là đàn ông, anh không thể hiểu. Anh nói như thế là không đúng. Bao giờ anh có vợ, vợ anh sẽ giải thích cho anh điều đó. Anh sẽ nhận chân lại lời nói của em hôm nay. Chính em đã bỏ mất hết trí tuệ của em !
Rồi nàng gục đầu xuống nức nở.
Bỏ mạng rồi ! Cuộc đấu khẩu đấu trí đấu tính cuối cùng đã làm cho tôi mang nợ. Nàng khóc là tại vì tôi.
- Thu! Thu!
Tôi lay vai nàng và gọi.
Nhưng nàng đã biến thành một giọt nước mắt khổng lồ tan ra và thấm ướt cả tâm hồn tôi, làm mềm yếu cả nghị lực tôi. Tôi thấy khổ tâm và hối hận.
Tôi ôm lấy nàng, khuân nàng đặt lên võng như ẩm một đứa trẻ con.
Đêm trở nên ngắn và tâm sự vơi đi nhanh chóng. Tất cả uẩn khúc, u sầu, hờn dỗi, đều tan đi biến hết. Thu ngồi dậy, ngó ra bên ngoài một chập như tìm kiếm một điều gì lẩn quất đâu đây, rồi Thu bước xuống đất, đi nhóm bếp… Trong lơ mơ, tôi nó nghe Thu bảo:
- Anh uống một miếng đi.
Tôi uống một chất ngọt từ tay Thu nâng lên mồm tôi, như là đường như là sữa, như là một chất gì tôi chưa từng nếm qua trên đời, rồi tôi lại ngủ thiếp đi.
Tôi cũng không nhớ tôi thức giấc hồi nào. Tôi nghe thầm thì bên tai tôi tiếng của Thu, tôi nghe sự vuốt ve trên trán tôi của bàn tay Thu, và tôi nghe toàn thân tôi lọt tỏm vào một sự mơ hồ mà cụ thể, sự tan vỡ mà đang quật cường , sự rã rời mà phấn chấn.
Thu bảo:
- Anh nhọc quá!
- Không có gì đâu em ! Bằng một chuyến vượt dốc là cùng.
- Anh cứ liều.
- Lúc này đang nghỉ, mai không phải đi.
- Anh không lo xa à?
- Lo cũng không được.
Thu sờ vai tôi, mân mê mãi một chỗ mà tôi nghe hình như rườm máu.
- Anh ạ!
- Gì em?
- Đêm nay là đêm cuối cùng của đôi ta nhé !
- Lại sắp nói nhảm nữa phải không ?
- Em nói thật !
Hay khóc mà lại trêu người ta.
- Bài hát gì đấy. hay ghê cơ !
-Bài gì?
- Em không nhớ tác giả và tên bài vì em chỉ nghe loáng thoáng.
Rồi Thu hát.
- Thôi em ạ!
- Gì cơ?
- Em đừng hát nữa. Để lúc khác.
- Đây chính là lúc em rất cần hát. Bài hát này nói thay em.
- Thế à?
- Vâng ! Khi yêu anh, em đã tự nhủ rằng có lúc em sẽ hát tặng anh bài này. Em nghĩ lơ mơ vậy mà đúng thật. Anh ạ ! Xa em anh có buồn không ỉ
- Vui chứ.
- Vì sao?
- Vì đó là ý muốn của em.
- Anh có đủ can đảm làm theo ý muốn của em ư?
- Có chứ, có thừa.
- Vì sao?
- Vì tự ái.
- Thế là anh chẳng yêu em nhất.
- Vì sao?
- Khi chưa yêu thì còn tự ái, nhưng khi đã yêu rồi tự ái không còn.
Trời đất. Tôi giật mình.
Không biết cô gái Hà Nội đã ứng khẩu nới câu này hay đã đọc ở một quyền sách nào hay chính cô đã tổng kết từ lâu.
Thu tiếp:
- Anh có nhớ không. Có lần anh sốt nặng dọc đường, anh ngồi trên cái đế cối 82 bị bỏ dọc đường, lúc bấy giờ em mở nút bi-đông nâng vào miệng anh mà anh vẫn không uống. Anh cương quyết từ chối. Đó là vì anh chưa yêu em, cho nên anh tự ái hay tự trọng cũng thế. Rồi sau đó có lần đùa với em, anh nói: “Anh muốn làm một hạt bụi dưới chân em!” Em đáp ngay: ” Em sẽ dẫm nát anh ra ! ” Thì anh lại đáp: ” Anh sẽ bay lên đáp trên tóc, trên má em ! ” Đó là lúc anh yêu em và đối xử với em rất tế nhị. Em nói gì anh cũng nghe, cũng như em bảo anh gì anh cũng không chối từ. Đâu còn tự ái nữa.
Tôi nói ngay:
- Đúng! Em bảo anh việc gì anh cũng vâng lời, ngay cả những việc mà cả thế gian này đều không thể làm được, anh cũng vui lòng làm, nhưng chỉ trong rường hợp là việc đó có ý nghĩa tình yêu. Còn đây em bảo chúng mình hãy chia tay đi vì em sắp gặp ai đấy, thì nó lại khác rồi. Anh không thề dẹp lòng tự ái được ! Em đã dày anh dưới chân em. Thì nhất định anh không thể nằm im cho em dày.
Thu cười:
- Con người lầm lì thế mà tự ái to bằng cái… nồi.
- Nếu anh nói như em thì sao?
- Ừ thì anh nói đi, nói đi, nói đi!
- Anh không nói. vì không nghĩ như em.
- Không nghĩ thì thôi sao còn ” nếu ? ” Em mong anh nói như thế đấy!
- Anh nói thì em sẽ làm sao ?
- Anh thử đoán xem !
- Khóc là cùng ? Có đúng không ! Ơ kìa sao lại quay mặt đi ? Quay lại xem nào. Có đúng không !
- Đúng ! Đúng t Đúng ! Hỏi nữa thôi ? Em khóc gào lên bây giờ.
Lòng tự ái đã giúp tôi chiến thắng một cách vẻ vang.
—>Chương 17
- 17 -
Tôi không ngờ bên cạnh tôi có một ông bác sĩ Trung Hoa. Không biết ông ta đi đâu đây mà lại sốt nằm lê mê. Cùng đi với ông bác sĩ này có một ông khu ủy viên và một toán cần vụ nam có nữ có. Sở dĩ tôi biết được chuyện này là vì một hôm ông bác sĩ Trung Hoa kia đi ngang qua lều tôi và thấy Thu ngồi xem quyển sách của tôi ông ta dừng lại và nói chuyện với Thu bằng những tiếng Việt Nam khá khá mà có lẽ ông học được trước khi lên đường sang đây công tác. Ông ta hỏi thăm Thu và Thu đã giới thiệu tác giả của quyển sách. Ông ta cho biết quyển sách của tôi đã được dịch và xuất bản ở Bắc Kinh. (Nhưng tôi không được xu nào) . Ông cũng tự giới thiệu ông ta là bác sĩ. Ông ta đi sang bên này để nghiên cứu sốt rét giúp cho Mặt Trận Giải Phóng. Ông ta vui vẻ nói thêm và trỏ mặt mũi, da thịt của ông ta đã xơ xác và ngoách ra vì những cơn sốt rét liên miên. Ông ta nói:
- Muỗi Trường Sơn độc lắm. Bị đốt chừng vài mũi là sốt ngay.
Tôi nói:
- Diệt được sốt là thắng trận.
- Muỗi a-nô-phen đáng sợ hơn bất cứ thứ gì trên trái đất. Thế mà các anh vừa chống muỗi vừa đánh nhau thật là giỏi chịu đựng ?
Tôi cười, gật gật đầu tỏ vẻ hưởng ứng lời khen đó của ông ta. Nhưng sự thực thì trong thâm tâm, tôi đã tự bảo: “lại gặp các cha đại tếu nữa rồi. “
Tôi đã từng nghe những lời khen na ná tâng bốc tới trời như thế của những đồng chí ngoại quốc đàn anh. Đại khái là khen những người miền Nam là thần thánh. Họ sang Việt Nam một tuần lễ là phải mang vợ theo rồi, còn người Việt Nam (nói rõ hơn người Nam Bộ) đi tập kết mười năm để vợ ở nhà mà vẫn chịu được.
Bây giờ tôi lại gặp sự tếu đó tái hiện lên ở trên dãy Trường Sơn này.
Tôi hỏi:
- Đồng chí sốt mãi như vậv sao?
- Không sao, tôi đấu tranh qua hết.
- Đồng chí uống thuốc gì ?
- Uống thuốc thì ít, nhưng đấu tranh tư tưởng thì nhiều.
Ông bác sĩ đang nói chuyện với tôi thì có hai người thanh niên người Thượng tới. Đó là những người trong toán cần vụ của ông ta đi tìm ông ta về vì sợ ông ta đi lạc.
Một anh to tướng thân hình lực lưỡng như võ sĩ. Đặc biệt cặp chân rất to, bắp chân và đùi to bằng nhau. Một anh có cái quai hàm gần vuông như thước thợ. Hai anh mời ông bác sĩ về. Nhưng ông bác sĩ tỏ vẻ thích thú vì đã gặp tôi. Ông ta nói với tôi và trỏ vào quyển sách:
- Quyển sách này chúng tôi đã xuất bản ở Bắc Kinh, không ngờ hôm nay tôi được hân hạnh gặp tác giả ! Tôi muốn mời đồng chí chụp với tôi một tấm hình và ta ghi sổ lưu niệm với nhau.
Ông bạn Tàu tỏ vẻ rất thành tâm. Nhưng tôi chỉ nhận có một điều là ghi lưu niệm. Ông ta viết cho tôi đặc nghẹt một trang giấy, còn sự chụp hình thì tôi từ chối vì mặt mũi của tôi thế này thì chẳng hay ho gì mà chụp với nôm !
Tôi còn đang loay hoay ghi lưu niệm thì anh quai hàm vuông đã bắt chuyện với Thu mà tôi nghe loáng thoáng là việc đổi đồ để lấy đường.
Tiếng “đường”làm cho tôi mất hết tinh thần để ghi lưu niệm cho ông bạn vàng.
Những người giao liên Thượng trên đường này là những tay súng, những thớt vơi. Họ tải đồ như voi, họ leo núi như sóc và họ không ăn gì ngoài nắm cơm với tro, hoặc muối và vốc nước suối mà uống ngon lành.
Mỗi người mang một lúc sáu quả DKZ mỗi quả vừa vỏ vừa ruột nặng mười lăm kí lô. Nhưng đó cũng chưa phải là những kiện tướng, những kiện tướng đeo nặng hơn thế vài. . . chục kí-lô. Và có điều rất đặc biệt là những người được bầu làm kiện tướng thì không được thưởng cái gì cả ngoài hai chữ kiện tướng. Có những người gùi cả gùi đường cát về cho bệnh nhân , nhưng không bao giờ họ nếm một miếng đường.
Họ không ăn đường, không biết vị ngọt là gì, không thèm ngọt bao giờ. Cho nên họ gạ Thu đổi đường.
Hai anh giao liên người Thượng dẫn ông bác sĩ Tàu về. Đi ngang một lạch suối, tôi thấy anh võ sĩ khom lưng, ông bác sĩ leo lên và anh võ sĩ lội một mạch qua suối rồi đi khuất.
Chập sau hai anh trở lại, mỗi người một gói đường trên tay. Chuyện mặc cả bắt đầu. Tôi thú thật rằng tôi muốn giật phăng lấy trút hết vào mồm nuốt trửng hết ngay. Vậy mà tôi phải bình tĩnh, coi.như mình xem đường không có nghĩa gì. Anh quai hàm vuông hỏi:
- Các anh có cái gì đổi?
- Khăn, quần, áo, cái gì cũng có. Tôi đáp. Tôi đã giằn lấy tôi, nếu không thì tôi đã nói phức ra rằng: “Đổi cả tôi cũng được ! ”
Nhưng Thu đã bảo:
- Đường đâu, đưa cho tôi coi !
Mỗi anh đưa cái gói đường của mình ra. Cái gói bằng giấy dầu, ràng buộc rất kỹ. Nhiều chỗ đường đã ướt thấm ra ngoài ngon lành như mật ong. Tôi nói với Thu:
- Thế là vừa đủ cho hai đứa.
Tôi soạn cả ba-lô quần áo, lớp cũ, lớp mới, còn lại sau cái trận đổi gà chó trong sóc cùng đi với Việt, cốt sao cho hai anh người Thượng này tìm được một món đúng ý thích ngay.
Anh có quai hàm vuôn trông thấy cái khăn sọc vừa xanh vừa đỏ của Thu, anh ta chớp lấy đưa lên mắt xem giũ giũ rồi quấn ngay lên cổ, và đưa ngay gói đường cho Thu.
Hai người nói với nhau bằng tiếng của dân tộc họ, reo mừng tỏ ý hoan hỉ vì có được một cái khăn như thế. Anh quai hàm vuông cứ cúi xuống ngực nhìn cái chéo khăn cười lên sung sước, xong lại cởi ra cầm trên tay căng ra đưa ngang mắt rồi giơ lên soi với ánh mặt trời. Anh thanh niên võ sĩ giật lấy ướm thử vào cổ. Xong anh nói câu gì. Anh quai hàm vuông phản đối và giật lại ngay. Có lẽ anh kia bảo anh này nhường cái khăn lại cho, nhưng anh nầy không đồng ý.
Đó là cái khăn vải thôi hạng bét của nhà trường phát cho mỗi đứa một vuông không biết để làm gì.
Tôi trỏ cho anh thanh niên võ sĩ cái mớ đồ của tôi, nhưng anh không chú ý mà cứ đưa mắt theo cái khăn đã cuộn chắc trên cổ của anh bạn kia một cách thèm thuồng.
Tôi cầm lấy chiếc khăn lông trắng nuốt của tôi căng thẳng tay ra và đưa ra trước mắt anh. Chiếc khăn có thể làm chăn đáp được thế nhưng anh ta không buồn xem. Anh ta hỏi tôi:
- Anh không có khăn à?
- Thì khăn đây, còn khăn gì nữa? – Tôi hơi cáu.
- Không, chiếc khăn kia kìa.
- Trời ơi! Chiếc khăn lông này giá trị gấp mười chiếc khăn sọc kia mà ành!
- Tôi không ham chiếc khăn nớ.
- Tại sao? Anh có thể dùng nó trong rất nhiều việc, quấn cổ rất ấm, tắm xong rồi lau, đêm ngủ đắp ấm.
Mặc dù tôi giải thích cặn kẻ như vậy, nhưng anh thanh niên vẫn lắc đầu:
- Tôi muốn chiếc khăn kia!
(Về sau tôi mới biết thêm rằng họ tắm xong đâu có cần lau chùi gì, họ không lạnh, cần gì khăn quấn cổ hoặc đắp trong lúc ngủ?)
Thấy tôi bí lối, Thu hỏi:
- Còn chiếc khăn của trường phát cho anh đâu rồi?
- Anh vứt đi rồi!
- Anh thiệt!
- Mang một mảnh vải như vậy để làm gì?
- Thì để làm gì anh thấy đây này.
- Ai mà biết. Hằng trăm việc lớn còn không ngờ được, huống chi việc này.
Anh thanh niên vẫn không thay đổi ý định. Anh ta cứ nhìn khăn trên cổ anh bạn kia một cách thèm thuồng. Thì ra anh ta thích màu mè loè loẹt, chứ tính ra giá thành thì cái khăn sọc kia chỉ đáng giá một phần mười của cái khăn lông.
Tôi bực quá nhưng biết rằng không thể giải thích được cho anh ta nghe. Đó là sở thích của cả một dân tộc. Tôi bèn lôi món đồ đắt giá nhất trong ba-lô tôi ra, cái áo len màu sô-cô-la giá bằng một trăm cái khăn sọc kia trao cho anh thanh niên võ sĩ và nói:
- Tôi đổi cho anh đấy!
Nhưng anh thanh niên chỉ nhận lấy một cách miễn cưỡng. Anh nâng ngang mắt rồi căng ra giờ lên trời xem. Anh bạn kia cũng bước lại. Cả hai cùng ngắm nghía. Xong cả hai lại nói tiếng dân tộc của họ, rồi quay sang tôi, họ bảo:
- Áo rách hết!
Tôi và Thu cười:
- Áo mới mà!
- Đâu mà mới.
- Chịp! Khổ quá. – Tôi nói – Áo tôi mới đan để đi Nam mà. Rách đâu mà rách?
Anh thanh niên võ sĩ nói:
- Cái áo rách nhìn thấy ông trời mà! Đây anh chị lại đây coi.
Thu đem hết sự thông minh của nàng ra để giải thích cho hai anh hiểu rằng đó là len, nó thưa thớt như thế, nhưng nó đắt giá lắm. Nhưng hai anh đâu có cần đến cái “áo rách” nhìn thấy ông trời đó! Nếu tôi dè họ thích khăn sọc thì tôi đã không mang cái áo len và cái khăn lông kia ra.
Cuối cùng anh thanh niên đành nhận chiếc khăn lông mà trao cho tôi gói đường.
Tôi biết càng đi vào càng khốn khổ, cái mồm càng khô, cái bụng càng lép, cho nên đổi cho được gói đường.
Tôi hỏi:
- Đường của anh à?
- Của tôi, tôi không ăn!
- Tại sao anh không ăn?
- Tôi không biết!
- Anh không ăn bao giờ à?
- Không.
- Anh đi theo ông kia (ông bác sĩ Tàu) để làm gì?
- Để dắt đường, để cõng ổng leo cái dốc, để cõng ổng qua cái suối, để mắc cái võng cho ổng nằm, để nấu cơm cho ổng ăn.
- Còn làm gì nữa hết?
- Để giặt cái quần cái áo cho ổng mặc!
- Để che cái máy bay bắn.- Anh thanh niên quai hàm vuông đáp – Máy bay bắn là phải che.
Tôi hỏi tiếp:
- Máy bay nó ở trên trời che làm sao được?
- Nó bắn tành tành chớ! Lúc đó mình phải đưa cho ổng vô hầm rồi mình ngồi ngoài miệng hầm. Nó có bắn thì trúng mình trước.
À, ra che máy bay là thế đó!
Năm Cà Dom đi đâu về, thấy tôi đang soạn đồ đạc trong ba-lô ra như người Do Thái bày hàng ra bán ở vỉa hè. Tôi chưa kịp thuật với Năm Cà Dom chuyện đổi đường vừa qua thì Năm đã reo lên:
- À đây rồi!
- Cái gì?
- Trời đất, nếu hổm rày mà tớ biết cậu có cái này thì tớ sẽ kiếm đồ ăn lia lịa. Sao mà kính miệng quá vậy?
Năm Cà Dom vồ lấy cái máy ảnh của tôi, cái món đồ mà lâu nay tôi cũng không còn nhớ rằng tôi mang nó trên lưng. Lâu lâu, tôi lại thấy nó nặng nề như cục sắt, tôi muốn vứt nó đi, hay nói đúng hơn, tôi muốn đổi nó với giá một lon muối.
Tôi bao Năm:
- Nhúng nước suối, dầm nước mưa, nó hỏng mất rồi!
- Sụyt! – Năm Cà Dom xua tay lia lịa. Đừng nói, đừng nói!
Rồi Năm Cà Dom rỉ tai tôi:
- Làm ăn được như thường không sao đâu.
Tôi hiểu ý của Năm rồi. Đây cũng là một cái ngón nghề.
Năm Cà Dom nói:
- Cậu không biết chớ ở Hà Nội có một thằng cha bác sĩ chích ống không cho thân chủ, vậy mà không ai phát hiện được. Ở ngoài đó, không có một phòng mạch nào của bác sĩ làm riêng tư cả. Vậy mà hễ có bác sĩ lén làm riêng là họ chơi cái kiểu đó, làm sao bệnh nhân sống nổi?
Năm Cà Dom tiếp:
- Có cái máy ảnh này thì tớ bảo đảm thức ăn cho cậu hằng ngày.
- Ở xưa này có ai chụp làm gì?
- Cậu không có nghiên cứu tâm lý. Chính trong cái cảnh này người ta mới ham chụp hình. Có một tấm hình để làm kỷ niệm về cuộc đời “cách mạng” chết đói của mình, hiểu không?
Tôi nói:
- Nhưng phim đâu còn mà chụp?
- Tớ đã bảo, chậc… không có cần mẹ gì hết. Cứ đưa cái máy ảnh đây cho tớ, tớ làm sao thì làm miễn có ăn thôi! Tớ đã tổng kết rồi! Thằng lớn thằng nhỏ đều thích chụp hình cả.
Thật là ghê gớm. Một cái anh lương thiện như Cà Dom mà cũng sanh ngụy. Ở đây, ai làm được gì để sống, để khoẻ thì cứ làm, không có kể lập trường lập bò gì cả.
Có lẽ cái con người “giữ lập trường” bền bĩ nhất là ông Chín. Và người thứ hai là ông bác sĩ Tàu đi nghiên cứu chữa bệnh sốt rét Trường Sơn. (Nghe đâu có một ông bác sĩ khác cùng đi với ông, bị sốt ác tính đem về Hà Nội không kịp chết giữa rừng. Người ta giấu kỹ lắm)
Nếu ông Chính mà gặp ông bác sĩ Tàu vừa nói chuyện với tôi khi nãy có lẽ đó là một cuộc đàm thoại vui nhất thế giới. Tôi đã bàn với Năm Cà Dom nếu còn ở lại đây lâu tôi sẽ đạo diễn cái màn “hát chập” đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét