Như một lời di chúc dặn vợ con, khi tôi đã... chết!
Nhạc sĩ Tô Hải
Tới năm 2003, mang bản thảo ra đọc lại, thấy ngòi bút của mình sao vẫn còn rụt rè, vẫn còn lấp lửng. Mới biết mình vẫn còn chưa hết sợ sức mạnh tàn bạo của nền “chuyên chính vô sản” mà mình từng nếm trải. Nhất là sợ rồi đây vợ con mình sẽ phải chịu đựng những đòn thù bẩn thỉu của bầy dã thú đội lốt người, nếu chẳng may những gì mình viết ra rơi vào tay chúng.
Tôi thấy mình cần phải sửa lại cuốn sách - từ cách viết, từ cái nhìn chưa đủ tinh tường về những sự kiện lịch sử - và viết thêm về những con người cần được nhắc tới, mỗi người là một mảnh gương nhỏ, nhưng gộp lại người đọc có thể thấy hình ảnh một thời đại.
Và viết thêm một chương “TÔI ĐÃ HẾT HÈN”!
Nhưng đã đến chưa, cái thời cơ có thể đưa cuốn sách mà tôi ấp ủ bấy lâu ra trình diện người đọc? Vẫn còn chưa phải lúc chăng? Ngẫm ra, tuy viết là “Tôi đã hết hèn”, nhưng trong thực tế cái hèn vẫn còn đó, nó vẫn bám chằng chằng, như một bộ phận của cơ thể, cái sự mình khẳng định với mình rằng đã hết hèn mới chỉ là sự mạnh dạn với bản thân khi cầm bút mà thôi!
Còn đấu tranh trực diện với cái sức mạnh tăm tối đang cai trị đất nước, kìm hãm sự phát triển của cả một dân tộc là chuyện khác, không phải là điều ai cũng dám làm!
Đặc biệt, ba bốn năm gần đây tôi may mắn có điều kiện làm quen với Internet, nhờ đó mà được tiếp cận với rất nhiều người mà tôi vô cùng cảm phục. Dù đang sống ở trong nước, họ không hề sợ hãi trước đàn áp, ngục tù.
Đó là những Hoàng Minh Chính (1), Trần Độ (2), Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu. Bùi Minh Quốc, những Hoàng Tiến, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Thanh Giang, Vũ Cao Quận (3)... Đó là những nhà sư, những linh mục thà chết không chịu đứng chung hàng với lũ tu sĩ “quốc doanh”, và nhiều, rất nhiều người khác nữa!
Cũng không thể không nói đến ảnh hưởng của hàng chục website cổ võ dân chủ trên khắp thế giới, cũng như những gì bạn bè tôi, đồng đội, “đồng chí” cũ của tôi như Bùi Tín, Vũ Thư Hiên đã phải bỏ nước, bỏ cả vợ con ra đi để được viết lên Sự Thật, mở mắt cho bao người còn đang sống hèn như tôi. Không có những cái đó thì nhân dân còn tiếp tục bị lừa dối bởi lũ bồi bút cho đến nay vẫn ra rả ca tụng một chủ nghĩa đã lỗi thời với cả nhân loại.
Tôi cũng mong sao mỗi người trong các văn nghệ sĩ sắp giã từ cõi đời nhầy nhụa này hãy để lại một “bản di chúc” nói lên Sự Thật, dù chỉ là 1/1000 Sự Thật, để tạ tội với đồng bào, về những gì mình đã vì miếng cơm manh áo, vì yếu hèn mà phải cúi đầu làm thân trâu ngựa. Được như Ba Người Khác của Tô Hoài (4) cũng đã là tốt, làm được thế thì người viết cũng có thể được nhân dân “xá tội” cho phần nào.
Người đọc đang chờ xem “di cảo” của một Chế Lan Viên (5), một Nguyễn Đình Thi (6) — hai nhân vật đứng đầu bầy nô lệ cầm bút. Đáng ngạc nhiên là theo Nguyễn Đình Chính (con trai Nguyễn Đình Thi) thì cuốn hồi ký của Nguyễn Đình Thi sẽ chỉ được phép công bố vào năm... 2014?!
Sao lại lâu đến thế? Nguyễn Đình Chính vẫn còn sợ, còn tính toán thiệt hơn, còn bắt linh hồn người cha ở thế giới bên kia tiếp tục đóng kịch mãi sao? Hay là chính tác giả cuốn hồi ký doạ sẽ in năm 2014 vẫn còn chưa tin là chủ nghĩa cộng sản đã đến ngày tuyệt diệt?
Tôi sẽ phải đưa vào chương sẽ viết những nhận thức mới, tình cảm mới, những sự kiện bổ sung dưới ánh sáng mới, một chương gần như tóm tắt tất cả những gì tôi đã viết vào lúc chưa có được sự tiếp xúc và tiếp sức của phong trào đòi tự do, dân chủ, đòi quyền con người đang ào ào dâng lên mỗi giờ, mỗi ngày trong cái xã hội độc tài đảng trị đáng nguyền rủa.
Viết xong chương bổ sung cần thiết, tôi sẽ công bố cuốn hồi ký của đời mình trên mạng Internet toàn cầu để mọi người nếu đã biết rồi sẽ biết thêm về mặt trái với những góc khuất của một xã hội tồi tệ được sơn son thếp vàng bởi một lũ bồi bút hèn hạ, trong đó, than ôi, có cả bàn tay của kẻ viết những dòng này.
Tại sao lại phải công bố trên Internet?
Bởi vì không thể trông chờ sự xuất hiện của một nhà xuất bản tư nhân nhờ “ơn trên” nào đó sẽ ra đời trong một cuộc đổi mới giả hiệu, và tập hồi ký này sẽ được in. Trong cái quái thai “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, nhưng vẫn độc tài với tự do tư tưởng, với nhân quyền tối thiểu, chuyện đó quyết không thể xảy ra.
Thật tình, tôi những ước mong lời nhắn gửi của tôi sẽ đến tay đồng bào, bè bạn, đồng đội, “đồng chí” cũ của tôi, những thế hệ sau tôi, kể cả “kẻ thù” của tôi nữa, trong dạng một cuốn sách bằng giấy trắng mực đen hơn là một cuốn sách trên màn hình máy tính. Mạng thông tin toàn cầu cho tới nay vẫn còn là một cái gì xa lạ với tuyệt đại đa số dân chúng Việt Nam, kể cả nhiều người gọi là có học nhưng đã về già, không còn sức để đọc mấy trăm trang trên computer!
Cuối cùng, xin người đọc, nhất là các bậc thức giả, hãy lượng thứ cho những thiếu sót, những nhầm lẫn ở chỗ này chỗ khác về tên tuổi, địa danh, ngày, tháng... mà một cây bút “trẻ” ở tuổi 80, tài vốn hèn, sức đã kiệt, có thể mắc phải.
Sài Gòn ngày 1 tháng 5 năm 2007
Chú thích:
[1] Hoàng Minh Chính, tên thật Trần Ngọc Nghiêm (1920-2008), từng giữ các chức vụ Phó chủ nhiệm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lênin. Bị khai trừ khỏi ĐCS năm 1968 trong vụ “Nhóm "xét lại chống đảng". Những chú thích cần thiết để bạn đọc hiểu thêm về nhân vật được nhắc đến là của nhà xuất bản.
[2] Trần Độ (1923-2002), nhà văn, trung tướng, từng giữ các chức vụ phó chủ tịch Quốc Hội VNDCCH, trưởng ban Văn hoá Văn nghệ ĐCSVN kiêm thứ trưởng Bộ Văn Hóa. Về cuối đời,bị khai trừ khỏi ĐCS vì đấu tranh cho dân chủ hoá đất nước.
[3] Những người trong nước đấu tranh cho dân chủ được biết đến nhiều.
[4] Tô Hoài (1920), nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm Dế Mèn Phiêu Lưu Ký, O Chuột, Truyện Tây Bắc…
[5] Chế Lan Viên (1920-1989), tên thật Phạm Ngọc Hoan, nhà thơ nổi tiếng với những tập thơ Điêu Tàn, Ánh Sáng và Phù Sa...
[6] Nguyễn Đình Thi (1924-2003), một nghệ sĩ đa tài, nhà văn nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhạc sĩ sáng tác, có nhiều tác phẩm trong mọi lĩnh vực.
"Khi người ta bắt tay vào viết hồi ký, ấy là lúc mọi khát vọng sáng tạo đã cạn, mọi ham mê, hoài bão đã tắt, và thần chết đã cầm lưỡi hái hiện trước cửa sổ... ”
Câu mở đầu đó, nếu tôi không nhầm, là của George Sand ([1]) mà tôi đã đọc, đã thương cảm và đã tự nhủ rằng rồi đây chính mình cũng sẽ phải để lại cho đời ít dòng nói thật khi bước vào tuổi 70, nếu như cái chết lãng nhách không đến bất chợt!
Biết đâu đấy, rồi đây lịch sử sẽ có thêm được một số chi tiết trong “tội ác diệt văn hóa” của nhà cầm quyền Việt Nam trong một thời gian dài trên nửa thế kỷ nhờ những chứng liệu được ghi trong hồi ký của một kẻ từng làm thứ văn nghệ gọi là “vì Đảng vì dân” trong suốt đời mình.
Hãy nhìn lại lịch sử văn học nghệ thuật ở miền Bắc Việt Nam mà xem.
Một lỗ hổng lớn!
Đúng vậy!
Hậu thế sẽ thắc mắc: làm sao mà từ năm 1945 đến đầu thế kỷ 21, nhân tài đất Việt ở miền Bắc Việt Nam —một thứ Đàng Ngoài của lịch sử lặp lại — ít ỏi đến thế?
Tác phẩm của họ đâu rồi, ngoài lèo tèo mấy bài thơ của Hữu Loan ([2]), Trần Dần ([3]), Phùng Quán ([4])...? Chẳng có một tiểu thuyết, một đoạn văn nào đáng được trích giảng trong các trường từ tiểu, trung đến đại học hay sao? Vậy mà trong suốt thời kỳ đất nước ta nằm dưới “sự lãnh đạo vô cùng sáng suốt” và “duy nhất đúng đắn” của những tên “xuất thân thành phần cơ bản”, trình độ học thức ở mức “đánh vần được chữ quốc ngữ”, các văn nghệ sĩ công chức ở nơi này vẫn được nhà cầm quyền trao tặng “Giải thưởng Nhà Nước”, “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và đủ thứ bằng khen giấy khen, được trang trọng lồng kính treo kín những bức tường phòng khách! Thử hỏi những tác phẩm được khen nức khen nở ấy giờ đâu rồi?
Té ra tất cả đã bị lịch sử xếp xó.
Hơn thế nữa, những tác giả được Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa khen hàng loạt nọ trong thực tế còn là những kẻ bán rẻ lương tâm đã lợi dụng các loại hình văn nghệ để ca ngợi những điều bất nhân, bất nghĩa bị cả nhân loại phỉ nhổ: khuyến khích con đấu cha, vợ tố chồng; hô hào kích động người cùng một nước chém giết lẫn nhau; ra sức ngợi ca những tên sát nhân khét tiếng như Stalin ([5]), Mao Trạch Đông ([6])… thậm chí, còn quỳ gối khấu đầu tạ ơn những tên đao phủ và cái tổ chức tội ác là “Đảng đã cho ta một mùa xuân”([7]), dạy những đứa trẻ bập bẹ biết nói: “tiếng đầu lòng con gọi Stalin!”([8]) Nhục nhã thay cho những kẻ cam tâm bợ đít, luồn trôn kẻ giết cha mình!
Vậy mà cho tới cuối thế kỷ 20 vẫn còn những kẻ u mê cứ tưởng các “tác phẩm” tuyên truyền cho cuộc chiến huynh đệ tương tàn, cho hận thù dân tộc, cho đấu tranh giai cấp của chúng là giá trị lắm!
Cứ xem chúng tâng bốc nhau, nịnh bợ nhau, bôi xấu nhau, kiện cáo nhau, để được nhận cái… vết nhơ một thời làm lính văn nghệ của Đảng thì thấy.
Không thể nín nhịn mãi, nhân dịp người ta tổ chức mừng sinh nhật 70 tuổi của tôi để ghi công những năm làm nô bộc của tôi, tôi đã công khai phủ nhận tuốt tuột những gì tôi gọi là “tranh cổ động bằng âm thanh” trên Tivi Sài Gòn. Tôi kiên quyết không cho phát lại những gì tôi được nhà cầm quyền ngợi khen suốt quá trình sáng tác. Để nhắc đến những tác phẩm của tôi, tôi chỉ đồng ý lên một chương trình do chính tôi soạn thảo và đặt tên. Nó gồm những tiếng nói của trái tim bị cấm đoán, bị lên án, thậm chí bị trù dập suốt nửa thế kỷ.([9])
Sau hết, dựa vào thời cơ “Đổi Mới”, nhờ những bạn bè đồng tình với tôi và còn giữ được một số quyền hành cuối cùng trước khi về hưu, chương trình Nửa Trái Tim Tôi của Tô Hải đã ra mắt trọn một tiếng đồng hồ với toàn những “tác phẩm bỏ tủ lạnh”, với những lời tuyên bố gây “sốc” mạnh trong giới làm nhạc ăn lương.
Những đồng nghiệp thực sự có tài và có tâm sự giống tôi thì hài lòng. Số này, khi trả lời phỏng vấn, cũng chỉ dám nhận một cách khiêm tốn con số ít ỏi những gì mình làm ra xứng đáng được gọi là tác phẩm.
Còn số khác, những “nhạc sĩ” bám chặt thành tích 500, 1000 bài hát ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác, động viên con em ra chiến trường hiện còn tiếp tục lải nhải kể công với Đảng để xin “tí tiền còm” nhân danh giải này giải nọ thì tự ái, nổi khùng,
Họ gọi tôi là “tên phản động”.
Trả lời những câu hỏi của báo chí hoặc truyền thanh, truyền hình tôi luôn nhắc lại nguyên lý bất diệt của nghệ thuật: “Chỉ những gì từ trái tim mới đến được trái tim”! Nhưng trái tim của tôi, hỡi ôi, gần một thế kỷ qua lại không đập vì...tôi! Nó bị trói buộc, bị cưỡng bức phải đập vì những cái xa lạ với tôi: vì Đảng, vì hai cuộc chiến, vì những tín điều nhập khẩu từ các nước cộng sản Nga, Tầu.
May thay, thời thế rồi cũng đổi thay.
Liên Xô, “quê hương của cách mạng vô sản toàn thế giới”, “ngọn đuốc soi đường cho nhân loại” sụp đổ cái rụp. Thần tượng Marx, Lénine, Stalin gần 70 năm được tôn thờ hơn cả Chúa Trời bị đập tan!
Đọc hồi ký, di bút của các văn nghệ sĩ vĩ đại của mọi thời đại như Beethoven, Modigliani, Rubinstein, Stravinsky, Liszt ([10])... hay của các nhà chính trị như De Gaulle, Khrutchev, Nixon ([11]) ... càng thấy cái cao thượng của họ bao nhiêu càng thấy cái bẩn thỉu, thấp hèn của các nhà “chính chọe” (politicaillerie) bấy nhiêu.
Biết bao tên tuổi lớn đã chịu sự hắt hủi, lên án, thậm chí săn đuổi, cách ly của một thể chế, của tập đoàn nắm quyền lực, kể cả bị lên án là “phản bội” đã để lại cho chúng ta các tác phẩm ghi lại những gì họ suy ngẫm qua những trải nghiệm trong cuộc đời, những buồn đau, khổ cực, những chịu đựng ghê gớm cả về vật chất lẫn tinh thần để tồn tại, để tìm tòi và sáng tạo.
Trong khi đó, hồi ký của các “lãnh tụ cách mạng” chỉ là những cuốn sách nhăng cuội, viết ra cốt tự đề cao mình một lần cuối, để giải thích (chống chế thì đúng hơn) cho những hành động sai lầm, để đổ tội cho người khác về những thất bại mang tính lịch sử mà kẻ viết hồi ký chính là tội phạm.
Vậy thì, tôi, Tô Hải, một cái tên được nhiều người biết đến ở cái thời “âm nhạc phục vụ công nông binh”, ở cái thời mà âm nhạc, nếu không làm đúng yêu cầu của Đảng là lập tức bị bọn “quan văn nghệ” lên án là “mất lập trường”, là “cá nhân tiểu tư sản”, thậm chí là “âm nhạc phản động”, có gì để mà hồi với chẳng ký?
Bánh xe lịch sử quay với tốc độ kinh hoàng đã cuốn phăng những “tác phẩm”, và cả những tác giả của chúng từng đoạt giải thưởng này huân chương nọ — lại than ôi, có cả tôi trong đó!
Lẽ công bằng chậm chạp cho đến nay đã phục hồi một cách rụt rè (không cần một quyết định hành chính nào hết) những tác phẩm và những tác giả một thời bị đoạ đầy, bị cấm đoán. Cuộc Đổi Mới, thực tế là trở lại như cũ, những quan niệm về cái đẹp đã cho những “tên tuổi lớn” một thời trong mọi lãnh vực quân sự, chính trị, văn học, nghệ thuật những cái tát tỉnh người!
Trong “cơn đau cuối đời”, một số cựu uỷ viên trung ương đảng không còn chỗ ngồi ghé trong các ban chấp hành mới, mấy ông tướng bị cho ra rìa, ngồi chơi xơi nước hoặc bị khai trừ khỏi đảng vì bất tuân thượng lệnh, đã tỉnh ngộ. Kinh nghiệm một đời theo Đảng đã cho họ cái để viết nên những trang “sám hối” có phần nào giá trị. Họ phải trả giá cho sự dám nhìn lại cuộc đời bằng con mắt khách quan và tỉnh táo bằng sự trừng trị tương đối nhẹ nhàng so với người đối kháng khác: bị giam lỏng tại nhà, bị cắt điện thoại, tịch thu computer...
Trong khi đó — tôi xin nhắc lại — mấy anh văn nghệ sĩ mơ ngủ vẫn còn xúm đông xúm đỏ chen lấn nhau để giành bằng được mấy cái giải thưởng cho những tác phẩm mà con cháu ngày nay chẳng còn coi là cái giống gì. Ấy là chưa kể những kẻ chẳng bao giờ góp mặt trong nền văn nghệ, kể cả văn nghệ “phục vụ cách mạng”, nhân dịp này dịp khác cũng được nhà nước vô sản hào phóng ban thưởng về “sáng tác”!
TUỔI ẤU THƠ
Người ta thường nói: “Mở mắt chào đời” hoặc “Cất ba tiếng khóc chào đời”. Trường hợp tôi ra đời thì ngược lại! Tôi đã...“nhắm mắt chào đời” và...cười sằng sặc khi ra khỏi bụng mẹ!
Chuyện bịa?
Không! Thật trăm phần trăm.
Mẹ tôi kể lại tôi ra đời không bình thường. Con “đường ra” đúng là “ra...khỏi bụng”! Tôi vì to con quá (gần 4 kí-lô), mà lại là con đầu lòng, nên người ta phải mổ để “bứng” ra sau cơn trở dạ của mẹ tôi kéo dài hơn mười tiếng đồng hồ! Tôi ra đời “mắt nhắm nghiền, miệng phát ra tiếng sằng sặc như tiếng cười”, có lẽ do bị nghẹt thở, chứ không phải tiếng khóc!
Hơn thế nữa, miệng tôi lại có sẵn hai cái răng cửa!
Tiếng cười ở cái miệng có sẵn răng cửa của một thai nhi trở thành công dân Anamít ngày 24 Septembre 1927 sau này được họ nhà Tô bảo rằng tôi đã cất tiếng “cười ngạo nghễ chào đời!” Hai cái răng này mãi 4 năm sau mới chịu rụng để tôi bị mang hai tiếng “Hải sún”! Khi răng mọc hai cái mới, vừa to vừa dài khác thường thì tôi lại bị đổi tên thành “Hải hô”, “Hải mỡ” vì tôi to béo cũng quá khổ. Những năm sau này, người nào yêu tôi thì gọi là “răng duyên”, người ghét tôi thì gọi là “răng nhai”, “răng đớp”.
Tôi được cứu sống nhờ những cú phát thật mạnh vào mông mới chịu cất tiếng khóc. Phải chăng đó là điềm gở vì kể từ lúc trở thành “công dân của xứ bảo hộ Bắc Kỳ” cho tới sau này, tôi luôn bị “ăn đòn” mới sáng mắt, mới chịu khóc! Thằng quỷ sứ là tôi ra đời đúng 5 giờ 10 phút tại nhà thương hàng Đồng, Hà Nội và ra đời như vậy đó!
Tờ khai sinh bằng tiếng Tây gọi là Acte de naissance với các mục ngày sinh, tháng đẻ, tên cha, tên mẹ, tuốt tuột đều bằng tiếng Pháp, tôi còn giữ một bản trong ba lô mãi những năm đã thành anh Vệ Quốc Quân. Chính cái tờ khai sinh nửa Tây, nửa ta này một lần đã làm tôi suýt mất mạng vì mang nó trong ba lô và bị những người có tinh thần cảnh giác cách mạng cao phát hiện, tưởng là truyền đơn tiếng Pháp. Cũng may là trong đám kiểm tra hành trang của tôi trước lúc vượt đường số 5 lại có một ông chỉ huy nguyên là đội khố xanh biết nó là loại giấy gì. Nếu không, tôi đã bị mấy ông nông dân răng đen cho đi “tầu suốt” như những cô gái, những ông già bị chết oan uổng vì chạy tản cư ngày đầu kháng chiến lại mang theo cả “livret scolaire”- học bạ, mặc áo, đi tất có ba màu xanh-trắng-đỏ: cờ Pháp!
Tôi nhớ rõ tham mưu trưởng chiến khu III Vũ Hiển lúc ấy đã nói “Thà giết lầm 10 người còn hơn để lọt một tên Việt gian”! Tất nhiên, ông tham mưu trưởng của tôi không phải là người sáng tạo ra cái khẩu hiệu ghê rợn đó. Ông chỉ nhắc lại lời các lãnh tụ của ông mà thôi. Đó là cái rùng mình đầu tiên trong ngàn vạn cái rùng mình sau này suốt quá trình tôi đi theo cách mạng!
Trở lại chuyện tôi ra đời, to như Tây, khai sinh nửa Tây nửa ta, và nghe kể lại, khi đón tôi về nhà có cả kèn bú-dích ([1]), vì nhà tôi ở phố Bảo Khánh đang inh ỏi tiếng kèn đón ông vua con Bảo Đại ([2]) ra Bắc Kỳ du hành quanh hồ Hoàn Kiếm!
Bản nhạc đầu đời tôi được nghe, như thế, là một bản kèn Tây do lính ta thổi, có mặt cụ Đinh Ngọc Liên ([3]) nổi tiếng sau này và ông Tây Camille Parmentier chỉ huy!
Chẳng hiểu bố tôi có quá đề cao thằng quí tử không khi đã hơn một lần khoe với bạn bè: “Thằng Hải nhà tôi nó có “bông-gu” ([4]) âm nhạc từ lúc mới đẻ! Cứ nghe nhạc bên nhà kèn nổi lên là nó khóc ré đòi bế đi nghe!”
Môi trường âm nhạc đầu đời này còn ảnh hưởng mãi trong tôi từ lúc nằm nôi cho tới khi biết ê a tiếng hát. Đó là nhờ bên phải nhà tôi có Nhà Thờ Lớn, bên trái có ki-ốt hoà nhạc hàng tuần của dàn nhạc harmonique quân đội, đằng sau là phố hàng Trống với tiếng bung, bung, cắc, cắc ... của những bác thợ sản xuất trống, cứ gõ đều đều không nghỉ từ sớm tinh mơ đến tận chiều tối.
Sự ra đời của tôi không được bà nội tôi (ông nội đã mất trước khi có cháu) và họ hàng hoan nghênh. Ít người thăm hỏi. Tất cả chỉ do lời dèm pha: “Thằng Hoàn, con Nhung (tên bố mẹ tôi) sinh ra quái thai”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét