Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

HỒI KÝ ĐƯỜNG ĐI KHÔNG ĐẾN CỦA XUÂN VŨ - KỲ 4

- 21-
Bộ đội ở ngoài rừng nấu nướng lửa đỏ rực khắp nơi. Anh giao liên đã trở về. Tự nãy giờ anh đi la ó vể việc tắt lửa mỗi khi có máy bay đến. Anh vừa leo lên thang vừa càu nhàu:
- Vô kỷ luật nhất là bộ đội! Ông nội ai bây giờ la hét cũng không nỗi. Máy bay tới bên đít mà thổi còi muốn lạc giọng cũng không chịu tắt lửa cho! Mặc kệ mẹ, tao không thèm la nữa, thí mạng cùi đó. Thằng nào muốn làm gì thì làm!
Ông Chín không tán thành cái thái độ của anh giao liên. Ông ta chúa sợ máy bay, làm sao ông nằm im được với cái cảnh bếp núc lửa khói loạn xạ như vậy?
Ông leo xuống thang và quờ quạng đi ra nhóm bộ đội gần nhất ở ven rừng. Giao liên không cho họ vô tới đây, nhưng họ không nghe, cứ chỗ nào thuận tiện thì họ tới. Thấy ông Chín đi dẹp cái trận “hoả công”, anh giao liên phì cười:


- Ông ngoại mà bảo họ nghe, về đây con lạy ông tới sói trán ăn thua!
- Tao không cần lạy!
- Vậy con cõng ông ngoại đi suốt một trạm.
- À, nhớ đấy nghe! Nhớ nghe các đồng chí!
Rồi ông Chín xăm xăm đi thẳng tới nhóm bộ đội đang chụm lửa rần rần ngoài rừng.
Ông Chín dừng lại và ôn tồn cất giọng:
- Tôi xin có ý kiến một chút các đồng chí! Các đồng chí ơi!…tôi xin có ý kiến một chút!
Có người ngước lên nhìn. Có lẽ anh này ngạc nhiên vì ở giữa rừng Trường Sơn lại có một lão già đầu râu tóc bạc như vậy.
Ông Chín nói tiếp:
- Tôi thấy các đồng chí chụm lửa to quá, sợ máy bay nó trông thấy chăng? Yêu cầu các đồng chí chụm ít ít một chút để khi có máy bay ở xa thì tắt cho nhanh, cho kịp. Nó xài toàn phản lực, hễ mình nghe tiếng nó thì nó đã bay qua rồi.
- Không sao đâu cụ, chúng tôi có trực ban hễ có tiếng động cơ là a-lê-hấp chúng tôi ngậm nước phun cái phèo, thế là tắt rụi hết trơn.
Ông Chín vẫn ôn tồn và kiên nhẫn giải thích.
Một giọng đáp lại:
- Thôi bỏ đi bố già, để chúng con nấu ăn cho chóng rồi còn nghỉ ngơi. Mệt bỏ mẹ rồi đây, lại còn huấn từ. Cụ có rổi thì về nằm nghỉ đi.
- Ơ hay! Những người khôn ngoan là những người chịu nghe lẽ phải. Tôi nói thế các đồng chí không nghe ra thì còn chờ đợi cái gì?
Một người nói:
- Tôi đói tôi cần ăn cơm chớ không cần gì hết! Ai quấy rầy tôi, người đó không biết lẽ phải.
Một người khác lại tiếp:
- Đói thì ăn cơm chớ kỷ luật không ăn được. Cụ muốn gì thì về nói với đơn vị cụ! Chúng tôi có cấp chỉ huy của chúng tôi.
Ông Chín vẫn bình tĩnh:
- Vậy thì tôi yêu cầu gặp cấp chỉ huy của các đồng chí để tôi bảo cấp chỉ huy của các đồng chí ra lệnh cho các đồng chí dập lửa.
- Chính cấp chỉ huy của chúng tôi cho phép chúng tôi nấu ăn đấy. Cụ xem, toàn đơn vị nổi lửa mà!
Ông Chín lặng thinh, ông bực tức lắm. Ông quay về nhà, nói với anh giao liên:
- Đồng chí ra mà bảo họ chứ tôi chịu thôi. Bộ đội gì mà kỳ cục quá, tôi chưa từng thấy bộ đội vô kỷ luật như thế.
Anh giao liên bình tĩnh đáp:
- Như thế là thường đấy cụ ạ! Vô kỷ luật như thế có thấm thía gì. Họ đói là họ bất chấp cả điều lệnh kỷ luật. Khoai sắn của đồng bào họ gặp là cứ đào lấy củ ăn, có khi bị đồng bào bắn tên tẩm thuốc độc chết miệng còn ngậm củ sắn; có khi đói quá họ cướp cả kho gạo; có khi đi mệt quá họ đánh cả giao liên. Ở đâu chứ trên đường này tôi ngán bộ đội lắm. Thấy bộ đội là tôi xanh mặt rồi. Họ ăn cắp ăn trộm, họ không kém thổ phỉ chút nào, chỉ còn cái hiếp dâm nữa thôi! Kỷ luật quái gì, khi họ no nê lành lặn kia mới nói kỷ luật chớ đói meo thế kia thì còn tinh thần nào mà giữ kỷ luật hở cụ? Cháu khuyên cụ nên bỏ đi, chớ có lôi thôi, họ gây chuyện đó.
Quả thật, anh giao liên vừa nói dứt tiếng thì có tiếng chân nặng chịt dưới sân và tiếp theo là tiếng quát:
- Thằng nào ngon muốn gặp tao đâu, xuống đây!
Một giọng khác dịu dàng hơn:
- Xin lỗi các đồng chí, nghe lính tôi nói lại lúc nãy có mấy người đến tìm chúng tôi để dạy chúng tôi việc gì, vậy chúng tôi mong gặp các người ấy ngay bây giờ.
Anh giao liên lẹ chân nhảy phốc cái rột ra cửa sau và lủi vô rừng mất tăm. Chỉ còn lại ông Chín với tôi. Tôi cũng hơi ngán, nhưng ông Chín lên tiếng ngay:
- Tôi đây, dạ tôi đây, các đồng chí ạ. Tôi muốn gặp các đồng chí không phải dạy việc gì đâu mà để thảo luận với các đồng chí một việc thôi. Nếu các đồng chí vui lòng thì xin mời lên đây, ta thảo luận với nhau.
Hai người bộ đội mang súng ngắn bước lên cầu thang, đi thật mạnh trên những nấc thang gỗ làm cho cả cái nhà sàn đòng đưa như võng.
Thu kêu lên eo éo:
- Coi chừng sập nhà chết chúng tôi ở dưới này!
Một người đứng ở giữa cầu thang và cười lên hô hố nghe rất đắc chí:
- Ở đây mà cũng có “chất nhép” nữa he! – Rồi anh không không ngần ngại bấm đèn pin ngay võng của Thu.
Tôi nhỉn qua kẽ sàn nhà. Trong ánh đèn pin tôi trông thấy Thu đã mở mắt và nhanh tay kéo ống quần xuống. Có lẽ Thu đang nằm bóp cái chân đau. Chao ôi! Hai cái đùi của cô diễn viên múa ba-lê thỉnh thoảng lại phơi bày trước mắt tôi mà lần nào cũng hấp dẫn.
Có lẽ anh chàng bộ đội cũng ngây ngất vì cái màu ngà ngọc và cái hình thể khêu gợi của cặp chân ấy. Cho nên anh chàng líu lưỡi, không nói thêm được lời nào nữa.
Khi Thu đã giấu kín đôi chân thì anh chàng kia mới thong thả đi lên. Có lẽ anh ta còn tiếc rẻ cái thực tế quá hấp dẫn đã biến đi quá nhanh, nên cứ rọi đèn xuống sàn nhà.
- Hề ..hề.. chào cụ!
- Chào cụ ạ! Hồi chiều tôi gặp cụ đi ngang qua đơn vị đây mà!
Hai chàng chỉ huy đơn vị bỗng nhiên đổi giận làm vui. Thiệt là may mắn! Ban đầu nghe giọng gay gắt và mát mẻ của họ tôi tưởng nguy to rồi. Thảo nào anh giao liên chẳng khôn hồn biến mất vô rừng như một chú chuột nhắt.
Bây giờ họ vui vẻ đối xử với ông già như vậy là vì sao? Có lẽ vì lão già này có tuổi chăng?
Ông Chín nói ngay:
- Nè! Tôi nói cho các đồng chí biết, nếu địa điểm này bị lộ thì các đồng chí phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Tôi sẽ viết thơ lên báo cáo với Trung Ương Đảng chớ chẳng phải chơi đâu!
Tôi thấy thời cơ thuận lợi, nên vọt miệng nói tiếp:
- Thật đấy các đồng chí ạ. Ông Chín đây là đồng chí cũ 40 đó, từng hoạt động chung với anh Hai Hùng ở Hốc Môn Bà Điểm. Anh Hai Hùng và đồng chí Phạm Văn Đồng mời ông đến nhà ăn cơm riêng luôn đấy.
Việt ở dưới sàn nhà cũng chêm vào:
- Ông Chín về Nam là do quyết định của Trung Ương. Chính đồng chí Lê Đức Thọ thông qua danh sách đấy và ông Nguyễn Văn Vịnh trưởng ban Thống Nhất tiếp kiến ông Chín trước khi ông Chín lên đường về Nam.
Những loạt tôi và Việt vừa bắn ra là toàn những điều phịa để tôn ông Chín lên, nhưng ông Chín không nhịn được, xua tay lia lịa:
- Đừng có nói đùa, không phải chuyện như vậy đâu, tôi không đồng ý!
Ông Chín càng nghiêm nghị từ chối sự đề cao của tôi và Việt bao nhiêu thì các vị chỉ huy càng không tin lời ông ta bấy nhiêu.
- Đây kìa – tôi trỏ Việt ở dưới sàn nhà – Ông bạn của tôi đã từng tham dự trận Điện Biên Phủ. Cây súng ngắn của anh ta mang là cây súng của Cụ Hồ tặng riêng cho anh ấy, nhưng mà anh ta không có nói cho ai biết. Ở giữa rừng này ai mà biết cái giá trị của ai.
Hai vị chỉ huy nghe tôi giới thiệu mấy nét về hai nhân vật thì nhảy nhổm lên.
Một anh nói ngay xuống sàn nhà:
- Đâu, cây súng lục của Cụ Hồ tặng đâu cho xem chút coi. Ái cha chả! Của quý!
Việt nằm im. Tôi thấy có cơ hội đưa Việt lên mây xanh. Tôi gọi Việt:
- Lên đây chơi, gặp bồ lính cả mà!
- Lên đây xem có quen không?
Viên chỉ huy nói tiếp:
- Tôi cũng có dự Điện Biên đây. Lên nhìn bạn chơi!
Việt rất lẻo mép cho nên mặc dù không biết Điện Biên là cái gì, Việt cũng có hằng trăm chuyện để chứng minh răng mình là chiến sĩ Điện Biên. Việt lò dò leo lên mắt nhắm mắt mở:
- Đâu? Ai là chiến sĩ Điện Biên đâu?
- Tôi, tôi đây!
- Thế à? – Việt nhìn một trong hai người chỉ huy.
Tôi nói tiếp:
- Anh Việt đây là đại uý từ 1954 đấy!
Anh chỉ huy tự xưng là chiến sĩ Điện Biên tỏ vẻ ngạc nhiên và nói:
- Hồi năm 1954 làm gì có đại uý hở đại ca? 1958 mới phong quân hàm mà!
Việt vọt miệng đáp ngay một cách vui vẻ:
- Tiểu đoàn trưởng tạm gọi là đại úy, chớ gì mà thắc mắc các bạn!
Việt tự xưng là tiểu đoàn trưởng từ năm 1954 thì các vị chỉ huy giật mình. Họ xuống nước ngay.
Một người nói rất lễ độ, theo quân phong:
- Báo cáo thủ trưởng, đơn vị bị kẹt đường.
- Tôi biết rồi! – Việt nói một cách thản nhiên.
- Dạ, báo cáo thủ trưởng hôm qua anh em hành quân suốt ngày mệt quá cho nên đói lã, anh em nấu cơm cũng có phần bừa bải.
- Tôi biết rồi!
- Dạ sau khi ông Chín bảo anh em thì chúng tôi cho lệnh dập lửa.
Việt cười với giọng kẻ cả dễ dãi với cấp dưới:
- Được rồi, không có vấn đề gì lắm đâu!
Tôi quay mặt vào vách. Tôi chú ý thấy chỉ chập sau thì lửa tắt hết. Té ra Việt chỉ nói chơi vậy mà kết quả. Tôi sợ bỏ lỡ cơ hội nên tôi chêm thêm:
- Đồng chí ấy do Bộ Tổng biệt phái…
- Dạ!
Và hai vị chỉ huy yên chí rằng Việt là cán bộ biệt phái của Bộ Tổng trên đường dây này.
Tôi bảo tiếp hai vị chỉ huy:
- Còn cây súng lục của Cụ Hồ tặng đẹp lắm, nhưng để sáng hãy xem, bây giò tối om xem không rõ.
Anh chỉ huy vừa gật đầu, vừa dạ liền mấy tiếng.
Chập sau hai vị từ giã chúng tôi.. Hai vị lại bấm đèn và quơ xuống dưới sàn nhà một lượt. Chắc hai vị muốn tìm lại đường nét và làn da trắng của cặp đùi đã từng làm cho hai vị sửng sốt mê man lúc nãy.
Tôi nói đưa theo:
- Mai mời hai anh đến chơi, cô Thu là diễn viên ca múa Trung Ương đấy, đi diễn nước ngoài như đi chợ vậy. Mai nếu mấy anh yêu cầu cô Thu sẽ múa hát đủ các bài bản cho đơn vị nghe.
- Ồ, thế tốt quá. Mai chúng tôi sẽ đem biết các đồng chí thịt rừng.
- Thế càng tốt hơn nữa.
Tôi cười một cách đắc ý về cái trò mà tôi vừa ném ra có kết quả bất ngờ.
Hai vị vừa khuất thì cậu giao liên cũng mò vào, áo quần rách tả tơi. Anh ta thở hổn hển và nói:
- Tôi chạy tuôn cả gai góc.
- Chạy đi đâu vậy?
- Sợ các chả đập và đốt nhà.
- Làm gì?
- Tôi bị một lần rồi.. Họ hỏi không có gạo.. Tôi không phải là thủ kho mà lại bị ăn thoi… Tôi thất kinh rồi.
Tôi cười và càng thương hại anh giao liên.
Tôi nói:
- Họ chỉ là Ban Chỉ Huy đại đội thôi, trung úy là thượng số. Còn chúng tôi có ông đại úy mà đại úy hồi 54 kia đấy, sợ gì!
Anh giao liên xuýt xoa:
- Phải dè vậy em đâu có chạy làm gì! Trời đất ơi, hú hồn tôi tưởng mấy ổng phá chòi rồi chứ!
Thu nãy giờ nằm im. Khi nghe tiếng tôi từ trên gác đi xuống, Thu mới nói:
- Đạo diễn hạng nhất!
- Thôi mà!
- Anh tài thật đấy!
Tôi nói để chữa ngượng:
- Tài cái gì! Gặp biến cố thì phải bày đặt ra sáng kiến vậy thôi. hì hì…dù sao mai Thu cũng có khán giả ngưỡng mộ tới hoan hô rồi!
Tôi lên võng nằm. Bao nhiêu chuyện vừa giả vừa thật xảy ra cho một buổi chiều, rồi những chuyện ngày mai mà tôi dự định sẽ xảy tới: kẹt đường hết gạo v.v…
Thu bỗng gọi tôi:
- Anh à!
- Gì em?
- Em không đồng ý mấy anh đóng kịch như thế nữa.
- Tại sao? Cho nó vui mà, kẻo tẻ ngắt, sốt rét nó được dịp làm lung đấy!
- Em thấy thế nào ấy! Chính ông Chín cũng phản đối mà! Ai làm như thế, được cái gì?
- Được lắm chớ. Một là bộ đội tắt hết lửa, em thấy không, hai là mai có thịt rừng ăn, ba là anh giao liên không phải lủi vô rừng rách áo toạt da, bốn là… những việc lợi về sau ai biết?
Cái làn da và đường nét đôi chân của Thu lúc nãy bất thần hiện ra dưới ánh đèn pin xanh ngắt trở lại trong trí tôi như một ảo ảnh. Đôi chân đó, vẫn cứ đôi chân lúc hiện ra trước mắt tôi trên bờ suối, trong một cơn mưa hay trong giây phút bất ngờ nào đó, là một niềm an ủi, một sự khuyến khích đối với tôi. Tôi ngắm nó, tôi âm thầm khao khát nó, tôi yêu nó. Chắc Thu cũng biết như vậy nên Thu càng giữ kẽ với tôi trong từng cử chỉ, từng lời nói, như hai nhà ngoại giao đấu khẩu với nhau, không hề để sơ hở. Cho nên đến lúc này tôi vẫn chưa nói được tiếng gì.
Tôi nhớ có lần Thu ở dưới suối lên, khi đi qua một quãng ướt thì gặp tôi, Thu đưa mũi chân bước mím trên những hòn đá để tránh bị ướt, một tay cầm mớ quần áo đã giặt, một tay xăn quần lên quá gối.
Thu không trông thấy tôi cho nên cứ chậm chạp một cách quí phái tìm những hòn đá trọc để bước, vô tình Thu bị trợt chân, nước tóe lên ướt cả quần, Thu phải vén lên cả nửa đùi để vắt tạm cho ráo nước.
Khi ngẩng lên Thu bất chợt thấy tôi cách đó không xa. Tôi vẫn đứng tần ngần trước mặt Thu, Thư như vừa đi vừa ngắm nghía vẻ đẹp của đôi chân mình mà hình như lâu nay không có dịp nào rảnh rang nhìn lại chúng.
Gặp tôi bất ngờ Thu hơi ngượng. Cố nhiên tôi cũng không giữ được sự tự nhiên. Rồi hai đứa cùng đi về. Dọc đường Thu cứ để nguyên đôi chân trần quá đầu gối và chốc chốc lại rũ nước trên quần mà kêu lên: “Tai ác cho con suối!”
Còn tôi thì sung sướng một cách âm thầm, thỉnh thoảng tôi liếc sang, nhưng liếc mãi cũng không tiện cho nên, để cho sự liếc của tôi được dễ dàng và công khai, thỉnh thoảng tôi lại kêu lên:”Coi chừng kẻo trợt chân bây giờ! Hòn đá đó trơn lắm!” Tôi chỉ hòn đá mà đôi mắt tôi thì không rời chân nàng.
Làn da trắng vừa xanh mét vừa ướt nước. Những hạt nước còn đeo dính rải rác trên chân nàng như luyến tiếc những giây phút sinh thú của chúng nên chúng cố bám vào đấy như những hạt ngọc để trang điểm cho những vật thể mà sắc đẹp vốn đã thừa. Thu ơi! Nếu tôi được là một hạt nước dính ở chân em! Cái lần đó tôi và Thu đi mãi như thế bên nhau trên quãng đường suối, lặng lẽ với những cử chỉ lập lại mãi của tôi, nhưng Thu và tôi cả hai đều không chán. Tôi thì rất bằng lòng vì cho rằng mình lừa được người con gái để thỏa mãn những thích thú của mình. Còn Thu thì hình như Thu thừa hiểu ý định của tôi nhưng Thu chẳng những không phản đối mà cứ để cho tôi ve vuốt đôi chân nàng với cặp mắt thèm thuồng của tôi.
Bất thần tôi nói:
- Thu ạ, anh yêu đôi chân em quá!
Thu dừng lại và lườm tôi. Tôi nói và cười vui vẻ:
- Uớc gì anh được làm một hạt bụi dưới chân em.
- Em sẽ nghiến nát anh ra.
- Không, anh sẽ bay tung lên và đáp lên tóc lên má em.
Thu đỏ rừ hai má. Thu biết tôi gài bẫy. Nàng mắc cở nhưng nàng rất thích.
—>Chương 22
- 22-
Ông Chín tự nãy giờ nằm im, có lẽ ông không hài lòng về sự bịa đặt của chúng tôi để tâng ông lên. Đoán chừng như vậy, tôi hỏi:
- Ông Chín ơi, thức ngủ?
Ông Chín không đáp.
Một chốc, tôi nhắc lại với Thu cái chết của anh binh sĩ bạc phận và tấm mộ bia. Trên đời biết ai là bạc phước nhất? Vì dụ nhu anh binh sĩ nọ, anh ta chết tức tối đau đớn thực đấy nhưng ít ra anh ta cũng còn được chôn cất và còn có một bia, ấm áp nấm mộ.
Thu nói:
- Eo ôi! So với bộ đội thì mình sướng hơn nhiều! Em thấy nhiều anh khiêng pháo oằn cả xương sống, cong queo cả đôi chân mà leo dốc đều đều. Có những cặp chân còn bằng những cái cọc màn không hơn không kém!
- Hở hở? Ai nói cái gì mà cọc màn? – Từ tầng trên có tiếng gầm lên. Tôi nghe chính là tiếng của ông Chín.
Tôi nghe vạt tre nghiến ken két thì đoán chắc ông Chín trở mình hay đã ngồi dậy. Ông Chín nói vọng xuống bọn tôi:
- Phải cô văn công nói chân bộ đội là cái cọc màn đó không?
Thu đáp:
- Dạ không, cháu nói thấy chân bộ đội bằng cái cọc màn mà phải khiêng pháo thì cháu thương tâm quá.
- Khô….ông! Tôi nghe rõ ràng là những cái cóc màn biết đi mà! Cha chả trời đất! Bộ đội ta chân đồng, chân sắt, đạp lùi vạn dậm gai chông mà cô bảo đó là những cái cọc màn biết đi thì còn trời đất gì nữa hử?
Ông Chín nói tiếp giọng gay gắt hẳn lên:
- Tôi hỏi lập trường cô để ở đâu chứ?
- Dạ cháu thấy vậy thì cháu nghĩ vậy chớ sao mà phải động tới lập trường ạ! Chẳng qua là cháu nói chơi …
Ông Chín quát:
- Nói như vậy mà là nói chơi à? Tôi cho cô hay đây là vấn đề lập trường rõ chưa? Người có lập trường vững chắc không nói như cô. Cô ăn nói như vậy là không còn đủ tư cách của cán bộ cách mạng nữa. Như vậy là quá hồ đồ cô hiểu chưa?
Thu không chịu thua, tôi ngồi bật dậy trên võng.
- Cháu xin lỗi cụ…
Thôi chết rồi! Kẻ vui miệng, người hay bắt bẻ!
Thực tình lúc đầu tôi cũng tưởng là ông Chín nói chơi cho vui, chẳng ngờ ông nói thật. Ông Chín đề cập tới lập trường một cách nghiêm chỉnh.
Thu giận quá, nói không ra tiếng:
- Cháu xin lỗi ông Chín, cháu nói vậy có can phạm gì đến lập trường đâu mà ông Chín nói cháu những tiếng quá đáng.
Ông Chín cũng giận quá nói khàn cả tiếng:
- Cô nhìn bộ đội đang đi chiến đấu đổ máu cho quê hương mà cô bảo là những cây cọc màn biết đi có phải cô láo xược không?
- Ơ hay! Có chi đâu mà láo với xược? Chân bộ đội quá gầy guộc thì cháu bảo nom như những cây cọc màn chứ có gì mà cụ phải gắt ầm lên như thế? Cháu không đồng ý.
- Này! – Ông Chín chỉ trỏ xuống sàn – Này cô kia, nếu có cơ quan cô ở gần đây thì tôi sẽ báo cáo để cô lãnh một hình thức kỹ luật. Tại sao cô khinh rẻ quân đội cách mạng như thế? Cô cũng là văn công văn kiết sao cô lại có một cái nhìn tệ hại như thế kia?
Tôi bảo nhỏ Thu:
- Thôi đi em, đừng nói nữa. Ông Chín là người khó tính nên ổng hay nói này nói nọ vậy thôi, rồi ổng quên hết!
Nhưng tôi vừa dứt tiếng thì ông Chín đã gầm lên:
- Tôi không phải là người khó tính đâu nhé! Tôi chỉ nói những điều đúng đắn thôi, các đồng chí chớ nên hiểu lầm.
Ông Chín vẫn tiếp tục giải thích:
- Đâu phải là chuyện nói chơi, ở đây, chúng ta cần lập trường. Lập trường không thể thiếu được, lập trường thay cho cơm ăn thay cho nước uống, thay cho cả máu chúng ta trên đường này. Vậy mà đồng chí mang nó ra đây nói chơi à? – Ông Chín vỗ ngực phạch phạch – Tôi cân nặng 75 kí lô nhưng tôi kém hơn những cái cọc màn biết đi ấy vì tôi thuộc thành phần địa chủ, đồng chí hiểu chưa?
Cách mạng cần những người gầy ốm chân như cọc màn đó, chứ đâu cần những người béo tốt như tôi, như đồng chí!
Bây giờ thì Thu không chịu đựng nữa. Thu nói hơi to:
- Cháu biết ông Chín là người đúng đắn….
Ông Chín nhảy cỡn lên:
- A hay! Đồng chí định chửi tôi có phải không? Này! này tôi bảo cho mà biết đồng chí chỉ đáng con tôi.
- Dạ cháu đáng cháu nội ông cũng được!
- A! Đồng chí định rủa tôi chết sớm đó hả?
Câu chuyện lằng nhằng như thế đó, cắt đầu này thì nó lại mọc ra nơi khác.
Tôi để cho một lão già gàn và một nữ sinh bất khuất cãi nhau chơi. Ai cũng có lý lẽ vững vàng hết cả. Ông già cứ ôm cái lập trường đầy rong rêu và bón bằng sách vở cũ rích như cái bụi tre ở nông thôn được vun bồi bằng những mớ miểng sành, miểng chén, những ông táo ông lò hết xài; còn cô nữ văn công viện ra những tin tức mới về tình hình Cộng Sản quốc tế, từ những “cây cọc màn biết đi” kéo dài đến chủ nghĩa xét lại.
Tội nghiệp nãy giờ anh giao liên nằm im thin thít không nói tiếng nào. Có lẽ anh ta chán ngán vì những chuyện thế này. Việc hay ho nhất đối với anh ta là làm sao xoi đường cho thủng để cho dòng người kia khỏi bị ứ đọng lại, nếu không nó sẽ réo ầm lên mà đòi gạo đòi muối, to hơn cơn suối giận dữ ngày nước lũ.
Anh giao liên đã ngủ một giấc dài, thức dậy lục đục nấu trà uống. Ông Chín cũng ngồi dậy uống với anh ta.
Gió rét căm căm. Sau một ngày nóng bức, hơi rừng núi xông lên, vây riết những sinh vật đang ngọ nguậy trong sự bất lực thèm khát và rụi tàn. Ông Chín còn trà Chính Xuân hẳn hoi. Ông cất kỹ trong ba-lô không dám uống, bây giờ đem ra thì nói đã mất hết mùi và lên mốc.
Tôi nghe có trà thì cũng mon men lên góp mặt vào buổi trà đàm.
Anh giao liên này rất trẻ. Anh ta là người Nam Bộ. Tôi nhận ra điều đó là vì tôi nghe trong câu chuyện anh ta nói đến một thứ rau mà chắc chắn ở Miền Trung và Miền Tây Nam Bộ mới có: đó là rau dừa.
Rau dừa là thứ rau mọc ở ruộng nước sâu và vào mùa mưa. Người ta hái cái ngọn non của nó ăn với mắm kho và đặc biết nó có vú, vú nó trắng phau mởn mởn như một lại bông đá và mong manh như bọt xà-phòng.
Cái vú rau dừa trắng nổi phêu phêu trên mặt nước gợi cho người ta sự ngon lành của bữa cơm đạm bạc ở đồng quê, đậm đà tình quê hương.
Cho nên khi nghe đến rau dừa, thì lòng tôi thực sự rung động. Ở giữa núi rừng làm sao mà tìm được một thứ gì quen thuộc của xứ mình. Cho nên tôi hỏi ngay anh giao liên:
- Anh ở tỉnh nào vậy?
- Em tên là Mai, quê ở Bạc Liêu.
- Trời đất, ở xa vậy!
- Xa thì xa chứ biêt sao bây giờ?
- Sao ra đây chi đây?
- Thì đi làm cách mạng mà, ở đâu đi không tới?
- Nhưng tôi muốn hỏi anh vì lý do nào anh trôi dạt ra tới tận ngoài này?
- Thì tình nguyện thôi.
- Lúc này ở trong mình dễ thở không?
- Dễ thở là mấy năm trước kia, bây giờ thì khó thở rồi. Trốn trực thăng chạy mệt đứt hơi.
- Ủa, vậy sao tôi nghe nói chiến thuật “Trực Thăng Vận” bị ta bẻ gãy tan tành hết rồi mà?
Cậu giao liên phì cười:
- Gãy ông nội tôi chớ gãy! Vô trỏng rồi biết! Có gãy giò thì có!
Rồi anh ta giải thích cái lý do ly hương của anh ta:
- Tôi đang công tác ở tỉnh. Ở đó có chuyện gì đâu mà làm. Ở không mãi tôi cũng chán cho nên tôi đi giăng câu kiếm cá ăn. Cá ở Cà Mau thì anh phải biết. Câu bao nhiêu cũng có. Ăn cá mãi phát chán rồi nấu canh chua chỉ húp nước canh thôi.
Tưởng xứ nào cũng sướng như xứ mình cho nên nghe lời kêu gọi của cấp trên em từ giã gia đình cắp nón ra đi với bộ đồ dính da.
Núi non ở Nam Bộ không có. Cho nên vừa trông thấy núi là chúng em chạy ra leo núi chơi cho thoả thích. Chạy sướng thật, chân mình cứ leo cứ bám trên đá mà bước lên, tuy có mệt nhưng vẫn cứ thích.
Cậu giao liên tiếp:
- Chẳng ngờ rằng núi ở xa trông thì đẹp nhưng muốn nhìn cảnh đẹp phải no bụng. Leo chơi vài lần thì thích thật, nhưng chỉ leo vài ngày rồi thì chán. Nhiều đứa ngồi khóc cha khóc mẹ suốt ngày không chịu đi công tác nữa. Nhiều đứa phăng theo đường mòn mò ra đường cái lên xe hơi trở về xứ. Riêng em…ở đây mãi rồi, đi đâu cũng khó coi. Bụng làm dạ chịu chớ trách ai!
Mai thở dài:
- Bây giờ núi trở thành kẻ thù của em rồi. Em không ghét gì bằng ghét núi!
—>Chương 23

- 23-
Sáng hôm sau chúng tôi ăn cơm xong thì đồng chí Phó chính ủy đường dây và anh trạm trưởng về. Cả hai trút ba-lô và súng xuống vạt nứa.
Ông Phó chính ủy nói:
- Bỏ mạng rồi.
- Khó xoi quá – Anh trạm trưởng kêu lên – Tụi Mỹ nằm khít rim.
- Bọn này ác thật. Bỗng nhiên lại nhảy xuống Bùi Gia Mập mười ngàn quân rồi nằm ỳ đó không chịu đi đâu cả. Thế có chết không kia chứ? Mỗi ngày mình phải cung cấp cho lính kẹt nằm tại đây hàng ngàn lít gạo… Gạo đào đâu ra?
Ông Phó chính ủy hỏi anh trạm trưởng:
- Bây giờ tôi định mở đường sang phía Đông cậu xem có được không? Chứ để nằm ỳ ở đây, nội lính nó phá thôi cũng lộ hết mục tiêu, cậu thấy thế nào?
- Dạ!
Tiếng “dạ” của anh trạm trưởng có vẻ miễn cưỡng, không tin tưởng sự chuyển hướng ấy sẽ mang lại kết quả.
Ông Phó chính ủy nói tiếp:
- Chuyển đường sang hướng Đông thì gần căn cứ địch lắm, có thể bị lộ hoặc bị ăn pháo, nhưng nếu để nằm lại đây cứ mỗi ngày ùn thêm vài trăm thì sớm muộn gì cũng lộ, mà lộ thì ăn B52. Cậu thấy thế nào?
- Dạ tôi cũng thấy thế đó!
- Thế thì cơm nước xong tôi với cậu lội tiếp nhé. Hễ xoi không thông là sáng mai bắt đầu cho đi.
- Dạ!
Cơm nước xong, hai người lại quảy ba-lô đi xoi đường. Ông Chín thì lại đi bẻ nhánh cây từ trong rừng xa mang về từng ôm đem rải trên mặt sân tiếp tục cái công việc hôm qua nghĩa là ngụy trang cho bằng được cái sân mới nghe. Tôi thì nằm võng nghĩ ngợi lơ mơ. Việt soạn ba-lô. Hắn ngồi quay lưng lại tôi dường như sợ tôi trông thấy những của nổi của chìm của hắn.
Thu thì xuống suối gội đầu. Tôi nằm trên võng, có thể nhìn rõ cả Việt lẫn Thu.
Bộ đội ở ngoài kia bắt đầu đi lãnh gạo. Họ đi ngang qua chỗ tôi nằm, người nào cũng ngó vào một cái, thỉnh thoảng có người kêu lên
- Nhà! nhà tụi bây!
- Có người ở!
Rồi họ đi qua trước đôi mắt lạnh nhạt của tôi. Thỉnh thoảng tôi mới điều động đôi mắt của tôi khỏi ánh tóc xoả của Thu mà quay lại phía đạo quân đi lãnh gạo. Nếu ông Chín biết tôi chăm chú nhìn Thu hơn nhìn bộ đội ổng sẽ qui cho tôi mất hết lập trường.
Những anh bộ đội mặt bủn da vàng đi khật khừ trông đến thương tâm. Tôi thú thật thấy nhiều anh tàn tạ quá tôi không dám nhìn. Không hiểu đau ốm như thế nào mà mặt mày sưng lên và vàng như nghệ. Kẻ thì buộc ruột tượng ngang lưng, người thì vắt vai lòng thòng lểnh thểnh , những người không còn ruột tượng thì lấy quần dài túm ống lại và vắt trên vai, hai ống chẻ ra bỏ thòng ra sau lưng trông rất chửi đời.
Thu đứng một lúc rồi vốc nước lên gội. Bọt xà phòng sùi lên trắng xoá. Lâu quá tôi mới trông thấy bọt xà-phòng trên mái tóc đàn bà.
Tóc Thu không dài. Có lẽ Thu làm tóc trước khi đi.. Bây giờ đã đến lúc làm lại rồi mà không có tiệm thành thử nó hơi ngay ngay cong cong xem cũng hay. Đối với tôi ở Thu cái gì cũng hay cả. Thu cúi đầu xuống, rủ tóc ra phía trước để khỏi ướt lưng. Cái gáy của Thu để lộ ra trắng như một miếng dừa nào. Ở lẫn trong mái tóc đen huyền, mãng gáy ấy càng ánh lên một cách tàn nhẫn.
Chắc Thu vẫn biết tôi đang nhìn Thu nhưng Thu cứ làm như không biết.
Thu đang đóng một vở kịch độc đáo chỉ có một vai và cũng chỉ có một khán giả thôi. Diễn viên vờ không biết mình được xem, còn người đang xem vờ không biết mình đang say sưa xem biểu diễn.
Đôi chân của nàng lại phô bày ra….niềm mơ ước. Nước chung quanh nàng xao động và tan ra cùng với cái bóng nàng in trên mặt nước, như cái kỷ niệm vừa phai.
Có một thời một cái hình tượng gần giống như thế nằm trong sự ôm ấp của chàng. Có những lần chàng tưởng như mình kiệt sức, nhưng khi đi cạnh nàng thì chàng thấy chàng vươn lên. Có lần đang đi bỗng sụp xuống ôm chặt lấy đôi chân nàng. Nàng khụy xuống bám vào cổ chàng. Thế là chàng bế xốc nàng đi lẫn vào trong rừng. Ở đó không có ai, chỉ có những vật vô tri. Chàng hấp tấp biến nàng trở thành một thực thể trong trạng thái tự nhiên để cho chàng hành hạ, dày vò. Và nàng cũng lặng lẽ đón những cực hình vui thú đó. Hai người đứng nhìn suốt nhau. Rồi đột nhiên họ không nhìn thấy nhau nữa. Người này đối với người kia là một khối mơ hồ mà họ chỉ cảm thấy bằng răng, bằng lưỡi, và bằng sự cọ xát, vặn vẹo, rên rỉ. Họ đứng, rồi ngồi, rồi nằm phơi trải tất cả vẻ đẹp thiên nhiên của họ cùng thiên nhiên làm cho những chiếc lá úa cũng run lên như những thớ thịt của rừng được hồi sinh.
Nhớ lại cái hạnh phúc quá ư cụ thể đó, tôi thấy trong người bứt rứt khó ở. Tôi biết sức khoẻ của tôi chưa đến nỗi bi quan.
Bộ đội đi rào rào, chí choé nói chuyện làm tôi quay lại nhìn. Từ cảnh tiên tôi bị lọt tỏm vào một cảnh trần tục quá trần tục. Một bên thì quá tươi đẹp thơ mộng, còn một bên thì quá gồ ghề cực nhọc với những con người áo quần lôi thôi lếch thếch đi dằng dặc, mắt ngó xuống, chân bước nặng chịt. Họ đi lãnh gạo, nhưng họ không lãnh được gạo vì gạo đã hết rồi.
Những người trở về gặp những người vừa đi, hai bên chửi ầm cả lên. Kẻ lên tới kho về không cũng chửi mà những kẻ chưa lên tới kho cũng chửi. Họ chửi cái kẻ đã không phát gạo cho họ để cho họ phải vác xác tới kho rồi vác xác trở lộn về với những cái ruột tượng trống không và với những cái dạ dày ọc ạch nước suối. Nhưng kẻ có trách nhiệm phát gạo tự hỏi gạo đâu mà phát?
Họ ngồi dồn cục lại ở chung quanh nhà tôi và nói chuyện ồn ào bất biết chủ nhà là ai. Họ ngó nghiêng nhìn vào cái nhà bếp của chúng tôi, có người vừa leo lên gác vừa nói:
- Leo lên tìm ngụm nước coi!
Thế là cứ tự tiện leo. Một nhóm kháo với nhau:
- Ê tụi này! Có phụ nẻo nghe!
- Đâu? Đâu?…
- Đấy kia dưới suối! Suỵt! Sụyt! Nó tắm, để coi chơi !
- Chắc dân thiểu số!
- Ờ, thiểu số thì hay lắm!
- Tha hồ coi!
- Nó không có ngượng gì đâu.
- Nó còn mời mình xuống tắm chung và lặn mò cá leo với nó nữa mà!
Một cậu cãi lại:
- Con này không phải phụ nữ Thượng đâu.
- Chứ con gái gì đây?
- Con gái thiểu số không trắng như vậy.
- Mẹ! Trông ngứa mắt quá.
- Sốt bỏ mẹ đi, lại còn!…
Một cậu tán thêm vào câu chuyện hài hước:
- Ăn cơm lược không?
Một cậu khác đáp:
- Không “lược“!
- Ăn “chấu” “lược” không ?
- Ngộ ăn “chấu” không “lược” !
- Há… dậy chớ… ứ “lược” không?
- Há… cái ló ở lâu mà cố? (Cái đó ở đâu mà có).
Rồi cả bọn cười ầm lên sặc sụa.
Cậu kia lại giải thích:
- Đó! Ăn cơm không được, ăn cháo cũng không được, sốt rét triền miên, nhưng nghe tới cái đó thì anh nhảy dựng lên ngay!
- Há há há..
- Mẹ! Đùi trắng quá mầy ơi !
- Sụyt!
Tôi vừa muốn ra miệng thì ông Chín đã bảo:
- Nè! Các cậu là bộ đội cách mạng nghe! Tư tưởng và hành động như thế đó hả?
Một tràng cười nổi lên ở ngay trước nhà. Một tiếng phản đối trả lại câu nói của ông Chính:
- Thằng cha nào thầy đời đó hả?
- Đ.M muốn dạy ông hả? Ông học 18 lớp huấn luyện rồi đây nhé. Trường Ái Quốc 1, Ái Quốc 2 ông đều dự nốt, thằng nào hơn ông mà làm trời?
Có lẽ chưa bao giờ ông Chín bị người ta xối nước vào mặt lạnh toát như lần này. Ông giận tái mặt, tôi thấy đôi môi ông run run. Chắc ông đang giằn câu nói mà ông sắp nói ra.
Nếu tôi ở vào trường hợp ông thì tôi thụt cổ rùa luôn rồi, còn ông thì không . Ông già gân vẫn chậm rãi bước xuống thang. Ông tằng hắng hai ba cái liền, đến cái cuối cùng thì chân cũng vừa chạm đất. Ông nói:
- Tôi đây, tôi nói nhưng tôi không muốn làm thầy đời ai hết.
Đám lính im thin thít. Ông Chín nói tiếp:
- Tôi chỉ muốn khuyên các đồng chí làm hoặc nói điều gì thì phải xem điều đó có sai lập trường không? Nhất là các đồng chí là chiến sĩ tiền phong của giai cấp.
- Thôi dẹp đi ông già!
Một tiếng quát từ trong bụi rậm. Tôi nghễnh cổ nhìn, thì ra một anh chiến sĩ vàng võ đang làm xấu trong bụi vừa đứng dậy.
Anh ta nói oang oang:
- Tôi nghe ông nói tôi hết mắc … ngay! Tôi đứng dậy liền để trả lời cho ông rõ. Cái gì mà lập trường với lập bò? Ông làm như ông là đại lý độc quyền cái món lập trường ấy vậy – Anh chiến sĩ vỗ ngực pạch pạch – Tôi mấy chục vết thương trong mình đây! Như vậy mà tôi phải nghe ông giảng lập trường hả?
Ông Chín vẫn bình tĩnh:
- Tôi không giảng, tôi chỉ nói.
- Nói cái gì, đùi trắng thì chúng tôi nói đùi trắng. Chớ phải chúng tôi nói đùi đen hay sao mà ông bảo chúng tôi mất lập trường?
Ông Chín ôn hoà:
- Nhưng chiến sĩ cách mạng đâu có quyền nói như vậy.
- Tại sao không? Ông giảng cho tôi nghe.
- Chuyện đùi đàn bà nói ra chỗ này gợi những ý nghĩ không tốt cho anh em ta.
- Tại sao không tốt? – Anh lính càng tỏ ra ương ngạnh và hiếu chiến – Lính tôi đâu phải những thằng không có ….
- Nhưng mà nói để làm gì? Cái đùi đàn bà có bồi dưỡng cho lập trường giai cấp của các đồng chí không?
Lũ lính thấy có kẻ đứng ra chống mũi chịu sào bèn nhao nhao lên:
- Có chớ ! Có chớ!
- Đùi đàn bà bồi dưỡng lập trường ghê lắm chứ!
Ông Chín trợn mắt:
- Mấy người đừng có lếu láo nghe!
Một anh khác có vẻ là học sinh nói rất ôn tồn:
- Xin lỗi bác là người đáng cha đáng chú nếu cãi nhau với bác thì thành ra mất tư cách. Đây cháu xin trình bày ý nghĩ của cháu thôi. Quả thật như vậy, đùi đàn bà bồi dưỡng lập trường cho chúng cháu rất nhiều. Bằng chứng là trong những vở ba-lê “Hồ Thiên Nga” của Liên Xô, có hằng trăm người vũ nữ tuyệt đẹp mà người nào cũng phơi trần cặp đùi của mình trước khán giả.
Trong tiểu thuyết “Con đường đau khổ” của Alexis Tolstoi, tác giả có tả cặp đùi của một nữ tài tử như sau : “Cặp đùi của nàng đáng thưởng cho một huân chương vàng!”. Xem đó thì việc chúng tôi nói nữ đồng chí kia có cặp đùi trắng đẹp quá có gì là mất lập trường, thưa bác?
Ông Chín đuối lý nhưng ông cũng không chịu im. Ông nói:
- Đó là chuyện nghệ thuật nghiêm chỉnh, còn đây là các chú đùa cợt.
Anh lính khi nãy ứng đáp ngay:
- Xem đùi đàn bà chẳng ai nghiêm trang được cả, trừ những đứa liệt dương và những thằng thiến đó thôi. Còn lũ lính chiến chúng tôi là lính có… cho nên xem đùi đàn bà là xem đùi đàn bà, ai muốn nghĩ sao thì nghĩ. Ông không phải lo hộ cho chúng tôi làm chi cho nhọc tuổi già.
Ông Chín hỏi giọng gay gắt:
- Chỉ huy các đồng chí là ai?
Tôi thở dài, trong lòng tôi ái ngại vì sợ câu chuyện dằng dai sẽ lọt vào tai Thu. Điều này làm cho tôi đau khổ. Tôi nhìn xuống suối. Thu đang từ dưới suối đi lên. Nghe cãi ồm ồm nãy giờ có lẽ Thu đã đoán ra câu chuyện. Thu dừng lại hỏi tôi:
- Chuyện gì đó anh?
Tôi hơi ấp úng định chối quanh không nói sự thật nhưng một anh chiến sĩ đã nói cướp ngay:
- Chuyện của chị đấy, chị có muốn nghe không?
Thu tươi cười, tay cầm mớ tóc rủ rủ cho nước văng ra và hỏi:
- Có chuyện gì các đồng chí cứ nói! Lâu quá tôi không được ai chú ý tới cũng buồn. Tôi là con gái, tôi thích người ta chú ý đến tôi luôn. Tôi là văn công.
- Vậy hả? Thế thì hay quá!
Cả đám chiến sĩ reo thích chí. Anh chiến sĩ có gương mặt vàng ẽo lúc nãy, được thế lấy trớn nói rất hăng:
- Có gì đâu! Chúng tôi bị ông lão này chụp cho một cái mũ mất lập trường rất to.
- Tại sao?
- Cũng vì chị đấy!
Thu tròn xoe đôi mắt và bằng những cử chỉ duyên dáng và rất sân khấu. Người nữ diễn viên có lẽ rất hứng thú khi đứng trước nhiều cặp mắt chăm chú nhìn mình, nàng nói:
- Tại tôi? Tôi làm gì mà các anh chịu chụp một cái mũ to dữ vậy?
Anh chiến sĩ nói ngay:
- Vì bọn tôi lúc nãy đi ngang qua suối… e hèm! Chúng tôi đi lãnh gạo về, đi rất mệt cho nên thấy suối chảy thì nghe cơn khát dấy lên, chúng tôi nhìn xuống suối và do đó chúng tôi bắt gặp một hiện tượng mà chúng tôi cho rằng là đẹp. Đó là đôi chân của chị.
Thu hơi ửng đôi má, đôi mắt Thu chớp chớp.
- Ồ! Thế à!
- Vâng, chỉ có thế. Xin chị chớ phiền. Chúng tôi không nói gì mất lập trường. Quả tình đôi chân chị đẹp thật. Chúng tôi đã từng xem ba-lê Liên Xô và thấy đôi chân của người Việt Nam ta đẹp không kém trình độ quốc tế.
Tôi suýt bật cười vì nhận xét của người chiến sĩ ngây thơ.
Thu hơi ngượng nhưng có lẽ Thu thích. Người con gái nào mà chẳng thích người khác khen mình đẹp?
Thu nói:
- Trong nghệ thuật múa ba-lê đôi chân là cốt yếu. Và trước nhất là đôi chân phải đẹp. Tôi có biết nghệ thuật này chút đỉnh cho nên tôi cũng biết thêm rằng hiện nay ở Việt Nam mình có trường đào tạo diễn viên ba-lê. Riêng đôi chân phải luyện tập bồi dưỡng sắc đẹp cho nó từ bé.
Cả bọn chiến sĩ nhao nhao lên lấy câu nói của Thu làm cái khiêng để chống lại mũi gươm của ông Chín.
Thu nói tiếp:
- Xem đôi chân đẹp, biết thưởng thức vẻ đẹp của nó thì có gì là mất lập trường. Lập trường đâu phải là thứ gì nhẹ giá quá mà lúc nào người ta cũng đánh mất.
Thu lại mượn cái khối chiến sĩ này làm đòn xeo để bẩy tung đi cái cục gàn của ông Chín.
Thu còn nói tiếp:
- Ở đây không có sân khấu, nên tôi không thể biểu diễn cho các đồng chí xem được, chứ nếu ở Hà Nội thì tôi sẽ cho các đồng chí xem ngay một màn vũ lập trường.
Nói xong Thu để quần áo trên một tảng đá và đứng nhón trên mũi chân, vòng tay lên đầu làm vài ba động tác ba-lê rất đẹp.
Ông Chín tiu nghỉu đi lên tầng trên vì ông đã thấy trước mắt rằng ông không có đồng minh.
—>Chương 24
- 24-
Sáng nay anh giao liên có cho tôi một mẩu khoai mì còn tươi. Có lẽ vì hôm qua tôi cho anh một nhúm ruốc gà lẫn ruốc chó. Tôi còn một ít gạo (vì không bao giờ tôi ăn hết khẩu phần hằng ngày của tôi). Bữa ăn tôi không thiếu thốn, cho nên tôi không tôn trọng khúc khoai mì đúng với sự thành kính mà người ta phải có đối với nó trong lúc này.
Tôi đem gắn nó trên cành cây ở đầu võng. Tôi đang lim dim định kéo một giấc thì có tiếng người rào rào ngoài đường. Tôi mở mắt ra thì thấy bộ đội lại đi lãnh gạo. Tôi biết là kho gạo đang khuyết mà họ đi lãnh cái nỗi gì, sao không ai nói cho họ? Hay người ta muốn kéo dài sự hy vọng.
Bỗng một người hỏi tôi:
- Anh ngủ à?
- Tôi định nằm chơi nhưng lại buồn ngủ, nguy hiểm quá!
Tôi trả lời và mở mắt ra thì thấy một anh bộ đội đứng sừng sững ở đầu võng. Mặt anh ta phù lên no tròn như một cái bánh bao, mắt anh ta lờ đờ, hình như anh ta đang sốt. Anh ta nói ngay:
- Đồng chí còn khúc sắn trên đầu võng chắc đồng chí không dùng cho tôi…tôi xi….in.
Tôi ngồi bật dậy. Tôi như điện giựt vì có người đụng tới cái bao tử sắp thủng của tôi.
Tôi không nói năng gì mà cứ bàng hoàng. Tôi không hiểu anh ta nói gì cả. Và tôi cũng đáp lại như một cái máy, không hiểu rằng mình đã nói gì!
- Không được đâu đồng chí, đây là của một đồng chí khác mà đồng chí đó đang sốt không ăn cơm được. Chớ phải của tôi thì tôi cho đồng chí ngay rồi. Đồng chí với nhau không mà! Hơn nữa đồng chí vào giải phóng Miền Nam của tôi..
Bây giờ nhớ lại những lời đó, tôi thấy thật xấu xa. Ghê gớm thay cái miệng con người. Cái miệng khôn ngoan hay ngu xuẩn cũng chỉ vì cái dạ dày. Trong một con người, cái cao nhất không phải cái đầu mà là cái dạ dày. Cái dạ dày sai khiến, cái dạ dày chỉ huy, cái dạ dày lãnh đạo và chính cái dạ dày nói bằng cái miệng.
Sở dĩ tôi đáp ứng nhanh nhẹn và gần như đã sắp sẵn trong bụng từ lâu là vì anh bạn không quen này đã chạm vào cái dạ dày của tôi quá mạnh. Sự đụng chạm đó làm bật ra những âm thanh.
Anh chiến sĩ đứng tần ngần trước mặt tôi, vừa thất vọng, vừa ngượng ngùng. Anh không biết nói sao. Vẻ mặt non choẹt và phị của anh ta làm cho tôi đau khổ. Có lẽ anh ta phát khóc lên mất. Tôi cầm lòng không đậu. Tôi sẽ cho anh ta khúc sắn đó và xin lỗi anh ta bằng những lời thấm thía nhất. Nhưng khi tôi sắp sửa nói, thì anh ta đã quay đi, bước chân nặng như chì.
Và tôi cũng không phải nói nữa. Cái dạ dày của tôi êm dịu trở lại rồi.
Tôi tưởng tôi yên tâm vì khúc sắn đó không bị đụng chạm tới nữa nhưng tôi đã nhầm. Tôi không yên ổn chút nào hết. Tôi bị cắn rứt. Lần này không phải cái dạ dày bị đụng tới mà chính là trái tim. Tim tôi nghe xốn xang se thắt.
Tôi thấy con người đê mạt quá. Trên con đường khốn khổ này, con người đối với con người chẳng khác chi cầm thú, thằng mạnh thằng yếu, thằng nghèo thằng giàu…
Tôi xấu hổ với lương tâm quá. Khúc sắn đó của người ta cho tôi, tôi không dùng đến cho nên tôi mới để cho nó lăn lóc như vậy. Nếu không có anh chiến sĩ kia xin thì tôi cũng không nhớ tới nó.
Vậy mà tôi đã không cho anh ta. Tôi đã từ chối một cách rất chính trị.
Bây giờ, đau khổ vì cái cử chỉ tệ hại của mình, tôi nằm không yên. Tôi đứng dậy nhìn hút theo bóng anh chiến sĩ đã lẫn đi trong đám người lúc nhúc xa dần.
Tôi muốn gọi to lên nhưng tôi lại rất xấu hổ đến đỗi không dám gọi anh ta trở lại. Tôi nằm vật ra trên võng mắt ngó lom lom ra đường với mục đích tìm lại người chiến sĩ thảm thương kia.
Thỉnh thoảng tôi lại nhìn khúc sắn gắn trên cành cây. Nó như cái gai, như chính vết thương trong lòng tôi. Nó như cũng có linh hồn. Nó như cũng nhìn tôi bằng những cặp mắt vô hình và làm cho tôi xốn xang khó chịu. Miếng ăn là miếng tồi tàn.
Ở đây đã hẳn vậy, mà ở đâu cũng vậy.
Người ta đánh nhau chỉ cũng để giành lấy “cái ăn”. Anh chiến sĩ quân đội nhân dân đã hạ mình để xin khúc sắn mà không đạt được, còn tôi thì nói dối một cách tài tình để từ chối. Tôi đã xem tình đồng chí đồng đội thấp hơn cả khúc sắn kia.
Tôi đã ân hận thực sự. Anh chiến sĩ kia là một người tốt. Anh đã không đánh giật khúc sắn, cũng không mắng chửi tôi tiếng nào.
Giá anh ta văng tục với tôi thì tôi sẽ yên lòng và tôi không ân hận vì tôi có lý do chánh đáng: thằng mất dạy mình không cho là phải!
Tôi chờ mãi không thấy anh ta trở lại. Những người đi lãnh gạo về hàng đàn, mặt mày người nào người nấy méo xẹo méo xọ chẳng còn ra cái “khí thế chiến thắng” gì nữa! Cái dạ dày rách, cái mồm làm sao nở hoa?
Sốt ruột quá, tôi bèn ra đứng bên vệ đường. Chờ mãi, người đi đã thưa mà cũng thấy anh bạn ấy.
Cái toán vừa gây sự với ông Chín còn đang lảng vảng ở đây, chuyện trò nổ như ngô rang với Thu. Đáng lý ra họ đã về từ lâu nhưng vì có “chất tươi” cho nên họ ở lại tỏ sự cảm mến đối với Thu.
Tôi đi tới góp chuyện và tả hình dáng nạn nhân của khúc sắn và hỏi có ai trông thấy anh này không?
- Ối! Có ai mà biết, con không cha mà!
Tôi suy nghĩ một lúc rồi lấy khúc sắn trao cho một cậu có vẻ chính chắn nhất đám. Tôi nói:
- Đồng chí đi về dọc đường để ý tìm hộ tôi cậu đó và trao cho cậu ta khúc sắn này. Nói rằng thằng cha hồi nãy ở dưới cái nhà gác đó nó gởi cho.
Anh lính cầm ngay khúc sắn, nhìn lườm lườm như mèo thấy mỡ.
Anh ta hỏi tôi:
- Cậu đó là gì của anh?
- À à… nó là em ruột của tôi! Đây là vấn đề tình cảm nhé! Nếu khúc sắn không tới tay cậu ấy thì tôi buồn lắm đấy!
- Ừ được, được ! Tôi bảo đảm.
Tôi nhìn theo toán lính kéo đi, mắt tôi trông thấy từng người rõ ràng. Chỉ cách tôi độ mười thước thì vỏ sắn đã rơi tơi tả xuống đất. Anh chàng còn quay lại nhìn tôi, miệng nhai ngấu nghiến như cười chê cái sự ngây thơ của tôi. Anh ta đã nuốt chững cái lương tâm của … tôi.
Tôi buồn vô hạn cảm thấy giá trị của mình và của bạn đồng đội xuống thấp quá! Buồn thay cái lý tưởng của mình, khi ra đi cao quý biết bao, với giấc mộng đầu đời, mà bây giờ chỉ còn lại có thế! Quanh quẩn những chuyện lặt vặt không đáng giá một chút trí não vậy mà nó chiếm hết trí não của mình.
Đêm hôm đó tôi mới bày đặt ra một cuộc liên hoan. Mấy khi có người tốt bụng như tôi (!) cho nên bộ đội hưởng ứng ngay.
Cái gì bằng ở giữa rừng xanh khô héo này mà được một bữa tươi.
Chất tươi ngon lành, chất tươi thực tế. Tôi cho Thu biết chuyện ấy như một quyết định, nghĩa là coi như tất nhiên Thu là diễn viên số một trong đêm nay.
Thu càu nhàu nũng nịu:
- Anh lúc nào cũng muốn đem bêu riếu em để làm việc nọ việc kia.
Hoàng hôn rừng nhóm lên một ngọn lửa man dã với hai người lính ngồi sẵn đó hễ có máy bay tới là cứ tuới nước vào cho lửa tắt ngay. Nhạc cũ dùng đệm đàn cho Thu múa duy nhất là cái soong và cái cổ họng của tôi. Tôi lật đít soong vỗ vào. Nó điếc câm không nghe tiếng vang.
Và tôi hát theo điệu tango bài Hoa Champa.
- Hoa Champa ơi, hoa đẹp hoa thơm
Một vầng hào quang hiển hiện giữa đêm đen chói chang ấm áp với vị nữ thần hiện ra huy hoàng đường bệ.
Nữ thần vận một cái choàng khăn tắm bên ngoài cái quần (xin lỗi độc giả) cho nó có vẻ dân xứ Lào để múa bài hoa Champa.
Chắc Thu cũng cảm thấy mình bay lên theo tiếng hát và tiếng nhạc của tôi.
Có bao giờ một người vũ nữ lại biểu diễn dưới cái ánh sáng như cái ánh sáng hôm nay, trên cái sân khấu như cái sân khấu hôm nay, với giàn nhạc như giàn nhạc hôm nay? Vậy mà Thu múa rất hay.
Ánh lửa soi một nửa gương mặt Thu, còn một nửa thì chìm hẳn trong bóng tối mờ nhạt. Cái chót mũi của Thu nhô lên thon đẹp và thanh tú lạ lùng.
Chiến sĩ ngồi xem đực mặt ra nhìn ngớ ngẩn như một lũ nô lệ bị hốt mất hồn. Họ không cử động, đôi mắt lờ đờ, mồm há hốc ra và tay chân xụi lơ không còn cảm giác. Có lẽ họ cũng không cần biết ở đâu lại có một người con gái múa một điệu múa thần kỳ như điệu múa này. Có lẽ bao nhiêu nỗi nhọc nhằn trên đường xa đã phủi sạch trong giây phút nầy. Bao nhiêu sắt thép nặng oằn vai và hằng trăm dặm đường sơn cước trở thành vô nghĩa lý trong giây phút nầy.
Thu đã giúp sức cho họ, mang lại cho họ nụ cười và ngọn gió mát lành trong cơn oi bức. Thu đã đưa tâm hồn họ đến bất cứ nơi đâu mà đôi chân Thu bước tới. Họ ngồi nghiêm trang như đang dự một dạ hội vĩ đại. Ánh lửa bay phơi phới như những mảnh lụa điều.
Nữ thần bước chậm rãi, giơ tay lên dịu dàng uốn mình như sóng lượn. Đôi mắt của nàng sáng rực như sao, nhìn mọi người như xoáy tận tim gan một cách buốt đau mà sung sướng. Nàng đi trong tiếng nhạc và ánh sáng, như gần như xa, như ẩn như hiện, như có như không, lúc đến sát lũ chúng sinh – tưởng như lũ này thở được hơi thở của nàng, lúc lại như ngàn trùng xa cách.
Thu đẹp quá Thu ơi! Anh tưởng đã mất một cách vô cùng thơ mộng vì em bỗng nhiên vụt biến thành nữ thần. Tôi vỗ soong hát mà lòng tan theo tiếng nhạc. Tôi tưởng tôi hoá thành một gã Trương Chi si tình đang ngồi gõ ván thuyền mà ca giữa không gian bao la dệt bằng mộng.
Không rõ nàng là biểu hiện của nghệ thuật hay chính nghệ thuật hiện lên trên thể xác tuyệt mỹ của nàng.
Tôi mới hiểu ra rằng chính mỗi người con gái là nghệ thuật siêu đẳng. Không có Nàng thì nghệ thuật như chim không cành đỗ, cá không được nước bơi, và hoa không có nắng để khoe sắc. Tôi thấy tôi yêu nghệ thuật và yêu Thu hơn bao giờ hết. Tôi thấy Thu đẹp hơn bao giờ hết, cái đẹp của linh hồn biến động ở từng cái chớp mắt, ở từng cử chỉ của những ngón tay, và làm rung động tim người bằng mỗi cái chớp mắt, mỗi cái đưa tay, mỗi cái động chân.
Tôi cũng cảm thấy tôi hát hay. Tiếng hát vang âm giữa những tầng không gian xanh và lướt trên những lá xanh đang mơ màng giấc ngủ.
Khu rừng bỗng nhiên trút hết vẻ âm u man rợ và trở nên quang đãng mơ mộng với những bóng cây nhảy múa theo ánh lửa, với những chú chim non, với những đóa hoa dại chuyển mình hé nở. Cọp beo chừng như cũng mất hết thú tính trở nên hiền lành dễ thương như những chú cừu non.
Thu đã hoán cải tất cả. Dữ hoá hiền, xấu ra đẹp. Cả tâm hồn tôi nửa như cũng thơ thới gột sạch mọi ưu tư.
Đôi chân Thu như hai cái búp non nõn nà di động. Tất cả người của Thu uyển chuyển rung động từng thớ thịt. Từng nếp áo, từng mép tóc của Thu đều ánh lên những hạt bụi hào hoa. Cả Thu đã hoá thành một đoá Champa mà lũ hành khất ở đây đang đói khát, đang tôn thờ.
Ông Chín ban đầu thì ngồi trên sàn nhà có vẻ phản đối cái vụ đốt lửa. Ông không thể chống lại số đông, nhưng ông tỏ sự bất bình bằng cách không xuống đất ngồi chung với mọi người.
Nhưng bây giờ thì ông Chín đã xuống đất ngồi. Có lẽ ông xấu hổ nên ông ngồi khuất sau một gốc cây. Tôi liếc thấy ông Chín chăm chú nhìn cũng như bao nhiêu người khác . Có lẽ ông cũng thích thú như bao nhiêu người khác. Và ông hơi hối hận về sự phản đối dù không có kết quả của ông.
Bỗng có tiếng thét:
- Máy ba….ay!
Tiếng thét như những thùng nước xối vào bếp lửa. Mà thực vậy, mấy người lính thủ sẵn nước trong tay như những cái vòi rồng vụt tưới vào đám lửa thơ mông làm tiêu tan ngay tất cả, tất cả.
Một sự xáo trộn đến cực độ, hồi lâu mới ổn định lại được trật tự. Nổi lên trong tất cả sự im lặng vừa được hồi phục đó là tiếng quát của ông Chín:
- Tắt lửa! Còn lửa cháy đó! Muốn chết hả? Mạng người chớ đâu phải con kiến? Văn nghệ văn ngọt gì?
Trời đất, rừng cây đang sáng sủa là vậy mà chỉ một loáng đã tối sầm lại như trong hũ nút. Người ta không dám thở mạnh, không dám cử động cũng không dám nghĩ rằng chính mình đã sống những giây phút bay bổng vừa qua.
Tất cả đều tan tác. Không còn một chút gì trong tâm hồn cũng như trên mặt đất. Chỉ còn sốt lại mùi khét bốc lên từ đống lửa bị dập tắt bằng nước, hăng hăng cay xè, quái gở.
Tiếng ông Chín càu nhàu:
- Tôi đã bảo mà không nghe tôi. Xem cái gì mà xem cái sự nhảy cóc nhảy nhái đó hả?
Lính tráng êm ru. Cấp chỉ huy cũng ngậm mồm. Họ rút lui không ý kiến. Họ dẫm lên cành khô kêu răng rắc, càn lên nhau kêu la ơí ới, gọi nhau về đơn vị.
Tôi bỏ trốn về võng nằm im thin thít như một kẻ cắp bị bắt quả tang, lòng buồn não vô cùng khi nghĩ tới cái cảnh tượng tan tác đang diễn ra ngoài rừng chung quanh đống tro tàn. Tôi không muốn nghĩ tới niềm hạnh phúc vừa tan vỡ, nỗi sung sướng khi được đối diện với Nữ Thần Nghệ Thuật. Tôi không muốn nhìn thấy nàng đột nhiên trở lại trần tục, lôi thôi lếch thếch với bộ xiêm y thần thoại đầy hào quang vinh quang đã rách nát.
Đêm rừng dày đặc. Tôi đã sống bao nhiêu đêm ở rừng rồi. Ngao ngán . Ngột ngạt.
—>Chương 25
- 25-
Sáng hôm sau tôi vừa mở mắt ra là thấy ông Chín lom khom xếp những cành lá trên sàn.
Tôi nói ngay:
- Nếu không có múa Hoa Champa hồi hôm thì lính ngủ không được đấy ông Chín ạ!
- Tại sao vậy? – Ông Chín chống nạnh lên và hất hàm hỏi tôi – Tại sao không ngủ được?
Tôi bình tĩnh đáp:
- Tại vì bụng đói quá mà. Nước suối không xoa dịu được cơn đói chứ sao! Phải nhờ tới hoa Champa.
Ông Chín nói một cách thản nhiên:
- Hoa Champa không uống được.
- Ông Chín quên rằng nghe hát thì đỡ đói sao?
- Phải rồi, nhưng máy bay quan trọng hơn.
- Nhưng nó chỉ quan trọng khi nó có thật kia. Còn đằng này không có mà quan trọng cái gì?
Ông Chín đứng lặng người ra rồi cất tiếng cười đắc chí với kết quả mà ông đạt được đêm qua.
Đến trưa thì có lệnh hành quân. Đường đã xoi thủng. Trong giây lát thấy ba-lô lục đục trên lưng. Soong chảo, súng ống lớp vác lớp gánh lớp khiêng, đụng khua nhau lộp cộp lạc cạc lèng xèng không biết có thể so sánh nó với cảnh tượng nào trong cuộc sống. Chợ không phải chợ, hội không phải hội, liên hoan không phải liên hoan.
Tôi bất chợt nhìn thấy trong đám lính một anh bạn quen. (Hẳn bạn đọc còn nhớ “ông già Noël ở nơi có cái đế cối 82 lót đường).
Không biết bao lâu rồi tôi không gặp lại anh ta. Anh ta gầy đến mức độ không còn gầy được nữa. Gương mặt anh ta không còn thịt chỉ còn đôi gò má nhăn nheo, nhô hẳn lên và cặp mắt sâu như hai cái giếng cạn. Anh ta choắt lại như một miếng khô sấy.
Không hiểu lý do nào anh ta lại treo và hôm nay vẫn còn treo chiếc khăn lông nhỏ dưới quai nón làm cho anh ta giống ông già có bộ râu vĩ đại. Tay anh ta mỗi bên vẫn cầm một chiếc gậy như cặp chân giả chắp vào cặp chân thiệt đã kiệt lực từ lâu. Trông anh ta đi, tôi muốn khóc. Bao giờ anh ta mới tới nơi? Vậy mà không chịu nằm lại dọc đường mà cứ lắt nhắt đi từng bước một.
Anh giao liên dẫn đường trên chặng này đã nai nịt xong. Anh đứng trên một cái rễ cây và tuyên bố nội qui mới do anh ta đặt ra sau khi đã được cấp chỉ huy truyền lại tình hình địch. Anh ta rất gọn. Súng cạc-bin, quần đùi, áo tay ngắn.
Anh ta nói:
- Hôm nay chúng ta sẽ đi một con đường đặc biệt. Có thể nói là rất gian khổ và nguy hiểm.
- Có nhiều dốc không đồng chí? – Một anh chiến sĩ hỏi.
Anh giao liên đáp:
- Không có dốc sao phải Trường Sơn. Càng đi vô càng dốc nhiều. Ở đầu đường, các anh bị cái đồi “Ngàn lẻ một”, vô đến cuối dãy Trường Sơn các anh sẽ bị cái đồi em em cái “Ngàn lẻ một” đó.
Anh giao liên xoè bàn tay ra:
- Đồng chí nào còn thuốc cho xin điếu, lạt miệng quá. Hình như cơn sốt tới.
Một anh chiến sĩ móc trong túi ra một mẩu thuốc và trao cho anh giao liên.
- Tôi còn có bấy nhiêu. Thăng Long đấy!
- Ồ! Thăng Long hả? Để làm vài hơi cho biết mùi – Anh giao liên bật lửa châm thuốc hút và nói tiếp:- Nhưng vô Nam dốc cao hơn các đồng chí à!
Một người cãi lại:
- Vô Nam là đi về phía đồng bằng, tại sao dốc càng cao hơn?
Anh giao liên phì phèo điếu thuốc không chịu cháy, anh phun phun sợi thuốc và nói với sự chắc chắn:
- Đành rằng đi về Nam là đi về phía đuôi Trường Sơn, nhưng tới đó dốc sẽ cao hơn nữa. Là vì sức khoẻ của các đồng chí đã kiệt. Ở đầu Trường Sơn các đồng chí leo cái “Ngàn lẻ một” tuy cao nhưng các đồng chí còn sức. Còn vô Nam tuy là dốc thấp hơn nhưng người hết gân, ngựa hết cỏ, muối mắm cũng cạn, chỉ còn có nước suối mà thôi!
Ai nầy lẵng lặng nghe và nhìn lại bản thân mình thì thấy đó là điều chí lý.
Nghe anh giao liên nói, tôi ớn quá. Trước mắt mình không có cái gì phấn khởi cả. Con đường hôm nay, không biết có vạch nổi hay không?
Đường đi gian nan thật vì đây là con đường không có đường. Không một ai đi trước mình trên lối này. Một thứ đường không biết sẽ đưa mình đi tới đâu?
Đi vài bước lại dốc, mạnh ai nấy đi theo ý thích và sức khoẻ của mình. Cả một khu rừng đó, cả một dãy đồi đó, ai muốn đi hàng ngang hàng dọc gì thì cứ đi. Người khiêng súng đi theo sự bất lợi của người khiêng súng; người mang ba-lô đi với sự uể oải của người mang ba-lô. Cho nên cả đoàn người đi qua rồi vẫn không để lại phía sau một vết mòn nào khả dĩ gọi đó là đường mòn để cho kẻ đi sau nhờ. Lên đến một cái đỉnh dốc, anh giao liên nhìn dáo dác và bảo:
- Bỏ mẹ! Lạc rồi!
Một người nhảy cỡn lên như đạp phải lửa:
- Hả, đồng chí nói cái gì? Lạc rồi hả?
- Chưa chắc nhưng sao đi mãi mà chưa qua được buông Ô.
- Buông Ô là buông gì đồng chí?
- Buông Ô là buông Ô chớ buông gì..
- Cái buông đó nằm ở đâu đồng chí?
- Ở chỗ nó nằm chớ đâu.
- Nhưng ở hướng nào? Đông hay Tây?
- Tôi chẳng biết Đông Tây gì hết!
- Trời đất! Anh học lớp mấy mà anh không biết phương hướng khi đi rừng?
Hai người đôi co với nhau làm cho anh giao liên đang lúc mệt, đổ quạu. Anh nói:
- Tôi không có học lớp mấy hết! Hồi nhỏ tới lớn tôi đi chăn trâu cho người ta không hè!
Rồi anh giao liên bỏ đi giữa sự câm lặng của mọi người. Đi được vài bước anh quay lại:
- Ở đâu ngồi đó nghe! Bỏ đồ xuống nghỉ. Đi bậy bạ tụi nó bắn tên thuốc độc chết ráng chịu.
Tôi lắc đầu hỡi ôi! Thế là lạc mất rồi.
Trời chiều gió ít nhưng không khí âm âm lạnh rợn người. Nắng đã xuống thấp chỉ còn vài ba đốm nhợt nhạt trên rễ cây. Không có con chim nào về tổ. Rừng hoang đến nỗi chim không làm tổ.
Vài ba người ném ba-lô xuống. Súng đạn kẻ thì treo trên cành cây, người thì giá súng, nhiều người lót đít ngồi như khúc gỗ.
Mấy anh chỉ huy thì dở bản đồ ra xem. Tôi cũng chen vào đám này khom xuống xem bản đồ làm như mình cũng là tham mưu.
Bản đồ nằm dưới đất, li ti những gân xanh gân đỏ chạy chằng chịt nhưng loay hoay mãi không ai tìm ra điểm hiện mình đang ngồi. Tôi nóng mũi nên chen vào một cách hết sức vô trách nhiệm:
- Thôi các đồng chí ơi! Đừng có tìm mà mất công! Biết đâu mà tìm? Thiệt là vô lý!
Lặng thinh một lát tôi lại nói:
- Tôi có cách này hay lắm!
- Cách nào?
- Quay lại trạm cũ!
- Để làm gì?
- Để có suối!
Hai vị chỉ huy mới té ngữa. Ở đây đâu có nước nôi gì? Ai cũng khát, mong cho tới nơi để nốc ba bi-đông một lúc vào cái dạ dày thay cơm. Nhưng bây giờ nước suối cũng không có nữa rồi.
Đành vậy thôi chớ biết làm sao? Quay trở lại đâu có phải là dễ? Đi rừng như đi đêm, nhất nhất đều phải có người dẫn nếu không thì cứ đi quanh quanh mãi trên vết chân mình mà thôi. Người hướng dẫn đã đi lạc thì làm sao?
Tôi buồn rầu vô cùng, vừa việc lớn vừa việc nhỏ, vừa đường ngắn vừa đường dài, đều không có một chút gì thuận lợi…
Tôi đang tìm chỗ để mắc võng. Bỗng tôi ngồi phệt xuống. Hai tay quơ quào bứt lấy một bụi rau xanh đưa lên mũi ngửi rồi bỏ vào túi cài nút lại ngay. Một cử chỉ chớp nhoáng nhưng Việt cũng trông thấy. Việt hỏi:
- Cái gì vậy anh?
- Ngò, ngò gai cậu ơi!
- Ngò nêm canh chua đó phải không?
- Đúng rồi.
Sự trao đổi của chúng tôi lọt vào tai những người bên cạnh, rồi lập tức được truyền ra khắp đoàn nhanh như gió.
- Ở đây có ngò gai nghe!
- Tìm ngò gai nấu tộ canh chua với lá bứa bây ơi!
Thế là mọi người dẫm lên gai góc, bới vào những kẹt đá để tìm cái món gia vị thân thuộc đó như một cuộc hành quân truy lùng địch quân.
Nhưng không ai tìm ra được thêm một lá nào nữa.
Việt bảo tôi:
- Đúng ngò không anh?
- Sao không đúng? Tôi ăn canh chua mòn răng mà!
- Đưa coi!
Tôi móc túi đưa mấy cái lá rau cho Việt. Việt đưa lên mũi hít hít như ngửi thuốc khoẻ:
- Đúng rồi. Ngò! Ngò!
Lính tráng văng tục ầm ĩ. Kẻ khiêm tốn thì than thở, đứa lỗ mãng thì chửi thề. Có những kẻ đã từng gặp cái cảnh lạc đường này thì ngồi lặng thinh chỉ kêu lên một tiếng rồi thôi.
Nước trong bi-đông đã cạn. Suối reo thì dưới chân núi. Chỉ hoá thành khỉ thì hoạ may mới đi xuống lấy nước được vì dốc đứng và ít ra bây giờ cũng đã 6 giờ chiều.
Người người thiêm thiếp vì đói lả và thất vọng. Đã nhọ mặt người, mỗi con người đều hòa lẫn vào cây cỏ và bóng tối.
Người giao liên nào đã dẫn họ tới đây? Bao giờ thì họ sẽ tới nơi hay không bao giờ họ đến?
Nỗi sợ sống giữa rừng sâu cùng với nỗi lo câu bị dẫn lạc đường nhồi lại làm một đè nặng lên tâm trí tôi như một tảng đá. Tôi chưa mắc võng vội. Lòng cứ bồn chồn không sao ổn định được. Loay hoay một chập thì trời mưa. Mưa thật to, bất ngờ. Ai cũng lấy ni-lông ra choàng và đứng co rút lại tìm một gốc cây mà nép mình vào. Mưa càng nặng hạt. Sườn núi nghiêng trút cho nên không thể đứng thẳng hai chân được, phải đứng một chân thẳng một chân dùn và cứ chịu như thế cho đến tàn đám mưa.
Không có gì buồn bằng khi hạ trại mà lại gặp mưa. Rồi lại không có nước và cuối cùng là không một que củi. Mà lại tối mịt.
Thôi, đành mắc võng rồi leo lên nằm với cái bụng tóp ve. Và chỉ có thể xoa dịu cơn đói bằng mấy giọt nước còn tráng đít bi-đông.
Nhiều người lầm bầm chửi giao liên, nhiều người đốt lửa hơ quần áo. Tôi thì chỉ nằm queo, không buồn nói tới Thu cũng không động tới Việt.
Bỗng Việt đến nói với tôi:
- Ta nấu canh chua đi anh!
- Giỡn cậu!
- Thiệt mà! Tôi vừa bắt được đúng ba con cua đá.
Việt móc túi quần đưa ra ba chú cua. Mỗi chú to bằng ngón chân cái, đen như than, ngời ngời như da trùn hổ. Việt còn móc trong túi áo ra mấy cái đọt bứa và nói:
- Vậy là đủ chất liệu rồi.
Tôi nói:
- Đâu còn nước!
- Vét hết nước trong bi-đông của tôi, của anh và của Thu là đủ.
Rồi Việt hăng hái tiến hành nấu canh chua. Việt chẻ những thanh nứa ra bằng chân nhang, bó lại. Tất cả cua, lá bứa và nước cho vào một cái ga-men. Tôi cầm cái quai, còn Việt thì châm lửa vào mớ que nứa kia kê duới đít ga-men. Việt gọi:
- Thu ơi! Có ăn canh chua không?
- Canh chua đâu anh?
- Có đây!
Tôi bảo Việt:
- Coi chừng hễ nước vừa sôi chín lá bứa và cua thì ngưng, kẻo sôi lâu cạn hết nước.
Quả thật, nước không ngập lưng mấy con cua. Chập sau, canh vừa sôi là tôi bảo Việt dập lửa ngay, rồi bảo Việt và Thu mang ga-men lại. Tôi lấy muỗng chia cho từng người . Mỗi người được một chú cua đá, mấy cái lá bứa và ba muỗng canh.
Bỗng Thu kêu lên:
- Ấy chết, ngò đâu không nêm vào?
- À ạ! Cái món chính mà lại quên.
Tôi bảo Thu:
- Em móc túi áo anh lấy ngò ra, tay anh bẩn quá.
Thu phụng phịu:
- Anh bóc lột em từng chút.
- Anh là tư sản văn chương đây mà!
Việt cười:
- Nhưng tư sản hụt.
Rồi mỗi đứa đem thức ăn về lều ăn riêng tùy theo sở thích của mình, cốt làm sao các món phụ thêm làm cho món canh chua cua đá được tăng thêm giá trị.
Cơm nắm mang đi từ trưa tới giờ thiu nhớt. Tôi cắn vô một miếng. Tôi không ngờ nó thiu đến thế nhưng không lẽ lại phun ra. Dù thiu nó cũng là cơm mà. Cho nên tôi ráng sức bình sinh mà nuốt nó vào. Ngon hay không tôi cũng biết nữa, chỉ thấy sau khi miếng cơm đi khỏi mồm thì tôi nôn thốc nôn tháo và cuối cùng nó dội hết ra ngoài.
Tôi cầm cái nắp ga-men canh chua lên mà húp mà nhai luôn con cua với mớ lá bứa và nuốt ngay. Còn mấy lá ngò thì tôi nhai chầm chậm để mà thưởng thức hương vị của quê hương với tất cả sự mơ ước và tưởng tượng của tôi.
Cơm vừa xong thì anh giao liên xuất hiện. Anh bảo đã tìm được đường xuống suối. Thế là cả đoàn nhao nhao đứng lên, không ai bảo ai, ùn ùn đi theo anh giao liên xuống suối.
Tôi và Việt phải thay nhau mà dìu Thu. Vì đi núi, leo lên rất nguy hiểm mà đi xuống lại càng nguy hiểm hơn. Ngã một cái là tai nạn ngay.
—>Chương 26
- 26-
Chúng tôi đi sau bộ đội cho nên đã có đường mòn. Bùn trây trên đá. Đá thì sắc và bùn thì trơn. Đến một chỗ dốc đứng sững, cả tôi lẫn Việt đều phải nắm tay Thu kềm lại. Tôi đưa chân dò chỗ để bước nhưng chỗ nào cũng trơn. Tôi cứ ướm mãi mà không bước được trong lúc ở phía trên đang đùn lại.
Một tiếng quát:
- Nhanh lên!
Một tiếng khác:
- Ngủ ở đấy à?
- Đúng thật rùa leo núi!
Tôi cáu quá những không còn cách nào khác. Tôi đành ngồi phệt xuống đi “pa-tanh” bằng hai mông đít. “Rô…ột” tôi trợt một quãng thì hết dốc. Tôi đứng dậy và nhìn lên. Tôi bảo Thu:
- Chỉ có cách đó thôi em. Bước loạng choạng trợt ngã thì bị thương đấy.
Thu lắc đầu. Với cái bàn chân vừa lành của Thu nàng không thể đi qua cái quãng trơn này được. Thu lưỡng lự mãi, nhưng sau cùng bị những tiếng gắt gỏng từ bên trên dồn xuống, cực chẳng đã Thu phải chấp nhận cái lối trượt “pa-tanh” như tôi. Thu ngồi xuống, hơi cau mặt, nhưng rồi cũng tuột xuống, mài cặp mông ngà ngọc trên những cục đá lởm chởm đầy bùn. Tôi quay mặt đi. Rột! Tôi thấy Thu đứng dậy và vội vã lấy tấm ni-lông ra choàng như trong lúc trời mưa. Chúng tôi đến bờ sưối thì thấy bộ đội nổi lửa khắp nơi. Hồi sáng trước khi đi, trạm đã quơ quào ở đâu được một mớ gạo phát cho bộ đội có thể nấu cháo loãng mà húp. Cả một tiểu đội húp cháo, thì cái tiếng húp cháo rồn rột đó chắc sẽ vang động tới tận những đâu đâu.
Bất ngờ, trong lúc tôi đi tìm chỗ mắc võng thì gặp mấy người bạn cũ ở Hà Nội, còn Thu thì gặp lại những nữ khán giả cũ của mình. Không gì bằng gặp bạn quen trên đường xa xứ lạ. Ít nhất cũng nương tựa nhau được cái tinh thần. Hoặc nếu mình “có làm sao” thì cũng có người biết, ít ra là một người biết.
Cho nên ba đứa tôi đến mắc võng bên cạnh các bạn này. Lê Ngọc, bạn của tôi, trông có vẻ còn rắn rỏi lắm. Tôi hỏi:
- Cậu chưa sốt trận nào à?
- Chưa!
Lê Ngọc tiếp:
- Tôi uống thuốc phòng rất đều và ngủ rất kỹ.
- Đoàn cậu có bao nhiêu?
- Đấy!
Lê Ngọc trỏ mấy anh chị em đang lui cui làm cơm và tiếp:
- Đó là Hải và cô Hồng Liên cán bộ của khung nhà trường đấy và vừa rồi tớ mới kết nạp thêm một cậu ở dọc đường. Trước kia cậu là y tá của tiểu đoàn 307.
Chẳng đợi tôi hỏi, Lê Ngọc tiếp:
- Anh ta người ở Hốc Môn mà lại bị đưa về Khu 5. Không biết thằng tổ chức nào chó thế. Chơi tréo cẳng ngỗng anh ta. Nhưng anh ta cũng biết khôn, gần tới trạm rẽ xuống Khu 5 thì anh ta ngã sốt. Cố nhiên là đoàn anh ta đi tuốt, bỏ anh ta ở lại. Đoàn vừa đi khỏi thì anh ta ngóc đầu dậy quảy ba-lô đi ngay. Trên đường này đâu có giấy tờ gì cho ra hồn. Đâu có ai biết ai. Cho nên anh ta đi thẳng tuột. Vô tới đây thì cậu ta xin nhập tịch đoàn mình. Trong đoàn tôi có bác sĩ cũng đỡ.
Tôi hỏi ngay:
- Anh ta có ống chích không?
- Có chớ! Anh ta bây giờ là bác sĩ mà!
- Thế thì hay lắm. Cho tụi tôi móc vô đoàn của cậu với nghe!
Lê Ngọc quay lại nói với mấy cô cậu thanh niên trong đoàn:
- Nấu thì cố mà che lửa. Có báo động thì dập lửa ngay, lơ mơ giao liên nó đâm thủng cả soong nồi thì treo mõm luôn!
Tôi hỏi Lê Ngọc:
- Bỏ nghề rồi hay sao mà đi đây, hả?
- Đi vô mở đại học chớ! Đi cả một cái khung giáo sư mà.
- Thế cơ à!
- Ừ, thì làm ăn to mà cậu!
Tôi thở dài:
- Nghe thì như là mâm cổ đã dọn ra và mình chỉ còn phủi chân leo lên.
- Cậu không biết chớ bên công an, mình có mấy thằng bạn nói họ đang chuẩn bị đưa vào một lô cảnh sát giao thông để tiếp thu Saigon đấy. Nhưng vô tới đây thì tớ biết rồi! Các chả tếu quá!
Bỗng có tiếng quát:
- Máy ba…ay!
Hải, một đoàn viên của Lê Ngọc chụp lấy ca nước để bên cạnh hớp một ngụm và “Phèo!” Hải phun vào bếp, lửa tắt ngay.
Có tiếng quát:
- Ai còn lửa đó? Muốn chết hả?
Tôi nhìn dọc theo bờ suối, còn những đốm lửa nhá nhem và nhiều mớ than đỏ rực chưa tắt kịp.
Cái tiếng kia lại quát:
- Tắt ngay! Đá mẹ nó cái nồi cơm đó đi! –
Hải lại chụp lấy ca nước đổ luôn vào bếp. Hồng Liên càu nhàu:
- Ướt hết làm sao nhúm lại!
Tôi không còn nghe tiếng nói qua lại mà nghe tiếng cười rúc rích của hai cô cậu. Rồi tiếng cười cũng im luôn. Tiếng cô gái kêu lên, tiếng cấu véo nhau rồi tiếng gắt khẽ phản đối “Anh nghịch lắm!” và tiếng “ơ kìa…ơ kìa…” liên tục.
Máy bay chỉ lướt qua rồi biến hẳn.
Lửa lại nhóm lên khắp nơi. Nhưng lửa vừa cháy lên thì lại:
- Máy ba..ay!
Bên cạnh tôi một cậu lính càu nhàu:
- Máy cái con mẹ mày, máy bay!
Một cậu khác:
- Máy cái gì máy mãi vậy? Ba tiếng đồng hồ chưa sôi nồi cơm. Đ.m. máy tao cho mày đói, tao cho mày chết!
Xoảng! xoảng! Sẵn chân cậu ta đá luôn, tung cả bếp núc , ga-men xuống suối. Rồi cậu ta lên võng nằm.
Rồi máy bay đi. Lửa lại lên tươi đời.
Lê Ngọc nói với Hải:
- Hễ tới chặng gay go thì in như rằng tới phiên cậu trực nhật. Xui quá Hải nhỉ? Hải này, cái trường đại học của cậu cứ quanh đi quẩn lại chỉ có cái soong cơm với ba lão táo tàu, có chán không?
Hải ngượng ngùng nhìn Hồng Liên:
- Em thổi lửa mãi, cái mồm em trở thành cái loa thì con gái nó chê thì bỏ mạng anh ạ!
Hồng Liên đôi má đỏ rừ đang ngồi bên cạnh Hải chen vào ngay:
- Thế ra anh là người mồm loa mép dãi à?
- Ừ được. Chẳng bằng bộ răng hàng rào thưa gậm một lúc hết phéng nửa ký lô “thép ngào đường” của bộ đội.
- Đây lửa xuống thấp rồi, anh thổi lên đi.
- Anh không thổi nó cũng lên, vì chính anh là lửa mà!
- Lại tếu bốc giời! À mà anh Hải! Tại sao các anh bộ đội hôm nọ lại bảo ăn lạc rang là ăn thép nhỉ?
- Anh đố Hồng Liên đấy!
- Em chịu thôi!
- Thế mà cũng làm trời. Này nhé, ở Nghệ An vùng Bến Thủy em biết không?
- Có nghe nói.
- Ở đó có những đám thiếu nhi đi rễu ngoài đường cứ hễ gặp ai mua đậu lạc thì nó giải thích chủ trương của chính phủ rằng hai kilo lạc đổi được một kilo thép của ngoại quốc cho nên chính phủ chủ trương thu mua hết tất cả đậu lạc để đổi thép đem về xây nhà máy! Vì thế ai ăn lạc thì phạm chính sách. Hiểu chưa?
Lê Ngọc đưa hai tay lên miệng làm loa:
- Cần một người có hàm răng thật khít nặng trên 40 kilo để thổi lửa!
Hồng Liên xoè hai bàn tay ra hơ lửa.
- Em lạnh à? – Hải thân mật.
- Không, em không lạnh nhưng gần lửa em thấy dễ chịu hơn.
- Da em hơi vàng rồi đấy!
- Vàng quá đi chứ còn hơi gì nữa! – Hồng Liên đưa tay lên sát mặt xem – Mỗi ngày 6 viên ki-nin uống phòng, còn gì nữa mà không vàng! Chịp!
Hải nhạy miệng:
- Thế là Hồng Liên là kẻ da vàng bụng ỏng hả?
Tôi ngồi nghe các cô cậu đối đáp với nhau mà cũng vui lây.
Bỗng từ bên kia suối có tiếng quát:
- Đám nào vô kỹ luật thế hả?
- Tên nào xấc láo thế hả? – Lê Ngọc đứng phắt dậy quát trả.
- Tôi cho các người biết, tôi, Tiểu Đoàn Trưởng ra lệnh cho cái bếp lửa đó phải tắt ngay!
Tôi lại thấy thêm một chuyện kỳ cục. Nhưng kỳ cục nhất là một tay tiểu đoàn trưởng mà lại có một thái độ thôi bỉ đến thế.
Lê Ngọc dịu giọng:
- Các ông có cơm đưa ra đây cho chúng tôi thì chúng tôi tắt lửa. Chín giờ rồi. Các ông đói chúng tôi cũng đói.
Tiếng quát bên kia suối vọng qua:
- Nhưng không phải vì đói mà người ta vô kỹ luật.
- Cũng không phải vì muốn giữ kỹ luật mà người ta trở thành lỗ mãng với nhau.
Tiếng chân ầm ầm lội qua suối, dẫm trên sỏi nặng chịch và đến gần bên Lê Ngọc. Tôi đưa mắt nhìn sang. Một con người không cao, gương mặt xương với hai gò má nhọn hoắt và cặp mắt sâu hóm.
Anh chàng hất hàm hỏi Lê Ngọc:
- Anh ở đơn vị nào mà bướng thế hử?
- Chúng tôi không biết, không được biết ông là ai cho nên chúng tôi không thể cho ông biết chúng tôi là ai!
- Tôi đã bảo rằng tôi là tiểu đoàn trưởng.
- Thế hả? Chúng tôi ở trong một đơn vị không nằm trong tiểu đoàn của ông!
- Anh có biết chung quanh đây có bao nhiêu người không?
- Đó là một điều nên giữ kín hơn là nói ra.
- Các anh có biết ai quản lý đường dây nầy không?
- Đó lại cũng là một điều bí mật mà những người tôn trọng kỹ luật không nên hỏi hoặc không nên đáp lại cái câu hỏi đó. Vì như thế là vô kỹ luật.
Lê Ngọc trả lời xuôi rót và đầy vẻ chế diễu làm cho đối phương đang sẵn sàng nổi nóng nhưng không thể nóng lên được. Cuối cùng y phải hạ thấp giọng:
- Các anh có một dúm thôi, còn chúng tôi hằng ngàn người. Máy bay như rươi các anh không thấy à? Nó phát hiện được thì hằng ngàn sinh mạng con người ta hoá ra tro bụi, các anh đền được không? Tôi cho các anh biết đường dây này do quân đội quản lý. Các anh đi trên đường này thì phải chịu kỹ luật của quân đội . Nếu các anh chống lại, nhân danh tiểu đoàn trưởng tôi bắn bỏ các anh. Các anh nghe rõ chưa?
Lê Ngọc ngồi xuống không nói cũng không nhìn hắn nữa. Thấy những quả đấm của mình cứ thoi vào quãng không, hắn quày quả ra về.
Nhưng vừa sang bên kia suối, y lại quát:
- Trinh sát chiến đấu sang bắt trói đám đó cho tôi!
Y vừa dứt lời thì những bước chân ùn ùn lội qua suối. Tôi bảo khẽ Lê Ngọc:
- Thôi anh ạ. Nhịn hắn đi.
Lê Ngọc nuốt ực:
- Không việc gì phải chịu nhục. Hắn có giỏi thì vào đánh nhau với Mỹ. Hay ho gì đi ăn hiếp tụi dân chánh?
Toán trinh sát chiến đấu đã sang. Quần họ ướt tới đầu gối, nước chảy ròng ròng xuống đất. Họ không cầm súng. Một người trong toán họ nói nhỏ nhẹ:
- Thôi các anh ạ, một câu nhịn chín câu lành. Tại ông ta quá nóng. Đối với chúng tôi, ổng đập bằng gậy, tát tai là thường. Lúc nãy ổng tưởng nhầm là lính của ổng, hơn nữa vì có các cô “cu nhép” ở đây… cho nên… ổng hơi cương!
Hải đã cời than ra. Cháo vừa chín. Những hòn than trông ngon lành. Hồng Liên buột miệng bảo:
- Các anh về nói với ổng là chúng tôi xin đa tạ ổng nhé!
Tôi nằm trên võng nãy giờ nhìn xem cuộc thế. Tôi gật gù và tỏ ý khen Lê Ngọc:
- Tuyệt! Đối thoại chan chát như kịch Sếch-pia .
- Cậu không ra tiếp mà còn chế nữa!
- Cậu đã để cái “xanh-cốp” tài thật vừa chỏi lại vừa êm, tuy êm mà lại rất chỏi . Cho nên đối phưong không thể “cao trào” được mà cứ lềnh lềnh rồi cút luôn.
Hải đứng dậy nói to lên:
- Cần những người có năng lực tiêu diệt cháo loãng đây! Mau lên! Mau lên!
Cháo xong họ lên võng nằm. Đó là giờ phút thần tiên nhất.
Tôi kể lại câu chuyện cậu binh sĩ quê ở Quảng Bình chết vì “bệnh tư tưởng” và tấm mộ bia tôi và Việt đục hôm trước cho Lê Ngọc nghe.
Lê Ngọc nói:
- Tôi chạy tét các cha đó rồi! Tụi mình đã đi tới đây, kêu trời không thấu. Nói nhỏ mà nghe: lính chết như gà bệnh toi, còn lính trốn như đi chợ.
Một chốc tôi thấy chột bụng, chắc chắn là vì nắm cơm thiu và món canh chua nấu ba sồn bốn sực khi chiều. Tôi vạch cây tìm chỗ. Lê Ngọc bảo giọng lè nhè:
- Coi chừng rắn chàm oạp nghe! Bị nó một cái là vô phương cứu !
Tôi đi vài bước mới biết rằng trời có trăng. Trăng hiện lên trên bầu trời cao như một cái mặt người rằn rện. Ánh trăng loang lổ, rơi bừa bải trên cành cây và dưới mặt đất. Tôi ngỡ tôi đi lạc vào vương quốc của những âm hồn.
Đang đi bỗng tôi nghe tiếng cành khô gãy. Tôi hơi sợ. Không biết người hay thú rừng. Tôi bèn đứng nép vào một gốc cây to.
Bỗng tôi nghe tiếng kêu the thé:
- Ối giời! ối giời! Anh giết em đi! Anh giết em đi!
- Ừ, anh sẽ giết em, giết chết em!
Rồi im bặt.
Những tiếng kêu kia làm cho cho sự tò mò của tôi nổi dậy. À ha trên đường đi bại liệt này người ta cũng còn sức để giết nhau.
Loáng thoáng qua những cành cây, những mảng trắng nhễ nhại, tiệp với ánh trăng, rung rinh, nhấp nhô với một nhịp điệu vừa phải. Rồi một khối như khối đá lăn quay, nghiêng ngã, rập rềnh, vỡ ra làm đôi rồi lại ập vào nhau, lăn lóc, nghiêng đè trên những cành khô nghe răng rắc.
Tôi phải định thần mới nhìn ra. Những mảng trắng , ồ những mảng trắng như những cái bánh ếch trần béo bở mịn màng.
- Em sắp chết, em sắp chết!
- Anh giết … anh gi…iết em!
- Nhanh lên … anh!
Tôi chỉ còn trông thấy hai bắp chân ngoặc vào cái mảng lưng, hai cánh tay trần trắng toát cũng xoắn vào cái cổ, ghì cái lưng và cái cổ xuống. Kẻ thắng thế cũng ôm xoắn lấy đối thủ, hai chân xoạc hẳn ra và đạp tung những lá khô và cành cây. Trông như một màn đô vật. Họ quyết giết nhau.
Rồi thôi, cơn gió qua nhanh. Những địch nhân lại thân ái với nhau.
- Anh hư lắm! – Một cái tát khẽ.
- Hư gì mà hư. Để yên anh nhìn!
- Anh nhìn thế, em chịu thôi!
- Không, anh nhìn trăng. Ồ trăng của anh tròn đẹp thế! – Những tiếng nói rít qua hai hàm răng nghiến lại.
- Em bảo anh để giành vô Nam hãy…
- Giành gì! Nay còn hưởng được, ta cứ hưởng.
- Mai sức đâu anh đi? Ơ kia… lại nữa rồi!
- Chứ thôi à?
- Em đã bảo là phạm chánh sách mà!
- Sách gì mà phạm?
- Ba khoan!
- Ba khoan chứ ba chục khoan cũng xổ toẹc. Khổ bỏ mẹ đây lại còn khoan với dùi!
Hai cánh tay như hai thỏi ngà bỗng giơ lên xoắn vào cái cổ đang nghễnh dài ra mà nhìn và riết xuống. Họ chung sống hoà bình với nhau như vậy không biết bao lâu, tắm ánh trăng, tận hưởng những phút giây còn sót lại có thể hưỏng được.
Tôi về nằm nóng lưng võng mà không ngủ được. Những mảnh trắng vừa của trăng vừa của da thịt cứ lấp loáng trong đầu tôi. Tôi trăn trở mãi. Bỗng bên kia:
- Em còn nước đó không?
- Còn! Anh sang đây mà uống.
Họ đã về. Họ khát sau phút giây lăn lóc, họ bồi dưỡng sức khoẻ bằng nước suối.
—>Chương 27
- 27-
Sáng chưa thiệt mặt đã nghe tiếng tri hô ầm ĩ bên kia suối. Tôi nằm im trên võng lắng nghe:
- Thằng Khả đi mất mẹ rồi nghe!
- Ở tiểu đội 5, thằng Ưng cũng biến luôn rồi!
Lê Ngọc lầm bầm:
- Cho ông bỏ mẹ ông đi nhé ông tiểu đoàn trưởng! Kỷ luật của ông đấy.
Rồi Lê Ngọc nhảy xuống đất ngay. Lê Ngọc thọc tay trong túi quần và đi xuống suối, ngóng sang bên kia một cách thích thú. Lê Ngọc nói to lên:
- Hôm nay 3 giờ mới hành quân, mình tha hồ xem cái màn chèo bát nháo này.
Lê Ngọc lấy gói thuốc cuộn một điếu vừa phì phà vừa tìm chỗ ngồi yên trí sẽ được xem những màn lớp bất ngờ.
Hải, Hồng Liên và tôi cũng xuống suối súc miệng. Thu cũng đã thức, cũng đã đi theo chúng tôi. Hồng Liên nói với Thu:
- Không có lý bộ đội lại đào ngũ. Mình gặp họ dọc đường, họ quyết tâm đến thế mà, chị Thu!
Một chốc, Thu mới chẫm rãi nói:
- Nghe nói họ đi bộ từ Thái Nguyên. Chịp! Súng nặng đến thế mà…
Bên kia bờ có tiếng quát:
- Mỗi trung đội cho một tiểu đội đi lùng. Bắt về đây, ông thì treo cổ cả duộc!
Tiếng súng khua, tiếng người bước chạo rạo, tiếng gọi nhau một chập rồi im hẳn. Một tiểu đội lội suối sang phía này. Một anh hỏi Lê Ngọc:
- Các đồng chí đóng bên này có thấy bên chúng tôi đi…
- Thấy các anh đi đâu ạ? – Lê Ngọc chận ngay.
- Anh em chúng tôi có một cậu và một tiểu đội.
- Đi công tác à?
- Dạ không! – Anh ta ngập ngừng mãi – Anh em họ đi quanh quất đâu trong ấy mà!
Lê Ngọc hăng hái:
- Ồ, đi vô rừng sợ lạc à? Không lạc đâu, chốc họ về thôi.
- Dạ không, anh em họ trốn ấy mà!
- À ạ! trốn nghĩa là đào ngũ ấy phải không?
Lê Ngọc gằn từng tiếng một cách khoái trá. Lê Ngọc để lộ ý trả thù về việc hôm qua.
Tiểu đội võ trang kéo đi qua. Một cậu lầm bầm:
- Tớ mà gặp tớ để cho nguyên băng!
Hồng Liên cứ ngơ ngác:
- Bộ đội đào ngũ thật hả anh Hải?
- Chứ không à?
- Sao lại thế nhỉ?!
Hải bực dọc:
- Có gì mà lạ! Thằng thì đào ngũ từ Hà Nội, thằng thì nhảy tàu què cả chân kia. – Hải tiếp – Dọc đường em đã chẳng trông thấy đầy dẫy ra đó à? Ở chặng nào mà không gặp! Em cứ tưởng ai cũng như mình à?
- Nhưng đó là một phần nhỏ thôi chứ anh?
- Cố nhiên ở Hà Nội thì một phần nhỏ, còn tới đây thì nó không nhỏ nữa rồi.
Hồng Liên vẫn ấm ức:
- Nếu muốn không đi thì báo rằng mình không thích đi, rồi xin ở lại chứ việc gì phải đi rồi đào ngũ cho nhơ danh?
- Em hiểu đời còn kém quá. Bây giờ thì lên mà nấu cháo đi, kẻo tới giờ giới nghiêm bây giờ.
Tôi và Lê Ngọc vừa lên võng nằm thì người ta lôi về một anh. Có lẽ tên anh này là Khả, theo như người ta nói lúc sáng.
Khả chưa đầy 20. Đôi má Khả chảy xuống như bị phù. Nước da vàng như nghệ, cái áo lục quân của anh rách xể một bên vai. Có lẽ anh bị gai quào trong đêm qua. Chẳng ai nói câu gì khi tiểu đội dắt anh ta đi ngang qua lều của Lê Ngọc và của tôi.
Tôi thấy Lê Ngọc thích thú ra mặt. Lê Ngọc bỏ bì thuốc vào túi rồi lại đi xuống suối. Lê Ngọc cuộn xong điếu thuốc đã nghe tiếng gắt ầm bên kia suối:
- Cậu đi đâu? Trốn hả? Vinh dự thay lính Bác Hồ! Pốp! pốp! Tôi ra lệnh cho cậu từ giờ phút này không được đi một bước khỏi gốc cây đó. Pịch! pịch! Cứ ngồi mà ôm cái gốc cây đó cho đến khi có lệnh mới!
Tiếng khóc bỗng trào lên rưng rức.
- Ơ hay, sao lại khóc? Tôi đùa với cậu à?
- Em không đi nữa!
- Quân đội là cái chợ à? Muốn vào thì vào, muốn ra thì ra à?
- Không phải thế, nhưng em ốm quá!
- Ốm thì có thuốc men chứ.
- Em không xa nhà được.
- Cậu không bằng trẻ con ấy!
- Em chưa cầm súng bao giờ. Em đang ở hợp tác xã.
Tôi hình dung gương mặt viên chỉ huy, cặp mắt trợn lên, tay chống nạnh, tay ra bộ tịch dữ dằn, nhưng khi anh lính nói tới câu này dường như ông ta bị hẫng cho nên không nghe anh ta hò hét nữa.
Anh lính đào ngũ đã đưa ra một lý do bất ngờ. Anh chưa cầm súng bao giờ! Anh đang ở hợp tác xã, không biết vì sao anh lại đi vô Nam.
Lê Ngọc nói với tôi:
- Tội nghiệp anh thanh niên! Có lẽ đó là một học sinh lớp 7. Lính của viên tiểu đoàn trưởng toàn như thế hay đây chỉ là một trường hợp đặc biệt?
Tôi không có câu trả lờoi.
Từ bờ bên kia có một người đi xuống suối. Người ấy chính anh lính đào ngũ. Tôi đoán thế vì thấy cặp mắt anh ta đỏ hoe. Anh ta ngồi xuống khoát nước rửa mặt, không chút ngượng ngùng.
Thấy Lê Ngọc đang hút thuốc, anh ta hỏi xin:
- Anh quăng cho em một điếu với!
- Anh là Khả phải không?
- Vâng, Khả là em.
Lê Ngọc rúi túi thuốc và hỏi:
- Cậu có bật lửa không?
- Không có anh ạ. Cả tiểu đội chỉ có một chiếc, em làm gì có được cả một chiếc?
- Không có bật lửa, cậu làm sao đi rừng được mà trốn?
- Thì em cũng liều. Có thân thì phải lo.
Lê Ngọc cuộn một điếu thuốc, châm lửa rồi ném sang cho Khả. Khả nhặt lấy điếu thuốc mấp lấy mấp để. Mắt cu cậu sáng hẳn lên. Cu cậu nói huyên thiên.
- Mấy hôm nay em toàn nhịn, xin được tí nào em vê lại rồi mồm ngậm nước hút theo kiểu sâu kèn. Hút được một điếu tỉnh người lắm anh ạ!
Lê Ngọc hỏi:
- Cậu không chuẩn bị mà dám trốn về à?
- Em đã liều mà! Em nhất định về. Có giết em cũng không đi!
Có người đi xuống suối. Lê Ngọc không hỏi nữa. Lê Ngọc trở lên lều với vẻ mặt buồn bã vô cùng.
Bỗng …”đoàng”!
Tôi quay lại nhìn, chẳng biết chuyện gì đã xảy ra nữa.
Lê Ngọc vừa ngồi dậy thì Hải hớt hãi chạy về. Hải vừa thở vừa nói:
- Bộ đội tự sát anh à! Ghê quá!
- Có đúng thật không?
- Em nghe họ kêu bên kia suối mà!
Lê Ngọc ngã người trên võng:
- Đúng là Espoirs perdus!
Tôi cảm thấy như viên đạn đã bắn vào giữa ngực mình. Tôi muốn kêu lên để trút nỗi đau đớn.
Tiếng nói, tiếng gắt bên kia suối rào rào lên. Tôi nghe ra thì đó chỉ là một vụ tự gây thương tích thôi. Anh bộ đội đã bắn một phát AK vào bàn chân mình một cách rất chính xác (!) ở kẽ giữa ngón cái và ngón trỏ. Tiếng bàn tán xôn xao rồi ầm ĩ.
- Mẹ kiếp, sao không nổ vào đầu cho thích?
- Tớ đếch khiêng đấy!
- Thương binh loại một đấy nhé!
- Thiếu gì cách mà lại tự bắn lấy mình?
- Đại đội 3 vượt lên chiếm kỷ lục về con số “B quay”.
- Chặng nào cũng có “quay” một vài con như thế mình xơi không hết.
Chập sau, đơn vị tập họp. Binh sĩ tụ tập lại dưới một tàng cây cổ thụ có thể che kín một trung đoàn. Lê Ngọc nghếch đầu lên mép võng nhìn sang. Có lẽ Lê Ngọc không còn giữ ý định trả thù đối với viên tiểu đoàn trưởng nữa, nhưng Lê Ngọc muốn tìm hiểu thêm một vấn đề.
Một giọng nói cố nén tức giận:
- Ban chỉ huy tiểu đoàn tập họp tiểu đoàn lại để tuyên bố quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Khả C2 và đồng chí Ron C3. Như các đồng chí đã biết, trong tiểu đoàn ta lại vừa có 12 tên đào ngũ, toàn thể tiểu đội 5 đã trốn hết và 2 tên của tiểu đội 1, tất cả đều thuộc đại đội 3.
Chúng tôi cho một tiểu đội đi lùng, nhưng tiểu đội này cũng chưa trở về. Chúng tôi lại cho đi lùng, nhưng không tìm thấy. Những tên đó, kể từ giờ phút này, coi như bị khai trừ khỏi quân đội và khai tử trong cách mạng. Còn 2 đồng chí Khả và Ron, trong khi chờ đợi quyết định chính thức, chúng tôi xin công bố những hình thức kỷ luật như sau:
Một, đối với đồng chí Khả. Đồng chí Khả là xã viên hợp tác xã mới gia nhập quân đội chưa đầy 3 tháng. Đây là lần đầu tiên, đồng chí Khả tự ý bỏ vũ khí, và rời đơn vị. Nhưng xét vì, đồng chí Khả ý thức chính trị còn non kém nên mới có hành động vô kỷ luật đó. Ban chỉ huy tiểu đoàn quyết định: cảnh cáo ghi lý lịch đồng chí Khả và giao cho tập thể giáo dục. Đơn vị vẫn xem đồng chí Khả như một quân nhân còn đủ mọi quyền lợi chánh trị.
Hai, đối với đồng chí Ron. Tự gây thương tích là một hành động vô kỷ luật cao độ đã từng xảy ra ở nhiều đơn vị. Để ngăn ngừa hành động này có thể lây rộng ra, ban chỉ huy tiểu đoàn quyết định cảnh cáo ghi lý lịch đồng chí Ron và đồng chí Ron phải tự băng bó lấy vết thương để hành quân theo đơn vị. Ban chỉ huy không cho phép đồng chí Ron nằm lại và bất cứ ai cũng không được quyền khiêng đồng chí Ron.
Thu đã đến ngồi bên đầu võng của tôi từ lúc nào. Nghe tới đây, Thu buột miệng nói:
- Ác thế! Người ta què mà bắt đi!
Tôi muốn rầy Thu nhưng chính tối cũng không biết Thu nói đúng hay sai.
Bên kia suối, cuộc họp tan, không nghe ai bàn tán gì thêm.
—>Chương 28

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét