Kể từ những sáng tác văn, thơ, nhạc... tập tọe, viết để mình đọc, để trao đổi với bạn bè cùng trang lứa, tới ngày ở tuổi 17 được lần đầu in bài thơ “Thôi thế là tan giấc mộng vàng, Nàng đi giữa lúc gió xuân sang”... rồi đến các bài hát Có Một Nàng Thôn Nữ, Nụ Cười Sơn Cước, Chiến Sĩ Khu III... chưa bao giờ tôi dám tự nhận mình là... nhạc sĩ, thi sĩ. Với tôi, đó là những nghề đòi hỏi một tài năng thiên phú, một cái đầu thật lớn và một trái tim thật nồng nhiệt! Văn nghệ với tôi lúc ấy chỉ là một “cuộc chơi” không hơn không kém. Chẳng có ý đồ, mục đích gì. Tất cả chỉ bật ra trong vô thức tiếng nói của tâm hồn, của những nghĩ suy, những cảm nhận mà lời nói bình thường không có khả năng diễn đạt.
Hơn nữa, có nhiều người đồng cảm với tiếng nói của trái tim tôi, dù nó thì đập lung tung, khi có ý thức, khi vô ý thức, nhưng bao giờ cũng chân thành. Tôi “nghĩ” ra những câu hát để hát lên cái mà mình “cảm” thấy. Rồi tôi nối các câu đó lại với nhau. Độ 8 câu là thành một bài hát! Được cái “trời” cho một năng khiếu âm nhạc từ thuở lọt lòng và được giáo dục âm nhạc qua loa trong các trường sơ, trường trung học, nhất là nhờ công thầy Quảng, thầy Bích, père Rangel… tôi đã nắm được sơ sơ lý thuyết tối thiểu ký xướng âm nên có thể ghi ra những gì mình vừa hát.
Tuy nhiên, sau này được học hành tử tế rồi, tôi mới thấy rằng trong các bài ký âm thuở ban đầu nhiều chỗ tôi đã ghi sai bét be cả về cao độ, trường độ, nhịp điệu, tiết tấu. Tôi cũng rất biết điều này nên nhiều bài tôi chỉ hát và dạy truyền khẩu cho đơn vị, chứ không dám ghi thành bản nhạc có chữ, có nốt đàng hoàng. Sợ sai thì “các nhạc sĩ thứ thiệt” sẽ lật tẩy tôi là một nhạc sĩ hạng bét! Những “nhạc sĩ dốt nhạc” sau này tôi gặp nhan nhản, tới tận bây giờ, thậm chí có cả những vị “nhạc sĩ lão thành” chưa từng học qua một lớp ký xướng âm, chưa hề biết Beethoven là người nước nào, làm nghề gì! Chuyện thật 100%!
Không ít các ông hội viên Hội Nhạc Sĩ Trung Ương, nếu bỏ cây măng-đô-lin, cây ghi-ta ra thì...hết sáng tác! Họ tồn tại nhờ những năm “quần chúng làm được tất cả” và khi “sáng tác không son-phe” trở thành một cuộc vận động hẳn hoi trong Quân Đội, khi người ta đã phát động phong trào sáng tác tập thể, (!) nghĩa là ngồi tập hợp cả một đại đội, mỗi người hát một câu, kết nối lại với nhau, thế là một bài hát ra đời, trong đó toàn là... khẩu hiệu!
Còn hơn nữa, người ta tặng những giải thưởng về âm nhạc cao nhất cho các bài hát sáng tác “năm cha ba mẹ” như thế. Điển hình là bài Thời Cơ Đã Đến, bài Biết Ơn Đảng Và Chính Phủ, giải nhất toàn quốc!
Cũng không loại trừ có một bàn tay cơ hội nào đó đã lái cả một tập thể nào đó theo cái “gu” sáng tác của mình và đóng dấu tập thể để lấy thành tích là... “biết dựa vào công nông binh”! Như bài Vì Nhân Dân Quên Mình của anh lính lục quân Doãn Quang Khải đã được đánh giá là bài hay nhất mặc dầu cho tới nay, đố một công nông binh nào hát đúng cái bài hết sức Tây này với những ½ giọng liên tục, những nối tiếp điệu thức, sang thứ về trưởng vuông vức y hệt một bài trong sách giáo khoa âm nhạc của ... Lavignac ([1]) vậy! Tội nghiệp cho “nhạc sĩ” được giải nhất đó sau này bị điều về làm trưởng một đoàn văn công Sư Đoàn mà chỉ tồn tại không quá một năm thì giải tán, trừ vài diễn viên được sáp nhập về Quân Khu! Tuy nhiên không ít tay văn nghệ ba xu mang danh công nông binh vẫn cứ tồn tại trong và ngoài quân đội trên cương vị lãnh đạo, thậm chí còn được gửi đi Liên Xô, Trung Quốc bồi dưỡng nghiệp vụ, trang bị lý luận Mao - Xít, từ đó họ trở về với các học vị, học hàm giáo sư, tiến sĩ… tiếp tục làm khổ giới văn nhân, nghệ sĩ tới tận bây giờ!
Riêng thằng lính lục quân Tô Hải cứ tiếp tục viết theo cảm nghĩ, theo cái vốn có sẵn của mình để phục vụ những người đồng học, chẳng biết cái chuyện công nông binh công nông biếc ra sao! Xung quanh tôi lúc ấy là những Văn Phụng (ngoáy) Khôi bi ve, Phú móm, Lê Điệp, Lê Quân, Huy Thái, Lâm Quế... những chàng trai Hà Nội mà lúc ra đi còn mang theo ấn tượng không phai mờ của các bộ phim Mỹ, các bài hát trong phim với Richard Green, Nelson Eddy, Deana Durbin, Fred Astaire, Ginger Rogers ... nhất là các bài country trong phim cao bồi với Charles Starret, Ken Maynard, Gary Cooper ([2])... Cho nên không có gì lạ khi đêm biểu diễn đầu tiên của nhóm học sinh quân Liên Khu 3 chúng tôi đều sặc mùi... Mỹ! Nghĩa là toàn swing, blue, rumba... có cả một nhạc cảnh swing từ đầu đến cuối với cái tên Vui Mùa Lao Công kết thúc bằng câu hát “ca vang lừng nhạc swing giữa Thủ Đô” mà chẳng sợ ai bảo làm “văn nghệ đế quốc” cả! Không có trompette thì Văn Phụng “hốt” bằng cái...chổi quét nhà! Còn Lê Quân thì dùng cái cưa giả làm... trombone để “té rè re te ré te tè” sau câu “Nghiêm, đi đều, nhìn trước! Thẳng! Đằng sau quay!”... Nhạc cảnh này chúng tôi, dưới danh nghĩa các “anh lính trọc” (vào trường này, bắt chước Tầu, bắt buộc cạo trọc đầu) đã từng “diễu võ dương oai” ngay tại một... thánh đường âm nhạc: Đại hội thành lập Liên Đoàn Nhạc Sĩ Liên Khu IV, họp tại Đô Lương Nghệ An năm 1949-1950 gì đó, dưới nhĩ mục quan chiêm của đầy đủ tai to mặt lớn trong làng nhạc thời bấy giờ như Lê Yên ([3]), Nguyễn Văn Thương ([4]), Ngọc Bích, Hải Châu.. Điều kỳ lạ là không ai phê phán gì mà còn hết lời ca ngợi động viên. Có lẽ để nâng đỡ các anh chàng lính làm văn nghệ chăng?
Kết quả không ngờ là tôi nhận được một bức thư khá dài và chân tình của ông tổng thư ký Nguyễn Văn Thương khuyên nên tiếp tục viết nhiều hơn và đề nghị tôi gửi ngay bản thảo về Hội Văn Nghệ để kết nạp tôi vào liên đoàn!
“Cuộc chơi” đã đến lúc không còn là cuộc chơi rồi! Nhạc sĩ gì ba cái thứ “hát lếu láo cho vui” giữa nơi rừng sâu Hà Cháy này! Hơn nữa, khi ngồi kẻ khuông để ghi lại các bài đã hát thì quả là bí, tôi không thể ghi đúng những gì tôi và các bạn tôi đã hát! Trình độ nhạc lý không theo kịp với cảm xúc, với bản năng âm nhạc của tôi! Chỉ riêng những sincope, demi sincope, những legato không nhấn nhịp mạnh, hoặc đánh yếu thành mạnh, hoặc ngược lại là đã... vỡ đầu! Thế là tôi đành... đánh bài lờ! Chẳng dám ngồi chung mâm, chung bát với các vị nhạc sĩ thứ thiệt!
Vả lại, cuộc đời làm lính lục quân thực sự cũng cuốn hút tôi... Thời giờ không còn một phút để ngồi viết thư chứ đừng nói ngồi chép nhạc! Từ sớm đến tối là một qui trình của trên ngàn cỗ máy con chạy theo cỗ máy lớn. Chả là lần đầu tiên (nhưng có lẽ cũng là quá sớm), người ta đã cho xây dựng một hệ thống trường quân sự tương đối chính quy. Thiết kế cả một hệ thống doanh trại, đại đội bộ, trung đội bộ, tiểu đoàn bộ đến hiệu bộ cứ như là đất nước không có chiến tranh vậy! “Nước sông công lính”, lũ sĩ quan tương lai chúng tôi được huy động cho cái công trình hết sức tốn kém sức người, thậm chí cả tính mạng ở nơi khỉ ho cò gáy gần biên giới Lào mang tên Hà Cháy này! Ít nhất có ba mạng đã mất xác khi xuôi bè gỗ từ thượng nguồn sông Lam về, bè bị vỡ tan khi vượt thác.
Chúng tôi phát đồi, bạt núi, đẵn gỗ, đóng bè, vượt thác, vượt ghềnh, chở vật liệu về dựng nên cả một cơ ngơi hiếm có cho cái trường Lục Quân...không hợp thời này! Không ít người đã sớm tan giấc mộng “sĩ quan ngựa hồng côn bạt” ([5]) ngay từ những thử thách tinh thần và bị... mắc lừa đầu tiên này mà rút lui bằng nhiều cách, nhất là những chàng trai chưa một ngày “mang thân ở lính”.
Cũng không ít người đã “hy sinh” ngay thời kỳ lao động xây dựng trường. Những người khác, để thử thách lòng trung thành với cách mạng, khi ra trận lập tức được đẩy lên hàng đầu trong các đợt xung phong, bỏ mình ở khắp các mặt trận từ Bắc vô Nam mà chẳng ai biết xương cốt vùi ở nơi nào! May mắn chỉ giành cho mấy anh sau này tốt nghiệp ra trường làm... “sĩ quan không quân” nghĩa là chẳng cầm quân đánh ai bao giờ. Một số ít, nhờ Trời nhờ Phật, nhờ phúc đức cha mẹ, ông bà, tổ tiên, cũng có tham gia chiến dịch này chiến dịch khác, nhưng vì đạn địch nó… chê nên sống sót để bám vào cái nghề sĩ quan chuyên nghiệp (nghĩa là chẳng có nghề gì hết), cho tới đúng 60 tuổi về vườn với cái lon đại tá là hết nước, cùng đồng lương hưu đủ cho ngày hai bữa cơm rau, cá.
Trở lại thuở “vác tre, đẵn gỗ trên ngàn” của mấy chàng trai “tạch tạch sè” chúng tôi, những anh còn sống có dịp gặp nhau, ngồi nhắc lại những ngày lao công kinh hoàng đó, đều chẳng hiểu sao mình có thể chịu đựng nổi những vất vả ngoài tưởng tượng của con người đến thế?
Tuy nhiên phải công nhận là chính sách đối với anh em văn nghệ thời ấy, dù chỉ là “cây nhà lá vườn”, ở nhà trường đứng đầu là đại tá Hoàng Điền quả là... tốt! Mấy tay văn nghệ được coi là “có cỡ” chúng tôi, tuy cũng tham gia lao động, nhưng hầu hết đều được ưu tiên thời gian cho luyện tập tiết mục để động viên nhau, để đi “đánh đấm” bằng câu ca, tiếng đàn ở các vùng lân cận và theo yêu cầu của các hội nghị Liên Khu, chủ yếu là để gây tiếng vang cho nhà trường. Thời gian lao động chân tay của mấy anh em tôi chỉ chiếm không đến 1/10 so với mọi học viên khác! Vậy mà khối anh, khi được gọi lên tham gia đội văn nghệ là... bỏ chạy vì họ sợ còn hơn cả lên rừng chặt tre đẵn gỗ! Họ sớm thấy được cái trò ca hát, kịch cọt này chẳng dễ ăn như đẽo gỗ dựng nhà! Riêng tôi, được coi là “trùm trò” nên được ưu tiên số một! Khi có một chủ trương cần tuyên truyền, động viên nào đó, đại đội trưởng Tăng Tấn ([6]) phát cho tôi một bao thuốc Bazooka và cho nghỉ ba ngày lao động để toàn tâm, toàn ý... sáng tác ra chương trình biểu diễn! May mà thời ấy chưa có đường lối đường léo nào về “văn nghệ vô sản”, “văn nghệ là vũ khí đấu tranh giai cấp” nên tôi mặc sức làm cái gì mình thấy hay. Một vở kịch nói, vài bài thơ, độc tấu, xen kẽ là các bài hát của tôi về “Trường Lục Quân đang cần lính đánh Tây”, về “Tiếng kèn báo động”...và tất nhiên không thể thiếu những Nụ Cười Sơn Cước, Đứt Dây Đàn, Trở Lại Đô Thành...do chính tôi đơn ca...Thế là hoàn chỉnh một chương trình xôm tụ! Kịch thì ra cửa hàng sách ở phố huyện Thanh Chương (đi bộ độ nửa ngày đường) để kiếm kịch bản vì tôi đã sớm dị ứng với cái thứ gọi là “kịch cương”.
Tôi còn nhớ chú Coóng, bán giải khát, người đã “cứu” tôi trong cương vị trưởng đoàn nghệ thuật nghiệp dư và...hữu hạn này! Chú là người Tầu nhưng rất am hiểu về văn học nghệ thuật do đã có nhiều năm theo học trường Tây ở Việt Nam, khi gặp tôi lang thang đi tìm kịch bản, bèn dẫn tôi về nhà rồi chỉ vào một tủ kính đầy ắp sách mà nói: “Tớ có đủ cả Lôi Vũ, Nhật Xuất của Tầu do ông Mai ([7]) dịch, Ngưỡng Cưả của Đinh Ánh, Trên Nớ của Bửu Tiến ([8]) đây. Mang về xem diễn được thì diễn...Cho cậu tất! Còn tớ, có lẽ sẽ nhờ một truy-ô (tuyau-đường dây) đặc biệt kiếm đường về nước thôi! Nước tớ cách mạng thành công rồi!” Điều cực kỳ lạ khiến tôi phục anh sát đất là... sau gần nửa thế kỷ, năm 1975, được về Sài Gòn, tôi tình cờ lại gặp được...cụ Cóong! Lúc này, cụ đã thành chủ tiệm ăn lớn ở nước Tầu...Chợ Lớn! Thì ra anh Cóong đi theo...Tây chứ không theo Tầu! Gặp anh, tôi nhắc lại thuở xa xưa, nhờ cái tủ sách của anh mà tôi đã trở thành...đạo diễn bất đắc dĩ! Đúng là tôi trở thành...“mèo” ăn miếng ăn của...“chó” ở cái đất chẳng có môt con “chó” nào thật!
Tôi phân vai, dựng vở và sắm luôn đủ loại vai khi cần, dựa vào các bài học nhập tâm từ thuở theo mẹ tôi đi xem tập vở Nửa Chừng Xuân dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của ông “thầy tuồng” thứ thiệt có tên Vi Huyền Đắc ([9]) hay Thế Lữ ([10]) gì đó tôi không nhớ chính xác. Mẹ tôi khi ấy là nữ công chức đầu tiên dưới thời Pháp thuộc, bà phải tân tiến lắm và không sợ “mang tiếng” mới dám tham gia một vai diễn nghiệp dư như thế. Kết cục là bà phải chịu sự ghét bỏ của bà nội tôi đến tận ngày bà nội tôi qua đời!
Cách làm việc của mấy ông “thầy tuồng” mà bố mẹ tôi cũng như những ông tham, ông phán thời ấy khi xung phong làm cái trò “xướng ca vô loài” — để ủng hộ vùng nào đó bị lũ lụt tận miền Trung — còn lưu lại mãi trong tôi. Các diễn viên không chuyên này đều răm rắp nghe theo lời đạo diễn. Đặc biệt ông phán Cần, bố nhạc sĩ Trần Danh bây giờ, trong vai Lộc thì phục sát đất. Nhờ bài học nhập tâm ấy, tôi chăm chú nghiên cứu kịch bản, phân tích nhân vật rồi cứ như đạo diễn thứ thiệt cũng chỉ cách đứng, cách đi, góp ý về đài từ, biểu cảm bằng jeu de physionomie...! Tóm lại, để có một chương trình văn nghệ, tôi phải lo toan tất tật mọi sự vì các “diễn viên” đâu có thời giờ để tập luyện nhiều.
Cực nhất là không có nữ. Chỉ tìm được hai tay có vẻ con gái một chút là Huy Thái và Xuân Nghiễn nhưng hai tay này đều không có “máu” văn nghệ”, dù dưới “lệnh” của đại đội, tiểu đoàn, họ đôi lần phải nhận vai bất đắc dĩ. Kết quả lớn nhất có lẽ do những bài hát “tếu táo” của tôi!
Qua các đêm biểu diễn văn nghệ do tôi làm trưởng trò đó, Trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn Phân Hiệu Trung Bộ đã mở mày mở mặt với nhân dân cả một vùng tự do rộng lớn từ Thanh Hóa đến Nghệ Tĩnh với những trung tâm chính trị và văn hóa như Rừng Thông, Cầu Bố, Đô Lương... Gần như tất cả thầy trò các trường trung học (cấp III) thời ấy đều sẵn sàng bỏ trường...cạo trọc đầu để vào trường Lục Quân! Đến nỗi chính Khu Uỷ 4 phải ra chỉ thị uốn nắn hiện tượng“bao công việc ấm ớ phó thác cho bu mày, thẳng đường vào Trung, học nghề bắn súng”... (lời bài hát tuyên truyền của tôi theo nhịp swing, động viên “thanh niên học sinh” đi lính thời đó rất phổ biến và có hiệu quả) kẻo các trường sẽ hết “tài hoa tương lai” của đất nước! Công hay tội của tôi là đã góp phần không nhỏ vào việc “động viên” thanh niên lên đường diệt giặc. Trong lễ kết nạp tôi vào Đảng, các bí thư Trần Hậu Tưởng (chi bộ) và Bùi Niệm (liên chi) đã long trọng biểu dương thành tích của đảng viên mới Tô Hải như vậy. Té ra tôi không chỉ được việc cho Trường Lục quân mà còn cả cho…Đảng nữa!
Thế là kể từ cái ngày 11-4-1949, tôi đã được chọn vào hàng ngũ những người... “suốt đời trung thành với sự nghiệp của Đảng”, “tuyệt đối chấp hành mọi chỉ thị do Đảng đề ra!” Việc sáng tác của tôi lúc này không còn là muốn viết gì thì viết nữa. Tất cả đều là chấp hành những gì đã bàn bạc trong chi bộ. Ví dụ: chuẩn bị cho một đợt rèn cán chỉnh quân, cho cuộc tổng kết tân binh, cho cuộc mãn khóa, cho việc tuyên truyền vận động tuyển sinh mới v.v…, tôi đều được chi bộ giao nhiệm vụ: “Đồng chí Tô Hải cố gắng có một vài bài động viên anh em trong đợt này!”
Với tôi, sáng tác ca khúc lúc này trở thành nhiệm vụ, có muốn thoái thác cũng không được, hoặc không... dám! Thế là cứ ông ổng tuôn ra: Đại Đội Tấn Công, Tiểu Đoàn Tấn Công, Trước Mặt Ta Là Quân Thù, Tổng Kết Tân Binh ... đủ thứ! Những ngày cuối đời gặp lại nhau, nhiều tá, tướng xuất thân từ cái lò Lục Quân Trần Quốc Tuấn (may mà còn sống) nói thẳng với tôi về các bài hát đó: “Đếch phải văn nghệ!” Nhưng các cụ già lại vẫn nhớ, vẫn cứ hát váng lên những điệu blue, swing, rumba... những “giai điệu trái tim” của thời nảo thời nào mà thấy sao vẫn tươi rói vẻ thanh xuân! Không ít cụ quá xúc động khi nghĩ về cái thuở xa xưa ngây thơ, trong trắng đã không bao giờ trở lại với mình, với cả con cháu mình nữa... bỗng bật khóc hu hu!
Trở lại với những “sáng tác” tôi viết theo yêu cầu của Đảng suốt 18 tháng ở Trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn. Hết Thầy Tu Giết Giặc, Ai Đẹp Bằng Tôi, Tổ Tam Tam Quyết Không Rời Nhau, đến Bài Ca Bộc Phá để hát một vài lần rồi... bay đi theo khói thuốc (thù lao của mỗi bài hát mới “phịa” ra). Tôi cho ra lò các sản phẩm loại ấy nhanh và đúng yêu cầu đến nỗi các bạn đồng học đã dựng lên một giai thoại có thật, vừa vui vừa đau cho đời nhạc sĩ viết theo yêu cầu của tôi là “Mỗi lần thằng Hải vào... cầu tiêu là nó... “cho ra” một bài hát, dễ cứ như nó bị... diarrhée âm nhạc!”
Nghe có vẻ tếu táo, nhưng quả có thế thật!
Những bài đó, nếu tính như các ông “nhạc sĩ cơ hội” bằng cách thống kê đầu đề, tôi có thể kể i...vài trăm trong 2 khóa Lục Quân V, VI và vài...nghìn suốt quá trình “làm nhạc ăn lương nhà nước và lập công dâng Đảng” sau này!
Tôi đã thanh thản loại chúng khỏi “hồ sơ sáng tác” của tôi rất sớm, đã công khai tuyên bố “hãy coi chúng như những “bức tranh cổ động bằng âm thanh”, vẽ vội rồi dán lên tường, trên cây, giữa chợ... Có người xem qua, có người ngắm nghía, gật gù, cũng có người “bị nghe” nhưng chẳng thèm để ý tới, rồi nắng mưa đã biến chúng thành rác rưởi trên các nẻo đường từ lâu rồi! Đừng nhắc lại làm chi cho tôi phát... ngượng.
“Thành tích” vì Đảng vì Dân” của tôi, cho đến hôm nay, càng thấy bi hài vì rõ ràng chẳng còn ai (kể cả tôi) muốn nhắc tới! Nó cũng chẳng được kê vào thành tích thành tiếc gì khi chọn người để khen thưởng, để biểu dương, để tặng danh hiệu...Tôi chẳng thấy vinh dự chút nào khi nhân dịp kỷ niệm, lễ lạt, họ lại “tống” nó lên gào thét trên Tivi, trên đài phát thanh... cho “phải đạo”. Chính những người nắm “đầu ra” của âm nhạc thời Đổi Mới này cũng gọi chúng với cái tên trúng phóc: “Nhạc cúng cụ”!
Trở lại với “cuộc chơi văn nghệ” ở Trường Lục Quân, phải nói thật rằng chính cái hư danh nhạc sĩ (mặc dầu tôi rất sợ) và sự biểu dương, khen thưởng, kết nạp Đảng vv… đã làm tôi “đâm lao thì phải theo lao.” Cho đến hết khóa V, tôi đã thực sự được luyện thành một sĩ quan chính quy, tác phong dứt khoát, ăn nói mạnh dạn, giờ giấc nghiêm chỉnh, vốn liếng thừa đủ để nắm một đơn vị chiến đấu, nhưng tiếc thay, cái khả năng quân sự này của tôi lại bị cái khả năng... nhạc sĩ làm lu mờ.
Lúc này, tôi được Hội Văn Nghệ Liên Khu triệu tập họp hành với giấy mời “Kính gửi nhạc sĩ Tô Hải” đàng hoàng!
Phải chăng đội ngũ nhạc sĩ lúc ấy quá mỏng, trong khi một số khá lớn lục tục “trở về mái nhà xưa.” Một số khác như Nguyễn Văn Tý ([11]), Văn Ký ([12]) vv…đang còn dùi mài kinh sử âm nhạc dưới lớp học của nhạc sĩ Lê Yên, Nguyễn Văn Thương, chưa kịp trưởng thành?
Điều chắc chắn là chưa có mấy ai vừa nhạc sĩ, vừa sĩ quan, vừa đảng viên như tôi nên Đảng đã quyết đưa tôi về làm văn nghệ chuyên nghiệp! Mặc dầu đã nhiều lần trình bày về khả năng chưa học âm nhạc chính quy bao giờ, về nguyện vọng suốt đời làm “người lính làm nhạc” nhưng cuối cùng, chấp hành nghị quyết, tôi phải nhận nhiệm vụ đoàn trưởng Đoàn Văn Công Trường Lục Quân Phân Hiệu II, với cái nghề “làm nhạc cho lính”!
Đến khóa VI, trường chuyển về Thọ Xuân, Thanh Hóa. Đoàn Văn Công của trường được cho thành lập với biên chế 25 người, có nam, có nữ nhưng chưa có... chi bộ Đảng vì đảng viên duy nhất chỉ mình tôi! Qua những cuộc liên hoan văn nghệ đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, tôi “bắt” được vài lính mới tò te như Hoàng Thi Thơ, Phạm Long, Đức Lộc...nhưng chưa một anh nào có quá trình làm văn nghệ “tử tế”, ngoài vài cái tài vặt, bản năng trời cho.
Cũng may lúc này chi hội văn nghệ Khu IV đã giải quyết chính sách đãi ngộ đối với số văn nghệ sĩ có tên tuổi đang gặp khó khăn trong đời sống bằng cách giới thiệu một số người sang Trường chúng tôi! Thế là tôi như được chắp thêm cánh với những “tên tuổi lớn” như Lộng Chương ([13]), Thi Thi Tống Ngọc ([14]), Nguyễn Xuân Huy ([15])…và vài cái tên khác mà sau này tôi mới biết là...văn nghệ sĩ dỏm, văn nghệ sĩ “ăn theo”!
Dưới “trướng” tôi lại có thêm một nửa tiểu đội con gái lục quân cây nhà lá vườn (từ khóa sáu có tuyển cả phụ nữ về công tác tại Hiệu Bộ). 23 tuổi đời, chưa vợ con gì mà “lãnh đạo” một đơn vị đủ cả đực cái, đủ mọi lứa tuổi, già nhất là nhà văn Nắng Đào Nguyễn Xuân Huy, đủ mọi trình độ, tính cách, tư tưởng, xu hướng chính trị, triết lý cuộc đời đều... quá tầm tay của anh chàng đảng viên duy nhất Tô Hải! Thực tế đã cho tôi thấy ngay từ thuở ban đầu ấy là chẳng ai lãnh đạo nổi ai trong cái nghề văn nghệ này! Tôi, tuy rất vất vả với mấy cô học sinh trung học đi lính (chẳng hiểu vì yêu nước hay yêu mấy anh lính đẹp trai) luôn luôn lề mề, nhõng nhẽo không thích hợp với đời sống quân ngũ chính quy có tập hợp, điểm danh, chào cờ, nhưng vẫn không “ớn” bằng khi phải phân công, giao việc, duy trì sinh hoạt quân sự cho mấy ông văn nghệ sĩ đáng tuổi bố mình. Tôi biết họ vào trường để có chỗ làm việc thì ít mà để có chỗ ăn ở đàng hoàng, bảo đảm thì nhiều. Họ chỉ lấy cái trường có một ông hiệu trưởng mê văn nghệ để làm nơi tạm trú chứ hướng của họ là...về Thành! Quả thật sau này, trừ “quần chúng” ([16]) Lộng Chương (đuợc làm “quần chúng” cho đến cuối đời!), tất cả đều lần lượt “bye bye cộng sản!”
Khó khăn biết mấy khi sống chung với những người mà tôi phải...chào thua từ lâu! Tôi đã hơn một lần lên gặp ông Hoàng Điền giám hiệu trường xin...hàng! Nhưng cuối cùng, một câu hỏi “Thế đồng chí không làm được thì ai làm?” khiến tôi chỉ còn biết nói “Thôi thì tôi xin cố gắng hết khóa này!” Nào ngờ...cái sự cố gắng đó đã kéo dài đến hết cuộc đời. Cố gắng làm một cái nghề mà tôi chán ngán và... kinh sợ vì tính chất bội bạc, nguy hiểm chết người của nó! Nhiều anh em sau này bị qui kết là phản bội, là phản giai cấp, phản Đảng, thậm chí Việt gian, gián điệp trong giảm tô giảm tức, cải cách ruộng đất, sửa sai...là cả một tấn bi kịch đầy máu và nước mắt! May thay, trong những kẻ “sống sót” vẫn có tôi. Vì sao?
Xin thưa: tôi là kẻ “đóng kịch” và nói dối khá giỏi.
Nói cách khác, tôi đã hèn hơn mọi kẻ hèn để tồn tại. Có hơn chăng là hơn cái bọn đã giã từ những “Nhài đàn rót nguyệt vú đời thơm”... để thay thế bằng “Tim gõ nhịp hồn lên cao chín trượng”([17])... khi ca ngợi lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh! Trong số này, vài tay đã sống cả bằng nghề... diệt anh em (!) và từ đó được đánh giá là “lập trường vững”, rồi được nhấc lên ghế lãnh đạo văn nghệ, được cấp nhà lầu, xe hơi, và nhiều bổng lộc hơn người!
Để tồn tại, một số tiếp tục ngợi ca, rao giảng... “hiện thực xã hội chủ nghĩa” mà trong thâm tâm chẳng hề tin ở cái xã hội chưa bao giờ thấy và chẳng bao giờ có ấy!
Tệ hại nhất phải kể đến các thủ phạm giết những Nguyễn Hữu Đang, Hữu Loan, Trần Dần, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường... Đám này không mắc bệnh mất trí, nhưng đã quên phắt các bản án khốn nạn mà chúng kết tội những người không may kia, nay quay ngoắt 180 độ, ngợi ca, thậm chí tâng bốc họ như thể họ là những vĩ nhân, là bạn thiết của chúng. Lũ người này, kẻ còn sống thì vênh váo hô lớn “Đổi mới” và ngủ trên thành tích…hại người, kẻ đã mất thì nay bới mãi cũng chẳng ra một tác phẩm nào giá trị bằng...nửa đồng xu! Tôi không cần viết tên họ ra vì chẳng ai lạ gì. Hơn nữa, bằng chứng về một thời gian làm “đao phủ văn nghệ” dưới lá cờ máu “vô sản chuyên chính” vẫn còn đó, dù họ có muốn cũng khó thủ tiêu hết được.
Riêng tôi, tới nay, tôi vẫn luôn cảm phục những bậc văn nghệ sĩ đàn anh thực sự có bản lãnh và nhân cách. Họ chỉ cầm bút, viết, vẽ những gì mà trái tim họ chỉ bảo. Số này có những số phận thật lạ lùng. Có người “dinh tê” để hoàn toàn được làm văn nghệ không phục vụ ai, đặc biệt những người không hề bỏ bên này để chửi bên kia, hoặc ngược lại, thì đến nay cuộc sống chẳng phú quý vinh hoa gì, dù họ rất có tài. Trái lại kẻ lươn lẹo, nay hurrah bên này, mai bravo ([18]) bên kia lại sống được, sống khoẻ.
Sau này, khi tiếp quản Sài Gòn, tôi cũng chiêm nghiệm thấy điều vô lý mà có lẽ này: Chính những người nổi tiếng chống cộng, khi ở lại với cộng sản lại biết nắm yếu điểm của chúng để giải phóng cho chúng.
Những người ấy rất biết tự uốn nắn cuộc đời mình! Họ đâu có “ngu lâu” như chúng tôi! Họ lịch sự, lễ phép, ngọt ngào: “Dạ! Thưa các anh!” Sau đó, kính cẩn, thân tình mời các anh nếm mùi “văn hóa tư bản giãy chết”, rượu ngon, gái đẹp…để các anh đã cơn khát, cơn thèm. Họ mua lòng tin của các anh bằng những chầu nhậu từ A đến Z. Thế là chẳng cần phải vượt biên, phải chung chi, hàng loạt nghệ sĩ tên tuổi biết cách “nắm dái Việt cộng” (xin lỗi) đã được tạo không ít cơ hội...dông tuốt ra nước ngoài! Đó là những trường hợp Thành Được, Thanh Lan, Họa Mi. Một số ở lại hoặc sau này trở về với nhãn hiệu “Việt kiều yêu nước” còn ăn nên làm ra, nổi tiếng như cồn như trường hợp Elvis Phương, Ái Vân, Duy Quang và ông vua trở cờ Phạm Duy! Tất cả do họ nắm được cái “tẩy” Việt cộng “nói dzậy mà không phải dzậy!” Cái sự đời trong làng văn nghệ dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, cứ như con thò lò nghiêng ngả hoặc đĩ điếm tám tầng mà vẫn không ngớt gào: “Em còn nguyên trinh tiết Mác-Lênin!”
Những Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Trương, Khái Hưng, Nhất Linh, Hồ Biểu Chánh, những Trần Trọng Kim, Trương Vĩnh Ký ([19]), Nguyễn Văn Vĩnh ([20]), thậm chí cả Phạm Quỳnh ([21]) đã được dần dần phục sinh!
Mà thế là phải. Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương lẽ nào lại không thể sánh vai cùng Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận..? Những bài thơ chẳng có tí “lập trường” nào lại được tái xuất giang hồ! Quá trình “theo địch” của các họa sĩ Bùi Xuân Phái ([22]), Lương Xuân Nhị ([23]) được lặng lẽ xóa đi (tuy có chậm) vì tác phẩm của họ rõ ràng chẳng phục vụ ông Tây, bà Đầm, ông địa chủ, hay giai cấp nào.
Cái chân-thiện-mỹ mà kẻ cầm quyền khoe như của có sẵn trong nhà trên thực tế lại thuộc về những người ít chữ nghĩa nhất như ông Lâm toét, bác Tô Ninh là những “mạnh thường quân” biết đánh giá nghệ thuật đúng hơn hẳn các nhà lãnh đạo văn nghệ mà vô văn hóa của Đảng!
Những cú quay cuồng 180 độ này, đám lãnh đạo văn nghệ chuyên ăn không nói có, cứ trâng tráo coi như nhờ ơn Đảng “đổi mới tư duy” mà có vậy! Nhiều điều họ nói và làm đều...chửi bố ông Mác, ông Lê, ông Hồ và mặc nhiên phủ nhận “ný nuận văn nghệ vô sản” trước đây họ từng rao giảng! Vậy mà họ vẫn xưng xưng tuyên bố là...“kiên trì chủ nghĩa Mác Lênin”! Còn ba tên chuyên bợ đỡ, bốc thơm các anh văn nghệ cấp trên thì không cần che cái mặt mo lại vẫn cặm cụi tiếp tục viết “Đường lối văn nghệ đổi mới của Đảng ta cực kỳ sáng suốt”! Cứ làm như nhờ có Đảng mà người Việt Nam mới được xem tranh của Bùi Xuân Phái, Nguyễn Gia Trí ([24]), Lê Phả, mới đuợc nghe nhạc của Mozart, Ravel…! Họ lờ đi những tội ác tầy trời với lịch sử văn hóa nước nhà khi giết đi những nhân tài đích thực, bắt các nghệ sĩ phải viết những cái mà lịch sử không bao giờ công nhận là văn nghệ, biến biết bao con người thành bồi bút, thợ vẽ, những cái loa rè, những tên hề rẻ tiền! Chẳng còn gì là giá trị văn hóa sau 30 năm văn nghệ Mác-tịt, Lê-tịt, Mao tịt, cuối cùng họ đành phải “vơ vào” là của họ, những tác phẩm, những tài năng đích thực mà họ từng đánh đấm vùi dập đến tuyệt đường sáng tác!
Có biết bao nạn nhân của cái quái thai văn nghệ vô sản, ngay khi đã nằm sâu dưới ba tấc đất vẫn kêu gọi loài người HÃY CẢNH GIÁC VỚI CHỦ TRƯƠNG DIỆT VĂN HÓA CỦA CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN, bằng những hồi ký, nhật ký đọc lên thấy rợn người!
Những Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, kể cả những Xuân Diệu, Huy Cận, Văn Cao... sẽ để lại cho hậu thế được tác phẩm nào nếu không có những gì đã viết trước cái năm Ất Dậu 1945 vô phúc cho dân Việt Nam?
Trong giới nhạc, sau Sông Lô, Làng Tôi, Văn Cao... hoàn toàn tắc tị, Việt Lang sau Đoàn Quân Đi, Mùa Không Biên Giới, Thu Trên Sông... đã đổi tên không hề nhận mình là Việt Lang và chuyển nghề dạy học! Nguyễn Xuân Khoát sau Gọi Nghé Trên Đồng, Tiếng Chuông Nhà Thờ cho đến cuối đời trở thành nhà truyền giáo về âm nhạc dân tộc... như giảng đạo trên sa mạc! Lê Yên sau Bộ Đội Về Làng cũng trở thành nhà nghiên cứu âm nhạc... tuồng Tầu?
Đời sống âm nhạc, sau chiến dịch biên giới 1950 đã thay đổi sâu sắc cả về nội dung, hình thức lẫn đội ngũ. Văn nghệ sĩ đảng viên lúc này đứng ra nhận trách nhiệm động viên, tuyên truyền bằng văn nghệ với phương châm “Tất cả vì tiền tuyến”, “Tất cả để chuẩn bị tổng phản công”, “Tất cả để chiến thắng”...Tóm lại, tất cả phải phục vụ chính trị. Bằng không, xin mời đi chỗ khác chơi.
Điều này giải thích tại sao chính thời gian chuẩn bị tổng phản công lại có nhiều văn nghệ sĩ rời bỏ kháng chiến đến vậy. Người ta thường nêu lên ý kiến: “Chẳng qua bọn họ không chịu nổi gian khổ, sợ chết mà thôi!”
Tôi hiểu được vì sao. Họ “bỏ đi” không phải vì sợ gian khổ mà chính vì họ không chịu nổi kiểu sáng tác theo chỉ thị, không chấp nhận sự can thiệp thô bạo vào những “đứa con” mà họ đau đớn đẻ ra.
Làn sóng văn nghệ kiểu “Mao sếnh xáng” ào ào từ Việt Bắc đổ xuống khu IV, báo hiệu một cuộc “cách mạng mới” sẽ xảy ra trong đời sống văn hóa! Vậy mà sống giữa ốc đảo trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn, giữa đám thầy trò hầu hết là dân trí thức tiểu tư sản, tôi vẫn được thoải mái làm văn nghệ “nửa đỏ, nửa xanh” không bị cấp ủy trực tiếp của mình phê bình! Cấp uỷ vô ý thức hay trong thâm tâm cố tình “ôm lấy đường lối văn nghệ đồi trụy” của tôi và một số bạn bè tôi, như sau này có kẻ đã phê phán?
Tôi thừa nhận thức để thấy rằng nếu đưa cho lính những bức tranh vẽ những gì họ thấy trong đời thường, ở nơi hàng ngày các chính trị viên hô không mỏi miệng “Tiến lên!” “Thao trường bớt mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu” thì làm sao họ có thể nuốt trôi được cái họ đã quá ngán trong khi còn chưa hết cơn mệt mỏi đã phải tập hợp chỉnh tề để... thưởng thức nghệ thuật.
Tôi tự nhủ, bằng âm nhạc của mình, sẽ mang đến cho lính những phút thư giãn tâm hồn, bớt đi những căng cứng đã quá thừa mứa! Tôi cố mang đến cho họ những Mùa Không Biên Giới (Việt Lang), những Đứt Dây Đàn, Gặp Em Giữa Mùa Xuân (Tô Hải), thậm chí cả Sérénade của Schubert, Tristesse của Chopin (lời Việt), hay Sombreros et Mantilles (bằng tiếng...Pháp)! Còn kịch thì ông Lộng Chương dựng cả Nhật Xuất của Tào Ngu ([25]), Ngưỡng Cửa của Đinh Ánh do ông thủ vai chính!
Tất nhiên, xen kẽ là những bài về trường lục quân như Thầy Tu Giết Giặc, nhạc cảnh Trường Lục Quân Đang Cần Lính Đánh Tây, Ai Đẹp Bằng Tôi do tôi sáng tác theo đơn đặt hàng của cấp ủy nhưng vẫn cứ là… swing, blue, samba, rumba chính hiệu... Đố ai dám động đến những nốt đồ, nốt rê, nốt sol, nốt la nào là “địch”, nốt nào là “ta”!
Mọi sự cứ êm ả và...ầm ĩ diễn ra, dù cách đấy không đầy 20 cây số, ở cái “trung tâm văn nghệ Quần Kênh” do ông Đặng Thai Mai ([26]) làm “chủ xị”, người ta đang chăm chỉ nghiền ngẫm bài nói chuyện về văn nghệ phục vụ công nông binh của Mao chủ tịch tại Diên An!
Những hoạt động âm nhạc “phi giai cấp” này sẽ còn được tiếp tục và được hoan nghênh nếu không xảy ra một sự cố lịch sử trong đời làm văn nghệ của tôi. Chả là, khi một nửa trường Lục Quân khóa V được lệnh hành quân sang Trung Quốc để củng cố “trường bên ấy”, các tay văn nghệ “số dách” bị phân tán một nửa và mang theo một lô một lốc những tác phẩm của tôi sang Tầu, “đất thánh” của nền văn hoá vô sản!
Các vị này đã hãnh diện cho ra mắt những “tinh hoa” của nền văn nghệ “Lục quân Trần Quốc Nội” gồm toàn bài hát của tôi. Thế là chẳng biết từ đâu, một lệnh được phát ra: “Dẹp ngay ba cái thứ văn hóa đế quốc ấy đi!” Người hát thì chỉ việc...thôi hát hoặc thay thế bằng những bài như “Đón Chào Anh Mô” ([27]) của Trọng Loan([28]) là xong. Còn thằng sáng tác ra nó? Thằng ấy đáng đưa vào “vạc dầu” chỉnh huấn, chỉnh đảng, chỉnh quân sau này.
Tội nghiệp cho tôi!
Nào tôi có biết swing, rumba hoặc nốt son, nốt si là đế quốc hay không đế quốc? Có ai dạy tôi rằng sincope nhiều thế là...Mỹ? Mượt mà êm dịu là “ủy mị” là “thiếu tính chiến đấu”, là...Tây? Thú thật, tất cả những gì tôi đã sáng tác và được hoan nghênh một thời, tôi đều bắt chước Tây, bắt chước Mỹ tuốt. Nghĩa là cũng majeur, mineur, cũng tonique rồi dominante rồi về tonique...Còn khúc thức thì chẳng ai dạy mà tôi vẫn cứ làm câu A rồi mô phỏng ở câu B, đại loại như bài But where are you, I love to twistle hoặc Laissez-moi vous aimer, Quand on est matelot... thôi. Miễn là cái lời có đánh Tây, có đi bộ đội, có tin tưởng “sẽ đánh thắng”, “sẽ về Hà Nội”... Còn cái gọi là “nội dung tư tưởng” thì quả là, cả tôi lẫn những vị lãnh đạo trực tiếp tôi, có ai biết nó là cái giống gì?
Tuy nhiên, từ trên cao nhất, người ta đã có nghị quyết “phải làm theo đường lối văn nghệ Diên An” thì đến... bố các ông trên dám trái ý bác Mao vĩ đại!
Thế là khắp nơi tổ chức học tập để thấm nhuần tư tưởng Mao Trạch Đông trong văn nghệ. Nói trắng ra là bắt đầu tiêu diệt bọn “trí” trước, rồi sau đó mới tới lượt “phú, địa, hào”. Chỉ vài tháng sau đó, những thủ đoạn ác độc, rùng rợn được hăm hở thực hành trong những “cuộc vận động” với những cái tên mà đến nay nghe lại cũng vẫn còn thấy rùng mình, sởn gai ốc! Đó là “đấu tranh giảm tô giảm tức”, là “cải cách ruộng đất”… Tất cả là để hoàn thành mục tiêu của bọn giết người tự xưng “đỉnh cao trí tuệ” mà tội ác so với Hitler chẳng hề thua kém!
Giới văn nghệ dù là đảng viên hay quần chúng, dù có cuồng tín, có mù, có điếc cũng nhận ra rằng cái đường lối khốn nạn, sặc mùi giết người của tên tổng bí thư Trần Phú đã bắt đầu được mang ra thực hiện.
Với đám văn nghệ chúng tôi, người ta tổ chức các lớp “chỉnh huấn” ([29]), kiểm điểm, phê bình và tự phê bình bằng những cuộc lên án, chụp mũ hàng loạt sáng tác bị cho là đồi trụy, tư sản, tiểu tư sản, thậm chí phản động. Sau đó là học tập những tác phẩm điển hình về “văn nghệ vô sản”, “hiện thực xã hội chủ nghĩa” của các nước anh em mà chủ yếu là Trung Quốc! Sau nữa tới tự kiểm điểm bản thân về nhận thức rồi mang các tác phẩm của mình ra tự xỉ vả! Cuối cùng là hứa hẹn bằng bản nhận thức mới về “đường lối văn nghệ của Đảng ta”, rằng “kiên quyết từ bỏ đường lối văn nghệ thù địch để đi theo con đường văn nghệ công nông binh của Đảng”... bên Tầu!
Chỉ khổ mấy bác họa sĩ có người phải xóa, thậm chí phải đốt biết bao tác phẩm không có hình ông bà nông dân hoặc anh bộ đội để chứng tỏ đã giác ngộ đường lối mới. Kết quả là hàng loạt họa sĩ tài năng đành cuốn gói về thành ([30])! Riêng giới nhạc, từ những anh có uy tín với Đảng nhất như Đỗ Nhuận ([31]), Trần Hoàn... tới những anh “đáng nghi ngờ” đều chỉ biết tự xỉ vả ở cái “mục đích phục vụ”. Rằng “tôi viết phục vụ cho... giai cấp nông dân quá ít”, rằng “tôi viết chỉ để phục vụ cá nhân tôi”, rằng “tôi viết theo đường lối tư sản”... vì vô sản nào hát nổi hàng đống contre temps, sincope... làm cho cả người hát lẫn người nghe, anh nào anh ấy cứ như bị động kinh, gân giật đùng đùng! Thế là hết tội! Không đến nỗi bị mang “giấy trắng mực đen” ra làm tang chứng mất lập trường để làm thịt nhau như mấy bác bên làng văn với những trường hợp Hữu Loan, Quang Dũng...
Âm nhạc thời ấy làm gì có bản thảo nào được xuất bản mà có tang chứng?! Đồ rê mi chỉ là những ký hiệu thì khó kết “tội” rồi. Cho đến nay có nhà phê bình nào dám đả động đến đâu –– đại ngu, đại dốt mà lại! Nhưng, những “con chữ” (cho dù truyền khẩu) mới là cái chết người: Tại sao lại “trong tôi thèm muốn tới một chiều về cố hương”? Lập trường của người chiến sĩ cách mạng sao có thể bi quan, có thể ước mong...“cá nhân chủ nghĩa” đến thế? Không ít ý kiến cho đây là tư tưởng chao đảo, bi quan thậm chí có “màu sắc phản động”, có ý định... về thành! Người ta cũng nghi ngờ tôi có ý định ấy. Chao ôi! Nếu tôi có ý định “về” thì đã về từ khuya, cùng với Ngọc Bích, Canh Thân, Hoàng Thi Thơ... rồi! Để chẳng còn phải mang tiếng là...“cộng sản thứ thiệt!” như nhiều người (kể cả gia đình tôi) đã nghĩ “oan” như vậy cho tôi tới tận hôm nay!
Hơn nữa, cuộc kháng chiến chống Pháp lúc này, thắng lợi đã thấy rõ mồn một! Ngày trở về đàng hoàng trong tư thế ngẩng cao đầu với...bố tôi đã đến gần. Thôi thì cố gắng đóng kịch thêm một thời gian. Tương lai quay lại với giảng đường, trở thành bác sĩ, kỹ sư lại hiện ra trước mắt tôi, đầy hứa hẹn. Thế là lại tiếp tục chặng đường đóng kịch một thời gian nữa để tồn tại, để khỏi mất thể diện (với... bố tôi!) với hy vọng là nó sẽ sớm chấm dứt.
Nào ngờ, số phận đã đưa đẩy tôi vào con đường “nhạc nô” cho Đảng đến tận ngày tôi quyết dứt bỏ nó bằng cách... về hưu trước thời hạn,1986, không như ai kia xin ở lại “phục vụ cách mạng đến hơi thở cuối cùng” vì không dám nhả cái... vú bao cấp của Đảng. Tôi chấp nhận mọi thua kém về quyền lợi vật chất để thoát khỏi sự chỉ đạo của những thằng đại ngu, đại dốt, đại hèn, để thoát khỏi mọi sinh hoạt, mọi quan hệ với các tổ chức, cơ quan, thậm chí hy sinh cả mọi quan hệ gia đình, bạn bè, biệt tích đến nỗi bạn bè phải đăng báo tìm tôi như tìm trẻ lạc!
Cũng chính từ cái làng Đồng Đế, Nha Trang này tôi bắt đầu ghi lại cảm xúc thật của tôi bằng những trang tổng phổ nhạc không lời, với ước mong đời sau sẽ có người biết đến. Chứ hôm nay, khi các dàn nhạc của Nhà Nước độc quyền văn hóa chỉ dành riêng cho mấy tay lãnh đạo âm nhạc được dàn dựng tác phẩm của mình, thì chuyện tôi làm âm nhạc tử tế là hão huyền, vô duyên, vô tích sự!
Sau 5 năm cố gắng làm nhạc cuối cùng, tôi đi đến quyết định: thôi hẳn cái trò đồ rê mi để bắt tay vào viết bằng chữ cụ thể. Tôi sẽ dùng cái khả năng A,B,C để thoải mái viết tất cả những gì đã dằn vặt tôi gần hết cuộc đời! Không còn sợ bị truy ép, bị cắt lương, bị theo dõi, bị bỏ tù hoặc thủ tiêu như bao bạn bè, anh em tôi không may đã trở thành những người “tử đạo” bởi bọn lưu manh âm mưu đào tận gốc, trốc tận rễ lũ chúng tôi.
Trở lại tình hình những năm đầu thập kỷ 1950.
Chính các giáo điều chết người về “văn nghệ vô sản”, “văn nghệ đấu tranh giai cấp”, được nhập cảng đã mang đến những bản án tử hình đối với văn nghệ đích thực. Cuộc sống của văn nghệ sĩ kháng chiến cũng từ những năm 1950 phân hóa rõ rệt hơn. Kẻ thì “nhắm mắt đưa chân” theo con đường... vô văn hóa để tồn tại, kẻ thì tìm cách về thành để được sống tự do, được viết lách theo trái tim mình. Một số khác, trong đó có tôi thì...cải tạo tư duy... giả vờ, viết quấy viết quá để báo cáo, còn vẫn dành cho trái tim mình phần đất tự do với các tác phẩm riêng tư, hát cho mình, hát cho bạn, cho người yêu, rồi cất dưới đáy ba-lô, hi vọng đến một ngày vật đổi sao dời…
Nhưng cũng nhờ cái cửa biên giới phía Bắc được mở mà chúng tôi, lần đầu được tiếp xúc với một nền văn nghệ cũng cộng sản, cũng chuyên chính nhưng tương đối “cởi mở” và có học hơn. Đó là nền văn nghệ Xô Viết mà ngay những năm 1950, có kẻ cho là “còn rơi rớt tàn tích tư bản chủ nghĩa”!
Té ra chủ nghĩa cộng sản cũng có ba bảy kiểu, nhất là cộng sản trong văn nghệ. Tôi càng thấm thía câu “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” chỉ là tiếng kêu thất thanh của sự tranh giành ảnh hưởng giữa các tên trùm cộng sản khi thấy cộng sản Tầu đã chiếm được cả cái phần đất và số dân đông bậc nhất, nhì thế giới với những đường lối hoàn toàn khác biệt. Điều này càng rõ sau hàng loạt hội nghị các đảng cộng sản và công nhân, ở đó người ta cãi nhau, bắt bẻ nhau về các đường lối “xét lại”, “giáo điều”, “mác-xít lê-nin-nít chân chính”. Cũng cộng sản cả đấy mà có tới hàng tá cách nhận thức, hàng tá kiểu cai trị, tùy ý thích của một nhóm, thậm chí chỉ của một cá nhân! Tiếc thay, ở cái nước Việt Nam khốn khổ này, chẳng có lãnh tụ văn nghệ vô sản nào giỏi hơn...Tố Hữu, cho nên quanh đi quẩn lại cứ hết theo Tầu lại theo Nga, hết theo Nga lại theo Tầu… Những văn nghệ sĩ “theo đóm ăn tàn” cứ thế suốt đời chìm nổi theo thời cuộc bấp bênh và bàn tay chỉ đường... đại ngu với cái lưỡi đại ba xạo của Đảng!
Chính trong những ngày ấy đã có một luồng văn hóa khác đến từ Liên Xô và một số nước cộng sản Đông Âu. Luồng văn hoá này, về sau được đặt tên là “văn hóa xanh” không được lòng các nhà lãnh đạo Việt Nam. Họ nhìn nó bằng con mắt nghi ngại, thậm chí khó chịu, nhưng không thể ngăn cấm, vì nó cũng là văn hoá của nước cộng sản anh em. Tuy nhiên, để cẩn thận, chúng tôi đều phải tiếp xúc với chúng trong...bí mật! Quả là luồng gió mát cho chúng tôi, nhưng hết sức “độc” cho những cái đầu u tối!
Tôi còn nhớ ở Đại Hội văn nghệ Liên Khu III tổ chức tại Kim Tân, ngay sát thành nhà Hồ, chúng tôi có dịp truyền tay 2 cuốn La Chute de Paris của Ilya Ehrenburg và La Défaite của Fadeev. Lần đầu tiên, tôi thấy có một nền văn nghệ cộng sản khác thứ văn nghệ “Mao sếnh xáng” mà bọn tôi đang phải răm rắp làm theo. Giữa cuộc chiến tranh, người lính hồng quân Liên Xô vẫn hát...“Suliko”! Vẫn đọc thơ Maiacopxky và Simonov! Mất mát, thất bại, khóc thương chẳng làm mất tinh thần người lính chút nào. Trái lại, họ đã đánh vào tận hang ổ của Hitler và chiến thắng của họ là sự kiện mà cả thế giới không ai phủ nhận.
Trong đầu tôi và nhiều bạn hữu đã hình thành từ lúc nào không biết ý tưởng nếu muốn có sáng tác tồn tại với thời gian, phải đi theo con đường an toàn là viết, vẽ, làm nhạc theo kiểu Liên Xô! Không ít người muốn làm như các đồng chí “anh cả” đã làm, họ đâu có mang tội gì với lý tưởng cộng sản? Nhất là sau khi Stalin chết, Zhdanov ([32]) hết thời, giới văn nghệ Liên Xô đã bắt đầu cựa quậy. Cũng chính trong cái ngã ba, ngã tư văn nghệ cộng sản này mà cuộc đấu đá bằng đủ thứ lý luận ra đời. Không ít người đã “phục xuống mà sáng tác” (cách nói của Lê Đạt) với ước mong sẽ có một Bác Sĩ Dzivago Việt Nam. Tiếc thay, đa số trước bức bách của đời sống đã chọn con đường gác bút, chuyển nghề và có người biến ngòi bút thành cái cần câu cơm, viết lấy được những gì gọi là vô thưởng, vô phạt.
Tuy nhiên, nhiều tên đồ tể văn nghệ đã hiện nguyên hình, tự nguyện trở thành những chuyên gia bới lông tìm vết trong từng câu chữ, lời ca, nét vẽ...những gì là “phi giai cấp”, là mất “Đảng tính”, là “sặc mùi tạch tạch sè”, là “biểu tượng hai mặt”...để tỏ ra mình có Đảng tính hơn người. Mọi thứ chủ nghĩa, trường phái gì trong nghệ thuật, đối với những kẻ này, đều trở thành “phi vô sản”, “phản động”!
Sự ngu si kèm theo tư tưởng cơ hội, kiếm chác được đẩy lên cao độ tới mức phủ nhận luôn cả giá trị ngàn đời của nghệ thuật dân tộc. Điển hình nhất là dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên Huấn, đoàn văn công trung ương đã đổi nội dung Tấm Cám thành “Chị Tấm, anh... Điền.” Họ không cho phép cô Tấm lấy hoàng tử (đại diện cho phong kiến) mà bắt cô kết hôn cùng một anh tên là Đất (Điền)!
Sau này ở nước đàn anh, dưới sự dạy bảo của “người cầm lái vĩ đại”, các hồng vệ binh còn đánh gãy tay người biểu diễn Beethoven, đốt sách văn học cổ điển quốc tế và quốc gia, đập phá di tích lịch sử, bỏ tù các văn nghệ sĩ, một thứ “đốt sách, chôn học trò” của bạo chúa Tần Thuỷ Hoàng. Còn ở xứ Việt Nam “đàn em”, người ta lên án hát bè là “tư sản”, múa ballet là khiêu dâm, học kỹ thuật âm nhạc là chạy theo kỹ thuật của tư sản, đế quốc! Những đắng cay, hài hước đó diễn ra cả chục năm. Nỗi đau triền miên này kéo dài suốt thời làm văn nghệ trong hòa bình.
Nói cho đúng, tôi là một người gặp khá nhiều may mắn trong cuộc đời làm văn nghệ sĩ mặc áo lính. Tôi bắt đầu vào nghề với những cái “dù” vững chắc và hoạt động trên một ốc đảo gồm hầu hết là người có học ít nhiều. Tôi tồn tại và lập khá nhiều “thành tích” nhờ cách...chia trái tim ra làm đôi. Một nửa tôi viết cho tôi, một nửa tôi viết theo yêu cầu của Đảng!
Thời kỳ đầu, cái “nửa của tôi” có thể tồn tại vì lãnh đạo và quần chúng (Trường Lục Quân) của tôi ủng hộ. Nhưng... gió Bắc từ nơi “Đông phương hồng, mặt trời lên” ào ào thổi tới, đảo lộn tùng phèo hết! Người ta điều động hàng loạt chính ủy “cứng” về trường. Từ các ông Hoàng Lưu rồi Trần Văn Quang đến Trần Sơn Hùng chủ nhiệm chính trị... tất cả đã nằm trong bộ máy “Tầu hóa quân đội”!
Điều đó sau này tôi mới hiểu vì sao.
Đoàn chuyên gia Tầu đứng đầu là tướng Vu Bội Huyết mang tới cho Trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn một cuộc cách mạng tư tưởng cùng cuộc cách mạng lý thuyết quân sự với những cuộc diễn tập công kiên chiến, bao gồm chiến thuật tập trung binh lực (biển người), nhất điểm lưỡng diện, bao vây, vu hồi vv…Những quan niệm cực kỳ vô …văn hóa về văn hóa được trắng trợn áp đặt! Lẽ tất nhiên, đến lúc ấy thứ văn-nghệ-Lục-Quân-Trần-Quốc-Tuấn của tôi hết đất sống. Lệnh trên ban xuống: dẹp bằng hết những Thầy Tu Giết Giặc (rumba), Ai Đẹp Bằng Tôi (swing)… của tôi và những Ngưỡng Cửa, Nhật Xuất của Lộng Chương! Lý do: sản phẩm rơi rớt của xã hội tư bản, không phù hợp với người nông dân mặc áo lính!
Tôi đang loay hoay với sự tồn tại của Đoàn Văn Công nhỏ bé của mình nên không để ý đến những gì đang xẩy ra ở “trên.” Sau hai đợt ngừng học tập để rèn cán chỉnh quân, kiểm điểm trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên (trong đó có tôi) Đảng bộ nhà trường dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Liên Khu Ủy Khu IV, đứng đầu lúc ấy là ông Hoàng Anh đưa ra kết luận cuối cùng: “Sai lầm căn bản từ phương châm tuyển học sinh (ít công, nông, binh) đến tổ chức và đường lối đào tạo, phương pháp và nội dung huấn luyện, giáo dục tư tưởng”! Với các “tội danh” trên, “trường lục quân quốc nội” không còn lý do tồn tại và người lãnh đủ đầu tiên là ông đại tá hiệu trưởng Hoàng Điền, một trong “Ngũ Hoàng” được phong hàm đại tá đầu tiên, đeo lon 3 sao 2 gạch những năm 1949-1950, ngay từ khi chưa có quyết định phong hàm cho bất cứ ai.
Sau này, có lẽ còn chút chiếu cố người ta cho ông làm cái nghề trái khoáy là cục trưởng Cục Điều Tra... Rừng thuộc Bộ Lâm Nghiệp rồi về hưu trong lặng lẽ, sống cô đơn không con cái, vợ chết, trong căn phòng vẻn vẹn 24 mét vuông chặt cứng sách quân sự mà ông từng dịch.
Năm hộ sống chung thường gọi ông là ông “đại tá... điếc!” Sự thật ông đâu có điếc đến nỗi không nghe được gì vì mỗi lần đến thăm ông, tôi vẫn thấy ông “nghe được” tôi nói và, khi thấy “ý hợp tâm đồng” ông vẫn gật gù: “Phải! Phải!”...Có một lần sau khi nghe tôi nói: “Thưa thầy! Dù sao thầy cũng hạnh phúc hơn ông Lưu Thiếu Kỳ, hơn ông Bành Đức Hoài, Lâm Bưu... vì thầy còn... sống, và còn có cả lũ tướng, tá học trò và cả văn nghệ sĩ nhớ tới thầy!”, ông bỗng bật khóc thành tiếng!
Thì ra ông... không điếc trước những gì cần nghe!
Không phải vì ông không biết lắc, biết gật mà chỉ vì ông hay ngồi thừ người ra hồi lâu, đôi mắt vẫn sáng như xưa bỗng mờ đi vì vài giọt lệ khi nghe ai nhắc tới cái thuở huy hoàng ngày nào. Ôi, thầy Điền! Chính thầy đã dẫn lối đưa đường cho tôi vào văn nghệ, đã dạy tôi cách sống và giữ bản lãnh con người như thế nào, đã hiểu biết văn nghệ hơn cả ngàn lần những nhà lãnh đạo văn nghệ tự xưng hoặc được đề bạt. Đến hôm nay với tôi, ông vẫn là một nhà tổ chức, lãnh đạo tài năng nhưng không gặp thời... Chẳng biết những học trò cũ của thầy, có anh nay đeo lon trung tướng như Lê Quốc Thước có nghĩ như tôi không?
Kết thúc cái khóa VI đầy “sự cố” ấy, tôi... thoát nạn!
Mọi sự “mất lập trường”, “sai đường lối” của tôi đã có hàng loạt các ông chính trị lãnh đủ. Nhưng làm gì bây giờ? Về đơn vị chiến đấu thì... những gì tôi học ở khóa V không còn được công nhận khi có đường lối quân sự mới của Mao sếnh xáng. Về văn công ở phân hiệu bên Trung Quốc thì tôi sẽ là một kẻ... phá thối!
Cuối cùng, tôi đành chấp nhận về đoàn văn công Bộ Tư Lệnh Khu IV, một đoàn văn công lớn nhất sau văn công trung ương lúc bấy giờ với những tên tuổi khá nổi bật như Thanh Tịnh ([33]), Xuân Bình, Vĩnh Cường, Đình Quang ([34]), Minh Trâm, Phùng Quán...và một dàn nhạc đủ kèn đồng, kèn gỗ, đàn dây, nhưng đang thiếu người sáng tác và chỉ huy! Thật tình tôi rất lo lắng về cái khả năng trời cho của mình rồi đây sẽ làm ăn ra sao trước những đòi hỏi ngày càng cao về hiểu biết chuyên môn “đồ-rê-mi”?
Cũng phải thú thật rằng tôi rất ngán đối diện với những người mà tôi nghe danh từ lâu. Đối với họ, tôi chỉ là dân “tài tử” không hơn, không kém. Tôi cũng rất “ớn” cái không khí Khu IV nổi tiếng hẹp hòi trong cách đối xử với trí thức, nhất là trong một Hội Nghị Văn Nghệ mà tôi nhớ suốt đời về cái “nhát dao” chém chết Lời Người Ra Đi của Trần Hoàn từ miệng ông Hải Triều ([35]) phun ra. Tôi cũng nghe được mấy bài huấn thị của các ông Nguyễn Chí Thanh ([36]), Hoàng Anh, Lê Chưởng ([37])... và của ông Lê Duẩn ([38]) khi dừng chân ở Liên Khu Ủy IV trên đường từ Nam ra Bắc. Tất cả là tiếng còi báo hiệu hãy tránh ra thật xa kẻo sẽ bị chẹt chết bởi guồng máy “văn nghệ vô sản chuyên chính” đang chạy phăng phăng. Nhưng chậm quá rồi!
Hơn nữa, tôi đã tự đưa mình vào cái thòng lọng thứ hai, sau cái thòng lọng là đảng viên, là cấp ủy! Đó là tôi... lấy vợ! Mà vợ tôi lại là diễn viên trong Đoàn Văn Công sắp bị giải tán!
Trong cơn đại hoang mang, đại thất vọng này, lấy vợ, đối với tôi, như một liều thuốc an thần giúp tôi tạm thời ổn định con đường phải đi tiếp những ngày trước mặt! Năm ấy tôi vừa tròn 23 tuổi, còn vợ tôi cũng tròn...17! Tất cả lễ cưới đều nhờ sự ưu ái của đảng ủy nhà trường lo từ cái bàn, cái ghế, đến khẩu hiệu, giấy mời và bữa tiệc trà đạm bạc. Sau đó, cô dâu chú rể ai về nhà nấy (ở vùng Hậu Hiền này người ta kiêng!). Và ngay sáng hôm sau, hai vợ chồng tôi được nghỉ phép về quê vợ để làm lễ cưới tại gia. Tôi được chiều chuộng và tiếp đón thật cảm động.
Sau tuần trăng mật tại chỗ, hai vợ chồng cuốc bộ từ Nghệ An ra Thanh Hóa để rồi tại đó nhận lệnh điều động... trở lại Nghệ An, về Bộ Tư Lệnh Liên Khu IV!
Mãi sau này tôi mới biết người ta đã cân nhắc, trao đổi khá lâu về việc nhận cả hai vợ chồng tôi. Lý do duy nhất chỉ là đoàn đã có quá nhiều chuyện phức tạp với mấy ông văn nghệ sĩ thứ thiệt! Nào vợ con, nào bếp núc ăn riêng, nào kỷ luật bê bối, thậm chí còn có tình trạng... “phum phum” (thuốc phiện). Bây giờ lại thêm vợ chồng nhạc sĩ Tô Hải nữa thì... quá mệt cho lãnh đạo! Tuy nhiên với lý lịch tốt nghiệp hai trường quân sự, nhất là với cái mác “đảng viên”, người ta đành phải nhận... cả cặp!
Và cuộc “phiêu lưu” lại tiếp tục! Hai vợ chồng tôi lên đường dấn thân vào chỗ...chết dở, sống dở! Với 2 cái thòng lọng “đảng viên” và “gia đình”, tôi đã đưa chân vào một nơi tuy yên lành nhất về tính mạng nhưng vô cùng khắc nghiệt sự... “cách” cái “mạng” của con người!
Chưa cải cách ruộng đất nhưng Liên Khu IV đang nóng bỏng với các cuộc đấu tranh giảm tô giảm tức –– thực tế là đấu tranh chính trị bằng các cuộc đấu tố –– theo kiểu Tầu. Cả một địa phương rộng lớn nhưng nghèo đói vùng lên đấu tố bất kể ai có của ăn, của để, chẳng cứ là địa chủ, cường hào ác bá hay không, cốt cướp đi từ cái nồi, cái sanh, manh quần, tấm áo của bất cứ ai sống khá hơn mấy ông bà bần cố nông (!), để họ phấn khởi lên đường đi dân công hoặc nhập ngũ! Gia đình vợ tôi là một nạn nhân đầu tiên, mặc dầu chẳng có một thước ruộng.
Một cuộc diệt chủng có tính toán thực sự đã bắt đầu.
Hai vợ chồng tôi đã đâm đầu vào cái lò lửa thiêu người ấy! Vừa tới đơn vị, tôi được chủ nhiệm chính trị Nguyễn Đình Tùng (sau làm chánh án Toà Án quân sự trung ương), trưởng ban tuyên huấn Tính, phó ban Hoạt (tôi quên họ) mời lên giao nhiệm vụ: “Là một văn nghệ sĩ của Đảng (lúc này tôi đã được gọi là nhạc sĩ nhờ các cuộc họp lớn, nhỏ về văn nghệ trong Liên Khu đều mời tôi với phong bì đề “Kính gửi nhạc sĩ Tô Hải!”), đồng chí phải củng cố lại tổ chức, phải nắm vững đường lối văn nghệ của Đảng, phải từ bỏ các kiểu sáng tác tiểu tư sản, phải toàn tâm toàn ý phục vụ người nông dân mặc áo lính, phải... phải... và phải… ”
Thế là “nửa trái tim” còn lại tôi cũng phải từ bỏ nốt!
Về kịch, Đình Quang cho dựng Trúng Tủ, về múa (lại thêm một nghề mới mà tôi ù ù cạc cạc), Đặng Văn Khoáng dựng Bà Chu Cho Trứng, Ương Ca…về hát, sau khi Cao Xuân Hạo ([39]) bị thất sủng bởi dựng bài hợp xướng nhiều bè “Chân rời tay” (tên thật là Đông Nam Á Châu của Lưu Hữu Phước ([40]) do Cao Xuân Hạo hòa âm và chỉ huy), bị điều đi mặt trận Bình Trị Thiên để tăng cường tính chiến đấu! Tiết mục của Đoàn, lúc tôi về nhận nhiệm vụ gần như vay mượn 90% của... Tầu. Tuy biết khó lòng cựa quậy, tôi cũng cố tìm một lối thoát nhỏ... bằng cách né tránh những đề tài hóc búa, không “viết lấy được”, “viết rồi bỏ” như cũ nữa. Tôi cùng thầy Quảng (ông thầy tu từng phối nhạc cho đội kèn đồng của Khu) vùi đầu viết cho từng cây kèn, cây đàn, cây sáo. Phải nói chính bác Can (trombone), bác Đính (sax), Mai Huyên (cornet), Thường (clarinet) đã dạy tôi các bài học đầu tiên về instrumentation và thầy Quảng là người thầy về orchestration đầu tiên của tôi.
Đoàn văn công của chúng tôi trở thành một đoàn tương đối chính qui với những đêm biểu diễn đủ cả hòa nhạc không lời, hát, múa, kịch, ngâm thơ... và đặc biệt có một nhân vật chuyên lấp lỗ hổng rất tài tình bằng những bài độc tấu, đôi khi “cương” tại chỗ. Đó là diễn viên hài rất có duyên và được khán giả cực kỳ mến mộ là nhà thơ Thanh Tịnh! Ông không nề hà bất cứ việc gì trong đêm biểu diễn và sẵn sàng đóng cả vai táo quân đi hia không mặc quần trong một vở... “Chống xa xỉ phẩm”! Không bao giờ ông đến chậm một đêm diễn dù khi hành quân, bao giờ ông cũng được ưu tiên đi...một mình, miễn là có mặt đúng nơi quy định. Thường thì cho ông đi trước vài ngày. Sau này tôi mới được phản ảnh: Không phải ông tuổi nhiều, sức yếu đâu mà chính là để ông có thì giờ đi tìm “cái ông cần”: những viên thuốc nhỏ đen đen, vàng vàng mà ông thường tích trữ để dùng khi ông bắt đầu thở bằng ba tiếng phù!.. phù!.. phù..! Mới đầu tôi nghĩ là thứ thuốc chữa bệnh kinh niên gì đó, sau một cuộc họp với liên chi ủy, tôi được phổ biến rằng ông đang trong quá trình thoát khỏi bệnh...“ro ro”! Xin vái hương hồn anh về tiết lộ này vì một chi tiết quan trọng mà tôi đã không thể nói: Anh đáng nhẽ được kết nạp Đảng như các anh Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng từ lâu vì những gì anh đóng góp cho kháng chiến, vì tên tuổi của các anh, khi đứng vào hàng ngũ Đảng là một vinh dự cho Đảng. Tuy nhiên, mỗi lần họp, tất cả đều im lặng không bỏ phiếu cho anh vì lý do: “Chưa bỏ được!...Vẫn còn dùng...xái!” Ở khu IV càng trầm trọng hơn, khi anh đã lên tận ông Hoàng Anh (đồng hương) để khiếu nại, xin vào Đảng không cần thông qua “cơ sở”! Chắc chắn anh sẽ còn là “quần chúng phức tạp” mãi nếu đoàn văn công không được lệnh nhập thành Đoàn Tổng Cục Chính Trị và anh được về Phòng Văn Nghệ để rồi được vào Đảng, được phong hàm đại tá, được người đời ca ngợi khi anh...đi vào cõi vĩnh hằng. Phải nói thật là với tôi, một sĩ quan được đào tạo chính quy, phải làm văn nghệ vì phân công của Đảng, thì thoạt đầu tôi không chịu nổi phong cách sống quá tự do của anh, nhất là từ khi có Phùng Quán, một mầm non có thể thay thế anh bởi những bài độc tấu bi hùng...tự biên tự diễn. Nhưng càng sống với anh, tôi càng học thêm được nhiều điều: “Nhẫn nhục, nhẫn nhục và... nhẫn nhục!”
Nói cho đúng, để có thể sống chung với những người nông dân lãnh đạo (chứ không phải một đảng vô sản kiểu ông Mác!), Thanh Tịnh đã không còn là Thanh Tịnh của Quê Mẹ nữa. Anh có cái tài là rất nhanh mồm nhanh miệng khi ra sân khấu nhưng chẳng nói một điều gì khi dự những cuộc họp, những buổi học tập “rèn cán chỉnh quân!” Tôi còn nhớ giữa lúc người ta đấu tranh bằng...đấm đá và...giết người ở khu IV, một lần anh khuyên tôi: “Tình hình lúc này, im lặng còn quí hơn vàng đấy, Hải ạ!” Chỉ một lần ấy thôi. Chả là anh thấy tôi bắt đầu có lời nói và thái độ phản ứng với cái chính sách bắt hàng loạt người từng cưu mang, nhường nhà, nhường cả miếng cơm, giường nằm cho mình, ghép cho họ những tội phản động, bóc lột... rồi chửi bới, đánh đập họ đến chết!?
Đoàn văn công Bộ Tư Lệnh IV của tôi không đêm nào không phải bắt buộc dự các cuộc đấu tố hết “kẻ thù giai cấp” nọ đến địa chủ, cường hào, ác bá kia! Và cuộc đấu tranh “long trời lở đất” ấy đã lan vào đến quân đội. Bắt đầu từ địa chủ Nguyễn Thị Năm (mẹ chiến sĩ) ở Thái Nguyên rồi tới con trai là trung đoàn trưởng Công (tôi quên mất họ) bị bắt về địa phương để nông dân đấu tố.
Khi cuộc đấu tranh “long trời lở đất” lan tới khu IV thì càng dữ dội, tàn bạo hơn. Gần như tất cả tỉnh đội trưởng như ông Chương (Hà Tĩnh), ông Thái Tứ, các trưởng ban, phó ban tham mưu, tuyên huấn vv... lúc ấy đều bị “dính” do gia đình bị qui là phản động! Thời kỳ này, Bộ Tư Lệnh chưa trực tiếp lãnh đạo các sư đoàn cơ động mà chỉ phụ trách các đơn vị địa phương nên nạn nhân đầu tiên và dễ tóm nhất là những cán bộ trưởng thành từ địa phương! Do đó “tai họa thế kỷ” giáng xuống mấy anh thuộc Bộ Tư Lệnh địa phương trước tiên.
Đoàn Văn Công của tôi cũng là một đơn vị cần-tìm-cho-ra “kẻ thù giai cấp!” Trong các cuộc đấu tố nội bộ, ai cũng phải... “tự kể tội” mình đối với nông dân rồi trình bày trước tập thể để được bổ sung, “giúp đỡ”, phê phán cho thấy được “Anh là người chưa giác ngộ giai cấp, chưa thật sự cải tạo tư tưởng...” thậm chí phải công nhận bố mẹ là địch, là bóc lột, là...đủ thứ đáng tội chết!
Lúc này, cảnh bị treo ngược và dùng chày nện vào vai, vào lưng, vào gan bàn chân để tra tấn cho đến chết nhiều “phần tử ngoan cố” vì không nhận tội, hoặc “kẻ thù giai cấp” vì trót liều nhận tội… khiến anh nào anh nấy đều phải cố gắng “bịa” ra những cái “tội” mà mình chẳng có bao giờ, để được phán là... “thành khẩn” và sớm được thông qua, chờ cấp trên xử lý!
Tôi nhớ mãi bản tự kiểm của Phùng Quán. Tuy cậu ta cố làm ra mặt “buồn bã, ăn năn, hối hận” về “tội” của mình đối với nông dân nhưng... đọc bản kiểm điểm thì anh em cứ rũ ra... cười! Mà cười trong đấu tố là một cái tội có khi bị no đòn vì “cười trên nỗi khổ của nông dân!” Phùng Quán không thể nào không “hình tượng hóa” cảnh “bóc lột nông dân không thương tiếc” của cậu ta. Ví dụ “Tôi đã lấy trộm của bác nông dân chiếc quần duy nhất khi bác ta cởi truồng đánh rậm dưới sông (!) để đến nỗi bác ta, khi về nhà, phải úp hai tay trên... “chim” làm trò cười cho cả làng!” Hoặc “thời ở chiến khu, do bị ghẻ Tầu, tôi không mặc quần được nên đã ăn cắp một lá cờ thờ thành hoàng quấn xung quanh người, tôi đã xúc phạm tín ngưỡng thiêng liêng của nông dân” vv…Lãnh đạo của cuộc đấu tố (hoàn toàn không ai trong ban chỉ huy, trong cấp ủy mà là 3 ông nông dân chính gốc được Đội Cải Cách Ruộng Đất cử về!) đã nhiều lần “đề nghị đồng chí Phùng Quán nghiêm túc” cũng như cử tọa phải có thái độ “căm thù” chứ không phải vui trên nỗi khổ của giai cấp!
Ba ông nông dân này làm sao hiểu được tất cả chẳng qua chỉ là...“sáng tác”! Bọn tôi, hầu hết đều là dân thành phố. Nếu không có cuộc kháng chiến, lắm anh chưa chắc đã thấy cây lúa khác cây... đa ở chỗ nào! “Tội”, chẳng qua chỉ do quá sợ ông bà nông dân đánh chết nên bịa ra mà thôi! Bịa 100%! Trừ một số có tài “bịa” chuyện “khôi hài khó tin y như thật” kiểu Phùng Quán, tất cả đều láu cá tự “kiểm điểm về ý thức” chưa “tôn trọng, còn khinh người nông dân”... như sợ “cách ăn, cách ở bẩn thỉu, xa lánh, chưa gần gũi nông dân” vv… Nói chung là hết sức trừu tượng và “tội” cũng... nhỏ!
Chỉ riêng một “đối tượng chính” cần đấu cho ra... tội hẳn hoi: đó là anh chàng Đặng Văn Khoáng, con một đại địa chủ ở Diễn Châu. Nào ngờ vừa vào cuộc, Đặng Văn Khoáng đã “tự đấu” bố mình còn hơn cả anh em, hơn cả 3 ông lãnh đạo! Anh ta vừa khóc lóc vừa kể lể về đủ mọi thứ “tội ác” của cha mình, tri phủ Đặng Văn Hướng, đến mức mấy nữ diễn viên như Phạm Thị Tần, Ái Hoa, Hương Mai...từ chỗ tin là anh ta bịa để thoát “tội không thành khẩn” đến chỗ tưởng là thật nên nước mắt lưng tròng!
Và đặc biệt, khi anh ta nêu lên vai trò...“nạn nhân” của bọn phong kiến địa chủ của chính anh ta: con rơi của...“địa chủ bố” đã hãm hại cuộc đời mẹ anh, một nông dân chính cống (sau này trở thành vợ 3, vợ 4 gì đó) thì anh ta khóc như mưa, vò đầu, đập trán, lăn đùng ra nhà, đau khổ, quằn quại, thở phì phì... làm các “ông Đội” luôn phải động viên: “Hãy bình tĩnh! bình tĩnh!”, “Hãy dũng cảm đấu tranh, tố hết tội ác của “kẻ thù” ra để anh em thấy được những tội ác tày trời của giai cấp địa chủ!” Từ “mục tiêu đấu tố”, anh ta trở thành nạn nhân đau khổ của giai cấp địa chủ! Nhiều người trong chúng tôi ngồi nghe phải cúi đầu, giả vờ đau khổ, tay để trên trán để che cặp mắt không sao rơi lệ được của mình vì thừa biết đây là màn kịch để “chạy tội” cho cá nhân.
Những nhân vật như Đặng Văn Khoáng không hiếm và không ít kẻ sau này đã “ăn nên làm ra”, leo lên một số chức vụ khá “thơm” trong Đảng và chính quyền nhờ sự thành khẩn đáng tởm đó! Lý lịch “nặng căn” đến như con đẻ của thượng thư nhất phẩm triều đình, bị Việt Minh thủ tiêu ngay từ ngày cướp chính quyền cũng có thể trở thành ... “tiến bộ”, “giác ngộ giai cấp”, “thành khẩn”, “trung thành với Đảng” suốt đời cũng là nhờ những màn kịch tởm lợm! Chẳng một tấc đất cắm dùi, không hề quan hệ với một nông dân nào từ tấm bé cũng bỗng trở thành “kẻ thù giai cấp” từ các cuộc đấu tố bi hài này mà ra!
Tôi chọn con đường kiểm điểm... ý thức! Toàn là... “chưa đánh giá hết sức mạnh chủ lực quân” của nông dân, “chưa thông cảm hết nỗi khổ”, thậm chí “hờ hững”, nhưng nặng nhất và làm buổi đấu tố mất nhiều thời giờ nhất là “cuộc đấu tranh hiện tại tôi chưa hoàn toàn tin tưởng vì vẫn cảm thấy nông dân hơi quá tay!” vv... Tuy nhiên, để tỏ ra “giác ngộ giai cấp” giữa cuộc đấu tranh này, tôi đã cho ra một bài hát mà tôi xóa hẳn “cái tôi” đứng “bên” hoặc đứng “trên” người nông dân để xưng danh ở ngôi thứ nhất: Tôi đã là...nông dân! Đó là bài Chúng Ta Không Muốn Đói! Bài hát sau đó được trao giải nhì (không có giải nhất) của Liên Khu. Tôi cũng công nhận ông chủ dây thép bố tôi và bà nữ hộ sinh mẹ tôi là...“địch” vì đã theo địch, ăn lương của địch, phục vụ địch! Tôi tự mở toang cánh cửa để khỏi phải mất công đấm đá, nhưng người ta vẫn tiếp tục phê phán, bổ sung... mất cả nửa ngày về cái “gốc” gia đình của tôi để rồi... “thông qua” một cách chưa thật hài lòng cho lắm!
Trong lúc chờ đợi kết luận xử lý của trên, tôi rất lo lắng tìm cách thoát khỏi “cơn lốc giết người” đó bằng sự bầy tỏ công khai sự “giác ngộ giai cấp”, sự “chuyển mình dứt khoát về phía nông dân” với một loạt tác phẩm mà người nông dân luôn là “tôi” ở ngôi thứ nhất! Có thể kể những câu như “Ba chúng ta cùng rời đồng lúa xanh, ba chúng ta cùng vì dân đấu tranh” (Tổ Tam Tam) hoặc “Cuốc bẫm cày sâu cho đồng ta được mùa”. Đặc biệt là nhạc cảnh Nông Dân Biết Ơn Bác đã trở thành tiết mục của hầu hết các Đoàn Văn Công nhân dân cũng như quân đội thời ấy! Với những “tác phẩm” này, tôi đã nhận được không ít giải thưởng của Liên Khu và của Tổng Cục Chính Trị. Nhưng cái chính là nó “cứu” tôi khỏi vụ ghê gớm chết người mà sau này Đảng có “sửa sai” thì không ít kẻ đã mất hết tinh thần, thậm chí mất tên tuổi và mất luôn cả thể xác! Cũng từ đây, bắt đầu cuộc đời “viết để tồn tại”, viết như điên, viết tất cả những gì mà người ta bảo phải viết. Từ các đề tài hoan nghênh đại hội Liên Việt, đến chống hạn, chống úng, biết ơn bác Mao, bác Hồ... tôi đều lấy ngay đề tài được com-măng để đặt tên cho bài hát một cách “nôm na” giản đơn đến mức có thể gọi là “chửi cha mách qué”!
Thành tích sáng tác về “số lượng” và “kịp thời” đó, sau này Thanh Tịnh còn phát huy ở Đại Hội văn công toàn quân! Anh lấy một bài báo, thậm chí các khẩu hiệu treo quanh hội trường rồi giới thiệu một “bài hát mới toanh” do... anh sáng tác và mặt tỉnh bơ, anh rống lên theo những cao độ và tiết tấu mà anh nghĩ ra để làm vui cho hội nghị. Mọi người được dịp cười nôn ruột khi anh tuyên bố: “Bảo đảm là... không ai có thể hát lại được bài này vì bản thân tôi cũng... không thể hát lại được!”.
Cứ thế, tôi nổi lên như một nhạc sĩ viết khỏe, viết nhanh và đúng lập trường giai cấp nhất lúc ấy ở Khu IV.
Tôi thoát nạn! Tuy nhiên, với nhận xét trong lý lịch mà sau này tôi mới biết: “lý lịch phức tạp”, “lập trường bấp bênh”, “chưa thật tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng”... tôi đã mất chức đoàn trưởng đoàn văn công!
Thay tôi là một nhà chính trị có tên Thái Văn Công, một nhân vật hiền lành, ít nói, có đôi chút hiểu biết và quan trọng hơn, anh ta sẽ thay tôi nhận mọi chỉ thị về đường lối, phương hướng tổ chức và trước mắt, thay tôi dẫn đoàn hành quân lên Việt Bắc dự Đại Hội văn công toàn quân, truớc chiến thắng Điện Biên độ 3 tháng.
Còn tôi chỉ có một việc là lo sao cho đủ tiết mục để phản ảnh được tình hình bộ đội Liên Khu. Tôi chẳng ham hố gì cái chức đoàn trưởng, tranh thủ dịp này để cùng thầy Quảng dàn dựng, phối âm, phối khí cho hàng loạt tiết mục của tôi đẻ ra là chính. Những kinh nghiệm về phối bè hát, về kết hợp gỗ, đồng, dây chính là nhờ cái thời mất chức này mà bắt đầu! Sách nào, thầy nào dạy được tôi phối 4 cây violon, 1 saxo ténor, 1 trompette, 1 trombone, 1 flute cơ chứ? Vậy mà đoàn tôi đã làm nổi đình nổi đám cả cái Hội Nghị ở chân núi Hồng bằng những tiết mục, đặc biệt là nhạc cảnh Nông Dân Biết Ơn Bác, Kéo Lưới Ban Mai, Một Nhà... những bài đồng ca có bè như Biết Ơn Bác Mao, Bác Hồ trong đó tôi viết một bè fugue ca ngợi Bác Hồ trên nền nhạc của bài... Đông Phương Hồng ca ngợi Bác Mao!
Cái tên Tô Hải, tác giả Nụ Cười Sơn Cước có lẽ nổi lên vì sự “chuyển hướng mạnh mẽ” và được ghi nhận từ đây. Một số anh em lần đầu tiên gặp tôi như Huy Du, Văn An, Nguyễn Đức Toàn ([41]), Thanh Phúc...đều bắt tay khen ngợi. Không ít người, đặc biệt là Văn An, sau này thành bạn ý hợp tâm đầu nhất tới tận hôm nay vì nhận ra được cái sự... “xỏ lá” của tôi khi đặt bác Mao làm “chân đế” cho Bác Hồ...bay bổng trên giai điệu! Riêng tôi, lòng vẫn không yên vì thấy mình chỉ là anh sáng tác, hòa âm, phối khí... mò! Cho tới khi, do tình hình chiến sự có thay đổi nhanh chóng: Chiến dịch Điện Biên đã mở!
Theo lệnh trên, các đoàn văn công quân đội (độ 20 đoàn) lên đường đi phục vụ chiến dịch, hoãn Hội Nghị! Các đoàn vội vã học lại tiết mục của nhau để chia thành nhiều mũi lên đường. Tôi và một số anh em như Huy Du, Đàm Linh, Hoàng Yến, Đào Hồng Cẩm ([42]) (kịch) được giữ lại Tổng Cục Chính Trị để chuẩn bị tiết mục thành lập các đoàn văn công mạnh bằng cách cộng các đoàn văn công yếu lại kẻo thời cơ đến, như lời ông Võ Hồng Cương ([43]) người trực tiếp lãnh đạo hội nghị, trở tay không kịp.
Ba tháng nằm ở chân núi Hồng, đám nhạc sĩ chúng tôi có dịp tâm sự với nhau và thấy tất cả đều...“mo huyền” hết! Thậm chí anh chàng Vũ Trọng Hối viết một bài Rê trưởng mà không biết đề ngoài khóa biểu là hai dièse! Cứ gặp nốt fa hay nốt đô nào đều tương một dấu dièse bất thường, hết sức...vô tư! Riêng tôi, có chút vốn nhờ trường sơ, trường dòng, qua lý thuyết của Reber, Lavignac, nhất là qua thầy Quảng, qua kinh nghiệm của các bác Đính, Căn, Mộc ... từng chơi trong các đội kèn nổi tiếng của Parmentier, của ông Minh (giải nhất đội kèn thuộc địa ở bên Tây) và qua thực tế... viết liều (!), tôi tự tin hơn và nuôi một ý chí: quyết phải đi học âm nhạc chính qui, phải nắm được bài bản của cái nghệ thuật rất khoa học này.
Tôi càng nôn nóng khi thấy ngay giữa chiến dịch, người ta cho gọi Hoàng Vân ([44]) về, cùng Đình Quang đi bộ sang Tầu học nhạc, học kịch. Nhưng số phận không mỉm cười với tôi.
Chiến dịch Điện Biên kết thúc thắng lợi! Toàn thể các đoàn văn công đều được biên chế thành 3 đoàn, Đoàn 1, Đoàn 2, Đoàn 3. Những người xét không có khả năng được trả về đơn vị chiến đấu, những người có tên tuổi về Tổng Cục để thành lập Phòng Văn Nghệ. Loại này gồm nhiều nhà văn, nhà thơ hợp với văn phòng hơn sân khấu như Thanh Tịnh, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh, Trần Dần, Hoàng Yến. Họ đã tập hợp dưới trướng chính ủy Tử Phác ([45]), người lúc nào cũng đội mũ không lưới tức là từ cấp trung đoàn trở lên, để sau này... bùng nổ ra vụ “Nhân Văn”...Riêng tôi được giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng (hay người ta cố tình đầy đọa): lập tức trở về Khu IV, thành lập ngay một đoàn văn công quân đội mạnh, đủ sức đối đầu với văn nghệ địch nơi giới tuyến tạm thời!?
Lúc này hội nghị Genève đã đi vào giai đoạn kết thúc có hậu! Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã thất thủ, đưa tất cả chúng tôi vào một hứng khởi điên rồ. Có anh hò hét, xé quần, vứt áo, nhảy ùa xuống suối khi nghe giọng nói trịnh trọng và hùng hồn của người phát ngôn thời sự hiếm có là Thanh Tịnh tuyên bố: “Chúng ta đã bắt sống De Castries!... ”
Có thể nói không một thanh niên Hà Nội nào khi ra đi trước đó 8 năm, nghĩ ngày về lại có thể đến sớm như vậy. Ba đoàn văn công quân đội, bộ mặt văn hóa của cách mạng có nhiệm vụ tiến vào thủ đô trước tiên. Vậy mà, tôi còn cha, còn mẹ, còn 6 đứa em ở lại Hà Nội lại được Đảng phân công trở về mảnh đất Khu IV khô cằn để... tay trắng xây nên một lực lượng “văn công dự bị” cho ngày thống nhất sau đó... hai năm! Tôi không phải không suy nghĩ về sự đối xử “ưu tiên” này. Số phận hình như luôn đặt tôi trước khó khăn, cản trở mọi ước muốn, hy vọng, nhưng vẫn phải chấp nhận dù là chấp nhận trong cay đắng.
Số là ở mảnh đất Thanh Chương Nghệ An, tôi còn để lại vợ và đứa con đầu lòng mà tôi chưa biết mặt! Vợ tôi có mang 6 tháng nên không thể theo đoàn hành quân cả ngàn cây số ra Việt Bắc. Tôi gửi lại nhà một đồng chí rất thương hoàn cảnh chúng tôi: đồng chí Hoạt (tôi quên họ) ở thôn Thượng Thọ, huyện Thanh Chương, một địa phương mà đoàn văn công của tôi coi như quê hương thứ hai.
Trở về, tôi mới biết các đồng chí Hoạt, Lợi, các mẹ Thì, mẹ Đối mà tôi cực kỳ yêu quý đã bị ông bà bần cố nông quy cho là... địa chủ, bị đấu tố, bị khai trừ khỏi Đảng, bị tước đoạt mọi tài sản, bị quy là...phản động, là mua chuộc cán bộ! Không còn nơi nương tựa, vợ con tôi lang bạt sang tận một xóm hẻo lánh sát vách núi Trường Sơn để khỏi bị quy là “sống bám vào địa chủ”!
Lo cho vợ con khó tránh tai bay vạ gió trước cơn lốc đấu tố tàn nhẫn đang nổi lên mạnh gấp nhiều lần nơi khác, tôi “bấm bụng” lên đường trở lại Khu IV. Gần một tháng trời cuốc bộ, tôi chỉ có một suy nghĩ: Phải sớm trở về với gia đình, cứu lấy vợ con. Thậm chí tư tưởng từ bỏ cái mác đảng viên hão huyền để trở lại cuộc sống dân thường bắt đầu nảy sinh. Tôi sẽ đi học tiếp (tôi mới 26 tuổi) hoặc là âm nhạc, hoặc là đi làm ở bất cứ cơ quan nào dính líu tới văn nghệ (báo chí, phát thanh lúc ấy rất cần những người như tôi). Một quyết tâm giã từ nghề lính tráng, cùng vợ con sống với gia đình giữa thủ đô đã hình thành trong tôi.
Nhưng mọi sự vẫn diễn ra không như tôi mong ước. Số phận bắt tôi phải gắn cuộc đời vào mảnh đất quanh năm gió Lào, quanh năm khoai lang khô và mắm nhút ––một thứ tả pí lù gồm chủ yếu là mít xanh và các thứ gì ăn thừa, muối trong một chiếc vại sành.
Nhưng cái khổ về vật chất không thể sánh với cái khổ về tinh thần do hậu quả các cuộc đấu tố, do tư tưởng nông dân, do sự đối xử với con người, nhất là với “ba anh văn nghệ” của cái đất dữ nhất toàn quốc về đấu tranh giai cấp này. Bi kịch kéo dài suốt 7 năm tiếp theo là bi kịch làm hỏng cả cuộc đời, nhân cách của tôi và cả gia đình tôi.
Chú thích:
([1]) Albert Lavignac (1846-1916), thầy dạy nhạc, người Pháp.
([2]) Diễn viên Mỹ trong các phim chiếu những năm trước Thế Chiến 2.
([3]) Lê Yên (1917-1998), nhạc sĩ thời tiền chiến, nổi tiếng với các ca khúc Bẽ Bàng, Xuân Nghệ Sĩ Hành Khúc, Ngựa Phi Đường Xa…
([4]) Nguyễn Văn Thương (1919-2002), một con chim đầu đàn của tân nhạc Việt Nam với những nhạc phẩm Đêm Đông, Trên Sông Hương…
([5]) Súng lục colt.
([6]) Anh của nhạc sĩ Trần Hoàn tức Tăng Hích.
([7]) Học giả Đặng Thai Mai.
([8]) Tên Nguyễn Bửu Tiến (1918-1992), nhà viết kịch, diễn viên.
([9]) Vi Huyền Đắc (1899-1976), nhà viết kịch, đồng thời là nhà ngôn ngữ học, tự vị học.
([10]) Tên Nguyễn Thứ Lễ (1907-1976), còn có bút danh Lê Ta, nhà thơ, nhà hoạt động sân khấu thập niên 1930 từ thời Tự Lực Văn Đoàn.
([11]) Nguyễn Văn Tý (1925), nhạc sĩ, nổi danh với những ca khúc đầy chất lãng mạn. Bài Dư Âm của ông sống mãi trong lòng người nghe.
([12]) Văn Ký (1928), nhạc sĩ với những nhạc phẩm trữ tình: Bài Ca Hy Vọng, Nha Trang Mùa Thu Lại Về, Hà Nội Mùa Xuân...
([13]) Tên thật Phạm Văn Hiển (1918-2003) nhà soạn kịch, đạo diễn.
([14]) Tên thật Nguyễn Ngọc (1925), nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi.
([15]) Nguyễn Xuân Huy, nhà văn, nhạc sĩ.
([16]) Người ngoài Đảng.
([17]) Thơ Huy Cận.
([18]) Hurrah, bravo = hoan hô (tiếng Nga, tiếng Pháp).
([19]) Tên khai sinh Trương Chánh Ký, còn có tên Pétrus Ký (1837-1896), nhà giáo, nhà báo, nhà văn và nhà bác học Việt Nam, thông thạo 26 ngôn ngữ, tên được ghi trong Bách Khoa Tự Điển Larousse.
([20]) Nguyễn Văn Vĩnh, hiệu Tân Nam Tử (1882-1936) nhà báo, nhà văn nổi tiếng đầu thế kỷ 20.
([21]) Phạm Quỳnh (1892-1945) hiệu Thượng Chi, bút danh Hoa Đường, Hồng Nhân, thượng thư triều Nguyễn, người đi tiên phong trong quảng bá chữ Quốc ngữ, cổ võ dùng tiếng Việt thay chữ Nho hay tiếng Pháp để viết lý luận, nghiên cứu. Bị Việt Minh giết tại Huế năm 1945.
([22]) Bùi Xuân Phái (1920-1988) hoạ sĩ tài danh, rất độc đáo trong những tranh vẽ phố phường Hà Nội.
([23]) Lương Xuân Nhị (1913), hoạ sĩ còn là Nhà Giáo Nhân Dân.
([24] ) Nguyễn Gia Trí (1908-1993), hoạ sĩ đồ hoạ, biếm hoạ nổi tiếng.
([25]) Tào Ngu (Cao Yu, 1910-1996), tên thật Vạn Gia Bảo (Wan Jiabao), nhà văn, nhà viết kịch Trung Quốc.
([26]) Đặng Thai Mai (1902-984) nhà giáo, học giả, còn được biết dưới tên Đặng Thái Mai và những bút danh Thanh Tuyền, Thanh Bình.
([27]) Mô ở đây là mô phạm, đạo đức mô phạm là cái đang được giáo dục tại các trường quân sự.
([28]) Trọng Loan (1923), nhạc sĩ quân đội, bút danh Hương Lan, có mặt trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn (Nam Trung Hoa), Điện Biên Phủ.
([29]) Để dạy dỗ các thứ lập trường.
([30]) Bùi Xuân Phái đã về thành sau chuyến đi học tập tại Kim Tân.
([31]) Đỗ Nhuận (1922-1991), tổng thư ký đầu tiên của Hội Nhạc Sĩ VN.
([32]) Alexandre Zhdanov (1896-1948), chính uỷ hồng quân Liên Xô trong nội chiến, sau Đệ Nhị Thế Chiến là người chỉ huy ngoại giao và tư tưởng, một hung thần đối với văn nghệ sĩ Liên Xô.
([33]) Thanh Tịnh (1917-1988) nhà văn, nhà thơ ở rất lâu trong quân đội, về hưu với quân hàm đại tá..
([34]) Đình Quang (1928) đạo diễn, nhà viết kịch, nhà nghiên cứu lí luận sân khấu, về sau được phong giáo sư, tiến sĩ, nghệ sĩ nhân dân, từng giữ chức thứ trưởng Bộ Văn Hoá.
([35]) Hải Triều, tên thật Nguyễn Khoa Văn (1908-1954) nhà báo, được coi là lý thuyết gia Marxist, nhà phê bình văn học.
([36]) Nguyễn Chí Thanh (1914-1967), một trong những lãnh tụ CSVN, đại tướng, hoạt động nhiều nhất trong lĩnh vực quân sự, nhưng tham gia vào đủ mọi địa hạt văn học, nghệ thuật, giáo dục…
([37]) Lê Chưởng (1914-1973), vào thời gian được nói tới là chính uỷ, thường vụ Liên Khu Uỷ Liên Khu IV ĐCSVN.
([38]) Lê Duẩn (1907-1986), tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam 26 năm liền, từ 1960 đến 1986.
([39]) Cao Xuân Hạo (1930-2007), dịch giả, nhà ngôn ngữ học nổi tiếng.
([40]) Lưu Hữu Phước (1921-1989), một nhạc sĩ tiên phong của tân nhạc Việt Nam, tác giả của hai bản quốc thiều hai miền Nam Bắc VN.
([41]) Nguyễn Đức Toàn (1929), nhạc sĩ.
([42]) Đào Hồng Cẩm (1924-1990), nhà viết kịch, nhà văn
([43]) Võ Hồng Cương về sau lãnh đạo đoàn Văn Công Tổng Cục Chính Trị một thời gian dài nhiều năm.
([44]) Hoàng Vân (1930) nhạc sĩ trong dòng “nhạc đỏ” với ca khúc : Hò kéo pháo, Người chiến sĩ ấy, Quảng Bình quê ta ơi, Bài ca xây dựng...
([45]) Tử Phác tức Nguyễn Anh Chấn, tên thật là Trần Kim (1923). Sau 1954, ở trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm và là một người bị đàn áp tàn nhẫn nhất –– đuổi khỏi mọi chức vụ, cấm viết, cấm các nhà xuất bản, các tổ chức nghệ thuật xử dụng tác phẩm của Tử Phác. Nghe nói Tử Phác về sau vượt biên qua ngả Hong Kong đến Pháp.
hết: CUỘC PHIÊU LƯU, xem tiếp: NHỮNG NĂM THÁNG
|
Với tôi cũng như với nhiều người được đọc, được nghe và có được tí chút độc lập suy nghĩ thì cuộc chiến chống Mỹ chẳng có gì là bất ngờ.
Cuộc “mà cả” về Việt Nam đâu có ở Việt Nam. Nó diễn ra từ khi Nixon sang Tàu, Brezhnev sang Mỹ, ở các cuộc bắt tay, khi nóng, khi lạnh giữa các ông trùm chính trị ở các cuộc hội đàm công khai, bí mật và kết cuộc là sự “nắn gân”, đọ sức, mặc cả nhau bằng cuộc chiến leo thang ở Việt Nam. Đâu phải nó nổ ra từ vụ hải quân tí hon Bắc Kỳ dám “đánh cú liều” vào tầu Maddox ở vịnh Bắc Bộ!
Quần áo, mũ, giày, thắt lưng, bao đạn, lương khô... tất cả là...Tàu! Kalachnikoff, T54, Sam I, Sam II, Mig 17 hay Mig 21...tất cả đều đến từ Matxcơva...Còn dân Việt Nam chỉ có...người mà con người Việt Nam thì chỉ cần đứng trước hai chữ “xâm lược” là sẵn sàng, kẻ thù nào cũng... “oánh”! Thế là tất cả lại một lần nữa sẵn sàng lên đường đánh giặc.
Của đáng tội, có ai có gì nhiều nhặn mà luyến tiếc cho cam? Tư sản đích thực và tư sản bị quy kết oan sai đã sạch vốn. Cửa hàng buôn bán, lớn, nhỏ đã bị mậu dịch hóa hết...! “Giầu” như... tôi, cũng chỉ có một cái piano cũ, cái radio Orion, hai cái xe đạp là đáng giá. Không ai lúc này có “cái nhà của tôi.” Người nào có cái nhà rộng một chút đã bị Nhà Nước “lấy” cho thuê, có khi ghép vào đấy đến...10, 15 hộ! Vậy thì có đi đâu, có sập hoặc cháy nhà cũng chẳng có gì đáng tiếc, ngoài cuốn sổ gạo, tập tem phiếu là vật bất ly thân…
Thế là thủ trong hầu bao tệp phiếu gạo, phiếu dầu, tem thịt, tem đậu..., tất cả lại lên đường đi sơ tán!
Ba đứa con tôi theo trường và trại trẻ ở hai, ba nơi cách xa Hà Nội bốn, năm chục cây số. Vợ theo nhà hát, lúc thì phục vụ các chiến trường, kể cả đi B. Một mình tôi, “trụ” lại Hà Nội làm công việc thăm nuôi, tiếp tế cho các con và... sẵn sàng “chiến đấu” bằng sáng tác khi có lệnh!
Thời gian phân tán tứ tung này đã đưa nghệ thuật cổ động, nghệ thuật tranh áp phích, đưa văn học vào thời kỳ “ký”, “ghi chép”... nghĩa là viết để bỏ xó hoặc đem cân bán ký! Còn sân khấu là một loạt vở kịch bà Lệ Xuân ngủ với đại sứ Mỹ, Cao Kỳ, Cao Trí buôn lậu, chơi gái... phát trên sóng, dựng trên sân khấu vội vã, ngắn gọn, kịp thời.
Các nhà hát như giao hưởng, trường nhạc, sơ tán về nông thôn không dám tập vì sợ át tiếng báo động máy bay. Tóm lại, mọi sự manh nha rụt rè để đi vào con đường nghệ thuật đích thực đều bị gác lại để trở về con đường... tuyên truyền cho “oánh và... oánh. ”
Chính đêm 5-8-1964 là đêm ra mắt đầu tiên bài hát chiến đấu “theo kiểu cũ” của tôi: Sẵn sàng! Bắn! Chả là tôi và một số văn nghệ sĩ được điều về các điểm nóng có thể xảy ra chiến tranh đầu tiên ở miền Bắc, đã có mặt ngay buổi oanh tạc đầu tiên của không lực Hoa Kỳ tại Bãi Cháy Quảng Ninh. Tại trận địa cao xạ pháo, tôi ghi chép tất cả những gì mà đại đội trưởng Trọng Danh nói với anh em nhạc sĩ đi thực tế như “Phải nhằm thẳng vào đầu máy bay”... phải “hợp đồng thật hay” giữa các số 1, 2, 3...vv... và tôi biến nó thành ca khúc ngay tại chỗ, viết bằng giản phổ trên vỏ bao diêm Thống Nhất. Sau đó, tay cầm ngọn đèn bão, tay cầm bản nhạc vừa phác thảo bằng những con số 1, 2, 3, 4..., tôi hát cho chiến sĩ nghe. Một chuyện cười đến vỡ bụng là do chưa thuộc chính bài hát mình làm, lại thêm thiếu ánh sáng, tôi đã hát...“nhịu”:“Bao nghèo đói” thành “Bao...ngòi đ...”! Các diễn viên nhà hát ca múa nhạc Trung Ương đi theo đoàn, đến hôm nay, ai còn sống chắc không thể quên cái kỷ niệm phục vụ kịp thời gây hậu quả nghiêm trọng này! Trăm sự chỉ tại ông Đỗ Nhuận, trưởng đoàn cứ thúc bách tôi để tỏ ra “Tiếng hát át tiếng bom” cụ thể đây này! Công bằng mà nói: Các chiến sĩ và đồng nghiệp của tôi hoàn toàn không thấy gì đáng xấu hổ về “sự cố” đáng tiếc này vì sau đó tất cả thính giả, ngồi kín một sườn đồi, đã động viên: “Không sao! Hát lại! Hát lại!”
Sẵn Sàng! Bắn! đã mở đầu cho hàng loạt “hành khúc chống Mỹ” của tôi và còn được tái bản đi tái bản lại, thu đĩa, được các đoàn văn công từ trung ương đến địa phương dàn dựng, đưa sang Cuba in đĩa và đoạt giải “Cancionnes protesta”. Bài hát “có ngay” của tôi nhiều đến mức anh em đặt tên tôi là “thằng tuần chay nào cũng có nước mắt”! Đặc biệt đài phát thanh Xè Gòn, chịu không nổi đã vài lần gọi đúng tên tôi ra mà chửi là...“bồi bút cộng sản”, là...là...
Còn tôi, để tỏ vẻ ta đây có lập trường trước cả ông trung ương ủy viên kiêm giám đốc Trần Lâm, tôi cũng hăng hái “đáp lễ” rằng: “Thưa quí vị! Quí vị nói quá... đúng! Toàn thể anh em văn nghệ sĩ miền Bắc chúng tôi đều là... bồi bút! Nhưng.. chúng tôi bồi bút cho...nhân dân chúng tôi chứ không cho một kẻ ngoại bang nào!”...Bài đấu khẩu này tôi hoàn toàn improvisé nên chẳng còn nhớ nguyên văn. Vậy mà sau này khi về Sài Gòn, một số anh em trong đài tiền tuyến bị kẹt lại đã nhắc gần như nguyên xi khi gặp tôi với nhận xét “thì ra bố Tô Hải này...“nói dzậy mà không phải dzậy”, nhất là khi tôi vạch ra cái chủ ý chỉ nhận mình là bồi bút của Nhân Dân thôi, không một chữ cho Đảng (và cả chính phủ nữa) vì tôi đâu có là...đảng viên!
Tôi cũng chẳng chửi ông Thiệu, ông Kỳ mà chỉ chửi “ngoại bang” thôi!...Và anh em, nhất là Y Vân, sau này không tuần nào không mang một hộp thuốc lá sợi vàng miền Bắc tự cuốn, đến chơi với tôi. Hai anh em ngồi hút thuốc, nhắc tới nỗi khổ muôn đời của ba anh nghệ sĩ ở hai cái đầu nước...mất nước suốt đời này! Nhiều chuyện bi hài giữa tôi và mấy anh em nhạc sĩ “tại chỗ” còn tiếp diễn dài dài...
Trở lại thời kỳ buộc phải lao vào phong trào “tiếng hát át tiếng bom” để “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ”, tôi vào cuộc hoàn toàn khác trước, chuyên nghiệp và có ý thức rõ ràng về hướng đi của mình hơn.
Tôi tiếp tục “vẽ” tranh cổ động bằng âm thanh, nhưng là tranh cổ động có nghệ thuật hơn, nghĩa là mỗi bài hát tôi đều tìm tòi một cái gì mới, cố sáng tạo tối đa trong giai điệu, trong hòa thanh, phối khí. Còn phần lời ca thì...dễ ợt! Muốn gì, muốn thế nào cũng...có ngay.
Tôi là nhạc sĩ, tôi chỉ sáng tạo bằng âm nhạc, lời ca là do các ông yêu cầu thì tôi “cho vào” như Etude en Mi của Chopin ai đó đã đặt lời thành Tristesse! Và tôi đã để lại trong anh em chuyên nghiệp một số ấn tượng về các tìm tòi giai điệu, điệu thức, cấu trúc, kết cấu... Đặc biệt tôi cố bỏ hẳn cách nối tiếp kiểu TDT ([1]), thậm chí bỏ cả điệu thức chủ, chẳng có mineur, majeur gì rõ ràng, làm mấy ông chuyên đệm ghi-ta theo kiểu cũ lúng túng bở hơi tai. Ca sĩ nào không học hành tử tế cũng “tóe khói” về những quãng khó, những ly điệu bất ngờ. Nói thẳng ra là tôi luyện tay nghề rất nhiều qua tìm tòi này mà chẳng cần đến sự vỗ tay, món thù lao... đáng giá 2 bát phở nào.
Tất nhiên, chữ nghĩa và cái đầu đề đao to búa lớn như Bài Ca Đánh Thắng Giặc Mỹ, Một Lần Sang Sông, Một Lần Chiến Thắng, Trên Đường Vào Trận Đánh... bao giờ cũng được ưu tiên thu, phát trên đài, nhưng nhiều lắm là một hai lần rồi…xếp vào kho! Số lượng băng thu của tôi trong thời gian này theo cô Cẩm Thi, người phụ trách thu, in cho biết...“nhiều đến phát khiếp!” Cô in lại cho tôi đầy 4 cuốn băng cái, tốc độ 38, băng Orwo sau này, gửi ra Hội Nhạc Sĩ để xét khen thưởng đã bị “lưu trữ” đến phát mốc meo! Hiện con trai tôi đang giữ tại 19 Hàng Trống các bản lưu. Ước sao chúng không bị vô sọt rác nốt!
Như đã nói, “thu nhiều song phát chẳng bao nhiêu do ghét bỏ hay dìm nhau” chẳng có nghĩa gì với tôi. Tôi tự xác định đã “hoàn thành nhiệm vụ” và còn được mài giũa tay nghề. Mọi ca khúc thời kỳ này rồi sẽ qua đi như hàng trăm ca khúc của các nhạc sĩ tài danh thế giới. May ra chỉ có một Schubert tồn tại trong lịch sử âm nhạc bằng những ca khúc mà thôi! Tôi chẳng tiếc nuối, chẳng thèm dựng lại để... kỷ niệm ngày “cúng cụ” này, cụ khác! Nhưng để khỏi uổng công sáng tạo, tôi tự cho phép tôi... “ăn cắp” các giai điệu của chính tôi đưa vào những nhạc phẩm không lời! Ai biết tôi “xài lại” những thứ bị “bỏ tủ lạnh”, bị lãng quên khi nhạc đã bị tước phần lời? Cứ thế, tôi cho nó “phục sinh” trong các phim, các vở kịch như Tiền Tuyến Gọi, Bài Ca Ra Trận, Đại Đội Trưởng Của Tôi, Tự Thú Trước Bình Minh, Như Thế Là Tội Ác... Đặc biệt, trong những concertino, sonate cho đàn bầu, cho violon+piano sau này, tôi xử dụng giai điệu những ca khúc không được các nhà nắm đầu ra âm nhạc mến mộ như esquisses cho các bức tranh sẽ dựng lại tử tế. Chẳng ai phát hiện Buồn, Vui Và Khát Vọng tôi viết cho đàn bầu và giao hưởng chính là... Hải Phòng Rực Sáng Biển Đông hay Hoài Niệm Lúc Hoàng Hôn viết cho violon+piano chính là Những Người Trẻ Mãi biến tấu thành... nhạc không lời! Chẳng thấy “giáo sư”, “tiến sĩ”, “nhà phê bình” nào phê phán là buồn bã, là yếu đuối, là kém tính chiến đấu, là thiếu nhân dân tính, thiếu đảng tính... như khi nó còn lời! Kể ra, ông Huy Thành đạo diễn điện ảnh, “nghệ sĩ nhăn răng” là người thẳng ruột ngựa nhất, khi nhận xét để trả tiền cho nhạc sĩ làm nhạc cho phim của ông bằng một câu xanh rờn nhưng cực kỳ đúng với trình độ âm nhạc của ông và cả phần đông các vị cầm cân nảy mực trong đời sống âm nhạc lúc bấy giờ: “Bố ai biết được nhạc sĩ các ông nói cái gì trong mấy phút tò te tí toe ấy mà nhận với chẳng xét!”
Thế đấy! Âm nhạc có hay không có lập trường vô sản là ở cái...“nhời!”. Sống hay chết trong âm nhạc hiện thực xã hội chủ nghĩa chỉ là do ba cái khẩu hiệu “Giết, giết, giết! Chiến thắng!” hoặc “Muôn năm Bác Hồ, muôn năm Đảng cộng sản Việt Nam”, hoặc...“Người về đem tới ngày vui... Đảng đã cho tôi sáng mắt, sáng lòng”, còn âm nhạc thì đúng là...“bố ai biết được” tôi nói gì ở cái nước Việt Nam ù ù cạc cạc về âm nhạc này!
Thời chống Mỹ, giới âm nhạc miền Bắc cứ như trúng mùa...đẻ non. Đủ kiểu bài hát nôm na chửi cha mách qué, viết ra chỉ sau khi được động viên 15 phút là... hoàn thành! Tuy nhiên không phải không có những văn nghệ sĩ muốn đi “xem thử” cái gì đang xảy ra mà ông Cù Huy Cận ngày nào cũng ngồi rung đùi, ăn phở Ngã Năm Lò Đúc phát ra được câu thơ “Đi đánh Mỹ vui như...đi trẩy hội!” Thế là, chẳng chịu nằm tại chỗ chờ bom Mỹ rơi xuống đầu bất cứ lúc nào, từng đoàn trong đó có tôi lên đường đi “thăm chiến trường”.
Chỉ với chiếc xe đạp, vài kí bánh mì khô, chúng tôi vào vùng “cán chảo”, thăm các “túi bom”, vô giới tuyến tạm thời...Vào Nghệ Tĩnh cùng tôi có Vũ Thanh, Lê Lôi ([2]), Hoàng Hiệp. Vào Thanh Hóa có các ông Lưu Trọng Lư ([3]), Học Phi. Ra vùng mỏ cùng Đỗ Nhuận là Hoàng Vân, Lê Lôi, Trần Kiết Tường, Trọng Bằng, Chu Minh... Đáng nhớ nhất, gây ấn tượng nhất và nhiều nhận thức mới nhất là chuyến đi đường 559, “con đường mang tên Hồ Chí Minh huyền thoại” không phải ai cũng dám đi, vì chỉ một tích tắc là... có thể biến thành bụi, đừng hòng để lại tí xương nằm với cái bia liệt sĩ bằng mảnh thùng gỗ bên đường! Một nhạc sĩ đã nói rất thật và cũng rất... “liều” ngay giữa đoàn đi đường 559 là “Tôi không hiểu tại sao tụi mình lại ngu như thế nhỉ! Cần gì phải vào tận đây mới viết được!” Không phải tất cả chúng tôi không có ý nghĩ ấy nhưng phát biểu thẳng ra và thậm chí, không chịu tiếp tục đi nữa thì... đố ai dám liều bằng anh.
Qua chuyến đi này, Tân Huyền, Văn Dung có vài bài hát mà nếu cứ ở nhà, chẳng đi thực tế chiến trường, các anh vẫn thừa sức đẻ ra những bài chẳng thua gì Chào Em Cô Gái Lam Hồng, Tiểu Đội Xe Không Kính của những tác giả như Ánh Dương, Hoàng Hiệp! Họ chẳng cần phải ba bảy lần suýt mất mạng như chúng tôi mới viết đuợc! Riêng tôi, tôi thấy là không có những chuyến đi gần với cái chết đó, tôi không thể có những nhận thức mới, những tình cảm mới về chiến tranh, về con người, về SỰ THẬT, cái sự thật đầy máu me, chết chóc mà các nhà chính trị phủ lên một tấm màn vinh quang của chủ nghĩa này chủ nghĩa nọ!
Chưa bao giờ, trong tôi lại có được nhận thức mới về cuộc chiến tranh mà dân tộc đã không may phải chịu đựng dài lâu, ác liệt và hao người, tốn của đến thế!
Tại sao các dân tộc khác, xung quanh ta thôi, họ đều là thuộc địa của Anh, Pháp, Hà Lan, Mỹ lại được độc lập, tự do, mở mang đất nước, kinh tế phát triển? Còn Việt Nam? Cái gì đã để cho họ ghét tới mức thay nhau diệt sạch dân mình thế nhỉ? Hỏi tức là trả lời! Tôi đã một lần nữa khẳng định được lý do của cuộc chiến tranh này: Đây là cuộc chiến của loài người chống nạn cộng sản vô luân, vô đạo lý! Đây là sự hy sinh cực kỳ vô duyên cho cái chủ nghĩa không tưởng, cho sự tiếm quyền của một lớp người âm mưu làm VUA của cái nước Việt Nam khốn khổ này bằng chiêu bài Độc Lập, Tự Do mà ở các nước, người ta đã có từ nửa thế kỷ nay rồi vì may mắn thay, họ không có Đảng Cộng Sản cầm quyền!
Bi kịch lớn của triệu tấn bi kịch nhỏ chính là đây! Và nhiệm vụ của văn nghệ, nếu không nói được điều “cốt lõi” này thì... dù chế biến ra sao, mọi sáng tác chỉ mãi mãi là những điều nói dối, nói láo và...lừa bịp. Những cán bộ cách mạng, hoặc lạc vào cách mạng, tha hồ thét lác, ngồi xổm lên đầu những người có học gấp vạn lần, tự coi mình “đỉnh cao trí tuệ”, có quyền giảng dạy để “cải tạo tư tưởng cho lũ văn nghệ sĩ nô lệ của Đảng. Đáng buồn hơn là viên tham tá canh nông kiêm nhà thơ lớn Cù Huy Cận lại biến cái sự đại ngu dốt ấy thành... văn vần kiểu “Đi đánh Mỹ vui như đi trẩy hội.” Quả là đáng xấu hổ!
Thành thật mà nói, tôi không thể gọi những gì ông thứ trưởng nhà thơ này viết từ sau 1945 là...THƠ!. Tôi cũng buồn cười cho những ai chưa từng đi Trường Sơn mà cứ viết theo kiểu ông Lưu Trọng Lư thời xưa: Trường Sơn thơ mộng, Trường Sơn hào hùng, bay bổng... kiểu “B quăng sai” (B52), kiểu “chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác”... có “hoa, lá cây rừng”, có “cô thiếu nữ đón anh bên bờ suối.” Với tôi, đường Trường Sơn là điểm cao nhất của một quyết tâm: Để bảo vệ cái chủ nghĩa học mót được ở bên Đức, bên Nga, bên Tầu, người ta sẵn sàng hy sinh đến người dân Việt cuối cùng, miễn không có con cái của mấy trùm mafia cộng sản dỏm.
Đánh, đánh, 5, 10, 100...năm cũng đánh, “còn một cái lai quần cũng đánh”! Nhưng đánh sao đây, đánh bằng cách gì? Ai đánh? Chỉ đi vài cung đường, dừng chân ở vài binh trạm, gặp gỡ vài đại đội thanh niên — thanh nữ xung phong thì đúng hơn — tôi đã thấy hàng vạn con người chết trên con đường này, hàng triệu thanh niên đang “đi B” kia sẽ phải đổ máu, mất xác, thậm chí biến thành tro bụi sau các đợt bom B52 chẳng quăng sai tí nào.
Tất cả họ chẳng qua chỉ là những “con tin” để các nhà chính trị thế giới và trong nước mặc cả nhau trên bàn hội nghị! Ký kết được với nhau hoặc kéo dài, cù cưa... nào có ai nghĩ đến chuyện máu người Việt Nam đổ nhiều hay ít! Vũ khí để chúng mày giết nhau cho chúng tao tọa hưởng kỳ thành thì...sẵn lắm, tốt lắm! Cứ tiếp tục giết nhau đi! Lương thực cũng chẳng cần đến phiếu, đến tem. Trên đường Trường Sơn này, gạo, muối, đường, bột ngọt... tha hồ lấy, không cần cân đong, đo, đếm thậm chí nhặt được cả bên vệ đường, dưới ta-luy âm, trên ta-luy dương, trong các đoàn xe Molotova bị bắn cháy, cái nghiêng, cái ngửa, cái còn nguyên vẹn bị đẩy nhanh xuống vực sâu, khe núi... “Con đường chết” chúng tôi đã đi qua ấy chỉ có một mầu đỏ, mầu đỏ của đất, của máu và của cả...lá nữa vì lá đâu còn mầu xanh khi mỗi ngày đều được...“tưới” bằng thuốc diệt cỏ, bằng bom tấn, bom bi, bom CBU, bom Napalm... đủ loại. Còn dòng suối nào nước không tanh mùi máu, bờ suối nào không trở thành những “bẫy chết” với các thứ mìn, mìn cóc, mìn nhái, ”mìn tơ hồng”, cho bất cứ ai, chẳng cần biết là cộng sản, quốc gia, “bên ta”, “bên nó”!
Trang bị của anh lính “ngụy” bị bắt sau chiến dịch Lam Sơn 719 giải ra miền Bắc mà chúng tôi gặp trên đường từ đầu đến chân Made in USA! Còn anh “giải phóng quân” thì từ chân đến đầu, từ miếng thịt hộp, rau khô, áo, quần, giầy tất, đều Made in China! Tôi đã tự hỏi một cách ngộ nghĩnh: Chẳng hiểu miền Bắc và miền Nam sẽ làm gì khi hai ông Nixon và Brezhnev, bỗng một tối nào đó bắt tay nhau đòi lại tất tần tật vũ khí máy bay, xe tăng và cúp luôn cả xăng dầu lẫn... tiền bạc? Hai ông nông dân hai miền sẽ lại mài dao, rèn mác đánh nhau chắc?
Ôi, cái sự nhân danh thứ “isme” này chống thứ “isme” kia của hai ba “ông trùm” đã làm thế giới hủy diệt lẫn nhau biết bao lần từ khi có xã hội loài người.
Ở Trường Sơn, số phận con người bị các nhà chính trị coi như viên đạn đồng, không hơn không kém. Những bài Trường Sơn Đỏ, Trường Sơn Xanh, Những Người Trẻ Mãi của tôi đã mang phần nào cái nhức nhối, tiếc thương cho những số phận ấy, đặc biệt là phần dàn nhạc. Trong Những Người Trẻ Mãi, tôi mở ra bằng một “hành khúc tang lễ” với phần tutti của bộ dây ở Sul G, điểm vào là từng tiếng Timpani và cồng (dùng piano thay) làm các vị có nghề (nhưng khác quan điểm) giật mình và quyết định: “Cho nó vào tủ lạnh” hoặc hạ lệnh xóa băng! Cái này giải thích vì sao nhiều tác phẩm của tôi được các nhà chuyên môn đánh giá là sáng tạo, là tìm tòi, là có bản lãnh vv... thậm chí được các ông bạn dạy Đại Học mang vào giáo trình, được nhiều nghệ sĩ chuyển thể sang cho các nhạc cụ solo, nhưng cuối cùng vẫn không “bay” được? Vì cái “đầu ra” cho âm nhạc lúc ấy chỉ duy nhất có ông... đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam, còn cái “đầu ra” thứ hai là nhà xuất bản Văn Hóa với phương tiện in khắc gỗ cực kỳ lạc hậu lại chính là “đầu ra thu hẹp” của đài! Có nghĩa là chỉ in những gì đã phát nhiều lần trên đài, được “quần chúng yêu cầu”! Chúng tôi gọi các nhà xuất bản là “biên…tập hậu”, gọi “ca nhạc quần chúng yêu cầu” là yêu cầu của...thời sự, hoặc đôi khi, “yêu cầu...dỏm” vì có bài vừa thu xong, chưa duyệt trên băng đã có thư yêu cầu của...chính tác giả và con cháu tác giả.
Tiếc thay, người ta cứ phóng bạt mạng lên những thành tích về con số, về phần trăm đề tài mà ít có ai dám vạch ra giá trị đích thực của một bài hát! Một số lợi dụng chỗ ngồi “có thế” ở cơ quan truyền thông, tung ra liên tục những bài chẳng có một xu sáng tạo nghệ thuật nhưng mang đúng tên một đề tài đang cần tuyên truyền!
Đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam với chức năng tờ báo nói duy nhất trở thành kẻ độc tài về thẩm mỹ âm nhạc. Ai chiếm được nhiều lần làn sóng là nhạc sĩ “số dách” !
Biện minh cho sự hạ thấp nghệ thuật này, người ta thường nói “Chúng tôi là một tờ báo nói! Phải chiến đấu kịp thời!” Khi có cái tên do phát mãi trên đài dù chưa học qua một lớp đồ rê mi nào vẫn nghiễm nhiên thành... “nhạc sĩ” được vào hội các nhà soạn nhạc Việt Nam — Composer’s Association theo tôi chỉ là Association des chansonniers et paroliers mélodistes Vietnamiens — Hội những người viết bài hát và làm lời có giai điệu!
Tôi còn nhớ trong một cuộc gặp gỡ các nhạc sĩ Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga... tại cuộc liên hoan âm nhạc hiện đại Festival de la Musique Contemporaine tại Sophia, Bulgaria, tôi thật xấu hổ khi bị hỏi về tình hình âm nhạc hiện đại của đất nước mình thế nào. Tất cả đều chỉ biết trả lời “do tình hình chiến tranh”, “do không có điều kiện...” Trưởng đoàn Lương Ngọc Trác rất thận trọng và... “chính trị”, nhưng khi Goleminov ([4]), người thầy yêu quí của Hoàng Việt, nói tiếng Pháp như Pháp, ngồi lại thì ba cái miệng mới thật sự dám mở...khoá kéo! Chúng tôi đều nói ra cái “tử huyệt” của sự lạc hậu trong nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng ở một nước “xã hội chủ nghĩa chân đất - chữ của Goleminov - là không có con người âm nhạc đích thực”! Đường lối phát triển âm nhạc một nước rơi vào tay những nhà chính trị thuần túy và những kẻ tuy hiểu biết chút ít, nhưng cơ hội, ham danh lợi, chỉ biết “dạ thưa anh!” ... đúng là tai họa cho cả một nền âm nhạc.
Chúng tôi cũng nói tới những gì đã kìm hãm sự phát triển âm nhạc, đặc biệt là ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của “mấy ông cộng sản nông dân” hết sức thoải mái, chẳng lo chạm lòng tự ái dân tộc, chẳng có “khen cho phải đạo!” Theo Goléminov, “lịch sử âm nhạc Bulgaria mới có hơn 30 năm (lúc đó là năm 1992) và nhờ có... 6 người!” Họ đều nổi tiếng như cồn ở nước ngoài bằng tác phẩm, bằng lý luận và sư phạm. Theo ông, không có nền âm nhạc Bulgaria hiện đại, nếu không có những người được đào tạo đến nơi đến chốn. Tiếc thay người mà ông hy vọng sẽ giống như ông, như Tarkov, Strijianov thì...“ở Việt Nam các anh, người ta đã xử dụng quá lãng phí!” (Ý nói không cần thiết đưa Hoàng Việt đi B để mất mạng như thế).
Có những người như Hoàng Việt, Hoàng Vân, Chu Minh, Đỗ Nhuận... mà dùng vào việc đi chiến trường để viết ca khúc kịp thời thì đúng là đưa các giáo sư, bác sĩ ra chiến hào băng bó vết thương như một cứu thương, một y tá! Điều này đã được Hoàng Vân “hèn nhát” (hay anh dũng?) phát ra một câu “để đời” giúp những kẻ ghen tị, kèn cựa mang ra “hại ngầm” anh đến mãi hôm nay, 1998, khi xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho những nhạc sĩ... còn sống, sau đợt xét toàn cho người...đã chết. Đó là câu “Tại sao lại “thí tướng” trước khi “thí tốt?” khi có lệnh điều anh đi B. Anh đúng một nửa khi người đi thay anh là Hoàng Việt (cũng gọi là “tướng”) cùng Văn Cận, Vĩnh Long... Họ đều lần lượt “hy sinh” vì trúng bom chứ đâu có cầm súng đánh ai mà anh với chả dũng! Sai lầm của Hoàng Vân là chạm tự ái của quá nhiều con “Tốt” không muốn bị đánh giá là... “Tốt”!? Hoàng Việt trước khi ra đi để không bao giờ trở về, đã ôm hôn tôi trong bữa rượu suông tại nhà Bửu Huyền ở ngõ Liên Trì: “Chúc các “tốt đen”, ”tốt đỏ” ở lại may mắn cùng các ông tướng... sợ chết!”
Một sự thật nhiều người biết nhưng không ai dám nói ra là Hoàng Việt cũng chỉ như hàng trăm ngàn “anh hùng bất đắc dĩ” khác đã phải nhận một việc mà chính anh thấy là...“cực kỳ lãng phí”! Lúc ấy Hoàng Việt mới về nước, đang nung nấu một bản giao hưởng số 2. Anh rất phấn khởi vì khi đi học nhạc tử tế ở nước ngoài 1957, nhà hát giao hưởng đối với chúng tôi mới chỉ là ước mơ thì hôm nay, khi anh trở về, điều kiện để có được tác phẩm “âm nhạc ra âm nhạc”, có cái để mà tư duy âm nhạc hẳn hoi đã nằm trong tầm tay. Anh nghĩ thế với hàng loạt toan tính đưa âm nhạc Việt Nam tiến lên một bước “có tầm cỡ” để khỏi đi đâu cũng cứ chìa ra mấy ca khúc chiến tranh hoặc dân ca, tuồng, chèo y xì như cách đây ba thế kỷ! Ở đây, giữa tôi và Hoàng Việt đều gặp nhau trong cái câu tự khẳng định mình của Goleminov: “Sáu người làm nên lịch sử âm nhạc hiện đại của Bulgaria”. Tiếc thay tất cả những ước mơ táo bạo đó đã bị ngăn chặn, bị bóp chết từ trứng nước bởi một số có quyền lúc bấy giờ bằng lý luận phê phán sặc mùi Mao-Xít với những ai từ chối đi B! Là “chạy trốn thực tế”, là “giấu giếm bản chất sợ chiến đấu, sợ chết”, thậm chí “có tư tưởng đầu hàng.” Mọi bi kịch của âm nhạc thời này xuất phát từ quan điểm “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả để chiến thắng”, một cách duy ý chí lại được các vị quan văn nghệ coi “đánh Mỹ như đi trảy hội”, coi “đường ra mặt trận là con đường mùa xuân” hùa nhau phát động văn nghệ sĩ “vẽ tranh cổ động” bằng đủ loại hình nghệ thuật và tặng nhau những giải thưởng, những danh hiệu mà sau này tất cả đều trở thành vật...“cúng cụ!”
Những vụ “thí tướng” cũng xảy ra ở nhiều lãnh vực khác, nổi bật là vụ bà bộ trưởng Đinh Thị Cẩn “ưu tiên” cho các nhà trí thức tên tuổi như Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ... đi B để nghiên cứu và để... chết cho hết chuyện!
Ở các nước xã hội chủ nghĩa khác không phải không mắc cái quan niệm chết người này, tuy nhiên không đến nỗi như ở Việt Nam vì họ có những văn sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà điện ảnh...“ra văn nghệ sĩ”! Họ dám vùi đầu viết những gì chẳng dính líu tới chiến tranh, những tình ca, những ba-lê, cả những giao hưởng, sonate chỉ ghi “opus”...hoặc đánh số 7, 8, 9, 10, 11, 12...
Trong các cuộc “tọa đàm không có phiên dịch” này các “nhạc sĩ xã hội chủ nghĩa” cùng các nhạc sĩ “tư bản” gần như chẳng hề khác biệt về nghệ thuật đích thực. Tất cả đều thống nhất: “Phải coi chiến tranh là kẻ thù của văn học nghệ thuật! Không có chân, thiện, mỹ gì trong bom rơi đạn nổ, trong máu chảy, xương tan!” Một nhạc sĩ Ba Lan còn tuyên bố thẳng thừng: “Các nhà chính trị đã giết văn nghệ rất nhiều lần bởi các cuộc chiến mà họ gây ra để củng cố quyền lực cho họ, củng cố các triết lý chính trị của các tập đoàn thống trị”!
Trong các cuộc trao đổi ở câu lạc bộ nhạc sĩ ngay trên lầu 2 của phòng hòa nhạc lớn tại Sophia, biết tiếng Pháp, tiếng Anh là nghe được, nói ra được tất cả những gì mà chẳng ai dám nói bao giờ trong các hội nghị, liên hoan chính thức cả. Tôi là một trong những người “nghe nhiều hơn nói”, nhưng đã được nói và được nghe nhiều hơn cả, vì âm nhạc Việt Nam quả là độc đáo đến lạ kỳ “có một không hai” trên thế giới này:
—1) Tại Việt Nam, nhạc sĩ thực sự tư duy bằng âm nhạc chỉ vẻn vẹn vài ba người, cuối cùng cũng viết... ca khúc, tư duy chủ yếu bằng...lời! Các nước khác đều tư duy bằng âm nhạc qua lời ca của người khác. Điều này giải thích vì sao ở Việt Nam, đa số “nhạc sĩ” chẳng cần tốt nghiệp một nhạc viện nào và bất cứ ai cũng có thể là... NHẠC SĨ, nếu có chút vốn văn học, chút năng khiếu hát, hò và chút... “láu cá”!
—2) Sức sáng tác ca khúc về... số lượng là... vô song. Trung bình mỗi người sáng tác mỗi năm 20 đến 30 ca khúc! Cứ nhân lên với con số hội viên sáng tác thì đúng là... nhất thế giới, vượt mọi thời đại.
—3) Hội viên Hội Nhạc Sĩ Việt Nam bằng các Hội nhạc sĩ Bulgaria, Ba Lan, Tiệp Khắc, Đông Đức cộng lại: hơn 300.([5]) Một tổ chức âm nhạc đông nhất thế giới nhưng thế giới lại chẳng biết tác phẩm âm nhạc nào của Việt Nam, ngoài các bài hát mà dịch lời ca thì... 90% toàn là... sắt và thép, súng và bom, đánh và thắng!
—4) Hội viên sáng tác hầu hết đều...nghiệp dư, ăn lương Nhà Nước trên cương vị hành chính, trên chức vụ, cấp bậc đang có biên chế như nhà báo, nhà giáo, kỹ sư, biên tập, sư phạm âm nhạc, thậm chí cả cán bộ Trung Ương Đoàn, Trung Ương Đảng!
—5) Hội là một cơ quan ăn lương Nhà Nước mặc dầu có bầu bán hẳn hoi, nhưng tổ chức, nhân sự của các cuộc bầu này được...“cơ cấu” trước, được mặc cả thậm chí đấu đá, bôi tro trát trấu nhau để giành ghế, đồng nghĩa với được đủ thứ quyền và lợi hơn mọi nhạc sĩ khác, kể cả những người thầy của các vị lãnh đạo Hội!..
Và nhiều điều tréo ngoe khác mà nói ra, các nhạc sĩ nước ngoài cứ phải hỏi đi, hỏi lại vì không tin ở tai mình!
Lúc này, “phe ta” đã chia rẽ không phải năm bè bảy mối mà đến mức 50 bè, 70 mối...Tuy nhiên, không ai dám chê bai giễu cợt cuộc chiến “anh dũng tuyệt vời” của nhân dân Việt Nam, không dám cười trên sự hy sinh kéo dài, sự đổ máu liên tục và nhiều vô kể của cả một dân tộc (cả miền Nam lẫn miền Bắc). Ấy vậy mà các bố văn nghệ văn nghẽo lại cứ “tưng tưng”, cứ vặn căng dây cót, làm như đã đánh là thắng 100%, làm như quân ta đạn chê, máy bay ta không biết rơi, xe ta đi cứ “băng băng trên đường, qua trăm núi ngàn sông” mà kẻ địch thì có mắt như mù... hết!
Ông Hồ kêu gọi “đánh cho Mỹ cút” thì ông nhạc sĩ “hô to” hơn: “Chúng bay vào sẽ không có đường ra” (!) hoặc “Không cho chúng nó thoát!” Phải nói rằng “đại ngôn”, “khoác lác số dách” là các nhà viết ca khúc cổ động đánh nhau ở Việt Nam, trong đó có tôi!
Không phải không ai suy nghĩ về những “nỗi buồn chiến tranh”, không phải ít người từng se lòng mủi dạ trước thực tế đau thương bầy ra trước mắt.
Tôi cũng vậy. Tôi đã thấy…Cả một xã không còn bóng đàn ông, trắng xóa khăn tang của các chị, các mẹ... Cả một đơn vị, một chuyến phà, một đoàn xe, một gương mặt, thậm chí một bà mẹ già còng lưng chở lính qua sông, mẹ Suốt, một tiểu đội con gái đêm đêm san đường, lấp hố bom, mới gặp mặt hôm trước thì hôm sau đã thành tro bụi. Đố ai tìm được cái xác nào sau khi bom B52 rơi trúng bến phà Xuân Sơn nhỏ bé ở Quảng Bình, ở ngã ba Đồng Lộc ấy! Bản thân tôi, khi trực tiếp gặp họ, tôi đều nghĩ: “Chắc đây là lần gặp...cuối cùng.” Và, quả là như vậy. Bà mẹ Suốt, các cô gái Đồng Lộc thì người ta còn biết đến cái tên, dù rất chung chung, chứ còn hàng trăm, hàng nghìn những cô, những mẹ mà tôi đã gặp ở dọc đường khu IV, ở phà Xuân Sơn, ở “cua” chữ A, ở Ta Lê, Cà Ròn, Mụ Giạ... họ đâu có kém “anh hùng” (bất đắc dĩ!). Chỉ có điều họ thiếu may mắn không được các thứ Tuyên Huấn của Đảng chọn để nêu “gương điển hình” nên họ bị lãng quên!
Cái chuyện “may ai người nấy được khen” này có sự đóng góp đắc lực của mấy ông nhà thơ, nhà nhạc, nhà văn dưới sự chỉ đạo của các đảng, đoàn, hội này, hè nọ. Y hệt cái thời Sóng Duyên Hải, Gió Đại Phong, Cờ Ba Nhất. Nghĩa là chọn anh hùng theo chỉ tiêu công, nông, binh, trí thức, mỗi giới vài người... mà thành tích khi báo cáo ra, dù cố thêm thật nhiều mắm muối cũng chẳng hơn gì người không được chọn! Ôi! đất nước sao mà quá nhiều anh hùng: “Ra ngõ gặp anh hùng”, anh hùng từ bà bán nước đầu đường tới anh lái xe đi đêm không đèn trên đường số 5 được đánh đồng với người thanh nữ chết mất xác trên đường 559 và anh công binh điếc đặc trên cua chữ A!…
Phải chăng người ta đang bôi bẩn lịch sử, bôi bẩn các vị anh hùng từ ngàn đời của đất nước? Chỉ mấy cung đường Hồ Chí Minh mà chúng tôi đã đi qua và thoát chết trở về, nếu cần đề cao văn nghệ sĩ thì “mấy ông tư tưởng” cũng có thể phong cho chúng tôi là anh hùng tất! Bởi trót vào giữa Trường Sơn này rồi, chẳng ai là người không quen với cái chết tới mức phải quên nó để mà sống.
Thật vậy! Chẳng lẽ cứ nằm trong hầm, không đi vệ sinh, không di chuyển, không làm việc? Mà đã ngủ được, ăn được, cười được trước 9 trận bom B52 mỗi ngày thì... xin lỗi, con chó đi cùng cũng trở thành anh hùng! Quì xuống vái mấy ông B52 đâu có được! Rút lui không xong, đầu hàng thì đâu có địch trước mặt mà giương cờ trắng! Vậy nên chỉ có một cách: chiến đấu, thẳng tiến để tồn tại!
Ông, bà, tổ tiên để lại cho anh nào “phúc” to thì sống, “phúc” vừa vừa thì cụt cẳng, què chân, mù mắt... còn “vô phúc” thì tiêu! Chuyện chọn ai, chọn đơn vị nào để “nống” lên thành điển hình cho người người học tập là do các “nhà tuyên huấn”.
Đặc biệt về các anh hùng ở miền Nam thì có... trời mới biết các ông ấy đã anh hùng thế nào! Điều này giải thích vì sao, các bài hát ngợi ca các vị ấy cứ ra ông ổng, nay ông T., mai ông X., kia đồng chí Z, đồng chí Y... nhưng cuối cùng, tất cả đều “xì hơi”...May ra còn lại một ông Nguyễn Văn Trỗi mà mới đầu người ta cứ hát là Trôi, nhưng để được phong anh hùng thì mãi sau này, “giải phóng Sài Gòn” rồi, người ta còn bàn lên bàn xuống vì tìm mãi chẳng thấy anh ta sinh hoạt hoặc trực thuộc đơn vị, cơ sở nào, nhất là anh ta chẳng thuộc chi bộ Cộng Sản nằm vùng nào! Hơn thế, những nhân vật còn sống và có liên quan mà cuốn Sống Như Anh đã tô hồng hết mức thì lại ... “có vấn đề”! Tôi cũng chẳng mấy tin vào những lời nói, những hành động của các “nhân chứng sống” đó!
Cái kiểu viết “người thật” để xây dựng điển hình rồi cuối cùng nhân vật điển hình đó không như thế, thậm chí không hề có, hoặc có nhưng không quá đỗi anh hùng như thế, đã được chứng minh bằng chính những nhân chứng lịch sử, thậm chí bằng những người đồng thời, đồng nghiệp... rằng: đó là những nhân vật chẳng... thật tí nào!
Tính vô giá trị của một tác phẩm nghệ thuật chính là ở chỗ người cầm bút đã biến tác phẩm thành những bài báo kịp thời ca ngợi “lấy được”, lấy “có ngay” nhằm động viên người khác... làm theo, mặc dầu chẳng hiểu mô tê, răng rứa gì về cái thực tế không đơn giản như các trận đánh ở... trên báo!
Chân lý “chiến tranh chỉ kìm hãm sự phát triển của văn nghệ” đến với tôi từ những ngày đó. Chiến tranh không phải và không thể là “nguồn cảm hứng vô tận” cho người nghệ sĩ chân chính. Thử hỏi nếu không có chiến tranh, Shostakovich ([6]) sẽ có bao nhiêu tác phẩm hay hơn cả giao hưởng Leningrad? Và tại sao khi hết chiến tranh, những bản giao hưởng của Shostakovich, những nhà thơ như Evtushenko ([7]) thậm chí cả Sholokhov ([8]), Erhenburg ([9]) đều trở thành “có vấn đề”, khác nhau ở chỗ ít hay nhiều mà thôi..
Người ta hay nói đến món “nợ lớn với hai cuộc chiến.” Để rồi xem, sự “trả nợ” sẽ như thế nào, nếu không phải là nói lên những sự thật cấm kỵ đã được giấu kín? Mà nói lên sự thật thì những người trong cuộc, gần đây mới ti toe nói một phần nhỏ sự thật của chiến tranh đã bị “ăn đòn” rồi! Những câu chuyện về Nỗi Buồn Chiến Tranh, về những những cô gái thanh niên xung phong ngày xưa như Đại Đội Pháo Binh Ngư Thủy nay sống ra sao? Cô đơn, bệnh tật, nghèo khổ, đi tu, những số phận hẩm hiu ấy mới chỉ bắt đầu xuất hiện một cách... rụt rè!
Phải chăng sự thật, cái sự thật đau đớn, sự thật đầy máu và nước mắt, đầy mất mát, tang tóc, cái sự thật đáng viết, cần viết, bị dồn nén, không dám viết, đã đến lúc trào ra từ những cây bút gần cả cuộc đời chuyên ngồi trước bàn với khẩu hiệu “Tất cả để đánh thắng”? Phải chăng đã đến lúc phải nói cho mọi người và cho chính mình về cái sự thật lâu nay bị cấm kỵ, bị giấu kín?
Phải nói lên cho mọi người biết rằng cái giá mà cả dân tộc phải trả bằng hàng chục triệu mạng sống để đổi lấy cái... “thị trường tự do” là cái sẵn có ở các nước cựu thuộc địa nghèo nàn lạc hậu như hoặc hơn Việt Nam trước đây, chẳng cần đến đảng cộng sản, chẳng cần đến các lãnh tụ vô cùng sáng suốt và duy nhất đúng đắn, chẳng cần đến chiến tranh, chẳng cần đến cái gọi là “chủ nghĩa anh hùng cách mạng”. Những “bước đi mạnh dạn” nhưng quá muộn màng của một số nhà văn đã chẳng được đón tiếp như một “khai phá”, một “hành động dũng cảm.” May ra chỉ mấy ông già đã kinh qua một thời “sống và chiến đấu” mà trong lòng chẳng hề... vui như mở hội hoặc các gia đình có những bà vợ góa, những đứa con côi đón nhận với những giọt lệ khóc thầm!
Mấy vị đương chức đương quyền đầy tinh thần cảnh giác cách mạng thì hốt hoảng, vội vã vung dùi cui “uốn nắn lệch lạc” như vụ Bến Không Chồng, Nỗi Buồn Chiến Tranh …Những nhà “cách mạng vào giờ thứ 25” đang sống phây phây nhờ làm tư bản không cần vốn, nhờ giầu sụ do cướp được vị trí ông chủ ở các nhà máy, xí nghiệp và ngay ở các cơ quan Đảng và Nhà Nước từ xã cho đến trung ương coi loại sáng tác này là “rỗi hơi bới chuyện quá khứ” “kể công đòi quyền lợi”! Không ít người còn cho sự nhìn lại quá khứ để suy ngẫm là...gàn, là dở, là ngu, là “ai bảo dại...cho chết!”
Cứ thế, thời cuộc nhi nhô, lý tưởng lộn phèo đã đẻ ra một loạt “văn nghệ sĩ không quá khứ”, một lớp già “giã từ dĩ vãng”! Những kẻ cơ hội, những đảng viên gọi là cộng sản nắm chính quyền, dựa vào “đổi mới tư duy” tha hồ tung ra thị trường đủ thứ văn học nghệ thuật thuộc mọi trường phái cóp nhặt, hoặc nhai lại những gì thế giới đã nôn oẹ từ mấy thập kỷ trước. Tranh treo ngang, treo dọc đều được, kịch mê lô ([10]), phim mê-lô chim chuột, tình tay ba tay tư, tình, tù, tự tử, đánh võ…nhạc hải ngoại, hải nội... kể cả“J’ai besoin de faire l’amour chaque jour” ([11]) đàng hoàng chiếm lãnh làn sóng, sân khấu. Báo Đảng, báo Đoàn khen những sản phẩm ấy như chưa từng khen cái gì như thế bao giờ! Lũ “phù thủy” không “cao tay ấn” muốn che giấu những tồi, dở, những hành động cướp bóc, những tội ác, muốn đẩy dân chúng khỏi những ý nghĩ và hành động chống đối đã nhắm mắt, tung ra quá nhiều “âm binh” đến nỗi muốn thu hồi lại cũng chẳng còn phép nữa. Nói trắng ra, chính chúng cũng biến thành âm binh rồi!
Trở lại “những ngày chống Mỹ”, cũng không hiếm người “ít ngu”, ít “bốc đồng” như đám nhạc sĩ “tuần chay nào cũng có nước mắt” chúng tôi. Những người này tìm cách tránh cái chết vì bom đạn trước đã! Không ít vị hễ nói tới “đi thực tế” là viện cớ này cớ khác để “bám trụ” tại Hà Nội. Đặc biệt khi chọn đi B, người ta đã cạy cục chạy cho bằng được những giấy chứng nhận “phổi có nám đen”, bị “thấp khớp kinh niên”...để “thật tiếc, không đi được”! Và con đường “chiến đấu” vô cùng an toàn là...tìm cách đi học ở nước ngoài! Đây cũng là lý do giải thích rõ vì sao học nước ngoài lại là mục tiêu chạy chọt, thậm chí học xong nước này lại học sang nước khác, hết trường này sang trường khác, hết đại học lại đến trên đại học!? Học xong, dù với “mảnh bằng hữu nghị” và mớ kiến thức tạp nham, là đã có một tương lai huy hoàng bày ra trước mắt, cực kỳ an toàn và vững chắc! Đó là những chiếc ghế dành sẵn, ít nhất cũng là giám đốc các trường nghệ thuật để dạy vài năm, hết chữ, lại xin đi học tiếp...rồi khi trở về bị “đá lên” thành cục trưởng, vụ trưởng, thứ trưởng. Chỉ tiếc các vị được “đi học suốt đời”, mang về những cái bằng “hữu nghị” để trưng diện ấy hầu hết là người chẳng có một quá trình văn nghệ thực sự nào, thậm chí chẳng ai biết từ lỗ nẻ nào chui ra khi về nhận những chức danh trên.
Trong khi đó, những nghệ sĩ, diễn viên thật sự có tài thì hầu hết phải “suốt đời phục vụ”...không điều kiện. Muốn phục vụ tốt hơn thì lại gặp một điều kiện khắt khe: chưa phải...đảng viên. Y như một anh muốn mua vé số thì .. không tiền, còn anh được phát không vé số thì bao giờ cũng trúng số kép, số cặp. Công thức này tới nay vẫn được vận dụng: đó là “vào Đảng → đi nước ngoài → được đề bạt khi tốt nghiệp hoặc... “xấu nghiệp” về nước.”
Số phận giới văn nghệ sĩ miền Bắc Việt Nam qua hai cuộc chiến kéo dài tốn nhiều xương máu nhất trong lịch sử Việt Nam là số phận lạ lùng nhất thế giới, thậm chí nhất cả trong lịch sử văn học nghệ thuật loài người!... Hãy đi tìm mộ của những người suốt đời làm văn nghệ “vì Đảng vì Dân” xem họ được “cơ cấu” nằm chỗ nào: Văn Điển, Bất Bạt, hay Mai Dịch ([12]) hay mất xác chẳng ai biết ở đâu? Mỉa mai và khôi hài hơn nữa là càng hăng say, càng tham gia nhiều năm vào hai cuộc chiến thì rốt cuộc lại chẳng xứng gót giầy của những anh suốt đời chạy Cộng Sản, hết “về thành” (về Hà Nội) lại dông vào Sài Gòn, rồi dông tuốt sang Pháp, sang Mỹ! Họ đều trở thành văn nghệ sĩ thực thụ khi họ không làm chính trị mà chỉ vùi đầu vào làm nghệ thuật. Ngày nay họ được tâng bốc, đề cao, nịnh bợ, thậm chí được phong tặng mọi học vị, danh hiệu sang trọng bởi chính nhà nước cộng sản Việt Nam mới kỳ! Trước kia nhà nước cộng sản cấm đoán tác phẩm của họ, lên án họ là “phục vụ đế quốc” là “chủ nghĩa thực dân mới”, là “bồi bút cho Mỹ Ngụy” thì nay lần lượt tất cả đều được... phục hồi không tuyên bố. Không kể các học giả như Trương Vĩnh Ký, Dương Quảng Hàm, Hoàng Xuân Hãn, Trần Văn Khê, ngay các nhà văn, nhà thơ, nhà nhạc xếp vào loại phản động nhất như Nhất Linh, Vũ Bằng, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Tạ Tỵ, Lê Thương, Dương Thiệu Tước ([13]) Phạm Đình Chương([14]), Trần Thiện Thanh…bị chửi bới trên giấy trắng mực đen hẳn hoi cũng được các nhà “cộng sản tân thời” lẳng lặng cho “tái xuất giang hồ” với lời khen bất hủ, tuyệt cú, số dách của mấy tay gọi là nhà phê bình luôn ăn không nói có, luôn quay theo hướng Đảng bảo phải đi, phải nói! Với tôi, tác phẩm của những vị “mới được đề cao trở lại” kể trên, tôi luôn khẳng định: “Đây mới thật sự là văn nghệ”! Nhưng một loạt các nhà văn, nhà thơ, nhà nhạc, nhà họa chẳng có tiếng tăm gì thời Pháp-Ngụy, Mỹ-Ngụy cũng tranh thủ thời cơ, chìa ra các “tác phẩm” đã bị đồng nghiệp xưa kia cho là đồ “Mari Sến”([15]), đồ “cóp pi” thì nay gặp thời vận, gặp sự dốt nát ở trên ngôi, được đón nhận, được bầu vào “tóp ten”, xuất bản tùm lum các “đĩa vàng”, “đĩa bạc”!
Những “nghệ sĩ không may” như Bửu Tiến, Minh Trâm, Hoàng Uẩn, Nguyễn Ninh, Cao Kim Điển, Ngân Quí, Nguyễn Thị Thậm, Kim Ngọc ([16])…và nhiều nhiều người nữa cùng những người đã chết trên danh nghĩa nghệ sĩ kháng chiến, nếu còn sống, sẽ tủi hổ biết bao khi danh hiệu nghệ sĩ này, nghệ sĩ nọ lại dành cho những người không một ngày “vì Đảng, vì Dân”!
Số phận cay đắng này gần như trên 90% các vị văn nghệ sĩ theo Đảng qua hai cuộc chiến đều lãnh đủ. Lý do: thời thế đã khác xưa. Trước tiên là người đời đã đào sâu chôn chặt những gì các anh đã viết về “đánh Pháp” “đánh Mỹ” và đánh...“nhau”. Nguyễn Tuân có gì ngoài tuỳ bút Sông Đà và mấy bài viết khá tồi về tù binh Mỹ? Văn Cao, Zéro! Huy Cận? Xuân Diệu? Cũng zéro! Liệu sau này lịch sử văn học nghệ thuật Việt Nam có dành cho các vị ít dòng về thành tích huy hoàng từ khi chưa có Đảng? Liệu các vị Nguyễn Khải, Đào Vũ...còn gì để lại nếu không phải là những cái được người ta nhắc đến để minh chứng cho “Lời ai điếu cho một nền văn nghệ minh họa” của Nguyễn Minh Châu ([17]) là hoàn toàn đúng?!
Vâng! Dẫn chứng cho gần một thế kỷ văn nghệ... HÈN! Riêng về âm nhạc, tôi dám khẳng định: Sẽ không ai biết, không ai hát lại thứ bài ca “Ơn Đảng muôn đời”, “Giết! Giết! Giết!... Bắn! Bắn! Bắn!”...nữa. Ngay bây giờ người ta đã yêu cầu các tác giả sửa chữa những câu có mấy chữ “đánh Mỹ” trong một số bài hát đang còn dùng tạm vào những ngày lễ lạt, kỷ niệm, cho… phải đạo rồi! Thời thế đã yêu cầu Đảng phải quay ngoắt 180 độ. Nhưng lúc nào... Đảng cũng đúng hết, bất kể quay thế nào, quay đi đâu! Mấy anh trót làm “văn nghệ mì ăn liền”, hô khẩu hiệu thay hát, vẽ quảng cáo thay hội họa, cũng chỉ như muôn ngàn vỏ chanh Đảng đã vắt kiệt nước hãy an tâm mà sống nốt cuộc đời sai lầm còn lại! Ít nhất cũng... sướng hơn cả triệu người đã hy sinh cho Đảng, chết mất xác khắp mọi miền đất nước! Thôi thì hãy tập họp lại chờ Đảng phát chẩn cho mỗi anh một cái bằng khen, một tấm huân chương, một danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, ưu tú, ưu tiếc... kèm theo tí tiền còm để các anh biết Đảng “thank you” và xin ngồi chơi xơi nước chứ đừng viết hồi ký hồi kiếc, anh-tec-net anh-tec-niếc gì mà gây khó cho Đảng...
Thêm một khía cạnh mà con mắt lịch sử nghiêm khắc sẽ khó bỏ qua là trò đầu cơ thời thế. Bất cứ đám cháy nhà nào cũng có không ít kẻ vớ bở nhờ hôi của. Giới văn nghệ cũng không khác với kẻ “hôi của” trong chiến tranh và sau chiến tranh. Đó là đám lợi dụng chiến tranh, và cả thời buổi nhiễu nhương sau chiến tranh, để “hôi của”, “đầu cơ thành tích” bằng mọi thủ đoạn nhằm giành giật địa vị ăn trên ngồi trốc trong làng văn nghệ. Nhiều người trong đám này xuất thân là anh giô-kề (nài ngựa) hoặc anh loong-toong ([18]) nhà xéc, mặt rô gánh hát... đã nương theo thời thế mà trở thành... nhà văn, nhà thơ, nhà điện ảnh, đạo diễn, thành phó tiến sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư... theo kiểu “Có biết nghề chụp ảnh à? Đã từng là chủ tiệm ảnh à? Thôi, được, về điện ảnh!” Cứ mở lý lịch mấy đạo diễn, giám đốc xưởng phim ra mà xem. Gần như ông nào cũng có quá trình làm... “phó nhòm” hoặc chủ tiệm ảnh... phố huyện! Còn đạo diễn ư? Cứ mặt nào trông được thu vào đoàn kịch mà không diễn được thì trở thành... đạo cho người khác diễn! Thời chiến “nhanh-nhiều-tốt-rẻ” nên văn nghệ cũng “nhanh-nhiều-rẻ..., còn tốt hay không tốt “bất thành vấn đề”. Riêng giới nhạc sĩ, một số tên tuổi mà từ những bước “làm văn nghệ liều”, dựa trên chính sách “chiếu cố” — người miền Nam, người dân tộc thiểu số, đảng viên, gốc gác công nông binh — thì thi nhau chạy chọt để được ơn trên trông xuống, kiếm chút hư danh.
Tai hại nhất là những “nhà văn nghệ” bất tài được tuyển vào giảng dạy ở các trường nghệ thuật. Danh hiệu giáo sư, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú được hào phóng ban tặng cho những kẻ không hề có một tác phẩm, một công trình nghiên cứu nào ra hồn, thậm chí chưa hề làm “sư” để “giáo” cho ai ở bất cứ một trường nào. Chỉ khổ cho đám học trò bị học lũ thầy “học tắt”, “học ngang”, học dốt, thậm chí...chẳng học được điều gì sau mấy năm đi học nước ngoài! Cuối cùng, những cái “máy cái” lại đẻ ra một lô “máy con” làm khổ tai, khổ mắt và khổ... mũi thiên hạ! Những cái bát nháo về giá trị, tài năng, sinh ra những mâu thuẫn ngày càng xuất hiện rõ nét từ khi “cuộc chiến chống Mỹ” sắp đến hồi kết thúc. Đó là những ngày Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, những ngày được sống trong không khí “nửa hòa bình” sau hiệp nghị Paris 1972.
Các trường học, rạp hát lại mở. Các gia đình tứ tán về đoàn tụ. Những ca khúc “Không cho chúng nó thoát”, “Sẵn sàng bắn”,“Phải giết lũ giặc Mỹ”, “Đánh đích đáng”... bắt đầu bị đe dọa xóa sổ! Đơn giản là Mỹ rút theo hiệp định đến nơi rồi! Còn đâu nữa mà...“đánh” hoài! Mà nếu chỉ còn “ta đánh ta” thì dù là văn nghệ sĩ quốc gia hay cộng sản xem chừng ngòi bút đã đến hồi... khó ra mực!
Nguyễn Văn Thiệu hô hào:“Ba không với cộng sản.”
Lê Duẩn thì “Đánh tan âm mưu Việt Nam hóa chiến tranh.” Cái bi kịch “nồi da xáo thịt” âm thầm đặt văn nghệ sĩ miền Bắc có lương tâm trước bức tường trong ngõ cụt.
Người lính Mỹ cuối cùng đã cuốn cờ rút khỏi Đà Nẵng. Chỉ còn một mục tiêu: “Đánh cho ngụy nhào”.
Mà “ngụy” là ai? Tất cả chúng tôi, nhất là những người từng chứng kiến tận mắt cảnh “tay phải chém tay trái”, từng khóc lặng trước cái chết của cả một tiểu đoàn, một đoàn xe, một đơn vị thanh niên xung phong, từng ngửi mùi xác chết ở các ngọn “đồi thịt băm” trong chiến dịch Lam Sơn 719, liệu còn lòng dạ nào viết lên những khẩu hiệu như “Tiêu diệt đến tên ngụy cuối cùng”?
Trong cuộc chiến đã được Việt Nam hóa, bên ăn cơm quốc gia cũng như bên uống nước lã cộng sản đã đẩy ra mặt trận cả trăm ngàn trai trẻ Việt để họ lăn xả vào chém giết nhau! Những “đồi thịt băm” mới này còn kinh hoàng hơn nhiều so với “đồi thịt băm” Khe Sanh, vì ở đó người Mỹ có đủ phương tiện dọn sạch những gì còn lại của một xác lính Mỹ. Trái lại, trong chiến dịch Lam Sơn 719, hàng trăm thây người chỉ là những đống thịt thối rữa phơi mưa, phơi nắng làm mồi cho hàng đàn quạ đen và chó hoang! Chẳng bên nào kịp lo chôn cất hoặc thắp bó hương cầu cho linh hồn họ được siêu thoát! Tôi có thêm dịp để tự đặt cho mình những câu hỏi: Thằng Mỹ ăn cái giải gì trong cuộc chiến hao tài tốn của này?” Hay: “Chỉ vì các anh là cộng sản nên tôi phải diệt?” Hoặc: “Vì sao nhiều người sợ, nhiều người căm cộng sản đến thế?” vv...
Những câu hỏi “chính trị” này, trước kia ít khi dày vò tâm trí tôi. Từ khi đi Trường Sơn về, do mặt giáp mặt với cuộc chiến, qua những gì tận mắt trông thấy: Những thây ma cả của “ta” lẫn của “ngụy” nằm vắt lên nhau, những đoàn “tù binh ngụy” bị bắt ở chiến dịch Lam Sơn 719 thất thểu đi bên những cáng tải thương đẫm máu của “lính ta”, những bộ xương trắng hếu trong rừng, trên đồi, ở bờ suối, không biết là của lính bên nào…trong tư tưởng và tình cảm của tôi đã có một cuộc đảo lộn ghê gớm.
Không thể cứ hô hào “oánh” nhau mãi được. Phải dừng ngay cái kiểu “vẽ tranh cổ động chiến tranh bằng âm thanh” nếu không muốn trở thành tòng phạm. Và tôi đã tìm được lối thoát, đúng hơn là một nơi lẩn trốn: Quay về với nhạc không lời, một thứ bất khả phê bình, dù ngay lúc này có một Zhdanov quyền sinh quyền sát Việt Nam!
Confession No.I, No.II ra đời như dấu chấm hết nghề làm nhạc tuyên truyền cho cái “chính nghĩa” giết người, như lời tuyên bố muộn màng giã từ vũ khí của tôi. Sau ba năm tung hứng với thứ “âm nhạc chẳng để làm gì” ấy — trừ giáo sư Chu Minh lấy làm tư liệu giảng dạy ở đại học sáng tác — cuối cùng tôi “nhét” được vào các bộ phim Tự Thú Trước Bình Minh (đạo diễn Phạm Kỳ Nam) và Như Thế Là Tội Ác, Lối Rẽ Trái Trên Đường Mòn (đạo diễn Huy Thành)! Về ca khúc, tôi “tạnh” hẳn cái sở trường “có ngay”, đùng đoàng, hò hét để vùi đầu vào cái “chết được báo trước” của sự sáng tạo quá sớm: Nói về các mất mát, đặc biệt mất mát tuổi xuân, mất mát thời trai trẻ, mất mát tình yêu... Màu Xanh Trường Sơn Màu Đỏ Trường Sơn, Những Người Trẻ Mãi, Em Và Quê Hương. Những ca khúc này như máu rỉ ra từ trái tim, y như cái thời Nụ Cười Sơn Cước, Đứt Dây Đàn... chẳng nhận được sự hoan nghênh nào của các cơ quan độc quyền xử dụng và truyền bá âm nhạc! Họ có in có thu thanh rồi tìm cơ hội “tỏ vẻ lập trường”, phê phán tôi: “Lại trở về thời bi lụy, lại kiểu cũ Nụ Cười Sơn Cước! Lại Đứt Dây Đàn!” và cuối cùng quyết định cho chúng vào “tủ lạnh” để ít lâu sau...huỷ! Chính ba năm trước ngày 30-4-1975 trong tôi đã nảy sinh tư tưởng vĩnh biệt lần thứ hai cái nghề âm nhạc. Lần này không phải do thấy mình quá kém về vốn liếng, nghề nghiệp, trái lại, lại tự thấy mình...quá thừa về mọi mặt văn hóa so với những người nắm đầu, nắm cổ mình nay lại có thêm một niềm tự tin: “Chúng tao mới là người chiến thắng!”
Khổ hơn nữa là những gì mình hiểu biết thì không được làm, được nghĩ, được mang ra ứng dụng trong cuộc sống, trong sáng tác. Tôi thấy trước tương lai mờ mịt của nền âm nhạc sặc mùi chiến tranh ở miền Bắc. Trước cơn lốc sóng thần của The Beatles, Rolling Stones, Abba... qua ngả Ba Lan tràn vào Việt Nam, nó vô phương chống đỡ. Một chi tiết thú vị: Dòng nhạc mới sôi động đầy sinh khí này không do “thế lực thù địch” nào tuồn vào mà do chính ông tổng thư ký Hội Nhạc Sĩ Huy Du bỏ trong va ly từ nước ngoài mang về.
Lần này, câu hỏi “ai thắng ai?” thường được các nhà tuyên giáo vênh váo đặt ra trước cử toạ đã có câu trả lời. Một Pugachova, một Ivanova ([19]), dù “phe ta” có tung lên tận trời cũng không sao cự lại xu thế chẻ tre của một J.Lennon, một Migg Jagger, một Tom Jones hoặc một Abba ([20]). Chỉ qua số lượng đĩa bán ra, giá tiền chênh lệch gấp 5, gấp 10 lần cũng đủ thấy quần chúng, “người trọng tài vô tư nhất”, khẳng định cái gì, phủ nhận cái gì.
Tôi đã thấy nền ca khúc (không phải nền âm nhạc) của nhiều nước bị hòa tan vào phong trào pop rock ra sao. Tôi đã học và viết khá nhiều về chân, thiện, mỹ trong ca khúc những năm 1970, 1980, 1990..., đã nhân danh những tư tưởng tính, dân tộc tính...đấu tranh cho sự tồn tại của cái đẹp đích thực trong âm nhạc một cách vô ích, thậm chí dở hơi như Don Quichotte ([21])!
Phải thú thực là dù có những tư tưởng...khác người, thậm chí táo bạo, tôi vẫn là kẻ đã bị nền giáo dục nhồi sọ của Đảng Cộng Sản khắc sâu vào xương, vào máu, vào trí não. Tôi đã từng sẵn sàng đặt bút ca ngợi một cái chết với... “tư tưởng tính” cao, những hy sinh vĩ đại hơn bất cứ sự hy sinh nào khác ở trên đời. Nhưng chí ít, tôi cũng dám nói, dám viết phần nào cái ray rứt trong tôi: tại sao lại cứ “tưng tưng” ngợi ca chiến thắng một cách ào ào thế? Làm như thể chiến thắng là một cái gì ngon ơ như miếng bít tết trong đĩa đặt sẵn trên bàn. Càng tức cười hơn khi người ta ca ngợi mọi chiến thằng cứ như do ai đấy đã định sẵn, đã chỉ ra, “đã ra đi là chỉ có chiến thắng”!
Các vị ca ngợi sự đi đánh nhau như “trẩy hội mùa xuân” có bao giờ thấy cảnh hàng trăm xác người thối rữa trên đồi không tên, cảnh cả tiểu đoàn công binh trên cua chữ A bị xoá sổ, cả đại đội xe tải bị bốc hơi, có thấy trên trăm cô gái 17, 18 tuổi buổi chiều còn chải tóc bên bờ Ta Lê thì buổi tối đã... không còn một mảnh thân nguyên vẹn, các vị có thấy cả trăm con người của làng địa đạo Vĩnh Mốc trong đó có cả trẻ sơ sinh bị chôn sống mà 30 năm sau cũng chẳng ai nghĩ tới việc “cải táng” cho họ không?...
Kể từ khi đi đường 559 về, tôi đã thấy cái thực tế mà nhiều nhà lãnh đạo không muốn chúng tôi thấy, hoặc có thấy cũng không được phép nói ra. Nó thật kinh khủng, thật phũ phàng — cái mặt thật của con quỷ chiến tranh!
Chả trách không ít nhà văn lớn, nhà tư tưởng lớn đã phải thay đổi cách nhìn, cách nghĩ, cách viết, thậm chí quay hẳn 180 độ chỗ đứng của mình. Một Sartre ([22]), một Erhenburg, một Shostakovich bị các lý thuyết gia cộng sản lên án về tư tưởng phi vô sản trong tác phẩm, trước kia, tôi cũng nghĩ theo những quan toà nọ rằng họ là “bọn phản động”, còn người nào từng là đảng viên đảng cộng sản thì đã mất “đảng tính”. Tôi quá non nớt để hiểu tại sao một văn nghệ sĩ nổi tiếng cỡ thế giới một ngày nào đó bỗng xin ra Đảng và tuyên bố từ bỏ chủ nghĩa Mác. Tôi không hiểu tại sao người vĩ đại như Shostakovich trong chiến tranh với “bản giao hưởng số 6” lại có thể thay đổi tư tưởng trong hòa bình và sau chiến thắng lại đau khổ với các tác phẩm cuối đời, đặc biệt là bản giao hưởng số 13.
Thì ra cái vị đắng đến tê tái tâm hồn người nghệ sĩ trong những “bữa tiệc chiến thắng” càng đắng, đắng đến tột cùng, bởi cái giá phải trả của bữa tiệc quá khủng khiếp, quá tanh tưởi, và mất mát quá to lớn!...
Cũng phải nói ra một điều để soi tỏ cái bế tắc trong sáng tác của tôi là không phải tôi đã mất tinh thần, mất lòng tin vào chiến thắng cuối cùng. Trái lại, qua chuyến đi này, tôi càng thấy “ngụy nhào” là cái chắc, vì Mỹ rút là “ta” đã thắng 70 phần trăm rồi. Nhưng, từ nay đến ngày “ngụy nhào”.. miền Bắc còn bao nhiêu xương rơi, máu đổ? Phía bên kia thì thằng Phát, thằng Đạt, những đứa em tôi; thằng Định, thằng Thọ, những bạn học của tôi... bao giờ sẽ trở thành món “thịt băm” trước cái quyết tâm “còn cái lai quần cũng đánh” của “ta”? Tôi mang trong lòng một “niềm tin đau xót” là như vậy! Tôi đã nén phần đau xót để viết báo, đi nói chuyện khắp nơi. Đặc biệt là buổi nói chuyện ở nhạc viện Hà Nội, không ít giảng viên, học sinh sau khi nghe tôi nói đã tình nguyện xung phong lên đường. Thậm chí, chị Thái Thị Liên ([23]) cũng hăng hái ghi tên. Tuy nhiên, trong các buổi mạn đàm riêng, tôi lại can họ: Muốn giữ vững tinh thần thì hãy biết Trường Sơn qua những gì đã tưởng tượng, qua những gì báo chí đã viết và cả qua những buổi nói chuyện công khai của chính tôi thay vì đối diện với thực tế. Thế đấy! Con người đầy mâu thuẫn trong tôi luôn khiến mọi người ngạc nhiên, thậm chí lên án là đồ nói một đàng nghĩ một nẻo và làm thì nửa xanh, nửa đỏ. Nói trắng ra là lập trường không rõ, nghệ thuật lấp lửng!
Tất cả ý kiến đó, đối với tôi, lúc này đều làm cho tôi thêm tự hào vì giúp tôi đánh giá mình đã trưởng thành trong tư tưởng. Một “luồng gió tự do” đã bắt đầu cuồn cuộn trong tôi, với niềm tin ngày đổ bộ Sài Gòn sẽ tới. Tôi sẽ làm lại từ đầu, độc lập và tự do hoàn toàn khi gặp lại gia đình, những người thân... Lúc này, các cơ quan đều chuẩn bị cho khi đất nước thống nhất có thể đảm trách được công cuộc cải tạo cái “xã hội thực dân mới” “phồn vinh giả tạo” của “miền Nam đau thương và anh dũng”!
Tôi và một số anh em tin vào thắng lợi một cách khác lại lo cho tương lai của mình theo kiểu riêng. Chúng tôi đều nghĩ tới “tính hơn hẳn” của văn nghệ miền Bắc so với miền Nam, đặc biệt về âm nhạc. Với tôi, miền Nam chẳng có gì ngoài ca khúc. Trường Quốc Gia Âm Nhạc ở Sài Gòn không hề có khoa sáng tác, nghĩa là ở đó người ta chưa hề biết đến âm nhạc hàn lâm! Phải phát huy mặt mạnh này để chiếm lĩnh âm nhạc miền Nam.
Những hoài bão, những kế hoạch, chương trình “thống trị” về âm nhạc của miền Bắc được bàn tán, vạch ra rôm rả ở các sa-lông, bên mâm rượu, ở nhà Chu Minh, Hoàng Hiệp... và cả ở quán xủi cảo, thịt cầy... diễn ra rôm rả tối ngày. Hơn mười đoàn văn công và nhà hát đều sắp sẵn các chương trình “vĩ đại”, những trái “bom tấn” để đánh đòn phủ đầu vào dinh lũy âm nhạc miền Nam, theo chúng tôi nghĩ, chỉ là thứ âm nhạc... cabaret ([24])!
Riêng cá nhân tôi, có lẽ hoài bão lớn nhất — vì đã được hứa sẽ bổ sung cho nhà xuất bản Giải Phóng — nên lo trang bị cho mình thêm những gì đang còn có chút “lép vế”! Đó là tiếng Anh! Tôi xếp lại mọi việc, kể cả các “com măng” ra tiền để hàng ngày theo đuổi lại cái môn học mà trước kia ở trường Tây mỗi tuần chỉ được dạy có một tiết. Sắp 50 tuổi, lòng ham học có phần kém đi, nhưng cái “sĩ diện” khi nghĩ tới lúc phải gặp các đối tượng “bị chủ nghĩa thực dân mới đầu độc” đã giúp tôi cố gắng đội nón lá, đạp xe đến trường Gagarin ([25]) để lấy cho được tấm bằng tốt nghiệp Anh văn trung cấp!
Hai năm trời coi như tịt ngòi sáng tác, tôi và không ít người chờ cái ngày “ngụy nhào” đến mỏi mắt mà chưa thấy. Không phải chúng tôi chỉ tin vào luồng thông tin duy nhất như trước mà đã có gần 10 đài phát thanh để nghe, có cả trăm tờ báo kể cả Đối Diện, Trắng Đen, Tia Sáng của miền Nam để chuyền tay nhau. Càng đọc càng thấy các cuộc mặc cả, các vụ ù lì trên bàn đàm phán, các vụ lên giọng, xuống giọng từ Washington, Moskva, Bắc Kinh, Paris ... đều biến chuyển theo số máu đổ, xác chết của người Việt Nam ở cả hai miền.
Lạnh lùng và tàn nhẫn đến khủng khiếp!
Hơn hai năm, các buổi họp ở Paris mỗi tuần một lần giữa các bên tham chiến đều kết thúc bằng những câu chữ chẳng thêm bớt bao nhiêu. Có tờ báo Tây đã gọi thẳng đó là “discussion des sourds - cuộc đối thoại của những kẻ điếc” vì chẳng ai muốn nghe ai. Nhưng họ quên là cả hai bên đều nghe rất rõ tiếng súng, tiếng bom đang phá hủy và biến thành tro bụi bao nhiêu làng xóm, phố phường, xoá sổ bao nhiêu sư đoàn người... của cái đất nước không may mắn này. Chỉ cần thêm bớt một câu chữ, đồng ý một từ vô nghĩa như “chính phủ liên hiệp ba bên” đã phải trả giá bằng cả một thành cổ Quảng Trị biến thành bình địa, đã mãi mãi không bao giờ tìm ra xác của cả một đơn vị vừa thành lập gồm toàn các chú bé học sinh miệng còn hơi sữa. Tất cả những gì tôi thấy, dù miền Nam đã có một Trịnh Công Sơn ([26]), giới âm nhạc Việt Nam cho đến giờ, vẫn vô tình hay cố tình không thấy, vô tình hay cố tình bỏ qua đến nỗi không có một bản giao hưởng, một sonate, một requiem ([27]) cầu nguyện cho hàng triệu con người đã tan vào khói lửa của cuộc chiến kéo dài gần 40 năm.
Bỗng dưng tôi ghê sợ những bài hát “tưng tưng” lên mỗi khi thấy chúng xuất hiện trên đài! Những tiếng “đánh đến cùng”, “thần tốc! thần tốc!”, những lời lẽ đại ngôn “đi là thắng”, “bước lên đầu thù” vv...đều làm tôi muốn bịt kín tai lại...Tôi tỉnh ra là lâu nay mình đã được chiến tranh “tha mạng”, kể cả thằng con trai độc nhất cũng được tha cầm súng mà đi học nước ngoài nên mình đẻ ra những thứ “hô hào đánh nhau” một cách...quá khách quan và vô tư!
Chao ôi! Sự hy sinh được báo trước của “Mười cô gái Đồng Lộc”, sự mất mát của cả một lớp trẻ, những chàng trai bỏ xác dọc đường Trường Sơn, lại chỉ được nói đến trong các bản giao hưởng của một nhạc sĩ Nhật Bản Sato và nhạc sĩ Việt kiều Nguyễn Thiện Đạo.
Tôi cảm thấy nỗi nhục vì tài hèn sức mọn, vì thấy “trên” chưa đặt vấn đề, vì hoàn cảnh chiến tranh, vì thiếu thốn, vì…đủ thứ! Tôi cũng nhìn thấy tương lai xám xịt của cái nghề làm “ca khúc xã luận”, “ca khúc động viên”, “ca khúc giáo dục”, “tuyên truyền.” Điều này trở thành hiện thực rất nhanh chóng khi âm nhạc trở về với bản thể của nó: Tiếng nói của trái tim trở về với cái Chân, Thiện, Mỹ vốn cần phải có để tồn tại. Cái kho tàng âm nhạc chiến tranh (thật ra là đống bài hát cổ võ đánh nhau) chẳng ai nói ra, nhưng đều biết sẽ tự hủy trong Hòa Bình. Đó là một quy luật khách quan, không thể khác. Phải trở về với cái Đẹp trong âm nhạc là tất nhiên. Nhưng, với ngôn ngữ nào, phong cách nào, với cái Đẹp thế nào là đúng đắn, là hiện đại, là dân tộc?
Chính vì cái Đẹp này trong nghệ thuật mà nhiều năm về sau, khi đã thống nhất hai miền, một sự chia rẽ thành... năm, bảy miền trong nghệ thuật lại nảy sinh! Cuộc đấu tranh “ai thắng ai” trong âm nhạc nói riêng đã kéo tôi vào cuộc, hăng hái và chủ quan hơn người, vì tự cho mình có võ khí lý luận, kỹ thuật và chỗ đứng trên tư thế kẻ thắng, đã kết thúc thảm bại về phía tôi như thế nào.
Trở lại với những năm hoàn toàn thay đổi về cách nhìn chiến tranh và tắc tị ngòi bút vì bất lực, vì không có điều kiện sống để viết cho... thính giả của năm mươi năm sau (vì biết trước chẳng ai chịu dàn dựng những “của độc” ấy giữa lúc người ta đang còn say mê với chiến thắng), tôi rất chủ quan lao vào con đường không kém phần... vô ích.
Đó là dành gần hết thời gian trang bị lại từ đầu đến chân mọi thứ vũ khí cần thiết để diễu võ dương oai khi Hòa Bình! Vũ khí đó là vốn liếng về nghề nghiệp. Tôi đã nhịn ăn, tiêu, mua sắm những thứ không cần thiết để sưu tầm càng nhiều càng tốt mọi sách vở, đĩa hát (lúc ấy loại đĩa 33 vòng/phút đã chiếm ưu thế), đặc biệt là các tổng phổ của các tác giả bậc thầy thế giới để nghiên cứu, phân tích. Tôi cũng mở những lớp học hòa thanh, tác khúc, phân tích tác phẩm cho một số anh em còn chưa được trang bị một số “miếng võ” cần thiết cho việc dấn thân vào con đường âm nhạc, để có dịp ôn lại những gì lâu nay, do lao vào “vẽ tranh cổ động” tôi đã xếp xó!
Để có tiền, tôi viết nhạc cho phim, cho kịch, nhưng với quan niệm hoàn toàn mới: Làm để sống chứ ai thèm để ý đến thứ âm nhạc thay tiếng động mà các nhà đạo diễn mù nhạc xử dụng! Sự thật là như thế. Có ai nhớ đến Hà Nội 12 Ngày Đêm, thậm chí cả Chiến Dịch Đường 9 Nam Lào, Đại Đội Trưởng Của Tôi, Đôi Mắt... là âm nhạc của Tô Hải, của Tô Sơn Hà (bút danh để viết cho Xưởng phim Giải Phóng ([28]) nó hay dở thế nào? Chỉ biết là 25, 30, 45 đồng một phút nhạc theo cách tính bản quyền kỳ quái thời ấy đã giúp tôi không chỉ đủ sống mà còn có tiền mua phương tiện làm việc như những tổng phổ, những đĩa hát và cả một dàn stéréo, máy ghi âm thuộc loại tốt nhất lúc ấy. Bên cạnh đó, tôi có thêm một nghề lâu nay không dùng đến là dịch thuật. Bắt đầu là dịch các sách về kỹ thuật âm nhạc, sau đó là tác phẩm của Victor Hugo ([29]), của Steinbeck ([30]), của cả J.H.Chase, Exbrayat ([31])... mà tôi cho là sẽ có ngày...hái ra tiền, vì tôi thấy nó hay, nó hấp dẫn, nó chẳng có đảng tính, nhân dân tính, chẳng “hiện thực xã hội chủ nghĩa” tí nào, nhưng xúc động, mở rộng kiến thức cho người đọc.
Cái khát khao vươn tới một người “vô địch trong âm nhạc” trong văn hoá nói chung đã đưa tôi tớí các cuộc phiêu lưu mới mà sau này, mới thấy là... vô ích, dù nó vẫn có ích cho tôi khi về già ngồi đọc sách anh em, bạn bè từ bên kia đại dương gửi về tặng, hoặc nghe nhạc Rap chửi bậy bằng tiếng Anh (nhai lại của nhóm Gangsta Rap Snoopy Doggy and Dog) thì biết đứng dậy ra về chứ không vỗ tay đôm đốp như mấy nhà lãnh đạo âm nhạc.
Những năm 1974-1975, số nhà 39 Trần Quốc Toản Hà Nội của tôi, kể cả 12 ngày có chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, luôn là nơi gặp mặt của những người đầy lòng tin ở tương lai, là nơi bàn tán về “chiến thắng” nhanh chóng của âm nhạc miền Bắc và có cả trăm thứ kế hoạch cá nhân sẽ làm gì, viết gì, sẽ phải cải tổ từ cách suy nghĩ đến phương pháp làm ăn của ngành nghệ thuật to mồm nhưng bé miệng này, một nền âm nhạc què quặt chỉ “trần xì” có ca khúc ở cả hai miền Nam Bắc.
Tuy nhiên, khi nói đến ca khúc: Đặc sản độc nhất của âm nhạc cả hai miền thì chí ít “bên kia” cũng có một Trịnh Công Sơn với những bức tranh lụa, tranh thuốc nước, sơn dầu (có thể chưa có sơn mài!) bằng âm nhạc nói lên cái hiện thực của chiến tranh “tay này chém tay kia” mà miền Bắc bói cũng không ra! Dù có “hay” theo kiểu Tiếng Đàn Ta Lư, có tí “anh, anh, em, em”... như Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây chăng nữa thì nhiều lắm cũng chỉ tồn tại vào những ngày...kỷ niệm mà chẳng ai thấy hứng thú! Còn loại được coi là hay lắm và được giải thưởng như Sẵn Sàng! Bắn!, Anh Vẫn Hành Quân, Không Cho Chúng Nó Thoát, Đánh Đích Đáng... thì nhiệm vụ của chúng đã hết từ trước ngày 30-4-1975 rồi!
Tôi luôn nghĩ đến cái “thế mạnh” đã hết... mạnh của nền ca khúc miền Bắc, và cái gì sẽ xảy ra nếu các cây viết của “phe ta” cứ tâng tâng mãi, cứ hùng hục mãi những ngày sắp tới? Dù ở vị thế kẻ thắng thì Tiến Về Sài Gòn không thể cứ vang lên mãi mãi sau khi kẻ thắng đã ăn dầm nằm dề tại Sài Gòn! Cái khó là lúc vào Sài Gòn rồi thì làm gì, hát gì, viết gì đây? Đổi cách nghĩ, đổi đường lối sáng tác đâu phải chuyện dễ, nhất là trong cảnh... quá hiếm văn nghệ sĩ, nhạc sĩ mà trình độ văn hóa, có tư duy sáng tác đủ để có thể viết ra một câu thơ, một lời ca có ý nghĩa sâu sắc! Chính phát biểu này của tôi đã dội không ít gáo nước lạnh vào mấy cái đầu tự mãn và “chạm nọc” mấy ông chức quyền trong văn nghệ!
Hà Mậu Nhai, giám đốc nhà xuất bản Giải Phóng, sau đổi thành nhà xuất bản Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh, xin tôi về bổ sung cho lực lượng tiếp quản âm nhạc đã nhắc tôi: “Bớt các lời lẽ thiếu suy nghĩ đó đi, có những cái đúng mà nói ra sớm quá là...sai đấy. Việc dàn quân trước lực lượng “văn nghệ ngụy” sẽ không thể có cậu được đâu!” Sự việc diễn ra sau đó quả như thế: trong danh sách tiếp quản ngày 30-4-1975 hai nhạc sĩ bị gạch tên là Tô Hải và Chu Minh. Tô Hải thì rõ rồi, “lập trường không kiên định”, còn Chu Minh có lẽ vì người gốc...Tầu, đã thế lại hay chửi bới những thằng dốt trong các cơn say xỉn!
Một lần nữa, tôi lại thấy mình “lãnh đủ” vì những gì mà mình cứ tưởng là Hay, là Đúng, là Tất Nhiên. Tôi lại sai lầm, và cái sai lầm chết người nhất là sai lầm về đánh giá con người và đánh giá sai cả về bản thân.
Chính những kẻ ngồi nghe tôi đến há hốc miệng, đã “uẩy uẩy”, “nâm bơ oan” khi nghe tôi nói về sự “hết thời của thứ tranh cổ động bằng âm nhạc”, đã cùng tôi dệt nên một “giấc mơ âm nhạc đích thực” khi hết chiến tranh, lại là những kẻ thậm thụt báo cáo xấu về tôi với người có quyền trong việc tổ chức đội ngũ văn nghệ sĩ đi B lần cuối. Kèm theo là một cuộc rà lại lý lịch: Tôi có cả gia đình, bố mẹ và sáu đứa em kèm theo dâu, rể...trên một chục đang ở trong hàng ngũ địch! Lợi, hại của sự có mặt Tô Hải trong những ngày đầu tiếp quản lại đặt lên bàn.
Càng nghĩ đến những ngày đợi chờ lê thê, thấp thỏm, những cố gắng say mê, tin tưởng, phấn khởi khi được chọn để đối mặt, đối diện và đủ thứ đối khác với một lực lượng văn nghệ sĩ “ngụy”, được bồi dưỡng đủ thứ chính trị kiểu “văn hóa thực dân mới là thế nào” do ông Bùi Tín từ trại David Sài Gòn ra lên lớp cho chúng tôi, để rồi cuối cùng bị... gạt ra rìa mà càng uất ức. Thì ra người ta tin cả ngàn diễn viên, hàng loạt nhạc công, ca sĩ từng nhiều năm đàn, hát cho Tây, cho Tầu nghe hơn tin tôi. Sự uất ức lên đến cực điểm khi nhận được lá thư nhà do chính tay mẹ tôi viết: “Cả nhà đều mong con về... đã giành cho con một cái villa ở Gia Định, hẻm Long Vân Tự, đặt tên là “villa Tĩnh Tâm”, có cả một piano Yamaha dành cho con tha hồ sáng tác, sẽ để cho con riêng một xe hơi vv... và vv...”
Trong đầu tôi hình thành một quyết định: Từ giã không tiếc rẻ cái tổ chức đầy phi lí này. Tôi sẽ ra khỏi biên chế, sẽ là văn nghệ sĩ tự do, muốn làm gì thì làm, muốn đi, muốn viết gì thì viết, kể cả... chẳng cần viết cái gì!
Cái hèn một thời như sợ mất nồi cơm, sợ ra khỏi biên chế, cái chịu đựng đến nhục nhã để con cái có được miếng ăn, tấm áo, được đi học đến nơi đến chốn... lần này sẽ chấm hết. Ba đứa con tôi, hai đã vào đại học, đi nước ngoài bằng chính học lực của chúng, chẳng chạy chọt, chẳng do chiếu cố vì bất cứ tiêu chuẩn nào như người ta vẫn bầy ra hàng đống để chia nhau hưởng! Ở tuổi 49, tôi sẽ làm lại cuộc đời bằng chính khả năng của tôi. Hơn nữa, qua thư của em tôi gửi một người bạn nằm ở Camp David mới bay ra Hà Nội, tôi còn có hậu thuẫn gia đình. Tôi cũng hình dung cái cảnh...“loạn xà ngầu” sắp tới, đặc biệt là “loạn xà ngầu” về tư tưởng khi các vị công nông theo chân binh tiến vào Sài Gòn “phồn vinh giả tạo”... ra sao!
Thời gian đại quân chững lại Xuân Lộc cả tháng, một tấm bản đồ Sài Gòn được treo ngay giữa căn phòng 24 mét nhà tôi để hàng ngày, tôi cùng bạn bè nghiên cứu con đường ngắn nhất về hẻm Long Vân Tự, Gia Định, nơi ấy có nhà của cha mẹ, anh em tôi. Chữ NHÀ viết hoa, chữ NHÀ đã gần như mất hẳn trong khái niệm của biết bao con người suốt 30 năm qua, chữ NHÀ đã bị cái giáo điều quỷ quái làm cho u mê, đần độn hoặc bạc nhược nên ngu xuẩn đặt ĐẢNG trên hết, trên cả tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Người ta hay nói đến cụm từ “sĩ phu Bắc Hà” ở cái thời còn vua quan, còn toàn quyền, thống sứ chứ từ ngày sống dưới chế độ cộng sản, có lẽ “sĩ phu” có bói cũng chẳng ra được một mống từ sau vụ “Nhân Văn Giai Phẩm”, “Nhóm xét lại”! Tất cả, không trừ một ai, từ những Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung ([32]), Nguyễn Tuân đến Nguyễn Công Hoan, kể cả những người “cộng sản thứ thiệt” bị bọn con cái Tầu Mao cho ngồi chơi xơi nước như Ung Văn Khiêm, Trần Văn Giàu... tới bọn hậu sinh chúng tôi đều... sợ một phép, khi “những thằng vô học không sợ cả thế giới” dí lưỡi lê vào họng, mở cửa xà-lim ra đe dọa, hoặc cho một cái phiếu mua 3 lạng bơ Liên Xô, khoác cho một cái áo giấy “chiến sĩ thi đua”, thậm chí... “anh hùng lao động”! Còn cái đa số thầm lặng thì... dưới con mắt bọn lưu manh xảo trá đang cầm quyền, không đáng giá một xu.
Chẳng có một câu nói chống lại bạo quyền nào đáng ghi vào sử sách chứ chưa nói đến hành động! Chẳng có mặt nào xứng với móng chân của những trí thức, tu sĩ, công nhân, nông dân phản kháng bên Tiệp, bên Ba Lan! Thậm chí, kể cả những người tưởng sẽ căm thù cộng sản suốt đời vì bị giam cầm không xét xử cả 10, 15 năm, khi được tha mà chẳng có phục hồi danh dự, đền bù thiệt hại về vật chất và tinh thần cũng chẳng dám hé miệng !
Giới cầm bút còn hèn, đại hèn hơn nữa. Tìm đâu ra giữa vòng vây cộng sản Việt Nam một Evtushenko, một Pasternak, một Solzhenitsyn, một Tchukhrai, một Vaclav Havel ([33]), một Shostakhovich ([34]), một câu lạc bộ Petofi ([35]) Không phải ngẫu nhiên mà sau sự kiện nhân dân nổi dậy ở Poznan, Budapest, Praha... hàng loạt tên tuổi lớn đã công khai chạy khỏi cái “tà đạo” cộng sản. Sau những Jean Francois Revel, Garaudy, Drillon... là những tên tuổi lớn như Sartre, Yves Montand, Prévert, Aragon ([36])... “đi tìm một sự trung thành mới” (à la recherche une nouvelle fidélité) ngay trong sự nghiệp sáng tác của mình!
Trái lại, ở Việt Nam, tới nay, 2001, không vị nào dám viết một cuốn sách, dám làm một bộ phim vạch trần chỉ một chút xíu tội ác tầy trời của chế độ “vô học chuyên chính” này! Các tội ác trời không dung đất không tha của “cải cách ruộng đất”, “cải tạo tư sản” cướp của, giết người lẽ nào bị lãng quên khi những nhân chứng sống của thời đại đang dần dần về chầu Diêm Vương?
Vâng, xin lỗi! Tất cả nhà văn, nhà thơ, nhà nhạc, nhà kịch, nhà nọ, nhà kia...cho đến nay, vẫn còn bám cái vú của Đảng để sống đều là...những thằng hèn, chỉ có hèn ít hay hèn nhiều mà thôi! Riêng những thằng kiếm chác bằng cách bợ đít, bưng bô cho Đảng, những thằng leo lên cao do có công nịnh “Đảng đã cho ta một mùa xuân”, “Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng” thì...chữ Hèn đối với chúng cũng không xứng đáng. Tội của bọn chúng không khác tội mấy thằng Đoàn, thằng Đội Cải Cách khi xưa. Khi nào phần còn lại của thế giới được giải quyết nốt, tất cả các “tác phân” của bọn chúng cần được mang thiêu đốt cùng với người đẻ ra nó, nếu tên nào còn sống!...
Những ngày cuối cùng của cuộc chiến giữa hai miền đất nước, tôi đã ấp ủ cái hoài bão lớn nhất trong đời: Được thực sự làm nghệ thuật, được dứt bỏ hoàn toàn sự lệ thuộc vào biên chế nhà nước, được thoát khỏi cái vòng kim cô quá ư bần tiện là mấy chục bạc lương và nắm tem phiếu. Quan trọng hơn, tôi đã nhận ra cái nhục của một thằng suốt đời ăn theo, nói leo, nói dối, đã nhìn thấy bộ mặt thật của cái chủ nghĩa bất lương mà tôi đi theo một cách vô tình và bất đắc dĩ, nhưng không dám rời bỏ nó.
Lần này, với tài năng sẵn có, với vùng đất mới chưa khai phá về âm nhạc nghiêm túc, lại có sự hậu thuẫn của gia đình, họ hàng, tôi sẽ không bao giờ rơi vào hoàn cảnh khốn khó của Trần Dần, Lê Đạt khi vào tiếp quản Hà Nội!
Tôi sẽ là TÔI, độc lập tự do đúng nghĩa, sẽ làm âm nhạc đúng nghĩa...
Và, lòng rạo rực đến chẳng ăn chẳng ngủ được hàng tháng trời, chúng tôi, Chu Minh, Hoàng Hiệp, Trọng Bằng, Hồ Bắc ([37]), Văn An... hàng ngày bàn về một chiến dịch “đánh chiếm âm nhạc Miền Nam” bằng tất cả vũ khí tối tân nhất, hạng nặng nhất, bằng kỹ thuật hiện đại nhất tích lũy từ những năm tháng tu luyện tại Moscow, Dresden, Sophia, Thượng Hải... và chúng tôi tin chắc chiến thắng này là trận cuối cùng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét