Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

HỒI KÝ BÊN GIÒNG LỊCH SỬ - KỲ 7

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965
Linh Mục Cao Văn Luận

23. Cha Houssa, người đưa ông Diệm vào chính trường Mỹ

24. Ngô Đình Cẩn, người có trí nhớ phi thường
25. Ông Cẩn nhờ tôi xuất ngoại gặp ông Diệm
26. Gặp lại cụ Diệm ở Ba Lê
o O o
23. Cha Houssa, người đưa ông Diệm vào chính trường Mỹ

Trong những ngày lưu tại Đà Lạt, tôi gặp thêm ông Diệm và ông Nhu mấy lần. Phan Xứng dành cho tôi một chiếc xe để đi lại. Và chiếc xe này một hôm đã gây ra một tai nạn tưởng đâu tôi thoát chết thì cũng bị thương nặng. Trời mưa lớn, chiếc xe đang xuống dốc thì gặp một xe ngựa đi lên nghênh ngang giữa đường. Tài xế vì tránh xe ngựa, lao xuống dốc. Tôi không biết gì nữa ngất xỉu đi. Lúc Tỉnh lại thì thấy mình nằm trên đám cỏ chỉ bị ê ẩm mình mẩy, trầy trụa sơ sơ, phải vào nhà thương băng bó.
Tôi về Huế ở lại ít lâu, đến thăm ông Cẩn vài lần rồi cảm thấy tình thế không có nhiều biến chuyển, tôi ra lại Hướng Phương (Quảng Bình) giữ nhiệm vụ đi giảng tại các xứ đạo. Cũng như lần trước, tôi nhận thấy cái lối rào làng, dựa vào vài khẩu súng cũ kỹ của Pháp cho mà chống lại Việt Minh không thể thành công được. Quanh Hướng Phương, các làng lân cận đều theo Việt Minh, như Pháp Kệ, Trung Thuần. Người Pháp lại không thực tâm giúp đỡ dân chúng chống cộng.
Không có một sự phối hợp nào giữa quân Pháp và các làng tự vệ hay giữa các làng tự vệ với nhau. Nhìn tương lai, tôi thấy thật là đen tối. Trong một lần được cử đi gặp Đại Tá Pháp chỉ huy vùng Quảng Bình, tôi được ông nói thẳng là toàn Tỉnh Quảng Bình Pháp chỉ có thể tuyển mộ và võ trang cho 2.000 lính bảo vệ. Tôi về trình bày với Cha Chính Xứ là Cha Khẩn. Vào khoảng mùa Hè năm 1949, Hướng Phương lại gặp nạn đói, và bệnh dịch bắt đầu phát xuất.
Lúc này tôi cũng nhận được nhiều lá thư mời đi họp đầy những lời đe dọa, ký tên chủ tịch huyện Tuyên Hóa là Nguyễn Dần.
Tôi nghĩ rằng mình không thể bó tay ngồi chờ được nên xin với Cha Khẩn cho vào Huế dạy học, ít ra tôi có thể kiếm được ít tiền bạc mua thuốc men giúp đỡ dân chúng hoặc là trình bày tình trạng vùng Quảng Bình với những người có trách nhiệm ở Huế. Tôi rời Hướng Phương vào Huế đầu niên học 1949 tức là khoảng tháng 9 hay tháng 10. Lớp Triết đầu tiên vừa được mở tại Trường Quốc Học Huế.
Tôi phụ trách dạy Triết, và tôi còn nhớ người học trò chăm nhất là Âu Ngọc Hồ.
Ngoài việc tìm cách giúp đỡ giáo dân Hướng Phương tôi viết sách, và liên lạc với Emmanuel Jacques Houssa người Bỉ, từng sống ở Phát Diệm từ 1939 đến 1945, tổ chức cho sinh viên Việt Nam du học nước ngoài. Sở dĩ tôi phải nhắc đến Cha Houssa là vì hai lý do: Thứ nhất ông là ân nhân của nhiều nhân tài Việt Nam, giúp đỡ cho nhiều sinh viên du học nên người, thứ hai chính ông đã giúp đỡ ông Diệm, và những sinh viên mà ông giúp học hành đỗ đạt về sau trở thành cán bộ của ông Diệm. Có thể nói rằng nếu không có Cha Houssa thì số phận Việt Nam không chừng đã khác.
Tôi gặp Cha Houssa ở Ba Lê vào năm 1946. Ông bàn với tôi rằng vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam là vấn đề cán bộ. Cán bộ hiểu theo nghĩa rộng là lớp người có trách nhiệm làm cho xã hội tiến bộ. Việt Nam trong hoàn cảnh chiến tranh, xâu xé, nghèo đói chậm tiến, không thể đào tạo cán bộ ngay trong nước, vậy phải tìm cách gửi những thanh niên ưu tú đi du học.
Tôi hoàn toàn đồng ý và bàn với Cha Houssa là khi về nước tôi sẽ tìm cách để đưa thanh niên Việt Nam ra khỏi nước, còn Cha Houssa thì lo cho thanh niên Việt Nam ở ngoại quốc có thể ăn học. Cha Houssa cũng nói rằng nước Bỉ, quê hương của Cha nhỏ bé, không tạo được ảnh hưởng gì lớn trên quốc tế, và dù có Hoa Kỳ là đủ sức giúp đỡ Việt Nam. Cha Houssa đã cho tôi biết ý định sang Mỹ của ông từ năm 1946.
Lúc tôi vào Huế dạy ở Trường Quốc Học, năm 1949, tôi gửi thư liên lạc lại thường xuyên với Cha Houssa lúc bấy giờ ở Mỹ. Ông cho tôi biết ông đã vận động để xin cho các thanh niên Việt Nam một số học bổng ở các Đại Học Công Giáo. Ngay năm 1950, nghĩa là khi lớp triết đầu tiên của Trường Quốc Học thi xong, tôi chọn một vài thanh niên ưu tú như Âu Ngọc Hồ, Nguyễn Văn Mừng, Nguyễn Thị Quýt, Võ Thị Hồng Phúc, Phạm Đăng Tải, Phùng Viết Xuân gửi sang Mỹ gặp Cha Houssa.
Ở Việt Nam thì nhờ Bác Sĩ Hồ Quang Phước giúp đỡ công việc xin thông hành xuất ngoại. Bên Mỹ thì tại Nữu Ước có ông Bùi Công Văn đón tiếp, hướng dẫn còn nếu sang ngã Thái Bình Dương, đến Saint Francisco thì có ông Bác Sĩ Nguyễn Thành Nguyên giúp đỡ.
Cũng trong năm đó, ông Diệm lấy cớ đi dự năm Thánh để xuất ngoại.
Nhờ sự giới thiệu của Cha Houssa, ông Diệm được tiếp đón tại Dòng Tu Maryknoll thuộc Tiểu Bang Maryland. Cũng qua sự giới thiệu của Cha Houssa và các sinh viên Việt Nam đã sang Mỹ từ trước, ông Diệm lần lượt đi diễn thuyết tại các Đại Học lớn ở Mỹ, như Đại Học Cornell.
Tiếng tăm ông Diệm bắt đầu đước chính giới người Mỹ đế ý cũng nhờ đó, báo chí Mỹ thỉnh thoảng cũng phỏng vấn ông Diệm. Trong thời gian này, hai người giúp đỡ ông Diệm đắc lực nhất là ông Đỗ Vạn Lý, làm Bộ Quốc phòng Mỹ tại Hoa Thịnh Đốn và ông Bùi Công Văn làm cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ ở Nữu Ước.

24. Ngô Đình Cẩn, người có trí nhớ phi thường

Lúc tôi vào Huế lần đầu tiên, từ Hà Nội theo ông Lý, tôi có được ông Cẩn cho người đến mời tôi sang nhà ông nói chuyện. Lần đó tôi đã đến gặp ông vài lần. Lần thứ hai vào Huế để đi Đà Lạt, tôi củng ghé qua thăm hỏi ông Cẩn, và dĩ nhiên, lần này vào dạy học ở Huế, tôi hay đến nói chuyện với ông Cẩn. Về sau ông Cẩn xin phép Đức Giám Mục để tôi đến làm lễ tại nhà ông mỗi chủ nhật.
Những câu chuyện thay đổi giữa tôi và ông Cẩn gồm đủ các thứ chuyện, từ chuyện nuôi chim, chuyện quá khứ đến chuyện chính trị. Ông Cẩn có lòng kính phục yêu mến ông Diệm hết mình nhưng hình như lại có vẻ không ưa bà Nhu và khi nhắc đến ông Nhu thì ông tỏ vẻ không thích thú lắm. Câu chuyện mà ông Cẩn hay nói nhất, là những giai thoại vui vui giữa ông Khôi, ông Diệm.
Lúc bấy giờ ông Khôi và con cả của ông bị Việt Minh giết, chưa tìm ra xác. Mỗi lần nhắc đến ông Khôi mặt ông Cẩn buồn buồn rồi đanh rắn lại đầy căm phẫn. Ý thức quốc gia dân tộc ở ông Cẩn mơ hồ, không rõ rệt, sáng sủa như ông Diệm, ông Nhu, nhưng lòng căm thù cộng sản ở ông Cẩn lớn lắm có lẽ vì ông không quên được cái chết của Cha con ông Ngô Đình Khôi, người anh cả mà ông tôn kính, thán phục.
Ông Cẩn dành nhiều thì giờ để hoạt động chính trị. Nhiều nhân vật quốc gia đón gió biết trước sau ông Diệm cũng được mời ra chấp chánh, mon men tìm đến ông Cẩn. Nhiều người biết Pháp Cẩn nể tôi đã nhờ tôi giới thiệu với ông Cẩn, trong đó có một thanh niên trẻ, học luật tên là LTQ.
Ông Cẩn bắt đầu thu phục một số cán bộ, dùng những buổi gặp gỡ, nói chuyện để học hỏi với nhau đọc những lá thư từ Mỹ của ông Diệm gửi về, hay một số tài liệu hiếm hoi do ông Diệm biên soạn. Về sau ông Nhu thường gửi các tài liệu chính trị ra cho các cán bộ ở Huế đọc.
Trong số những người hay qua lại nhà ông Cẩn khoảng 1949 trở đi, tôi thấy có Trần Điền, Nguyễn Trân, Đỗ Mậu, ông Vinh (Đại Tá). Tôi cũng có làm quen với những người này.
Mỗi chủ nhật, tôi đến nhà ông Cẩn ngay dưới cái dốc đi lên nhà thờ Phú Cam làm lễ, trong một nhà nguyện nhỏ chưng bày đơn sơ nhưng trang trọng. Bà cụ Khả có một bàn quỳ lót nệm. Ông Cẩn quỳ bên cạnh. Thỉnh thoảng bà Cả lễ, đứa con gái lớn của bà lúc bấy giờ khoảng 14 tuổi, những lúc nghỉ hè cũng theo mẹ đến dự lễ.
Xong lễ, ông Cẩn mời tôi ở lại nói chuyện khá lâu, nhiều hôm suốt cả buổi sáng. Ông cười nói rằng nếu tôi không ở lại ăn sáng với ông thì bà cụ (Khả) sẽ la ông. Bà cụ Khả rất mộ đạo, thường quỳ lạy cầu nguyện trong nhà thờ khá lâu. Có lúc tôi và ông Cẩn ngồi nói chuyện một lúc, bà mới ra khỏi nhà nguyện, đến thăm hỏi tôi. Bà săn sóc đến bữa ăn sáng của tôi, thường hỏi ông Cẩn hôm ni làm gì cho Cha Luận ăn sáng. Cái món mà bà cụ muốn người nhà nấu cho tôi dùng, vì theo bà đó là món bổ nhất, ngon nhất, là cháo bồ câu. Nhà ông Cẩn rộng, nuôi được nhiều bồ câu. Bà Khả là người đàn bà Việt Nam gương mẫu, chỉ biết lo lắng cho con cái.
Cái chết của Cha con ông Khôi làm cho bà đau khổ vô cùng, và từ đó bà ít khi vui cười được. Bà không bao giờ nói đến chuyện chính trị, bà chỉ cần biết đến sức khỏe của các con cháu bà mà thôi. Thường thì bà mặc áo bà ba trắng hay nâu. Ngày chủ nhật, bà mặc áo dài, thường bằng hàng gấm, đoạn, hay nhung. Bà nói ngày chủ nhật phải tỏ ra kính Chúa như vậy.
Ông Cẩn thường mặc áo màu đen, những lúc ông cho là làm tốt, thì ông mặc áo dài the hai lớp. Ông sống rất đơn giản, thanh bạch, ăn trầu hút thuốc lá vấn. Trong mọi việc ông Cẩn không bao giờ ghi chép cũng không dùng thư ký riêng để ghi chép bất cứ điều gì. Nhưng ông có trí nhớ kỳ lạ.
Tôi còn nhớ một câu chuyện nhỏ làm tôi phục cái trí nhớ phi thường của ông. Một hôn có một cậu thanh niên là LTQ đến nhờ tôi dẫn đến giới thiệu với ông Cẩn. Tôi thấy anh ta thông minh, mặt mũi sáng sủa, cũng có thiện cảm. Một hôm sau lễ chủ nhật, tôi nhắc đến tên anh ta với ông Cẩn, và xin ông hôm khác cho hắn lên trình diện ông Cẩn, xem ông dùng hắn được việc chi không.
Hai tháng sau, trong một buổi họp mặt khá đông người, bàn chuyện mở rộng hoạt động chính trị trong miền Trung, một người khác, tôi không nhớ là ai, lên tiếng giới thiệu anh LTQ lúc đó đứng trong đám đông vây quanh ông Cẩn.
Ông Cẩn nhìn anh ta:
- À chú là LTQ hả? Cách đây hai tháng, Cha Luận có giới thiệu anh với tui. Chú muốn hoạt động hả. Được, đễ tui giúp cho.
Một lần khác, anh Lê Mộng Hoàng, một trong số sinh viên tôi giới thiệu đã đi du học ở Pháp về, cùng tôi đến gặp ông Cẩn, cũng với ý định giới thiệu Hoàng với ông Cẩn. Nghe nói đến Lê Mộng Hoàng, ông Cẩn sực nhớ ra điều gì, hỏi gốc gác, Cha mẹ, rồi cười vui vẻ:
- Mình nhớ ra rồi. Bố chú mi trước làm Tri Huyện, nhà ở Chợ Cống. Hồi nhỏ mình hay chạy sang phía đó bắt chim gặp bố mình hoài, nhưng lúc đó mình chưa sinh ra?
Một hôm khác, tôi nói chuyện với ông về việc trở lại đạo của em vợ Trần Điền. Ông Cẩn nhớ và nhắc ngay:
- Bố của cô ấy làm Tri Huyện Hương Thủy phải không? Hồi đó bố cô thua bạc hết cả tiền thuế, sợ bị tội, giả gây ra tai nạn ô tô ở Phú Bài để khai bậy chạy tội đó, chắc cô không biết mô.
Những mẫu chuyện này đủ chứng minh trí nhớ phi thường của ông Cẩn nhưng cũng vì trí nhớ đó cho nên ông thường nặng thành kiến, ân oán rất phân minh. Ông đã không tin ai, thì khó có cách gì làm cho ông đổi ý kiến. Ông đã ghét ai, thì cũng không làm thế nào để ông có thể ngơ được.
Khoảng thời gian này, Phan Văn Giáo được Bảo Đại cho làm Thủ Hiến Trung Phần. Tôi chỉ thỉnh thoảng gặp trong các buổi lễ công cộng và không một lần nào tôi có ý định làm quen nhiều với ông Giáo, có lẽ vì tư cách của ông không làm cho tôi kính phục được chút nào. Những chuyện tốt xâu, và hình như xấu nhiều hơn tốt của ông Giáo làm trong thời kỳ làm Thủ Hiến Trung Phần, thì tôi cũng chỉ nghe dân chúng ta thán, đồn đại không để ý mấy. Mấy đứa học trò, hay mấy người quen có nhắc đến, thì tôi cũng chẳng để vào tai làm gì.
Theo chỗ tôi biết, giữa ông Cẩn và ông Giáo lúc bấy giờ đôi bên gờm nhau hơn là thân nhau. Một vài cán bộ của ông Cẩn tuy làm việc trong chính quyền tức là dưới quyền ông Giáo nhưng cũng không phục ông Giáo. Có lẽ biết chẳng có ai theo mình, kính phục mình, ông Giáo lo làm giàu, lo chơi hưởng thụ hơn là lo làm việc ích quốc lợi dân.
Nhưng ông có tài ăn nói trôi chảy. Phần nhiều những lần ra trước công chúng, ông thường ứng khẩu các diễn văn ngắn, có lúc ông nói hay đến nỗi nhiều người cảm động. Tôi nhớ một lần khánh thành Quân Y Viện Mang Cá. Ông Giáo nói cách chi hay đến nỗi nhiều người sụt sùi khóc, thương cảm cho số phận các thương bệnh binh.
Trong thời gian này nhiều biến chuyển quan trọng xảy ra trong nước và ở ngoại quốc. Quân cộng sản Trung Hoa đã chiếm trọn lục địa, đuổi Tưởng Giới Thạch ra Đài Loan, đài phát thanh Việt Minh loan báo Trung Cộng, rồi Nga Sô đã nhìn nhận chính phủ Việt Minh. Phái bộ đại diện của chính phủ Việt Minh tại Pháp do ông Trần Ngọc Danh cầm đầu rời Ba Lê, hủy bỏ phái bộ, và lên đường sang Tiệp Khắc.
Hành động này đánh dấu sự tan vỡ ngoại giao một cách chính thức giữa Pháp và Việt Minh. Mọi hy vọng thương thuyết với Việt Minh kể như tan vỡ hết.
Trên chiến trường, quân Việt Minh lần lượt chiến thắng ở Cao Bằng, Lạng Sơn buộc quân Pháp rút khỏi hai Tỉnh này, và biến trọn vùng cao nguyên Bắc Việt thành khu giải phóng dưới quyền chính phủ Việt Minh. Đài Hà Nội bắt đầu khoe khoang, sẽ ăn Tết ở Hà Nội.
Chính quyền Bảo Đại, nhờ quân Pháp, và cũng nhờ bộ máy công an khá hữu hiệu trong tay Nguyễn Văn Tâm, đã tạo được một ảo tưởng an ninh tại các thành phố lớn. Nhưng dân chúng, nhất là các chính khách, các nhân sĩ vẫn giữ thái độ hoài nghi, bất hợp tác với Bảo Đại.
Lúc bấy giờ nhiều người đã tin chắc Việt Minh sẽ chiến thắng không lâu lắm…Nhưng rồi một biến cố quan trọng làm thay đổi lịch sử: Ngày 6 tháng 12-1950, Tướng De Lattre De Tassigny, một Tướng lãnh tài giỏi của Pháp nắm quyền Tư Lệnh quân đội Pháp ở Việt Nam.
Thời gian này, một mặt Tướng De Lattre cho tổ chức thêm các đơn vị võ trang Việt Nam, trao thêm quyền hành cho chính Bảo Đại, mặt khác chận đứng cuộc tiến quân về vùng châu thổ sông Nhị Hà và Hà Nội của Việt Minh. Quân Việt Minh trên đường tiến về Hà Nội bị đánh tan ở Vĩnh Yên, Đông Triều, Sông Đáy vào tháng Giêng 1951.
Tại miền Trung, nhiều Tiểu Đoàn Bảo Vệ Quân được thành lập, với Hạ Sĩ Quan và Sĩ Quan Việt Nam. Ông Giáo được Pháp tặng cho cái danh hàm Tướng và ông hí hởn may một bộ quân phục cấp tướng đúng kiểu, cũng có những nhánh lá viền quanh cổ tay. Nghe một lần trong một cuộc lễ hỗn hợp Việt Pháp, ông Giáo đã mặc quân phục tứ tướng đến dự, làm nhiều tướng thật của Pháp che miệng cười. Sau đó người Pháp cố vấn cho ông Giáo đã khuyên ông không nên mặc quân phục nữa, sợ có lúc các tướng thiệt của Pháp thấy gai mắt sẽ sỉ nhục công khai thì phiền lắm. Quả thực sau mấy lần mặc áo tướng, ông Giáo chẳng hiểu vì lý do nào không còn dùng nữa.
Nhưng Bảo Đại không biết dụng thời cơ này để qui tụ người quốc gia thuần túy yêu nước. Ông ham săn bắn chơi thuyền hơn là ham việc nước. Mọi công việc của chính phủ nằm trong tay Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm và Nguyễn Văn Hinh Tư Lệnh Quân Đội Việt Nam.

25. Ông Cẩn nhờ tôi xuất ngoại gặp ông Diệm

Ở Huế, những thối nát của chính quyền Bảo Đại được phe Ngô Đình Cẩn coi như cơ hội tốt nhất để chuẩn bị thời cơ. Bây giờ ông Diệm đã sang Mỹ, và tiếng tăm của ông bắt đầu nổi lên trong chính giới Mỹ. Người Mỹ đã bắt đầu nói đến một giải pháp Ngô Đình Diệm cho vấn đề Việt Nam. Ông Cẩn qui tụ được một số đông cán bộ, phần lớn những người Công Giáo đầy nhiệt huyết, hăng say.
Ông bàn với tôi là thời cơ có lẽ gần đến, và cần phải lưu ý ông Diệm về điều đó, để chuẩn bị trên mặt quốc tế. Ông Cẩn đề nghị tôi nên đi Pháp, đi Mỹ một chuyến để đích thân gặp ông Diệm. Chính quyền Nguyễn Văn Tâm khó mà cho ông Cẩn hay ông Nhu đi Mỹ. Những tay chân khác của ông Cẩn, thì theo lời ông Cẩn cũng khó ra đi khỏi Việt Nam được, và cũng không được ông Diệm tin lắm.
Tôi cũng muốn đi ngoại quốc, vì lúc bấy giờ tôi gửi ra ngoại quốc rất nhiều sinh viên. Ở Mỹ có một số nữ sinh viên làm tôi lo lắng cho sự ăn ở học hành của họ. Tôi biết rằng ở Mỹ, đời sống người con gái thật khó khăn, và vấn đề bảo tồn đức hạnh lại càng khó khăn hơn. Những gia đình có con gái được tôi giới thiệu đi du học cũng thúc giục tôi đi Mỹ xem tình hình của các sinh viên ra sao. Tôi nhận lời, và mùa Hè năm 1953, tôi lo các giấy tờ để xuất ngoại. Tôi đích thân đi gặp Nguyễn Đệ, Chánh Văn Phòng của Bảo Đại để nhờ giúp đỡ trong việc xin thông hành xuất ngoại.

26. Gặp lại cụ Diệm ở Ba Lê

Tháng sáu năm 1953, nhờ sự can thiệp của văn phòng Nguyễn Đệ, tôi thu xếp xong giấy tờ xuất ngoại và sửa soạn sang Pháp.
Vào thời gian này, tình thế đã gần như suy sụp hoàn toàn. Trong nước, Việt Minh được sự giúp đỡ ồ ạt của Trung Cộng đã bước sang giai đoạn tổng phản công. Trong khi ấy, chính phủ Nguyễn Văn Tâm càng lúc càng lộ rõ bộ mặt bè phái, vơ vét, bất lực.
Trạng huống này làm những người quốc gia bất hợp tác với cả cộng sản lẫn Bảo Đại càng thêm nóng lòng, và ông Ngô Đình Diệm, sau khi được chính giới Mỹ hỗ trợ, trở thành giải pháp được trông đợi.
Một số trí thức Việt Nam ở Pháp, hồi ấy, như Trương Công Cừu, Trần Hữu Phương, Vũ Văn Thái, Nguyễn Văn Thoại, Ngô Đình Luyện v.v…quá nóng lòng với tình thế, đã tìm mọi cách đón được Cụ Diệm từ Mỹ sang Ba Lê để xúc tiến kế hoạch đưa Cụ về nước nhưng hình như Cụ Diệm vẫn còn ngần ngại.
Có lẽ thấu rõ thâm ý ông anh, trước ngày tôi rời Huế để sang Pháp, ông Ngô Đình Cẩn ngoài việc giao cho tôi một phong thư niêm kín, còn ân cần dặn dò:
- ‘’Ông Cụ’’ tính tình cẩn thận quá đáng lắm, dù bọn con có bảo đảm là mọi cơ sở trong nước đã chuẩn bị xong cũng chưa chắc Ông Cụ yên tâm. Vậy phải nhờ Cha nói thêm vô. Có Cha nói Ông Cụ mới tin. Cha cũng nên phân tích rõ cho Ông Cụ thấy là nước đã tới chân rồi, không thể chần chừ thêm nữa.
Tháng sáu, mùa Xuân bên Tây bắt đầu đến lúc ấm áp nhất. Tin tôi sang Ba Lê đã được bên nhà đánh điện báo trước bên Trương Công Cừu, Trần Hữu Phương đã chờ sẵn đón tôi ngoài phi trường. Vừa đặt xuống chưa kịp chào mừng nhau Trương Công Cừu đã báo ngay cho tôi biết là Cụ Diệm hiện đang ở nhà Tôn Thất Cẩn ở ngoại ô Ba Lê và cũng đang chờ gặp tôi. Cừu và Phương còn cho tôi biết thêm là Nguyễn Đệ, Đổng Lý Văn Phòng của Bảo Đại cũng vừa sang Ba Lê và dường như để mở cuộc thăm dò chọn người thay thế Nguyễn Văn Tâm. Các anh em cũng thúc giục tôi tương tự như ông Cẩn bên nhà:
- Cha phải can thiệp dùm vụ này, vì Ông Cụ vẫn chần chừ lắm. Một trở ngại khác là Ông Cụ vẫn tỏ vẻ không muốn nói chuyện với Nguyễn Đệ, đâu vì xích mích gì đó từ hồi Ông Cụ từ quan trong triều.
Lần này, tôi trọ trong nhà một người bạn Pháp là ông Auberty ở đường Saint Gormain, Quận 5 Ba Lê.
Sau một đêm nghỉ ngơi, ngay sáng sớm hôm sau, tôi đến nhà Tôn Thất Cẩn gặp Cụ Diệm. Cẩn là con Cụ Tốn Thất Hân, trước làm Nhiếp Chánh, hiện sống trong một biệt thự nhỏ ở ngoại ô Ba Lê. Từ khi sang đây, Cụ Diệm về ở luôn đây với Cẩn.
Ông Diệm tiếp tôi trong một gian phòng, chật hẹp. Mấy năm không gặp lại, ông Diệm trông có vẻ khỏe hơn so với buổi tôi năm nào tôi gặp ông ở Đà Lạt. Tuy gặp tôi, hỏi thăm được tin tức gia đình, ông có vẻ vui hơn, nhưng nét tư lự vẫn vương vất trên mặt.
Sau khi trao lá thư niêm kín của ông Cẩn gửi cho ông Diệm tôi nói với Cụ:
- Thưa Cụ, chuyến ni tôi đi ra ngoài là tính sang bên Mỹ coi chừng bọn sinh viên tôi gởi sang du học với Cha Houssa bên nớ, sở dĩ tôi phải ghé Ba Lê trước là vì ngoài việc theo lời yêu cầu của ông Cẩn, chính tôi cũng cần được gặp để trình với Cụ là tình hình nước nhà lúc ni khẩn trương lắm rồi. Trong mấy năm ni, cộng sản càng ngày càng mạnh hơn lên, mà các chính phủ do Bảo Đại lập nên chỉ bù nhìn hoàn toàn. Cứ tình thế ni, cộng sản nhất định sẽ thắng và khi nớ kéo lại e quá muộn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét