Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

HỒI KÝ XƯƠNG TRẮNG TRƯỜNG-SƠN CỦA XUÂN VŨ - KỲ 5

1      2       3       4      5      6      Kỳ Cuối

- 18 -
Một hôm tôi và Năm Cà Dom buồn quá, mới bèn rủ nhau đi vào cái bệnh xá của ông bác sĩ Cường chơi. Thực ra đi chơi mà vô một cái bệnh xá thì còn lý thú gì, nhưng vô đó có thằng quen là xếp bệnh xá, may ra nó sẽ giúp đỡ mình chút đỉnh. Ở đây thì chỉ có thế, hễ đi ra là mong gặp được một sự may mắn gì, nhất là mong gặp được một cái lợi bất ngờ.
Nhưng hôm đó chúng tôi lại gặp rủi. Không phải gặp rủi nhưng lại gặp một cái biểu trưng của sự rủi ro.
Đang đi, chúng tôi bỗng dừng lại, vì nghe trên đầu có tiếng gió như có một nhánh cây gãy đang giáng xuống đầu mình. Cả hai đứa đều nhảy qua một bên để tránh theo bản năng tự vệ chứ không kịp dòm ngó gì.
“Pạch. ” Một vật đen thui dài nhằng rơi đánh phịch xuống đất và nằm im. Chúng tôi nhìn. Và Năm Cà Dom kêu lên:



Năm nhảy tới hai tay chặn ngang cổ con vật. Con vật vùng vẫy và vươn móng vuốt ra trông kinh hãi lắm. Mồm nó há ra đỏ loét như chậu máu, đầy vẻ man rợ. Năm quát tôi:
- Đi bứt dây trói nó, mau lên.
Tôi loay hoay mãi, Năm Cà Dom lại quát:
- Bứt sợi dây leo kia kìa.
Tôi nắm lấy sợi dây không biết là dây gì, nhổ bật cả gốc lẫn rễ lên, tuốt sạch lá ngay, trao cho Năm.
Tài thật. Năm hì hục một chốc đã trói gô con vật và bỏ nằm im đó.
Năm Cà Dom chống nạnh lên thở dốc, rồi rút khăn lau mồ hôi.
Tôi hỏi:
- Con này thịt ngon không ?
Năm Cà Dom vừa quệt mồ hôi trán vừa đáp có vẻ không phấn khởi tí nào cả.
- Ngon. Thịt nó trắng như thịt gà.
- Thế thì nhất trần đời rồi. Trời cho mình một bữa no nê. Hay quá nhì ! Thôi quảy nó trở về. Đi bệnh xá làm gì nữa.
Năm đứng làm thinh làm thế. Tôi hơi ngạc nhiên về thái độ của Năm trước một món chiến lợi phẩm to lớn từ trên trời rơi xuống không phải tiêu phí một chút sức lực nào mà đạt được.. Năm không nhìn con vật, và quay ra lắc đầu:
- Xui …
- Sao? Cậu nói gì ?
- Xui lắm cậu ơi !
- Sao mà xui. Hên chớ. Ra đường được thịt mà xui gì?
- Cậu dốt bỏ bố đi đấy ! Ai đời gặp kỳ đà mà hên ?
- Thế xui à?
- Xui chớ còn gì nữa.
- Xui làm sao ?
- Thì xui tức là nay mai mình sẽ gặp việc chẳng lành chứ còn làm sao nữa.
Tôi lặng thinh. Tôi cũng có nghe nói về những chuyện “kỳ đà cản mũi” cản lái cản lái, gặp kỳ đà là mần ăn không khá. Ra đường gặp kỳ đà nếu đi mần ăn thì người ta sẽ quay về nhà ngay không đi nữa.v..v… nhưng trong lúc thèm ăn này tôi chỉ nghĩ tới ăn, đâu có nhớ những chuyện mơ hồ đó. Nhưng khi nghe Năm Cà Dom nhắc thì tôi tỉnh ngộ ngay. Tôi hỏi:
- Vậy bây giờ làm sao ?
- Ai biết làm sao bây giờ.
- Thôi kệ nó, cứ đem về làm thịt rồi sẽ hay.
-Để xem!
- Xem cái gì nữa bề nào mình cũng “gặp” nó rồi. Vứt nó đi cũng không có nghĩa là tống cái xui đi khỏi chúng mình. Cứ ăn như thường lệ.
Năm Cà Dom cứ ngập ngừng mãi không chịu quả quyết đem con kỳ đà về. Tôi bảo:
- Cậu cứ ăn đi, xui tôi chịu cho !
- Cậu cứ nói tướng!
- Chứ vứt nó đi à ? Cậu không ăn thì tớ ăn.
- Tớ đã từng trông thấy rồi mà. Cậu sao kỳ quá !
- Trông thấy cái gì ?
- Một tổ công binh đi đánh tàu ! Vừa bơi xuồng ra sông là gặp kỳ đà lội qua sông. Thằng tổ trưởng cứ đi, nhưng một thằng đề nghị bỏ kế hoạch. Thằng tổ trưởng không nghe cứ đi. Thằng đội viên này nhảy lên bờ trở về. Hai thằng kia đi chết hết trọi.
Tôi nghe cũng ớn quá. Không biết tại sao bác sĩ là người của khoa học mà hắn lại tin dị đoan ghê thế. Nó làm cho tôi nản lòng. Tôi nói:
- Vậy mình đem nó về bịnh xá làm thịt ăn chung.
- Chi vậy ?
- Cho có nghĩa là… mỗi người chịu một chút cái cục xui đó !
- Chịp ! Khổ quá ? -Năm Cà Dom ngước nhìn cái nhánh cây cao trên đầu và nói – kỳ cục thế nó đeo sẵn trên đó mà chờ mình đi ngang rồi buông tay rơi xuống đầu mình. Thế mới khổ!
- Thôi, cứ thế. Đi !
Tôi hăng hái bước lại xách chú kỳ đà lên. Trông gớm quá. Da nó đen nâu có đốm rằn vàng, đuôi nó có gai, như đuôi sấu, da nó sùi lên cũng giống da sấu, hay nói quách ra là nó giống như một chú sấu con.
Coi vậy mà nặng ra phết. Tôi ước chừng trên năm kí lô ! Trời ơi ! Năm kí lô thịt gà (như Năm Cà Dom nói) trong lúc này vì tin dị đoan mà phải đi mời mỗi người ăn một chút thì uổng quá chừng.
Năm Cà Dom đốn một nhánh cây xỏ vào hai đứa khiêng đi. Năm Cà Dom dặn tôi:
- Đi vô tới bệnh xá, thăng Cường nó có hỏi kỳ đà ở đâu thì cậu nói là chúng mình đuổi bắt trong một cái thân cây mục nghe.
Tôi hỏi:
- Tại sao vậy ?
- Tại vì nếu nói thật, tụi nó không ăn thì mình gánh hết sự xui xẻo đó.
- Được rồi. Để tớ bịa chuyện cho tin nó ăn mà phải mang ơn mình.
Cái bệnh xá hôm nay trông càng thê thảm với những dãy thương binh nằm làng khang trong rừng . Màu bông băng trắng thấp thoáng qua những kẽ cây rừng như những mảng tuyết trong đồi cây ở Âu Châu mùa đông.
Chúng tôi đến gặp ông bạn Cường chẳng khó khăn gì. Cường rất mừng. Có lẽ Cường bị cái bệnh cô đơn vây riết, mà bác sĩ tài ba mấy cũng không phương trị.
Cường hỏi ngay lý do chúng tôi có con kỳ đà. Tôi cố dựng lên một câu chuyện đầy chi tiết, nhưng đâu cần phải nhiều đến thế. Cường tin ngay.
Cường nói:
- Ở đây cái thứ này tụi tôi bắt được hoài.
- Thiệt hả?
- Ở rừng mà! Con gì cũng to. Có nhiều con to như những con quái vật thời tiền sử. Có những bộ xương voi như xương ” ma mút ! ” Xương đầu to bằng mặt ghế sa lông !
Tôi hỏi tiếp:
- Nhưng kỳ đà là anh săn được hay…
- Săn cũng có, gặp bất ngờ cũng có!
-Thế anh gặp mà không sợ xui à?
- Ban đầu thì cũng có hơi ngán nhưng sau rồi không kể nữa. Đói bỏ bố gặp thịt thì cứ mần cái đã, xui đâu không biết.
Thế là tôi nhẹ nhõm trong người, nhưng chưa nói ra vội.
Năm Cà Dom bảo:
- Thế thì làm thịt đi! Làm gì ăn?
- Kho chớ làm gì? Ở đây mà làm gì được?
Cường gọi một cậu cần vụ bảo hắn làm. Còn bọn tôi thì đi nấu nước châm trà uống rồi ngồi nói dóc.
Năm Cà Dom hỏi ngay:
- Này, có mấy cha ba Tàu qua đây nữa à ?
- Có chứ. Nó đi nghiên cứu sốt rét đó ta! Nó xin mấy đứa con gái y tá của tớ theo nó để dành bắt muỗi đòn xóc đấy.
- Bắt thế nào ?
- Đại khái bắt như mình bắt gà, nhưng nhẹ nhàng hơn. Bắt sống nguyên rồi rộng vào một cái chai, đem về cho các lão.
- Hay ha!
Năm Cà Dom cười:
- Thế một ngày một cô bắt được mấy con ?
- Ai biết!
- Nói với các lão ấy, nếu các lão lập trường vững thì cứ cởi quần ra cho muỗi cắn rồi bắt lấy nó. Đó là cách nghiên cứu thiết thực nhất ! Mẹ kiếp! Cậu cho tớ xin một cô đi theo bắt muỗi đòn xóc coi.
Cường nói:
- Được rồi !
- Thiệt không ? Năm Cà Dom hỏi gặn.
- Cậu hãy tự hỏi cậu có muốn thật không đã.
- Há há há… Năm Cà Dom phá cười vang lên cả rừng. Thiệt chớ ! Hì hì, thế ra cậu luôn luôn bắt mấy cô em đi bắt muỗi đòn xóc cho cậu phải không ?
- Cái đó mà hỏi làm gì. Tớ chỉ sợ cậu không dám thôi.
- Sao không ?
- Được rồi. Cậu cứ chuẩn bị “đòn xốc ” kẻo cô ta đến bắt rồi nó thun mất đấy.
- Úy! Mình hô khẩu hiệu chớ!
Năm Cà Dom nói tiếp:
- Nhưng cậu phải cho chút “tét-tốt-tê-rôn “để cho chú muỗi giương cái đòn xốc lên khi cô ta chạm tới nó chớ ?
- Thì có cả con kỳ đà đó bổ ra phết còn đòi gì nữa.
Bác sĩ Cường lại nói:
- Nói đùa chứ hại thân lắm ông Cà Dom ạ ! Ông nên nhớ rằng tuổi thọ của con a-nô-phen không có dài lắm. Nhất là sau khi nó chích người ta xong là nó chết.
Ở đây con người cũng vậy. Chích xong là sức khỏe sụp xuống ngay không có gượng dậy nổi đó. Rồi nếu mà sốt rét thương hàn ập xuống là câu quỵ luôn hiểu chưa. Chứ ở đây không thiếu cái món ấy đâu. Ở rừng bọn “fê-mi-ne ” nó khỏe hơn giống “mát-cu-le ” chúng mình mà. Cho nên mặc dù chúng nó vẫn sốt, nhưng chúng vẫn cứ khỏe như thường ! Còn bọn mình càng sốt càng gục xuống
Năm Cà Dom ngồi nghe, không cãi lại. Riêng tôi thì tôi thấy bác sĩ Cường nói rất đúng, đúng từng tí một. Tôi cười:
- Đó là ông bác sĩ nói kinh nghiệm bản thân đấy nhỉ ?
- Chứ sao ! Đó là thói quen nghề nghiệp. Chúng tôi chỉ nói kinh nghiệm cho người khác khi những kinh nghiệm đó được đúc kết, có khi rằng chính bản thân mình.
Tôi nói.
- Thế ra ông bác sĩ Cà Dom chưa được vỡ lòng trên đường Trường Sơn này à?
- Đúng !- Cường tiếp- Ông Cà Dom làm hùm làm hổ vậy thôi, nhưng để rồi xem, ổng sẽ hắt hơi ba, bốn ngày liền và sẽ chửi rằng tôi hại ông bỏ xác trên đường Trường Sơn này.
Cà Dom gạt ngang:
- Đường đường một đấng như ông Cà Dom mà lại chịu thua đám phờ-nờ đó à ?
Cường gật gù:
- Trông ông Cà Dom hăng lắm ! Nhưng lửa sẽ thử vàng ông bạn ạ !
Rồi Cường sang chuyện khác:
- Hôm nay tôi sẽ mời thêm ông bạn vàng của tôi tới ăn thịt kỳ đà cản mũi chơi nhé !
- Ai đó ? Cà Dom hỏi.
- Một ông đại úy và một ông thiếu tá. Ông thiếu tá tên là Kim còn ông đại úy thì tên gì không rõ nhưng thấy gọi anh Bảy. Hai người là bạn nhau. Cả hai đều là bệnh nhân của tôi.
Tôi hơi hồ nghi. Tôi bèn hỏi:
- Hình dáng của ông đại úy kia ra sao?
- Da trắng hơn dân Miên một tí. Răng thì cái nọ xéo cái kia. Mồm nói không để kéo da non.
Tôi biết ngay là anh Bảy nhà tôi rồi. Vì đứng về hình dáng còn có thể lẫn lộn chứ đứng về hai nét độc đáo vừa kể thì không ai có thể có như anh Bảy.
Nhưng tôi hãy làm thinh cái đã, xem ông bác sĩ Cường nói tiếp làm sao. Cường tiếp:
- Mới hôm đầu anh ta vào trình giấy thì tôi không xem nhưng anh em kể lại thì anh ta có cái giấy ba bốn gạch loại A chi đó. Rồi sau đó, thì anh ta nhìn ông Kim là bạn rồi thì anh ta mắc võng nằm bên cạnh ông Kim là bệnh nhân cũ của tôi.
Một hôm tôi xuống láng thăm bệnh thì bắt gặp anh ta khoe với ông Kim mấy tấm ảnh phụ nữ rất đẹp toàn diễn viên xi nê Hà Nội cả. Anh ta bảo rằng đó là những người yêu của anh ta, nhưng hiện nay đã cắt đứt. Chỉ còn lại một cô đẹp nhất. Và cô này đang đi ở phía sau. Anh ta đi trước chuẩn bị chỗ cho cô này tới nghỉ ngơi và dưỡng sức cặp chân, vì cô này là diễn viên “ba lê ” số dách la mã của Hà Nội !
Cường tiếp:
- Anh ta nói vậy thì tôi tin vậy. Nào tôi có biết anh ta là ai ? Nhưng thấy anh ta thân thiện với ông Kim thì tôi cũng vui lòng nghĩ rằng anh ta là hạng người chơi được. Nhưng chỉ được vài hôm thì anh ta lại tìm cách làm quen với mấy cô y tá, rồi bắt mối thân thiện với một cô đẹp nhất ở đây. Tôi cũng không rõ hai bên đã hẹn hò với nhau những gì chỉ thấy một hôm anh ta lên xin phép tôi ở lại đây công tác luôn.
- Thế bỏ bố chưa ! Năm Cà Dom kêu lên thích thú. Rồi người yêu của anh ta sắp đi tới thì làm sao ?
- Tôi cũng không rảnh trí đâu mà nghĩ tới chuyện đó.
Tôi hỏi:
- Hiện giờ thì câu chuyện đến đâu rồi ông bác sĩ ?
-Tôi vẫn còn treo ở đó. Nếu anh ta bệnh không đi nổi thì ở lại đây công tác, tôi vẫn sẵn lòng. Chuyện đó đâu có hại gì.
- Nhưng nhở cô “ba-lê” vô tới phá nhà ông thì sao?
- Tôi biết là ông ta nói láo, nói để khoe khoang tài chim gái của mình thôi chớ chẳng cô nào yêu anh ta. Vì theo tôi thấy, cái anh chàng này trông khó thương quá. Để chốc nữa tôi rủ lên chơi cho các bạn biết thêm một ông đại úy trên đường Trường Sơn này.
Tôi hơi lùng bùng lỗ tai, trước nhất vì hắn chạm đến danh dự của Thu cố nhiên là danh dự của tôi. Kế đó là vi tư cách của hắn. Đi đâu cũng nghe tiếng của hắn. Trường Sơn rộng thế mà ở đâu cũng có những giai thoại về Bảy Việt. Khi thì tôi nghe câu chuyện Bảy Việt, nhà viết kịch bản phim nổi tiếng của Xưởng Phim Hà Nội, do một anh giao liên kể, khi thì tôi nghe chuyện Bảy Việt nhà văn kiêm nhà thơ có rất nhiều tác phẩm.
Lúc tôi và Thu chuẩn bị qua con sông ” Bến Hải thứ hai” dưới ánh pháo sáng của máy bay thì Việt đã lẩn trốn vì Việt sợ phải dìu dắt một người con gái dù là đồng đội của hắn, bị hắn tán nhưng không yêu hắn. Hắn tìm đường đi sấn tới trước để tự do nói láo bịp người và vừa bắt giao liên phục dịch vừa xin xỏ của họ được chút nào hay chút ấy. Việt biến mất tăm luôn cho đến bây giờ. Tôi không thấy thiếu hẳn, nhưng chẳng ngờ bây giờ tôi lại gặp hắn. Tôi thấy hắn là thừa. Đó là điều khổ tâm cho tôi hết sức, nhất là tôi vừa nghe những chuyện lếu láo của hắn ở đây.
Cường gọi cậu cần vụ lên hỏi chuyện làm thịt con kỳ đà. Nhưng cậu cần vụ đã trả lời rằng cậu ta không dám làm thịt nó vì sợ xui xẻo dính vào người.
Té ra nãy giờ con kỳ đà vẫn còn sống nhăn.
Nhưng Cường vẫn vui vẻ bảo cậu cần vụ:
- Mày tệ quá. Không dám làm thì nói ngay. Nhưng tao làm thì mày có ăn không ?
- Dạ ăn ạ!
Cả đám chúng tôi cùng cười vui vẻ.
Cường bảo:
- Thế mày mời thằng “Úm Ba La” vô đây cho tao.
Tôi vừa định hỏi Cường thằng nào mà lại có cái tên kỳ cục vậy thì Cường đã nói ngay:
- Anh em đặt cho nó cái tên khôi hài đó là vì lúc nào nó cũng nhảy chân sáo và hát “úm ba la” . ” Nó bị sốt ác tính dọc đường, nhưng cái tổ tam tam của nó đã bỏ nó mà đi. May nó không chết cho nên nó cứ nhớ cái kỷ niệm tốt đẹp đó mà hát luôn mồm, vừa hát vừa nhăn mặt nhăn mũi và lắc đầu ” úm ba la. “
Cường vừa định quay vào gọi thằng Úm Ba La thì nó đã xuất hiện ngay kia rồi, trước mặt chúng tôi.
Một con người hay con ngợm vậy nhỉ ?
Giữa cái khí độc Trường Sơn này mà Úm Ba La lại ở trần mặc quần đùi, tóc nó xõa xuống quá vai, mặt mũi tối sầm với hai con mắt như hai cái giếng sâu mà ở dưới tận đáy giếng có thắp hai ngọn đèn cầy hắt hiu vì không đủ dương khí. Cổ nó đeo lủng lẳng một cái nanh heo rừng.
Hắn quắc mắt nhìn chúng tôi với vẻ giận dữ
- Nhìn gì ? Đào ngũ đây, nói gì ? Hả ?
Làm như chúng tôi sắp sửa quát mắng hay nói những lời khinh miệt hắn! Nhưng Cường đã bảo:
- Đừng vô lễ, Úm Ba La, bạn của anh đấy em. Bây giờ anh có việc này cần em giúp tí.
Úm Ba La rụt chân lại thành thế đứng nghiêm và giơ tay chào Cường với vẻ cung kính thực sự.
Cường bảo:
- Anh có con kỳ đà, em đi làm thịt dùm và nấu nướng mang đến đây cho anh đãi khách. Nhanh lên em!
- Rõ ! Úm Ba La lại chào và quay lui, biến dạng nhanh như sóc để lại cả một sự ngạc nhiên cho tôi và Năm Cà Dom.
Lại một nhân vật đặc biệt trên đường Trường Sơn. Hắn làm cho tôi nghĩ đến những con xà-niên mà ngày xưa tôi đọc thấy trong các truyện giải trí không biết có hay không, nhưng đã để lại trong đầu tôi một ấn tượng không phai nhạt . Thằng này chỉ khác xà-niên là vì hắn không có lông lá đầy mình.
Cường giải thích thêm cho chúng tôi về nguồn gốc của Úm Ba La như sau:
- Sau khi thoát cơn ác tính, Úm Ba La từ từ phục sức lại. Quả thật trời đẻ trời nuôi. Thằng bé bò đi xuống suối uống nước rồi nằm luôn bên bờ suối chịu một cơn mưa không bò về lều nổi. Thế mà vẫn không chết.
Rồi hắn lê đi, hắn không nhớ là hắn đã ăn những thứ gì mà khỏe lại. Hắn nhìn chung quanh, không thấy ai cả. Thì ra người ta đã đi hết cả từ lâu rồi. Bởi vì khi trí khốn trở lại với hắn nên hắn nhớ tất cả . Hắn thấy không còn một vết chân mới nào chung quanh hắn.. Bản năng tự vệ của hắn đã dựng hắn dậy. Hắn gióng hướng và cắt rừng đi đi mãi. Sau cùng hắn gặp một đơn vị, nhưng hắn đã bắt đầu thù hận, cho nên hắn không nhập vào đơn vị mà hắn bò vào ăn cắp gạo muối, ăn cắp ba lô. Không phải tự nhiên mà hắn làm như vậy, mà chính cái cuộc sống thực tế Trường Sơn đã dạy cho hắn những việc đó. Nói rõ ra là trên con đường này vô số vụ mất cắp xảy ra hằng ngày ngay cả trong những đơn vị ” anh hùng ” chống Mỹ.
Hắn thấy ăn cắp là cách sống khoẻ nhất và không phải đi đâu cả. Muốn làm gì thì làm. Hắn trở thành tên ăn cắp chuyên nghiệp. Với một khẩu AK đầy đủ đạn và trang bị của một cán binh đi Nam, hắn không thấy sợ ai.
Cường tiếp:
- Đại khái như thế. Cho đến một hôm hắn lột hết lương thực của một đồng đội của hắn bị sốt nặng mê man nằm bên đường. Hắn không suy nghĩ gì cả. Hắn lấy ngay và ăn ngon lành không chút ân hận. Hắn chỉ nghĩ:”Nếu tao sốt nằm ở đây như mày mà mày bắt gặp thi mày cũng sẽ làm như tao làm đối với mày bây giờ ! ” Đó là lương tâm của hắn.
Cường tiếp:
- Rồi đến một hôm hắn mò vào bệnh xá của tớ. Lúc trước ở một địa điểm khác. Chao ôi ! Hắn mò vào tận kho. Hắn tha hồ quơ. Nào đậu xanh, đường sữa những thứ mà trên Trường Sơn này không ai có nổi. Hắn ăn quen lại mò vào. Và lại tha đi cạn cả cái kho của bệnh xá. Ban đầu thì tớ hồ nghi anh em nhân viên, nhưng sau khi dò xét thì thấy có vài món đồ rơi vãi xa xa ngoài bệnh xá.
Tớ kết luận là có một kẻ từ ngoài vào. Nhưng xem kỹ lại thì gần đây đâu có cơ quan nào. Cũng không có đơn vị nào đóng gần. Tớ bèn cho bố trí canh phòng và cuối cùng là tóm được hắn. Anh em giả cho hắn một trận nên thân. Tớ cũng giận, nhưng tớ không cho đánh nữa. Tớ bảo cởi trói, cho ăn uống và gọi hắn lên nói chuyện. Hắn đã kể cho tớ tất cả quá trình của hắn mà tớ đã kề lại cho các cậu nghe.
Tôi hỏi:
- Nhưng sao bây giờ hắn ở dưới trướng của cậu ?
Cường vui vẻ đáp:
- Đó là một cái lối xài người của mình. Sau khi nói chuyện với hắn tớ thấy hắn rất thông minh, suy nghĩ rất sâu sắc và hoạt bát nữa. Cậu nghĩ, hắn ta đã học hết lớp mười. Rồi bị động viên. Hắn không chịu đi, nhưng người ta nói chỉ đưa hắn đi vài tháng rồi cho về. Thế là hắn đi. Vô tới Trường Sơn chỉ hai tháng là bị sốt ác tính như tôi vừa kể. -Cường tiếp – Tôi bắt hắn ăn cắp quả tang nhưng làm gì hắn bây giờ l Giết hắn ư ? Mình không có quyền. Đuổi hắn đi ư? Chắc chắn hắn sẽ quay trở lại, ngựa quen đường cũ chi bằng đối xử nhân đạo thì mình sẽ được một đứa đỡ tay chân cho mình, hai là hắn sẽ không phá mình nữa.
Năm Cà Dom gật gù:
- Thằng khôn thật.
- Đấy! Bây giờ tôi bảo gì nó cũng nghe. Và nó không bao giờ phá phách tôi. Có hôm tôi hỏi thật hắn, nếu sau trận đòn đó mà tôi xử tệ với hắn thì hắn sẽ trốn, và nhất định hắn sẽ trở lại để đốt bệnh xá và “để” cho tôi một băng AK làm kỷ niệm… Ghê gớm chưa?
Tôi lắc đầu:
- Không bao giờ tôi tưởng tượng nổi rằng trên Trường Sơn này lại có một nhân vật giống như King Kong như vậy.
Chập sau Kim và Bảy Việt đến.
Cường giới thiệu Kim với chúng tôi:
- Ông này có sáu cây K54 trong ba-lô. Ổng mới cho tớ một cây đây. K54 ở đây rẻ lắm, một hộp ruốc chà bông, vài hộp sữa, nửa ki-lô đường là có thể đổi được với ổng ngay một khẩu. .
Kim cười:
- Tôi mang vô Nam cho mấy chả. Nhưng dọc đường ốm đói quá phải tùy cơ ứng biến. Thế thôi.
Cường nói thêm:
- Ổng đi xe hơi đấy các bạn. Ông nào muốn đeo vè thì đeo.
Kim xua tay:
- Thôi thôi, xin van !
- Sao vậy? Làm hiểm quá!
- Không phải đâu nếu các cậu muốn đi xe hơi thì phải làm ba việc mà ở đây thì không thể làm được. Thứ nhất là cặp thêm một cái thanh sắt sau xương sống mình. Thứ hai là phải đội thêm một cái gối bông dày hai tấc trên đầu và ngồi trên một cái gối bông khác cũng dày từng ấy. Vì sao? Vì xe chạy giằn, nó xốc, đầu các cậu sẽ đội vào mui xe vỡ ra, đít các cậu hổng lên rơi xuống, xương sống các cậu sẽ quẹo và đít các cậu sẽ tà . Vì thế tôi đã bỏ xe hơi mà lội bộ đây. Lội bộ tuy vất vả nhưng chắc sống hơn. Còn đi xe hơi các bạn lo ngay ngáy, xe lật lúc nào không biết. Lại còn máy bay đuổi các bạn không thể nhảy trốn được . Đấy, các bạn có đi thì xin mời ?
Cả tôi và Năm Cà Dom le lưỡii lắc đầu:
- Thôi thôi xin kiếu.
Cường hỏi tôi:
- Cậu có quen với ông bạn này không ?
Tôi ấp úng chưa biết trả lời thế nào cho hợp tình thì Việt đã vọt miệng đáp ngay:
- Chúng tôi quen từ Hà Nội, trong nghề với nhau.
Rồi Việt hỏi tôi:
- Thu đã khỏe chưa anh ?
- Thu nào cơ ?
- Thu. . Thu ấy mà !
Cường hỏi tiếp:
- Có phải người yêu của ông đại úy không ?
Tôi vọt miệng đáp:
- Người yêu của ông đang đi ở đằng sau, nhưng nghe tin ông sắp xây dựng với một cô y tá trong bệnh xá này nên…
Tôi ngập ngừng một chốc. Tôi định nói: “nên cô ta quay trở lại, ” nhưng nói thế càng giúp sự thuận lợi cho thằng đểu cho nên tôi sửa lại ngay.
- Cho nên cô ta quyết đi vượt trạm, vô tới đây chắc có một trận ác chiến rền trời.
Cường nhìn Việt. Việt lấm lét nhìn tôi. Có lẽ hắn không hiểu tại sao tôi lại biết tỏng hết cả bí mật của hắn. Nhưng hắn vẫn cứ bình tĩnh để xoay nước cờ:
- Tôi có người yêu nào đâu mà anh nói vậy !
- Sao không có. Tôi gầm lên. Chẳng tin ông bạn đưa cái bóp ra đây. Trong đó có năm, sáu tấm ảnh phụ nữ Hà Nội. Cô nào đẹp nhất là vị hôn thê của ông bạn đấy mà!
Viên đại úy cười dả lả chữa ngượng:
- Anh theo phá em hoài. ..
- Tôi đâu có phá cậu. Đó là cậu tự phá cậu thôi chớ.
Cũng rất may là con kỳ đà lại tái xuất hiện, nhưng lần này với một hình dáng khác hẳn. Hắn nằm gọn trong những cái dĩa nhôm dưới hình thức những cục vuông cục tròn, xương nạc và da lẫn lộn, khói bốc lên nghi ngút.
Bác sĩ Cường mời:
- Thôi chúng ta cầm đũa. Ai ăn kỳ đà có gặp xui xẻo xin đừng đổ thừa cho tôi.
Tôi nói:
- Không sao đâu bác sĩ! Cái xui do chú kỳ đà này mang lại tôi đã gặp rồi. Chắc chắn sau bữa ăn này, cái xui đã lùi lại sau lưng tôi.
Kim nói bằng giọng độc địa:
- Theo như ông bạn này (tức tôi) vừa nói thì ông đại úy không nên nên ăn thịt con kỳ đà này.
- Tại sao ? Việt đang gắp một cục thịt khá to ngừng tay hỏi.
- Tại sao chắc cậu biết rồi. Sự xui xẻo đã đến bên lưng cậu rồi đó Cậu hãy chặn cái xui kia lại, nếu để cho nó đến thì đổ nợ ra cái trạm xá này ngay.
Việt nuốt dở cục thịt, Kim cười và nói tiếp:
- Đấy thấy không, cậu bị nghẹn mà. Khéo chứ nuốt không trôi đấy ! Thôi nên xơi một cục thôi. Cục thứ hai nó sẽ nằm tại cổ họng cậu !
Việt lúng túng cố nuốt cho trôi cục thịt và nói:
- Xui thì chịu xui chớ tôi biết làm sao bây giờ ?
Kim nói:
- Xui thì phải xả xui chớ !
Năm Cà Dom gạt ngang và hỏi:
- Ăn thế này không có “nước ngược” à Cường !
- Không có ! Ở đây tìm ở đâu ra ?
- Cậu có mà không biết dùng.
- Ở đâu?
- Lấy alcool đốt đèn ra pha một ít nước vào. Thế là thành rượu thượng hảo hạng ngay. Ở Hà Nội tớ đã từng pha cồn chín mươi độ uống rồi mà !
Cường mang ra một chai. Năm Cà Dom rót cả vào bi đông rồi lấy nước lã pha vào liệu cho vừa liều lượng mà dạ dày chấp nhận được. Thế là Cà Dom rót ra mời khách.
Bữa tiệc kỳ đà đâm ra vui vẻ, rộn rịp, rùm beng hằn lên vì cái mớ cồn pha nước lã của Năm Cà Dom.
Tiệc xong tôi bảo Cường gọi cậu Úm Ba La lên cho tôi nói chuyện. Ai cũng tìm chỗ nghỉ. Chỉ còn tôi và Úm Ba La. Tôi mắc võng nằm. Úm Ba La ngồi bên đầu võng của tôi. Tôi hỏi ngay:
- Bây giờ cậu muốn gì ? King Kong ? ấy chết. Cậu muốn gì Úm Ba La ?
Úm Ba La cười khảy:
- Anh cứ gọi em là King Kong cũng được mà !
- Em biết King Kong à?
- Biết chứ.
- Anh gọi em thế em không buồn à ?
- Không. Em cũng thấy em đúng là một thứ King Kong Việt Nam sinh sống ở Trường Sơn này… Em không thể trở thành loài người khỉ kỳ quái đó, nhưng em bây giờ rất giống King Kong. Em đã trở thành một loại người rừng. Nếu không nhờ anh Cường thì em sẽ trở thành một tên thổ phỉ giết người và làm mọi sự bất nhân không gớm tay.
- Tại sao vậy ? Tôi hỏi.
-Em thấy cuộc đời tàn nhẫn với em quá đỗi. Em là thằng học sinh lớp mười biết gì đâu. Thế mà sau một cơn thoát chết, em cảm thấy hận đời và em nhất quyết trả thù đời.
Nếu như anh Cường xử tệ với em thì nhất định em sẽ trốn thoát rồi sẽ trở lại bệnh xá, một đêm nào đó, em sẽ lia một băng, đúng một băng vào mùng anh ấy rồi sau đó nổi lửa đốt tất cả các láng trại.
Tôi hỏì:
- Bây giờ em muốn gì?
- Em nhất định sẽ trở về với thầy mẹ. Em không đi đâu cả. Em không nghe lời ai nữa cả. Em chỉ nghe theo tiếng gọi của thầy mẹ em. Khi em đi, thầy mẹ em khóc bảo em trốn đừng đi nhưng em nghĩ làm như thế là hèn. Bây giờ đi vô tới đây em mới thấy ân hận ! Giải phóng cái chó gì. Em không biết miền Nam đâu là đâu cả Không biết người miền Nam có cần mình giải phóng hay không mà mang thây vào đó, bỏ thầy mẹ em ở ngoài Hà Nội không ai chăm sóc. Chỉ còn người chị gái, mà. ..
Em biết em mất rất nhiều nhân tính. Anh đã đi đến đây trên con đường này rồi, anh xem có ai còn nhân tính hay không? Em sốt suýt chết mà đồng đội của em bỏ em như thế. May mà em còn sống . Nếu em chết ở giữa rừng thì ai biết ? Bây giờ em nhất định không đi vô nữa. Em nhất đinh một bước cũng không đi. Em phải trở về dù trên đường về em có chết em cũng cam nhắm mắt. Em có ngựời yêu. Anh xem, bỏ cô nàng mà đi, rồi thân thể ra thế này. Vô lý! Vô lý! Vô lý! Em không nhận được của cô ta bức thư nào cả Em biết cô ta rất sầu não, vì ngoài em em ra chẳng ai có thể nói những lời làm rung động trái tim cô ta.
-Em ở phố nào?
- Hàng… Hàng Bột. .
- Bố mẹ còn đủ không ?
- Còn đủ.
- Anh chị em đông không ?
- Người anh cả đã chết ở Hồng Gai. Còn người chị gái thôi. Nhưng chị ấy yếu đuối lắm, mà lại hay khóc, chằng làm gì nuôi bố mẹ em nổi.
- Hiện giờ em muốn gì?
- Em thấy cần một cuốn sách để đọc.
- Sách gì ?
Úm Ba La ngồi thừ người ra. Tôi có cảm giác rằng câu chuyện của tôi đã dần dần đem lương tri trở về cho cậu bé. Tôi thấy càng nói chuyện, cậu ta trở nên hoạt bát, đôi mắt láu lĩnh và cái mồm linh động hẳn lên.
Có lẽ ở đây không ai nói chuyện với cậu ta nhiều và có chiều sâu như tôi. Cường chỉ sử dụng cậu ta như một kẻ lao công. Cậu ta ngồi lâu lắc mới đáp:
- Sách gì cũng được anh ạ.
-Thế à?
- Vâng ! Sách gì cũng được miễn có chữ thì thôi. Em vô đây đã hơn một năm rưỡi, mắt nhìn toàn rừng núi, sốt rét, lá khô, xác chết, máu chảy… chứ đâu có trông thấy chữ bao giờ. Và chính em cũng không có dịp nào cầm bút viết một chữ. Mà bút đâu có mà viết ? Đôi khi em định mượn bút giấy của anh Cường để viết về gia đình một bức thư, nhưng mỗi lần nghĩ tới việc đó em thấy ngại vô cùng ngại vì hai lẽ. Một là vì phải làm một việc mà hơn một năm rưỡi qua em không làm. Anh xem hai bàn tay em đây.
Cậu bé xòe hai tay đưa ra trước mắt tôi. Những ngón tay đen thui đầy sẹo và gồ ghé như những mắc tre có tật. Nhìn những ngón tay ấy, không ai nghĩ rằng trước đây chúng đã từng cầm bút bao giờ.
Úm Ba La nói tiếp:
- Bây giờ nghĩ tới viết những dòng chữ, em thấy khổ tâm hơn bất cứ việc gì. Em cảm thấy nó mệt nhọc hơn bổ củi nấu cơm. Còn lý do thứ hai là: viết thư nhất định em phải nói về em cho bố mẹ em rõ. Nhưng nói cái gì. Trong em bây giờ có cái gì hay ho mà nói? Nếu nói láo thì viết thư làm gì ? Em không muốn làm cho bố mẹ và chị em thất vọng. Anh nghĩ xem anh nhìn xem người em thế này…
Cậu bé ngồi lặng thinh, mắt rưng rưng.
Tôi cũng thấy xúc động sâu xa về những lời tự thuật của cậu bé. Bây giờ tôi mới nhìn rõ cậu ta. Cái lớp vỏ bên ngoài kỳ quái bao nhiêu thì những tình cảm của cậu bé sâu sắc bấy nhiêu.
Mái tóc vàng hoe không phải vì bẩm sinh mà vì tắm mưa gội nắng dầm dãi gió sương quá nhiều, một năm rưỡi có thể bằng mười lăm năm trong đời cậu.
Nước da cậu ta trông càng gớm ghiếc. Nó chia làm nhiều vùng khác nhau. Da lưng thì mốc cáy, xùi lên như vảy rắn. Ngực và bụng thì thâm sịt và đầy nốt vừa nâu vừa đen. Có lẽ cậu ta đã dùng cái bộ ngực ra như cái mũi tàu để chống lại sóng gió của cái biển Trường Sơn mênh mông ác nghiệt này, cho nên nó mới nhận lãnh nhiều thành tích đến thế.
Tôi chợt nghĩ nếu bất ngờ, anh thanh niên này xuất hiện tại Hà Nội và tự giới thiệu rằng đây là người của Trường Sơn trở về thì có lẽ dân thủ đô sẽ lập tức phân hóa làm hai nhóm: nhóm thứ nhất chạy trốn, nhóm thứ hai dạng dỉnh hơn chạy ùa tới coi như coi một con ngựa rằn hay một con dã nhơn trong sở thú.
Tôi hỏi:
- Nhưng cậu làm sao mà về được Hà Nội bây giờ?
Úm Ba La đáp:
- Em chưa biết chừng nào và bằng cách nào em sẽ về được Hà Nội, vì chuyện ấy còn tùy hoàn cảnh, nhưng nhất định em sẽ về không có ai, không có cái gì, bất cứ cái gì, dù cái đó có thiêng liêng chăng nữa, cũng không thể bắt buộc em đi tới được.
Em có thể nói với anh rằng em không còn tin ai nữa cả, ngoài tin em. Em tin em vô cùng. Vì thế, em tin rằng có ngày em sẽ về được Hà Nội.
Tôi hỏi:
- Em tên thật là gì nhỉ ?
- Tên là… nhưng mà,.thôi anh ạ. Người ta ở đây, cuộc đời ở đây đã đặt cho em cái tên Úm Ba La rất hay. Tây không phải Tây, Tàu không phải Tàu, nhưng em rất thích. Em đã quên đi cái tên cúng cơm của em. Đúng ra cái tên hoa mỹ do cha mẹ mình đặt không còn thích hợp với cảnh trí mọi rợ này nữa. Ở đây cái gì đẹp nhất cũng phải tiêu tan, ngay cả lý tưởng của tuổi trẻ.
- Em nói gớm thế.
- Đó là ý nghĩ thực qua cuộc sống của em mà. Anh không thể bắt em nghĩ khác được. Anh biết không, khi em tỉnh dậy sau cơn sốt dài mê man không biết bao nhiêu ngày, em nghĩ gì không ?
- Em nghĩ gì ?
- Em nhìn khắp chung quanh em, không có một cái gì có thể cầu cứu được cái gì đối với em cũng có vẻ lạnh lùng.
- Nhưng em tên là gì chứ.
- Tên là Hồng. Chị em tên là…
- Tên gì?
Tôi chờ đợi với cả sự ngạc nhiên sắp xảy đến với tôi. Không hiểu sao tôi cứ nghĩ rằng cậu bé này là em của Thu. Tôi thấy cái mũi nó hao hao giống mũi Thu. Có lẽ trên bộ mặt con người, ngoài cái bộ răng ra thì cái mũi là bộ phận ít thay đổi nhất sau những cuộc tang thương.
- Chị em tên là gì ?
- Bích.
Tôi thở phào nhẹ nhõm. Té ra thằng bé không phải là em của Thu vì Thu theo tôi biết thì chỉ là Thu, và tôi cũng chưa bao giờ nghe Thu nói về một đứa em trai nào đi công tác trên con đường ác nghiệt này cả.
Tôi hỏi:
- Em có bao giờ nghĩ rằng chị của em sẽ đi vào nam và sẽ gặp em trên đường này không?
- Không.
-Tại sao không?
- Vì chị em rất yếu đuối và hay khóc lắm! Hơn nữa bố mẹ em có cho đi đâu mà đi!
-Nhưng nếu em gặp chị em đi vào nam ở đây thì em làm gì? Thí dụ như anh đây là chị Bích của em thì em sẽ nói gì?
- Không, chị Bích của em là người Bắc không thể có những ý nghĩ giống anh được, cho nên em không thể nói với anh những gì em sẽ nói với chị Bích của em trên con đường này.
- Tại sao?
- Tại vì anh càng đi vào thì càng gần nhà anh, còn chị em càng vào thì càng xa nhà. Hai người hai tình cảm, hai mục đích khác hẳn nhau.
Tôi nhắc lại vấn đề quyển sách:
- Anh có mang trong ba-lô một quyển sách, của chính anh viết. Anh định sẽ mang về tặng gia đình anh, nhưng bây giờ gặp em, ý định anh thay đổi. Anh sẽ tặng quyển sách ấy cho em.
- Ôi chao! Ôi chao! – Úm Ba La đưa tay lên cào cào mớ tóc dài cộp quến vào nhau thành mảng, như những lời nói của tôi làm động tới bộ não của cậu ta. Cậu ta lắp bắp hỏi – Sách gì vậy anh?
- Truyện ngắn.
- Chao ôi ! Em may mắn quá. Cha cha !
Cậu bé xoa xoa tay. Bây giờ mà em giở trang sách ra nhìn lại những dòng chữ thì chẳng khác nào nhìn lại mặt người yêu! Em hồi hộp quá! Em mong đợi ghê quá! Nhưng sách ở đâu hiện giờ anh?
- Trong ba-lô anh.
- Đi đi lấy đi anh.
Úm Ba La đứng phắt dậy lôi tay tôi. Tôi bảo:
- Nhưng từ nay về sau, bỏ cái tên Úm Ba La đi nhé em ! Hồng ?
- Chuyện đó hậu xét !
—>Chương 19


- 19 -
Tôi bị cuốn hút vào cậu thanh niên kỳ dị này. Và cứ theo chiều hướng của Năm Cà Dom thảo luận với Cường thì tôi và Hồng đi để Năm Cà Dom ở lại bệnh xá. Thu đang ngồi nắn nắn bắp chân trên võng. Thấy Hồng tới, Thu vội vàng bỏ chân xuống dép và ngó lom lom vào cái con người kù quái kia.
Hồng vẫn cứ thói quen, quắc mắt nhìn lại và quát:
- Nhìn gì ? Đào ngũ đấy. Muốn làm gì không ?
Tôi bảo:
- Bạn của tôi đấy cậu ! Đừng nói thế! Cậu ngồi võng tôi đây này, rồi tôi sẽ lấy sách cho.
Tôi định soạn ba lô nhưng tôi dừng tay lại vì tôi thấy Thu và Hồng nhìn nhau bằng cái nhìn kỳ lạ làm cho tôi rất ngạc nhiên. Cái nhìn như xoi mói mà lại như thân thuộc với nhau từ lâu, cái nhìn vừa như những tia sáng chọc thẳng vào mắt nhau vừa như êm dịu trao đổi với nhau những tình cảm mến thương.
Nhưng tôi nghĩ ngay rằng Thu đang sửng sốt trước một loại người chưa từng thấy bất cứ ở đâu, còn Hồng thì lấy làm lạ có một người con gái xinh đẹp như một nàng công chúa giữa một bộ lạc mọi dã man này.
Tôi lục ba lô nhưng không thấy quyển sách. Tôi hỏi Thu:
- Em có lấy quyển sách trong ba lô anh không ?
- Anh đã cho chị Ngân mượn anh còn hỏi gì nữa ?
- Thế à, Ngân chưa trả à ?
- Anh còn muốn tặng cho người ta mà còn đòi người ta trả là sao ?
- Sao em nói thế!
- Em nói không đúng hả anh ? Vậy em xin lỗi nhé !
-Em nói thế chẳng hóa ra anh đối em không có nghĩa gì sao?
- Không phải thế.
- Vậy thế nào ? Em cứ nói ra đi.
- Em cũng không rõ nữa, nhưng em cảm thấy là quyển sách ấy không bao giờ trở lại tay em.
- Để anh đi đòi lại ngay bây giờ.
Tôi quay sang nhìn Hồng. Hồng vẫn ngồi lặng thinh nhìn Thu không nháy mắt. Cậu ta như bị Thu thu mất hồn. Tôi hơi khó chịu, nhưng vẫn giữ được bình tĩnh.
Tôi bảo:
- Cậu ngồi đây chơi, để tôi đi lấy quyển sách tặng cậu.
- Thôi anh ạ, em làm phiền anh quá !
- Không sao, tôi đã hứa với cậu mà.
Tôi bước ra đi được vài bước thì Hồng cũng chạy vút theo.
- Sao cậu không chờ tôi ?
- Thôi anh ạ, để anh mang nó về quê hương.
Hồng nói với tôi với vẻ mặt không vui làm cho tôi ái ngại. Có lẽ vì lời qua tiếng lại giữa Thu và tôi làm cho cậu ta buồn lòng. Nếu quả thật vậy thì tôi cũng đi lấy quyển sách về để chứng minh rằng tôi không có tình cảm gì với Ngân, mặc dù những tình cảm đó đã nảy nở rất tinh vi, tuy không lộ ra ngoài nhưng sự khôn ngoan của Thu cũng là của bất cứ người đàn bà nào, đã lính đoán được.
Hồng hỏi tôi:
- Chị ấy là người yêu của anh à ?
- Ừ.
- Hai anh chị yêu nhau lâu chưa ? Em xin lỗi nhé. Em xem anh như bậc đàn anh của em. Hồng dè dặt, lễ phép.
- Lâu rồi.
- Chị ấy cũng đi Nam với anh à ?
- Chứ còn đi đâu nữa.
- Thích nhỉ.
Tôi và Hồng cùng đi đến lều Ngân để lấy sách. Khi tôi rẽ vào lều của Ngân được một quãng thì tôi thấy Hồng đã chạy vọt tới phía trước. Tôi gọi to. Tiếng gọi vang to giữa hai vách suối, nhưng Hồng không quay lại. Hắn nhảy nhanh qua các đầu mõm đá xa dần với mớ tóc dài xụ xộp xõa xuống quá vai.
Tôi trở về lều với quyển sách trong tay.
- Đây em ạ ! Quyển sách đã trở về tay em.
- Em không đồng ý anh làm như thế.
- Tại sao?
- Ngân sẽ buồn.
- Ơ hay, sao em cứ nói loanh quanh mãi thế.
- Ừ nhỉ, em nói loanh quanh luẩn quẩn quá nhỉ ? Em sẽ chấm dứt ngay bây giờ.
Tôi bèn kể lại câu chuyện giữa tôi và cậu thanh niên quái gỡ kia cho Thu nghe và kết luận:
- Cậu ta ở Hàng Bột đấy, em ở Hàng gì ?
- Em ở Hàng gì đến anh mà cũng không nhớ nữa sao ?
- Nhiều hàng quá, anh không nhớ hết.
- Nhưng anh phải nhớ Hàng em ở chứ. Hàng nào em ở thì anh không được quên.
- Tội nghiệp cậu ta quá. Tôi đánh trống lãng. Cậu ta giống chàng King Kong quá em nhỉ ?
- Vâng thoạt tiên, trông thấy anh ta em cũng nghĩ như vậy.
Tôi lên võng nằm với trăm ý nghĩ trong đầu. Toàn những chuyện kỳ lạ, không chép lại hết.
Còn Thu thì cứ kêu là khó chịu. Thu nằm một chốc lại ngồi, ngồi rồi lại bước đi ra khỏi lều, xong lại lên võng nằm và lại cứ kêu “Eo ôi! khó chịu quá!”
Cứ mỗi lần tôi nghe Thu kêu thì tôi lại sợ hết vía ra. Không biết cái tiếng kêu đó báo hiệu trước cho tôi, cho nàng một cái tai hoạ gì đây.
Tôi lại bắt đầu sợ cái con kỳ đà xui xẻo. Nhưng mình đã nuốt thịt nó vào bụng rồi, nó đã tan vào máu mình rồi, làm sao bóc nó ra cho được.
Cuộc sống dài dằng dặc lê thê buồn nản thối chí đơn điệu ở đây làm cho một con người trở nên tai nạn cho chính mình. Mình cảm thấy sống là khổ ải, vô bổ, nhưng lại rất sợ chết. Đau ốm thì lo chạy chữa cho khỏe lại, nhưng khi khỏe rồi thì cũng chẳng làm gì ngoài cái sự nấu cơm, ngồi trong lều nhìn mưa và tán gẫu.
Giữa tôi và Thu có sự không hài hòa với nhau rồi. Tôi biết vậy. Nếu ở một nơi nào khác thì tình yêu sẽ vọt lên đỉnh cao hơn và sẽ kéo dài hơn. Còn ở đây, nó không có đất sống, nó không thể thọ được hơn nữa. Huống chi trong cuộc sống của hai đứa lại có một kẻ khác chen vào, mà kẻ ấy Thu lại tiên đoán là tình địch của nàng.
Tôi cố chứng minh ngược lại. Tôi làm, tôi nói tất cả những gì có thể bảo đảm với nàng răng tôi không yêu ai ngoài Thu. Nhưng sự đời lại rất oái oăm, càng thanh minh, càng đính chánh thì đó chính là mình tự thú nhận.
Chiều hôm đó thì Năm Cà Dom về.
Năm Cà Dom đưa cho tôi một cái phong bì dán kín khá nặng. Tôi vừa cầm lên tay thì Thu cũng trông thấy ngay. Tôi nghi là của Ngân gửi, nhưng cũng may, Năm Cà Dom nói to lên:
- Của thằng Úm Ba La gởi cho cậu đấy!
Rồi Năm Cà Dom lại tiếp ngay:
- Cái thằng người vượn đó kỳ cục quá. Không biết nó đi đâu mà lúc trở về ôm đầu khóc rưng rức. Cường và tớ gạn hỏi hết sức nó cũng không nói. Xong nó biến đi đâu mất. Đến lúc tớ ra về thì lại thấy nó chạy theo và đưa cho tớ cái thư này nhờ gởi cho cậu. Đọc xem nó nói cái gì trong đó.
Rồi Năm Cà Dom vừa đi vừa càu nhàu:
- Mệt bỏ mẹ ! Từ đó về đây mà đi muốn rụng hai đầu gối.
- Muỗi đòn xóc phải không ?
- Hì hì ! Năm Cà Dom cười rồi đi thẳng về lều.
Tôi bóc thư ra đọc ngay.
Những dòng chữ đen nghịt chạy dưới mắt tôi.
Chị Bích thân yêu,
Thật là một niềm đau khổ kinh hoàng đối với em và cả đối với chị nữa khi em viết và khi chị đọc những dòng chữ này. Chị không nhận ra em thực ư? Chị đã không nhận ra em thực rồi. Đó là sự thực mà em cứ ngỡ trong chiêm bao. Hồng đây. Hồng ngồi trước mặt chị mà chị không biết.
Một năm rưỡi ở Trường Sơn sống với loài dã thú, sống một đời sống ăn mày, ăn cắp, căn cướp, giật giọc, lường gạt bất lương. Hồng giờ đây đã không còn là Hồng em trai ngoan ngoãn của chị như ngày xưa, mà có gì xưa cho lắm. Chỉ mới hơn một năm thôi.
Em không ngờ gặp chị ở đây. Nhưng em đã gặp chị. Em đã gặp chị, nhưng em không muốn cho chị biết em là em của chị. Nỗi đau khổ, em muốn chỉ riêng mình em chịu thôi. Em không bao giờ còn hi vọng sống yên ấm trong gia đình để quấy phá chị, để chị mách thầy mẹ quở đánh em, nhưng rồi chính chị lại bênh vực em, hoặc lấy thân chị đỡ roi đòn cho em. Hạnh phúc của em đã lùi xa….
Tôi không đọc được nữa. Tôi chạy vọt sang Thu và chìa ngay bức thư cho Thu.
- Em đọc đi, Bích.
- Thôi, em không đọc. Thu ngúng nguẩy.
- Nếu em là Bích thì em phải đọc, đọc ngay.
Thu miễn cường cầm lấy bức thư và đưa lên mắt.
Sự ngạc nhiên lộ hẳn lên khung mặt của Thu. Thu đọc một quãng thì mặt mũi tái ngắt, tay Thu run rẩy. Thu ngước lên hỏi tôi:
-Sao lại thế này anh?
-Anh cũng không rõ nữa.
- Thế nó đâu rồi?
- Anh cũng không biết.
-Trời ơi, sao thằng Hồng lại ra thân thể ấy hỡi trời!
- Có đúng nó không ? Sao không bao giờ anh nghe em nhắc đến nó nhất là nó đã vào Nam trước em.
- Em không muốn nhắc vì em nghĩ rằng nó không sống nữa.
Tôi cầm lấy bức thư từ hai bàn tay run rẩy của Thu và đọc tiếp:
Em muốn nhảy tới ôm quàng lấy chị mà oà lên khóc như một đứa trẻ con, nhưng không biết cái gì đã giữ em lại. Chị Bích thân yêu, chị tha thứ cho em. Em biết em hành động như thế là điên cuồng, nhưng có lẽ em thích làm như thế (dù sau này em biết chắc chắn rằng em sẽ ân hận) còn hơn để cho chị gặp đứa em chị với một hình thù kỳ quái như em.
Đúng là chị đây rồi. Chị đã thay đổi rất nhiều nhưng dù sao em cũng còn nhận ra chị với hai hàm răng trắng và đều như hạt ngô như thầy mẹ thường khen như thế, với cái chót mũi thanh tú đã từng thưởng cho em những cái hôn nồng ấm tình thương mỗi khi em làm bài được điểm cao.
Chị Bích thân yêu,
Bây giờ thì em đã trở thành một con người không phải là con người nữa, với bao nhiêu thú tính, với vô số tội lỗi và vô số ý nghĩ điên cuồng nung nấu trong đầu.
Thôi nhé, chúc chị thành công, chúc anh chị hạnh phúc. Vĩnh biệt
Em trai của chị,
Hồng
Tôi đọc suốt bức thư không sót một chữ nào.
Thu ngồi trên võng chết điếng, không một cử động, như một bức tượng đá. Hai hàng nước mắt bị kềm chế từ lâu, từ trong khóe mắt tuôn chảy thành hàng xuống má, xuống môi rồi rơi xuống ngực nàng, tưởng chừng gây thành những tiếng động vang tận đáy tim tôi.
Tôi cũng sững sờ. Không biết nói gì với nàng.
Bất giác tôi nâng những trang giấy soi lên ánh sáng rừng chiều đã mờ nhạt hẳn đi, như để tìm xem còn có một sự thật nào ít chua xót đớn đau hơn không ?
Ghê gớm thay những dòng chữ đã làm cho tôi tưởng mình đang xem một vở kịch nhân tạo, chứ không phải một sự thực có thật ngoài cuộc đời.
Chuyện gì mà éo le đau xót quá thế như vậy.
Thu gạt nước mắt:
- Anh gặp nó ở đâu ?
- Ở trong bệnh xá.
- Nó làm gì trong đó ?
- Làm đầy tớ cho ông Cường bác sĩ trưởng bệnh xá.
- Làm sao đi tìm nó bây giờ hở anh ?
- Bây giờ tối rồi, để mai.
Không ! Anh dắt em đi am nó ngay bây giờ.
- Tối quá rồi em ạ, đi không được đâu.
Thu lặng thinh. Mắt ngó mong ra xa.
Bóng tối đã rây rắc xuống tàng cây ngọn cỏ. Mắt Thu đẫm lệ ngó mong theo lối đi đầy vết chân xuôi ngược ven bờ suối cát, mong tìm lại hình ảnh thằng em.
Rồi trời tối mịt.
Thu vẫn ngồi như thế như tượng đá, chốc chốc lại thở dài áo não. Còn tôi thì không dám đi đâu, cứ ngồi ở đầu võng đó để hầu hạ đối đáp từng cử chỉ, từng câu nói của nàng. Không biết đó có phải là cái tai họa mà con kỳ đà mang đến hay không. Ngẫm cũng thật khó hiểu.
Tôi hỏi Thu:
- Thế em không nhận ra em Hồng à?
- Làm sao mà nhận ra được anh? Nó không còn một nét nào của Hồng năm xưa nữa. Da dẻ, khung mặt, tóc tai. Nhất là bộ tóc bồm xồm hoe hoe của nó làm cho gương mặt của nó tối sầm lại.
Tôi nói:
- Em dở quá. Nếu anh như em thì anh nhận ra ngay.
- Thú thật em cũng thấy ngờ ngợ. Em định hỏi thăm nó vài câu, nhưng chưa kịp hỏi thì nó đã vụt chạy đi rồi.
Tôi chắc lưỡi:
- Cái thằng kỳ thật, gặp chị như thế mà lại trốn đi đâu.
- Tính tình nó kỳ cục lắm anh ạ. Nó có cô người yêu hoa khôi trường Trưng Vương, nhưng nó chẳng bao giờ tìm đến cô ta cả, chỉ cô ta tìm đến nó thôi. Thế mà cô ta không rời nó được.
Bỗng Thu ôm mặt gục xuống và kêu lên khe khẽ:
-Trời ơi! Nếu em khôn ngoan thì em hãy quay trở lại cho chị gặp Hồng ạ ! Chị chết mất thôi ! Thầy mẹ mà biết em như thế này, thì thầy mẹ cũng sẽ chết mất.
Tôi ngồi lặng im, không dám cử động, tôi tôn trọng sự đau khổ của nàng. Tội nghiệp ! Một người chị như nàng làm gì được cho thằng em trai ? Tôi nói:
- Để mai anh sẽ đi bắt nó về cho em.
- Đêm nay em tưởng như dài vô tận.
- Chắc chắn nó sẽ trở lại thăm em.
Thu sụt sịt mãi. Thu nói:
- Em càng nghĩ càng thương thầy mẹ em ghê anh ạ! Mỗi lần em đau ốm trượt ngã, đau đớn rên siết, em thương em thì ít, em thương thầy mẹ em càng nhiều. Thầy mẹ em không để cho em trầy da chân, còn thẳng Hồng, đôi lúc thầy em đánh nó, nhưng sau đó thầy em lại bảo nhỏ mẹ em dỗ dành vuốt ve nó.
Còn có hai chị em đi cả thế này mà rồi thân thể lại ra thế này, anh nghĩ có đáng thương ông già bà già không ? Giờ này ông bà ở nhà quạnh hiu, ra vào không thấy em cũng không thấy thằng Hồng, tin tức thư từ cũng không, chắc thầy mẹ em sầu muộn mà chết sớm.
Chập sau, Thu lại nói:
- Em không đi nữa anh ạ. Bây giờ thì dù thế nào thì thế, em cũng nhất định không đi vào ! Em đánh đổi tất cả, kể cả những cái gì thiêng liêng nhất trong em, để đạt được một chuyện là trở về gặp lại thầy mẹ em ở tại nhà.
Tình cảm này của Thu dai dẳng từ mấy trạm qua, Thu nung nấu nuôi dưỡng nó, Thu bảo vệ nó, để bây giờ cái sự việc gặp cậu Hồng ở đây là cái giọt nước làm cho cái ly nước tình cảm kia tràn trề. Tôi cũng như Thu. Trong những cơn đau ốm tôi thường nghĩ tới cha mẹ tôi. Ông bà đang ở trong Nam tựa cửa trông con. Hằng chục vạn cảnh mẹ già tóc bạc tựa cửa trông con từ phương Bắc mịt mờ trở về, ngày nay không còn là một bài. học tượng trưng trong trang sách mà nó đã biến thành sự thực.
Ở ven bờ suối ngay chỗ tôi và Thu thường lên xuống để múc nước, giặt giũ có một cái cây giống in cây trâm bầu. Ai ở miền Nam ắt không lạ gì cái giống cây trâm bầu. Những bờ trâm bầu rậm mát buổi trưa hè là những chiếc giường thiên nhiên cho nhà nông ngả lưng kéo những giấc ngủ trưa tuyệt vời. Thân cây trâm bầu đầy gai nhọn, lá nó không tha thướt nhưng nhìn thấy cây trâm bầu là thấy tình cảnh đồng quê sâu đậm.
Tôi đi ra Bắc mười hai năm, quên hẳn giống cây này, không có một bài thơ một vở kịch nào làm sống lại bóng dáng cây trâm bầu trong lòng người Nam Bộ tập kết.
Bây giờ đây trên bước đường về quê (hay về nước cũng thế) tôi vừa gặp lại cây trâm bầu ở ven bờ suối nầy. Tôi đã làm đủ mọi sự kiểm tra từ vỏ cây, lá cây đến trái cây và sau cùng tôi đứng tựa hẳn vào gốc cây đầy tược non mượt mà và kêu lên khe khẽ tự đáy lòng: Trâm bầu ơi chính ta đây, bạn ngươi, người Nam Bộ hơn mười năm ly hương nay trở về xứ mình.
Tàng cây trâm bầu xum xuề, vỏ cây mốc nhưng ửng lên đầy sinh lực, rễ cây ăn chen vào những kẹt đá, một cái rễ to luồn sâu dưới một hòn đá đã làm nứt hòn đá này ra. .
- Trâm bầu ơi ! Hôm nay chắc mi thấy bớt cô đơn !
Tại sao chỉ có một cội cây trâm bầu dọc bờ suối này ? Tôi để ý thấy không còn một trâm bầu nào khác ở quanh đây.
Tôi tự hỏi, ai đã mang hạt trâm bầu gieo xuống đây? Một chú chim giang hồ nào trong một chuyến bay phiêu lưu đã mang hạt giống cây kia nhả xuống đây để thử sức sinh tồn của giống cây ấy chăng ? Hay một trận cuồng phong nào đã thổi tung hạt giống ấy từ miền qua sông Cửu Long ra tận vùng núi đá chết tiệt này ?
Thu nói:
- Xin anh tha lỗi cho em. Em ngấy lắm rồi. Em không muốn anh nói gì về sự đau đớn của em. Tất cả lý thuyết đối với em bây giờ đây không vượt qua nổi những sự thực đã dầy dẫy trước mắt em hằng ngày. Anh xem đó, một đứa con trai hai mươi mốt tuổi đi vào “giải phóng miền Nam” một năm rưỡi nay, bây giờ tóc tai mắt mũi và tư tưởng như thế đó !
Rất tiếc là em không nắm tay giữ nó lại kịp. Em ân hận vì trước đây em đã xui nó đi mặc dù thầy mẹ em không muốn cho nó đi. Em tưởng em đi theo dấu chân nó sẽ gặp được nhũng điều may mắn, vinh quang để xóa tan sự ân hận ngày trước, chẳng ngờ giờ đây gặp lại nó thì sự ân hận không những đã dấy lên mà còn bốc thành lửa đang thiêu cháy cả tim óc em !
Tôi thấy không thể dùng lý luận mà đánh lạc mục tiêu cho sự đau khổ của cô gái thông minh, cho nên tôi đi vào chuyện thực tế. Tôi bảo:
- Em nằm xuống nghỉ đí! Rồi sáng mai anh sẽ đi bắt nó về cho.
- Có chắc không anh ?
- Nó ở trên bệnh xá mà. Rồi em muốn nó thế nào, anh xin cậu bệnh xá trưởng cho nó cũng được.
- Có chắc không anh?
- Chắc chứ. Theo cậu ta nói thì Hồng phục vụ cho cậu ta đến khi nào cậu ta về Hà Nội sẽ mang Hồng về theo.
- Thế hả anh ? Thế thì em yên tâm lắm. Em không xin gì thêm cho nó. Chỉ muốn gặp lại nó thôi.
- Em ngủ đi, đừng lo nữa.
Năm Cà Dom lên tiếng xen vào:
- Thôi ngủ đi cô Thu. Không thể làm gì được bây giờ. Nhất định đêm rồi phải đến sáng. Sáng mới đi tìm nó được. Bây giờ cô có vất vả đau khổ thế mấy thì trái đất cũng chỉ quay theo cái nhịp độ của nó mà thôi chứ không chịu theo ý muốn của cô mà quay nhanh lên chút nào. Hãy ngủ đi. Trong giấc ngủ mọi sự sầu muộn sẽ tan biến và tâm hồn mình sẽ phơi phới… ớ…
Năm Cà Dom nói tới đó thì hớ hớ và hắc xì lên hai ba cái rõ to. Tôi tưởng chừng cái chót mũi anh ta bay đi vì những cái hắt hơi đó. Tôi cười:
- Làm gì hắt hơi dữ vậy ?
- Cậu tự hỏi xem cậu làm gì mà cũng hắt hơi liên miên vậy ?
Hai đứa muốn phá tan cái không khí nặng trĩu, nhưng cả hai đều cảm thấy mình không còn duyên dáng.
—>Chương 20


- 20 -
Năm Cà Dom đang nằm im bỗng bất thần gọi tôi:
- Ê này, nhà “răng!”
- Gì đó nữa?
- Mình có đề tài hay lắm, cậu có “siêu” tầm không?
- Thôi đi, giấy má đã nhóm bếp hết rồi.
- Bỏ qua cái này thì rất uổng! Tớ hứa với cậu là một ngàn năm trước một ngàn năm sau, không thể gặp.
- Ăn thịt kỳ đà xong cổ nói toàn chuyện đâu đâu không hè !
Năm Cà Dom bật ngồi dậy, nghển cổ sang phía tôi.
- Này, cậu có tưởng tượng chôn sống thương binh không ?
- Hả, cái gì ? Cậu nói cái gì?Description: http://thaithuyvy.wordpress.com/wp-includes/js/tinymce/plugins/wordpress/img/trans.gif?m=1207340914g
Năm Cà Dom ngả người ra trên võng, như một trái bóng bơm căng bất thần bị chọc thủng. Năm Cà Dom rên rỉ:
- Đù mẹ. Tàn nhẫn quá, không chịu được.
- Mà cái gì vậy?
Tôi gắt và bị Năm Cà Dom gắt lại:
- Thì đã bảo là nó chôn sống thương binh mà cứ hỏi.
Tôi lịm người ra. Không biết Năm Cà Dom nói thiệt hay nói chơi. Vừa rồi, vào bệnh xá, tôi cũng có nghe một người nói: “ở bệnh xá khác thì người ta đem người chết vào nhà xác, còn ở đây thì người ta đem người bệnh vào đó cho họ chết. “
Ở cái bệnh xá của bác sĩ Cường cũng thế chăng?
Mãi về sau, tôi gạn hỏi Năm Cà Dom thì anh ta mới kể lại chuyện đó. Số là hôm đổ, ăn thịt kỳ đà xong tôi đưa Hồng về chỗ tôi ở, Nam Cà Dom ở lại. Lúc đó người ta đem thương binh vào chật ních cả khu rừng. Cường phải lẩn tránh vì không có thuốc men. Một lúc sau, Năm Cà Dom đi ra rừng. Năm Cà Dom đang ngồi bỗng nghe tiếng rên rỉ từ dưới lòng đất. Rõ ràng là tiếng người. Nhưng Năm Cà Dom bị sự xui xẻo của con kỳ đà ám ảnh. Cho nên anh ta tưởng ma quỉ hiện hình. Anh ta chạy vào vừa thở hổn hển vừa gọi bác sĩ Cường và kể lại tự sự cho Cường nghe.
Bác sĩ Cường suy nghĩ mãi mới thú thật với Năm Cà Dom rằng đó là một cách trị bệnh nhân đạo nhất mà Cường đã phát minh sau những ngày làm trưởng bệnh xá ở đây. Năm phản đối ngay:
- Vô nhân đạo, dã man !
- Ừ đúng thật. Vô nhân đạo, dã man, tán tận lương tâm nữa, nhưng mà nếu để cho họ rên siết, vật vã, lăn lộn, mà mình không cứu chữa cũng không kéo dài được sự sống của họ thêm phút nào, thì lại càng dã man, tán tận lương tâm hơn. Tớ đã suy nghĩ rất nhiều, thấy mình ác, tệ thật. Nhưng làm sao ? Đứt động mạch, vỏ não bị thương, gãy đốt xương sống v.v. . . cậu có là thánh cũng đành co tay ở đây. Nhưng tớ không ra lệnh. Tớ cứ để cho tổ lao động họ làm. Bề nào cũng chết thà chết sớm cho đỡ đau khổ.
Năm Cà Dom gạt phắt:
- Làm như thế, tụi thương binh chung quanh mất mẹ hết tinh thần.
- Úy! Chúng nó đâu làm sao biết được! Chứ nếu để nó cứ rên la, chửi bới thi tụi kia càng mất tinh thần hơn. Thôi thà bỏ xuống hầm, như núp máy bay vậy. Rồi lấp đất luôn.
Tôi gạn hỏi mãi Năm Cà Dom xem đó có phải là sự thực không ? Năm Cà Dom chỉ lắc đầu:
- Thật là ngoài sức tường tượng. Thảo nào tôi trông thấy những cái hầm giống như những cái huyệt mộ dưới đó thấy có những thương binh nằm sẵn. Khi cần, cứ lấp đất, tiện lợi biết bao.
Năm Cà Dom nói tiếp:
- Có cái chuyện này thì tôi không trông thấy thật !
- Chuyện gì ?
- Chuyện mình bắt dân công người Thượng khiêng thương binh mệt quá, nó ghét nó đào lỗ chôn sống luôn.
- Có thật không ?
- Ai biết đâu nhưng nghe tụi nó nói thế!
Thật là toàn những chuyện oái oăm kỳ cục cứ ít hôm lại gặp trên con đường này.
Càng đi những chuyện như thế này càng nhiều ra và càng kỳ cục hơn lên. Càng đi tư tưởng con người càng phân tán, như một cái cây càng mọc lên thì càng tủa ra vô số nhánh nhóc. Những nắm tay không còn vung lên nổi vì chúng bận tìm củi, hái rau, nấu cơm vác súng mất hết cả sức lực.
Vô tới đây bao nhiêu tâm sự chất chứa hàng chục năm ở miền Bắc mới xì ra. Ai kín mồm nhất tới đây cũng xì ra. Nằm trong cái khe suối âm u này với những đêm mưa dầm, những cơn sốt dai dẳng thì người ta buồn, người ta thất vọng cho nên người ta hay tâm sự. Như cái thiên tâm sự của ông Chín, ông ta về Nam vì bị chèn ép không ngoi lên nổi và về để khỏi gởi xương nơi đất khách.
Năm Cà Dom thì về nuôi ngựa đua. Còn Thu thì không muốn đi nữa. Tôi biết rõ điều đó. Nhất là ngay trong nhũng giờ phút này, sau khi xảy ra cuộc gặp gỡ bất ngờ cậu em trai. Tôi nghe tiếng võng khua sột soạt của Thu rồi thỉnh thoảng có tiếng hít mũi. Tôi biết Thu cố nén không cho tôi và Năm Cà Dom biết nàng khóc.
Ngày mai trở đi thì cuộc sống của chúng tôi vô cùng phức tạp về tình yêu, về tình chị em, và sự bế tắc của con đường.
Tôi càng nghĩ mà càng ngán ngẩm và càng thấy con đường xa vời vợi. Hôm qua cái nhà bếp của chúng tôi xiêu, tôi phải đốn câv chống lại, những sợi dây nhợ căng tăng đã mục, tôi phải bứt dây mây rừng để thay. Vài lỗ thủng trên nóc tăng. . . Thì ra chúng tôi đã ở đây như đã cất nhà, và hình như người nào cũng yên tâm đóng quân ở đây vô thời hạn.
Tôi đang nằm miên man nghĩ ngợi thì có tiếng kêu thất thanh của Thu, như có ai bóp họng Thu:
- Á á …
Tôi ngồi bật dậy và chụp lấy cái đèn bấm treo trên cổ như một thói quen, bấm rọi sang Thu.
-Gì vậy? Gì vậy?
- Á á … á!…
Tôi chạy vụt sang. Thu đang ngồi trên cái võng lắc lư, đầu tóc rối tung, một tay nàng bám chắc một đầu võng cho khỏi ngã, mắt nàng quắc lên nhìn ra bóng tối như hai tia sáng chọc thủng màn đen dày đặc.
Tôi nắm tay nàng giặt giặt và hỏi:
- Gì vậy em?
- Nó về. . . về anh ạ !
- Nó nào ?
- Thằng Hồng… Hồng về !
Tôi rọi đèn chung quanh một chập chờ Thu tỉnh hẳn lại rồi mới hỏi:
- Em nằm chiêm bao hả ?
- Em đâu có ngủ mà chiêm bao.
- Em trông thấy em Hồng thật à ?
- Nó ở ngoài bước vào lều em thật mà.
Năm Cà Dom vẫn nằm trên võng nói vọng sang:
- Cô nằm chiêm bao đấy, chẳng có đứa nào về đâu.
Thu nói:
- Em đâu có ngủ mà chiêm bao ?
- Thằng nào mà lại mò tới đây được ! Không phải đâu cô ! Tại cô nghĩ tới nó nhiều quá, rồi tự nhiên cô trông thấy nó như hiện lên rước mặt cô. Tôi đã biết một “ca ” như vậy rồi. Đó là hồi tôi ở trong Nam. Có lần má tôi trông thấy tôi về. Bà đang ngủ bỗng ngồi dậy chạy ra mở cửa và giơ tay chụp vào vai tôi, chẳng ngờ không có ai cả. Vì lúc đó, tôi đang ở cách xa bà ba tỉnh.
Nhưng Thu cứ quả quyết:
- Em trông thấy nó rõ ràng. Tóc nó dài xõa xuống trước ngực. Nó bước vào chạm võng em, em quơ tay ra đụng tay nó rõ ràng. – Thu xòe tay ra và nói tiếp- Em đụng nó ở chỗ này này!
Tôi hỏi:
- Sao em không gọi nó?
- Em không nói ra tiếng được.
-Sao em không rọi đèn theo?
- Em đâu còn nhớ đèn đuốc gì.
-Sao nó lại làm kỳ vậy nhỉ?
- Ai biết. . . em không hiểu sao nó làm khổ em như vậy?
Tôi ngồi xuống đất. Tôi thở dài. Rồi tôi ngồi nhích lại võng Thu.
Từ một chuyện oái oăm lại đẻ ra thêm một chuyện khác không kém phần oái oăm. Đã bảo là trên đường này không có người nào bình thường, cho nên không thể có sự gì bình thường được.
Tôi nói với Thu:
- Em có chắc chắn nó là Hồng không?
- Chắc trăm phần trăm.
- Bằng chứng gì?
- Nội cái nó gọi em là chị Bích thì cũng đủ rồi.
-Tạì sao?
- Cái tên Bích chỉ có bố mẹ em và nó biết thôi. Cái tên ấy đã không dùng từ mười năm qua. Với lại cái tuồng chữ của nó anh ạ. . Cái gì thì thay đổi, chứ tuồng chứ không thể thay đổi được, huống chi mới cách đây có mười tám tháng.
Thu ngưng một chốc, lại tiếp:
- Với lại sự linh cảm và những trực giác của con người. Trước khi nó đến, em có kêu với anh là sao em thấy khó chịu quá, nhưng không phải bệnh. Còn về phần thằng Hồng thì tuy nó có thay đổi nhưng cái dáng dấp nó không khác mấy. Thôi đích rồi mà, anh đừng có hỏi gặn em nữa làm cho em thêm khổ tâm.
Đêm thật là dài.
Tôi cứ ngồi như thế, không đốt lửa cũng không nói năng chi. Cảm thấy mình như con sinh vật đang lặn ngụp giữa một đại dương đau khổ về vật chất lẫn tinh thần.
Thu bỏ một tay trên vai tôi. Tôi mân mê những ngón tay gầy guộc của nàng như ve vuốt những kỷ niệm đã qua.
Thu nói:
- Yêu em, anh khổ nhiều hơn hạnh phúc.
- Không có tình yêu nào không đau khổ
- Nhưng anh đau khổ nhiều quá thì lòng em không đành.
- Đau khổ gì đâu.
Anh không cho em biết nhưng em vẫn biết, nỗi nọ niềm kia. Anh đừng dấu em. Em cũng như anh. Đau khổ quá, nhưng khi yêu thì chỉ có yêu, những tình cảm khác thì dù mình có muốn hay không, chúng cũng biến đi hết cả.
Tôi cười khảy:
- Còn một tình cảm: Giận !
- Giận cũng vì yêu… Nhưng thôi em không bao giờ giận anh
Tôi bóp mạnh bàn tay nhỏ nhắn của nàng kẻo qua mũi tôi nhưng không hít vào. Tôi nghe sự giá lạnh của tim nàng qua làn da ở lưng bàn tay.
Tôi biết nàng sắp sửa nói những chuyện không vui, nên tôi rẽ sang hướng khác. Tôi vẽ ra một tương lai xa vời.
- Nè bây giờ hai đứa cùng về Hà Nội thì anh sẽ làm gì, và em sẽ làm gì?
Tôi giặt giặt tay Thu để đánh thức trí tuệ nàng. Nhưng nàng vẫn lặng thinh và rụt tay lại, nàng khẽ sờ tìm nốt ruồi trên má tôi.
Nàng vuốt ve nốt ruồi làm tôi xúc động. Tôi biết nàng muốn nói gì qua cái cử chỉ nhẹ nhàng ấy. Những lần âu yếm nàng bao giờ cũng đặt vào đấy những chiếc hôn, và hầu như nàng chỉ hôn cái nốt ruồi ấy và kêu lên khe khẽ: “Của em, của em, anh giữ lấy cho em.”
Bây giờ nàng không nói gì, nhưng nàng cứ mân mê cái nốt ruồi, như ngón tay cố bấm lại phím đàn quen thuộc làm cho cây đàn lòng rung lên với tất cả âm thanh.
Tôi tựa vào võng và nàng ngã đầu trên vai tôi, tóc nàng chảy dài trên vai tôi vừa mát vừa ấm như một vệt suối. Tôi hỏi:
- Sao em không đáp?
- Em không thể đáp được.
- Sao vậy em?
- Vì đó là những chuyện không có trong đời chúng mình.
- Tại sao?
- Anh cũng thừa hiểu rồi, còn hỏi em làm gì nữa.
- Em cứ nói cho anh nghe. Dù sao chính em nói thì vẫn hay hơn.
Thu thở dài não nuột:
- Vào Nam mà vào tận quê anh là điều không thể có, vì như anh biết, em không thể đi nổi nữa. Ở đây mới độ một phần ba đường, mà sức khoẻ của em thì đã cạn. Hơn thế nữa, em không muốn đi để thêm gánh nặng cho anh.
Tôi nói:
- Được rồi…
- Anh để yên, em nói hết cả. Đối với anh, em không còn một “ẩn số” nào nữa cả. Thì những sự suy nghĩ sâu kín nhất của em em cũng nói cho anh. Nhất là từ khi em gặp lại thẳng Hồng thì em đã phác họa ra một kế hoạch.
- Ghê gớm nhỉ!
- Thật tình anh ạ. Có nó rồi, em sẽ cương quyết hơn.
- Làm “bê quay” hả ?
- Đã hằn rồi. Em nhất định sẽ quay ra với thằng Hồng !
- Làm sao mà đi được em?
- Em sẽ xin vô làm ở bệnh xá. Vì theo anh nói thì thằng Hồng sẽ phục vụ cho bác sĩ Cường cho đến ngày nào bác sĩ Cường về Hà Nội thì ông ấy sẽ mang nó về. Thay vì ông ta có một thằng em phục vụ thì ông ta sẽ có cả con chị phục vụ, lẽ nào ông ta lại không chịu ?
- Nhất là cô chị lại đẹp quá phải không ?
- Anh không nên đùa như thế. Em cho là em đang ở một khúc ngoặc quan trọng nhất của đời em. Em phải quyết định dứt khoát.
- Trở ra?
- Cố nhiên rồi ?
Tôi ngẫm nghĩ một lát rồi hỏi:
- Còn nếu trường hợp thứ hai xảy ra ?
- Chuyện đó không bao giờ có.
- Tại sao ?
- Không bao giờ anh trở ra Hà Nội. Tình cảm quê hương và gia đình của anh ghê gớm lắm. Em biết anh xem Hà Nội như một nơi xa lạ. Anh như con chim đậu trên cành cây Hà Nội, không bao giờ anh lót tổ ở đó. Anh chỉ đậu ở đó để gióng hướng về. Con đường này hay những con đường nào khác khả dĩ đưa anh về tới quê anh, anh đều chấp nhận cả. Hà Nội và tất cả những gì thuộc về Hà Nội dù chỉ mới hôm qua đều đã ở lại phía sau của anh chìm mất trong sương mù.
Thu nói tiếp:
- Em muốn nói Hà Nội đã rơi lại phía sau anh, cả em nữa. Nghĩ tới đó, em thấy buồn, nhưng đó là sự thật. – Thu tiếp – Anh ạ! Em yêu anh đến thế này cũng còn là ít, nhưng cũng đã quá nhiều. Anh đối với em cũng thế. Tình yêu không biết đong đến đâu cho đầy. Em ngẫm về em mà em biết . Cứ đầy lại vơi, đang vơi bỗng chốc lại đầy. Bây giờ giữa anh và em có một giới tuyến. Giới tuyến đó là một con sông, một vách đá hay một lằn kẽ của nét bút chì rất nhuyễn, nhưng nó chia cắt chúng ta mãi mãi.
- Sao em khẳng định như vậy ?
- Vì nó đã như vậy mà. Có lẽ anh không còn luyến tiếc cái gì ở Hà Nội cả. Nếu có thể có thì cái đó là em. Em có thể nói một cách không quá đáng như vậy.
- Em nói đúng.
- Nhưng rồi anh sẽ quên em ngay. Không quên ngay, nhưng mà rồi anh sẽ quên đi vì trước mắt anh là cả một chân trời rộng mở.
Thu tắt ngang câu nói.
Tôi nghe những tiếng sau cùng đẫm nước mắt. Thu nghẹn ngào. Tay Thu càng ve vuốt nốt ruồi trên má tôi. Tôi nghe trên vai tôi âm ấm. Tôi không dám cử động nữa. Thu nuốt ực. Rồi đột nhiên hai tay nàng bám vào cổ tôi, kéo mặt tôi ngửa ra để cho đôi mắt đầm đìa của nàng áp sát xuống làm cho cả khuôn mặt tôi hứng nhận một trận mưa…
Trời đã sáng.
Tôi và Thu đi lên bệnh xá để tìm Hồng. Năm Cà Dom bảo:
- Nhớ đi nhanh nhanh, kẻo có chuyện gì ở ngoài này mất hết đồ đạc!
Tôi và Thu đến bệnh xá gặp ngay Cường. Tôi nói ngay không để trễ một giây:
- Xin giới thiệu với bác sĩ đây là cô Thu, chị ruột của cậu… Úm Ba La !
- Không ạ ? Không ạ ! Thu xua tay ha lịa. Tôi là chị ruột của cậu Hồng, Vũ Phương Hồng.
- Đây đâu có cậu nào…
- Dạ Hồng chính là Úm Ba La đấy bác sĩ ! Tôi nói.
- Hả ? Anh nói gì ? Thu tròn xoe đôi mắt. Hồng nào lại là Úm Ba La ? Sao em tôi lại mang cái tên gì kỳ quặc như vậy ?
- Chuyện đó để khoan hãy nói ! Bây giờ xin bác sĩ cho gọi cậu bé lên đây dùm. Tội nghiệp cô ấy đau khổ quá.
Tôi kể sơ lược câu chuyện gặp gỡ của hai chị em và chuyện tối hôm qua cho Cường nghe. Cường ngơ ngác:
- Cậu ta đâu có trở về đây. Tôi lại tưởng cậu ta vui chuyện ở chơi với anh ngoài đó.
Thu hỏi:
- Dạ thưa anh, thường thường cậu bé có mặt ở đây vào lúc nào ạ?
Cường hơi mất tự nhiên đáp:
- Cậu ta thì tự do. Cậu ta đến với tôi bất chấp ngày giờ. Có khi tôi đang ngủ, cậu ta lại tọng vào mùng tôi một giề ong mật rồi chạy đi mất, có khi tôi ăn cơm cậu ta về, tôi ăn chưa xong cậu đã chạy đi. Nghĩa là tôi không thể bắt buộc cậu ta làm việc với tôi với một cái thời dụng biểu nào cả. Tôi chỉ yêu cầu một điều là đừng phá phách bệnh xá, và cũng chỉ hứa với cậu ta một điều là: Khi nào tôi trở ra Hà Nội, tôi sẽ mang cậu ấy theo. Chỉ có thế thôi.
- Nó ở đây với bác sĩ được bao lâu rồi, bác sĩ ? Thu hỏi.
- Độ gần một năm.
- Tại sao nó cứ ở đây mà không đi vô nữa, bác sĩ có bao giờ hỏi nó không ?
- Tôi không hỏi, nhưng vẫn biết. Là vì nó không muốn đi. Là vì nếu đi thì đi không đến được, và nếu có đến được thì không có ngày về, trong lúc gia đình cần sự có mặt của cậu ta hơn. Tất cả những cậu “bê quay” dầu già hay trẻ đều có chung một lý do đó.
Thấy không có Hồng, tôi bảo Thu trở về, nhưng Thu nằn nằn đòi ở lại để chờ Hồng về. Điều đó làm hài lòng Cường, nhưng trái lại tôi không vui. Nhưng dù tôi bảo thế nào Thu cũng cương quyết ở lại đây Thu nói:
- Em chờ đến chừng nào gặp nó thì mới về. Nếu anh thấy cần về thì anh cứ về trước đi. Còn riêng em thì em thấy không cần gì hơn cần gặp nó. Em phải gặp nó thì em mới sống yên ổn được.
Tôi đành tìm chỗ mắc võng nằm, để cho Thu tiếp tục hỏi thăm bác sĩ Cường về Hồng.
Trời càng ngày càng trưa, rồi càng ngày càng tối, vẫn không thấy bóng Hồng. Rồi trời tối. Tôi vẫn phải chìu Thu mà ở lại.
Thu nói với tôi nghe thương tâm quá:
- Em tin rằng lòng thương của em đối với nó sẽ truyền tới nó làm cho nó đứng ngồi không yên và có sức lôi kéo nó đến với em. Để anh xem, tối nay nó sẽ về. Đêm nay nó sẽ về. Đêm nay anh cứ chuẩn bi đi nhé ! Hễ nghe em kêu thì chạy ra túm giữ nó lại.
Thu thao thức trăn trở mãi để chờ thằng em, nhưng cho đến lúc tia nắng xuyên qua kẽ cây rừng, thằng em kỳ quặc kia vẫn mất hút bóng hình.
Tôi và Thu ra về, không quên nhờ bác sĩ Cường báo tin cho khi nó trở lại.
Chúng tôi đi lặng lẽ bên nhau, bất mãn tràn lòng.
Thu không về mà lại đi thẳng ra lều của Ngân. Ở đó có mấy cô bạn gái Thu vừa mới làm quen, nào dược sĩ, y sĩ, kỹ sư v.v. . . Thấy vậy tôi cũng không về, bỏ mặc cho ông Cà Dom nằm queo ở nhà coi chừng đồ đạc, tôi đi đến chỗ ông bạn Hoàng Việt của tôi.
- Đói quá ! Có gì ăn không ?
- Vô đây ăn phở, xong rồi làm cà phê…
- Cha nội nữa !
- Ủa thật mà ! Phở “gió” và cà phê cũng “gió. ”
Tôi lấy võng ra mắc và ngả lưng. Tôi kể ngay câu chuyện của hai chị em Thu cho Hoàng Việt nghe.
Họ Hoàng lắc đầu, nói bằng tiếng Pháp:
- Thật là dã man ! Rồi bây giờ nó ở đâu ?
- Nó lủi mất đi rồi.
- Không tìm được à?
- Có ai đi tìm đâu.
Hai đứa đang vui chuyện với nhau bỗng thấy ngoài đường người ta ùn ùn chạy ra. Họ dẫm lên nhau, chạy bừa như chạy thoát chết.
- Cái gì thế?
- Cái gì thế?
- Biệt kích ! Biệt kích !
Có hai tiếng súng nổ gọn ở phía lều của Ngân. Lúc nãy Thu đã ghé vô đó để thăm Ngân.
Tôi chạy vô tới đó. Thì ra biệt kích đánh ngay vào cái cụm lều của Ngân. Người ta đang lúm xúm ở đó. Một người chạy vọt ra. Tôi hỏi:
- Có ai làm sao không ?
- Một người chết.
- Đàn ông hay đàn bà ?
- Không rõ.
Tôi chạy vô tới nơi thì thấy một người đàn bà đang ôm một người đàn ông kêu la thất thanh để giật anh ta dậy, còn chung quanh thì người ta đang tán loạn, kẻ chạy lủi vô bụi người chui dưới đít võng. Tôi kêu lên:
- Thu ơi ! Thu!
Không thấy Thu đâu cả. Thấy mọi người chạy tản ra một cách hốt hoảng nên tôi cũng không dám đứng ở đấy.
Có tiếng thét xé màng tai tôi:
- Biệt kích! Sao đứng đó ?
Tôi lủi vào một gốc cây. Chẳng ngờ cả Thu lẫn Ngân đều đang chui trốn ở đó. Thế mới biết trong cơn hốt hoảng thì trí khôn không còn nữa. Cái gốc cây to không đầy một ôm mà hai người núp.
Nhưng giá chỉ có Ngân hoặc Thu thì đỡ ngỡ ngàng cho tôi. Đằng này lại có cả hai….
Bên kia cái tiếng kêu gào của người đàn bà ôm cái xác cứ vang lên nhưng đáp lại tiếng kêu ấy dội lại từ vách đá mà thôi.
Chập sau mới có một người lồm cồm bò ra dáo dác nhìn quanh rồi mới nói:
- Tụi nó đi hết rồi ! Thôi ra đi bà con !
Tôi nhìn chung quanh xem có ai bò ra không. Thì có người ở gốc cây bên kia khoát khoát tay bảo tôi:
- Coi chừng ! Đó chính là biệt kích giả trang.
- Thế à!
- Ừ, ở rừng này thường xảy ra những chuyện như thế.
-Kỳ vậy?
- Kỳ gì. Đó là cái món biệt kích mà !
Nhưng người đứng ngoài kia đã kêu lên:
-Thôi ra đi bà con ơi! Nó bắn có người chết đây này. Ra phụ chôn đặng mà dời chỗ. Ở luống cuống đây nó trở lại bây giờ.
Người lóp ngóp bò ra và lần lượt những người khác thấy không có nguy hại gì cũng dớn dác chui ra khỏi lùm bụi.
- Ai chết?
- Ai chết đâu?
- Ông y sĩ đang tiêm thuốc cho bà vợ.
- À, cái ông y sĩ .. hai vợ chồng đó hả?
- Đúng rồi. Vợ cũng là y sĩ.
Tôi đi đến nơi. Anh y sĩ bị bắn đúng giữa ngực. Anh ta đang nằm quằn quại dưới đất trên vũng máu. Không biết làm gì hơn, người vợ chỉ nhào lăn quanh xác chồng mà khóc, mà gào.
Còn những người khác cũng trơ mắt đứng ngó. Chớ làm gì khác được ? Một người bảo:
- Thôi chôn đi.
- Ừ chôn nhanh đi. Không khéo biệt kích nó trở lại.
Chưa dứt sự bàn tán thì anh giao liên hớt hãi chạy tới. Anh ta là một gã thanh niên giò cẳng khẳng khiu với mớ tóc che bít cả mặt và cây súng trên vai.
- Gì thế? – Anh ta hỏi.
- Biệt kích.
- Ấy chết, gặp biệt kích Thượng rồi đó ! Đi mau !
- Biệt kích Thượng là biệt kích gì ?
- Đã bảo đi, đừng có hỏi. Mau lên ! Mau lên. – Anh ta quát.- Cuốn đồ đi ngay bây giờ.
- Còn chồng tôi đây làm sao ?
- Ôi để đó! Lo người sống trước. Chết rồi làm gì thì cũng chết.
Một người bảo:
- Chôn đã đồng chí.
Anh giao liên gắt:
- Ở đó mà chôn ! Anh xung phong ở lại chôn nhé ! Đi mau lên ! Ai ở đây tôi không chịu trách nhiệm.
Thế là anh ta biến đi trước nhất.
Mọi người ùn ùn bứt tăng màn, giật võng thồn vào ba lô, tay xách cà mèn, vai mang ba lô lếch thếch láo tháo chạy đi không ai chờ đợi ai kêu gọi ai, ai cũng chỉ lo cho mình trước nhất.


- 21 -
(Câu chuyện xảy ra đã tám năm, trên con đường “Giải phóng miền Nam” của tôi. Nhưng bây giờ tôi vẫn còn nhớ những phút hãi hùng có thể làm cho người ta đứt mạch máu chết ngay tại chỗ. Bây giờ cái khe suối đó, cái vách đá đó, mỗi khi tôi nhớ lại, vẫn cứ dựng đứng trong đầu tôi với cái xác chết có người nhận nhưng lại hóa ra vô thừa nhận.
Tôi nhớ lại, lúc đó tôi lôi tay Thu chạy về và cũng cuốn tăng giựt võng chạy đi. Về sau tôi hỏi ra mới biết là chị y tá vợ anh y sĩ kia (anh ta là bác sĩ chớ không phải y tá như người ta đồn} rốt cùng rồi cũng phải bỏ xác chồng nằm đó mà chạy đi với những người khác )
o O o
Có lẽ chị ta tưởng rằng chị ta chỉ chạy lánh tạm một lúc rồi trở lại tìm cách chôn cất cho chồng, dù không đủ nghi lễ nhưng vùi khỏi mặt đất cho ấm thân thì cũng được. Nhưng chị không ngờ rằng chị không trở lại được nơi đó một lần thứ hai nữa. Mà cũng không có ai trở lại đó lần nào nữa. Kể cả anh giao liên là người “có trách nhiệm. ”
Nếu như ở đồng bằng thì người ta có thể đào vội một cái huyệt cạn cạn rồi cho cái xác xuống lấp đất lại, nhưng ở đây thì không thể.
Vì toàn vách đá, đá liền với đá không thể đào xới xuống một tấc đất. Chỉ có thể tìm một kẹt đá, dồn cái xác vào và đóng kín lại bằng một hòn đá.
Ấy là nói tường hợp có đủ thì giờ. Chứ còn như vừa rồi là đành chịu để cho cái xác người bác sĩ xấu số kia nằm đó cho đến lúc…
Ngay cả người vợ cũng không kịp khóc cho hết nước mắt tình nghĩa với người chồng. Ở thì không được. Đi không đành, nhưng vẫn phải đi. Đến chỗ hạ trại mới, chúng tôi mới tỉnh hồn ra.
Chị y sĩ vợ của anh bác sĩ tên là Tâm.
Chị Tâm đến nơi, quăng tất cả đồ đạc xuống đất, và ngồi khóc tiếp những giọt nước mắt mà lúc nãy vì sợ hãi không lăn ra được. Chị khóc to, khóc mùi mẫn, khóc nhưng không gào thét nữa.
Tiếng khóc bật ra từ tim gan, tâm não của chị như một mạch suối nứt chảy từ một vách đá, tràn trề.
Trông thảm thê quá, tôi không dám nhìn, cũng không dám hỏi thăm. Bây giờ ai động tới nỗi đau thương của chị, chị cũng không hay biết hoặc chỉ làm cho chị đau hơn mà thôi.
Tôi và Năm Cà Dom cả Hoàng Việt cũng đều ngậm tăm không ai nói với ai điều gì. Hoàng Việt thì thỉnh thoảng lại chắc lưỡi. Năm Cà Dom thì chửi đổng. Còn Thu thì thất sá hồn kinh mặt xanh như chàm đổ.
Trong khi chị Tâm cứ ngồi phệt đó, tóc xõa dài xuống phủ cả lưng, hai tay cứ bưng lấy mặt , đôi vai của chị cứ run lên theo những tràng nấc dài, tức tửi.
Thời may, anh giao liên lại đi qua. Anh ta vừa đi vừa hỏi:
- Ở yên chưa ?
- Được rồi.
Anh ta dừng lại lại trước mặt chúng tôi và giải thích:
- Nhưng phải coi chừng, tụi biệt kích này ghê gớm lắm. Tụi nó là người Thượng, hơn chục thằng thôi, nhưng nó lội nhẩm dấu rừng này, không có bộ đội nào đánh được. Nó rình rình một cú ngon ăn là nổ mấy phát rồi rút ngay. Nó leo núi như khỉ. Thấy đó là biến mất. Đố cha ai đuổi kịp. Có đuổi theo thì cũng chẳng biết đường nào. Đâu có dấu chân ? Lớ quớ lại bị nó làm thêm mấy phát. Ai dám đuổi ?
Anh ta lại nói tiếp:
- Bộ đội ta chặn đánh nó mãi. Bằng cách là đi lẩn trong một đoàn cán bộ dân chánh để nhử nó. Hễ nó nổ súng là bộ đội rượt ngay. Nhưng tụi nó khôn lắm. Hễ bộ đội đi ở khúc đầu thì nó đợi cho khúc đầu qua xong rồi nó tỉa khúc đuôi, hễ bộ đội đi khúc đuôi thì nó chơi khúc đầu, còn hễ bộ đội đi hai đầu thì nó nằm im.
Làm mãi không kết quả, rồi bộ đội cũng thối chí không theo nữa. Cho nên bây giờ tụi nó lộng hành lắm ! Xuất hiện và biến đi đều bất ngờ.
Anh giao liên vừa nói đến đó thì chị Tâm chạy tới vừa khóc vừa nói:
- Trời ơi ! Vậy bỏ chồng tôi ở một mình sao?
Anh giao liên lắc đầu và dậm chân:
- Vậy chớ tôi biết làm sao bây giờ ?
- Thôi anh đưa đùm tôi đến đó.
- Úy trời đất ! Chị muốn đi theo ảnh luôn sao !
- Tôi bây giờ sống cũng chẳng làm gì.
- Sao chị nói vậy, ảnh không vui lòng đâu. Thôi chị ạ, đừng khóc nữa. Tôi rầu thối ruột đây. Mấy trăm khách ở trong cái hang đó tưởng nằm yên chờ đường thông rồi sẽ đi chẳng ngờ nó đánh tán loạn thế này thì khổ quá ! Một bước cũng không dám đi. Rừng núi rậm rì hiểm trở thế này, biết nó núp ở đâu ? Nguy hiểm lắm. Trở lại không được đâu chị ạ ! Chị nên nghe tôi. Đầu óc chị bây giờ tối mù mịt, không nghĩ ra được gì sáng suốt đâu. Không phải tôi tàn nhẫn với chị hoặc với anh ấy. Nhưng vì tôi đã gặp chuyện bất ngờ như vậy cũng đã nhiều rồi. Cho nên tôi có kinh nghiệm giải quyết. Giữa một người đã chết và một người còn sống, nên bảo vê người nào? Cố nhiên không thể quý người chết hơn là kẻ sống, dù người chết đó có là ông gì đi nữa? Đó, trường hợp hồi nãy không xua tất cả mọi người đi, ở đó có thể chúng nó hồi mã tam thương trở lại lắm.
Chị Tâm càng khóc to. Chị cố nén tiếng khóc và nói :
- Vậy thì tôi đành ở lại đây thôi. Chớ đi về trong đó làm nữa. .
- Chị nói vậy sao được. Người sống đống vàng mà !
- Khi ra đi… thì hai đứa… còn bây giờ…
- Chiến tranh mà chị. Sống nay chết mai ai nào đoán được.
Tôi được biết hai anh chị lấy nhau từ Hà Nội. Anh người Nam cùng quận với tôi, nhưng anh ở An Thái cách xã tôi ba xã. (Đến nay tôi vẫn còn nhớ tên anh, nhưng không rõ gia đình anh ở đâu để báo tin dùm). Còn chị Tâm là người Hà Nội. Lại một cặp uyên ương Nam Bắc. Nhưng giờ đây đã chích cánh dọc đường.
Hai người định về tận quê nhà rồi sẽ làm lễ cưới lại lần thứ hai để có sự chứng kiến của gia đình. Chị Tâm rất sung sướng với cái hình ảnh thắm thiết đó. Chị rất yêu mến đất nước miền Nam và đã nuôi hy vọng được vào Nam hồi còn đi học.
Họ dự định sẽ xây một chiếc tổ hạnh phúc đơn sơ, bé nhỏ trong khói lửa. Họ sẽ săn sóc mẹ già và sống với nhau đến trọn đời.
Bà mẹ người Nam sẽ rất yêu quý cô dâu miền Bắc.
Đứa con trai đi xa hơn mười năm, khi cất bước trở về, chỉ ước mơ có thế. Người con dâu mới đi vào một gia đình miền Nam cũng chỉ mơ ước giản đơn như thế. Nhưng rồi đều không thành.
Ai sáng suốt và trải đời, hãy tính dùm cho chị Tâm. Các ông lớn ông nhỏ ở miền Bắc ngồi trong phòng viết những bài hịch kêu gọi này nọ có dám nhìn tận những sự thực xảy ra trên con đường này không?
Tôi thì quá ngao ngán rồi. Mắt tôi đã đầy hết cả những hình ảnh đau thương. Vừa mới xảy ra việc cậu em trai của Thu đó, bây giờ lại thêm chuyện biệt kích này.
Rồi đêm đến. Chúng tôi như những người nằm trong chơi vơi của sự đau thương cả phần hồn lẫn phần xác.
Nửa đêm tôi giật mình thức dậy. Lúc bấy giờ trời có trăng ánh trăng lờ mờ rọi qua những tàng cây dày đặc. Tôi thấy một cái hình người đứng bỏ tóc xõa lặng chết như tượng đá.
Tôi không dám cựa mình.
Cái hình người ấy cứ đứng lặng ngắt như một cái bóng ma. Ánh trăng lạnh lẽo rơi xuống vai, xuống tóc mập mờ hư ảo như có như không. Sự đau khổ đã hóa thành người. Hay con người quá đau khổ đã hóa đá. Vận mệnh đã gỡ tay chị ra khỏi sự bám víu của cuộc đời . Bỗng tôi nghe tiếng rên rỉ khe khẽ. Tiếng kêu bị nén trong cổ họng chỉ bật ra ri rỉ như nước rịn ra từ những làn nứt của một hòn đá. Chị Tâm đã không còn sức để khóc gào nữa. Chị nói lảm nhảm những câu gì trong miệng không nghe được rồi lại khóc, rồi lại nói.
Sau cùng có lẽ nước mắt đã cạn, chị kể lể.
Tôi chỉ nghe được một đoạn như sau:
- Anh ơi ! Sao anh nỡ chết bỏ em. Chết tức tưởi đau đớn làm vậy. Anh sắp về đến quê rồi… Mẹ già trông đợi. Mà anh cứ mãi nằm lại đây, chẳng bao giờ về. Còn em sống đây cũng như đã chết rồi Em đi với ai ? …
Tôi nằm không dám thở, chín lịm cả người.
Bỗng cái bóng kia di chuyển. Nó lù lù đi tới ít bước, rồi quay trở lại trên dấu chân cũ, rồi gục đầu vào một gốc cây, rồi lại ngửa mặt lên trăng, làm cho những vệt tóc chảy ngược ra sau gáy trông rất ghê rợn.
Tôi muốn gọi chị một tiếng, an ủi chị nhưng tôi không dám, mà cứ nằm như thế cho đến lúc Thu kêu lên thất thanh:
- Hồng ! Hồng… Đứng lại.
Vệt đèn pin của Thu rọi vút theo một bóng người. Và tiếng thét của Thu có vẻ đuổi theo người kia:
- Em trốn thì chị tự vận.
Bây giờ tôi mới hiểu ra. Và tôi chạy vụt sang lều của Thu.
Thu đã nhoài người ra khỏi màn, một tay giơ đèn pin ra và lại quát:
- Em trở lại không ? Em có trở lại không ? Em trốn chị lần này thì chị sẽ chết ở đây cho em xem !
Cái bóng người hiện rõ trong vệt ánh sáng xanh rẽ quạt. Đúng là thằng Hồng. Tôi nhận ra hắn nhờ mái tóc bù xù của hắn.
Thật là kỳ quái. Cái thằng nhỏ trốn chị, lại trở về tìm chị như một cái bóng ma. Mà Thu cũng ghê gớm thật. Giá Thu không nói cái câu quyết hệt đó thì hắn không trở lại.
Hắn đi chầm chậm như sợ phải đến gặp chị hắn.
Còn Thu thì cứ lăm lăm chiếc đèn trong tay như sợ thằng em bất kham lủi mất.
Nhưng không, hắn chỉ đi chầm chậm ít bước rồi dường như không đè nén được tình cảm, hắn chạy lao tới ngả vào lòng người chị. Chiếc đèn trên tay Thu rơi xuống đất.
Tôi muốn xem lại sự thực một lần nữa xem có phải là sự thực hay là tôi nằm mơ ?
Tôi nhặt chiếc đèn soi vào cảnh tượng đó. Quả thật. Cũng mái tóc hôm trước của thằng người Kinh Kong.
Thế là yên ổn. Tôi trở về võng nằm, như nằm giữa hai gọng kềm tương phản, một bên là tử biệt một bên là trùng phùng, nhưng cả hai người trong cuộc đều khóc: Thu và chị Tâm.
Chị Tâm vẫn còn lởn vởn ở đấy.
Tôi lắng nghe câu chuyện của hai chị em Thu.
- Sao em cứ trốn chị ?
- Em không muốn cho chị trông thấy thằng người của em đã biến thành ngợm.
- Rồi em định đi đâu ?
- Thì em cứ đi lang thang trong rừng như em đã sống lâu nay.
- Nhưng sao hôm qua em biết chị mà không nhìn chị ?
- Em ghét chị lắm.
- Sao lại ghét ?
- Đi làm gì vào trong này kia chứ?
- Sao ?
- Chị không thấy con đường này nọ như thế nào à ?
- Chi đâu có dè.
- Em đã viết bao nhiêu lá thư cho chị, còn gì nữa.
- Ơ kìa sao lại hờn, chi có nhận được thư em đâu nào ? Em có biết thầy mẹ ở nhà khổ sở vì em bao nhiên không?
- Em biết chứ, nhưng em…
- Nhưng tại sao em không trở về ?
- Em như thế này, em không muốn trở về.
-Bây giờ nếu chị đi về với em thì em có cùng đi với chị không?
- Cái gì cơ ?
- Chị sẽ đi về với em.
- Về đâu ?
- Em ngớ ngẩn thế!
- Em không hiểu thật mà.
- Chứ em định về đâu ? .
- Nếu em có về thì sẽ về đâu ngoài nhà mình?
- Thì chị cũng như em. .
Im lặng một lúc lâu. Có lẽ Thu đang ôm đầu đứa em trai vào lòng mình và hai chị em cùng khóc. Một lát sau tôi lại nghe. .
- Lâu nay em sống ở đâu ?
- Ngoài rừng ra thì còn ở đâu hở chị ?
- Lấy gì em ăn?
- Ăn cắp!
-Hả? Em nói gì?
- Em ăn cắp để ăn. Ăn cắp gạo, ăn cắp thức ăn. .
- Của ai?
- Của bệnh xá, của những người như chị đây này.
- Trời, em làm những chuyện như vậy sao?
- Đói mà chuyện gì không dám làm, chị !
- Trời ơi, em trai của chị.
- Thôi, chị đừng có khóc rồi em cũng khóc theo, không nói chuyện được. Em còn sống và gặp chị đây cũng là chuyện may hiếm
Câu chuyện gián đoạn một chập, rồi tiếp:
- Bây giờ chị định thế nào ?
- Về thôi em ạ!
- Tại sao, chị không đi theo đơn vị chị nữa à ?
- Còn em ?
- Em ớn lắm rồi ! Người ta bỏ em suýt chết rã xác, bây giờ chẳng lẽ em lại lót tót chạy theo xin đi với họ ?
- Nhưng em có kế hoạch trở về như thế nào ?
- Em đã chuẩn bị lương khô xong rồi. Thế là đi !
- Không gặp chị em có đi không ?
- Đi chứ! Rủi quá, nếu em về gặp chị ở Hà Nội thì em không cho chị đi vô đây bao giờ. Chung quanh đây có ai không, họ nghe chị em mình bàn chuyện này họ báo cáo với giao liên thì chết với họ đấy.
- Không có ai đâu.
- Cái anh gì đi vô trong bệnh xá hôm qua, nay đâu rồi ? Anh ấy là…
- Thôi bỏ chuyện đó đi. Nói chuyện khác. Chị hỏi em nhé. Tại sao em lại tìm đến chị trong lúc nửa đêm mà lại không cho chị biết và khi chị biết thì em vụt chạy ?
- Em nhớ chị quá cơ ! Lúc em gặp chị lần đầu tiên, em muốn kêu lên và chạy tới ôm chầm lấy chị mà khóc hết tất cả nước mắt cho chị, nhưng không hiểu sao lúc đó trong tình cảm em lại gợn lên một điều gì, rồi em dừng lại, rồi em lánh xa chị. Em có ý định không cho chị gặp nữa. Nhưng rồi em không chịu đựng nổi sự xa cách đó. Lúc chị đã lên bệnh xá tìm em, em cũng trông thấy chị, nhưng em không để chị thấy em. Em muốn theo dõi chị như một cái bóng ma.
- Em toàn nói gở !
- Thật mà. Bây giờ, em chẳng khác nào con quỉ rừng xanh. . Em phá phách, em gây rối loạn. Chị xem đồng đội của em đó. Bỏ bạn mình trong trường hợp như vậy thế mà còn gọi nhau là đồng chí được à ? Bây giờ em thù tất cả những ai em gặp trên con đường này. Em muốn lập một đảng cướp hùng cứ cả vùng này đánh tất cả không đầu phục ai cả. .
Trời lại sáng như nhũng buổi sáng khác.
Thu ngồi bên cạnh cậu em trai sờ mái tóc, sờ má. sờ tay nó và cứ hỏi luôn mồm:
- Sao thế này em ?
Còn thằng bé thì cứ cười khảy:
- Thì em đã bảo em là người rùng mà lại.
- Sao lại cái sẹo này ?
- Chẻ củi thuê cho bệnh xá bị đứt.
- Sao lại chẻ củi thuê ?
- Chẻ củi người ta mới cho ăn cơm chứ!
- Em có nhịn đói không ?
- Cái đó thì xoàng quá !
- Cái gì mới không xoàng ?
- Đánh nhau. Bắn nhau suýt chết !
- Trời ! Em không còn là em ngày xưa nữa.
- Nhưng em vẫn là em chị chứ! Chi vui lòng không ?
- Sao em lại hỏi chị thế? .
- Vì em bây giờ không là em ngày xưa nữa. Như chị nói. .
- Thôi mà em !
Buổi sáng ấy chúng tôi ăn cơm với nhau. Cả ba không nói chuyện gì. Cơm xong thì thằng Hồng đòi về. Thu gắt:
- Em về đâu ?
- Về bệnh xá, chỗ ở của em.
- Em ở đó bao lâu rồi ?
- Gần một năm. Nếu không có chị đến đây thì em sẽ ở mãi.
- Nhưng từ giờ phút này trở đi, chị nhất định không để cho em đi xa chị một bước. Nếu em cãi chị mà em đi thì em sẽ không còn trông thấy mặt chị nữa.
Hồng, cậu bé có vẻ ngang ngạnh kỳ khôi, bây giờ bên chị đã trở nên ngoan ngoãn. Sự dịu hiền có sức thuyết phục và hoán cải. Hồng nói với chị bằng một giọng thân ái:
- Em xin lỗi chị. Em hứa với chị như thế. Nhưng em trở về để lấy đồ đạc rồi mới thực hành ý định của chị em mình được chứ. Nếu chị kiềng em ở đây mãi rồi làm sao ?
- Chị em mình sẽ chia nhau khẩu phần. Chi sẽ cắt đôi võng và dây võng ra, thê là em được một cái võng. Để tránh muỗi, chị sẽ đắp chăn trùm đầu, còn em thì ngủ màn.
- Không, em không cần chăn màn. Muỗi đòn xóc bây giờ vô hiệu quả đối với em rồi!
Hai chị em cứ quấn quít bên nhau mãi và bàn chuyện trở ra Hà Nội một cách công khai trước mặt tôi. Tôi không lấy làm lạ lùng gì, cho nên câu chuyện của hai chị em rất tự nhiên. Thu còn quả quyết về tôi:
- Anh ấy về Nam là vì quê anh ấy ở trong Nam, chứ nếu anh ấy là người Hà Nội thì anh ấy cũng làm “bê quay” như mình !
Sau khi nghe Hồng giải thích, Thu ưng chịu cho Hồng trở về nhưng chỉ cho phép Hồng đi trong nội ngày rồi trở lại. Hồng cũng hứa chắc như vậy. Thu đưa Hồng một quãng. Tôi cũng đi theo.
Hồng và Thu cả hai chị em vui hẳn lên, như đã trông thấy ngày sum họp của gia đình mình ngay trước mắt.
- Nếu bây giờ đi thì bao giờ tới Hà Nội em ? Thu hỏi.
Hồng đáp:
- Chậm nhất là sáu mươi ngày.
- Sao lâu thế?
- Thì phải trừ hao ngày bệnh, ngày nghỉ của chị. Lần vào chi đi đã mất gần hai tháng rồi mà. Bây giờ chỉ yếu hơn trước.
- Không biết người ta có cho mình trở ra không?
- Cho ra thì không bao giờ, nhưng mình trốn.
- Trốn cách nào?
- Mình cứ đi theo đường mòn, nhưng khi gần đến trạm giao liên thi mình rẽ vào từng. Cứ thế mà đi.
- Em có thuộc đường không ?
- Thuộc chứ!
- Đường giao liên họ thay đổi liền liền, em làm sao biết được mà đi?
Thằng Hồng bị một câu hỏi bất ngờ, cứ ậm ờ không trả lời suông sẻ được, nhưng hắn cũng nhanh trí đáp:
- Đường ở trong miệng mình chớ ở đâu mà không biết, chị!
- Ở đây đâu có gặp ai mà hỏi đường.
Bị bắt bí lần thứ hai Hồng hơi cáu, Hồng gạt phắt:
- Thôi chị để em lo, chị đừng lo.
Rồi Hồng vuột khỏi tay chạy vút về phía trước nhưng Thu thét lên như bị một viên đạn đúng vào ngực.
Thằng bé chạy bỗng quay trở lại. .
Thu nắm tay nó rồi ôm chầm lấy nó nức nở.
- Thôi đừng đi em ạ!
- Tại sao vậy chị!
- Em ở lại đây với chị hoặc chị sẽ đi với em. Chị không thể vắng em.
Tôi nói với Hồng:
- Thỏi đừng đi nữa Hồng ạ, để chị Thu khỏi buồn. Anh khổ lắm. Rồi chừng nào hai chi em thấy thuận tiện cho việc trở lại Hà Nội thì cứ đi. Anh không khuyên Thu đi tới mà Thu trở lại cũng không can. Cuộc sống của một người bây giờ là tùy thuộc cá nhân người ấy. Ở đây không có ai giúp đỡ gì cho chúng ta, ngoài anh giao liên có một nhiệm vụ duy nhất và độc nhất là dẫn đường.
Hồng nói với Thu:
- Chị cứ gàn cản mãi thế này thì rồi chị em mình sẽ cứ dậmchân ở mãi một chỗ không đi đâu được. Chị cứ theo anh về đi, rồi em sẽ trở lại.
- Nhưng em đi đường nào cơ ?
- Em đi đường của em mà. Chị sợ biệt kích phải không ?
- Em đừng có dại mồm.
- Con đường biệt kích là con đường của em đây.
Rồi Hồng lại đi.
Tôi trở về với Thu, lòng buồn và nặng trĩu. Toàn những chuyện bi đát bất ngờ. Từ lúc Hồng đi, Thu cứ hết đứng lại ngồi và trông chừng mặt trời.
Mãi tới chiều, rồi trời tối hẳn không thấy Hồng trở lại. Rồi cho đến khuya, cũng không thấy.
Thu cứ càu nhàu:
- Thằng này nó hoang rồi. Đầu óc nó hỏng rồi anh ạ. Em không nói nổi nó đâu ! Khổ lắm !
Rồi tới lúc gần sáng, đang ngủ bỗng nhiên tôi lật nhào xuống đất Chiếc võng bật lên, và dây mắc tăng đứt tung ra như có bàn tay nào bứt thật mạnh.
Ình ình ình. .. liên hồi. Tôi như một trái bóng nẩy lia lịa trên mặt đất Mặt đất nghiêng ngửa, sàn qua sàn lại mà tôi là hạt gạo trên một cái sàn đang lắc mạnh.
- Thu ơi!
Tôi muốn gọi nhưng mồm thốt không ra tiếng. Tôi cứ nằm miết xuống đất và nghe những tiếng nổ hằng loạt dài tưởng trận mưa bom đang rơi trên lưng mình.
Tôi vừa ngóc lên thì lại ình… ình… ình.
Tôi lại nằm mép xuống, nín thở, tay quờ quạng ôm chặt một gốc cây để khỏi bị tung ra xa. Chung quanh tôi cây run ào ào như bão dậy. Có tiếng gọi nhau í ới, thất thanh. Tôi mới biết rằng trận B52 vừa qua ở gần mình quá, gần đến nổi tưởng chính mình đang chịu trận bom ấy. Tôi lồm cồm ngồi dậy và lại gọi:
- Thu ơi!
- Dạ ! Em đây.
-Có sao không em?
- Không sao cả.
Bỗng Thu òa lên khắc mùi mẫn. Tôi gạn hỏi mãi Thu mới bật ra tiếng nói:
- Chắc thằng Hồng chết quá. Em đã bảo đừng đi mà. Trời ơi. Em làm gì mà trời bắt em phải khổ thế này ? Làm sao đi tìm nó bây giờ. Lần này mà gặp nó nhất định hai chị em sẽ trở lui ngay.
Rồi trời sáng thiệt mặt.
Thu biến sắc. Trông Thu như người đang ốm nặng. Tôi không biết làm gì, đành nằm thở dài. Có lẽ tai họa này chỉ có tiên thánh mới cứu thoát.
Bất chợt, nhìn sang tăng của Thu tôi bỗng thấy chiếc nanh heo từng mắc tòng teng ở ngay đầu võng của Thu. Tôi nói và trỏ vào chiếc nanh heo:
- Thằng Hồng nó tặng lại cho em kia kìa.
Thu đang nằm bỗng nhìn lên. Rồi Thu ngồi bật dậy với món đồ vật cầm nơi tay. Tôi nói:
- Chiếc nanh heo đó quí lắm đấy em. Mang vào người đi ! Có tai nạn sắp đến là em có thể biết trước đấy. Người ta đeo nó như đeo bùa vậy !
Thu làm thinh. Từ đôi mắt lệ rơi từng giọt xuống cái món đồ ly kỳ.
Thu càng buồn. Thu cảm thấy như thằng Hồng tặng lại Thu món đồ này để làm kỷ niệm. Thu cứ sụt sịt khóc.
Đến xế chiều hôm ấy thì anh chàng thiếu tá Kim đến. Không phải anh ta tìm tôi mà vì tôi trông thấy anh ta đi ngang nên tôi gọi.
Anh ta ngồi xuống đất và nói ngay:
- Suýt chết. Cả tôi lẫn thằng Cường.
- Bom hả ?
- Không phải nó bỏ ngay bệnh xá đâu. Nó bỏ đâu ở miệt cửa khẩu ấy mà.
- Nhưng sao lại anh và Cường suýt chết ?
- Một trái bom văng vào khu vực bệnh xá. Chỉ có một trái thôi. Và là trái cuối cùng. Nó bắn tung ra khỏi bãi chừng mấy cây số! Lúc đó tôi và bác sĩ Cường đang lụm cụm nấu nước uống trà.
Tôi hỏi:
- Anh có trông thấy thằng em tôi về đó không ?
- Không thấy !
-Ủa, sao nó bảo nó về đó kia!
- Nếu hôm nay có nó thì tôi lôi nó cùng về Hà Nội luôn.
Thu hỏi Kim:
- Anh không trông thấy nó về bệnh xá từ chiều hôm qua tới nay à anh ?
- Không thấy. Cái thằng bé ấy đáng thương lắm. – Kim thở dài.- Cuộc sống tàn nhẫn một cách kỳ cục ở đây đã làm hỏng thằng bé. Nó thích đọc sách ghê. Gặp sách gì cũng đọc. Thế mà bây giờ lại ra hồn thế đó. Nó đi suốt ngoài rừng. Một hôm nó nhặt được một cái nanh heo từng chết rũ. Cái nanh cắm hẳn trong một thân cây. Nghe người ta nói quí lắm nó mới buộc dây đeo vào cổ.
Thu nói một mình:
- Thế thì nó không sao đâu.
- Hôm qua nó ra chơi ngoài này à ? Kim hỏi.
- Dạ vâng, em ra tìm tôi, nhưng khi tôi trông thấy nó lại lủi trốn.
- Thế thì không sao đâu, trận B52 ở xa mà !
Tôi hỏi Kim :
- Thế bây giờ anh định đi đâu ?
- Về Hà Nội.
- Chỉ có hai thầy trò thế này à? Tôi trỏ vào cậu cần vụ của Kim và hỏi: Cậu này có giỏi đường rừng không?
- Thì đi từng chặng thôi. Về báo cáo cho bộ tổng rõ tình trạng đường sá. Để thế này thì lính tráng chết hết. Đi mười thằng vô tới nơi chỉ còn hai ba tên là cùng. Tôi đi tay không, có người giúp đỡ thế này mà còn lê lết huống gì pháo binh ?
Tôi tuôn ra ngay:
- Không biết trung ương nghĩ thế nào mà cho bộ đội và cán bộ đi trên một con đường thế này mà lại không đủ thực phẩm.
Kim lắc đầu:
- Chết vô lý nhiều quá !
Thu ngồi thờ thẫn. Có lẽ nghe Kim nói về Hà Nội và nếu có thằng Hồng thì y sẽ lôi nó cùng đi. Nếu nó đi thì Thu cùng đi với nó. Nếu đi thì khổ gì Thu cũng xin chịu, có chết rồi Thu cũng còn cố lóc tới vài bước để được gần Hà Nội thêm lên.
Tôi bỗng quay lại Thu:
- Kìa em, viết thư về nhà đi, gửi anh Kim mang về dùm cho. Được không anh?
- Được nhưng viết ngắn thôi. Túi tôi bây giờ ít ra cũng trên chục bức. Toàn dân Hà Nội đi vô đây rồi bị mắc kẹt không về được. Đứa nào đứa nấy kêu trời không thấu.
Thu vội vã lấy bút giấy ra viết còn tôi thì trò chuyện với Kim.
Tôi hỏi:
- Theo anh thì trung ương có biết tình trạng của binh sĩ, cán bộ trên đường này không ?
- Biết chứ.
- Biết sao không sửa ?
- Sửa thế nào ? Theo anh thì trung ương phải sửa như thế nào?
- Tôi không hiểu như thế nào, nhưng nếu thế này thì đừng để cho quân sĩ và cán bộ phải đi.
Kim lại thở dài. Rồi anh nói:
- Ở đây chưa phải là cái đỉnh gian khổ, thế mà bà con mình đã kêu thế. Huống hồ gì vô một quãng nữa ?
Tôi không muốn nghe K im kể những gian khổ ở phía trước mặt chúng tôi, những gian khổ mà chắc chắn chúng tôi phải chịu đựng, mà chúng tôi không muốn chịu đựng. Tôi hỏi:
- Bao giờ thì anh đi ?
- Thì tôi đang đi đây.
Tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi phải trở ra Hà Nội, ngược lại tôi sợ điều đó nữa là đằng khác, nhưng tôi thương Thu. Tôi đoán biết tâm trạng của Thu lúc này.
Thu muốn đi lắm, nhưng đi làm sao được với một người mới quen. Nếu có cậu bé ở đây thì Thu nhất định đi ngay với nó. Không có ai can được. Chập sau Kim từ giã ra đi.
Trời trên đầu tôi thật nặng.
Dưới đất , chung quanh tôi cũng không có gì vui. Lấy rừng làm nhà. Đó là một điều đã quen thuộc với chúng tôi. Và chung quanh lúc nào cũng có vài chuyện vô lý xảy ra.
Thu hết đứng lại ngồi, cứ ngóng về phía thằng Hồng. Còn tôi thì cứ im lặng. Cứ để cho Thu đắm mình trong nỗi đau buồn của Thu Tôi cũng không sang nói chuyện với Năm

Cà Dom và Hoàng Việt .
Không còn chuyện gì để mà nói.
—>Chương 22


- 22 -
Độ mười ngày sau thì đường thông, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình.
Các bạn thử tưởng tượng chúng tôi đi với sức lực nào, với tâm tư nào. Vậy mà chúng tôi phải đi, trong khi đó thì lại có người đi ngược chiều với chúng tôi.
Lúc bấy giờ vào khoảng tháng sáu dương lịch. Mưa vẫn còn đang mùa. Mưa là kẻ thù của chúng tôi, không kém nguy hiểm hơn bom đạn . Leo núi lại dầm mưa. Cả nghị lực dường như cũng bị nước mưa dội vào làm cho nó nhũn hẳn đi. Mưa tàn nhẫn, mưa không thương xót.
Bây giờ tôi lại phải để ý tới bước đi của ông bạn “Tiếng Còi Trong Sương Đêm ” của tôi. Hoàng Việt luôn luôn đi tụt ở sau và cách người cuối cùng ít nhất là trăm thước. Tôi cứ phải dừng lại để chờ ông ta. ông ta đi chậm quá làm lắm lúc tôi cũng phải bực mình.
- Đi gì đi chậm thế cụ ?
- Tao đi đây là quý lắm rồi nhé ! Cậu bảo với thằng giao liên tao là người chớ không phải là máy nhé ! Mẹ kiếp, đi gì đi mãi thế. Đi không thấy đến đâu cả.
Tôi cười dả lả.
- Thì tại đường đi nó thế chứ có phải tại giao liên đâu !
- Tại đường thế nào ? Nó phải thông minh nó lựa đường dễ đi cho mình chớ.
Anh giao liên chờ tôi và Hoàng Việt đến lại bắt đầu đi và nói:
- Các đồng chí chuần bị xuống dốc nhé !
Bộ đội ì ạch nặng nề đi qua mặt chúng tôi . Trông đến đau buồn. Thú thật lắm lúc tôi không dám nhìn, vì thấy họ như đoàn người tù chung thân.
Tôi thầm nghĩ.
- Xuống dốc thì khỏe rồi !
Trời đã xế hẳn. Mặt trời thiêu đốt cả vùng rừng núi suốt ngày giờ đã hạ nhiệt độ, nhưng những tia nắng vẫn còn gay gắt xuyên qua lớp áo đẫm mồ hôi của chúng tôi và chọc thẳng vào làn da bệnh hoạn của chúng tôi, làm cho chúng tôi gây gây khó chịu.
Tiếng chân bộ đội đi nặng chình chịch. Vai chịu đòn, tay vịn đòn, còn một tay họ phải chống gậy, để đi cho vững, hoặc để gượng lại mỗi khi trượt chân.
Hai anh bộ đội đi trước mặt tôi khiêng một cái nòng súng không biết súng gì phủ lá um tùm tôi không nhìn thấy chỉ thấy hai người khiêng ì ạch quá.
Chân họ như cong vòng ra dưới sức nặng của nòng súng. Và cái nòng súng thì cứ trút xuống dồn sức nặng xuống vai người đi dưới.
Cứ chốc chốc người đi dưới lại kêu nặng và lại đổi người đi trên xuống dưới. Tôi thấy đau hai đầu gối của tôi và đau hai đầu gối của những người khiêng nòng pháo.
Đường đi xuống vừa trút lại vừa quanh gắt. Đang đi xuống lại phải quanh qua ngay, nếu bước sấn tới một bước thì lao ngay xuống hố. Trong trường hợp này hai chân đóng một vai trò quyết định. Không có nó thì cái nòng súng sẽ đưa cả hai người xuống hố!
Nhưng không phải chỉ có một nòng súng mà có rất nhiều nòng súng. Có lẽ đây là một đơn vị pháo binh. Trong sự vắng lặng của rừng chiều, tôi chỉ nghe tiếng gậy chỏi thật nặng tay xuống mặt đất cứng như đá, gây thành những tiếng khô khốc cộc cằn như tiếng nói của các nhà lãnh tụ.
Tôi cứ quay lại hỏi anh giao liên đang đi phía sau tôi:
- Tới chưa đồng chí ?
- Đồng chí cứ đếm đủ tám trăm bậc thì tới.
- Trời đất ơi !
- Tôi nói thiệt đấy.
- Vậy nãy giờ đi mấy trăm rồi đồng chí ?
- Theo đồng chí thì đi được mấy trăm ?
- Bốn năm trăm chắc !
- Mới hai trăm rưỡi thôi.
- Sao mà xem lâu quá vậy?
- Tại vì mình đi chậm. Phải đi tới cái gốc cây to dưới kia thì mới được nửa đường. Các đồng chí cố đi nhanh lên, không chốc nữa tối là khó đi lắm.
Mà thật vậy, khi chúng tôi đi qua cái mốc đánh dấu nửa đường một chốc thì trời bắt đầu nhá nhem, bước chân cứ chập choạng, không chắc chắn nữa. Giao liên bảo lấy đèn pin ra rọi đi cho dễ.
Chớp lóe khắp trên đường. Nhìn phía trước thấy đèn, phía sau cũng thấy đèn. Tội nghiệp những anh bộ đội không có đèn đóm gì hết, phải đi nhờ đèn của cán bộ dân chánh.
Tôi thấy thương hại anh bộ đội khiêng nòng pháo quá, nên không nỡ vượt qua mặt họ. Tôi tự cho tôi cái nhiệm vụ giúp ánh sáng cho họ đi.
Anh giao liên thì vừa đi vừa chờ. Anh nói với tôi:
- May mà không mưa. Mưa thì còn chết nữa đồng chí ạ ! Nhiều lúc tôi đưa anh em khiêng thương binh từ chiều đi lên tới hết dốc là sáng trắng.
- Còn đi xuống thì bao lâu đồng chí ?
- Ít nhất năm tiếng !
Hoàng Việt xen vào hỏi:
- Lên hồi nào mà xuống dữ vầy ?
- Tôi cũng không biết nữa.
Tôi nói:
- Có lẽ mỗi ngày lên một chút nên mình không hay. Có những lúc mây bay lất phất qua đầu mình mà mình không để ý. Ở đây có lẽ đã cao ngang với dốc lên Sa Pa rồi đấy.
Hoàng Việt nói:
- Ở Sa Pa, xe lên dốc thì còn dừng lại đổ nước, còn mình thì cứ lội đều đều, nước lã cũng không có mà đổ nữa ! Mẹ kiếp. Bây giờ trong đầu gối không còn một chút nước nhờn. Cái bánh chè đã khua lọc cọc như ổ đạn của chiếc xe đạp tòng tọc rồi. Cậu có thấy hai cái đầu xương chỏi vào nhau đau thốn ghê quá không ?
- Có chứ, nhưng phải cố gắng ? Biết làm thế nào ? Xài đèn pin thì sợ hao pin mai mốt không có mà xài, nếu không bấm lên thì đi không được. Còn lúc bấm lúc tắt thì con mắt không quen, vả lại đường đi thì không chỗ bằng phẳng. Cho nên đành phải bấm bụng mà xài đèn suốt.
Hoàng Việt cứ rên rỉ càn nhàu luôn mồm. Năm Cà Dom thì vụt lên phía trước. Còn Thu thì cứ đi trước với cái ánh đèn của tôi vừa rọi cho hai anh khiêng nòng pháo vừa rọi cho Thu.
Rõ tội cho nàng. Bây giờ thì tâm tư nàng nặng nề tối ám biết mấy. Lệnh xuất phát đưa ra một cách bất ngờ, trong lúc nàng còn nuôi hi vọng thằng Hồng trở lại. Nàng đi mà cứ quay lại nhìn xem thằng em trai có chạy đuổi theo không ?
- Nó không sao đâu em ạ . Trận B52 đó cách xa bệnh xá mà.
- Thế sao nó không trở ra ?
Tôi an ủi nàng:
- Biết đâu đấy ! – Nhưng tôi lại thấy mình cộc lốc, tôi bèn nói ngay- Nhưng em cứ tin rằng trong một đêm nào đó nó sẽ đến bên võng em !
- Giấc mơ có bao giờ trở lại hai lần.
- Sự mơ ước quá khát khao thì chính nó sẽ trở thành sự thực.
- Lần này mà em gặp lại nó thì em sẽ không cho nó đi rời em một bước.
Bỗng tôi nghe một tiếng đánh xoảng sắc gọn tiếp theo là một tiếng kêu ngắn, rồi thôi không nghe gì nữa. Tôi chỉ trông thấy một tia lửa lóe lên như điện xẹt.
- Cái gì vậy?
Tôi nghe tiếng một vật rơi lăn lóc càng ngày càng xa, rồi im bặt. Anh giao liên đi nhanh tới trước. Rồi tôi và Hoàng Việt, Năm Cà Dom cùng tới chỗ vừa xảy ra câu chuyện. Thì ra anh bộ độ khiêng nòng pháo đi phía trước rơi xuống hố. Nòng pháo rơi theo đè lên anh và cả người và vật nối nhau rơi. Còn anh bộ đội đi sau thì bám lại kịp ở sát miệng hố.
Ba bốn cái đèn pin chụm lại rọi xuống. Ở dưới kia sâu hun hút, tôi không còn trông thấy anh bộ đội nữa, cũng không nghe tiếng rên la.
Còn cái nòng pháo rơi được một quãng thì quay ngang, một đầu ghim vào vách đá, một đầu gác trên một cái rễ cây. Người ta nhìn nhau. Vô kế khả thi. Làm sao mà giải quyết một “ca” như vậy ?
Trời tối, chân mỏi, đường cheo leo. Chỉ bước sẩy một bước là tan xác ngay. Trường hợp của anh pháo binh xấu số như thế đó.
Rồi cuộc đi lại tiếp tục.
Tôi , Hoàng Việt và Năm Cà Dom đều lặng câm bước.
Thế là xong à ? Không có cách gì khác à?
Tôi hỏi anh giao liên:
-Vậy mà bỏ luôn sao đồng chí ?
Anh giao liên lặng thinh một hồi lâu rồi mới hỏi lại tôi:
- Theo đồng chí thì đồng chí làm sao ?
- Tôi cũng không biết làm sao !
- Ừ, thì như vậy đó . Coi như đồng chí ta hy sinh trên mặt trận và không lấy xác được thôi. Tôi chỉ hơi ân hận là tới chỗ quanh gắt sát miệng hố mà tôi không báo trước cho các đồng chí đề phòng. .. Thế thôi !
- Hồi đó tới giờ đồng chí có gặp trường hợp nào như vậy không ? Ở trên dốc này hoặc ở nơi khác ?
- Có chớ. Tôi đã từng trông thấy, cũng một anh bộ đội leo lên vách núi bằng một cái rễ cây. Leo một vài bước thì anh ta rơi xuống, không hiểu sút tay hay đút cái rễ cây. Bây giờ nhớ lại tôi còn rởn tóc gáy.
Tôi cũng rởn tóc gáy và tôi cứ giật mình thon thót mỗi khi bướcnhằm một hòn đá con con làm bàn chân tôi trượt tới phía trước.
Tôi hỏi anh giao liên:
- Gần tới chưa anh ?
- Cũng còn xa xa.
- Nghĩa là bao nhiêu ?
- Còn vài trăm nấc nữa !
- Trời đất !
- Thì tôi đã bảo cái dốc này, nếu leo lên thì phải mất một đêm, còn đi xuống thì sẽ mất sáu tiếng đồng hồ mà, kêu cái gì ?
- Tôi có kêu gì đâu, tôi phải hỏi cho biết con đường tôi đi chớ. Chẳng có lẽ tôi đi trên một con đường mà tôi không biết nó dẫn tôi tới đâu mà rồi tôi không có quyền hỏi ?
Anh giao liên phát cáu:
- Các đồng chí rắc rối lắm. Yêu cầu các đồng chí cứ đi theo tôi chừng nào tôi bảo đến là đến, còn tôi chưa nói gì hết thì cứ đi theo tôi. Có thế thôi !
Tôi càng đi càng có cảm giác là mình đi xuống âm phủ. Bóng đêm với những ánh đèn chập chờn càng làm cho tôi có cảm giác ấy rõ rệt hơn.
Quả thật là tôi đang đi dần tới cái chết. Chung quanh tôi bốn bề là cái chết ? Chỉ có cái chết. Muốn thoát khỏi vòng vây của cái chết thì tôi phải đi, nhưng khốn khổ thay càng đi tôi càng thấy mình chỉ tới gần cái chết mà thôi.
Càng đi tôi càng thương Hoàng Việt. Tôi đã từng nhìn ngắm cặp giò của anh ta. Nói như Thu, thì chân của bộ đội như những cây cọc màn còn cặp chân của Hoàng Việt thì chỉ còn bằng những chiếc chân hương. Tôi sợ một lần nào đó, khi bước xuống một nấc thang, cái chân của anh ta sẽ gãy lọi như một cây mía tây vàng.
Ơ dưới kia có người khiêng thương binh đi lên.
Trời đất ! Một cái việc mà chỉ mới trông thấy thôi, tôi cũng đã hoa cả mắt.
Ở cái suối ngoài kia, tôi đã từng trông thấy tận mắt những chuyện não lòng, bây giờ đây, cái dốc này lại là bối cảnh xảy ra những chuyện não lòng khác nữa.
Mỗi cái ba lô trên lưng đã trở thành cái bướu của mỗi người đi, ..vứt nó đi thì không được, còn mang nó, thì cùng với sức nặng của thân mình, cái sức nặng của nó dằn xuống làm cho người ta lúc nào cũng chúi xuống, phải chống gậy chỏi ngược lên để khỏi ngã úp mặt xuống đất.
(Hoàng Việt ơi! Anh chết rồi, nhưng khi viết lại những dòng này thì tôi lại thấy như anh còn sống đang lom khom đi trên cái dốc quái gỡ đó, nó không tên nhưng không bao giờ tôi quên.
Hồi ở Hà Nội, tôi và Hoàng Việt ờ chung với nhau một thời gian khá dài. Kỷ niệm còn lưu lại biết bao nhiêu. Rồi vượt Trường Sơn, kỷ niệm càng nhiều hơn nữa.
Khi tôi viết thiên hồi ký này lòng tôi cứ xót xa nghĩ tới Hoàng Việt. Tôi biết gia đình anh ở đâu đây nhưng không rõ địa chỉ nên không đi thăm được.
Chúng tôi đã từng làm giỗ Hoàng Việt lúc tôi còn ở Kiến Hoà, một con người tài hoa chết vô lối, phí uổng trong khi Tổ Quốc đang cần.
Hoàng Việt ơi ? Bây giờ đời không còn anh. Tài năng của anh chưa kịp dâng hiến cho đời và cháu bé Lê Tương Phùng, tội nghiệp thay, mồ côi cha tùu trong bụng mẹ, nó có hiểu vì đâu? Lý do gì?)
Tôi và các bạn đi xuống hết dốc thì ngồi phệt ra. Đây là đâu ? Trên cao cũng như ở dưới thấp, tôi không thấy áp suất không thấy khác nhau là mấy, tôi không thấy gì cả. Cả người tôi như một chiếc xe bò nát sắp rã ra từng mảnh.
Thế mà lại có tai nạn xảy ra.
Vắn tắt thế này: là có mấy cậu lính thuộc về con rơi con rớt’của một đơn vị nào đó nằm lại đây, lúc chiều đi “dạo mát” chẳng ngờ lại gặp của “loạ”. Vốn con nhà lính cho nên tay chân hay táy máy. Mấy anh chàng thấy một cái quả chi chi to bằng quả bứa mắc trên cành cây. Mấy anh chàng bèn lấy que chọc cho rơi xuống chơi. Cái que chọc lên, cái quả kia lập tức rơi theo và đoàng ! . . .
Nó nổ toang ra. Úy chu mẹc ơi ! Nó là quả bom bi. Hiểu ra thì đã muộn.
Một anh bị thương nặng. Lòi ruột ra. Đồng đội anh ta khiêng anh ta về đến lều một chập thì chúng tôi vừa đổ dốc xong.
- Ở đây có anh nào bác sĩ không ?
- Để làm gì ? Năm Cà Dom vọt miệng hỏi lại.
- Mổ dùm cái thằng kia !
- Nó làm sao ?
- Phèo ruột. Anh chàng đối đáp với Năm Cà Dom càu nhàu một mình. Chơi cái gì vậy mà chơi kia chứ. Bom bi mà không biết lại lấy cây chọc như chọc cam chọc quít vậy ? Bây giờ thì nằm phơi ra đó mà thở nghe è è.
Năm Cà Dom hỏi:
- Anh thuộc đơn vị nào ?
- Có đơn vị chó nào đâu, toàn một lũ ma cà rồng ăn chung ở chạ rồi thành lũ với nhau, ăn cắp lẫn nhau, đánh nhau chớ đơn vị cái nước mã gì đâu.
Năm Cà Dom lại hỏi:
- Thế anh thương binh kia nằm đâu ?
- Ở kia kìa!
- Dẫn tôi tới xem nào.
Rồi Năm Cà Dom đi theo anh kia. Anh bác sĩ Cà Dom lúc nào cũng tỏ ra có lương tâm của người thầy thuốc. Chao ôi ! Giữa rừng hoang, ánh lửa chập chờn leo lét như ma trơi âm hồn lẩn quất ẩn hiện đâu đây, như có hằng trăm kẻ chết oan dậy lên lởn vởn trong bóng tối.
Vậy mà sắp có thêm một oan hồn gia nhập vào cái lũ oan hồn đó. Ý nghĩ ấy làm cho tôi rùng mình.
Tôi ngồi đờ người ra không muốn cử động nữa. Bên cạnh tôi chị Tâm như một cái bóng cố lê chân đi, có lẽ chị đi tìm suối. Tôi quay mặt đi, tôi chỉ còn đủ sức quay mặt đi và nhắm mắt lại. Tôi vẫn nhớ rằng bên tôi còn một con người mà lúc nào tôi cũng phải để mắt tới và một con người khác nữa đang lôi hút đôi mắt của tôi.
Hai người đó là Thu và Ngân nhưng tôi không buồn làm gì hết.
Năm Cà Dom đi một chập rồi trở lại bên tôi:
- Chuyện gì đâu không biết nữa.
Thấy tôi lặng im, Năm Cà Dom tự biện luận một mình:
- Bây giờ chẳng lẽ mình lại trơ mắt ếch ra mà ngồi ngó ? Vô lý quá!
- Cậu muốn làm sao cho có lý thì làm. Ừ thì cứ làm như cái kiểu bên bờ suối hôm trước. Tớ không có ý kiến.
Năm Cà Dom âm thầm lục “đồ nghề” mà tôi biết là không có gì ngoài mấy mũi Nô-vô-ca-in và một ít Sul-fa-mít. Mặc kệ anh ta, tôi không còn thương ai nữa hết. .
Năm Cà Dom đi thì tôi ráng mắc võng, leo lên võng nằm. Tôi định nghỉ cho đỡ mệt một chút rồi sẽ dậy tính cách giải quyết vấn đề bao tử, xong rồi mới mắc tăng che sương. Nhưng tôi thiếp đi hồi nào không hay.
Tôi giật mình ngồi dựng dậy vì tiếng kêu rống lên như tiếng rống của một con bò bị đâm họng.
- Cái gì vậy ? Cái gì vậy ?
Có tiếng hỏi. Nhưng tôi đã hiểu ra rồi. Bác sĩ Năm Cà Dom đang giải phẫu vết thương cho cái anh bị bom bi. .
Anh ta giải phẫu với cái gì ?
- Không có cái gì cả, ngoài cái tình cảm xót xa trước vết thương của đồng đội.
Tôi nhìn về hướng có ánh lửa lập lòe. Anh ta đang làm những việc tinh vi nhất với cái ánh sáng khi mờ khi tỏ đó. Anh chàng bị thương cứ rống lên từng chập. Tôi hình dung một anh chàng tay chân bị trói chặt vào gốc cây không cựa quậy được, còn ông bác sĩ thì nghiến răng mà cắt cứa da thịt thối hỏng để vứt đi.
Tôi không còn đủ sức khỏe để chịu cho những tiếng kêu rống kia dội thẳng vào tâm não tôi. Tôi chúi mũi vào vách võng mà tưởng tượng ra những chuyện khác.
Tôi cũng ngủ thiếp đi và tiếng kêu thét kia cũng mòn mỏi dần.
Sáng hôm sau tôi mới gặp lại Năm Cà Dom tay còn dính đầy máu, cả trên mặt cũng có vết máu.
Tôi hỏi:
- Thế nào?
- Thế nào gì ? Năm Cà Dom hỏi vặn lại.
- Kết quả không ?
- Kết quả lắm chứ!
Năm Cà Dom lắc đầu và kể lại cho tôi nghe câu chuyện giải phẫu vừa qua. Không kém cái “ca” mổ ruột thừa bằng lưỡi cạo râu trước đây tôi đã từng nghe kể.
- Tôi chưa từng thấy, Năm Cà Dom vừa nói vừa lắc đầu. Chưa từng thấy ở đâu lại có trường hợp như thế này. Cậu biết không, tớ đã trở thành một tên đồ tể làm lợn. Mặc cho lợn kêu, mình vẫn cứ đâm họng nó. Cậu hãy tưởng tượng, tớ đã moi hết tất cả ruột của anh ta ra xếp trên một tấm ni lông trải dưới đất bên cạnh anh ta. Và dưới ánh sáng chập chờn của mấy ngọn đèn pin đã hết điện cộng với mấy ngọn đuốc, tớ phải lần dò mằn mò từng khúc tìm những chỗ thủng của đường ruột. Tất cả là chín lỗ. Ruột thủng phân chảy tràn ra ngoài, sẽ làm nhiễm trùng tất cả các bộ phận khác. Không mổ nó cũng chết thôi chi bằng mổ may ra nó có thể sống. Tôi đã vá lại bằng chỉ may quần áo tất cả những lỗ thủng đó xong tôi rửa bằng thuốc đỏ cả đường ruột rồi dồn trở vào bụng nó như cũ.
Tôi chặn ngang và hỏi:
- Vẫn được à?
- Được chứ? Tại sao không ?
- Tại sao lại dễ dàng như thế. Giống như là mổ lợn vậy. Cậu nói tớ nghe còn dễ hơn mổ lợn nữa. .
Năm Cà Dom nói tiếp:
- Ruột nó để lâu ngoài gió nó sình lên to tướng cậu ạ. Cho nên khi vá xong rồi thì tớ nhét nó không vào hết bên trong nữa mà cứ thừa ra bên ngoài. Thế mới chết. Không có cách nào khác! Cậu biết đấy, người ta mổ là phải ở trong buồng kín không có tí gió lọt vào Còn mình thì cứ phơi nó ra đấy, trên tấm ni lông trải dưới đất thì làm sao mà nó không sình chướng lên.
- Thế rồi cậu làm sao ?
- Thì mình vẫn cứ làm hết sức thì thôi.
- Vậy là anh ta vẫn được sống à ?
- Sống thế nào mà sống ? Tôi có nói nó sống bao giờ đâu !
- Cậu thiệt !
- Sao ?
- Vậy mà nãy giờ cứ nói lằng nhằng, tôi tưởng cậu đã làm cho khoa học hiện đại lùi lại thời kỳ đồ đá.
- Tớ nói thật với cậu, tớ hết biết cái sự đời ở đây nữa. Tớ hơi tiếc rằng cậu không đến xem sơ qua, chỉ xem sơ qua thôi. Chỉ nhìn cái bọng không của nó và cái mớ ruột đã tuôn ra ngoài thì cậu sẽ có thêm tài liệu mà “sáng toác. ”
Sau cái đêm xuống dốc kinh hồn đó, cả bè lũ chúng tôi móc dính vào một đơn vị bộ đội.
Cũng từ đây trở đi, cứ mỗi bước đi của chúng tôi là một sự điêu đứng và cái chết lúc nào cũng lấp ló bên mình.
Chúng tôi quyết định đi theo sát chân bộ đội, để bớt lo sợ, nhất là biệt kích, kế đó là dựa vào thế lực của bộ đội cho giao liên sợ.
Ở dưới dốc này tôi và Năm Cà Dom đã gặp chính tiểu đoàn trưởng Mạnh, bạn cũ của Năm Cà Dom cũng đang trên đường “về nước”.
Cổ anh ta hơi rụt lại, nên anh em quen gọi là Mạnh cổ rùa rồi do đó mà gọi tắt là Mạnh rùa.
Ban đầu Mạnh không muốn nhận, Mạnh nói:
- Không được đâu, các cha toàn là tài tử giai nhân, làm sao chơi với chúng tôi được ?
- Thôi mà cha ! Người ta đang “cu ki, ” hãy thương xót dùm chút. Ở đây coi tệ tệ vậy chớ vô tới trong kia rồi đốt đuốc tìm không ra đó!
Mạnh nói:
- Đi chung với tụi tôi rủi gặp chiến đấu rồi làm sao ?
- Làm sao thì làm chớ !
Mạnh nháy mắt và nói:
- Hì hì… mà này, các cậu đi đầu, đi giữa hay đi sau chót ?
- Đi đâu cũng được ? Miễn là có dính hơi “lính” thì thôi !
Mạnh cứ ngần ngại mãi không dứt khoát nhận chúng tôi vào đơn vị nói:
- Phần tôi thì được rồi, để tôi còn hỏi lại ông chánh trị viên thủ trưởng của tôi đã. Anh ta khó tính lắm.
Thủ trưởng đơn vị là Tuất, một anh chàng râu rậm, râu mọc rất đậm ở mép và ở dưới cắằ làm thành một cái vòng tròn như một cái chén dính lọ vừa in vào đấy. Tuất trầm lặng, có lẽ không phải do tính tình mà do đau buồn:
- Các đồng chí muốn đi với chúng tôi thì cứ đi, nhưng chúng tôi hoàn toàn không chịu trách nhiệm về các đồng chí . Nghĩa là đau ốm chúng tôi không có thuốc men, bị thương chúng tôi không khiêng, thiếu gạo chúng tôi không chia chát. Đấy các đồng chí có đồng ý như thế thì cứ đi. Đường đất rộng mênh mông, ai muốn đi thì cứ đi.
Tôi nghe những lời giao ước mà thối chí, nhưng trong hoàn cảnh này thì đành phải chấp nhận thôi.
Buổi tối hôm đó trong lúc tôi đi xuống suối múc nước về nấu cơm, tôi gặp một anh chàng bị trói ở gốc cây. Anh chàng này còn rất trẻ, nhưng gầy gò, tay chân dài ngoẳng. Thấy tôi đi ngang anh ta rất thản nhiên, không có vẻ gì xấu hổ. Tôi hỏi:
- Sao vậy ông tướng ?
- Ơ, họ cho nghỉ phép vài tiếng đồng hồ vậy mà.
- Lý do gì nghỉ phép ?
- Cũng có khuyết điểm tí ti. .
- Có cần tôi “giải phóng” cho không ?
- Để hết giờ thì họ thả !
Tôi ghé tạt vào một cái lều, tôi hỏi thăm đầu đuôi câu chuyện.
Thì ra đó là một tay nhám nhúa nhất đại đội. Anh ta có biệt tài “mượn đồ đạc của bạn bè không thời hạn”. Một anh chàng tên là Ngạc nói với tôi như thế. Ngạc còn tiếp:
- Nó tên là Roánh. Quê ở Hà Nam, Nam Định chi đó. Học hết lớp bảy, ở nhà chuyên môn đi đánh dậm thành ra vô đây anh ta cũng quen tay quen chân mò mẫm của anh em!
-Thế à!
- Anh nghe cái tên Roánh có buồn cười không ?
- Tên cúng cơm hay anh ta cải danh khi đi vô Nam ?
- Em cũng không rõ nữa. Chỉ biết rằng Roánh là một tay ảo thuật độc nhất vô nhị ở đây. Em nói thật đấy, anh không coi chừng thì rồi đồ đạc của anh sẽ mất hết cho mà coi. Anh đừng ngạc nhiên chi cả. Rồi anh sẽ thấy. Ngay cả khẩu phần của chúng em, anh nuôi vừa chia ra đầy đủ cho từng người, quay qua quay lại là mất đi vài khẩu phần.
- Anh ta làm thế nào mà hay thế?
- Không rõ đâu anh ạ ! Đại khái là anh ta rất lanh tay lẹ mắt. Anh nấu cơm vừa cạn, loay hoay làm thức ăn, đến chừng thức ăn chín, trở lại nhắt cơm mới hay là cái cà mèn cơm đã bay mất từ lúc nào. Đó là ông Roánh chứ ai vô đây.
Anh ta ăn hết cơm rồi, thừa cơ hội tốt, anh ta vứt cái cà mèn lại cho anh. Em được biết thêm là anh ta có một cây cần câu. Anh ta câu cơm rất tài.
- Trời đất ? Câu cơm thế nào ?
- Đấy nhé! Cơm anh nuôi nấu xong thì vắt ra từng vắt tròn bằng nắm tay sắp hàng trên một tảng đá, đếm cho đủ rồi mới mang đi phát cho anh em. Đấy, trong lúc anh nuôi đang bận rộn thì Roánh vác cầu câu tới, rồi tùy địa thế, Roánh sẽ hành động, hoặc Roánh lén lên mõm đá thò cần câu xuống chĩa từng nắm rồi rút cần câu lên, anh ta chỉ cần thành công vài mẻ thế là đủ no bụng rồi. Hoặc địa thế xấu quá, thì Roánh đứng ngay sau lưng anh nuôi bỏ cần câu qua vai anh nuôi mà câu. Hễ lộ bí mật thì Roánh ném cần câu mà chạy. Nếu không bị bắt thì thôi, Roánh vừa chạy vừa tọng vắt cơm vào mồm, còn nếu bị bắt thì Roánh cũng đã nuốt xong vắt cơm. Vấn đề là no bụng. No rồi có bị đòn bị phạt thì đó là chuyện về sau.
Ngạc tiếp:
- Trận vừa rồi anh ta bị phục kích nên không chạy thoát được. Bị mất cắp nhiều lần, anh nuôi bực tức. Biết thủ phạm không ai lạ hơn Roánh nhưng không bắt quả tang được. Một hôm họ phục kích. Đợi cho cậu ta giở trò cũ, mấy đứa xông ra đuổi riết. Roánh là tay chạy giỏi. Roánh vừa chạy vừa tọng vào mồm và nhai và nuốt trửng hai vắt cơm, nhưng chằng may, Roánh ta vấp ngã. Cả đám xô lại đấm đá tơi bời không thương tiếc. Tội nghiệp, bị đánh như thế mà Roánh nhà ta vẫn còn nuốt cho trôi vắt thứ ba. Roánh bị đánh cho đến lả người ra và bị trói, đem nộp cho ban chỉ huy với tờ biên bản ghi rõ “ăn cắp cơm vắt khẩu phần của đồng đội. “
Bất giác tôi nói:
- Đáng gì mà đánh anh ta như vậy !
- Thật không đáng gì, nhưng mà nếu không có vắt cơm thì làm sao sống ?
- Giác ngộ anh ta thôi chớ, đánh đá như thế còn gì là tình đồng chí.
- Thì ở đây nó như thế đó đồng chí ạ. Chẳng có ai coi ai là đồng chí hết. Tình đồng chí có khi nhẹ hơn nắm cơm thực ra chỉ to bằng quả trứng.
Tôi nghe mà buồn lòng ghê. Triết lý ở đây tàn nhẫn vô cùng. Ở cái xã hội nầy muốn sống phải xem cá nhân mình trên hết.
Ngạc kể tiếp:
- Vừa rồi anh ta đã tái diễn cái trò ấy, và cũng bị nện cho một trận nhừ tử và lại bị trói ở gốc cây. Thế thôi!
- Có định bao giờ sẽ trả tự do cho anh ta không?
- Không rõ nữa, chỉ được cái là hễ anh ta ôm gốc cây thì cơm không bay mất nữa.
- Không giác ngộ anh ta được à?
- Không có gì bằng hình phạt.
—>Chương 23



1      2       3       4      5      6      Kỳ Cuối

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét