Nhiều chi tiết về các vụ bắt giữ các tù nhân cũng như hoàn cảnh
của họ khi bị bắt vô Trại Giam Cổng Trời đã được phơi bày.
Kỳ này là lời kể của nhân chứng về tất cả nỗi khổ đau, giành giật
sự sống cũng như chiến đấu chống lại cái lạnh cái đói, cùng mọi thứ ở địa ngục
trần gian Cổng Trời.
Lạnh ...
Người tù tại Cổng Trời luôn nghĩ rằng mình sẽ chết, không biết
ngày nào thôi nhưng niềm tin vào cái ngày cuối cùng ấy cứ đung đưa trong trí tưởng
của hầu hết những người tù tại đây.
Họ không còn hy vọng, không còn lo âu cho ngày ra trại và thậm
chí không hề nghĩ rằng mình có thể sống sót để ra khỏi nơi này trong một ngày đẹp
trời nào đó.
Người tù Cổng Trời tận dụng hết mọi khả năng sinh tồn trong một
cộng đồng nhỏ bé, thiếu thốn mọi thứ nhưng lại dư dật hình phạt từ con người lẫn
thiên nhiên.
Những trang sách trong tác phẩm Quần Đảo Ngục Tù của Aleksandr
Soltzhenitsyn diễn tả cái lạnh giá mà người tù nước Nga phải chịu đựng suốt mùa
đông đã đánh động con tim nhân loại bao nhiêu, thì khi nghe người tù trại giam
Cổng Trời kể lại chính bản thân họ chịu đựng cái lạnh của đất trời Hà Giang sẽ
khiến người nghe chạnh lòng đến rơi lệ bấy nhiêu.
Trại giam nằm trên độ cao hơn hai ngàn mét và độ lạnh của nó
luôn luôn ở 0 độ. Linh mục Nguyễn Hữu Lễ kể lại những ngày khốn đốn vì lạnh giá
tại đó như sau:
"Chúng tôi lên đó đúng vào đêm Giáng sinh 26 tháng 12 năm
1977 và nhiệt độ trên đó lúc nào cũng ở độ âm tức là dưới 0 độ mà con người ta
chỉ được mang lên đó một chăn, một chiếu, một bộ quần áo thì hãy tưởng tượng sự
hành hạ của thiên nhiên đối với con người như thế nào!
...nhiệt độ lúc nào cũng dưới 0 độ mà chỉ được mang lên một
chăn, một chiếu, một bộ quần áo thì hãy tưởng tượng sự hành hạ của thiên nhiên
đối với con người như thế nào!
LM Nguyễn Hữu Lễ
Lúc đó tôi xung phong vào cái đội đóng quan tài vì tôi không biết
nghề nghiệp gì cả cho nên người ta đưa tôi vào đội này để chôn những người tù.
Có nhiều ngày chúng tôi làm bở hơi tai mà không kịp cung cấp cho trại bởi vì
người chết quá đông, mỗi ngày có thể chết 5 người hay 3 người nhất là những mùa
đông nặng nề, tù nhân chỉ còn da và xương mà thôi.
Tôi tin chắc các linh mục miền Nam bị đưa lên đó, nhất là những
linh mục già nổi tiếng như cha tổng giám đốc tuyên úy công giáo ngày xưa như
cha Đinh Cao Thuấn, cha Cao Đức Thuận đương kiêm giám đốc tuyên úy công giáo.
Những cha già này cũng có mặt trên trại cổng trời. Nói chung từ thiên nhiên đến
con người tất cả đều đứng về phía nghịch với chúng tôi."
Thiên nhiên bị cáo buộc đã quá khắc nghiệt nhưng không thể trả lời
tại sao lại tiếp tay hành hạ người tù như vậy. Câu trách cứ não lòng này sẽ
không bao giờ người tù nhận được sự giải thích từ bà mẹ trái đất.
...và đói
Cái lạnh đưa người tù vào chỗ chết, cái đói thì đẩy họ vào địa
ngục trần gian. Chỉ có địa ngục mới có hình ảnh đói khủng khiếp đến như vậy.
Người tù đói thâm niên, đói mà không biết mình đói vì bao tử đã quen với cái
thiếu thốn cùng cực. Cái gì họ cũng có thể ăn được nhưng nào phải dễ kiếm cái để
ăn? Bốn bức tường ngăn họ với bên ngoài mà đâu phải là nhà dân, chỉ có rừng núi
u ám kéo dài và sương mù buốt giá quanh năm.
Bữa ăn của người tù trong các trại giam toàn miền Bắc đã ít
nhưng so với trại giam Cổng Trời thì nơi đây lại càng ít hơn. Đường xa diệu
vợi làm cán bộ rất ngại xuống núi. LM NguyênThanh kể lại chuyện ăn uống trong
trại:
"Ăn thì chỉ có khoai mì, và những loại sắn đã chạy chỉ vàng
tức là đã chảy mủ ra rồi, ăn rất độc. Bằng chứng là Linh mục Nguyễn Hữu Lễ và
nhiều người đã từng ngộ độc khoai mì, tất cả đều ói mửa và gần như ngất xỉu.
Chúng tôi chỉ được ăn khoai mì với lại nước muối mà thôi."
Phi trường Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn hôm 30-4-1975. AFP PHOTO<br
/>
Chưa hết, nếu nghe người tù Trần Quốc Định, tác giả tập truyện
Thép Đen nổi tiếng kể về cái đói đã làm cho người tù đau khổ như thế nào thì
lương tâm con người không thể không thức dậy:
"Chúng tôi đói đến nỗi phải sàng phân mà ăn. Là vì ăn hạt
bo bo của Ấn Độ, mà bo bo thì cứng lắm thanh niên như tôi mà nhai còn nhủng nhẳng
thì huống chi mấy ông già, nhai kỹ bao nhiêu thì vẫn còn phân nửa. Một nửa còn
lại nguyên si nó vào xong nó lại đi ra. Mà phân thì lại không có mắm muối, cá
thịt gì nên không hôi thối. Do đó các người đói quá sau khi những người tù đi
ngoài thì họ vào họ xúc phân đó. Những toán đi ra ngoài đồng đem xuống suối rửa
sạch rồi hầm lại và ăn lại cái bo bo đó!
Cái đói làm cho con người mất nhân tính. Nó kinh khủng hơn hơn
cái lạnh một bậc vì khi lạnh người ta có khuynh hướng ngồi lại với nhau để tìm
hơi ấm, còn khi đói, con người trở thành thú dữ và khi đã đói thì bao tử gầm rú
đòi ăn khiến trí óc không còn minh mẫn.
Đã có biết bao nhiêu tù nhân trong các trại giam cộng sản đánh mất
cả lương tâm chỉ vì một mẩu bánh, một cọng rau. Người cộng sản đầy kinh nghiệm
biến tù nhân thành thú dữ qua việc kiểm soát bao tử của họ.
Người tù Nguyễn Chí Thiện kể lại cái đói chung của tất cả trại
giam miền Bắc, ông nói:
"Ăn thì ăn đói không có gì cả. Đói điên cuồng, đói quá hóa
điên. Ai trải qua rồi thì mới thấy nó khủng khiếp. Có những thanh niên không chịu
được đói đập đầu vào tường để tự tử. Có người dùng mảnh chai cắt veine để cho
máu chảy ra mà chết. Tôi chứng kiến nhiều trường hợp như thế, đói một cách kinh
khủng."
Đói điên cuồng, đói quá hóa điên. Ai trải qua rồi thì mới thấy
nó khủng khiếp. Có những thanh niên không chịu được đói đập đầu vào tường để tự
tử.
Người tù Nguyễn Chí Thiện
Người tù thường được tự cải thiện bữa ăn bằng cách trồng rau hay
khoai nhưng khi thu hoạch thì gặp những điều cười ra nước mắt khác. Người tù
Nguyễn Chí Thiện với 27 năm trải qua nhiều trại giam của miền Bắc, là chứng
nhân của biết bao cái chết vì đói, kể lại:
"Chúng tôi trồng ra không biết bao nhiêu là su hào bắp cải,
nhưng nó đem ra Lào Cai Yên Bái nó bán. Có lần nó không bán được nó chất mười mấy
tấn bắp cải ở lối đi làm, mà chúng tôi không được ăn. Không có rau ăn. Giám thị
nó nói tiêu chuẩn của các anh không được ăn, thế thôi. Cái đống rau mười mấy tấn
đó để lâu nó thối.
Bao nhiêu công tù đem ủ thành phân mà tù không được ăn. Anh tù
nào đi ngang đống rau thối mà lấy thì báng súng nó đánh gục ngay. Chính vì
chính sách tiêu diệt con người như thế cho nên tỷ số người tù miền Bắc chết
trong trại rất nhiều."
Bị cách ly
Người tù tại giam Cổng Trời đói trơ xương nhưng không được thăm
nuôi từ thân nhân của mình. Chính sách cách ly tuyệt đối người tù với bên ngoài
đã làm cho bộ mặt nhà tù càng thêm rùng rợn. Không ai biết việc gì xảy ra bên
trong và người bên trong cũng không thể hay biết điều gì xảy ra bên ngoài.
Cả thế giới như ngưng lại trong trí nhớ người tù Cổng Trời, họ
chịu đựng âm thầm và kiên tâm đến kỳ lạ. Mọi thứ thực phẩm nhỏ bé nhất cũng bị
kiểm soát gắt gao đến nỗi ông Nguyễn Hữu Đang, một cán bộ phụ trách ngày lễ tuyên
ngôn Độc lập cho chủ tịch Hồ Chí Minh bị bắt trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm trả lời
phỏng vấn của nhà báo người Đức Heinz Schütte cho biết:
"Án bao nhiêu năm chẳng quan trọng, chẳng đáng kể. Không một
mối liên hệ với bên ngoài, không thư từ, không thăm nom, không tiền hay quà hay
lương thực gửi tới – không, anh không nhận được chút gì của bạn bè hay gia
đình. Anh không có quyền nhận thăm nom, không tiếp xúc với bên ngoài.
Không một mối liên hệ với bên ngoài, không thư từ, không thăm
nom, không tiền hay quà hay lương thực gửi tới.
Ông Nguyễn Hữu Đang
Anh chỉ sống chuyên giữa các anh với nhau, những người tù, những
tù nhân chính trị. Thế giới của anh, nhân loại đối với anh là 200 người tù –
không có những người đồng tổ quốc, đồng công dân; với anh, không có gì hết, chỉ
có 200 người đồng ngục cùng một số phận…"
Kiều Duy Vĩnh, người sống sót cùng với Nguyễn Hữu Đang trong khi
70 bạn tù tại trại Cổng Trời đều đã bỏ mình tại đây. Ông may mắn có được một
người mẹ vừa liều lĩnh vừa thông minh và đầy kiên nhẫn. Bà đã lặn lội xuôi ngược
không biết bao nhiêu ngày tháng để tìm cho được nơi giam giữ con trai mình. Bà
đối diện thẳng với công an trại giam các cấp, hỏi và buộc họ phải trả lời con
trai bà bị họ nhốt ở đâu. Cuối cùng thì bà toại nguyện, biết chỗ của con nhưng
không tài nào thăm được, ông Vĩnh viết:
"Mẹ tôi đến Bộ Công An ở phố Trần Bình Trọng hỏi về anh con
bị tù. Gác cửa không cho vào. Nhưng từ nhà tôi ở chợ Hôm ra hồ Thiền Quang chưa
đến 1 km nên hầu như liên tục khi nào mẹ tôi đi đâu là mẹ tôi lại tạt vào Bộ
Công An quấy rầy họ. Đến nỗi người thường trực cứ trông thấy mẹ tôi là tránh mặt
không tiếp.
Mẹ tôi cứ đến hỏi. Hỏi mãi. Riết rồi họ phải trả lời. Nhưng cũng
mất hơn 3 năm họ mới cho mẹ tôi cái địa chỉ trại tù Cổng Trời: Công Trường 75A
Hà Nội. Mẹ tôi lại hỏi tiếp: Thế cái công trường này nó ở chỗ nào ở cái đất Hà
Nội này? Họ bảo họ không biết. Mẹ tôi đời nào chịu. Và cuối cùng họ phải trả lời
là tôi đang ở nhà tù Cổng Trời ở Hà Giang. Thế là mẹ tôi đi Hà Giang tìm nhà tù
đang nhốt tôi. Đi với 2 bàn tay trắng: không có mảnh giấy phép đi tiếp tế cho
tù."
Vất vả như thế nhưng công an không cho bà lên Cổng Trời! Thế là
bà cụ đành quay trở lại!
Còn gì bi đát hơn khi nhận được thư mẹ nhưng không biết số phận
mình sẽ bị định đoạt như thế nào. Ngày về quá xa và thiếu thốn hàng ngày lại nằm
sát bên hành hạ…
Không bao giờ trở lại
So với Kiều Duy Vĩnh thì người tù Lưu Nam còn bi thảm hơn, ông
không bao giờ được gặp mặt gia đình cho tới khi chết mặc dù con cái hết lòng
tìm kiếm. Con trai của ông là ông Lưu Đức Tâm kể:
Lính VNCH bị bắt trong ngày 30/4/75. Phoco courtesy of
phanchautrinhdanang.com
"Ông bố ở trại giam Quyết Tiến ở Hà Giang, còn gọi là trại
giam Cổng Trời. Trong 10 năm đó gia đình không có tin tức gì thì dẫu biết cũng
không thể đi thăm được. Cho đến năm 1961 gia đình nhận được một bức thư của ông
cụ gửi về nên mới biết ở trại đó.
Lúc bấy giờ gia đình cũng không có điều kiện để ra đi thăm được
bởi vì mẹ ở nhà ốm đau bệnh tật, con cái thì còn nhỏ thành ra không đi thăm được,
cho nên có gửi lên cho ông bố một ít quà qua cái địa chỉ đó. Gửi bằng con đường
bưu điện nhưng không biết ông cụ có nhận được hay không, tới năm 1962 thì ông cụ
mất.
Gia đình không hề được báo tin là chết, tức là không có giấy báo
tử. Mãi cho đến sau đó anh em đi ra ngoài Hà Nội mới hỏi Bộ Nội Vụ, người ta mới
bảo rằng ông đã mất. Sau đó gia đình tìm đến Cục Lao Cải để xin cái giấy báo tử
về. Sau khi xin được giấy báo tử rồi sau đó lên đưa mộ của ông về. Hiện nay mộ
của ông ở tại quê nhà."
Cách ly người tù là biện pháp chống lại sự tuyên truyền những
hình ảnh đối xử không mấy nhân đạo của trại giam sẽ rò rỉ ra bên ngoài hữu hiệu
nhất. Sự im lặng khép kín này nhiều chục năm qua đã tránh tiếng được cho chính
quyền miền Bắc đối với dư luận thế giới, thế nhưng dư luận trong giới tù nhân
và thân nhân họ với nhau thì sao?
Trong bài tới, những nhân chứng khác sẽ kể lại cuộc sống hàng ngày của họ khi phải đối diện với những sự hành hạ từ cai tù, đầu gấu, và nhất là cái chết rình rập từng giờ…
Trong bài tới, những nhân chứng khác sẽ kể lại cuộc sống hàng ngày của họ khi phải đối diện với những sự hành hạ từ cai tù, đầu gấu, và nhất là cái chết rình rập từng giờ…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét