LTS. Pierre Darcourt là một nhà báo người Pháp đã sống từ lúc khởi
đầu cho đến hồi kết cuộc của chiến tranh Việt Nam. Ông sinh năm 1926 tại Saigon,
từng theo học tại Đại Học Luật Khoa Hà Nội trước 1945. Khi Nhật đảo chính Pháp
tháng 3-1945, ông tham gia lực lượng du kích chống Nhật tại Đông Dương, sau đó
gia nhập binh chủng Nhảy Dù Pháp. Sau khi giải ngũ năm 1954, ông trở lại đại học
rồi thành một nhà báo danh tiếng.
Suốt Tháng Tư 1975, nhà báo Pierre Darcourt có mặt tại Sàigon,
trực tiếp gặp và nghe nhiều điều riêng tư, từ các cấp thẩm quyền quân dân sự miền
Nam, như Tướng Nguyễn Khoa Nam, Bộ trưởng Hoàng Đức Nhã, lãnh tụ Ngiệp đoàn Trần
Quốc Bửu, tới.... Bà Ngô Bá Thành thủ lãnh phong trào Phụ Nữ Đòi Quyền Sống.
Ông cũng sát cánh với các đơn vị VNCH giờ chót tại các phòng tuyến ven đô cho tới
ngày cuối cùng và chỉ rời khỏi Saigon vào buổi trưa 29 tháng 4 năm 1975. Những
ngày giờ cuối cùng của VNCH được Pierre Darcourt viết thành sách "Vietnam,
Qu'as Tu Fait De Tes Fils" do Editions Albatros, Paris xuất bản. Sau đây
là một số sự ghi nhận của nhà báo Pháp đặc biệt này, được lược trích theo bản dịch
Việt ngữ "Việt Nam Quê Mẹ Oan Khiên" của Cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa,
do Tủ sách Tiếng Quê Hương ấn hành.
Những tựa nhỏ cho các trích đoạn do toà báo đặt thêm.
*Trường hợp ướng Phú
Thứ hai, 7 tháng Tư 75 Đại Tá Khôi, sĩ quan phụ tá trưởng Phòng
Nhì Quân Đoàn III tiếp tôi tại Bộ Tổng Tham Mưu QLV NCH, một doanh trại rộng lớn
nằm gần sân bay Tân Sơn Nhứt, nơi có rất nhiều ăng-ten và có Thiết Giáp canh
gác. Lúc bấy giờ là 9 giờ sáng.
Đại Tá Khôi, một cựu sĩ quan lực lượng đặc biệt, được huấn luyện
ở Okinawa, là một người cao lớn mảnh khảnh mặt đầy vết thẹo vì ông đã đạp phải
mìn năm 1970.
Ngày 14 tháng 3, Tổng Thống Thiệu đến căn cứ Hải Quân ở Cam Ranh để có một buổi họp kín của Hội Đồng Quân sự. Có 5 tướng lãnh hiện diện trong buổi họp: Tổng Thống Thiệu, Đại Tướng Khiêm - Thủ tướng Chánh Phủ, Tướng Cao Văn Viên - Tổng Tham mưu trưởng QLVNCH, Tướng Đặng Văn Quang - Cố vấn quân sự của Tổng Thống và Tướng Phú - Tư lệnh Vùng II Chiến Thuật.
Ngày 14 tháng 3, Tổng Thống Thiệu đến căn cứ Hải Quân ở Cam Ranh để có một buổi họp kín của Hội Đồng Quân sự. Có 5 tướng lãnh hiện diện trong buổi họp: Tổng Thống Thiệu, Đại Tướng Khiêm - Thủ tướng Chánh Phủ, Tướng Cao Văn Viên - Tổng Tham mưu trưởng QLVNCH, Tướng Đặng Văn Quang - Cố vấn quân sự của Tổng Thống và Tướng Phú - Tư lệnh Vùng II Chiến Thuật.
Sau một cuộc bàn cãi, tất cả tướng lãnh hiện diện trong buổi họp
nầy đều quyết định rút bỏ luôn hai thành phố nằm về hướng Bắc của Vùng Cao
Nguyên là Kontum và Pleiku. Kế hoạch được soạn thảo nầy dự trù tập trung các
đơn vị xuống vùng duyên hải và từ đó sẽ mở một cuộc phản công lên Ban Mê Thuột.
Không có ấn định chính xác giờ giấc để tiến hành cuộc di tản hai thành phố
Kontum và Pleiku……''
Đại Tá Khôi bất thình lình ngưng nói, xoa hai bàn tay khô cằn của
ông ta, sau đó mới tiếp tục một cách trịnh trọng:
- Điểm sau cùng nầy mang một tính cách lịch sử quan trọng. Bốn
trong số năm vị tướng lãnh hiện diện đều nghĩ rằng cuộc triệt thoái phải được
tiến hành tuần tự và sẽ được kết thúc vào tuần lễ chót của tháng 3. Vị tướng
lãnh thứ năm là Tướng Phú, người chịu trách nhiệm về cuộc hành quân nầy, là một
sĩ quan có một dĩ vãng quân sự hào hùng, tuy rằng ông đã đi lên từ hàng binh
sĩ. Đã từng lăn lóc trên chiến trường suốt 14 năm, ông là một tư lệnh Sư Đoàn
tài giỏi nhưng lại là một tư lệnh Quân Đoàn quá yếu. Đã từ lâu rồi ông bị bệnh,
ông lại không được chuẩn bị trước và không đủ khả năng điều khiển một cuộc hành
quân triệt thoái quy mô như vầy, nghĩa là một trong những cuộc điều quân khó
khăn nhất trong các phép dụng binh trong lịch sử chiến tranh".
Tôi quan sát rất kỹ Đại Tá Khôi. Thình lình tôi có cảm tưởng khó
chịu là hình như ông ta đang cho tôi một bài "diễn văn'' đã được soạn sẵn
từ trước. Tôi không muốn ngắt ngang ông ta. Tôi cần phải nghe luận giải của ông
đến cùng: cũng sắp sửa đến phần kết luận rồi.Và Đại Tá Khôi nói tiếp:
"Chiều tối ngày 14 tháng 3, về đến Pleiku hơi trễ, Tướng
Phú không cần giải thích, đã cho lệnh quân đoàn tiến hành cuộc hành quân triệt
thoái ngay vào sáng sớm hôm sau.
Vào lúc rạng đông ngày 15 tháng 3, tất cả binh sĩ cùng dân chúng
của hai tỉnh Kontum và Pleiku đã vội vã rời khỏi hai thành phố nói trên, bỏ lại
tại chỗ hàng chục triệu Mỹ kim chiến cụ. Cả hai đoàn người và xe qua quốc lộ 19
rồi mới vào con đường 7 B. Trên con đường 7 B nầy vốn chỉ là một con đường mòn
được trải đá sơ sài, tất cả các cầu đều bị giật sập, đi sâu vào một vùng rừng đầy
gai góc lùm bụi, cỏ cao ngất trời. Khi các xe vận tải nặng và các xe thiết giáp
đi qua rồi thì các đường nước trở thành những vũng sình lầy lội, làm cho hàng
ngàn xe khác đi sau bị mắc lầy, tự đâm vào nhau và tắc nghẽn lại hết. Trên đường
rút đi, các đơn vị đi trước và đi sau 200.000 dân tị nạn, bị rơi vào một trận
phục kích kinh hồn của sư đoàn 320 Bắc Việt. Hai chục ngàn dân (20.000) bị tàn
sát, 500 xe đủ loại bị phá hủy, tất cả biến cuộc triệt thoái nầy thành một cuộc
tháo chạy trong hỗn loạn. Và cũng từ đó mới gây ra nỗi kinh hoàng khó tả trong
dân chúng…
Đại Tá Khôi đứng dậy và đi vòng bàn viết của ông ta, điều nầy có
nghĩa là buổi nói chuyện của chúng tôi đã chấm dứt. Tôi khẳng định là những tin
tức mà ông đã nói với tôi hôm nay chỉ đúng sự thật có một phần nào thôi, nhưng
chắc chắn không phải là tất cả sự thật. Cái lối giải thích để làm giảm nhẹ đi
phần nào trách nhiệm của Tổng Thống Thiệu nó không đúng với tính tình của các nhân
vật trong câu chuyện.. Tôi rất muốn nói với Đại Tá Khôi như vậy, nhưng tôi cảm
thấy ông ta không muốn đi ra ngoài luận cứ "chánh thức" mà ông đã
cung cấp cho tôi. Do đó tôi chỉ hỏi ông ta:
"Xin Đại Tá chỉ giùm tôi có thể đi gặp Tướng Phú ở chỗ nào
được?
Gương mặt ông ta lạnh nhạt trở lại, và câu trả lời cụt lủn của
ông ta làm tôi hết sức ngạc nhiên:
"Tướng Phú đã bị phạt giam, và không thể tiếp ai được hết"
Tôi từ giã Đại Tá Khôi. Nhưng trước khi rời khỏi Bộ Tổng Tham
Mưu, tôi nhờ vị sĩ quan báo chí xin giùm tôi một cái hẹn để đi gặp Thiếu Tướng
Nguyễn Khoa Nam, Tư Lệnh Vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sau vài lần điện thoại,
và gọi vô tuyến, Tướng Nam đã đồng ý gặp tôi sau 3 giờ chiều, nhơn lúc ông ghé
lại Mỹ Tho.
Cuộc nói chuyện của tôi với Đại Tá Khôi làm tôi đau đầu. Hình ảnh
mà ông ta đã tả cho tôi về một Tướng Phú già nua, suy nhược, không còn đủ sáng
suốt và khả năng để phối hợp một cuộc điều quân, thực tình không đứng vững. Thật
vậy, tôi chỉ không gặp Tướng Phú có sáu tháng, nhưng tôi biết ông ta cách đây
23 năm, từ khi ông ra trường sĩ quan Thủ Đức. Tôi vẫn biết ông ta chỉ còn có một
lá phổi. Nhưng dù là nhỏ con ốm yếu nhưng với 49 tuổi đầu, ông là một người dày
dạn phong sương. Ông rất cứng rắn đôi với binh sĩ của mình và cũng cứng rắn đối
với bản thân, dẽo dai, mưu lược và giỏi về chiến thuật, nên trước hết ông là một
sĩ quan của thế công.
Ở Điện Biên Phủ, nơi mà ông được thăng cấp Đại Úy tại mặt trận,
ông đã tạo được lịch sử của ông rồi. Ngày 30 tháng 3 năm 1954, lúc Việt Cộng
đánh một trận chiến đẫm máu ở 5 ngọn đồi, trong lúc xáp lá cà, bọn bộ đội đã gọi
hỏi nhau ơi ới: "Thằng Phú đâu rồi ? Phải bắt thằng Phú nghe, bắt sống nó
nghe !" Ông ta không rơi vào tròng của quân Bắc Việt và liên tiếp mở hết
cuộc phản công nầy đến trận phản công khác. Phương pháp chỉ huy của ông Phú rất
khắt khe. Với một người có hành động vi phạm kỷ luật mà ông đã ban hành, ông
cho cột chân tay người đó vào hàng rào kẽm gai. Mặc dầu luôn luôn bị pháo kích
hết sức nặng nề, hệ thống phòng ngự đầy hố tác chiến trên đồi Elian 1 của ông
đã giúp ông cầm cự suốt nhiều tuần lễ, đẩy lui tất cả cả các đợt xung phong của
địch. Bốn ngày trước khi cứ điểm bị thất thủ, ông còn oanh liệt cho nổ 3 lô cốt
có trang bị súng không giật 57 ly, đã kịp thời phát hiện, chận đứng và tấn công
một tiểu đoàn Việt Cộng trên sườn đồi, buộc chúng phải rút lui với sự yểm trợ hữu
hiệu của pháo binh Pháp do ông đích thân đứng ngay trên địa thế trống trải để
điều chỉnh tác xạ thật chính xác. Ông đã sống sót được sau 18 tháng bị bắt giam
trong một trại tẩy não Cộng Sản ở Thượng Du Bắc Việt, mà không hề chấp nhận phải
ký một bản "thú tội" hay một tờ truyền đơn nào. Và các sinh viên ở
Sài Gòn đã tranh đấu với phái đoàn Bắc Việt đang ở khách sạn Majestic lúc bấy
giờ để đòi Bắc Việt phải trả tự do cho ông. Từ khi ông được trở về Nam, ông Phú
đã tham gia tích cực vào cuộc chiến. Nhất là ở Lào, năm 1971, lúc ông là tư lệnh
Sư Đoàn 1 Bộ Binh ông đã giúp cho một đoàn xe thiết giáp của Miền Nam thoát được
một sự thảm bại trông thấy, trên đường rút lui ở quốc lộ 9. Để cứu đoàn thiết
giáp nầy đang bị 2 sư đoàn Bắc Việt tấn công từ hai bên sườn, Tướng Phú đã
không ngần ngại đi xuyên qua rừng tìm địch để cuối cùng bẻ gãy được gọng kềm của
địch sau 3 ngày tác chiến vất vả có đôi lúc phải đánh xáp lá cà với địch. Vào
tháng 5 năm 1972, trong trận tấn công quy mô của Bắc Việt vào Huế, Tướng Phú đã
cùng Đại Tá Dickinson đưa tôi đi thanh sát bằng trực thăng ngay trên vùng Việt
Cộng. Khi phải cố gắng đáp xuống một mỏm núi đang bị Bắc Việt bao vây, chiếc trực
thăng của chúng tôi bị trúng một viên đạn trực xạ của súng 75 không giật, bay mất
nửa mảng phía trước và gãy mất một chân càng. Như có một phép lạ, chiếc trực
thăng lại bay lên được và Tướng Phú đã bắt phi công phải lượn lại trên vị trí bạn
một vòng khi ông nói rằng "tôi muốn cho cả Việt Cộng và binh sĩ của tôi biết
rằng tôi hãy còn sống."
Tôi nghĩ lại tất cả các chuyện nầy và tôi không bao giờ tin rằng
Tướng Phú tự nhiên lại mất bình tĩnh đến độ phải cho lệnh triệt thoái một cách
vội vã vô trật tự như vậy để cuối cùng phải đi đến một thảm trạng như thế. Phải
chăng vì tôi biết về ông ta quá nhiều, hay vì ông ta là bạn của tôi?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét