Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

NHÀ BÁO PHÁP PIERRE DARCOURT VIẾT VỀ NHỮNG NGÀY GIỜ CUỐI CỦA VIỆT NAM CỘNG HOÀ: TT THIỆU TỪ CHỨC, ĐẠI SỨ PHÁP DIỄN TRÒ

Hai ngày trước khi từ chức, TT Thiệu từng nổi điên, doạ bắn Tổng Trưởng Ngô Khắc Tỉnh
Thứ Hai, ngày 21 tháng Tư
Vào lúc 5 giờ chiều, Hội đồng chánh phủ họp bất thường tại Dinh Độc Lập. Nhiều người nói đây là một buỗi họp mặt để từ giã nhau.
Vào 6 giờ chiều, đài phát thanh báo cho biết là Tổng Thống Thiệu đã mời hết tất tất cả các Tổng Bộ trưởng, Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng, các nhân viên Tòa Thượng Thẩm và các vị dân cử thuộc lưỡng viện Quốc Hội, có mặt lúc 7 giờ tối để Tổng Thống đọc một bài diễn văn của ông, được trực tiếp truyền thanh...
Trong ba tuần nay, chiến lược gia của các tiệm cà-phê ở đường Catinat đã tiên đoán là sự từ chức của Tổng Thống Thiệu là chuyện đương nhiên rồi.Trong những ngày đầu tháng tư, một nguồn tin đã được loan đi và báo chí cũng đã có nói lại rõ ràng là một "hội đồng tướng lãnh" của Miền Nam đã trao cho Tổng Thống Thiệu một tối hậu thơ, khuyên ông nên từ chức trong vòng 3 ngày… nhưng rồi có thấy chuyện gì xảy ra đâu ?Khi nào nhịp độ tấn công của Cộng Sản Bắc Việt càng mạnh thì phía đối lập lại cứng rắn thêm. Cảnh sát đã phá vỡ hai mưu toan ám sát và dinh Độc Lập đã bị dội bom. Nhưng cho tới giờ nầy Tổng Thống Thiệu không thấy có một dấu hiệu gì nhượng bộ.. Càng ngày càng có nhiều nhân sĩ chánh trị hay tôn giáo đã công khai yêu cầu ông hãy ra đi, để người ta có thể đàm phán với "phía bên kia". Phần đông các đối thủ của ông dường như tin chắc rằng ông Thiệu muốn ngồi mãi ở cái ghế Tổng Thống nầy cho đến cùng. Ngày hôm kia, ông ta còn dọa giết ông Ngô Khắc Tỉnh, người anh em bà con bạn dì với ông, đương kiêm Tổng Trưởng Giáo Dục, khi ông nầy muốn nói với ông ta về sự nghiêm trọng của tình hình trong hiện tại, làm ông ta giận dữ hét lên:"Anh chỉ là một thằng chủ bại bẩn thỉu. Nếu anh còn tiếp tục nói nữa, thì tôi sẽ cho anh ăn đủ 12 viên đạn của tiểu đội hành quyết ngay bây giờ "Ông Dominique, người chủ tiệm ăn Valinco, chuồi cho tôi một tuy dô "hết ý".
Theo ông ta thì Tổng trưởng ngoại giao Sauvagnargues của chúng tôi đã có điện thoại cho ông Mérillon (đại sứ Pháp ở Sài Gòn) để bảo ông nầy "Anh hãy đi gặp ông Thiệu đi, và bảo cho ông Thiệu là ông ta phải đi đi… "
(Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ báo Nouvel Observateur, ông Sauvagnargues xác nhận tin tức lạ lùng nầy: "Theo đúng chỉ thị của tôi, đại sứ Pháp đã có đến gặp ông Thiệu và nói với ông nầy rằng "Ông phải ra đi thôi…", một cách thi hành Hiệp Định Paris hết sức quái lạ….)
Trước cổng vào dinh Tổng Thống, người ta phải mất độ 30 phút để cẩn thận hướng dẫn các xe chánh thức. Vào một buổi hoàng hôn ấm áp, với bãi cỏ và các vòi nước phun lên được đèn rọi chiếu sáng, với các anh tài xế toàn đội kết trắng tinh, tất cả đều làm cho người ta liên tưởng đến một dạ hôi nào đó. Nhưng những chiếc áo dài lụa xinh xắn của Sài Gòn hoa lệ thường hay làm đẹp mắt cho các buổi tiếp tân lại không thấy góp mặt ở đây, mà chỉ thấy toàn là quân cảnh khắp nơi trong khu vực..
Vào hồi 7 giờ rưỡi, nửa giờ trước giờ giới nghiêm (thình lình được tăng lên 1 giờ), đường phố đã gần như vắng vẻ. Đằng sau các tấm rèm che phía trước tiệm buôn, các gia đình tựu họp lại quanh chiếc máy truyền thanh. Các cảnh sát cũng lẩn quẩn ở trước cửa tiệm để cùng nghe diễn văn của Tổng Thống Thiệu.
7 giờ 43 phút: Trong căn phòng lớn ở tầng dưới của Dinh Độc Lập, đứng trước bức họa tượng trưng của 18 vua Hùng, theo truyền thuyết là những vị vua dựng nước Việt Nam, Tổng Thống Thiệu bắt đầu nói. Với một giọng rắn rỏi, bình tĩnh, nhưng không dấu được một sự bực tức, ông đi vào một trong những sự trình bày dài mà đó là sở trường của ông. Ông nhắc lại từng giai đoạn lớn của cuộc chiến ở Việt Nam và những giai đoạn của những cuộc thương thuyết dẫn đến sự ký kết Hiệp Định Ba Lê. Ông hết sức nhấn mạnh các lần từ chối liên tục mà ông đã phải đối đầu chống lại với Kissinger trong cuộc hòa đàm. Ông kết án "thái độ vô nhân đạo của Hoa Kỳ là thái độ của một cường quốc lớn đang trốn tránh trách nhiệm của mình."
Với một giọng giận dỗi và khích động, ông Thiệu gào to lên:
"Không bao giờ tưởng tượng nổi là tôi có thể chứng kiến trong một thời gian nào đó tấn bi kịch của những sự trả giá bẩn thỉu đang diễn ra bên trong toà nhà Lập Pháp của Quốc Hội Hoa Kỳ. Không bao giờ tôi tưởng tượng nổi một người như Kissinger lại có thể đưa dân tộc Việt Nam mình vào một định mệnh hết sức thảm khốc như ngày hôm nay."
Đúng 8 giờ 36 phút, sau 53 phút đọc diễn văn, Ông Thiệu loan báo là ông từ chức. Ông nói thêm:
"Tôi nghĩ rằng sự hy sinh của tôi sẽ giúp thay đổi được tiến trình viện trợ của Hoa Kỳ cho Việt Nam Cộng Hòa, và giúp thay đổi được diễn tiến trên chiến trường. Nếu nó có thể mang lại hòa bình cho toàn dân, và đem lại cho quân đội và cho đất nước sự giúp đỡ cần thiết cho sự sống còn của họ thì đó chỉ là một sự hy sinh tối thiểu mà thôi. Đối với những người luôn luôn chỉ trích tôi cho tôi là một chướng ngại cho nền hòa bình, tôi xin họ vì tình yêu của Tổ Quốc họ hãy giúp đỡ người kế vị tôi, là Tổng Thống Trần Văn Hương, để ông mang lại hòa bình cho đất nước, một việc mà tôi đã không thể làm được.”
Thứ Ba, 22 tháng Tư: Đại sứ Pháp Mérillon lên sân khấu.
Với sự thờ ơ nhẫn nại trên đường phố Sài Gòn, với sự bối rối ở Hoa Thạnh Đốn, với sự kín đáo ở Mạc Tư Khoa, với niềm hy vọng ở Ba Lê, với sự từ chức của Tổng Thống Thiệu được loan báo chiều hôm qua… cho tới giờ nầy chỉ thấy có phản ứng vừa phải ở khắp mọi nơi thôi.
Câu hỏi mà mọi người đều đặt ra chỉ vỏn vẹn là: "Tổng Thống Trần Văn Hương, người được chỉ định thay thế ông Thiệu, theo đúng Hiến Pháp Việt Nam, sẽ giữ được chánh quyền được bao nhiêu thời gian nữa?"
Ông Trần Văn Hương, người thay thế ông Thiệu, là một ông già 72 tuổi, người đau yếu được may mắn qua khỏi bệnh bướu tim, có một dáng đi nặng nề và có tính hay do dự, luôn đeo kính râm dày để che dấu và bảo vệ cặp mắt hơn là sợ ánh sáng.
Trong hiện tại, với những mặc cả khó khăn, những nhà chánh trị của Miền Nam đang bàn cãi nhắm tìm một người đối thoại khả dĩ có thể được phía Cộng Sản chấp nhận. Nhưng ông Tổng Thống già nầy vẫn cứng rắn không chịu từ chức.
Trong khi Tổng Thống Hương tiếp tục thăm dò và thử thành lập một chánh phủ với sự góp ý của các ông Trần Văn Lắm, Nguyễn Văn Huyền và Trần Văn Đôn, thì người ta chú ý nhiều hơn về những cố gắng ngoại giao hướng về một nền "hòa bình qua thương lượng" hơn là về tình hình quân sự thật tình đang rất nguy kịch.
Góp mặt như những nhà trung gian hòa giải đắc lực nhất, là người Pháp, họ giữ những sự tiếp xúc với tất cả các bên trong cuộc chiến, không riêng gì ở Sài Gòn, mà cả ở Paris và Hà Nội.
Thái độ và hành vi sau cùng của chánh phủ Pháp đã có một tiếng vang nào đó trong thủ đô Miền Nam.
Tất cả dân chúng ở Sài Gòn đều nhắm vào ông Đại sứ Pháp Mérillon. Người nhỏ thó, gầy, nhưng nóng tính, tóc đen, ông Mérillon có cặp mắt tròn sáng ngời dưới cặp kính râm. Ông là cựu sinh viên trường E.N.A., năm 1970 đã nổi bật và được dư luận chú ý trong lúc chiến cuộc "tháng chín đen" ở Jordan đang hồi khốc liệt. Lúc bấy giờ ông đang là Đại sứ Pháp ở thủ đô Amman, ông đã bỏ tiền ra bất chấp tốn hao để lo chuyển thực phẩm và thuốc men đến cho dân chúng, cho những người ngoại quốc đang bị phong tỏa kẹt trong vòng chiến, và cho những con tin đang bị du kích Palestine cầm giữ.. Táo tợn hơn dưới cơn mưa đạn và rốc-kết, ông đích thân đứng ra hướng dẫn các phi công của các phi cơ cứu viện đáp xuống phi trường..Là một nhà ngoại giao bất chấp hết thủ tục, thường mặc sơ mi nhẹ và quần kaki dài hơn là đứng đắn có thắt cà vạt, ông hăng say làm việc nhưng không được kiên nhẫn lắm, nên đôi lúc có những cơn nóng giận bất thường
Những người Pháp lớn tuổi ở đây nhận thấy ông đã "tăng cường" nhân viên của Tòa Đại Sứ, để làm tăng giá trị cho vị thế của ông hơn là muốn có một sự hữu hiệu thật sự cho công việc, và họ nhún vai phê bình thêm:
"Ông ta khuấy động nhiều quá, làm ồn quá, coi chừng ông ta sẽ có nguy cơ trèo cao té nặng đó!"
Thật ra, từ mấy ngày nay, ông Jean- Marie Mérillon đã tỏ ra rất năng động. Tin chắc là cái giá phải trả cho một cuộc "chiến đấu trong danh dự" của Sài Gòn sẽ thật sự rất đắt, nên điều lo lắng đầu tiên của ông là phải cố tránh không để cho thủ đô bị đánh chiếm. Muốn được như vậy, ông hình dung ra một sơ đồ căn cứ trên một ý nghĩ thật giản dị: phải đạt cho được sự từ chức của Tổng Thống Hương và thành lập một Hội Đồng Hòa Hợp Hòa Giải với những nhân vật thuộc "thành phần thứ ba". Hội đồng này chỉ cần tồn tại trong vòng hai hay ba tuần lễ mà thôi. Một thời gian trì hoãn. Muốn được như vậy, là ông phải lắc mạnh cái mà ông gọi là "sự bất động cố hữu" của ông già Hương; phải cố thuyết phục cho đến cùng rằng sự chống trả bằng võ lực bây giờ là điều hoàn toàn vô ích; và cố gắng hòa giải các nhóm "đối lập hợp pháp" vì lúc nào họ cũng chia rẻ với nhau.
Vậylà ông bắt đầu tiến hành những cuộc mặc cả hết sức khó khăn rồi trở thành mạnh bạo hơn khi mà mỗi giờ trôi qua là mỗi giờ áp lực của lực lượng Cộng Sản càng nặng thêm lên. Hà Nội vừa mới xác định một lần nữa lập trường của họ:
"Trong bộ máy chánh quyền mới sẽ được thành lập ở Sài Gòn, không được có mặt bất cứ người nào đã ở trong bè cánh của Thiệu, có nghĩa là những người đã hợp tác chặt chẽ với Thiệu để chống phá quyền lợi Quốc Gia, kéo dài cuộc chiến và phá hoại Hiệp Định Ba Lê. "
Với những lời tuyên bố nầy, đương nhiên bị loại ra ngoài ông Trần Văn Lắm, đương kim Chủ Tịch Thượng Viện và tướng Trần Văn Đôn, Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng của chánh phủ "chiến đấu", tuy đã từ nhiệm nhưng vẫn còn là "xử lý thường vụ".
Do vậy lại bắt đầu trở lại những sự mặc cả mới.., mà ông Mérillon hơi chua chát gọi đó là "những trò chơi viển vông".
Kỳ tới: Ngọn Đồi Cuối Cùng trong trận chiến Xuân Lộc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét