Nguyễn Lân Thắng - Trong thời gian vài ngày gần đây, truyền thông
trong nước được huy động một cách mạnh mẽ có định hướng để lên án các blogger,
các facebooker và các trang mạng xã hội với cáo buộc có hành vi bôi xấu Đảng
Cộng Sản và chính quyền Việt Nam.
Song song với sự lên tiếng của truyền thông
chính thống Nhà nước đối với các tiếng nói được cho là ‘lề trái’, hay phản biện
như thế, các trang mạng xã hội, cụ thể Facebook, bị người sử dụng nhận thấy
đang có sự can thiệp vào, điều này đã làm cho các công dân mạng bức xúc phản
đối. Blogger Hành Nhân cho chúng tôi biết:
“Khi người ta chặn một dụng cụ để cho mọi người truyền
thông, thì đó là một điều vi phạm quyền tự do ngôn luận của mọi người, đúng ra
là quyền mình được thông tin, quyền được phổ biến thông tin. Nhưng điều chặn
Facebook này thì không thể chấp nhận được, mình trả tiền để có dịch vụ đó,
trong khi đó các nhà cung cấp mạng không bảo vệ người tiêu dùng mà còn chặn làm
khó dễ công dân mạng thì rất là vô lý."
Tuy bị chặn, nhưng các công dân mạng Facebook
vẫn tìm được cách để vào. Họ có thể sử dụng các phần mềm, vượt tường lửa hoặc
thay đổi DNS. Blogger Hành Nhân chia sẻ cách vào Facebook trong những ngày này
như sau:
“Vào được facebook, có chỗ vào được có chỗ thì không, vùng
này được, vùng khác không được, có lúc rất chậm. Có thể truy cập bằng điện
thoại thì tốt, nhưng vào bằng máy tính thì làm khó khăn cho mình, Và theo tôi
cách khắc phục, nếu mạng cung cấp này chậm thì chọn dịch vụ mạng khác, còn nếu
không được nữa thì mình dùng phần mềm để vượt tường lửa, hoặc mình đổi DSN, bây
giờ có nhiều cách để vào facebook, mình sẽ tìm mọi cách có thể vào được.”
Trang Facebook, không chỉ dành riêng cho các
công dân mạng tìm thông tin đa chiều mà còn có nhiều doanh nghịêp đã bỏ tiền để
sử dụng trang mạng xã hội này để tiếp thị giờ đây cũng không biết phải làm gì
khi các nhà cung cấp internet ngăn chặn? Trưởng phòng sale một công ty quảng
cáo xin giấu tên nói với chúng tôi trong tâm trạng chỉ biết cười và chấp nhận
về vấn đề này:
“Thực sự các nhà mạng không có được công bằng với các doanh
nghiệp, hiện tại có nhiều doanh nghiệp họ đã xây dựng các trang mạng của họ lên
hơn cả trăm nghìn người, nếu chặn thì xem không được. facebook Việt Nam thì
đang mới chặn lại trong mấy ngày này và một số thực trạng là như vậy”.
Có một Facebooker xin ẩn danh cho chúng tôi
biết sức mạnh của mạng xã hội tại Việt Nam:
“Số lượng người dùng Facebook ở Việt Nam rất nhiều từ
khoảng 15 đến 20 triệu, theo tôi biết tại là vì hồi đầu năm nay báo chí đã
thống kê khoảng 12 triệu tính tới thời điểm này thì nhiều. Facebook phát triển
ở Việt Nam rất là nhanh, ở Việt Nam những thông tin chính thống bị kiểm duyệt
hết, còn trong facebook thì không kiểm duyệt được nên nó lan truyền một cách
nhanh chóng, vì thế nhà nước lo sợ ảnh hưởng đến sự cai trị của họ.”
Hiện tại hai nhà cung cấp internet cho người sử
dụng tại Việt Nam chiếm được nhiều thị phần đó là FPT và Viettel, chúng tôi đã
liên lạc qua điện thoại với họ để tìm rõ nguyên nhân tại sao không cho sử dụng
mạng xã hội Facebook. Một nhân viên tổng đài Viettel đã cho chúng tôi biết:
“Hiện giờ, đối với trang mạng facebook đang có ảnh hưởng
đến an ninh quốc gia nên cơ quan có chức năng đã chặn, nên bên Viettel không hỗ
trợ được thông tin về trang mạng này. Chặn này là không có nhà mạng này hỗ trợ
thông tin về facebook cả. Và do trước đây, bộ thông tin và truyền thông có cho
sử dụng trang mạng xã hội facebook, nhưng trong một thời gian sử dụng có ảnh
hưởng đến an ninh quốc gia, tức là có một số cá nhân có thể là dùng trang mạng
xã hội này để tuyên truyền làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, và đối với trang
mạng xã hội đây không phải là mạng của Viettel và khi nào mở lại trang facebook
thì không biết được.”
Chỉ trong vòng vài năm gần đây các trang mạng
xã hội, và các trang blog phát triển rất mạnh mẽ. Tại Việt Nam trang Facebook
đang có một cộng đồng mạng rất lớn, đa số họ vào facebook để trao đổi, chia sẻ
thông tin cùng bạn bè, cập nhật tin tức đa chiều…vì nơi này không bị kiểm
duyệt. Trong khi đó Đảng CSVN đang có trong tay hơn 700 tờ báo cùng 67 đài phát
thanh và truyền hình, hơn cả ngàn dư luận viên nhưng vẫn luôn sợ tiếng nói của
các trang mạng xã hội và các trang blog.
Nguyễn Lân Thắng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét