Cụ NGÔ ĐÌNH KHẢ
Với ông Diệm:
“Diệm, con có đủ đức tính cần thiết để trở thành người lãnh đạo tốt. Con phải lãnh đạo“.
Với tất cả các con:
“Các con phải cùng với nó (ông Diệm) tranh đấu dành lại cho được một nền độc lập hoàn toàn, thì mới thực hiện công cuộc cải tạo xã hội, xóa bỏ bất công được”.
(Lời cụ Ngô Đình Khả trối lại cho các con trước khi cụ qua đời)
Trong lá thư gửi cho một chiến hữu đề ngày 22-9-1952, cuối thư
có bài thơ tứ tuyệt trên đây, thủ bút của chí sĩ Ngô Đình Diệm. Chúng tôi xin
dùng ba chữ cuối của câu 4 để đề tựa cho bài thơ.
KÍNH DÂNG HƯƠNG HỒN
Các vị Anh Hùng, Các Chiến Sĩ Mọi Cấp Ngành
Đã Hy Sinh Máu Xương Và Mạng Sống
Cho Nền Độc Lập, Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền
Của Tổ Quốc Và Dân Tộc Việt Nam.
KÍNH DÂNG CHOTất Cả Những Ai Đang Và Sẽ Tranh Đấu
Cho Một Việt Nam Thật Sự Đoàn Kết
Độc Lập, Tự Do, Dân Chủ, Phú Cường
AI CHẾT CHO QUÊ HƯƠNG SỐNG ĐỜI ĐỜI
GARNIER
THÂN TẶNG
CÁC BẠN TRẺ VIỆT NAM
Ngày Mai Của Nước Việt Nam Sẽ Do Các
Thế Hệ Thanh niên
và
Những Người Có Tâm Hồn Thanh Niên
Tạo Dựng
Ngô Đình Nhu
CẢM TẠ
XIN CHÂN THÀNH CẢM TẠ:
Quý vị Thức giả, Bằng hữu, đã khuyến khích, giúp đỡ tinh thần,
vật chất cho việc hoàn thành tác phẩm.
Các nhân chứng, các bạn đã cung cấp tài liệu, đóng góp ý kiến,
hiệu chỉnh, giúp cho tác phẩm được hoàn bị hơn.
Lời Nói Đầu
GIÁO SƯ TIẾN SĨ NGUYỄN XUÂN VINH
Cuốn sách này không phải là một tập hồi ký
theo nghĩa thông thường của những sách tự viết về cuộc đời của những chính trị
gia trong đó sự việc thường được trình bày theo một góc độ nhìn có lợi cho uy
tín của tác giả. Ông nguyễn Văn Minh chỉ là một Đại Úy trong Quân Đội Quốc Gia
Việt Nam trong thời gian tám năm (1955 – 1963) có những diễn biến được mô tả
trong cuốn hồi ức này, nhưng ông lại ở một vị trí đặc biệt để biết nhiều chuyện
khi ông được biệt phái để làm việc trong văn phòng của ông Ngô Đình Cẩn, người
em giáp út của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Sau khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa cáo
chung, ông trở về với quân đội và nhiệm vụ cuối cùng với cấp bậc Trung tá trong
Quân Lực VNCH là Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Hạ Sĩ Quan Chiến Tranh
Chính Trị. Gần mười năm trong lao tù Cộng Sản đã cho tác giả thấy thấm thía nỗi
đau khi còn những ước mơ chưa đạt, ước mơ của mọi người dân Việt Nam mong nhìn
thấy đất nước được thực sự Độc Lập, Tự Do, Dân Chủ và Phú Cường.
Cũng vì mong muốn cho ước mơ đó chóng thành
hiện thực mà ông nguyễn Văn Minh đã viết cuốn hồi ức này. Theo ý nghĩ của tác
giả, nếu sự thực được phơi bày và làm sáng tỏ, thì những người dù có tôn giáo
khác biệt nhưng cùng đứng chung một chiến tuyến quốc gia chống lại sự thống trị
của cộng sản Việt Nam trên đất nước sẽ hiểu nhau hơn mà cùng nhau sát cánh trên
con đường tranh đấu cho một tương lai dân chủ cho quê hương.
Tôi chia sẻ ý nghĩ của tác giả là phải có sự
đoàn kết của toàn dân mới gây được sự kính nể của đồng minh, tiêu diệt được
Cộng Sản và quang phục quê hương. Và cũng tin rằng mục đích xóa bỏ những nghi
ngờ giữa các tôn giáo nhằm đạt tới Xây Dựng Tình Đoàn Kết Quốc Gia mà
tác giả đã nói lên hết sự thực và tình hình đất nước và tình người mà tác giả
đã quan sát và cảm nhận được trong những năm suy vi của đất nước. Trong tinh
thần tôn trọng sự khách quan và chính xác khi thẩm định những sự kiện lịch sử,
tôi ân cần giới thiệu tập hồi ức này của ông nguyễn Văn Minh tới độc giả ở bốn
phương.
Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Vinh
Giáo Sư danh dự
Kỹ thuật hàng không và không gian
Đại Học Michigan
Lời Giới
Thiệu
Cuốn sách này viết ra đã khá lâu. Tác giả đã
cho tôi coi đọc trước và muốn tôi viết vài lời giới thiệu. Bấy giờ tôi đã nói
với bạn tôi rằng thời gian chưa đủ “ngấm” để mọi người có thể thẩm định sự kiện
lịch sử môt cách khách quan và chính xác.
Tác giả đã đồng ý và sửa đi sửa lại nhiều lần,
tránh những từ ngữ có thể gây phản tác dụng cho mục đích của cuốn sách là “Vun
đắp tình đoàn kết quốc gia”. Nay thì nhất định sách phải được in ra. Để trả món
nợ đối với một con người đã hiểu biết mình và với các thế hệ con cháu sau này.
Tôi nghĩ sự thật vẫn là sự thật. Các ông tướng
lấy tiền của Mỹ có thể giết được thể xác của anh em họ Ngô, nhưng họ không thể
giết được thanh danh, tinh thần và uy tín của họ Ngô. Khi các ông tướng ấy
xuống tay cũng là lúc họ tự sát. Họ chết khi đang còn sống.
Muốn nói gì thì nói , miền Nam từ 1948 đến
1975, chỉ duy nhất có chế độ Ngô Đình Diệm là xứng đáng. Chỉ dưới chế độ ông,
quốc gia mới có kỷ cương, có thể thống.
Không thể đem so sánh chế độ ấy với bất cứ chế
độ nào từ Nguyễn Văn Xuân đến Nguyễn Văn Thiệu. Giết anh em họ Ngô, các ông
tướng đã vô tình giết cái chính nghĩa quốc gia mà họ vẫn hô hào phục vụ.
Dù sao người chết cũng đã chết rồi. Chỉ có một
điều đáng ân hận anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm còn một chính sách, một kế
hoạch cần phải thực hiện.
Tổng thống Ngô Đình Diệm cùng các ông Ngô Đình
Nhu, Ngô Đình Cẩn chỉ mới lo củng cố được chính quyền. Họ chưa có thì giờ thực
hiện những điều mà tác giả Nguyễn Văn Minh đề cập đến trong cuốn sách này.
Lịch sử còn đó. Không ai có thể che dấu được
sự thật.
Đây là sự thật mà một người có cơ duyên đã
được sống trong một thời gian dài kề cận ông Ngô Đình Cẩn kể lại.
Tác giả là người có thành tâm thiện chí. Những
gì anh viết ra đều xuất phát từ chân tâm.
Đó là một điều mà tôi nghĩ chúng ta cần phải
trân trọng.
San JoséTháng 7-2003
Hà Thượng Nhân
Phạm Xuân Ninh
Lời Nói Đầu
Sau cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963 ,
Miền Nam Việt Nam rơi vào tình trạng hỗn loạn gần như vô luật pháp. Tình trạng
phân hóa chia rẽ hiển hiện trong mọi tổ chức, mọi thành phần xã hội, nhất là
tại miền Trung và đặc biệt giữa hai khối tôn giáo lớn Công Giáo và Phật Giáo.
Trong khi đó, nhiều cơ quan ngôn luận đua nhau
phổ biến những tài liệu ngụy tạo kích động lòng hận thù, kỳ thị tôn giáo qua
những luận điệu cố tình đồng hóa giáo hội Công Giáo Việt Nam với chế độ Đệ I
Cộng Hòa, với đảng Cần Lao. Riêng ông Ngô Đình Cẩn thì được mô tả như “một lãnh
chúa, ngu dốt, gian ác, tham tàn” v.v…
Tôi có cơ hội tiếp xúc với ông Cẩn ít lâu
trước khi ông Ngô Đình Diệm về chấp chánh. Làm việc bên cạnh ông Cẩn từ ngày 1
tháng 1 năm 1956 đến ngày 4 tháng 11 năm 1963 .
Tôi được biết về con người, về nhiều công việc
ích quốc lợi dân ông Ngô Đình Cẩn đã làm, về truyền thống và nề nếp của gia
đình ông; về tinh thần phục vụ và cống hiến cho đất nước và dân tộc của anh em
ông.
Tôi cũng được chứng kiến, nghe biết về những
biến chuyển, biến động tại miền Trung trong suốt thời Đệ I Cộng Hòa và cách đối
xử, ứng phó của chính quyền.
Nhờ đó, tôi thấy được nhiều câu chuyện, nhiều
bài viết, được phổ biến ở trong nước cũng như ngoài nước vào thời kỳ ấy không
đúng Sự Thật, thậm chí gian xảo.
Đáng tiếc là, từ sau ngày Việt Nam Cộng Hòa bị
khối Cộng sản quốc tế cưỡng chiếm, những Sự Thật đã bị xuyên tạc vẫn được một
số tác giả người Việt Nam cũng như ngoại quốc, vì mục đích riêng tư, xử dụng
trong tác phẩm của họ như những Thực Chứng, bất kể đến hậu quả tai hại đến tinh
thần Đoàn Kết Quốc Gia , một yếu tố quyết định Sự Sống Còn của dân tộc.
Hành động xuyên tạc Sự Thật có chủ ý như vậy
đối với lịch sử, và các thế hệ con cháu sau này là một Trọng Tội, và đối với
những người không còn khả năng tự vệ là việc làm không lương thiện, ác độc và
bất công.
Vì thế, theo lương tâm, tôi tự thấy có bổn
phận phải đóng góp phần mình, mặc dầu nhỏ nhoi , vào công cuộc giải trừ những
lừa dối đối với lịch sử, với các thế hệ mai sau, hóa giải những độc tố vẫn còn
tiếp tục gậm nhấm, tàn phá tinh thần Đoàn Kết Quốc Gia của dân tộc.
Đó là mục đích của tập Hồi Ức này.
Vài điều cần giải thích:
- Sau môt vài sự kiện được kể lại, chúng tôi
có trích dẫn một số tài liệu để làm sáng tỏ cho sự kiện được tường thuật, nhằm
giúp cho quí độc giả nhất là quý vị cao niên, không có điều kiện khi muốn sưu
tầm đối chiếu. Hoặc quý vị nào muốn được biết về các sự kiện ấy một cách đầy đủ
hơn, có thể dễ dàng tìm đọc số tài liệu được trích dẫn.
- Phần trích dẫn, chúng tôi áp dụng phương
pháp không đặt chú thích ở cuối trang hoặc cuối chương. Chúng tôi ghi nguồn
gốc, xuất xứ tài liệu ngay sau đoạn văn được trích dẫn, để quý độc giả dễ dàng
theo dõi và luồng suy nghĩ không bị ngắt đoạn lâu khi phải lật tìm những chú
thích.
Trân trọng.
California Mùa Thu 2003
NGUYỄN VĂN MINH
CHƯƠNG
1.1 ÔNG NGÔ ĐÌNH CẨN
"...Tôi nhất định ở lại làm việc. Sống
thì sống , chết thì chết. Không đi mô hết".
DUYÊN TRI NGỘ
Hạ bán năm 1950, một nguồn tin được lan truyền
trong giới thanh niên Hà Nội: Tại miền Trung, Thủ Hiến Phan Văn Giáo đã tranh
đấu dành được nhiều quyền độc lập rộng rãi. Trong cuộc sống thường ngày, người
Pháp chỉ được hoạt động trong khu vực dành cho họ. Lính Tây muốn qua bên thành
nhà Vua phải có giấy phép v.v…Hơn một trăm thanh niên, trong đó có tôi, theo sự
hướng dẫn của ông Nguyễn Văn Tố, Giám Đốc võ đường Vovi-nam ở đường Hàng Bông,
tình nguyện vào học trường võ bị của lực lượng võ trang do Thủ Hiến Giáo thành
lập: Lực Lượng Việt Binh Đoàn tại Huế. Cuối năm 1951 ra trường, tất cả khóa học
của chúng tôi được chuyển qua Quân Đội Quốc Gia (QĐQG) mới thành lập, và được
phân phối cho cả ba quân khu (QK - miền Nam, QKII -miền Trung, QKIII - miền
Bắc). Tôi được phân phối về QKII và thuyên chuyển về Tiểu đoàn 7, một trong hai
Tiểu đoàn QĐQG đầu tiên tại miền Trung thời bấy giờ.
Sau mấy tháng đi hành quân lưu động, Tiểu đoàn
7 được điều ra đóng bảo vệ an ninh lãnh thổ hai quận Gio Linh và Vĩnh Linh,
thuộc vùng cực Bắc tỉnh Quảng Trị. Trung Đội của tôi, Trung Đội 3 thuộc Đại Đội
3, đóng tại đồn Cửa Tùng (cửa sông Bến Hải) thuộc quận Vĩnh Linh. Thời buổi
chiến chinh lính tránh trấn đồn mà được đóng ở chỗ này kể là thuộc loại số đỏ.
Đồn đóng ngay tại khu nhà Thừa Lương (nhà nghỉ mát) của cựu Hoàng Bảo Đại, phía
Đông là biển, phía Nam là sông, hai phía Tây và Bắc, năm đồn Hương bảo vệ quanh,
nên vấn đề an ninh của đồn tương đối an toàn.
Tháng 5 năm 1953, tôi được giao nhiệm vụ chỉ
huy Đại Đội thay thế Trung Úy Lê Hoàng Thao, một sĩ quan người Miền Nam được
thuyên chuyển về nguyên quán. Bộ Chỉ Huy Đại Đội đóng trên đồi Tân Trại, các bờ
biển Cửa Tùng chừng 4 cây số, cách quốc lộ số 1, đoạn Quảng Trị Đồng Hới cũng
khoảng 4 cây số.
Vùng trách nhiệm của Đại Đội trải dọc hai bên
bờ sông Bến Hải, từ bờ biển Cửa Tùng đến vùng thượng nguồn Mỹ Tá dưới chân dãy
Trường Sơn. Quân số của Đại Đội trấn đóng bốn đồn: Cửa Tùng, Tân Trại, Xuân Hòa
và Mỹ Tá. Mười một đồn Hương Vệ với quân số đồn ít nhất trên 20, đồn nhiều nhất
trên 40, và hai pháo đài Phụ lực quân (partisan), mỗi pháo đài 6 người.
Một điều lạ đối với tôi, không hiểu tại sao
lực lượng võ trang Việt Cộng trong khu vực này cứ theo đuổi đánh tôi hoài?
Khi tôi coi đồn Cửa Tùng, đã có lần họ tập
trung lực lượng đông gấp 10 lần hơn, quyết san bằng đồn tôi. Nhưng nhờ được dân
chúng mật báo cho biết trước, nên kế hoạch hành quân của họ đã bị hóa giải một
cách nhẹ nhàng bằng mấy lọat trọng pháo của Tiểu Đoàn yểm trợ, bắn trúng vào
điểm tập trung quân cuả họ.
Thời gian tôi chỉ huy Đại Đội, cuối tháng
12-1953, họ tung một cuộc tấn công thật ác liệt vào đồn Hương Vệ An Do Tây và
đồn Hương Vệ Lưu động đóng sát cạnh, giữa đoạn đường từ đồi Tân Trại đến Cửa
Tùng. Có lúc họ đã chiếm được một trong ba pháo đài của đồn lưu động.
Đến cuối tháng 1-1954, họ lại thực hiện một
cuộc bao vây đồn Hương vệ Phan Xá, phía Tây cầu Bến Hải, buộc tôi phải đương
đầu trong một tư thế hết sức nguy hiểm. Vì muốn giải vây cho đồn này tôi phải
hành quân vượt sông.
Nhưng nhờ tinh thần quyết chiến của anh em
binh sĩ trong Đại Đội và lòng can đảm phi thường của anh em Hương Vệ, các mưu
tính của họ đều được giải tỏa với phần thua thiệt về phía họ.
Cuối tháng 3 năm 1954 tôi bị đau, được đưa vào
điều trị ở Quân Y Viện Huế. Sau khi xuất viện, thời gian được nghỉ dưỡng bệnh,
vợ chồng tôi đến ngụ ở phía sau nhà thờ Phú Cam, trong một căn phòng nhỏ, mướn
của Đại Úy Nguyễn Văn Tú có biệt danh là Tú Kèn, vì ông này chỉ huy Ban Quân
Nhạc Quân Khu II.
Chúng tôi mới ở đây được mươi ngày thì một
buổi chiều, Đức Giám Mục Giáo phận Huế, tên Việt của Ngài là Thi, tên Pháp là
Urrutia , đến thăm. Sau mấy phút hỏi thăm về tình trạng sức khoẻ của tôi , Đức
Cha ban phép lành cho vợ tôi khi ấy đang mang thai cháu đầu lòng, rồi ngài kéo
tay tôi nói: “ Đi với Cha”.
Đức Cha Thi biết tôi vì dịp ngài ra thăm mấy
họ đạo vùng Cửa Tùng, đã đến nghỉ đêm ở đồn tôi mấy tối.
Từ nhà Đại Úy Tú đến tòa Giám Mục khoảng hơn
500 thước, hai cha con đi bộ, trên đường đi tôi hỏi ngài:
- Sao Đức Cha biết mà đến thăm con ở đây?
- Không những Cha biết con ở đây mà còn biết
con mới ở bệnh viện ra nữa. Rồi Ngài hỏi tôi về tình hình vùngCửa Tùng, đặc
biệt là từ khi xẩy ra hai trận đánh tại đồn An Do Tây và Phan Xá.
Đến Tòa Giám Mục, Đức Cha dẫn tôi qua thăm cố
Cả, tên Pháp là Cadière, một linh mục thuộc dòng Thừa sai Paris và là một học
giả, giới trí thức thời ấy không mấy ai không biết tiếng. Cố Cả bị Việt Minh
bắt đi từ khi họ cướp chính quyền, tháng 8 năm 1945, mới được trả tự do vài
tháng trươc đó.
Tôi từ biệt Đức Cha và cố Cả sau khoảng một
giờ trình bày với các ngài về tình hình vùng Cửa Tùng. Đặc biệt về sinh hoạt
của giáo xứ Di Loan, giáo xứ cố Cả coi sóc trước khi bị bắt , sinh quán cửa Đức
Giám Mục Lê Hữu Từ.
Buổi sáng một ngày giữa tháng 4 – 1954, cô
Công Tằng Tôn Nữ Tiếu Diện, em Linh Mục Bửu Đồng, hiện ở Đức, đến mời tôi qua
gặp ngài.
Tôi được quen biết cha Bửu Đồng từ khi về coi
Cửa Tùng và sau này trở nên rất thân thiết với ngài và gia đình. Cha Bửu Đồng
coi giáo xứ Phan Xá, nơi có đồn Hương Vệ bị bao vây tôi mới kể ở trên. Ông thân
sinh của ngài là cụ Ưng Trạo, thường được gọi là cụ Hường Trạo theo thẩm vị
Hồng Lô Tự Khanh của Nam Triều. Cụ là cha đỡ đầu của ông ngô Đình Cẩn.
Đến gặp cha Đồng, ngài nói với tôi:
- Bữa qua tôi ghé vô thăm cậu Cẩn, ông hỏi có
biết anh Thiếu Úy mô mướn nhà trên Đại Úy Tú mà Đức Cha mới tới thăm mấy bữa ni
không? Tôi cho ông biết là anh, và cũng đã có một đôi lần tôi nói với ông về
anh. Ông nhủ tôi bữa mô đưa anh xuống gặp ông, tôi hứa bữa ni. Chừ anh qua gặp
ông với tôi được không?
Vì từ khi còn ngồi ghế ở nhà trường tôi đã
được nghe đến danh tiếng gia đình họ Ngô, nên không một chút do dự, tôi thưa
lại ngay với cha Bửu Đồng:
- Dạ thưa Cha được chứ, con có mắc gì đâu.
Tôi đi theo cha Bửu Đồng qua ngôi nhà xế trước
mặt nhà ngài. Chúng tôi bước vào nhà gặp lúc ông Cẩn đang hớt tóc. Sau khi chào
ông Cẩn, cha Bửu Đồng nói:
- Bữa qua Cậu nhủ tôi đưa Thiếu Úy Minh đến
gặp Cậu, thì đây, ngài cầm tay tôi, Thiếu Úy Minh đây.
Ông chỉ vào bộ tràng kỷ, ông nói:
- Xin lỗi Cha, mời Cha và anh ngồi đợi cho tôi
một lát.
Hớt tóc xong ông đến ngồi phía đối diện cha
Đồng và tôi, ông hỏi:
- Anh Minh đây hỉ? Anh mấy tuổi rồi ?
- Dạ thưa ông Cậu con 26 tuổi.
- Gia đình được mấy anh em?
- Dạ, con được bốn anh em ruột và hai đứa em
con bà mẹ kế.
- Anh vô lính lâu mau rồi?
- Dạ con vô lính cuối năm 1950.
-Anh lập gia đình khi mô?
- Con lập gia đình tháng tư năm ngoái.
- Còn trẻ vậy mà lập gia đình chi sớm rứa?
- Dạ thưa ông Cậu, khi quyết định vô lính, là
đã dứt khoát chọn con đường cho cuộc đời mình rồi, thì lập gia đình cho yên bề.
- Ờ, nói rứa chứ 26 tuổi lập gia đình cũng
được rồi. Bây chừ đã có vợ, mai mốt có con, lại chỉ huy đơn vị chắc mắc việc
lắm hỉ?
- Dạ chỉ huy đại đội cũng không có gì
phức tạp lắm. Vả lại đóng đồn cũng không có việc gì nhiều, có điều
cứ đêm đến là lại lo bị địch tấn công. Nhất là khu vực tránh nhiệm
của con nhiều đồn bót quá. Đồn Hương Vệ thì quá thô sơ về bố phòng cũng
như vũ khí. Đồn chính qui thì đồn nọ cách đồn kia quá xa.
- Vùng ngoài nớ lưng chừng giữa trời giữa đất,
có Hương Vệ nhiều cũng đỡ. Nhưng Hương Vệ như của Cha Đồng đây, để cho nó đến
bao vây rồi giải vây thì mệt quá hỉ ?
Tất cả chúng tôi cùng cười. Ông Cẩn tiếp;
- Dù trách nhiệm nhỏ cũng có điều phải lo
lắng. Những khi rảnh rỗi gắng học hành, đọc sách báo thêm, để mở mang kiến
thức, sau ni lên chức phải gánh trách nhiệm lớn hơn, có khả năng mà mần.
- Dạ !
Câu chuyện giữa ông Cẩn, Cha Đồng và tôi kéo
dài khoảng hơn một tiếng đồng hồ thì cha Đồng và tôi cáo từ ông. Khi chúng tôi
ra đến sân, ông Cẩn dặn với;
- Khi mô rảnh anh Minh cứ vô chơi.
- Dạ ! Cám ơn ông Cậu
- Về lại nhà Cha Bửu Đồng, ngài dặn tôi;
- Ông Cẩn khôn ngoan, anh ráng năng ghé thăm
ông, sẽ học hỏi được nhiều điều hay đấy .
CHƯƠNG
1.2 CÁC BẬC SINH THÀNH
CỤ NGÔ ĐÌNH KHẢ
Cụ Ngô Đình Khả chánh quán làng Đại Phong,
huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, miền Trung Việt Nam.
Sinh trưởng Trong một gia đình nho phong, thuở
thiếu thời cụ Ngô Đình Khả được hấp thụ một cách sâu sắc nền nho học
Khổng–Mạnh. Khi vào học ở chủng viện, cụ được học thêm tiếng La Tinh và tiếng
Pháp.
Theo Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục ghi lại,
thời kỳ đó, đạo Công Giáo còn đang bị bách hại. Là một chủng sinh xuất sắc, cụ
Khả được chọn đưa qua học ở Tổng Chủng Viện của dòng Thừa Sai Paris tại đảo
PouloPinang, Mã Lai, cùng với chủng sinh nước nhật, Tàu, Thái Lan.
Sau khi hoàn tất chương trình học ở Tổng Chủng
Viện này trở về nước, thời gian thử thách để được chọn lên chức linh mục, cụ
được cử phụ trách dạy môn Triết tại Đại Chủng viện Giáo Phận Huế. Qua nhiều năm
dạy học. học trò của cụ nhiều người đã được thụ phong Linh Mục mà cụ vẫn không
được chọn.
Một hôm , cha Bề Trên Chủng Viện gọi cụ lên
bảo; “ Này con , cứ thế này dù con có ở đây một trăm năm nữa con cũng không
được gọi chịu chức Linh Mục. Mặc dầu con không có lỗi gì, nhưng con không có
tên trong danh sách những người được chọn của Đức Cha Gaspar. Cha biết con còn
một mẹ già không còn làm gì được, con hãy về chăm sóc mẹ con trong những ngày
cuối đời của bà.”
Vâng lời Bề Trên, cụ trở về đời sống giáo dân.
Cụ được Linh mục chính xứ Phú Cam, cha Allys, giới thiệu nhận thông dịch tài
liệu tiếng La Tinh và tiếng Pháp cho hải quân và Quân đội Pháp để sinh sống và
phụng dưỡng mẹ già. Khi ấy cụ được 30 tuổi.
Cuộc đời của cụ trải qua từ nơi thôn dã thời
thơ ấu, đến chốn thị thành khi ở Đại Chủng Viện Huế. Hình ảnh cuộc sống cực khổ
lầm than, nhiều bất công của người dân nghèo ở nông thôn cũng như thành thị, đã
đưa vào đầu óc cụ nhiều suy nghĩ. Khi du học ngoại quốc, tiếp xúc với các bạn
cùng trường đến từ Nhật, Tàu, Thái Lan... và trước mắt cụ là đời sống của người
dân địa phương tại Mã Lai. Tuy khi ấy Mã Lai chưa phải là một nước phát triển,
nhưng đời sống xã hội của người dân đã được cải thiện nhờ vào đời sống chính
trị được hưởng nhiều quyền tự do hơn ở Việt Nam. Từ đó, cụ hằng mơ ước được
thực hiện một cuộc cải tổ xã hội , canh tân đất nước , đem lại cho người dân
Việt Nam một cuộc sống công bằng tốt đẹp hơn.
Ảnh của Đặc San "Tiếng Sông Hương".
Qua những năm du học, cụ thấy rằng, nền văn
hóa Âu Tây với nhiều tư tưởng khoáng đạt, đã mở ra cho các nước trong vùng kho
tàng kiến thức, dân trí được nâng cao. Nhờ đó các nước này đã đạt được một số
tiến bộ trong nhiều lãnh vực: Văn hóa, chính trị, xã hội và nhất là về khoa học
kỹ thuật. Nhưng về mặt đạo lý, luân lý, những tư tưởng hướng thượng của văn hóa
Đông Phương, rường cột của một xã hội trật tự, nền nếp, hòa ái,
nét đặc thù của các dân tộc Á Đông nói chung và của Việt Nam nói
riêng, thì lại bị nền văn hóa Tây Phương làm cho bị sút giảm, lu mờ
và dần dà bị mai một.
Vì thế theo cụ , tại một nước bị trị
và dân trí thấp kém, muốn canh tân đất nước, cải tiến xã hội phải
thu hồi được Độc Lập. Nhưng muốn giữ được nền Độc Lập cần phải có
nhân tài quản trị việc nước. Muốn có nhân tài thì phương cách duy
nhất là mở mang và đại chúng hóa giáo dục, giúp cho thanh thiếu niên
dễ dàng học hành nâng cao kiến thức. Với Việt Nam, nơi tư tưởng Âu Tây
mới du nhập và đang có lợi thế phát triển, cần phải có một đường
lối tạo được sự kết hợp hài hòa giữa luồng tư tưởng cổ đại Á
Đông. Có như thế mới bảo tồn được những tinh túy của nền văn hóa dân
tộc đã từ lâu đời xây dựng trên nền tảng tư tưởng Á Đông. Qua ý niệm
này, cụ chủ trương cần phải có một hệ thống giáo dục được giảng
dậy kết hợp cả hai nền văn hóa Đông và Tây.
Từ nhận định ấy, khi trở về đời sống
thường dân, cụ quyết tâm theo đuổi việc thực hiện một cuộc cách mạng
ôn hòa theo đường lối cụ đã lựa chọn.
Thời bấy giờ , cụ là một học giả hiếm
có với kiến thức sâu sắc về cả hai nền văn hóa Đông – Tây, nổi tiếng
thông nho, thông thạo tiếng Pháp và cổ ngữ La Tinh. Thêm vào đó, với
những hiểu biết và kinh nghiệm thu thập được về tình hình bên ngoài
qua những năm du học ngoại quốc, cụ được Vua Đồng Khánh triệu dụng,
giao phó quyền Tổng Chỉ Huy Binh Đội của Triều Đình. Nhưng chỉ sau bốn
tháng, nhận thấy môi trường này không thích hợp và không giúp gì cho
việc thực hiện lý tưởng của mình. Gặp lúc thân mẫu lâm trọng bệnh,
cụ xin từ chức để có thể dành trọn thời giờ chăm sóc mẹ già. Sau
khi thân mẫu qua đời, cụ không trở lại Triều Đình nữa. Và phải đợi
đến trào Vua Thành Thái cụ mới có cơ hội thực hiện chủ trương của
mình.
Vua Thành Thái khi lên ngôi tuy trẻ tuổi
nhưng rất thông minh và giầu lòng yêu nước. Vì đã từng là nạn nhân
của sự tranh chấp quyền hành trong Triều Đình và sự áp bức của
chính quyền thực dân Pháp đối với Nam Triều, qua việc Vua cha bị
truất phế sau chỉ mới ba ngày mới lên ngôi Thiên Tử. Vì thế, sau khi
lên ngôi, nhà Vua đã nuôi hoài bão tìm đường nâng cao dân trí, canh tân
đất nước, hy vọng lấy lại phần nào quyền hành trong tay chính quyền
Bảo Hộ để có thể cải tạo xã hội Việt Nam.
Khi được biết chủ trương mở mang, đại
chúng hóa giáo dục theo đường hướng kết hợp hai nền văn hóa Đông–Tây
của cụ Ngô Đình Khả, nhà Vua rất tâm đắc. Vì thế, khi vừa đủ tuổi
(18 tuổi năm 1896) được tự quyết định việc triều chính, Vua đã triệu dụng và
giao phó cho cụ trách nhiệm tổ chức và điều khiển một cơ sở Giáo Dục cấp Quốc
Gia đúng theo đường lối, chủ trương của cụ. Cơ sở này được gọi là trường Quốc
Học. Trong chức vụ Chưởng giáo (Hiệu trưởng), cụ Khả thuyết phục được chính
quyền Bảo Hộ chấp thuận cho trường được giảng dạy cả hai nền văn hóa Đông và
Tây, với ba ngôn ngữ: Quốc Văn, Pháp Văn và Hán Văn.
Sau hai năm cụ điều khiển trường Quốc Học, mến
phục tài đức và lòng chung thủy, ngay thẳng của cụ và để dễ dàng tiếp xúc với
cụ, Vua Thành Thái phong cụ lên chức Thượng Thư Phụ Đạo Đại Thần. Ít lâu sau cụ
lại được giao phụ trách về lễ nghi và an ninh trong Triều, được phong chức Thị
Vệ Đại Thần, và vào cuối trào (1902), nhà Vua lại ban tặng cụ tước vị Hiệp Tá
Đại Học Sĩ.
Suốt gần 80 năm (1986-1975) tồn tại, trường
Quốc Học Huế đã cung cấp cho đất nước rất nhiều nhân tài trong mọi lãnh vực.
Nhà trường đã dựng bia để nhắc nhở cho hậu thế ghi nhớ công ơn của Cụ.
Trong khi Vua, Tôi, đang âm thầm thực hiện
cuộc cách mạng ôn hòa họ chủ trương thì ý đồ của họ bị bại lộ. Vua Thành Thái
bị chính quyền thực dân gán cho mắc chứng bệnh điên, ép triều đình ký sớ xin
Vua thoái vị rồi đưa qua án trí tại đảo Réunion. Dưới áp lực của nhà đương cuộc
Pháp, các vị Thượng Thư của Triều Đình đã ký sớ, chỉ một mình Thượng Thư Phụ
Đạo Đại Thần Ngô Đình Khả nhất quyết khước từ không chịu ký.
Để tỏ lòng khâm phục và ngưỡng mộ một vị quan
đã coi nhẹ danh lợi khi phải đối đầu với cường quyền hầu bảo toàn khí tiết và
lòng chung thủy, dân chúng miền Trung truyền tụng nhau câu vè: “ Đầy Vua không
Khả - Đào Mả không Bài” (Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài). Sau này khi Thượng Thư Ngô
Đình Diệm treo ấn từ quan, dân chúng đã thêm vào hai câu trên một câu thứ ba: “
Hại dân không Diệm”, và được truyền tụng cho đến ngày nay.
Cụ Tôn Thất Thiết, hiện cư ngụ tại thành phố
Irvine, Orange Country, California, Hoa Kỳ, được thân phụ, cụ Tôn Thất Hân, khi
ấy là Phò Quan Quận Vương, Phụ Chánh Thân Thần (Chức vụ đầu Triều, phụ tá cho
Vua trong công việc Triều Chánh) kể lại:
Ngày Vua Thành Thái ra đi sống kiếp lưu đày,
toàn thể triều đình văn võ đứng hai hàng trước sảnh đình điện Thái Hòa bái biệt
Vua.
Từ trong điện bước ra, Vua đến trước mặt cụ
Tôn Thất Hân đứng đầu hàng Văn, từ biệt cụ, Vua nhắn nhủ: “ Trong họ chỉ còn
mình thầy, xin thầy ráng phù giúp Tân Vương, giữ gìn xã tắc, bảo vệ thanh danh
Hoàng Tộc.” Rồi vua đi thẳng tới trước mặt cụ Ngô Đình Khả, đứng cách cụ Tôn Thất
Hân sáu, bảy cấp. Dừng lại giã biệt, nhà Vua nói: “ Tôi cảm ơn thầy, thầy có
tâm huyết, thầy ráng bảo trọng để giúp nước.” Sau đó Vua đi thẳng không chào
hỏi vị khách nào khác nữa.
Sau khi đày Vua Thành Thái đi rồi, Thượng Thư
Ngô Đình Khả bị xét xử vì đã quyết liệt chống đối bản án đày Vua. Triều đình
một lần nữa chịu sức ép của chính quyền thực dân, lột hết chức tước và quyền
lợi của cụ rồi cho về hưu.
Khi còn tại chức cụ có tiếng là một vị quan
thanh liêm, cương trực, gia đình đã sống một cuộc sống không mấy dư giả, nên
khi cụ phải về hưu dưới áp lực và âm mưu hãm hại của Thực Dân, bị theo dõi kìm
kẹp, gia đình cụ lâm vào hoàn cảnh thực sự khó khăn. Cảm phục vị đồng liêu vì
khí phách, can trường mà phải chịu hoạn nạn, trong một thời gian khá dài, Cụ Tôn
Thất Hân đã ngầm giúp cụ Khả mỗi tháng 10 đồng để chi dùng.
Đến trào Vua Khải Định, nhà Vua được nghe
nhiều vị thượng thư trong Triều tâu trình về đức độ, tài năng công lao của cụ
Khả đối với Nam Triều. Có lẽ nhờ chủ trương thân Pháp, nhà Vua đã được chính
quyền bảo hộ ngầm chấp thuận cho việc phục hồi lại phẩm trật cho cụ Khả và cho
cụ truy lãnh đầy đủ lương bổng của 12 năm bị huyền chức. Từ đó gia đình cụ mới
thoát khỏi cảnh thiếu thốn.
Chứng tích cụ thể về sự liêm khiết của cụ Khả
chính là khu dinh thự của cụ. (Sơ đồ 1)
Khu tư dinh của Thượng Thư Ngô Đình Khả được
xây cất trên một khu đất bề ngang khoảng 30 thước, chạy sâu vào khoảng 50
thước, tọa lạc trên đường Nguyễn Trường Tộ, con đường từ trước nhà thờ chính
tòa Phú Cam chạy thẳng đến bờ hữu ngạn sông Hương. Cổng tư dinh được dựng trên
bốn cột gỗ, mái lợp ngói, theo kiểu các dinh thự nhỏ ở Huế. Hai bên cổng là
hàng rào bằng cây tươi chạy dọc theo đường. Người địa phương gọi cây này là cây
“chè tàu”.
Từ cổng đi vào là con đường đất rộng chừng hai
thước, dài khoảng 10 thước, hai bên là hàng rào cây tươi cắt bằng. Bên trái là
căn nhà lầu mỗi bên độ 9 thước, xây tường gạch, sườn nhà bằng gỗ, nền nhà lót
gạch bông, gác bằng ván, mái lợp ngói. Phía trước nhà là một sân đất mỗi bề
chừng 10 thước, kế đến là một cái hồ cạn mỗi cạnh khoảng 4 thước, giữa hồ có
một hòn non bộ.
Ngôi nhà lầu này, bề ngang cũng như bề sâu đều
chia làm ba gian. Bước vào nhà, gian giữa, tính theo bề ngang, hai căn ngoài để
trống, căn trong cùng, trên đà treo một bức hoành phi, hai bên cột treo hai câu
đối, bên trong là hương án thờ cụ Ngô Đình Khả, trên hương án là bức ảnh thờ cụ
Khả cao chừng một thước. Gian bên trái, cả ba căn từ ngoài vào trong đều để
trống. Gian bên phải, ở căn ngoài cùng, kê một bộ tràng kỷ cẩn xà cừ sơ sài;
phía sau bộ tràng kỷ, ở căn thứ hai, một chiếc bàn dài kê dọc tường. Giữa hai
căn thứ hai và thứ ba có vách ngăn bằng ván, chừa một cửa ra vào. Căn nhà này
có một bên cửa hông đi ra sân bên cạnh và một cửa mở ra phía sau gặp cầu
thang phía bên trái để lên lầu và qua ngôi nhà tranh phía bên phải.
Trên lầu, hai gian bên phải và trái, tính theo bề ngang ngôi nhà, đều
để trống. Gian giữa ở căn trong cùng có một bàn thờ Tổ Quốc, trên
án thư có một bộ lư hương và một bộ chân đèn lớn bằng đồng. Sau án
thư là một bản đồ nước Việt Nam cao khoảng hơn một thước. Trong cùng
là đảng kỳ Cần Lao Nhân Vi Ccách Mạng Đảng.
Bên phải căn nhà lầu từ ngoài sân nhìn vào,
thụt vào ngang tường sau ngôi nhà này, là căn nhà tranh ba gian hai chái. Phía
trước là dàn cửa bằng gỗ chạy suốt ba gian theo lối cổ Việt Nam. Phía sau và
hai đầu hồi vách bằng đất, mái lợp tranh , nền đất. Từ ngoài cửa đi vào, hai
chái là kho để đồ đạc trong nhà, gian giữa kê một tràng kỷ mộc, phía sau là hương
án thờ cụ Khả, gian bên trái là nơi bà cụ Khả nằm, gian bên phải kê một bộ sập
(phản). Ngoài sân phía trước gian giữa, có một bình phong xây bằng gạch. Trước
tấm bình phong là một vườn hoa mỗi bề chừng bốn thước. Sát đẩu hồi ngôi nhà
này, phía bên trái từ trong nhìn ra, là bếp ba gian, cũng mái tranh vách đất.
Phía sau bếp là một sân rộng chừng 10X15 thước lát gạch và một nhà kho chứa
lúa, dụng cụ làm ruộng và nơi làm việc của người làm trong nhà.
Sau này, mỗi dịp đi kinh lý vùng phía bắc miền
Trung, Tổng Thống Ngô Đình Diệm thường ghé về lạy chào thân mẫu và nghỉ đêm tại
nhà. Nhất là hàng năm vào dịp lễ giổ cụ Ông, anh em con cháu tề tựu về đông
không có nơi nghỉ. Quan khách cũng nhiều, trong nhà không đủ chỗ tiếp. Đường từ
ngoài cổng vào nhà và sân trước hay bị bùn lầy vì còn trong mùa mưa. Nhưng cũng
mãi cuối năm 1956 ông Cẩn mới đổ xi măng được con đường vào nhà và sân trước.
Qua năm sau mới xây lại cổng và bức tường phía đường Nguyễn Trường Tộ, thay
hàng rào cây.
Dưới đây xin cống hiến quý vị độc giả một câu
chuyện thật cảm động tôi mới biết được nhờ cái cổng mới này.
Sau khi cái cổng mới hoàn tất, mái cổng cũ vẫn
được giữ nguyên cả khung và ngói đặt lại lên cổng mới. Tôi ngạc nhiên vì nhìn
kỹ, cổng và mái không ăn khớp với nhau lắm. Một hôm vào trình công việc, vui
chuyện tôi hỏi ông Cẩn;
- Thưa Cậu, đã xây cổng mới sao lại còn giữ
lại cái mái cổng cũ, trông nó không được hợp nhau lắm?
- Chú không biết, đó là một kỷ vật quý giá lắm
đấy.
Và ông kể:
- Sau khi cụ cố lên đến Thượng thư được ít
năm, bạn bè quan khách đến chơi nhiều, nhà chật chội không có nơi tiếp. Nhất là
Vua Thành Thái, lâu lâu cũng qua thăm chơi với ông Khôi và Đức Cha, nên cụ cố
đã phải mần thêm căn nhà lầu. mần nhà xong, nhưng một thời gian lâu sau chưa
mần được cổng. Vua Thành Thái biết cụ cố chưa có tiền, nên Vua làm tặng cụ cố
cái cổng. Chừ ông Cụ (Tổng thống Ngô Đình Diệm) nhủ giữ cái mái cổng lại để nhớ
ơn nhà Vua.
Năm 1959 ông Cẩn xây thêm được một căn nhà lầu
4 phóng ngay sát sau căn lầu cũ, và năm 1960 xây lại căn nhà bếp, mái lợp ngói,
nền tráng xi măng. Đồ đạc bầy biện, trang trí trong nhà vẫn giữ nguyên như
trước, chẳng thay đổi gì.
Đó là cơ ngơi của một gia đình mà đới Cha, gần
mười năm làm Thượng Thư Triều Đình, Thầy dạy của Vua. Đến đời con suốt mười năm
qua các chức vụ Tri Huyện, Tri Phủ, Án Sát, Tuần Vũ, Thượng Thư đầu Triều và 9
năm nắm quyền lãnh đạo đất nước trong chức vụ Tổng Thống.
Trở lại chuyện Thượng Thư Phụ Đạo Đại Thần Ngô
Đình Khả bị cho về hưu.
Quay về đời sống thường dân trong cảnh thanh
bần, cụ dốc hết sức vào việc rèn luyện con cái từ tư tưởng đến trí, đức, để sau
này tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng dang dở của cụ.
Cụ áp dụng một đường lối giáo dục con cái rất
đặc biệt. Ngay từ khi còn tại chức, trong cuộc sống hàng ngày cụ không chỉ
nghiêm khắc với chính mình, nêu gương một nếp sống cần kiệm, liêm khiết, trung
nghĩa. Cụ bắt các con sống đúng theo khuôn mẫu ấy, nhằm hun đúc, xây đắp cho họ
một lý tưởng sống vững chắc trên nền tảng một Đức Tin tôn giáo bất biến và một
tinh thần nho học Khổng-Mạnh thâm sâu.
Nhờ phương pháp giáo dục có sức thuyết phục
mạnh mẽ và nghiêm ngặt này mà tất cả các con của cụ, trai cũng như gái, đã có
cùng một quan niệm sống, một tư tưởng, một ý thức về một cuôc cách mạng dành
độc lập, canh tân đất nước, cải tiến xã hội Việt Nam với một lòng yêu nước, yêu
dân chân thành. Cụ thể như trường hợp thân mẫu Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, sau
ngày miền Nam sụp đổ 30-4-1975, đến định cư tại Úc, bà đã thuê người uốn hai
cây cảnh trồng trước nhà thành hình hai con rồng, và hàng ngày bà tự tay chăm
sóc hai cây cảnh này. Bà nói:
“ Để nhắc cho con cháu sau này nhớ về quê
hương Việt Nam. Chúng có thể quên bất cứ cái gì, nhưng đừng để chúng quên Đất
Nước và Dân Tộc.”
Về phương diện tôn giáo, cụ là một người rất
mộ đạo với sự hiểu biết thâm sâu. Đời sống của một ki tô hữu gương mẫu với sự
suy gẫm, chiêm nghiệm thâm thúy về cuộc sống hiện tại và mai sau. Cụ linh cảm
được ngày lìa đời của cụ từ ba năm trước. Cụ đã cho các con biết điều này và từ
đó, hàng ngày cụ đã lo chuẩn bị cho cuộc sống đời sau.
Năm cụ qua đời (1925), trước Tết ít lâu cụ bị
sốt, cơn sốt mỗi ngày mỗi nặng hơn. Các con đưa cụ vào bệnh viện, bác sĩ khám
nghiệm cho biết cụ bị bệnh cháy phổi (Pleurisy). Thời kỳ ấy chứng bệnh này
thuộc loại bệnh nan y.
Bà Nguyễn Văn Ấm, thân mẫu Đức Hồng Y Nguyễn
Văn Thuận kể lại: Thời gian cụ nằm điều trị tại bệnh viện, một hôm, trong lúc
các con tụ tập quanh cụ cố thì nhận được thơ của thầy Thục từ Rôma gửi về, do
người làm trong nhà đem đến. Trong thơ thầy kể chuyện Đức Thánh Cha mới phong
ba vị Thánh, và trong các bạn học có một thấy thân phụ mới chết vì bệnh cháy
phổi. Ông Khôi đọc thơ thấy nói đến chuyện chết vì bệnh cháy phổi, ông bàn với
các em dấu cụ cố chuyện đó, sợ cụ biết chuyện, có thể không tốt cho việc chữa
trị. Buổi trưa, khi ra về, ông Khôi lén để lại lá thơ dưới gối cụ nằm. Buổi
chiều khi các con trở vào cụ hỏi:
- Bay có để cái chi dưới gối của Thày không?
- Dạ có để chi mô. - Ông Khôi thưa lại.
- Phải có cái chi! Trưa ni cái gối bị nâng lên
hạ xuống ba lần và Thầy thấy rõ ràng ba bàn tay giơ lên ban phép lành cho Thầy.
Nghe vậy ông Khôi đành lấy thơ của thày Thục
ra đọc cho cụ nghe. Nghe xong cụ bảo:
- Rứa là dấu Chúa cho Thầy biết sẽ chết trong
dịp này, Thôi, bay đưa Thày về nhà lo chuẩn bị mọi chuyện.
Về đến nhà bệnh tình cụ trở nên nguy kịch, cụ
phải thở bằng bình dưỡng khí. Cảm thấy đã đến giờ lìa đời, cụ gọi các con đến
bên giường để chúc lành cho từng người nhưng theo thông lệ thì phải có một
người thay mặt cho tất cả đứng ra xin. Anh chị em xin cụ chỉ định một người, cụ
chỉ bà (thân mẫu Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận). Sau khi bà đứng ra xin cụ chúc
lành cho các con, anh chị em lần lượt đến quỳ trước giường cụ nằm, cụ đặt tay
lên đầu chúc lành cho từng người một. Sau khi đã chúc lành cho các con, cụ trối
lại cho họ phải tiếp tục thực hiện lý tưởng của cụ. Với ông Luyện cụ dặn; “
Phải đưa thằng Luyện qua Pháp học. Để ở nhà mẹ chiều như rứa sẽ hư.” Đặc biệt
với ông Diệm cụ trối; “ Diệm, con có đủ đức tính cần thiết để trở thành người
lãnh đạo tốt, con phải lãnh đạo. Và cụ nói với tất cả các con: Các con phải
cùng với nó (ông Diệm) tranh đấu dành lại một nền độc lập hoàn toàn, thì mới
thực hiện được công cuộc cải tạo xã hội xóa bỏ được bất công được.” Tất cả các
con cụ đã thề sẽ cùng với ông Diệm thực hiện bằng được ước nguyện của cụ.
Sau khi cụ Ngô Đình Khả qua đời. Trong trách
nhiệm quyền huynh thế phụ, quyền này được tuyệt đối tôn trọng trong gia đình họ
Ngô, ông Ngô Đình Khôi thực hiện ngay những lời trăn trối của thân phụ. Trước hết,
ông đưa ông Ngô Đình Luyện qua Pháp du học. Với những người còn lại trong gia
đình, ông không bỏ lỡ dịp họp mặt nào mà không nhắc nhở họ, đặc biệt với ông
Diệm, ông Nhu, ông Cẩn, phải sống cho ước vọng của cha.
Cụ Bà Ngô Đình Khả
Cụ Bà Ngô Đình Khả - nhũ danh Phạm Thị Thân- ,
chánh quán làng Phú Cam, quận Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Sinh trưởng trong
gia đình công giáo rất ngoan đạo, cụ có một người chị gái: bà Cửu Bích, một
người em gái: bà Hương Đằng, và hai người em trai: ông Cửu Nguyên và ông Khóa
Hành. Từ nhỏ đã được tiếng là thùy mị, nết na.
Kết hôn với cụ ông Ngô Đình Khả, cụ sinh hạ
được chín người con, sáu trai, ba gái:
- Ngô Đình Khôi
- Ngô Đình Thị Giao, tức bà Thừa Tùng
- Ngô Đình Thục
- Ngô Đình Diệm
- Ngô Đình Thị Hiệp, tức bà nguyễn Văn Ấm,
thân mẫu Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận.
- Ngô Đình Thị Hoàng, tức bà Cả Lễ (Nguyễn Văn
Lễ)
- Ngô Đình Nhu
- Ngô Đình Cẩn
- Ngô Đình Luyện
Từ khi lập gia đình cho đến khi hết đời, cụ là
một bà mẹ thánh thiện, phúc hậu, giầu lòng bác ái. Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình
Thục ghi lại: “ Tôi trung thành được với ơn gọi của tôi là nhờ lời cầu nguyện
và lòng bác ái “anh hùng” đối với người nghèo của mẹ tôi.”
Một bà cụ hiện ở Việt Nam, bà Đốc Bình, cùng
trang lứa và là bạn thân thiết với thân mẫu Đức hồng Y Nguyễn Văn Thuận kể
rằng, hồi còn nhỏ bà thường xuống nhà cụ Cố chơi, đôi lần chị em ham chơi, la
lối, leo trèo, bà cụ chỉ gọi vào ôn tồn khuyên nhủ, nặng lắm cụ cũng chỉ đe
đánh đòn. Chưa bao giờ cụ dùng đến roi vọt hay la mắng lớn tiếng.
Sau khi cụ ông mất, vì phải lao tâm lao lực
nuôi dậy con cái, cuối thập niên 40, cụ ngã bệnh và bị liệt nửa người. Từ đó cụ
phải nằm một chỗ không đi lại được.
Vì là con gái, trong thời của cụ ít được học
hành, nhưng cụ cũng có trí nhớ thông minh sáng suốt kỳ lạ. Một hôm vui chuyện,
ông Cẩn thích thú kể cho tôi nghe hai câu chuyện dưới đây:
Đầu năm 1958, dịp về dự lễ giổ cụ ông, Tổng
Thống Diệm cho ông Cẩn một áo choàng (overcoat) khá đẹp. Tổng Thống đưa cái áo
cho bà cụ coi trước khi trao cho ông Cẩn. Bà cụ khen cái áo đẹp quá, bắt ông
Cẩn treo trên cột nhà ngay cuối giường nằm để bà canh chừng cho kẻo mất.
Thấy bà cụ thích và quí cái áo đó quá, năm sau
gần đến ngày giỗ cụ ông, ông Cẩn nảy ý tinh nghịch lừa lúc bà cụ ngủ lấy cái áo
dấu đi. Khi bà cụ thức dậy không thấy cái áo, bà kêu ông Cẩn hỏi, ông giả bộ
hốt hoảng: Cái áo vẫn treo ở đây mà răng chừ mất mô rồi? Bà cụ kêu lên: Lạy
Chúa tôi! Cái áo quí rứa mà để đứa mô lấy mất chừ mần răng có tiền mua cái
khác.
Mấy ngày sau Tổng Thống Diệm về vào vấn an bà
cụ, vừa thấy ông cụ hỏi:
- Anh đã về đó hỉỷ? Nè, anh có tiền cho thằng
Cẩn một vài đồng chi, đặng nó mua cái áo choàng khác. Cái áo năm rồi anh cho
nó, đứa mô lấy cắp mất rồi chừ lạnh không có áo mà mang, tội nghiệp nó.
Tổng Thống Diệm ngó qua ông Cẩn, ông tủm tỉm
cười. Hiểu ý, Tổng Thống thưa lại: Không phải mất mô, chú Cẩn nó dỡn mẹ đó.
Bà cụ thở dài:
- Rứa mà nó nói với tôi đứa mô lấy mất rồi.
Ông cười thích thú và kể tiếp: Nằm rứa chứ chi
cũng biết hết đấy. Hồi 1954, ông Cụ (Tổng Thống Diệm) mới ở ngoại quốc về ra
vấn an bà, vừa vô tới chỗ bà nằm chưa kịp nói chi, bà hỏi liền:
- Anh về mần chi rứa?
- Dạ , mấy năm rồi đi xa chừ con mới về được ,
con ra coi mẹ đặng có khoẻ không.
- Anh về mần chính phủ phải không?
- Dạ, thưa mẹ phải.
- Úi chao! Tình hình lúc ni như biển động,
sóng to gió lớn, mình thì nhỏ bé như cái lá tre mần răng mà chèo chống cho nổi!
Anh có coi mần được chi không mà về?
- Thưa mẹ, con biết tình hình lúc ni khó khăn
lắm, đã không ai dám đứng ra mần, mình mà cũng không dám đứng ra nữa bỏ dân bỏ
nước cho ai, Mẹ? Xin mẹ cứ yên tâm cầu nguyện cho con, có Chúa giúp con sẽ mần
được.
Ông Cẩn tiếp:
- Lạ lùng, trong nhà không hề có ai nói chuyện
tình hình tình hoóc chi với bà khi mô, răng mà biết rứa?
Cụ quả là bậc hiền mẫu, cụ sống một đời âm
thầm, đức hạnh, và nhu mì. Tuy ở địa vị cao sang cụ vẫn sống bình dị, không
giao du đua đòi lối sống của nhiều vị mệnh phụ thời bấy giờ.
Đời cụ cũng kết thúc trong âm thầm, lặng lẽ và
khiêm tốn như cuộc sống của cụ.
Sau ngày đảo chánh 1-11-1963, cụ được đưa vào
Sài Gòn, họ cho bà Nguyễn Văn Ấm, thân mẫu Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, nhận về
chăm sóc. Cụ qua đời tại Sài Gòn ngày 2-1-1964, trước khi ông Ngô Đình Cẩn,
người con thứ ba của cụ bị giết hơn ba tháng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét