Bỏ qua chuyện “xào nấu” số liệu của bảng điện tử nói về số
97,59% nhất trí với Hiến pháp 1992 sửa đổi, bởi có 488 người biểu quyết, mà 486
người nhất trí, hai người không biểu quyết, mà hệ thống chuyên thu thập số liệu
biểu quyết lại đưa ra con số 97,59% thì nên đuổi việc anh phụ trách IT của Quốc
hội.
Hệ thống này chỉ có hai
nút “Nhất trí” và “Không nhất trí”, tương đương với hai số 1 và 0. Nếu bấm nút
“Nhất trí” thì hệ thống cộng thêm số 1, nếu không, thì chẳng cộng thêm gì nữa.
Sau khi các đại biểu hoàn tất việc bấm nút, hệ thống cộng dồn số “Nhất trí”
chia cho tổng số người bầu sẽ ra phần trăm “Nhất trí” và “Không nhất trí”, một
bài toán đứa trẻ học lớp 7 cũng biết làm, tính nhẩm cũng ra khoảng 99%.
Không hiểu sao hệ thống tin học của Quốc hội mà “nát đến tận
byte bít” hay là “bị can thiệp đến tận CPU – bộ xử lý trung ương” như thế. Thôi
thì cứ coi là hệ IT của Quốc hội luôn “đồng tình với ý kiến của đại đa số nhân
dân” nên nó được “điều chỉnh cho hợp lý như VTV” đã làm
vài giờ sau đó.
Dư luận băn khoăn, hai người không bấm nút là ai, sao lại cả gan thế.
Một người đã chính thức lên tiếng: nhà sử học Dương Trung Quốc, ông từng đề nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ chức trong kỳ họp Quốc hội lần trước và từng đề nghị hoãn thảo luận sửa đổi Hiến pháp (video trên).
Như vậy, tôi tin những gì đại biểu Dương Trung Quốc nói từ trước tới nay trên hội trường Quốc hội là từ tâm của ông. Một mình lội dòng nước ngược không hề đơn giản trong bối cảnh hiện nay.
Còn nhớ, trong quá trình thảo luận về sửa đổi Hiến pháp, ông Trương Trọng Nghĩa đã phát biểu: “Hậu thế sẽ đánh giá Quốc hội khóa XIII khi thúc đẩy hay cản trở sự phát triển của lịch sử dân tộc” mà ông Dương Trung Quốc đã rất đồng tình.
Nếu tất cả các đại biểu Quốc hội, dù là đảng viên hay không, biết thể hiện chính kiến của mình và dũng cảm trong bỏ phiếu, thì hệ thống IT không có cách nào làm méo số liệu như kỳ bỏ phiếu vừa qua. Chắc chắn không có Vinashin, Bauxite, láng giềng khó mà bắt nạt.
Chưa biết hậu thế sẽ đánh giá thế nào về Quốc hội khóa XIII (13), bởi cần có thời gian, nhưng qua lần bỏ phiếu này, ông Dương Trung Quốc xứng đáng được gọi là đại biểu của nhân dân.
Thiểu số chưa chắc đã sai, đa số chắc gì đã đúng. Nếu đem ra trưng cầu dân ý, làm một cách thực sự khoa học và dân chủ thì số người không ấn nút cũng không phải là ít. Hai lá phiếu trắng trong gần 500 phiếu đồng ý đã đi vào lịch sử của Quốc hội Việt Nam, thể hiện thái độ rất đáng trân trọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét