Bên Thắng Cuộc |
Ông nhập ngũ năm 17 tuổi và trở thành sĩ quan, công tác một
thời gian tại chiến trường Cambodia, trước khi trở về làm báo. Năm 2005, ông được
chính quyền Hà Nội gởi đi tu nghiệp tại Maryland, Hoa Kỳ. Năm 2006 về nước, tiếp
tục làm báo. Năm 2012 ông lại được gởi qua đại học Harvard, một đại học nổi tiếng
tại Hoa Kỳ để nghiên cứu về “phân tích chính trị”. Gởi học viên đi tu nghiệp tại
các nước tư bản là một phần trong chương trình đào tạo chính quy các nhà lãnh đạo
tương lai tại Trung quốc khi thế giới bước vào kỷ nguyên “toàn cầu hóa” (1).
Ông Huy Đức đang ở Hoa Kỳ khi cho xuất bản bộ sách “Bên Thắng Cuộc”
Theo tác giả, khi có cơ hội tiếp cận với miền Nam, anh
–cũng như bà Dương Thu Hương – nhận thấy miền Nam không giống gì với những điều
đảng Cộng sản Việt Nam đã dạy dỗ anh. Từ năm 1980, vừa làm báo anh vừa để tâm
thu thập tài liệu để viết một tài liệu về cuộc chiến Việt Nam để tự trả lời các
thắc mắc của chính anh đối với các hiện tượng chính trị và xã hội trước mắt. Và
công việc biên soạn này trở thành một thúc bách khi tình hình khối Cộng sản quốc
tế biến chuyển một cách căn bản .
Tại Liên bang Xô viết, Gorbachev đề ra chương trình cởi mở
chính trị “glasnost” và cải tổ hành chánh “perestroika” đưa đến sự sụp đổ của
Đông Âu. Năm 1986 tại Đại Hội 6, đảng Cộng sản Việt Nam quyết định “đổi mới”.
Và cuối thập niên 1980 Liên bang Xô viết sụp đổ, đảng Cộng sản Liên xô bị giải
tán.
Huy Đức có cơ hội và được phép sưu tầm tại liệu cũng như
tiếp xúc và phỏng vấn các nhân vật chính yếu của chế độ cho thấy anh được khuyến
khích và giúp đỡ. Một luồng tư tưởng mới hay một sáng kiến ở sau lưng dự án?
Bộ sách “Bên Thắng Cuộc” hoàn tất năm 2012 được Huy Đức
trình bày thành 2 cuốn. Cuốn I “Bên thắng Cuộc: Giải phóng”, cuốn II “Bên Thắng
Cuộc: Quyền bính”. Hai cuốn sách gộp lại dày 1000 trang cỡ chữ 11, gồm 22
Chương, 195 Danh Mục Tác phẩm và 52 Hồi ký, Bản thảo truyền tay trong nước được
dùng để tham khảo, với 1262 mục chú thích . Phần chú thích (Cuốn I 82 trang, cuốn
II 66 trang) tổng cộng 148 trang là một phần không thể tách rời với bộ sách.
Tác giả để riêng ra để cho phần trình bày có tính liên tục.
Bộ sách của Huy Đức là một tác phẩm đồ sộ. Đồ sộ ở bề dày
của nó đã đành, nó còn “đồ sộ” ở chỗ tác giả của nó là một người Cộng sản nhưng
không viết để ca ngợi chiến thắng và tuyên truyền cho tính vô địch của chủ thuyết
Mác- Lê Nin.
Cuốn sách là một tài liệu lịch sử mặc dù tác giả không
trình bày dưới lăng kính của một nhà viết sử. Tác giả đóng vai một bác sĩ giải
phẫu mổ xẻ một cơ thể, trình ra những sự kiện lịch sử có chứng liệu. Trong đó
những nhân vật lịch sử suy nghĩ, hành xử và thao tác trước thực tế khách quan.
Cuốn sách trình bày một cuộc sống lịch sử có tính nhân
sinh sống động. Qua đó người đọc đôi khi thấy quy luật của cuộc sống át hẵn quy
luật lịch sử. Ông Võ Văn Kiệt, ông Đỗ Mười, ông Lê Duẫn …, ông Nguyễn Văn Thiệu,
ông Kissinger … , ông Võ Nguyên Giáp , ông Văn Tiến Dũng … tuy vẫn còn là những
Thủ tướng, những Tổng Bí thư, Tổng thống, Cố vấn chính tri …, những ông Tướng …
nhưng chính yếu dưới ngòi bút của Huy Đức là những con người bằng xương bằng thịt
lấy những quyết định lịch sử của mình liên quan đến cái sống và cái chết của hằng
trăm ngàn người khác như một con người trước thực tế sinh động và hạn chế của
nó.
Những ai quan tâm đến những biến chuyển của lịch sử diễn
ra trên đất nước chúng ta trong 60 năm qua tìm thấy qua bộ sách “Bên Thắng Cuộc”
một bức tranh hậu trường trọn vẹn bên phe xã hội chủ nghĩa. Tác giả gạn lọc và
trình bày một bức tranh nối kết sự kiện này với sự kiện khác một cách nhân quả
(causal). Đối với các nhà nghiên cứu, cuốn sách cung cấp những sử liệu về người
và việc từ trước đến nay không có sẵn sàng như vậy.
Cuốn “Bên Thắng Cuộc” là một cuốn sách nói về những cay đắng
của người thắng cuộc. Thắng xong mới thấy mình mới là kẻ bại trận. Cuốn sách
cũng chứa đựng những oái oăm của cuộc sống . Chỉ riêng mối tình của Lê Duẫn với
bà Nguyễn Thụy Nga người vợ thứ do Đảng cưới cho ông tại Cà Mâu năm 1948 trong
thời gian chống Pháp đã có đủ chất liệu cho một thiên tình sử. Ông Duẫn có những
ngày hạnh phúc với bà Nga khi ông còn lãnh đạo phong trào Cộng sản ở miền Nam
trước Hiệp Định Geneve năm 1954. Năm 1957 khi ông được điều ra Bắc trở thành Bí
thư thứ nhất của đảng với quyền uy chính trị chỉ sau ông Hồ Chí Minh ông đã
không bảo vệ nổi bà Nga trước lối sống công thức giữa một thủ đô vừa lấy lại
trong tay người Pháp và áp lực của người con gái lớn của bà vợ cả. Bà Nga được
gởi đi học và sống một mình ở Trung quốc 5 năm, sau đó trở lại miền Nam tham
gia cuộc đấu tranh chống chính quyền miền Nam. Vợ ông Võ Văn Kiệt, bà Trần Kim
Anh và hai con nhỏ bị bom chết năm 1966 trên đường di chuyển từ Bến Cát đến căn
cứ Củ Chi ông Kiệt gặp khó khăn trong đời sống gia đình cho mãi đến năm 1984
khi cưới bà Phan Lương Cầm, con ghẻ tướng Phan Tử Lăng và vẫn không yên với dư
luận vì bà Cầm quá mới! Tách chúng ra khỏi cuốn sách đó là những mối tình rất
con người. Nó bị cọ xác và đầy đọa bởi chiến tranh, phân ly, ghen tuông, quyền
lực và phong tục tập quán.
Tôi còn nhớ một bi kịch xẩy ra tại trại cải tạo Lam sơn,
trong tỉnh Khánh hòa khi tôi đang bị giam tại đó cuối năm 1975 giữa một cán bộ
Cộng sản và một Trung úy quân đội Việt Nam Cộng Hòa trẻ tuổi. Trong một buổi
lên lớp khi người cán bộ xỉ vả học viên là phản bội tổ quốc, viên Trung úy đứng
lên nói, anh không phản bội ai cả. Anh nói: “Nếu Mẹ tôi sinh tôi ra trên vĩ tuyến
17 thì bây giờ tôi cũng đang đứng chỗ của anh và có thể đang mắng nhiếc anh là
phản quốc.” (2)
Trong thời gian sau cuộc cách mạng tháng 8/1945, người
Pháp trở lại, nhưng một số vùng như Thanh-Nghệ -Tỉnh, Bình Định-Phú Yên, Cà Mâu
-Đồng Tháp vẫn nằm trong vòng kiểm soát của phe kháng chiến do đảng Cộng sản
lãnh đạo, và nhiều thanh niên vì điều kiện địa lý này đã ở bên này hay bên kia
và có khi anh em một nhà biến thành kẻ thù bắn giết nhau. Bên thắng hay bên
thua chỉ là ngẫu nhiên của lịch sử và may mắn hay rủi ro của từng số phận. Cái
còn lại là cái tâm.
Nhưng có cái tâm tốt chưa chắc vượt ra khỏi nghịch cảnh.
Sau năm 1975 ông Võ Văn Kiệt giữ chức vụ lãnh đạo tại Sài gòn- Gia Định ông
cũng phải ngăn sông cấm chợ để cho dân Sài gòn nằm trên vựa lúa mà đói. Guồng
máy buộc ông làm vậy nếu ông không muốn bị kết án là phản cách mạng, phản bội
nguyên tắc kinh tế tập trung xã hội chủ nghĩa! Nhưng ít nhất ông Kiệt còn trăn
trở tìm lối thoát ra khỏi cái gông tự tròng vào cổ mình của đảng. Bên cạnh còn
biết bao kẻ tầm thường tin tưởng tuyệt đối chủ thuyết Mác Xít: Đỗ Mười, Võ Chí
Công, Đào Duy Tùng, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh … Thật khó mà định giá những
nhân vật như Hồ Chí Minh, Lê Duẫn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng. Lê Đức Thọ … để
biết họ muốn gì. Họ là những tay “ma nớp” quyền lực như một thú vui trong khung
cảnh lịch sử mà họ đang sống?
Huy Đức vẽ con người rất con người và các sử gia nếu muốn
nghiên cứu các lãnh tụ Cộng sản Việt Nam thì bộ sách của Huy Đức là một nguồn
tài liệu phong phú muôn màu muôn vẻ.
Nhưng nét nổi bật nhất của bộ sách là đường nét ngây ngô
của bộ máy Đảng. Cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, ngăn sông cấm chợ, sở hữu
công của tư liệu sản xuất, đất đai thuộc về toàn dân là những nhát búa đảng Cộng
sản tự đập vào chân mình.
Bộ sách “Bên Thắng Cuộc” cho thấy trong thập niên 1980 đảng
Cộng sản Việt Nam đã vùng vẫy để thoát hiểm trước cơn giông tố đang làm lung
lay tận gốc phong trào cộng sản thế giới. Gorbachev tại Liên xô. Đặng Tiểu Bình
ở Trung quốc với “mèo trắng mèo đen mèo nào cũng tốt miễn là bắt được chuộc”.
Thắng cuộc, nhưng Việt Nam phải “đổi mới” để tồn tại. Nhưng “đổi mới” mà không
có chính sách. Chỉ có những bước mò mẫm trong sương mù của “kinh tế thị trường”
không định hướng, ngoại trừ “định hướng xã hội chủ nghĩa” để níu kéo lĩnh vực
quốc doanh cứu đảng.
Kết quả duy nhất của sự đổi mới mà vẫn duy trì chế độ độc
đảng là làm cho dân “có gạo ăn” nhưng không xây dựng được tiềm năng của quốc
gia. Chính sách của quốc gia dựa vào trí tuệ giới hạn nếu không muốn nói là kém
cỏi của “Bác” của anh Ba, anh Sáu, anh Mười … một cách rất là tùy tiện.
Bộ sách của Huy Đức có một nét đặc thù là không những bày
ra cái yếu kém của chủ nghĩa Mác, mà còn bày ra cái yếu kém của người Việt Nam.
Người Việt Nam thông minh, nhưng thiếu cái nhìn lớn và vọng ngoại. Dân khổ triền
miên vì vậy.
Nhìn bộ sách đồ sộ của Huy Đức khó mà nghĩ một cách đơn
giản rằng đó là thành quả của một cá nhân. Anh Huy Đức dù xông xáo cũng khó tiếp
cận với tài liệu nhất là tiếp cận phỏng vấn các nhân vật đang nắm quyền lực mà
thói quen sinh hoạt của đảng là mật, cái gì cũng là mật.
Năm 1967 bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Robert McNamara
trong khi điều hành cuộc chiến Việt Nam nhận ra sự phi lý của cuộc chiến mà quốc
gia và cá nhân ông đang vướng vào, ông kín đáo cho lập một Ủy ban nghiên cứu
các biến chuyển từ năm 1945 dẫn đến cuộc chiến tranh. Tài liệu nghiên cứu được
gọi là “Hồ sơ của Lầu Năm Góc” (The Pentagon Papers). Bộ sách của Huy Đức có
nét tương tự của Pentagon Papers. Phải chăng mục đích của bộ sách là thu thập dữ
kiện một cách khách quan để tìm ra nguyên ủy của các mâu thuẫn ngự trị trên đất
nước Việt Nam? Cái khác bề ngoài phải chăng là công việc truy tìm này được giao
phó cho Huy Đức như một nghiên cứu cá nhân?
Bộ sách của Huy Đức phanh phui ra các dữ kiện tự nhiên từ
việc này dẫn đến việc khác cho thấy tại sao chúng ta là nạn nhân. Nạn nhân của
hoàn cảnh lịch sử, nạn nhân của các tranh chấp quốc tế, và trên hết là nạn nhân
của chính tầm nhìn kém cỏi của chúng ta.
Nếu tài liệu “The Pentagon Papers” đã giúp cho nhân dân
Hoa Kỳ vượt qua “Hội chứng Việt Nam” để nhanh chóng hóa giải căng thẳng và sự
chia rẽ trong xã hội do cuộc chiến Việt Nam gây ra thì bộ sách “Bên Thắng Cuộc”
của Huy Đức cũng có thể là một liều thuốc hóa giải sự chia rẽ dân tộc Việt Nam
giữa người thắng kẻ thua.
Câu hỏi then chốt là chúng ta đã sẵn sàng để hòa giải với
nhau chưa?
Trong phần kết thúc cuốn sách tác giả kết luận: “Giá như
không phải là ý thức hệ mà tự do và hạnh phúc của nhân dân là nền tảng hình
thành chính sách của đảng Cộng sản Việt Nam, đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng
lập và lãnh đạo, thì người dân đã tránh được chuyên chính vô sản, tránh được cải
cách ruộng đất, cải tạo tư sản, tránh được “Nhân Văn Giai Phẩm, tránh được biết
bao cuộc binh đạo xung đột trong nội bộ gia đình”.
Và giờ đây đảng Cộng sảnViệt Nam vẫn còn duy trì Điều 4
Hiến pháp nắm trọn quyền lãnh đạo đất nước, đảng vẫn chưa trả quyền tự do ngôn
luận cho dân, đảng vẫn còn ràng buộc với ý thức hệ Mác xít chưa chịu trả quyền
tư hữu và quyền sở hữu đất đai lại cho dân thì rõ là chưa có cơ hội hòa giải
dân tộc.
Nhưng con đường thiên lý nào cũng phải bắt đầu bằng dặm đầu
tiên. Bộ sách “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức là bước bắt đầu và là một bước tích
cực của quá trình hoà giải dân tộc.
Jan 23, 2013
© Trần Bình Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét