Trần Gia Phụng - Vào đầu tháng 5 vừa
qua, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến đặt tại vùng biển gần đảo Tri
Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc đã đánh chiếm của Việt Nam Cộng Hòa
ngày-19-1-1974. Sự xuất hiện giàn khoan nầy làm rộ lên trở lại dư luận trong và
ngoài nước vấn đề công hàm ngày 14-9-1958 của Phạm Văn Đồng, thủ tướng Bắc Việt
Nam trước đây.
Từ 24-2 đến 29-4-1958, các thành viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) họp
tại Genève bàn về luật biển. Hội nghị ký kết bốn quy ước về luật biển. Riêng
quy ước về hải phận mỗi nước, có 3 đề nghị: 3 hải lý, 12 hải lý và 200 hải lý.
Không đề nghị nào hội đủ túc số 2/3, nên LHQ chưa có quyết định thống nhất. Lúc
đó, Trung Quốc và hai miền Nam và Bắc Việt Nam không phải là thành viên LHQ nên
không tham dự hội nghị nầy.
Trước cuộc tranh cãi về hải phận, ngày 28-6-1958, Mao Trạch Đông
tuyên bố với nhóm tướng lãnh thân cận: “Ngày nay, Thái Bình Dương không yên
ổn. Thái Bình Dương chỉ yên ổn khi nào chúng ta làm chủ nó.” (Jung Chang
and JonHalliday, MAO: The Unknown Story, New York: Alfred A. Knopf, 2005, tr.
426.) Tiếp đó, ngày 4-9-1958, Trung Quốc đưa ra bản tuyên bố về hải phận gồm 4
điểm, trong đó điểm 1 và điểm 4 được dịch như sau:
(1) Bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là 12
hải lý. Điều lệ nầy áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung
Quốc, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Đài
Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ
cận, quần đảo Penghu, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa [Xisha tức Hoàng Sa],
quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa [Nansha tức Trường Sa], và các đảo
khác thuộc Trung Quốc....
(4) Điều (2) và (3) bên trên cũng áp dụng cho Đài Loan và các
đảo phụ cận, quần đảo Penghu [Bành Hồ], quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây
Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc...
(Nguồn:://law.hku.hk/clsourcebook/10033.htm>).
Mục đích của bản tuyên bố ngày 4-9-1958 nhằm xác định hải phận
của Trung Quốc là 12 hải lý. Tuy nhiên điểm 1 và điểm 4 của bản tuyên bố cố ý
lập lại và mặc nhiên khẳng định chắc chắn rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa (vốn của Việt Nam) thuộc chủ quyền của Trung Quốc và gọi theo tên Trung Quốc
là Xisha [Tây Sa tức Hoàng Sa] và Nansha [Nam Sa tức Trường Sa].
Điểm cần chú ý là Trung Quốc lúc đó chưa phải là thành viên Liên
Hiệp Quốc và không thể dùng diễn đàn của Liên Hiệp Quốc để bày tỏ quan điểm và
chủ trương của mình, nên Trung Quốc đơn phương đưa ra bản tuyên bố nầy, thông
báo quyết định về lãnh hải của Trung Quốc. Vì vậy các nước không nhất thiết là
phải trả lời bản tuyên bố của Trung Quốc, nhưng riêng Bắc Việt Nam lại tự ý đáp
ứng ngay.
2. Công hàm bắc Việt
Trước khi ký kết hiệp định Genève ngày 20-7-1954 chia hai đất
nước, đảng Lao Động (tức đảng Cộng Sản Việt Nam) đã sắp đặt trước kế hoạch tiếp
tục chiến tranh đánh miền Nam. Chủ trương nầy được đưa ra rõ nét tại hội nghị
Liễu Châu (Liuzhou) thuộc tỉnh Quảng Tây (Guangxi), từ ngày 3 đến ngày 5-7-1954
giữa Hồ Chí Minh và Chu Ân Lai.
Sau khi đất nước bị chia hai, Bắc Việt nằm dưới chế độ cộng sản
do Hồ Chí Minh và đảng Lao Động (tức đảng Cộng Sản Việt Nam) lãnh đạo. Muốn
đánh miền Nam, thì Bắc Việt cần được các nước ngoài viện trợ, nhất là Liên Xô
và Trung Quốc. Vì vậy, khi Trung Quốc đơn phương đưa ra bản tuyên bố về lãnh
hải ngày 4-9-1958, chẳng cần tham khảo ý kiến Bắc Việt, thì “không gọi mà dạ”,
Phạm Văn Đồng, thủ tướng Bắc Việt, lại hưởng ứng ngay, ký công hàm ngày
14-9-1958, tán thành quyết định về hải phận của Trung Quốc để lấy lòng chính
phủ Trung Quốc.
Mở đầu bản công hàm, Phạm Văn Đồng viết: “Thưa Đồng chí Tổng
lý”. Kết thúc bản công hàm là câu: “Chúng tôi xin kính gởi Đồng chí Tổng
lý lời chào rất trân trọng.” Gọi nhau đồng chí là ngôn ngữ giao thiệp giữa
đảng với đảng trong cùng một hệ thống cộng sản quốc tế, khác với ngôn ngữ ngoại
giao thông thường. Nội dung bản công hàm Phạm Văn Đồng nguyên văn như sau:
“Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành
bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung
Quốc, quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tôn trọng quyết định ấy
và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải
phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng Hòa Nhân Dân
Trung Quốc trên mặt bể.”
Chắc chắn bản công hàm nầy được Hồ Chí Minh và Bộ chính trị đảng Lao Động (tức đảng Cộng Sản) chuẩn thuận và được gởi thẳng cho Trung Quốc mà không tham khảo ý kiến hay thông qua quốc hội Bắc Việt. Quốc hội Bắc Việt lúc đó nguyên là quốc hội được bầu ngày 6-1-1946, gọi là quốc hội Khóa I. Sau chiến tranh 1946-1954, đất nước bị chia hai. Nhà nước Bắc Việt triệu tập những dân biểu cộng sản còn sống ở Bắc Việt vào tháng 9-1955, tiếp tục hoạt động cho đến ngày 8-5-1960, Bắc Việt mới tổ chức bầu lại quốc hội khóa II, khai mạc phiên họp đầu tiên tại Hà Nội ngày 6-7-1960.
3. Trung Quốc biện minh
Khi tự động đem giàn khoan 981 đặt trong vùng biển Hoàng Sa, vi
phạm lãnh hải Việt Nam, Trung Quốc liền bị dân chúng Việt Nam biểu tình phản
đối mạnh mẽ và dư luận quốc tế lên án, thì nhà cầm quyền Trung Quốc cho người
sử dụng công hàm Phạm Văn Đồng ngày 14-9-1958 để nói chuyện.
Cùng ngày 20-5, hai nhân vật Trung Quốc đã lên tiếng biện minh
cho hành động của Trung Quốc. Dĩ nhiên họ được lệnh của nhà nước Bắc Kinh mới
được quyền lên tiếng.
Thứ nhứt, đại biện lâm thời Trung Quốc ở Indonesia, ông
Lưu Hồng Dương, có bài đăng trên báo Jakarta Post(Indonesia), xác định rằng
quân đảo Tây Sa [tức Hoàng Sa] là lãnh thổ của Trung Quốc. Bài báo viết: “Trong
tuyên bố ngày 14-9-1958, thay mặt chính phủ Việt Nam khi đó, Phạm Văn Đồng,
công khai thừa nhận quần đảo Tây Sa và các đảo khác ở Nam Hải là lãnh thổ Trung
Quốc.” Lưu Hồng Dương, tác giả bài báo, còn viết: “Việt Nam rõ ràng vi
phạm nguyên tắc “estoppels”. [không được nói ngược].
Người thứ hai là tiến sĩ Ngô Sĩ Tồn, giám đốc Viện Nghiên cứu
Nam Hải của Trung Quốc, trả lời phỏng vấn hãng tin Deutsch Welle (DW) của Đức,
được đưa lên Net ngày 20-5. Ông nầy nói như sau: “Năm 1958, thủ tướng Việt
Nam khi đó là Phạm Văn Đồng đã công nhận chủ quyền Trung Quốc đối với Tây Sa và
Nam Sa trong công hàm gửi thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai... Hà Nội chỉ thay
đổi lập trường sau khi đất nước thống nhất năm 1975. Nhưng theo nguyên tắc
estoppel, Trung Quốc không tin rằng Việt Nam có thể thay đổi lập trường về vấn
đề chủ quyền.”
4. Cộng sản Việt Nam chống chế
Trả lời những cáo buộc trên đây của Trung Quốc, trong cuộc họp
báo ngày 23-5-2014 tại Hà Nội, ông Trần Duy Hải, phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới
Quốc gia, cho rằng công hàm của thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 không có giá
trị pháp lý về vấn đề chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Ông Hải nói: “Việt Nam tôn trọng vấn đề 12 hải lý nêu trong
công thư chứ không đề cập tới Hoàng Sa, Trường Sa, vì thế đương nhiên không có
giá trị pháp lý với Hoàng Sa và Trường Sa... Bạn không thể cho ai thứ mà bạn
chưa có quyền sở hữu, quản lý được. Vậy điều đó càng khẳng định công văn của cố
thủ tướng Phạm Văn Đồng không có giá trị pháp lý...”
Ngoài ra, còn có đại sứ của hai phía Trung Cộng và Việt Cộng ở
Hoa Kỳ tham gia cuộc tranh cãi, lên tiếng bênh vực lập trường của chính phủ
mình. Báo chí hai nước cũng đưa tin và bình luận cáo buộc đối phương mà trước
đây ít khi thấy. Lời qua tiếng lại còn nhiều, nhưng đại khái lập trường hai bên
là như vậy.
5. Hiểu cách nào
Bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Trung Quốc đưa ra hai chủ điểm:
1) Xác định hải phận của Trung Quốc là 12 hải lý. 2) Mặc nhiên xác nhận chủ quyền
của Trung Quốc trên một số quần đảo trên Biển Đông trong đó có hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa, vốn của Việt Nam từ lâu đời.
Dầu công hàm Phạm Văn Đồng không có chữ Hoàng Sa và Trường Sa
như ông Trần Duy Hải nói, nhưng công hàm Phạm Văn Đồng “ghi nhận và tán
thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân
Trung Quốc”, có nghĩa là nhà nước Bắc Việt cộng sản công nhận hai chủ điểm
của bản tuyên bố của Trung Quốc.
Trần Duy Hải còn nhấn mạnh rằng sau hiệp định Genève, Hoàng Sa
và Trường Sa thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng Hòa và “Bạn không thể cho
ai thứ mà bạn chưa có quyền sở hữu, quản lý được.” Ông Hải nói chuyện lạ
lùng như một người nước ngoài. Nếu Nam Việt không phải là một phần của Việt
Nam, thì tại sao Bắc Việt lại đòi “Chống Mỹ cứu nước” hay “Giải phóng
miền Nam, thống nhất đất nước.”? Khi xâm lăng Nam Việt, thì Bắc Việt nhận
Nam Việt là một phần của Việt Nam. Khi cần xin viện trợ thì Bắc Việt bảo rằng đó
là của Nam Việt, rồi Bắc Việt dùng để trao đổi với nước ngoài? (Một giải thích
lạ lùng hơn nữa là bà Nguyễn Thị Thụy Nga (Bảy Vân), vợ Lê Duẫn, trả lời trong
cuộc phỏng vấn năm 2008 của đài BBC rằng “ngụy nó đóng ở đó nên giao cho
Trung Quốc quản lý Hoàng Sa.” (CTV Danlambao -danlambaovn.blogspot.com)
Một nhà nghiên cứu trong nước còn nói rằng công hàm Phạm Văn
Đồng không thông qua quốc hội nên không có giá trị pháp lý trong bang giao quốc
tế. (BBC Tiếng Việt 21-5-2014, “Hoàn cảnh lịch sử công hàm 1958”).
Khái niệm nầy chỉ đúng với các nước tự do dân chủ. Trong các
nước tự do dân chủ, tam quyền phân lập rõ ràng. Những quyết định của hành pháp
phải được lập pháp thông qua, nhất là những hiệp ước về lãnh thổ, lãnh hải phải
có sự đồng ý của quốc hội. Tuy nhiên dưới chế độ cộng sản, cộng sản không cai
trị theo luật pháp, mà cộng sản thống trị theo nghị quyết của đảng cộng sản.
Với cộng sản, tam quyền không phân lập mà tam quyền đồng quy vào trong tay đảng
CS, nên CS chẳng cần đến quốc hội. Chủ trương nầy được đưa vào điều 4 hiến pháp
cộng sản mà ai cũng biết.
Trung Quốc là một nước cộng sản từ năm 1949. Đảng Cộng Sản Trung
Quốc cũng thống trị đất nước họ như đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN). Vì vậy, giữa
hai nước cộng sản với nhau, Trung Quốc rất am hiểu truyền thống của nhau, am
hiểu ngôn ngữ cộng sản với nhau. Chính công hàm của Phạm Văn Đồng cũng viết
theo ngôn ngữ cộng sản: “Thưa Đồng chí Tổng lý”. Vì vậy, Trung Quốc hiểu
công hàm Phạm Văn Đồng theo cách thống trị đất nước của nhà nước cộng sản,
nghĩa là quyết định của đảng cộng sản là quyết định tối hậu, trên tất cả, chẳng
cần gì phải có chuyện quốc hội phê chuẩn.
Hồ Chí Minh và đảng Lao Động (tức đảng CSVN ngày nay) ủng hộ hay
không ủng hộ bản tuyên bố về hải phận của Trung Quốc, dân chúng Việt Nam không
cần quan tâm. Tuy nhiên, đối với dân chúng Việt Nam, chuyện Phạm Văn Đồng cùng
Hồ Chí Minh và đảng Lao Động tán thành “quần đảo Tây Sa [Hoàng Sa],...
quần đảo Nam Sa [Trường Sa],... thuộc Trung Quốc” là một hành vi bán
nước và phản quốc.
6. Liên minh quân sự
Trước hiểm họa Trung Quốc đe dọa ngày nay, vì Việt Nam không đủ
sức chống lại Trung Quốc nên có ý kiến cho rằng nhà nước CSVN cần phải liên
minh với nước ngoài để chống Trung Quốc. Ví dụ liên minh với Hoa Kỳ hay với
khối ASEAN chẳng hạn.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh vào ngày 25-8-2010,
trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Quốc phòng CSVN đã đưa ra chủ trương “ba
không” của đảng CS và nhà nước CSVN là: Không tham gia liên minh quân sự,
không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự và không cùng một nước khác chống lại
nước thứ ba. (Xem Internet: chủ trương ba không của CSVN.)
Về phía Hoa Kỳ, thì vừa qua, ngày 28-5-2014, trong bài diễn văn
trình bày tại lễ tốt nghiệp Học viện Quân sự WestPoint, New York, tổng thống
Obama đưa ra nét căn bản về chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ: “Hoa Kỳ sẽ sử
dụng quân đội, đơn phương nếu cần thiết, nếu cần cho lợi ích cốt lõi của chúng
ta - trong trường hợp người dân chúng ta bị đe dọa, nguồn sống chúng ta gặp
nguy hiểm hay an ninh của các nước đồng minh bị thách thức...” (BBC Tiếng
Việt, 29-5-2014.)
Chủ trương sử dụng sức mạnh để bảo vệ lợi ích cốt lõi của nước
mình không phải là chủ trương riêng của Hoa Kỳ hay của một nước nào mà là chủ
trương chung của tất cả các nước trên thế giới. Nước nào cũng vì quyền lợi của
nước mình mà thôi. Vậy thử hỏi Hoa Kỳ có quyền lợi gì khi giúp Việt Nam (90
triệu dân) nhằm đổi lại với việc Hoa Kỳ giao thương với Trung Quốc (hơn 1 tỷ
dân)? Ngoài ra, Hoa Kỳ khó trở thành đồng minh của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa
Việt Nam chỉ vì một lý do đơn giản là CHXHCNVN là một nước cộng sản vi phạm
nhân quyền một cách trầm trọng.
Hơn nữa, Hoa Kỳ mới liên minh trở lại với Phi Luật Tân để ngăn
chận Trung Quốc từ xa. Vì Phi Luật Tân ở xa, nằm phía bên kia bờ Biển Đông phân
cách Phi Luật Tân với lục địa Trung Quốc, nên an toàn hơn cho Hoa Kỳ. Vì vậy,
Hoa Kỳ có cần liên minh với CSVN hay không?
Các nước trong khối ASEAN cũng không khác gì Hoa Kỳ, tập họp với
nhau vì quyền lợi kinh tế của mỗi nước. Có nước chẳng ưa thích gì Việt Nam như Cambodia,
Lào vì truyền thống lâu đời. Có nước chẳng có quyền lợi gì trong vấn đề Việt
Nam và Biển Đông như Miến Điện, Mã Lai. Đó là chưa nói hầu như các nước ASEAN
đều quan ngại thế lực của Trung Quốc về nhiều mặt và các nước ASEAN còn muốn
Việt Nam luôn luôn ở thế yếu kém, bị động để đừng quay qua bắt nạt các nước
láng giềng.
Như thế, chỉ là ảo tưởng nếu nghĩ rằng nhà nước CSVN có thể liên
minh với bất cứ nước nào để chống Trung Quốc. Trung Quốc dư biết điều đó. Cộng
sản Việt Nam phải tự mình giải quyết lấy bài toán của mình do những sai lầm của
Hồ Chí Minh và đảng CSVN gây ra. Nhờ Trung Quốc đánh Pháp chẳng khác gì nhờ một
tên ăn cướp đuổi một kẻ ăn trộm. Còn nhờ Trung Quốc chống Mỹ không phải là giải
pháp để cứu nước mà là con đường dẫn đến mối nguy mất nước...
7. Phải quyết định
Lịch sử cho thấy từ bao đời nay, dân tộc Việt Nam luôn luôn
chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ, chống lại các cuộc xâm lăng của nước ngoài. Ngược
lại, từ giữa thế kỷ 20, đảng CSVN cướp được chính quyền năm 1945, đã dùng đất
đai do tổ tiên để lại như một vật trao đổi nhằm mưu cầu quyền lực, mà công hàm
Phạm Văn Đồng là một ví dụ điển hình.
Muốn thoát khỏi tấn bi kịch hiện nay, một trong những việc đầu
tiên là phải vô hiệu hóa công hàm Phạm Văn Đồng, chấm dứt sự thừa nhận của Phạm
Văn Đồng và đảng Lao Động tức đảng CSVN đối với tuyên bố của Trung Quốc.
Muốn vô hiệu hóa công hàm Phạm Văn Đồng thì phải vô hiệu hóa
chính phủ đã ký công hàm. Phạm Văn Đồng đã chết. Chính phủ Phạm Văn Đồng không
còn. Tuy nhiên, chính phủ thừa kế chính phủ Phạm Văn Đồng còn đó ở Hà Nội. Vậy
chỉ còn cách giải thể nhà nước cộng sản hiện nay ở Hà Nội mới có thể vô hiệu
hóa công hàm Phạm Văn Đồng. Có hai cách giải thể:
Thứ nhứt, đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay, hậu thân của
đảng Lao Động trước đây, thừa kế chính thức của nhà nước do Phạm Văn Đồng làm
thủ tướng, phải tìm cách tự lột xác như ve sầu lột xác (kim thiền thoát xác),
mới phủ nhận những điều do nhà cầm quyền cũ ký kết. Trên thế giới, đã có hai
đảng cộng sản theo thế kim thiền thoát xác là trường hợp Cộng sản Liên Xô với
Yeltsin và cộng sản Cambodia với Hun Sen.
Vấn đề là những nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam hiện nay có vì sự
sống còn của đất nước, có chịu hy sinh quyền lợi của đảng CS, có chịu giải thể
đảng CS như Yeltsin đã làm ở Liên Xô, để cùng dân tộc tranh đấu bảo vệ non
sông?
Thứ hai, nếu những nhà lãnh đạo cộng sản vẫn cương
quyết bám lấy quyền lực, cương quyết duy trì đảng CSVN, thì chỉ còn con đường
duy nhứt là toàn dân Việt Nam phải tranh đấu lật đổ chế độ cộng sản. Cuộc tranh
đấu sẽ rất cam go, khó khăn, nhưng hiện nay đất nước chúng ta đang đứng bên bờ
vực thẳm, đang lâm vào thế cùng. Cùng đường thì phải tranh đấu để biến đổi và
tự cứu mình.
Vậy chỉ còn con đường duy nhứt là chấm dứt chế độ CSVN để chấm
dứt công hàm Phạm Văn Đồng, đồng thời chấm dứt luôn những mật ước giữa đảng
CSVN với đảng Cộng Sản Trung Quốc từ thời Hồ Chí Minh cầu viện, qua thời Thành
Đô và cho đến hiện nay.
Đã đến lúc phải quyết định dứt khoát: Hoặc CSVN theo thế “ve
sâu lột xác”, hoặc CSVN phải bị lật đổ mà thôi. Nếu không, hiểm họa một
thời kỳ Hán thuộc mới đang chờ đợi Việt Nam.
(Toronto, 5-6-2014)
Trần
Gia Phụng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét