Truyền thống Việt bảo “nghĩa tử là nghĩa tận”,
nhưng vẫn chấp nhận rằng những con người độc địa thâm hiểm có thể bị cuốc mả, đào
mồ. Kẻ đốt sách chôn học trò, dù chết đã nghìn năm vẫn không thoát bị nguyền
rủa là bạo chúa. Vả lại, bác đâu có chịu chết. Trong khi ngồi hì hục viết sách
tự tâng bốc, bác đã mưu toan muốn sống vinh quang đời đời. Và tinh thần bác còn
đang sống hùng sống mạnh nơi đám thừa kế để tiếp tục dẫn dắt quê hương đất nước
xuống vực thẳm.
Chuyện tự tâng bốc của bác chỉ là một trò lố
lăng vô hại chăng?
Trò ấy quả có vẻ vô hại, nhưng con người ở vị
thế lãnh đạo mà tự say mê đến thế thì cực kỳ nguy hiểm cho dân tộc. Kẻ tự kính
phục thường ít khi thấy mình không sáng suốt và chẳng bao giờ chịu là mình cũng
có thể sai lầm. Bác Hồ đủ tài để lôi cuốn xô đẩy một nửa dân Việt vào con đường
chém giết nửa kia, nhưng bác lại không đủ khôn ngoan để tìm ra một con đường
đúng. Nước Nga sau hơn nửa thế kỷ cách mạng vẫn chưa dám để người dân sống cho
ra con người, bác Hồ cứ khăng khăng chọn nó làm mẫu mực. Con đường đẫm máu dẫn
tới bờ vực, bác Hồ cứ phăng phăng dẫn các cháu đi. Có người nhấn mạnh đến những
thành tích của Hồ để làm lễ tôn bác làm vĩ nhân: nào là bác có ý chí thống nhất
đất nước, bác vận dụng được sức mạnh của hàng triệu người, bác được nhiều kẻ
theo, tôn sùng như thần thánh, bác có tài lãnh đạo v.v…
Ôi chao! Mí mắt nhân loại cũng nặng lắm, nhiều khi phải tốn
hàng triệu mạng người mới hé mở được những đôi mắt đang nhắm nghiền. Bác Hồ
được nhiều người theo ư? Quỉ Sa Tăng cũng có đủ tín đồ để tạo thành sức mạnh
gây khốn đốn cho các vị thánh. Bác lôi cuốn ư? Sự lôi cuốn của bác đâu qua mặt
nổi Hitler, con người vận dụng được toàn thể sức mạnh dân Đức để làm điên đảo thế
giới. Cứ gọi những kẻ ấy là các nhà lãnh đạo có tài, không sao, nhưng cái chỗ
mà họ dẫn con người tới làm cho họ giống những tên điên, không dính dáng tí gì
đến tước hiệu vĩ nhân cả. Bác có ý chí thống nhất đất nước ư? Quỷ Sa Tăng cũng
rất quyết tâm thống nhất toàn thể thế giới trong lò lửa địa ngục vậy.
Bác Hồ Yêu Nhi Đồng
Lời tự tâng bốc nghe rác tai nhất của bác là
mấy câu khoe: nhi đồng Việt Nam yêu bác Hồ mà bác Hồ cũng thương nhi đồng lắm
lắm
“Đối với nhi đồng tên bác Hồ là như một người
mẹ hiền. Chỉ nhắc đến tên Bác là các em trở nên ngoan ngoãn”.
(Khoe như thế, bác tỏ ra chẳng hiểu mẹ gì về
tâm lý nhi đồng, nhất là nhi đồng Việt Nam. Một ông nhóc đang giở chứng mà nghe
nhắc tên mẹ hiền, tên bà nội, nó sẽ làm dữ hơn. Dọa trẻ, người ta nhắc tên “ông
kẹ”, ông “ngáo ộp”. Nếu các bậc phụ huynh đã dùng tên bác thay thế cho những
ông kẹ, ông ngáo ộp thì nhi đồng chỉ teo vì bác chứ yêu thương gì!) Trong câu
khoe ngắn ngủi ấy, người đọc lại bắt gặp thói huênh hoang, lòng tham vô độ của
bác: Đã đòi làm “cha già dân tộc” bây giờ bác lại muốn là “bà mẹ hiền của nhi
đồng” rồi kiêm luôn vai trò nhà giáo dục siêu đẳng, chỉ xòe cái tên ra là trẻ
hóa ngoan!
Thôi thì cũng không nên chơi khó bác quá, cứ
giả vờ công nhận rằng nhi đồng yêu bác thật, nhưng còn phần bác đối với nhi
đồng thì sao? Hãy bỏ qua những em bé bị hỏa tiễn của bác giết trong sân trường
Cai Lậy … Ta chỉ nói về thân phận những em bé được bác âu yếm xoa đầu, được bác
cẩn thận định trước cho một tương lai, được bác săn cóc kỹ lưỡng bằng cả một kế
hoạch qui mô.
Hãy nhớ lại câu chuyện hơn 20 năm trước.
Năm Mậu Thân, Hồ mở cuộc tổng tấn công miền
Nam. Dĩ nhiên miền Nam bị tàn phá, thiệt hại nhiều nhưng đoàn quân nằm vùng của
bác cũng bị tiêu diệt gần hết. Không thắng nổi sau cuộc “xả láng” bác bắt đầu
chịu nói chuyện hòa bình, hội nghị. Nghe tin miền Bắc bỗng dưng “yêu hòa bình”
không riêng gì người Việt, cả thế giới tự do đều mừng húm. Làm sao không vui
cho được khi cuộc chiến đẫm máu ở Việt Nam có hy vọng sẽ chấm dứt.
Hồ chí Minh yêu hòa bình thật chăng? Cảnh
người Việt chém giết người Việt dai dẳng suốt mấy thập niên đã làm bác mềm
lòng, thương xót rồi chăng? Không có đâu. Trong Bắc Bộ Phủ, cái đầu óc “khôn
ngoan, thiên tài” ấy lại sáng tạo ra một kế hoạch tài tình để sẵn sàng cho một
cuộc chém giết mới, trong tương lai, khi tấn tuồng yêu hòa bình bác thủ diễn đã
ru được thế giới ngủ ngon lành, bác Hồ lại ra tay.
Kế hoạch khôn ngoan của bác, kỳ này, nhằm khai
thác tận tình sức lực và tính mạng của hàng trăm ngàn đứa trẻ con. Bác cho cán
bộ bắt cóc trẻ em ở miền Nam, đưa ra Bắc huấn luyện, dạy dỗ, biến chúng thành
những người lính Cộng Sản. Khi học tập xong, tốt nghiệp, các cháu chắc chắn sẽ
được bác gửi trở lại miền Nam để bắn giết, trong khi đó, trước mắt thế giới,
bác vẫn là người đang nỗ lực, tha thiết tìm hòa bình cho Việt Nam. Bài “Bắt Trẻ
Đồng Xanh” của nhà văn Võ Phiến mô tả rất rõ về kế hoạch này: “Trong những ngày
gần đây ai nấy chỉ những xôn xao về chuyện ngưng chiến: Bao lâu nữa nhỉ? Làm gì
bây giờ?
Trong lúc ấy nhóm lãnh đạo ở Hà Nội lặng lẽ lo
công việc mai sau: tức một cuộc chiến tranh khác. Một cuộc chiến tranh quân sự
hẳn hoi. Và họ tiến hành thực hiện chuẩn bị, ngoài sự chú ý của dư luận: các
bình luận gia có tiếng, khét hay không khét, gần như không mảy may quan tâm đến
chuyện ấy.
Cuộc bắn giết sắp tới giữa miền Nam và miền
Bắc đã được Cộng Sản xếp đặt từ lúc này, cũng như cuộc bắn giết thê thảm mười
năm qua được họ xếp đặt từ trước tháng 7-1954, trước ngày đình chiến theo hiệp
định Genève .
Thượng tuần tháng 7-68 một nhóm luật gia họp ở
Grenoble buộc Hoa Kỳ vào tội gây chiến tại Việt Nam. Sau đó, nhóm luật gia
tranh đấu chính trị Việt Nam họp tại Sài Gòn cãi lại: Mặt Trận Giải Phóng Miền
Nam đã thành lập từ năm 1958 và ra mắt ngày 20-12-1960, còn người lính Mỹ đầu tiên chỉ mới tử trận trên
lãnh thổ miền Nam ngày 22-12-61.
Người của luật pháp, họ cãi lý với nhau, họ
bắt bẻ nhau như thế. Không hiểu sao họ chỉ nói tới Mặt Trận Giải Phóng Miền
Nam. Trước họ, nhiều người đã đi ngược lên tới Mặt Trận Tổ Quốc, và xa hơn Mặt
Trận Tổ Quốc: tới cái nghị quyết của đảng Lao Động đã đẻ ra Mặt Trận này.
Mặt trận này, mặt trận nọ…, đó là những bằng
chứng đã có tên gọi. Chờ cho Cộng Sản đặt tên rõ ràng các hoạt động của họ mới
chịu cho rằng họ hoạt động tức là nghĩ tệ cho họ nhiều quá. Họ đâu có chậm chạp
như vậy? Trước những hoạt động có tên gọi đã từng xảy ra nhiều hoạt động không
tên gọi, và trước cả các hoạt động không tên là những toan tính xếp đặt kỹ
càng. Khi họ nhận thấy không thể thanh toán cả nước Việt Nam một lần, mà phải
chấp nhận điều đình với Pháp để giữ lấy nửa nước, thì họ đã đặt ra ngay vấn đề:
còn lại nửa nước kia, phải giải quyết ra sao? Và họ đặt kế hoạch “giải quyết”
cùng lúc với kế hoạch điều đình. Nghĩa là vào năm 1954, chứ không phải năm
1958.
Thật vậy, hiệp định đình chiến vừa ký kết, thì
những điều khoản ngưng cuộc chiến tranh bấy giờ được họ thi hành đồng thời với
những điều chuẩn bị cuộc chiến tranh sau. Đồng thời, không muộn hơn một ngày
nào. Lúc ấy, chính quyền quốc gia lo đùm túm kéo nhau vào Nam, và tổ chức cuộc
di cư cho đồng bào miền Bắc. Di cư là đi cả nam lẫn nữ, cả già lẫn trẻ: công
chức già thì vào theo nhà nước để lãnh lương hưu, các cụ cố thì theo con cháu
vào để được nuôi nấng và chết giữa đám con cháu v.v…
Cùng lúc ấy, Cộng Sản lo liệu công việc của họ
có lớp lang:
- Vũ khí, họ chôn giấu lại một số ở miền Nam;
- Cán bộ và binh sĩ, họ chọn lựa một số cho ở
lại: có hạng được bố trí để len lỏi vào các cơ quan quốc gia, có hạng trở về
cuộc sống thường dân chờ thời cơ, có hạng đổi vùng để hoạt động, có hạng vừa
lẩn trốn vừa bám lấy địa phương để hoạt động v.v…
Địa chủ phú nông, trót bị ngược đãi tù tội,
đều được tha thứ, giải thích, dỗ dành để xóa bỏ hận thù. Những thành phần không
dỗ dành được thì họ thủ tiêu, vì xét nguy hiểm đối với tính mạng những cán bộ
nằm vùng của họ.
- Tập kết theo nguyên tắc: Đưa ra Bắc hạng
trai trẻ có thể làm việc đắc lực và sản xuất giỏi cùng hạng có uy tín có khả
năng; bỏ lại trong Nam hạng lão nhược có thể làm một gánh nặng cho quốc gia. Cố
ý gây phân ly chia cách, làm thế nào để mọi gia đình đều có kẻ đi người ở.
- Gấp rút tạo thêm nhiều liên hệ giữa thành
phần tập kết ra Bắc và dân chúng miền Nam: đặc biệt là tổ chức những đám cưới
cấp tốc khiến cho háng chục vạn binh sĩ và cán bộ Việt Cộng ra đi bỏ lại trong
Nam bấy nhiêu cô vợ trẻ, có những cô chỉ ăn ở với chồng được đôi ba hôm.
Bấy nhiêu cô vợ trẻ và gấp đôi gấp ba chừng ấy
cha mẹ già cùng cô cậu chú bác v.v… là một lực lượng đáng kể. Bằng chính sách
tập kết và gây liên hệ này, Cộng Sản cưỡng bức một số người về sau phải làm nội
tuyến cho chúng.
Ngay từ đầu, tình cảm của những người này đã
hướng về Bắc, theo bóng kẻ thân yêu. Thái độ và hoàn cảnh éo le của họ khiến
nhà chức trách địa phương lo ngại, đề phòng. Do đó, họ thành một khối người dần
dà sống cách biệt, nếu không là đối lập với chính quyền miền Nam. Một vài
trường hợp đối xử vụng về bị khai thác, một vài sự hiểu lầm bị xuyên tạc: thế
là mâu thuẫn giữa hai bên trở thành trầm trọng. Rồi một ngày kia, chuyện được
tính trước sẽ xẩy ra. Xin thử tưởng tượng: gia đình có đứa con hay người chồng
ra Bắc năm 1954, hai năm sau, một đêm nào đó, có kẻ lạ mặt lẻn vào nhà, lén lút
trao cho xem một lá thư và một tấm hình mới nhất của con hay của chồng từ Bắc
mang vào, gia đình nọ làm sao nỡ tố giác kẻ lạ mặt, dù biết họ đang gây loạn.
Đã không tố giác được, tất cả phải che giấu, nuôi dưỡng mối liên lạc. Từ việc
này đến việc khác, gia đình nọ dần dần đi sâu vào sự cộng tác với tổ chức bí
mật của đối phương, chịu mệnh lệnh của họ, rốt cuộc gia nhập hẳn vào hàng ngũ
của họ.
Chính vì như thế mà thư từ hình bóng của cán
binh tập kết có giá trị đặc biệt quan trọng: những năm 1956, 57, 58, cán bộ từ
ngoài Bắc xâm nhập vào hoạt động, trong người họ bao giờ cũng mang theo một số
thư từ, hình bóng của cán binh tập kết. Đó là lợi khí hết sức đắc dụng giúp họ
đặt các cơ sở quần chúng đầu tiên. Gây được cơ sở quần chúng, vận động được sự
đóng góp số lương thực tiền bạc cần thiết để nuôi quân rồi, bấy giờ các lực
lượng vũ trang tại chỗ bắt đầu được thành lập, các lực lượng vũ trang ngoài Bắc
kéo vào. Sau đó mới có cái Mặt Trận Giải Phóng ra đời.
Như vậy, cuộc chiến hiện nay không hề khởi đầu
từ những bất mãn chống một chế độ độc tài gia đình trị, không hề khởi đầu từ
sau việc chính quyền Sài Gòn từ chối cuộc tổng tuyển cử 1956, không hề khởi đầu
từ ngày khai sanh mặt trận nọ mặt trận kia. Cuộc chiến này xuất hiện ngay từ
những cuộc liên hoan chia tay giữa kẻ ở người đi trong thời hạn 300 ngày tập
kết, những cuộc liên hoan có hát có múa, có bánh trái tiệc tùng. Nó xuất hiện
ngay từ những đám cưới vội vã sau ngày đình chiến, những đám cưới lắm khi tổ
chức tập thể, do trưởng cơ quan trưởng đơn vị chủ tọa. Nạn nhân đầu tiên của
cuộc chiến này không phải là những kẻ ngã gục vào 1958, 1959, mà là những cô
gái tức khắc biến thành góa bụa từ 1954.
Dân chúng miền Nam ai nấy đều biết những bận
rộn tới tấp, những công việc bề bộn ngổn ngang mà nhà cầm quyền Cộng Sản hồi ấy
phải làm cho kịp trước khi rút ra Bắc. Trong hoàn cảnh rộn ràng bấy giờ, nếu
không vì lý do quan trọng, chắc chắn đảng và nhà nước Cộng Sản hồi ấy không đến
nỗi quá sốt sắng lo cưới vợ cho cán binh như thế. Chắc chắn dù tìm trong bất cứ
thời kỳ lịch sử nào của bất cứ dân tộc nào, cũng hiếm thấy một trường hợp chính
phủ lo vợ túi bụi đến chừng ấy.
Cũng như hiện nay, trong giai đoạn ác liệt sau
cùng của chiến cuộc tại miền Nam này, nếu không vì lý do quan trọng, đảng và
nhà nước Cộng Sản nhất định không bao giờ khổ công gom góp thiếu nhi ở đây đưa
ra Bắc, trải qua bao nhiêu gian nan khó nhọc, trong những điều kiện di chuyển
nguy hiểm đến nỗi cả các binh sĩ khỏe mạnh của họ cũng phải hao mòn suy kiệt
dọc đường.
Đưa thiếu nhi miền Nam ra Bắc, không phải Cộng
Sản nhằm làm nhẹ gánh nặng nuôi dưỡng, giúp các ông tổng trưởng kinh tế hoặc xã
hội của chúng ta. Mọi người đều rõ, tại Bắc Việt và Trung Cộng, người ta tiết
giảm sinh sản rất gắt gao: họ hạn chế hôn nhân, hạn chế luyến ái. Đưa thiếu nhi
miền Nam ra Bắc, cũng không phải Cộng Sản nhằm giúp tổng trưởng giáo dục của
chúng ta một tay để giải quyết nạn thiếu trường ở trong này.
Trong giới quan sát nhiều kẻ bảo rằng Bắc Việt
kiệt quệ rồi, không đủ sức kéo dài chiến tranh nữa, họ bối rối lắm, luống cuống
lắm. Dù không tin vào nhận định ấy, ít ra cũng phải chịu rằng lúc này họ bận
trăm công ngàn việc, nếu chuyện bắt trẻ miền Nam không có một tầm quan trọng
đặc biệt thì họ không hơi đâu nghĩ đến. Đàng này họ đang ra sức thực hiện một
kế hoạch bắt trẻ qui mô trên một phạm vi hết sức rộng lớn: đồng loạt, người ta
phát giác ra trẻ em bị bắt ở khắp nơi trên toàn quốc Việt Nam Cộng Hòa, từ
Quảng Trị, Thừa Thiên, Pleiku, Kontum, đến Mỹ Tho, Cà Mâu, người ta gặp những
toán trẻ em chuyển ra Bắc Việt bằng phi cơ từ Cam Bốt, hoặc bị dẫn đi lũ lượt
trên đường mòn Hồ chí Minh, nghĩa là bằng mọi phương tiện, một cách gấp gáp.
Họ bổ sung quân số đó chăng? Không đâu. Trẻ bị
bắt có hạng mới tám chín tuổi. Trong những trường hợp khẩn cấp, họ có thể tạm
sử dụng một số trẻ con bắt được ngay tại địa phương; chứ thành lập những đơn vị
con nít như thế để dùng ngay vào chiến cuộc này là chuyện điên rồ. Không phải
bổ sung quân số đưa vào chiến cuộc đang kết thúc đâu, mà là họ đang tổ chức
chiến cuộc mai sau đấy.
Đem chút ít kinh nghiệm về lần trước để suy
nghiệm về lần này, chúng ta thấy trước dăm ba điều họ sẽ làm sau khi thỏa ước
ngưng chiến được ký kết:
- Họ sẽ bỏ lại miền Nam tất cả những thương
phế binh, những cán bộ lâm nạn, tàn tật, v.v… Mang mỗi phần tử vô dụng như thế
về Bắc chỉ gây thêm xúc động tâm lý trong quần chúng ngoài ấy; để hạng ấy ở
lại, họ tạo thêm gánh nặng cho kinh tế miền Nam;
- Lúc cuộc “chiến tranh chính trị” mà các nhà
lãnh đạo miền Nam vẫn nói được bắt đầu, thì bao nhiêu ức vạn gia đình có con
cháu ra Bắc (và những cô gái có chồng lính cưới vội cưới vàng trước khi về Bắc
nữa) hóa ra những thành phần mà chánh quyền không sao lôi kéo tranh thủ nổi.
Lòng họ hướng về những con tin ở ngoài Bắc, phân nửa sinh mạng họ do nhà đương
cuộc miền Bắc định đoạt. Thái độ của họ khiến nhà chức trách địa phương có thể
phạm vào vài biện pháp kỳ thị vụng về: thế là phát sinh mâu thuẫn, bất mãn,
chống đối, v.v…
Một ngày nào đó, những cán bộ từ Bắc lại lén
lút xâm nhập, mang theo thư từ của con, của chồng họ: họ mừng như mở cờ trong
bụng. Họ bắt tay cộng tác với những cán bộ nọ, cùng nhau hoạt động để tạo điều
kiện cho chồng con sớm trở về ồ ạt theo những đơn vị Nam xâm v.v… Cán binh gốc
người miền Nam đưa ra Bắc, rồi lại phải trở vào có nhiều cái lợi: khi được lệnh
vào Nam hoạt động, họ mừng rỡ vì có cơ hội về quê; họ ra đi lặng lẽ, không có
bà con thân thuộc ở Bắc nên không gây xao xuyến gì trong dân chúng, vừa giữ
được yếu tố bí mật vừa tránh được tác động tâm lý bất lợi: họ lại được mong chờ
đón đợi ở miền Nam; và họ thông thạo am hiểu về dân tình cùng địa thế miền Nam.
Như thế, chủ trương bắt đám trẻ em ở miền đồng
bằng Nam Việt bát ngát, phì nhiêu đem ra xứ Bắc đông người đất hẹp, nhà cầm
quyền Hà Nội chính đang bắt đầu chiến cuộc mai sau ngay từ lúc này, lúc mà
chúng ta còn đang xôn xao mong ước ngừng chỉ chiến cuộc hiện tại. Nói họ bắt
đầu lúc này cũng chưa đúng: thực ra các tài liệu về “vấn đề gửi các cháu ra
miền Bắc” đã được phổ biến trong hàng ngũ Cộng Sản từ tháng 4-68, và thúc dục
thực hiện trước mùa mưa năm nay. Tháng 4-68, tức là liền ngay sau khi tổng
thống Mỹ mở miệng thốt ra vài dấu hiệu tỏ ý xuống thang chiến tranh để đi tới
điều đình.
Điều đình để nghỉ ngơi, đối với Mỹ và chúng ta
là thở ra một hơi dài nhẹ nhõm. Điều đình đối với Cộng Sản là bỏ cuộc nửa
chừng, là đành không ăn được keo này. Thua keo này họ bày liền keo khác ngay,
vì ngưng chiến thế này, theo họ, là một sự dở dang, là chưa hoàn tất công việc.
“Thế này rồi thôi luôn hả? Nói thế mà nghe được! Sao có thể quan niệm một cách
giải quyết giản đơn, vô duyên đến thế?”.
Ý tưởng về ngưng chiến của chúng ta dính liền
với một mơ ước xây dựng: bao nhiêu tỷ bạc cho miền Nam, bao nhiêu tỷ bạc cho
miền Bắc, trao đổi kinh tế ra sao, trao đổi văn hóa thế nào v.v… Ý tưởng về
ngưng chiến của Cộng Sản dính liền với một kế hoạch tấn công quân sư… Và những
nạn nhân đầu tiên của trận chiến tương lai là những đứa bé con và bố mẹ chúng
đã chịu đau thương từ sáu tháng qua rồi. Trận chiến tranh tương lai đã chọn nạn
nhân của nó trong đám trẻ thơ, đàn bà miền Nam, để biến họ thành con côi vợ góa.
Xong rồi. Việc đã bắt đầu từ nửa năm nay rồi.
Trước một đối thủ như thế, thái độ của những
chính khách Việt Mỹ hàng ngày đấm ngực đồm độp, băn khoăn, tự trách mình cái
lỗi không kết thúc được chiến cuộc, thái độ ấy ngây ngô đã đành. Thái độ của
những người hớn hở với một kế hoạch kinh tế hậu chiến nào đó, nghĩ cho cùng
cũng mỉa mai tội nghiệp: liệu rồi hưởng được mấy năm hòa bình trước mắt mà hí
hửng tính chuyện xây dựng, mà mơ ước cảnh thịnh vượng? Rồi đến thái độ của
những kẻ nhìn xa để báo động về một cuộc chiến tranh chính trị: bảo rằng đối
phương rồi đây chỉ có hoạt động chính trị, như vậy không khác gì chỉ vào con
cọp mà gọi là con chó. Gần như tự lừa mình, như giúp địch ngụy trang.
Dù cho chỉ có chiến tranh chính trị với nhau,
đố ai, đố đảng phái nào, liên minh nào, phong trào nào của chúng ta mà thuyết
phục được mấy vạn ông bà cha mẹ có con cháu ở Bắc, mấy vạn góa phụ có chồng ở
Bắc, thuyết phục được họ thành thực theo ta? Chỉ nắm lấy chừng ấy vạn người,
Cộng Sản Bắc Việt đã có trong tay một lực lượng to lớn hơn mọi đoàn thể chính
trị của chúng ta. Lực lượng nằm ngay trong lòng quần chúng ta, hàng ngũ ta mà
hoạt động. Ấy là chỉ so sánh về lượng. Mặt khác, trong số các đoàn viên phong
trào quốc gia, đảng viên quốc gia, v.v… hạng thực sự nhiệt thành vì lý tưởng
được bao nhiêu? Và riêng trong hạng nhiệt thành có được bao nhiêu kẻ mà lòng
thiết tha đối với lý tưởng có thể mạnh hơn lòng thiết tha đối với chồng con của
những phần tử bị Cộng Sản lợi dụng kia?
Dù chỉ có đấu tranh chính trị với nhau thôi, chúng
ta đã bất lợi như thế. Huống chi đó chỉ là hành vi tốt lành lương thiện mà ta
gán cho đối phương. Còn họ, nếu vạn nhất trong thời gian năm bảy năm sắp tới mà
đất nước này thoát khỏi một trận chiến tranh nữa, thì đó là ý trời, không phải
là ý của họ đâu. Ý của họ, nó tàn nhẫn đến nỗi chúng ta không dự liệu tới,
không tưởng tượng được. Đó là chỗ nhược của ta.
Năm 1954, sau chín năm ê chề mòn mỏi vì chiến
tranh, thấy hòa bình ai nấy nhẹ nhõm; nếu có kẻ nào lúc đó mà xếp đặt một cuộc
tàn sát nữa, kẻ ấy tất ban đồng dạ sắt. Thì Hồ chí Minh đã xếp đặt cuộc tàn sát
ngay vào thời kỳ ấy.
Năm 1968, sau hăm ba năm chiến tranh thảm
khốc, nghe nói hòa bình mọi người mừng rơn. Nghĩ tới hàng triệu người đã bỏ
thây trong thời gian qua, ai cũng tưởng làm người Việt Nam mà có kẻ dám để ý
nghĩ mon men đến chiến tranh nữa, kẻ ấy thật mặt dầy mày dạn, tán tận lương
tâm. Thì Hồ Chí Minh đang xếp đặt thêm một cuộc chiến tranh.
Vậy mà ông ta vẫn an nhiên hưởng sự trọng vọng
của bao nhiêu người, kể cả người Việt Nam! Cho hay cái sản phẩm quái dị của thế
kỷ văn minh này là tuyên truyền chính trị, nó có một ma lực mê hoặc phi thường.
Không phải thứ tuyên truyền yếu ớt vận dụng một cách khó khăn trong khung cảnh
các nước tự do, mà là thứ tuyên truyền một chiều, qui mô, toàn diện, có thể sử
dụng các quyền lợi kinh tế hỗ trợ cho nó như ở tại các quốc gia độc tài: Nga
Xô, Trung Cộng, Bắc Việt, Đức quốc xã v.v…
Và Hồ Chí Minh không phải chỉ được thứ tuyên
truyền ấy xóa cho mình cái chân tướng hiếu sát phi nhân. Ông ta còn hóa thành
thiên tài lỗi lạc dưới mắt nhiều người vì đã tổ chức giặc giã trong một phần tư
thế kỷ để giành nửa nước, trong khi tại khắp các nước Á Phi, những lãnh tụ bất
tài nhất cũng dần dần thu hồi được độc lập toàn vẹn cho quốc gia họ với những
tổn thất nhẹ hơn nhiều. Ông ta còn hóa thành chính trị gia khôn ngoan, thành
“cha già dân tộc” dưới mắt nhiều người, trong khi ở các xứ khác cũng lâm vào
tình trạng lưỡng phân không có chính quyền nào nỡ giải quyết tình trạng một
cách vô hiệu mà bất nhân đến thế, trải bao nhiêu năm cứ nhất mực khăng khăng
chủ trương hết cuộc tàn sát này đến tàn sát nọ, không một mảy may sờn lòng xúc
cảm trước cảnh chết chóc thê thảm làm cho cả nhân loại đều ái ngại.
Người như thế, không biết lòng dạ ra sao, tim
óc ra sao. Bảo rằng cùng trong một người, vừa chứa đầy những kế hoạch xua ngay
đồng bào mình vào chiến tranh liên tiếp vừa có chỗ cho tình yêu thương đồng
bào, thật không thể hiểu thấu.
Những lời trên đây không được nhã nhặn. Quả
thật không nhã nhặn. Và kẻ viết ra phải lấy làm ngượng về lời lẽ mình. Nhưng
khi mình là dân một nước đã trải qua bao nhiêu năm khói lửa, rồi lại trông thấy
trước mắt một viễn tượng đầy máu me, khi ấy nói về kẻ gây thảm họa thật khó giữ
lòng bình thản để nói lời tao nhã.
Có thể nào không giận? Ông ta bảo phải đeo đuổi
cuộc tàn sát nọ là vì nguyện vọng dân tộc?
Trời, dân tộc này ai cũng xưng biết rõ vanh
vách nguyện vọng, ai cũng đòi hành động nhân danh nguyện vọng dân; có điều mỗi
người nêu lên một nguyện vọng khác nhau, hoàn toàn khác nhau, lắm khi mâu thuẫn
nhau. Đâu là nguyện vọng đích thực, để hồi sau phân giải. Cái chắc chắn là dân
tộc này không hề nằng nặc thiết tha với Cộng Sản đến nỗi chịu chết năm ba thế
hệ liên tiếp để rước kỳ được chế độ ấy về. Vả ông ta chừng ấy tuổi tác rồi, tai
nghe mắt thấy đã nhiều, từng trải việc đời đã nhiều, ông ta đâu còn ngây thơ mà
quáng mắt vì những danh từ khoác lác, những hứa hẹn hão huyền xa xôi của một
chủ thuyết. Ông ta hẳn thừa rõ những gì đê tiện xấu xa xảy ra phía sau các khẩu
hiệu tuyên truyền, thừa rõ con đường từ Hung-gia-lợi, Lỗ-ma-ni tiến đến dân chủ
và hạnh phúc, phải xa hơn con đường từ Thụy-sĩ, Phần-lan.
Mà dù cho ông ta có không nghĩ như thế, cho
rằng Tiệp Khắc sung sướng và tự do hơn Thụy Điển đi chăng nữa, thì sự hơn thua
chút ít cũng không đến nỗi bắt phải đổi lấy bằng ba bốn cuộc chiến tranh trong
đôi ba mươi năm liền. Đáng lẽ ông ta để cho dân tộc nhỏ bé đã chịu quá nhiều
đọa đầy vì ngoại thuộc này được yên thân để làm ăn, để sống cho ra sống trong
ít lâu.
Đã không vì nguyện vọng, quyền lợi dân tộc,
ông ta hành động vì lẽ đảng ông ta nhất định phải thắng các đảng khác, vì lẽ
người như ông ta không chịu thất bại nửa đường?
Chừng ấy tuổi tác rồi, lẽ nào vì tranh thua,
mà ông mạnh tay sát hại đồng bào không xót thương đến thế ? Người ta có thể vì
tức khí, nóng giận mà tàn nhẫn, vung tay quá đà. Đó là chuyện nhất thời. Còn
ông, hăm ba năm rồi, ông dai dẳng quá.
Vì cuồng tín chăng? Vì tự ái chăng? Vì cái gì
ông ta cũng đáng trách đáng giận quá.
Nhưng trong vấn đề này, trách móc với giận hờn
đâu có ăn thua gì. Một biểu thị tình cảm thật vu vơ, vô hiệu. Ăn thua chỉ có
chiến lược thâm hiểm, hành động thích hợp. Lời nói dù nhã hay bất nhã rồi sẽ
bay đi theo mây gió. Chỉ có hành động mới sửa đổi được tình thế. Mà hành động
thì rồi chắc chắn ở phía bên này thoạt tiên ai nấy sẽ nhảy lên mừng hòa bình,
rồi tiếp đó sẽ bất đồng cãi cọ nhau ỏm tỏi về chuyện xây dựng, sẽ tranh nhau
làm ăn tới tấp. Cùng lắm, lâu lâu sẽ có người sáng suốt nhắc khẽ đến chiến
tranh chính trị. Thế thôi.
Trong lúc ấy Bắc Việt lặng lẽ điều khiển cán
bộ của họ ở trong này âm thầm nhen nhóm cơ sở. Rồi đôi ba năm sau, một ngày nào
đó xét thấy thuận tiện, họ cho lệnh bùng nổ. Thế là chiến tranh tái diễn.
Chiến tranh tái diễn: mọi người trên thế giới
đang sống an lành bỗng bị quấy rầy, bị ảnh hưởng, có một số bị lôi cuốn vào
cuộc chiến, lấy làm lo ngại, bực mình, quay đầu về cái xứ lắm chuyện này nhìn
bằng cái nhìn xoi mói, nghiêm khắc, trách vấn: “Rầy rà thật! Ra cái xứ ấy tệ
thật, tự xử không nên thân. Loạn lạc này đích thị do độc tài, tham nhũng, bất
công, kỳ thị tôn giáo v.v… khiến dân chúng nổi lên chống chế độ. Dung dưỡng
những chính quyền, những chế độ như thế chỉ tổ tai hại v.v…
Chiến tranh ác liệt thêm: lương tâm nhân loại
bị xúc phạm, các nhà triết học gọi nhau họp ở Thụy Điển, các luật gia rủ nhau
họp ở Grenoble, v.v… trịnh trọng suy tư, trịnh trọng bàn cãi, rồi lên án, kết
tội, v.v… Trong khi ấy các lãnh tụ Hà Nội họ chỉ cần khéo che miệng nín cười.
Đó là điều quan trọng: họ không được phép cười. Họ không được phép chế giễu
lương tâm và trí thông minh của loài người. Họ không được vô lễ; họ chỉ được
tiếp tục đánh thật mạnh.
Cứ thế cho đến khi hoặc chúng ta chịu không
nổi những đòn đánh từ bên ngoài và những đằn xóc từ bên trong, chúng ta bỏ cuộc
và Cộng Sản tiến đến Cà Mau, hoặc bên phía chúng ta cùng đồng minh có những kẻ
thật chì; Cộng Sản liệu ăn không nổi, thế là lại điều đình và lại xếp đặt một
kế hoạch khác. Như vậy không biết đến bao giờ.
Còn vai mươi năm nữa, chúng ta bước sang thế
kỷ XXI. Nhiều người xem như bước sang một kỷ nguyên mới, một nền văn minh mới:
con người sẽ không chỉ biết có quả đất, nhiều quốc gia sẽ tiến đến nền kinh tế
kỹ nghệ hậu. Đó chưa hẳn là cực lạc. nhưng cũng là cái gì vượt xa tình trạng
hiện tại. Thiên hạ nô nức đua nhau tiến đến mặt trăng, đến kinh tế kỹ nghệ, đâu
như thể cá vượt Vũ môn.
Riêng dân tộc chúng ta, ba mươi năm nữa e vẫn
còn đánh nhau, nửa nước túm lấy nửa nước dìm nhau trong bể máu. Các dân tộc,
bất cứ da đen hay da đỏ, đều có thể nô nức, hy vọng ở thế kỷ XXI . Riêng chúng
ta, chúng ta chỉ còn có mỗi một điều để đón đợi: là hết chiến cuộc này đến
chiến cuộc khác, nếu Hà Nội không từ bỏ quyết tâm của họ. Và cho đến bây giờ,
họ chưa có dấu hiệu từ bỏ.
Hỡi các em bé của đồng bằng Nam Việt xanh ngát
bị bắt đưa đi, từng hàng từng lớp nối nhau dìu nhau ra núi rừng Việt Bắc! Riêng
về phần mình, các em đã chịu côi cút ngay từ lúc này; còn đất nước thì sẽ vì
những chuyến ra đi của các em mà lâm vào cảnh đau thương bất tận. Tai họa hiện
xảy đến cho các em cũng là tai họa về sau cho xứ sở. Đã sáu tháng qua rồi. Dù
người ta có thôi dài cổ ngóng về Ba-lê, đề nghị cách cứu em, thì cũng đã muộn.
Nhưng đâu có ai chịu thôi ngóng chờ? Và trong không khí thấp thỏm chờ đợi hòa
bình, ngay ngày báo chí chỉ những rập rình từng thoáng tin ngưng oanh tạc, tôi
hướng về các em những ý nghĩ vô cùng buồn thảm, đen tối.
Đó là số phận những em bé được cái đầu óc lắm
mưu nhiều kế của bác chiếu cố, được bàn tay đẫm máu của bác vuốt tóc, xoa đầu.
Muốn biết nỗi đau đớn của những người bị mất con, muốn đo lường mức tàn nhẫn
độc ác của bác, hãy đi hỏi những bậc cha mẹ có con bị bắt cóc hay mất tích.
Tội nghiệp những em bé chín mười tuổi ở miền
Nam, những bóng dáng xinh đẹp Thượng Đế sinh ra để tung tăng trên những cánh
đồng xanh thơm ngát và an bình. Bé gái đang chiều chiều phụ mẹ nấu bếp, chăn
đàn gà, nuôi con heo. Bé trai đang vác cần câu, xách giỏ hớn hở theo cha vào
sông lạch tìm con tôm, con cá. Đột nhiên chúng biến mất. Vào lúc cha mẹ chúng
nhếch nhác khóc lóc chạy khắp làng trên, xóm dưới tìm con thì chúng bước thấp
bước cao chập chờn trong rừng sâu, trên đường ra Bắc. Rồi chúng biến thành công
cụ gây chiến của bác.
Ít năm sau, bác trả về cho những ông cha bà mẹ
khốn khổ ấy một thanh, thiếu niên bị quỷ ám, trong cái linh hồn vô tội lúc bị
bắt cóc giờ chỉ đầy ắp những căm thù, những khao khát muốn chém, muốn giết. Cha
mẹ nào nỡ tố cáo con dù biết trong cái xác do mình đẻ ra kia đã chứa một linh
hồn quỷ. Và những đứa trẻ ấy, theo đúng lời bác dậy, cứ nỗ lực phá cho tan nát
vùng đất tự do cuối cùng của cha mẹ ông bà, xóm giềng.
Lũ trẻ đồng xanh miền Bắc đâu có may mắn gì
hơn. Không cần một kế hoạch qui mô, quỉ quái, từ Bắc Bộ Phủ, bác chỉ quơ nhẹ
tay là tóm cổ được hết. Chỉ khác, khi đi ngược chiều với lũ trẻ miền Nam trên
đường mòn cũng mang tên bác, trẻ đồng xanh miền Bắc nay đã cứng cáp, vững vàng,
đã biết bắn giết chẳng ghê tay.
Trên cổ đám trẻ đồng xanh của cả hai miền, bác
đóng cho những cái gông giống hệt nhau. Gông nào gông nấy to tổ chảng, nặng
chình chịch, nhưng lại có những tên hoa lá cành: giải phóng đất nước, chống Mỹ
diệt Ngụy, trường kỳ kháng chiến cứu nước v.v… Và dù đi xuôi hay đi ngược phần
lớn các em cùng gặp gỡ ở một tương lai: phơi thây chiến địa để lót đường cho
một anh già độc ác, mù quáng, tự ái lẩm cẩm ở Bắc Bộ Phủ có thể đặt bàn thờ Lê
Nin trên khắp hai miền đất nước.
“Tương lai trẻ em” “Tương lai dân tộc” thường
là những món hay được các nhà cách mạng nhân danh để nêu cao chính nghĩa. Người
ta chịu gian khổ, chiến đấu, hy sinh chỉ vì muốn các thế hệ sau khá hơn, xã hội
tương lai sáng sủa hơn. Nhưng bác Hồ càng chiến đấu hung hãn càng đưa đất nước
vào con đường mạt rệp. Những em bé chết trong sân trường Cai Lậy trước 75 đã
muôn phần hạnh phúc hơn những đứa bé tắt thở trên vỉa hè Sài Gòn, dưới mái lều
vùng kinh tế mới hiện giờ … Bởi vì khi nhắm mắt lìa đời, chúng không bị bỏ đói.
Hàng vạn đồng bào Việt Nam bị phá sản hoặc bị
thực dân tàn sát (trong khi bác ngồi khoái tỉ trên tàu chiến Tây, hay đê mê
nghe thụt hai mươi mốt phát đại bác ở vịnh Hạ Long) sẵn sàng tha thứ cho bác,
hàng trăm ngàn người chết thảm trong kỳ cải cách ruộng đất sẵn sàng tha thứ cho
bác, những trẻ đồng xanh của hai miền Việt Nam sẵn sàng hy sinh cho bác, cả quê
hương Việt Nam sẵn sàng chịu tàn phá điêu linh vài thập niên v.v… nếu cái chỗ
bác muốn đưa đất nước đến là một chỗ khấm khá, nếu bác tạo cho trẻ thơ Việt Nam
một cuộc đời no đủ, tiến bộ và hạnh phúc hơn.
Nhưng quê hương đất nước, trẻ em Việt Nam giờ
này ra sao thì cả thế giới biết rồi. Chế độ Cộng Sản, cái chế độ mà bác đã trả
giá bằng núi xương sông máu để rước về cho dân tộc hay ho cỡ nào thì cả thế
giới cũng biết rồi. Nhân dân ngày đêm cầu nguyện, mơ ước được sống trong cái
thế giới mà bác đã bắt họ căm thù, xua họ đi đập phá trước đây. Trong những
dinh thự dành cho giai cấp vua quan mới chỉ thấy những khuôn mặt già nua, mù
quáng, cuồng tín, bất tài trong việc mưu cầu phúc lợi, nhưng nham hiểm, độc ác
trong việc cùm đầu, xiết cổ nhân dân. Hết thập niên này qua thập niên khác, các
đấng Cộng Sản chúa, Cộng Sản theo đuôi đua nhau ba hoa, khoác lác đủ điều …
cuối cùng tất cả chỉ nói được một câu thực có ý nghĩa, thực đúng là: “Chúng tớ
đã sai lầm!”.
Sai lầm rồi sao? Lầm đến độ tiêu tùng hàng
triệu mạng, tan nát cả quê hương, kẻ lầm lẫn có liêm sỉ chắc phải tự treo cổ,
hèn nhất thì cũng rời khỏi vai trò lãnh đạo. Nhưng chế độ Cộng Sản, những anh
tự xưng là “cha già dân tộc” cứ tha hồ lầm, tha hồ sai trật… và rồi bình thản
tiếp tục ngồi trên đầu trên cổ dân tộc, tiếp tục lãnh đạo. Mảnh giang sơn gấm
vóc tiền nhân để lại, cuộc đời của hàng triệu con người rút cục giống như những
con chuột, con ếch trong phòng thí nghiệm, bị dùng để thử thuốc cai trị mới của
bác, của đảng.
Những em bé đói cơm, thiếu sữa ngồi khóc sụt
sùi trong những gia đình tóc tang, chia lìa trên một quê hương nghèo đói, điêu
tàn là tác phẩm của bác, là sự nghiệp của bác. Sự nghiệp ấy được hoàn thành nhờ
sinh mạng của hàng triệu người, nhờ biết bao trẻ đồng xanh chết bụi, chết bờ.
Muốn biết bác đã làm hại quê hương, dân tộc đến cỡ nào hãy so sánh những đứa
trẻ ở miền tự do với những đứa trẻ đang nằm trong vòng tay nuôi dưỡng của vị
“cha già dân tộc” và bè lũ.
Dưới chế độ ù lì, thiếu sinh khí hơn cả cái
xác ướp của bác, những trẻ em Việt Nam vốn tốt tươi, sáng láng đang bị bỏ đói,
từ thân xác đến trí tuệ đều èo uột, thiếu dinh dưỡng. Có những em bé vốn dĩ
thông minh, chỉ vì ăn không đủ no mặc không đủ ấm, phải tự phát triển khả năng
xảo quyệt, gian trá để sống còn và trở thành những đứa bé tục tằn, độc ác.
Trong khi đó, những em bé thoát được đến vùng đất tự do bên ngoài quê hương
đang đứng ngang hàng cùng trẻ em khắp thế giới. Các em khỏe mạnh, đẹp đẽ và
thông minh, hiên ngang đóng góp cho sự tiến bộ, sự phồn thịnh, và cho hạnh phúc
của loài người. Cỏ cây không mọc được trên vùng đất gốc nguồn. Mầm xanh của dân
tộc chỉ mạnh mẽ, tốt tươi, vươn mình lớn dậy ở những nơi… bên ngoài quê hương!
Thành tích của bác Hồ đâu phải chỉ là một
triệu mạng người trong quá khứ. Bàn tay tàn sát của bác thật sự đã vươn tới
những thế hệ mai sau, gây thương tổn cho dân tộc không biết tới bao giờ! Mai
đây, có thể lũ hậu duệ của bác sẽ noi gương quan thầy, sẽ vẽ lại chân dung thực
của bác với đầy đủ sừng, mỏ nanh vuốt. Như Stalin rớt từ ngôi vị cha già dân
tộc xuống vị trí một tên cuồng sát. Như Mao Trạch Đông hết là ông thánh toàn
hảo mà đã hiện nguyên hình là một lãnh tụ đầy lỗi lầm. Những mặt nạ thánh thiện
lần lượt được lột khỏi mặt mấy xác chết của những đại đồng chí khát máu, độc
tài. Có thể Hà Nội sẽ cất bác đi cho đỡ xấu hổ.
Trong trường hợp ấy, cuốn sách tự nâng bi với
mặt nạ Trần Dân Tiên cần được lưu trữ song song với cuốn sách này. Sách bác Hồ
và sách Kiều Phong phải đi đủ cặp, phải trường tồn như nhau. Thứ nhất là để mua
vui và cho bác tí công lao. Sau hơn một phần tư thế kỷ gieo rắc tiếng khóc than
trên khắp đất nước, ít nhất cũng có lúc bác làm được một cử chỉ đẹp: viết sách
tặng cho chúng ta một trận cười. Thứ nhì là để gửi lại cho những thế hệ sau một
vài kinh nghiệm: trong hàng ngũ quỷ xanh, quỷ đỏ vây quanh loài người, nguy
hiểm độc hại nhất vẫn là những con quỷ tưởng mình đang làm công việc của Thiên
Thần.
Bác Cũng Có Công
Từ đầu tới cuối sách chỉ toàn vạch ra những
chỗ nhố nhăng lố bịch của bác, thế nào Kiều Phong cũng bị bọn văn nô nhâu nhâu
chê là thiếu vô tư, công bằng. Để tỏ rõ phong thái đường hoàng, đại lượng của
một người Quốc Gia chân chính, Kiều Phong công khai dõng dạc xác nhận rằng bác Hồ
có tới hai công trình, sự nghiệp rất ích lợi và xây dựng. Vâng, xét lại toàn bộ
sự nghiệp bác, Kiều Phong hoan hỉ thấy rằng có tới hai lần bác đã làm được
những việc thực sự có ích cho đời:
Vụ thứ nhất là vào một ngày mưa gió bão bùng,
sợ chủ đói, bác kéo lê những rổ rau trên sàn tàu, tự du mình vào cái thế suýt
bị sóng cuốn chết mất xác. Dù rằng vì vận nước Việt không khá, bác sống sót.
Nhưng cái công bác xém trừ khử được một tên quốc tặc, cũng đáng được ghi nhận.
Vụ thứ hai là bác ngồi hì hục viết cuốn hồi ký
tự nâng bi này, trình làng một bản tự khai, tự thú đầy đủ chi tiết để Kiều
Phong có dịp lập bản án, thẳng cánh tống giam kẻ hại nước, tàn dân vào vĩnh
cửu.
Kiều Phong – San Diego.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét