Về gốc gác, gia tộc của bác Hồ, chú Trần Dân Tiên viết:
“Hồ
chủ tịch sinh năm 1980. Quê người ở làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An
(Trung bộ). Phụ thân người là một cụ Phó Bảng, nhưng gia đình người là một gia
đình nông dân” (trang 8).
Tại sao bác phải
“nhưng gia đình người là một gia đình nông dân” thì ai cũng biết, bởi vì lũ dân
con của bác, bác truy đến ba đời nhà chúng nó để hành tội, chả lẽ ông chủ tịch
lại là con của một tay phong kiến hạng nặng. Thế nhưng tại sao ông già bác là Phó
Bảng mà gia đình bác vẫn cứ là nông dân thì bác không chịu nói, không giảng
giải một lời. Chỗ này chú Trần Dân Tiên gặp chuyện khó ăn, khó nói chăng?
Sau khi viết một câu
ngắn, rất bí hiểm về ông bố, về gia đình mình, bác bắt đầu lờ tịt đi. Bác xoay
qua nói chuyện ông… Phan Đình Phùng, ông Hoàng Hoa Thám, hai người lãnh đạo
cuộc kháng chiến chống Pháp. Người đọc, thoạt đầu, không dám nghĩ là bác lạc
đề. Vừa nghe bác nhắc đến ông già lại thấy bác kể liền tới chuyện Phan Đình
Phùng, Hoàng Hoa Thám, người đọc chờ đợi bác đưa ra sự liên hệ giữa ông bố và
hai nhân vật anh hùng này. Hèn ra thì cũng có một màn ông Phó Bảng đi theo phò
tá người làm việc lớn. Tóm tắt là ông Phó Bảng có đóng góp tí ti cho phong trào
chống Tây. Nhưng không! Càng đọc thì càng thấy ông Phó Bảng bị quên luôn. Ông
ấy chẳng dính dáng tí ti nào đến những chuyện nước non. Thành tích của thân phụ
bác chỉ là cụ Phó Bảng. Hết!
Ông
Phan Đình Phùng, ông Hoàng Hoa Thám và các người Việt yêu nước khác muốn xả
thân chống Tây thế nào cũng được, cụ Phó Bảng vẫn bình chân như vại đứng bên
lề. Trong đoàn quân kháng chiến không hề có bóng dáng cụ. Bác Hồ viết:
“Cụ
(Phan Đình Phùng) tổ chức những phần tử trí thức và nông dân Trung bộ, lãnh đạo
họ đấu tranh gian khổ chống bọn xâm lược… Bọn Pháp bắt nông dân từ mười tám đến
năm mươi phải đi phu… Năm 1907, lần đầu tiên nông dân ở các tỉnh Trung bộ nổi
dậy chống thuế”.
Ngần ấy chuyện, có
biết bao nhiêu cơ hội cho cụ Phó Bảng đóng góp. Thế mà cụ chẳng có mặt trong
đoàn quân của cụ Phan (dù cụ Phó Bảng vừa là trí thức vừa là nông dân). Trong
đám người nổi dậy chống thuế không có cụ, mà cho đến cái việc bị Tây bắt đi phu
cụ cũng lọt sổ luôn. Thế thì khoe khoang chuyện Phó Bảng ra làm gì? Thà cứ
viết: bác sinh ngày: …, tên bố bác: … , tên mẹ bác: …, lại đỡ ngớ ngẩn và không
làm người đọc chờ đợi mất công. Cách hành văn khoe khoang vớ vẩn của bác lại có
vẻ như ngầm sỉ vả ông bố về tội chẳng đóng góp được cái tích sự gì. Càng kể
thành tích chiến đấu anh dũng của người khác, bác càng làm nổi bật sự trống
rỗng, vô ích, thừa thãi của cuộc đời cụ Phó Bảng nông dân. Phải chăng cái ý
tưởng đấu tố cha mẹ đã nhen nhúm trong đầu vị chủ tịch nước từ ngày ấy?
Suốt hai trang sách,
bác viết về thành tích của các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám rồi Phan Chu
Trinh, Phan Bội Châu. Bác quên mình để ca tụng người khác rồi chăng? Không đâu.
Đến ông già bác mà còn bị cho de vì không đóng góp gì cho sự vẻ vang của bác,
các vị Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám… đâu có thể được ca tụng khơi khơi, vô
vị lợi như thế được. Bác chịu kể thành tích của họ chẳng qua chỉ để làm mình
nổi bật thêm. Đến trang 10, bác oang oang khoe rằng mình khôn ngoan, sáng suốt
hơn cả bốn vị, hơn từ lúc bác mới mười lăm tuổi! Bác viết:
“Đó
là tình trạng trong nước và ngoài nước, khi Chủ Tịch Hồ Chí Minh còn là người
thiếu niên mười lăm tuổi. Người thiếu niên ấy đã sớm hiểu biết và rất đau xót
trước cảnh thống khổ của đồng bào. Lúc bấy giờ anh đã có chí đuổi thực dân
Pháp, giải phóng đồng bào. Anh đã tham gia công tác bí mật, nhận công việc liên
lạc. Anh khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh và
Phan Bội Châu nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào. Vì:
-
Cụ Phan Chu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương, anh nhận điều đó
sai lầm, chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương.
-
Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm,
chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”.
-
Cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn, vì trực tiếp đấu tranh chống Pháp. Nhưng
theo lời người ta kể thì cụ còn nặng cốt cách phong kiến.” ( trang 10)
Cậu Nguyễn Tất Thành
lúc 15 tuổi thông minh tài giỏi cỡ nào rồi ta sẽ nói vì trong sách có ghi lại
nhiều bằng cớ. Nhưng bác xấc láo với tiền nhân đến độ khoe mình sáng suốt hơn
họ từ lúc còn niên thiếu thì bác ngu và phét lác quá. Hai chữ “phong kiến” bác
mới học được sau này, sau khi được bọn Cộng Sản Nga Tầu dạy dỗ. Mới nứt mắt ra
thì chữ nghĩa kiến thức đâu mà chê bai các cụ Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng,
lại còn hồ đồ chê cụ Hoàng “theo lời người ta kể”! Già như bác ngày gần chầu tổ
mà thở ra cái giọng ấy cũng đã can tội hỗn láo rồi. Chê cụ Phan Chu Trinh sai
lầm trong cách xử sự với Pháp nhưng bản thân bác lại từng năn nỉ Pháp và bị lừa
xiểng liểng nhiều phen. Chê cụ Phan Bội Châu nhờ Nhật giúp là “đưa hổ cửa
trước, rước beo cửa sau” nhưng chính bác thì lại còng lưng cõng rắn Nga, Tầu và
một chủ nghĩa Cộng Sản gớm ghiếc về nhà, thành ra bác “đuổi hổ cửa trước, rước
hàng tá hùm beo, rắn rết cửa sau”. Thế mà bác lại ngồi viết sách chê tiền nhân
là kém sáng suốt, lại còn chê bằng lời nhô con Nguyễn Tất Thành mới 15 tuổi, ra
cái điều là ngay lúc hỉ mũi chưa sạch, bác đã sáng láng hơn các bậc tiền bối
rồi!
Cậu
Bé Siêu Phàm
Sau khi cho cậu bé 15
tuổi chê bai tiền nhân xong, bác bèn mô tả rất kỹ tầm kiến thức, sự hiểu biết,
kinh nghiệm của cậu. Bác viết:
“Một
trí thức ở Sàigòn kể lại cho tôi: Trong khi còn học ở trường Chasseloup-Laubat,
tôi gặp một người thanh niên ở Trung bộ vào Sài Gòn ở nhà một người bạn. Vì
cùng lứa tuổi, cho nên chúng tôi lập tức trở nên đôi bạn thân. Tôi đưa anh đến
trước tiệm cà-phê của Pháp xem đèn điện, xem chiếu bóng và máy nước. Những cái
đó trước kia anh chưa hề thấy. Một hôm, tôi mời anh ăn kem. Anh rất lạ. Lần đầu
tiên, anh mới nếm mùi kem…” (trang 11)
“Tàu
điện đối với anh Ba (cậu Nguyễn Tất Thành 15 tuổi lúc đó và bác Hồ sau này) là
một chuyện kỳ lạ. Lần đầu tiên anh ta trông thấy những “cái nhà biết chạy” ấy.
Cái gì cũng làm anh ta chú ý, vì cái gì đối với anh ta cũng mới cả.”(trang 15)
“Cái
gì đối với anh Ba cũng mới, anh phải học tất cả. Ví dụ mới đầu anh không ăn
được bánh mì và bơ. Ăn xúp thì anh dùng nĩa…” (trang
14)
Cái vụ thộn mặt ra khi
được ăn cà rem hay thấy xe điện thì kêu thảng thốt:“Ô! Cái nhà biết chạy!” không
đáng trách. Cậu bé Nguyễn Tất Thành ở quê từ nhỏ, chưa theo kịp nếp sống văn
minh, chả sao. Nhưng cậu lại dùng nĩa để ăn xúp thì… tối dạ không chịu được. Dù
cậu Thành chưa từng được trông thấy cái thìa, cái muỗng thì ở nhà quê dân ta đã
có những dụng cụ để múc cháo và các chất lỏng khác giúp trí khôn cho cậu. Vậy
mà cầm tô xúp trên tay cậu ta lại cứ dùng nĩa mà… múc lấy múc để thì đầu óc có
hơn gì đứa trẻ lên ba.
Quê mùa và tối dạ chưa
hẳn đã là người bỏ đi. Cậu nhóc Nguyễn Tất Thành khờ khạo, dại dột, chưa từng
thấy que cà rem hay cái tầu điện, nhưng có thiên tài về chính trị, hiểu biết
rộng rãi về nhân văn, địa lý thì sao? Hãy cho cậu một cơ hội để khoe tài. Và
đây là những phát biểu của cậu Nguyễn Tất Thành về những địa hạt ấy: Nói về
nước Pháp, ở trang 14 và 15, có tới hai lần cậu biểu lộ sự ngạc nhiên. Chuyện
gì ở Pháp làm cậu bỡ ngỡ, bàng hoàng đến thế? Một lần cậu há hốc mồm kêu: “Ô!
Ở Pháp cũng có người nghèo như bên ta” (trang 15). Ngoài vụ kinh ngạc
vì nước Pháp “cũng có người nghèo” cậu còn một phen kinh ngạc nữa vì nước Pháp
có… người tốt.
Bác viết:
“Anh
(Hồ Chí Minh) nói với tôi với một vẻ ngạc nhiên: Anh Mai, cũng có những người
Pháp tốt anh ạ”. (trang 14, 15)
Ông nhóc con cầm nĩa
múc… xúp, ngạc nhiên rằng nước Pháp có người nghèo, không biết rằng dân tộc
Pháp cũng có người tốt, v.v… lại oang oang lên tiếng chê bai các nhà cách mạng
từng bôn ba hải ngoại! Con dại cái mang. Hành vi ngôn ngữ của cậu bé vị thành niên
Nguyễn Tất Thành, cụ Phó Bảng phải chịu một phần trách nhiệm. Phép nhà của cụ
lỏng lẻo, cụ không dậy con tử tế chăng? Hay cậu Nguyễn Tất Thành có được dậy,
nhưng quên bén mất lời cha?
Kẻ hậu sinh không dám
chê cụ Phó Bảng đã khiếm khuyết trong việc giáo huấn. Đành ngờ rằng cậu bé hỗn
xược Nguyễn Tất Thành bỏ nhà giang hồ vặt từ nhỏ, nên sớm đánh rớt mất những
lời dạy dỗ của cha ông. Cậu Nguyễn Tất Thành tìm cách xuất ngoại để học hỏi.
Cậu ra đi “bí mật” bằng cách lêu bêu ở bến tàu, năn nỉ hơi ồn ào để xin việc.
Có kẻ thương hại, cho cậu chân phụ bếp trên chuyến tàu đi Pháp. Đây là vài
thành tích lớn của cậu bé đã từng chê tuốt luốt các nhà Cách Mạng lão thành.
Ngoài việc khoe những
cái ngu nho nhỏ như dùng nĩa để múc xúp, bác còn khoe ra một quả tối dạ vĩ đại:
tối dạ đến độ suýt mất mạng! Bác Hồ viết :
“Một
lần, dọc đường anh Ba (tên của bác Hồ lúc đó) suýt chết đuối. Bể nổi sóng. Làn
sóng to như những quả núi chồm lên đổ xuống. Hầu hết mọi người say sóng. Như
mọi ngày, anh Ba đi lên đi xuống từ bếp đến hầm. Không thể vác những rổ rau lên
vai vì tàu tròng trành, anh phải buộc rổ rau vào dây để kéo đi, chuyến thứ hai
một ngọn sóng lớn thình lình phủ lên sàn tàu và cuốn xuống bể mọi vật trên sàn
tàu. Cả những rổ rau và anh Ba nữa. Anh bị đẩy vào giữa cột buồm và dây xích,
nhờ vậy mà thoát chết.” (trang 14).
Dây
Xích Oan Nghiệt
Tàu đang gặp bão. Mọi
người say sóng ngất ngư cả. Các ông bà chủ của bác cũng như hành khách trên tàu
đều nằm bẹp, đâu có muốn ăn uống gì. Thế mà “anh Ba” cứ nhất định sợ chủ đói
bụng, cứ liều chết để chu toàn vai trò khuân vác. Khôn ngoan một tí, anh Ba chỉ
việc đau ốm như mọi người, hoặc ít nhất thì cũng chờ cho tàu ra khỏi vùng giông
bão, rồi hãy phục vụ chủ cũng còn kịp chán. Nếu không có cột buồm và sợi dây
xích giữ lại, thì bác Hồ đã hi sinh tính mạng, đã đi đoong và lịch sử ngành bồi
bếp sẽ có một gương danh nhân: anh phụ bếp bỏ mạng sa trường vì quyết tâm phục
vụ những cái bụng chủ nhân… không đói. Ôi, sợi dây xích oan nghiệt nào đã giữ
cậu phụ bếp Nguyễn Tất Thành lại ngày hôm đó, không cho cậu đi chơi với Hà Bá?
Nếu không có nó thì lòng biển đã có thêm bộ xương khô của một anh bồi có tinh
thần bồi bếp nặng và hơn nửa thế kỷ sau hàng trăm ngàn người dân Việt đã không
chết thảm trên biển Đông.
Chê bác Hồ tối dạ có
thể là chê oan. Nên tìm một cách giải thích khác cho hành động “liều mình cứu
cái dạ dày chủ” của bác. Bác đã suýt chết chẳng vì khờ khạo mà vì có tinh thần
bồi bếp quá cao, sẵn sàng phục vụ các ông bà chủ đến độ quên cả bản thân mình.
Lời giải thích này có vẻ hợp lý và đỡ tai hại cho nhân vị của bác. Cái tinh
thần vì chủ mà hầu hạ tận tụy chết bỏ, bác giữ suốt đời. Sau này, khi có cơ hội
tiến thân trong sự nghiệp tôi tớ, bác được dịp phục vụ những ông chủ to hơn:
hai ông chủ Nga, Tàu. Cũng với tinh thần liều mình trong giông bão, bác biểu
diễn một tác phong tôi đòi vô cùng ác liệt. Bác hy sinh cả đất nước, cả sinh
mạng của hàng triệu người dân Việt để cho các quan thầy hài lòng. Tinh hoa bồi
bếp đã phát tiết ra ngoài từ lúc bác còn vị thành niên.
Từ trang 15, bác Hồ kể
chuyện ở Pháp. Tàu cặp bến Mạc-xây. Các nhân viên Việt Nam được lãnh lương hèn
nhất là một trăm quan lại thêm vô số tiền thưởng của hành khách. Riêng bác Hồ,
kẻ liều mình trong giông bão, suýt chết mất xác vì quá hăng say phục vụ, lại
chỉ được phát đúng… mười quan! Bác bị bốc lột thê thảm! Để tự an ủi, bác viết:
“Anh
ta (bác Hồ) được ít lương, nhưng anh học được nhiều chuyện mới lạ”.
Và một trong những
điều mới lạ bác học được trong chuyến này là “Ồ! Ở Pháp cũng có người nghèo như
bên ta!”. Hóa ra, khi chưa được “học” cậu Nguyễn Tất Thành cứ đinh ninh rằng
nước Pháp là thiên đường, là nơi chỉ có toàn người giàu!
Người
Pháp Tốt
“Ông
Mai, người giúp đỡ bác Hồ ở Mạc-xây kể rằng: Công việc trong ngày xong, tôi cho
anh ta (bác Hồ) mượn bộ áo quần, và chúng tôi đi đến tiệm cà phê ở đường
Ca-nô-bia. Không cần phải nói, Đây là lần đầu tiên anh ta vô tiệm cà phê, và
cũng là lần đầu tiên được người Pháp gọi bằng ‘ông’ ”. (trang 16).
Được gọi bằng ‘ông’,
bác sướng mê tơi, sướng đến độ mấy ngày sau, được hỏi cảm tưởng, bác khen Pháp
rối rít:
“Sau
những ngày đầu tiên ở Mạc-xây, anh Ba tóm tắt cảm tưởng của mình bằng mấy chữ:
Người Pháp ở Pháp tốt, lễ phép hơn người Pháp ở Đông Dương”(trang 16)
Được gọi bằng ‘ông’
một cái là đã sướng run người, vơ đũa cả nắm khen “người Pháp ở Pháp tốt, lễ
phép …”. Mới gặp vài anh Pháp bồi bàn đã vội kết luận về toàn thể dân Pháp, đã
đưa ra nhận xét về tất cả người Pháp ở Đông Dương! Cậu Nguyễn Tất Thành tỏ ra
vừa hấp tấp vừa ngu. Bởi vì những tên Pháp thực dân chúa, chủ trương đánh chiếm
và cai trị Đông Dương, bày ra những mưu sâu kế độc… chính là những người Pháp ở
Pháp chứ bọn Pháp chân tay ở Đông Dương đâu có “tốt” được đến thế.
Đang say sưa kể chuyện
bác, đến khúc này, chú Trần Dân Tiên chợt ngưng lại. Chắc là đọc xong những
trang đã viết, chú khoái tỉ lắm, tự phục mình lắm. Thế nên, theo đúng gương
sáng của bác, chú Trần Dân Tiên tạm dẹp bác qua một bên để tự… nâng bi. Chú
viết những dòng tự khen như sau:
“Cho
đến nay, cách của tôi – cách làm tập thể – hình như được việc. Những người cộng
tác đầu tiên và tôi chỉ cứ nhẫn nại theo đường dây, ghi chép cẩn thận những mẩu
chuyện giữ nguyên như thế. Và đây là một tiểu sử trung thành, đứng đắn, sinh
động, không thêu dệt, không bày đặt”. (trang
16)
Hai chữ “trung thành”
bác dùng sai, đáng lẽ phải viết là “trung thực”. Còn cái khoản “không thêu dệt,
không bày đặt” thì sau này, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội nói tới.
Bác
Học Văn Chương
Ta hãy tiếp tục đọc
hồi ký để xem thành tích của bác hồi ở Mạc-Xây. Bác viết:
“Theo
địa chỉ ông Mai mách, anh Trần, người cộng tác trẻ tuổi của tôi, đến gặp ông
Dân ở Nha Trang. Đây là những điều anh Trần ghi chép: Ông Dân sáu mươi hai
tuổi, chủ một cửa hàng nhỏ sạch sẽ và đông khách, nhà đông con. Ông ta tiếp tôi
niềm nở và kể chuyện: “Tôi có hai con trai đi Vệ quốc quân và một con gái đi
cứu thương. Nhà tôi còn ba con nữa: hai mươi hai, hai mươi và mười sáu tuổi,
đều là đoàn viên của đoàn Thanh niên cứu quốc…
Ông
Dân có tài nói. Ông bắt chuyện này sang chuyện khác rất thần tình. Kéo ông về
câu chuyện mà tôi đặc biệt chú ý không phải là dễ. Nhưng sau tôi đã thành công.
-
Có chứ, tôi còn nhớ anh Ba ấy. Chắc chắn tôi còn nhớ anh ta mặc dầu cách đây đã
ba mươi năm. Tôi ở với ông chủ của tôi ở Xanh Addơ-rét (Saint-Adresse), một
ngoại ô của Ha-vơ-rơ, một hôm, ông chủ già dẫn về một người trẻ tuổi, gầy yếu,
quần áo lôi thôi nhưng có vẻ lanh lợi. Tên anh ta là Ba. Ở nước ngoài mà gặp
được một người đồng hương, thì lập tức người ta dễ trở thành bạn thân. Chúng
tôi cũng vậy. Chúng tôi ở một biệt thự có vườn hoa. Ông chủ già khi rảnh việc
thì ở câu lạc bộ thành phố. Bà chủ thường đến nhà người con gái, vợ một nhân
viên của công ty.
Một
người nấu bếp, một người tốt, nếu anh khéo nịnh thì bà ta cho anh ăn ngon,
nhưng khi bà ta cáu thì như một mụ yêu tinh. Một cô sen xinh xinh hay làm dáng,
có một “bà mẹ hay ốm”. “Bà mẹ ốm” chính là một chàng thủy thủ. Để đi gặp tình
nhân, chị ta lừa dối chúng tôi luôn, và nói là đi thăm mẹ ốm. Trong nhà tất cả
là sáu người. Đồ đồng đánh bóng, đồ đạc lau xong, bàn ghế sạch bụi, thế là ông
chủ, bà chủ bằng lòng và rất tốt, luôn mồm một điều “con” hai điều “con”. Nhưng
phần lớn công việc do cô sen làm. Chị ta muốn cho chóng xong để đi gặp “bà mẹ
ốm”. Vì vậy chúng tôi có rất nhiều thì giờ rảnh. Anh Ba dùng thì giờ, chăm bón
hoa với người làm vườn hoặc giở những tờ báo có ảnh trong tủ sách ra xem. Sau
khi đến được ba ngày, anh hỏi tôi: “Anh Dân, anh có biết viết chữ quốc ngữ
không?”. Tôi hơi thẹn nhưng trả lời thành thật: “Không, tôi không biết”. Anh Ba
liền giảng giải và khuyến khích tôi học. Tôi làm theo lời anh. Anh Ba cũng thế,
anh học tiếng Pháp với cô sen.” (trang 16, 17,
18).
Cả đoạn văn này làm
nổi bật hai chuyện :
1/ Bác khôn vặt và
cũng ưa bốc lột, lợi dụng sức lao động của kẻ đồng cảnh ngộ, cùng thân phận như
mình.
2/ Bác học văn chương
chữ nghĩa Pháp từ một sến nương.
Về sự khôn vặt và tài
bốc lột của bác thì ta thấy lúc làm bồi tàu, là chân phụ bếp hạng bét, bác đành
lao động chết bỏ. Thế mà lúc ở Mạc-Xây, gặp chị sen tốt bụng, bác bốc lột sức
lao động của chị ngay. Biết chị này đang bị ái tình vật, chỉ mong cho sớm xong
việc để đi với kép, bác trút hết cả công việc lên đầu chị, “phần lớn công việc do
cô Sen làm”. Gặp một đồng nghiệp khôn vặt và chơi bẩn như thế, sến nương không
hề giận, lại vẫn ra công dạy tiếng Pháp cho bác. Chẳng hiểu bác Hồ khoe cái
thành tích vừa hèn vừa vô ơn này ra để nêu gương gì cho các đồng chí cháu ngoan
của bác.
Về nguồn gốc tài viết
văn tiếng Pháp của bác như thế là chúng ta đã rõ, bác thụ giáo từ một sến
nương. Còn văn chương Việt thì sao? Mầm non văn nghệ bác Hồ có được một chị sen
nào dẫn dắt lúc đầu đời không mà viết tiếng Việt lủng củng chịu không nổi. Quí
vị đọc lại những câu này:
“Một
bà nấu bếp, một người tốt, nếu anh khéo nịnh thì bà ta cho anh ăn ngon”.
“Đồ
đồng đánh bóng, đồ đạc lau xong, bàn ghế sạch bụi, thế là ông chủ bà chủ bằng
lòng và rất tốt, luôn mồm một điều “con” hai điều “con”. Nhưng phần lớn công
việc do cô sen làm”.
Ngôn ngữ nhân vật cũng
như văn chương của bác cứ như ông Tây nói tiếng Việt. Trang 19, bác ghi lời một
người kể chuyện: “Anh ta làm việc như một con bò”. Chẳng biết lối so sánh ấy có
Tây lắm không nhưng chắc chắn rất khác Ta. Người Việt ta thì hay nói: “làm việc
như trâu” mà ngu thì mới “như bò”. Suốt cuốn sách, có khá nhiều câu văn lủng
củng, lai căng như văn dịch của một anh chàng đang tập viết.
Tới đây, ta ngưng một
chút để xét lại lời tự khen của chú Trần Dân Tiên “không thêu dệt, không bày
đặt”. Để thực hiện cuốn hồi ký, chú Tiên lần lượt đi tìm (hoặc nhờ phụ tá),
phỏng vấn những người này:
Một trí thức ở Sài gòn
(được gọi là anh Lê) kể chuyện bác đến rủ đi làm bồi tàu để xuất ngoại. Anh ta
không đi theo nên không biết sau đó, bác Hồ đi ngoại quốc bằng cách nào. Anh Lê
nói: “Về sau, tôi chỉ biết người thanh niên yêu nước đầy nhiệt huyết ấy
là cụ Nguyễn Ái Quốc, là Hồ chủ tịch của chúng ta ngày nay.”
Kẻ thứ hai được phỏng
vấn là ông Mai, người cùng làm việc trên tầu với bác. Ông Mai đã cứu bác nhiều
lần, dậy bác gọt khoai, gọt măng tây (có lần ông Mai phải ném xuống biển tất cả
đống măng tây bác gọt tầm bậy để xóa tội, giữ job cho bác). Ông Mai cũng là
người dạy bác bài học của lớp mẫu giáo: không nên dùng nĩa để múc xúp, v.v.
Cuối cuộc phỏng vấn ông Mai kể rằng ông và bác chia tay nhau ở Pháp. Ông theo
tàu trở về Đông Dương, bác muốn ở lại nên được chủ tàu đem về nhà nuôi, cho làm
một chân phụ tá của sến nương nhà ông. Ông Mai kết luận: “Từ đấy, tôi
không được tin tức gì của anh Ba nữa.”
Sau khi anh Ba biến đi
một cách “bí mật” như thế thì cũng chính ông Mai là người mách cho chú Trần Dân
Tiên cái địa chỉ của ông Dân ở Nha Trang. Bởi vì ông Mai biết rõ là ông Dân đã
sống cùng với bác suốt thời gian bác ở đợ cho ông Tây chủ tàu. Ông Mai “không
được tin tức gì về anh Ba” nhưng lại là người liên lạc thường xuyên, biết rõ
địa chỉ hiện tại của người đã sống với anh Ba. Ly kỳ thật! Nhưng đến phiên ông
Dân ra tuồng thì tình thế còn ly kỳ hơn. Sau khi kể ra những thành tích đẹp đẽ
của bác Hồ trong thời ở đợ, ông Dân bèn ngạc nhiên khi được cho biết anh Ba
chính là Hồ chủ tịch bây giờ. Ông diễn xuất rằng ông không biết tí gì về quảng
đời sau của anh Ba. Nhưng cũng lại chính ông Dân là người “biết chắc chắn” về
ông Bốn, kẻ đã đi cùng với Bác sang Phi châu. Được phỏng vấn, sau khi chu toàn
nhiệm vụ nâng bi anh Ba, ông Bốn lại giới thiệu ông Nam là người đã sống cùng
với bác ở Luân đôn.
“-Ông
có biết ông Nam không? (trang 22).
-Có,
hầu hết chúng tôi biết nhau, vì chúng tôi đều ở cả trong tổ chức.”
Những người đã sống
cùng với bác một thời hoặc là cùng ở trong tổ chức, hoặc là thường xuyên liên
lạc đến nỗi biết cả địa chỉ hiện tại của nhau lại cứ nhất định không chịu chia
xẻ những tin tức về anh Ba, để cho anh ấy tha hồ bí mật!
Các ông Mai, ông Bốn,
ông Nam đều biết anh Ba là bác Hồ. Cả đến một vị trí thức ở Sàigòn (anh Lê),
người gặp bác sớm nhất, lúc bác còn là một học sinh, cũng biết anh Ba là Hồ Chí
Minh. Chỉ có một mình ông Dân là cóc biết! Tách riêng ông Dân ra như thế, bác
có lý do. Bác muốn bắt ông ta diễn tuồng sửng sốt. Bác Hồ viết:
“Để
kết luận cuộc phỏng vấn của tôi, tôi hỏi ông Dân:
-
Ông có biết anh Ba hiện nay thế nào không?
-
Không, tôi rất tiếc là không biết.
-
Ông có muốn tôi nói cho ông biết không?
-
Còn gì bằng nữa .
-
Ông quay lại xem, anh Ba ấy đây kìa. Tôi vừa nói vừa chỉ chân dung Hồ chủ tịch
treo trên bàn thờ giữa những bình hoa, bình hương, đèn nến. Ông Dân quay đầu,
mở to đôi mắt, há miệng, gãi tai. Và ông bật lên như một cái lò xo, và kêu: “Hồ
chủ tịch! Hồ chủ tịch của chúng ta! A di đà Phật! Nhưng làm sao anh biết? Anh
nói thật đấy chứ? Ồ, lạ quá nhỉ! Hồ chủ tịch là anh Ba ấy ngày xưa. Hay quá
nhỉ! Tôi sẽ kể điều đó cho bà nhà tôi nghe, cho các cháu nghe. Chúng nó sẽ mừng
biết mấy! Cha của chúng nó được quen biết cụ Hồ ngày xưa.”(trang 19, 20).
Rõ ràng là giữa một
chuỗi những người đã từng sống với bác, biết tiểu sử của bác, vẫn giữ liên lạc
với nhau, ông Dân bị bác tách ra, bắt đóng vai ngớ ngẩn để có cớ reo lên: “Hồ
chủ tịch là anh Ba ngày xưa! Hay quá nhỉ!”, cho bác được dịp sướng tê mê,
cho tác phẩm của bác có một cú bất ngờ rẻ tiền. Đây là một trong những đoạn văn
tiêu biểu nhất cho tinh thần “không thêu dệt, không bày đặt” của bác. Kiều
Phong sợ mình kết luận quá vội vàng mà ngờ oan cho bác nên đọc lại khá kỹ đoạn
văn tả ông Dân “bật lên như một cái lò xo”.
Đọc kỹ, thấy một chi
tiết có thể giải oan cho bác. Không chừng bác chỉ là nạn nhân. Cái ông Dân này
mới chính là kẻ bày đặt, thêu dệt, vờ vịt “không biết anh Ba hiện nay như thế
nào” để diễn tuồng sửng sốt, phỉnh bác chơi. Nguyên văn đoạn tả phản ứng của
ông Dân khi được biết anh Ba chính là bác Hồ: “Ông Dân quay đầu, mở to
đôi mắt, hà miệng, gãi tai. Và ông bật lên như cái lò xo và kêu…”. Chính
hành động “gãi tai” đã tố cáo sự vờ vịt của ông Dân. “Quay đầu, mở mắt, há
miệng, bật lên như cáo lò xo” đều được, người ngạc nhiên, sửng sốt đến độ bật
lên như lò xo không có giây phút nào dành cho việc gãi tai.
“Gãi tai” là hành động
của kẻ băn khoăn, suy tính hay đang áy náy một điều gì. Gặp chuyện kinh hãi
người ta giật mình, gặp chuyện ngạc nhiên người ta nhảy đựng, phản ứng ấy tự
nhiên như khi chạm nước nóng thì rụt tay lại, bị đau thì hét lên, không có thì
giờ nào để băn khoăn, suy tính, càng không có đủ thì giờ để có hành động thể
hiện sự băn khoăn, suy tính.
Trước khi bật lên như
một cái lò xo, ông Dân gãi tai suy tính. Ông suy tính gì? Có lẽ ông sợ cái
tuồng ngạc nhiên ông sắp diễn chuế quá, lộ liễu quá. Tất cả những người đã quen
biết bác Hồ thủa hàn vi đều biết anh Ba ngày nay là ai, chỉ có một mình ông giả
bộ không biết, lỡ bác sùng lên ghép cho cái tội “khi quân” thì bỏ mạng. Nhưng
trong lúc gãi tai, suy tính, ông lại trông thấy hình bác Hồ để trên bàn thờ nhà
mình, không ai có thể ngờ là ông coi rẻ bác được, thế nên ông quyết định diễn
xuất tiếp. Và ông bật lên như lò xo, v.v… Kết quả rực rỡ. Bác Hồ sướng mê tơi
vì tấn tuồng kinh ngạc của ông Dân, bác trịnh trọng viết vào sách.
Bác Thương Người
Sau ông Dân, tới phiên ông Bốn ca tụng bác.
Theo lời ông Bốn, bác là người rất nhân từ:
“Đến Đa-Ca, bể nổi sóng rất dữ. Tầu không thể
vào bờ. Cũng không thể thả ca nô xuống vì sóng rất to. Ðể liên lạc với tầu, bọn
Pháp trên bờ bắt những người da đen phải bơi ra chiếc tầu. Một, hai, ba, bốn
người da đen nhảy xuống nước. Người này đến người kia, họ bị sóng bể cuốn đi”.
“Cảnh tượng ấy, mọi Người coi là thường. Nhưng
điều đó làm cho anh Ba hết sức cảm động, anh khóc. Ngạc nhiên tôi hỏi tại sao.”(trang 21)
Nhờ ông Bốn “ngạc nhiên hỏi”, bác Hồ có dịp
chửi thực dân là lũ hung ác, vô nhân đạo. Cảnh tượng làm bác khóc thì “mọi
người” coi là thường. Coi bộ ông Bốn đã hy sinh chính bản thân mình để ca tụng
bác. Bởi vì trong số “mọi người coi là thường” có cả ông Bốn. Ông này có là
thực dân đâu mà cũng hung ác, vô nhân đạo như thế?
Thực ra, chắc ông Bốn đâu là kẻ xấu xa bất
nhân. Chẳng qua là vì trong cái nước “Dân chủ, Cộng hòa, Độc lập, Tự do, Hạnh
phúc” do bác thành lập, những món quí hóa như “sáng suốt, tốt bụng, nhân đạo”
đều phải dâng cho lãnh tụ cả. Cũng con người biết cảm động, khóc thương cho
những người da đen bị sóng cuốn đi ấy chỉ mấy chục năm sau không hề nhỏ một
giọt nước mắt cho hàng triệu người dân Việt bị ném và lò lửa chiến tranh.
Chế độ thực dân biến đổi những người Pháp tốt
bụng thành những kẻ hung ác, vô nhân đạo, đứng trên bờ biển Đa-Ca hôm ấy. Chế
độ Cộng Sản cũng biến anh thanh niên Việt “thương người” trên bờ biển Đa-Ca hôm
ấy thành một anh già tàn nhẫn, độc ác ngồi trong Bắc Bộ Phủ sau này. Cảm ơn ông
Bốn. Nhờ câu chuyện ông kể về anh Ba mà từ nay người Việt sẽ bớt băn khoăn áy
náy. Người ta cứ tưởng đất nước Việt Nam đã nẩy sinh ra một kẻ lòng dạ độc ác
ngay từ tấm bé. Hóa ra không, cậu bé Nguyễn Tất Thành cho đến lúc này vẫn là
một cậu bé Việt Nam tử tế. Chính chủ nghĩa Cộng Sản
sau đó giết cậu và ném trả về cho dân Việt một anh già tai ác, quái đản.
Kiều Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét