Bùi Tín -
Còn 2 tuần nữa mới đến Tết Giáp Ngọ nhưng biết bao chuyện vui đã dồn dập xuất
hiện. Lần đầu tiên nhân dân ta tổ chức công khai kỷ niệm 40 năm trận Hoàng Sa
oanh liệt. Năm 1974 hải quân thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã hiên ngang
chống trả bọn bành trướng, thể hiện rõ ý chí chống xâm lược kiên cường của dân
tộc Việt Nam. Các hoạt động kỷ niệm đã diễn ra một cách long trọng bằng nhiều
hình thức phong phú sinh động, bất chấp sự ngăn cản, phá đám bỉ ổi của bộ máy
cầm quyền của đảng CS hèn với giặc ác với dân.
Anh chị em Dân chủ và Nhân quyền tập họp tìm
đến thăm các gia đình liệt sỹ đã bỏ mình trong trận hải chiến 40 năm trước,
truy điệu 74 chiến sỹ anh hùng tử vong vì nước với danh sách đầy đủ, viếng mộ
các chiến sĩ đã bị bỏ quên, thăm hỏi tặng quà các quân nhân Việt Nam Cộng hòa
từng tham chiến hiện còn sống ở Sài Gòn, Huế, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Thuận.
Một nhóm bạn của nhà báo Huy Đức còn có sáng kiến lập “Nhịp cầu Hoàng Sa “ để
quyên góp thiết thực trợ giúp 2 bà quả phụ vợ của cố Trung tá Ngụy Văn Thà và
của cố Thiếu tá Nguyễn Thành Trí.
Anh chị em trí thức đã tổ chức những cuộc nói
chuyện, hội thảo sâu sắc về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông từ trong nước ra
nước ngoài, ở Nhật Bản, Đức, Ba Lan, Pháp, Hoa Kỳ, Úc. Ngay giữa thủ đô Hà Nội,
bên hồ Hoàn Kiếm, trong cuộc tụ họp đông người quanh tượng Lý Thái Tổ, một số
công an cộng sản giả làm công nhân cưa đá làm bụi mù cả một vùng nhằm phá đám
một cách hèn hạ cuộc kỷ niệm trận hải chiến oanh liệt, tự làm trò cười cho đồng
bào và các nhà báo nước ngoài.
Tết này cả một loạt tổ chức xã hội dân sự hoạt
động sôi nổi, trong số đó có Hội anh em Dân chủ, Hiệp hội Dân Oan Việt Nam, Hội
Ái hữu Tù Chính trị, Mạng lưới Blogger Việt Nam, Hội Bầu Bí tương thân, Những
người bạn của Hoàng Sa - Trường Sa, Nhịp cầu Hoàng Sa, các đội bóng No-U...
Trong lúc đó cả một phái đoàn khá hùng hậu và tiêu biểu tìm cách lọt được lưới
công an sang tận châu Mỹ và châu Âu, vào Quốc hội Hoa Kỳ và sẽ sang Thụy Sỹ làm
việc với cơ quan Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, gặp các nhà báo Việt Nam và quốc
tế, đúng vào lúc việc VN vào khối kinh tế Xuyên Thái Bình Dương TPP đang được
thương lượng trong phiên cuối, và cũng đúng vào lúc VN sắp bị sát hạch định kỳ
về “hạnh kiểm nhân quyền” (UPR - Universal Periodic Review) vào ngày 5/2/2014
tới tại Genève, Thụy Sỹ. Chưa rõ kết quả ra sao, nhưng rõ ràng quyền chủ động
là thuộc về nhân dân, chính quyền phản dân chủ chà đạp nhân quyền rất khó bề
chống chế, chạy tội.
Trong những giáp Tết, khi thế lực phản dân chủ
chống nhân quyền đang bối rối, khi Bộ Chính trị đang nát óc tìm cách đối phó
với TPP, rồi với UPR, cả với nguy cơ bị đội chiếc mũ lừa CPC (Country of
Particular Concern - Nước cần được quan tâm đặc biệt), thì ở trong nước vụ án
siêu nghiêm trọng “làm lộ bí mật quốc gia” đang có nguy cơ bùng nổ dây chuyền
không sao ỉm đi nổi. Đây là trận sống mái giữa các phe nhóm lợi ích riêng tư ở
ngay trong Bộ Chính trị, trong Ban Bí thư, trong bộ máy tư pháp nắm quyền tố
tụng, trong Ban Chấp hành Trung ương đảng, giữa lúc việc tranh giành những vị
trí, ngôi thứ cao nhất đã bắt đầu để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XII sắp tới
gần.
Trong cuộc sát phạt quyết liệt giữa các phe
nhóm này, nhân dân có dịp quan sát để nhận xét, nhận dạng, đánh giá từng nhân
vật cầm quyền, khó ai có thể giở trò mỵ dân, nói một đằng làm một nẻo, che giấu
tội lỗi và phẩm cách xấu xa. Nhân dân đang nóng ruột chờ xem danh sách đặc xá
trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ sẽ gồm những ai, hay vẫn là những viên chức
CS tham nhũng và số tù hình sự chiếm số đông nhất, còn số tù chính trị thật sự
chỉ chiếm số rất ít, trong khi tổ chức Human Rights Watch vừa cho biết trong
bản phúc trình hằng năm công bố từ Bangkok ngày 21/1 vừa qua, số tù chính trị ở
VN nay đã vượt Miến Điện và đứng đầu Đông Nam Á, ít nhất là 63 người.
Nhân dân đang nóng lòng chờ xem ông thủ tướng
“thực hiện dân chủ”, “nắm vững lá cờ dân chủ” ra sao như đã hứa trong bản thông
điệp đầu năm, xem ông có thái độ ra sao đối với vụ án “làm lộ bí mật nhà nước”,
đối với yêu cầu cấp bách chấn chỉnh sâu rộng toàn ngành Công an đang trở thành
tai họa cho dân.
Một nhân vật bị nêu tên trong vụ án siêu
nghiêm trọng là Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, người mà nhân dân Thái Bình biết đến
từ những năm 1997 - 1998, khi ông ta cầm đầu ngành công an tỉnh, ra tay chỉ huy
và đàn áp phong trào nông dân vùng dậy chống bọn cường hào địa phương, trả thù,
tra tấn, bỏ tù nhiều đảng viên CS ngay thật bị chụp mũ là cầm đầu bọn phiến
loạn, từ đó được lên cấp tướng. Nhà văn Dương Thu Hương từng được nghe bà con
nông dân Thái Bình kể rằng công an địa phương hồi ấy đã tra tấn đến chết một số
dân từng là đảng viên CS và cựu chiến binh, có người bị công an thọc đũa cứng
vào tai, buốt óc bất tỉnh và chết. Nhà văn đã kể rõ những hành động man rợ này
trên đài RFI/Pháp vào năm 2006.
Một bị cáo khác trong vụ án là Đại tá Dương Tự
Trọng, người từng cầm loa trực tiếp ra lệnh cho công an xông vào phá nhà của 2
anh em ông Đoàn Văn Vươn năm trước, đẩy bao người thân của nạn nhân vào vọng tù
tội, để ngay sau đó anh ta được lên cấp và đưa lên Bộ Công an.
Đối với nhân dân ta, Tết này có nhiều tin vui
khi họ nghiệm ra rằng cuộc đời rồi sẽ công bằng, theo đúng luật nhân quả, kẻ
gian tham độc ác không thể nào sống ung dung suốt đời chúng, kẻ gian manh bị
trừng phạt và vụ đại án “lộ bí mật nhà nước” còn có thể kéo theo nhiều tướng
lĩnh, quan to mặt lớn sa bẫy pháp luật. Nhân dân tan cũng vui vì nhân dịp này
nhóm cầm quyền sẽ bị buộc phải tỉnh ngộ, chấn chỉnh toàn ngành công an, tổ chức
lại các đại công ty quốc doanh đã hư hỏng tận gốc, xây dựng lại nền tư pháp
công minh chỉ tuân theo Luật, từ đó dám quyết đoán dựa vào dân, thay đổi hẳn
nền chính trị độc đảng phản dân chủ bệnh hoạn, nguồn gốc của mọi bất công và
băng hoại xã hội hiện nay.
Gửi Dân Làm Báo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét