Âu Dương Thệ - Trước sự kiện phe bảo thủ giáo điều do Nguyễn Phú Trọng cầm
đầu đang lấn chiếm địa bàn chính trị trở lại đã làm Nguyễn Tấn Dũng rất lo ngại,
cho nên ông ta đang tìm cách giả vờ ngả đứng về phía nhân dân, đặc biệt là các
giới chuyên viên, trí thức, thanh niên và các đảng viên tiến bộ. Sự thành hình
và hoạt động rất tích cực gần đây của một số tổ chức như Diễn đàn Xã hội Dân sự,
Mạng lưới Blogger Việt Nam, Hội bảo vệ những người dân oan và việc công khai ra
khỏi ĐCS của một số nhân sĩ tên tuổi đang gây những chấn động chính trị lớn đội
lên cả vào nội bộ của ĐCS. Một cáo già chính trị như Nguyễn Tấn Dũng không thể
không thấy những nguy cơ và cơ hội trên. Chính vì thế Nguyễn Tấn Dũng đã chọn
thời điểm đầu năm 2014 để công bố TĐNM với ngôn ngữ hồ hởi ca tụng dân chủ, đứng
về phía nhân dân đòi thực hiện cải cách từ trong đảng, chính phủ, quốc hội tới
các tổ chức quần chúng. Qua đó Nguyễn Tấn Dũng muốn dùng sức mạnh của quần
chúng phá vỡ vòng vây của phe bảo thủ giáo điều Nguyễn Phú Trọng...
Vào những ngày cuối năm 2013 trong tư cách Thủ
tướng ông Dũng đã có một số hành động ngoạn mục khiến thiên hạ chú ý. Sau việc
nhiều người khám phá ra trong sách giáo khoa VN có in hình lưỡi bò của Trung
quốc trên biển Đông gây bất mãn lớn trong dư luận các giới (LĐ 25.12.13), ngày
30. 12 Nguyễn Tấn Dũng vội vã gặp một số nhà khoa bảng XHCN trong Hội Khoa học
Lịch sử VN đã “ủng hộ đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa” và còn tuyên
bố rất cứng và khách quan khoa học: “Đấu tranh bảo vệ chủ quyền là vấn
đề khác, bằng các giải pháp hòa bình, còn lịch sử là lịch sử, sự thật là sự
thật”[1]
Một tuyên bố quan trọng khác cũng được Nguyễn
Tấn Dũng nói trong dịp này. Sau khi được một số nhà khoa bảng đặt câu hỏi mớm
về việc chính phủ có dự tính kỉ niệm 40 năm cuộc đánh chiếm Hoàng sa của Trung
quốc (19.1.1974-19.1.2014) và 35 năm chiến tranh biên giới phía Bắc (17.2.1979
-17.2.2014), ông Dũng đã tuyên bố rõ “Phải kỷ niệm!” và báo chí lề
đảng thuật lại nguyên văn lời phát biểu của ông:
“Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết,
hiện Bộ Ngoại giao đang lên kế hoạch kỷ niệm 40 năm sự kiện (1974) Trung quốc
đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và 35 năm sự kiện tháng 2 năm 1979 -
chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.” Ông còn nhấn mạnh thêm: “Đó cũng
là lợi ích của nhân dân. Bộ Chính trị rất quan tâm đến việc kỷ
niệm này”.[2]
Nhiều báo lề đảng đã đăng nguyên văn lời tuyên
bố trên của người đứng đầu Chính phủ trước nhiều nhà sử học chiều 30.12.13.
Nhưng chỉ vài giờ sau các bản tin liên quan tới lễ kỉ niệm đã phải gỡ bỏ. Một
số nhà dân chủ muốn biết sự thực đã thăm dò thì được trả lời, đây là: “Chỉ
thị miệng từ cấp cao. Lý do cho quyết định này là vì phía Trung Quốc đang tỏ ra
hòa hoãn với ta, thì ta cũng cần tránh có động thái có thể gây căng thẳng!” [3]
Hai cuộc chiến trên là những sự kiện lịch sử
cận đại quan trọng của VN, cho nên không thể để tùy thuộc bộ mặt của Tập Cận
Bình vui hay buồn thì mới dám tổ chức hay không được phép tổ chức! Quốc thể ở
đâu? Gần 10 ngày đã
trôi qua, nhưng các bản tin này vẫn không được tái đăng trên các báo lề
đảng!
Đây là hành động kiểm duyệt công khai những
lời tuyên bố của người đứng đầu chính phủ về một vấn đề rất quan trọng và nóng
bỏng thời sự của đất nước. Cho nên việc này liên quan rất lớn tới uy tín và
trách nhiệm của Nguyễn Tấn Dũng. Nếu đúng như lời của ông Dũng tuyên bố trước
dư luận, các khẳng định trên là những tuyên bố chính thức của Bộ chính trị và
Chính phủ, và ông Dũng trong tư cách Thủ tướng đã được ủy nhiệm long trọng công
bố trước nhân dân VN và dư luận quốc tế vào dịp cuối năm thì với tư cách Thủ
tướng và Ủy viên Bộ chính trị Nguyễn Tấn Dũng phải ra lệnh các cơ quan của đảng
và chính phủ phải ngưng ngay việc cấm trái phép này và để các báo và đài đăng
trở lại các bản tin nói trên. Vì việc này thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của
người cầm đầu chính phủ như Hiến pháp 2013 qui định. Không những thế nó còn là
uy tín cá nhân cho ông Dũng và toàn bộ Bộ chính trị.
Việc kiểm duyệt và hủy bỏ lời tuyên bố của
người đứng đầu chính phủ còn liên hệ tới danh dự dân tộc đối với thù cũng như
bạn. Ông Dũng phải ý thức rằng, những lời tuyên bố công khai trên của ông không
phải chỉ để mua vui, lấy lòng một vài người hay một vài giới. Vì tuyên bố trên
là của người cầm đầu chính phủ và ủy viên Bộ chính trị cũng đã được các cơ quan
thông tấn quốc tế tường thuật đầy đủ. Cho nên nếu Bộ chính trị và ông Dũng không
làm minh bạch ngay việc làm sai trái rất tai hại và nguy hiểm này thì thế giới
sẽ coi thường không chỉ những người cầm đầu ĐCSVN mà cả Chính phủ VN. Vì dư
luận quốc tế thấy rõ là Bắc kinh đã khóa miệng không chỉ Bộ chính trị ĐCSVN, mà
khóa miệng cả người cầm đầu chính phủ, mỗi khi Bắc kinh thấy những lời tuyên bố
gây bất lợi cho họ! Khi đó Nguyễn Tấn Dũng đã gián tiếp để cho nhân dân VN và
thế giới biết là, Nhà nước VN đã bị bán đứng cho Bắc kinh, chủ quyền và độc lập
của VN đã bị mất!
Cho tới ngày hôm nay (8.1.2014) các bài báo
tường thuật về tuyên bố chính trong Hội Khoa học Lịch sử VN của Nguyễn Tấn Dũng
về việc tổ chức hai lễ kỉ niệm lịch sử quan trọng vẫn chưa được đăng trở lại.
Cách giải quyết việc này như thế nào trong những ngày tới sẽ phản ảnh rõ ảnh
hưởng và uy tín của Nguyễn Tấn Dũng ở mức độ nào trong Bộ chính trị và còn cho
thấy áp lực của Bắc Kinh đang áp đảo như thế nào đối với những người cầm đầu
chế độ toàn trị ở VN!
***
Hoạt động ngoạn mục thứ hai của Nguyễn Tấn
Dũng trong những ngày vừa qua là Thông điệp Năm mới 2014 (TĐNM) vào
ngày 1.1.2014 dài khoảng 4.500 chữ và được các báo và đài lề đảng phổ biến rộng
rãi. Sau phần mở đầu, trong TĐNM Nguyễn Tấn Dũng đã đi thẳng mổ xẻ tình hình
đất nước.[4] Ông nhìn nhận, VN đang hội nhập sâu hơn vào cộng đồng quốc
tế và thấy rằng, trong bối cảnh của thời đại toàn cầu hóa hiện nay VN ngày càng
gặp khó khan và tụt hậu so với nhiều nước, vì sức cạnh tranh về nhiều mặt của
VN rất yếu kém:
“Trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh
của nước ta chậm được cải thiện. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng
đã chậm lại. Xã hội có không ít vấn đề bức xúc. Một trong những nguyên nhân là
động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy
phát triển. Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng
nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể
chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân.” [các chữ đen in
đậm là nguyên văn trong báo điện tử Chính phủ, ghi chú của người viết]
Ông nhìn nhận nguyên cớ bắt nguồn từ thể chế
chính trị hiện nay:
“Không thể có được năng lực cạnh tranh cao nếu
không có một thể chế chất lượng cao và một nền quản trị quốc gia hiện đại.”
Nhưng các nhận định và phê bình trên của ông
Dũng không có gì mới, nhiều đồng nghiệp của ông trước đây và hiện nay trong Bộ
chính trị cũng từng đã nói như vậy và còn rõ ràng hơn nhiều. Quan trọng không
phải là Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố như thế nào, nhưng quan trọng chính là xem
trong thực tế, từ khi cầm đầu chính phủ (7.2006) Nguyễn Tấn Dũng đã làm giảm
những tệ hại của thể chế toàn trị hay chính những hành động của ông đang củng
cố chế độ toàn trị và vì thế đã đưa đất nước tới tình trạng đen tối như hiện
nay?
Câu trả lời cụ thể lớn nhất cho việc này là,
mới đây chính ông Dũng và các nhóm lợi ích vây cánh của ông trong Quốc hội đã
thông qua với gần 100% bản Hiến pháp mới sửa đổi giả vờ, trong đó tiếp tục duy
trì Điều 4 giữ độc quyền cho ĐCS, giữ vai trò Doanh nghiệp nhà nước tiếp tục
làm chủ đạo, đất đai vẫn thuộc quyền sở hữu nhà nước, mà thực tế là thuộc quyền
sinh sát và chia chác của một số người có quyền lực nhất, quân đội và công an
tiếp tục trung thành tuyệt đối với Đảng! Miệng thì nói chế độ toàn trị là
nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn tới tình trạng đen tối của đất nước, nhưng
trong hành động lại vẫn giữ chế độ độc tài! Điều này chứng minh rõ ràng là, nói
và làm của Nguyễn Tấn Dũng hoàn toàn mâu thuẫn nhau, nói một đằng làm một nẻo!
Tiếp theo đó, trong TĐNM ông Dũng đã giành một
phần quan trọng nói về dân chủ. Có lẽ chưa lần nào Nguyễn Tấn Dũng đã lập lại
từ dân chủ nhiều lần trong một diễn văn như thế. Nhưng Nguyễn Tấn Dũng
đã nói về dân chủ như thế nào? Dân chủ cho ai? Và ông thực hiện dân chủ như thế
nào trong thời gian làm Thủ tướng gần suốt hai nhiệm kì?
Trong TĐNM Nguyễn Tấn Dũng đã vẽ ra một bức
tranh tuyệt đẹp về dân chủ:
“Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp “song
sinh” trong một thể chế chính trị hiện đại. Cùng với bảo đảm quyền dân chủ, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đây
là mối quan hệ giữa dân chủ và kỷ cương. Người viết “Trăm điều phải có thần
linh pháp quyền”. Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải
bảo đảm được công lý và lẽ phải. Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được
xem xét cẩn trọng và chủ yếu nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia,
trật tự an toàn xã hội và những giá trị văn hóa, lịch sử, đạo đức tốt đẹp của
dân tộc. Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng
pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán
bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Mọi quyết định quản
lý của Nhà nước đều phải minh bạch.”
Nhưng nếu đọc kĩ thì sẽ thấy, ông Dũng đã cho
mọi người biết, nội hàm dân chủ mà ông nêu ra trong TĐNM không phải là dân chủ
phổ quát trong các chế độ dân chủ đa nguyên, như khoa học chính trị đã định
nghĩa rõ ràng và đang thực hiện thành công ở đại đa số các nước trên thế giới.
Dân chủ mà ông Dũng nói ở đây chính là Dân chủ XHCN:
“Chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây
dựng phải ưu việt hơn về dân chủ và Đảng ta phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ. Tăng
cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước cũng là nhằm phát huy tốt hơn
quyền làm chủ của Nhân dân.”
Khẳng định về “dân chủ XHCN” trên
đây của Nguyễn Tấn Dũng cũng hoàn toàn không có gì mới, ngay cả gần đây chính
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đã từng nói Dân chủ XHCN dân chủ gấp
ngàn lần Dân chủ tư bản! Chẳng những thế ông Dũng còn cổ xúy cho việc“tăng
cường sự lãnh đạo của Đảng”, thực tế tức là tăng cường thêm sự độc quyền
của đảng độc tài, vậy thì làm sao có dân chủ thực sự được! Rồi Nguyễn Tấn Dũng
còn dùng câu sau làm kết luận cho phần cổ xúy cho dân chủ trong TĐNM:
“Hiến pháp sửa đổi năm 2013 vừa được Quốc hội
thông qua đã mở ra không gian Hiến định mới để chúng ta thực hiện tư tưởng lớn
của Chủ tịch Hồ Chí Minh” !!!
Thật là không biết nên xếp Nguyễn Tấn Dũng
thuộc con người như thế nào! Đần độn thì không đúng, thông minh thì lại càng
không, có lẽ phải nói là thuộc lớp người bịp bợm lưu manh không còn biết
ngượng. Lấy Hiến pháp 2013 cực kì phản dân chủ, phản văn minh như thế để làm
mẫu mực xây dựng dân chủ và qua đó thực hiện nguyện ước của người sáng lập chế
độ thì có lẽ nếu ông HCM còn sống cũng phải lên tiếng phản đối, như nhiều trí
thức, chuyên viên, thanh niên và cả nhiều đảng viên tiến bộ đã công khai phản
kháng cái Hiến pháp tồi tệ vừa được ban hành!
Kết luận này của ông Dũng chống lại hoàn toàn
bức tranh dân chủ rất đẹp mà ông vừa vẽ ra! Bởi vì chính Nguyễn Tấn Dũng thừa
biết, nội dung Hiến pháp sửa đổi 2013 cực kì phản dân chủ, là một trong vài
hiến pháp bị thế giới xếp vào phản động nhất trên hoàn cầu hiện nay. Vì như đã
nói ở trên, Hiến pháp mới có hiệu lực từ 1.1.2014 vẫn giữ toàn bộ những điểm
chính của Hiến pháp 1992, ĐCS vẫn độc quyền trong tất cả các lãnh vực! Như vậy
là tuy tuyên bố dân chủ, nhưng ĐCS vẫn độc quyền. Như thế dân chủ trong thâm
tâm của ông Dũng không phải là quyền tối thượng của công dân mà chỉ là sự bố
thí của một vài người cầm đầu chế độ toàn trị!
Không chỉ nuôi ý đồ cho nhân dân ăn bánh vẽ
dân chủ, Nguyễn Tấn Dũng còn lập lại những mô hình tổ chức mà khi đối chiếu với
hiện thực của xã hội VN hiện nay ai cũng thấy là không tưởng và hoàn toàn giả
dối, khi ông nói tới các biện áp thực hiện dân chủ trong xã hội:
“Phải hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, tăng
cường sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng chính sách và lựa chọn
cán bộ. Nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn của Quốc hội, Hội đồng nhân dân
các cấp và trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan hoạch định chính
sách.”
Dưới chế độ toàn trị hiện nay hai tổ chức đóng
vai trò chính thức làm phản biện là Quốc hội và Mặt trận tổ quốc, nhưng Nguyễn
Tấn Dũng thừa biết đây vẫn chỉ là hai tổ chức bù nhìn suốt từ 60 năm qua. Trong
kì họp Quốc hội cuối năm vừa qua, chỉ vài người có quyền lực nhất trong Bộ
chính trị đã ra lệnh không cho các đại biểu được thảo luận công khai tại hội
trường về sửa đổi Hiến pháp và sau đó gần 100% đại biểu đã gật thông qua Hiến
pháp phản động! Ngay cả chính Nguyễn Tấn Dũng cũng coi thường Quốc hội. Cuối
tháng 11 ông đã lấy cớ hết giờ để không trả lời chất vấn về việc chính phủ của
ông đã làm được những gì trong việc chống tham nhũng. Nguyễn Tấn Dũng khất sẽ
trả lời bằng văn bản. Tới nay hơn một tháng đã trôi qua, nhưng ông Dũng cũng
không thèm trả lời Quốc hội!
Ông Dũng còn bảo rằng, “tăng cường sự
tham gia của người dân vào quá trình xây dựng chính sách và lựa chọn cán bộ”.
Xin hỏi thực ông Dũng, tại sao khi vừa nắm chức Thủ tướng chính ông đã giải tán
Ban Cố vấn Thủ tướng không kèn không trống? Tại sao vài năm trước chính ông ra
Quyết định 97/2009/QĐ-TT ngày 24.7.2009 cấm các trí thức và chuyên viên quyền
phản biện công khai, khiến nhiều nhân sĩ đã phải lên tiếng công khai phản đối?[5]
Tại sao ông đã từng cổ xúy cho luật biểu tình, nhưng lại đàn áp phụ nữ, thanh
niên và trí thức biểu tình chống Bắc kinh xâm lấn và mới đây nhất đã ra Pháp
lệnh trang bị cả xe tăng thiết giáp, trực thăng... cho các đơn vị cảnh sát cơ
động- một lực lượng công an chuyên đàn áp biểu tình ?[6] Ngày 1.1.2014
Nguyễn Tấn Dũng hồ hởi đề cao dân chủ; nhưng chỉ hai tuần trước đó, ngày
17.12.2013, trong tư cách Thủ tướng, Nguyễn Tấn Dũng đã kí Nghị định
208/2013/NĐ-CP về“chống người thi hành công vụ”có thể bị bắn chết tại chỗ.[7]
Như vậy là Nguyễn Tấn Dũng cho công an từ phường tới tỉnh và thành phố từ nay
được thả cửa hành động côn đồ tàn bạo hơn nữa giết hại nhân dân, đặc biệt là
các nông dân, công nhân, thanh niên và trí thức xuống đường biểu tình đòi ruộng
đất, quyền sống và dân chủ! Không những thế chính Nguyễn Tấn Dũng vào cuối năm
đã cấp Bằng khen cho Đại tá Trần Sơn Hà, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông
đường bộ, đường sắt, người từng ký văn bản yêu cầu nhà báo “chụp ảnh
cảnh sát giao thông phải xin phép”[8].
Nay đầu năm Nguyễn Tấn Dũng hồ hởi nói về dân
chủ, nhưng suốt hơn 7 năm làm Thủ tướng ông chỉ hành động để củng cố chế độ độc
tài! Ông có hai bộ mặt, là chính trị gia gian ác như cáo già nhưng thỉnh thoảng
khoác áo làm cừu non! Chính vì vậy nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế có uy tín đã
xếp chế độ CSVN là một trong vài chế độ độc tài dã man nhất trên thế giới. Vào
giữa tháng 12 vừa qua Tổ chức Kí giả không biên giới đã xếp chế độ của Nguyễn
Tấn Dũng là một trong năm chế độ giam giữ các nhà báo cao nhất trên thế giới![9]
***
Thái đô cực kì tự mâu thuẫn giữa nói và làm
của Nguyễn Tấn Dũng trong TĐNM còn thể hiện cả trong lãnh vực kinh tế. Trong
khi mấy năm gần đây có hàng trăm ngàn doanh nghiệp tư nhân phải đóng cửa, một
trong những nguyên nhân chính là họ không thể vay vốn của các ngân hàng và lãi
suất quá cao không thể chịu nổi. Trong khi ấy các tập đoàn và tổng công ti nhà
nước vẫn nhận được tiền trợ cấp của Ngân hàng Nhà nước và hầu hết làm ăn thua
lỗ lớn, tạo gánh nặng cho ngân sách quốc gia từ tiền thuế của nhân dân:
“127 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước,
công ty mẹ - công ty con có tổng số nợ phải trả là 1.348.752 tỷ đồng, tăng 6%
so với 2011, chiếm 56% tổng nguồn vốn.”[10]
Chính dưới thời Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng
ông đã thả cửa cho các tập đoàn và tổng công ti nhà nước bung ra rất nhanh, đã
tăng thêm bất công và độc quyền, tạo bất bình đẳng trong hoạt động kinh tế,
khiến cho toàn bộ kinh tế VN đang đi xuống. Vì vậy Ngân hàng Thế giới, nhiều tổ
chức tài chánh quốc tế uy tín và hai cuộc Hội thảo của Ban Kinh tế Trung ương
và Ủy ban Kinh tế Quốc hội vào cuối năm đã xác nhận và cảnh cáo. Nguyên Phó Thủ
tướng Vũ Khoan đã phê bình chính sách kinh tế của Nguyễn Tấn Dũng: “Suốt
từ 2007 đến nay bất ổn vĩ mô bộc lộ ở mức gay gắt”.[11] Nhưng trong
TĐNM Nguyễn Tấn Dũng lại dối trá và ngoan cố vẫn bảo là:
“Trong những năm qua, chúng ta đã có bước tiến
dài về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng
tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính. Đây cũng
là một đột phá chiến lược đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ
XI.”
Tuy Đại hội 11 đã quyết định tái cơ cấu các
Doanh nghiệp nhà nước bằng cách cổ phần hóa các doanh nghiệp này. Nhưng nay đã
3 năm trôi qua, chính phủ do Nguyễn Tấn Dũng cầm đầu đã lơ là với Nghị quyết
của Trung ương vì nó động chạm trực tiếp tới quyền và lòng tham của các nhóm
lợi ích. Tuy vậy trong TĐNM Nguyễn Tấn Dũng lại đóng kịch của người quyết tâm
chủ trương cải cách, hô hoán “phải kiên quyết thực hiện tái cơ cấu
Doanh nghiệp nhà nước” và “Doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung
vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh”:
“Phải kiên quyết thực hiện tái cơ cấu doanh
nghiệp nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa, kể cả các tập đoàn kinh tế; thoái
vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo
nguyên tắc thị trường, bao gồm cả doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả.
Doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn
quan trọng và quốc phòng an ninh.”
Có lẽ do thái độ dối trá đã trở thành cố tật
nên ông Dũng không thấy được những gì ông hứa chỉ là toàn hư ảo. Ở phần III
trong TĐNM nói về tình hình nông nghiệp và phát triển tam nông của chế độ toàn
trị ông Dũng cũng tiếp nối sự dối trá kiểu này.
Cuối tháng 12 cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân An
giang Nguyễn Minh Nhị đã phải than về cảnh cực khổ, thiệt thòi của mấy chục
triệu nông dân VN:
“Thử lũy kế những vấn đề “tồn kho” và cập nhật
“tin buồn” nông nghiệp: cà phê lận đận: người trồng lỗ lã, người uống đắt
đỏ...; cao su, tiêu, điều, mía đường, cá tra và lúa gạo... đều lao đao, thậm
chí phá sản cục bộ. Tôi nghĩ rằng những cái đó góp thêm nét chấm phá cho bức
tranh kinh tế 2013 mà có đại biểu Quốc hội cho rằng màu xám, nhưng cũng có người
khác cho là màu hồng, còn những nông dân và doanh nghiệp lao đao lận đận vì
chuyện thua lỗ tất nhiên là màu đen rồi. Và nếu chịu khó tra số liệu thống kê
từ năm 1986 - 2006 - 2013 về tỉ lệ nông dân - lao động nông nghiệp, tỉ trọng
giá trị nông nghiệp, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo... chúng ta sẽ thấy càng hội
nhập mà thiếu đầu óc độc lập, tinh thần tự chủ, tự lực tự cường... thì càng làm
càng thua thiệt, thua thiệt và mất quyền ngay trên đồng ruộng và từng sản phẩm
của mình.” [12]
Không những thế, sự gia tăng của các thương
lái Trung quốc đang cấu kết với các Tổng công ti lương thực Nhà nước trong việc
áp chế giá lương thực rất bất lợi cho nông dân đã khiến ông Nhị cảnh cáo báo
động:
“Ta hay các thương lái lạ mặt là chủ đất nước
này?” Và có câu trả lời: Nông nghiệp sa sút như vậy không hoàn toàn do suy
thoái kinh tế thế giới và càng không phải cộng đồng hàng chục triệu nông dân ta
đều bị “sao hạn”! [13]
Tuy năm 2012 xuất cảng gạo đang lên tới 7,7
triệu tấn, đóng góp cho ngân sách nhà nước nhiều tỉ USD mỗi năm, nhưng lợi tức
của nông dân vẫn ở mức thấp nhất, chỉ 500.000 đồng hàng tháng mỗi đầu người
(khoảng 23 USD). Ngay cả đồng bằng Cửu long vựa lúa cung cấp gần 50% sản lượng
lương thực cả nước, nhưng nông dân cũng bị đói nghèo, vẫn phải làm thuê trên
ruộng đất thuộc sở hữu nhà nước. Đấy là cuộc sống cơ cực của gần 60 triệu nông
dân VN suốt trên 7 năm thời Nguyễn Tấn Dũng, do ông đã bỏ rơi nông dân, nông
nghiệp và nông thôn. Thế nhưng trong TĐNM ông Dũng đã vẽ ra một bức tranh tương
lai rất thanh bình, cực lạc cho nông dân VN:
“Phải đặt người nông dân vào vị trí trung tâm
và vai trò chủ thể để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn
mới. Nhà nước có cơ chế chính sách thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học công
nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý
nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn.
Khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng, nhất là giữa
người nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, dịch vụ với quy mô phù hợp. Hình
thành chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ sản
xuất, chế biến đến tiêu thụ.”
Khi đọc đoạn văn trên đây của ông Dũng, người
ta liên tưởng tới Cương lĩnh Chính trị 2011 mà tác giả chính là Nguyễn Phú
Trọng đã được Ban bố trong Đại hội 11 cũng vẽ ra một thiên đường quá độ lên
CNXH. Nhưng mới đây chính ông Trọng cũng than thở là không biết liệu hết Thế kỉ
21 VN có hoàn thành được giai đoạn quá độ lên CNXH hay không! Không ai
biết được thiên đường CNXH của Nguyễn Phú Trọng ra sao, nhưng xã hội hiện thực
hiện nay dưới XHCN thì rõ ràng là một trại giam khổng lồ cho 90 triệu người VN.
Người ta cũng không biết cực lạc của chính sách nông nghiệp tương lai của ông
Dũng như thế nào, nhưng hiện tại thì mấy chục triệu nông dân VN đang phải sống
trong địa ngục trần gian!
Tóm lại, trong TĐNM rất dài Nguyễn Tấn Dũng cố
vẽ ra một bức tranh tuyệt đẹp cho năm 2014 và tương lai, với những biện pháp
hết sức dân chủ cho mọi công dân, một đời sống ấm no cho nông dân và phát triển
kinh tế hài hòa giữa tư nhân và doanh nghiệp nhà nước. Xã hội mà Nguyễn Tấn
Dũng vẽ ra đẹp như một thiên đường. Nhưng thiên đường đó có tên là gì? Trong
câu cuối của TĐNM Nguyễn Tấn Dũng đã cho mọi người biết cái tên của nó:
“Nhất định bản lĩnh đó [Đảng CS vượt qua những
thử thách trong quá khứ, ghi chú của người viết] sẽ lại tỏa sáng để Đẩy
mạnh toàn diện công cuộc Đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng,
đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lên tầm cao mới vì một nước
Việt Nam xã hội chủ nghĩa - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh.”
Nghĩa là Nguyễn Tấn Dũng khuyên mọi người cứ
ngoan ngoãn làm theo các Nghị quyết của Đại hội 11, cứ cúi đầu nghe theo nhóm
cầm đầu toàn trị dẫn dắt theo con đường quá độ lên CNXH theo như Cương lĩnh
chính trị 2011; ngoan ngoãn tuân theo Hiến pháp mới ban hành, hoan hỉ theo kinh
tế thị trường định hướng XHCN với kinh tế nhà nước làm chủ đạo và tuân theo
pháp chế XHCN co giãn tùy kẻ cầm đầu thì sẽ có dân chủ, phú cường, văn minh!
Chỉ có điều là những gì Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng coi là thiên đường
hay cực lạc thì 90 triệu nhân dân VN đã cảm nhận từ chính bản thân và rất bất
bình, cay đắng biết rõ đây trính nhà địa ngục trần gian mà chế độ toàn trị đã
gieo rắc gần 60 năm!
Nguyễn Tấn Dũng đã trổ tài hùng biện về nghệ
thuật nói láo, dối trá của mình trong TĐNM 2014! Cho nên người ta cũng không
thể quên câu nói dưới đây của Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc đối thoại điện tử lần
đầu tiên trong tư cách Thủ tướng vào đầu năm 2007: “Tôi yêu nhất,
quý nhất là sự trung thực và tôi cũng ghét nhất, giận nhất là sự giả dối.” !!!
[14]
***
Để nhận xét khách quan và trung thực về một
chính trị gia thì không được phép chỉ căn cứ vào một vài câu nói hay một vài
danh từ đao to búa lớn nẩy lửa của họ, trái lại phải đối chiếu so sánh nghiêm
túc giữa những lời nói và các hành động của người này trong quá trình lâu dài
nắm giữ quyền lực. Chỉ khi đó mới hiểu được động cơ, ý đồ thầm kín của chính
trị gia này. Phải giữ tinh thần làm việc trách nhiệm nghiêm túc như vậy mới
tránh không vô tình làm cái loa cho kẻ độc tài và làm giảm nhuệ khí đấu tranh
của phong trào dân chủ đang lên cao trong các tầng lớp nhân dân!
Nếu chỉ tính từ thời Nguyễn Tấn Dũng xoay xở
nhảy được vào Trung ương đảng (1986, dự khuyết) rồi leo lên Bộ chính trị (1996)
và nắm ghế Thủ tướng (từ 7. 2006), cho thấy có những giai đoạn ông Dũng đã biết
nín thở qua sông bằng cách dựa vào một vài nhân vật có quyền thế nhất khi ấy để
cuối cùng vượt tới đỉnh cao danh vọng là cầm đầu chính phủ. Để duy trì và củng
cố cái ghế Thủ tướng ông Dũng đã dùng quyền - tiền để tạo vây cánh và gây thanh
thế ngay trong Trung ương đảng. Chính vì thế nên cho đến nay ông đã bẻ gãy được
nhiều chông gai do chính các đối thủ trong Bộ chính trị, đặc biệt từ khi Nguyễn
Phú Trọng nắm chức Tổng bí thư (từ tháng 1.2011), rõ ràng nhất là trong các Hội
nghị Trung ương 4-8.
Không những thế, tùy theo tình hình trong đảng
lẫn ngoài xã hội trong hơn 7 năm qua Nguyễn Tấn Dũng còn sử dụng nhiều thủ đoạn
khác nhau để mua chuộc và xoa dịu dư luận hòng vượt qua những khó khăn, hoặc để
tạo ấn tượng tốt nhằm dựng lên một kì vọng mới ở ông. Nhiều dẫn chứng rất rõ về
những thủ đoạn này đã được Nguyễn Tấn Dũng sử dụng bài bản, như năm 2009 khi
tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều chuyên viên và trí thức phản đối việc để Bắc kinh
khai thác Bauxite ở Tây nguyên. Nhân dịp kỉ niệm 55 năm Điện biên phủ, ngày
7.5.2009 tại nhà riêng của tướng Giáp Nguyễn Tấn Dũng đã công khai ủng hộ thư
của tướng Giáp về việc này và nói “Chính phủ xin tiếp thu ý kiến của
Đại tướng.” [15], nhưng liền sau đó đã bỏ rơi lời hứa này!
Khi vụ thua lỗ khủng lên tới trên 86.000 tỉ
đồng (4,5 tỉ USD) của tập đoàn Vinashin bùng nổ vào 2010 không lâu trước Đại
hội 11, Nguyễn Tấn Dũng đã làm như thành khẩn ra trước Quốc hội xin lỗi và nhận
trách nhiệm, nhưng sau đó không lâu chính Nguyễn Tấn Dũng đã phủi trách nhiệm
cá nhân, bảo đó là trách nhiệm tập thể.
“Xảy ra chuyện như Vinashin, cuối cùng Thủ
tướng đứng ra nhận trách nhiệm. Tôi nhận trách nhiệm chính trị với tư cách
người đứng đầu Chính phủ, chứ tôi cũng không ra quyết định nào sai”.[16]
Khi phong trào biểu tình của thanh niên và trí
thức lên tới cao độ vào các năm 2011-12 phản đối Bắc kinh công khai lấn chiếm
biển đảo và tài nguyên của VN, Nguyễn Tấn Dũng cũng đã từng tuyên bố ủng hộ cần
ra sớm luật biểu tình, nhưng sau đó ông không còn nhắc tới lời hứa này nữa. Đầu
năm 2012 khi xảy ra vụ Thành ủy Hải phòng cho hàng trăm công an tấn công và đàn
áp gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn ở Tiên lãng, Hải phòng đã gây xúc động và
bất mãn rất lớn trong nhiều tầng lớp, cả trong nhiều cán bộ cao cấp đã về hưu,
Nguyễn Tấn Dũng cũng ra tuyên bố rất nẩy lửa đứng về phía những người phản đối.
Nhưng sau khi dư luận chìm xuống thì Nguyễn Tấn Dũng vẫn để tòa án xử bất công
gia đình ông Vươn, trong khi ấy những người lãnh đạo thành ủy Hải phòng không
hề sơ sấn gì, riêng Đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an Hải phòng và chỉ huy đàn
áp gia đình ông Vươn còn được Nguyễn Tấn Dũng phong hàm cấp tướng. [17]
Nếu đọc lại những tuyên bố của Nguyễn Tấn Dũng
trong các vụ nói trên cũng hùng dũng khẳng khái không kém những ngôn từ trong
TĐNM 2014! Vậy thì động cơ nào đã khiến Nguyễn Tấn Dũng lại tái diễn giở trò “ăn
năn”, “tự chuyển biến” giả vờ vào thời điểm này?
Năm nay (2014) sẽ diễn ra một loạt công tác
chuẩn bị Đại hội 12, dự tính sẽ diễn ra vào 2015/16. Đứng hàng đầu các công tác
này phải kể tới việc xếp đặt nhân sự ở các lãnh vực then chốt từ trung ương tới
các tỉnh và thành phố. Vì vậy năm nay là thời điểm cực kì quan trọng cho các
phe phái ráo riết chuẩn bị giành giật các chức vị quan trọng để có thể nắm chủ
động trong Trung ương đảng và Bộ chính trị trong nhiệm kì tới.
Tuy thắng một số keo trong các Hội nghị Trung
ương gần đây, nhưng Nguyễn Tấn Dũng và phe cánh cũng bị đánh xất mình xất mẩy
đến “trọng thương”. Nguyễn Tấn Dũng mất chức Trưởng ban chỉ đạo phòng chống
tham nhũng, trong vụ xét xử rất đình đám vụ án Dương Chí Dũng Vinalines vào
cuối năm 2013 Nguyễn Tấn Dũng đã phải tránh mình với chuyến thăm Nhật Bản. Năm
nay phe Nguyễn Phú Trọng sẽ lôi ra xét xử thêm một số vụ “đại án tham
nhũng” nữa, trong đó liên quan tới nhiều nhân vật thân tín của Nguyễn
Tấn Dũng [18]. Giữa khi ấy lãnh vực kinh tế-tài chánh là trách
nhiệm và hoạt động chính của ông Dũng lại liên tục nhiều năm rơi vào khủng
hoảng trầm trọng. Nguyễn Tấn Dũng hiểu rõ những nguy cơ này có thể làm cháy sự
nghiệp chính trị của ông.
Ngay cả một số lãnh vực từng được coi là thuộc
vùng ảnh hưởng của Nguyễn Tấn Dũng, như ngành ngoại giao và công an, cũng đang
bị tuột tay. Ngày 18. 12 vừa qua Nguyễn Phú Trọng giành chỉ đạo Hội nghị Công
an toàn quốc lần 69. Cũng vào ngày này Nguyễn Phú Trọng cũng đã độc quyền chỉ
đạo Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 và khẳng định rõ, các đường lối và hoạt động
ngoại giao là thẩm quyền tuyệt đối của Bộ chính trị và Ban bí thư:
“Kiên định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối
và thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại. Thống nhất quản lý đối ngoại cả về
chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh... là một yêu cầu vừa lâu dài,
cơ bản, vừa có tính thời sự cấp bách. Theo tinh thần đó, mọi quyết định và hoạt
động đối ngoại, nhất là những vấn đề liên quan đến sự ổn định và phát triển của
đất nước, đến độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và danh dự quốc
gia, đều phải tập trung vào một đầu mối dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính
trị và Ban Bí thư” [19]
Có hiểu như vậy mới biết, tại sao tuyên bố của
Nguyễn Tấn Dũng tại Hội Khoa học Lịch sử VN ngày 30.12 về việc lễ kỉ niệm 40
năm Bắc kinh chiếm Hoàng sa và 35 năm Chiến tranh biên giới phía Bắc đã bị kiểm
duyệt ngay và cấm đăng tải.
Trước sự kiện phe bảo thủ giáo điều do Nguyễn
Phú Trọng cầm đầu đang lấn chiếm địa bàn chính trị trở lại đã làm Nguyễn Tấn
Dũng rất lo ngại, cho nên ông ta đang tìm cách giả vờ ngả đứng về phía nhân
dân, đặc biệt là các giới chuyên viên, trí thức, thanh niên và các đảng viên
tiến bộ.
Đây là những thành phần dân chủ đã cương quyết bền bỉ đấu tranh bằng phương
pháp phi bạo lực và hiện nay đang giành được uy tín, sự tin tưởng trong nhân dân
VN cũng như quốc tế, nhất là ở các nước dân chủ phương Tây. Sự thành hình và
hoạt động rất tích cực gần đây của một số tổ chức như Diễn đàn Xã hội Dân sự,
Tập hợp các Mạng lưới Blogger VN, Hội bảo vệ những người dân oan và việc công
khai ra khỏi ĐCS của một số nhân sĩ tên tuổi đang gây những chấn động chính trị
lớn đội lên cả vào nội bộ của ĐCS.
Một cáo già chính trị như Nguyễn Tấn Dũng
không thể không thấy những nguy cơ và cơ hội trên. Chính vì thế Nguyễn Tấn Dũng
đã chọn thời điểm đầu năm 2014 để công bố TĐNM với ngôn ngữ hồ hởi ca tụng dân
chủ, đứng về phía nhân dân đòi thực hiện cải cách từ trong đảng, chính phủ,
quốc hội tới các tổ chức quần chúng. Qua đó Nguyễn Tấn Dũng muốn dùng
sức mạnh của quần chúng phá vỡ vòng vây của phe bảo thủ giáo điều Nguyễn Phú
Trọng.
Nhưng các sự kiện đàn áp nhân dân, coi thường
trí thức và thanh niên trong quá khứ suốt hơn 7 năm làm Thủ tướng như đã nói
trên đã chứng minh, lần này Nguyễn Tấn Dũng cũng lại tính giở trò “tự chuyển
biến”, “tự diễn tiến” chỉ nhằm phá vòng vây của phe Nguyễn Phú Trọng, chứ tuyệt
nhiên không phải là đứng về phía nhân dân bị đàn áp. Nguyễn Tấn Dũng giả vờ
đứng về phía dân chủ đang vươn lên là thủ đoạn mượn gió bẻ măng, chỉ cốt nắm
lại cái ghế cho mình và cho phe cánh lợi ích nhóm trong Đại hội 12 sắp tới! Một
khi thành công thì Nguyễn Tấn Dũng và phe cánh sẽ tiếp tục chế độ toàn trị,
quay trở lại đàn áp nhân dân và tham nhũng cho gia đình và vây cánh như ông ta
đang làm từ hơn 7 năm trong cương vị Thủ tướng! Đây chính nhà động cơ khiến
Nguyễn Tấn Dũng công bố TĐNM 2014.
Nhưng vải the không thể che được mắt thánh,
qua TĐNM mọi người càng thấy rõ bản chất thực của Nguyễn Tấn Dũng: Treo đầu dê
bán thịt chó! Tệ hơn nữa là loại thịt mà ông Dũng đang rát cổ rao bán đã quá
ôi, nhiều nước Âu châu và nhiều nơi trên thế giới đã vất nó vào thùng rác từ
lâu!
9.1.2014
Âu Dương Thệ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét