Kính
gởi Quý đồng bào Quốc nội và Hải ngoại cùng Quý chiến hữu:
Tiếp theo bài HUẾ - 46 NĂM TỘI ÁC DIỆT CHỦNG CỦA
BĂNG ĐẢNG HỒ CHÍ MINH - (TỊNH NGỌC, KKT). HUẾ - ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN CÓ THẬT -
(LIÊN THÀNH), xin trân trọng phổ biến bài thứ hai trong loạt
bài liên quan Tội Ác Diệt Chủng của Băng Đảng Hồ Chí Minh tại Huế Tết Mậu Thân
1968, "DIỄN TIẾN CUỘC THẢM SÁT ĐỒNG BÀO VÔ TỘI TẠI HUẾ VÀO TẾT MẬU
THÂN 1968 VÀ CUỘC THẨM CUNG CỦA THIẾU TÁ LIÊN THÀNH VỚI TÊN TRUNG TÁ ĐIỆP VIÊN
CỘNG SẢN HOÀNG KIM LOAN" của tác giả Liên Thành.
Mong rằng loạt tài liệu mà Khối Kỹ Thuật phổ biến hôm nay và
liên tục trong những ngày sắp tới sẽ an ủi phần nào cho những uất ức của gia
đình nạn nhân tại Huế nói riêng và đồng bào miền Nam nói chung.
Trân trọng,
Tịnh NgọcTrưởng Khối Kỹ Thuật
UBTTTADCSVN
DIỄN TIẾN CUỘC THẢM SÁT ĐỒNG BÀO VÔ TỘI TẠI HUẾ VÀO TẾT MẬU THÂN
1968
Liên Thành
(trích Huế Thảm Sát Mậu Thân 68 của Tác giả Liên Thành)
Ai ra lệnh Tàn Sát?
Hồ Chí Minh và Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam
Ai Thi Hành?
Thiếu Tướng Lê Khả Phiêu Chính Ủy Khu Ủy Trị Thiên.
Trung Tướng Trần Văn Quang Tư lệnh Quân khu Trị Thiên.
Đại Tá Lê Tư Minh, Tư lệnh mặt trận Huế
Đại lực lượng an ninh của cộng quân thi hành cuộc tắm máu đồng
bào vô tội Huế gồm:
1- An Ninh Khu Ủy Trị Thiên do Tống Hoàng
Nguyên chỉ huy.
2- Lực lượng Công An của Ty Công An Thừa Thiên-Huế do
Đại Tá VC Nguyễn Đình Bảy tự Bảy Lanh chỉ huy.
2- Lực lượng An ninh và Bảo vệ Khu Phố do
Nguyễn Đắc Xuân chỉ huy.
Ước lượng quân số khoảng trên hai ngàn
người của Quân Khu Trị Thiên tung vào cuộc hành quân để lùng diệt, truy quét
thành phần ác ôn, tàn binh “ngụy”, Công An Cảnh Sát “ngụy”, các thành phần làm
tay sai cho tình báo CIA.
Trong hai ngàn người trên, lực lượng An
Ninh và Bảo Vệ Khu Phố của Nguyễn Đắc Xuân có khoảng từ 700 đến gần một ngàn
người. Đây là một lực luợng nguy hiểm nhất đối với dân chúng Huế và cũng sát
máu tàn bạo như lực lượng Công An Khu Ủy Trị Thiên của Tống Hoàng Nguyên, và
Công An Thừa Thiên-Huế của Nguyễn Đình Bảy.
Tại sao lực lượng An Ninh và Bảo vệ Khu phố
của Nguyễn Đắc Xuân lại nguy hiểm nhất? Vì bọn chúng là đám cơ sở nằm vùng đã
bám rể lâu đời trong thành phố Huế, dưới dạng là những tên thầy bói như tên
thầy bói Diệu Linh, những tên làm việc lao động như tên thợ nề Nguyễn Bé, đặc
biệt là những tên núp lén kín đáo dưới dạng các Phật tử, các khuôn hội gia đình
Phật tử như các tên: Lê Hữu Tý, tên Nguyễn Xin chủ nhà máy cưa, tên Nguyễn Hải
chủ khách sạn Hương Bình, chủ tiệm thuốc Bắc Thiên Tường. Và quan trọng
nhất là đám phản loạn Học Sinh Sinh Viên Phật Tử, lực lượng trực thuộc của
Thích Trí Quang, Thích Đôn Hậu đã tích cực tham gia cuộc phản loạn vào
năm 1966. Sau khi thất bại bọn chúng đuợc Khu Ủy, Thành Ủy, Thị Ủy Việt Cộng
đưa lên mật khu để bảo toàn lực lượng nay trở về lại thành phố tha hồ chém giết
dân lành trả mối hận xưa.
Kế hoạch của cuộc bạo lực cách mạng hay bạo
lực đỏ được cộng quân phân chia làm 3 giai đoạn:
1- Gọi trình diện đợt 1.
Đại lực lượng sát thủ nầy được chia thành
nhiều toán nhỏ, rãi đều mọi khu gia cư thuộc 3 quận trong thành phố Huế đó là
Quận I, Quận II, và Quận III.
Mỗi toán nhỏ của bọn chúng đi lục soát từng
nhà một, từng gia đình một, kêu gọi tàn binh “Ngụy” quân, “Ngụy” quyền, Cảnh
Sát Công An “Ngụy” ra trình diện và giao nạp vũ khí để được khoan hồng. Ngoài
ra trong khi lục soát các tư gia bọn chúng cũng tìm bắt những người đã có trong
sổ đen của bọn chúng. Một số trong những người nầy bị bọn chúng đem ra bắn tại
chỗ trước sự đau đớn tột cùng của vợ con thân nhân nạn nhân, như trường hợp của
Thiếu Tá Từ Tôn Kháng, Tỉnh Đoàn Trưởng Xây Dựng Nông Thôn Tỉnh Thừa Thiên.
Trường hợp của ông Trần Ngọc Lộ ở tại Cồn
Hến, Nguyễn Đắc Xuân và đồng bọn còn có hành động dã man và tàn bạo không còn
tính người. Nguyễn Đắc Xuân không những xử bắn chồng là ông Trần Ngọc Lộ trước
mặt vợ và 4 con dại của ông ta, đứa lớn nhất không quá 6 tuổi, đứa nhỏ nhất
không quá 4 tháng tuổi, mà ngay khi ông Lộ gục ngã dưới những loạt đạn AK của
Nguyễn Đắc Xuân và đồng bọn, thì Nguyễn Đắc Xuân và đồng bọn lập tức quay súng
nổ súng xối xả vào bà vợ ông Lộ. Thi thể bà Lộ bị bắn nát như chồng, để lại
những đứa trẻ thơ dại, bé nhất chỉ 4 tháng tuổi, lớn nhất chưa quá 6 tuổi. Vợ
chồng ông Trần Ngọc Lộ đã bị Nguyễn Đắc Xuân và đồng bọn sát hại chỉ vì nghi họ
là đảng viên đảng Đại Việt Cách Mạng.
Còn bốn cháu bé, đứa lớn nhất chưa quá 6 tuổi các cháu cuộc đời
lớn lên bơ vơ không cha không mẹ, ai người bảo bọc dạy dỗ chăm sóc? Nguyễn Đắc
Xuân mi lớn lên trên mảnh đất xứ Huế của VNCH, mi có cha có mẹ đầy đủ, những
người quốc gia có ai giết cả cha lẫn mẹ mi đâu Xuân? Cớ sao mi nỡ giết đi cả
cha lẫn mẹ của những trẻ thơ kia hả Xuân?
Mi có còn là người nữa không Nguyễn Đắc Xuân?
Câu chuyện thương tâm nầy dân cư trong vùng Cồn Hến ai cũng biết
và ngậm ngùi xót thương cho 4 em bé bất hạnh con ông bà Trần Ngọc Lộ. Đã bốn
mươi hai năm trôi qua rồi nhưng cứ mỗi độ Tết đến Xuân về thì những nhân chứng
vụ thảm sát gia đình ông Trần Ngọc Lộ tại Cồn Hến vẫn còn nhắc đến câu chuyện
bi thảm này. Vụ thảm sát này là một chứng minh cụ thể cho lịch sử thấy bản chất
những kẻ chạy theo cộng sản, những kẻ ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản, chúng đã
xây dựng thiên đường cộng sản bằng cách như thế này đây.
Thảm kịch này cũng là một sự nguyền rủa đến
những kẻ đến nay đã hơn 35 năm rồi, chúng ác như thế đó thế mà có kẻ vẫn còn
bênh vực, đi đêm, trở cờ nối giáo cho bọn cộng sản.
“Bốn đứa trẻ thơ con ông bà Trần Ngọc Lộ bây giờ ra sao?"
Câu hỏi đó đến nay vẫn còn đeo đuổi trong lòng tôi
và trong lòng những người dân Cồn Hến.
Nguyễn Đắc Xuân quả thực là con
quỷ khát máu xứ Huế.
Điều nghịch lý là kẻ sát nhân Nguyễn Đắc Xuân
vẫn còn sống nhởn nhơ tại thành phố Huế mà lại còn tự phong cho mình là “Nhà
Huế Học”. Nên chăng phải gọi tên tội đồ của dân Huế Nguyễn Đắc Xuân là “Nhà
Tắm Máu Mậu Thân Học”, “Nhà Đồ Tể Học”?
Một thời gian nữa chúng tôi hoàn tất thủ tục
tố tụng trước tòa án quốc tế truy tố Nguyễn Đắc Xuân về Tội Ác Chiến Tranh, xin
cho tôi gởi lời nhắn đến bốn người con của Ông Bà Trần Ngọc Lộ: Ở phương trời
nào, nếu có dịp đọc được những dòng chữ nầy, xin hãy liên lạc với tôi: Ủy Ban
Truy Tố Tội Ác Đảng Cộng Sản Việt Nam để bổ túc thêm hồ sơ truy tố tên tội phạm
Nguyễn Đắc Xuân, kẻ đã hạ sát cha mẹ các em.
Trở lại trường hợp đợt gọi trình diện
lần thứ nhất:
Tất cả Ngụy Quân, Ngụy Quyền, tàn binh, Cảnh Sát Công An Ngụy ác
ôn, nhân viên tình báo CIA đến trình diện Chính Quyền Cách Mạng đều được Chính
Quyền Cách Mạng đặc biệt khoan hồng. Mỗi người đều được chính quyền cách mạng
cấp cho một giấy chứng nhận có giá trị như giấy thông hành hay căn cước, có
quyền đi lại tự do trong vùng không bị lực lượng an ninh của chính quyền cách
mạng làm khó dễ gì cả. Cũng cần nói thêm rằng, trong thời gian nầy còn có hai
loại giấy tờ có giá trị đi lại không bị bọn chúng làm khó dễ đó là:
- 1. Thẻ Sinh Viên Đại Học Huế.
- 2. Giấy chứng nhận do Ôn Đôn Hậu ấn ký.
Màn kịch trình diện khoan hồng được sắp xếp
như sau: Đầu tiên bọn chúng kêu gọi những Quân, Cán, Chính, và Cảnh Sát Quốc
Gia bị kẹt trong vùng bọn chúng kiểm soát ra trình diện giao nạp vũ khí. Những
người cả tin này được bọn chúng cấp cho mỗi người một giấy chứng nhận đã trình
diện và được tự do đi lại. Những người ra trình diện với cách mạng này được tự
do ra về với gia đình, tin rằng đây là chính sách khoan hồng của “cách mạng”
cũng giống như chính sách Chiêu Hồi của VNCH.
Thật ra là chiếc lưới rộng đang được giăng để
hốt trọn ổ đàn cá.
2- Gọi trình diện đợt 2
Lời kêu gọi tàn binh, Ngụy Quân, Ngụy Quyền,
Cảnh Sát Công An Ngụy, nhân viên tình báo CIA trình diện và giao nạp vũ khí cho
chính quyền Cách Mạng của Cộng Quân vẫn tiếp tục.
Một số lớn anh em quân nhân, Cảnh Sát Quốc Gia,
Công Chức, cán bộ chính quyền VNCH còn trốn tránh chưa ra trình diện ở đợt I
thấy những người ra trình diện đợt I được bình yên trở về nhà, không những thế
mà lại còn được "Ủy Ban An Ninh chính quyền cách mạng" cấp giấy thông
hành cho tự do đi lại, cho nên khi nghe cộng quân kêu gọi trình diện đợt II
giao nộp vũ khí để được cách mạng khoan hồng tiếp, một số người còn chưa tin
cộng sản ở đợt I và đang lẫn trốn liền ra trình diện. Rồi cũng như những người
đã trình diện đợt I, họ được cấp giấy và cho về.
3- Gọi trình diện đợt 3
Những người cẩn thận còn nghi ngờ chưa ra
trình diện hai đợt trước nay nghe lời kêu gọi đợi III này thì tất cả lũ lượt ra
trình diện giao nộp vũ khí, và rồi họ cũng được cấp giấy thông hành và cho về
với gia đình, thầm nghĩ “quả là “cách mạng” thật sự khoan hồng”!
4-Trình diện đợt 4: Ra đi không bao giờ trở lại.
Sau 3 lần tung lưới giả, mẻ lưới thật sự mới
là đây: Đợt IV. Chỉ vài ngày sau, cơ quan an ninh của chính quyền Cách
Mạng kêu gọi tất cả những ai đã trình diện trong 3 đợt vừa qua, và những ai
chưa ra trình diện, hãy ra trình diện tại những địa điểm mà bọn chính quyền
Cách Mạng ấn định để học tập.
Ngoài ra bọn chúng sử dụng lực lượng Công An,
đoàn Vũ Trang Thanh Niên của Nguyễn Đắc Xuân và một số nằm vùng mở cuộc hành
quân lùng xét từng nhà thúc đẩy mọi người trình diện học tập.
Tin tưởng như ba lần trình diện trước, đi rồi lại
về có sao đâu (?), mọi người yên tâm kéo nhau đi trình diện cách mạng…
Nhưng rồi… vợ con mong đợi, cha mẹ trông chờ… Đêm
qua đêm, ngày qua ngày, tháng qua tháng, sao đi mà không trở lại?
Quả thật, những người thân đi trình diện học tập đã
không bao giờ trở lại… vĩnh viễn không trở lại. Tất cả đã đến cõi chết. Thân
xác đã bị vùi lấp chồng chất trong những nấm mồ tập thể.
Đơn vị Công An của Tống Hoàng Nguyên thuộc Khu Ủy
Trị Thiên, đơn vị đặc công của Đại tá Nguyễn Đình Bảy, Đoàn Vũ Trang Thanh Niên
của Nguyễn Đắc Xuân đã xử bắn hoặc chôn sống, trói họ từng chùm bằng dây điện thoại,
dây kẽm gai, rồi hoặc dùng cuốc xẻng đập vào đầu họ cho ngất xỉu rồi xô sống
xuống hố đã được đào sẵn, kết thúc bằng cách vùi lấp thân thể họ, dù còn sống
hay đã chết. Các nấm mồ tập thể rãi rác cùng khắp tỉnh Thừa Thiên và Thị
Xã Huế, con số nhỏ thì vài chục, con số lớn thì vài trăm nhân mạng trong một
nấm mồ.
Sau nầy ty CSQG Thừa Thiên Huế tìm được thân
xác họ trong những hầm sâu hố cạn, một số tại các địa điểm trong thành phố, số
còn lại tại các hầm chôn tập thể ở các quận Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy,
Nam Hòa. Các bác sĩ pháp y khám nghiệm thấy rằng đại đa số bị chết ngộp vì bị
chôn sống vì thân hình không bị trúng đạn, một số khác xương sọ xương đầu bị
vật cứng đập vỡ. 5327 nạn nhân nầy đã chết không như tên Việt Cộng nằm vùng
Trịnh Công Sơn đã viết “nằm chết như mơ” mà họ chết trong tư thế nằm nghiêng,
nằm ngữa hai tay bị trói bằng dây điện thoại, bằng dây kẽm gai, họ chết trong
kinh hoàng trong nỗi sợ hãi tột cùng.
Tòa án Nhân Dân tại Bãi Dâu thuộc Quận II thành phố Huế:
phiên tòa man rợ ở cõi âm ty địa ngục
Song song với những đợt gọi trình diện trong ba quận tại thị xã
Huế, độc nhất tại Quận II (Tả Ngạn) bộ chỉ huy cuộc tổng nổi dậy của cộng quân
quyết định mở Tòa Án Nhân Dân.
Trong thời gian Mậu Thân, Hoàng Kim Loan là
người được phân công chịu trách nhiệm phát động cuộc “Tổng Nổi Dậy” tại Huế.
Xin viết lại đoạn thẩm cung của tôi với tên Trung Tá Điệp Viên Hoàng Kim Loan,
kẻ đã bị chúng tôi bắt vào tháng 5/1975.
Liên Thành:
- Có bao nhiêu tòa án Nhân dân đã được thiết lập tại thành phố
Huế trong thời gian trên?
Hoàng Kim Loan:
- Chỉ độc nhất một Tòa Án Nhân Dân được thành lập tại quân
II mà thôi.
Liên Thành:
- Tại sao không thành lập tại Quận I và Quận III?
Hoàng Kim Loan:
- Tại Quận I và Quận III, lực lượng đoàn Vũ Trang Thanh Niên của
Nguyễn Đắc Xuân phối hợp cùng các toán Công An của Khu ủy và Tỉnh thị ủy đã
thanh toán hầu hết các đối tượng chống đối phản cách mạng các mục tiêu
nguy hiểm rồi, nên không cần thiết. Hơn nữa tình hình tác chiến ở hai Quận nầy
rất căng nên không thể thiết lập Tòa Án Nhân Dân.
Liên Thành:
- Tại Tòa Án Nhân Dân, ai là người ngồi ghế chánh án?
Hoàng Kim Loan:
- Tống Hoàng Nguyên, Hoàng Lanh, và tôi, chúng tôi hội ý nhau.
Lúc đầu chúng tôi định đưa Nguyễn Đắc Xuân ngồi ghế chánh án, nhưng sau đó
chúng tôi chọn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Bởi lẽ vào thời điểm đó Hoàng Phủ Ngọc
Tường đang giữ chức Tổng Thư Ký của lực lượng Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ
Hòa Bình. Đây là một lực lượng kết hợp các thành phần trí thức, tôn giáo, kết
hợp những lực lượng và cá nhân các nhân vật có uy tín tại Huế đứng lên chống
Thiệu-Kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược, vậy tòa án Nhân dân giao cho Tổng Thư Ký
của lực lượng nầy đại diện dân chúng Huế ngồi xử án các tên ác ôn, các tên tay sai
của Thiệu-Kỳ và của đế quốc Mỹ xâm lược là thích hợp nhất.
Liên Thành:
- Những ai có mặt và chứng kiến những phiên tòa do Hoàng Phủ
Ngọc Tường ngồi ghế chánh án xét xử?
Hoàng Kim Loan:
1- Tôi, Trưởng Ban Tổ Chức Tổng Nổi Dậy tại Huế, Thành Ủy Viên.
2- Tống Hoàng Nguyên Trưởng Ban An Ninh Khu Ủy Trị Thiên.
3- Hoàng Lan: Thành Ủy Viên.
4- Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng Quận II, Nguyễn Thiết.
5- Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng Quận I, Nguyễn Hữu Vấn.
6- Nguyễn Đắc Xuân Trưởng Đoàn Vũ Trang Thanh Niên, các phụ tá
của Nguyễn Đắc Xuân như Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đóa, Tôn Thất Dương Tiềm,
Nguyễn Thị Đoan Trinh.
7- Nguyễn Bé, Chủ tịch Khu phố.
8- Trần Văn Linh tức thầy bói Diệu Linh, an ninh khu phố.
Ngoài ra còn một số người tham dự nữa mà tôi không nhớ hết.
Liên Thành:
- Có bao nhiêu “tội nhân” bị giết, bị chôn sống trong phiên tòa
đó?
Hoàng Kim Loan:
- Tất cả có trên 200 “thành phần ác ôn” tay sai Thiệu-Kỳ, Mỹ.
Liên Thành:
- Anh có nghĩ như vậy là quá dã man và tàn bạo không?
Hoàng Kim Loan:
- Hành động đó hơi quá đà, nhưng cần thiết để răn đe quần chúng,
bắt buộc họ phải thuần phục chính quyền cách mạng mới thành lập tại Huế.
Lời nói này của Hoàng Kim Loan làm tôi rợn
người nhớ lại các phiên tòa cũng gọi là tòa án nhân dân của cuộc cải cách ruộng
đất giai đoạn 1955 đến 1956, 1957. Cũng mục đích răn đe quần chúng bắt phải
thuần phục chính quyền cách mạng mà khoảng 200 ngàn người dân vô tội Miền Bắc
đã bị thảm sát, đạo đức xã hội bị đảo ngược và chà đạp, con đấu tố cha mẹ, vợ
chồng, anh chị em, bằng hữu, thầy trò chủ tớ đấu tố lẫn nhau. Qua bao dâu bể,
nhưng bản chất này của cộng sản không bao giờ thay đổi. Mậu Thân 1968 chúng
diễn lại tòa án nhân dân man rợ tại quận II Huế. Sau 1975 thì các phiên tòa án
nhân dân tại các trụ sở phường, trụ sở quận trên toàn Miền Nam để đấu tố bè lũ
Mỹ Ngụy rồi đưa đi lao cải trong các trại tù cải tạo, hoặc lên vùng kinh tế mới
mà tổng số thiệt mạng cũng lên đến khoảng hơn 200 ngàn người, gần bằng con số
mà Quân Cán Chính Miền Nam đã bỏ mình trong cuộc chiến ý thức hệ Quốc Cộng bảo
vệ lý tưởng VNCH.
Huân chương Kháng Chiến Hạng Nhất do Chủ Tịch Nước CHXNCNVN Trần Đức Lương trao tặng vào năm 2002 cho Liệt sĩ Trung Tá Điệp Viên Hoàng Kim Loan thuộc Tổng Cục 2 Tình Báo Cộng sản Việt Nam. |
Sau Mậu Thân, cộng việc đầu tiên của Bộ Chỉ
Huy CSQG Thừa Thiên/Huế là chúng tôi bắt đầu mở cuộc điều tra sâu rộng về tất
cả các vụ giết người của bọn chúng. Trưởng ban Cảnh Sát Đặc Biệt Quậnn II Thị
xã Huế, Trung Úy Cảnh Sát Nguyễn Trọng, cho mời một số nhân
chứng trong vụ tòa án Nhân Dân tại Bãi Dâu để lấy lời khai của của họ hầu bổ
túc vào hồ sơ vụ thảm sát tại Bãi Dâu. Tất cả đều tường thuật giống nhau:
Hoàng Phủ Ngọc Tường chính là
người ngồi ghế chánh án để xét tội.
Đại đa số nạn nhân là anh em Quân Đội, Công
Chức, Cảnh Sát Quốc Gia trốn tại nhà bị bắt. Những người nầy Ông Tòa Hoàng Phủ
Ngọc Tường xếp họ vào loại ác ôn. Một số khác là cô nhi quả phụ vợ con của anh
em Quân Nhân, Cảnh Sát, Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, Cán Bộ Xây Dựng Nông thôn đã
tử trận. Tất cả những người nghèo khổ nầy đi làm tạp dịch như dọn dẹp phòng
ngủ, giặt quần áo cho binh lính Mỹ tại các căn cứ quân sự của Mỹ tại Dạ Lê hay
Phú Bài, hoặc tại cơ quan MACV để kiếm sống nuôi con, nuôi cháu. Số người này
được ông tòa Hoàng Phủ Ngọc Tường xếp vào loại làm việc cho tình báo Mỹ, CIA.
Với những tội danh trên, tất cả thành phần
trên phải bị nhân dân anh hùng Thừa Thiên-Huế và Chính Quyền Cách Mạng trừng
phạt đích đáng, loại trừ như loài rắn độc để làm gương bằng bản án tử hình. Và
án lệnh đã được thi hành ngay tức khắc tại hiện trường của phiên tòa mà không
cần có kháng án.
Kết quả có 204 nạn nhân bị ông Quan Tòa Hoàng
Phủ Ngọc Tường ban lệnh chôn sống hoặc đập chết bằng cách dùng vật cứng đập vào
đầu nạn nhân trước khi xô nạn nhân xuống hố mà đã được đào sẳn tại ngay khuôn
viên Tòa Án.
Sáng ngày 26 tháng 2 năm 1968 thân nhân những
nạn nhân đó đi tim kiếm mới phát giác mồ chôn tập thể có 204 xác người tại
chính ngay khuôn viên trường trung học Gia Hội nơi mà phiên tòa của Tòa Án Nhân
Dân đã mở tại đó trong những ngày trước.
Xin nhắc lại, sau này các đài truyền thanh,
truyền hình và báo chí quốc tế nhiều lần phỏng vấn Hoàng Phủ Ngọc Tường tất cả
đều nêu câu hỏi:
-“Tại sao lại giết người tàn bạo như
vậy?"
Thì tên quỷ đội lốt người nầy hiên ngang xác nhận rằng:
-“Giết bọn chúng thì cũng chẳng khác gì giết
những con rắn độc”.
Đã từng rất hãnh diện về hành động giết người
hăng say thực hiện cách mạng “đấu tranh giai cấp”, nhưng trong một vài năm gần
đây, khi tuổi đời đã cao, có lẽ một góc nhỏ nào đó trong lương tâm cảm thấy có
gì không ổn nên Hoàng Phủ Hoàng Tường, và cũng như các đồng bọn của hắn, đã
không còn hãnh diện như xưa, mà ngược lại, lại chối bỏ hành động giết người dã
man của y tại Huế trong Tết Mậu Thân 1968. Biện minh cho chuyện nầy Hoàng Phủ
Ngọc Tường đã nói:
“Tôi không hề nhúng tay vào những vụ tàn sát trên, vì thời gian
đó tôi đang nằm trong hầm trú ẩn tại Khe Trái phía tây nam quận Hương Trà.”
Khe Trái nằm gần khe Điêng thuộc vùng rừng
núi quận Hương Trà, cách thành phố Huế gần cả năm sáu chục cây số đường bộ, nơi
đây là vùng tập trung các đại đơn vị của cộng quân trước khi tấn công Huế. Đây
là tuyến xuất phát của Cộng quân, cho nên suốt thời gian tấn công và chiếm Huế
không còn một đơn vị nào của Cộng quân trú đóng tại vùng nầy nữa. Như vậy lời
chối tội của Hoàng Phủ Ngọc Tường hoàn toàn không hợp lý.
Tôi xin trích một đoạn hồi ký của Hoàng Phủ
Ngọc Tường để quý độc giả suy nghĩ, xin trích:
“Những năm kháng chiến ở Trường Sơn, trong
mỗi người đều nung nấu một ngọn lửa không gì dập tắt nỗi của khát vọng chiến
thắng, khát vọng ấy trong từng phút từng giờ được ném tung vào một hoàn cảnh
chiến đấu đầy những yếu tố khốc liệt, bất ngờ.
Chuẩn bị vào chiến dịch xuân Mậu Thân, cán bộ các cơ quan đều
được điều về phía trước, đi từng đợt cách nhau một hai hôm. Đợt sau cùng ở cơ
quan tôi đến lượt Văn và Tứ. Chúng tôi đang làm việc suốt ngày và đêm cố in
rô-ne-ô cho xong năm trăm bản tập thơ “Nổi Lửa” mang về Huế theo chiến dịch.
Mỗi người đều sẵn sàn gùi và súng ở đầu giường hồi hộp chờ đến lượt mình.
Tôi chưa được gọi nhưng chắc mẩm thế nào cũng sẽ đi…
Sáng sớm hôm sau tôi được lệnh rời cơ quan đến Sở Chỉ Huy Tiền
Phương Mặt Trận Cánh Bắc.”
(Trích Hoàng Phủ Ngọc Tường tuyển tập 3. Trang 346-347-348)
Xin nhắc lại để đọc giả rõ hơn:
Theo chiến thuật điều quân của cộng quân khi tấn cống Huế, bọn
chúng chia đại đơn vị ra làm hai cánh, cánh Bắc và cánh Nam, lấy sông Hương
làm giới hạn hai cánh.
Cánh Nam là Quận III (Quận Hữu
Ngạn). Nỗ lực chính là Trung Đoàn 5 Đặc Công của Đại Tá Thân Trọng Một.
Cánh Bắc là Quận I (Quận Thành Nội) và Quận
II (Tả Ngạn). Nỗ lực chính là Trung Đoàn 6 của Trung Tá Nguyễn Trọng
Đấu.
Trong suốt thời gian 26 ngày tấn công
và chiếm Huế, Bộ Chỉ Huy Hành Quân của Trung Đoàn 6 Cánh Bắc (hay sở chỉ huy
tiền phương mặt Trận Cánh Bắc) lưu động tại Quận I và Quận II thị xã Huế.
Những ngày cuối cùng trước khi tháo chạy, bộ
chỉ huy Mặt Trận Cánh Bắc của Việt Cộng đóng tại Chùa áo Vàng Téreveda thuộc
Quận II (Quận Tả Ngạn) thị xã Huế đã bị 2 Tiểu Đoàn 21 và 39 Biệt Động Quân,
Quân Lực VNCH vây đánh tan tành, xóa tên Bộ Chỉ Huy Hành Quân Trung Đoàn 6 của
Cộng Quân.
Tóm lại, bộ chỉ huy Mặt Trận Cánh Bắc lưu
động tại Quận I và Quận II Thị xã Huế hoàn toàn không đóng ở Khe Trái trong 26
ngày tấn công và chiếm Huế, mà đóng tại Quận II thì làm sao Hoàng Phủ Ngọc
Tường lại núp dưới hầm tại Khe Trái như ông ta nói? Hơn nữa trên 100 nhân chứng
nhận diện Hoàng Phủ Ngọc Tường ngồi ghế Chánh Án Tòa Án Nhân Dân tại Bãi Dâu là
không xác thực hay sao?
Và đây chúng tôi xin ghi lại nguyên văn lời
nói của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong một buổi phỏng vấn thì chính y đã trả lời
một đài truyền hình London trong trang web http//openvault.wgbh.org
khi được hỏi về những nấm mồ của vụ Tàn Sát Mậu Thân như sau:
“… Thế nhưng mà có những sự chết chóc đã xảy ra.
Sự chết đó là một cái khối lớn. Cái khối lớn đã làm nên những nấm mồ đầy dẫy ở
trong thành phố này và được địch Mỹ và Ngụy đưa ra quay phim và đưa đi thì
những nấm mồ đó là ở đâu? Những cái xác chết nằm ở dưới đó là ai? Cái thứ nhất
là chính nhân dân đã bị bom của Mỹ thả xuống và chết không biết bao nhiêu ở
trong các đợt mà chúng nó phản kích. Thí dụ là như ở một bệnh viện nhỏ ở bên
phố Đông Ba thì nó đã thả 1 trái bom và đúng 200 người vừa chết vừa bị
thương ở tại chổ đó. Tôi đã đi trên những cái đường hẻm, mà ban đêm tôi
tưởng là bùn thì tôi mở ra, bấm đèn lên, thì thấy toàn là máu lầy lội như
vậy. Và đó là cả khu phố bị bom Mỹ đã giết thì cái số đó nhất là trong những
ngày cuối cùng thì chúng tôi rút ra và nó đã thâu lại và đem
đi chôn..”
Câu hỏi dành cho lời phát biểu trên của Hoàng Phủ
Ngọc Tường:
- Ai đã đi trên những con đường máu lầy lội ở
phố Đông Ba?
- Ai đã rút ra trong những ngày cuối
cùng của cuộc chiến?
- Hoàng Phủ Ngọc Tường đã làm gì trong những
ngày chiến cuộc đó?
Với những bằng chứng như vậy, thì câu hỏi mà
chúng ta đặt ngược lại cho Hoàng Phủ Ngọc Tường và những kẻ tin vào luận điệu
của hắn như sau:
- Hắn có thể chối không có mặt ở thị xã Huế và tham gia
tích cực vụ thảm sát Tết Mậu Thân Huế hay không?
- Hắn có thể chối tội đã là thủ phạm thảm sát Tết Mậu Thân Huế
hay không?
Câu trả lời: chắc chắn là hắn không thể chối
cãi tội ác Giết Người Mậu Thân của hắn được.
Xin đón đọc Phần tiếp
theo vào ngày mai 28/1/2014: "Thư của một học trò Liên Thành
gởi thầy Hoàng Phủ Ngọc Tường và Thư của cựu Chỉ Huy
Trưởng Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Thừa Thiên và Thị xã Huế, Thiếu Tá
Liên Thành gởi tên Tội phạm chiến tranh và diệt chủng Hoàng Phủ Ngọc
Tường".
(Xin giúp chúng tôi phổ biến những tài liệu tiếp theo về Huế Mậu Thân 1968. Cảm ơn Quý vị. Tịnh Ngọc, Trưởng Khối Kỹ Thuật).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét