Tiếp phần II, chương III: Các nhà văn đứng tuổi: Hữu Loan, Sĩ Ngọc, Chu Ngọc
Hữu Loan
Hữu Loan năm nay chừng 40 tuổi, quê ở làng Vân Hoàng, huyện Nga Sơn, thuộc Thanh Hoá, con nhà nghèo và hiện nay vẫn sống một cách rất cơ cực ở ngoại ô Hà Nội.
Trong thời kỳ kháng chiến, ông công tác văn nghệ trong bộ đội, và sau xin giải ngũ và dạy học ở một trường tư thục trong huyện.
Ông bắt đầu được nổi tiếng vì một bài thơ khóc vợ chưa cưới, chết đuối, nhan đề là "Mầu tím hoa sim".
Sáng tác của ông gồm có hai loại: thơ và truyện ngắn. Chúng tôi giới thiệu ông ở đây bằng hai bài có tính cách trội nhất, một truyện ngắn và một bài thơ mới.
"Lộn sòng" là một truyện ngắn kể lại những ký ức ông đã ghi được trong thời gian ông còn dạy học ở Thanh Hoá. Hữu Loan muốn dùng hình thức tiểu thuyết để ghi lại một khía cạnh của đời sống trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Về phương diện này Hữu Loan đã thành công hoàn toàn vì người đọc, dù không sống trong vùng kháng chiến, cũng có thể hình dung được đời sống tinh thần và vật chất của giới giáo sư và học sinh trong thời kỳ ấy.
Bài "Cũng những thằng nịnh hót" biểu dương ý chí bất khuất của tác giả trước những sự bất công và thối nát của chế độ.
Hiện nay số phận Hữu Loan ra sao chúng tôi không rõ, vì không có tài liệu nào nhắc đến ông.
Hữu Loan
Hữu Loan năm nay chừng 40 tuổi, quê ở làng Vân Hoàng, huyện Nga Sơn, thuộc Thanh Hoá, con nhà nghèo và hiện nay vẫn sống một cách rất cơ cực ở ngoại ô Hà Nội.
Trong thời kỳ kháng chiến, ông công tác văn nghệ trong bộ đội, và sau xin giải ngũ và dạy học ở một trường tư thục trong huyện.
Ông bắt đầu được nổi tiếng vì một bài thơ khóc vợ chưa cưới, chết đuối, nhan đề là "Mầu tím hoa sim".
Sáng tác của ông gồm có hai loại: thơ và truyện ngắn. Chúng tôi giới thiệu ông ở đây bằng hai bài có tính cách trội nhất, một truyện ngắn và một bài thơ mới.
"Lộn sòng" là một truyện ngắn kể lại những ký ức ông đã ghi được trong thời gian ông còn dạy học ở Thanh Hoá. Hữu Loan muốn dùng hình thức tiểu thuyết để ghi lại một khía cạnh của đời sống trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Về phương diện này Hữu Loan đã thành công hoàn toàn vì người đọc, dù không sống trong vùng kháng chiến, cũng có thể hình dung được đời sống tinh thần và vật chất của giới giáo sư và học sinh trong thời kỳ ấy.
Bài "Cũng những thằng nịnh hót" biểu dương ý chí bất khuất của tác giả trước những sự bất công và thối nát của chế độ.
Hiện nay số phận Hữu Loan ra sao chúng tôi không rõ, vì không có tài liệu nào nhắc đến ông.
*
Cũng những thằng nịnh hót
(Sau khi đọc bài: “Những thằng nịnh hót” của Maiakovski)
Dưới thời kỳ Pháp thuộc
Những thằng nịnh hót nghênh ngang
Lưng rạp trước quan Tây
Bắc vợ như thang
Chân trèo lên danh vọng
Đuôi vợ chúng đi
Lọt theo đầu chúng
Bao nhiêu nhục nhằn;
Nhục mất nước muôn phần
Nhục cùng đất nước
với những thằng nịnh hót
Một điều đau xót
Trong chế độ chúng ta
Trong chế độ Dân chủ Cộng hoà
Những thằng nịnh còn
thênh thang
đất sống
Không quần chùng, áo thụng
Không thang đàn bà
Nhưng còn
thang lưng
thang lưỡi
Những mồm
không tanh tưởi
Ngậm vòi đu đủ
Trợn mắt
Phùng mang
Thổi vào rốn cấp trên
“Dạ, dạ, thưa anh…
Dạ, dạ, em, em…”
Gãi cổ
Gãi tai:
"… anh quên ngủ
quên ăn
nhiều quá!
Anh vì nước
vì dân
hơn tất cả
từ trước đến nay"
Chân xoa
và xoa tay,
Hít thượng cấp
cứ thơm
như múi mít
Gọi như thế là
phê bình cấp trên
kịch liệt
Gặp cấp trên chủ quan
Mũi như chim vỗ cánh
Bụng phềnh như trống làng:
Thấy mình
đạo đức
tài năng
hơn tất.
Như thế là chết rồi:
Quân nịnh
tha hồ lên cấp
Như con gì nhà gác lên thang
Còn muốn lên thủ trưởng cơ quan
Còn đi đây
đi đó
Lưỡi và lưng
Lắm thằng gian khổ
Chúng nó ở đâu:
Thối thóc thuế
Mục kho hàng
Phong trào suy sụp
Nhân dân mất cắp
đang giữa ban ngày
To cánh và to vây
Những ai
không
nịnh hót
Đi, mang cao
liêm sỉ con người
Chúng gieo hoạ, gieo tai
Kiểm thảo
hạ tằng
… Còn quy là phản động!
Có người
đã chết oan
vì chúng
Vẫn thiết tha yêu chế độ
đến hơi thở cuối cùng.
Nguy hiểm thay,
Thật khó mà trông:
Chúng nó nguỵ trang
Bằng tổ chức
bằng quan điểm nhân dân
bằng lập trường
chính sách
Chúng nó
còn thằng nào
Là chế độ ta
chưa sạch
Phải làm tổng vệ sinh
cho kỳ hết
mọi thằng
Những người
đã đánh bại
xâm lăng
Đỏ bừng mặt
vì những tên
quốc sỉ
Ngay giữa những thời nô lệ
Là người, chúng ta
không ai biết
cúi đầu.
9-1956
(Trích Giai phẩm mùa Thu tập II)
*
Lộn sòng
Hôm nay Tuất nhất định làm cho xong hồ sơ để đưa lên ty giáo dục. Hắn cho là sở dĩ hắn bị biên chế ra khỏi trung đoàn cũng chỉ vì bản hồ sơ đã làm thật thà quá. Rút kinh nghiệm lần này hắn sẽ làm một tập hồ sơ có thể gọi là căn bản, có tính chất định đoạt đến địa vị công tác của hắn. Không phải mãi hôm nay khi cầm bút làm hắn mới nghĩ như vậy mà ngay từ khi mới bước chân vào trường hắn đã bận tâm đến việc này rất nhiều.
Nhưng hôm nay đầu óc hắn căng thẳng như tất cả những cái căng thẳng hàng ngày trong gần một tháng nay cộng lại. Hắn biết là hắn sẽ làm một việc nói dối rất đê tiện đối với một đảng viên, nhưng hắn thấy rằng hắn cũng chỉ nói dối một phần nào chứ không hoàn toàn nói dối hẳn. Về tờ khai danh dự trình độ văn hoá hắn sẽ khai là đã học đệ nhất chuyên khoa. Khai là đâu đít-lôm thì lộ quá mà khai là mới học đệ tứ thì không oai. Về thành phần xuất thân hắn sẽ khai là công nhân. Hồi ở Đà Lạt hắn chẳng làm công nhân nhà máy gạch là gì. Một điểm nữa trong bản lý lịch cũng rất quan trọng là những công tác đã qua. Nếu anh kể toàn những công tác ở những cấp cao thì anh sẽ bị coi là một người thiếu công tác cơ sở, một người mất gốc và sẽ bị coi như là một người chưa vững về lập trường giai cấp. Nghĩ như thế nên hắn sẽ khai là sau cách mạng hắn làm chủ nhiệm Việt Minh xã.
Suy nghĩ đâu vào đấy cả, chỉ còn một việc viết vào giấy mà vẫn thấy khó quá. Những câu văn nó cứ lôi thôi không gọn một tí nào. Hắn viết viết xoá xoá hai ba lần. Bỗng nhiên hắn nghĩ đến chữ ký của hắn chưa được oai, thế là hắn xoay ra ký. Hắn ký đầy hàng trang giấy, cũng chưa tìm được một kiểu nào thật là vừa ý. Ký chán đến vẽ. Hắn vẽ những hình vuông, những hình tam giác béo, gầy, đủ kiểu đủ cỡ, những cặp môi, những đôi mắt của thiếu nữ đã gặp. Vẽ xong hắn lại viết những chữ q, chữ l, chữ c hoa quấn quít quanh chữ t hoa. Khi đã đầy một trang giấy lớn hắn lấy bút xoá đi xoá lại rất kỹ nhất là những hình tam giác và những cặp chữ hoa giao nhau. Xoá xong hắn úp tờ giấy xuống bàn xoa xoa và tiếp tục lại ký tên lên mặt còn trắng. Lần này hắn viết: “Bí thư chi bộ trường cấp II N.S.” hoặc “Hiệu trưởng trường cấp II N.S.” hay là “Bí thư kiêm hiệu trưởng…” rồi ký tên hắn xuống dưới. Hắn cố ý ngoặc chữ l sau cùng thành hình búa liềm và thay dấu ớ bằng hình sao năm cánh. Hắn ngắm đi ngắm lại và thấy rất hài lòng. Hắn nghĩ có lẽ mãi mãi hắn sẽ giữ kiểu chữ ký rất có lập trường này. Hắn ký tiếp cho quen tay khi kín hết trang giấy hắn lại xoá rất kỹ nhất là những chữ “bí thư”, “hiệu trưởng” và “bí thư kiêm hiệu trưởng”.
Tuất có giờ Việt buổi chiều ở lớp V. Họp ở huyện xong hắn đi thẳng về trường. Trên đường đi hắn vẫn còn nghĩ chuyện họp với huyện uỷ và hắn rút ra một kinh nghiệm là từ nay dù có viết báo cáo hẳn hoi hắn cũng phải trực tiếp với huyện uỷ thì bao giờ cũng hơn. Hôm nay nếu không có hắn giải thích từng điểm một, giải thích từng thắc mắc cho huyện uỷ bằng những hiện tượng cụ thể thì huyện uỷ còn mất cảnh giác, chưa chịu thấy rằng tất cả các giáo viên trong nhà trường đều có vấn đề cần phải theo dõi. Này nhé! Thân là bí thư kiêm hiệu trưởng là con địa chủ. Lâu là công an ở khu Hà Nội về nghỉ dài hạn. Chung là học sinh lục quân cũng được nghỉ vì thiếu sức khoẻ. Quang thì vẫn thư từ gửi đi gửi về với gia đình trong vùng địch và vẫn nhận đồng hồ, bút máy cả xe đạp cha mẹ gửi ra…
Giấy tờ hợp pháp, những giáo viên đó đều có cả, nhưng giấy tờ thì khó gì mà không bịa ra được. Lý do thì lại càng dễ bịa hơn…
Sau việc báo cáo này, hắn thấy huyện uỷ tin hắn hơn. Hắn sẽ làm cho huyện uỷ tin hắn hơn nữa. Trước kia hắn vẫn thành kiến với trường tư vì hắn thấy khó “tiến bộ” lắm, vì chưa có việc nên hắn phải làm tạm. Phải làm công tác quần chúng. Nếu được làm công tác Cải cách ruộng đất thì dễ “tiến bộ” nhất. Nhưng hôm nay hắn cảm thấy là nhất định hắn có cơ làm ăn được. Không gì hắn cũng có thể gây được cơ sở để làm đà vọt cho công tác của hắn sau này. Và hắn rút ra một định lý: “Dù ở đâu hễ khéo thì vẫn cứ làm ăn được”. Và ở đây hắn định sẽ làm ăn to…
Khi hắn đến trường, kẻng cũng vừa đánh. Học sinh vào lớp còn đang lôn xộn, ồn ào thì hắn đến. Hắn đi vào bàn đứng thẳng lừ mắt nhìn xuống toàn lớp. Học sinh bàn thì đứng lên bàn thì còn ngồi, có những chú đang thụi nhau tranh chỗ ngồi, giằng nhau sách vở.
Hắn cho là học sinh khinh hắn. Hắn đỏ mắt lên quát:
“Đứng lên! Học sinh gì đồ thiếu giáo dục.”
Vẫn còn những bộ phận lộn xộn. Hắn càng gào to:
“Đứng lên! Đồ mất dạy!”
Tiếng hắn như một nhát dao chém đứt mọi sự tranh chấp. Cả lớp đứng phắt dậy.
Hắn hỏi:
“Các thầy khác vào các chú có đứng dậy không?”
“Thưa có!”
Hắn càng tức:
“Sao tôi vào không đứng?”
“Thưa anh em chúng con không biết!”
Câu trả lời làm cho hắn dịu hẳn đi. Anh em giở vở ra chờ đợi.
Hắn hỏi anh em:
"Hôm trước tôi bận đi họp với huyện, giờ Việt ai dạy thay?"
"Thầy Quang ạ!"
"Thầy Quang dạy có dễ hiểu không?"
"Thưa dễ hiểu lắm ạ!"
Hắn lại thấy bực mình.
"Tôi dạy có dễ hiểu không?"
"Bẩm dễ ạ."
Hắn thấy thoả thuê trong người nhưng còn muốn biết hơn:
"Tôi và ông Quang ai dạy dễ hiểu hơn?"
"Bẩm ông Quang dạy dễ hiểu hơn."
Hắn gắt rinh:
"Làm sao lại như thế?"
Một học sinh đứng lên:
"Thưa thầy dạy từ đầu đến giờ ba bài rồi, con chả hiểu gì cả."
Hắn lại gắt:
"Sao lại không hiểu, còn thiếu bổ óc chú ra mà nhét chữ vào nữa à? Hở?"
Hắn lấy sổ tay ra ghi:
"Tên chú là gì?"
"Là Hiếu ạ."
"Ở đâu?"
"Thưa ở xã Xuân Hoà!"
Trong lớp xì xào lo lắng.
Anh học sinh tái mặt:
"Thưa thầy, thầy dạy cao quá, trình độ con chưa hiểu được!"
Hắn bảo chú học sinh:
"Cho chú ngồi xuống."
Và dõng dạc:
"Dạy mà học sinh dễ hiểu chưa chắc đã là giỏi, đã là đúng. Có khi vì hiểu biết nhiều nên dạy cao hơn, học sinh kém quá chưa hiểu nổi. Chú Hiếu khi nãy nói có đúng. Có những ông giáo gặp được đôi bài dễ hoặc đã học được ở đâu rồi thì dạy khá. Còn phải chờ những bài khác. Lại có khi dạy dễ hiểu nhưng mất lập trường. Như thế lại càng tai hại cho học sinh…"
Nói chán chê, hắn bắt học sinh đem bài cũ ra, rồi câu nào ông Quang đã dạy hắn đều đem bẻ lại từng câu, từng chữ.
Đến chỗ ông Quang giải thích chữ “Huân chương quân công” hắn không giải thích lại nhưng hắn nhất định quân công là sai, phải là quận công mới đúng.
Khi ra về học sinh cãi nhau suốt dọc đường về hai chữ này:
“Quân công đúng!”
“Quận công là cái đếch gì.”
“Thầy Tuất đúng.”
“Thầy Quang đúng.”
Có chú dẫn chứng cụ thể:
“Có lẽ thầy Tuất đúng vì làng tớ có đền thờ quan quận công đấy!”
Một chú khác góp ý:
“Thầy Tuất không giỏi sao chuyện gì tỉnh huyện cũng giao cho thầy Tuất. Khai giảng, sơ kết thi đua, sơ kết học tập, đều là thầy Tuất. Các thầy khác chả thấy làm được việc gì.”
Những chú khác cãi lại:
“Đậu tú tài lại không hơn mới học đệ nhị à?”
“Giỏi mà dạy lung tung chả ai hiểu cái gì!”
Học sinh về hết thì bốn học sinh Cẩn, Thanh, Cúc, Lai lại gặp Tuất ngay ở lớp. Buổi tối có cuộc họp bất thường do Tuất triệu tập. Đúng nguyên tắc ra thì bất cứ cuộc họp nào cũng phải thông qua chi bộ. Nhưng Tuất lấy tư cách là chi uỷ viên phụ trách hiệu đoàn, tự ý triệu tập một số anh em thân tín để làm một việc mà hắn cho là có tính chất “cách mạng” trong nhà trường có tính chất “ăn to”. Hắn kéo bốn anh em chị em vào trụ sở hiệu đoàn trong xóm.
Hắn hỏi han như lo lắng đến anh em lắm:
“Ăn uống gì chưa?”
“Chưa.”
“Tôi cũng chưa, họp xong ta ra chợ ăn cũng được chứ?”
Bắt đầu họp hắn tuyên bố:
“Trước khi vào vấn đề, tôi muốn nêu lên hoàn cảnh của anh Thanh và anh Cẩn. Hai anh là hai học sinh khá trong trường nhưng cả hai đều là bần cố nông. Ngày nào hai chú cũng phải đi cắt bổi hoặc vào rừng lấy củi bán, buổi sáng để có thể ăn đi học buổi chiều”, và hắn hỏi:
“Chúng ta nghĩ sao?”
Như sợ có người trả lời mất nên vừa nói xong hắn nói luôn:
“Theo tôi thì nên trích quỹ nhà trường ra phụ cấp cho hai chú đủ ăn, còn hai chú thì từ mai phải lên đây làm việc cho hiệu đoàn. Việc này tôi sẽ chịu trách nhiệm đưa ra chi bộ và hứa là thế nào cũng xong. Ta phải đề cao tình yêu giai cấp chúng ta.”
Cúc và Lai đều lấy làm kính phục lập trường cao độ của Tuất và thấy tràn trề trong lòng một thứ tình cảm giống như là ái tình.
Cẩn và Thanh đều rơm rớm nước mắt.
Hắn hỏi mọi người:
“Anh chị em thấy thế nào?”
Cúc và Lai đồng thanh:
“Đồng ý nhất rồi còn gì!”
Cẩn và Thanh nghẹn ngào:
“Theo ý chúng em thì không nên. Làm như thế sợ anh em nói cho.”
Tuất gạt đi:
“Các chú gàn lắm. Có tôi, không lo. Vả lại nhà trường có chế độ học bổng. Có thể coi đó là học bổng thôi.”
Hắn nói sang cuộc họp:
“Việc chính hôm nay là việc này…”
“Việc gì đấy anh?”
“Bây giờ các anh em làm thế nào thu thập hộ cho những sổ sách ghi danh học sinh của toàn trường ta hai năm trước đây.”
“Dễ lắm, cứ lấy ở anh Thân là đủ cả. Anh Thân vừa bí thư vừa hiệu trưởng…”
Tuất lắc đầu:
“Không được, nhất thiết không được lấy, không nên lấy ở anh Thân.”
Anh em không ai hiểu gì.
Hắn tiếp:
“Cần lấy cả sổ sách thu học phí của quản trị nữa.”
Thanh phát biểu:
“Cái này hơi khó. Vì trong hai năm trước đây nhà trường thay đổi đến 4 người quản trị.”
Tuất giơ tay xua xua:
“Không khó gì hết. Chỉ việc phân công nhau ra đến nhà từng người chơi hay là giả có công việc gì đó tuỳ cá nhân phát triển sáng kiến.”
Hắn sực nhớ lại:
“À quên, còn việc này quan trọng nữa, nghĩa là cần ăn cắp cho được những sổ tay của những anh quản trị nữa…”
Anh em hơi tò mò muốn hỏi rõ.
Hắn bảo:
“Cứ làm đi, sau sẽ biết.”
Hắn nhấn mạnh:
“Cần nhất là phải giữ bí mật! Không thể nào cho một người thứ 6 biết được.”
Xong đó 5 người quay vào bàn kế hoạch và phân công phụ trách, vạch chương trình làm việc, vạch thời khoá biểu và địa điểm để gặp nhau hội ý. Muốn giữ bí mật triệt để, địa điểm không định trước, cứ xong cuộc này sẽ định chỗ họp cuộc khác trong huyện. Thời hạn là trong hai tháng phải làm xong, vừa đi học vừa tranh thủ làm.
Tan hội nghị đã muộn lắm. Cẩn và Thanh ở gần ra về. Tuất Cúc và Lai ngủ lại trụ sở. Tuất ngủ giường bên này, Cúc và Lai ngủ giường bên kia.
Hai bên nằm nói chuyện chõ sang nhau.
Đầu tiên là chuyện tình duyên.
Hai cô kể trước.
Cô nào cũng kể là mình rất đào hoa, hồi làm cán bộ phụ nữ tỉnh, anh nào cũng để ý chết mệt, nhưng hai cô thì cứ phớt lạnh. Các cậu đâm tuyệt vọng người thì xin đi công tác Bình Trị Thiên, người thì vào bộ đội, người xung phong đi Việt Bắc.
Cúc hỏi Tuất:
“Anh Tuất có biết Vinh không nhỉ? Vinh ở địch vận ấy mà?”
Giọng Cúc như mến tiếc:
“Ba năm rồi!”
Lai cũng hỏi Tuất:
“Anh Tuất có biết Dũng ở tỉnh đội không nhỉ? Dũng cao cao da thật trắng ấy?”
Câu chuyện tình duyên làm hắn nghĩ tới đời riêng hắn. Suốt mấy năm trong bộ đội, nhất là trong phong trào nhận đỡ đầu bộ đội, anh em được các mẹ nuôi xây dựng gia đình cho rất nhiều. Còn về hắn thì ngay cô Chén, con gái bà mẹ đỡ đầu hắn cũng nhất định không chịu lấy hắn mà chỉ nhoen nhoẻn cái mồm nhận là em gái. Rõ thật là sốt ruột. Nhiều người cho là hắn “khô” lắm. Nhưng thật ra hắn chả khô chút nào. Hàng đêm, hàng ngày không mấy lúc là hắn không nghĩ đến chuyện đàn bà. Chỉ có ngoài mặt là hắn hay làm ra vẻ tinh thần cao. Ai hỏi hắn sao không lấy vợ thì hắn bảo: “Độc lập xong! Cả toàn dân đang kháng chiến, mình nghĩ đến chuyện riêng sao đang!” Và khi hắn làm tổ trưởng ở đơn vị vô phúc có cậu nào xin phép về hỏi hay là cưới vợ, nhất định hắn không cho. Trong cuộc họp hắn còn quy cho một cô là “thiếu chịu đựng trường kỳ gian khổ”, “cầu an hưởng lạc”. Nhưng khi bị biến chế trong thâm tâm hắn cũng có phần vui là hắn sẽ có dịp về nhà lấy vợ mà không bị ai quy gì cho hắn như hắn đã quy cho người khác. Lúc mới vào dạy, hắn định sẽ kiếm một nữ sinh nào trong nhà trường có đủ những điều kiện tối thiểu là đẹp, có văn hoá lại tự túc được thì hắn sẽ xây dựng. Nhưng từ khi về trông ngong ngóng hàng ngày cũng chả thêm được cô nào khác ngoài Cúc và Lai. Hai cô này phải cái vừa lùn vừa xấu. Được cái hai cô đều con phú nông có ruộng và bò riêng cả. Lấy hai cô này thì tha hồ mà đi công tác. Lại có hy vọng thỉnh thoảng được tiếp tế tiền, đồng hồ hoặc bút máy. Hắn cũng nghĩ đến cả cô Quý, cô Quyền trong xóm, Quý thì đẹp nhưng lại đã có một đời chồng, không lẽ trai tân lại lấy thừa. Quyền còn con gái, có gánh hàng xén nhỏ nhưng lại kém văn hoá…
Hắn nghĩ liên miên.
Cúc hỏi hắn:
"Còn anh Tuất từ trước giờ đã có đám nào chưa?"
Hắn cũng kể cho hai cô nghe chuyện tình duyên của hắn. Đại để giống như chuyện hai cô. Nghĩa là hắn đi đến đâu tất cả con gái đều chú mục đều ve vãn hắn. Có cô tán hắn sát sạt nhưng hắn cũng phớt đều.
Hắn nhỏm dậy, đánh diêm đốt đèn đưa bức thư của Chén cho hai cô xem. Hai cô tò mò xúm vào đọc: “… Khi nào đi công tác, mời anh ghé vào chơi, mẹ em và em mong anh lắm…”
Khi hai cô đọc xong hắn chậm rãi:
"Chén mới mười chín tuổi, xinh và ngoan lắm, một hai xây dựng với mình, nhưng phải cai xa quá. Mãi phủ Thiệu!…"
Sau chuyện tình duyên họ chuyển sang chuyện các giáo viên. Hắn hay nhờ hai cô này đi lấy tình hình giáo viên qua miệng gần 300 học sinh trong nhà trường. Tất cả những chuyện đời tư của mấy ông giáo hắn đều rõ hết. Đến chỗ nào hắn cho là có vấn đề hắn lại vùng dậy đốt đèn ghi vào sổ tay…
Quá nửa đêm lâu, ba người mới đi ngủ. Người nào ngáy cũng to, cũng đều nhưng không ai ngủ cả. Tuất đưa tay rờ hai bên giường. Thấy rộng quá và lạnh quá. Bỗng hắn nhớ một hôm hội nghị ở xóm Quyết Thắng, trời bức, Lai xắn quần để ra một cái đùi rất to và rất trắng. Thể khối và mầu trắng của chiếc đùi ám ảnh hắn suốt đêm. Mấy lần hắn định dậy làm một chuyện thật thà với hắn trong đêm nhưng rồi lại thôi. Sáng mai thức dậy người hắn nhọc phờ.
Hắn tự chửi là đồ ngu. Nhưng rồi lại tự an ủi:
"Còn chán dịp!"
Chiều thứ bảy nào Tuất cũng bắt các giáo viên tự phê. Lần này không khí có vẻ găng nhất. Suýt nữa xẩy ra đánh nhau. Khi tan họp ra về, các giáo viên ông nào ông nấy còn tức sôi sùng sục và tiếp tục trao đổi như cãi nhau trên đường về:
"Dạy mà ức như thế này thì thôi mẹ nó đi còn hơn!"
"Từ hồi nó về cái nhà trường này thật là bét như tương."
"Kiểm thảo gì mà lắm kiểm thảo với! Thà là kiểm thảo về chuyên môn, về tác phong giáo viên đối với học sinh nó lại đi một lẽ, chuyện gia đình người ta, chuyện bếp núc của từng người từ đời cố kiếp cũng móc máy ra để kiểm thảo. Vợ chồng người ta chửi nhau, vợ chồng người ta ly dị, người ta to tiếng với bố vợ thì động kệ gì đến nó."
"Bà mẹ tao không cho đồng bào tản cư mượn thùng gánh nước chính tao cũng không biết mà sao nó biết. Kiểm thảo tao thì kiểm cái gì?"
"Chuyện riêng của tao hắn đem đi nói xuyên tạc giữa anh em học sinh, hôm nay tao tha giã cho là may!"
"Thằng ấy chuyên môn nói xấu anh em để đề cao nó."
"Bất cứ lúc nào có thể tự đề cao được, nó đều không bỏ qua."
Một người lên tiếng:
“A! A! Để tao kể chuyện thằng Tuất tự đề cao! Chúng mày nhớ hôm hắn phụ trách đem học sinh lớp bẩy chuyển thóc thuế lên xã Quyết Thắng đấy chứ.”
"Nhớ! Nhớ! Thế nào?"
“Tuất về nói rầm nhà rầm xóm là tỉnh và huyện chỉ định hắn chỉ huy nhà trường đi dân công. Thế là cả gia đình hắn cứ tíu tít cả lên làm cơm rượu mời anh em trong xóm đến dự để cho hắn lên đường đi phục vụ.”
Họ nhảy lên cười ha hả:
"Trời ơi là trời! Đi bẩy cây số mà cũng tiễn với chả tiễn chân!"
“Ăn xong hắn đội mũ, lên ba-lô bắt tay mọi người. Ai cũng chúc hắn đi cho ‘chân cứng đá mềm’. Mẹ hắn nhìn theo rơm rớm nước mắt”.
Họ lại cười rú lên:
"Đúng rồi! Đúng rồi! Hồi ấy hắn trọ lại nửa tháng thật! Mình lại cứ tưởng…"
"À ra thế! Kể cũng lắm công đấy chứ!"
Họ kể cả những chuyện hắn dạy dốt quân công thành quận công; đến chuyện hắn bê nguyên văn sử Trần Trọng Kim ra dạy: đến chuyện hắn đi hỏi mỗi người một ít để về soạn những bài sử không có sẵn trong sách Trần Trọng Kim.
Họ biết cả những chuyện hắn khai gian lý lịch: học đệ nhị khai là tú tài hỏng; làm nhà máy gạch có hai ngày phỏng tay không chịu được phải xin ra khai là thành phần công nhân; mẹ lấy tiền địa chủ về buôn nợ giầu sụ thì khai là buôn thúng bán mẹt…
"Thằng ấy vừa ngu vừa khốn nạn. Hắn khéo ton hót với huyện uỷ đến nỗi, huyện chỉ nghe hắn. Thằng Thân đấu tranh rất nhiều với huyện nhưng cũng chưa đâu vào đâu."
"Phải cái Thân liên quan nên nói huyện nào tin."
Họ chạy từ chuyện Tuất sang chuyện Cúc và Lai:
"Lại còn hai cái con trời đánh Cúc và Lai nữa! Hai đứa tính tình giống thằng Tuất cứ như đổ khuôn, cứ hơi tý là lập trường tư tưởng là lập trường giai cấp. Tất cả mọi chuyện đều do cái bộ ba ấy phát ra hết."
Một ý kiến đề nghị:
"Phải cho thằng Tuất lấy một trong hai đứa ấy!"
"Ấy một hôm thằng Tuất nó hỏi tao: ‘Giữa Cúc và Lai theo cậu thì ai hơn?’...”
Cẩn, Thanh, Cúc, Lai, dưới sự lãnh đạo của Tuất làm việc và họp hành liên miên. Sau hai tháng, Tuất đưa vấn đề ra trước toàn thể chi bộ. Hắn lấy làm mãn nguyện kết quả đã thu được và trước khi vào họp hắn đã tuyên bố với anh em chắc nình nịch như đinh đóng cột: “chuyến này, ngoài chuyện phải đền hai triệu rưỡi cho nhà trường, Thân còn phải tù là đằng khác”. Câu chuyện nổ như quả bom. Anh em ai nghe cũng hoảng. Từ trước, chưa ai hề nghĩ rằng trong nhà trường lại có thể có một vụ án lớn đến như vậy.
Ai nấy đều chờ đợi chưa hiểu đầu đuôi ra sao. Thân lại càng hoang mang.
Bắt đầu Tuất đưa ra hai điểm:
Điểm thứ nhất là suốt trong hai năm, Thân hoặc vì đi dạy muộn, hoặc về trước giờ, hoăc bỏ giờ không dạy (vì Thân đau dạ dầy nặng, ốm luôn, nhất là về mùa rét) trung bình mỗi ngày bỏ một tiếng, một tháng 24 tiếng, một năm 210 tiếng, hai năm 480 tiếng. Mỗi giờ dạy, học sinh phải trả cho một lô gạo. Như thế là trong hai năm 480 lô gạo học sinh phải trả không cho Thân.
Điểm thứ hai là Thân khi cần tiền tiêu vẫn lấy quỹ nhà trường tiêu hàng tháng, khi nào lĩnh lương mới trả lại.
Tuất để hội nghị góp ý kiến đưa thêm hiện tượng rồi dõng dạc sơ kết:
"Hai hiện tượng này chứng tỏ là đồng chí Thân đã tham ô của học sinh, của quỹ nhà trường, nói chung là đã tham ô."
Hắn hất hàm hỏi Thân:
"Đồng chí Thân nghĩ thế nào?"
Anh Thân đứng lên nhận là đúng.
Tuất nêu lên điểm thứ ba mà hắn cho là mấu chốt của vấn đề. Hắn dẫn chứng tổng số học sinh trong hai năm, số tiền học phí là bao nhiêu, tiền chi tiêu hết bao nhiêu, còn lại bao nhiêu và tuyên bố:
"Số học sinh là thế, thu là thế, chi là thế, vậy thì vì lẽ gì mà quỹ hụt hai triệu rưỡi? Hai triệu rưỡi đi đâu?"
Sau khi anh em thảo luận, Thân phát biểu:
"Đồng chí Tuất mới dạy trường tư lần đầu, đồng chí chưa hiểu một số quy luật của nó. Đồng chí không biết rằng mới khai giảng học sinh bao giờ cũng đông nhưng càng ngày càng ít đi, cuối niên khoá có lớp không còn học sinh nào; đồng chỉ tưởng cứ có bao nhiêu học sinh là cả bấy nhiêu đều đóng tiền sòng phẳng."
Tuất cắt ngang:
"Hai điểm trên đồng chí đã nhận là tham ô, không một lý do gì điểm thứ ba đồng chí lại không nhận."
Cúc và Lai đều phụ hoạ ý kiến của Tuất.
Thân cười khẩy:
"Không có một luật lệ nào lại bắt rằng cứ hễ nhận 2 điểm trên là phải nhận điểm dưới."
Tuất văng tục.
"Tôi khinh hẳn đồng chí. Tôi muốn nhổ vào mặt đồng chí. Bao nhiêu anh em làm việc suốt hai tháng nay, lấy tài liệu đã đủ, không lý là đa số sai mà một mình đồng chí lại đúng."
Thân vẫn cười khẩy:
"Thường thường đa số đúng, nhưng cũng không phải là đa số lúc nào cũng đúng."
Hắn đuối lý:
"Hai điểm trên đã nhận thì điểm thứ 3 phải nhận. Không phải một mình tôi. Đồng chí Cúc và Lai cũng đồng ý như tôi."
Hắn lừ mắt nhìn mọi người, nhất là Cẩn và Thanh.
Hắn như mở cờ trong ruột khi Cẩn giơ tay nói:
"Trong 2 tháng, anh Tuất bảo em với anh Thanh thu thập tài liệu về vụ này, nhưng em thấy đồng chí Thân nói đúng. Nói gì ai, ngay như em mà 4 tháng nay chưa đóng học phí."
Tuất ức lên đến cổ.
Thanh giơ tay xin nói. Tuất nóng lòng chờ đợi.
Nhưng Thanh chỉ nói vẻn vẹn:
“Em cũng đồng ý với đồng chí Cẩn.”
Tuất như muốn ứa máu mồm. Thân thì thấy rằng ở đời cũng còn nhiều người tốt.
Hội nghị bàn cãi xôn xao, rất lâu. Sau cùng phía Tuất vẫn là thiểu số. Hắn rất bất bình nhưng khi đề ra kỷ luật: “đồng chí Thân thấy mình đã phạm hai khuyết điểm trên đề nghị hạ tầng từ bí thư xuống đồng chí thường” thì hắn đã thoả mãn vì như thế là cái điểm căn bản hắn đã đạt được. Dù sao hắn thấy còn cần tranh đấu để đưa vụ này ra công khai tuyên bố cho toàn thể học sinh biết. Và hắn đề nghị như thế.
Huyện uỷ tạm chỉ định Tuất làm bí thư chi bộ. Công việc đầu tiên của hắn, sau khi nhận chức này là bỏ phụ cấp của Cẩn và Thanh. Hai anh phải thôi học. Một thời gian ngắn sau hắn lại được điều đi Cải cách ruộng đất. Hắn cảm thấy rằng số hắn toàn gặp thời. Nguyện vọng của hắn là được đi Cải cách ruộng đất, một công tác quan trọng số một, chỉ có ở đó mới dễ lên cấp, lên chức. Hắn chắc thế nào cũng làm ăn được to hơn. Và hắn thấy trong thời gian ở trường hắn đã chuẩn bị khá tốt cho công tác sắp tới. Nay mai hắn sẽ thêm vào lý lịch hắn, chỗ cột công tác đã qua, công tác bí thư C.B., một công tác cơ sở giá trị vào bậc nhất. Hắn chỉ còn mỗi một điều hận là thời gian ở trường hắn chưa xây dựng được gia đình. Nhưng hắn có một ý nghĩ đúng lập trường. “Sau Cải cách ruộng đất vàng thau không còn lẫn lộn. Khối chị em bần cố. Nhất định thế nào cũng xong”.
Trước khi đi hắn lên chào huyện uỷ và nhấn mạnh với huyện uỷ nên đặc biết chú ý theo dõi các giáo viên; đề cao cảnh giác.
Hắn nói:
“Tôi chắc chắn thế nào bọn chúng cũng là một tổ địch. Đấy rồi các đồng chí xem. Tôi mà còn ở nhà một thời gian nữa thì thế nào cũng ra chuyện.”
(Trích Giai phẩm mùa Đông 1956)
*
Sĩ Ngọc
Sĩ Ngọc họ Nguyễn, năm nay chừng 43 tuổi, là một hoạ sĩ tốt nghiệp ở trường Mỹ thuật Hà Nội. Ông nổi tiếng về món vẽ chân dung phụ nữ trên lụa. Hồi còn là sinh viện, ông kết duyên với một cô bạn đồng học người I-Pha-Nho, có quốc tịch Pháp, yêu nhau vì nết, trọng nhau vì tài, nhưng hồi đó chính quyền Pháp ở Đông Dương không công nhận cuộc hôn nhân Việt-Pháp đó và hết sức cản trở, nên cuộc tình duyên bị đứt đoạn.
Năm 1956 ông tản cư về Thanh Hoá, tham gia kháng chiến trong bộ đội của tướng Nguyễn Sơn, và sau khi Nguyễn Sơn mất chức, ông lui về quây quần với các anh em văn nghệ khác ở làng Quần Tín và năm 1952 ông bị triệu lên Việt Bắc.
Sĩ Ngọc là một hoạ sĩ có những nét hoạ rất sắc, và khi ông vẽ ai thì ông díu đôi mắt lại, méo hẳn mặt nhìn người đó như thôi miên để gột cho hết tinh thần. Điều đó chứng tỏ ông có khả năng tập trung nhận xét đến cao độ. Trong những bài văn ông viết, chúng ta cũng nhận thấy cái thuật ấy và nét bút sắc cạnh mà ông dùng trong hoạ cũng như trong bút chiến.
Bài đầu tiên ông viết là bài ông đả kích Trường Chinh và chê ông này dốt mà dám phê bình về hội hoạ đăng trong tạp chí Sáng tạo số 4 xuất bản năm 1951 ở Liên khu IV.
Hiện nay ông bị xếp vào hạng phản động đầu sỏ và tất nhiên phải đi công trường. Chúng tôi giới thiệu ông bằng hai bài trích sau đây để các bạn đọc thưởng thức cái giọng văn bút chiến của ông.
*
Làm cho hoa nở bốn mùa
… Tác phẩm nghệ thuật là hoa, nghệ sĩ là người trồng hoa, chế độ là đất.
Nhưng không phải có đất rồi là ra lệnh cho hoa nở. Đất phải đập cho nhỏ, phân cho tốt, mưa nắng đều hoà, chọn giống tốt và ươm cho khéo. Phải có bàn tay của người trồng hoa có nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật điêu luyện. Phải để cho người trồng hoa ươm hoa cho nở nhiều lên rồi hãy chọn. Đừng bẫm hoa ngay từ khi chưa mọc. Đừng chỉ thích hoa này hoa nọ. Đừng bắt người giồng hoa uốn cành, bẻ lá theo ý mình. Đừng để cho hoa héo sau khi đã nở. Đừng để các người giồng hoa đói, rét, không có hạt giống không có cuốc xới, không có nước tưới.
Đừng chỉ thúc hoa nở khi cần dùng nó tức thời. Hoa phải nở bốn mùa, lúc nào cũng nở.
Một tác phẩm nghệ thuật chỉ có kết quả khi nào nó là kết tinh của bộ óc, trái tim của một người nghệ sĩ. Nó không thể nào tốt và nảy nở khi nó bị chỉ huy bởi một bộ óc này một trái tim khác.
Trước hết phải tạo cho nghệ sĩ một bộ óc và một con tim có đủ khả năng độc lập để có trách nhiệm với cuộc sống. Ít lâu nay cuộc tranh luận về văn nghệ và chính trị đã làm cho mọi người hiểu rõ vấn đề hơn. Nhưng vẫn còn một số người chưa thấu nổi vấn đề trách nhiệm của nghệ sĩ vẫn còn đem nhai lại một số lý luận mác-xít: văn nghệ phải phục vụ chính trị, văn nghệ phải có lãnh đạo, phải phục vụ công nông binh v.v… Và cụ Mao đã nói, cụ Lê-nin đã nói v.v… Chả nhẽ lại nhắc tới câu điển hình của một nhân vật của Vũ trọng Phụng là “Biết rồi khổ lắm nói mãi!”. Biết rồi từ bao năm nay những lý luận ấy, biết rồi từ bao năm nay nên hầu hết các văn nghệ sĩ mới tham gia kháng chiến, đã phục vụ công nông binh tự nguyện theo sự lãnh đạo của Đảng Lao động. Đề nghị xin nói cái khác. Đề nghị xin nói về cách lãnh đạo như thế nào cho văn nghệ phát triển tốt chứ không ai nói là xin thôi đừng có lãnh đạo nữa. Sự đòi hỏi hiện nay của nghệ sĩ để có một trách nhiệm với xã hội là vì đã có những quan niệm sai về chính trị lãnh đạo văn nghệ. Một người bạn tôi có làm một bức áp-phích cho một cuộc triển lãm của một đoàn thể. Sau khi nhận được ý chỉ đạo, anh bạn bèn đem nhiệt tình và cảm xúc của mình với phong trào của đoàn thể ấy mà làm một cái phác thảo để đem cho ban phụ trách triển lãm xem. Ban triển lãm bèn đem cho bẩy cấp thường vụ duyệt. Anh A có ý kiến thêm cái này, anh B lại bảo bỏ và thêm cái khác, anh C bảo nên đổi mầu này thì hơn, anh Đ bảo nên vẽ theo cái ấy của Liên-xô, anh E bảo nên cho người này giơ tay cạnh người này, anh G bảo nên cho cười, anh H bảo phải thêm cương quyết. Anh bạn tôi thấy các dự kiến của mình đều bị đảo lộn. Phải làm lại phác thảo theo dự kiến của nhiều người khác. Làm như thế đến ba lần, đến khi phác thảo hoàn toàn minh hoạ cho ba bẩy hai mươi mốt lần ý kiến khác nhau kia. Còn dự kiến của hoạ sĩ thì hết sạch. Anh bạn thấy bực mình lắm định không làm nữa nhưng vì muốn phục vụ thì ít mà vợ con túng thiếu thì nhiều nên phải làm vậy. Ấy, đại thể cái lôi thôi của việc liên quan giữa chính trị và văn nghệ như thế. Đừng ai nói nữa rằng đó là chuyện tham gia ý kiến cá nhân mà thôi. Không, ý kiến ấy không hề tuyên bố là bắt buộc nhưng không làm theo thì khó mà làm nổi. Tôi đã phải thôi một số tranh đặt vì tôi không làm theo được thế nên người ta phải tìm người khác dễ bảo hơn. Những chuyện như vậy là nhiều lắm, thành tác phong phổ biến của cái mệnh danh là chính trị lãnh đạo văn nghệ. Nhưng thực ra chỉ là phải theo kiến thức chính trị có hạn định và ý thích chủ quan của một số cán bộ chính trị. Ở gần trung ương còn nhẹ, chứ ở các địa phương, còn lôi thôi hơn khi mà nghệ sĩ công tác ở một cơ quan đoàn thể nếu không triệt để theo ý kiến của phụ trách, nếu muốn có phần mình vào đó thì chỉ còn cách ngồi kiểm thảo về ý thức tổ chức, tư tưởng tự do vô chính phủ, muốn thoát ly lãnh đạo, bị ảnh hưởng nghệ thuật tư sản v.v… luôn có sẵn các loại mũ tiến bộ để bắt người nghệ sĩ phải nghe theo ý mình. Đó là còn rây rớt tác phong lãnh đạo nghệ thuật của giai cấp phong kiến khi chúng bắt nhân dân làm đền đài và tô điểm cho chúng.
Theo chủ quan, tôi chưa hề thấy những bạn đồng nghiệp nào của tôi có ý muốn không phục vụ chính trị, nhưng đều lên tiếng phàn nàn về sự áp chế nghệ thuật của những cán bộ phụ trách mình. Những cán bộ ấy tưởng lầm một cách ngây thơ là cứ bằng lập trường và quyết tâm của họ là cái gì cũng xong, cũng biết, cũng lãnh đạo được.
Muốn lãnh đạo cái gì cần phải biết cái đó. Đó là tác phong lãnh đạo cách mạng. Phải hiểu nông thôn mới lãnh đạo được nông nghiệp, phải hiểu thành thị mới lãnh đạo được công nghiệp, phải hiểu nghệ thuật mới lãnh đạo được văn nghệ. Quan điểm “thành phần chủ nghĩa” đã làm cho một số đông tưởng lầm rằng là thành phần công nông thì cái gì cũng làm được. Họ đã đánh giá sai sự giác ngộ chính trị của người nghệ sĩ và không biết thực tế của Việt Nam về nghệ thuật như thế nào?
Không thể cứ áp dụng mãi lề lối lãnh đạo nghệ thuật trong kháng chiến ở không khí kiến thiết xã hội trong hoà bình. Điểm thứ nhất là phải trả nghệ sĩ về cho nghệ thuật. Cần phải mạnh dạn giải phóng họ ra khỏi chế độ, công chức, ăn lương theo cấp bậc, ngày làm số giờ quy định. Cần phải giải phóng họ ra khỏi bộ máy nặng nề biến họ thành những người thư ký thạo công văn, điện văn, giải quyết các việc linh tinh, việc hủ hoá tham ô, việc lãnh đạo sinh hoạt. Cần giải phóng họ ra khỏi không khí của bốn bức tường quét vôi của cơ quan, sáng cắp mũ đến sở, tối cắp mũ về. Không thể xếp thì giờ công tác và sáng tác xé lẻ trong từng ngày, không thể mỗi năm chỉ đi sáng tác có hai tháng. Công tác của họ là ở cuộc sống, nằm giữa cuộc sống, thâm nhập cuộc sống. Không thể thỉnh thoảng mới tổ chức rầm rộ một đoàn đi nông thôn xí nghiệp, cơ xưởng v.v… có diễn văn khai mạc và tiễn biệt. Cần giải phóng họ ra khỏi đầu óc địa vị, cấp bậc quan cách của mọi thứ trưởng ban phó ban. Địa vị của họ ở tác phẩm, ở việc phụ vụ nhiều hay ít.
(Trích Giai phẩm mùa Đông 1956)
*
Bất mãn?
Hiện nay đang có một dư luận không đúng về phong trào phê bình của báo Nhân văn cho rằng những người viết báo ấy là một nhóm bất mãn.
Nói chung một số người có thẩm quyền trong giới lãnh đạo đang cần tung ta một nhận định nhằm cô lập báo Nhân văn và những người cộng tác của báo ấy. Thậm chí cho phong trào phê bình của những người viết ở Nhân văn là phản ứng giai cấp (không nói rõ là giai cấp nào?).
Tôi là một người có cộng tác với Nhân văn vì cho là báo này, trong một phạm vi rộng rãi, đã đề cập tới những vấn đề nóng hổi của xã hội, của văn nghệ, nhất là vấn đề phê bình lãnh đạo văn nghệ đã mở đầu sôi nổi từ đợt học tập tháng tám vừa rồi. Phê bình để tiến tới xây dựng một chính sách đúng, đẩy mạnh phong trào văn nghệ như ý muốn chung của quần chúng và của Đảng.
Theo tôi nghĩ, trong tình hình hiện tại, muốn cho uy tín của lãnh đạo giữ được và tăng thêm thì lại càng phải tự phê bình thành khẩn. Không nên sợ mất sĩ diện khi cái sĩ diện ấy có hại cho Đảng, đi ngược lại với quyền lợi của quần chúng. Không nên (dù hữu ý hay vô tình cũng không nên) lẫn lộn uy tín của cá nhân lãnh đạo với uy tín của Đảng. Nếu uy tín chỉ xây dựng trên sự “không dám nghe” của mình và “không dám nói” của người khác thì cái uy tín cũng nên vứt đi.
Uy tín của Đảng, của người cách mạng là ở chỗ biết nghe và biết sửa.
Một số người không hiểu như thế nên cứ tìm cách lẩn trốn sự thực, sợ những lời phê bình mạnh, họ tìm cách bịt miệng một số người để cho những người này lại bịt miệng một số người khác nữa... Thực mà nói, nếu những người ở Nhân văn sai, tôi chắc quần chúng bao giờ cũng có đủ sáng suốt nhận định. Họ không dễ bị lừa đâu. Ai dối họ, ai đi ngược lại với quyền lợi của họ, họ đều biết cả!
Làm như thế một là khinh quần chúng không biết gì hoặc là sợ quần chúng sáng suốt nghe những lời nói đúng sự thật. Làm như thế là không tốt.
Nhưng nếu các bạn cứ thấy chúng tôi không bằng lòng cái này cái khác của thời đại mà muốn tìm một danh từ nào đề chỉ hiện tượng đó thì chúng tôi không e ngại tiếng “bất mãn” đến như nhiều người tưởng.
Bất mãn! Tại sao không bất mãn?
Ai thoả mãn trước những sai lầm trong Cải cách Ruộng đất hiện nay? Ai thoả mãn với những sai lầm khác như những sai lầm trong chính sách văn nghệ và trí thức chẳng hạn?
Tôi dám chắc chắn rằng không phải chúng ta, những người đã tham gia cách mạng, sống chết với cách mạng, những con người của cách mạng. Chúng ta, những con người có nhiệt tâm với nhân dân với xã hội, những con người biết đau xót về những sai lầm tồn tại làm tổn hại đến việc xây dựng miền Bắc, đến công cuộc cách mạng, chúng ta không thể không bất mãn với những sai lầm ấy.
Chúng ta, những người làm văn nghệ phục vụ cho cách mạng, luôn luôn đòi hỏi sự tiến tới không ngừng của xã hội, chúng ta tất nhiên phải bất mãn với những lực lượng phản tiến bộ cản trở bước tiến của xã hội. Chúng ta, những người làm văn nghệ và văn hoá muốn cho chuyên môn của ngành mình phát triển để phục vụ cách mạng cho tốt, tất nhiên phải bất mãn với những cái sai lầm làm cho văn hoá văn nghệ đáng lẽ phải phát triển hơn nữa, thì bị kìm hãm. Bất mãn với những cái sai lầm là chính đáng. Chỉ có kẻ nào thoả mãn với cái sai kẻ ấy mới là kẻ có tội.
Nếu ai nói những người bất mãn ấy là phản ứng giai cấp thì hỏi giai cấp nào phản ứng trước những cái sai lầm có hại cho cách mạng? Thiệt thòi đến nông dân, đến công nhân, đến trí thức, đến cách mạng, ai thoả mãn?
Bất mãn là chưa thoả mãn với thực tế, tất nhiên không phải là muốn quyền lợi cá nhân chúng ta đi ngược lại quyền lợi của quần chúng nhân dân. Chúng ta bất mãn với những cái sai lầm, người sai lầm đã làm thiệt hại cho lợi ích của cách mạng.
Còn đối với một số người cho chúng tôi là bất mãn vì địa vị hay vì quyền lợi vật chất thì chúng tôi thấy không cần trả lời những con người thấp hèn ấy.
(Trích báo Nhân văn) [1]
*
Chu Ngọc
Chu Ngọc tên thực là Chữ Ngọc Hồ quê ở Vĩnh Yên, năm nay chừng 45 tuổi, là một nhà soạn kịch và một đạo diễn có thực tài.
Ông tham gia kháng chiến ở Khu IV và công tác trong bộ đội của tướng Nguyễn Sơn. Đến năm 1950 ông xin giải ngũ và lui về ở trại tập trung văn nghệ ở Cầu Thiều (Thanh Hoá), vừa làm ruộng vừa viết văn. Năm 1953 ông "được" đi chỉnh huấn ở Việt Bắc và năm 1954 được "tham quan" Cải cách ruộng đất ở Thanh Hoá.
Trong mấy năm kháng chiến ông sáng tác được một vở kịch có giá trị, nhan đề Cái võng, trong đó ông chế riễu một tập tục của dân quê là ngăn cấm không cho vợ chồng những người tản cư nằm chung một giường trong nhà của mình. (Bà chủ nhà bắc một cái võng nằm giữa để canh, hai vợ chồng người tản cư nằm hai bên.)
Vở kịch sau khi diễn được vài buổi thì bị cấm.
Vở kịch thứ hai của ông nhan đề là Xông nhà cũng có một số phận tương tự như vở kịch trước.
Ở đây chúng tôi xin giới thiệu một vở kịch ngắn của ông, nhan đề là Chúng ta gắng nuôi con. Cũng như trong hai vở kịch trước, trong vở này ông cũng đả phá những cái hẹp hòi của những người xung quanh thường phạm đến tự do cá nhân và tự do tư tưởng của con người.
Điểm khác là ở đây ông không công kích những cái hẹp hòi của xã hội cũ, mà ông lại chế riễu cái hẹp hòi của xã hội Bắc Việt năm 1956. Tâm trạng của ông biểu lộ trong câu sau cùng của vở kịch, lời ông dặn dò đứa con mới đẻ " Lớn lên con đừng hẹp hòi con nhé!”
*
Chúng ta gắng nuôi con
(Hoạt cảnh)
Nhân vật: Chồng 37 tuổi; Vợ: 30 tuổi
Đây là một căn phòng nhỏ của một gia đình cán bộ ở ngoại ô Hà Nội. Bàn, ghế, giường, tủ mỗi thứ một kiểu, mỗi màu, cũ kỹ, rẻ tiền; hình như chủ nhà nhặt mỗi thứ một nơi góp lại thành cái cảnh "nội trợ" này.
Chồng là một cán bộ, của một cơ quan Trung ương, tuổi ngoài ba mươi, gương mặt hơi hốc hác, da mặt tai tái và hơi khô, mắt lòng trắng đã ngả vàng, đùng đục. Anh thường bận bộ quần áo công nhân do Mậu dịch bán giá 8.500 đ của nước bạn Tiệp Khắc. Anh nhìn người hoặc nhìn vật thường hay nhìn lâu. Có nhiều lúc như không tin ở đôi mắt nữa, anh dùng tay nắn vào người, vào vật. Đầu hay gật gù. Miệng thỉnh thoảng ho một tiếng.
Vợ, trẻ hơn, táo bạo hay nói thẳng, hay lo vặt và thường đem chuyện bực bội ở cơ quan về trút cho chồng, có lúc trút cho cả những đứa con còn ngây dại. Quan niệm của chị về cuộc sống: cứ vui, tin tưởng, chẳng tội gì gói ghém bực tức lại để thành mớ bề bộn trong lòng.
Chồng: Hay là… liều đến rạp mà xem. Hạng cuối 3 trăm, ngồi sát "ê cờ răng" cũng được.
Vợ: Loá mắt chết đi ấy.
Chồng: Nhưng còn có ghế dựa cái lưng.
Vợ: Dựa lưng? Sao mà tư sản thế!
Chồng: Tư sản? Thế thì thôi. Nhưng tả vừa vừa chứ, có thế cũng phải chụp cái mũ mới nghe.
Vợ: Chụp sẵn để anh đừng yêu cầu nữa. Từ một trăm ngoài bãi tiến tới ba trăm trong rạp, hai vợ chồng mấy đứa con, mất hơn một nghìn rồi đấy, cuối tháng có thiếu lại ầm lên.
Chồng: Ai ầm.
Vợ: Anh không ầm nhưng cái mặt anh dài ra còn khổ hơn là ầm.
Chồng: Ở nhà là ổn hơn hết, ngủ một giấc lại đỡ tổn.
Vợ: Thì xem ngoài bãi vậy, mỗi người một trăm thôi.
Chồng: Xem ngoài bãi! mỏi cổ lắm.
Vợ: Em đỡ cổ cho.
Chồng: Đừng có khỉ. Với lại buồn ngủ thì dựa vào đâu.
Vợ: Dựa vào em mà ngủ.
Chồng: Đã bảo là đừng có khỉ. Chung quanh người ta phê bình cho.
Vợ: Ai làm gì mà phê bình. Vớ vẩn.
Chồng: Người ta phê bình là xem phim có nội dung tốt lại ngủ kia.
Vợ: Buồn ngủ thì cứ ngủ, sao lại lôi thôi thế nữa.
Chồng: Mình cán bộ, ngủ như thế là thiếu lập trường.
Vợ: Sao lại lập trường ở chổ ngủ ấy.
Chồng: Buổi xem phim Chỉ huy chiến hạm anh buồn ngủ quá. Một ông bên cạnh cứ ghé vào tai anh, "Sao lại ngủ, sao lại ngủ, thái độ xem phim nước bạn lạ nhỉ?". Anh cầm mũ đi về, ông ấy theo ra thảo luận, và khuyên anh xem cho hết. Bỏ về giữa chừng là có ý chê phim Liên Xô. Anh đành phải quay vào ngồi cho đến hết.
Vợ: Thế anh có nói cho ông ấy biết như thế là mất tự do của người ta không!
Chồng: Tự do nào?
Vợ: Tự do khen chê.
Chồng: Sao lại có cái tự do ấy nhỉ.
Vợ: Thế sao anh lại ngủ?
Chồng: Ờ ờ.... à… à mấy ngày họp liền rồi liên hoan giữa bãi, gió hiu hiu thì ngủ chứ còn sao nữa.
Vợ : Phim có hay không?
Chồng: Nội dung tốt! Nhưng mà vừa xem vừa phải cắn lưỡi cho đỡ buồn ngủ. Lúc nào chót gật một cái thì vội vàng chữa bằng cách gật vài cái ra điều là mình thưởng thức. Lúc đó, may quá màn ảnh lại chiếu ngay đoạn ngoài biển khơi, ánh sáng đẹp quá. Ông bạn ngồi bên thấy mình gật gù thì ông ấy bằng lòng lắm cũng gật gù nói nhỏ với mình – “Chút nữa ông bỏ về, có phải thiệt không nào!”
Vợ: Thế là đêm hôm đó anh về cãi nhau với em đấy có phải không?
Chồng: Vừa mệt vừa bực mình, về đến nhà vợ lại càu nhàu bảo đi đến đâu cũng chẳng nhớ đến ai, chỉ biết sung sướng lấy một mình.
Vợ: Tưởng là không thích phim cơ chứ, gật gù thưởng thức như thế còn oan nỗi gì?
Chồng: Thế em vẫn cho là anh sung sướng lấy một mình ư!
Vợ: Ở nhà này anh không sung sướng... thì em sung sướng vậy. Em sung sướng lắm: cũng công tác, cũng học, cũng họp, lại nuôi con, giặt giũ, thổi nấu... rồi thì ở nhà phê bình đằng ở nhà; ở cơ quan phê bình đằng cơ quan...
Chồng: Thôi.. thôi... anh sung sướng! Sáng họp, chiều họp, tối học. Về nhà quét cửa, quét nhà, quét cổng, đun nước, tắm cho con, xi con ỉa, đêm ai gọi dậy mở cửa...
Vợ: Gớm gian khổ nhỉ! Nông dân người ta còn vất vả khối ra kia kìa.
Chồng: Thôi... thôi... biết rồi...! Đi xem vậy thôi. Ngoài bãi cũng được. Phim gì thế?
Vợ: Trẻ con nó bảo đâu... Chỉ huy chiến hạm đấy. Chúng nó bảo buồn lắm.
Chồng: Chỉ huy chiến hạm à... Nhưng sao trẻ con lại chê buồn.
Vợ: Thấy chúng nó bảo thế.
Chồng: Con nó bảo lại mà nghe ư? Lập trường để đâu hử trời!
Vợ: Lập trường nào?
Chồng: Lập trường bạn, thù. Phim nước bạn mà chê. Coi chừng tư tưởng đấy.
Vợ: Tư tưởng làm sao?
Chồng: Tư tưởng tư sản chứ còn làm sao nữa. Chê phim nước bạn có nghĩa là khen phim tư sản.
Vợ: Suy diễn tài nhỉ! Liên Xô có nhiều phim hay, song cũng có những cuốn phim không hay thì nó chê, không được ư. Biết đâu những phim ấy chính các đồng chí Liên Xô cũng chê ấy chứ lại!
Chồng: Hỏng, hỏng... gọi con Thu về đây. Không biết ai xui nó thế, chắc lại luận điệu địch đấy thôi. Nó bắt đầu tuyên truyền vào trẻ con rồi đó. Gọi nó về xem nó chơi với con cái nhà nào, phải đề cao cảnh giác đấy.
Vợ: Nó bé, tính nó ngay thẳng, thấy thế nào nó nói thế.
Chồng: Chẳng qua là tại em cả thôi. Trẻ con nó biết thế nào là hay và không hay.
Vợ: Thôi đừng chủ quan khinh chúng nó. Trẻ con nó cũng biết nhận xét chứ lại.
Chồng: Nhưng chúng phải biết đứng về lập trường nào mà nhận xét chứ!
Vợ: Lập trường của trẻ con là ăn chơi, yêu nhân dân, yêu lao động... yêu Bác Hồ, Bác Mao... Bác Bun-ga-nin...
Chồng: Yêu bác Bun-gan-nin mà chê phim Liên Xô!
Vợ: Nó chê phim Chỉ huy chiến hạm nó thích phim Xát-cô đi tìm hạnh phúc chứ nó chê phim Liên xô đâu nào?
Chồng: Con hư là tại mẹ, khen chê là phải hướng cho chúng nó. Không thể để cho chúng nó tự do được. Coi chừng ảnh hưởng tư sản đấy.
Vợ: Thế anh là tư sản hay tôi là tư sản.
Chồng: Người nào cũng có thể là tư sản được cả. Ăn muốn ăn ngon, ở thì muốn ở rộng, cái gì cũng muốn, ước ước ao ao... Cứ đi qua các cửa hiệu Hàng Khay là đứng lại nhìn nhìn, ngắm ngắm... như thế là chớm phải tư tưởng tư sản rồi đấy.
Vợ: Những thứ ước ao ấy những người làm cách mạng không được dùng ư?
Chồng: Lúc nào tiến sang chủ nghĩa xã hội đầy đủ sẽ dùng.
Vợ: Thế lúc đó có gọi những người xã hội chủ nghĩa là tư sản không…
Chồng: Ừ... ừ... ừ... Thôi không nói nữa. Đi xem, đi xem...
Vợ: Thua rồi à. Thế đi xem phim nào?
Chồng: Bất cứ. Miễn là đi xem. Nghĩa là là không ở nhà.
Vợ: Có phim Dân chủ Đức, lại ở mãi Đại Nam kia. Mấy trăm bạc xe nữa.
Chồng: Tìm xem có phim nào xem tàm tạm.
Vợ: Nghe như có nhiều phim hay các ông ấy còn om, để chiếu cho chán những phim tiền cách mạng này đi đã. Giả có phim như Anh gắng nuôi con thì thích nhỉ.
Chồng: Em thích Anh gắng nuôi con lắm à?
Vợ: Ừ thích.
Chồng: Thế là chết rồi!
Vợ: Sao?
Chồng: (suy nghĩ một lát) Có vấn đề đấy. Nhận định của tôi đúng rồi.
Vợ: Đúng cái gì kia?
Chồng: Em bị tư sản tấn công thật đấy. Anh gắng nuôi con là phim Nhật.
Vợ: Nhật thì sao?
Chồng: Nhật chứ Nhật sao nữa. Một nước phát xít chinh phục loài người. Bây giờ đi với Mỹ, là một nước tư bản đế quốc.
Vợ: Thế à?
Chồng: Một nước có truyền thống võ sĩ đạo, rất nhiều anh hùng cá nhân, cho nên tôi kết luận rằng văn hoá của nước ấy là văn hoá tư sản.
Vợ: Ghê nhỉ? Nhưng còn thiếu.
Chồng: Thiếu gì nữa?
Vợ:Người Nhật... lùn nữa chứ lại. Và lần đầu tiên nhân dân Nhật bị hai quả bom nguyên tử của Mỹ chết mấy chục vạn người.
Chồng: Em để yên tôi nói.
Vợ: Nói như mọi hôm chứ gì. Lại cụ Mác, cụ Lê. Thôi, anh đừng làm khổ các cụ nữa. Lý luận để áp dụng vào thực tế công tác không phải để nói. Anh ăn đã chẳng được mấy hột, nói nhiều quá, phổi nó ráo đi.
Chồng: Nhưng mà em không được thích Anh gắng nuôi con.
Vợ: Sao anh lại cấm em.
Chồng: (Cầm tờ báo Nhân dân đưa cho vợ) Đây này, báo đăng là không cho chiếu lần thứ hai nữa. Anh đọc em nghe nhé.
Vợ: (đứng lên) Thong thả em chặn cho con cái gối đã, kẻo nó giật mình.
Chồng: “Suốt từ đầu đến cuối bộ phim, người xem chỉ thấy một anh chàng say rượu, cờ bạc, cục cằn, hay đánh nhau, tính nết như một thằng điên”.
Vợ: Ý kiến của anh thế nào?
Chồng: Anh... anh (gật gù) cũng thấy Mễ Lang như hơi điên, uống rượu, đánh bạc, cục cằn, hay đánh nhau. Đúng đấy.
Vợ: Anh nói thật đấy chứ?
Chồng: Ừ.
Vợ: Sao hôm đi xem về anh khen cơ mà?
Chồng: Ai khen?
Vợ: Anh chẳng bảo - lâu lắm mới được xem một cuốn phim...
Chồng: Nói như thế mà bảo là khen ư?
Vợ: Thế ai nói cái xã hội Nhật trong phim ngột ngạt thật. Buôn bán lừa lọc, thằng trùm cờ bạc bịp Liễu Lang lại mở trường dạy học – giáo dục thiếu niên, thực mỉa mai - Chẳng khác gì Xuân tóc đỏ của mình.
Chồng: …
Vợ: Có thế không nào? Mà anh lại còn ra vẻ thạo về chính trị, anh phân tích: Đấy cái thằng cờ bạc bịp nó tổ chức đánh bạc rồi nó lại gây ra cuộc ẩu đả - Trong lúc người ta xô vào đánh nhau thì nó lúi húi nhặt tiền ở chiếu bạc nhét đầy hào bao, để sau này nó thành một thằng mô phạm đúng là cái thằng Mỹ.
Chồng: Người ta ví với thằng Nguyễn Văn Mỹ bạn cũ hồi Pháp thuộc, nó giống cái thằng ấy, chứ ai bảo giống đề quốc Mỹ - Bảo người ta đương tố cáo là chẳng có gì là chồng viện trợ Mỹ cả, phê bình nhà chiếu bóng quảng cáo láo để làm tiền khán giả đấy.
Vợ: Thế việc gì đến anh mà cũng thắc mắc.
Chồng: Mình trót khen ầm lên ở cơ quan, cổ động anh chị em đi xem. Họ chen nhau mới lấy được cái vé. Bây giờ lại… phiền quá thôi, biết cứ đóng cửa ở nhà cho xong, chẳng xem chẳng xung gì cả, đỡ bực mình.
Vợ: Lúc xem lưỡi cứ tắc tắc như thạch sùng ấy, khen lấy khen để... Anh ngồi cạnh tôi, thấy tôi chưa kịp khen thì y như anh bực mình cho tôi là chậm hiểu.
Chồng: Nhưng bây giờ báo Nhân dân chê, cơ quan của Đảng nhận định cái gì là đã nghiên cứu chán rồi. Chắc có điểm gì sai lầm nghiêm trọng lắm... mới đề nghị cấm chiếu đấy. Mai đến cơ quan chúng nó lại nhè mình nó truy - Khen phim gì chẳng khen lại khen phim Nhật.
Vợ: Các đồng chí ở cơ quan cũng khen cả đấy chứ.
Chồng: Bây giờ ai còn nhận nữa.
Vợ: Thì phim ấy cũng hay đấy chứ, tội gì mà sợ.
Chồng: Em chỉ được cái nói bướng ở nhà mà thôi. Báo Đảng đã nhận định rồi.
Vợ: Ông Lam ở sở Hải quan Trung ương đấy chứ, có phải báo đâu.
Chồng: Nào riêng gì ông Lam, cả bà Nguyễn Thị Xuân nào nữa đấy cũng viết một giọng như thế...
Vợ: Ừ thì hai người chứ bao nhiêu mà lo - Bao giờ báo Nhân dân viết sẽ hay. Đây là ý kiến bạn đọc cơ mà.
Chồng: Đăng lên như thế tức là toà báo đã đồng tình rồi đấy. Mình thế nào cũng bị qui là bị tư sản tấn công.
(im lặng một lát)
Vợ: Ai đã qui mà sợ - Chính phủ cho phép chiếu, nhân dân xem sướng mắt rồi. Còn chiếu em còn đi xem, để ý làm gì đến những chuyện hẹp hòi, vụn vặt ấy.
Chồng: Xem thì có sao, đằng này mình lại khen kia. Bây giờ làm thế nào?
Vợ:...
Chồng: Thế nào.
Vợ: Chẳng biết thế nào cả. Đã rắc rối thế bây giờ không đi xem nữa.
Chồng: Chỉ tại em thôi.
Vợ: Tại gì tôi?
Chồng: Em khen lấy khen để...
Vợ: Thì đi qua cửa rạp thấy người ta xếp hàng lấy vé dài ra tận đường ấy, chắc phim phải hay mới đông như thế chứ? Bao nhiêu người khen cả sợ quái gì.
Chồng: Người ta là nhân dân thì sợ gì. Mình là cán bộ mới phiền.
Vợ: Sao lại có cái bà Xuân, với ông Lam nào mà ác thế nhỉ.
Chồng: Họ ác gì? Lập trường người ta vững mới phê phán như thế chứ! Chắc không phải thành phần mình đâu.
Vợ: Phim hay thế mà kêu rức óc lên. Hay là bị bệnh thần kinh thì có.
Chồng: Chẳng biết là cô hay bà nữa, nhưng chắc là cán bộ, nói có vẻ lên lớp lắm.
Vợ: Biết địa chỉ ở đâu kéo đến đấu tranh cho một chuyến cho ra lẽ. Phụ nữ mà lại khô thế nhỉ.
Chồng: Chắc đâu là phụ nữ.
Vợ: Ký là Nguyễn Thị hẳn hoi kia mà chẳng lẽ lại là đàn ông.
Chồng: Chưa chắc là đàn ông đâu. Khô hơn đàn ông nhiều.
Vợ: Em chắc, không phải là phụ nữ đúng hơn.
Chồng: Anh đã bảo không phải nam giới.
Vợ: Nam giới đấy.
Chồng: Anh không nhận đâu.
Vợ: Phụ nữ là phải để ý đến Mễ Lang. Một người chồng cờ bạc, rượu chè, du côn như thế mà thực hiện lời giối giăng của vợ, không đánh nhau nữa, chăm nom con, cố gắng xây dựng tương lai cho con để con khỏi sa vào con đường tối tăm tội lỗi cũ, như thế là người tốt có thuỷ chung đấy chứ!
Chồng: Ai người ta rung động làm gì những chuyện ngóc ngách ấy. Trái tim người ta đã thành trái tim ái nam ái nữ mất rồi.
Vợ: Chán nhỉ.
Chồng: Tình cảm phi nam phi nữ ấy còn biết rung động cái gì nữa... Mấy cái anh làm phim Nhật ấy cũng tồi. Cho ngay Liễu Lang là địa chủ bóc lột. Cho ngay Mễ Lang là bần cố nông, trong sạch, anh dũng, hữu ái giai cấp, được đội về bắt rễ, cuối cùng đứng lên đấu một trận có phải ông Lam với bà Xuân thích không nào.
Vợ: Phim nào cũng thế thì chán ốm.
Chồng: Nhưng mà dễ hiểu em ạ. Đỡ bận óc, chẳng phải suy nghĩ gì.
Vợ: Nhưng mà Nhật đã cải cách ruộng đất đâu. Mỹ còn chiếm đóng cơ mà. Chính phủ Nhật ở trong tay bọn trùm tư bản thân Mỹ kia mà.
Chồng: Ừ nhỉ. Thành ra người Nhật chửi Mỹ, phản đối Mỹ cũng vất vả nhỉ.
Vợ: Chắc thế cho nên các ông văn nghệ Nhật mới xây dựng lên Liễu Lang để bóng gió.
Chồng: Buồn nhỉ, là dân một nước không dân chủ, ăn không được ăn, nói không được nói, rồi cứ phải mượn cái này nói cái khác, làm cho người nước khác phải suy nghĩ mới hiểu thì mệt quá nhỉ.
Vợ: Không suy nghĩ thì bộ óc, với trái tim để làm gì? Mình là người đã từng bị bọn đế quốc nó thống trị thì mình cũng thông cảm với nhân dân một nước bị chiếm đóng chứ!
Chồng: Mấy người viết báo ấy nghĩ được như thế thì ngày mai mình đến cơ quan đã chẳng làm sao.
Vợ: Chẳng việc gì đâu.
Chồng: Mấy cái ông đại diện tư tưởng ở cơ quan thế nào mà chẳng xoay, chẳng truy mình.
Vợ: Đề nghị cho mấy ông đi học để các ông ấy biết dùng bộ óc đi chứ lại.
Chồng: Học chưa đủ. Điều cần phải có trước nhất là sự thông cảm. Chúng ta mới thoát khỏi vòng nô lệ, sao không thương nhau, lại hay dằn vặt hay úm nhau. Mà anh nữa, sao lại không dám chống lại khi họ chụp mũ vào đầu mình.
(một lát) - Này em! mình có phải là người nữa không nhỉ?
Vợ: Sao anh lại hỏi thế?
Chồng: Đầu là đầu của mình hay là đầu của ai?
Vợ: Dớ dẩn, đầu chẳng phải là đầu của mình, chẳng lẽ đầu của ai chạy đến gắn vào cổ mình.
Chồng: Nhưng còn cái chất đặc ở trong kia mà.
Vợ: Đầu của mình thì óc cũng của mình chứ của ai nữa.
Chồng: (một lát) Thế thì thích nhỉ.
Vợ: Thế xưa nay anh vẫn thấy bộ óc, trái tim là không phải của anh ư?
Chồng: Không... với lại có phải anh nói riêng mình anh đâu.
Vợ: Nhưng sao anh lại hỏi về đầu óc như thế mới được chứ?
Chồng: Anh hỏi thế để biết rằng lâu nay anh không dùng đến cái đầu này - đến cái bộ ngực này. Ngũ quan của anh chỉ dùng có cái tai, anh chỉ nghe thôi. Và cái cổ để gật. Lòng anh chắc cũng như lòng một số người cứ thu hẹp mãi lại, cuộc sống tình cảm cứ lần lần mất đất. Một bộ phim nêu lên một ý nguyện từ chối một cuộc sống cũ - đánh nhau, bịp bợm, kẻ tiểu nhân như Liễu Lang lại cầm vận mệnh của tương lai, một người tự lực cánh sinh, lao động xây dựng cho lớp người về sau, anh tưởng đó là nguyện vọng của người muốn cách mạng, người tốt chứ.Sao lại phê phán là: chẳng hé mở cho người xem thấy một giải quyết nào - Thế nào mới là giải quyết. Đóng cửa tâm hồn mình lại thì còn thấy được ai hé mở. Có chăng là tự mình phải cởi trói cho tâm hồn mình. (một lát). Khen không dám khen, chê không dám chê. TừChỉ huy chiến hạm đến Anh gắng nuôi con anh đã không phải là anh nữa. Bản tâm thì khen nhưng khi thấy báo Nhân dân chê thì sợ... Nhân phẩm của anh lâu nay không biết còn hay mất.
Vợ: Ai cấm chúng ta không được khen chê, Đảng đã chẳng khuyến khích chúng ta mạnh dạn phát huy tự do tư tưởng, nói thẳng, nói thật, nói hết, bày tỏ nguyện vọng để Đảng biết kia mà. Có ai cấm đâu.
Chồng: Chẳng ai cấm, nhưng anh có dám tin ở anh đâu. Thành phần của mình nói gì ra cũng tự cảm thấy có thể sai được cả - tiểu tư sản bấp bênh lắm. Ở nông thôn thì lập trường địa chủ, về thành phố dễ bị tư sản tấn công. Một người nói ra như thế, trăm người nói theo, thế là bách khẩu đồng từ, ấy thế là bất cứ một việc gì sự tự ti về thành phần cũng ngăn cách giải quyết của anh: Sợ sai em ạ. Đến cả em nữa, em là một người trao xương gửi thịt, ấy thế mà nhiều lúc anh cũng sợ. Anh không dám nói phim hay, phim dở. Vừa rồi anh cũng sợ chúng ta quay lại chỉnh nhau, nên anh tự chỉnh trước. Kể anh cũng hèn thực. Nói dối cả mình, nói dối cả vợ, nói dối cả Đảng. Chỉ ừ ào xuôi chiều, thủ tiêu đấu tranh.
Vợ: Không biết ông Lam có cùng một tâm trạng như chúng ta không nhỉ. Em tin rằng ông cũng có thể dối lòng ông. Em tưởng khi đặt câu hỏi cho cô Tuyết trong phim khi yêu Mễ Lang: Không hiểu yêu vì nỗi gì, yêu vì hay uống rượu, cờ bạc hay đánh nhau khoẻ. Sao không lật ngược lại vấn đề mà hỏi ngay ở lòng mình là một người con gái phải làm trong một quán rượu muốn thoát khỏi cái cảnh không ra gì ấy để có một cảnh gia đ́nh êm ấm trong sạch yêu một người "không đánh nhau nữa, chỉ biết lo cho con" thì không xứng đáng hay sao, anh nhỉ. Thông cảm cho nỗi khổ của con người, khó thật.
Chồng: Không nói đến ông Lam bà Xuân vội. Nói ngay đến vợ chồng mình đã…
Vợ: Thì mình cũng phải lên tiếng chứ. Tôi không tán thành ý kiến của các ông, các bà kia mà. Sao lại không đấu tranh.
Chồng: Anh đương đấu tranh đây, đấu tranh bản thân đã em ạ, không phá tung cái lưới đương vây lòng mình lại thì không nói gì được cả. Dù đau xót, dù có phải rớm máu cũng phải cố rứt cho được những mắt lưới đương dăng ở cuống họng anh, để anh có thể nói thật được với em là vợ của anh, các đồng chí ở cơ quan, các bạn bè, bà con. Anh phải phá cái hẹp hòi của anh đã. Xưa nay không nói là để khỏi phiền đến mình, để bảo vệ mình, đó cũng là một khía cạnh của bệnh hẹp hòi.
Vợ: Thì em vẫn khuyên anh cứ nói kia mà!
Chồng: Nhưng mà em có dám nói không? Em dám nói sao không dám nói ở cơ quan. Đem chuyện về nhà to nhỏ với nhau là chưa nói được ở cơ quan. Anh chỉ là chỗ trút thắc mắc của em. Em chẳng thường nói với anh: Thôi mọi chuyện bỏ ngoài tai, nhắm mắt lại, cốt sao có đồng lương nuôi con đã, bao giờ đầy đủ sẽ đấu tranh...
Vợ: Em nghĩ thế là khi còn kháng chiến... phải đuổi địch và đánh đổ địch đã... Bây giờ kiến thiết rồi.
Chồng: Thế à, nếu thế anh sẽ nói, nói hết. Trên sai, anh sẽ nói trên sai, chung quanh sai, sẽ nói chung quanh sai, mà anh sai anh đẩy cao tự phê. Cái gì chưa hay thì nói chưa hay, cái gì của mình kém thì phải học, công trình lao động nào của nhân loại mà tốt đẹp chúng ta phải hoan nghênh. Phải đả phá cái óc "bế quan toả cảng", phải làm bật gốc nó đi.
Vợ: Anh nói thì nói, nhưng phải xây dựng đấy, đừng có nói cho hả, các đồng chí lại hiểu lầm thì lại khổ vợ khổ con. Em chẳng lạ gì kẻ làm sai họ thường hay bảo thủ, họ bám lấy cái sai của họ. Phải coi chừng họ lại đánh những đòn ngầm, hoặc bôi nhọ mình bằng cách vu khống thì khổ đấy....
Chồng: Nếu quả việc đời còn đến như thế thì cũng chịu em.
Vợ: Chịu à? Thế còn em và các con thì sao?
Chồng: Thì lại quay một cuốn phim...
Vợ: Phim gì kia?
Chồng: Em gắng nuôi con.
Vợ: Em gắng nuôi con à.
Chồng: Ừ.
Vợ: Khiếp! Đâu đến nỗi thế. Có Đảng có nhân dân sao lại có thể như thế được. Với lại anh cũng phải thanh toán sự hoài nghi của anh đi. Mấy cái bài báo đó ai tin kia chứ. Người ta đọc người ta còn cười cho là đằng khác. Em có tin đâu nào. Còn anh, anh có tin không?
Chồng: Thì ai lại lạc hậu đến thế mà em hỏi.
Vợ: Thế thì các đồng chí ở cơ quan, bà con đã xem Anh gắng nuôi con. Ai người ta tin chứ.
Chồng: Ừ nhỉ! Suy bụng ta ra bụng người. Cái gì dở mà bảo hay ai mà chịu được, cũng như cái hay mà bảo dở thì dù trời có bảo thì người ta cũng cười vào mũi trời ấy chứ lại. Huống hồ là hai bài báo ấy...
Vợ: Như thế anh phải tin tưởng chứ - Xem thằng con nó ngủ ra sao đây này.
Chồng: Nó ngủ ngoan nhỉ (anh bắt chước giọng Mễ Lang). Bình ơi! con ngoan nhé, con ngoan nhé!
Vợ: Khỉ, để con nó ngủ (một lát). Chúng ta gắng nuôi con cho khôn lớn, tương lai của chế độ là phần con mình được hưởng đấy.
Chồng: (vẫn tiếp tục) Bình, ngoan nhé, con ngoan nhé... Lớn lên đừng có hẹp hòi con nhé!
(Trích Giai phẩm mùa Thu tập III năm 1956)
[1]Bản đăng lại trong sách này thiếu một số đoạn, xin xem toàn văn bài viết trong Nhân văn số 3 (talawas)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét