Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

NHÂN VĂN GIAI PHẨM - THỤY KHUÊ - KỲ 3


CHƯƠNG 5
 NỘI BỘ BÁO NHÂN VĂN

Nhân Văn Giai Phẩm do hai nhóm bạn cùng chí hướng hợp tác điều hành.
Theo Hoàng Cầm, ngay từ đầu năm 1955, Hoàng Cầm, Văn Cao, Lê Đạt, Trần Dần, Tử Phác, Đặng Đình Hưng, thường họp nhau, khoảng 5 giờ chiều, ở quán trà Phúc Châu của người Tầu ở phố Hàng Giầy[1] để bàn chuyện văn nghệ. Chính tại quán này, họ đã bàn nhau ra một số báo Tết và đó sẽ là Giai Phẩm Mùa Xuân. Báo Nhân Văn không có trụ sở, "toà soạn" là căn nhà của Trần Thiếu Bảo thuê, rất lớn, có nhiều buồng để làm nhà xuất bản, ở 25 Phan Bội Châu, Nguyễn Hữu Đang ở gần đấy; tầng trệt để mấy máy in nhỏ, chỉ in lặt vặt, những tờ báo to như Nhân Văn, kể cả các tập Giai Phẩm cũng không in được, phải in ở nhà Xuân Thu của Đỗ Huân[2].
Lê Đạt, Hoàng Cầm chủ trương Giai Phẩm Mùa Xuân. Nhân Văn do Nguyễn Hữu Đang đề xướng, với Hoàng Cầm. Trương Tửu, Trần Thiếu Bảo chủ trươngcác tập Giai Phẩm.
Đó là những viên gạch nền móng, từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1956, đã quy tụ được một số đông văn nghệ sĩ trí thức, họp thành phong trào NVGP.
Nhân Văn do Nguyễn Hữu Đang và Lê Đạt trách nhiệm bài vở. Giai Phẩm là một tập sách định kỳ, do Trương Tửu trông nom. Nhân Văn hướng về đấu tranh chính trị. Giai Phẩm đi vào chiều sâu của tư tưởng. Giai Phẩm xuất hiện trước, với Giai Phẩm Mùa Thu, tập I, ra ngày 29/8/56, nhưng Nhân Văn vẫn được coi là "đầu não" của phong trào. Hiện nay, chưa biết rõ nội tình Giai Phẩm vì Trương Tửu và Trần Thiếu Bảo cho đến lúc mất, đều không phát biểu gì. Về nội bộ Nhân Văn, một phần sự thật được thuật lại, nhờ tiếng nói của những thành viên chính. Những người viết cho Nhân Văn cũng đều có mặt trên Giai Phẩm và ngược lại.
Ngày 20/9/1956, Nhân Văn số 1 ra đời. Về mặt chính thức, tờ báo do Phan Khôi làm chủ nhiệm và Trần Duy, thư ký toà soạn. Nhưng thực sự, nội bộ báo Nhân Văn đã được cấu trúc như thế nào? Để dựng lại sự việc đã xẩy ra, chúng tôi dùng hai loại chứng:
- Loại thứ nhất: Gồm những lời tuyên bố của Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Duy, trên RFI; những bản "thú nhận" của các thành viên chính, viết trong đợt đấu tranh chống NVGP ở Thái Hà ấp, giữa tháng 3 và 4 năm 1958; và loạt băngHoàng Cầm nói chuyện với bạn bè, ghi âm trong khoảng 1998-2008. Những lời"thú nhận" ưu tiên, vì đã được viết trong thời gian bi kịch xẩy ra, tại chỗ, trong khi những lời viết, tuyên bố, ghi âm sau này, qua nửa thế kỷ, có thể trí nhớ không trung thành.
- Loại thứ hai: Các bài đánh NVGP, phản ảnh chính sách đàn áp, bôi nhọ và các ngõ ngách bên trong của chế độ.

● Đôi lời về những bài "thú nhận"
Về những lời "thú nhận" cũng nên đặt câu hỏi: đã viết trong điều kiện như thế nào?
1- Viết trong đợt đấu tranh thứ nhì chống NVGP tại Thái Hà ấp, tháng 3 và 4/58, có 304 người dự (bối cảnh cả hai lớp Thái Hà sẽ đề cập đến trong chương 6).
2- Theo Lê Đạt, ở hội trường, mọi người đứng lên "phát hiện tội Nhân Văn".Và "Sau khi tất cả mọi người phát hiện các tội của Nhân Văn xong rồi, thì mới đến lượt Nhân Văn, từng người một, nhận tội". Rồi sau đó, các "Nhân Văn" về tổ của mình làm "bài khai". "Bài khai phải được tổ thông qua, và lại phải đưa ra hội trường thông qua nữa, thì anh mới được xong". Tức là mới được về.
3- Như thế, những "bài khai" được viết dưới áp lực của "đấu trường" kéo dài trong một tháng, và cũng là bài "tổng kết tội trạng" mà mỗi người phải tự mình viết ra. Trong khi viết, họ không được trao đổi với nhau, sau đó phải đọc trong tổ, tổ thông qua, rồi mới đọc cho hội trường nghe và duyệt. Vì những lẽ đó, họ khó có thể "khai man" (vì sợ bị so sánh tại chỗ với những lời khai của người khác).
 4- Vì vậy, chúng tôi coi những bài thú nhận là những văn bản sớm nhất (viết từ tháng 3/58) về những việc thực sự đã xẩy ra trong thời kỳ NVGP[3]. Chính Hoàng Cầm trong băng ghi âm, cũng coi bài khai khoảng 100 trang giấy học sinh của mình là cuốn "hồi ký" tự tố rất đúng về những gì xẩy ra trong thời kỳ này.
5- Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Trần Duy, "không được" dự lớp Thái Hà vì thuộc diện những "phần tử xấu". Vì vậy, không có bản "thú nhận" của họ. Lê Đạt cho biết:
"Không phải là chị Thụy An, anh Trần Duy và ông Phan Khôi không chịu đi học. Ở đấy người ta chia ra: Những người nào hoạt động chính trị mà người ta cho là có tính chất phản động, là những phần tử xấu thì người ta "không cho" đi học lớp ấy: Phan Khôi, Thụy An, Trần Duy "không được" học. Chỉ có những văn nghệ sĩ mà người ta cho là những người vì quan điểm lầm lạc, được Ðảng chiếu cố cải tạo giúp đỡ, thì mới được đi học lớp ấy thôi. Cho nên đi học lớp ấy, gay go thế cũng là một "ưu tiên"[4]".
6- Văn bản "thú tội" phản ảnh tâm thức người viết: Qua những bài khai, Lê Đạt và Trần Đức Thảo giữ được phong độ của người trí thức: Chịu trách nhiệm việc mình làm. Không đổ lỗi cho người khác. Không gọi bạn đồng hành là tên, lànó, là bọn, tuy đó là cách phải gọi những người NVGP trong các lớp học tập. Văn bản "thú tội" phản ảnh không khí trù dập, đàn áp, xuống cấp và thù nghịch ở ấp Thái Hà và sức chịu đựng của từng người: Trong ba người bạn thân: Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, thì Lê Đạt có bản lãnh hơn cả.
7- Văn bản đánh NVGP cũng cho rất nhiều thông tin: nó phản ảnh không khí trù dập, đàn áp, vu khống, bức hại và tư cách của người viết: có người không thể từ chối, miễn cưỡng viết cho qua, có người ác tâm vụ lợi, đánh để tiến thân, lên chức.

● Ý định ra báo Nhân Văn
Ý định ra báo là của Nguyễn Hữu Đang. Nguyễn Hữu Đang thuyết phục Hoàng Cầm. Hoàng Cầm bàn với 5 người bạn trong Giai Phẩm Mùa Xuân: Trần Dần, Lê Đạt, Tử Phác, Văn Cao và Đặng Đình Hưng. Phần đông đều e ngại, không muốn cộng tác vì nghi ngờ Nguyễn Hữu Đang là người làm chính trị. Một mặt khác, sau vụ đàn áp Giai Phẩm Mùa Xuân, Trần Dần, Lê Đạt đều muốn nghỉ - chuyện gia đình, mới lấy vợ, có con. Hoàng Cầm nhận phụ trách phần văn nghệ, nhưng đến Nhân Văn số 2, Lê Đạt phải vào.
Hoàng Cầm kể trên RFI, 8/2/2008: "...thì lúc bấy giờ (xong lớp 18 ngày) anh Đang anh ấy mới nẩy ra một ý: Đang lúc văn nghệ sĩ có nhiều "thắc mắc" như thế này thì chúng mình nên ra một tờ báo. Tôi bảo: Ra báo thì phải có tiền, chứ tự nhiên ra thế nào được. Anh Đang bảo: Tiền thì tôi sẽ nhờ người bạn đi vay và chắc chắn chỉ vài số báo là đã có thể trả được... Đầu tiên tôi không nhận lời, vì lúc ấy tôi đang làm ở nhà xuất bản của Hội Văn Nghệ, nhiều công việc bận lắm. Nhưng mà anh ấy vẫn không tha. Anh ấy cứ bám riết lấy. (...) giữ riệt lấy tôi và thúc đẩy tôi. Thế rồi cuối cùng tôi cũng phải nhận lời. Bởi tôi cũng dễ tính và hay nể bạn".
Trong bài "thú nhận", tháng 3/1958, Hoàng Cầm viết:
"Bàn về tiền ra báo, tôi tán thành tên Tước[5] do Nguyễn Hữu Đang giới thiệu, bỏ tiền ra làm vốn. Tôi đã đi họp hai lần ở nhà tên Tước, lần đầu với Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Tước bàn về thể tài tờ báo. Tư tưởng tôi lúc đó phản đối mọi đường lối, chính sách của Đảng nên tôi nghĩ: Báo văn nghệ hay văn hoá xã hội cũng được, miễn là ra được, nhưng chỗ tôi biết hơn cả là mặt văn nghệ, thì tôi tự nhận phần văn nghệ, còn ngoài ra ai muốn viết về vấn đề gì, tôi cũng tán thành. Một lần nữa, có Nguyễn Bính, Đang, Tước bàn về tên tờ báo và mời Nguyễn Bính làm thư ký toà soạn, thì tôi nghĩ là “tên báo gì gì cũng được” miễn là có báo ra được"[6].
Như vậy, Nguyễn Bính đã có mặt trong những buổi họp trước khi ra báo Nhân Văn. Nhưng rút cục Nguyễn Bính không vào Nhân Văn mà làm tờ Trăm Hoa, bộ mới.
Lê Đạt, kể lại trên RFI như sau: "Trong buổi học tập văn nghệ đó (lớp 18 ngày), anh Ðang có đọc một bài tham luận rất hùng hồn về những sai lầm của lãnh đạo văn nghệ. Lúc đó Ðang có nói một câu với Nguyễn Ðình Thi -Nguyễn Ðình Thi lúc ấy là một trong những người chịu trách nhiệm tờ Văn Nghệ- Ðang nói rằng: "Thế nào tao cũng ra một tờ báo, tờ báo chưa biết tên là gì, tao thì không làm được nhưng để cho bọn Giai Phẩm Mùa Xuân nó làm (...) Ðến lúc ra báo Nhân Văn, cũng lại có nhiều khó khăn. Anh Dần muốn trực tiếp lo chuyện gia đình vì anh ấy gặp nhiều khó khăn quá: bị bắt, rồi lại phải lo cho con cái. Còn tôi lúc đó, tôi cũng muốn nghỉ. Anh Ðang lại không thuộc nhóm Giai Phẩm Mùa Xuân, anh Ðang là một cán bộ chính trị cũ, anh ấy chỉ biết tôi thôi, thế còn quan hệ với anh em Giai Phẩm Mùa Xuân, anh Đang lại không có. Mà các anh ở Giai Phẩm Mùa Xuân cũng không thích anh Ðang. Chúng tôi mới quyết định thế này: Anh Cầm đang rỗi rãi, bèn giao cho anh Cầm; tách anh Cầm ra làm việc chung với anh Ðang[7]".
Trong bài "thú nhận", tháng 3/1958, Lê Đạt viết:
"Sau thời gian lớp học 18 ngày, Nguyễn Hữu Đang cùng với Hoàng Cầm ra báo. Hoàng Cầm đặt vấn đề với nhóm Giai Phẩm Mùa Xuân. Văn Cao, Trần Dần, Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm và tôi bàn ở tiệm trà Phúc Châu. Đa số đồng ý là không tham gia biên tập vì cho Nguyễn Hữu Đang không phải là người văn nghệ, có thể nhiều động cơ cá nhân không tốt, hai là tập họp anh em đông quá trong số đó có nhiều phần tử chạy theo, cơ hội không nắm chặt được, sợ manh động (viết lách ẩu, quá khích bị lãnh đạo đánh)"[8].
Trần Dần trong bài "thú nhận", viết:
"… Đến lớp học mười tám ngày, Nguyễn Hữu Đang từ lâu nằm phục xuống, nhờ cơ hội này đứng dậy phất cờ. Nếu không có Đang sẽ không có tham luận với những đề nghị: Gặp Trung ương, ra báo v.v… mà cũng sẽ không có tờ Nhân Văn.
Tư tưởng chống đối trong tôi cũng ngóc dậy. Tuy đồng tình với Nguyễn Hữu Đang, song không đồng tình về phương pháp (...) Nguyễn Hữu Đang định kéo nhóm Giai Phẩm Mùa Xuân làm vốn cho hắn ra báo, đấu tranh với Đảng, vì từ lâu hắn đã ngửi thấy ở đó có vấn đề có thể kiếm chác được. Vấp phải sự rùng rằng (dùng dằng) không muốn tham gia của nhóm Giai Phẩm Mùa Xuân (vì nhiều lẽ), hắn kéo lẻ từng người. Đầu tiên là Hoàng Cầm (...) Đến khi Nhân Văn thông qua bài số 1, tôi đến, thấy hỗn độn táp nham quá, mình dự đây là dại, nên nửa chừng bỏ về. Lúc đó tôi đã nghi Nguyễn Hữu Đang, cho là thằng quá tả, vấn đề gì cũng định đưa ra công khai, tôi cho rằng hắn sẽ làm hỏng phong trào của lớp học mười tám ngày thôi. Sẽ lại thất bại như hồi bộ đội. Nên tôi tự đặt nhiệm vụ dùng Hoàng Cầm, Lê Đạt mà ghìm hắn lại[9]".
Trần Dần vì nghi kỵ Nguyễn Hữu Đang, không muốn tham dự, nhưng cũng không bỏ hẳn. Trong nội bộ Nhân Văn, từ đầu, đã có những bất đồng: Nguyễn Hữu Đang muốn mở rộng cuộc tranh đấu sang chính trị: đòi hỏi tự do dân chủ. Hoàng Cầm thế nào cũng được. Trần Dần chỉ muốn đòi tự do sáng tác. Lê Đạt giữ vị trí trung gian: Đồng ý với Nguyễn Hữu Đang về đấu tranh tự do dân chủ nhưng chỉ muốn thực hiện bằng con đường sáng tác.
Đó là những "khó khăn" mà Lê Đạt nói đến khi lập tờ Nhân Văn, nhưng không chỉ có những "khó khăn" nội bộ, mà còn cả những khó khăn do áp lực bên ngoài. Một chủ trương "rầm rộ" như vậy, lãnh đạo không thể không biết. Và Trung Ương đã tìm cách khuyên nhóm Nhân Văn dẹp ý định làm báo đối lập, bằng cách nói riêng với từng người.

● Bộ Chính Trị gặp ba người chủ chốt
    khuyên nên bỏ ý định ra báo
Hoàng Cầm kể trên RFI: "Trước khi ra báo thì các anh em đã rậm rịch nói với nhau rồi, cho nên tin tức đều đến tai lãnh đạo cả. Thì lãnh đạo, tức là Bộ Chính Trị, đã bố trí cho cho ông Võ Nguyên Giáp mời Nguyễn Hữu Đang lên nói chuyện, mời riêng đấy. Còn ông Lê Đức Thọ, lúc bấy giờ cũng là Bộ Chính Trị, thì mời Lê Đạt và ông Lê Liêm lúc bấy giờ là Tổng Cục Phó Tổng Cục Chính Trị (về sau này ông ấy mới chuyển sang làm Thứ trưởng Bộ Giáo Dục), thì mời tôi. Như vậy là ba ông ủy viên bộ chính trị gặp những người chủ chốt của Nhân Văn, và nếu mà ba ông ấy thuyết phục được ba người đó đừng ra báo, thì thôi, coi như là yên ổn cả, không có chuyện gì. Ông Lê Liêm gặp tôi đến ba buổi tối trong nhà khách của quân đội, ông Giáp thì gặp anh Đang, ông Lê Đức Thọ gặp anh Lê Đạt, tất nhiên là để nói đến chuyện ra tờ báo, thì họ cũng lấy tình đồng chí, tình bạn bè, khuyên bảo, chứ không phải để ra lệnh gì. Ông Lê Liêm gặp tôi rất khiêm tốn, nói hết những cái Đảng có thể có những sai lầm này, sai lầm khác v.v... trong việc lãnh đạo văn nghệ. Tự ông ấy nói ra để cho mình hiểu và yên tâm là Đảng cũng biết đấy, để Đảng sửa dần, để cho mình muốn nói cái gì về Đảng trên tờ báo của mình thì mình rút đi, rút lui cái ý kiến trên báo ấy đi. Mục đích của những cuộc gặp đó là như thế. Khổ một nỗi là lúc bấy giờ những "thắc mắc" của anh em văn nghệ nó ồn ã lắm. Mà nó nhiều cái sâu sắc lắm, cho nên anh Đang anh ấy kiên quyết là không, cứ phải ra báo, phải ra báo thì mới nói được. Anh Đang kiên quyết ra báo. Tôi thì ra cũng được mà không ra cũng được. Thế là trong nội bộ của mấy anh em hoạt động nhất trong báo Nhân Văn là Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt và tôi cùng thống nhất với nhau là cứ ra. Thế là ra được Nhân Văn số 1[10]".

● Mời Phan Khôi làm chủ nhiệm
   Trần Duy làm thư ký toà soạn
Việc mời Phan Khôi do Nguyễn Hữu Đang nghĩ ra. Lê Đạt kể: "Ðang bảo: Hay là mời cụ Phan Khôi? Mà cụ Phan Khôi cũng lại không thân gì với Ðang lắm. Thế là anh Hoàng Cầm được cử đến mời cụ Phan Khôi. Phan Khôi khẳng khái nhận lời ngay"[11].
Việc mời Trần Duy có hai ý kiến khác nhau, Trần Duy, nói trên RFI:
"Tôi không biết Trần Dần, tôi cũng không biết Hoàng Cầm. Mãi sau buổi họp ở 51 Trần Hưng Đạo, đưa bài Nhất định thắng của Trần Dần -hôm đó là cuộc hội rất lớn- kết tội bài đó[12]. Tôi với ông Phan Khôi ngồi gần nhau (...) Người ta quy rằng Trần Dần như thế là ngã về địch, bị gián điệp (...). Ông Phan Khôi nói với tôi: Quy cho người ta là gián điệp, là chính trị, nhanh quá, rất nguy hiểm (...). Vì thế tôi không quen biết những người này nhưng vì ông Phan Khôi, tôi đứng trên quan điểm của ông Phan Khôi, tôi rất ủng hộ ông Trần Dần mà tôi không biết ông Trần Dần là ai cả. Tôi cũng không biết ông Hoàng Cầm. Tôi biết anh Lê Đạt vì tôi cùng về báo Văn Nghệ (...) Do ông Phan Khôi tôi biết nhóm Lê Đạt và Trần Dần[13]".
Cũng về việc này, Hoàng Cầm viết trong bài "thú nhận", như sau:
"Chỉ có việc Nguyễn Hữu Đang mời tôi làm thư ký toà soạn là tôi không nhận, lý do chỉ vì sợ trách nhiệm, muốn đùn trách nhiệm cho người khác. Tôi đã đùn cho Trần Duy trong một buổi tình cờ gặp Trần Duy ở nhà Minh Đức. Tôi gọi nó lên gác nhà tên Đang, giới thiệu nó với tên Đang. Trần Duy nhận lời ngay[14]".



● Ai quyết định nội dung bài vở báo Nhân Văn?
Trong bài "thú nhận", Lê Đạt viết: "Tôi tham gia Nhân Văn với ý thức là người lãnh đạo lý luận của tờ báo vì tôi cho tôi vững vàng hơn Nguyễn Hữu Đang. Ban biên tập lúc đó gồm bốn người: Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy, Hoàng Cầm và tôi[15]".
Vậy trong bốn người: Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy, Hoàng Cầm và Lê Đạt, ai quyết định nội dung tờ báo?
Trần Duy trả lời trên RFI:
 "Tất cả bài vở là do Đang và Đạt quyết định và bài vở tập hợp vào tôi, khi thiếu bài hoặc mise mà không có thì bảo tôi làm cái remplissage lấp lỗ trống hoặc thu dọn bài này, bài nọ, trang mấy, trang mấy có tranh, thì bảo tôi làm. Sự thật ra quyết định bài vở phần lớn là Đang, quyết định nội dung bài là Đạt. Còn thầy cò thầy kiện là ông Văn Cao. Ông Trần Dần, ông Hoàng Cầm là đứng sau lưng. Người chủ động và trực tiếp với tôi là Lê Đạt, người chủ động bài vở là ông Nguyễn Hữu Đang. Tất nhiên là tôi không quyết định được bài vở rồi, nhưng có bài nào cần thiết thì Lê Đạt bảo: Ông viết đi, vấn đề này ông viết được, ông viết hộ tôi, ví dụ như tự do sáng tác hay là gì đó thì ông cứ viết, ông lại hơi có cái giọng humour thì ông làm cho tôi... không phải chuyện cười, những chuyện thời sự ông đi góp nhặt các nơi. Thì tôi phụ trách mục đó và tôi đề TD, là Trần Duy đó. Sau khi mise những bài chính rồi thì tôi là người lấp remplissage phần còn lại của tờ báo. Sự thực ra người ta không bao giờ hỏi ông Phan Khôi về một cái gì cả[16]".
 Vẫn theo lời Trần Duy, Lê Đạt và Nguyễn Hữu Đang thường hay cãi nhau.
 Vậy sự bất đồng ý kiến đó là gì?
 Có phải về mục tiêu đấu tranh, hay là điều gì khác?
 Lê Đạt viết trong bài "thú nhận":
"Về mục tiêu đấu tranh của Nhân Văn: Một mặt, lật đổ bộ phận lãnh đạo mà tôi cho là bè phái (đồng chí Tố Hữu, Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi), một mặt nữa đấu tranh với Trung ương về tự do dân chủ, tôi tán thành nhưng vẫn muốn đấu tranh bằng hình thức văn nghệ. Lúc đó tôi có khuyên Hoàng Cầm nên đẩy mạnh mặt văn nghệ của tờ báo còn phần đấu tranh cho tự do dân chủ thì làm một phần nhẹ thôi". "Xét cho cùng lúc đầu tôi với Nguyễn Hữu Đang chỉ khác nhau về chiến thuật. Tuy không tham gia biên tập nhưng khi in số 1 thỉnh thoảng tôi cũng có đến[17]".
- Nhân Văn số 1, ra ngày 20/9/56, gồm các bài chính:
Bài thơ Nhân câu chuyện mấy người tự tử của Lê Đạt, bài Tiến tới xét lại một vụ án văn học: Con người Trần Dần của Hoàng Cầm, bức tranh Nguyễn Sáng vẽ Trần Dần với vết sẹo trên cổ, và bài Luật sư Nguyễn Mạnh Tường trả lời về vấn đề mở rộng tự do dân chủ.
- Nhân Văn số 2, ra ngày 30/9/1956, với ba bài chính: Phấn đấu cho trăm hoa đua nở của Trần Duy, Đào Duy Anh trả lời về vấn đề mở rộng tự do dân chủ và bài Trả lời bạn Nguyễn Chương và báo Nhân Dân, do Nguyễn Hữu Đang viết, nhưng ký tên Hoàng Cầm, Hữu Loan, Trần Duy.
- Nhân Văn số 3, ra ngày 15/10/1956, xác định rõ ràng đường lối tranh đấu cho tự do dân chủ với hai bài chính:
Nỗ lực phát triển dân chủ của Trần Đức Thảo và Đặng Văn Ngữ trả lời về mở rộng tự do dân chủ.
Sau Nhân Văn số 3, có ba sự kiện quan trọng xẩy ra:
- Phan Khôi đi Trung Quốc.
- Trường Chinh tổ chức tọa đàm.
- Trần Duy lên gặp thủ tướng Phạm Văn Đồng.



● Phan Khôi đi Trung Quốc
Nhân Văn số 3 đăng một thông báo ngắn của Phan Khôi:
"Tôi đi công tác Trung Quốc một thời gian chưa biết bao lâu. Về tờ báo Nhân Văn, tôi ủy quyền chủ nhiệm cho ông Trần Duy, thư ký toà soạn, ông Trần Duy sẽ chịu trách nhiệm trong những ngày tôi đi vắng. Tuy vậy, tôi cũng vẫn liên đới chịu trách nhiệm."
Phan Khôi

Theo Hoàng Cầm, sau Nhân Văn số 3[18], Trung Quốc mời đích danh Phan Khôi sang dự lễ 100 năm sinh Lỗ Tấn, bởi vì người ta biết Phan Khôi là người dịch Lỗ Tấn hay nhất ở Việt Nam. Ban lãnh đạo Việt Nam thương lượng với bên Tàu cho một người đi kèm. Phan Khôi biết thế, ông bảo: Thế nào nó cũng cử một người nữa đi kèm. Tôi (Hoàng Cầm) hỏi: Bác có đồng ý không? Ông bảo: Nó đưa ra ba, bốn người, tau không đồng ý, sau đến cậu này, tau bảo được, vì thấy nó cũng lành. - Ai vậy? - Tế Hanh. Tế Hanh tôi biết là người tốt bụng, nhưng nhút nhát không dám thân mật với anh em Nhân Văn.
Trước khi đi, ông bắt tôi phải lo cho ông hai số đầu Nhân Văn, đủ 20 bản mỗi số, và 3 cuốn Giai Phẩm, mỗi cuốn 10 bản. Báo bán hết nhẵn rồi, tôi phải hỏi anh Minh Đức, may anh ấy là chủ nhà xuất bản nên giấu lại một ít. Tối hôm trước khi ông đi, tôi đến thăm, thấy ông và bà vợ đang sửa soạn va li. Bà chuẩn bị quần áo ấm cho ông. Riêng sách báo thì ông chất vào một va li to, độ khoảng 20 tờ Nhân Văn với 30 quyển Giai Phẩm cả Mùa Xuân, Mùa Thu. Ông đường hoàng lắm, nhà ông khi có khách ông chả cần đóng cửa, ông chẳng có gì phải giữ kín, thậm chí ông chửi cán bộ cộng sản to tướng, mà ông cứ nói oang oang, tôi rất sợ, nhưng không dám can "bác nói sẽ chứ", sợ ông mắng.
Chợt anh Phan Thao đến thăm bố, hỏi: Mai đi bố đã chuẩn bị xong chưa? Ông không trả lời. Lúc anh sờ đến cái va li ông đã đóng rồi, mở ra, thấy trong toàn Nhân Văn với Giai Phẩm, anh nói: Sách báo này sao bố mang đi nhiều thế, mỗi thứ một cuốn là đủ. Thì ông nổi giận: Không việc gì đến mi, việc của tau tau làm. Phan Thao vẫn kiên nhẫn nói năng nhỏ nhẹ: Con thấy bố mang đi nặng, thêm mệt, vô ích, bố định phân phối cho người ta hay sao mà mang nhiều thế. Ông càng cáu, hét to: Việc tau tau làm, mày cút đi! Ông quát to lắm, giọng ông còn khỏe, lúc ấy ông đã 70, tôi nghĩ ông còn sống lâu lắm. Phan Thao cứ bình tĩnh xem xét hành lý, can bố đừng mang tài liệu này, kia, ông lại càng cáu, chỉ tay ra cửa: Việc tau tau làm, mày cút đi! Cái thằng cộng sản! Tôi can cũng không được, ông càng nóng thêm, ông mắng nặng lắm: Tao không bố con gì với mi, nó là quân cộng sản, là đồ chó. Tôi đành nói với anh Thao: Thôi anh về đi, ông cụ đang có gì bực mình. Anh Phan Thao đành phải ra về.
Thế rồi ông đi, đi độ hơn 20 ngày thì ông về, ông kể, chúng nó thay hết những số báo trong khi bay, chỉ có hai số Nhân Văn ông để trong túi xách tay là còn. Ông định mang sách báo sang Tàu để tặng những người nào trong hội nghị mà ông thấy chơi được. Chỉ còn hai số báo Nhân Văn, ông đành cho mượn đọc. Tôi hỏi họ nghĩ gì, thì ông bảo Trung Hoa người ta khéo lắm, không phê bình gì cả, chỉ khen báo in đẹp. Ông cay chuyện bị mất báo lắm, động nói đến là ông chửi. Sau tôi không dám hỏi nữa. Khi ông về thì chúng tôi đã sửa soạn xong Nhân Văn số 4[19].



● Trần Duy lên gặp Phạm Văn Đồng
Trần Duy thuật lại trên RFI:
"Tôi gặp anh Phạm Văn Đồng, ông Đồng gọi tôi lên, khi đó là số 3 rồi. Khi đó có những tin đồn là Nhân Văn muốn ngả về những mouvement, những phong trào đòi dân chủ ở Hung hay là ở Nam Tư gì đó, thì anh Đồng có cho gọi ban biên tập và tòa soạn lên, cuối cùng anh em bảo Trần Duy lên gặp, thì tôi lên. Việc tôi lên gặp ông Đồng cũng có một số anh em tán thành, một số không tán thành, cho rằng như thế là tự mình ràng buộc với... chính quyền.
Nhưng tôi nghĩ rằng anh không thể nào vượt chính quyền được và anh không thể nào vượt khỏi tổ chức của đảng được, không thể chống lại được nó, làm cái gì cũng phải nằm trong cơ sở tổ chức của đảng thôi. Tôi lên gặp ông Đồng. Thái độ của ông Đồng rất cởi mở, gặp tôi bảo: "Tôi hiện nay rất bận (...) , tôi ủy cho anh Phan Mỹ thay tôi để giải quyết những vấn đề gì của anh em còn vướng mắc, theo tôi thì đừng nói chữ đấu tranh, các anh cần gì, yêu cầu gì, các anh cứ việc đề ra và chúng tôi giải quyết chứ đừng đấu tranh, đòi hỏi cái gì mà phải đấu tranh" (...). Ông Đồng đi thì tôi ngồi nói chuyện với anh Phan Mỹ, anh Phan Mỹ bảo: Các anh cần gì, vấn đề tài chính thì tất nhiên chính phủ làm được việc đó, các anh cần mua giấy thì chúng tôi cấp giấy cho các anh mua. Xong việc ấy tôi về gặp anh em ở một cái quán nhỏ đầu Hàng Nón, mọi người ở đấy, có Văn Cao, Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, ... và tôi. Một lúc thì Đang đến, tôi nói chuyện tôi gặp như thế thì tất cả mọi người, trừ Lê Đạt, đều cho rằng thái độ của tôi là thái độ đầu hàng[20]".
Theo tin trong Nhân Văn số 3: Sở dĩ Nhân Văn phải bán giá cao hơn các báo khác, vì "chỉ được Cơ Quan Mậu Dịch Trung Ương cung cấp giấy đủ để in 2000 số", trong khi số 2, in 6000 và số 3, in 7000 số, vì vậy phải mua thêm giấy ngoài thị trường với giá đắt gấp đôi giá mậu dịch".
 Tin trong Nhân Văn số 4: "Kỳ này, in 12.000 số, mà vẫn chỉ được Sở Báo Chí và Mậu Dịch Trung Ương cung cấp giấy đủ in 2000 số, tuy chúng tôi đã nhiều lần xin thêm".
Hoàng Cầm cho biết: Đến số 5 thì toà soạn cho tái bản từ số 1 đến số 5, mỗi số in từ 2 vạn (20.000) đến 2 vạn rưởi (25.000) và sang số 6, định in ba vạn (30.000) số[21].

● Trường Chinh tổ chức tọa đàm
Theo tin trên Nhân Văn số 4 ra ngày 5/11/56, thì ngày 20/10/56 bắt đầu cuộc tọa đàm giữa đại diện ban chấp hành Trung Ương đảng Lao Động Việt Nam và các ngành văn học nghệ thuật. Ba buổi tọa đàm này được tổ chức những ngày: 20, 21, và tối 23/10/56[22].
Võ Hồng Cương, cục phó Cục Tuyên Huấn, viết:
 "Ngay từ khi chúng xuất bản "Giai phẩm mùa thu" tập I và Nhân Văn số I, giới văn nghệ sĩ ta đã thấy rõ tính chất phản động của chúng, nên đã kịp thời phê phán chúng trước dư luận nhân dân. Trung Ương Đảng Lao Động Việt Nam muốn mở đường cho chúng hối cải, nên tuy rất bận về công tác sửa sai rất khẩn trương, cũng đã để thì giờ gặp chúng đến ba lần, để nghe chúng phát biểu thắc mắc nguyện vọng và nghe chúng phê bình sự lãnh đạo của cán bộ phụ trách văn nghệ của Đảng rồi khuyên bảo chúng những điều nên làm và những việc nên tránh[23]".
Lê Đạt viết trong bản "tự thú": "Sau cuộc tọa đàm với Trung Ương, tôi viết bài “Hoan nghênh Trung Ương Đảng lắng nghe cán bộ và quần chúng” để gây thanh thế cho báo Nhân Văn. Một mặt khác tôi luôn luôn đả kích chuyên chính vô sản mà tôi cho là độc tài. Tôi tung ra trong anh em lập luận: “Từ khi về hoà bình mất đối tượng đế quốc và địa chủ, Đảng chĩa nhầm mũi dùi chuyên chính vào nhân dân”[24].
Trần Dần viết trong bài "tự thú": "Khoảng Nhân Văn số 3, tôi được cử đi gặp Trung Ương Đảng. Tôi chuẩn bị kết án sự lãnh đạo văn nghệ trước, và đòi trăm hoa đua nở. Song mọi người nói cả rồi nên thôi (sau có viết bài đăng báo Nhân Văn). Trước cuộc họp tọa đàm này, Nguyễn Hữu Đang có họp tôi không dự, nội dung đâu như chuẩn bị ra một số đặc biệt, lợi dụng cuộc tọa đàm với Trung Ương đem mọi lời phát biểu phơi trần ra công khai đánh vào Đảng[25]".
Theo lời khai trên đây của Trần Dần, thì từ sau số 3, ông không còn "ở ngoài" Nhân Văn (như ông đã khai ở phần trên) mà đã "vào trong" Nhân Văn. Trần Dần đến dự buổi tọa đàm với mục đích "kết án sự lãnh đạo văn nghệ" và"đòi hỏi trăm hoa đua nở", nhưng chưa kịp nói thì "mọi người đã nói cả rồi".
Mặc dù tên Trường Chinh không được chính thức nêu ra -có lẽ vì ông đã lệnh cho báo chí không được viết về vụ tọa đàm- nhưng qua băng Hoàng Cầm nói chuyện với bạn bè, thì Trung Ương Đảng ở đây chính là Trường Chinh:
"Trong thời gian từ số 3 đến số 5 Nhân Văn, ông Trường Chinh[26] mời một số nhà báo đến họp tại trụ sở Trung Ương Đảng. Địa điểm trông ra hồ Ha-Le, sau này là đại sứ quán Lào. Giấy mời ký tên Phan Mỹ, đổng lý văn phòng Phủ Thủ Tướng. Đại diện các báo có đủ cả: Thanh Niên, Trăm Hoa, Phụ Nữ... Báo Nhân Văn đi dự gồm: Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm, Trần Duy, Lê Đạt, Trần Dần không đi[27], Phùng Quán còn non nớt quá, chúng tôi không cử.
Thụy An cũng đi, không hiểu ví lý do gì. Thụy An không làm báo Nhân Văn nhưng rất thân với Lê Đạt và Phùng Quán, có thể là chính ông Trường Chinh mời, vì bà ở trong Hội Văn Nghệ.
Ông Trường Chinh ngồi một mình một bàn ở trên, ông tuyên bố ngắn gọn, đại ý: Hôm nay tôi mời các báo đến để xem tình hình trong nước, tình hình thế giới, vậy xin các bạn cứ phát biểu tự do, nói lên những nguyện vọng của mình.
 Không có thư ký, ông ghi lấy, ai nói gì ông cũng ghi, ông ghi lia lịa. Trong khi mọi người phát biểu thì chúng tôi vẫn có thể nói chuyện thì thầm với nhau.
Tôi ngồi đối diện ông Tố Hữu. Trần Duy đối diện ông Xuân Thuỷ. Nguyễn Hữu Đang và Lê Đạt ngồi riêng.
Ông Tố Hữu nói với tôi bằng một giọng rất nhỏ nhẹ, đại ý: qua những số báo Nhân Văn vừa rồi, tôi thấy anh viết những điều không có lợi cho Đảng... Tôi chỉ mỉm cười không trả lời. Những người lên phát biểu chỉ trích những sai trái của lãnh đạo. Tôi lên nói về vụ Trần Dần, Tử Phác, một nhà thơ và một nhạc sĩ, chỉ vì một bài đăng trên Giai Phẩm Mùa Xuân mà bị bắt giam xuống một cái hầm đã giam những tội phạm chính trị của thực dân Pháp, chứng tỏ có một cá nhân nào đã lợi dụng quyền thế để đàn áp văn nghệ sĩ, tôi yêu cầu Đảng và nhà nước, tìm ra ai là thủ phạm, ai là người xướng xuất ra vụ bắt bớ này. Ông Trường Chinh chỉ ghi, chứ không nói gì.
 Anh Nguyễn Bính lên tố cáo bị Thiết Vũ đánh. Ông Trường Chinh vẫn ghi rất nhanh vào cuốn sổ riêng. Thụy An, Nguyễn Hữu Loan cũng phát biểu, về những hiện tượng "không tốt đẹp" ở miền Bắc... thì ông Trường Chinh cũng cứ ghi, ghi rất nhanh mà không nói gì.
 Lúc vãn họp, ông mới nói đại ý: Tôi yêu cầu các báo giữ kín, không được tường thuật, không đăng một tý gì.
Về, thì ông Đang bảo: Ông Trường Chinh bảo không đăng, không tường thuật, mình cứ đăng chứ sợ gì, làm ngắn thôi và viết đúng như sự thật.
Riêng Văn Cao, thì đến số mấy tôi không nhớ rõ, tôi có lấy một đoạn thơ của Văn Cao trong bài Cửa biển[28] đăng lên, Văn Cao không nói gì, tức là đồng ý.
 Văn Cao không tham gia trực tiếp Nhân Văn, nhưng hôm họp với ông Trường Chinh, Văn Cao phát biểu đại ý: Tôi thấy báo Nhân Văn nói lên được tâm tư nguyện vọng của văn nghệ sĩ, Nhân Văn sống trong trái tim tôi.
 Thế thì độ 3, 4 ngày sau buổi họp này, Văn Cao kể lại với tôi: ông Trường Chinh mời riêng Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, và tao lên. Ông ấy ghê lắm, đối với Nguyễn Tuân thì ông ấy nói rất dịu dàng, đại để: các nhà văn có tên tuổi thì nên giúp Đảng lãnh đạo nhân dân cho tốt, nếu thấy Đảng sai thì nên thân mật gặp tôi hoặc đồng chí nào ở Bộ Chính Trị, ý ông ấy muốn bảo là đừng viết báo nhưng không nói rõ ra. Đối với tao, ông ấy gay gắt hơn: Thế nào, đồng chí Văn Cao cũng ủng hộ Nhân Văn à? - Thế mày có trả lời gì không? Tao bảo: Vâng, tôi ủng hộ họ vì tôi nghĩ họ tốt. Còn Nguyễn Huy Tưởng thì bị ông ấy xát xà phòng:Anh Tưởng, anh là đảng viên mà anh để cho chúng nó chửi Đảng như thế mà anh ngồi yên được à? Nguyễn Huy Tưởng chỉ ngồi yên, bình tĩnh, nét mặt không thay đổi, không trả lời gì cả".[29]
Lời khai của Lê Đạt, Trần Dần và lời thuật của Hoàng Cầm chứng tỏ, nhóm NVGP và một số văn nghệ sĩ, đối diện với Trường Chinh, trong tọa đàm tháng 10/56, có vẻ không sợ hãi gì cả. Trường Chinh để họ thoải mái chống đối, chỉ lặng lẽ ghi. Ông ra lệnh không được tường thuật vụ tọa đàm, nhưng Nhân Văn làm ngược lại, viết hai bài rất mạnh trên số 4 về tọa đàm. Hai bài này đánh dấu không khí căng thẳng giữa lãnh tụ và các văn nghệ sĩ tự do và ngôn ngữ mạnh bạo trên tờ Nhân Văn. Bài Sự thật về vụ xúc phạm thi sĩ Nguyễn Bính và báo Trăm Hoa, ký tên Người Quan Sát, mở đầu như sau:
 "Bước đầu để thực hiện quyết định của Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Tăng cường bảo đảm quyền tự do của nhân dân và trừng trị kịp thời, đúng mức những hành động vi phạm pháp luật. Chúng tôi đề nghị có những biện pháp thích đáng trừng trị Nguyễn Văn Tố tức Thiết Vũ trong việc hành hung chủ nhiệm báo Trăm hoa. Sở báo chí Trung ương phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc này".
Và Người Quan Sát tường thuật vụ việc như sau:
"Theo lời ông Nguyễn Bính chính thức báo cáo trong hai buổi tọa đàm của đại diện Trung ương Đảng Lao động, thì trước khi báo Trăm Hoa mới ra số 1[30], Nguyễn Văn Tố tức Thiết Vũ, cán bộ của Sở báo chí, đến đưa cho ông 2 bài đả kích báo Nhân Văn, rồi yêu cầu đăng và đồng thời cũng mập mờ lấy danh nghiã cơ quan hứa hẹn cấp giấy rẻ cho báo Trăm Hoa thừa hai "ram"[31] để in, không hết sẽ bán theo giá thị trường (rất cao) mà tiêu dùng. Ông Nguyễn Bính không từ chối ngay việc mua đó, nhưng cũng không đăng hai bài báo kia, lấy cớ là không hay. Sau đó báo Trăm Hoa xin cấp giấy cho số 2, thì bị Sở (...) Trung ương Đảng trong buổi tọa đàm ngày 20/10[32].
Thế là chiều hôm thứ hai 21/10, Nguyễn Văn Tố đến trụ sở báo Trăm Hoa, vẫn lấy danh nghĩa Sở Báo Chí, mà chất vấn ông Bính về chuyện báo cáo hôm qua rồi dùng những lời thô bỉ, thậm tệ mà lăng mạ ông, lại toan hành hung ông nữa. Ông Bính phải chạy ra ngoài cửa hô hoán lên, hàng phố kéo đến, người qua đường dừng bước, thành một đám đông. Sau đó ông Bính nhờ người đi báo công an, các bạn đồng nghiệp, Hội Văn Nghệ và Sở Báo Chí. Thế rồi có cuộc thương lượng giữa ông Trần Minh Tước, giám đốc sở Báo chí và ông Bính. Kết quả chúng ta đã biết: Nguyễn Văn Tố viết một bức thư xin lỗi đăng trên báo Trăm Hoa số 2 và đến tự kiểm thảo trong một buổi họp nhân dân khu phố. Đến đây câu chuyện xoay chiều. Vì những lý do bí ẩn nào chúng tôi không rõ. Chúng tôi chỉ biết bức thư xin lỗi và cuộc kiểm thảo kia đưa ra những sự việc khác hẳn những sự việc mà ông Bính đã chính thức báo cáo trong hai buổi tọa đàm ngày 21/10 và tối 23/10".
Bài báo kết luận: "Người ta biết rằng chủ nhiệm báo Trăm Hoa vì đi dự tọa đàm với đại diện Trung ương Đảng, có báo cáo chuyện mua chuộc và trả thù bỉ ổi nên trở về bị lăng mạ và suýt bị hành hung. Việc đó có một ý nghiã xúc phạm gián tiếp đến cuộc tọa đàm không còn ra thể thống gì nữa.
Người ta lại biết rằng gần đây các giới văn nghệ sĩ và trí thức thắc mắc rất nhiều về vấn đề bảo vệ nhân phẩm của văn nghệ sĩ, trí thức và quyền tự do dân chủ, giữa lúc này mà ngay sát cạnh Trung ương Đảng và Chính phủ, một cán bộ của Sở Báo Chí ngang nhiên láo xược, hung hãn đối với một văn nghệ sĩ lại là chủ nhiệm kiêm chủ bút một tờ báo, thì hãy hỏi y muốn chứng minh điều gì có lợi cho chính sách, cho chế độ?"
Tuy không nêu tên Trường Chinh, nhưng tác giả trực tiếp buộc tội "Trung Ương" dung túng sự "láo xược, hung hãn" của một cán bộ thừa hành; và ông đòi hỏi giới "thẩm quyền" phải có một "biện pháp cụ thể" không được "dung túng bọn sâu mọt", phải ngăn ngừa những "hành động côn đồ, manh động" không để "xẩy ra giữa thủ đô, chứ đừng nói gì đến tự do dân chủ vội". Lập luận này xác định người viết là Nguyễn Hữu Đang.
Bài Hoan nghênh trung ương Đảng lắng nghe cán bộ và quần chúng của Lê Đạt mạnh mẽ trong một chiều hướng khác, ông viết: "Ngày 20/10/56, đã bắt đầu cuộc tọa đàm giữa đại diện Ban chấp hành trung ương Đảng Lao Động và (...) đủ các ngành (...) điện ảnh. Ban (...) Nhân Văn đã đề cử ba đại biểu đến tham dự.
Từ mấy tháng nay cuộc đấu tranh sôi nổi và công khai của anh em văn nghệ sĩ chống những tệ lậu của bè phái lãnh đạo đòi thực sự mở rộng tự do dân chủ đã bị một số người hiểu lầm.
Họ gán ghép cho anh em những chiếc mũ không tốt: bất mãn, địa vị, thậm chí phản động. Cuộc tọa đàm này là một trả lời thích đáng cho những hạng người đó.
Nó chứng tỏ rằng cuộc đấu tranh của anh em căn bản là đúng, rằng anh em không phải là một nhóm người bất mãn đê tiện, mà là những người tha thiết vì dân vì Đảng muốn đóng góp phần xây dựng của mình".
Bài báo kết luận: "Cuộc tọa đàm mới bắt đầu và còn tiếp tục nhưng chúng ta có đầy đủ cơ sở để đấu tranh và tin tưởng".
Lập luận của Lê Đạt rất khôn khéo: Chúng tôi đấu tranh đòi dân chủ, nhưng không chống Đảng. Buổi tọa đàm này "chứng tỏ bản chất của chế độ thực sự là dân chủ", mới chỉ là bước đầu, chúng tôi sẽ tiếp tục những bước kế tiếp.
 Tóm lại, khi Phan Khôi đi vắng, Phạm Văn Đồng gọi Trần Duy, lúc đó thay quyền chủ nhiệm, lên gặp riêng, là có ý gì? Nếu Phan Khôi không đi Trung Quốc, liệu Phạm Văn  Đồng có "dám gọi" Phan Khôi lên gặp riêng không?
Việc Trường Chinh tổ chức tọa đàm và Phạm Văn Đồng gặp riêng Trần Duy, hẳn là chính sách hợp nhất của trung ương, có gây ít nhiều chia rẽ trong nội bộ Nhân Văn. Trần Duy cho biết lúc đó ban biên tập đã định đưa Trần Công vào thay thế ông, nhưng rồi cũng thôi. 
Tuy nhiên, hành động của trung ương tạo hai nghi vấn:
- Lợi dụng lúc Phan Khôi vắng mặt, Phạm Văn Đồng gọi Trần Duy lên gặp riêng và khi trả lời phỏng vấn RFI, ông tỏ vẻ chấp thuận giải pháp "không nên đấu tranh, có yêu cầu gì thì nói thẳng với trung ương", của ông Đồng. Nhưng tại sao trong buổi họp Nhân Văn số 4, chính Trần Duy lại "đưa ra chủ trương đề cập đến những vấn đề chính trị mạnh hơn nữa" như lời khai của Lê Đạt? Và bài ông viết trong Nhân Văn số 4 chống đảng rất mạnh.Vậy những gì đã thực sự xẩy ra trong buổi gặp riêng này?
- Trường Chinh tổ chức tọa đàm để chứng tỏ tính dân chủ của Đảng hay để dụ dỗ những người phản đối nói hết gan ruột mình, ông chỉ việc ghi chép, rồi sập lưới bắt trọn ổ?
Dù sao chăng nữa, sau việc Trần Duy lên gặp Phạm Văn Đồng và Trường Chinh tổ chức tọa đàm, Nhân Văn số 4 nghiêng hẳn sang đấu tranh chính trị.

● Ngõ quặt chính trị của Nhân Văn số 4, số 5 và số 6
Nhân Văn số 4 ra ngày 5/11/1956. Ngoài hai bài Sự thật về vụ xúc phạm thi sĩ Nguyễn Bính và báo Trăm Hoa, và Hoan nghênh Trung Ương Đảng lắng nghe cán bộ và quần chúng, đã nói ở trên, Nguyễn Hữu Đang lần đầu tiên ký tên thật, trong bài xã luận Cần phải chính quy hơn nữa, đặt vần đề cần phải xây dựng một nhà nước pháp trị. Bài Thành thật đấu tranh cho tự do dân chủ của Trần Duy, với sự góp ý của Lê Đạt, chỉ trích đảng cố tình đàn áp Nhân Văn. Phùng Cung xuất hiện với truyện ngắn Con ngựa già của chúa Trịnh. Văn Cao đăng bài thơNhững ngày báo hiệu mùa xuân, như để trả lời sự đe nẹt của Trường Chinh.Thanh Châu viết phóng sự Mua hàng mậu dịch. Những bài chính luận và sáng tác trong Nhân Văn số 4 mang tính cách đấu tranh chính trị xã hội quyết liệt. Hoàng Cầm viết trong bản "tự thú":
"Từ sau số 3 Nhân Văn, càng ngày tôi càng thấy tờ báo bị công kích dữ, nhất là sau số 4, Nhân Văn bị thi hành kỷ luật[33], tôi bắt đầu chùn và muốn lảng ra, không phải vì tư tưởng chống Đảng đã giảm đi mà chính là vì sợ, muốn tìm chỗ yên thân, nên tôi lại cố sức đi vận động Trần Duy đóng cửa báo - muốn lảng ra không được, tên Trần Đức Thảo lại thuyết phục, tôi vẫn bị hút vào, nhưng vẫn chân trong chân ngoài chỉ chực trốn. Thời kỳ cuối Nhân Văn, cái tính chất “văn dốt, vũ rát” (nhát) của tôi biểu hiện rất rõ ràng: nghe ý kiến của Trần Đức Thảo, Lê Đạt, Nguyễn Hữu Đang nêu ra những “trách nhiệm với lịch sử” để tiếp tục ra báo, tôi cũng thấy phải - Về gặp Văn Cao, Trần Dần nêu ra vấn đề “đóng cửa báo, vì tờ báo đang phiêu lưu, dễ bị đánh chết” tôi lại thấy phải[34]".
Qua lời khai của Hoàng Cầm, sau số 4, Hoàng Cầm, Văn Cao, Trần Dần muốn rút lui, đóng cửa báo; trong khi Nguyễn Hữu Đang, Trần Đức Thảo và Lê Đạt nhất quyết tiếp tục ra báo trong hướng đấu tranh chính trị. Vai trò hướng dẫn tư tưởng của Trần Đức Thảo và hướng dẫn cách viết của Lê Đạt nổi bật trong Nhân Văn số 4.
Trần Dần khai: "Tới Nhân Văn số 4 tôi nhận được giấy triệu tập đến họp về vấn đề: Báo có chuyển sang chính trị hay không? Trần Duy ký. Địa điểm ở nhà Trần Duy. Thực ra từ số 1 bọn Đang, Phan Khôi đã đòi làm chính trị và báo Nhân Văn đã đề cập đến vấn đề tự do dân chủ ở mức độ nào đó rồi. Âm mưu chính trị có từ đó, đến nay nhân thời cơ thế giới, bọn họ muốn đẩy mạnh phần chính trị lên hòng làm sôi sục tình hình Việt Nam, gây ra những sự biến chính trị, nếu có thể. Tôi ngửi thấy sự nguy hiểm đó, tuy không rõ. Đến cuộc họp tôi can họ “sang chính trị sẽ bị bóp chết ngay.” Vẫn chỉ là cái ý thức sợ phong trào bị tổn thất nặng. Song Trần Đức Thảo (tôi gặp lần đầu) hắn nói: “Văn nghệ và chính trị không thể tách được, không có tự do dân chủ, làm sao có tự do sáng tác? Báo nên sang mọi vấn đề chính trị tùy cách mà bàn thôi!” Ý kiến hắn có poids[35] cuộc họp bị hắn dắt mũi đi.
Tình hình gay gắt lắm rồi, tôi tìm Văn Cao. Văn Cao bảo “nên vận động đóng cửa báo, anh em đỡ thiệt hại, trên có đánh sẽ bị hẫng! Tôi hoàn toàn đồng ý. Đi vận động một số người đã ngả rồi, đến cuộc họp có Trường Xuân dự (bịa tin là Hồ Chủ tịch bảo con dao mổ trâu không đem giết gà) thì anh em lại bị bọn Trần Duy, Trường Xuân chúng dắt đi[36]".
Lê Đạt trong bài "thú nhận", viết: "Lúc này tôi vẫn còn ở trong Đảng, nhưng tư tưởng chống đối trong tôi đã phát triển mạnh. Tôi còn tán thành và đi nói với anh em quan điểm của Nguyễn Hữu Đang. Bản thân tôi cũng từng nói “Đảng trị” cho nên trong cuộc họp số 4, Trần Đức Thảo, Trần Duy đưa ra chủ trương đề cập đến những vấn đề chính trị mạnh hơn nữa tôi cũng đồng ý". (...) "Tôi góp ý kiến với Trần Duy trong bài “Thành thật đấu tranh cho tự do dân chủ” sửa chữa nhiều đoạn:
“Đấu tranh cho tự do dân chủ là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ vì nó là một cuộc tấn công quyết liệt vào những tệ lậu hủ bại của xã hội. Nó sẽ bị những phần tử tệ lậu và hủ bại hiện đương còn quyền hành và thế lực cản trở xuyên tạc phá hoại có khi bằng cả những phương pháp đen tối độc ác (chỗ này tôi ám chỉ các đồng chí lãnh tụ) đấu tranh cho tự do dân chủ không bao giờ chỉ là một công việc thuần tuý có tính chất quần chúng rộng rãi (...) Để tấn công quan điểm vô sản chuyên chính của Đảng, tôi vận động Thanh Châu viết bài "Mậu dịch" và còn dự định vận động Thanh Châu viết về vấn đề nhà cửa. Tôi góp ý kiến vẽ tranh một người đẽo chân cho vừa giày mậu dịch (...) Tôi lại viết "lời toà soạn" cho truyện "Con ngựa già" của Phùng Cung, đả kích và vu khống lãnh đạo văn nghệ không chú ý đến các nhà văn trẻ[37]".
 Kết quả là trên Nhân Văn số 4, Nguyễn Hữu Đang công khai đòi hỏi một nhà nước pháp quyền và đến Nhân Văn số 5, Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt tiến xa hơn nữa.
Nhân Văn số 5 ra ngày 20/11/1956 với hai bài xã luận chính: Hiến pháp Việt Nam 1946 và Hiến pháp Trung Hoa bảo đảm tự do dân chủ thế nào? của Nguyễn Hữu Đang, nội dung đề nghị sửa đổi Hiến pháp 1956, hoặc làm một hiến pháp mới, và Bài học Ba Lan và Hung-ga-ry ký tên Người Quan Sát, do Lê Đạt viết, ngụ ý nếu chính quyền không chịu cải tổ chính trị thì miền Bắc Việt Nam sẽ trở thành một Ba Lan, một Hung-ga-ry.
Lê Đạt viết trong bài "thú nhận":
"Tôi đồng ý với Nguyễn Hữu Đang đề cập đến vấn đề Hiến Pháp để làm áp lực chuẩn bị cho việc sửa đổi Hiến Pháp sắp đem bàn ở Quốc Hội. (...) "Trên thế giới lúc đó xẩy ra hai sự kiện: Vụ Poznan và vụ Hung-ga-ri. Lúc đó tôi rất bất mãn với nhận định của Đảng về vấn đề Hung-ga-ri mà tôi cho là “đổ tất cả cho địch” đồng thời đề ra khẩu hiệu tăng cường chuyên chính. Tôi viết bài “Bài học Ba Lan, Hung-ga-ri” để làm áp lực đấu tranh với quan điểm đó (...) Quan điểm của Trần Dần trong bài “Phải để cho trăm hoa đua nở[38]" cũng là quan điểm của tôi và Trần Dần thường bàn chủ trương “Đảng không thể quyết định, quần chúng mới là trọng tài tối cao[39]".
Về Nhân Văn số 6, Trần Duy cho biết: "Xong số 3, tôi chuẩn bị mấy số sau, cái affiche về Ba Lan thì chính tôi lên tiếp xúc với sứ quán Ba Lan, họ cho tôi tất cả tài liệu, affiche, tranh ảnh về Ba Lan và tôi đang định làm số đó. Nhưng sau vụ tôi lên gặp ông Đồng ấy, thì ông Đang ông ấy đùng đùng ông tự động thay đổi. Lê Đạt cũng bảo cái chuyện mà Đang lên nhà in tự động thay đổi nội dung rất là nguy hiểm. Thì rồi xẩy ra việc mà bên công an can thiệp, nhưng không can thiệp đến ban biên tập, không can thiệp đến người, chỉ đình số báo lại và không cho phát hành. Nếu số báo ấy ra thì chưa biết tình hình sẽ đi đến đâu. Tất cả số báo đó tôi hoàn toàn không biết[40]".
Lê Đạt viết trong lời thú nhận: "Đến số 6, Đang mượn được một số France Observateur, bàn nên ra một số đặc biệt về Ba Lan. Tôi rất tán thành cho rằng Đảng ta hay bưng bít tài liệu bây giờ đấu tranh bằng cách trình bày những tài liệu nước ngoài tác dụng rất tốt mà Đảng có muốn phê bình cũng không làm gì được. Đây cũng là một chiến thuật tốt để tấn công Đảng. Bài vở số này do Đang và Trần Duy sắp xếp. Về bài xã luận của Nguyễn Hữu Đang tôi cũng xem cũng như những bài xã luận mấy số 4, 5 trước khi Nguyễn Hữu Đang đưa in. Đọc đến chỗ “nhân dân có quyền biểu tình”, tôi hỏi. Nguyễn Hữu Đang trả lời “Báo Nhân Dân đã khoẻ chửi, đánh cho một đòn như thế là chịu”. (Chỗ này Nguyễn Hữu Đang chơi chữ: Lê Đạt hỏi nhân dân, Nguyễn Hữu Đang trả lời Nhân Dân)
 Lúc đó tất cả tâm trí tôi chỉ lo đối phó với các báo của Đảng, nên đồng tình. Trong lúc đương in số 6, thì phong trào phản đối lên mạnh. Tôi muốn đóng cửa. Nhưng trong cuộc họp chủ trương tiếp tục, Trần Đức Thảo và Trường Xuân, Phan Khôi thắng thế. Nhưng kết quả báo cũng bị đóng cửa. Tôi ngại Chi Bộ thi hành kỷ luật và cũng hoang mang, ngại sự phẫn nộ của quần chúng không biết làm thế nào nên lánh mặt và không gặp anh em nữa".
"Đôi lúc tôi có nghĩ “Giá có biểu tình để Trung Ương thay đổi đường lối thì tốt”. Nhưng lại lo không muốn biểu tình xảy ra vì nếu có “một là tôi sẽ bị bắt vào Hoả Lò, hai là trong lúc hỗn quân hỗn quan sẽ bị treo cổ”.
"Giữa tôi và Nguyễn Hữu Đang lúc đầu không phải là khác nhau về lập trường chống đối mà chính chỉ khác nhau về phương pháp mà thôi[41]".
Như vậy, trong những ngày cuối cùng của Nhân Văn: Trần Đức Thảo, Phan Khôi vẫn là hai kiện tướng.
Trường Xuân chưa rõ là ai.
Ngày 09/12/1956, Hồ Chí Minh ký sắc lệnh: Báo chí phải "phục vụ công nông binh", phục vụ nền "chuyên chính vô sản". Phạt tù 5 năm đến khổ sai chung thân kẻ nào vi phạm các cấm điều.
Theo Hoàng Văn Chí, những điều khoản trong sắc lệnh 15/12/56[42] đã được ban bố từ tháng 10/54, sau khi tiếp thu Hà Nội. Nhưng lúc đó báo chí phần lớn đều là của Đảng, nên những cấm điều chỉ "giao hẹn mồm" mà vẫn được áp dụng triệt để:
- Không được chống chính phủ, chống chế độ.
- Không được xúi giục nhân dân làm loạn.
- Không được nói xấu các nước bạn.
- Không được tiết lộ bí mật quân sự.
- Không được đăng bài vở có phương hại đến thuần phong mỹ tục[43].
Nhưng từ khi Nhân Văn Giai Phẩm xuất hiện, những tờ báo "đối lập" này không tuân thủ những cấm điều nữa: Nội dung bài vở chuyển tải rõ ràng ý chống Đảng, chống chế độ.
Ngày 15/12/1956, Nhân Văn số 6 đang in, bị chận lại và bị thu hồi.

● Nhân Văn số 6: chủ tâm của chính quyền
Nhờ băng ghi âm Hoàng Cầm, chúng ta biết thêm một số dữ kiện về ba nhân vật đã đóng góp tích cực vào việc triệt hạ báo Nhân Văn: Diên Hồng, Trường Xuân và Lê Nguyên Chí.

 ♦ Diên Hồng
Trong băng ghi âm, Hoàng Cầm cho biết:
"Khi Nhân Văn ra số 1 rồi, có một người đến tìm gặp tôi, hóa ra anh Diên Hồng quen tôi từ 1947 trong kháng chiến. Anh là người đã tổ chức cho tôi và Tuyết Khanh diễn vở kịch Lên đường ở làng Dĩnh Sơn. Sau đó, tôi còn gặp lại anh trong bộ đội nhiều lần nữa, anh rất nhiệt thành và tôi rất quý anh. Anh nói riêng với tôi: Em thấy Nhân Văn số 1 nó hay quá, em muốn giúp các anh quản trị tờ báo cho có lời, em quen việc này rồi, hiện nay, em đang làm cán bộ quản lý cho một tiểu đoàn[44] thì việc tờ báo của các anh là rất dễ, em làm được. Lúc bấy giờ, anh em chúng tôi chỉ biết làm báo, viết bài, chứ có thạo quản trị đâu. Thấy anh ấy là người quen từ trước, lại tốt bụng, chịu quản lý hộ không lương, nên mọi người hoan nghênh lắm, đồng ý giao lại cho anh ấy, để yên tâm viết bài. Thế thì quả nhiên anh ta làm 4 số báo, từ số 2 đến số 5, sổ sách hết sức phân minh, đâu ra đấy, đều đưa cho tôi xem cả. Chính Diên Hồng đề nghị in lại năm số Nhân Văn, mỗi số từ hai vạn đến hai vạn rưởi, bán hết, tờ bào càng ngày càng lời, hết số 5 thì tiền lời lên đến 364 triệu, so với tiền năm 1998 này, có thể thành 1800 triệu. Chúng tôi để dành mở một nhà xuất bản. Báo và xuất bản phải đi đôi thì mới có cơ phát triển văn học nghệ thuật được.
Đến Nhân Văn số 6, anh Đang có cho tôi xem bài xã luận của anh, nội dung đòi quyền tự do biểu tình, không phải là kiểu mít-tinh nhà nước tổ chức, bắt buộc mọi người phải đi đâu, mà là quyền tự do thực sự, có trong hiến pháp 1946, như tự do cư trú, tự do đi lại, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, tự do biểu tình, giống như các nước dân chủ. Anh Đang viết rất hay, lý luận sắc sảo, nhưng khi đọc xong thì tôi nói: Bài này không nên đăng, vì nó có tính chất chính trị công khai, nguy hiểm lắm. Thế là ông Đang trố mắt quát tôi ngay, lúc bấy giờ ông ấy ghê lắm, chứ không như vài số đầu ông ấy còn nể tôi. Thế thì một bên là ông Đang và ông Trần Duy, một bên là ông Đạt và tôi, chỉ có bốn người tranh đấu với nhau, nhưng cuối cùng ông Đang thắng.
Nhân Văn số 6, tôi không giúp bài vở gì nữa, chỉ có ông Đang và ông Trần Duy làm. Bài vở đã xong, đem đến nhà in Xuân Thu, nhưng cứ nằm ỳ đấy chờ, vì Diên Hồng, cách đấy một tuần có nói với tôi là phải đi Hải Phòng mua giấy, vì Hà Nội hết giấy rồi. Anh mang cả số tiền để dành đi mua, dự trữ cho những số sau, rồi thuê camion chở về, tôi mừng lắm và hoàn toàn đồng ý. Không ngờ chờ một tuần, 10 ngày rồi hai tuần, không thấy Diên Hồng trở lại. Khoảng ba tuần sau khi hắn biến mất, thì có lệnh đình bản từ Phủ Thủ Tướng do ông Phan Mỹ, đổng lý văn phòng, ký.
Khi báo đã bị đình bản rồi, thì các báo khác, từ Nhân Dân đến Lao Động, Thanh Niên, Phụ Nữ, An Ninh, Văn Nghệ... nghiã là tất cả các báo lớn ở miền Bắc đều có bài ở trang nhất đánh phá Nhân Văn, nặng nhất là cái tội kêu gọi biểu tình chống Đảng, lật đổ chính quyền. Anh em chúng tôi cũng hội họp nhau bàn bạc, tôi nói: Với một chính quyền như thế này, người ta sẵn sàng bỏ tù mấy nhà báo quá khích. Lê Đạt cứ cười hinh hích: Tù thì tù sợ chó gì, nhưng cũng chẳng bỏ tù đâu! Ông Đang thì kiên quyết: Làm báo thì phải thế chứ!
Về sau, tôi nghĩ lãnh đạo đã tìm được tên Diên Hồng là kẻ có quan hệ tốt với Hoàng Cầm từ 1947, làm tay trong theo dõi. Đến số 6 là số nguy hiểm, hắn được lệnh mang cả quỹ tiền đi, lúc đó có thể ở Hà Nội vẫn còn giấy đấy, nhưng hắn lấy cớ đi Hải Phòng, mà mình thì không biết, cứ tin tưởng. Không có tiền, không có giấy, thì làm sao in được báo nữa? Đó là chuyện Diên Hồng và Nhân Văn số 6[45].

♦ Trường Xuân
Về Trường Xuân, Hoàng Cầm kể:
Một hôm, trong buổi họp đông đủ, có một người đi với anh Trần Đức Thảo, được anh Trần Thiếu Bảo giới thiệu tên là Trường Xuân, làm cán bộ ở Phủ Thủ Tướng, rất quý anh em Nhân Văn. Anh Trường Xuân nói với chúng tôi: Sự thực thì các ông ở Bộ Chính trị không có gì phản đối các anh lắm đâu, nhất là bác Hồ, không phải bác bênh vực, nhưng bác coi chuyện này nhẹ thôi, không có gì đáng ngại cả. Vậy thì anh em cứ việc viết. Một lần có bài báo phê bình to chuyện Nhân Văn, bác Hồ bảo không nên đem con giao mổ trâu để giết một con gà, ý bác muốn nói: chuyện Nhân Văn có gì to tát mà làm ồn lên thế.
Anh Trường Xuân nói là đã được dự một buổi họp trong Bộ Chính Trị, có bác Hồ, và bác nói như thế, mà anh lại đi với ông Trần Đức Thảo, thì chúng tôi tin lắm.
Anh Trường Xuân đến họp độ hai lần, lần nào anh cũng kích động chúng tôi, bảo cứ mạnh dạn lên, cứ viết bạo đi, có ích lắm, bác Hồ cũng bênh vực cơ mà. Lúc đầu thì tôi cũng tin, vì hắn đi với Trần Đức Thảo, chẳng lẽ anh Thảo lại ngớ ngẩn đến thế, lại dẫn một tên xấu xa nào vào đây.
Nhưng sau cái vụ Diên Hồng, tôi mới liên hệ với cái tên Trường Xuân đi với ông Trần Đức Thảo: thôi chết rồi, lại vớ phải cái thằng kích động, nó xúi mình vào tròng đây. Ông Trần Đức Thảo thì ông ấy là triết gia, lúc nào cũng đi trên mây, có biết trời trăng gì đâu. Anh Đang cũng tin là thật, cho nên mới viết những bài đòi tự do, đòi quyền nọ, quyền kia, đòi biểu tính, không sợ, vì bác Hồ cũng chỉ coi là chuyện nhỏ thôi, Bộ Chính Trị phải nghe bác chứ, không việc gì phải sợ, cứ viết. Thì ra hắn cốt kích động để mình lòi ra, mình viết cho bằng hết, để nó cho vào sổ đen và cứ thế nó thịt từng người. Nhiệm vụ của tên Trường Xuân này là như thế.

♦ Lê Nguyên Chí
Hoàng Cầm cho biết: Đến khi anh Đang bị bắt thì tôi suy ra cái tên Lê Nguyên Chí[46] có lẽ cũng là một thứ "chân gỗ" người ta cài vào để bắt cả bọn. Việc anh Đang bị bắt, sau khi đi tù 15 năm về, anh không hề kể gì cả, có lẽ trong tù người ta đã căn dặn kỹ không được tiết lộ bất cứ việc gì xẩy ra. Sau này anh Chính Yên, ở báo Nhân Dân -là bạn thân của tôi thời kháng chiến và là cháu ông Lê Duẩn- kể lại:
Trong khi xẩy ra lớp Thái Hà thì mấy người bàn nhau đi trốn, mà đi đường nào? Nếu đi đường rừng qua vĩ tuyến 17, thì xa xôi và nguy hiểm lắm. Nếu đi đường thủy thì chỉ cần qua vĩ tuyến 17 là vào Nam rồi, lúc đó đang còn ông Diệm. Mấy người họp nhau, thường bàn bạc ở nhà Thụy An, lúc ấy ở nhờ cái buồng nhỏ nhà anh chị Phan Tại, số 37, Trần Quốc Toản. Hàng ngày ông Đang và ông Minh Đức xuống đấy bàn chuyện trốn mà lại ngây thơ không biết rằng họ không cho đi học tập nhưng họ đã cho người theo dõi mọi cử động. Trong khi ấy thì có một anh hớt tóc rong, cắt tóc ngay bên vỉa hè nhà ông Phan Tại, hắn làm quen với ông Đang và nói giọng rất bất mãn chế độ. Không biết chuyện trò thế nào, mà nó biết là các vị cũng đang muốn vượt tuyến, thế là nó đề nghị ngay: Em cũng muốn đi lắm, nhưng một mình rất khó, không đủ tiền, em có thằng em làm nghề đánh cá ở Hải Phòng, nó đi biển thường xuyên, mình có thể nhờ nó thuê thuyền giùm, cho em đi cùng với. Thế là mấy người này tin tưởng vào nó, cũng như tôi tin vào Diên Hồng, để nó đứng ra tổ chức. Đến ngày đi, hẹn nhau ở Hải Phòng, rồi hắn đưa đến nhà người em chẳng biết là em thật hay giả. Chuẩn bị xong thì người em hắn lái thuyền cho đi, đi được 2 cây số ra biển thì bao nhiêu ca nô của quân đội, của công an từ đâu phóng ra bắt trọn bộ đưa về Hà Nội.
Nguyễn Đình Thi công bố cho toàn trường nghe đúng hôm chúng tôi phải bắt đầu viết bài tự kiểm thảo: Bọn phản động gián điệp Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Phan Tại, Trần Thiếu Bảo đã bị bắt quả tang trên đường trốn vào Nam[47].
Phải chăng ba nhân vật Diên Hồng, Trường Xuân và Lê Nguyên Chí, là những người của Đảng trà trộn vào, có nhiệm vụ đưa toàn bộ NVGP vào bẫy?
 Luận điểm của Nguyễn Mạnh Tường trong tiểu thuyết Une voix dans la nuit: Đảng giăng bẫy, để bắt trọn ổ, phải chăng đã đặt cơ sở trên những nhận xét thực tiễn này?

Chúng ta vừa nhìn lại quá trình hình thành và một số sự kiện xẩy ra trong nội bộ báo Nhân Văn cho đến ngày NVGP bị cấm, Nguyễn Hữu Đang và các bạn bị bắt, với những dữ kiện xẩy ra và những âm mưu bên trong. Qua những chứng nhân của Lê Đạt trong phần thú nhận, ta biết rõ sự thực về hậu trường Nhân Văn, về sự tranh đấu cũng như óc chia rẽ, phân hoá trong mỗi con người, trước hoàn cảnh lịch sử. Chứng nhân của Hoàng Cầm, trong băng ghi âm, soi vào phần bóng tối, phần âm mưu của nhà cầm quyền và cái bẫy giăng sau lưng NVGP.
Về mặt văn bản, Nhân Văn, với những bài viết của Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt... mở mặt trận đấu tranh chính trị. Giai Phẩm với những bài của Trương Tửu, Trần Đức Thảo... mở mặt trận tư tưởng. Phan Khôi như một vị thủ lĩnh tinh thần của Nhân Văn và Giai phẩm.
Toàn bộ Nhân Văn Giai Phẩm là một kết hợp chặt chẽ giữa văn nghệ sĩ và trí thức trong cuộc đấu tranh cho tự do sáng tác và tự do dân chủ. Hai hình thái đấu tranh này đi đôi với nhau, không thể tách rời, như lời Trần Đức Thảo: "Văn nghệ và chính trị không thể tách được, không có tự do dân chủ, làm sao có tự do sáng tác?"

[1] Theo Lê Đạt, tiệm trà Phúc Châu bây giờ là hàng phở Thắng, phố Tạ Hiền.
[2] Theo băng Hoàng Cầm nói chuyện với bạn bè.
[3] Những bài thú nhận của Trần Dần và Lê Đạt, được/bị trích đăng trên hai báo Văn Học số 1 (25/5/1958) và Văn Nghệ số 12 (5/58), những bài của Hoàng Cầm và Phùng Quán đăng trên Văn Nghệ số 12, bài của Văn Cao trên Văn Học số 3 (5/6/58), bài của Trần Đức Thảo trên Nhân Dân số 1532-1533 (23-24/5/58)... Tất cả đều trích in trong cuốn Bọn Nhân Văn Giai Phẩm Trước Toà Án Dư Luận.
[4] Lê Đạt trả lời RFI.
[5] là một người thân thuộc của nhà xuất bản Minh Đức.
[6] Hoàng Cầm, Những lời thú nhận bước đầu, Văn Nghệ số 12, tháng 5/1958.
[7] Lê Đạt trả lời phỏng vấn RFI.
[8] Lê Đạt, Những lời thú nhận bước đầu, Văn Nghệ số 12, tháng 5/1958, trg 74.
[9] Trần Dần, Những lời thú nhận bước đầu, Văn Nghệ số 12, 5/1958, trang 61.
[10] Hoàng Cầm, RFI, 8/2/2008.
[11] Lê Đạt trả lời RFI.
[12] Trần Duy muốn nói đến buổi "hội lớn" của Hội Văn Nghệ, đánh Trần Dần với 150 người dự. Trước đó là buổi Đại Hội Tuyên Huấn, cũng vào tháng 2/1956.
[13] Trần Duy trả lời RFI, tháng 7/2008.
[14] Hoàng Cầm, Những lời thú nhận bước đầu, Văn Nghệ số 12, tháng 5/1958.
[15] Lê Đạt, Những lời thú nhận bước đầu, Văn Nghệ số 12, tháng 5/58, trang 75.
[16] Trần Duy trả lời RFI.
[17] Lê Đạt, Những lời thú nhận bước đầu, Văn Nghệ số 12, tháng 5/58, trang 75.
[18] Trong băng ghi âm, Hoàng Cầm nói là NV số 2.
[19] Theo băng Hoàng Cầm nói chuyện với bạn bè.

[20] Trần Duy, trả lời RFI.
[21] Theo băng Hoàng Cầm nói chuyện với bạn bè.
[22] Những buổi tọa đàm này không chỉ dành riêng cho Nhân Văn, tổ chức sau Nhân Văn số 3 (15/10/56).
[23] Hồng Cương, Cuộc đấu tranh giai cấp trên mật trận văn nghệ hiện nay, VNQĐ số 6, tháng 6/58, trang 36.
[24] Lê Đạt, Những lời thú nhận bước đầu, Văn Nghệ số 12, tháng 5/58.
[25] Trần Dần, Những lời thú nhận bước đầu, Văn Nghệ số 12, 5/1958.
[26] Trường Chinh lúc đó đã từ chức Tổng bí thư được một tháng, nhưng vẫn là Uỷ viên Bộ Chính Trị.
[27] Trần Dần có đi, nhưng có lẽ không phát biểu nên Hoàng Cầm không nhớ. Lê Đạt trên Nhân Văn số 4, ghi: Nhân Văn gửi 3 đại diện đi dự. Vậy ba người "chính thức" được cử đi là Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt và Hoàng Cầm.
[28] Hoàng Cầm muốn nói đến bài thơ Những ngày báo hiệu mùa xuân, trích từ  trường ca Những người trên cửa biển, đăng trên Nhân Văn số 4, bài này Văn Cao đả kích trực tiếp chế độ. 
[29] Theo băng ghi âm Hoàng Cầm nói chuyện với bạn bè.   
[30] Trăm Hoa bộ mới, số 1, phát hành ngày 20/10/56. 
[31] Một rame giấy: 500 tờ khổ lớn. 
[32] Câu này bị kiểm duyệt phần trong ngoặc, có thể hiểu là Nguyễn Bính xin cấp giấy in TH số 2, Sở Báo Chí từ chối, hoặc rút bớt giấy, Nguyễn Bính bèn tố cáo với  Trường Chinh trong buổi tọa đàm ngày 20/10/56. Sau đó NB bị hành hung.
[33] Nhân Văn bị thi hành kỷ luật, lý do "chính thức" đưa ra, vì số 4 "nộp lưu chiểu chậm". Cảnh cáo lần đầu của chính quyền.
[34] Hoàng Cầm, Những lời thú nhận bước đầu, Văn Nghệ số 12, tháng 5/1958.
[35] Có trọng lượng.
[36] Trần Dần, Những lời thú nhận bước đầu, Văn Nghệ số 12, 5/1958.
[37] Lê Đạt, Những lời thú nhận bước đầu, Văn Nghệ số 12, tháng 5/58.
[38] Tức là bài "Không có lý gì mà không tán thành trăm hoa đua nở" ký tên H.L, trên Nhân Văn số 5.
[39] Lê Đạt, Những lời thú nhận bước đầu, Văn Nghệ số 12, tháng 5/58.
[40] Trần Duy trả lời RFI.
[41] Lê Đạt, Những lời thú nhận bước đầu, Văn Nghệ số 12, tháng 5/58.
[42] Hoàng Văn Chí ghi ngày 15/12/1956. Các tài liệu khác ghi ngày 9/12/1956.
[43] Hoàng Văn Chí, Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, trang 31.
[44] Khoảng 6, 7 trăm quân.
[45] Trong băng nói chuyện, Hoàng Cầm kể tiếp: Sau Nhân Văn, đến cải tạo tư sản, báo và xuất bản không được tự do nữa, phải trực thuộc vào nhà nước: Báo Lao Động có nxb Tổng công đoàn, báo Thanh Niên có nxb Thanh Niên, thuộc Ban chấp hành đoàn thanh niên Trung ương, trước là đoàn thanh niên Cộng Sản, sau đổi thành đoàn thanh niên Hồ Chí Minh... Sau Đại Hội III, xã hội vào quy củ, từ anh hớt tóc rong, sửa xe đạp... cũng phải vào hợp tác xã, có chủ nhiệm lãnh đạo, kiểm soát. Xã hội trở thành hợp tác xã, để quản lý từng người dân một, từ 1960.
[46] Trong băng, Hoàng Cầm nhớ nhầm là Lê Nguyên Cát.
[47] Tóm tắt lời Hoàng Cầm trong băng Hoàng Cầm nói chuyện với bạn bè. Sau này con trai ông Lê Nguyên Chí có viết bài minh oan cho cha. 

CHƯƠNG 6
 TRÍ THỨC VÀ DÂN CHỦ TẠI VIỆT NAM TRONG THẾ KỶ XX - TỪ PHAN CHÂU TRINH, HOÀNG ĐẠO ĐẾN NHÂN VĂN GIAI PHẨM

Những bài viết chủ yếu in trên NVGP gồm hai loại: Loạt bài chính luận trực tiếp định hướng tư tưởng của các nhà trí thức và loạt bài sáng tác dấn thân nói lên khát vọng tự do của các văn nghệ sĩ. Hai thể loại này đan cài và bổ sung cho nhau, tạo nên làn sóng đấu tranh toàn diện cho tự do dân chủ và tự do tư tưởng. Trí thức trong vị trí dẫn đường, được xếp vào loại A. Văn nghệ sĩ, ít "nguy hiểm" hơn, được xếp vào loại B[1].
Vì trí thức và dân chủ là hai trục chính trong cuộc đấu tranh: trí thức dẫn đường và dân chủ là mục đích, cho nên trước khi phân tích nội dung tranh đấu của phong trào NVGP, ta cần tìm hiểu mối tương quan giữa trí thức và dân chủ ở Việt Nam trước và trong thời kỳ NVGP. Nguyễn Mạnh Tường là nhà trí thức duy nhất trong thời kỳ NVGP, đã để lại những trang viết mà ngày nay ta có thể dựa vào như những tư liệu chính trị, xã hội, phản ảnh vai trò của người trí thức trong giai đoạn đấu tranh cho tự do dân chủ những năm 50 ở miền Bắc và hiểu được tại sao chế độ cộng sản lại "căm thù" trí thức và loại trừ trí thức.


● Phan Châu Trinh và dân trị chủ nghiã
Khái niệm tự do dân chủ phát xuất từ Tây phương. Nhưng tự do dân chủ không xa lạ gì với người Việt, bởi, nói như Hoàng Đạo: "Khái niệm tự do dân chủ đã theo chiến hạm Pháp nhập vào nước ta từ cuối thế kỷ XIX". Đối với những nhà cách mạng Tây học đầu thế kỷ XX đã dùng tiếng Pháp để chống Pháp trên báo ở Pháp và ở Việt Nam, như Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh... tự do dân chủ là điều kiện hiển nhiên và tất yếu của con người, thu nhận trực tiếp qua giáo dục học đường.
Nhưng đối với những nhà nho, tự do dân chủ, phải đi vòng qua tân thư, là những sách mà trí thức Trung Hoa như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu... đã dịch Montesquieu, J.J. Rousseau... ra chữ Hán. Phan Châu Trinh, một trong những nhà nho chủ trương phong trào Duy Tân, đã tiên phong bàn về dân chủ. Sau 14 năm ở Pháp về, cuối năm 1925, ông diễn thuyết tại Hội Thanh Niên Sài Gòn, đề tài Quân trị chủ nghiã và dân trị chủ nghiã, luận văn cơ bản phân biệt quân chủ và dân chủ, cho một dân tộc chưa thoát vòng nô lệ.
Việt Nam đầu thế kỷ XX, trình độ dân trí còn kém, Phan Châu Trinh chỉ cắt nghiã ngắn gọn: dân trị là cứ bảy năm người dân bàu lại ông Giám Quốc (Tổng Thống) một lần, còn quân chủ, vua là cha truyền con nối. Dân trị có nghị viện do dân bàu lên, giữ quyền lập pháp. Quyền hành pháp giao cho quan tòa, thuộc ngành tư pháp, ở trong chính quyền nhưng có vị trí độc lập. Và ông kết luận: "Nói tóm lại, dân trị tức là pháp trị. Quyền hạn và bổn phận của mỗi người trong nước, bất kỳ người làm việc nhà nước hay là người thường, đều có pháp luật chỉ định rõ ràng, không khác gì là đã có đường gạch sẵn, cứ trong đường ấy mà đi, tự do muốn bước tới bao nhiêu cũng được, không ai ngăn trở cả. Chỉ trừ khi nào xâm lấn đến quyền hạn của người khác thì không được mà thôi"[2].
Sự giáo dục dân chủ cho một quần chúng sống dưới thời phong kiến và nô lệ, được Phan Châu Trinh đề ra từ năm 1925. Hơn mười năm sau, Hoàng Đạo, nhà văn kiêm luật gia, tiếp tục việc giáo dục quyền công dân, quyền làm người trên báo Ngày Nay, sử dụng quyền tự do dân chủ để tranh đấu với người Pháp và hướng dẫn dân tộc.

● Hoàng Đạo và dân chủ
Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long, em Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, là một trong những người lãnh đạo Quốc Dân Đảng và là nhà văn Việt Nam đầu tiên sử dụng quyền tự do dân chủ một cách có hệ thống để chống lại thực dân Pháp và giáo dục dân tộc về nhân quyền.
Sau này, Nguyễn Mạnh Tường xác định: những người xuất thân trường Luật của Pháp là những người chống Pháp một cách mãnh liệt và có hiệu quả. Điều này thực không sai nếu ta điểm qua những nhà cách mạng: Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh qua bút hiệu chung Nguyễn Ái Quốc, họ đã viết những bài báo tiếng Pháp, thập niên 1920 ở Paris, rồi đến Nguyễn Tường Long, Nguyễn Mạnh Tường sau này, đều là những người đã học luật.
Hoàng Đạo đỗ vào trường Luật Đông Dương Hà Nội, năm 1924 và tốt nghiệp năm 1927. Từ 1933, trên Phong Hoá, dưới bút hiệu Tứ Ly, ông đã viết những bài châm biếm đả kích toàn bộ hệ thống quan lại của chính quyền thuộc địa và bài trừ hủ tục trong xã hội Việt Nam. Trên báo Ngày Nay, từ 1937 đến 1939, ông hoàn tất những hồ sơ lớn về Vấn đề thuộc địa, Vấn đề cần lao, Công dân giáo dục, nội dung phê phán chính quyền thực dân, chỉ trích sự vi phạm nhân quyền trong chính sách đánh chiếm thuộc địa của người da trắng, chỉ trích sự vi phạm luật lao động trong chính sách mộ phu và cổ động việc giáo dục công dân về dân quyền và nhân quyền. Loạt bài này căn bản dựa trên tự do dân chủ, quyền làm người, luật lao động, quyền công dân, thoát thai từ tinh thần cách mạng 1789 của Pháp.
Với người Pháp yêu chuộng tự do dân chủ, Hoàng Đạo gửi tới họ những khát vọng của dân Việt: "Người Nam chỉ ao ước một điều: là được những sự tự do của nền dân chủ và được dần dà coi ngó, đảm đang lấy việc công trong nước của họ.Ngày nào dân Annam có quyền, trong sự tự do, tự kén chọn lấy những người cầm quyền cai trị họ, ngày ấy nguyện vọng của người Nam đã đạt được nhiều rồi vậy[3]".
Kết tội chính sách thuộc địa dã man của Anh, Tây Ban Nha, Hoàng Đạo cho người Pháp biết rằng chính sách thuộc địa của họ là bất hợp pháp và nếu họ không thay đổi chính sách cai trị thì người Việt sẽ nổi lên chống lại.
Loạt bài Vấn đề thuộc địa, tổng hợp những lý luận chặt chẽ, kiến thức uyên bác, tầm nhìn rộng về thế giới bên ngoài, về lịch sử chinh phục thuộc địa, về sự tiến hoá của luật pháp.
Trong bức thư ngỏ gửi cựu toàn quyền Varenne, về chỉ dụ báo chí 4/10/1927, Hoàng Đạo viết: "Tôi không cần phải nhắc lại rằng đạo chỉ dụ ấy đã bắt các báo chí ở đây [4] phải xin phép mới được xuất bản và phép cho xuất bản chính phủ muốn thu về lúc nào cũng được. Tôi không cần phải nói đến tệ hại của chế độ ấy, tôi đã nói nhiều rồi (...)
Muốn rửa sạch cái tiếng không hay đã đem tên ông đặt vào cái chỉ dụ 1927, ông chỉ còn có một phương pháp, là đem hết tài lực của ông mà xin hủy bỏ cái chế độ không hợp với trình độ của dân tộc Việt Nam ấy đi, để chúng tôi được hưởng một chút tự do, một chút quyền lợi về chính trị mà ông bảo phải đi đôi với công việc giáo hoá[5]".
Hoàng Đạo không chỉ đòi tự do dân chủ cho người Việt, mà ông đòi hỏi tự do, dân chủ, nhân quyền cho toàn bộ những dân tộc bị trị trên thế giới. Khi đối đầu với Pháp, ông luôn giữ thái độ bình đẳng của người đòi hỏi người, của một dân tộc đòi hỏi một dân tộc khác. Ông khẩn thiết yêu cầu nước Pháp, một nước tự nhận là quê hương, là nguồn cội của Nhân Quyền, hãy áp dụng cái Nhân Quyền ấy ở Việt Nam.
Loạt bài Vấn đề cần lao, phản đối tình trạng người lao động bị bóc lột ở Việt Nam nói riêng và người bóc lột người ở thời đại kỹ nghệ phát triển nói chung, Hoàng Đạo viết:
 "Người ta đem phủ một lượt tro lên sự đốn mạt người bóc lột người. Người ta đem những danh hiệu mới, như tờ cam đoan, tờ giao kèo, lao công cưỡng bách, để che đậy sự thực[6]".
Ông phân tích và đứng trên bình diện luật pháp để phê phán những bất cập, phạm pháp trong các chế độ: Lao công cưỡng bách (mộ phu đi rừng cao-su), luật xã hội, luật lao động, vấn đề thanh tra và nghiệp đoàn...
Loạt bài Công dân giáo dục nhắm vào sự giáo dục dân chủ, giải thích cho người Việt hiểu quyền lợi và trách nhiệm của người công dân trong một nước dân chủ, khác với bổn phận một thần dân dưới thời phong kiến: Muốn được tự do, dân chủ, người dân trước hết phải tự ý thức được cái giá phải trả cho tự do, dân chủ, tức là phải ý thức được sự trưởng thành, độc lập của mình, phải hiểu quyền công dân và trách nhiệm của người công dân.
Hoàng Đạo viết: "Ý tưởng công dân là một ý tưởng mới. Cùng với những ý tưởng khác, có sức mạnh vô cùng, ý tưởng tự do bình đẳng, nhân đạo, công lý, ý tưởng công dân vì một tình cờ trong lịch sử đã theo chiến hạm Pháp nhập vào nước ta vào khoảng cuối thế kỷ trước[7]".
Trong loạt bài này, Hoàng Đạo giải thích rõ ràng các khái niệm mấu chốt:hiến pháp, nhân quyền, tự do, ý nghiã cuộc cách mệnh Pháp, tự do cá nhân, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do chính trị.
Tóm lại, khái niệm tự do dân chủ đã truyền vào Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX, với đoàn quân viễn chinh Pháp, và được mở rộng, dưới thời Pháp thuộc, qua ngả học đường, phát sinh một lớp trí thức tân học, đấu tranh cho dân chủ bằng ngòi bút, và một lớp văn nghệ sĩ mới, sáng tác tự do, xây dựng nền văn học quốc ngữ.
Hoàng Đạo là ngòi bút duy nhất trong thập niên 1930-1940, không những đã đấu tranh cho dân chủ, đòi độc lập với Pháp mà còn giáo dục dân tộc Việt Nam về dân chủ một cách sâu sắc và toàn diện.

 ● Nhân Văn Giai Phẩm và dân chủ
Sau 1954, Nguyễn Hữu Đang đặt trọng tâm tranh đấu tự do dân chủ trên báo Nhân Văn. Trong ba số đầu, ông phỏng vấn ba nhà trí thức danh tiếng, không thuộc nhóm Nhân Văn: Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh và Đặng Văn Ngữ về vấn đề mở rộng tự do dân chủ, với hai câu hỏi:
1- Theo ý ông, lúc này giới trí thức nói chung và giới văn nghệ nói riêng, cần phải làm những gì để góp phần thực hiện mở rộng tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do nghiên cứu và sáng tác?
2- Theo ý ông và trên cơ sở nhu cầu phát triển của ngành ông thì chúng ta cần phải đem ra thảo luận rộng rãi những vấn đề gì?
Trả lời hai câu hỏi này, Nguyễn Mạnh Tường đưa ra hai nguyên do thiếu dân chủ: Đảng viên và cán bộ thiếu tinh thần dân chủ và quần chúng chưa thấm nhuần tinh thần dân chủ. Sở dĩ như thế là vì trong kháng chiến, mọi cố gắng phải dồn vào chiến tranh, "quần chúng nghĩ rằng chưa phải lúc đòi hỏi các tự do dân chủ".Nhưng khi hòa bình rồi, thì vấn đề đòi hỏi tự do dân chủ phải là tất yếu. Riêng ngành đại học cần hai nguyên tắc dân chủ: "Tác phong của cấp lãnh đạo phải thật sự dân chủ" và "việc lựa chọn cán bộ phải dựa vào tiêu chuẩn chuyên môn là chính".
Đặng Văn Ngữ trả lời: "Dưới một chế độ độc tài không ai dám chỉ trích chính phủ thì còn đâu mà thấy khuyết điểm về tự do dân chủ?" Và ông xác định nhiệm vụ của người trí thức: "Trong việc xây dựng tư tưởng tự do và dân chủ, nhiệm vụ chính phải là của trí thức". Nhưng ông cũng nhận thấy sự "thiếu tự do tư tưởng, thiếu dũng cảm" của người trí thức: "Trí thức ở một cương vị thuận lợi và có đủ nhận thức để nhận thấy lãnh đạo có sai lầm, và thực tế là trí thức của ta đã nhận thấy từ lâu một số sai lầm của lãnh đạo. Nhưng trí thức của ta đã thiếu tự do tư tưởng, thiếu dũng cảm nên không dám phê bình xây dựng". Đặng Văn Ngữ kết luận: "Để phát triển bất kỳ một ngành nào, vấn đề cần phải đưa ra thảo luận là vấn đề tự do dân chủ".
Đào Duy Anh trả lời: Những kẻ thù của tự do, người ta đều biết cả. Đó là những tệ nạn quan liêu, mệnh lệnh, độc đoán, bè phái, những bệnh giáo điều, công thức, sùng bái cá nhân, ngang nhiên trong công tác lãnh đạo văn nghệ và học thuật và cả giới trí thức nữa. Muốn thực hiện tự do dân chủ, thì "giới trí thức là những người thiết tha nhất đối với các thứ tự do ấy chỉ có một cách là đấu tranh. Đấu tranh trong công tác chuyên môn, đấu tranh trong hoạt động xã hội. Đấu tranh bằng hoạt động phê bình, phản phê bình, tự phê bình."
 Sự đấu tranh của trí thức không thể là đấu tranh chung chung mà phải có mục đích thực tiễn ở mỗi ngành. Đào Duy Anh viết: "Không ai ngăn cấm anh tự do nghiên cứu, sáng tác, nhưng nếu anh không có phương tiện nghiên cứu sáng tác thì thực tế anh chẳng có quyền đâu. Không ai ngăn cấm anh tự do ngôn luận, nhưng nếu anh không có phương tiện để in sách báo thì thực tế anh cũng chẳng có quyền đâu". Nói cụ thể, ví dụ như trong ngành xuất bản, thì phải tranh đấu "cho tư nhân xuất bản dễ dàng, giúp đỡ việc phát hành, cho phương tiện thuận tiện để sáng tác và nghiên cứu, săn sóc sự xuất bản rộng rãi các tác phẩm văn nghệ và đặc biệt chú ý xuất bản những tác phẩm nghiên cứu khoa học." Trong đại học phải tranh đấu để đại học trở thành "một trung tâm nghiên cứu khoa học cao độ"nghiã là phải đặt tiêu chuẩn chuyên môn lên trên tiêu chuẩn chính trị trong việc lựa chọn chuyên viên.
 Trên Giai Phẩm Mùa Thu, tập III, ra ngày 30/10/56, trong bài Muốn phát triển học thuật, Đào Duy Anh nêu hai căn bệnh nặng nhất trong học thuật là bệnh giáo điều và sùng bái cá nhân: "Ở nước ta thì bệnh giáo điều và sùng bái cá nhân lại còn trầm trọng hơn, khiến người ta, vô luận bàn về vấn đề gì, cũng đều phải bắt đầu dẫn những đề án của Mác-Ăng-ghen và Lê-nin, hoặc những ý kiến của Sta-lin hay các lãnh tụ khác, để, hoặc phát triển thêm những ý kiến ấy, hoặc gò bó tài liệu, xoay sở thế nào để gán vào khuôn khổ của những công thức rút ra tự những ý kiến ấy (...) Bệnh giáo điều và sùng bái cá nhân lại dẫn thẳng đến cái tệ tư tưởng độc tôn: hễ thấy ai có ý kiến gì vượt ra ngoài những công thức cũ, những khuôn khổ sẵn có thì người ta chụp ngay cho những cái mũ dễ sợ, như cái danh hiệu cải biến chủ nghĩa chẳng hạn, những mũ như thế rất dễ bịt mồm bịt miệng người ta.
Tư tưởng không tự do thì không thể tự do thảo luận được. Mặc dầu không ai cấm tranh luận - các nhà lãnh đạo vẫn thường nói nên mở rộng tranh luận nhưng trong thực tế thì sự thảo luận đã bị thủ tiêu từ gốc rồi. Nghiên cứu hay nghị luận một vấn đề gì, nhiều người chỉ nơm nớp sợ không khéo thì chệch ra ngoài đường lối tư tưởng chính thống độc tôn. Đối với những người ấy, công tác học thuật trở thành trò xiếc leo dây. Con đường học thuật phải là con đường cái thênh thang mọi người tự do đi lại, chứ không phải sợi dây căng của người làm xiếc. Phải trừ bỏ những bệnh giáo điều và sùng bái cá nhân để trả lại tự do cho học thuật".
Trên Giai Phẩm Mùa Thu, tập I, ra ngày 30/8/56, bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ đi tiên phong như ngọn đuốc dẫn đường, Phan Khôi "hỏi tội" lãnh đạo. Ngoài ra, còn có truyện ngắn Tiếng sáo tiền kiếp của Trần Duy, một trong những truyện ngắn hay nhất thời NVGP, nói lên sự bất lực của chính sách tẩy não: không ai có thể tịch thu quá khứ con người. Bức thư gửi một người bạn cũ của Trần Lê Văn mô tả một chân dung bồi bút. Bài thơ Tỉnh giấc chiêm bao của Nguyễn Bính thuật lại sự thức tỉnh của một nghệ sĩ sau 9 năm theo cách mạng.
Trên Nhân Văn số 1 ra ngày 30/9/56, Nhân câu chuyện mấy người tự tử của Lê Đạt là một bài xã luận bằng thơ đả phá chế độ công an trị. Bài Con người Trần Dần của Hoàng Cầm kể lại bi kịch của một nhà thơ trẻ, chỉ in có một bài thơ trên báo với nội dung yêu nước, mà bị bắt đi trong một bối cảnh tăm tối, không biết bị giam giữ ở đâu, có thể bị thủ tiêu; đó là một bản cáo trạng thống thiết về tình trạng bắt bớ giam người trái phép, vô luật pháp. Tranh Nguyễn Sáng khắc lại hậu quả của sự khủng bố trên con người Trần Dần.
Giai Phẩm Mùa Thu, tập II, ra cùng ngày với Nhân Văn số 1, có các bài:Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ của Trương Tửu, Ông Bình Vôi của Phan Khôi, Những người khổng lồ của Trần Duy, Thơ cái chổi - Chống tham ô lãng phí của Phùng Quán, Cũng những thằng nịnh hót của Hữu Loan, Em bé lên sáu tuổi của Hoàng Cầm, Cuốn sổ tay của Lê Đại Thanh,... Đây là số báo mạnh mẽ nhất từ trước đến giờ về mặt chống đối chế độ.
Trên Nhân Văn số 3 ra ngày 15/10/1956, Trần Đức Thảo trong bài Nỗ lực phát triển dân chủ, nhấn mạnh đến sự tự do của người trí thức: "Người trí thức hoạt động văn hoá, cần tự do như khí trời để thở. Có tự do mới đẩy mạnh được sáng tác văn nghệ, nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật. Phát triển tự do là nhu cầu thiết thân đồng thời cũng là nhiệm vụ số 1 của người trí thức cũng như của toàn dân".
Trên Nhân Văn số 4, ra ngày 5/11/1956, Nguyễn Hữu Đang viết bài Cần phải chính quy hơn nữa, đặt vần đề xây dựng một nhà nước pháp trị. Phùng Cung trong Con ngựa già của chúa Trịnh dùng hình ảnh con ngựa già để chỉ những văn nghệ sĩ phục vụ đảng cũng giống như con ngựa của nhà Chúa, quen thói tôi đòi, vinh thân phì gia, mất hết mọi khả năng sáng tạo. Văn Cao trong Những ngày báo hiệu mùa xuân, lại một lần nữa chỉ bọn nịnh thần mà mắng.
Nhân Văn số 5, ra ngày 20/11/1956, trong bài Hiến pháp Việt Nam 1946 và Hiến pháp Trung Hoa bảo đảm tự do dân chủ thế nào? Nguyễn Hữu Đang nhắc lại điều 10 của Hiến pháp 1946: Công dân Việt Nam có quyền Tự do ngôn luận - Tự do xuất bản - Tự do tổ chức hội họp - Tự do cư trú, đi lại trong nước và ngoài nước và điều 11: Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam. Nhà ở và thư từ của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật. Trong Bài học Ba-Lan và Hun-ga-ri ký tên Người Quan Sát, Lê Đạt cảnh báo: Nếu muốn tránh một biến cố như biến động Ba Lan thì Đảng phải: "cương quyết và mạnh bạo sửa chữa những sai lầm kịp thời và đúng mức, cụ thể là nâng cao đời sống của nhân dân, mở rộng tự do dân chủ".
Ngày 30/10/56, luật sư Nguyễn Mạnh Tường nổ quả "bom" ngoài luồng Nhân Văn, với bài diễn thuyết Qua những sai lầm trong Cải cách ruộng đất xây dựng quan điểm lãnh đạo, nói trước Mặt Trận tổ quốc.
Sau đây là những bài viết quan trọng của trí thức trong thời kỳ NVGP.

● Phan Khôi phê bình lãnh đạo văn nghệ
Lê Đạt tuyên bố: "Mặc dầu Phan Khôi không lãnh đạo trực tiếp tờ Nhân Văn, nhưng trong thâm tâm tôi, bao giờ tôi cũng coi ông là người lãnh đạo tờ Nhân Văn[8]". Lê Đạt nói lên ý kiến chung của những ai đã đọc các bài Phan Khôi viết trong thời kỳ NVGP, đã thấy sự can trường của người đứng ra lãnh trọng trách chủ nhiệm một tờ báo đòi tự do dân chủ, đối lập với chính quyền cộng sản. Trong thời kỳ NVGP, Phan Khôi có hai bài viết chính: bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ[9] và truyện ngắn Ông Bình Vôi [10].
Phê bình lãnh đạo văn nghệ, là một trong những tác phẩm chủ chốt của phong trào NVGP, nhắm vào ba vấn đề thời sự văn học đương thời, nhưng vẫn còn là thời sự văn học hôm nay: Vấn đề tự do của văn nghệ sĩ. Vụ đàn áp Giai Phẩm Mùa Xuân. Và vụ giải thưởng văn học 1954-1955. Với ngòi bút sắc sảo, tác phong "ngự sử văn đàn", Phan Khôi vạch trần những tác hại của đám quan trường nhất phẩm triều đình: Ông chỉ trích Trường Chinh ăn nói bừa bãi, chất vấn gắt gao Tố Hữu, Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi, những người tổ chức và thi hành việc đánh Trần Dần. Phan Khôi tách bạch hai giai cấp: Lãnh đạo văn nghệ và Quần chúng văn nghệ và ông phê phán ba vấn đề thực tiễn:
1/ Vấn đề tự do của văn nghệ sĩ: Sau khi đưa ra những dẫn chứng cụ thể về việc lãnh đạo nghiệt ngã bắt bẻ nhà văn phải viết theo đúng đường lối của Đảng, Phan Khôi hỏi thẳng lãnh đạo: chính trị muốn đạt đến cái mục đích của nó thì cứ việc dùng khẩu hiệu, biểu ngữ, thông tri, chỉ thị, không được hay sao mà phải dùng đến văn nghệ sĩ? Rồi ông buộc tội: "Lãnh đạo đã xâm phạm mỗi ngày một hơn vào quyền riêng nghệ thuật của văn nghệ sĩ."
2/ Về vụ Giai Phẩm Mùa Xuân: Chất vấn ban chủ tọa Hội Văn Nghệ về việc tổ chức hội họp đánh Trần Dần, Phan Khôi hỏi: "Hội Văn Nghệ khai hội từ 7 giờ tối đến 1 giờ sáng để phê bình bài thơ Trần Dần, mà kỳ thực là hỏi tội Trần Dần, một mầm non văn nghệ. Hỏi độc tội một Trần Dần thôi là cái ngón chính trị tài tình lắm đấy, để cô lập Trần Dần và phân hóa lũ người trong Giai Phẩm, cái ngón ấy đã thành công". "Tôi nhớ có một vị bắt lỗi trong bài thơ Trần Dần có chữ "Người" viết hoa. Lấy lẽ rằng chữ Người viết hoa lâu nay chỉ để xưng Hồ chủ tịch, thế mà Trần Dần lại viết hoa chữ Người không phải để xưng Hồ chủ tịch. Tôi ngồi nghe mà tưởng như ở trong chiêm bao, chiêm bao thấy mình đứng ở một sân rồng nọ, ông Lê Mỗ tố cáo ông Nguyễn Mỗ trước ngai vàng, rằng trong phép viết, chỉ có chữ nào thuộc về hoàng thượng mới phải đài[11] thế mà tên Nguyễn Mỗ viết thư cho bạn, dám đài chữ không phải thuộc về hoàng thượng. Nhưng may cho tôi, tôi tỉnh ngay ra là mình đang ngồi trong phòng họp Hội Văn Nghệ".
Những lời trên đây, tưởng Phan Khôi nói với đám nhất phẩm, nhưng không, đó là những lời ném thẳng vào bệ rồng. Ông không thèm hỏi tội bày tôi nữa, mà đi ngược lên trên, đến manh mối sau cùng, tới lãnh tụ tối cao, qua những chữ: Người, sân rồng, Hoàng thượng, ngai vàng, để xác định: Sự sùng bài lãnh tụ phải đến từ chính lãnh tụ. Nếu lãnh tụ không muốn được tôn sùng, nếu lãnh tụ ưa sự bình đẳng, dân chủ, thì kẻ dưới quyền không thể xu nịnh tâng bốc được. Trước Phan Khôi và sau Phan Khôi, chưa có nhà văn nào dám mạnh mẽ trực tiếp phê bình Hồ Chí Minh như thế.
3/ Về giải thưởng văn học năm 54-55: ba tác phẩm Mưa sao của Xuân Diệu,Truyện anh Lục của Nguyễn Huy Tưởng và Nam Bộ mến yêu của Hoài Thanh đều chiếm giải. Phan Khôi phê bình: "Cả ba ông Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng, Hoài Thanh đều có tác phẩm dự thi mà đều ở trong ban Chung khảo. Nếu ở trong ban Chung khảo mà thôi còn khá, thử điều tra lại hồ sơ, thì ba ông còn ở ban Sơ khảo nữa, sao lại có thể như thế? Trường thi phong kiến xưa, tuy có ám muội gì bên trong, chứ bên ngoài họ vẫn sạch tiếng: Một người nào có con em đi thi, thì người ấy có được cắt cử cũng phải "hồi tỵ", không được chấm trường. Bây giờ đến cả chính mình đi thi mà cũng không "hồi tỵ": một lẽ là ở thời đại Hồ Chí Minh, con người đã đổi mới, đã "liêm chính" cả rồi; một lẽ trắng trợn vì thấy mọi cái "miệng" đã bị "vú lấp".
Qua việc trao giải thưởng văn nghệ, Phan Khôi mỉa mai sự gian dối, ám muội trong các địa hạt khác ở "thời đại Hồ Chí Minh", nói rằng đã đổi mới rồi, mà sao con người lại "thanh liêm" kiểu ấy, bởi "mọi cái miệng đã bị vú lấp mất rồi". Về việc Hồ Chí Minh viết "truyện mẫu" cho nhà văn viết theo, Phan Khôi bảo:"Nhược bằng bắt mọi người viết phải viết theo một lối với mình, thì rồi đến một ngày kia, hàng trăm thứ hoa cúc đều phải nở ra cúc vạn thọ hết". Về việc Đảng dạy dỗ các nhà thơ nhà văn sáng tác theo chỉ thị, Phan Khôi bảo: "Đảng giáo dục Xuân Diệu làm cách mạng chứ có giáo dục Xuân Diệu làm thơ đâu!"
 Những lời khẳng khái của Phan Khôi trong thời kỳ NVGP đã trở thành biểu tượng của tinh thần bất khuất Phan Khôi trước mọi áp lực tư tưởng. Bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ là văn bản "hỏi tội triều đình" trực tiếp và gay gắt nhất, cho đến nay chưa một trí thức nào dám làm.
 Văn bản này sẽ mãi mãi trụ lại như bài văn tiêu biểu cho sự can trường của một nhà trí thức trong thế kỷ XX, đương đầu với sự độc tài của một thể chế, không khác gì bài sớ dâng vua trảm tấu bọn gian thần thời phong kiến.
Chính văn bản này đã khiến giới cầm bút nhìn thấy ở Phan Khôi một nhà lãnh đạo văn nghệ đích thực, và những trí thức khác như Trương Tửu, theo gương Phan Khôi dứt khoát bước vào diễn đàn NVGP.

● Trương Tửu: Bệnh sùng bái cá nhân
trong giới lãnh đạo văn nghệ
Trương Tửu bước vào diễn đàn với lập luận chặt chẽ và đanh thép của nhà phê bình, ông viết hai bài quan trọng về tự do tư tưởng: Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ [12] và Văn nghệ và chính trị [13] với phần hai làTự do tư tưởng của văn nghệ sĩ và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích[14].
 Hai bài viết này xác định Trương Tửu là một trong những người lãnh đạo tư tưởng của phong trào NVGP.
 Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ, tường thuật lịch sử đấu tranh dân chủ của văn nghệ sĩ trong kháng chiến. Trương Tửu đi vào thẳng vấn đề: "Tôi viết bài này, nối gót nhà văn lão thành dũng cảm Phan Khôi, góp ý kiến phê bình lãnh đạo văn nghệ, đặc biệt sự sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ".
 Ông xác định bệnh sùng bái cá nhân là bệnh của lãnh đạo văn nghệ:
"Sùng bái cá nhân là một bệnh phổ biến trong giới lãnh đạo văn nghệ (...) Tôi không nói đó là bệnh của văn nghệ sĩ; vì rằng, hôm qua cũng như hôm nay, người văn nghệ sĩ tự trọng không bao giờ thừa nhận sự sùng bái cá nhân. Nghệ thuật là sáng tạo, là tự do. Sùng bái cá nhân là phục tùng mù quáng, là nô lệ. Hai thứ đó như nước với lửa; có cái này thì không có cái kia được".
 Rồi ông dẫn chứng những cử chỉ, thái độ sùng bái cá nhân của các lãnh đạo văn nghệ, từ Lưu Trọng Lư đến Tố Hữu, mà theo ông, đó là những kẻ có tâm lý"bảo hoàng hơn vua", "ở cửa miệng họ, bao giờ ta cũng bắt gặp cái điệp khúc bất di bất dịch này: Đảng không bao giờ sai lầm. Rồi từ chỗ nói: Đảng không bao giờ sai lầm, họ tiến đến chỗ nói: các cá nhân lãnh đạo Đảng không bao giờ sai lầm".
Họ sùng bái cá nhân để làm gì? Trương Tửu trả lời: "Họ sùng bái một người (cấp trên) để vạn người (cấp dưới) sợ cá nhân họ. Nhờ phương châm ấy, họ bám vào gót giầy cấp ủy ban này, cấp ủy ban khác, leo dần lên thang danh lợi, oai quyền hống hách, đàn áp cấp dưới, khinh miệt quần chúng, báo cáo lên trên thì xuyên tạc sự thực có dụng ý, lãnh đạo anh em thì mệnh lệnh độc tài. Họ sùng bái cá nhân là để trục lợi. Họ chỉ có thể tiến thân bằng đường lối ấy."
Nhưng vẫn có những nghệ sĩ như Tô Ngọc Vân, Sĩ Ngọc: "Ai cũng còn nhớ, năm 1948, cố hoạ sĩ Tô Ngọc Vân đã tranh luận khá gay gắt với ông Trường Chinh về vấn đề: quần chúng phê bình nghệ thuật. Ngòi bút tranh luận của Tô Ngọc Vân chứng tỏ một khối óc độc lập, một tâm hồn có cá tính không vì uy quyền của lãnh tụ này hay lãnh tụ khác mà thủ tiêu ý kiến riêng của mình".
 Vẫn 1948, trong một buổi nói chuyện khác ở Thanh Hóa "có đoạn ông Trường Chinh lớn tiếng mạt sát họa phái lập thể chủ nghĩa (của Picasso). Ông cho họa phái ấy (...) chỉ là những cái nấm độc mọc trên trạng thái thối tha của chế độ tư bản chủ nghĩa ở Âu châu đầu thế kỷ 20". "Sau buổi nói chuyện này, hoạ sĩ Sỹ Ngọc đã viết một bài nói về chủ nghĩa lập thể trong tạp chí Sáng Tạo số 4 để gián tiếp bác ý kiến của ông Trường Chinh".
Trương Tửu xác định lại nhiệm vụ của văn nghệ sĩ trong cách mạng kháng chiến:
"Người văn nghệ sĩ kháng chiến đi tìm chân lý, đi tìm chính nghĩa, đi tìm tự do (...) họ không thể sùng bái bất cứ cá nhân nào, không thể thừa nhận bất cứ uy quyền độc đoán nào, chống lại bất cứ sức áp chế tư tưởng nào." Còn lãnh đạo văn nghệ: "Giống như bọn thầy bùa phong kiến, các nhà lãnh đạo văn nghệ của chúng ta muốn “yểm” tất cả các tâm hồn cứng rắn và tự do cho đến trở thành những hòn đất thó “tròn méo mặc dầu tay kẻ nặn”. Những lá bùa của họ chế tạo ra kể cũng đã khá nhiều: mất lập trường, phạm chính sách, phá đoàn kết, phá tổ chức, vô kỷ luật, chống Đảng, địch lợi dụng, có vấn đề, bất mãn cá nhân, óc địa vị, v.v… còn gì nữa?"
Sự đe nẹt của lãnh đạo văn nghệ đã ảnh hưởng đến một số người: "Và phải nói ngay rằng ngần ấy lá bùa yểm cũng đã linh nghiệm ít nhiều. Một số văn nghệ sĩ non gan (...) biến thành những tên thư lại văn nghệ xu nịnh trục lợi".
Nhưng không phải ai cũng chịu khuất phục: "Còn một số không khuất phục, kịch liệt phê phán tác phong và đường lối lãnh đạo của thường vụ Hội thì bị chụp mũ, bị chèn ép, bị “trù”, bị hành hạ, bị gạt sang một bên."
Tình trạng trù dập, chụp mũ này, dẫn đến hậu quả: "Cuộc đấu tranh âm ỷ dai dẳng chống lãnh đạo độc đoán, quan liêu, bè phái, trong những năm cuối kháng chiến, khi hoà bình trở lại, đã bùng nổ. Khởi điểm là ở trong Phòng Văn Nghệ Quân Đội. Trần Dần, Phùng Quán, Trần Công, Tử Phác, Hoàng Cầm (...) yêu cầu trao trả quyền điều khiển văn nghệ cho văn nghệ sĩ, yêu cầu tự do trong sáng tác và sinh hoạt văn nghệ. (...) Điểm cuối cùng của nó là lớp học tập lý luận văn nghệ tháng Tám vừa qua ở trụ sở Hội Văn Nghệ. Suốt mười tám ngày, anh em văn nghệ sĩ trong Đảng cũng như ngoài Đảng đã đứng dậy đồng thanh tố cáo những hành động và thái độ độc tài, bè phái của ban lãnh đạo văn nghệ".
Sau khi tóm tắt tình hình toàn bộ đời sống văn nghệ từ kháng chiến đến lớp học tập dân chủ 18 ngày, Trương Tửu kêu gọi:
"Đã đến lúc phải sa thải những “nhà lãnh đạo” thiếu tư cách mà quần chúng tuyệt đối không tin tưởng nữa để quần chúng văn nghệ tự tay mình điều khiển công việc chuyên môn của mình một cách thực sự dân chủ". "Đã đến lúc phải thanh toán lối đàn áp tự do tư tưởng, khinh miệt quần chúng, mệnh lệnh, độc đoán, bè phái chủ nghĩa do bệnh sùng bái cá nhân đẻ ra, để mở đường cho trăm hoa đua nở, trăm nhà đua nói".
Và đây là nguyện vọng của văn nghệ sĩ: "Họ muốn tiêu diệt bệnh sùng bái cá nhân trong việc lãnh đạo văn nghệ đã cản trở sức phát triển nghệ thuật". "Họ muốn chấm dứt lề lối mệnh lệnh, độc đoán, quan liêu, bè phái, chụp mũ, trong sự lãnh đạo văn nghệ, giành lại quyền tự do tư tưởng bị chà đạp bấy lâu nay; vì thiếu tự do tư tưởng thì nghệ thuật sẽ co quắp, mòn mỏi như cụm hoa thiếu ánh sáng mặt trời"."Họ muốn công việc lãnh đạo văn nghệ phải trả lại cho những văn nghệ sĩ – bất kể trong Đảng hay ngoài Đảng – được quần chúng văn nghệ tự ý lựa chọn và tín nhiệm".
Bài Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ trên Giai Phẩm Mùa Thu, tập II, xác định đường lối quyết liệt đòi dân chủ của nhóm NVGP, Trương Tửu tố cáo toàn diện bộ mặt lãnh đạo văn nghệ, và qua đó ông phê phán bộ mặt lãnh đạo nói chung.
Trong bài Văn nghệ và chính trị, trên Giai phẩm mùa thu, tập III, ông đi sâu vào vấn đề tự do sáng tạo.

● Văn nghệ và chính trị
Đối diện với Phan Khôi, Nguyễn Mạnh Tường, những người có tư tưởng quốc gia, triệt để chống lại quan niệm đấu tranh giai cấp của cộng sản, Trương Tửu là người cộng sản đệ tứ, đứng trên quan niệm đấu tranh giai cấp để đòi hỏi tự do dân chủ. Trước tiên, ông xác định quan hệ mật thiết giữa chính trị và văn nghệ:
"Văn nghệ, tự thân nó, tất yếu phải mang chính trị tính và có tác dụng chính trị" vì "Văn nghệ, căn bản, là một thể cách nhận thức và tái tạo thế giới thực tại, một thể cách biến cải xã hội, biến cải con người bằng đường lối thẩm mỹ". Cho nên, người nghệ sĩ khi sáng tác bắt buộc phải "dấn thân", nhưng sự dấn thân ở đây có tính cách "đấu tranh giai cấp", ông viết: "Sáng tác văn nghệ là tự xác định một thái độ, một lập trường đối với cuộc đấu tranh giai cấp đương thời".
Đồng ý hay không đồng ý với quan niệm đấu tranh giai cấp của Trương Tửu, nhưng không ai có thể phủ nhận tính thuyết phục trong bài viết của ông. Vẫn đứng trên quan niệm đấu tranh giai cấp, chống lại các chế độ người bóc lột người, ông viết về thời cổ điển: "Lịch sử văn nghệ căn bản là lịch sử chiến đấu của những văn nghệ sĩ nhân đạo chủ nghĩa đối kháng với chế độ áp bức con người, bảo vệ quyền tự do tư tưởng, tự do nói sự thực trong tác phẩm". Mà sự thực là điều mà các chế độ độc tài ghê sợ nhất tuy nhiên các văn nghệ sĩ cổ điển đã không ngại chiến đấu cho sự thực trong tác phẩm của mình:
"Đó cũng là thái độ của tất cả những văn nghệ sĩ cổ điển Đông và Tây - của những Đỗ Phủ, Nguyễn Du, Molière, Heine, Rousseau, Diderot v.v… Họ dũng cảm bảo vệ tự do tư tưởng, tự do nói thực đến kỳ cùng trước sức tấn công hiểm độc của các giai cấp bóc lột (...) Thiếu chân lý đó, không thể có tác phẩm nghệ thuật thực sự quan trọng được (...) Muốn sáng tạo ra một thế giới độc đáo, văn nghệ sĩ phải có một cái nhìn độc đáo, một nhận thức độc đáo về thực tại, một trí tưởng tượng độc đáo, một lối nói độc đáo. (...) Phải tự do nhìn sự thực, tự do xúc cảm, tự do suy nghĩ, tự do tưởng tượng, tự do vận dụng ngôn ngữ nghệ thuật - để có thể phản ánh hiện thực một cách trung thành. Tự do đây có nghĩa là: chống lại mọi áp bức tư tưởng, mọi mệnh lệnh, mọi công thức, mọi quyền uy bắt mình nói điều mình không muốn nói, nghĩ điều mình không muốn nghĩ, nhận là đúng điều mình cho là sai, yêu những cái mà mình ghét, ca tụng những cái mà mình phản đối. Không có tự do ấy, sự sáng tác của văn nghệ sĩ sẽ giả tạo. Giả tạo là kẻ thù của nghệ thuật. Giả tạo là tiêu diệt nghệ thuật. Một tác phẩm văn nghệ không tiết ra từ những cảm nghĩ thành thực và sâu sắc của chính tâm hồn tác giả sẽ là một phản ảnh nhạt nhẽo của thực tại. Nó khô khẳng vì thiếu chất sống. Nó bất thành nghệ thuật, và do đó, chẳng xúc động được ai cả."
Trương Tửu đã viết những lời kêu gọi và biện hộ tha thiết cho sự tự do của văn nghệ sĩ. Ông kêu gọi người nghệ sĩ phải có can đảm là mình trong những điều kiện xã hội bắt họ không được là mình. Phải tự do nhìn, cảm, nghĩ, nói theo chủ định cá nhân của mình, trong những điều kiện xã hội buộc họ phải nhìn, cảm, nghĩ, nói theo những công thức thống trị.
Trương Tửu kết luận: "Người văn nghệ sĩ sống bằng tự do tư tưởng. Tự do tư tưởng của văn nghệ sĩ là bất khả xâm đoạt". "Không có tự do tư tưởng thì không thể có nghệ thuật chân chính được. Đó là một chân lý bất di bất dịch."
Văn nghệ và chính trị là bài viết đấu tranh cho tự do tư tưởng hay nhất và mạnh mẽ nhất trong thời kỳ NVGP, xác định Trương Tửu là nhà phê bình văn học duy nhất dám đứng lên chống lại sự độc tài đảng trị, trong khi Vũ Ngọc Phan im lặng, Hoài Thanh trở thành bồi bút cho Đảng.

● Lê Đạt: Nhân câu chuyện mấy người tự tử
Lê Đạt trên Nhân Văn số 1 ngày 20/9/56, mượn câu chuyện thời sự trên báo: một đôi tình nhân tự tử, để gợi lại chuyện riêng của mình - Lê Đạt yêu Thúy Thúy, một nghệ sĩ sân khấu và ly dị người vợ cốt cán, nên bị cấp trên khiển trách- cũng là chuyện tình duyên bị đảng áp chế của những Trần Dần, Hoàng Cầm, Tử Phác, Đặng Đình Hưng... Bài thơ vượt trên bi kịch cá nhân, để tố cáo sự độc tài đảng trị kiểm soát đến cả tim người:
Chế độ ta không cấm họ yêu nhau
Mà sao họ chết?
Người công an đứng ngã tư đường phố
Chỉ huy
              bên trái
                                      bên phải
                                                             xe chạy
                                                                          xe dừng
Rất cần cho việc giao thông.
Nhưng đem bục công an
                          máy móc
                                                  đặt giữa tim người
Bắt tình cảm ngược xuôi
              theo đúng luật đi đường nhà nước
Có thể gây rất nhiều chua xót
                                                                         ngoài đời
Từ bi kịch đôi tình nhân, Lê Đạt nhìn lại mình, bấy lâu ngủ quên trong chế độ:
 Thơ tôi bị cuộc đời ruồng bỏ
Vì tôi đã ngủ quên trong chế độ
Vẽ phấn bôi son, tô toàn màu đỏ
La liệt đầy đường hoa nở
                                                                          chim kêu (...)
Giữa năm Cộng hoà lớn khôn mười một tuổi
Vẫn còn lọt lưới
                                      nhiều thói "an nam"
Dán nhãn hiệu
                                      "Made in Cách mạng"
Ngang nhiên xúc phạm con người
Đẩy họ đi tự tử
Nay bừng tỉnh, nhà thơ kêu gọi mọi người, hãy "quét sạch mây đen", "chặt hết gông xiềng":
Phải quét sạch mây đen
                                                             cho chân trời rộng mở
Chặt hết gông xiềng
                                                  cho những cánh tung lên
Ngày và đêm
                                      mộng bay đầy cuộc sống
Khát vọng theo khát vọng
Không gì ngăn cản con người
Bài thơ chiếm trọn trang ba của tờ báo, có vị trí một bài xã luận, xác định lập trường chính trị của Lê Đạt và Nhân Văn. Hai câu: Đem bục công an máy móc đặt giữa tim người. Bắt tình cảm ngược xuôi theo đúng luật đi đường nhà nước đã khắc ghi vào tim người Việt, mọi nơi, mọi thời, bức hình chế độ công an trị rõ nhất, trên đất nước Việt Nam.

● Nguyễn Mạnh Tường: Qua những sai lầm trong
Cải cách ruộng đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo
Sau Hoàng Đạo dưới thời Pháp thuộc, Nguyễn Mạnh Tường là người dùng lý lẽ luật pháp để phê bình những sai lầm về mọi mặt trong chính sách cai trị của Đảng Cộng sản, chủ yếu qua buổi diễn thuyết "Qua những sai lầm trong Cải cách ruộng đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo" nói tại Mặt trận tổ quốc ngày 30/10/1956.
Sau khi nghe Trường Chinh đọc bản tự phê bình của Đảng Lao Động về chính sách Cải Cách Ruộng Đất, với tài hùng biện nổi tiếng, Nguyễn Mạnh Tường đã điễn thuyết trong 6 tiếng trước Mặt Trận Tổ Quốc.
Bằng giọng mỉa mai, chua xót, Nguyễn Mạnh Tường trả lời Trường Chinh:"Tôi phấn khởi được nghe bản phê bình của Đảng Lao Động do ông Trường Chinh đọc trước Hội Nghị. Nhưng tôi cũng phải thú rằng lòng phấn khởi của tôi một phần bị giảm đi, vì tôi nhớ lại kết quả tai hại của các sai lầm đã phạm trong công cuộc Cải Cách Ruộng Đất. Tôi xin phép các vị được kính cẩn nghiêng mình trước kỷ niệm những người vô tội đã chết oan, không phải vì bàn tay của địch mà chính của ta. (...) Trái lại, các người chết oan vì các sai lầm trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất này, lúc tắt thở, cay đắng đau xót vì chết với một ô danh".
Đây là một bài chính luận sâu sắc, nội dung phân tích những sai lầm của chế độ, đi từ sai lầm cải cách ruộng đất ở thôn quê, sang sai lầm trong chế độ mậu dịch ở thị thành, tất cả nằm trong bản chất thiếu dân chủ của chế độ. Ông truy nguyên nguồn gốc những sai lầm và trình bày những nguyên tắc mới để sửa sang lại guồng máy luật pháp, chính trị của đất nước. Ông hỏi tội trực tiếp cấp lãnh đạo cao nhất:
Những người lãnh đạo, có trách nhiệm vụ Cải cách ruộng đất làm cho bao nhiêu người chết oan, không thể chỉ đứng ra xin lỗi, hoặc nhận là Đảng đã sai lầm, mà xong đâu[15]. Xin lỗi không phải là hành động luật pháp. Giết người rồi, không thể chỉ xin lỗi mà xí xoá được. Trong một nước dân chủ thực sự, thì Quốc Hội phải lập một ủy ban điều tra, phải đưa họ ra toà, và toà sẽ phân xử, kết án, tùy theo trách nhiệm nặng nhẹ của mỗi người, từ lãnh đạo cao nhất xuống dưới.
Đầu tiên hết, ông phân tích tình hình chính trị xã hội Việt Nam, bằng những chất vấn:
"Tình hình nước ta hiện thời ra sao? Tình hình ấy có bi quan không?"
"Về Mậu dịch nửa năm nay, đồng bào ca thán như thế nào, ta đã biết. Nào chèn ép các nhà kinh doanh tư nhân, nào lãng phí bao nghìn triệu trong khi thực hiện chính sách, nào tàn nhẫn với các người bán sức lao động cho mình, nào đưa ra thị trường sữa hư mà không bao giờ nghĩ đến tính mệnh của người ốm, của trẻ sơ sinh, nào tung ra bơ hỏng, thuốc lá mốc, phạm đến sức khỏe của nhân dân, nào bất lực trước hiện tượng vật giá ngày càng lên trong khi nhiệm vụ của mình là phải bình ổn nó. Có thể nói được, suốt ngày đêm không đâu là không có lời oán trách Mậu dịch".
Sau khi tổng kết tình trạng bi quan về kinh tế, xã hội, Nguyễn Mạnh Tường trở lại vấn đề Cải Cách Ruộng Đất, ông hỏi: chúng ta đã sai lầm nghiêm trọng trong Cải Cách Ruộng Đất, nhưng bây giờ phải tìm hiểu xem sai ở đâu? Vì sao mà sai?
Đường lối cách mạng đề ra là người cày phải có ruộng, trên nguyên tắc điều ấy là đúng, không ai chối cãi. Nhưng khi thi hành chính sách này người ta đã coi thường sinh mạng con người, và vi phạm luật pháp: "Khi đưa ra khẩu hiệu "thà chết 10 người oan còn hơn để sót một địch" thì khẩu hiệu này không những quá tả một cách vô lý mà phản lại cách mạng là đằng khác nữa (...) Khẩu hiệu của pháp lý thì khác hẳn: "Thà 10 địch sót còn hơn một người bị kết án oan".
Rồi Nguyễn Mạnh Tường nhắc lại những nguyên tắc cơ bản của pháp lý:Không phạt các tội đã phạm quá lâu rồi mà bây giờ mới khám phá ra. Chỉ một mình phạm nhân chịu trách nhiệm việc mình làm, không có trách nhiệm chung của vợ con, gia đình. Muốn kết án một người phải có bằng chứng xác đáng. Thủ tục điều tra, xét xử phải bảo đảm quyền lợi của bị tố nhân. Bị tố nhân có quyền nhờ luật sư bào chữa cho mình.
Nhưng những nguyên tắc cơ bản này không được áp dụng trong Cải Cách Ruộng Đất. Sở dĩ có sai lầm như vậy vì ba nguyên do: Quan điểm ta-địch, thù-bạn mơ hồ. Bất chấp pháp luật. Bất chấp chuyên môn. Vì ta-địch, thù-bạn mơ hồ, cho nên bao nhiêu bi kịch đẫm máu xẩy ra, có "những người suốt đời hi sinh cho sự nghiệp cách mạng, rồi bỗng nhiên phải truất quyền, khai trừ ra khỏi Đảng, tống giam, thậm chí có khi bị giết nữa". Trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất, bao nhiêu"chiến sĩ cách mạng thành tích lộng lẫy" cũng "bị kết án là phản động, cường hào gian ác và, sau khi nhận tội, bị tống giam hay bị hành hình".
Những cán bộ hành xử như vậy, nếu vì "chủ mưu phá hoại" thì phải đưa ra toà, còn nếu vì điên cuồng thì phải đem đi chữa bệnh thần kinh. Vì chính trị bất chấp pháp luật cho nên, muốn xử tử ai cũng được: "Quyền xử tử người một cách đơn giản như vậy trái với luật pháp".
Vì bất chấp chuyên môn cho nên "khi chọn một người vặn lái ô tô, ta không hỏi người ấy có bằng vặn lái và đã vặn lái bao năm, ta chỉ hỏi: “Có lập trường không?” Kết quả là từ hai năm nay, riêng trong thủ đô Hà Nội, hàng trăm tai nạn xảy ra do các người vặn lái ô tô có lập trường mà không nắm chuyên môn. Khi đưa tới bệnh viện một bệnh nhân cấp cứu, vấn đề mang ra thảo luận trước tiên là: Bệnh nhân thuộc thành phần giai cấp nào? Chữa cho địa chủ thì “mất lập trường”. Để nó chết mới chứng minh mình có “lập trường giai cấp” (hiện tượng do B.S. Nguyễn Xuân Nguyên đưa ra) (...) Tại sao có những hiện tượng quái gở như vậy? Là vì chính trị chiếm đóng tất cả các khu vực trong nhận thức của chúng ta làm chúng ta mất cả cái nhân đạo tối thiểu của con người, làm chúng ta khước từ các chân lý".
Quốc hội thành lập đã mười năm- từ 1946 đến 1956. "Nhưng quyền lập pháp của Quốc hội ở đâu?" "Dư luận quần chúng quan niệm rằng Quốc hội chỉ có quyền thông qua các chính sách mà thôi". "Trong bản Tuyên ngôn độc lập, trong Hiến pháp cũng như trong các sắc lệnh, đạo luật, nguyên tắc dân chủ đã được ban bố". Nhưng trong thực tế: "người dân không có quyền, không có phương tiện nói lên ý kiến của mình, tham gia xây dựng các chính sách của Chính phủ".
Đề nghị sửa chữa sai lầm do thiếu một chế độ pháp trị chân chính, một chế độ dân chủ thực sự, Nguyễn Mạnh Tường lập luận: Vì không có một chế độ pháp trị chân chính cho nên mới xẩy ra vụ Cải Cách Ruộng Đất.
Và sau khi xẩy ra rồi, thì: "phải lập một ủy ban điều tra gồm các vị đại biểu Quốc Hội, Mặt Trận, Đảng Lao Động với sự cộng tác của các vị thẩm phán cao cấp, giàu kinh nghiệm để lập một hồ sơ theo phương pháp pháp lý đã nhận định, trên quá trình đi từ lãnh đạo qua chỉ đạo đến chỗ thực hiện chính sách, trách nhiệm ở chỗ nào và do những ai phải chịu. Sau khi kết thúc cuộc điều tra, ủy ban ấy sẽ phân tách trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý. Ai chịu trách nhiệm chính trị sẽ trả lời trước Quốc Hội biến thành Tòa Án tối cao. Ai chịu trách nhiệm pháp lý sẽ trả lời trước các Tòa Án tư pháp. Dưới con mắt của quần chúng theo dõi xây dựng cuộc điều tra và xét xử, công lý phát huy, không còn ai thắc mắc nữa".
Làm như thế mới đúng quy tắc của một chế độ dân chủ. Một chế độ thực sự dân chủ "trong đó người dân được làm chủ trên đất nước không những trong hiến pháp, mà cả trong thực tế nữa". Và ông nhấn mạnh: " Lịch sử các phong trào cách mạng trong hơn một thế kỷ nay, chưa bao giờ, chưa ai có thể ngăn cản được một phong trào quần chúng tranh đấu đòi các tự do dân chủ".
Tóm lại, các nhà trí thức trong NVGP nói với một quần chúng đã quen biết với dân chủ, có ý thức, có trình độ về dân chủ, khác hẳn với lối viết giản dị và giáo khoa của Phan Châu Trinh đầu thế kỷ XX, nói với một quần chúng mới phôi thai về dân chủ. Và cũng khác cách viết khoa học, tự tin và tự hào dân tộc của Hoàng Đạo đối đầu với thực dân Pháp. Như vậy đủ thấy rằng từ đầu đến giữa thế kỷ XX, trong đầu óc người Việt Nam, tự do dân chủ đã có những biến chuyển lớn lao, chứ không hề dậm chân tại chỗ.
Từ khi đảng Cộng Sản dập tắt phong trào NVGP, dẹp tan tư tưởng tự do dân chủ, giữ địa vị độc tôn cai trị, coi tất cả những đảng phái đối lập là thù nghịch, là phản động, và nhất là không còn giáo dục học sinh về quyền công dân, quyền con người nữa, thì người Việt mới lại rơi vào vòng u tối, không ý thức được tự do dân chủ là quyền thiết yếu của con người, và chúng ta mới phải nghe những lập luận thoái hoá của những "trí thức" đưong thời, coi sự sùng bái lãnh tụ là "bẩm sinh" là tất yếu; loại trừ quyền tự do dân chủ, như một sản phẩm của phương tây, không phù hợp với Việt Nam.

Phê bình lãnh đạo văn nghệ của Phan Khôi, Văn nghệ và chính trị của Trương Tửu và Qua những sai lầm trong Cải cách ruộng đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo của Nguyễn Mạnh Tường là ba văn bản quan trọng nhất thời kỳ NVGP, nói lên tinh thần bất khuất của người trí thức dưới chế độ cộng sản và giải thích tại sao cộng sản phải tiêu diệt trí thức.

[1] Nhật ký Trần Dần ghi, trang 245.
[2] Phan Châu Trinh, Quân trị chủ nghiã và dân trị chủ nghiã. Tuyển tập Phan Châu Trinh, Nguyễn Văn Dương soạn, nxb Đà Nẵng, 1995, trang 792- 818.
[3] Hoàng Đạo, Vấn đề thuộc địa, Thuộc địa Pháp-Chính sách, Ngày Nay số 80, 10/10/1937.
[4] Hoàng Đạo muốn nói đến Trung và Bắc, vì Nam kỳ là nhượng địa, được hưởng quyền tự do báo chí như ở các thuộc địa của Pháp.
[5] Thư ngỏ cho ông cựu toàn quyền Varenne, Ngày Nay, số 130, 1/10/38.
[6] Hoàng Đạo, Vấn đề cần lao, Nô lệ trá hình, Ngày Nay, số 133, 22/10/38.
[7] Hoàng Đạo, Công dân giáo dục, Ngày Nay số 160, 6/5/39.
[8] Lê Đạt trả lời phỏng vấn RFI.
[9] Giai Phẩm Mùa Thu tập I, 29/8/1956
[10] Giai Phẩm Mùa Thu tập II, 30/9/1956.
[11] Đài là tôn xưng. Ngày trước, khi viết chữ Hán, nếu gặp những chữ như: Cung vua, Lăng tẩm, Miếu hiệu vua chúa... thì phải đài chữ, tức là viết cao hơn chữ thường để tỏ ý tôn kính.
[12] Giai Phẩm Mùa Thu tập II, 30/9/56.
[13] Giai Phẩm Mùa Thu tập III, 30/10/56.
[14] Giai Phẩm Mùa Đông tập I, 28/11/56.
[15] Nguyễn Mạnh Tường muốn nói đến việc: Hồ Chí Minh khóc và xin lỗi quốc dân. Võ Nguyên Giáp thay mặt Đảng xác nhận 7 điểm sai lầm trong Cải Cách Ruộng Đất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét