CHƯƠNG 15
CUỘC CÁCH MẠNG HIỆN ĐẠI ĐẦU THẾ KỶ XX
Trở lại những năm đầu thế kỷ XX, sau thất bại liên tiếp của các phong trào cần vương[1] và văn thân[2] một thế hệ kháng chiến mới hình thành với những trí thức khoa bảng nho học, trong hai chuyển động lớn: Phong trào Đông Du (1906-1908) do Phan Bội Châu lãnh đạo và phong trào Duy Tân (1905-1908) do Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng chủ xướng. Hai phong trào này phát động tinh thần yêu nước, phát sinh hình thức kháng chiến hiện đại của các trí thức nho học, nguồn gốc của các tổ chức chống Pháp sau này.
Một phong trào thứ ba, ít được biết đến, vì phần lớn văn bản viết tiếng Pháp, trên đất Pháp. Những người chủ chốt như Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh không theo cộng sản, và hậu duệ của họ là nhóm Đệ tứ, đã bị cộng sản tiêu diệt từ 1945. Đó là phong trào chống Pháp của các trí thức Tây học, xuất thân trường Pháp, chống Pháp trên báo chí tiếng Pháp, tại Paris và tại Sài Gòn.
Phong trào này do Phan Văn Trường khởi xướng ở Paris, năm 1912, với hội Đồng Bào Thân Ái, cùng với Phan Châu Trinh. Sau được ba thanh niên Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Tất Thành tiếp sức, họ được đồng bào gọi là nhóm Ngũ Long, đã có ảnh hưởng lớn trong việc chống thực dân, tại Pháp những năm 1920, dưới bút hiệu chung Nguyễn Ái Quấc. Sau họ là nhóm Đệ tứ, gồm những đệ tử của Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Hồ Hữu Tường, Huỳnh Văn Phương... tiếp tục tranh đấu đến 1945.
Phong trào này do Phan Văn Trường khởi xướng ở Paris, năm 1912, với hội Đồng Bào Thân Ái, cùng với Phan Châu Trinh. Sau được ba thanh niên Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Tất Thành tiếp sức, họ được đồng bào gọi là nhóm Ngũ Long, đã có ảnh hưởng lớn trong việc chống thực dân, tại Pháp những năm 1920, dưới bút hiệu chung Nguyễn Ái Quấc. Sau họ là nhóm Đệ tứ, gồm những đệ tử của Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Hồ Hữu Tường, Huỳnh Văn Phương... tiếp tục tranh đấu đến 1945.
Trong thời kỳ đầu, những khuynh hướng chống Pháp không đối kháng nhaumà cùng hoạt động chung. Đến 1945 mới bị phân liệt, Việt Minh thanh trừng các đảng phái đối lập, thủ tiêu nhóm Trốt-kít - trừ Hồ Hữu Tường ở Hà Nội nên thoát. Sau khi lên cầm quyền, Hồ Chí Minh, không những gạt bỏ các thành phần đối lập ra ngoài lịch sử chính thống mà còn gán cho họ nhãn hiệu phản quốc. Phan Khôi và Hồ Chí Minh gắn bó với cả ba phong trào nói trên, lịch sử của họ giải mã những câu hỏi:
- Trong khi hầu hết các thành viên khác của NVGP, vẫn kính nể "bác Hồ", tại sao Phan Khôi lại "dám" đả kích công khai thần tượng Hồ Chí Minh?
- Sau NVGP, lệnh nhục mạ và bôi nhọ Phan Khôi trong nhiều thập niên đến từ đâu và bởi ai? Sự nhục mạ này dẫn đến cái chết bí ẩn gần như bức tử của Phan Khôi năm 1959.
Phan Khôi và Nguyễn Tất Thành, hai thanh niên nho học được Phan Châu Trinh trông cậy sẽ "kế nghiệp" mình. Năm 1922, thất vọng vì Nguyễn Tất Thành chọn con đường cộng sản và không chịu về nước, Phan Châu Trinh viết bức thư công khai gửi Nguyễn Ái Quốc, gần như đoạn tuyệt.
Năm 1925, về nước, Phan Châu Trinh trao di sản tinh thần cho Phan Khôi. Cuộc đời Phan Khôi gắn bó với lịch sử đấu tranh bất bạo động của phong trào Duy Tân, theo truyền thống Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch (1852-1895). Vì vậy, muốn tìm hiểu tư tưởng của Phan Khôi, cần phải nhìn lại hành trình cách mạng hiện đại chống Pháp đầu thế kỷ XX. Bắt đầu với Phan Bội Châu.
● Phan Bội Châu (1867- 1940)
Phan Bội Châu sinh ngày 26/12/1867, tại làng Đan Nhiệm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Mất ngày 29/10/1940, tại Huế. Là cha đẻ của nền cách mạng hiện đại trong thế kỷ XX. Chính trị gia, nhưng cũng là nhà văn nhà thơ lớn, văn chương Phan Bội Châu có khả năng thúc giục con người đứng lên cứu nước. Về văn thơ yêu nước, không tác giả nào sánh kịp Phan Bội Châu. Mỗi tác phẩm là một chặng đường. Tác phẩm nào cũng quyền biến cũng "sai bảo" con người phải hành động trước cái nhục nô lệ, mất nước. Trong khi các nhà cách mạng khác tìm cách đánh vào địch thủ, tức là thực dân Pháp, hay bọn quan trường thối nát, thì Phan Bội Châu, trước hết, đánh vào lòng người. Và chính cái lòng người được thúc giục vùng dậy ấy, sẽ đứng lên cứu nước. Phan Bội Châu cũng như các nhà nho cùng thời thường viết bằng Hán văn và khi dịch ra quốc ngữ, theo Huỳnh Thúc Kháng, cái hay đã mất đi một nửa, vậy mà ngày nay đọc cụ Phan chúng ta vẫn còn thấy xúc động gai người. Phan Bội Châu xứng đáng ngôi vị cha già của dân tộc.
Khi Phan ra đời, năm 1867, nước đã mất ba tỉnh Nam Kỳ. Chín tuổi, Phan"tập trận" theo kiểu "bình Tây". Năm 19 tuổi, cùng Trần Văn Lương lập đảng "Sĩ tử cần vương đội", khoảng 100 người, mưu "việc lớn". Pháp đánh Nghệ An, "đội sĩ tử" tan vỡ. Phan ở nhà trông nom cha trong 9 năm và dạy học, nhưng vẫn thầm mưu việc nước. 1900, cha mất, bắt đầu hoạt động: liên kết với các đồng chí của Phan Đình Phùng. Cùng Phan Bá Ngọc -con trai Phan Đình Phùng- và dư đảng Văn Thân, tổ chức đánh thành Nghệ An, nhân ngày 14/7/1901, ngày quốc khánh Pháp, nhưng không thành. Cuối 1902, Phan ra Bắc gặp Đề Thám lần đầu. Mùa xuân 1903, gặp Tiểu La Nguyễn Thành cựu đảng viên Cần Vương ở Quảng Nam. Nguyễn Thành khuyên Phan nên tôn vinh một dòng dõi đế vương để có chính nghiã. Phan yết kiến Kỳ Ngoại Hầu Cường Để[3]. Hầu chấp nhận. 1903, Phan viết bản Lưu Cầu huyết lệ tân thư [4] để dò phản ứng của sĩ phu và thuyết phục quan trường. Văn bản có 5 phần: Nêu sự tủi nhục của người dân mất nước - Mở mang dân trí, mưu đồ phục quốc - Phục hưng dân tộc - Đào tạo nhân tài - Kỳ vọng vào các hào kiệt.
Cuối 1903, Phan vào Nam vận động. Đầu 1904, trở về Quảng Nam họp với Nguyễn Thành và Kỳ Ngoại Hầu rồi lại ra Bắc gặp Đề Thám, quyết định mở đại hội. Giữa tháng 5/1904, khai hội tại Nam Thành sơn trang, nhà trên núi của Nguyễn Thành với Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và 20 người tâm huyết, bí mật lậpDuy Tân hội, tôn Cường Để làm Hội chủ, chủ trương ba điểm: Chiêu mộ đảng viên - Phát sinh bạo động - Cầu ngoại viện. Không thể nhờ Tàu vì Tàu đã theo Pháp. Tăng Bạt Hổ đã sang Nhật nhiều lần, biết tiếng Nhật, đề nghị nhờ Nhật. Ngày 23/2/1905, Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ và Đặng Tử Kính bí mật đi Hương Cảng rồi sang Nhật. Gặp Lương Khải Siêu. Lương khuyên: Quý quốc đừng lo không được độc lập mà chỉ lo dân không đủ (khả năng để) độc lập. Có thể nhờ Lưỡng-Quảng viện trợ lương thực và khí giới, nhưng nếu (dân) không có thực lực thì cũng hỏng. Thực lực tức là: Dân trí, dân khí và nhân tài. Phan nói đến việc cầu viện Nhật, Lương gạt đi: "Quân Nhật đã một lần vào nước rồi, thì không thể đuổi nó ra được". Lời khuyên của Lương Khải Siêu thật là sâu sắc. Lương giới thiệu Phan với Khuyển Dưỡng Nghị và Đại Ôi, những nhà lãnh đạo chính trị cấp tiến của Nhật Bản. Đại, Khuyển rất dè dặt: "Chúng tôi có thể giúp lương thực, còn giúp khí giới thì phải tuyên chiến với Pháp, điều rất khó".
Phan thất vọng. Lương khuyên hai giải pháp: Dùng lời văn để thức tỉnh lòng dân và đánh động dư luận thế giới. Về nước cổ động thanh niên xuất dương du học, xây dựng vững nền tảng: dân trí, dân khí và nhân tài. Nghe Lương, Phan viếtViệt Nam Vong Quốc Sử (1905), nhờ Lương in hộ. Cuối tháng 7/1905, Phan Bội Châu và Đặng Tử Kính lén đem 50 bản Việt Nam Vong Quốc Sử về nước. Tác phẩm có tác động như quả bom thứ nhì sau Lưu Cầu huyết lệ tân thư. 1905 còn là cái mốc quan trọng trong tình hình thế giới: Nhật thắng Nga tại eo biển Đối Mã, người da vàng lấy lại niềm tin, biết có thể thắng được người da trắng đang làm chủ thế giới.
Phan Bội Châu về nước với mục đích đem Cường Để và một số sinh viên sang Nhật. Tháng 8/1905, Phan họp với Đặng Nguyên Cẩn[5] trong một chiếc thuyền trên sông Lam, rồi gặp Ngô Đức Kế, thủ lãnh phong trào Duy Tân và Đông Du Nghệ-Tĩnh ở Nghèn, bàn việc kinh tài cho phong trào Đông Du. Tháng 4/1906, Đặng Nguyên Cẩn và Ngô Đức Kế bắt tay xây dựng các cơ sở thương mại: Triêu Dương thương quán được thành lập khoảng tháng 11/1906, và các Nông hội, các Học hội khác lần lượt ra đời.
Phan lại lên đường sang Nhật. Gặp lại Lương Khải Siêu, nói đến những khó khăn về việc tìm sinh viên và kiếm trợ cấp. Lương khuyên nên có một bài văn cổ động việc này, Phan viết "Khuyến quốc dân tư trợ du học văn - Khuyên dân đóng góp cho việc du học, Lương in giùm ngàn trang để gửi về nước. Một lần nữa, tác phẩm của Phan Bội Châu lại gây xao động lòng dân: dân chúng đóng góp và sinh viên bắt đầu tìm đường sang Nhật. Khuyển giới thiệu Phan với Tôn Dật Tiên. Hội đàm 2 lần. Tôn khuyên Phan nên bỏ quân chủ chuyển sang dân chủ, nên liên kết với đảng Quốc Dân Trung Hoa để cùng tranh đấu, nhưng không đi đến thoả thuận nào. Đầu năm 1906, Phan Bội Châu trở về Hương Cảng đón Kỳ Ngoại Hầu. Hai thủ lãnh đã ở hải ngoại, Duy Tân hội có thể công khai, in rõ chương trình hành động, với ba tiêu chỉ: Đánh đổ Pháp - Khôi phục Việt Nam - Kiến thiết nhà nước quân chủ lập hiến. Lần này Phan đã chuyển sang con đường lập hiến.
Tháng 2/1906, Phan Bội Châu gặp Phan Châu Trinh tại nhà Lưu Vĩnh Phúc ở Quảng Châu. Rồi cùng sang Nhật. Thời gian ở chung tại Nhật, hai người đã tranh luận sôi nổi về đường lối cứu nước, nhưng hai hướng đi đối lập, không thể dung hoà. Phan Bội Châu: "Cụ thì muốn đánh đổ quân chủ, mà cốt vun trồng nền tảng dân quyền. Dựa vào Pháp mà đánh đổ quân chủ. Còn ý tôi thì muốn đánh đổ người Pháp trước, chờ nước mình độc lập rồi, mới bàn đến việc khác. Vì thế, đương lúc đánh với Pháp, phải lợi dụng quân chủ. (...) Cụ thì muốn dựa vào Pháp đánh đổ vua, tôi ưng theo lối bài Pháp phục Việt, sở dĩ mâu thuẫn với nhau là như thế"[6].
Phan Châu Trinh: "Một là đảng "cách mạng", một là đảng "tự trị". Nguồn phát khởi đảng "cách mạng" là Phan Bội Châu. Đảng "tự trị" người phát khởi là Phan mỗ mỗ- Phan Bội Châu chủ trương bạo động- Tôi xướng thuyết dựa vào người Pháp để tự lập"[7].
Tuy hai lãnh tụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh có hai đường hướng chính trị đối lập, nhưng phần lớn trí thức nho học như Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn, Lương Văn Can, Nguyễn An Khương... ủng hộ cả hai phong trào: Đông Du và Duy Tân. Sau hai tháng ở Nhật, Phan Châu Trinh thấy không thể nhờ Nhật, ông về nước, xúc tiến việc mở rộng phong trào Duy Tân, và từ đây con đường của hai người chia hai ngả. Phan Bội Châu trở lại Hoành Tân, thảo Hải ngoại huyết thư và viết Kính cáo toàn quốc phụ lão văn thay lời Cường Để, hiệu triệu đồng bào. Lại một lần nữa, ngòi bút Phan Bội Châu tác dụng lên quần chúng, nhất là người dân Nam Kỳ rất gắn bó với triều Nguyễn, sự đóng góp cho Duy Tân Hội và Kỳ Ngoại Hầu cao nhất trong nước.
Năm 1908, cách mạng Việt Nam chịu những tổn thất nặng nề: Ở trong nước, phong trào Trung Kỳ dân biến, chống thuế ở miền Trung, do ảnh hưởng Hải ngoại huyết thư của Phan Bội Châu và phong trào cúp tóc của Phan Châu Trinh, bị đàn áp dã man. Đông Kinh Nghiã Thục và một loạt các trường học, hãng buôn kinh tài cho Duy Tân và Đông Du bị đóng cửa. Các lãnh tụ Duy Tân và Đông Du: Nguyễn Thành, Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn... đồng loạt bị bắt, bị đi đầy. Riêng Trần Quý Cáp, thầy học của Phan Khôi, bị xử chém ở chợ Cạn tỉnh Khánh Hoà. Cái chết bi thảm của Trần Quý Cáp có lẽ là một trong những lý do khiến Phan Khôi sau này phê bình gay gắt tính chất bạo động của các cuộc nổi dậy chống Pháp: Trung kỳ dân biến (1908) và Xô-Viết Nghệ-Tĩnh (1930-31).
Tháng 3/1909, Nhật bắt tay với Pháp, trục xuất Phan Bội Châu, Cường Để và các sinh viên du học. Phan phải lánh sang Trung Hoa. 1911, Cách mạng Tân Hợi của Tôn Dật Tiên thành công, đem lại nguồn hy vọng mới. Tháng 11/1911, Phan tuyên bố "thủ tiêu" Duy Tân Hội lập Việt Nam Quang Phục hội (Khôi phục Việt Nam). Mua vũ khí và chuyển sang chiến đấu võ trang để khôi phục lãnh thổ.
1913, nhiều vụ bạo động xẩy ra ở trong nước do Quang Phục Hội lãnh đạo nhưng không đem lại kết quả mong muốn. Pháp đàn áp gắt gao. Quần chúng trước ủng hộ Phan Bội Châu, nay ngần ngại. Ảnh hưởng đấu tranh bất bạo động của Phan Châu Trinh, một thời bị lu mờ vì Phan Bội Châu, nay trở lại.
Phan Bội Châu không chỉ là nhà chính trị mà còn là nhà văn, nhà thơ lỗi lạc. Tác phẩm của ông khơi động tinh thần ái quốc của toàn dân. Từ Phan Bội Châu phát sinh dòng cách mạng bạo động: Lương Ngọc Quyến[8], Nguyễn Thái Học, Nguyễn Hải Thần, Hồ Chí Minh, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam...
Phan Châu Trinh chủ trương duy tân, dân chủ, tự lực, tự cường. Từ ông, phát xuất các phong trào tranh đấu bất bạo động: Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Hồ Hữu Tường, Phan Khôi...
● Phan Châu Trinh (1872-1926) và phong trào Duy Tân
Phong trào Duy Tân chủ trương bất bạo động, khôi phục đất nước bằng nâng cao dân trí, cải tổ mọi mặt xã hội: kinh tế, giáo dục và văn hoá, lập các nhà buôn lớn để tự lực, mở trường dạy học hiện đại, dạy quốc ngữ, bỏ từ chương, thêm khoa học và sinh ngữ. Chọn nền chính trị dân chủ.
Phan Châu Trinh sinh ngày 9/9/1872, tại làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Cha là Phan Văn Bình, một võ quan ở biên giới vùng núi. Mẹ là Lê Thị Chung. Thiếu thời, Phan theo cha học võ và tham dự phong trào Cần Vương. Năm 1887, cha bị lãnh đạo nghi ngờ, xử tử. Phan được anh cả là Phan Văn Cừ trông nom, trở về đi học. Đậu cử nhân năm 1900, phó bảng, 1901. Bạn học cùng khoá với Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Nguyễn Đình Hiến, Ngô Đức Kế, Nguyễn Sinh Huy (cha Nguyễn Tất Thành). Tất cả đều đỗ đạt cao. Năm 1903, Phan được bổ làm Thừa Biện Bộ Lễ. Nhưng ông chỉ làm việc hơn một năm rồi xin từ chức.
Tháng 2/1905, Phan Châu Trinh cùng Trần Quý Cáp (1874-1908), Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) rủ nhau đi Nam. Qua Bình Định, gặp kỳ thi, cả ba mạo danh vào thi. Đề thi là Chí thành thông thánh[9], Phan làm bài thơ Chí thành thông thánh còn Trần và Huỳnh làm bài phú Danh sơn lương ngọc[10]. Hai tác phẩm sẽ được quảng bá rộng rãi trong quần chúng và phát động phong trào Duy Tân[11].
Huỳnh Thúc Kháng chỉ ghi chuyến đi Nam là chuyến "đi chơi, đi du lịch",kỳ thực lúc đó ba người tìm đường sang Nhật. Nguyễn Tử Trực khai: "Họ được biết tin có tầu Nhật cập bến Khánh Hoà và họ muốn tìm đường Đông Du và vì vậy phải cải trang thành thương nhân lên tầu bán hàng để rồi theo tầu về phía Đông; họ không ngờ rằng khi đến đó, chỉ thấy có tầu Nga mà không có tầu Nhật; họ bèn quay trở về để đi Phan Thiết và tìm đường để đi về phía Đông"[12]. Vào Bình Thuận. Trần và Huỳnh xem xét tình hình rồi về Quảng. Phan bị ốm ở lại Phan Thiết. Ốm chỉ là cớ, vì theo Hồ Tá Khanh: "Thời cơ đó rất thuận tiện cho Phan Châu Trinh ở lại mấy tháng bàn bạc với anh em và hoạt động ngay. Trước mắt nhà cầm quyền Pháp, bọn quan lại triều đình không dám hó hé. Thư xã được lập ngay trong năm 1905 mà diễn giả đầu tiên là cụ Tây Hồ... Liên Thành ra mắt năm 1906 và năm 1907 trường Dục Thanh mở cửa"[13]. Đó là những cơ sở đầu tiên của phong trào Duy Tân trên đất nước.
Sở dĩ phong trào Duy Tân phát triển được, vì đó là thời toàn quyền Paul Beau (1902-1908), người đã từng làm đại sứ ở Trung Hoa. Từ khi nhậm chức, Beau hết sức cải tổ chính trị, mở thêm các trường Pháp-Việt và Đại học đầu tiên ở Đông Dương[14]. Toàn quyền Antoine Klobukovski kế nhiệm (1908-1910) áp dụng một chính sách hà khắc hơn nhiều.
Cuối 1905, Phan Châu Trinh ra Bắc, liên lạc với Lương Văn Can và các thân sĩ Bắc Hà để lập cơ sở Duy Tân ở Bắc (sẽ là trường Đông Kinh Nghiã Thục), gặp Đề Thám, sang Quảng Châu gặp Phan Bội Châu rồi hai người cùng sang Nhật. Quan sát tình hình chính trị và dân trí nước Nhật, bàn luận với Phan Bội Châu, biết không cùng chí hướng: Phan Châu Trinh về nước, xúc tiến con đường duy tân.
Về nước tháng 6/1906. Phan Châu Trinh gửi cho toàn quyền Beau bản "Đầu Pháp chính phủ thư"[15], lên án gắt gao triều đình và quan lại. Phan hoạt động không ngừng: phát động phong trào cắt tóc ngắn, liên lạc với các sĩ phu, tìm sự ủng hộ của các nhân vật quan trọng như Hoàng Cao Khải, phó vương kinh lược sứ Bắc Kỳ và nhà tỷ phú Bạch Thái Bưởi[16], tham gia xây dựng Đông Kinh nghiã thục...[17]
● Đông Kinh nghiã thục và Trung Kỳ dân biến
Ở số 10 Hàng Đào[18] năm 1906, là cửa hiệu của bà Lương Văn Can, nhưng trên gác, là nơi hội họp của các nhà cách mạng mà thủ lãnh là Lương Văn Can. Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh, đều đến luận bàn với họ mỗi khi ra Bắc. Đó là trụ sở Đông Kinh Nghiã Thục.
Đông Kinh là tên kinh đô Thăng Long thời nhà Hồ. Nghiã Thục là dạy không tốn tiền. Chọn tên Đông Kinh là đã ngụ ý theo sự duy tân của Hồ Quý Ly và cảcách mạng Hồ Quý Ly nữa. Bởi Đông Kinh nghiã thục, chủ trương cả hai đường:cách mạng bạo động và duy tân văn hoá, của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh[19].
Nhiều nho sĩ góp tiền và dạy không công - ngày 2 bữa cơm và ngủ ngay tại trường. Các lớp dạy miễn phí. Tiểu học: Việt văn. Trung và Đại học thêm Hán và Pháp văn. Một tháng 2 lần diễn thuyết. Bỏ lối học từ chương khoa cử. Trần Hữu Dực và Nguyễn Quyền đứng đơn xin mở trường[20], Lương Văn Can, hiệu trưởng. Nguyễn Quyền, giám học.
Tháng 3/1907, mở hai lớp đầu tiên. Tháng 5/1907 mới chính thức được giấy phép. Số học sinh gia tăng rất nhanh. Đào Trinh Nhất đã học, cho biết có khoảng hơn ngàn[21] và Nguyễn Văn Vĩnh cũng viết: "Bài nói chuyện cuối cùng của tôi về trường Đại học cho Việt Nam đã được trên 500 người nghe"[22]. Trường có ban tu thư để soạn sách và dịch sách lấy. Có máy in. Các sách của trường in ra không còn dấu vết, nhưng những bài ca ái quốc còn truyền lại. Cuốn Hải Ngoại huyết thư của Phan Bội Châu đã được trường quảng bá khắp nước. Đông Kinh Nghiã Thục phát động phong trào yêu nước, phổ biến các bài ca yêu nước nhưThiết Tiền Ca của thầy đồ Tây Tựu, và qua các buổi diễn thuyết. "Các giáo sư như Dương Bá Trạc, Nguyễn Quyền, Nguyễn Văn Vĩnh thay phiên nhau đăng đàn, nhưng nhà hùng biện nhất vẫn là cụ Tây Hồ. Mỗi lần ở Quảng Nam ra thì cụ đều lại Nghiã thục để diễn thuyết"[23]. Tất nhiên chính quyền thuộc địa phải tìm cách dẹp.
Tháng 1/1908, trường bị thu giấp phép[24].
Hoạt động chưa được một năm, nhưng ảnh hưởng của Đông Kinh Nghiã Thục rất quan trọng trong thế kỷ XX: Đó là cái nôi đầu tiên xây dựng nền Việt học.
Đông Kinh Nghiã Thục bị đóng cửa tháng giêng, đến tháng 4/1908, khởi phát phong trào Trung Kỳ dân biến: dân chúng nổi dậy chống thuế. Bạo động. Khâm sứ Trung Kỳ Lévecque, Toàn quyền lâm thời Bonhoure và sau đó toàn quyền Klobukovski thẳng tay đàn áp, mượn cớ dẹp luôn Duy Tân và Đông Du: Phan Châu Trinh bị bắt ở Hà Nội, giải về Huế. Trong tư liệu mới về Phan Châu Trinh, bà Lê Thị Kinh tức Phan Thị Minh, cháu ngoại cụ Phan tìm thấy các chứng cớ chứng minh chính khâm sứ Trung Kỳ Lévecque đích thân chỉ đạo việc đàn áp cùng với toàn quyền lâm thời Bonhoure, quyết định kết án tử hình Phan Châu Trinh, nhưng nhờ Phủ Phụ chính, đặc biệt các quan thượng thư Cao Xuân Dục và Lê Trinh chống lại Lévecque, đổi án tử hình sang đầy Lao Bảo, Lévecque-Bonhoure đổi thành Côn Đảo. Sau vụ Phan Châu Trinh, Lévecque không cho đưa Trần Quý Cáp vào Huế để phủ Phụ Chính xử nữa, mà giam ông ở Khánh Hoà, rồi lệnh cho quan lại Khánh Hoà chém ngay, không để cho triều đình kịp can thiệp. Từ trước đến nay chúng ta vẫn tưởng nhờ Ernest Babut vận động Hội Nhân Quyền can thiệp mà Phan Châu Trinh thoát án tử hình.
Ngày 1/4/1911, Phan Châu Trinh và con trai là Phan Châu Dật rời Sài Gòn. Ngày 27/4/1911, tàu đến Marseille, đi xe lửa tốc hành lên Paris, ở hôtel rue Gay Lussac từ 27/4 đến 2/5. Sau đó chuyển đến ký túc xá Guyau của sinh viên, số 32 rue Vouillé[25]. Châu Dật học ở Montparnasse. Tháng 4/1913, Phan Châu Trinh trọ ở hôtel rue l'Abbé de l'Epée, Paris 5e. Tháng 10/1913, ông dọn sang hôtel rue Cujas, Paris 5e.
Tại Paris, Phan viết Trung Kỳ dân biến thỷ mạt ký điều trần với chính phủ Pháp nỗi đau khổ của người dân, vì sưu cao thuế nặng mà phải nổi lên chống thuế, rồi bị đàn áp dã man, mong chính quyền thuộc địa thay đổi chính sách.
Từ đây, kháng chiến chống Pháp bước sang giai đoạn thứ ba: đòi tự do dân chủ và độc lập bằng ngòi bút. Phan Văn Trường khởi động tại Pháp năm 1912, lập Hội Đồng bào Thân Ái, cùng Phan Châu Trinh lãnh đạo phong trào Việt kiều. Tháng 6/1919, Phan Văn Trường viết Thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam, ký tên Nguyễn Ái Quấc, gửi Hội Nghị Hoà Bình Versailles, công khai đòi tự do dân chủ. Phong trào chống Pháp tại Pháp bắt đầu.
Những người chủ chốt được gọi là Ngũ Long gồm Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Tất Thành.
● Phan Văn Trường (1878-1933)
Nhờ hồi ký Une histoire de conspirateurs annamites à Paris ou la vérité sur L'Indochine - Chuyện những người An Nam âm mưu ở Paris hay sự thật về Đông Dương của Phan Văn Trường, do sử gia Ngô Văn sưu tầm, in lại ở Paris, nxb l'Insomniaque, 2003, ta được biết thêm nhiều sự kiện mới về Phan Văn Trường.
Phan Văn Trường sinh năm 1878 tại làng Đông Ngạc, tỉnh Hà Đông, trong một gia đình 6 anh em. Con ông Phan Huy Quang và bà Phan Thị Nghiêm. Học trường Dòng, rồi trường thông ngôn. Làm phán sự ở Toà Sứ. Viên chánh văn phòng Toà Thống Sứ nhận xét: "Được giao làm các công bố chính thức, Trường hoàn thành nhiệm vụ rất cẩn thận và khéo léo. Có trí thông minh thực vô song, Trường sẽ là một phán sự cực giỏi có thể thay hẳn một viên chức người Âu".Nhưng sau đó thêm vào: "Có những biểu hiệu cứng đầu rất rõ rệt và những hành động gần như vô kỷ luật"[26].
Năm 1908, đậu ngạch tham tá, biệt phái sang Paris làm giáo sư phụ giảng tiếng Việt[27] tại trường Ngôn Ngữ Đông Phương[28] và học Luật. Ông đi Pháp theo nghị định ngày 8/11/1908 của phủ Toàn quyền. Ông nhập Pháp tịch ngày 18/3/1911.
Năm 1912, xong cử nhân, ông ghi tên vào luật sư đoàn, tập sự tại toà Thượng Thẩm Paris. 1912, ông gặp Phan Châu Trinh, lập hội Đồng Bào Thân Ái, cơ sở đầu tiên của Việt kiều yêu nước tại Pháp. Vì hoạt động này, đầu tháng 1/1913, khế ước dạy học của ông bị huỷ.
Từ tháng 4/1913, Việt Nam Quang Phục Hội của Phan Bội Châu tổ chức nhiều cuộc bạo động ở Bắc và Trung. Ngày 26/4/1913, nhân vụ ném bom tại một quán cà phê, hai sỹ quan Pháp bị chết ở Hà Nội, chính quyền bảo hộ bắt người anh cả của ông là Phan Tuấn Phong -trí thức nho học- và con trai 13 tuổi là Phan Trắc Cư. Ngày 30/6/1913, khám nhà em trai ông là Phan Trọng Kiên lấy cớ tìm được ở nhà ông Kiên những thư từ liên lạc với ông Trường. Hai anh em và Cư bị đầy chung thân biệt xứ sang Nouvelle-Calédonie. Nhiều năm sau, nhờ luật sư Marius Moutet can thiệp, mới được trở về.
Ngày 31/10/1913, Bộ Thuộc Địa gài bẫy, dùng lá thư của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để ở Đức gửi Phan Châu Trinh, để kết tội hai ông Phan liên lạc với Việt Nam Quang Phục Hội, năm sau sẽ buộc tội hai ông "âm mưu chống nhà nước Pháp" qua bản khai (man) của Nguyễn Như Chuyên. Chuyên đi cùng tàu với Phan Châu Trinh sang Pháp, ở cùng khách sạn với Phan Châu Trinh, rue L'Abbé de l'Épée, rồi Cujas, có nhiệm vụ theo dõi Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường.
Ngày 13/3/1914, Phan Văn Trường được mời dự Hội thảo về vấn đề Đông Dương ở trường Cao Đẳng Xã Hội[29], Albert Sarraut[30] lo ngại, can thiệp với Bộ Thuộc Địa, không cho Phan Văn Trường diễn thuyết nhưng không thành. Phan Văn Trường nói về đề tài: Les revendications indigènes - Những thỉnh nguyện của người bản xứ[31].
Bài diễn văn không nhắm trực tiếp vào những đòi hỏi độc lập dân chủ, vì ông biết đòi lúc này vô ích, nhưng ông phê bình đến nguồn cội của chính sách thực dân kiểu Âu châu từ thời La Mã, rồi so sánh và đối chất với hệ thống đô hộ kiểu Tàu, là nguồn cội xuất phát đế quốc An Nam. Bài diễn thuyết làm chính quyền thực dân lo ngại.
Thế chiến bùng nổ. Cuối tháng 7/1914, lệnh tổng động viên, vì có quốc tịch Pháp, Phan Văn Trường bị gọi đi lính. Ngày 12/9/1914, đang đóng ở Chartres, ông bị đưa về Paris, giam trong binh ngục Cherche-Midi. Phan Châu Trinh bị bắt ngày 15/9/1914, bị giam tại ngục Santé. Lý do giả là lá thư của Cường Để. Lý do thực là Hội Đồng Bào Thân Ái, đã được dự thẩm toà án binh, quan ba[32] Caron viết ra: "Ngày 22/8/1914 có công văn của Bộ trưởng thuộc địa gửi cho Bộ trưởng quốc phòng thông báo: Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường trong hai năm qua đã kích động sinh viên và đồng bào thù ghét chính phủ Pháp và đưa họ vào một tổ chức có mầm mống phản loạn"[33].
Trong bản hỏi cung ngày 8/4/1915, Nguyễn Như Chuyên khai hết những "âm mưu chống phá chính quyền" của hai ông Phan với những "bằng chứng": ông Trường sang Anh nhiều lần tìm cách liên lạc với cách mạng Trung Hoa, ông Trinh được chính phủ Đức cho tiền để mua súng đạn, tổ chức lật đổ chính quyền Pháp tại Việt Nam[34], điều này hoàn toàn bịa đặt, vì Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh đều chống cách mạng bạo động. Dù là "sinh viên", Nguyễn Như Chuyên cũng "bị" bắt giam vào binh ngục cùng Phan Văn Trường, Chuyên dụ ông Trường muốn thoát án tử hình, phải viết đơn cầu cứu Thủ lãnh Luật sư đoàn hay dự thẩm Caron, nhưng Phan không viết.
Tháng 7/1915, nhờ luật sư dân biểu đảng Xã hội Marius Moutet, đồng nghiệp của Phan tại toà Thượng thẩm, yêu cầu Thủ tướng Pháp can thiệp cho ông xem hồ sơ, bởi vì nó trống. Albert Sarraut phải nhượng bộ. Toà tuyên miễn tố. Lệnh thả ký ngày 13/7/1915. Ngay khi ra tù, Phan Văn Trường biết từ đây mình có thể bị bắt và bị án tử hình bất cứ lúc nào, ông dặn Moutet mọi việc hậu sự.
Phan Văn Trường được gửi về Công Binh Xưởng Toulouse, làm thông ngôn cho lính thợ. Tại đây, ông vẫn bị Bộ Thuộc Địa, do André Salles chủ mưu -sẽ nói rõ hơn ở các chương sau- thâm thù Phan Văn Trường về việc trường Parangon và Hội Đồng Bào Thân Ái, tiếp tục theo dõi. Tháng 2/1916, Salles lại viết thư yêu cầu Bộ Quốc Phòng mở lại ăng-kết về ông, nhưng không có kết quả.
Đến tháng 6/1917, nhân việc viết đơn xin giãi ngũ cho một binh sĩ, Phan lại bị truy tố về tội "chủ mưu xui giục" công binh Việt Nam viết đơn xin giải ngũ[35]. Nhưng ông được thiếu tá chỉ huy Malacamp bênh vực. Tướng Mas đến Toulouse gặp Phan Văn Trường, sau đó Bộ Quốc Phòng trả lời dứt khoát Bộ Thuộc Địa, không chuyển Phan Văn Trường đi đâu hết vì không có bằng cớ gì cả.
Trong thời gian ở Toulouse, Phan kết bạn với Louise Vert -không ở chung- ở số 58 Rue Côte Pavé, sinh con trai Robert Phan, nhưng biết mình làm chính trị, có thể bị bắt bất cứ lúc nào, ông giấu tung tích vợ con. Bà liên lạc với ông qua địa chỉ ông Khánh Ký.
Tháng 4/1919, được giải ngũ, ông trở lại ở Paris. Luôn luôn bị mật thám theo dõi. Từ lúc này, địa chỉ số 6 villa des Gobelins, quận 13, Paris, nhà Phan Văn Trường, được coi là "trụ sở" của Hội Người An Nam Yêu Nước.
Tháng 6/1919 ông viết bản Les revendications du peuple annamite - Thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam, ký tên Nguyễn Ái Quấc, đưa Nguyễn Tất Thành đem đến Hội Nghị Hoà Bình ở Versailles. Bản thỉnh nguyện không được Hội Nghị Hoà Bình lưu ý, nhưng làm cho chính quyền Pháp nổi giận, sẽ được ghi lại như văn bản đầu tiên đòi tự do dân chủ của người Việt gửi đến chính phủ Pháp và Đồng Minh.
Từ cuối 1919 đến giữa 1922 Phan Văn Trường thường sang Rhénanie biện hộ tại toà án binh Mayence. Đây là vùng đất Đức, thuộc Pháp từ 1793 đến 1914 Đức mới lấy lại. Ông sang đây cãi ở toá án binh, vì ở Paris không thể làm việc được: thân chủ ông bị mật thám theo dõi và đe doạ. Ngày 3/6/1922, ông trình luận án tiến sĩ, đề tài Essai sur le Code Gia Long - Khảo luận về Luật Gia Long.
Phan Văn Trường rời Pháp ngày 22/12/1923, đến Sài Gòn ngày 21/1/1924. Ra Bắc thăm gia đình, rồi trở vào Sài Gòn ngày 6/2/1925. Mở văn phòng chung với luật sư Paul Monin, nổi tiếng bảo vệ người An Nam, ở số 119 đường Mac-Mahon. Ông diễn thuyết và viết báo, cộng tác với Nguyễn An Ninh làm báo laCloche Fêlée - Chuông Rè, cùng nhau viết nhiều bài chỉ trích chính quyền Pháp, nhưng Ninh để cho Trường ký, vì Trường có quốc tịch Pháp, thực dân không dám thẳng tay trừng trị như Ninh[36]. Ngày 26/11/1925, Phan Văn Trường thay Dejean de la Bâtie làm giám đốc tờ Chuông Rè[37]. Với các bài viết và các buổi diễn thuyết, nhóm Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, rồi sau này Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm... khuynh đảo tình hình chính trị tại Nam Kỳ.
Phan Châu Trinh lên đường về nước ngày 18/5/1925 cùng Nguyễn An Ninh và mất ngày 24/3/1926 tại Sài Gòn.
Vì tội tổ chức mít-tinh ở Vườn Xoài, Ninh bị bắt ngày 20/3/1926. Bốn ngày sau Phan Châu Trinh mất. Phan Văn Trường tiếp tục tờ Chuông Rè, mở rộng với nhóm Đệ tứ và đổi thành L'Annam từ 1/5/1926. L'Annam ra tới tháng 2/1928 phải đình bản, vì Phan Văn Trường bị toà Tiểu hình Sài Gòn kết án 2 năm tù ngày 27/3/1928[38] với những "tội" sau đây:
1- Báo An Nam năm 1926, đăng bản kêu gọi Hội Quốc Liên của báo Việt Nam Hồn và đảng Phục Việt[39] đòi quyền độc lập cho Việt Nam.
2- Đăng một bài trích báo L'Humanité Paris, xúi giục quân lính Việt Nam ở Trung Hoa bất tuân lệnh.
3- Cổ động dân chúng làm lễ truy điệu Lương Văn Can.
Toà Thượng Thẩm y án. Phan Văn Trường chống lên toà Phá Án Paris và sang Pháp để tự biện hộ. Toà Phá Án y án. Phan Văn Trường vào tù tháng 6/1929. Luật sư Marius Moutet, dân biểu đảng Xã Hội, vận động ân xá. Phan Văn Trường được trả tự do tháng 2/1930. Ông về nước, mở phòng cố vấn pháp luật tại Sài Gòn. 1933 ông ra Bắc thăm gia đình và mất tại nhà anh là Phan Cao Lũy, 25 phố Gambetta -Trần Hưng Đạo, Hà Nội, ngày 22/4/1933 vì bệnh đau gan[40].
● Nguyễn Thế Truyền (1898-1969)
Nguyễn Thế Truyền là khuôn mặt thứ nhì sau Phan Văn Trường trong nhóm Ngũ Long. Nhờ cuốn Thân thế và sự nghiệp nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyềncủa Đặng Hữu Thụ, chúng ta có thể biết rõ về Nguyễn Thế Truyền.
Nguyễn Thế Truyền sinh ngày 17/12/1898 tại làng Hành Thiện, tỉnh Nam Định trong một gia đình khoa bảng nổi tiếng. Cha là Nguyễn Duy Nhạc. Ông là Nguyễn Duy Hàn, tuần phủ Thái Bình, bị hạ sát ngày 12/4/1913, vì bom của Phan Văn Tráng, trong Quang Phục Hội (Phan Bội Châu). Năm 1910, 12 tuổi, Truyền được phó công sứ Thái Bình Dupuy đem về Pháp du học. Vào nội trú trường Parangon[41] (trực thuộc Alliances françaises[42]) lúc đó do André Salles, cựu thanh tra thuộc địa, làm hiệu trưởng. Trường Parangon có mục đích đào tạo trẻ em thuộc địa trở thành "công dân tốt" trung thành với mẫu quốc.
Là học sinh xuất sắc, Nguyễn Thế Truyền liên tiếp được học bổng của Alliances françaises từ 1913 đến 1922. Năm 1915, đậu Brevet Supérieur, về nước một năm, học thêm Hán văn, rồi trở lại Pháp học tiếp kỹ sư hóa học (1916-1920) ở Toulouse.
Tháng 8/1920, sau khi tốt nghiệp kỹ sư, về nước một năm, học tiếp Hán văn. Tháng 8/1921 trở lại Paris, sửa soạn luận án tiến sĩ, học thêm triết và đậu cử nhân triết năm 1922.
Khi mới trở lại Paris, Nguyễn Thế Truyền ở số 3 Champollion, Paris 5e.
Đầu năm 1922, ông đến ở nhà Phan Văn Trường, số 6 villa des Gobelins - Từ cuối 1919 đến 1922, Phan Văn Trường hay đi Đức, biện hộ tại toà án binh Mayence. Khi Phan Văn Trường về lại Pháp, Nguyễn Thế Truyền mướn nhà số 6 rue Saint Louis en l'Ile, Paris. Kết duyên với cô La Tour, y tá, sống chung từ cuối 1922, có bốn con.
Nguyễn Thế Truyền là một con rồng lớn trong nhóm Ngũ Long, ông đã khuynh đảo chính sách thực dân bằng ngòi bút, đặc biệt trên tờ Le Paria, với sự cộng tác của Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thế Phu - chú của Truyền.
Nguyễn Thế Truyền vào đảng Xã Hội, rồi đảng Cộng Sản[43]. Năm 1925, ông làm phó tổng thư ký hội Liên Hiệp Thuộc Địa - Union intercoloniale và chủ bút tờ Le Paria - Người cùng khổ. Năm 1926, ông rời Le Paria, ra báo Việt Nam Hồn. Tháng 5/1927, ông tách khỏi bộ phận thuộc địa của đảng Cộng Sản Pháp và lập đảng Việt Nam Độc Lập[44].
Báo Việt Nam Hồn ra công khai được tám số[45] thì bị Albert Sarraut, lúc đó là tổng trưởng Nội Vụ, ra lệnh cấm. Vẫn lén lút ra. Sau đổi tên là Hồn Việt Nam,ra được bốn số, rồi đổi là Việt Nam từ tháng 9/1927. Từ khi Việt Nam Hồn bị cấm, Truyền ra công khai tờ Phục Quốc. Hai tờ Le Paria và Việt Nam Hồn mà Nguyễn Thế Truyền là linh hồn, đã ảnh hưởng sâu xa đến cách mạng Việt Nam. Ngày 7/12/1927 Nguyễn Thế Truyền và gia đình cùng Nguyễn An Ninh lên tàu về nước. Nguyễn Văn Luận thay thế quán xuyến mọi việc. Gia đình Nguyễn Thế Truyền về Sài Gòn ở nhà Nguyễn An Ninh một tháng, ra Huế thăm Phan Bội Châu 3 ngày, rồi đi Vinh thăm bà dì ruột.
Đầu tháng 3/1928, trở về quê làng Hành Thiện ở ít lâu rồi lên Nam Định cư ngụ số 22 đường Sài Gòn[46]. Lúc đó cha ông là Nguyễn Duy Nhạc đang làm tri phủ Quốc Oai, Sơn Tây, Nguyễn Thế Truyền từ chối mọi đề nghị làm việc với Pháp, sống bằng phần ruộng gia đình, tự trông nom mùa màng, giúp Nguyễn Thế Song, đã về mở xưởng sửa chữa máy móc và xe hơi ở Hà Nội, để sống và kinh tài cho đảng Việt Nam Độc Lập. Xưởng bị mật thám xét, thợ thuyền bị đe dọa, khách hàng bị tra hỏi, giữa năm 1928 phải đóng cửa. Nguyễn Thế Truyền viết sách về các phong trào ái quốc, bằng tiếng Pháp, nhờ một nhà nho dịch sang chữ Hán và quốc ngữ, đem sang Trung Hoa in[47] nhưng chắc bị tịch thu, không còn dấu vết.
Nguyễn Thế Truyền tìm cách liên lạc với Nguyễn Hải Thần và Đặng Hữu Bằng -người Hành Thiện- đệ tử Phan Bội Châu, sĩ quan cao cấp trong quân đội Trung Hoa và giáo sư trường võ bị Hoàng Phố. Tin này bị lộ, Truyền bị bắt 1933. Bà Truyền nhờ hội Chống Thực Dân can thiệp, mới được thả. Trong thời gian ở Bắc, Nguyễn Thế Truyền làm ba việc khiến người dân bị trị khâm phục: Tát Tổng đốc Vi Văn Định - Kiện chính quyền bảo hộ Bắc Kỳ - Bắt viên chánh cẩm Pháp tại Nam Định phải xin lỗi trước mặt công sứ Nam Định. Không thành công trong việc xây dựng đảng Việt Nam Độc Lập tại Việt Nam vì hoàn toàn bị theo dõi và cô lập và trong khi ông vắng mặt thì đảng ở Pháp bị giải tán.
Nguyễn Thế Truyền quyết định trở lại Pháp, ngày 26/3/1934 đến Marseille. Tại Paris, để sinh sống, ông bán báo rong. Diễn thuyết và viết báo. Xác định lập trường: Việt Nam không chấp nhận chủ nghiã vô sản chuyên chính vì các nhà lãnh đạo đệ tam hay đệ tứ đều tuân theo mệnh lệnh của Staline, Trotsky. Ở Việt Nam từ xưa đến nay, không có giai cấp rõ rệt, ai học giỏi thì đỗ ra làm quan. Không có chuyện cha truyền con nối. Không có giai cấp bóc lột. Không cần đấu tranh giai cấp. Chủ nghĩa cải cách của Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh cũng không đi xa được vì những cải cách mà người Pháp đưa ra chỉ có tính cách vặt vãnh, không khi nào thực dân bỏ quyền lợi của họ ở Việt Nam. Chỉ có chủ nghiã quốc gia, nặng về nhân trị, không bài ngoại, là thích hợp với dân tộc. Nguyễn Thế Truyền hoạt động cho Liên Minh chống chính sách thuộc địa -Fédération anticolonialiste do Marius Moutet và Joseph Lagrosillière sáng lập năm 1935. Ông thành lập Tập Đoàn Đông dương -Rassemblement Indochinois năm 1936. Vận động các tổ chức nhân quyền, các ủy ban đòi ân xá chính trị phạm, bênh vực Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Tạo, Tạ Thu Thâu... bị giam ở Sài Gòn. Hoạt động đến hết 1938 mới về nước. Từ 1934 đến 1937, vợ con ông vẫn ở Nam Định, do cha mẹ ông trông nom. Khi hai con gái ông xin học bổng thì bị bác vì tên là Nguyễn Trưng Trắc, Nguyễn Trưng Nhị, bị coi là "những con rắn nhỏ" lớn lên sẽ đánh Pháp như Trắc, Nhị đánh Tàu. Vợ con ông bị nhóm thực dân ở Nam Định kỳ thị và thù ghét. Tháng 3/1937, bà nhận làm y tá, nghề cũ, tại trường Yersin và đem các con vào Đà Lạt. Sau khi bà mất các con ông được các linh mục đỡ đầu. Trưng Trắc sau làm tu sĩ ở Pháp. Trưng Nhị, giáo sư triết ở Anh. Quốc Tuấn học âm nhạc tại Tây Đức, Thế Hào học về cơ khí ở Pháp.
Nguyễn Thế Truyền không gặp lại vợ con khi về nước. Vợ ông mất giữa năm 1940, các con báo tin cho ông nhưng nhà cầm quyền chặn thư. Sau biết tin, ông xin vào Đà Lạt nhưng không được phép. Ông và Nguyễn Thế Song bị Pháp bắt ở Nam Định[48] theo quyết định của toàn quyền ngày 3/5/1941 bị đưa lên Sơn La, và cuối 1941, bị đầy sang an trí ở Madagascar, tới tháng 6/1946, Marius Moutet mới can thiệp được cho hai anh em trở lại Việt Nam, nhưng bị quản thúc tại Sài Gòn đến giữa 1947.
Nguyễn Thế Truyền mất ngày 19/9/1969 tại Sài Gòn. Mộ của ông ở nghiã trang Hội Gò Công tương tế, gần phi trường Tân Sơn Nhất, sau bị chính quyền cộng sản san bằng[49].
● Nguyễn An Ninh (1900-1943)
Hai gia đình cách mạng lớn thế kỷ XX là gia đình cụ Lương Văn Can ở Bắc và cụ Nguyễn An Khương trong Nam. Không những hai cụ là những nhà nho lãnh đạo phong trào Duy Tân và Đông Du ở Bắc và Nam, mà còn là thân phụ của hai người anh hùng: Lương Ngọc Quyến - Nguyễn An Ninh, tiêu biểu cho hai khuynh hướng cách mạng: bạo động của Phan Bội Châu và bất bạo động của Phan Châu Trinh.
Nguyễn An Ninh sinh ngày 5/9/1900 tại Chợ Lớn. Gia đình gốc Quán Tre, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Cha là Nguyễn An Khương, mẹ là Trương Thị Ngự, chú Nguyễn An Cư và bác Nguyễn Thị Xuyên, đều tham gia cách mạng. Đại diện Đông Kinh Nghiã Thục trong Nam, Nguyễn An Khương lập khách sạn Chiêu Nam Lầu tài trợ cho Duy Tân và Đông Du. Dịch sách chữ Hán sang tiếng Việt. Viết bài trên Nông Cổ Mín Đàm cổ động lòng yêu nước. Nguyễn An Cư, là nhà văn, nhà nho uyên thâm, thày thuốc Nam nổi tiếng.
Nguyễn An Ninh nhận hai nền giáo dục từ nhỏ: Hán học, do cha và cô ruột dạy và Pháp văn ở trường Sở Cọp, gần Vườn Bách Thú, rồi sau vào trường Dòng Taberd và lycée Chasseloup - Laubat. Làm báo tiếng Pháp rất sớm khi vừa xong bằng Brevet Élémentaire - Thành Chung. Nổi tiếng bất khuất, chửi Tây, đánh Tây. Thủa nhỏ có tật nói cà lăm, nhưng tự luyện khỏi cà lăm. Khi ở Paris, ngày nghỉ thường ra ngoại ô, vào rừng luyện giọng hàng giờ, sau trở thành nhà diễn thuyết hùng hồn, lôi cuốn. Năm 1916, Ninh ra Hà Nội học y khoa, sáu tháng sau bỏ qua Luật. 1918, Ninh về Sài Gòn, rồi sang Pháp học tiếp Luật. 1920, đậu cử nhân Luật[50]. Đậu xong cử nhân, cha gọi về nước cưới vợ. Vì Ninh đánh hai người Pháp có thái độ hỗn xược trong rạp xi-nê, trước mặt ông anh rể tương lai, ông này sợ quá, huỷ bỏ lễ cưới[51]. Tháng 7/1920, Ninh đi Pháp lần thứ nhì, chuẩn bị làm luận án tiến sĩ Luật.
Tháng 10/1922, Ninh về nước sau khi đi Âu Châu (Anh và Ý), diễn thuyết nhiều lần tại Hội Khuyến Học Nam Kỳ, đả kích chính sách thực dân, phát huy tinh thần dân chủ, được thanh niên hưởng ứng. Tháng 2/1923, Ninh trở lại Pháp, viết báo, mời Phan Văn Trường về nước làm báo. Tháng 8/1923, Ninh về nước. Tháng 12/1923, ông Trường về nước.
Đêm 15/10/1923, Nguyễn An Ninh diễn thuyết ở hội Khuyến Học Sài Gòn, bài Cao Vọng Thanh Niên, có tiếng vang lớn, thống đốc Nam Kỳ Cognacq gọi Ninh lên cảnh cáo. Ngày 10/12/1923, phát hành số 1, báo La Cloche fêlée - Chuông rè, toà soạn đặt tại số 29 đường Pierre Flandin - Bà Huyện Thanh Quan[52] do Nguyễn An Ninh sáng lập, Dejean de la Bâtie làm chủ nhiệm. La Cloche fêlée là cơ quan ngôn luận đầu tiên chống Pháp công khai và mãnh liệt tại Việt Nam. Nguyễn An Ninh viết bài, lên trang, đưa in và tự mình đem báo đi bán. Báo viết tiếng Pháp, đánh thẳng vào các chính sách thực dân. Đến số 19, ra ngày 14/7/1924, báo phải tạm ngưng[53]. Cuối năm 1924, Nguyễn An Ninh kết hôn với cô Trương Thị Sáu.
Tháng 1/1925, Nguyễn An Ninh lại sang Pháp, ở Pháp gần một năm, lần này đón Phan Châu Trinh về nước[54]. Ngô Văn cho biết: "Trước khi lên đường ba hôm, Ninh và Trinh tham dự cuộc mít tinh tập hợp hơn 800 người Pháp và Đông Dương tại hội trường Hội Bác Học- Hôtel des Sociétes savantes". Kết quả cùng ký một quyết nghị gửi chính phủ Pháp[55], đòi tự do, dân chủ cho Việt Nam, tương tự bản Thỉnh Nguyện Thư tám điểm của Phan Văn Trường.
Một mật báo viết: "Phan Châu Trinh đã xuống tàu hôm 28/5/1925 về Sài Gòn (...) Cùng chuyến tàu có tên phiến loạn chống Pháp là Nguyễn An Ninh cùng về. Cũng có quyển France en Indochine [56] chống Pháp một cách đáng ghét đã được đem về trong chuyến này. Yêu cầu không được phổ biến quyển sách này. Xin làm mọi cách để ngăn cấm"[57].
Tờ Chuông rè im lặng 20 tháng, khi Phan Bội Châu bị bắt đưa về Hà Nội, bị đưa ra toà ngày 23/11/1925 về tội "phiến loạn", Nguyễn An Ninh tung trở lạiChuông rè ngày 26/11/1925[58], phát động chiến dịch bảo vệ Phan Bội Châu cùng với Đông Pháp Thời Báo. Nguyễn Thế Truyền ở Pháp lập tức vận động Hội Liên Hiệp Thuộc Địa, tổ chức mít tinh lớn tại hội trường Hội Bác Học từ 9/10/1925, ứng khẩu diễn thuyết hùng hồn cảm động và viết trọn hai số Le Paria 36 và 37 về Phan Bội Châu[59].
Ngày 24/12/1925, toàn quyền Varenne phải thả Phan Bội Châu, đưa về an trí ở Huế. 8/8/1927, Nguyễn An Ninh sang Pháp đón Nguyễn Thế Truyền về nước ngày 7/12/1927.
• Nguyễn An Ninh, năm lần bị bắt và bị cầm tù
1- Lần thứ nhất: 20/3/1926[60], bị bắt, bị kết án 18 tháng tù, vì tội phá rối trị an, viết báo Chuông rè và truyền đơn xúi dân làm loạn, tổ chức mít tinh tại Xóm Lách, Vườn Xoài ngày 21/3/1926 -tổ chức chứ không tham dự, vì bị bắt từ hôm trước- ở nhà bà Đốc Phủ Tài, dì ruột Ninh, và đưa ra bản quyết nghị có ba ngàn người biểu quyết. Quyết nghị đòi Tám điểm, tương tự như Bản Thỉnh Nguyện Thưcủa Phan Văn Trường 1919. Bốn ngày sau, 24/3/1926, Phan Châu Trinh mất. Nguyễn An Ninh đã dặn dò nhóm Đặng Văn Ký, Huỳnh Đình Điển, Phan Khôi lo liệu cho Phan Châu Trinh trước khi bị bắt - sẽ nói rõ hơn trong chương 20, phần viết về đám tang Phan Châu Trinh.
Ngày 7/1/1927, được ân xá, Ninh xin sang Pháp lo cho gia đình Nguyễn Thế Truyền về nước[61]. Ngày 7/12/1927 Truyền và Ninh lên tàu Chantilly từ Marseille về Sài Gòn.
2- Lần thứ nhì: tháng 9/1928, bị kết án ba năm tù vì tội lập Hội Kín Nguyễn An Ninh, dính líu gần 500 người bị bắt vì tội "đảng viên". Phan văn Hùm cũng bị tù, được thả, viết cuốn sách nổi tiếng Ngồi tù khám lớn. Đến cuối năm 1930, Ninh được thả.
3- Lần thứ ba: 4/1936, bị bắt về tội viết báo La lutte - Tranh đấu, quy tụ nhóm Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch, Lê Văn Thử, Phan Văn Hùm, phá rối trị an, bị kết án 18 tháng tù, cùng với Tạ Thu Thâu, Nguyễn Văn Tạo. Tuyệt thực. Tháng 11/1936 được thả.
4- Lần thứ tư: 7/37 bị bắt trở lại, kết án 5 năm tù ở, 5 năm biệt xứ, về tội tổ chức biểu tình ở quận Càn Long "xúi giục dân chúng nổi loạn". Tháng 1/1939 được ân xá.
5- Lần thứ năm: Ngày 5/10/1939, đệ nhị thế chiến bùng nổ, bị bắt cùng với nhiều nhà chính trị khác đủ các khuynh hướng. Ninh bị kết tội phá rối trị an bằng cách hành động trong những cơ quan bí mật, tiếp xúc và xúi giục nông dân, thợ thuyền nổi lên chống chính phủ Pháp. Bị kết án: 5 năm tù. 10 năm biệt xứ và mất quyền công dân.
Lần này không thoát khỏi tử thần, nhà cách mạng Nguyễn An Ninh mất tại Côn Đảo ngày 14/8/1943, ở tuổi 43[62].
◙
Bài diễn thuyết Cao vọng thanh niên tại hội Khuyến học Sàigòn, đêm 15/10/1923 đánh dấu sự thành công đầu tiên của Nguyễn An Ninh như một nhà trí thức ái quốc 23 tuổi "mở màn cho cao trào cách mạng, mở mang dân trí, dân sinh, dân quyền, dân chủ cho nòi giống Việt" như Phương Lan Bùi Thế Mỹ nhận xét.
Nguyễn An Ninh đã ảnh hưởng sâu xa đến lớp trẻ như Hồ Hữu Tường, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu... Họ coi Ninh là thần tượng, "noi gương" Ninh làm cách mạng chống Pháp, lập đảng Trốt-kít. Phan Khôi, dù lớn hơn Ninh 13 tuổi, cũng chịu ảnh hưởng của Ninh trong việc xây dựng một nền quốc học, thoát khỏi ảnh hưởng Khổng Mạnh, gần gụi với tinh thần khoa học Tây phương.
Tại Paris, Ninh vừa làm vừa học: viết bài khảo cứu về Đông Phương học cho các báo, hoặc làm người mẫu cho họa sĩ. Chơi thân với giới văn nghệ sĩ Pháp và nhóm Anarchiste - Vô chính phủ. Khi về nước, viết báo, lên khung, in báo, mặc áo dài, để tóc dài, đem báo rao bán trên đường Catinat. Nấu dầu cù là Nguyễn An Ninh đem bán khắp thôn quê kiếm sống và diễn thuyết, nói chuyện với quần chúng đói khổ về tình hình đất nước. Có lúc Ninh và Hùm cạo trọc đầu.
Tại Paris, hoạt động tích cực trong nhóm Người An Nam Yêu Nước, là một trong Ngũ Long, diễn thuyết và viết báo chống thực dân. Hồ Hữu Tường viết: "Tụi Tây ít khi phục bằng cấp (...) Ninh viết français hay lắm, tụi nó lác mắt. Chừng đó mới chịu phục (...) Khởi đầu, Ninh viết trong tờ Le Libertaire[63] là cơ quan anarchiste [64] Tây nó phục rồi, mới rủ Ninh đứng vào nhóm sáng lập tạp chí Europe (do J.R. Bloch làm giám đốc)... Vào tạp chí Europe, Ninh làm quen với Léon Werth. Sau Ninh rủ Léon Werth qua bên mình. Về Pháp, Léon Werth viết cuốn Cochinchine để ca tụng Ninh là người trí thức độc nhứt kể cả Tây lẫn Việt, mà Werth gặp được ở Nam Kỳ"[65].
Phương Lan Bùi Thế Mỹ viết: "Năm 1922, vào mùa thu, sau khi kết nạp, tìm tòi, học hỏi ở Ý và ở Anh, kết nạp đặng nhiều bạn đồng chí như lãnh tụ Ấn Độ Nerhu, Ninh đã trở về đất nước phổ biến chí hướng phong trào ái quốc, cách mạng với dân tộc. Cái tài quan trọng nhứt là tài diễn thuyết và viết. Ninh đem từ Âu Châu về một lối văn mới, lời ít mà nói nhiều, câu văn gọn không rườm rà dài dòng lê thê mà tối nghiã như lối nhà văn thâm nho"[66].
Lối viết thẳng và bộc trực này, cũng sẽ là lối viết của Phan Khôi, đặc biệt trong những văn bản cuối cùng, lập luận và văn phong của Phan Khôi chống Đấu tranh giai cấp có nhiều điểm giống Nguyễn An Ninh. Ninh viết về Đạo Phật, về Nietzsche, dịch 5 chương đầu cuốn Contrat social - Dân ước của Rousseau... Hành động quyết liệt nhưng tư tưởng trung dung, giao hoà Âu Á. Đó là Nguyễn An Ninh.
Nguyễn An Ninh tỏ lòng ngưỡng mộ đặc biệt Lương Ngọc Quyến, có lẽ cái chết bi tráng của Ngọc Quyến đã gây dấu ấn sâu đậm trong An Ninh, khiến sau này Ninh cũng trở nên một nhà cách mạng can trường vào bậc nhất thế hệ ông. Trong 43 năm sống, một phần ba đời vào tù ra khám, nhưng không hề nhụt chí, tiếp tục tranh đấu bằng ngòi bút cho đến chết.
Với cái nhìn rộng về tình hình thế giới, thâm hiểu cuộc cách mạng bất bạo động của dân Ấn Độ, Nguyễn An Ninh là khuôn mặt cách mạng hiện đại nhất của chúng ta. Một thần tượng trẻ trung, bụi đời, hippie, hóm hỉnh. Nhưng Nguyễn An Ninh còn là người anh cả nếu không muốn nói là cha đẻ của phong trào cách mạng thanh niên, chủ yếu nhóm Trốt-kít, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Hồ Hữu Tường, Huỳnh Văn Phương... những thanh niên học trường Tây, sử dụng ngôn ngữ Voltaire, dùng tinh thần cách mạng 1789 để chống thực dân Pháp tại Pháp và tại Nam Kỳ, trong suốt 25 năm, từ 1920 đến 1945, mới bị cộng sản tiêu diệt.
• Cái chết của Nguyễn An Ninh
Nhà báo Bùi Thế Mỹ, bạn đồng hành của Nguyễn An Ninh đã tìm cách xây dựng lại hoàn cảnh cái chết của Nguyễn An Ninh qua lời những nhân chứng bị giam cùng với Ninh trong đó có Hồ Hữu Tường và Tạ Thu Thâu.
1/ Phương Lan Bùi Thế Mỹ viết: "Nguyễn An Ninh, sau ba năm tù đầy thiếu thốn, ăn gạo hẩm, khô mực, không chút rau cỏ, không đủ sinh tố, lúc đầu chưa xẩy ra đệ nhị thế chiến, thì thỉnh thoảng còn tiếp được đồ tiếp tế của gia đình từ quê nhà gởi ra, đỡ khổ phần nào, khi bị chiến tranh phong tỏa mấy cửa biển lớn tầu bè ít đi lại, không được nhà tiếp tế, thì sức khoẻ Ninh lần lần kiệt quệ, đau ốm thường, nên thân hình nhà cách mạng chỉ còn da bọc lấy xương. Khi vướng bệnh kiết lỵ qua bệnh thũng, chịu bệnh tật hành hạ một thời gian ngắn, Ninh mới thở hơi cuối cùng vào mùa Vu Lan, nhằm ngày 14/8/1943 (theo lời một tù nhân tại chỗ nói lại, chẳng hiểu có đúng hay không?) (...)
"Không muốn cho người anh hùng dân tộc bỏ vùi thi thể trong hai mảng bao hàng, một người bạn gái, Pháp lai, cùng học chung với Ninh một trường Đại Học Sorbonne là Charlotte Printanière, vợ một kỹ sư nhà đèn tại Côn Đảo, có mướn đóng cho Ninh một chiếc quan tài, để cho Ninh ấm áp thi hài ngày cuối cùng, nhưng không được viên xếp khám là Tisseyre đồng ý, cho phép. Bà Charlotte tức giận gây với lão ta (...)
Vì sự kiện này, mà viên Giám đốc Tisseyre gửi đơn thưa bà kỹ sư. Và sau đó bà được lịnh rời Côn Đảo, không cho phép ở lại đó nữa. Chồng bà thua buồn, chán ngán, cũng xin đổi về đất liền theo vợ" [67].
2- Phương Lan Bùi Thế Mỹ trích đoạn Hồ Hữu Tường, tù chung với Nguyễn An Ninh, dưới bút hiệu Bửu Liên, kể lại trên báo Hoà Đồng:
"Gặp nhau và sống chung với nhau trong tù từ 1939 đến 1943. Chung sống trong tù, chúng tôi có dịp trao đổi với nhau những suy tư (...) Vài tháng trước khi vĩnh biệt.... Nguyễn An Ninh đã xin phép nhà cầm quyền để ghi vào một chúc thơ dài. Ngày ngày Giám thị mở khám để cho Ninh ra ngoài hành lang một mình với giấy mực, để nghiền ngẫm mà viết cái chúc thơ tinh thần ấy. Cả tuần lễ như vậy mới thảo xong. (...)"
Nhưng rất tiếc, theo tác giả Bửu Liên, chúc thư này Nguyễn An Ninh viết bảo để lại cho con, nhưng sự thật là lời chúc thư gửi cho cả thế hệ trẻ của dân tộc.
Rồi chúc thư lạc về đâu mất? Chẳng có đến tận tay gia đình nhà cách mạng Nguyễn An Ninh. Pháp cất giữ để làm tài liệu ư? Hay đã bị bỏ mất, thủ tiêu?"[68]
3- Phương Lan Bùi Thế Mỹ trích nhà văn Đỗ Bá Thế, trên báo Quyết Tiến, trong chương V, tiểu thuyết Thiếm Bẩy Giỏi thuật lời Tạ Thu Thâu kể lại Nguyễn An Ninh chết đau thương trong lao tù như thế nào:
Từ ngày ở Côn Nôn về chưa bao giờ Thâu có một ngày nghỉ ngơi trọn vẹn,Thâu muốn trở lại hoạt động, gặp lại các đồng chí cũ, Thâu hẹn gặp Mười Gò Vấp và bị Minh Hải cản: anh đi làm gì, Thâu trả lời: "Em nói vậy nghe sao được! Thằng Mười Gò Vấp là em út ruột của anh Ninh. Khi anh Ninh gần chết, có dặn nếu anh về đất liền, thì tìm nó, thuật lại cho nó nghe phút cuối cùng của anh để anh em an lòng (...)
- Nhưng này anh Năm[69] à, lúc anh Ninh gần chết, tánh tình ảnh có thay đổi gì không! tại sao tụi Trấn, Giầu[70] đồn quá trời vậy anh?
- Chúng nó đồn anh Ninh điên phải không?
- Có chỗ họ nói anh Ninh bị thác loạn tâm hồn, tinh thần rất xuống và lúc gần chết chúng tuyên truyền anh Ninh loạn óc.
Nhưng anh Ninh có loạn óc thật hay không vậy anh Năm?
- Thì em còn lạ gì chúng nó nữa! (...)
Lúc anh Ninh ở Sài Gòn còn mập mạnh, ra Côn Đảo vài năm sau sức khoẻ anh xuống quá nhiều. Anh đau ốm liên miên. Trong lúc đó, bọn anh Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng triệt để khủng bố tinh thần anh. Chúng nó lập tiểu tổ phê bình những người không cùng chánh kiến. Anh đây cũng bị chúng nó áp đảo tinh thần suốt mấy năm trời trong lao.
Đã nhiều lần anh cố khuyên anh Ninh ráng chịu đựng!
Nhưng sức khoẻ của ảnh quá kiệt quệ, bịnh thiếu sinh tố càng làm cho ảnh mau xuống tinh thần nữa. Đến một hôm không còn hy vọng gì kéo dài cuộc sống tù tội, ảnh có nói một câu với anh: "Thâu, em có về được đất liền nhờ nói với con anh, bảo chúng nó phải phòng ngừa bọn Sít-ta-lin-niên" (Stalinien)[71].
Sự thật lịch sử này sẽ bị sửa đổi hoàn toàn trong tuyển tập Nguyễn An Ninh - Tác phẩm, do gia đình và Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học in năm 2009.
[7] Phan Châu Trinh, Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam - Nước Việt Nam mới sau khi liên hiệp với Pháp, bản dịch của Nguyễn Q.Thắng, Nguyễn Văn Tưởng, in trong Phan Châu Trinh cuộc đời và tác phẩm của Nguyễn Q. Thắng, Văn Học, 1992, trang 251-285.
[8] Trong số những sinh viên đầu tiên vượt biển sang Nhật, có anh em Lương Ngọc Quyến, Lương Nghị Khanh, (con Lương Văn Can, hiệu trưởng Đông Kinh Nghiã Thục) và Nguyễn Hải Thần (môn đệ của Lương Văn Can), sau này sẽ trở thành lãnh tụ Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội. Lương Ngọc Quyến là một thanh niên "bụi đời" đầu thế kỷ XX, nghệ sĩ, để tóc dài, sang Nhật, học trường quân sự Chấn Võ, đi "ăn mày" để quyên tiền cho sinh viên Đông Du. Tự do, quật khởi, bất khuất. Nhiều năm bôn ba ở Trung Hoa tìm cách mộ binh đánh Pháp. Sau này, Nguyễn An Ninh sẽ tiếp tục hình ảnh nhà cách mạng bụi đời Lương Ngọc Quyến.
Theo Đào Trinh Nhất và Nguyễn Hiến Lê, năm 1915 Lương Ngọc Quyến bị bắt ở Hương Cảng giải về Hà Nội, giam ở nhiều nơi, rồi đưa lên Thái Nguyên. Darbes, công sứ Thái Nguyên, nổi tiếng bạo ngược nhất đất Bắc, sai dùi bàn chân Lương Ngọc Quyến buộc vào xích sắt. Dù vậy, Quyến vẫn liên lạc với viên đội khố xanh Trịnh Cấn. Đêm 30/8/1917, Trịnh Cấn phá ngục, chiếm đồn, cõng Lương Ngọc Quyến ra để chỉ huy. Nghiã quân làm chủ Thái Nguyên từ 30/8 đến 5/9, lấy cờ năm sao làm quốc kỳ, đặt quốc hiệu là Đại Hùng đế quốc, công bố hai bài tuyên ngôn với quốc dân. Khi Pháp tiến đánh, biết thế không giữ nổi, không chịu theo cáng để rút lui, Lương Ngọc Quyến nhờ Trịnh Cấn bắn một phát vào ngực ngày 5/9. Lương để lại bàiCảm tác trước khi mất, lời thơ hùng tráng, bi phẫn. Đội Cấn rút quân chống cự với Pháp, ngày 5/1/1918, bị vây và bị thương ở Pháo Sơn, chỉ còn 4 thủ hạ, Trịnh Cấn tự bắn vào bụng. Hai cái chết oanh liệt bi tráng vào bậc nhất trong lịch sử cách mạng dân tộc. Ngô Đức Kế lúc ấy đang bị tù ở Côn Đảo, làm sáu bài thơ tứ tuyệt chữ Hán tựa đề Thái Nguyên thất nhật Quang Phục ký. Lương Ngọc Quyến trở thành thần tượng của Nguyễn An Ninh và khởi nghiã Thái Nguyên 1917 dẫn đến khởi nghiã Nguyễn Thái Học 1930.
[11] Tinh thần Duy tân bắt nguồn từ những bản điều trần của Phạm Phú Thứ (1821-1882), Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) dâng vua Tự Đức (1829-1883), đó nguyên nhân xa. Nguyên nhân gần: Tinh thần Duy Tân bắt nguồn từ Nguyễn Lộ Trạch (1852-1895) với văn bản Thiên hạ đại thế luận, viết năm 1892. Các lãnh tụ Đông Du và Duy Tân đều đọc và chịu ảnh hưởng của văn bản này trước khi đọc Tân thư do Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu giới thiệu và dịch Rousseau, Montesquieu sang chữ Hán. Thiên hạ đại thế luận nay đã mất, nhưng qua Huỳnh Thúc Kháng, chúng ta có thể biết những điểm chính của bài đại luận này:
1- Nước mạnh hay yếu là tại chánh giáo (là nền giáo dục lấy chánh đạo để đào tạo sĩ phu và quốc dân) chứ không phải tại lớn nhỏ. 2- Trình bày tình trạng tê liệt của Trung Hoa. Người Việt Nam đừng trông mong gì nước ấy giúp mình. Phải biết Duy Tân mà tự cường như Nhật Bản mới mở mặt được. 3- Bàn về các lẽ suy nhược của Việt Nam. 4- Muốn cứu nước, không thể theo đường cũ mà phải: a- Chấn chỉnh chánh giáo. b- Duy Tân, mở mang nông, công, thương, kỹ thuật khoa học của Âu Tây. c- Chờ cơ hội thuận lợi mà cứu nước. Sau khi trình bày bài luận trên, Huỳnh Thúc Kháng viết: "40 năm về trước (tức là 1892) mà học giới ta nước ta có người đại văn hào viết bài đại luận tình lý đã xác thực châu đáo mà văn thể cũng hùng kiện, không đáng gọi là Khang, Lương của nước ta hay sao? Chính cụ Sào Nam, cụ Tây Hồ và phần nhiều trong đám tiên thời nhân vật ở xứ ta sở đắc ảnh hưởng của bài ấy rất là sâu xa mật thiết, không kém gì sách Lương, Khang kia".Đúng như nhận xét của Nguyễn Văn Xuân: "Đại Thế Luận của Nguyễn Lộ Trạch đưa ra nét chính, phác họa một phong trào Duy Tân còn thô sơ. Phải nhờ Phan Châu Trinh mang chủ thuyết Dân Quyền về làm Chánh giáo, phong trào Duy Tân mới thực sự mở màn" (theo Nguyễn Văn Xuân, Phong Trào Duy Tân, Lá Bối, 1969, các trang 33-34-35).
[12] Lê Thị Kinh, bản hỏi cung Nguyễn Tử Trực, Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, nxb Đà Nẵng, 2001 tập 1, quyển 1, trang 74.
[13] Trích Thông sử Liên Thành do bác sĩ Hồ Tá Khanh viết năm 1984 tại Pháp, Lê Thị Kinh, sđd, tập1, q.1, tg. 69.
[14] Theo Phạm Quỳnh, là với mục đích quảng bá ảnh hưởng Pháp, lôi cuốn sinh viên Trung Hoa và các nước Á Châu sang học, thay vì đi du học Mỹ.
[17] Nguyễn Hiến Lê viết: "Cụ Tây Hồ là người mở đường cho phong trào duy tân ở nước nhà. Lập Nghiã thục, một phần công lớn là của cụ, gây tư tưởng mới ở Quảng Nam là cụ, đi khắp nơi diễn thuyết là cụ, khuyên quốc dân cắt tóc là cụ, liệng cái phó bảng mà ra lập hiệu buôn cũng là cụ, bỏ tục nhuộm răng, vận Âu Phục bằng nội hoá thì người đầu tiên cũng lại là cụ" (Đông Kinh nghiã thục, Lá Bối, Sài Gòn, 1968, trang 85).
[19] Nguyễn Hiến Lê viết: "Sự thực là có một sự phân công giữa các nhà Nho thời đó và hai phái Duy Tân và Bạo Động nhắm chung một đích, bổ túc lẫn nhau. Các cụ hẹn với nhau cứ sáu tháng lại khai hội một lần" (trang 43).
[20] Nguyễn Văn Vĩnh, Bản điều trần gửi toàn quyền về Đông Kinh Nghiã Thục, Lê Thị Kinh, sđd, trang 132.
[22] Nguyễn Văn Vĩnh, tài liệu đã dẫn, Lê Thị kinh, sđd, trang134. Theo Nguyễn Hiến Lê: Giáo sư Hán Văn gồm có cụ Kép làng Hương Canh, Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Quyền, Lương Trúc Đàm... Giáo sư Việt Văn, Pháp văn và Toán: Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Trần Đình Đức, Bùi Đình Tá, Phạm Đình Đối...
[24] Nguyễn Văn Vĩnh viết: "Rồi đã xẩy ra việc cảnh sát soát xét và tìm thấy 3 khẩu súng tại một trường ở Hà Đông (súng đã bị mất trong thành Hà Nội). Đông Kinh nghiã thục đã bị khám xét nhưng chỉ tìm thấy một số tranh và bản đồ của Nhật cùng một số sách chữ Tầu (...) Hôm sau ông Can được gọi đến toà Khâm sứ và được yêu cầu đóng cửa trường. Ông trình bầy gì cũng không được. Ông chạy về hỏi tôi. Tôi khuyên ông trước hết cứ chấp hành lệnh trên đã, sau đó sẽ trình bầy rõ hơn và có thể sẽ có lệnh ngược lại." (Bản điều trần gửi toàn quyền về Đông Kinh nghiã thục, bài đã đã dẫn).
Nguyễn Hiến Lê cho biết các cụ đã đã đốt hết tài liệu từ những đêm trước.
[26] Lý lịch Phan Văn Trường lập năm 1919, của Sở Mật Tham Trung Ương, Lê Thị Kinh, Phan Châu Trinh... Tập I, Quyển 3, trang 120-121.
[30] Saraut làm Toàn quyền Đông Dương từ 1911-1914 và từ 1917-1919, sau đó làm Bộ Trưởng Bộ Thuộc Địa.
[31] Les revendications theo tiếng Việt ngày nay thì phải dịch là Những yêu cầu, những đòi hỏi, nhưng trong bối cảnh tiếng Việt đầu thế kỷ XX, dường như chưa có chữ đó, và nếu có, cũng không thể ăn nói một cách "dân chủ" như thế, đối với người Pháp, chúng tôi dịch là Thỉnh nguyện theo Hoàng Xuân Hãn, vì chữ này phù hợp với ngôn ngữ đầu thế kỷ và ngôn ngữ Phan Văn Trường trong bản Thỉnh nguyện thư Tám điểm 1919.
[33] Lê Thị Kinh tức Phan Thị Minh, Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, Đà nẵng, 2001, tập1, q.4, trang 7.
[34] Bản hỏi cung Nguyễn Như Chuyên ngày 8/4/1915, tại toà án Binh Pháp, được in lại trong Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp, của Thu Trang, Đông Nam Á, trang 59- 63.
[36] Phương Lan-Bùi Thế Mỹ, Nhà cách mạng Nguyễn An Ninh 1899-1943, Thúy Phương, Sài Gòn, 1970, trg 153.
[40] Theo Nguyễn Văn Vĩnh, Trạng sư Phan Văn Trường từ trần, l'Annam Nouveau số 231 ngày 24/4/1933 và Đặng Hữu Thụ, Thân thế và sự nghiệp nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền, tác giả xuất bản, Melun, Pháp, 1993, trang 35-36. Trong bài viết, Nguyễn Văn Vĩnh ghi ông Trường mất đêm hôm nay (báo ra ngày 24/4/1933)
[48] Do một người ta điền, nhận tiền, lén nhét vào ngăn kéo nhà hai ông tài liệu Cộng sản và Cường Để (Đặng Hữu Thụ, trang 334).
[53] Theo Ngô Văn vì vụ Phạm Hồng Thái ném bom ở Sa Diện (tại khách sạn Victoria, đảo Sa Diện - Shamian, trên sông Châu Giang, Quảng Châu), giết hụt toàn quyền Merlin ngày 19/6/1924 và một số sự kiện khác. Theo Lê Văn Thử, vì Thống đốc Cognacq tìm cách đóng cửa tờ báo nhưng không được, bèn sai lính kín hăm dọa chủ nhà in. (Hội Kín Nguyễn An Ninh, Nam Việt, 1949, trang 24).
[54] Phương Lan Bùi Thế Mỹ viết: "Ninh thông minh, sáng suốt, nhận xét tinh tường. Nên mọi việc đều chuẩn bị chu đáo, hoạch định một cách có khoa học, là lần đầu về nước, đã phủ dụ được hai nhà cách mạng lão thành, cụ Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường. Ninh sẽ nương hai cột trụ tiền bối mà cùng mở mang dân trí đòi chủ quyền dân chủ, tự do độc lập (...) Chương trình hoạch định của Ninh là tại Hội Khuyến Học Nam Kỳ, Ninh tổ chức cho Phan Chu Trinh diễn thuyết về Luân lý Đông Tây, đến Phan Văn Trường nói về "Một chuyện người Việt âm mưu ở Ba Lê hay là sự thật về Đông Dương (Une histoire de conspirateurs annamites à Paris ou La Vérité sur l'Indochine). Tới Ninh nói về Cao Vọng Thanh Niên, Nền Quốc Học, cũng tại Khuyến Học Nam Kỳ. Rồi các bài diễn văn ấy, đều in lại thành sách đem phổ biến vào quần chúng, cùng in tại nhà in Xưa Nay, số 62-64 đường Bonnard, nay là nhà sách Khai Trí, đường Lê Lợi, vào năm 1926. Và chính Ninh lãnh đi bán nào Luân Lý Đông Tây nào Conspirateurs Annamites... Cao Vọng Thanh Niên, Pháp Luật Lược Luận của Phan Văn Trường có câu chữ Hán trước bìa: Dân Vi Quý, Xã Tắc Thứ Chi, Quân Vi Khinh. Chính câu này có đăng dưới cái tên báo Chuông Nứt của Ninh" (sđd, trang 152-153).
[57] Điện tín ký André Hesse, do tổng giám đốc cơ quan An Ninh gửi từ Paris sang Hà Nội (Thu Trang, 231-232).
[58] Theo Phương Lan Bùi Thế Mỹ: "Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh họp nhau cùng viết nhiều bài chỉ trích chính phủ Pháp, mà phần nhiều Ninh để cho Trường ký tên. Để Trường ký tên cho lợi mọi việc. Vì Trường vốn dân Pháp gốc Việt, nên có viết bài chỉ trích mạnh, Pháp không dám thẳng tay trừng trị như Ninh. Có một độ, bộ ba Trường, Ninh, Dejean de la Bâtie, đồng ký tên viết một bài tuyên bố trên mặt báo Chuông Nứt cho độc giả hay rằng bắt đầu từ hôm nay (26/11/1925), Phan Văn Trường sẽ thay Dejean làm giám đốc tờ Chuông Nứt, câu Organe de propagande des idées françaises bỏ đi, thay vào câu khác như thế này: Organe de propagande démocratique (cơ quan tuyên truyền dân chủ), và nhà in từ đường P. Flandin cũng rời luôn về toà soạn mới đường Espagne (số 273) giờ là đường Lê Thánh Tôn. Trước kia mỗi tuần một lần, giờ có sự hợp tác Phan Văn Trường, ra mỗi tuần hai lần, vào ngày thứ hai và thứ năm" (Phương Lan Bùi Thế Mỹ, trang 153).
[60] PLBùi Thế Mỹ và Lê Văn Thử, bạn và đồng chí của Nguyễn An Ninh đều viết Ninh bị bắt ngày 21/3/1926. CuốnNguyễn An Ninh Tác Phẩm (Văn Học, 2009) ghi Ninh bị bắt 24 /3/1926 cùng ngày Phan Châu Trinh mất là sai.
[62] Bạn ông, nhà báo nổi tiếng Bùi Thế Mỹ (chồng bà Phương Lan), mất ngày 27/3/1943. Cuốn sách Nguyễn An Ninh có lẽ phần lớn do Bùi Thế Mỹ viết.
[68] Phương Lan Bùi Thế Mỹ, Nguyễn An Ninh, trang 247, trích Bửu Liên, Hoà Đồng số ngày 14/8/1965, trang 6.
CHƯƠNG 16
NGUYỄN TẤT THÀNH
Tiểu sử Hồ Chí Minh là một bí mật.
Chỗ nào ông muốn viết hoặc chỉ thị cho viết, chỗ nào giấu đi hoặc thêm thắt vào, đều có chủ đích rõ ràng. Và ông không hề ngần ngại nhận mình là tác giả những công trình không phải của ông. Trong phạm vi khảo luận này, chúng tôi chỉ chú ý đến thời kỳ Nguyễn Tất Thành ở Pháp, từ 1919 đến 1923. Thời gian này, ông tự nhận là Nguyễn Ái Quốc và chính những bài báo ký tên Nguyễn Ái Quấc/Quốc đã xây dựng nên tên tuổi và huyền thoại Hồ Chí Minh.
Thật vậy, về Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Tường Bách, em Nhất Linh Nguyễn Tường Tam viết: "Ngày 2/9 chính phủ Hồ Chí Minh làm lễ tuyên thệ độc lập ở Quảng trường Ba Đình. Tôi đã biết từ lâu Hồ Chí Minh ngày nay là Nguyễn Ái Quốc mà chúng tôi vẫn khâm phục như một nhân vật thần kỳ thời thiếu niên. Éo le là vận mệnh đã làm cho tôi đứng vào hàng ngũ đối lập"[1].
Đặng Thai Mai cũng viết tương tự: "Chúng tôi được đọc báo Nhân Đạo và những tờ báo Bác Hồ viết ở Pháp như tờ Le Paria. Chúng tôi nhận những sách báo đó qua cụ Ngô Đức Kế, lúc đó đang làm báo Hữu Thanh (...) Kể từ những năm 1925 trở đi, chúng tôi hiểu được Liên Xô hơn vì được đọc các báo Việt Nam Hồn, Le Paria, L'Humanité, do Thủy thủ Pháp, đảng viên đảng Cộng Sản đưa vào Sài Gòn"[2].
● Một tiểu sử đầy nghi vấn
Cuối lá thư đề Marseille ngày 15/9/1911, gửi Tổng thống Pháp, xin học trường Thuộc địa, ghi sinh năm 1892 ở Vinh. Một mật báo ghi Nguyễn sinh ngày 24/1/1892. Một mật báo khác ghi 15/1/1894. Hộ chiếu vào Nga năm 1923, theo Hồng Hà, ghi 15/1/1895. Còn ngày sinh chính thức 19/5/1890, có từ năm 1946, theo Nguyễn Thế Anh, có thể là ngày kỷ niệm thành lập Mặt Trận Việt Minh, 19/5/1941[3]. Daniel Hémery cho rằng chọn năm sinh chính thức 1890 -thay vì 1895 hay 1898- chỉ có mục đích phục vụ huyền thoại: 1890 tính đến 1945 là đã ngoại ngũ tuần, đáng được gọi bằng Bác. Năm Nguyễn Tất Thành từ Anh sang Pháp cũng thế, theo Hémery, Thành đến Pháp năm 1919, nhưng lại chọn năm 1917, vì năm này có những mốc lịch sử gắn liền: những cuộc binh biến trong quân đội Pháp và cuộc cách mạng tháng 10 của Nga[4].
Tiểu sử chính thức của Hồ Chí Minh được rút ra từ ba cuốn hồi ký Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch của Trần Dân Tiên, được coi là chính Hồ Chí Minh viết. Cuối sách này đề (viết xong) Mùa xuân năm 1948. Bản gốc, chữ Hán được in ở Thượng Hải năm 1949, dịch ra quốc ngữ và in ở Hà Nội lần đầu năm 1958. Cuốn thứ nhì: Vừa đi đường vừa kể chuyện của T. Lan[5], một bút hiệu khác của Hồ Chí Minh, in năm 1963. Và Cuốn thứ ba: Thời thanh niên của Bác Hồ, của Hồng Hà, nhà xuất bản Thanh Niên in năm 1976.
Viết về thời gian ở Pháp, cuốn Trần Dân Tiên có một số đoạn tương đối thành thực hơn cả. Cuốn Hồng Hà sửa lại, đầy đủ và hợp lý hơn, nhưng nhiều đoạn thêm bớt khá lộ liễu.
Lữ Phương nhận xét: "Cuốn "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch" của Trần Dân Tiên, viết từ năm 1948, đến nay đã in đi in lại đã có cả chục lần rồi. Cuốn sách này đã đóng vai trò hết sức đặc biệt đối với giới nghiên cứu, giảng dạy về Hồ Chí Minh trong chế độ cộng sản Việt Nam từ đó đến nay: nó được mọi người coi như là tác phẩm do chính Hồ Chí Minh viết về mình dưới bút danh Trần Dân Tiên, một tài liệu được tác giả giới thiệu như một "tiểu sử trung thành, đúng đắn, sinh động, không thêu dệt, không bày đặt". Cuốn sách vì thế đã thành một nguồn tham khảo căn bản, quan trọng nhất cho tất cả những công trình biên khảo về Hồ Chí Minh: các sự kiện về cuộc đời hoạt động của ông đã được đương nhiên coi là chính xác, không thể nói khác, nói ngược lại"[6].
Dựa vào sự kiện bà Lê Thị Kinh đã gặp ông Vũ Kỳ và kể lại rằng: "Chiều ngày 2 tháng 3 năm 1993, tôi đã được gặp ông Vũ Kỳ là thư ký riêng của Bác từ Cách Mạng Tháng Tám đến ngày Bác qua đời và đã cùng một số người quanh Bác là đồng tác giả cuốn "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" với bút danh Trần Dân Tiên", Lữ Phương đưa ra lập luận sau đây: "Không có gì ngăn cản người ta tin rằng cái "tiểu sử" dưới hình thức "truyện" ấy được chính Vũ Kỳ và những người cộng sự viết ra và ký là Trần Dân Tiên. Nhưng như vậy thì lại gặp điều khó khăn phải giải thích tại sao cuốn sách tầm thường của một tác giả vô danh là Trần Dân Tiên ấy lại có thể trở thành một thứ tài liệu tham khảo vào bậc nhất về Hồ Chí Minh như đã xẩy ra, đặc biệt trong giới nghiên cứu, giảng dạy? Sự quan trọng ấy không thể nào có được nếu những gì đã viết về ông Hồ trong cuốn sách ấy không được chính ông xét duyệt (Vũ Kỳ là thư ký riêng của ông) và một cách nào đó đã làm cho người ta hiểu rằng chính ông đã muốn phổ biến cái "tiểu sử" có nội dung như vậy. Cuốn sách, do đó, dù có do Vũ Kỳ lấy tài liệu từ Hồ Chí Minh để viết hoặc do chính Hồ Chí Minh trực tiếp viết (hay đọc cho Vũ Kỳ viết), thiết tưởng ý nghiã cũng đều như nhau: Sự xuất hiện của nó là "cái cần thiết" cho nhu cầu cách mạng của bản thân Hồ Chí Minh sau 1945"[7].
Tại sao lại cần thiết cho nhu cầu cách mạng của bản thân Hồ Chí Minh, Lữ Phương giải thích: "Sau 1945, Khi Nguyễn Tất Thành đã trở thành chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà với cái tên mới là Hồ Chí Minh (dân chúng chưa biết rõ lắm về lai lịch của cái tên này), 1948, đang ở chiến khu Việt Bắc kháng chiến chống Pháp: phải tạo cho mình hình ảnh một "đấng bậc trưởng thượng" kiểu Châu Á có uy tín vượt trội (...) một con người trong sạch, giản dị, hoà mình vào quần chúng, được bạn bè khắp hoàn vũ mến yêu giúp đỡ còn đồng bào trong nước thì đặt hình lãnh tụ lên bàn thờ và tôn xưng là "Cha già của dân tộc" v.v...Cuốn "tiểu sử" viết về Hồ Chí Minh của Trần Dân Tiên đã biểu lộ rất rõ cái nhu cầu năm 1948 mà Hồ Chí Minh và cuộc cách mạng của ông đang muốn tạo ra cho phong trào yêu nước cộng sản trước tình hình mới - một lãnh tụ tuyệt vời và chỉ có lãnh tụ đó mới là tuyệt vời thôi!"[8]
Lập luận của Lữ Phương rất sắc bén. Duy có một điểm: bản gốc cuốn "tiểu sử" là chữ Hán, in năm 1949, tại Thượng Hải, chắc chắn phải do Hồ Chí Minh viết - trừ khi Vũ Kỳ biết chữ Hán, nhưng điều này khó mường tượng: ông Hồ đọc cho Vũ Kỳ bằng tiếng Việt rồi Vũ Kỳ dịch sang tiếng Tàu! Ông Hồ viết chữ Hán vì ông giỏi chữ Hán hơn quốc ngữ. Nhưng bản dịch quốc ngữ in năm 1958 tại Hà Nội, chắc phải do Vũ Kỳ và những người "quanh Bác" thực hiện, vì trình độ quốc ngữ của "Bác" không cao -xin xem bài Việt Nam Yêu Cầu Ca- không thể viết được cuốn "Những mẩu chuyện..." Lữ Phương có lý khi ông cho rằng Vũ Kỳ và những người "quanh Bác" đã góp phần trong bản quốc ngữ. So với bản chính Hán văn, sự khác biệt ra sao? Phải hỏi những nhà Hán học. Nhưng chắc bản Hán văn gần với lời ông Hồ hơn cả.
Vậy cuộc đời "thật" của Nguyễn Tất Thành từ ngày rời nước năm 1911 đến năm 1923, đi Nga, như thế nào?
Từ 1911 đến 1923, cuộc đời Nguyễn Tất Thành, có thể đã diễn ra như sau:
Ngày 4/6/1911, Nguyễn Tất Thành rời Sài Gòn trên tàu L'Amiral Latouche-Tréville, thuộc Compagnies des Chargeurs Réunis - Công ty vận tải liên kết, chạy đường Hải Phòng - Dunkerque, làm phụ bếp, lấy tên Văn Ba. Trên tàu gặp ông Bùi Quang Chiêu và được 2 người lính trẻ, giải ngũ, hồi hương, dạy đọc và viết tiếng Pháp. Ông Chiêu nói với Tất Thành: "Tại sao con lại làm cái nghề khó nhọc này? Bỏ nghề này đi. Con nên chọn một nghề khác, danh giá hơn..."[9].
Sổ hành trình ghi: Ngày 5/6/1911 rời Sài Gòn; 6/7 đến Marseille; 15/7 tới Le Havre; 26/8/1911 đến Dunkerque[10]. Theo Trần Dân Tiên, tàu đến Le Havre để sửa chữa. Nhân viên được chuyển sang một chiếc tàu khác để trở về Đông Dương, nhưng anh Ba không muốn về, anh ở lại Le Havre, làm vườn cho ông chủ tàu tại Sainte-Adresse, ngoại ô Le Havre, trong khoảng một tháng, rồi lại tiếp tục lên tàu đi Phi Châu. Tại nhà ông chủ, anh Ba học tiếng Pháp với cô sen[11].
Lê Thị Kinh viết: "Từ Dunkerque, tàu quay lại Sài Gòn và trên sổ lương của tàu có ghi: "Văn Ba đã lĩnh lương tại Sài Gòn ngày 16/10/1911". Ngày 31/10/1911 Tất Thành đã gửi một thư cho cha. Thư lọt vài tay mật thám và được chuyển cho khâm sứ Trung Kỳ"[12].
Vậy Trần Dân Tiên giấu việc trở lại Việt Nam, bịa ra chuyện đi vòng châu Phi để làm gì? Nếu không phải là để chứng minh muốn "đi xem các nước" để tính chuyện "giúp đồng bào" ngay từ 1911? Tất Thành lúc đó chưa thể bị "mật thám"theo dõi, vì chưa có thành tích gì. Thành viết thư thẳng đến Tòa Khâm, nhờ khâm sứ chuyển tiền cho cha, đồng thời viết thư cho anh là ông cả Đạt, đang làm việc tại Tòa Khâm - Sẽ nói rõ hơn ở dưới. Trong các thư Tất Thành gửi cho cha hay cho toàn quyền, năm 1911-1912, còn ký cả tên Tây: Paul Tatthanh hay Paul Thành... nữa, vậy khó có thể nói đến việc đi Tây "tìm đường cứu nước".
● Đơn xin học trường Thuộc Địa
Lá thư đề Marseille ngày 15/9/1911, gửi Tổng Thống Pháp xin vào nội trú trường Thuộc Địa được Henri de Turenne[13] phát hiện và công bố trên đài truyền hình Pháp trong chương trình về Hồ Chí Minh, tháng 1/1982. Vũ Ngự Chiêu và Nguyễn Thế Anh chụp được hai bức thư viết tay giống hệt nhau: một gửi Tổng Thống Pháp và một gửi Bộ Trưởng Thuộc Địa[14] cùng về việc xin học.
Daniel Hémery, cho rằng sự lựa chọn này là do Phan Châu Trinh dẫn dắt. Lê Thị Kinh, có lẽ do ảnh hưởng Hémery, đưa ra giả thuyết: Khi ở Sainte-Adresse:"Chắc chắn Người đã tranh thủ đến Paris gặp bác Phan, làm quen với những người quanh bác, và đặc biệt để bàn bạc với bác về hướng sống và học tập... Và có thể không phải chỉ đến một lần". Và bà tiếp tục cho rằng nhân dịp này "Người" gặp Bùi Kỷ, đang học trường Thuộc Địa và Bùi Kỷ đã gợi ý và viết đơn giùm[15].
Lập luận này không vững vì nhiều lẽ: Tất Thành chỉ ở Le Havre từ 15/7/1911 đến 26/8 đã theo tầu lên Dunkerque. Phan Châu Trinh tới Paris ngày 27/4/1911, lúc đó chưa quen Phan Văn Trường -chỉ gặp ông Trường tháng 1/1912- và chưa chắc đã biết Bùi Kỷ ở đâu. Việc thông tin thời ấy không dễ dàng, Tất Thành vừa từ Sài Gòn sang, tiếng Pháp chưa biết, lạ nước lạ cái, mà cũng chỉ ở Le Havre hơn một tháng, làm sao đã tìm được địa chỉ của Phan Châu Trinh? Mà dù có địa chỉ cũng chưa chắc đã dám xin chủ nghỉ việc để về Paris nhiều lần thăm bác, vì thời ấy di chuyển không dễ dàng như bây giờ. Hơn nữa, cả Trần Dân Tiên, Bùi Kỷ và Phan Châu Trinh đều không nói đến những cuộc gặp gỡ này. Vậy giả thiết "Bác"đã gặp Bùi Kỷ và Phan Văn Trường tại nhà Phan Châu Trinh không thể đứng vững.
Ngoài ra, hầu hết các tư liệu đều chứng minh: Năm 1911 Tất Thành chưa có ý đồ hoạt động chính trị, chỉ muốn giúp cha và tiến thân. Sau cùng, nếu Bùi Kỷ viết đơn giùm Tất Thành, thì cũng không gửi đơn xin học cho tổng thống và bộ trưởng, mà viết thẳng cho hiệu trưởng. Vậy người viết đơn giùm Tất Thành phải là người không có trình độ cao lắm, làm việc cùng với Tất Thành ở Công Ty Vận Tải tại Marseille, Le Havre hay Dunkerque, hoặc một sự quen biết nào khác. Ngày 21/10/1911, ông hiệu trưởng trường Thuộc Địa viết thư trả lời từ chối, chỉ nhận những người đã học và được toàn quyền tuyển chọn tại Đông Dương[16].
Lữ Phương dựa theo tài liệu của Hémery, thuật lại những sự kiện: khi tàu ghé Sài Gòn giữa tháng 10/1911, ngày 31/10/1911, Tất Thành viết thư gửi khâm sứ Trung Kỳ nhờ chuyển cho cha mandat 15 đồng Đông Dương và viết thư cho anh là ông cả Khiêm -Nguyễn Sinh Khâm hoặc Nguyễn Tất Đạt- đang giúp việc vặt tại Toà Khâm Sứ Trung Kỳ, nhờ vận động xin vào Ecole Coloniale. Việc này cũng thất bại.
Theo lời khai của ông Bùi Quang Chiêu với mật thám Sài Gòn ngày 21/9/1922, thì khi gặp trên tàu, Tất Thành nói với ông mục đích sang Pháp là để xin khiếu nại cho cha vừa bị bãi chức, và muốn đến ở nhà thuyền trưởng Do Huu Chan đang làm việc ở Marseille để nhờ ông giúp đỡ trong việc khiếu nại đó[17].
Xin nhắc lại: "Nguyễn Sinh Huy đậu phó bảng năm 1901; năm 1906 vào Huế nhậm chức thừa biện Bộ Lễ; 1909 được cử làm tri huyện Bình Khê (tỉnh Bình Định), nhưng chỉ 7 tháng sau, tháng 1/1910, thì bị bãi chức và bị triệu về Huế. Lý do: theo sở mật thám ông đã uống rượu say và đánh chết người"[18].
Vậy việc khuyên Tất Thành xin vào trường Thuộc Địa và viết đơn giùm có thể là thuyền trưởng Đỗ Hữu Chân -hay Chấn- làm. Cũng không loại trừ khả năng chính ông Bùi Quang Chiêu đã nghĩ ra, vì thương Tất Thành là con quan -ông Chiêu đã dạy ông Nguyễn Sinh Huy về nông nghiệp- phải làm việc trên tàu cực khổ, nên đã giới thiệu Thành với ông Đỗ Hữu Chấn và nhờ ông Chấn giúp đỡ, vì ông Chấn ở cùng công ty hàng hải. Đơn xin học đề ngày 15/9/1911 ở Marseille, đúng là thời gian tàu ghé Marseille trên đường về Sài Gòn. Ngày 16/10/1911, Văn Ba lĩnh lương tại Sài Gòn. Tất cả ăn khớp vì đường Thủy Marseille - Sài Gòn là một tháng. Tại Sài Gòn, Tất Thành lại nhờ anh, ông Đạt, viết thư gửi khâm sứ và toàn quyền, xin vào trường Thuộc Địa một lần nữa, nhưng vẫn bị từ chối. Từ đây, Tất Thành phải chấp nhận nghề thủy thủ.
Theo Hémery, từ 1912 tới mùa hè 1914, Tất Thành vẫn dùng tên Ba, tiếp tục làm bồi, phụ bếp, hoặc phu khuân vác trên những tàu xuyên Đại Tây Dương, chạy đường Le Havre - Londres - New York, hoặc Châu Phi - Châu Mỹ.
Từ 1914 đến 1919, bỏ việc trên tàu, sống tại Luân Đôn với tên Nguyễn Tất Thành, ở số 8 Tottenham Road. Hémery cho rằng trong thế chiến, Tất Thành không sang Pháp vì sợ có thể bị gọi đi quân dịch. Làm việc tại khách sạn Carlton, rửa bát, rồi phụ bếp. Học tiếng Anh và hình như buổi tối có học thêm Máy móc (Mécanique) và Điện. Trao đổi thư từ với Phan Châu Trinh bằng Hán văn. Giữa tháng 6/1919, sang Paris. Hoạt động trong nhóm An Nam Yêu Nước. Ngày 27/12/1920, khai mạc hội nghị Tours của đảng Xã Hội (SFIO), Nguyễn Tất Thành xuất hiện công khai với tên Nguyễn Ái Quốc. Ngày13/6/1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật đi Nga, tới Moscou ngày 30/6/1923. Tháng 2/1925, Lý Thụy xuất hiện ở Quảng Đông, tình báo Trung Hoa nhận diện là Nguyễn Ái Quốc. Thành lập Việt Nam Thanh Niên Cách Mệnh Đồng Chí Hội.
● Trình độ học vấn
Theo năm sinh chính thức 1890, thì khi xuống tàu đi Pháp năm 1911, Tất Thành 21 tuổi.
Từ điển Văn học và các tiểu sử chính thức khác đều ghi: thủa nhỏ học chữ Hán rồi quốc ngữ, sau vào Quốc Học Huế. Đầu năm 1911, bỏ học vào Phan Thiết dạy trường Dục Thanh, ít lâu sau vào Sài Gòn, rồi từ Sàigòn "xuất dương tìm đường cứu nước".
Daniel Hémery viết: "Theo lời khai của Đạt (anh cả của Thành) với Sở Mật thám năm 1920, thì Thành học trường bảo hộ (franco-indigène), dường như Đông Ba, đậu bằng Tiểu học (Certificat d'études primaires). Cả hai ghi tên vào trường Quốc học (...) nhưng Thành học dở dang, bỏ đi làm (khoảng 1909?), làm trợ giáo, lương 8 đồng một tháng, ở trường Dục Thanh tại Phan Thiết"[19].
Hémery ghi rõ học trường Pháp-Việt, còn đậu cả bằng Certificat d'études primaires. Nếu chi tiết này đúng, tức là Nguyễn Tất Thành đi học đến năm 19 hoặc 21 tuổi, và nếu có Certificat d'études primaires, tất phải biết tiếng Pháp.
Nhưng Trần Dân Tiên viết ngược lại: Ở tàu Latouche-Tréville "mỗi ngày anh Ba phải làm từ 4 giờ sáng", "công việc kéo dài suốt ngày", "suốt ngày anh Ba đẫm nước, hơi và mồ hôi, mình đầy bụi than", buổi tối có hai người lính giải ngũ về Pháp, tốt bụng, "dạy cho anh đọc và viết". Và khi làm vườn cho ông chủ tàu ở Sainte-Adresse, "anh học tiếng Pháp với cô sen"[20]. Một người đã có bằngCertificat d'études primaires không thể không biết đọc và viết tiếng Pháp, mà phải học tiếng Pháp với cô sen.
Nhưng cũng không có lý gì mà Hồ Chí Minh viết sai về chuyện này, nhất là ông lập lại nhiều lần rằng khi đến Pháp ông không rành tiếng Pháp, không viết được tiếng Pháp, phải nhờ Phan Văn Trường viết hộ.
Tại sao có nghịch lý này? Xin tạm giải thích như sau: Trong lá thư từ chối đơn xin học của Nguyễn Tất Thành[21], ông hiệu trưởng trường Thuộc Địa nói rõ lý do: Trường chỉ nhận những học sinh đã học ở Đông Dương và do toàn quyền Đông Dương quyết định. Vì vậy, khi về qua Sài Gòn, Tất Thành mới viết thư cho ông cả Đạt, nhờ ông viết thư cho khâm sứ và toàn quyền, để xin cho em mình vào học trường Thuộc Địa. Trong hai lá thư này, để có trọng lượng, chắc ông Đạt khai là em mình đã học các trường Pháp Việt Đông Ba và Quốc Học... Vì vậy, năm 1920, khi Nguyễn Tất Thành đã "nổi danh" là Nguyễn Ái Quốc, sở Mật Thám gọi ông Đạt lên hỏi cung, ông giữ nguyên lời khai cũ.
Tóm lại, vấn đề học vấn của Nguyễn Tất Thành, phần chữ Hán là chắc chắn, vì cha là phó bảng Nguyễn Sinh Huy, bạn của Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh...Còn việc học ở các trường Đông Ba, Quốc Học, dường như không lấy gì làm chắc lắm.
● Nguyễn Tất Thành đến Paris
1/ Trong thời gian ở Anh, Nguyễn Tất Thành có trao đổi thư từ với Phan Châu Trinh, gọi cụ Phan là Hy Mã nghi bá đại nhơn - Hy Mã là tên hiệu của Phan Châu Trinh, nghi bá là bác kính- tự xưng là cuồng điệt Nguyễn Tất Thành -cuồng điệt là người cháu hăng say. Vì Phan Châu Trinh bị theo dõi rất kỹ, loạt thư này không qua mắt được mật thám, đó cũng là một trong những lý do xác định khoảng 1914-1918, Nguyễn Tất Thành sống ở Luân Đôn.
2- Theo Thu Trang, mật thám tìm thấy thẻ thư viện mang tên Nguyễn Ái Quốc, ghi năm 1919[22]. Chứng này không đáng tin, vì thẻ thư viện, cũng như thẻ sinh viên, phải đề đầy đủ họ và tên thật Nguyễn Tất Thành, hoặc chỉ đề họNguyễn, chứ không thể đề tên hiệu Nguyễn Ái Quốc. Việc này có thể do mật thám nhìn thấy thẻ có tên Nguyễn, rồi bịa thêm thành Nguyễn Ái Quốc để lấy điểm.
3- Về thời điểm sang Pháp, Trần Dân Tiên viết:
Thế giới đại chiến bùng nổ. (....) Anh Ba đến nói với tôi: "Xin từ biệt anh Nam".
- Anh đi đâu?
Tôi đi Pháp (...)
Sau khi rời Luân Đôn, anh Ba viết thư cho tôi. Đại ý thế này:
"Tôi đã gặp nhà ái quốc Phan Châu Trinh. (...) Tôi cũng gặp luật sư Phan Văn Trường và những người khác. Tôi nói với họ: Trong khi vua Duy Tân nổi dậy ở Huế, nhân dân Thái Nguyên và nhiều nơi khác khởi nghiã, thì chúng ta phải làm gì chứ?"[23]
Trích đoạn trên đây cho thấy, "lần sang Pháp vào lúc đại chiến bùng nổ"Tất Thành mới gặp Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường. Nhưng lại có mâu thuẫn: Đại chiến thứ nhất bùng nổ năm 1914. Vua Duy Tân nổi dậy, 1916 và khởi nghiã Thái Nguyên, 1917. Vậy nếu Tất Thành sang Paris khi đại chiến bùng nổ vào năm 1914, thì làm sao biết được những biến cố xẩy ra năm 1916 và 1917?
Tại sao phải nói bừa như vậy?
Đọc đoạn Trần Dân Tiên viết về Hội Nghị Hoà Bình Versailles 1919, chúng ta có thể hiểu lý do:
"Họ đến để yêu cầu độc lập và tự do. Trong số đó, người ta thấy có ông Nguyễn Ái Quốc (tức là anh Ba). (...) Ông Nguyễn tổ chức nhóm người Việt Nam Yêu Nước ở Pa-ri và ở các tỉnh Pháp. Với danh nghiã của tổ chức này, ông đã đưa những yêu cầu ra trước hội nghị Véc-Xây (...) Cũng nên nhắc lại ý kiến đưa yêu cầu do ông Nguyễn đề ra nhưng lại do luật sư Phan Văn Trường viết, vì lúc bấy giờ ông Nguyễn chưa viết được tiếng Pháp. Cũng nên nhắc lại là ông Phan Châu Trinh và ông Phan Văn Trường không tán thành hoạt động của nhóm Việt Nam Yêu Nước, vì các ông ấy cho nhóm thanh niên là trẻ con"[24].
Trần Dân Tiên nhận mình đã "tổ chức nhóm người Việt Nam Yêu Nước ở Paris và ở các tỉnh", là nói bậy. Về bản Thỉnh Nguyện Thư thì viết đúng: luật sư Phan Văn Trường viết, vì lúc bấy giờ ông Nguyễn chưa viết được tiếng Pháp.Còn câu: "các ông ấy cho nhóm thanh niên là trẻ con" nên hiểu: hai ông Phan thuộc lớp già, chê lớp trẻ: Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Tất Thành là trẻ con.
Tóm lại, đoạn "anh Ba đi Pháp khi đại chiến thế giới bùng nổ" sở dĩ có nhiều chỗ vô lý, vì nó được viết ra với hậu ý chứng minh rằng:
- Chính Nguyễn Tất Thành đã dựng nên nhóm Người An Nam Yêu Nước.
- Chính Nguyễn Tất Thành là tác giả những bài báo ký tên Nguyễn Ái Quấc/Quốc.
- Chính Nguyễn Tất Thành chủ động đưa ra ý kiến về bản Thỉnh Nguyện Thưở Hội nghị Hoà Bình Versailles 1919.
- Và Nguyễn Tất Thành viết được những bài báo ký tên Nguyễn Ái Quốc là do đã ở Pháp từ 1914 và đã hết sức cố gắng học tiếng Pháp.
Xin nhắc lại: Khi Nguyễn Tất Thành đến Pháp -sẽ được xác định vào tháng 6/1919- Hội Nghị Hoà Bình Thế Giới đã khai mạc từ 18/1/1919 ở Versailles, tức là nửa năm trước, và nhóm An Nam Yêu Nước đã hoạt động từ khoảng 1916. Vậy Nguyễn Tất Thành không thể "tổ chức" nhóm An Nam Yêu Nước và cũng không"đề ra những yêu cầu" ở Versailles. Tất Thành chỉ là người được nhóm An Nam Yêu Nước chỉ định đem bản Thỉnh Nguyện Thư Của Người An Nam đến Hội Nghị Hoà Bình Versaillles.
Hội Nghị Hoà Bình (Conférence de la Paix) do khối đồng minh thắng trận đại chiến thứ nhất tổ chức, khai mạc ở Versailles ngày 18/1/1919 và kết thúc tháng 8/1920.
Ủy ban tối cao gồm các nước Mỹ, Pháp, Anh, Ý, Nhật.
Hội nghị bàn nhiều vấn đề, chủ yếu như:
- Sự cáo chung của Đế quốc Đức, đế quốc Áo-Hung, đế quốc Ottoman.
- Xây dựng ba nhà nước ở Âu châu: hồi sinh nước Ba Lan (Pologne), tạo ra các nước mới: Tchécoslovaquie và Yougoslavie.
- Thuộc địa Đức được lấy lại để chia cho Anh, Pháp, Bỉ, Nam Phi, Mỹ và Nhật.
- Đức phải bồi thường chiến tranh.
Bên lề hội nghị còn có những vấn đề:
- Nguyên tắc bình đẳng giữa các giống người.
- Hội nghị về Châu Phi tại Paris tháng 7/1919.
Ngày 8/1/1918, Tổng thống Mỹ đọc một diễn văn quan trọng tại Nghị Viện Hoa Kỳ, chủ yếu gồm 14 điểm, mà hội nghị Versailles sẽ lấy làm nền để bàn luận, nội dung nằm trên hai nguyên tắc: Dân tộc tự quyết và Tự do hoà bình.
Wilson được giải Nobel Hoà Bình năm 1919.
Đối với Việt Nam và các dân tộc bị trị trên thế giới, chủ trương của tổng thống Wilson sẽ là cơ hội và nền móng cho các chuyển động đòi độc lập.
Tuyên bố Wilson đi đôi với những cuộc tranh luận về vấn đề thuộc địa ở nghị viện Pháp, tiếp đó, nền chính trị thuộc địa được bàn cãi rộng rãi ở Hà Nội từ ngày 24/4/1919 với bài diễn văn cởi mở của toàn quyền Albert Sarraut, thuộc đảng Xã Hội, đề ra khái niệm "công dân bản xứ" (citoyens indigènes), một thứ "quyền chính trị mở rộng cho người dân bản xứ" (une extension sensible de leurs droits politiques dans la cité indigène), và sau cùng là Hội Nghị các vấn đề Châu Phi tháng 7 năm 1919.
Tất cả những biến cố này đã góp phần củng cố các phong trào đòi độc lập và hoà bình của các nước bị trị.
Bản Thỉnh Nguyện Thư của Phan Văn Trường đưa ra giữa tháng 6/1919, là lúc cao trào mọi chuyển động. Phan Văn Trường dùng hai nguyên tắc chủ yếu của Wilson là Dân tộc tự quyết và Tự do hoà bình làm nền tảng cho việc đòi hỏi tự do dân chủ của nước mình.
Theo Daniel Hémery trong cuốn Ho Chi Minh de L'indochine au Vietnam[25], dựa vào tư tưởng chống thực dân của tổng thống Mỹ, mùa thu năm 1918, trước khi Hội Nghị Hoà Bình họp, nhóm Tunisie và Algérie đã cho in Bản tuyên ngôn của Ủy ban Tunisie và Algérie tại Hội Nghị Hoà Bình, và Hội những người lao động Trung hoa ở Pháp, những người Ái Nhĩ Lan, Hội những người Triều Tiên cũng đã phát hành những tờ báo hoặc những bản công bố. Một trong những bản thỉnh nguyện đầu tiên của người Việt Nam đòi độc lập là của cựu hoàng Duy Tân, bị đầy từ năm 1916.
Trong chiến tranh, Pháp đã tập trung 900 ngàn người ở các thuộc địa đến Pháp để đánh giúp, trong đó có 92 ngàn người Việt Nam[26]. Số lính thợ di dân tạo nên những phong trào yêu nước chống Pháp của người dân các thuộc địa như Tunisie, Algérie... và Việt Nam với nhóm An Nam Yêu Nước của Phan Văn Trường. Trong bối cảnh tổng thống Wilson tuyên bố chống lại chính sách thuộc địa, Hội Nghị Hoà Bình Thế Giới là cơ hội hiếm có để tiếng nói của các nước bị đô hộ vùng lên, và nhóm Yêu Nước đã nhắm đúng thời cơ để công bố bản Thỉnh Nguyện Thư tám điểm, ký tên Nguyễn Ái Quấc.
● Xác định ngày Nguyễn Tất Thành đến Paris
1/ Việc Tất Thành sang Pháp năm 1914, quá khó tin; cho nên trong cuốnThời thanh niên của bác Hồ[27], Hồng Hà (được lệnh) sửa lại như sau:
"Anh bỏ nghề phụ bếp ở Luân Đôn, sang Pháp, đấy là vào cuối năm 1917"[28].
"Vừa tới Pa-ri, anh Nguyễn Ái Quốc đến ở nhà số 6 phố Vi-la đề Gô-bơ-lanh[29] một phố yên tĩnh của quận 13. Đây là nhà của luật sư Phan Văn Trường. Cùng ở có cụ Phan Châu Trinh mà anh Nguyễn Ái Quốc có thư từ thăm hỏi luôn khi anh còn ở Luân Đôn. Ông Trường nhường cho anh một buồng con trên gác ba, vừa đủ kê một cái bàn, một cái giường và một cái tủ con. Dạo ấy, nhà số 6 phố Vi-la đề Gô-bơ-lanh là một trung tâm gặp gỡ của nhiều Việt kiều ở Pa-ri. Có khi bà con đến chơi ăn ở liền mấy ngày (...) Cụ [Phan Châu Trinh] làm nghề ảnh tư ngay tại nhà số 6. Để sống, anh Nguyễn - cả người Việt lẫn người Pháp quen gọi anh Nguyễn Ái Quốc như thế - cùng với một kiều bào khác là Tuyết giúp việc cho cụ Phan đồng thời học nghề rửa ảnh và phóng đại ảnh. Cụ Phan là một nhà yêu nước chân thành, nổi tiếng ở Việt Nam và nước ngoài. Cụ hơn anh Nguyễn 19 tuổi, còn ông Trường vốn là thông ngôn, học đến tiến sĩ luật học, làm nghề luật sư ở Pa-ri. Ông giỏi tiếng Pháp, vào quốc tịch Pháp, có nghiên cứu chủ nghiã Mác, quen biết nhiều trí thức và nhà chính trị Pháp. Điều mà anh Nguyễn băn khoăn hỏi hai người lúc đó làm gì cho đất nước trong khi đồng bào khao khát cách mạng thì không được trả lời thoả đáng, rõ ràng. Anh Nguyễn vừa làm nghề rửa ảnh vừa chăm chỉ học thêm tiếng Pháp với ông Trường"[30].
Trích đoạn này cho ta một số thông tin rất đáng lưu ý. Đặc biệt câu: "Vừa tới Pa-ri, anh Nguyễn Ái Quốc đến ở nhà số 6 phố Vi-la đề Gô-bơ-lanh". Chính câu này đã xác định, một lần nữa, ngày tháng Nguyễn Tất Thành đến Paris: Bởi vì căn nhà số 6, ngõ cụt Gobelins, Phan Văn Trường chỉ ở sau giải ngũ, tức là từ tháng 4/1919, khi ông về sống tại Paris[31].
Tóm lại, nếu Nguyễn Tất Thành đến Paris ở ngay nhà Phan Văn Trường, 6 Villa des Gobelins, thì chỉ có thể là sau tháng 4/1919, thời điểm Phan Văn Trường đã giải ngũ, lên Paris và trước khi Nguyễn Tất Thành đem bản Thỉnh Nguyện đến Versailles, giữa tháng 6/1919.
2/ Một mật báo của Pierre Guesde - tổng thanh tra quân đội Đông Dương và người Đông Dương- Contrôleur général des troupes indochinois et des Indochinois chắc là chức vụ tình báo cao nhất về vấn đề Đông Dương, thời đó - không đề ngày, nhưng chắc là cuối năm 1919, ghi như sau:
"Người có tên gọi là Nguyễn Ái Quốc, 27 tuổi, quê ở Đông Dương. Anh ta đã từ Luân Đôn (Anh) đến Paris hồi tháng 6 vừa qua, ở một mình từ ngày 7 đến ngày 11/6/ tại số nhà 10 phố Stockholm, rồi từ ngày 12/6 đến ngày 13/7 vừa qua tại 56 Monsieur Le Prince. Sau đó, anh ta cư trú tại 6 Villa des Gobelins, ở với người đồng hương có tên là Phan Văn Trường sinh năm 1878 ở Hà Nội (Bắc Kỳ), luật sư toà Phúc Thẩm Paris"[32].
Mật báo này có lẽ là nguồn mà Sophie Quinn-Judge trích dẫn trong bài viết của bà, để xác định Tất Thành từ London đến Paris ngày 7/6/1919.
Tóm lại, theo tổng thanh tra Guesde: Tất Thành đến Pháp ngày 7/6/1919. Ở số 10 Stockholm từ 7/6 đến 11/6. Ở 56 Monsieur Le Prince từ 12/6 đến 13/7. Và từ 14/7/1919 đến ở 6 Villa des Gobelins. Được ông Khánh Ký dạy cho nghề rửa ảnh.
Vậy có thể xác định chắc chắn rằng: Nguyễn Tất Thành đến Pháp ngày 7/6/1919. Kết hợp mật báo của Pierre Guesde và các sự kiện khác, tất cả đều ăn khớp.
Nguyễn Tất Thành ở nhà số 6 Villa des Gobelins của Phan Văn Trường trong hai năm, từ tháng 6/1919 đến ngày 14/7/1921 mới dọn tới số 9, Impasse Compoint, khu 17.
Đây là khu phố nghèo dành cho thợ thuyền, gần ngoại ô phía Bắc Paris, Tất Thành tiếp tục nghề ảnh ở một cửa hiệu gần nhà. Ngày 14/3/1923, Tất Thành dọn về trụ sở báo Le Paria, số 3 Marché des Patriaches[33], ở được ba tháng đến 13/6/1923, lên đường đi Nga.
Khi đã xác định được đúng thời điểm Nguyễn Tất Thành đến Pháp, ta có thể đi sâu hơn nữa vào các tổ chức Việt kiều, vào sự phát sinh cái tên Nguyễn Ái Quấc/Quốc và những công trình Hồ Chí Minh nhận là của ông nhưng lúc đó ông chưa có mặt tại Paris.
● Căn nhà số 6 Villa des Gobelins và ông Khánh Ký
Căn nhà số 6 Villa des Gobelins, được coi là "trụ sở" của Hội Người An Nam Yêu Nước, nhiều nơi ghi là địa chỉ của Phan Văn Trường từ 1912, đặc biệt trong bản báo cáo của dự thẩm quan ba Caron, ngày 23/6/1915, với câu: "Sở Mật Thám khám nhà hai ông: không bắt được gì tại nhà ông Trường ở 6 Villa des Gobelins. Tại nhà ông Trinh ở 16 Cujas có bắt được một số tư liệu chữ Hán và quốc ngữ"[34].
Trong hồi ký, Phan Văn Trường cho biết: Từ khi sang Pháp cuối năm 1908 đến 1913, cuộc đời ông chia đôi giữa trường Sinh Ngữ Đông Phương, nơi ông dạy học và trường Luật, nơi ông học.
Bắt đầu từ tháng 4/1913, ông nói đến địa chỉ rue Bertholet (PVT, trang 99). Và đến tháng 2/1916, đóng ở Toulouse, khi được nghỉ phép về Paris, ông vẫn ở cái appartement ấy (PVT, trang 168).
1914-1915, đi tù. Ra tù, bị đổi xuống Toulouse, nhưng không ở trong trại lính mà thuê nhà ở riêng, đổi nhà 2 lần, đều ở Phố Taur - Rue du Taur.
Appartement phố Bertholet có lúc cho cháu ở, bị an ninh khám 2 lần, đều giả ăn trộm, lần thứ nhất khi ông vừa nhập ngũ, lần thứ nhì khi ông đã bị tù trong ngục Cherche-Midi, và mật thám đã lấy đi tất cả tài liệu (PVT, trang 112), cả bài diễn văn Les revendications indigènes - Những thỉnh nguyện của người bản xứ, đọc ở trường Cao Đẳng Xã Hội ngày 13/3/1914, cũng bị tịch thu trong 2 buổi khám nhà này.
Sự nhầm lẫn của Caron có thể giải thích như sau: số 6 Villa des Gobelins là một nhà lầu (immeuble) có nhiều phòng. Khoảng 1914-1915, có thể ông Khánh Ký đã thuê cho những người đồng hương lỡ bước ở nhờ.
Ông Khánh Ký tên thật là Nguyễn Văn Xuân, là một nhà ái quốc, thợ ảnh và doanh nhân, một trong ba cột trụ của Hội Đồng Bào Thân Ái, là người kinh tài cho tổ chức Yêu Nước ngay từ những ngày đầu, bạn thân của Phan Văn Trường, không hề rời ông Phan, dù ở Paris, Toulouse hay sang Mayence, Đức. Chính ông Khánh Ký đã dạy cho Phan Châu Trinh và Nguyễn Tất Thành nghề ảnh để kiếm sống tại Pháp. Và Nguyễn Như Chuyên -có nhiệm vụ theo dõi Phan Châu Trinh từ trên tàu rời Việt Nam- cũng đã ở số 6 Villa des Gobelins trong thời điểm đó.
Vì vậy mới có sự lầm lẫn trong phúc trình Caron và trong báo cáo của một số chỉ điểm khác. Mà cũng chưa hẳn là nhầm: có thể chính Nguyễn Như Chuyên đã dẫn mật thám đến khám nhà này năm 1914 và bảo đó là nhà của Phan Văn Trường.
Một mật báo của Deveze ngày 29/4/1921 cho biết thêm: "Hôm qua trong căn hộ của Phan Văn Trường ở 6 Villa des Gobelins đã xẩy ra một cuộc cãi cọ dữ dội giữa một bên là Khánh Ký và bên kia là Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc và Tạ Văn Căn. Khánh Ký đã nhân danh Phan Văn Trường cam kết với chủ ngôi nhà, ông Richard, là sẽ trả dần tiền thuê nhà trong 5 năm chiến tranh, nay không thể tiếp tục trả nữa và nói rằng những người ở nhà phải trả nợ đó (...) Khánh Ký còn báo với Phan Châu Trinh là người cháu của Phan Văn Trường là Phan Cao Lu (Lục?) làm cho một ngân hàng tư nhân ở Toulon sẽ đến ở Paris cùng với vợ và một cháu bé và phải giành chỗ ở cho anh ta trong căn hộ. Tình hình đó làm cho Phan Châu Trinh, Tạ Văn Hộ và Nguyễn Ái Quốc rất lo lắng, họ không biết sẽ làm sao ở chung được với gia đình trẻ có một cháu bé như vậy. Do đó họ đã tìm bà gác cổng để hỏi xem trong nhà còn nơi nào chưa có người thuê không"[35].
Như vậy, ông Khánh Ký đã thuê căn nhà Villa des Gobelins từ trong chiến tranh, và tới tháng 4/1921, ông báo cho những ai ở đó phải lo trả tiền nhà. Bởi vì ông đang sửa soạn về nước. Ông về Hà Nội ngày 25/7/1921[36].
Đó là lý do khiến ngày 14/7/1921, Tất Thành phải dọn tới 9 Impasse Compoint. Phan Châu Trinh ở lại đến cuối năm 1921 mới dọn ra 21 Pernety. Có lẽ vì giận Tất Thành hay làm ẩu nên ông Khánh Ký nói vậy -khi ở Mayence, ông Khánh Ký đã viết thư răn đe Tất Thành nên ăn ở tử tế với ông Trường- chứ ông Trường viết thư cho ông Trinh ngày 27/4/1921 còn dặn dò: "Tôi đã bảo cho Lục nếu nó cần ở Paris mấy tháng thì có thể đến căn hộ của tôi nhưng phải để gia đình ở Toulon. Nếu nó đem theo ai thì anh báo cho tôi. Roux đến Paris có việc gì hay chỉ đến thăm anh"[37].
● Trình độ chính trị của Nguyễn Tất Thành
Trần Dân Tiên viết: "Lúc ấy, ông Nguyễn là một người yêu nước quyết tâm hy sinh tất cả vì tổ quốc; nhưng ông Nguyễn lúc đó rất ít hiểu về chính trị, không biết thế nào là công hội, thế nào là bãi công và thế nào là chính đảng (...) Ông Nguyễn không đủ tiếng Pháp để viết và phải khẩn khoản yêu cầu ông Phan Văn Trường viết thay. Ông Trường viết giỏi, nhưng không muốn ký tên. Mà chính ông Nguyễn đã phải ký tên những bài báo"[38].
Đoạn này xác định thêm một lần nữa: Nguyễn Tất Thành không biết tiếng Pháp và cũng không hiểu gì về chính trị, nhưng những chi tiết này ở các bản tiểu sử chính thức về sau sẽ bị xoá hẳn. Trần Dân Tiên viết tiếp về việc học viết báo tiếng Pháp: "Nhược điểm về tri thức làm ông Nguyễn rất khó chịu. Nhất là ông Trường không viết tất cả những điều ông Nguyễn muốn nói. Vì vậy, ông Nguyễn bắt tay vào việc học làm báo. Thường lui tới toà báo "Dân Chúng", ông làm quen với những người Pháp khác trong đó có chủ bút tờ "Đời sống thợ thuyền". Cũng như ông Lông-ghê, người chủ bút này cũng rất đáng mến. Ông bảo ông Nguyễn viết tin tức cho tờ báo của ông. Biết rằng không thể nhờ ông Trường viết mãi, ông Nguyễn nói thật là mình cón kém tiếng Pháp. Người chủ bút nói: "Điều đó không ngại, có thế nào anh viết thế ấy. Tôi sẽ chữa bài của anh trước khi đưa in. Anh không cần viết dài, năm, sáu dòng cũng được". Ông Nguyễn bắt đầu viết rất khó khăn. Tin tức về Việt Nam, ông Nguyễn không thiếu. Ông thiếu nhất là văn Pháp (...) Khi thấy viết đã bớt sai lầm, ông chủ bút bảo ông Nguyễn: "Bây giờ anh viết dài hơn một tý, viết độ bảy tám dòng". Ông Nguyễn viết bảy, tám dòng. Dần dần, ông Nguyễn có thể viết cả một cột báo và có khi dài hơn. Lúc bấy giờ người chủ bút bạn thân của ông Nguyễn khẽ bảo:"Bây giờ anh viết ngắn lại. Viết từng này hoặc từng này dòng. Không viết dài hơn"[39].
Việc học tiếng Pháp để viết báo trong vài năm chỉ có thể đưa đến kết quả: Nguyễn Tất Thành có thể viết được vài hàng tin tức. Còn viết được những bài xã luận ký tên Nguyễn Ái Quốc là một chuyện khác. Nhất là Tất Thành chỉ ở Pháp có 4 năm.
Tóm lại, phần thành thật trong nhật ký Trần Dân Tiên là nhìn nhận lúc ở Pháp, Tất Thành chưa biết gì về chính trị, tiếng Pháp kém và muốn học để viết báo. Nhưng cũng có chỗ không thành thật: vì ông đã nâng thời điểm Tất Thành đến Pháp từ 1919 lên 1914, để chứng tỏ những việc làm của Phan Văn Trường là Nguyễn Tất Thành làm. Theo thông tin tình báo, ông chơi rất thân với Nguyễn Thế Truyền, người bạn có lúc ở chung với ông, hoặc ngày nào cũng gặp, có lẽ Nguyễn Thế Truyền mới là người đắc lực dạy ông tiếng Pháp.
Ở Hội Nghị Tours, khai mạc ngày 27/12/1920, Nguyễn Tất Thành xuất hiện công khai với cái tên Nguyễn Ái Quốc. Hémery viết: "Nguyễn xoay sở để được mời đi dự Đại Hội đảng Xã Hội ở Tours, nhân danh đại biểu khu 13 của nhóm Xã Hội Đông Dương ma (fantomatique). Ngày 27/12 anh phát biểu ủng hộ kiến nghị Cachin-Frossard, ủng hộ việc đảng Xã Hội gia nhập Quốc Tế Cộng Sản"[40].
Về Hội Nghị Tours, Trần Dân Tiên viết: "ông Nguyễn lắng nghe nhưng không hiểu rõ lắm, vì người ta thường nhắc đi nhắc lại những tiếng, những câu: chủ nghiã tư bản, giai cấp vô sản, bóc lột, chủ nghiã xã hội, cách mạng (...) Ông Nguyễn nhức đầu vì khó hiểu"[41].
Tuy không hiểu rõ những bàn cãi chính trị trong Hội Nghị Tours, nhưng Nguyễn vẫn bỏ phiếu cho Đệ Tam Quốc Tế vì ông nghĩ: "Đệ Tam Quốc Tế nói sẽ giúp đỡ các dân tộc bị áp bức giành lại tự do và độc lập của họ"[42].
Đoạn này Trần Dân Tiên cũng viết rất thực, nhưng trong cuốn Hồng Hà và các tiểu sử chính thức về sau, những đoạn thành thực như thế sẽ bị xoá hẳn, để thêm vào những đoạn dài mô tả "Bác" đã "nghiên cứu" kỹ càng lý thuyết Mác-Lê trước khi dự Hội Nghị Tours.
[1] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, Tủ sách nghiên cứu, Montréal, 1981, trang 70.
[2] Đặng Thai Mai, Hồi ký, Tác phẩm mới, 1985, trang 355.
[3] Nguyễn Thế Anh, L'itinéraire politique de Ho Chi Minh, in trong cuốn Ho Chi Minh, L'homme et son héritage, Đường Mới, Paris, 1990.
[4] P. Brocheux dẫn Hémery, Ho Chi Minh, Presses Sciences Po, 2000, trg15.
[5] T. Lan là một trong những bút hiệu của Hồ Chí Minh sau 1951, theo Bùi Tín, ông Hồ rút ngắn bí danh Trần Thái Lan của Nguyễn Thị Minh Khai khi hoạt động ở Hương Cảng và Quảng Đông.
[6] Lữ Phương, Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh, Thư Nhà, Melbourne, Australia, 2002, trang 5.
[7] Lữ Phương, sđd, trang 26-27).
[8] Lữ Phương, sđd, trang 25.
[9] Trần Dân Tiên, trang 17.
[10] Chép theo sổ hành trình của tàu, Hồng Hà, trang 27-28-29. Lê Thị Kinh, sđd, tập 1, quyển 3, trang 187.
[11] Trần Dân Tiên, trang 18-19-20.
[12] Lê Thị Kinh, sđd, tập 1, quyển 3, trang 187-188.
[13] Nhà báo Pháp, cánh tả, nổi tiếng làm phim thời sự về Việt Nam.
[14] Vũ Ngự Chiêu &Nguyễn Thế Anh, Một ngôi trường khác cho Nguyễn Tất Thành, Tủ sách Văn Hoá, Paris, 1983, trang 117- 118.
[15] Lê Thị Kinh, sđd, trang 188-190.
[16] Vũ Ngự Chiêu & Nguyễn Thế Anh, trang 121.
[17] Hémery, sđd, trang 36-37. Lữ Phương, sđd, trang 19-20.
[18] Trích theo Lữ Phương, sđd, trang 16, LP trích lại Hémery, Jeunesse d'un colonisé, genèse d'un exil. Ho Chi Minh jusqu'en 1911, Approche Asie, No 11, 1992.
[19] Daniel Hémery, Ho Chi Minh De L'Indochine au Viet Nam, Gallimard 1990, trang 32-33.
[20] Trần Dân Tiên các trang 15-16-17 và 20.
[21] Vũ Ngự Chiêu & Nguyễn Thế Anh, sđd, trang 121.
[22] Thu Trang, Rapport ký tên Jean, in trong Phụ lục cuốn Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911-1925, Đông Nam Á, Paris, 1983.
[23] Trần Dân Tiên, trang 30-31.
[24] Trần Dân Tiên, trang 32.
[25] Découverte Gallimard, 1990, trang 43
[26] Hémery, sđd, trang 42.
[27] Nxb Thanh Niên, 1976.
[28] Hồng Hà, trang 38.
[29] 6 villa des Gobelins. Villa ở đây nghiã là Ngõ cụt, không phải là Phố.
[30] Hồng Hà, sđd, trang 38 và 19.
[31] Phan Văn Trường, Une histoire de conspirateurs annamites à Paris ou la vérité sur L'Indochine - Chuyện những người An Nam âm mưu ở Paris hay Sự thật về Đông Dương, L'Insomniaque, 2003.
[32] Lê Thị Kinh, sđd, tập 2, quyển 1, trang 64.
[33] Hồng Hà, trang 187.
[34] Lê Thị Kinh, sđd, tập 1, quyển 3, trang 14.
[35] Lê Thị Kinh, sđd, tập 2, quyển 1, trang 188.
[36] Lê Thị Kinh, tập 2, quyển 1, trang 211.
[37] Lê Thị Kinh, sđd, t2, q1, trang 190.
[38] Trần Dân Tiên, trang 34- 35.
[39] Trần Dân Tiên, trang 35- 36.
[40] Hémery, trang 46.
[41] Trần Dân Tiên, trang 46-47.
[42] Trần Dân Tiên, trang 49.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét