Yên Tánh - Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, hàng năm cứ mỗi độ gió lạnh bắt đầu thổi, lá xanh
trên cành thưa thớt dần, thì biết bao con dân đất Việt đang còn sống ở quê
hương hay phiêu bạt khắp nẻo năm châu đều ưu buồn nhớ về một biến cố đau thương
khởi đầu cho những đau thương, tang tóc ngày một chất chồng và dồn dập hơn về
sau cho đất nước: Cái chết tức tưởi, oan khiên của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và
bào đệ Ngô Đình Nhu.
Thật vậy, sự ra đi
không bao giờ trở lại của anh em Tổng Thống Diệm đã kết thúc một giai đoạn 9
năm tương đối an bình, ổn định về mọi mặt của miền Nam va đánh dấu sự khởi đầu
của những bất ổn, xáo trộn, suy thoái của nó. Miền Nam, do mất đi sự lãnh đạo
khôn ngoan với viễn kiến chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, đã bị thao túng
trực tiếp bởi Cộng Sản hay gián tiếp bởi họ qua những phần tử hám danh, quyền lực
nhưng thiếu cái đầu tỉnh táo và tâm hồn lương thiện.
Sư thay đổi liên tiếp
trong một thời gian ngắn hai năm các chính phủ “cách mạng” làm người dân ngán
ngẩm và mất niềm tin nơi giới lãnh đạo. Sự rạn nứt trong quân đội do sư tranh
quyền lãnh đạo giữa các phe phái đã làm mất sự đoàn kết và thống nhất của nó,
vì thế tiềm năng chống cộng để củng cố nền độc lập của một nửa nước bị ảnh hưởng
nghiêm trọng, đưa đến khủng hoảng tưởng chừng như không giải quyết nổi.
Người Mỹ sau sự lầm
lẫn lớn lao là ủng hộ ngầm cho việc đảo chánh và sát hại anh em Tổng Thống Diệm
vì thói kẻ cả, kiêu ngạo và thiếu hiểu biết về một đường lối chống cộng hiệu quả
dựa trên nét đặc thù văn hóa, xã hội, dân tộc tính Việt Nam cũng như không nhìn
rõ được âm mưu, sách lược mà Cộng Sản quốc tế đã giao phó cho đàn em Cộng Sản Bắc
Việt thi hành, chỉ làm tình hình miền Nam mất ổn định và rối ren thêm. Họ cứ
nghĩ là có đồng đô la là mua được sự phục tùng, bom đạn cứ sử dụng ào ạt là đè
bẹp được ý chí chiến đấu của đối phương, họ chỉ hoạch định được kế hoạch ngắn hạn
với đánh nhanh, rút gọn, kiểu tiêu diệt Cộng Sản của họ là kiểu nhổ cỏ đằng ngọn
mà không phải đằng gốc.
Người Mỹ có thừa tiền
bạc nhưng lại thiếu tính kiên nhẫn, sự lương thiện và lòng trung tín với bạn
bè, sự khiêm nhường cần phải có để học hỏi cái hay của người không giàu bằng
mình. Hậu quả là sau này cho dầu họ có đổ hết tỷ đô la này đến tỷ đô la khác
vào chiến trường miền Nam, cho dầu họ rảnh tay thao túng nội tình miền Nam, cuộc
chiến đã không xoay theo chiều hướng mà họ mong muốn. Cuối cùng, họ không hổ thẹn
mà sẵn sàng bội tín một lần nữa khi đã tìm được cách xoay ván cờ chống Cộng ở
vùng Đông Nam Á.
Cái chết của Tổng Thống
Kennedy và chẳng bao lâu sau của người em trai là biểu tượng cái giá phải trả
cho sự giết hại một lãnh đạo anh minh của một nước có độc lập, chủ quyền và là
điềm gỡ cho kết quả sau này của chính sách can thiệp thô bạo của Mỹ tại miền
Nam. Mỹ đã gặt hái được gì từ cuộc chiến 12 năm sau hơn là một sự tháo chạy hối
hả, nhục nhã dẫu rằng đã cố gắng dàn dựng từ ba năm trước một màn kịch hòa bình
trong danh dự? Mỹ đã từng kiêu ngạo ở vị trí siêu cường của mình cùng với biết
bao bộ óc lỗi lạc đưa ra hết sáng kiến này đến chiến lược khác, nay phải cúi đầu
trước đám người man dại, lạc hậu, thua kém đủ mọi mặt, mà họ đã từng có ý định
đưa về lại thời đồ đá.
Dưới con mắt quan
sát của thế giới, Mỹ giờ đây không phải là một anh chàng nhà giàu, phong lưu mã
thượng mà hóa ra là một thứ con buôn chính trị, sẵn sang tráo trở, bội phản bạn
bè để mua bán món hàng béo bở, đem về quyền lợi cho mình mà mặc cho bạn bè sống
chết ra sao. Do vậy, những ai có Mỹ là bạn, buộc phải đánh giá lại tình bạn đó.
Vì thế, Mỹ dễ có nhiều kẻ thù hơn bạn, và nếu có bạn, thì đó chỉ là bạn trên đầu
môi, chót lưỡi hay bạn trong giai đoạn nhất thời mà thôi.
Chưa hết, ngay cả
cái cái món hàng Trung Quốc béo bở mà Mỹ đinh ninh nắm được trong tay khi bán đứng
miền Nam để đổi lấy năm xưa, nay ngày càng lộ rõ hình bóng cơn bão tố đã được
gieo bởi Mỹ 43 năm về trước.
Để nhớ về vị Tổng Thống
kính yêu của miền Nam, chúng ta thử lật lại những trang sử Việt Nam cận đại vào
thời điểm năm 1963.
Miền Nam, sau 9 năm dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã có bộ mặt của một quốc gia độc lập, phấn khởi xây dựng một xã hội mới và trên đà hòa nhập vào sinh hoạt của thế giới tự do, nơi mà các quyền tự do căn bản của con người được tôn trọng và bảo đảm, nhằm tạo điều kiện phát triển tài năng, sáng tạo cá nhân để tất cả mọi người đều có điều kiện góp phần vào sự phát triển của xã hội, đất nước. Chi trong vòng 9 năm ngắn ngủi so với những thời kỳ thực dân-phong kiến truớc đó, nền đệ nhị Cộng Hòa theo sau và Cộng Sản từ 1975 đến nay, những thành tựu mà chế độ ông Diệm đạt được quả là phi thường.
Miền Nam, sau 9 năm dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã có bộ mặt của một quốc gia độc lập, phấn khởi xây dựng một xã hội mới và trên đà hòa nhập vào sinh hoạt của thế giới tự do, nơi mà các quyền tự do căn bản của con người được tôn trọng và bảo đảm, nhằm tạo điều kiện phát triển tài năng, sáng tạo cá nhân để tất cả mọi người đều có điều kiện góp phần vào sự phát triển của xã hội, đất nước. Chi trong vòng 9 năm ngắn ngủi so với những thời kỳ thực dân-phong kiến truớc đó, nền đệ nhị Cộng Hòa theo sau và Cộng Sản từ 1975 đến nay, những thành tựu mà chế độ ông Diệm đạt được quả là phi thường.
Năm 1954, trong lúc
tình hình chính trị, quân sự và ngoại giao rối ren với bao việc phải giải quyết,
Thủ Tướng Ngô Đình Diệm vẫn phải thu xếp và lập ra ủy ban đặc trách tiếp nhận cả
triệu đồng bào miền Bắc do không sống nỗi dưới sự kềm kẹp dã man, tàn bạo của Cộng
Sản, đã phải dứt bỏ nơi chôn nhau cắt rún để vào Nam tìm con đường sống. Cuộc
đón tiếp những người tị nạn được tiến hành chu đáo và đạt kết quả mỹ mãn, họ được
đối xử tử tế, chăm sóc sức khỏe ân cần, được tạo điều kiện về công ăn, việc làm
và học tập. Nhờ vậy, họ nhanh chóng được an cư, lạc nghiệp ở những vùng đất trù
phú, màu mỡ, dần dà hòa nhập vào đời sống miền Nam một cách thoải mái, tự
nhiên. Tiếp theo sau đó là việc chính phủ phải lo đối phó với giặc Bình Xuyên,
Cao Đài, Hòa Hảo để đem lại an bình cho đời sống người dân. Nhờ sự cương quyết,
khôn ngoan và khéo léo, nạn giặc cát cứ đã được dẹp yên, quân đội được thống nhất
về một mối và luôn được canh tân để có đủ năng lực và sức mạnh chống lại sự xâm
nhập của Cộng Sản.
Dưới thời Tổng Thống
Diệm, văn hóa, giáo dục phát triển nhờ những biện pháp thúc đẩy tự do tư tưởng
và sáng tác, sự gia tăng nhanh chóng nhiều trường từ tiểu học, trung học, lên đến
đại học và các trường kỹ thuật, chuyên môn. Chế độ mới đã tạo điều kiện cho mọi
người không kể giàu nghèo được thụ hưởng một nền giáo dục nhân bản, dân tộc và
khai phóng với hai hệ thống trường công và tư mà phẩm chất đào tạo từ các trường
này đều như nhau. Nhiều học sinh con nhà nghèo nhưng học giỏi vẫn có cơ hội
vươn lên trong cuộc sống và đạt được tương lai tươi sáng nhờ những học bổng du
học nước ngoài. Về mặt tín ngưỡng, người dân được tự do trong niềm tin tôn giáo
của mình, không một ai bị trù dập, bắt bớ vì đạo giáo của mình. Thật vậy, chùa
chiền, nhà thờ và các nơi phụng tự khác được tu sửa và xây dựng thêm ở khắp
nơi.
Về mặt chăm lo sức
khỏe toàn dân và ngăn ngừa bệnh tật lây lan, cùng với việc tu bổ các bệnh viện
đã có, chính quyền còn xây dựng thêm nhiều bệnh viện lớn ở những khu thành thị
và những trạm y tế ở miền quê hẻo lánh. Dân nghèo có thể được khám bệnh và chữa
trị miễn phí ở các bệnh viện công. Đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế cũng được
tăng cường với số người được đào tạo tăng rất nhiều lần so với thời Pháp thuộc.
Về mặt ổn định đời sống người dân ở nông thôn và phát triển nông nghiệp ở miền
Nam, chương trình cải cách điền địa được tiến hành nhằm đem ruộng cho dân cầy
qua việc thu mua hợp lý từ các địa chủ đề chia cho người nghèo, không có ruộng
canh tác. Về mặt chăm lo cô nhi quả phụ, với những gia đình có người thân đã hy
sinh mạng sống cho tổ quốc, chính phủ có chính sách trả tiền tử tuất hàng tháng
để cuộc sống họ được bảo đảm và mở các trường quốc gia nghĩa tử để lo cho tương
lai con em họ.
Chính sách phát triển
kỹ nghệ cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng và thực hiện qua việc lập các khu kỹ nghệ
để tiến đến khả năng tự túc về các sản phẩm may mặc, tiêu dùng hàng ngày. Chính
phủ luôn kêu gọi toàn dân tiết kiệm, dùng hàng nội hóa để thúc đẩy sản xuất nội
địa trên tinh thần tự lực cánh sinh, không lệ thuộc vào sự viện trợ từ bên
ngoài. Chính phủ có đường hướng lâu dài về phát triển kỹ nghệ nhẹ và nông nghiệp
để có thể xuất cảng, qua đó ngoại tệ thu về sẽ được dùng để xây dựng đất nước.
Về mặt đối ngoại, nền
đệ nhất Cộng Hòa đã thiết lập bang giao với hầu hết các nước lớn và có vị thế
trên khắp thế giới. Vị thế của chính Việt Nam Cộng Hòa ngày càng nâng cao trên
trường thế giới, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á, nơi mà nhiều nhà lãnh đạo đã
tỏ lòng kính trọng và ngưỡng mộ sự lãnh đạo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Chính
Tổng Thống Eisenhower của Hoa Kỳ đã từng thán phục, hết lòng ca ngợi và xem ông
như một Churchill của Á Châu.
Về công cuộc bảo vệ
nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ miền Nam khỏi sư xâm lăng của Cộng Sản quốc tế
mà Bắc Việt đã tự nguyện làm tên xung kích, dễ dàng thấy rằng Bắc Việt đã sử dụng
Việt Cộng như cánh tay nối dài để khuấy rối cuộc sống yên lành trước tiên của đồng
bào vùng nông thôn với mục đích lũng đoạn và kiểm soát nơi này, rồi tiến tới
sách lược bao vây thành thị và cuối cùng là hoạt động khuynh đảo chính quyền.
Ngay từ đầu, anh em Tổng Thống Diệm đã nhìn ra âm mưu này của Cộng Sản Bắc Việt
nên ra sức xây dựng nông thôn thành những đơn vị kinh tế, quân sự và hành chánh
tự trị có sự giúp đỡ của nhà nước về mặt phát triển sản xuất, y tế, học tập và
an ninh. Những khu trù mật, ấp chiến lược mọc lên ngày càng nhiều và lớn mạnh
đã sàng lọc được Việt Cộng trà trộn vào dân để thừa cơ phá hoại thành quả xây dựng
nông thôn, ám sát lãnh đạo địa phương, bắt thanh niên đi theo họ. Việt Cộng giờ
đây dễ dàng lộ nguyên hình trước mặt chính quyền nên phải trốn chui nhủi, chứ
không tự tung tự tác được nữa. Chính Cộng Sản sau này đã thú nhận rằng quốc
sách Ấp Chiến Lược đã làm họ điêu đứng, khổ sở vô vàn và hoạt động chống phá hầu
như tê liệt ở nhiều nơi. Cho đến năm 1963, Việt Cộng chỉ gây được tiếng vang
qua trận Ấp Bắc xảy ra vào năm 1960 nhờ tính linh hoạt của chiến tranh du kích,
tuy nhiên họ bị tổn thất về nhân mạng rất nhiều trong trận này. Tình hình quân
sự ở miền Nam nhìn chung khả quan và đời sống người dân an lành, phát triển. Đã
có ý kiến cho rằng nếu tình hình miền Nam vào giai đoạn này rối ren về mặt quân
sự, có lẽ Tổng Thống Kennedy chưa muốn đưa quân Mỹ qua để đánh nhanh, rút gọn
mà mang về chiến thắng làm bệ đỡ cho chiếc ghế Tổng Thống một nhiệm kỳ nữa.
Dựa trên những thành
tựu to lớn, được thực hiện trong một thời gian ngắn kỷ lục, đủ thấy anh em Tổng
Thống Diệm phải làm việc hăng say và căng thẳng như thế nào (ở đây cần nhận rõ
là công việc của hai người bổ sung cho nhau và sẽ là một thiếu sót rất lớn nếu
nhớ đến công lao của Tổng Thống Diệm mà không nhắc đến sự cống hiến to lớn của
ông Ngô Đình Nhu - và cả của ông Ngô Đình Cẩn ở miền Trung nữa - vào việc kiến
tạo và bảo vệ nền Cộng Hòa ở miền Nam), phải có một tận hiến về thời gian, sức
lực và trí tuệ thì họ mới giải quyết được một cách
Thử tưởng tượng bao
nhiêu suy tư, đắn đo trong việc chọn lựa phương sách, bao tâm huyết phải đổ ra
để đối phó với nào thực dân Pháp, nào là Cộng Sản và ngay cả với đồng minh Mỹ của
mình. Thực dân Pháp thì luôn hậm hực về thất bại của mình ở Đông Dương nói
chung và Việt Nam nói riêng, đang tìm cách quay lại để bảo vệ các quyền lợi béo
bở của mình, họ luôn tìm cách đưa lên vị trí lãnh đạo tay sai sẵn sàng phục tùng
mệnh lệnh của họ hoặc sử dụng các thành phần ly khai thân Pháp để quấy rối cả về
mặt chính trị và quân sự đối với chế độ mới. Cộng Sản thì mong sao lợi dụng được
những thử thách to lớn về mọi mặt mà nhà nước non trẻ này đang phải đương đầu để
tiến hành xâm chiếm miền Nam bằng vũ lực. Còn Mỹ thì không muốn thấy ảnh hưởng
của Pháp ở Đông Dương để toàn tâm, toàn lực thi hành kế hoạch ngăn chận sự bành
trướng của khối Cộng Sản ở vùng Đông Nam Á, rồi đây có thể làm suy yếu vị thế của
Mỹ trong cuộc đọ sức giữa khối Tư Bản mà dẫn đầu là Mỹ với khối Cộng Sản Quốc Tế.
Tuy xem miền Nam là đồng minh trong công cuộc chống Cộng, Mỹ không quan tâm nhiều
đến những quyền lợi cốt lõi, sinh tử của miền Nam trong cuộc chiến tranh này mà
chỉ chú trọng đến quyền lợi riêng của mình. Sự đóng góp của anh em Tổng Thống
Diệm trong việc khai sinh, bảo vệ và phát triển mọi mặt một nền Cộng Hòa tiến bộ
mà lúc bấy giờ thật hiếm thấy ở Đông Nam Á, ngay cả Á Châu vì thế đã vượt qua
giá trị của việc thi hành bổn phận thông thường của bậc nguyên thủ quốc gia mà
hơn thế nữa, chứng tỏ rằng những việc làm của hai ông là một hy sinh vô tận cho
đất nước và dân tộc.
Có lẽ chỉ đến khi miền
Nam sụp đổ hoàn toàn vào tay Cộng Sản thì tất cả những ai, dù ở cương vị nào
trong xã hội, hoặc trực tiếp hay gián tiếp góp phần vào việc phá hủy nền đệ nhất
Cộng Hòa và sát hại những người khai sinh ra nó mới dần ý thức được trách nhiệm
của mình. Lỗi là của những ai vì tham quyền lợi, danh vọng, sẵn sàng phản bội kẻ
bề trên. Lỗi ở nơi những ai không nhiệt thành dùng sức lực, trí tuệ để xây dựng
và bảo vệ đất nước mà trong chờ vào ngoại bang. Lỗi ở nơi những ai vì quyền lợi
phe phái, tham vọng chính trị cho bản thân mà quên đi trách nhiệm đóng góp vào
sự nghiệp chung, trái lại sẵn sàng đánh đổ thành quả kẻ khác tạo dựng cho đất
nước để gây thanh thế cho mình. Lỗi ở nơi những ai không có ý thức về trách nhiệm
công dân trong cảnh nước nhà nguy biến. Lỗi những ai không có ý thức chính trị,
để cho kẻ khác độc quyền chính trị, làm thay và định đoạt số phận của mình. Lỗi
nơi những người mù lòa, không phân biệt giả, chân, phải, trái…Thật đáng tiếc
khi Thượng Đế ban tặng cho dân tộc Việt Nam một món quà nếu không muốn nói là một
gia tài tuyệt vời mà dân tộc này không giữ được. Phải chăng người nhận quà ban
tặng phải xứng đáng với nó? Một dân tộc thất bại, có thể tiến về phía trước, mở
ra những trang sử sáng lạng trong tương lai nếu nhận biết lỗi lầm, rút ra được
bài học và đừng để chúng tái diễn.
Anh em Tổng Thống Diệm
mất đi nhưng di sản của các ông để lại thì rất lớn và còn mãi đến ngày nay. Đó
là một nền dân chủ mặc dù non trẻ, chưa giàu kinh nghiệm nhưng đã đủ khả năng
lèo lái con thuyền quốc gia đi đúng hướng, phát triển theo đà văn minh của nhân
loại, không một lỗi lầm nào so với những lỗi lầm nghiêm trọng có ý nghĩa sinh tử
mà Cộng Sản gây ra cho đất nước và dân tộc Việt Nam ngày hôm nay. Nhắc đến chế
độ của Tổng Thống Diệm, người ta nghĩ đến một đất nước có luật pháp nghiêm
minh, kỷ cương từ trên xuống dưới, quân đội và cảnh sát dùng để bảo vệ đất nước,
nhân dân, thiết lập trật tự xã hội chứ không phải là công cụ đàn áp và kềm chế
người dân trong một nhà nước độc tài, toàn trị. Nói đến xã hội thời Tổng Thống
Diệm, người ta không quên một xã hội sung túc, đầy đủ về mặt vật chất, nhân ái,
đạo đức về mặt tinh thần, thông minh, sáng tạo về mặt kiến thức, trí tuệ, xây dựng
đất nước về mọi mặt.
Tưởng niệm về Tổng
Thống Diệm, người ta thấy rõ tấm lòng yêu nước, thương dân của ông như ánh
trăng vằng vặc, sáng ngời. Cả đời ông cống hiến cho sự độc lập và toàn vẹn lãnh
thổ của non sông, sự ấm no và hạnh phúc của đồng bào, ông chưa bao giờ màng đến
danh vọng, địa vị, của cải thế gian hay hạnh phúc riêng tư. Cái chết thê thảm của
anh em Tổng Thống Diệm, dưới mắt người đời coi là nhục nhã, nhưng kỳ thực đó là
cái chết rạng ngời, minh chứng cho tinh thần độc lập, bất khuất của nòi giống Lạc
Hồng, không bao giờ khuất phục trước ý chí ngoại bang. Suốt cả thời gian 9 năm
lãnh đạo đất nước, anh em ông luôn đề cao tinh thần tự lực, tự cường, ý chí
phát triển đất nước và dân tộc dựa trên sức mình là chính, không ỷ vào viện trợ
nước ngoài mà tìm cách chấm dứt điều đó càng sớm càng tốt. Thật là một trò cười
cho những kẻ vu khống anh em ông là tay sai, là bán nước, là bù nhìn cho Mỹ! Liệu
miền Nam có thể tồn tại chỉ bằng dựa vào sức của mình mà không liên kết với bất
cứ đồng minh nào cùng mục tiêu chống cộng trong khi phe Cộng Sản quốc tế dốc
toàn lực để thôn tính vùng Đông Nam Á? Anh em Tổng Thống Diệm đã chọn giải pháp
đúng đắn nhất lúc bấy giờ là đồng minh với Mỹ.
Mặt khác, sự đề cao
tinh thần độc lập dân tộc nơi anh em Tổng Thống Diệm là một việc làm khôn
ngoan, chứng tỏ hai ông có viễn kiến chính trị. Chúng ta nên nhớ rằng Cộng Sản
quốc tế với chiêu bài giải phóng các dân tộc bị áp bức trên thế giới, luôn lên
án chủ nghĩa dân tộc là hẹp hòi, ích kỷ, cần phải đấu tranh để xóa bỏ mà thực
hiện vô sản hóa và đoàn kết lại toàn thế giới. Thật là một ảo tưởng vĩ đại cho
những đất nước nhỏ được quyền bình đẳng với các nước Cộng Sản lớn trên thế giới:
một hạt đường nhỏ cho vào một ly nước muối sẽ không bao giờ còn ngọt nữa. Cứ
nhìn những nước láng giềng bị nước Nga cộng sản thôn tính thì đã rõ. Bình đẳng
chỉ thực sự đạt được ở những đối tác đồng lực, đồng tài. Vậy mà Cộng Sản Bắc Việt
vào thời điểm đó đã u mê tự nguyện làm chư hầu, lãnh trách nhiệm của tên lính
đánh thuê cho Nga, Tàu để đưa đất nước đến chỗ hoang tàn vì chiến tranh, chia rẽ
vì hận thù, đói nghèo, lạc hậu vì ngu dốt và phi nhân, lẻ loi và cô độc vì tự
tách mình ra khỏi xu thế tiến bộ và văn minh của loài người!
Di sản của chế độ Tổng
Thống Diệm dẫu không được nền đệ nhị Cộng Hòa thừa hưởng trọn vẹn vì một số lý
do, nhưng ở nhiều mặt là nền tảng cho sự phát triển của miền Nam sau này. Sự tồn
tại của hai nền Cộng Hòa mà cái trước là điều kiện cho cái sau, trong khoảng thời
gian 21 năm là một ký ức đặc thù, sẽ tồn tại mãi trong lịch sử nước nhà Việt
Nam như một thời kỳ phát triển đất nước còn dở dang, qua đó những ai đang thất
vọng về một đất nước Việt Nam, một con người Việt Nam thật đáng hổ thẹn ngày
hôm nay, được biết rằng đã có một thời đáng tự hào cho đất nước và dân tộc mà
ta có thể nhìn vào đó để rút ra những bài học cho tương lai, nhìn vào đó như một
ngọn hải đăng soi đường cho những con thuyền còn lao đao trong bão tố mịt mùng
và bóng đêm mê muội.
Đối với những điều bịa
đặt, thêu dệt thì sự thật như ánh sáng trong vùng tăm tối, như hồi chuông lanh
lảnh vang xa trông không gian tịch mịch, như trầm hương thiêng liêng tỏa ngào
ngạt muôn nơi, không một ai hay một thế lực nào có thể che đậy hay hủy diệt được.
Sự thật đã thoát ra, vươn lên trên mọi thứ giả dối, tầm thường để phô bày rõ
ràng, không một nét mơ hồ, không một vùng tăm tối, tất cả những gì thực sự xảy
ra trong quá khứ. Để nhận ra nó, chỉ cần một tấm lòng vô tư, trong sáng, hướng
thiện.
Anh em Tổng Thống Diệm
đã sống ung dung những giờ phút cận kề cái chết vì ý thức rằng mình đã và đang
thực hiện những điều đúng đắn, có ích cho quốc gia, dân tộc. Do vậy, hai ông
luôn chủ động trong tư tưởng, hành động của mình, không một chút sợ hãi, không
một gợn âu lo cá nhân, có chăng, là cho tương lai của đất nước và dân tộc. Có
cái chết nào đẹp và cao quí hơn cái chết cho người mình yêu? Đó là đất nước và
dân tộc Việt Nam hai ông hằng yêu mến và đem hết cuộc đời mình ra để bảo vệ. Vì
người mình yêu mà phải chấp nhận một cái chết oan khiên, tức tưởi, tủi nhục và
cô đơn. Lạ kỳ thay, cái chết đó đã tỏa hào quang của sự thánh, vượt lên trên
cái chết tầm thường để sống mãi trong lòng những người kính yêu hai ông. Thân
xác anh em ông đã nằm lại trong lòng tổ quốc, san sẻ từng giai đoạn đau thương
của quốc gia, dân tộc, như một gắn bó sắc son. Anh em ông chết đi để cho đất nước
và dân tộc mình yêu thương hết mình được sống trong chính nghĩa từ đó và mãi về
sau. Chính nghĩa của nền Cộng Hòa mà hai ông sáng lập có lẽ sẽ ít ra là sáng
mãi trên những trang sử dân tộc sau này nếu không là sống lại và tỏa hào quang
một khi vận hội mới đến sẽ mang lại một chính thể ít nhiều đặt nền tảng trên những
tư tưởng lập quốc nhân bản của hai ông.
Tưởng niệm anh em Tổng
Thống Diệm để luôn nhớ về những người con ưu tú đất Việt mà sự ra đi của họ
trong lúc đương còn nhiệt huyết, chí khí và hoài bão để cống hiến là một mất
mát to lớn không gì bù đắp nổi cho đất nước và dân tộc. Anh em Tổng Thống Diệm
đã tiếp nối con đường của cha ông thuở trước, sẵn sàng hy sinh thân mình để giữ
vững nền độc lập và tự chủ của nước nhà. Máu của hai ông đổ xuống, hòa máu đào
của bao đấng anh hùng, hào kiệt đã sống hiên ngang, và chết oanh liệt, hiển
linh từ ngàn xưa trên dãi gấm vóc kéo dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Thử
nghĩ về Việt Nam ngày hôm nay sẽ như thế nào nếu hai ông đã không thọ nạn vào
cái ngày định mệnh của Việt Nam, ngày 2 tháng 11 năm 1963? Mặc dầu các ông đã
không thực hiện được hết những hoài bão của mình cũng như những điều mà đất nước
còn mong chờ, các ông đã hoàn thành được những gì có thể làm trong giới hạn của
hoàn cảnh lịch sử một cách chu đáo và tận tụy. Giờ đến lượt chúng ta. Chúng ta
phải làm gì để đáp lại lời đất nước vẫn còn đó?
02/11/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét