Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

DƯƠNG THU HƯƠNG -NHỮNG THIÊN ĐƯỜNG MÙ - PHẦN 1

CHƯƠNG 1
Chín giờ sáng, bà Vêra đưa cho tôi bức điện: “Cậu ốm nặng, Hằng tới ngay.”
Sau khi quan sát gương mặt tôi, bà bảo:
- Tội nghiệp cho mày. Mày là 1 con bé thiếu may mắn.
Nói xong, lắc mái đầu đồ sộ, bà quay đi. Mùi nước hoa rẻ tiền tạt lại, vương trong không gian, như 1 thứ nhựa loãng dính vào các bức tường vôi đã tróc lở. Tôi mặc đồ ngủ, đứng co ro nhìn tấm thân phì nhiêu của người đàn bà gác dan, đầu óc rối tung. Chính tôi, tôi cũng đang ốm. Những trận viêm phế quản liên miên vừa qua khiến 2 vai tôi còng xuống như lão già nghiện nặng. Ngực lép dẹt, không chiếc áo lót nào còn mặc vừa. Khu cư xá chỉ có vài mống đàn ông, toàn thứ đồ cổ. Vậy mà đi qua mặt tôi, họ cũng không buồn đưa mắt liếc qua. Trong số 800 rúp dành dụm được, tôi đã tiêu hết 450 tiền thuốc men và thứ ăn bồi dưỡng. Tôi dự định tiêu thêm 50 rúp nữa khoản đó, cho đủ sức đi làm. Vậy mà, đúng lúc bức điện trời đánh kia giáng xuống.
- Con điên, mới bảnh mắt đã ra đứng ngoài ấy làm gì? Vào phòng ngay không cảm lại 1 trận nữa thì đời ra tương.
Cô bạn cùng phòng hét to. Tôi quay vào, chui trong tấm chăn nồng sực hơi ấm. Hạnh phúc quá. Hôm nay chủ nhật, tất cả đều nghỉ việc. Cả bọn dự định làm bún kiểu Việt Nam ăn bữa trưa. Còn lúc này, tất cả rúc trong chăn nghe nhạc. Tiếng nhạc từ căn phòng nào đó từ tầng trên vẳng xuống. Vừa nghe, vừa thả lỏng tấm thân mệt mỏi, vừa gặm nhấm nỗi nhớ nhà. Khung cửa sổ căn phòng của chúng tôi mở rộng. Không ngọn cây nào vươn được tới đó. Nhưng bù lại, là trời xanh ngăn ngắt, màu xanh trong và lạnh, thăm thẳm đơn côi.
- Điện gì thế Hằng?
Cô bạn tôi hỏi.
- Ông cậu ốm.
Tôi đáp lời.
- Cái ông ở Matxcơva chứ gì?
- Ừ.
- Nhưng mày cũng vừa ốm dậy.
- ...
- Chì còn được nghỉ 4 hôm nữa thôi. Hôm qua, mụ Tanhia vừa nhắc đấy
- ...
- Từ đây tới Matxcơva có ít đường đất đâu? Những đi về đã đủ ốm rồi.
- ...
- Mà mày xanh bủng ra như đàn bà hậu sản. Không chịu phấn son vào, nhìn pháp khiếp.
Tôi lặng im, không đáp. Nhưng dường như, cùng lúc với tiếng nói của cô bạn, trong tôi thầm vang lên lời phản bác:
- Không đi, không đi! Mặc kệ, mặc kệ.
Con đường hun hút lướt qua. Những cột cây số chạy lùi. Các cánh rừng và những đồng lúa mì ngút ngát. Các tỉnh lỵ với chóp nhà thờ và những khuôn viên. Tiếng bánh xe lăn trên đường ray buồn tẻ. Cac sân ga trong ánh điện hoặc trong lớp sương mù.
Đang nằm, chợt cô bạn tôi vùng lên, vẫn tay áo lê thê như thế, cô tới giá sách, chọn 1 chiếc đĩa hát. Rôù cô mở chiếc máy quay đĩa mới vừa mua, giá 120 rúp. Bỏ tấm vải phủ, bật nắp máy, cô đặt chiếc đĩa hát và cho máy chạy. Tiếng kim chạy xè xè qua những vòng rãnh câm, Cô bạn lại nhảy lên giường, trùm chăn. Lúc ấy, tiếng hát bỗng cất lên, đột ngột:
Ở tận sông Hồng em có biết?
Quê hương anh cũng có dòng sông
Anh mãi gọi với lòng tha thiết
Vàm Cỏ Đông! Ơi Vàm Cỏ...
Giọng hát bay chói vói trong không gian. Xanh và lạnh. Trời đang nắng rỡ ngoài kia, nhưng cái lạnh ly hương thấm vào da thịt. Bài ca, như sợi chỉ bạc mong manh, lạc lõng giữa khung trời. Nó khiến tôi có cảm giác bị xô đẩy tới tận cùng trái đất. Rồi nó lại kéo tôi về với 1 triền sông quen, bờ cát nóng bỏng ánh trời, cánh buồm tả tơi chòng chành trên sóng nước, tiếng kêu khắc khoải của lũ chim di trú bay.
Trời ơi, mái nhà đã sụp lở của mẹ tôi. Một bên mái ghép bởi tấm tôn và mảnh giấy tẩm nhựa đường. Ngày mưa, tiếng mưa gõ trên mái tôn rổn rảng. Trưa hè, mùa nhựa đường khét lẹt bốc lên khiến ta muốn buồn nôn. Những rãng nước bẩn chảy từ nhà nọ sang nhà kia, dưới các phiến gạch xi măng ghép. Lũ trẻ trong ngõ thường khuấy dòng nước đen nhơ bẩn đó lên chơi. Chúng thả xuống cống những con thuyền gập bằng giấy trắng. Ngay bên rãnh nước, bụi nhài tỏa hương ngây ngất. Con đường phố quen, những bụi cỏ leo cớm nắng dưới chân tường, nơi lúc nào cũng khai nồng nặc vì dòng nước tiểu của đám người say bia vô sỉ rót xuống.
- Hằng ơi! nghĩ gì thế?
- Không
- Nhớ nhà quá mày. Đau quặn ruột.
- ...
Cô bạn tôi cất tiếng rên rỉ. Nó quấn chăn lăn giẫy ầm ầm trên giường, rồi đột ngột bật kêu to:
- Ối giời ơi, thế này thì chết mẹ nó đi cho xong.
Tôi im lặng, không đáp. Vì chính tôi cũng đã khóc tự lúc nào chẳng rõ. Nước mắt nóng và mặn khiến tôi nghẹn họng. Trong làn sóng nước mắt, gương mặt u uất của mẹ tôi hiện lên. Mắt bà rất đen, lút dưới 2 hố sâu, chiếu ra những tia sáng buồn. Trong cái nhìn của bà găm giữ nỗi thống khổ và sức chịu đựng không thể đo đếm. Hồi trước, mỗi lần gia đình chúng tôi gặp tai biến, là 1 lần mẹ nhắc nhở:
- Làm người cốt nhất là không được thối chí. Chỉ 1 phút xuôi tay, mọi sự sẽ đổ nát. Gừng già gừng rụng, gừng cay, anh hùng càng cực càng dày nghĩa nhân.
Mẹ đã sống theo châm ngôn ấy suốt đời. Mẹ muốn tôi cũng sống được như mẹ. Vậy mà tôi đã làm gì cơ chứ? Ông cậu ruột, người em duy nhất của mẹ bị ốm, điện cầu cứu tôi, và tôi đã định làm ngơ.
Ở phòng gác dan, bà Vêra đang đan 1 tấm khăn len bằng rất nhiều thứ ken tháo từ các tấm áo cũ ra. Tấm khăn ấy có thể choàng kín cả tấm lưng đồ sộ của bà viø nó xấp xỉ 1 tấm khăn trải bàn. Đôi tay nhỏ, trắng trẻo, trẻ hơn mặt bà 10 tuổi, luồn lách mũi kim 1 cách khéo léo. Không ai đoán được 1 người vóc dáng thô tháp, mông vại, lưng gấu gù gù như bà lại có thể đan nổi chiếc khăn đẹp thế. Bà đang chăm chú đan nốt những dòng cuối cùng. Thấy tôi, bà ngẩng mặt lên nhìn, cặp kính lão tụt xuống chóp mũi:
- Mày nhất quyết đi Matxcơva?
- Cháu phải đi, bà Vêra ạ.
- Tao trông mày xanh lắm.
- Vâng, nhưng ông ấy là cậu ruột cháu.
Bà Vêra cúi xuống:
- Chờ tao 1 lát.
Tôi đứng chờ, hơi sốt ruột vì sợ trễ tàu. Nhưng nể bà nên không dám giục. Bà Vêra kiên trì chiết nốt dòng cuối, rồi vuốt ve tấm khăn 1 cách trìu mến, bà bảo tôi:
- Mày thấy đẹp không?
- Rất đẹp.
- Toàn len cũ giặt lại đấy.
Bà nói, giọng đầu tự hào. Xong xuôi, bà ghi tên tôi vào cuốn sổ trực to tướng. Chỉ đợi có thế, tôi vội vã chào:
- Cháu đi đây.
Nhưng bà gác dan đã thò cánh tay hộ pháp qua cửa nắm tay tôi:
- Chờ đã. Tao cho mày mượn tấm khăn len này. Đêm nay sẽ phải dùng tới nó đấy, chuột nhắt ạ.
Tôi cúi chào, cảm ơn người gác dan nặng 92 kilô, tốt bụng nhưng cũng nghiệt ngã và hay nổi nóng 1 cách bất ngờ, như hầu hết những người đàn bà góa bụa sau chiến tranh ở nước Nga. Tôi đi ôtôbuýt ra ga. May mắn sao, tôi đã tới kịp chuyến tàu tốc hành duy nhất trong ngày. Tàu khởi hành lúc 5 giờ chiều. Khoảng khắc ấy, tất cả các ngôi nhà trong thành phố, những rặng cây bên vỉa hè, và các mảnh rừng nhỏ nằm xiêu xiêu nơi ngoại ô đều đẹp lên rực rỡ vì tẩm nhiễm làn ánh sáng nhấp nhoáng của vàng tan loãng. Váy các cô gái bay tung, mỏng hơn, gọi mời hơn trong thứ ánh sáng ấy. Tôi ngắm các cô không chán mắt, với tâm trạng đã trở lại thơ thới. Khi vào cửa ga, tôi bỗng chạm phải 1 người đàn bà tóc hoe vàng, quấn thành từng lọn trên mái đầu tròn trĩnh. Bà ta khẽ nhăn đôi mày lại, không nói gì. Tôi lí nhí cất tiếng xin lỗi, nhưng có lẽ giọng tôi quá nhỏ, hoặc người đàn bà quýphái đó không muốn nghe, nên bà ta đã đi lướt qua rất nhanh. Tấm áo nhung đỏ và chiếc váy nhung đen bó sát tấm thân óng ả. Cặp mắt kiêu hãnh nhìn thẳng. Mùi phấn bay như 1 loài hoa... Rồi tôi thấy mình trong gương: Một con bé da xanh tái, nét mặt ngơ ngác và âu lo, vai lép dẹt, mặc bộ đồ nâu lợt, dáng vẻ thiếu tự tin, cân nặng 42 kilô.
- Đừng cả nghĩ... Đừng mặc cảm... Mình là 1 con bé đa sự, vớ vẩn...
Tôi tự lẩm bẩm mắng mình. nhưng dẫu sao, cảm giác tủi hổ vẫn bám trên 2 gò má nóng rực của tôi, như lớp son dính. Tôi bỗng thấy oán ghét ông cậu tôi. Lên tàu, chui vào góc toa của mình, tôi nhắm mắt lại. Và như 1 cuốn phim sử thuật, cuộc sống quá vãng lần mở ra...
CHƯƠNG 2
Ông ngoại tôi làm nghề bốc thuốc. Cụ cứu chữa cho rất nhiều con bệnh nặng trong vùng, nhưng chính cụ không cứu được mình. Ông tôi mất năm 43 tuổi, vì 1 căn bệnh không định rõ. Sau này, theo triệu chứng lâm sàng, người ta đoán là bệnh ung thư. Bà ngoại tôi năm ấy 42 tuổi, ở vậy nuôi con, mẹ tôi và cậu Chính. 18 tháng sau, bà cũng cảm hàn đột ngột đi theo ông. Lúc đó, mẹ tôi 19, cậu Chính 17. Cậu được 1 người bà con tình cờ về dự đám ma dắt lên chiến khu Việt Bắc. Cậu vào bộ đội luôn. Mẹ tôi ở làng bán hàng xén trên chợ huyện, chăm sóc nhà cửa, mồ mả ông cha. Ngôi nhà của ông ngoại tôi, tôi đã về thăm 1 lần. Đó là 1 ngôi nhà thấp, lợp ngói vẩy cá, hiên bức bàn, cửa gỗ, các chân cột kê đá hình trụ chống ẩm. Ngoài nhà ở, còn 3 gian nhà ngang dùng làm nơi gác nong tằm, xay giã gạo và chứa nông cụ. Nhà của ông bà ngoại tôi rất chắc chắn, nhưng tối tăm, loại nhà cổ. Buổi trưa, tôi đứng trong nhà, thấy hơi ẩm toát ra từ các bức tường ghép gỗ, từ các cây rui được đẽo gọt cầu kỳ giương hình chạm như những con mắt bí hiểm. Từ các đầu hồi tăm tối, nơi thỉnh thoảng 1 chiếc mạng nhện đu đưa, ánh sáng rọi qua các kẽ ngói mục ẩm bị đứt quãng, run rẩy như lửa ma trơi. Tự dưng tôi sởn da gà, vội chạy ra sân. Mẹ tôi, lúc ấy đang cùng mấy người đàn bà nữa ngồi uống chè xanh liền hỏi:
- Làm sao thế em?
- Không sao, nhưng con sợ.
- Rõ đồ con vịt, giữa ban ngày ban mặt mà còn thế.
Mẹ chửi. miệng tủm tỉm cười. Tôi nhìn 2 hàm răng đều chằn chặn, ánh trắng rực rỡ như ngọc trai của mẹ, bỗng nhiên buồn. Đó là mảnh nhan sắc cuối cùng còn sót lại của mẹ. 1 thời xuân sắc qua, chẳng để làm gì, chẳng dành cho ai. Tôi hỏi vu vơ:
- Ngày trước, mẹ có sợ không?
Mẹ gắt:
- Nhà của tổ tiên, ông bà, có gì mà sợ?
Tôi gặng:
- Nhưng mẹ ở 1 mình.
1 bà hàng xóm cỡ tuổi mẹ tôi, nhếch mép cười:
- Không sợ, nhưng buồn. Chả thế chưa kịp mãn tang đã lấy anh chàng Tốn.
Các bà nhìn mẹ tôi cười ré lên. Rồi bà nọ đấm lưng bà kia thùm thụp như các cô gái. 2 gò má mẹ tôi đỏ rực lên như say trầu.
Tôi hỏi:
- Anh chàng Tốn ấy là ai hở dì?
- Là bố mày. Rõ con nhà vô phúc
- Không.
Tôi hét lên, đâm đầu chạy ra vườn. Người ta đã trêu tôi, người ta đã sỉ nhục tôi. Tôi, đứa con không bố, đứa trẻ vô thừa nhận. Tôi khóc nức nở trong góc vườn, giữa 1 cây ổi già và 1 bụi dứa gai. Rồi mẹ tôi tìm tôi, dắt tôi vào nhà. Đám láng giềng đã về hết. Trên mảnh sân gạch chỉ có hoa khế rụng. Mẹ múc nước giếng trong chiếc bể vỡ, gạn từng gáo đổ vào thau đồng, rồi rửa mặt cho tôi. Tôi nức nở mãi. Tia mặt trời đốt lửa trong các vòng sóng nước và trong mắt tôi. Tôi ngủ vùi. Hôm sau, lúc rạng đông, những con chim hót líu lo trên ngọn tre và khắp khu vườn. Gió mát thổi tan cơn ám ảnh, người bán kẹp mạch nha rong cất tiếng rao dẻo quẹo ngoài đường thôn:
-Ai mạch nha, mạch nha đây ây ây...
Mẹ tôi mua cho tôi 2 que kẹo lớn, ôm tôi vào lòng và thủ thỉ kể chuyện anh chàng Tốn. Năm ấy, 9 tuổi tròn, tôi mới biết bố tôi là ai...
Trong cái năm đầu tiên sống 1 mình, khi ông bà ngoại đều mất và cậu Chính lên chiến khu, mẹ tôi đã phải cắn răng lại chống đỡ nỗi cô đơn, 3 gian nhà trên, 3 gian nhà dưới trống huyênh. Những quét cho sạch nhà, sạch sàn đã mệt. Lại còn khu vườn đầy cỏ, cứ dọn góc này góc kia đã um tùm. Trưa hè, trong không gian im vắng tù đọng chốn làng quê, tiếng chim tu hú cất lên cũng khiến cô gái trẻ giật thót tim hoảng sợ. Vào nhà, ra sân thui thủi 1 bóng theo. Ngọn lửa rơm liếm lem lém quanh cái niêu đồng một. Vại dưa chua mốc meo bốc mùi trong nhà, 1 con cá kho hay nửa quả trứng luộc đặt trên cái đĩa nhỏ bằng lòng tay. Bắt canh leo pheo dăm ngọn rau mồng tơi hay rau dền hái ven bờ rào. Đôiï khi, vừa nhìn ngọn lửa rơm vừa ứa nước mắt thương thân, mẹ tôi lắng nghe tiếng láng giềng gọi nhau sửa soạn bửa cơm chiều, nào giã cua nấu riêu, nào luộc khoai ăn thêm buổi tối, nào rang thóc làm cốm, nào nầu chè lam cúng rằm tháng giêng. Cô gái 19 tuổi không cắt nghĩa được những tai họa giáng xuống đời mình. Thêm vào đó, bọn trai làng nghịch tặc lẫn đám ông lý ông nhiêu háo sắc dòm ngó như quạ vào chuồng lợn, Tối tối, mẹ tôi khóa chặt các cửa, rồi thắp ngọn đèn hoa kỳ hạt đỗ, nằm chờ cho tới sáng. Lúc ngủ dược đã vậy, lúc thao thức chỉ còn biết tặp 3 nén nhang khấn tổ tiên, xin các người che chở cho cảnh sống cheo leo, như 1 mình neo con thuyền trong gió dữ. Đúng lúc ấy, mẹ tôi đã gặp bố tôi. Anh chàng Tốn là hương sự mới được bổ về làng. Trước, bố tôi dạy học trên phố huyện. Nhưng vì bà nội tôi bị tê thấp, bại tiệt 1 chân nên ông xin đổi về xã để hầu hạ mẹ già. Mẹ tôi 20, bố tôi 26. Mẹ tôi xinh gái nhất vùng, bố tôi cũng là người khá kẻng trai, lại có học vấn. Tình yêu của 2 người nảy nở nhanh chóng và tăng trưởng với 1 tốc độ mà dư luận xã hội không chấp thuận. Theo tục lệ, mẹ tôi phải để tang 3 năm, và trong thời gian 3 năm ấy, không có quyền yêu đương, trang phục lòe loẹt tham dự hội hè. Bố tôi đã vượt qua những lời đàm tiếu, sự khinh thị, thái độ diễu cợt hay châm chọc của dân làng để cưới mẹ tôi. Người ta mỉa mai:
- Anh chàng Tốn theo Tây học. Bên Tây, chỉ chịu tang 1 năm thôi.
- Mình có phải giống mắt xanh mũi lõ đâu? Rõ quân xanh như lá bạc như vôi, bước qua mồ mả ông bà mà không biết nhục.
- Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục của tổ tiên.
- Các ông các bà cứ chờ đấy mà xem. Đã trái lệ ắt sinh sự chẳng lành. Rồi chúng nó cũng chẳng ăn đời ở kiếp được với nhau đâu.
Lời tiên tri độc ác của họ đã thành sự thực. Nhưng không phải vì bố mẹ muốn chia lìa nhau. Thời gian đầu, 2 người đã thực sự hạnh phúc. Bởi vì, trong câu chuyện kể, dù sầu thảm đến đâu, tôi cũng thấy mắt mẹ ánh lên ánh hồi quang nồng nàn, thắm thiết của 1 tình yêu không thể đo đếm, không thể tìm kiếm lại, thứ tình yêu chỉ có 1 lần... 1 năm 2 tháng sau ngày bố mẹ cưới nhau, hòa bình lập lại. Bộ đội ta từ chiến khu Việt Bắc kéo về. Khắp nơi vang khúc hát mừng giải phóng, khút hát yêu hòa bình, khúc hát của đồng lúa và rừng xanh. Mẹ tôi mừng mừng tủi tủi, hồi hộp chờ đứa em trai duy nhất. Từ hồi cậu đi, biệt vô âm tín, tịnh không có lấy 1 dòng thư nhắn về. Có người làng đi buôn thuốc Tây ngược lên vùng Trại Cờ gặp cậu, bảo cậu khỏe mạnh lắm, đã lên chức trung đội trưởng rồi. Người khác lại quả quyết thấy cậu sốt rét, da vàng khè như nghệ, chăn mấy con ngựa cho 1 đại đội thông tin. Mà cậu không đủ quần áo rét chỉ có 1 manh trấn thủ giữa tiết tháng Chạp, run lẩy bẩy như người nghiện thiếu thuốc. Mẹ tôi khóc hoài, giục bố tôi lần tìm khắp các đơn vị bộ đội trong tỉnh. Bố tôi cũng cất công đạp xe khắp nơi, nhưng không bắt được tin. Rồi, bỗng dưng nửa năm sau ngày giải phóng, cậu tôi đeo ba lô lùi lũi bước vào nhà.
Mẹ tôi đang dỡ khoai sọ trong vườn, ném cây cuốc ngồi thụp xuống khóc. Ai gọi mẹ tôi cũng không đứng được lên. Bố tôi dạy học trở về, chào cậu em vợ, đun nước pha trà ngon cho cậu uống. Nhưng đáp lại những săn sóc nồng nhiệt của bố tôi, cậu Chính chỉ hờ hững gật đầu, hoặc ầm ừ trong miệng. Thái độ của cậu vừa trịch thượng, vừa có gì rất khó hiểu. Bố tôi ra vườn gọi mẹ tôi vào rồi bỏ sang nhà mình. Nhà bà nội tôi cách đấy 1 vườn cau với 2 hàng dậu trồng hoa móng rồng. Đứng ở nhà này, có thể gọi vóng sang nhà bên kia. Bà sống với cô Tâm, chị ruột bố tôi. Côtôi 27 rất đẹp nhưng có học lại lạnh tính nên chưa lấy được chồng. Cô vừa làm ruộng vừa nuôi tằm. Bà tôi cơm nước. Bố tôi đã ở bên ấy luôn cho tới ngày bỏ quê đi.
Về phần mẹ tôi. Khi bố tôi đi khỏi, cậu Chính đã bảo mẹ ngồi xuống chiếc tràng kỷ đối diện với mình và nói:
- Chị Quế, từ nay về sau chị không được gặp mặt, không được nói năng, không được trao đổi bất cứ việc gì với tên Tốn.
- Tên Tốn? Sao cậu lại gọi anh ấy như thế?
- Vì anh ta là phần tử bóc lột.
- Bóc lột?
- Gia đình anh ta thuộc thành phần địa chủ, kẻ thù của nông dân. Chị Quế, trước khi về nhà, em đã được trên giao nhiệm vụ đội trưởng đội cải cách ruộng đất. Em đã họp dự thảo từ cấp huyện xuống xã, và đã sơ bộ quy định thành phần cho các nhóm trong làng. Gia Đình tên Tốn có ruộng cho cấy rẽ, có bóc lột công nhân. Theo tình hình được cung cấp, hắn thuộc đối tượng phải đem đấu tố.
- Đấu tố là thế nào hở cậu?
- Là buộc kẻ có tội phải cúi đầu nhận tội trước bà con nông dân
Mẹ tôi run rẩy nói:
- Từ xưa tới nay gia đình anh ấy vẫn ăn ở hiền lành, chưa làm điều gì độc ác . Cậu biết đấy, ở làng ai xấu ai tốt xóm giềng đều biết cả.
Cậu Chính nghiêm giọng bảo:
- Chị không được để kẻ khác lung lạc. Chị phải giữ vững lập trường giai cấp. Chúng ta phải đánh đổ bọn địa chủ cường hào giang ác để đem lại ruộng đất cho bà con nông dân. Nếu không nghe em, chị sẽ bị đào thải khỏi đội ngũ, chị sẽ chịu các hình thức kỷ luật của cách mạng.
Mẹ tôi òa khóc:
- Nhưng xưa nay chị và anh vẫn sống êm thấm với mọi người. Anh Tốn tốt nhịn lắm. Hồi anh chị cưới nhau ai mắng chửi, mỉa mai anh ấy đều nuốt giận làm lành. Chị không biết anh bóc lột ra sao. Mà chị cũng chưa nghe những điều em nói bao giờ.
- Chưa ai nói thì bây giờ Đội cải cách nói, cách mạng nói. Chị Quế, chị phải nghe em.
Cuộc đối thoại ấy diễn ra trước mặt 1 số bà con thân quyến. Ai nấy sợ xanh mặt, lặng lẽ ra về. Mọi người không hiểu vì sao bà lão Tam, chủ nhân 1 mẫu 8 ruộng hương hỏa lại trở thành kẻ thù với mình, thành giai cấp bóc lột phản động. Cô Tâm coi sóc số ruộng ấy. Mùa cày, cô thuê thợ cày. Mùa cấy cô ra đồng cấy. Mùa gặt, cô quần quật vừa làm vừa lo cơm nước cho tốp thợ gặt thuê từ dưới thôn Đông, thôn Sở lên. Trong làng, không thiếu người gia cảnh tương tự như thế. Họ là đám người cốt lõi của làng quê. Những kẻ yêu nghề nông như chính sinh mạng của mình. Tháng Giêng, tiếng trống hội hè vang lên khắp các sân đình, lũ trẻ mặc quần áo mới chạy chộn rộn các ngả đường thôn. Các đám rước và các gánh hát thi nhau dựng rạp, hòng moi những đồng xu nóng ấm thắt kỹ trong hầu bao dân quê. Đám người này, nửa con mắt ngó lên sân diễn, nửa con mắt kia đã liếc ra cánh đồng, nơi những vạt lúa xanh non phủ kín mặt ruộng. Tay họ vục trong bùn, cảm thấy độ ấm lạnh của đất, độ tan nguyễn hay thô cục của các rạch cày. Mùa hạ, trong các cơn gió chạy rần rật qua mái tranh, họ đoán trước được tai họa hay ân huệ của trời đất. Và từ tiếng sấm đầu tiên của cơn mưa đầu tiên, họ đã biết mình phải vác cuốc ra be bồ hay xáo xới các ruộng màu ngoài bãi sông. Tháng Tám, đêm thu trong vắt, tiếng chày giã cốm vọng từ các mảnh sân qua đường làng, tiếng cười đùa chí chóe của lũ đàn bà con gái làm không gian nở bung ngàn đóa hoa trắng, mùi hoa móng rồng mê mệt du níu các vườn cây. Lúc đóù, họ nhìn trăng, quầng đỏ hay tán bạc màu mây xanh leo léo oan nghiệp kia báo trước hiểm nguy gì? Tháng Chạp, những đêm đông tê tái, họ có thể tỉnh dậy giữa lúc giấc ngũ đang nồng, và lặn khỏi giường, chạy ngay tới chuồng trâu, để đem thêm 1 ôm rơm, hay đốt lên 1 đống lửa. Nghề nào cũng có những người tận tụy với nó, yêu mê nó. Tình yêu đó đôi lúc không cắt nghĩa được. Nhưng chính nhờ tình yêu ấy mà nó tồn tại.
Phải, mẹ tôi đã không hiểu được tai họa giáng xuống đầu mình. Mẹ tôi khiếp sợ, như nhiều người khác đã khiếp sợ vào lúc đó. Cậu Chính đã triển khai đội cải cách rất nhanh. Bà nội tôi và cô Tâm chịu quỳ trước sân đình, đấu gục xuống , 2 tay vòng trước ngực. Trước mặt 2 người là đám dân làng đốt đuốc ngồi. Họ có nhiệm vụ lắng nghe những lời đấu tố. Và mỗi khi có tiếng hét bật lên: “Đả đảo địa chủ.” họ có nhiệm vụ giơ nắm tay lên hô thật to: “Đả đảo! Đả đảo...”
Hô càng to càng chứng tỏ tinh thần cách mạng vững vàng, chứng tỏ lòng căm ghét giai cấp bóc lột. Mà trong đám đông ấy, không ít những nông phu có ruộng đất và yêu ruộng đất với tình yêu máu thịt, nhờ kinh nghiệm lao động và tính cần mẫn mà có được 1 nóc nhà, 1 con trâu với vài ba vựa thóc. Chỉ cần bị 1 lời tố giác điêu toa, họ dễ dàng nhảy từ địa vị của người ngồi tham dự xuống đáy hố của kẻ bị kết án. Tai họa, nỗi nhục nhã, cái chết treo lơ lửng tựa 1 trái cây chín rục trên cành cao, không biết nó rụng xuống lúc nào. Bởi lẽ đó, trong tiếng hô rầm rập của đám dân làng, không ít những tiếng gào để che lấp cơn sợ hãi, 1 cách tự trấn an tinh thần, 1 cách cầu lợi thấp hèn, cái thấp hèn mà con người khó tránh khỏi trong những cơn giông tố. Mẹ tôi kể rằng trong đám dân làng có 2 kẻ được liệt vào loại cốt cán đã đấu tố bà nội tôi và cô Tâm. Người thứ nhất là 1 gã du thủ du thực, sống lang bang hết làng này qua làng kia, suốt mùa đông tới mùa hè đều đánh 1 bộ ka ki vá víu, bẩn thỉu. Nghe đâu gã đã có thời đi lính. Sau rồi nghiện rượu, gã được xuất ngũ trước thời hạn. Gã cao lớn, khá đẹp trai, nhưng lười. Người ta chỉ thuê gã làm những việc vặt trong nhà như dọn dẹp mâm bát, coi sóc sân phơi lúa hoặc lật lá thuốc, hù dọa bọn trẻ con ăn trộm mùa quả chín. Gã có tài pha trò hầu chuyện mấy lão chức dịch trong làng, xách thúng đi chợ hoặc làm gà, pha thịt cho mấy bà địa chủ giàu có, gã có thể ngồi đánh tổ tôm suốt đêm, xoa mạt chược suốt đêm như các ông chủ, bà chủ, có thể tán tỉnh các cô thợ gặt từ đầu mùa tới cuối mùa không chán, càng tán càng xôm nhưng chỉ cần cuốc 1 luống khoai, gã đã thở hồng hộc, mồ hôi toát đầm đìa khắp thân mình vạm vỡ như 1 võ sư chính cống. Người ta vẫn thì thầm với nhau rằng gã đã ngủ khắp lượt với bà lý Tiềm, bà tống Hớn, bà nhiêu Lan, bà cai Hồng... Còn mấy bà chủ ruộng góa chồng thì có các thêm vàng cũng không dám cho hắn vào nhà vì sợ ễng bụng ra. Không chồng thì biết đổ nọc cho ai?
- Bích, lại đây mày.
Đám đàn ông trong làng thường gọi hắn thế, dù hắn ít hơn hoặc nhiều hơn họ một chục tuổi. Hắn không được định giá theo bảng giá trị chung của dân làng. Hắn có cái tên đàn bà: Ngọc Bích, không hiểu cha mẹ hắn đặt từ thuở lọt lòng hay hắn ăn mày ở đâu trong đời phiêu bạt. Người ta cũng không biết cha mẹ hắn là ai. Hắn là dân cư ngụ.
- Bích, kể chuyện đi.
- Thưa vâng, chuyện gì bây giờ?
- Chuyện sờ vú sư cụ.
- Hi hi... Cho xin 1 chén đã.
Từ lão chánh tổng dâm ô 60 tuổi đến gã trai làng phóng đãng vừa có ria mép đều sai khiến được gã theo cách đó. Bỗng dưng, khi được liệt vào thành phần cố nông, đối tượng bắt rễ của đội cải cách, gã liền biến thành kẻ được trọng vọng. Thay vì nói chuyện phiếm mua vui cho cánh mày râu, gã dạy họ phải giác ngộ giai cấp, kiên quyết đấu tranh với bọn địa chủ bốc lột, nêu cao tinh thần chiến đấu. Thay vì ngồi bệt xuống ngạch cửa, chìa bàn tay cáu ghét ra xin chén rượu, hắn ngồi chồm hỗm trên tràng kỷ, nhìn chòng chọc vào mặt những ai bị đấu tố, la lối, sỉ nhục họ với vẻ hả hê bèo bọt. Thứ hả hê của loài cỏ leo.
Nhưng thôi, hãy nhắc tới nhân vật thứ 2, đó là 1 mụ góa, 1 người đàn bà nở nang phốp pháp từ mặt mũi tới thân hình xộc xệch cả áo quần lẫn tâm tính. Mẹ tôi kể rằng mụ khá xinh. Tên mụ là Nần. Da trắng nhây nhẫy, có phơi nắng nửa năm cũng không đen. Hồi chồng mụ còn sống, cứ 5 ngày mụ bị 3 trận đòn vì tội ăn cắp vặt. Ăn cắp từ trong nhà qua hàng xóm. Từ dăm quả cà, ổ trứng gà đang ấp, mớ ngô, cho tới con cá diếc. Mụ có tật tham ăn. Bún riêu cua, 1 lúc và lùa 6 bát. Bánh đúc hành mỡ, quẹt ngang miệng cũng 4 đĩa lật. Bánh da kê, người ta ăn hết 1 góc thì mụ phải làm cả chiếc mới đã nư. Cứ quỳ gối xuống hàng quà là mụ quên tất tần tật: cả chồng, cả con, cả hàng xóm láng giềng. May mà mụ chỉ đẻ mỗi 1 mống con gái. Người ta bảo mụ ăn quá nhiều, mỡ lấp tịt cả trứng nên không sinh nở được thêm. Giá đẻ nhiều, chắc cả lũ con mụ chết đói dở. Chồng mụ trước kia đăng lính, sau bị sa hố gãy dóng xương chân nên được về làng. Ông ta vốn người cù mì như cục tính. Suốt ngày lặn lội ngoài ruộng, ngoài bãi, lúc vác cày dong trâu về nhà thấy mụ vợ nằm lù lù trên giường ngáy, cơm nước chưa thổi, ông ta liền vác đòn tre phang. Ngày mùa, thóc tuốt về đổ vựa lớn, cót con nhưng chưa qua tháng đã thấy vơi như bị ma làm phép. Ông chồng đầu tiên còn hồ nghi, sau vài bận rình rập mới mục kích vợ xúc thóc trộm bán lấy tiền ăn quà. Ông ta lại nện cho mụ 1 trận thừa sống thiếu chết rồi thuê người đóng 1 chiếc rương gỗ lớn bằng cả gian nhà ngang chứa thóc. Cái rương ấy được khóa chặt bởi 1 ổ khóa bằng gang. Hết đường xơ múi, mụ Nần vác rá sang buồng hàng xóm. Từ láng giềng gần tới bà con xa. Không biết bao nhiêu bận lại bắt quả tang, mụ phải quỳ xuống van lạy. Rồi có lúc ông chồng phải tới tận nơi đem tiền chuộc vợ về. Đòn đánh như đập đất nhưng mụ vẫn không chừa. Thoạt tiên, còn là trộm thóc, sau tới cả con cá, lá rau. Người làng vẫn kể đi kể lại 1 giai thoại về tính tham ăn của mụ:
Mùa đông, buổi sớm trời rét như cắt tai. Chưa lăn xuống đất, mụ đã kêu đau bụng. Ông chồng chẳng nói chẳng rằng vào buồng xúc gạo nếp nấu nồi cơm nếp đậu đen. Xong xuôi, ông gọi đứa con gái dậy ăn rồi cha con chuẩn bị cuốc xáo ra bãi. Trước khi đi, ông ta dặn vợ:
- Nửa trưa, hễ bớt đau bụng thì ngồi dậy nấu cho bố con tôi bát chè. Đường tôi để trong chạn.
Mụ Nần nhăn nhó:
- Cứ đi đi. Tôi xem bụng dạ thế nào đã.
Chồng con vác cuốc đi khỏi ngõ, mụ nhỏm dậy, xuống bếp vét sạch nồi cơm nếp. Xong, mụ sang nhà hàng xóm đánh võng, tán chuyện. Chùng non trưa, ngon ngót bụng, mụ về nhà cạo khoai từ nấu chè. Nồi chè chín, đặc sánh như mỡ, múc vừa đầy 4 bát. Thoạt tiên, mụ Nần ăn 2:
- Để cho bố con mỗi người 1 bát.
Rồi mụ đi vo gạo nấu cơm. Cơm cạn, vùi trấu xong mụ ra vườn hái rau dền nấu canh trứng cáy. Đi ra, đi vào, nhìn 2 bát chè, không nhịn được cơn thèm, mụ lại tặc lưỡi húp bát nữa:
- Thôi, 2 bố con nó chia nhau 1 bát cũng được. Đi ngoài bãi về lạnh bụng ăn của ngọt dễ giở chứng.
Nồi canh ra đã chín, mấy con cá mắm khô cũng đã nướng xong, mụ Nần sắp bát đũa vào chiếc mâm gỗ, bưng lên nhà. Còn bát chè mụ đặt tít trên bàn thờ để khỏi nhòm ngó tới. Nhưng chồng con mụ ham việc nên quá trưa mới về. Trong khoảng thời gian đó, mụ hết ra ngõ ngóng lại vào nhà cởi áo bắt rận. Bát chè đặt tít trên cao không nguội đi mà cứ nóng hôi hổi trong cơn thèm. Mụ không chịu nổi. Mùi thơm của nó, vị ngọt của nó, hương vị bùi ngậy của nó khiến các giác quan mụ bứt rứt, không yên.
- Ôi dào, ăn nốt cho gọn chuyện. Lần khác, bố con nó chén hẳn 1 nồi.
Người đàn bà tặc lưỡi lần thứ 2. Ông chồng về biết chuyện, lẳng lặng ngồi ăn cơm. Nhưng đứa con gái mới 11 lại bô bô kể cho lũ trẻ trong làng. Hơn nửa năm sau, gia đình mụ có giỗ, Ông chồng mời anh em, họ mạc tới đông đủ vẫn chưa thấy vợ đi chợ về. Xôi dỡ rồi, gà giết rồi chỉ còn thiếu gia vị và các thức nấu. Từ nhà lên chợ huyện những tám cây số rưỡi. Người chồng đành nhờ chú em trông nhà rồi 3 chân 4 cẳng chạy té lên phố huyện. Tới chợ, mồ hôi tháo ướt áo quần, ông ta sục tìm khắp nơi. Cuối cùng, tới dãy hàng quà, ông tathấy mụ đang quỳ gối trước chỗ bánh khúc. Bên cạnh, chiếc rổ xề đựng các thứ đồ lề và thực phẩm. Ông ta không nói được câu gì, chỉ hộc lên 1 tiếng rồi ngã lăn ra. Mọi người xúm lại. Lúc ấy, mụ Nần mới ngẩng được mặt lên. Chồng mụ đã cấm khẩu, mặt mũi tím đỏ như cổ con gà bị thít trước khi cắt tiết. Khi người ta võng ông ta đến trước cổng nhà thương thì ông ta trút hơi thở cuối.
Chồng chết, mụ Nần bán bớt 3 gian nhà ngang để lấy tiền làm ma. Số thóc trong rương đủ nuôi 2 mẹ con tới mùa sau. Nhưng vì mụ vẫn không chừa được tật tham ăn. nên mới được nửa mùa, mụ đã vét thúng thóc cuối đem bán. Đứa con gái 11 tuổi không thể thay cha cáng đáng việc nhà. Còn mụ, vốn quen chơi hơn quen làm nên càng ngày càng sa sút. Vừa giỗ đầu cho chồng xong, mụ bán nhà bán đất, dọn tới ở 1 mái lều ngoài trại, cách làng non cây số. Qua năm, mụ giao đứa con gái cho 1 bà con đưa lên tỉnh. Con bé đã ra đi không nhỏ 1 giọt nước mắt. Nghe đâu nó làm công cho 1 hàng bán bánh cuốn. Vì cơ chỉ, nên nó cũng dành dụm được món tiền còm. Co lần, quá túng đói, mụ Nần lên tỉnh tìm con, nhưng đứa bé trốn không ra gặp mẹ.
2 nhân vật đó, gã Bích và mụ Nần, không ai trong làng không biết. Chẳng hiểu vì cớ gì, cậu tôi lại xếp vào đội ngũ cốt cán củagiai cấp nông dân. Chúng ngồi lên hàng ghế danh dự, đập bàn, quát:
- Mụ Tam, mày có biết tao là ai không?
- Thưa có, ông là ông Bích.
- Con Tâm, con địa chủ gian ác, mày có biết tao là ai không?
- Thưa có, bà là bà Nần.
Bên tay trái bà nội và cô tôi, những người khác quỳ gối chờ tới lượt họ. Cứ mỗi lần tiếng hô: “Đả đảo...” cất lên, họ lại run bần bật. Chỉ cô Tâm không hề run rẩy. Mẹ tôi nói rằng cô có cặp mắt tượng, trơ trơ cùng thế gian. Lần đấu tố thứ 2, bà và cô tôi phải đứng đưới 1 cái hố sâu chừng nửa thước. Đứng ở dưới đó, con người có cảm giác mình là 1 sinh vật thấp hèn, tủi nhục, bị đầy ải. Ngay những người đàn ông lì lợm rơi vào cảng ngộ ấy cũng phải gục. Bà tôi ốm nặng rồi chết. Chỉ cô tôi là thản nhiên.
Tôi hỏi mẹ:
- Còn bố con thì sao?
- Bố con không như cô Tâm, bố con không chịu được nhục.
Mẹ tôi trả lời, với 1 giọng buồn, chẳng ra chê trách, cũng chẳng ra thán phục. Mẹ kể rằng bố tôi đã đau khổ ngay từ lần đầu tiên cậu Chính tới nhà bà nội tôi, chỉ vào mặt ông mà nói:
- Trước kia, anh với chị Quế là vợ chồng. Bây giờ, anh là kẻ thù giai cấp, không có quyền đi lại với chị tôi. Nếu anh còn bén mảng tới nhà chị ấy, tôi sẽ ra lệnh cho du kích bắt trói.
Cậu nói xong, tiếng trống cà rùng nổi lên, dinh tai nhức óc. Rồi tiếng hô uy hiếp vọng vào:
- Kiên quyết đánh đổ địa chủ Đỗ thị Tam
- Kiên quyết đánh đổ...
Cậu Chính nhìn bố tôi, hất hàm:
- Nghe rõ chưa?
Bố tôi không trả lời. Cậu quát:
- Đội hỏi, có trả lời không?
Mặt bố tôi tái xanh, mồ hôi và đầy 2 thái dương nhưng vẫn im lặng. Lúc ấy cô Tâm bước lên:
- Bẩm thưa đội, bây giờ chúng con biết thân biết phận, dù Đội không ra lệnh, người nhà con cũng không dám chơi trèo.
Cậu Chính là đội trưởng đội cải cách. Lúc ấy, đội cải cách là Thượng đế, là Trời. Câu trả lời của cô Tâm thỏa mãn lòng tự ái của cậu. Cậu đi ra. Nhưng theo lệnh của cậu, đoàn thiếu nhi còn ở lại, hô khẩu hiệu, đánh trồng thị uy, và đồng thanh hát. Bài hát thế này:
Cắt đứt là cắt đứt
Dứt khoát là dứt khoát
không vương vấn giai cấp dịa chủ...
Bài ấy mới hợp tình cảm của bố mẹ tôi làm sao? Dăm hôm sau, vào 1 đêm mưa, cô Tâm thu xếp cho bố tôi trốn khỏi làng:
- Đi đi, em không chịu được nhục đâu. Muốn sống qua lúc này, phải chịu nhục. Đừng lo gì cho chị cả. Rồi trời khắc có mắt thôi.
Giá người khác như thế, ắt bị truy lùng khốn khổ, nhưng cậu Chính chỉ tra hỏi cô Tâm qua loa rồi lờ đi. Cậu bảo mẹ tôi:
- Thằng ấy đi khuất mắt càng tốt cho chị. Từ đây, chị yên tâm làm ăn. Gánh hàng xén đem bỏ đi. Cặp bồ để mà dấm chuối. Ruộng Được chia rồi, nay mai nước mình sẽ tiến ngang với Liên Xô, mùa cày có máy cày, mùa gặt có máy liên hoàn gặp đập, không ai phải mó tay vào bùn đất.
Mẹ tôi cúi đầu nghe cậu nói, nước mắt rơi lã chã 2 hàng. Trưa hôm sau, mẹ tôi vác giỏ ra đồng móc cua, chờ cô Tâm đem quần áo ra đầm giặt. 2 người nói chuyện với nhau, 1 người cúi gầm mặt xuống bờ ruộng giả bộ móc cua, 1 người vỗ đập quần áo:
- Cô Tâm, nhà tôi đi đâu thế?
- Thưa bà nông dân, chúng con không biết.
- Tôi xin cô, tôi có làm gì nên tội đâu.
- Thưa bà, con biết bà là chị ruột đội Chính. Đội là Trời, bọn địa chủ chúng con là sâu bọ.
- Trăm lạy cô, ngàn lạy cô, đừng dày vò ruột tôi nữa. Chồng tôi đi đâu?
- Chị đã có em, chị khỏi phải có chồng. Người nhà tôi không chịu được nhục. Nó nhất thiết phải bước khỏi đây, dù núi cao hay sông sâu, dù kiếm ăn nơi đồng chua nước mặn hay sống nơi lam sơn chướng khí cũng còn hơn cảnh đọa đầy này.
Nói xong, cô Tâm cắp rổ quần áo ướt, tong tả về làng. Mẹ tôi cứ cúi khom lưng xuống ruộng, tay vẫn ngâm trong hốc cua, nước mắt mồ hôi chan chứa.
Tối hôm đó, cậu Chính hỏi mẹ tôi:
- Trưa nay chị gặp con Tâm?
Mẹ tôi cãi:
- Ai bảo cậu thế?
Cậu đáp:
- Anh em du kích theo dõi.
Mẹ tôi nói:
- Tôi đi móc cua.
Cậu bảo:
- Không ai móc cua lại đứng mãi 1 góc ruộng. Chị đừng cãi.
2 người lặng im 1 lát, rồi cậu bảo:
- Vì 3 đời nhà ta làm thuê bốc thuốc, không có 1 tấc đất nên tôi mới được làm đội trưởng. Nếu chị liên hệ với bọn địa chủ, có đứa báo cáo lên cấp trên, sẽ ảnh hưởng uy tín của tôi.
Mẹ tôi lại bật khóc:
- Tôi khổ quá.
Cậu Chính quát:
- Chị không được nghĩ tới cá nhân mình. Chị phải nghĩ tới quyền lợi giai cấp.
Nói xong, cậu bước ra khỏi nhà. Mẹ tôi quằn quại, rên rỉ 1 mình trong gian nhà trống vắng, với cây đèn hoa kỳ trên bàn thờ gia tiên. Từ dạo đó mẹ tôi càng ngày càng gầy rộc, 2 hố mắt trũng sâu. Đêm đêm, mẹ tôi thờ thẫn ra vườn, đến từng gốc khế, bụi móng rồng, từng gốc ổi, gốc sung thì thầm. Phải chăng mẹ trò chuyện với những vật vô tri vô giác ấy về tình yêu của mình, về người đàn ông duy nhất đã đem tới nguồn vui sướng và tuổi xuân, về nỗi oan khuất không thể bày tỏ. Người làng thì thầm là mẹ tôi mắc bệnh tâm thần. Cậu Chính giận lắm:
- Người làng xì xào bàn tán. Họ bảo chị còn thương tiếc thằng địa chủ Tốn. Rằng vì thế mà chị dở điên, dở dại, suốt ngày nói chuyện 1 mình.
- ...
- Chị có biết rằng chị đang giết hại uy tín của tôi không? Khắp vùng này, chẳng có đội nào tiến hành cải cách triệt để bằng đội của tôi. Không khéo vì chị, hóa thành công cốc. Chị Quế, hãy nghe em. Chị em mình vẫn là chị em, trước sau như 1.
- ...
- Chị Quế, bố mẹ chết chỉ còn 2 chị em mình. Em không thương chị thì thương ai? Chị còn trẻ, được nết được người, thành phần cơ bản, có nhà có ruộng, lấy đâu cũng được người tử tế. Chị nghĩ đi, 1 đằng tương lai sáng sủa, được cách mạng dìu dắt, 1 đằng bị đào thải khỏi hàng ngũ, đứng trong đám kẻ thù nhân dân.
- ...
- Em nói lời cuối cùng, chị hãy tỉnh ngộ. Vài hôm nữa lên tỉnh em sẽ giới thiệu chị với anh Nham, cấp trên của em. Hồi ở chiến khu, anh ấy là đại đội trưởng thông tin của tư lệnh mặt trận.
Trước những lời lẽ ấy, mẹ tôi lặng im. 1 đêm tháng Chạp, mẹ cuốn bọc quần áo rời khỏi làng. Cậu Chính cho người dò xét, không ai biết. Tra hỏi cô Tâm, cô 1 mực bảo rằng không liên quan. Cuối cùng cậu tuyên bố với dân làng tằng mẹ tôi mắc bệnh thận, phải lên thành phố chữa.
Nửa năm trôi qua, cậu Chính cùng đội cải cách rút khỏi làng. Căn nhà được khóa lại bởi 1 ổ khóa gang to tướng, chìa đem gửi 1 người bà con gần gụi. Trẻ con nghịch, đem đất sét trát kín ổ khóa, rồi vẽ lăng nhăng nhảm nhí lên những cánh cửa vá các bức tường vôi. Lá tre rụng lấp đầy chân tường. Màng nhện bắt đầu chăng lớp mỏng lớp dầy 2 bên đầu hồi. Lúc ấy, mẹ tôi về, thất thểu như bóng ma. Làn da hồng mịn màng xưa kia đã sạm. Những nếp nhăn mờ in trền gò má và sơn căn, giữa 2 tràng mày cong vút. Đêm ấy, chòm xóm kéo sang thăm hỏi. Mẹ tôi ngồi vòng tay ôm gối, nước mắt thánh thót rơi. Thói thường, người làng hay tọc mạch. Họ nhất thiết dò tìm điều muốn biết. Nhưng dạo ấy, họ không cật vấn mẹ tôi. Phần vì thương, phần bị hút vào cuộc xáo động mới. Đội sửa sai về làng.
Giống như làn gió sung mãn thổi qua cánh đồng tiêu điều trơ gốc rạ, đội sửa sai không thể cứu những cánh ruộng đã bị giông gió quần nát, những hạt thóc bị vùi giữa bùn, nhưng ít nhất nó cũng quét được phần nào làn không khí hắc ám tù đọng trong không gian. Thôn xóm vang tiếng cười, tiếng khóc, tiếng than hờ, lời kể lể những nông nỗi oan khuất, tiềng hú gọi hồn những người thác oan. Đèn dầu cháy thâu đêm trong các căn nhà. Người ta mở cửa thâu đêm, trò chuyện thâu đêm, họp hành thâu đêm. Người ta đòi rạch mồm những kẻ tố điêu, đòi bồi thường danh dự, đòi nợ máu. Kẻ bị căm ghét nhất là cậu Chính. Lúc đó, không rõ cậu ẩn núp nơi nào. Chỉ mẹ tôi và căn nhà tổ tiên để lại là không thể chạy trốn cơn giông bão thù hận. 1 tối đám người bị kích động tay thước tay dao đã ập tới cổng, đòi mẹ tôi ra đền nợ máu thay đứa em trai. Họ nguyền rủa, đập phá, la hét. Mẹ run như giẽ núp trong buồng. Buồng đã cài then. Cửa chính cũng đã khóa. Nhưng chắc chắn nếu đám người kia lấn tới, chúng sẽ bị đập tan. Lúc ấy cô Tâm đã nhảy ra:
- Các ông các bà có điên không?
Cô nói, giọng lạnh lùng, đầy uy lực.
- Chỉ có lũ trẻ chưa ráo máu đầu mới xử sự như thế này, chỉ có kẻ mất trí mới giận cá chém thớt. Người biết nghĩa không ai làm bậy. Hơn nữa... tôi hỏi, liệu em dâu tôi có đáng chịu tội không? Các ông các bà mất ruộng, cô ấy mất chồng. Bây giờ sửa sai, ruộng vườn còn đòi lại được, cô ấy tìm chồng mòn gót lại trở về tay không.
Cơn điên của đám đông dịu xuống. Cán bộ sửa sai tới trấn an. Người ta ra về. Cô Tâm gọi mẹ tôi mở cửa. 2 người đàn bà ông nhau khóc...
CHƯƠNG 3
Con tàu dừng lại. Ga đầu tiên trên chặng đường dài. Bảy giờ kém 15 phút. Người đàn ông bên tôi giơ tay che miệng ngáp. Ông ta gấp cuốn sách trinh thám bỏ vào túi, rồi đưa mắt liếc nhìn tôi như nhìn 1 con mèo ngồi trong góc đi văng.
- Ư hừm ừm...
Bỗng dưng ông ta hắng giọng 1 cách vô lý, rồi nhoài qua mặt tôi, áp chiếc mũi khoằm vào cửa kính nhìn ra bên ngoài. Tàu dừng ở 1 ga tỉnh lỵ. Thành phố nhỏ nhưng đẹp, êm dịu, u tịch. Các dãy phố đổ từ các ngọn đồi xuống lòng thung, nhà nọ tiếp nhà kia chẳng nhà nào giống nhà nào nhưng tất cả đầu toát ra hương vị ngọt ngòa của các mối tình xưa cũ. Các bức tường trắng diệp màu trong ánh trắng hoàng hôn. Các rèm cây uốn lượn theo dọc phố, thếp vàng trên đỉnh các ngọn đồi và biến màu tím thẫm dưới lòng thung, nơi phố chia thành nhiều hẻm con, khuất lấp trong các khu vườn.
Người đàn ông ngắm nghía tỉnh lỵ, gật gù. Rồi ông ta khẽ nhếch lông mày, nheo mắt nhìn tôi. Dường như ông ta muốn nói:
- Thế nào, thành phố của chúng tao đẹp đấy chứ, bé con?
Tôi im lặng, không đáp. Trong những trường hợp như thế, tôi thường không tìm cách ứng xử khôn ngoan. Người khách đồng hành rút trong chiếc túi đi đường 2 miếng bánh mì kẹp thịt, chìa cho tôi:
- Làm 1 miếng cho vui, cô bạn đồng hành, cô cũng tới Matxcơva chứ?
Tôi đáp:
- Vâng. Cảm ơn ông, tôi chưa thấy đói.
Ông ta khẽ nhún vai, cười. Răng ông ta đã hỏng nhiều, cái trẩm bạc, cái thay răng giả. Vì thế, nụ cười thật hài hước. Bất giác, tôi cũng cười theo. Người đàn ông bắt đầu nhai bánh mì 1 cách ngon lành. Nhưng được vài ba miếng chợt ông ngừng lại. Đoạn, lấy trong túi đi đường chiếc rađiô cát sét Nhật, ông ta thận trọng đặt lên bàn, bật nút. Ngay tức khắc, giọng hát quen thuộc của Pugatrôva vang lên. Ông khách đồng hành nhìn tôi. Cái nhìn thay cho câu hỏi:
- Thế nào, không làm cô khó chịu chứ?
Tôi nói:
- Tôi rất thích. Cám ơn.
Ông khách ngả người vào thành ghế, vừa nghe hát vừa nhai bánh mì, vẻ mặt ông mãn nguyện. Nhưng tôi cũng không còn chú ý tới ông, cũng không chú ý tới con tàu đã bắt đầu chuyển bánh, rời xa tỉnh lỵ. Giọng hát nổi loạn của người nữ ca sĩ mê hoặc tôi. Có lẽ giọng hát ấy đã là 1 trong những niềm vui hiếm hoi ở xứ này, giúp tôi chiến thắng nỗi buồn ly hương kể từ ngày bắt đầu cuộc đời công nhân xuất khẩu. Lần đầu, tôi nghe giọng hát ấy ở nhà 1 tay nghiên cứu sinh trong thàng phố Kiep. Ông ta là chú họ cô bạn cùng cư xá với tôi. Cô ta cao lớn, rắn rỏi, sống phóng đãng. Cô có thể cùng 1 lúc chung sống với dăm bảy anh chàng, nhưng không bao giờ nhớ tới họ.
- “Trong giấy mơ của tao không có chỗ dành cho gương mặt đàn ông.”
Cô thường tuyên bố với bọn tôi như thế. Vậy mà, tụi đàn ông lại lăn vào mê say cô như điếu đổ. Đám con gái ghen ghét với cô thì thầm rằng cô học được cách làm bùa mê của mấy mụ digan. Tôi, tôi biết cô rất đẹp. 1 vẻ đẹp tàn bạo, thiêu đốt. Những người đàn ông bản lĩnh tầm thường không thể tránh khỏi ngọn lửa ấy. Nó biến họ thành tàn tro. Nhưng tôi cũng thích cô vì cô thành thực, thành thực ngay với tội ác của mình, và hay bênh vực kẻ yếu. Mùa đông năm đầu tiên chúng tôi sang Nga, nỗi buồn tê tái xâm chiếm tâm hồn. Căn buồng khu cư xá như cái hộp tẩm ướt những ý nghĩ buồn tẻ, và quây bọc chúng tôi trong nỗi nhớ nhà. Cứ ngày nghỉ chúng tôi lại tìm cách đi chơi. Ít nhất là để lẩn tránh 4 bức tường nhàm chán ấy và nghe tiếng nói mới, nhìn gương mặt mới của người Việt. Lần đó, cô bạn dẫn tôi đến Kiep. Chú họ cô đang nghiên cứu môn Điện cơ. Khu nhà đủ sinh viên các màu da, lúc nào cũng rầm rập người đi lại, khuân vác hòm xiểng, hàng hóa. Lạc vào đó, khó mà tìm được lối ra. May sao, vốn từ vựng tiếng Nga của tôi cũng khá. 2 chúng tôi kéo đi chợ, mua thực phẩm và hoa quả trước khi tới nhà khách. Cô bạn tôi bảo:
- Các lão nghiên cứu sinh bao giờ cũng keo kiệt. Mình chuẩn bị trước vẫn tốt hơn.
Chú họ cô trạc ngoại 40, dáng vẻ nho nhã. Ông ta đang cạo chiếc móng giò, thứ thực phẩm rẻ tiền cho nhữnng ai muốn dè xẻn từng côpếch. Nghe tiếng gõ cữa, ông ta vội dúi vào xoong, đậy nắp. Cô bạn tôi cười khanh khách, lật nắp xoong bảo ông:
- Ôi dào ôi, có giấu diếm thì người ta cũng biết tỏng ra rồi. Các chú già trót đời cũng không chừa được tính sĩ.
Chú cô ngượng gỏ mặt, nhìn tôi. Chừng như thấy tôi quê mùa, nhút nhát nên ông ta yên tâm mỉm cười. Cô cháu bảo:
- Thôi dẹp cái móng giò ấy lại. Cháu mua thịt bò với gà làm sẵn rồi. Gà loại 1 của Hung nhập sang đấy. Chú ở nhà nấu nướng với cái Hằng nhé. Cháu phải chạy sang mấy đứa bạn tí xíu.
Nói xong, cô ném túi thực phẩm xuống sàn, vào phòng vệ sinh mở nước rửa, rồi lát sau quay ra:
- Hằng ở đây, tao đi 1 lát thôi.
Không chờ tôi trả lời, cô xách ví đi luôn. Buộc lòng, tôi phải cùng ông chú họ cô chuẩn bị bữa ăn. Cô bạn tôi đi 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ đồng hồ sau cũng chưa thấy về. Ông chú họ mời tôi ăn cơm trước. Ăn xong, trời mờ tối. Tuyết bắt dầu rơi. Từng vệt trắng dài, cheo chéo ngoài cửa kính. Bóng mây xám tro bồng bềnh như 1 biển hoàng hôn trải trên thành phố. Các cành cây đã rụng hết lá, trơ trọi vẽ những nét gầy guộc, cọ quạnh. Giữa đám cây, 1 đốn đen vụt lướt qua. Chắc hẳn, đó là 1 con quạ.
Tôi đang dán mặt vào khuôn cửa, chợt ông chú họ cô bạn nói:
- Uống 1 chút rượu cho ấm bụng nhé?
Tôi ngạc nhiên, chưa kịp đáp, ông ta đã hấp tấp mở tủ, lấy chai rượu. Rồi cúi xuống gầm giường, ông ta kéo ra chiếc hòm gỗ, trong xếp đầy những bát chén sứ, ly cốc bằng thủy tinh và pha lê. Những chiếc ly khua lanh canh. Rót 2 chén ruợu, ông chìa cho tôi:
- Uống đi, nào uống cho ấm. Tuyết lại rơi, trời rét ghê.
- Cảm ơn chú, nhưng cháu không uống được rượu nặng.
- Được, được... rượu nhẹ thôi. Mà có nặng thì trời rét này cũng chẳng thấm vào đâu.
Ống ấn ly rượu tận môi tôi. Lúng túng, nhưng quá nể nang, tôi đành uống 1 ngụm.
- Ngụm nữa, ngụm nữa sẽ thấy người ấm lên.
Ông nài nỉ, dốc tuột cốc rượu vào họng tôi. 1 chất lửa lan truyền khiến toàn thân tôi nóng rực. Mắt nhìn chao đảo, bập bênh. Ông chú họ cô bạn tôi uống cạn ly rượu, rất nhanh. Rồi 1 ly nữa, ly nữa... Quái lạ, sao ông ta lại uống rượu sau bữa ăn? Tôi ngơ ngẩn với nỗi băn khoan ấy. Người đàn ông ngồi xuống ghế, cười ngây độn. Rồi rất nhanh, ông ta nhào tới ôm chặt lấy tôi:
- Em, em... nào em...
Miệng ông ta nồng nặc mùi rượu và mùi tỏi. Cặp môi dày hé mở, thật ghê tởm. Những ngón tay cứng như gọng kìm, xiết chặt vai tôi. Trong khoảnh khắc ấy, chợt 1 nỗi căm hờn dâng lên, nghẹn ứ tim. Tôi tỉnh rượu tức khắc, tôi nhìn thấy từng sợi râu, li ti trên mép người đàn ông, mụn ruồi thịt trên cánh mũi, cả chất mỡ ngoang nhoáng trên 2 gò má đỏ ửng lên vì rượu:
- Ông bỏ tôi ra. Tôi sẽ hét lên đấy.
Tôi đáp, bằng 1 giọng nhỏ nhẹ nhưng bình tĩnh. Tôi cố sức nhìn vào mặt ông ta, cố đẩy cái khuôn mặt ấy ra xa để nhận diện cho rõ ràng.
- Không có gì đâu... Không có gì đâu em.
Ông ta lắp bắp. 2 khóe môi dày khép mở, giống như miệng cái mặt nạ ông Địa trẻ con thường chơi ngày Tết Trung Thu. Tôi hoàn toàn không thấy sợ, nhưng ghê tởm và căm thù, có lẽ, ông ta đã lờ mờ nhận biết được điều đó qua ánh mắt tôi. Ông ta nhếch môi cười.
- Tuyết rơi... Trời rét... rét ghê.
Có tiếng gõ cửa. Cô bạn tôi trở về. Tức khắc, cô mỉm cười:
- Chú mà cũng khốn nạn thế à? Đẹp mặt nhỉ.
Ông chú họ co rúm lại, buông thõng 2 tay ngồi xuống giường. Các thớ thịt trên mặt ông chảy xuống. Lúc ấy, trông ông già như 1 ông lão lục tuần. Cô bạn tôi mở tủ, rót nước lạnh uống rồi bảo:
- Đánh đĩ phương cũng phải chừa 1 phương để lấy chồng chứ? Bạn cháu mà chú cũng không tha à?
Ông chú im ro, không đáp. 2 vai ông nhô lên gần chấm tai. Cô bạn nói tiếp:
- Thôi, sang phòng bên mà ngủ nhờ. Đêm nay chúng cháu ở đây. Từ giờ trở đi, chú liều liệu đấy.
Ông chú lật nắp giường, lấy ra 1 bộ chăn gối:
- Đây này. Mới giặt xong tuần trước.
Nói đoạn, ông lùi lũi mở cửa phòng, đi ra. Cô bạn tôi khóa trái cửa buồng, trải chăn nệm cho tôi nằm, rồi nói:
- Đừng buồn. Đời nó thế. Tất nhiên là cũng có những người tốt. Nhưng mà... Thôi, đừng nghĩ cho mệt óc. Tao mở máy quay đĩa cho mà nghe.
Tuyết rơi trắng xóa bên ngoài. Những tia sáng xuyên qua, giống những chiếc kim lấp lánh ai ném vào đêm tối. Cảm giác buồn tủi và nỗi nhớ nhà cùng 1 lúc ào ạt xô đến, như những ngọn triều câm nín cuồng liệt. cô bạn tôi mặc chiếc váy ngủ xanh, loay hoay với chồng đĩa hát. Ánh đèn lịm dần, những sợi tuyết trắng trở nên huyền ảo. Luc đó, giọng hát của người nữ ca sĩ vang lên. Thoạt tiên, tôi không rõ lời ca. Dường như 1 chuỗi sấm lan truyền trong không gian. Sấm của những cơn mưa mùa hạ. Cơn bùng nổ giận dữ của các dãy núi xa xanh mài miệt nơi chân trời, của các cánh rừng hoang dã, của các đồng cỏ trơ trụi dưới nắng, của bình nguyên xanh bị lãng quên. Tôi choáng váng. Sau đó, khoảnh khắc lạ lùng qua đi, tôi bị xô đẩy bởi 1 loạt âm thanh khác, khó định được màu sắc, nhưng êm dịu hơn, mặn mòi hơn. Chúng đưa tôi tới cõi hoang lặng của tâm hồn, nơi tiếng nức nở của con người hòa trộn với niềm hy vọng, nỗi khoắc khoải được đếm trong nhịp thời gian, góc u tối trong mỗi căn phòng với cánh hoa buổi sớm. Bài hát chấm dứt. Lại 1 bài hát tiếp theo. Tôi không nhớ các cảm xúc và ý nghĩ của mình. chúng tiếp nối nhau, chồng chéo, xóa nhòa nhau. Cô bạn tôi chồm dậy, lật mặt đĩa hát. Làn sóng âm thanh tuôn chảy không ngừng. Tôi không nghe hát nữa, tôi nghĩ đến người đàn bà đang hát. Chắc hẳn những khát vọng trong chị đã có lúc bị vùi lấp dưới tro bụi rồi trộn lên như mầm cây lúc sang xuân. Chắc hẳn chị đã có lần cúi xuống vì thất vọng, vì chán chường rồi lại ngẩng lên, học cách hy vọng, tìm niềm vui sống. Tiếng hát của nữ ca sĩ như tia lửa vọt lên từ đám cháy, như cánh chim phiêu bạt giữa khoảng xanh... Tôi lắng nghe. Rồi tôi sửng sốt khi nhớ lại câu chuyện xấu xa buổi tối. Âm nhạc đã vang lên trong căn phòng của 1 gã đàn ông dơ dáy. Món trộn kỳ quái của cuộc đời.
Bây giờ, lại là giọng hát ấy, trên con tàu tới Mátxcơva. Các cột cây số lùi qua. Bên ngoài, rừng bạch dương lấp lánh. Màu trắng óng như satanh trên thân cây gợi vẻ đẹp yếu mềm. Bỗng nhiên, tôi chợt khám phá ra nét quyến rũ trong giọng hát kia. Cái chất lửa cuồng nhiệt của tình yêu, ngọn phong ba bạo liệt của sự phản kháng, sức mạnh đẹp đẽ nhất, cần thiết nhất với con người... Tôi thu mình trong góc toa, khoành tay lại. Giá chi mẹ tôi có được chút cỏn con sự phản kháng ấy?... Giá chi trong trái tim mẹ có được ngọn lửa nhỏ của đám cháy khát vọng?

CHƯƠNG 4
Dầu sao, mẹ tôi không thể tiếp tục sống ở làng. Người ta không nỡ thù ghét mẹ, nhưng cũng khó chịu khi nhìn thấy mẹ. 2 chị em, mẹ và cậu Chính, giống nhau như 2 giọt nước. Từ khổ người, hình dáng, tới nét môi, đường mày, điệu cười, giọng nói. Ngôi nhà tổ tiên chỉ còn lưu giữ những kỷ niệm buồn. Gánh hàng xén, theo lệnh cậu Chính, mẹ đã bán. Đôi bồ xẹp trong xó bếp để ủ chuối. Mẹ tôi đắn đo 1 tuần trăng, rồi đem cầm ngôi nhà cho người trong họ, thu xếp tiền bạc tư trang, lên thành phố...
10 năm sau, tôi đã ra đời trong căn nhà gạch, nửa lợp tôn và giấy dầu, nửa lợp ngói Tây. Ngõ hẻm nằm trong 1 khu phố ngoại ô, nơi cư trú của dân lao động. Sáng tinh mơ, vào trước buổi lê minh, những người bán xôi lúa, bánh rán, bánh chưng, bánh giò, bún ốc, bún riêu, bánh cốm, bánh khúc và những thứ quà vặt khác đã thức dậy làm hàng. Bếp trấu, bếp than bập bùng cháy. Mùi thơm của hành phi mỡ, bánh rán, ớt chưng... tỏa khắp nơi, đánh bạt mùi các đống rác, các chuồng tiêu, các hốc tường nồng nặc thứ nước tiểu lưu cữu. Rồi những mùi vị thần tiên đó nhạt dần, bay xa dần với tiếng quang gánh kẽo kẹt, tiếng rao ời ợi của những người đàn bà:
- Xôi vò, xôi lúa đây ây ây...
- Ai... bánh rán, bánh chưng, bánh dầy...
Mỗi tiếng rao có 1 âm điệu riêng, với những âm nhấn, những tiết điệu lên bổng xuống trầm. Trong xóm có 7 người bán xôi vò, xôi lúa. Qua tiếng rao, có thể phân biệt từng người. Tiếng rao hàng ời ợi vào buổi lê minh, trong khoảng trời ngoại ô là thứ âm nhạc đầu tiên đã thấm vào tôi. Mẹ tôi lúi húi xếp hàng vào gánh. 2 chiếc quang chất dầy tới cổ, nào măng khô, bánh đa nem, bánh đa thái, miến tàu, miến ta, đỗ xanh, đỗ đen, đậu lạc, vừng trật vỏ, vừng nguyên... cả tò ho, thảo quả, hoa hồi... mỗi thứ 1 ít. Mẹ sắp xếp hàng rồi tới vỗ lưng tôi:
- Em ăn cơm rồi hãy đi học nhé. Chìa khóa nhà mẹ vẫn để trong hốc tường.
Mẹ đi. Từ trên giường lăn xuống, tôi đã thấy chiếc mâm đồng sứt vành đặt trên bàn. Bát dưa cải xanh với đĩa nhộng rang hành. Hoặc bát tương dầm cà với con cá khô nướng. Mùa hè qua mùa đông năm nay qua năm khác, thức ăn dường như không đổi. Cơm ủ trong chiếc liễn sành, bên ngoài là chiếc giỏ cũ lót rơm. Bên cạnh khay nước uống, có sẵn 1 gói kẹo nhỏ, khi là kẹo bột, khi là mấy thanh chè lam.
- Em ăm chè lam nữa không? Mai mẹ lại mua?
- Kẹo bột ông Tảo có gừng, em có thấy mùi thơm không?
Mẹ cúi xuống bên tôi, thì thầm. Mắt mẹ nhìn tôi, vừa ấp iu vừa ngưỡng mộ. Tôi lờ mờ cảm thấy, ngay từ độ ấy, tình yêu của mẹ với tôi có gì khác biệt. Những người đàn bà trong xóm, không nhìn con với ánh mắt như thế.
1 sớm đông, trời bỗng rét cằn rét lụn, tưởng như nước trong chậu đông sánh lại. Mẹ tôi đi chợ sớm. Gần Tết Nguyên Đán người ta tranh thủ bán hàng. Quanh năm, chỉ có dịp ấy là dân tiểu thương kiếm được tấm món. Tôi thức dậy, thấy tấm áo bông đặt ngay cạnh gối. Sờ vào còn ấm. Mẹ đã hơ than trước lúc đi. Tôi mặc áo, ăn cơm rồi chạy sang nhà cô bạn hàng xóm. Nó còn ngủ li bì, ông bố nghiện thuốc lào ngồi co ro trên phản, vừa thấy tôi đã giơ chiếc xe điếu lên dọa:
- Về nhà ngay, trời rét thế này muốn sưng phổi hay sao màrủ nhau đi chơi hả? hả?
Tôi đi thơ thẩn dọc đường. Gió lùa những đám lá úa bay qua. Con chó trắng nhà bà Miều rên ư ử, quét cái đuôi xơ xác lông trên hè phố. Nó cứ dò dẫm bước từng bước 1, vừa bước vừa đưa cặp mắt già nua kiếm đường, cái mũi nhăn nheo hếch lên 1 cách khó nhọc.
- Này, Trắng xồm, Trắng xồm,,,
Tôi gọi:
- Trắng xồm, có đi chơi với tao không?
Con chó già lờ đi, ra điệu khinh khỉnh. Lúc đó, anh con trai què của bà Miều từ trong nhà cất tiếng rống lên:
Rồi thu sang lá vàng rơi đầy.
Hàng bạch dương buồn im xác xơ ven đồi...
Tự dưng tôi muốn khóc. Lúc ấy, con bé Thu bỗng từ sau lưng tôi bước lên:
- Chơi không mày?
Tôi im lặng không đáp. Trong Xóm, cả bọn chúng tôi không đứa nào chơi với con Thu. Nó xấu bụng, lại có thói điêu toa. Nhiều lần, nó bày trò rủ rê mọi người chơi. Khi bị mắng, Thu liều đổ ngay tội đầu têu cho đứa khác, và nhanh như cắt lẩn trốn. Con bé đứng chặn ngay trước mặt tôi, nhắc lại:
- Tao với mày đi chơi nhá?
Tôi không đáp, lưỡng lự.
Thu liếc nhìn quanh rồi bảo:
- Không ai biết đâu. mẹ tao lên cơ quan rồi. Mà trưa nay mẹ tao cũng không về. Cơ quan có tiệc trà liên hoan.
Tôi phân vân. Nhưng nghĩ tới gian nhà trống vắng, lại thấy sợ. Thu đán được ý nghĩ của tôi, liền kéo áo tôi, bảo:
- Đi đi... Ra bãi xem thuyền muồm vui lắm. Nếu chịu khó chúng mình có thể đào được dế mèn.
Tôi theo nó. Chúng tôi vượt qua dãy phố, qua bờ đê, ra ngoài bãi sông. Không gian thơm ngát. Các bụi cây vòi voi đu đưa chùm hoa tím, các loài cúc áo bé bỏng đơm hoa dọc bờ cỏ, thỉnh thoảng lại gặp 1 dây lạc tiên hiếm hoi với chùm quả như những chiếc đèn lồng. Êm ả trôi, dăm cách buồm trên dòng nước. Người chèo thuyền ngồi trước mũi lái, mặt nhuộm ánh nắng đồng.
- Dô huây, dô huây...
Tiếng hò vẳng từ dưới bến sông đưa lên. Người ta đang hạ thủy 1 con thuyền... Chúng tôi mê mải đi dọc theo bờ cátm theo duổi không chán lũ chuồn chuồn và cánh cam. Thu hái được 1 vạt áo đầy quả lạc tiên chín. Nó ăn không kịp thở, không chia cho tôi 1 quả. Tôi lắng nghe tiếng hò của những người dân chài. Bỗng nhiên, có tiếng hét vọng từ bờ đê xuống:
- Thu, Thu ơi i i...
Bóng 1 người đàn bà đang đi dọc triền đê. Thu vội kéo tôi núp vào ruộng ngô gần đấy. Mẹ nó vẫn tiếp tục gọi:
- Thu, Thu ơi i i...
Tiếng gọi chứa đầy tức giận, nghe như tiếng hét. Cả Thu lẫn tôi đều nín thở. Nó nằm ẹp xuống rãng ngô, kéo tôi theo. Chờ cho mẹ nó đi thật xa, xuôi bãi sông tới trở dậy:
- Về, về ngay...
Thu bảo tôi. 2 chúng tôi men theo các ruộng ngô và bí đỏ về phố.
- Giả vờ chơi ô ăn quan nhé. Vào sân ông lão mù xem bói.
Thu kéo tôi vào cái hẻm đầu tiên trong ngõ phố. Ở đó, có 1 ông già mù, chuyên sống bằng nghề bói. Ông ở trong 1 căn nhà gạch nhỏ, nghe đâu bà vợ dã xây cho ông trước khi bỏ đi với 1 người đàn ông khác, cách đây 17 năm. Căn nhà nhỏ nhhưng khá sạch và đầy đủ vật dụng cần thiết. Sân rộng, lát gạch men nâu, có cả tường hoa bao quanh và 1 luống đất trồng những loại cây lưu niên như lựu, đào, mơ. Người từ các nơi nghe tiếng đồn thường tới ngồi ở mảnh sân ấy, chờ tới lượt mình được thày xem. Lũ trẻ trong ngõ phố tới sân chơi nịt, chơi nhảy lò cò, chơi ô ăn quan hoặc đá cầu lông. Thu kéo tôi ngồi xuống, ấn vào tay tôi hòn gạch non nó đã nhanh tay lượm được trên đường về:
- Vẽ đi, vẽ ngay ô ăn quan không mẹ tao về tới nơi bây giờ.
Tôi cầm hòn gạch, hối hả vẽ vòng ô ăn quan. Còn Thu chạy ngay ra đống sỏi đầu xóm bốc về đầy vạt áo. Nó vừa chia sỏi, rải đều vào các ô, mẹ nó đã xộc tới:
- Ở đâu? Nãy giờ mày ở đâu?
Con bé ngẩng lên:
- Chúng con chơi ô ăn quan.
Mắt mẹ nó trợn ngược, gần như chỉ còn lòng trắng. Cập môi phai son trơ ra, thâm tím. Bà ta cúi xuống túm tóc đứa con:
- Tao rẽ vào đây rồi mới ra bờ sông tìm mày. Đi đâu? Chết băm chết vằm ở đâu?
- Con chơi...
Thu ấm ớ, miệng méo xệch.
Mẹ nó kéo con gái đứng lên, róng rả từng lời:
- Đi đâu? Khai ra thì sống. Còn quanh co, tao đánh tuốt xác. Đi đâu?
Mặt cái Thu tái xanh nước mắt vãi như tháo cống. Rồi, bất chợt nó khóc hu hu:
- Cái Hằng rủ con ra bãi sông. Nó bảo con đi đào dế mèn... Hu hu... Nó còn rủ con bẻ ngô về nướng.
Người đàn bà quay nhìn tôi. Cặp mắt bà ta lồi hẳn ra, trơ và nhẵn như mắt tượng trong chùa, Môi bà mím lại, hằn thành vệt thâm và mọng. Bà im lặng. Những tia nhìn lạnh buốt, đe nẹt, khinh bỉ của bà quất vào mặt tôi, đè bẹp tôi xuống mặt đất lấm bụi. Tôi run lên, 2 ống chân cơ hồ không đứng vững. 2 tay bấu chặt lấy vạt áo, tôi cố sức chịu đựng cái nhìn sắc sảo của bà. Cổ tôi nghẹn lại. Bà lia mắt từ đầu tới chân tôi, kiểu như người ta nhìn 1 con vượn trong chuồng sắt sở thù. Rồi bà ghìm giữ cơn tức giận sắp biến bà thành 1 vị chúa sơn lâm nhảy vào xé xác tôi, bà cúi xuống ném vào mặt tôi từng câu 1:
- Con kia, tao cấm mày lân la tới gần cái Thu, tao cấm mày bén mảng tới đầu sân, trước ngõ nhà tao. Quân vô thừa nhận, trên không chằng, dưới không rễ. Đồ con hoang không bố, lần này tao tha, lần sau thì chớ trách.
Nói đoạn, bà ta túm lấy tay con, xềnh xệch kéo đi. Tôi đứng trên mảnh sân gạch, rải rác lá rụng, nghe gió bắt lùa ngang trời. Hồn tôi như ngôi nhà tan hoang, không tường không vách. Con chó già nhà bà Miều lại kéo đuôi lững thững đi qua hè phố, vừa đi vừa đưa mõm sang 2 bên hít hít, ngửi ngửi. Nó cũng không khốn khổ như tôi, trơ trọi như tôi. Ông già mù ngồi trong nhà bỗng cất tiếng:
- Hằng ơi, vào đây ông bảo...
Tôi đứng lặng, nước mắt dâng cay xè.
- Hằng ơi...
-
Tôi cắm đầu chạy khỏi sân, nước mắt nhòe trong gió lạnh. Ngang trời ngoại ô, mây xám lướt chầm chậm, lũ chim di trú cuối cùng vỗ cánh bay. Món cháo bi thương của người đời có vị đắng ngắt, không trôi được qua họng. Tôi chạy mãi, chạy mãi. Cho tới khi kiệt sức, ngã xuống, tôi thấy làn sóng đỏ của dòng sông nhấp nhô trước mắt mình. Và 1 cánh buồm nhỏ, góc bên dưới rách tơi tả nhấp nhóang trôi...
Đêm hôm ấy, nước mắt mẹ rơi ướt đầm món tóc bên thái dương tôi:
- Mẹ xin em, em đừng khóc. Nín đi, em nín đi, đừng khóc.
- Nhưng con phải có 1 người bố chứ? Ai cũng được mà.
- Mẹ xin em, em đừng hỏi.
- Đứa nào cũng có bố, dù bố nó đã chết hoặc đui mù, mẹ phải chỉ cho con biết bố của con.
- Em đừng hỏi. Mẹ chắp tay lạy em ngàn lạy, xin đừng hỏi. Mẹ con ta sống với nhau, có nhau, thế là đủ, mẹ xin em.
Những giọt lệ của bà đã thắng. Tôi đành chịu thua, và hình ảnh về người bố vẫn nằm im trong tấm màn đen bí ẩn.
Hơn 1 năm sau, cũng vào 1 ngày đông giá, nhà tôi có khách. 1 người đàn ông cao lớn lưng hơi gù, khuôn mặt vuông, mắt đen, môi cười hình trái đào:
- Đây là cậu Chính, cậu ruột của con.
Mẹ tôi bảo. Tôi cúi chào thật to. Cậu cao lớn nhưng nét mặt rất giống mẹ. Tôi có cảm tình với cậu tức khắc.
- Con nấu cơm mẹ nhé? Có phải ra phố mua thịt quay không?
Mẹ tôi gật đầu:
- Mẹ nấu cơm cho. Con đến hiệu thịt quay chú Tàu mua nửa cân lợn quay, nửa cân ngỗng quay với 2 lạng kiệu muối.
Cậu Chính cau mày:
- Không cần lãng phí như vậy.
Mẹ tôi đáp nhỏ nhẹ:
- Ngót chục năm trời chị em mới gặp nhau.
Nói xong, mẹ sai tôi vào buồng lấy chiếc làn tre Lạng Sơn đi chợ. Trong buồng, tôi nghe cậu hỏi:
- Con bé Hằng mấy tuổi?
Mẹ tôi đáp:
- Cháu gần tròn 9 tuổi rồi.
Cậu bảo:
- Nó giống hệt anh ta.
Mẹ tôi im lặng không đáp. 1 lát sau. cậu nói:
- Chị không có lập trường. Chị không dứt bỏ được con người ấy. Đáng lẽ chị phải xây dựng gia đình mới từ lâu.
Tôi nghe mẹ nói, yếu ớt:
- Gia đình bên ấy xuống trung nông ngay hồi sửa sai rồi. Mà thôi, tôi xin cậu đừng nhắc lại chuyện cũ.
Tôi cầm làn đi ra. Cả 2 người im bặt. Tôi hỏi:
- Mẹ ơi, có phải mua thêm rau đậu nữa không?
Mẹ tôi lắc đầu:
- Đủ rồi em ạ.
Nói xong, mẹ cúi xuống ngay. Nhưng tôi đã thấy 2 giọt nước mắt rơi xuống đầu gối người.
Tối hôm ấy, sau bữa cơm mẹ mời láng giềng thân thuộc sang chơi, giới thiệu cậu em ruột. Dân trong ngõ xóm đều là lao động, người buôn thúng bán mẹt, người làm hàng xôi hàng bún, người kéo xe ba gác chở hàng hoặc đạp xích lô. Họ nghe giới thiệu cậu Chính tôi là cán bộ tuyên huấn của tỉnh Quảng Ninh thì nể vì lắm. Trong con mắt chúng tôi lúc đó, tuyên huấn là 1 nghề cao siêu, không thể so sánh với các nghề nghiệp khác trong xã hội, vì nó đem lại cho con người tư tưởng, ánh sáng, những tài sản cao quý không tiền bạc nào mua nổi. Cậu tôi đọc nhiều tài liệu trong và ngoài nước, cậu kể chuyện hấp dẫn. Đám láng giềng nhà chúng tôi ngồi nghe mê mẩn. Nào là cuộc đấu tranh của 2 phe trên thế giới. Nào là các cuộc bãi công nổ ra trong phe tư bản, phong trào công đoàn phản đối nữ hoàng Anh. Nào là những dòng thác cách mạng trên địa cầu. Những thủ lĩnh da đen lãnh đạo cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Các bộ tộc da đỏ đấu tranh đòi hưởng thụ nền văn minh vật chất của bọn đế quốc mới. Quá nửa đêm, dân xóm mới chịu ra về. Mẹ tôi hỉ hả. Vẻ mãn nguyện hiện ra trên nét mặt. Mẹ thu dọn những cốc chén, tàn thuốc lá thuốc lào, đĩa đựng mứt sen, mứt bí, kẹo chanh... Giống như người ta thu dọn bàn tiệc sau lễ cưới. Rồi mẹ trải chiếu mới, sắp xếp chăn màn cho cậu Chính đi ngủ:
- Mẹ con tôi ôm nhau nằm võng càng ấm. Cậu đi nghỉ sớm cho đỡ mệt. Đường dài...
Cậu bảo:
- Không cần. Chị cho cháu Hằng đi ngủ trước đi. Em còn có chuyện phải nói.
Mẹ tôi bảo tôi vào giường ngủ. Xong. Mẹ pha ấm trà ướp hoa cúc:
- Cậu có ăn chè sen tôi nấu? Hồi còn thầy u, năm 2 lần, ngày lễ Nguyên tiêu và Tết, bao giờ nhà cũng nấu xôi vò, chè sen.
Cậu Chính đáp:
- Vâng. Nhưng dạo đó em còn nhỏ quá, em không nhớ.
Mẹ tôi nói:
- Tôi tuổi Hợi, cậu tuổi Sửu, chỉ thua tôi chưa đầy 2 năm, sao lại không nhớ?
Cậu tôi im lặng 1 lát rồi đáp:
- Phải, nhưng em mải nghĩ đến việc nhà nước, đầu óc bận rộn luôn luôn.
Mẹ tôi nói, giọng hờn dỗi:
- Thế nên 9, 10 năm trời cậu chẳng thèm hỏi tôi lấy 1 câu. Giá tôi chết, cũng không có người sang điếu.
Cậu Chính đáp, cằn nhằn:
- Đã bảo chị là em bận. Việc công chứ em có đi chơi đâu. Hết cuộc tập huấn này tới cuộc tập huấn khác, hết hội nghị tỉnh đoàn tới hội nghị tỉnh hội phụ nữ. Rồi là mặt trận tổ quốc, rồi là công đoàn, không có lấy 1 ngày thảnh thơi. Sắp tới, lại có chiến dịch tuyên truyền, phổ biến nghị quyết xuống các cấp. Chắc xong việc thì Tết cũng tới sau lưng.
2 người im lặng. Tôi nghe tiếng cậu rót trà, uồng ừng ực rồi đặt chén xuống chiếc khay nhôm, 1 khoảnh khắc lặng lẽ nữa trôi qua. Chợt mẹ tôi bật kêu:
- Sao cậu chẳng hỏi gì giỗ tết thày u thế? Bao nhiêu năm...
Cậu Chính thở dài:
- Ôi dào, chị khéo đa sự. Thày u chết lâu rồi còn hỏi làm gì?
Mẹ tôi khóc dấm dứt:
- Nhưng mà là thày u của mình. Chết hay sống cũng vậy. Thày u chỉ có cậu là người nối dõi.
Cậu Chính gắt:
- Chị ăn nói lạ, thời buổi này là thời duy vật, không ai còn nghĩ vớ vẩn như chị. Chết là hết.
Cậu ngừng lời, gian nhà im vắng, chỉ có tiếng nấc khe khẽ của mẹ tôi điểm nhịp. Cậu tôi, sau 1 lát im lặng, cất tiếng:
- Em quên chưa hỏi, bây giờ chị sống bằng nghề gì?
Mẹ tôi lau nước mắt, trả lời:
- Thế cậu không thấy gánh hàng khô chị đặt trong góc nhà hay sao? Hồi ở quê, dấn vốn có gánh hàng xén cậu bắt đem bán. Đôi bồ nan cật, quang dầu tốt thế đành đem dấm chuối cứ mục dần ra. Làm vườn không được, chị đành phải cầm nhà ra phố. Thoạt đầu, chị đi kéo sợi thuê cho nhà làm chỉ. Sau quen chúng quen bạn dần, kiếm gánh hàng ra chợ. Lúc vốn ít thì buôn hoa quả, măng tươi, mì miến. Sau dấn vốn nặng hơn, chị cất cả đường, đậu, các loại gia vị, các thứ đồ ngũ cốc chế biến.
- Tóm lại chị buôn chứ gì?
Cậu tôi cắt ngang, giọng khó chịu, lạnh lùng. Mẹ tôi lặng ngắt, không đáp. Cậu tôi lên tiếng, chì chiết:
- Trong xã hội này, chỉ có 2 loại người có chỗ đứng xứng đáng. 1 là giai cấp công nhân tiên phong, đội ngũ lãnh đạo các mang. 2 là giai cấp nông dân lao động, người bạn đường của giai cấp công nhân, cùng tiến lên xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, không đáng kể. Loại con buôn, dù lớn dù nhỏ, đều là những kẻ bóc lột. Chị không thể đứng trong hàng ngũ bọn chúng.
Mẹ tôi hốt hoảng:
- Nhưng tôi không bán hàng khô thì biết làm gì bây giờ? Tôi còn phải nuôi cháu cậu.
Cậu tôi đáp, giọng tỉnh khô:
- Em sẽ xin cho chị là công nhân nhà máy. Mới vào, hãy làm tạp vụ. Sau, họ sẽ dìu dắt vào nghề. Nhà máy đệt Mồng 8 tháng 3, nhà máy điện Yên Phụ, nhà máy xay Lương Yên, nơi nào cũng được.
Mẹ tôi mếu máo:
- Thôi chị xin cậu. Ngần này tuổi mới tập phụ nghề rồi biết bao giờ mới thành nghề. Mà có thành nghề rồi tóc cũng 2 thứ. Lúc ấy, chẳng lẽ nghỉ hưu?
Cậu Chính nói:
- Cái chính là chị ngại lao động. Chị đã quen với môi trường của dân tiểu thương. Nhưng chị hãy nghe em, trướn hay sau Đảng và Nhà Nước cũng sẽ cải tạo triệt để loại người phi lao động. Chị hãy từ bỏ bọn chúng, đứng vào đội ngũ của những người lao động ngay bây giờ là hơn.
Mẹ tôi nóiL
- Cải tạo tư sản nhà nước đã làm từ 10 năm trước. Như chúng tôi, mờ sáng đã đặt dòn gánh lên vai, tối đất mới được ăn bữa cơm đèn, cậu bảo bóc lột ai? Mấy mùa đông năm trước, chưa kiếm đủ tiền giấy bút cho cháu, ban ngày đi chợ, tối về phải xách nồi than ra đầu phố, quạt ngô bán thêm.
- Thôi thôi...
Cậu tôi cắt ngang lới:
- Chị không phải nói nhiều. 1 bộ phận giai cấp tư sản đã được hình thành từ đám tiểu thương như chị. Nhưng đất nước ta sẽ tiến thẳng lên xã hội chủ nghĩa không qua giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản. Do đó, tư bản trở thành đối tượng của cách mạng. Phải trừ tận gốc rễ mầm mống giai cấp ấy.
Tôi nghe mẹ tôi thở dài. Rồi lát sau, mẹ rầu rĩ nói:
- Cậu Chính, bỏ lỗi cho chị. Chị không được học hành nhiều, chị không biết lý luận. Nhưng ít nhất cậu cũng cho chị kiếm đủ miếng cơm nuôi cháu Hằng ăn học.
- Chính vì nghĩ tới tương lai cháu Hằng em mới yêu cầu chị vào nhà máy. Trong xã hội mới, con em của giai cấp công nhân và nông dân được hưởng mọi quyền lợi để phát triển khả năng lao động. Ở Liên Xô, các nhà văn lỗi lạc, các nhạc sĩ thiên tài, các giáo sư tiến sĩ khoa học đều được đào tạo từ đội ngũ của giai cấp công nhân.
Mẹ tôi không trả lời. Cậu Chính gằn giọng:
- Tôi làm công tác tuyên huấn, giáp dục tư tưởng của Đảng cho các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Tôi không thể có 1 người chị là con buôn.
Mẹ tôi uống nước, rồi khe khẽ đáp:
- Chị mệt quá. Cậu để cho chị đi ngủ. Rồi mai mốt chị sẽ nghĩ thêm.
Cậu gật đầu, giọng nói êm dịu lại:
- Vâng. Nhưng em có việc nói với chị. Vợ chồng em xin chuyển về Thủ Đô. Cô ấy công tác ở Thành Đoàn. Chúng em được phân phối nhà ở nhưng cần tiền để tu tạo và mua sắm đồ đặc.
Mẹ tôi nói:
- Vâng. Nhà của thày u tôi cầm cho người ta, hẹn khi nào lấy hết tiền mới làm giấy chính thức. Phần của cậu vẫn còn nguyên. Bao giờ cậu cần?
- Cần ngay, càng sớm càng tốt.
- Vậy cậu về lấy tiền, hay tôi?
- Em bận, làm gì có thời giờ về làng.
- Vâng. Tuần sau tôi sẽ thu xếp hàng họ, đưa cháu về quê. Tôi lấy tiền cho cậu và cho cháu về thăm nom họ hàng làng xóm.
Đúng 1 tuần lễ sau, mẹ đưa tôi về làng. 2 mẹ con tôi đi xe ca, xuống bến xép ở thị trấn. Từ thị trấn phải đi bộ 8 cây số mới tới bờ sông. Ngang đường, tôi đòi mẹ dẫn vào chợ huyện, 1 cái chợ quê đông đúc họp ngay trên đồi, cách đường chừng 500 thước. Những cây đa cây muỗm um tùm nối thành mái che. Dưới các tán cây, người ta dựnng 1 dãy lều sơ sài, chỉ vài cây cọc chống với mái lá mía hoặc thân nứa đập dập. Phía sau chợ, ngôi chùa nhỏ phơi tường vôi trắng mốc với mái ngói rêu phong. Trên gò đất trước cửa chợ, vợ chồng người thợ nhuộm đang vắt những mảnh lụa vừa vớt trong nồi lên cây sào tre. Mảnh nào mảnh nấy bốc hơi nghi ngút, màu hoa sen chói mắt. Trên chiếc sào bên cạnh, chừng dăm mảnh vải và quần áo màu thiên lý, màu hoa hòe, màu gụ, màu đen. Những thứ màu muôn thuở dân quê ưa thích. Đối diện với hàng nhuộm, 1 ông già mặc quần áo trắng bẩn, ngồi dãi thẻ nặn những con giống bột, nào lợn, nào gà, nào trâu, nào ông tướng, bà tướng, thằng tốt đen, cỗ xe hồng. Từng đoàn con giống sặc sỡ xếp hàng trên tấm ván mỏng, kê lên 4 hòn gạch.
- Te tò te, đây là ban kèn Tây.
Ông già vừa nặn xong cây kèn, đưa lên miệng thổi. Lũ trẻ ngồi quanh giương mắt, há miệng chầu hẫu theo cục yết hầu nhảy lên tụt xuống trên cần cổ già nhăn nheo.
- Te tò te, đây là ban kèn Tây.
To tò tò te tí, có anh nào muốn chơi...
Câu mời chào quyến rũ làm sao. mẹ mua cho tôi hẳn 12 con giống với cây đèn ngũ sắc. Tôi xếp mớ tài sản vào chiếc hộp giấy, trước ánh mắt thòm thèm của đám trẻ quê. Mẹ đưa tôi qua dãy hàng xén, bồi hồi nhìn những chiếc hộp gỗ mặt kính bề rộng chừng gang rưỡi, bề dài 2 gang, bên trong xếp từ viên bi thủy tinh, mớ chỉ thêu, gói kim ngoại cho tới những chiếc mùi xoa Tàu in bướm sặc sỡ, từ những chiếc ngòi bút sắt, viên băng phiến cho tới chỗi hạt vỏ ốc hoặc ngọc trai bằng nhựa giả.
- Ngày xưa, mẹ cũng bán hàng xén. Nhưng ở chợ huyện nhà.
Những giải quai nón bằng lụa ni lông bay phấp phới trên nóc lều. Các cô bán hàng trẻ, lông mày tỉa cong vút như vành trăng ngồi nhể ốc trên trong. Mùi nước mắm gừng bay trong gió. Chợ quê, đến là nhiều thứ quà. Những quà rẻ tiền và đôi khi đơn sơ 1 cách lạ lùng. Kề bên những bánh bún riêu, bún ốc người ta bán cả bún canh rau cải, rau rút. Cạnh hàng bỏng ngào mật, chè lam, ngũ vị, người tabán cả những thúng bánh con sâu, 1 hào 12 con, vừa bằng ngón tay út đứa trẻ lên 2. Thứ bánh đó nặn bằng cơm nguội giã trộn bột nếp. Cứ 10 phần cơm nguội mới có 2 phần bột nếp. Rồi nặn hình con sâu rau ném vào chảo dầu lạc. Bao giờ bánh chín, bột vàng rộm, nứt khía ra và nổi lên trên.
Bánh nếp ở đây chỉ vừa bằng trôn chén. Bánh gai nhỉnh hơn cái hạt mít, bọc năm bẩy lượt lá chuối bên ngoài. Hàng khoai luộc, củ ấu, củ súng luộc ngồi cạnh gánh xẩm. Chồng xẩm đeo kính mắt đen ngồi kéo nhị, vợ xẩm mặc áo lụa đỏ phai màu gân cổ hát bên cạnh:
- “Con tàu Việt Nam đi suốt bốn mùa vui...”
Mẹ tôi hỏi tôi có đói không? Tôi lắc đầu. Kì thực tôi có thấy đói nhưng không muốn ăn. Mấy người đàn bà đang cắm cúi ăn bánh đúc mắm tôm ngay gần đó. Nón họ sụp xuống mặt. Chỉ thấy bàn tay hạ xuống, cất lên. 2 mẹ con tôi đi khắp lượt các hàng quán trong chợ, len lách giữa đám người. Giọng hát xẩm của người đàn bà đuổi theo. Cứ nghe mỗi lời hát, tưởng chừng lại nhìn thấy sợi gân cổ bằng chiếc đũa nổi lên. Giọt mồ hôi đọng trên cái cằm cáu bẩn. Tôi nói:
- Ta vào chùa đi mẹ.
Tôi kéo mẹ về phía cổng ngôi chùa. Ở đó, có một cây đa huyền diệu. Cây đa có tới bảy thân, một thân chính và sáu thân phụ. Mỗi thân phụ là một chòm rễ nối từ cành cây xuống mặt đất. Nhưng các thân phụ cũng lực lưỡng gần như thân chính. Chúng tạo thành các vòm cổng kết thành thân cây, như những cổng chào kì bí, những khải hoàn môn của trận thắng xa xưa. Tôi ngồi xuống gốc đa, tựa vào đùi mẹ. Những chòm rễ đa trắng ngà đu đưa, đu đưa. Đột nhiên, như những cái vòi bạch tuộc lạ lùng, chúng dính chặt lấy tôi, bứt tôi khỏi vòng tay mẹ. Tôi muốn kêu, nhưng cơm mê dịu ngọt khiến tôi không cất được thành lời. Những chòm rễ đa đung đưa tôi trong cái nôi xanh êm ả, lộng gió. Rồi chúng đưa tôi tới tận cổng trời. Một bức tường thành sừng sững bởi các lớp mây nặng nề, có ánh bạc như kim khí tạo nên, chạy dài. Giữa tường thành, cái cổng được trổ ra, với hai cây cột lớn bao phủ làn mây ngũ sắc, cuộn xoắn như những con rồng đùa giỡn. Hai cánh cổng tựa hai tấm đồng sáng chói, bóng như gương, cánh khép, cánh mở, nửa như mời mọc, nửa đe dọa con người. Phía sau hai cánh cửa ấy, một khoảng không gian kì bí hiện ra, màu lục thẫm, trong suốt, và lấp lánh như ẩn chứa ngàn ngàn tinh tú.
- Em ơi, dậy đi, dậy đi nào.
Tôi mở mắt. Mẹ tôi cười:
- Con chó con, đến là dễ ngủ.
2 hàng ngọc trai sau làn môi mẹ ánh lên. Ánh lên nỗi buồn. Xuân sắc đã qua rồi. Không để làm gì. Chẳng để cho ai.
- Cũng phải ăn tí ti chứ em? Mẹ cũng đói rồi.
Tôi ngồi dậy, từ bỏ vòm đa xanh và cái cổng trời huyền hoặc. Nhà chùa cũng bán hàng: bánh nếp đậu xanh và chả đỗ xanh. Ni cô cầm chiếc quạt tre phẩy ruồi. Mẹ con tôi ăn chả đỗ, uống nước vối hãm gừng. Mặt trời đã tụt xuống ngang đỉnh núi. Nắng le lói, vàng hực, tỏa hơi nóng như lò gạch đang nung. Mẹ tôi bảo:
- Trời đang ấm, phải đi ngay kẻo lát nữa sẽ lạnh.
Tay cầm túi, tay đắt tôi mẹ lên đường. Hôm ấy là 1 ngày đông hiếm hoi. Trời lặng gió, ấm. Con đường vượt qua các cánh ruộng, các thôn mạc. Bãi cỏ hoang với cây gạo già. 1 nghĩa trang có những bậc thềm xây, ngọn tháp in hình ngôi sao 5 cánh với dòng chữ: Tổ quốc ghi công. 1 khu hồ bát ngát, nước lặng ngắt dưới chân các cọng sen tàn.
- Nhanh chân lên em. Hay ôm cổ mẹ, mẹ cõng.
- Không, con đi được.
- Từ đây tới bến sông còn dăm cây số nữa.
- Dăm cây con cũng đi, mẹ đừng lo.
Tôi chạy vượt lên, cách mẹ 1 đoạn. Chờ mẹ đuổi tới nơi, tôi lại chạy tiếp. Cứ thế, mẹ con tôi đã tới bên sông trước lúc hoàng hôn. Cái bờ đê dốc thoai thoải ăn xuống tận mép nước. Những đám rác quẩn tụ ở đó, với xác vờ. Mẹ tôi xuống bến rửa chân tay cho tôi, rồi chúng tôi tìm 1 phiến đá, ngồi chờ đò. Trời trở gió. Làn hơi lạnh từ mặt sông thốc ngược lên phả vào da thịt. Hơi thở của mùa đông. Tôi ôm choàng cổ mẹ:
- Mẹ ơi, bố con ở đâu?
Mẹ nhìn tôi ngạc nhiên, rồi sau đó khẽ than van vỉ:
- Mẹ xin em, đừng hỏi.
Tôi nhắc lại:
- Bố con ở đâu? Sao mẹ không nói cho con biết?
Mẹ cầm bàn tay tôi, không đáp. Ánh hoàng hôn tím dần nơi chân trời. 1 làn khói tỏa giữa thinh không, khiến mọi vật không rõ nét. Tôi biết câu hỏi của tôi khiến mẹ đau lòng. Nhưng tôi không thể cầm giữ. Tôi chưa bao giờ hình dung rõ gương mặt của 1 người bố. Nhưng nỗi cô đơn, hơi thở giá lạnh của chiều đông, làn sương tím lãng đãng trên khoảng trời nhạt nhòa mây nước, cái khung cảnh ấy khiến tôi run rẩy vì lẻ loi. Mẹ tôi cũng trở nên nhỏ bé và lẻ loi. Tôi muốn cầu cứu 1 gương mặt nào khác, 1 cánh tay nào khác trong đời. Gió mỗi lúc mỗi mạnh, rít u ú qua các tầng dây điện trên cao. Mẹ tôi vẫn im lặng hoài. Nhưng lúc ấy, cánh buồm trắng đã chòng chành tới bến:
- Qua sông thì xuống đi. Chuyến cuối đấy.
Tiếng người lái thuyền ném lên, cục cằn. Đám khách ngồi trên thuyền láo nháo đứng dậy.
- Đi đi em.
Mẹ tôi giục khẽ. Rồi chúng tôi xuống dốc. Những hòn sỏi trơn tuột lăn xuống nước, chút nữa tôi ngã theo. Chờ đám khách dưới thuyền lên hết bờ, người lái thuyền mới cho chúng tôi bước lên cầu.
Trên bờ đê, 1 người đàn bà gánh gánh khoai tây nặng trĩu, vừa chạy vừa cất tiếng gọi:
- Đò ơi i i... Bớ đò ò ò... Chờ với í í...
Người lái thuyền cắm cây sào đứng chờ. Người đàn bà gánh được gánh khoai tây lên thuyền, rút vuông khăn trùm đầu xuống lau mặt:
- Lạy trời, may thật là may. Lỡ chuyến này là tôi chết.
Mặt bà đỏ ửng, nhễ nhại mồ hôi. 2 tay bà xương xẩu, gân guốc như tay thợ nề. Các đốt xương lồi cả ra, như đốt xương người mắc chứng viêm khớp. Đôi vai bà rất mảnh, rất gầy, không hiểu sao nó có thể chịu nổi gánh khoai tây nặng ngót nghét 1 tạ.
Trên đỉnh dốc, lai 1 người đàn ông nữa hấp tấp kêu:
- Bớ đò ò ò... Chờ tôi với í í...
Ông ta có dáng vẻ như 1 người buôn hàng chuyến. Quần ka ki vàng, áo ca rô nhàu nát buông ngoài quần, tay xách túi du lịch lấm bê bết. Chân ông đi giày, thứ giày sĩ quan đế to, khâu những mũi chỉ dài hai ba ly, trông cục mịch. Khi ông bước lên cầu thuyền, con thuyền chao hẳn về 1 bên.
- Úi chao ơi. Cái nhà ông này, trông thế mà nặng khiếp.
Người đàn bà gánh khoai tây kêu to. Ông khách mới quay đầu lại, trừng mắt nói:
- Nặng nhẹ thì động gì tới nhà bà?
Người đàn bà chưng hửng nhìn ông ta, rồi gương mặt chấc phác hiện rõ vẻ bối rối, khốn khổ. Đưa mắt nhìn chúng tôi, bà lắp bắp mấy lời:
- Ấy là... ấy là... tôi cũng nói thế.
Lần nữa, người đàn ông quay hẳn mặt lại. 1 gương mặt to, thô lậu, 2 gò má sần sùi. Tương phản với nó lá cái miệng nhỏ, môi tròn, có ngấn xẻ. 1 cái miệng đàng điếm của đàn bà trên khuôn mặt tên đồ tể. Trong cặp mắt của ông ta, lảng vảng 1 làn khí hắc ám. Chúng luân chuyển giữa đôi tròng đen luôn chao đảo và phần lòng trắng rất lớn, sắc vàng nhờ, nối những mạch máu li ti. Ném 1 cái nhìn dữ tợn vào mắt người đàn bà, ông ta quát:
- Câm mồm đi.
Tiếng quát khiến cả thuyền sững sờ. Mẹ con tôi, dăm người khách quá giang, và người đàn bà gánh khoai khốn khổ đều im bặt, đưa mắt nhìn xuống đáy thuyền. Nơi đó, 1 chiếc gàu tát mẻ miệng nằm chềnh ềnh giữa 2 làn nước lênh láng. Chỉ người lái thuyền là thản nhiên nhìn lên bờ đê. Ông ta khoèo 1 chân giữ mái chèo, đưa tay mân mê mấy sợi râu cằm lún phún. Gió vẫn phần phật thổi vào lỗ rách của cây buồm. Con thuyền đu đưa. Những đám xác vờ trắng bị sóng đánh tan tác như nắm hoa nhài tàn ai ném xuống mặt nước. Rồi vài khoảng khắc sau, chúng lại hợp tụ giữa những lườn nước xoáy. Từ bờ đê bên kia, gió đưa lại 1 giọng ca véo von.
- Đi thôi.
Người lái thuyền nói. Rồi rút cây sào đáng phựt 1 tiếng, ông ta đẩy thuyền rời bến. Tiếng nước óc ách vang động hoàng hôn. Những vòng sóng tím thẫm vỡ tan dưới mũi thuyền. Tôi co người lại, ôm lấy mẹ vì làn hơi giá buốt phà vào da thịt. Cót két... cót két... cánh buồm lắc lay ngay trên đầu tôi. Tôi có cảm giác như cây cột gỗ kìa sẽ bị gió bẻ và cả cánh buồm chụp xuống. Cót két... trục buồm vẫn kêu, những cánh buồm vẫn phồng lên hứng gió. Con thuyền lướt sang sông. Tới giữa dòng, chợt 1 người đàn bà trẻ lao xuống bến:
- Bớ đò ò ò... Bớ đò ò ò...
Người lái thuyền không quay đầu lại. Cái gáy của ông ta rất lực lưỡng cạo nhẵn thín, nổi trên cái cổ sơ mi cũ. 2 cánh tay trần, áo len sắn tận khuỷu điều khiển cây dầm chèo lẹ làng.
- Đò ơi i i...
Tiếng gọi lan dài trên mặt sóng. Trời chạng vạng. Chỉ trong giây lát, ráng mây cuối cùng của hoàng hôn tắt lịm. Mây khói nhòa đường chân trời. Làn nước trở nên huyền bí đưới lớp áo màu tro xám, ánh từng viên sóng như thủy ngân. Cái dáng lẻ loi của người trễ đò nhỏ dần, nhỏ dần. Bờ đê bên kia đã lừng lững hiện ra.
Đêm hôm đó, tôi mơ thấy mình bị đánh. Nhưng tôi không hiểu ai đã đánh tôi và tôi có tội gì. Tôi đã khóc rất lâu, rất lâu, nước mắt ướt đẫm gối. Có lẽ mặc cảm của trận đòn ấy kéo dài nên hôm sau, khi những người đàn bà láng giềng trêu chọc, tôi đã bỏ ra vườn.
- Bây giờ, mẹ kể cho con nghe.
Sáng hôm sau, khi đã an ùi tôi bằng 2 que kẹo mạch nha thật to, mẹ bắt đầu nói tới người chồng của mẹ. ông bố tôi chưa bao giờ biết tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét