Như RFI đã loan tin hôm
qua 29/04/2014, tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) có trụ sở tại Paris,
nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3 tháng 5, lần đầu tiên đã công bố danh sách
“100 anh hùng thông tin” năm 2014, gồm các nhà báo và blogger ở 65 quốc gia trên
thế giới. Trong số ba người Việt Nam được vinh danh lần này, có nhà báo tự do
Phạm Chí Dũng, một cây bút bình luận sắc sảo đã nhiều lần trả lời phỏng vấn của
RFI Việt ngữ.
Ngay sau khi biết được
thông tin này, tuy rất bất ngờ nhưng anh Phạm Chí Dũng cũng rất sẵn lòng nhận
lời trao đổi với RFI.
RFI: Thân chào nhà báo
Phạm Chí Dũng. Anh vừa được RSF vinh danh trong số 100 “anh hùng thông tin”
trên thế giới năm 2014, trước hết anh có thể cho thính giả RFI biết cảm nghĩ
của anh về sự kiện này?
Phạm Chí Dũng: Với cá nhân tôi, Tổ
chức Phóng viên Không biên giới (RSF) là một kỷ niệm rất đặc biệt. Cách đây
mười năm, tôi còn mang trên mình nhiệm vụ phải đọc kỹ tất cả những thông tin và
bài viết của RSF để báo cáo cho cấp trên. Còn quan điểm của cấp trên lại chỉ nhìn
RSF như một “thế lực thù địch” luôn tìm cách xuyên tạc và chống phá Nhà nước
Việt Nam. Khi đó, tôi không thể ngờ được là đến một ngày như hôm nay, một tổ
chức đã có thời “bên kia chiến tuyến” lại dành cho tôi một sự vinh danh.
Còn lần này, một lần
nữa tôi bày tỏ lời cám ơn đến RSF. Chính tổ chức này là địa chỉ quốc tế đầu
tiên lên tiếng phản đối Nhà nước Việt Nam và đòi trả tự do ngay sau vụ việc tôi
bị khởi tố và bị bắt giam vào tháng 7/2012 vì cái gọi là “âm mưu lật đổ chính quyền”.
Thực tình là chỉ ít năm
gần đây, tôi mới dần nhận ra giá trị của tự do báo chí. Xã hội việt Nam không
thể có tự do báo chí nếu nhà báo không được tự do về tư tưởng và quan điểm sáng
tác. Nói cách khác, cho tự do đôi tay nhưng bóp nghẹt tâm hồn thì chẳng khác
nào giết sống một thực thể sáng tạo. Đáng buồn là ở Việt Nam đã phổ cập cuộc
tra tấn tâm hồn như thế từ quá nhiều năm qua.
Tình cảm hàm ơn của tôi
đối với RSF lại càng làm cho tôi ngay lập tức nhớ đến những nhà báo còn nằm
trong nhà tù chế độ như Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Trương Duy Nhất và những người
khác nữa. Theo tôi, nhà báo cần được vinh danh không chỉ bởi số bài viết và
hiệu ứng dư luận sau bài viết, mà là thân phận và số phận của họ.
Giá trị của số phận con
người càng được nâng lên khi họ bị trói buộc càng lâu giữa bốn bức tường nhà
tù. Trên thế giới đã có hàng ngàn trường hợp cần được vinh danh như thế. Mà
Việt Nam lại là quốc gia đứng thứ ba trên thế giới với 18 nhà báo đang bị lao
tù, theo một thống kê của Tổ chức Bảo vệ Nhà báo (CPJ), với phần lớn trong số
đó xứng đáng có số phận của những người được tôn vinh vì hành động can đảm nói
lên sự thật.
Sự thật ở những quốc
gia còn trong vòng kềm tỏa của hệ tư tưởng một chiều và độc tài thật là đắt
giá. Vào những năm 2007, 2008, khi chứng kiến một số nhà báo chống tham nhũng
và bị truy tố và bị kết án tù, tôi đã thất vọng đến cùng cực. Cùng là đồng
nghiệp với họ, tôi hiểu rõ rằng họ chỉ muốn nói lên sự thật về những chuyện đen
tối chưa bị bóc trần, đưa ra ánh sáng công luận và lấy lại một phần niềm tin
cùng công bằng cho người dân đối với xã hội.
Trong trường hợp đó,
nếu chính quyền biết cách khai thác và tận dụng, hẳn giới chính khách đã có
được một lợi thế mị dân không nhỏ. Nhưng điều đáng tiếc đối với chính quyền
này, và cũng là hậu quả không tránh khỏi đối với họ, là đã không biết cách xoa
dịu được dù chỉ những bất mãn nhỏ của người dân và báo chí. Kết quả là một số
nhà báo hoặc bị kỷ luật hoặc phải vào tù, còn niềm tin dân chúng đối với chính
thể càng có cơ hội tuột rơi xuống hố.
RFI: Tình hình như thế đang đặt ra những
câu hỏi nào đối với giới báo chí Việt Nam, theo anh?
Phạm Chí Dũng: Những câu hỏi đó là:
Vì sao tuyệt đại đa số báo chí nhà nước lại im lặng trước hiện tồn quá đỗi bất
công và bức xúc của xã hội đương đại? Vì sao lại không có nổi một nền báo chí
độc lập đúng nghĩa ở Việt Nam, cho dù đảng và chính quyền vẫn không ngớt tuyên
bố về “tự do báo chí” ở đất nước có đến 800 tờ báo với hơn 17.000 phóng viên có
thẻ? Và chưa phải cuối cùng, vì sao đã chưa bao giờ có nổi một nhà báo quốc
doanh nào được tiếp cận, dù chỉ là ứng viên, của một giải thưởng báo chí quốc
tế danh giá như Hellman – Hammett hay Pulitzer?
Không phải là không có
nhà báo tâm huyết. Bạn bè của tôi cách đây hai chục năm có khá nhiều người luôn
đau đáu với bất công xã hội và suốt ngày chỉ tìm cách cất lên tiếng nói bảo vệ
người dân. Thế nhưng sau một thời gian, người ta nhận ra một sự thật cay đắng
rằng càng chống tham nhũng thì tình trạng vơ vét lại càng nổi lên như nạn giặc
giã. Thế rồi một số người buông bút, số khác chỉ làm báo và viết báo vật vờ.
Cho tới giờ số người tâm huyết đã giảm hẳn, trong khi tâm thế vô cảm đã trở nên
tràn lan trong giới phóng viên báo chí lề phải.
Sự trì đọng về não
trạng của báo chí quốc doanh nói chung và một phần giới phóng viên lề phải nói
riêng, đã khiến cho họ mất dần sức thuyết phục đối với công chúng, và giảm dần
sức cạnh tranh trước hệ thống truyền thông xã hội trong ít nhất ba năm qua. Bị
khuôn phép bởi những chỉ đạo hàng tuần và hàng tháng của Ban Tuyên giáo Trung
ương và cơ quan quản lý thông tin các tỉnh thành, ban biên tập các báo không
thể thoát nổi vòng kim cô phải nói và viết theo một thực đơn đã được cắt cử.
Dù xã hội đang lao dốc
trầm trọng với nạn tham nhũng không có thuốc chữa, hàng triệu dân oan đất đai,
hàng trăm ngàn nạn nhân của ô nhiễm môi trường, hàng ngàn cuộc đình công của
công nhân hàng năm, vài chục cái chết của người dân trong đồn công an…, đa số
báo chí nhà nước vẫn một mực im lặng. Chỉ có thể giải thích: đó là thói quen
của sự sợ hãi.
RFI: Đó là báo chí chính thức của Nhà
nước, thường được mệnh danh là “lề phải”. Nhưng trên các mạng xã hội, còn có
những thông tin “lề trái”, thì anh nhận xét thế nào?
Phạm Chí Dũng: Ngược lại với báo chí
nhà nước, thì báo chí “lề trái” với thông tin không hẳn là nhanh nhạy và đa
dạng nhưng lại thực chất hơn rất nhiều, hệ thống này đã khuấy đảo một phần
không nhỏ trong số 1/3 dân chúng biết sử dụng Internet ở Việt Nam.
Dám nói và dám viết về
những vấn đề thuộc về quan điểm tư tưởng chính trị, dân sinh và dân quyền,
những cây viết của giới dân chủ và bất đồng chính kiến ở Việt Nam đã làm nên
một cuộc cách mạng thông tin trong những năm qua, cho dù mặt bằng nghiệp vụ của
họ còn khá xa mới bằng được giới nhà báo lề phải vốn được đào tạo bài bản. Bất
chấp việc phần lớn cây viết của lề trái không được giới tuyên giáo đảng xem là
“nhà báo” chỉ bởi lý do họ không có thẻ nhà báo do Bộ thông tin và Truyền thông
Việt Nam cấp, họ vẫn cung cấp những món ăn tinh thần cho người đọc dồi dào hơn
hẳn báo chí nhà nước.
Nhưng từ năm 2013 đến
nay, ngay cả một số quan chức của ngành thông tin nhà nước đã phải nói xa gần
về việc truyền thông xã hội đang lấn lướt báo chí nhà nước. Vậy là vấn đề trở
nên rất gần gũi là nếu trong tương lai gần, xã hội dân sự được Nhà nước Việt
Nam dần phải thừa nhận và dần mở ra, một luồng gió mới cũng sẽ lan tỏa đến khi
vực báo chí tư nhân, làm nảy nở những chồi non trong làng báo độc lập. Khi đó,
liệu báo chí quốc doanh có thể cạnh tranh được với giới báo chí độc lập hay
không?
Câu hỏi này đang dần
được hóa giải. Từ cuối năm 2013 và đầu năm 2014, không gian xã hội dân sự đã mở
ra khá nhanh, ít nhất về số lượng tổ chức hội đoàn độc lập. Trong xã hội dân
sự, báo chí độc lập lại có vai trò gần như quyết định trong giai đoạn đầu hình
thành các tổ chức dân sự.
Như vậy, nếu đến một
lúc nào đó báo chí tư nhân được hình thành ở Việt Nam, chắc chắn hệ thống
truyền thông xã hội, với thế mạnh dám biểu đạt tự do tư tưởng, sẽ chiếm ưu thế
hơn hẳn báo chí quốc doanh, cho dù tuyệt đại đa số các tờ báo độc lập không hề
có tiền để trả nhuận bút. Tức khi đó, tiếng nói của báo chí độc lập sẽ còn
thuyết phục nhiều hơn hẳn đối với dân chúng, và càng làm cho niềm tin của độc
giả đối với các tờ báo bảo thủ, xa rời hoặc phản lại quyền lợi người dân bị sụt
giảm tệ hại.
RFI: Có nghĩa là báo chí “chính thống”
đã im lặng quá lâu?
Phạm Chí Dũng: Quá lâu ! Và giờ đây,
chỉ có thể là vào lúc này, chính lúc này, khi mà ngay cả giới quan chức cũng
không thể phủ nhận một không khí đen đúa của xã hội đang trùm lên đầu dân chúng
và cả trên đầu họ, giới báo chí và các nhà báo lề phải rất cần day dứt rằng tại
sao họ đã cầm giữ thái độ im lặng quá lâu. Quá lâu trước cả những vụ chết chóc
thảm khốc nhan nhản trong xã hội đồng loại của họ.
Thế nhưng tôi cho rằng
thức tỉnh không bao giờ là quá muộn, chỉ là làm sao để tinh thần này diễn ra
sớm hơn mà thôi. Vì thức tỉnh càng sớm, xã hội sẽ càng đỡ bạo liệt và người dân
càng đỡ bần hàn. Đó chính là trách nhiệm phản biện của báo chí. Để đến một lúc
nào đó, báo chí lề phải và lề trái có thể hòa làm một, trở thành tiếng nói
chung cho xã hội dân sự thống nhất ở Việt Nam.
Khi đó, dù muốn hay
không, chính thể cầm quyền cũng bắt buộc phải tôn trọng tiếng nói của dân chúng
thông qua báo chí, phải điều chỉnh những chính sách bất hợp lý và hủy bỏ những
chính sách sai lầm, thậm chí phải “tái cơ cấu” cả những thế lực nhân sự tham
nhũng và tai tiếng.
Mỗi nhà báo là một mũi
dao. Đầu nhọn của mũi dao đó chính là tinh thần, ý chí và trí tuệ phản biện.
Với chế độ này và những thể chế về sau ở Việt Nam, phản biện sẽ không bao giờ
là thừa thãi, với sứ mệnh tối thiểu của nó là làm cho xã hội bớt đen đúa và dân
nghèo bớt cực khổ. Có như thế, nhà báo mới xứng đáng với cái tên riêng của họ.
Giờ đây, sự vinh danh
của RSF đối với giới báo chí độc lập ở Việt Nam mới chỉ là bước đi đầu tiên
trong tinh thần hướng về mục tiêu xứng đáng và đáng tôn vinh như thế.
RFI: Xin rất cảm ơn nhà báo Phạm Chí
Dũng, một trong số “100 anh hùng thông tin” trên thế giới vừa được Phóng viên
Không biên giới vinh danh.
THỤY MY RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét