CHƯƠNG 7: TRẬN ĐẤU LẦN
THỨ BA TẠI ĐẢNG XÃ HỘI VIỆT NAM
Nếu những người tổ chức cuộc đấu tố ở Đại Học hy vọng là tôi sẽ
bị sỉ nhục, mất thanh danh thì họ đã lầm. Ngoại trừ một ít gián điệp, chỉ điểm
đang lẫn lộn trong đám đông, cũng như thường lệ trong những cuộc họp quần chúng
khác, đại đa số đều đứng về phía tôi, dành cho tôi những cái nhìn đầy thiện cảm,
những cái nhìn thật làm tôi ấm lòng. Không ai dám biểu lộ tâm tình của họ một
cách nào khác, dù là vài cử chỉ hay lời nói, vì họ sợ bị công an điểm mặt và sẽ
bị phiền phức. Chủ nghĩa chính trị cực đoan đã thất bại cay đắng và lãnh đạo đã
rút một bài học.
Chính vì thế mà trận đấu ở Trụ Sở Trung Ương của Đảng Xã Hội được
xảy ra, nếu tôi nghĩ đúng, là trong vòng riêng tư. Chẳng có gì bất thường đến
cuối ngày. Chuyện khác thường trong cảnh riêng tư này là nó không giống như lần
ở Đại Học, hôm mà những con rối đã được nhận chỉ thị và những thông tin nhằm để
đấu đá tôi, được có ghế ngồi và tung những lời buộc tội. Trong phòng họp, chỉ
có tôi và ba người xử ngồi sau một chiếc bàn phủ khăn xanh. Tôi ngồi đối diện với
họ trên một cái ghế. Tôi có cảm tưởng là đang trở về với lúc đang bảo vệ luận
án Tiến Sĩ, hay đang là thí sinh của một lần thi nào đó. Trong thực tế, tôi sớm
nhận ra là tôi đang đứng trước một phiên toà của Đảng được triệu tập để bí mật
xét xử một đồng chí đã phạm một tội trọng, một chuyện tai tiếng đã làm nhơ bẩn
Đảng, và gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Năm 1951, trong thời kỳ bí mật kháng chiến, Đặng-Châu-Tuệ, một đảng
viên Cộng Sản, đến hỏi tôi và một người khác là Bác Sĩ Nguyễn-Xuân-Nguyên, nạp
đơn xin gia nhập vào hàng ngũ của Đảng. Những tư cách và hành động của chúng
tôi đã được trên cao lưu ý. Khi mà những người cộng sản rất thích chủ nghĩa
hình thức và luôn bị ám ảnh bởi chuyện tập thể hoá con người như là những vật sở
hữu, xếp mỗi người tuỳ theo tuổi tác, nam nữ, nghề nghiệp để đưa họ vào những tổ
chức quần chúng, để giáo dục và dễ dàng quản lý. Một mặt khác, họ không cho
phép trí thức được hưởng tự do cá nhân, họ muốn kéo trí thức vào Đảng, vào những
vị trí cao và vị trí lãnh đạo, để họ hãnh diện. Thật vậy, vào thời ấy, những kẻ
tham vọng, cơ hội chủ nghĩa, mơ ước được đứng vào hàng ngũ cộng sản đã làm nhiều
cử chỉ hạ cấp để được chiếu cố dưới mắt của những kẻ tuyển dụng. Hơn nữa, cũng
trong thời kỳ đó, khá nhiều trí thức nhận thấy tính hẹp hòi không thể chịu được
của lãnh đạo, và tính ngoan cố của họ đã bỏ hàng ngũ kháng chiến để trở về Hà Nội
và ở đó họ đã bắt đầu một chân trời mới khá hơn. Hậu quả là mặc dù không ai bảo
ai, Bác Sĩ Nguyên và tôi cho rằng việc dành cho chúng tôi cái “vinh dự” chỉ là
một hành động chứng tỏ họ nghi ngờ chúng tôi, muốn đưa chúng tôi vào vòng kềm
toả chặt chẽ hơn qua sự kiểm soát chặt của chi bộ Đảng và ngăn ngừa chúng tôi
có có những ý nghĩ toan tính đó. Cả hai chúng tôi đều từ chối lời mời ấy. Nhưng
lãnh đạo không chấp nhận cho chúng tôi đứng ngoài tổ chức. Họ đề nghị chúng tôi
gia nhập đảng Xã Hội. Cuối cùng, để được yên thân, chúng tôi chấp nhận đề nghị.
Thật không khôn ngoan nếu mình tỏ ra chống đối bằng khẳng định và rõ ràng từ chối
ý muốn của Đảng, nhất là trong thời kỳ bí mật kháng chiến, có nhiều cặp mắt vô
hình đang theo dõi mọi hành động chúng tôi. Rủi ro quá lớn.
Nhưng đảng Xã Hội mà chúng tôi gia nhập là cái gì? Theo ý kiến
riêng cá nhân của tôi, đây là chỗ tập trung một số trí thức, một số rất nổi tiếng
như ông Nguyễn Xiển, một cựu giáo sư có Cử Nhân Toán, ông Hoàng Minh Giám, trước
đây tốt nghiệp ngành Giáo Dục và đã dạy ở một trường tư thục tên là Thăng Long.
Dường như cả hai đã được liên lạc trong thời kỳ bí mật kháng chiến. Vì vậy,
trong những ngày đầu tiếp theo Cách Mạng (tháng 8, 1945) Nguyễn Xiển được giao
trách nhiệm làm Chủ Tịch Uỷ Ban Hành Chính Bắc Bộ, Hoàng Minh Giám thành phụ tá
cho Hồ Chí Minh và sau đó được đưa làm Bộ Trưởng Ngoại Giao của Việt Nam. Tôi
chỉ biết sơ là họ ở trong một đảng thuộc cánh tả, trong đoàn Đại Biểu Quốc Hội
lần thứ nhất, họ đã làm cho mọi người chú ý bởi họ đều mang cà vạt đỏ trong suốt
kỳ họp. Trong thời bí mật kháng chiến, tôi được biết cái đảng này, được trang
hoàng với cái tên “Xã Hội”, đã tập trung một số trí thức trong số những người
tham gia kháng chiến tự xưng mình là thuộc đảng trí thức mặc dù một số người
gia đầu tiên gia nhập lại là nhưng người mà tôi có dịp gặp trong những vụ án mà
tôi được chỉ định là luật sư miễn phí, họ chỉ là những người lao động chân tay
không hề có cái gì gọi là trí thức. Trở về Hà Nội, ngoài tổ những người dạy học,
đa số là giáo sư Trung Học, còn có tổ bác sĩ y khoa và dược sĩ, và tổ thứ ba là
kỷ sư và chuyên viên kỹ thuật, cùng với tổ thứ tư tuyển chọn những thợ thủ công
và những viên chúc nhà nước hạng thấp cho từng khu, và cuối cùng là tổ thứ năm
gồm những luật gia, những người đã tốt nghiệp trường Luật ở Hà Nội, với đa số
trong họ là những quan lại bổ nhiệm ở các tỉnh trước khi được cải biên qua nghề
quan toà trong ngành Tư Pháp Việt nam.
Trước vụ án Trăm Hoa Đua Nở, cuối cùng đã biến thành một cuộc
tai biến lớn cho giới trí thức, cái mác “Trí Thức” vẫn được xem là có giá. Đảng
Xã Hội thường tự cho mình là cao hơn đảng Dân Chủ là đảng bao gồm những “tư sản”,
những kỹ nghệ gia, thương gia đã từ bỏ niềm tin quá khứ, đã hiến dâng tài sản
cho Nhà Nước, và giữ những ghế trong Mặt Trận Tổ Quốc. Có phải sự xuất hiện của
nhiều đảng như thế có nghĩa rằng cộng sản đang thực hiện dân chủ?
Than ôi, chẳng có chuyện ấy đâu. Trong lãnh vực này, cũng như
trong những lãnh vực khác, chúng nó bịp bợm một cách đáng xấu hổ, làm quáng mắt
nhân dân, và chúng đã tiến quá xa trong nghệ thuật hoá trang và đóng vai giả mạo
người khác. Trong cái nhìn đầu tiên và trong những cuộc mít tính trước công
chúng, đảng Cộng Sản tỏ vẻ kính trọng hai đảng anh em kia, nhưng cao trên tường,
là hai cán cờ đan chéo, một là cờ của Liên Xô với búa liềm và một là cờ đỏ sao
vàng của Việt Nam, và trên đó là hình của bộ ba Marx-Lenin-Stalin, và ở dưới
nhô ra tượng của Hồ Chí Minh bằng thạch cao đang nhìn cảnh tượng của những nụ
cười qua lại, vô số những cú cúi đầu chào nhau giữa ba đảng với nhau và cho thấy
cái vẻ rất đoàn kết giữa ba người làm quần chúng rất ngưỡng mộ.
Không có gì còn có ý nghĩa hơn: phông cảnh dàn dựng, sân khấu,
thứ tự ưu tiên. Trên đỉnh cao là ba vị thần Marx-Lenin-Staline tiêu biểu cho chủ
thuyết Cộng Sản. Dưới nữa là cờ hai nước, và, dưới nữa là lãnh tụ nước. Trên đỉnh
cao của khối tháp, trên ngai vàng là chủ thuyết chính trị của quốc tế vô sản nó
đang cai trị các nước và các dân tộc. Người ta có thể tranh cãi lâu dài trên những
nguyên tắc, chơi với câu cú từ ngữ, ầm ĩ cãi cọ, tung vào nhau những cú đấm qua
bài viết, chuyện đấu chữ láp dáp có thể kéo đền muôn đời, nhưng trở về trên cơ
sở những sự kiện thì việc dẫn ra câu kết luận là không thể bác bỏ được. Ở Việt
Nam, trong tất cả những buổi mít tinh công cộng, việc dàn dựng như vừa nói trên
là những chứng cứ cho thấy độc quyền chính trị trên tất cả những sinh hoạt khác
của con người. Nó đặt dưới quyền lực tuyệt đối của nó mọi quá trình suy nghĩ và
mọi bước đi của linh hồn, một thứ quyền lực đang khống chế toàn diện mọi diễn đạt
biểu lộ của con người, nó đặt ra một hệ thống giá trị và buộc mọi người phải
tuân theo mà theo đó vô sản quốc tế đã biến chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa cá
nhân của nhân dân thành nô lệ.
Văn hoá cộng sản đào tạo ra con người cộng sản chỉ có lời thề
nhân danh Marx và Lenin, chĩ biết tin vào Đảng, người nắm giữ Sự Thật, biểu hiện
một chủ nghĩa cực đoan làm cho họ không còn biết gì đến những hiện tượng và những
chuyện thưc tế đang xảy ra. Họ đã trở thành những con người với những tình cảm
thật lạ lung xa lạ và bị người đời kết án. Bất cứ tiến bộ chính trị nào của họ
cũng bị trả giá bằng một sự thụt lùi về trí tuệ và lòng dân.
Cũng như thế, mọi bước tiến của vương triều quốc tế vô sản cũng
đồng thời là một bước lui cho bản sắc của dân tộc. Điều tuyệt vời mà ai quan sát
cũng thấy là cả dân tộc, trước đây bị vướng vào vết lún của phong kiến, nay lại
rơi vào vòng kẹp của các nước anh em và phải tung hô những khẩu hiệu của chủ
nghĩa công sản. Về phía nhân dân, họ hoan hô tán dương thành quả của những người
kháng chiến, trong thời kỳ bí mật và tán dương những người rao giảng sau ngày
Cách Mạng thành công, thì cũng có nhiều người khác còn nghi ngại về những chuyện
sai trái của đám vẹt. Nhưng dù sao, cũng nên tự hỏi về mức độ thành tín của quần
chúng nổi dậy, đặc biệt là giai cấp nông dân, khi họ phát biểu niềm tin mới.
Chuyện này đã thấy trong thời kỳ hợp tác hoá ở nông thôn. Nếu giai cấp nông dân
càng hoan hô Đảng trong thời Cải Cách Ruộng Đất, trừng trị giới địa chủ và chia
nhau những mãnh ruộng của họ, thì họ lại càng ngần ngại gia nhập vào những hợp
tác xã nông nghiệp, nơi mà họ không chút gì hăng hái làm việc, lại càng thờ ơ về
năng suất, điều này có thể xem như một sự phá hoại công khai! Nếu tiểu tư sản
thành phố biểu lộ một cảm tình nồng nhiệt đón mừng Chính Phủ Kháng Chiến trong
ngày họ tiến vào Thủ Đô, họ cũng cảm thấy cay đắng khi chuyện tập thể hoá các
căn phố, tước bỏ khỏi họ những phương tiện sinh sống, làm cho một vài chủ nhân
nhỏ rơi vào cảnh thiếu thốn cơ cực đến mức tự ném mình vào sông Hồng để tự tử.
Một số trí thức sẽ nói gì, khi mà họ, những người ngay khi vừa mới vào Đảng, đã
kêu gào như thể mình là những người cực kỳ cộng sản hết lòng căm thù chống bọn
xét lại đủ cả mầu sắc và, nói một cách chung, là tất cả những kẻ hôm nay bị
nghi là dị giáo, nhưng biết đâu một vài chục năm sau, có thể đột ngột thay đổi
tư duy và đắm vào đúng những tội lỗi năm xưa mà họ đã trừng phạt một cách hăng
say cay độc?
Trên cơ sở những sự kiện mà sự thật không ai có thể chối bỏ, người
có thể cho phép mình tự hỏi cái nhiệt tình của kẻ tín đồ mới có đủ sâu, đủ thực
như người ta tưởng như thế không?
Đó là cái ngơ ngác kinh hoàng khi người ta nhìn thấy bạo lực
nhân dân đã xảy ra tràn ngập các nước Đông Âu. Những kẻ cuồng tín chai sạn nhất
bắt đầu cảm thấy những nghi ngờ làm lòng mình kinh hãi khi họ thấy nước Liên Xô
vĩ đại đang lung lay sụp đổ, mà đó là lại nước sớm nhất đã dạy chủ nghĩa Mác Lê
cho thế giới. Chủ nghĩa hoài nghi càng lớn mạnh khi người ta nghe chính những
tay giáo điều mới hôm qua còn hô hào cỗ võ cho một tương lai xã hội chủ nghĩa,
thì hôm nay lại gọi chủ nghĩa xã hội với những nhóm từ mà trước đây họ dùng để
kết án chủ nghĩa tư bản: kinh tế thị trường với tự do cạnh tranh, luật cung cầu,
xí nghiệp tư doanh … Họ tự hỏi với mình là làm sao phân biệt giữa chủ nghĩa xã
hội và chủ nghĩa tư bản, tại sao cùng một thứ câu chữ mà ý nghĩa lại đổi thay một
cách nhanh chóng kỳ diệu như thế? Họ lo lắng là vẫn còn một số ít nước vẫn còn
bám víu vào thứ chủ nghĩa xã hội mà số lớn các nước “anh em” đã quay lưng chối
bỏ, như một cơn ác mộng cần phải quên một khi đã thức. Về phía dân chúng, họ
cũng kinh hoàng khi thấy đâu cũng tràn ngập những tội ác đã nhấn chìm một số lớn
người của Đảng đang cầm quyền mà bộ mặt đạo đức giả đã bị phơi bày trần trụi.
Nhưng, vào năm 1956, cộng sản Việt Nam đang trên đà vinh quang
và tự hào với những niềm vui chiến thắng. Đặc biệt là trong khía cạnh đạo đức,
Đảng cầm quyền vẫn còn giữ được mình trong sáng, được nhân dân vinh danh, kính
trọng và tin tưởng. Nó cưng chiều bao trùm với cặp mắt đầy thoả mãn hai đảng Xã
Hội và Dân Chủ, hai đứa con được sinh ra từ cái tội lỗi dễ thương của chủ nghĩa
hình thức, để chúng làm hết khả năng hầu chứng tỏ đạo làm con trung hiếu với
người cha sinh thành ra chúng. Đảng đã sinh ra, nuôi dưỡng chúng với những giọt
máu đỏ tốt nhất của mình, cho chúng những căn nhà đẹp nhất, cho người phục vụ
chúng, và đặc biệt nhất là giúp chúng sống cuộc đời vương giả bằng cách chu
toàn mọi tiền bạc để chúng sinh hoạt. Tất cả chỉ để duy nhất yêu cầu chúng thay
Đảng đóng tuồng, gây ít nhiều tiếng vang cho Đảng.
Nhưng trò đùa đó không đánh lừa được một ai, ngay cả trong hay
ngoài nước. Tính đa đảng tiêu biểu cho một nến dân chủ không có ở đây. chỉ có bức
tranh biếm hoạ được sinh ra bởi những ý nghĩ kỳ quặc của chủ nghĩa hình thức tưởng
rằng đã đánh lừa thiên hạ mà thật ra là tự mình đánh lừa mình mà thôi. Trò chơi
kéo dài trong nhiều năm, đã làm cho lãnh đạo tách mình riêng thoả mãn sống đời
phúc đức. Những món tiền kếch xù được tung ra xài cho những chuyện đó và tới
lúc công quỹ quốc gia sẽ phải lên tiếng kêu cầu cứu sau khi đã thắt lưng buộc bụng
cho tới đồng xu hào cuối cùng! Duy trì hai người bà con đáng thương kia tốn rất
nhiều mà chả được tích sự gì, nên đã có quyết định là đá chúng đi, và chúng đã
biến mất không kèn không trống, như những kẻ ăn mày xấu hổ lỉnh đi với những
cái bát xin ăn từ nay sẽ trống hoác.
Người dân rồi cũng biết trong bầu không khí ngập tràn yên tĩnh
và tôn kính, nơi mà bọn ký sinh ăn bám xã hội đang đòi hỏi những kẻ lợi dụng nó
phải biết thần phục và ngoan ngoãn, đã xảy ra chuyện điên rồ của một anh trí thức
“xã hội chủ nghĩa” mà hậu quả là như một quả bom của bọn khủng bố. Vụ tai tiếng
quá lớn để có thể dấu diếm hay chẹt dấu nó dưới thùng gạo. Đưa kẻ tội đồ ra xử
trước thẩm quyền của Mặt Trận và của Đại Học là nơi mà nó sinh hoạt cũng chưa đủ;
nó phải được giao cho đảng Xã Hội mà nó là một đảng viên xử tội, bất kể nó muốn
hay không muốn. Rõ ràng là đang có một yêu cầu cấp bách và cần thiết là tất cả
những tổ chức mà nó là thành viên, phải tẩy chay và thẳng thừng loại bỏ nó như
một người xấu một cách không thương tiếc, để giáo dục nó cũng như giáo dục những
người khác.
Vì thế, trận đấu tố lần thứ ba này được tổ chức tại trụ sở trung
ương của đảng Xã Hội. Khác với hai lần trước, không có đám đông tham gia: trong
yên cảnh tranh tối tranh sáng của hoàng hôn đang xuống, tôi phải một mình đối
diện với các quan toà, với người thẩm phán gốc quan lại mà tôi vừa tả trong phần
trước đây, một thẩm phán thuộc Toà Án và một luật sư, cả ba đều thuộc về cho
chi bộ Luật Gia mà tôi cũng là một thành viên. Ba người như ba bóng ma trong một
cái địa ngục yên lặng cô quạnh đang chờ đợi với một sự kín đáo không ngờ. Tôi
thật sự ngạc nhiên và tự hỏi mình vì sao thế. Có phải tại vì thương hại mà người
ta muốn cho tôi bớt nhục nhã? Thật sự tôi không thấy là chủ nghĩa cộng sản lại
có những đức tính đó, dù là tự nhiên hay được dạy, mà trái lại họ trốn biệt sau
lưng sự lạnh lùng dửng dưng, không chút rộng lượng khoan dung đối với những lỗi
lầm chính trị đã gây ra những thiệt hại, dù là nhỏ nhoi, cho quyền lợi của họ.
Cuối cùng rồi tôi cũng hiểu ra vì sao có sự thay đổi về tấn tuồng
như thế, nó đi với vấn đề dàn dựng và với các kịch sĩ trên sân khấu. Tôi được
biết rằng hai lần đầu tố ở Mật Trận và ở Đại Học đã gây hậu quả trái ngược với
những gì họ chờ đợi. Tôi đã thoát hai lần đó, không những không bị sỉ nhục và
phải đấm ngực thú tội mà còn được tiếng thơm của một kẻ chiến thắng đã biết gìữ
vững vị trí của mình, băng mình qua cuồng phong bảo tố để bảo vệ quan điểm của
mình đối mặt với những tấn công nhắm vào nó. Người ta đã chờ đợi kẻ phạm tội
thành khẩn hối lỗi và nhận thức tội lỗi của mình để hắn có thể giữ lại được chỗ
của mình trong Nhà Nước. Nhưng tôi đếch cần để ý đến những lời hiểu ngầm đầy
hăm doạ, đến chiếc đao đang treo lơ lửng trên đầu, tôi là một trí thức, với đủ
cách lý luận và khôn khéo, đã thọc ngón tay vào vết thương và đã mở mắt cho những
kẻ hèn nhát quá sợ chủ nhân trả thù trừng phạt, run sợ trước tù đày và sợ mất
quyền lợi của mình và người, tự đâm lủng con ngươi, xuyên lủng màng nhĩ để
không phải nghe, không phải thấy bất cứ gì về sự thật. Vì thế họ cảm thấy cần
phải tránh không cho quần chúng tham dự và nghe được những lời tự bào chữa mà
dường như đã trở thành những lời buộc tội.
Tôi cũng được biết rằng, nếu đã có vài chục trí thức không được
mời, có ba luật gia cùng từ chức: Đinh Lộ, Vũ Như Giai và Nguyễn Hữu Đắc, và nếu
lần này họ không làm công khai vì họ không muốn làm giới trí thức lưu ý, là vì
cuộc tranh cãi giữa những quan toà và bị cáo đã mở ra cuộc tranh luận về thái độ
của người trí thức sống trong thế giới cộng sản và đối mặt với chủ nghĩa cộng sản.
Những người đến xem không được vào để biết những điều mà họ chưa bao giờ để ý đến
từ trước đến nay.
9. Thái độ của người trí thức trong thế giới cộng sản
Viên thẩm phán chủ trì phiên toà là người mà người đọc biết khá
rõ là ai, mở màn đợt tấn công. Với cái nhiệt tâm của một kẻ “không-thuộc-đảng-nào”
đang mong muốn được chuộc lại cái quá khứ tai hại của mình, với ánh mắt toé lửa,
thoả mãn được có dịp tấn công một trí thức mà vị thế xã hội của người đó đã làm
cho ông ta ganh tị. Ông ta chuyển giọng giận dữ điên tiết:
- Đồng chí, ông đã đạt những thành công chưa từng có trên con đường
Đại Học, đã được lòng tin của lãnh đạo của chúng tôi và ông đã được đưa vào
trung ương của mười tổ chức quần chúng, ông còn tham vọng gì nữa chứ? Học sinh
và sinh viên không hề quên những bài giảng của ông cũng như họ không hề quên
hành động mà ông đã từ chức ngay tức khắc khi tay thanh tra thực dân đến gây
khó cho ông, và sau đó quay lại hành nghề luật sư mà ông đã tuyên thệ vào năm
1932 ở Pháp, nhanh chóng đạt được sự tin cậy của thân chủ, và từ đó giành được
một vị trí nổi bật trong xã hội. Chúng tôi cũng biết rằng trước khi gia nhập bí
mật kháng chiến, ông đã hiến tặng toàn bộ ba căn nhà thừa kế của gia đình, và
suốt mười năm trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân trong vai trò vừa là giáo
sư vừa là luật sư ông đã cống hiến rất nhiều cho Đất Nước. Đáng lẽ ra ông nên
tiếp tục hưởng niềm hạnh phúc của một cuộc sống rất đầy đủ về mọi mặt, không cần
xen vào những chuyện đấu tranh chính trị mà ông đã tự đưa ông vào thế đối nghịch
để giáng những cú đánh vào Đảng là người đã luôn nuông chiều và đưa ông lên những
vị thế làm nhiều người khác ganh tị. Đó là một sự phủi ơn, chỗ này thì tôi
không thể lầm! Có bao giờ ông suy nghĩ về một thái độ đúng đắn mà ông phải có đối
với những người công sản chúng tôi đang bị kẻ thù tấn công trên mọi mặt trận?
Ông phải biết rằng thái độ mà ông đang có là đã làm hại cho ông và hơn thế nữa
đã làm hại cho một Đảng đã làm nên những chiến thắng vĩ đại đáng được nhân dân
vinh danh, kính trọng và ca ngợi.
Đó là lời buộc tội mà tôi là đối tượng và được đưa ra dưới hình
thức những câu hỏi. Cho phép tôi được tóm tắt và cô đọng những đề tài buộc tội
chính để có thể dễ dàng đưa ra những nét chính. Mặt khác, cũng xin cho phép tôi
được tóm tắt và trình bày những nét chính về những trả lới của tôi để mọi người
có thể dễ dàng nắm các ý.
- Thưa đồng chí, tôi tin rằng ông sẽ không phiền lòng khi tôi
cho rằng ông đã có một nhiệt tâm rất thành thực, ít ra tôi cũng mong là như thế,
xây dựng Đảng. Thật ra những vinh dự mà Đảng đã hoang phí ban cho tôi cũng chẳng
đáng chi so với những gì mà Đảng đã dành cho những ai hết lòng hết dạ với Đảng.
Tôi đã bị loại ra khỏi uỷ ban trung ương của hơn chục tổ chức quần chúng mà chắc
ông cũng như tôi đều biết, đó là những chức vụ hoàn toàn có tính lễ nghi, không
hiệu năng mà cũng chẳng có thực quyền, đó chỉ là những chức vụ mà tôi là chỉ kẻ
dư thừa, trong tinh thần của Mặt Trận Tổ Quốc để làm kẻ đi rao giảng cổ vũ cho
sự đoàn kết và hoà hợp, ủng hộ Đảng một cách không sai chạy và toàn diện. Về phần
đồng chí, thì ngược lại, đồng chí có một cuộc đời nghề nghiệp rất ấn tượng. Nếu,
mới ngày hôm qua đây thôi, đồng chí còn đang mò mẫm trong vũng lầy thối rữa của
phong kiến, thì ngày hôm nay đồng chí đang ngồi trên cái ngai Chủ Tịch của Toà
Kháng Án trong khi đang chờ ghế khác ở Toà Án Tối Cao. Đảng đã tha thứ cho cái
quá khứ của đồng chí, đã coi đồng chí là người xứng đáng. Đồng chí đã thành đạt
tốt nghiệp trường Luật, làm vìệc siêng năng và không ngơi nghỉ để trả lời về tất
cả những vấn đề mà đồng chí được hỏi ý kiến. Đồng chí là người tiêu biểu cho
tinh thần môt công bộc hoàn hảo nhất, luôn bên mình với chiếc cặp da đầy giấy tờ
và với thói quen luôn ghi chép mọi góc cạnh của mọi lãnh vực. Hơn thế nữa, tốt
hơn thế nữa, đồng chí đã chứng tỏ là cái vững chãi sáng suốt và sắc sảo khôn
ngoan đã giúp đồng chí thành công trong tất cả các nhiệm vụ và nghề nghiệp mà đồng
chí đã trải qua, và nhờ thế đã thoả mãn được tham vọng của mình. Ngày hôm qua,
đồng chí là một mệnh quan của Triều Đình, ngay hôm nay đồng chí chủ toạ Toà Án
Hà Nội, lấy những quyết định, và dĩ nhiên với sự phê chuẩn và dưới sự giám sát
của Đảng, trên số phận và ngay cả mạng sống của những người bị giao cho đồng
chí xét xử. Dù ở bất cứ Toà Án nào mà ông đang triển khai khả năng, ở Huế hay ở
Hà Nội, ông luôn luôn chứng tỏ mình là người của Toà Án, đã cống hiến cho cả
hai định chế hoàn toàn đối nghịch với nhau, một bên là quân chủ vả phong kiến,
một bên là cộng sản và cách mạng, với cùng một nhiệt tình, một sự hết lòng và
cùng một sự ngoan ngoãn dễ bảo! Đồng chí cho rằng cuộc sống của tôi là được lấp
đây hạnh phúc. Làm sao nó có thể sánh bằng với cuộc đời của đồng chí? Tôi thì
như người bị tàn tật không khả năng đùa với nước và lửa. Một người cộng sản dù
có đỏ thắm đến đâu vẫn không thể nói gì thêm về những lời lẽ ngôn từ của ông dầu
rằng ông vẫn chưa được vào Đảng.
Cho phép tôi được khen tặng ông về sự sắc sảo và con người dễ
thay đổi của ông. Ông luôn luôn đứng đúng chỗ, đúng nơi bất kể những thăng trầm
của Lịch Sử, và ông luôn luôn là người thắng cuộc. Người “đồng chí” mà ông đang
xử án là người đã mất tất cả: những của cải có được với sức lực mồ hôi mà hắn
đã cống hiến cho chính nghĩa của Tổ Quốc và Nhân Dân, mất cả vị trí trong Luật
Sư Đoàn, ngày mai đây sẽ bị trục xuất ra khỏi Đại Học là nơi hắn đang giảng dạy
cho tới nay để kiếm sống.
- Đồng chí, ông đã đi ra ngoài chủ đề. Tôi đã đặt cho ông một
câu hỏi rõ ràng và tôi đang mong ông trả lời câu hỏi đó. Tôi chắc rằng ông biết
rõ những điều tai hại mà ông đã gây cho chính nghĩa của chúng tôi, của nhà nước
Cộng Sản. Ông sẽ cãi với tôi rằng quần áo dơ là phải mang đi giặt. Vâng, chuyện
phải là như thế, nhưng phải ở trong gia đình. Nhưng mà ông đã phơi tuột chuyện ấy
ra trước thanh thiên bạch nhật! Chủ tịch ngàn lần và ngàn lần kính mến và yêu
quí của chúng ta đã thường nói là chỉ có những người chết và những đứa bé nằm
trong nôi mới không phạm sai lầm. Chuyện mà Đảng phạm sai lầm cũng là chuyện
bình thường! Nhưng đó không phải là chuyện phải đem ra trước công luận, dù ở
trong nước hay quốc tế, nhất là hành động đó lại phát xuất từ một trí thức nổi
tiếng như ông.
- Chuyện giặt đồ dơ phải nên làm trong gia đình, chuyện ấy không
sai. Nhưng nếu Đảng mà có làm sai là điều chấp nhận được, và những sai lầm ấy
phải được sữa chữa, thì thử hỏi có cách nào báo cho Đảng biết những sai lầm để
những sai lầm đó được sửa chữa? Có một cơ quan nào để nhân dân có thể đến đưa
những khiếu kiện mà họ hy vọng là sẽ lên đến cấp thẩm quyền có trách nhiệm
không? Cái thùng chờ người ta vứt rác giấy tờ vào thì không thể tiết ra được những
lời tung hô thơm tho mà lãnh đạo thich ngửi. Hơn thế nữa, nhân dân có quyền
hành xử và quyền được phát biểu những gì họ không đồng ý với Đảng. Tôi cũng muốn
nhắc với ông rằng, trong những lần họp của Đảng Xã Hội, ngay khi chỉ vừa nghe
có người tỏ ý bất đồng quan điểm là ban chủ toạ lập tức loại ngay người bạn
ngây thơ đang tưởng rằng mình đang chia sẻ những suy nghĩ cho mọi người. Đảng cầm
quyền đã cài đặt một ít người của họ trong Trung Ương cũng như trong các Uỷ Ban
Điều Hành địa phương của đảng Xã Hội để theo dõi và ngăn chận mọi tiếng nói
chói tai. Những “lãnh đạo” của đảng Xã Hội, mà trong đó có ông, đều biết những
hậu quả gì cho mình nếu để một sự chống đối dù là nhẹ nhất hiện diện trong hàng
ngũ.
- Nhưng, quả thực đây là một sự khôn ngoan, khi mà trí thức
không biết hay không thể biết đi thế nào cho đúng hướng, họ hay có những bước
đi loạng choạng, vì thế cần phải có những người giám hộ để giúp họ giữ vững lập
trường và có một đầu óc lành mạnh. Tại sao phải bận tâm về những chi tiết tầm
thường thấp kém đó khi mà một người đã toàn sức cho một mục tiêu nhằm tạo nên một
hình ảnh vĩ đại của một dân tộc đồng lòng đứng sau lưng một đảng đang hãnh diện
có được niềm tin trọn vẹn của quần chúng trong nước và được sự hỗ trợ quốc tế của
các nước anh em, và các nước tiến bộ trên thế giới?
- Thú thật là tôi rất nhạy cảm với cái hình ảnh đẹp đẽ mà trong
đó những dân tộc anh em cùng theo sát gót chân của hai ông anh cả Liên Xô và
Trung Quốc, cùng kêu gào về sự dẫy chết của chủ nghĩa Tư Bản và tung hô niềm
tin vào chủ nghĩa Xã Hội. Nhưng tôi rất ngần ngại khi phải trả một cái giá quá
sức cao, quá đáng và không thể hình dung nỗi để đạt cái chiến thắng của chủ
thuyết Marx-Lenin và đạt cái gọi là đoàn kết của nước cộng sản, đạt cái hạnh
phúc cho các dân tộc, buộc họ phải chấp nhận những giá trị mà tới nay chưa bao
giờ ai biết là gì, bất chấp đạo lý của những giá trị mà họ đang có từ lâu đời,
cướp mất khỏi tay họ những thứ quyền tự nhiên nhất, đúng đắn và có ích nhất từ
hàng ngàn năm nay, đưa họ vào khốn cùng và nghèo đói ở hôm nay và làm họ nghi
ngờ cả tương lai. Tôi tôn trọng những ý kiến nhưng tôi càng tôn trọng con người
mà chỉ có số phận của họ là làm tôi lo lắng.
Tôi muốn nhấn mạnh ở một điểm. Quan điểm của tôi là có nhiều sắc
thái. Những ý kiến, tôi tôn trọng chúng, nhưng tôi luôn giữ thái độ cảnh giác
và sáng suốt, tôi dành quyền được xem xét chúng, xuyên suốt nghiên cứu chúng đến
từng chi tiết nhỏ nhất, phê bình và suy nghĩ, và cố gắng tách những hạt mầm ra
khỏi rơm rạ. Tôi chẳng đẩy tôi thành kẻ thù của bất cứ ai về bất cứ chuyện gì,
tôi chỉ muốn phấn đấu phân biệt cái gì là tốt nhất giữa những cái xấu nhất. Khi
mà tất cả những cá nhân và những chủng tộc ai cũng có những phẩm chất và những
sai lầm, thì tất cả những chủ thuyết cũng có những điều tốt và những điều xấu.
Một chiết trung xứng đáng sẽ tránh cho chúng ta một thái độ thờ ơ, một sự bất
công trong đánh giá, một thái độ cực đoan trong hành động. Tôi đánh giá cao chủ
nghĩa Marx Lenin vì những điều mới lạ dồi dào của nó, về cách tiếp cận trí não
mới và độc đáo, về quan điểm biện chứng đối với thực tế của cuộc sống, nhưng
tôi không thể lấy màn che mắt mình trước những sai lầm to lớn, tàn ác và đầy tội
ác được gây ra bởi những kẻ đang áp dụng nó, và những kẻ vô văn hoá, ích kỷ, đầy
định kiến và mê muội một cách đáng xấu hổ đang gây ra đầy dẫy những bất công và
vô nhân đạo. Tôi xét đoán dựa trên những sự kiện, và xem xét chúng trên cơ sở
nhân và quả. Tôi tự mình tránh xa những logic cong vẹo và có tính hình thức mà
lãnh đạo hay dùng để bào chữa cho những quyết định của mình, trong khi cái chuẩn
duy nhất để đánh giá một chính sách hay những đường lối chính trị là tự hỏi
mình xem nhờ đó mà dân tộc thực tế ngày nay đã được cải thiện những gì? Chúng
tôi không phê phán chủ nghĩa cộng sản hay những người cộng sản mà chỉ trích một
số lãnh đạo cộng sản đang bị thui chột với những cách thức lý luận phức tạp và
đang hành xử một thứ chủ nghĩa duy ý chí bệnh hoạn, quay lưng lại với hiện thực,
đưa ra những lời hứa đẹp đẽ để lừa phỉnh quần chúng, sẵn sàng tuốt gươm nhẫn
tâm tàn sát những kẻ bất hạnh dám nghi ngờ tính bách chiến bách thắng của họ.
- Có thể thấy rõ là ông đã bị méo mó bởi những gì ông đã học được
từ văn hoá phương Tây. Ông đã biến thành người bi quan, đâm ra nghi ngờ mọi
chuyện, ông không còn thấy được những gì vĩ đại của con người và sự vật, ông đã
tự mình biến mất trong chi tiết và không còn khả năng thấy những gì là tổng thể,
đại cuộc và đặc biệt là cái gì cũng bị ông chỉ trích. Người ta tự hỏi có phải
chăng chính nền văn hoá Tây Phương đã ngăn chận bước đi để chận con đường dẫn
ông về với Dân Tộc và Tổ Quốc?
- Năm 1932, khi tôi trở về Việt Nam lần đầu tiên, và đặc biệt là
lần vào năm 1940, khi tôi phổ biến những bài viết của tôi bằng Pháp ngữ, ngay
trong thời thực dân Pháp, tôi cũng đã bị những lời sỉ nhục tương tự. Tôi không
chối là tôi chưa bao giờ đi học ở một trường tiếng Việt nào, tôi đã học trường
Paul Bert và sau đó là trường Albert Sarraut đã cho phép tôi lấy xong bằng tú
tài vào năm 16 tuổi và lấy hai bằng Tiến Sĩ Quốc Gia về Luật và Tiến Sĩ Quốc
Gia về Văn Chương vào năm 22 tuổi. Văn hoá Pháp và phương Tây đã đào tạo tôi
như ngày nay. Tôi đã hấp thụ những phẩm chất và những yếu kém của tinh thần văn
hoá Pháp: yêu mến sự rõ ràng, chính xác và logic, nhưng cũng yêu tính phê phán
trong phương pháp tiếp cận con người hay một vấn đề. Tôi luôn đề cao thực tế, sự
thực, sự công bằng và tôi rất ghét sự dối trá, kinh hãi đối với sự cuồng tín,
tôi muốn đả phá những vĩ đại giả hiệu, những kiêu căng dị hợm. Tôi rất ghét
chính trị vì nó làm hư hỏng con người, biến họ thành những người nói láo, bất
công và tàn bạo, chất chứa những gì đủ để làm điên loạn lương tâm. Tôi tránh xa
quyền lực để không bị vướng vào hai thái độ sống hèn hạ như nhau: hoặc sống xa
hoa với cái lưng luồn cúi và nụ cười nịnh bợ, hoặc phải chấp nhận chuyện điên rồ
quái dị, theo ý của họ, chia sẻ những thành kiến và luôn đứng chung với họ
trong mọi lễ lộc, biến cố. Tôi tránh đi lại với mấy ông lớn và càng tránh xa những
kẻ này. Tôi giữ mình được tự do, độc lập trong tư tưởng và hành động, tôi hoàn
toàn ý thức về những tội ác của các lãnh đạo tư bản, những đồng thời tôi cũng
thấy được những tàn bạo của lãnh đạo cộng sản. Tôi như bị kẹt, ép giữa chủ
nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản, tôi tìm quên trong tình yêu dân tộc và những
truyền thống mà tôi đã biết rất rõ mọi điều vinh nhục. Sống trong một thế giới
cộng sản như ngày nay, thái độ sống của tôi là một trí trhức trước sau như một,
không thể phản bội lại tư cách của một người có học.
Cái gi đã khiến tôi phải chọn một thái độ sống như thế? Là cái
được đề nghị rằng nhân dân phải được quyền quyết định cho số phận của mình, là
mọi chuyện phải được quyết định do dân và cho dân. Chọn cái tên nào để đặt cho
một chính quyền như thế không quan trọng. Từ “dân chủ” là tên gọi hay nhất
nhưng nó cũng chỉ diễn đạt được một khía cạnh: chính quyền do dân. Công thức
cái tên gọi phải thể hiện đầy đủ việc chính quyền cho dân. Một nền dân chủ thật
sự chẳng cần đến cái tên gọi gán ghép cho nó. Chẳng có gì là vấn đề nếu nó được
gọi là “tư sản” hay “xã hội chủ nghĩa”, câu hỏi hiển nhiên nhất là dân có được
hạnh phúc và được quyền làm chủ vận mệnh của mình hay không? Dân có thực hiện
được mơ ước của mình trên mọi lãnh vực sinh hoạt, cá nhân hay tập thể, thể chất,
trí thức, đạo đức và tinh thần hay không?
- Ông không biết những gì đang chờ đợi ông. Nhà Nước cộng sản của
chúng tôi chỉ chấp nhận duy nhất một thái độ sống của người trí thức. Họ phải nằm
trong đường lối chính trị của cộng sản, biểu lộ lòng tin nơi Đảng, trung thành
với Đảng, sống và suy nghĩ dưới sự chỉ đạo và theo cách mà lãnh đạo Đảng đã xếp
đặt. Những ai đi chệch xa con đường này, trở thành kẻ xa lạ dị giáo, sẽ bị trừng
phạt như những kẻ phản bội phản động. Đây là cơ hội chót để ông tự ăn năn hối cải
về sự táo tợn và trơ trẽn của mình. Rán mà biết lấy nhé.
- Mỗi người chịu trách nhiệm về hành động của mình. Nếu xã hội,
nói cách khác là nhân dân, có thể đạt đến một trình độ văn hoá cao, ở mức lương
tâm trong sáng, biết suy nghĩ chin chắn, thì những người can đảm có tư duy khác
với con đường chung cũng không ai sẽ bị trừng phạt, nhưng ngược lại sẽ được
khuyến khích, vì mọi tiến bộ của đất nước là tuỳ thuộc vào đó. Nhưng lịch sử của
loài người đã chứng minh là không có một dân tộc nào có thể tự mình kiếm ra con
đường để ra khỏi khu rừng của ngu dốt, của thành kiến và hèn nhát để đi đến một
vùng trời đầy nắng và ánh sáng. Ở thành phố Athenes, Socrates đã uống thuốc độc
để làm gương suy nghĩ cho trí thức trên thế giới phải những ngưởi giữ vai trò
tiên phong, trinh sát dẫn đường trong cuộc hành trình đầy khó khăn và cực nhọc
đê đưa những dân tộc đi tìm chút niềm vui và hạnh phúc.
Hơn nữa, dân tộc ta đã chịu sự du nhập của một chủ nghĩa hoàn
toàn ngoại lai. Không hề dính dáng đến cội nguồn của dân tộc. Những nhà yêu nước
vĩ đại mà mọi người đang yêu mến và kính phục đã ủng hộ chủ nghĩa đó, bảo trợ
nó, đế nghị nó, rồi áp đặt nó trên đầu dân chúng, đồng thời đưa ra lới hứa chắc
là nó sẽ là chiếc chìa khoá để mở cửa thiên đường hạ giới. Dân tôc tin vào lời
hứa của lãnh đạo và đang chờ giờ lời hứa thành hiện thực. Chính là nhờ vào sự đồng
lòng của dân tộc mà chúng ta đã dành lại tự do và độc lập. Những bàn tay lao động
và những bộ óc trí thức đã chung sức góp phần quan trọng cho Đảng đang cầm quyền.
Nhưng rủi thay, cuộc hành trình đã xảy ra không suôn sẻ. Những
lãnh đạo, luôn hãnh diện với những thành quả quân sự vinh quang đã đạt được mà
họ cho rằng chủ nghĩa Marx Lenin là căn cơ chính, niềm tin đó được họ mang đi
áp dụng vào mọi lãnh vực, không cần biết đến khoa học và thực tế, mặc dù những
người cộng sản luôn tuyến bố tôn trọng chúng. Sự nghèo khổ của nhân dân đã trở
nên kinh hoàng mặc dù lãnh đạo vẫn cứ khoe khoang điều ngược lại.
Đối mặt với hoàn cảnh thảm thương như thế thử hỏi người trí thức
phải chọn thái độ nào? Có những kẻ tự che mắt bịt tai hoà chung với ban hợp ca
gồm những kẻ cơ hội chủ nghĩa và bợ đỡ cùng cao giọng “Chủ nghĩa cộng sản bách
chiến bách. Đảng Cộng Sản quang vinh!” Những kẻ này thu góp những vinh quang và
đặc quyền và vui sướng hưởng lợi cho đến đời con, đời cháu. Công chúng quá biết
họ và không dành cho họ một chút kính trọng nào. Những ai biết suy nghĩ và có
lòng yêu thương dân tộc và tổ quốc thì không thể kéo dài sự im lặng và thờ ơ với
nỗi đắng cay của một niềm hy vọng đã mất và một giấc mơ bị giễu cợt. Họ lớn tiếng
tố cáo những nguyên do của những sai lầm và đề nghị những biện pháp để sửa sai.
Họ lại bị đánh gục, bỏ tù suốt đời với cái tội là phản đảng, phản cách mạng và
kẻ thù của dân tộc! Họ chỉ còn một niềm an ủi duy nhất là nhân dân hiểu, thương
xót họ dù rằng không ai có thể làm được gì để giúp họ. Họ chỉ còn biết chờ một
sự công bằng của lịch sử.
Không có một bản án nào được đưa ra. Cộng sản luôn luôn thích bí
mật. Mọi quyết định đều lấy và đem áp dụng trong vòng yên tĩnh đến chết người.
Không có gì được hé ra cho công chúng biết: sự bí mật được gìữ gìn kín đáo để
tránh gây những xúc động không cần thiết hay những xáo trộn đáng tiếc. Cộng sản
luôn tiên liệu mọi chuyện và tuỳ đó mà xử lý.
(Còn tiếp)
Nguyễn Mạnh Tường
Nguyễn Quốc Vĩ chuyển ngữ
PHẦN BA: HÀNH TRÌNH
ĐI VÀO SA MẠC
CHƯƠNG 8:. LƯỠI KIẾM
CỦA DAMOCLES
Ba phiên Toà: ba lần xuất hiện ở những toà án chính trị của Mặt
Trận Tổ quốc, Đại Học và đảng Xã Hội. Mấy ông bạn, giữ vai trò ông thần Công
Lý, là những người được chỉ định qua một sự lựa chọn rất chặt chẽ. Cái khéo léo
nhất ở đây là họ không chọn những người nằm trong hàng ngũ của Đảng. Nếu không,
sẽ như họ đã chọn huy động cả dàn đội pháo binh để bắn một sinh vật nhỏ bé và
không chút tự vệ, dùng xe tăng và đại bác bắn vào đám biểu tình tay trần không
súng đạn. Bên cạnh đó sẽ làm cho thiên hạ nhận ra là những người cộng sản không
đủ trình độ để xử lý chuyện đời, họ sẽ bị mất mặt và uy danh của Đảng sẽ bị tổn
thương. Vì thế, cách hay nhất là lựa chọn những kẻ cơ hội không thuộc đảng nào,
nhưng lại có một quá khứ cần được chuộc lại và sẵn sàng nhận những khạc nhổ
khinh bỉ của giới trí thức. Chúng đang giữ những vai trò nhỏ mọn, nhưng vì quá
mong được nổi lên và được nhận những mảnh ăn thừa của Đảng, nên đã tự ép mình
vượt qua những xấu hổ để được làm con ngựa trong gánh xiếc chạy quanh trên diễn
trường dưới hiệu lệnh từ chiếc roi của người dạy thú. Như thế là Đảng được phủi
tay và Đảng sẽ nắm những người không-phải-là-cộng-sản trong một cuộc thanh toán
giữa các người gọi “đồng chí” với nhau. Nhưng ông thánh Công Lý được chọn lọc kỹ
lưỡng đã được chuẩn bị rất kỹ vì họ là những người phát ngôn của Đảng. Nếu họ
thi hành tốt những việc được giao phó thì Đảng sẽ khen thưởng cho tôi tớ. Nếu
chúng không hoàn thành nhiệm vụ thì chỉ có chúng nó là người phải chịu cái sức
nặng của sự thất bại.
Tôi hiểu chuyện này và vận dụng toàn sức cố gắng để bảo vệ danh
dự của mình trong cuộc đụng độ giữa chiếc lọ bằng sắt và chiếc lọ bằng sành.
Nhìn ánh mắt của những người có mặt trong hai phiên xử ở Mặt Trận Tổ Quốc và ở
Đại Học, tôi hạnh phúc hiểu rằng tôi đã thắng, trước cái ngượng ngập lúng túng
của các ông thánh Công Lý đã tự ném mình xuống đất đễ tìm cách rượt cắn bắp
chân tôi. Mọi người đều đứng về phía tôi.
Ngày hôm sau, khi tôi khoẻ lại, có một người bạn hàng bộ trưởng
tạt ngang viếng thăm và cho biết rằng trong giới thẩm quyền họ đã quyết định bắt
nhốt tôi. Tôi có thể làm gì hơn? Ai cũng biết chính tên quan chức cao cấp đó là
người đã từng đích thân bắt những người cộng sản khác dù rằng đó là những người
cả đời hy sinh cho Cách Mạng với một danh sách dài đầy thành tích, những kẻ mà
lòng lương thiện chân thành đều được mọi người quý trọng. Đó là trường hợp của
V.Đ.H. mà tôi có dịp gặp trong thời bí mật kháng chiến, đó là trường hợp của
Đ.K.G. là người giữ chức vụ rất cao trong một khu Kháng Chiến. Nếu những người
cộng sản có đăng ký với danh dự không tì vết còn phải chịu những đối xử như thế,
chắc chắn là do quyền lợi chính trị hay đấu đá phe nhóm, thì có nghĩa lý gì đối
với kẻ quái gỡ khốn khổ như tôi, không bạn bè trong xã hội và không được ai
trong Đảng bảo vệ? Tôi không mơ đào thoát đâu đó vì công an đã dàn trải tay
chân, do thám và chỉ điểm khắp mọi nơi. Hơn nữa, tôi cũng không lưu ý nhiều đến
giải pháp giảm giá trị đó: làm như thế là cho thiên hạ có cảm tưởng là tôi đang
chối bỏ những quan điểm và những điều mà tôi tin. Mấy người cộng sản sẽ nghĩ gì
khi mà trước đây họ đã quen thói ca tụng nhân cách của tôi?
Tôi đành chịu thua cho số phận, để chuẩn bị cho một chuyến đi một
chiều không ngày trở về, tôi đã soạn một chiếc vali đựng quần áo và đồ ấm. Tôi
cũng đã cẩn thận soạn mang theo một cuốn Essais de Montagne trong bộ Pleiade,
cùng với giấy, viết, mực và viết chì. Tôi muốn trám hết những thì giờ bị buộc
phải nhàn rỗi đến vô tận bằng một số việc làm trí óc để tự cứu mình trong cảnh
tù đày dễ gây điên loạn. Biết đâu, những tay cai ngục còn có lòng nhân đạo sẽ
không lấy đi mất hành trang cuối cùng mà tôi khẩn thiết cần chúng.
Trước đây tôi cũng từng đi vào những nhà tù theo những yêu cầu
công việc để gặp những người tù mà tôi là luật sư bào chữa, vì thế tôi đã biết
những gì sẽ xảy ra ở những nơi tù đày này. Những tên đầu gấu đánh đập những kẻ
mới đến và cướp đi phần lớn trong phần ăn dành cho tù nhân, nhất là những phần
lương thực dự trữ mà gia đình thỉnh thoảng gửi quà cho họ. Số lượng rõ là đã bị
cắt xén khi gói quà qua tay những kẻ giữ tù, phần còn lại trở thành nhỏ nhoi
sau khi bọn đầu gấu và đồng bọn tự chiêu đãi thêm một phần lớn khác. Những hy
sinh của gia đình chỉ để duy trì cho cảnh phát đạt của bọn cai tù và những kẻ
tàn ác đang áp bức những kẻ khốn khổ bị nhốt trong từng xà lim. Bạo lực đã biểu
thị cái hung bạo và thống trị kẻ khác một cách vô liêm sỉ và tàn bạo. Bạo lực
được triển khai không chút ngần ngại lúng túng, đầy đạo đức giả, và không che đậy
để lừa gạt mọi người. Nó hiện mình trần trụi và, nếu ta có thể nói, hoàn hảo.
Ngược lại, khi bạo lực cải trang sau cái logic nguỵ biện, giấu mình sau những
lý luận có vẻ đúng, nói tóm lại, là chỉ để tự bào chữa, không phải với công luận
mà với chính cái sâu thẳm của một lương tâm chưa chết hẳn, cái đó mới là điều bệnh
hoạn đáng ghê tởm và kinh hoàng.
Khơi dậy những chuyện đã qua từ khoản sâu của trí nhớ trong những
năm tháng làm việc trong Luật Sư Đoàn, tôi vẫn còn nhớ những chuyện bí mật được
nghe kể trong những chuyến đi về những vùng làng mạc thôn xóm. Thường khi,
trong những túp lều tranh vào buổi tối, những người chủ kể cho tôi nghe những
câu chuyện thương tâm buốt nhói. Trong cảnh tranh tối tranh sáng của hoàng hôn,
ở bìa những cánh rừng, họ thấy từng hàng người lê chân, ốm đói như những bộ
xương biết đi. Một giờ trôi qua, hàng loạt tiếng súng từ trong rừng vọng về kéo
họ choàng dậy ra khỏi giấc ngủ đang say. Một cuộc thảm sát tập thể vừa xảy ra
và đó là chuyện mà mọi người không nên kiếm cách tìm hiểu để thoả mãn tính tò
mò của mình. Không ai thấy gì và cũng không dám tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy
ra, nhưng từ túp lều tranh này qua túp khác, tin tức chuyền đi từ người này
sang người khác, mọi người chết lặng sợ đến lạnh xương sống. Không trách nhiệm
nào được qui trách cho lãnh đạo, có khi họ cũng không được báo cáo về chuyện đã
xảy ra, nhưng sự đổ tội đã bắt đầu gán cho tại-vì-sự-quá-cuồng-nhiệt của một số
thuộc cấp muốn tranh đua lập công nên đã vượt quá xa mức mong muốn của các ông
chủ. Bất cứ thể nào, dù là những tin đồn không có cơ sở, nhưng cũng không phải
là dở khi cho rằng những chuyện như thế là có khả năng đã xảy ra. Bất cứ chính
quyền nào trên thế giới, vào bất cứ thời điểm nào, dưới bất kỳ chế độ nào đều
nuôi dưỡng một sự căm thù tàn bạo đối với những kẻ thù muốn tiêu diệt mình, và
từ đó dai dẳng truy kích kẻ thù dưới đủ loại hình thức có thể tưởng tượng được.
Khi mà những chuyện khủng bố, giết người không thể mãi giấu giếm và bao trùm
trong bí mật, vì thế chúng cũng không thể tránh khỏi bị nhân dân khám phá,
chúng bèn đổ đùn lên nạn nhân toàn những tội lỗi đầy ô nhục, và đưa một số người
ra trước những phiên toà hèn hạ và đang run bắn, để tự trấn áp những tiếng vọng
của lương tâm và cố gắng đánh lừa, nhưng không thành công, sự sáng suốt của
nhân dân.
Với những chuyến đi đày, từ quyết định của nhà cầm quyền, đều là
là những chuyến có đi mà không có về, tôi sẵn sàng.
(Còn tiếp)
Nguyễn Mạnh Tường
Nguyễn Quốc Vĩ chuyển ngữ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét