Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

NHÀ CẦM QUYỀN CỘNG SẢN VIỆT NAM CẦN CHẤM DỨT NGAY HÀNH ĐỘNG ĐÀN ÁP NGƯỜI CHỈ TRÍCH CHÍNH QUYỀN


GENEVA (Tiến Sỹ NGUYỄN VĂN ĐỆ, Hiệu Trưởng Đại Học Đồng Tháp - Chuyển Tin) - Ðó là khuyến cáo của Liên Hiệp Quốc sau khi tòa án thành phố Hà Nội phạt ông Nguyễn Hữu Vinh 5 năm tù và bà Nguyễn Thị Minh Thúy 3 năm tù.
Ông Vinh và bà Thúy là hai người thực hiện một trang web có tên “Ba Sàm.” “Ba Sàm” xuất hiện trên Internet năm 2007, chuyên lựa chọn, giới thiệu các thông tin, ý kiến liên quan đến Việt Nam và đã từng là một trong những trang web dẫn đầu về số lượng truy cập tại Việt Nam.









Trang mạng “Ba Sàm” bị tin tặc tấn công, cướp quyền kiểm soát nhiều lần nhưng bộ phận điều hành trang web này đã giành lại được quyền kiểm soát và trang web tiếp tục hoạt động theo tôn chỉ dùng thông tin để “phá vòng nô lệ.”
Hồi tháng 4 năm 2014, nhóm điều hành trang web “Ba Sàm” tuyên bố tạm ngưng điểm tin vì thiếu nhân sự. Khoảng một tháng sau thì ông Vinh và bà Thúy bị bắt với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.”
















Ông Vinh, 60 tuổi, từng là trung tá an ninh của công an Việt Nam, sau đó xin ra khỏi ngành. Ông Vinh là người sáng lập “Ba Sàm.” Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, 35 tuổi, là nhân viên của công ty VPI - do ông Vinh điều hành và tham gia thực hiện trang “Ba Sàm.”
Suốt quá trình thực hiện trang “Ba Sàm,” ông Vinh chịu rất nhiều áp lực từ phía chính quyền Việt Nam. Ðây cũng là lý do năm 2013, ông Vinh tuyên bố rút khỏi vai trò điều hành trang web “Ba Sàm.” Tuy nhiên trang web này vẫn hoạt động ổn định vì quyền điều hành được chuyển giao cho một người Việt sống tại Hoa Kỳ.
Sau khi ông Vinh và bà Thúy bị bắt, “Ba Sàm” đã hoạt động trở lại cho đến nay.
Hôm 23 tháng 3, 2016, ông Vinh và bà Thúy bị đưa ra xử sơ thẩm. Phiên xử “công khai” này không cho những người quan tâm, kể cả viên chức của các cơ quan ngoại giao của nhiều quốc gia tại Việt Nam vào tham dự. Khoảng một nửa trong số bảy luật sư bào chữa cho hai bị cáo từng là viên chức cao cấp trong Quốc Hội, ngành công an, ngành kiểm sát của Việt Nam. Họ khẳng định ông Vinh và bà Thúy vô tội, đồng thời chỉ trích việc bắt giữ, truy tố là tùy tiện, vi phạm nghiêm trọng luật pháp hiện hành.
Theo tường thuật của báo chí Việt Nam, tòa án không thèm đếm xỉa đến ý kiến của luật sư. Hội đồng xét xử cho rằng hành vi của ông Vinh và bà Thúy là “nguy hiểm.” Hội đồng xét xử còn chỉ trích cả hai bị cáo “không thành khẩn,” “ngoan cố.”
Sau khi bản án được công bố, Ðại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã bày tỏ sự lo ngại về việc chính quyền Việt Nam vẫn sử dụng luật hình sự để trừng phạt những cá nhân thực hiện quyền tự do ngôn luận một cách ôn hòa. Bản án được cho là không phù hợp với các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí đã được minh định trong Hiến Pháp của Việt Nam.
Ðồng thời, không phù hợp với những nghĩa vụ mà Việt Nam phải thực thi theo công ước về các quyền dân sự và chính trị cũng như các nghĩa vụ khác mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế. Ðại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Việt Nam kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho ông Vinh, bà Thúy cũng như tất cả các tù nhân lương tâm khác và hãy để dân chúng Việt Nam bày tỏ quan điểm của họ một cách ôn hòa mà không sợ bị trả thù.








Mới đây, ông Laurent Meillan, đại diện của Văn Phòng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tại khu vực Ðông Nam Á, nói thêm rằng, cộng đồng quốc tế hối thúc chính quyền Việt Nam nên ngưng sử dụng các điều khoản mơ hồ trong luật hình sự để trừng phạt những cá nhân chỉ bày tỏ quan điểm khác biệt một cách ôn hòa. Ông Meillan cũng đề cập đến việc Việt Nam đang vi phạm những điều mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế.
Chính quyền Việt Nam còn tiếp tục bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế như: Giám Sát Nhân Quyền (HRW), Ân Xá Quốc Tế (AI), Bảo Vệ Ký Giả (CPJ), Liên Ðoàn Quốc Tế Nhân Quyền (FIDH), Tự Do Ngay Lập Tức (Freedom Now) chỉ trích kịch liệt.
Các tổ chức vừa kể nhấn mạnh yêu cầu chính quyền Việt Nam phóng thích tất cả những người bất đồng chính kiến, ngưng đàn áp những cá nhân chỉ trích chính quyền, tôn trọng và thực thi các cam kết về cải thiện nhân quyền nếu muốn được xem là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Blogger Nguyễn Hữu Vinh và Cộng Sự Nguyễn Thị Minh Thúy trong phiên xử hôm 23 tháng 3, 2016. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

(Tiến Sỹ NGUYỄN VĂN ĐỆ, Hiệu Trưởng Đại Học Đồng Tháp - Chuyển Tin)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét