Quỳnh Thi - Mới trong tháng 8 đây, dư luận hải ngoại lại xôn xao quanh bài phỏng
vấn nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (HPNT) của BS Nguyễn Đức Tùng (NĐT) đăng trên
tạp chí điện tử Da Màu. Trong bài trả lời phỏng vấn, ông HPNT hoàn toàn chối bỏ
việc mình có tham gia trong vụ thảm sát Quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa
(VNCH) trong Tết Mậu Thân 1968 tại thành phố Huế. Ông Tường viện lý do rằng,
lúc đó đã đi công tác ở nơi khác (đâu ở vùng Kontum hay Pleiku miền Trung),
không có mặt trong thời điểm Cộng sản tạm chiếm và thảm sát dân chúng Huế,
trong chiến dịch mà họ gọi là Tổng công kích Tết Mậu Thân, vào khắp 48 tỉnh
thành phố của miền Nam Việt Nam. Nhưng dư luận lại thắc mắc, HPNT vắng mặt, sao
lại là Tổng thư ký Liên Minh Dân chủ Hòa bình, được Mặt trận thành lập ở Huế
trong thời gian thành phố bị Cộng quân tạm chiếm?
Tết Nguyên Đán là Tết
cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Nên tất cả mọi sinh hoạt Quân sự, hành chánh,
việc công cũng như việc tư kể cả thương mại buôn bán của dân chúng, đều ngưng
nghỉ hoạt động. Lại nữa Mặt trận Giải phóng miền Nam và chánh phủ VNCH đã thỏa
thuận ngưng bắn để đồng bào vui vẻ ăn Tết. Nhưng Bắc Việt đã trắng trợn vi phạm
thỏa ước hai bên đã ký và cho rằng, yếu tố lật lọng bất ngờ đó, họ có thể Tổng
Công kích, làm nên một cuộc đảo chánh để cướp chính quyền và quân đội một cách
dễ dàng. Nhưng mọi toan tính của chúng, đã bị thất bại và tổn thất nặng nề,
trong đó Trung tướng Nguyễn Văn Sâm Tư lệnh Mặt trận Huế bị tử trận, Trung Tướng
Trần văn Quang được cử lên thay thế. Nhưng không một thành phố hay thị trấn nào
của miền Nam rơi vào tay Cộng quân hay được họ chiếm giữ được lâu dài. Trong
lúc một số không nhỏ binh sĩ của VNCH ở hậu cứ được nghỉ phép, về nhà ăn Tết
cùng gia đình, còn phần lớn ở lại trực nơi doanh trại hay đơn vị đóng quân..
Trong thời gian chiếm
giữ của cộng sản sau đêm 30 Tết. Thành phố Huế là nơi Cộng quân chiếm giữ lâu
dài nhất, cũng chỉ khoảng 25 ngày đêm, rồi một phần ở góc Đông Bắc của Bộ Tổng
Tham Mưu QLVNCH gần một tuần lễ, và tòa Đại sứ Hoa Kỳ nửa ngày. Sau đó đã được
Quân lực VNCH giải tỏa, chiếm lại.
Nhưng trong một cuộc
phỏng vấn khác của một đài phát thanh ngoại quốc, vào ngày 29 – 02 – 1982 như
báo chí đã loan tin, HPNT lại khoe "Mình là một chứng nhân sống, trong việc
tham gia thi hành những bản án của cách mạng". Hai cuộc phỏng vấn trước và
sau, đều bất nhất và khuất tất. Không giống nhau.
HPNT là một nhà thơ,
hội viên Hội nhà văn Việt Nam đồng thời là một đảng viên Cộng sản từ năm 1987,
(Theo cuộc phỏng vấn của Nguyễn Đức Tùng, trước đây khi ở trong chiến khu ông
đã xin gia nhập đảng cộng sản nhưng không được chấp thuận, vì sự tỵ hiềm của đồng
đội. Mãi đến năm 87 ông lại làm đơn xin gia nhập đảng, thì được chấp thuận) tuy
ông nói “Mình không sinh hoạt đảng đã lâu, từ năm 1990, nhưng không có giấy tờ”.
Tưởng cũng cần biết. HPNT là Tổng thư ký Liên Minh Dân tộc Dân Chủ Hòa Bình do
giáo sư Lê Văn Hảo Đại học Văn khoa Huế làm Chủ tịch, Thượng tọa Thích Đôn Hậu
Chánh đại diện miền Vạn Hạnh Huế và bà Nguyễn Đình Chi nguyên Hiệu trưởng trường
Đồng Khánh là Phó Chủ Tịch.
Cái gọi là Liên minh
Dân tộc Dân chủ và Hòa bình là con đẻ của Mặt Trận Giải phóng Miền Nam (MTGPMN)
do Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ Tịch. Sau ngày 30 - 4 - 75 Bắc cộng đã hất MTGPMN ra
ngoài, nên phe nhóm tép riu, theo đóm ăn tàn, như HPNT cũng không ngoại lệ. Do
vậy mà việc ông HPNT không sinh hoạt đảng là dễ hiểu.
Hiện tại ông đang
lâm trọng bệnh, nay thì bệnh tình trở nên rất hiểm nghèo, khó bề qua khỏi, đang
nằm điều trị tại Sài Gòn, mới đây lại bị strock đã được người nhà và gia đình
mang về lại cố đô Huế, nơi quê hương mà ông đã sinh ra và lớn lên, theo như tin
tức của báo Tuổi Trẻ trong nước cho biết. Trước đây vào năm 1989 ông đã bị chứng
Tai biến mạch máu não, liệt nửa thân mình, phải ngồi trên xe lăn, gia đình phải
chuyển vào Sài Gòn sinh sống và chữa trị, suốt từ đó đến nay.
Bài phỏng vấn của
Nguyễn Đức Tùng đã thực hiện vào 7 năm trước, nay mới được ông Tùng cho đăng
trên Tạp chí văn chương Da Màu. Người ta cho rằng: Sau một thời gian dài 7 năm
đó Nguyễn Đức Tùng mới cho phổ biến bài phỏng vấn của mình, có lẽ vì nể tình bạn
bè thân quen làm thơ với nhau của mình, nên chưa đến thời điểm để ông HPNT công
bố gỡ tội, nên đến bây giờ là thời điểm thích hợp nên họ mới cho phổ biến.
Nhưng theo ông Tùng có giải thích trong bài phỏng vấn là, sở dĩ bây giờ bài phỏng
vấn sau 7 năm ông mới cho phổ biến rộng rãi, là do HPNT đề nghị. Vì ông Tường
muốn suy nghĩ cho chín, xem sau này có cần thêm bớt hay sửa chữa gì chăng.
Trong suốt bài phỏng
vấn với Nguyễn Đức Tùng, và những năm tháng sau ngày 30 - 4 - 75, ông HPNT luôn
tìm cách chối bỏ những tội lỗi do ông và những đồng đảng gây ra trong biến cố Tết
Mậu Thân 68. Không những ông, mà cả đảng Cộng sản cũng chối bỏ những tội lỗi
tàn sát giết hại dân lành vô tội, và chôn sống họ, là đồng bào của mình, mà họ
luôn luôn ra sức tuyên truyền là để giải phóng dân tộc khỏi cảnh áp bức, nô lệ
của Mỹ ngụy!
Người ta mô tả vụ thảm
sát hồi Tết năm Mậu Thân, dã man như thời Phát xít Đức tiêu diệt dân tộc Do
Thái bằng những phương tiện hết sức dã man như, chôn sống tập thể, hay đập đầu
nạn nhân bằng cuốc, xẻng, chặt đầu, tra tấn, bằng cách cắt tai, xẻo mũi trước
khi chặt đầu hay bắn chết. Như cái chết của Thiếu tá Từ tôn Kháng Tỉnh Đoàn trưởng
Cán bộ Xây dựng Nông thôn Thừa Thiên, Việt cộng tra khảo chị Kháng đòi phải chỉ
chỗ anh Kháng ẩn núp, nếu không chúng sẽ giết chị và cả hai đứa con, anh Từ tôn
Kháng đang nằm trên máng xối nhà lẩn trốn nghe thấy vậy, liền xuống nộp mạng.
Chúng bắt anh quỳ gối, trói lặt hai tay vào cọc gỗ rồi cắt tai, xẻo mũi, tra tấn
dã man, hành hạ hết sức đau đớn trước khi giết anh. Như trong quyển sách tài liệu
The 68 Massacre at Hue của Bác sĩ Elje Vannema mô tả, kể lại.
Việc dư luận ở cả miền
Nam từ trước 75 tới bây giờ, vẫn cho rằng, HPNT có tham gia vào vụ thảm sát Mậu
Thân Huế, không phải mới đây, mà nó loan truyền suốt hơn 47 năm ròng rã. Nhưng
đương sự vẫn cả quyết khẳng định là mình chưa bao giờ giết người. "Dù chỉ
là một con chim". Có chăng là ông chỉ bắn để “một chiếc lá rơi” trong khi
ông tập bắn súng! Câu trả lời thơ mộng giống một câu thơ trữ tình, theo như ông
trả lời trong cuộc phỏng vấn với NĐT. Nhưng Lê Văn Hảo là Chủ tịch Liên minh
Dân chủ và Hòa bình xác nhận với đài BBC là Tòa án Nhân dân được thiết lập ở Tiểu
Chủng Viện thuộc khu Gia Hội do HPNT chủ trì.
Tưởng cũng cần nói
thêm, đài phát thanh Hà Nội lúc đó tuyên bố là đã lập xong một Chính quyền Cách
Mạng ở Huế, Lê Văn Hảo là Chủ Tịch Thành phố và Đào Thị Xuân Yến (bà Tuần Chi)
và Hoàng Phương Thảo giữ chức Phó Chủ tịch. Sau đó vào ngày mùng 3 Tết tức ngày
01-02 – 1968 chúng thành lập LMDCHB, HPNT (còn có bí danh là Thuyết) được cử
làm Tổng thư ký. Thế mà ông Tường lại bảo "thời gian đó mình không có mặt ở
Huế" là thế nào?
Tôi đã
phân vân. Không biết sự việc đúng, sai, sau khi đọc bài phỏng vấn của Nguyễn Đức
Tùng. Mà trước đây trong nhiều bài báo, người ta đã gọi HPNT và người em ông Là
Hoàng Phủ Ngọc Phan cùng Nguyễn Đắc Xuân là những tên đao phủ giết người.
Là một nhà văn, hơn
nữa lại là một nhà thơ có tài. Không biết HPNT có thù oán chi với nhân dân nước
mình, đồng thời ông lại mang trong mình dòng máu Hoàng tộc, là người của đất thần
kinh thơ mộng, lại nhẫn tâm giết hại, không những chôn sống hành quyết dã man đồng
bào vô tội, mà HPNT và đồng bọn còn giết hại cả những bạn học của mình như anh
em anh Lê Hữu Bá và sinh viên Lê Hữu Bôi, nguyên Chủ tịch tổng Hội Sinh viên
Sài gòn niên khóa 1964 – 1966 đến độ kinh hãi, đến ghê tởm nhường ấy. Cũng theo
như tài liệu "Thảm Sát Mậu Thân Ở Huế", người ta tìm thấy xác đã thối
rữa của sinh viên Lê Hữu Bôi ở một hầm chôn tập thể ở khe Đá Mài sau khi thành
phố Huế được QLVNCH giải thoát.
Thiết nghĩ, không chỉ
riêng người viết bài này, mà hầu như những nhà thơ, nhà văn khác, chắc cũng đau
xót và bâng khuâng như tôi. Hầu như khó tin được những gì mà mình nghe thấy về
một nhà văn, nhà thơ, đa số được nhân gian coi là trói gà không chặt. Sao lại
có gan tàn sát dã man những giáo sư và bạn hữu của mình và những người dân lành
vô tội, như thời Trung cổ? Hay như trong thời đại này, cái gọi là Nhà Nước Hồi
giáo ISIC bên Syria cũng hành hình, xử tử, chặt đầu người giữa thanh thiên bạch
nhật, rồi lại công khai cho phổ biến trên hệ thống internet. Nên, ngay như nhà
văn Phùng Nguyễn vừa rồi trên Da Màu, khi viết về bài phỏng vấn HPNT, cũng chỉ
viết phân vân, ngờ vực, khách quan. Không dám nói quả quyết chắc chắn hoặc nhận
định chủ quan điều gì, theo như dư luận trước đây đã lên án anh em nhà trí thức
Hoàng Phủ mà chúng ta đã nghe, đã đọc, đã xem những hình ảnh tội ác đã bao năm
qua.
Chính vì những lẽ
đó, mà tôi phải đi lục tìm lại những tài liệu cũ, để có bằng chứng xác thực những
gì mà công luận lên án HPNT, vì đương sự đã chối bỏ MỌI TỘI LỖI vì cho là hàm
oan. Để may ra, có thể tìm ra được phần nào sự thực, mong trả lại công bằng cho
một nhà thơ "kêu oan" đang trên giường hấp hối, có thể bị oan khiên
hoặc bị hiểu lầm. Khốn khổ cho những người đã mến mộ văn thơ anh, những bằng chứng
tội ác anh đã gây ra cho đồng bào ruột thịt, mà đến giờ phút sắp lâm chung, anh
vẫn ngoan cố, không biết ăn năn hối lỗi, để xin sự tha thứ của bao gia đình nạn
nhân đã bị anh theo lệnh ác quỉ tra tấn hành hạ, tàn sát, và sự châm chước của
đồng bào khắp nơi. Nhất là đồng bào ở Huế, nơi đã sinh ra đùm bọc để anh trở
nên một nhà văn, một nhà thơ có tầm vóc trong văn chương Việt Nam. Thật đáng tiếc
thay!
Tôi xin hỏi anh HPNT,
những điều cụ thể mà những người có mặt trong biến cố Mậu Thân, hay biết, đã
cáo buộc anh là một trong những người có tham gia vào cuộc Thảm sát đồng bào
trong Tết Mậu Thân 1968 tại thành phố Huế như sau:
Trong bài LÊ HỮU BÔI
TRONG TRÍ NHỚ của Đ.H có đoạn:
"...Điển hình như bọn Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn đắc Xuân, Lê Văn Hảo... Ngoài Lê Văn Hảo từ Pháp về, hầu hết bọn này học hành, lớn lên ở Huế, cho tới ngày đó (Tết Mậu Thân) chỉ sống quanh quẩn tại địa phương nên tinh thần rất cục bộ, nguy hiểm, nhỏ nhen. Trong Tết Mậu Thân, bọn này là một phần trong số CAN PHẠM trực tiếp, tội phạm chiến tranh của vụ thảm sát trên 6000 người dân Huế.
Đêm Giao thừa. Có
báo động. Anh Bá, anh của Bôi, có đi tìm bôi khắp nơi. Tới nhà Trịnh Công Sơn
thì gặp. Theo tôi, có phải anh TCS đã nghe lời nhóm Tường, Phan giữ Bôi lại, chờ
đợi trong mấy giờ nữa, phát súng đầu tiên nổ ra, mở màn cho Mặt trận tấn công
thành phố Huế? TCS thân với Bôi, nhưng về lập trường thì gần gũi với Tường,
Phan hơn Bôi xem như đã bị giữ ở lại mà không nghi ngờ gì qua tình bằng hữu:
Bày một cuộc chơi bài nhỏ, giải trí, đêm Giao thừa!..." Ngưng trích. (Anh
Đ.H cũng là bạn học của Bôi và Tường)
Đ. H viết như thế.
Sao anh HPNT lại nói không có mặt ở Huế vào Tết Mậu Thân?
2 – "Tại Thành
Nội và Gia Hội là nơi Cộng sản chiếm đóng rất lâu, nhiều người bị bắt, bị đem
ra xét xử. Cộng sản đã lập ra Liên Minh Dân tộc Dân chủ Hòa bình, đưa giáo sư
Lê Văn Hảo (Đại học Văn Khoa Huế) lên làm Chủ tịch, Thượng Tọa Thích đôn Hậu
(Chánh đại diện Miền Vạn Hạnh) và bà Nguyễn Đình Chi (nguyên Hiệu trưởng Trường
Đồng Khánh Huế) làm Phó Chủ tịch. Nguy hiểm nhất là bọn theo Phong trào tranh đấu
chống chính quyền VNCH năm 1966 như Hoàng Phủ Ngọc Tường (giáo sư), Hoàng Phủ
Ngọc Phan (sinh viên Y khoa), Nguyễn Đắc Xuân (sinh viên sư phạm), Trần Quang
Long (sinh viên sư phạm), Phan Chánh Dinh tức Phan Duy Nhân (sinh viên sư phạm)
v.v... Khi quân chánh phủ ra Huế lập lại trật tự, mùa hè 1966, bọn chúng chạy
vào chiến khu theo Việt Cộng, nay trở lại Huế, dẫn Việt cộng đi lùng bắt bạn
bè, thày giáo, những sinh viên trong các chính đảng Quốc gia chống cộng như Việt
Nam Quốc Dân đảng, hay Đại Việt Cách Mạng và những anh em công chức, cán bộ, cảnh
sát, sĩ quan v.v... Chúng lập tòa án Nhân dân để xét xử. Trả thù những người
trước đây đã chống lại chúng..."
3 - Trong bài: Mậu
Thân Ở Huế của Dân biểu GS Nguyễn Lý Tưởng. Có đoạn viết:
“Sau này Lê Văn Hảo
có dịp được Hà Nội cho đi Úc. Hảo xin tỵ nạn chính trị, hiện tại y đang sinh sống
ở Pháp. Trả lời cuộc phỏng vấn của đài BBC, Y xác nhận việc Hoàng Phủ Ngọc Tường,
Hoàng Phủ Ngọc Phan và đồng bọn đã lập tòa án nhân dân trong Tết Mậu Thân để
xét xử sinh viên và những người quốc gia ở Huế là ĐÚNG. Hảo nói Y không tham
gia những tòa án đó”?
4 - Trong một bài viết
khác, có tựa đề: Cố đô Kinh Hoàng của Elje Vannema. Có đoạn viết về HPNT như
sau:
“Ngày hôm sau khi Huế
bị chiếm đóng, du kích và nằm vùng địa phương tỏa ra đi tìm những người có tên
trong danh sách viết tay nguệch ngoạc. Họ được đưa về tiểu chủng viện, nơi dựng
tòa án nhân dân. Một anh cựu sinh viên chủ tọa phiên tòa với sự hiện diện của một
người Bắc Việt và hai sinh viên khác.
Các phiên tòa nhân
dân mấy ngày trước đã chấm dứt. Dân chúng hiện diện khá đông tại các phiên tòa ở
tiểu chủng viện, ở Gia Hội bên kia cầu và ở trong thành. Tòa án ở Tiểu chủng viện
do Hoàng Phủ Ngọc Tường chủ trì. Anh này tốt nghiệp Đại học Huế và là cựu lãnh
tụ sinh viên trong Ủy ban Phật Giáo xuống đường chống chính quyền trước đây. Cầm
đầu ở Gia Hội là Nguyễn Đắc Xuân, trước kia là liên lạc viên Cộng sản nay đột
nhiên lại xuất hiện. Hầu hết những người bị đưa ra tòa đều bị kết tội, nhưng họ
chẳng biết lý do bị bắt, tất cả đều bị kết tội, một số bị tử hình tức khắc...”
Ngưng trích.
5 - Đêm Giao Thừa
anh HPNT và em là Hoàng Phủ Ngọc Phan ở nhà của Trịnh Công Sơn, anh Lê Hữu Bôi
cũng đến chơi HPNT nhờ TCS giữ Bôi ở lại đánh bài, chờ giờ Tổng Công kích, rồi
Bôi bị bắt đi.
Rồi đến chủ tịch Lê
Văn Hảo xác nhận HPNT chủ trì tòa án Nhân dân ở Tiểu chủng Viện ở Gia Hội là
đúng, nhưng HPNT chối, nói là không có mặt ở Huế trong thời gian đó là thế nào?
Mong anh giải thích cặn kẽ để mọi người được rõ.
Tất cả những dẫn chứng
trên đều được trích trong: Thảm Sát Mậu Thân Ở Huế (The 68 Massacre at Hue) của
Elje Vannema. Do Phong Trào Giáo Dân Việt Nam ấn hành 1999, làm tài liệu. Và
quyển tài liệu này do cựu Dân biểu VNCH GS Nguyễn Lý Tưởng, tặng tác giả bài viết
này.
Texas ngày 14 – 09 –
2015
Quỳnh Thi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét