Phùng Nguyễn -Trong vài ngày qua, sóng gió bắt nguồn từ bài phỏng
vấn “Hoàng Phủ Ngọc Tường: Đùa thôi nhé, thiên đường mộng ảo” của Nguyễn Đức
Tùng tưởng đã dịu xuống, nhưng mà không. Ai cũng có nhiều điều muốn nói. Tôi
cũng vậy, cũng có những suy nghĩ, nhận định về những điều được viết ra hoặc hàm
chứa trong đó. Nhưng thay vì nói hết (và trở thành... nói nhiều), tôi muốn chia
sẻ một vài điều mà tôi cho là vô cùng quan trọng.
Có vẻ như điều duy nhất đáng kể ở đây đối với tất cả mọi
người là hành tung của Hoàng Phủ Ngọc Tường (HPNT) trong cuộc tổng công kích
tết Mậu Thân ở mặt trận Huế. “Mọi người” ở đây gồm có những người tin rằng HPNT
có nhúng tay vào sự kiện thảm sát Mậu Thân và những người đã và đang nỗ lực bào
chữa cho ông. Làm như thể việc HPNT có mặt ở Huế vào thời điểm đó có thể quyết
định được HPNT có tội hay vô tội!
Có những điều rõ ràng như con voi khổng lồ đi tới đi lui
trong phòng mà chẳng ai quan tâm. Con voi của chúng ta xuất hiện dưới dạng một
câu hỏi, "Tại sao HPNT và những người bênh vực ông đã một cách cuồng nhiệt
muốn chứng minh sự khiếm diện của HPNT vào những ngày tết Mậu Thân ở Huế?” Đây
không hề là một câu hỏi hóc búa, và ai cũng có thể trả lời được. Bởi vì vào
thời điểm đó, Huế là hiện trường của tội ác, một crime scene, mà xét về mọi
phương diện, đã khiến cho tội ác của William Calley Jr. trong vụ tàn sát Mỹ Lai
trở thành một cái bóng xanh xao mờ nhạt bên cạnh nó. Nói cách khác, thảm sát
Mậu Thân là tội ác chiến tranh lớn nhất của cuộc chiến tranh được gọi là
“Vietnam War” hay “Chiến tranh chống Mỹ” hay “Cuộc Nội chiến” tùy thuộc vào
việc ai là người đang phát ngôn. Số lượng người bị giết, địa vị xã hội và quan
hệ của họ với chính quyền miền Nam, và tư thế bất bình thường của tử thi tìm
thấy trong các hố chôn tập thể cho thấy đây là một cuộc tàn sát có dự mưu,
khiến cho tội ác chiến tranh này trở nên trầm trọng hơn.
Làm thế nào để HPNT một mình có thể gồng gánh nổi cái tội ác
này? Không thể trách HPNT nếu ông đã tìm đủ mọi cách để chứng minh là mình đã
không có mặt ở đó, đã không hề nhìn thấy tận mắt cái tội ác đã diễn ra ở cố đô
của nhà Nguyễn. Chính điều này, nỗ lực chứng minh sự vắng mặt của mình trong
đợt Tổng công kích Tết Mậu Thân ở Huế là bằng chứng hiếm hoi nhưng đầy thuyết
phục do chính HPNT và phe “cách mạng” cung cấp về sự hiện hữu của cái tội ác
khủng khiếp này.
Nhưng liệu sự vắng mặt mà HPNT và những người bào chữa cho ông luôn muốn chứng minh, có giúp “gỡ” HPNT ra khỏi sự dính líu với cái tội ác này hay không? Câu trả lời đến nhanh và dứt khoát: không! Vấn đề còn lại là mức độ của dính líu và ý thức trách nhiệm của ông ta.
Nhưng liệu sự vắng mặt mà HPNT và những người bào chữa cho ông luôn muốn chứng minh, có giúp “gỡ” HPNT ra khỏi sự dính líu với cái tội ác này hay không? Câu trả lời đến nhanh và dứt khoát: không! Vấn đề còn lại là mức độ của dính líu và ý thức trách nhiệm của ông ta.
Về mức độ dính líu, không hề dễ dàng để xác định. Tất nhiên,
đối với nhiều người, cả bênh lẫn chống HPNT, đều muốn dựa trên việc ông có mặt
hay không ở Huế, hiện trường tội ác, để gán hết trách nhiệm lên hoặc rửa sạch
hết mọi tội lỗi cho HPNT. Cách này có thể đưa đến ít nhất hai sai lầm về mặt
phán xét. Trước hết, một người không nhất thiết phải có mặt ở hiện trường để
thực hiện và chịu trách nhiệm về một tội ác nào đó. Không phải tất cả những
người bị lên án tử hình ở tòa án Nuremberg đều đã tự tay giết người hàng loạt.
Họ bị kết án vì vai trò của họ trong việc thiết kế hoặc cho phép thực hiện
những kế hoạch, chương trình đưa đến những tội ác khủng khiếp nhất trong Thế
chiến II. Nhìn được điều này, chúng ta sẽ thấy việc HPNT có mặt hay không ở Huế
vào thời điểm tội ác diễn ra, tuy quan trọng, nhưng không đủ quan trọng để
quyết định mức độ dính líu của ông.
Như đã đề cập ở một phần trước, rất nhiều bằng chứng cho thấy
cuộc tàn sát ở Huế trong dịp Tết Mậu Thân là kết quả của một kế hoạch soạn sẵn,
mặc dù chúng ta không thể khẳng định có kèm theo chỉ thị “giết lầm hơn bỏ sót”
hay không. Câu hỏi về vai trò của HPNT trong cái kế hoạch loại trừ “kẻ thù của
nhân dân” như là một phần của chiến dịch tổng công kích Mậu Thân ở Huế không dễ
trả lời. Điều chúng ta biết chắc là ông ta không phải là người ở vị trí chỉ
huy, không phải là đảng ủy hoặc là tư lệnh tối cao của mặt trận Huế /Thừa Thiên
cho nên cần phải loại bỏ cái khả năng “HPNT trực tiếp ra lệnh giết người hàng
loạt.”
Trong phần trích dẫn bài phỏng vấn dưới đây, HPNT xác nhận sự
bất lực của mình:
Nguyễn Đức Tùng: Nếu trong Tết Mậu Thân anh được cử về thành
thì anh sẽ làm gì, có thái độ như thế nào trước những vụ giết người?
Hoàng Phủ Ngọc Tường: Tôi sẽ không làm gì được, nhưng tôi
biết chắc là tôi sẽ không giết người …
Câu hỏi kế tiếp: HPNT đã có những đóng góp nào trong việc
giúp thiết kế, phổ biến, và thực hiện kế hoạch giết người hàng loạt nói trên ở
vị trí Tổng thư ký của Liên minh Dân tộc Dân chủ và Hòa bình, một tổ chức tay sai
của cái tổ chức tay sai Mặt trận Giải phóng miền Nam (MTGPMN)? Tất nhiên là
những người có cảm tình với HPNT sẽ bảo là không, hoàn toàn không. Còn những
người khác thì sẽ xác quyết rằng HPNT là kiến trúc sư của cái kế hoạch sát nhân
này! Còn tôi? Tôi sẽ để mặc họ tranh cãi với nhau và tiếp tục với công việc của
mình.
Tôi có một câu hỏi rất nhẹ nhàng và rất dễ trả lời. HPNT có
biết gì về kế hoạch này trước hoặc/và trong hoặc/và sau khi cuộc thảm sát xảy
ra?
Thật ra thì đích thân HPNT đã trả lời câu hỏi này, nhiều lần ở nhiều thời điểm khác nhau. Có thể tìm thấy câu trả lời trong lần phỏng vấn năm 1982 do hệ thống WGBH Boston thực hiện, trong đó HPNT đã phô diễn nhiều lần kiến thức của mình trong việc “trừng phạt” những người có nợ máu với nhân dân và gần đây nhất, trong bài phỏng vấn của Nguyễn Đức Tùng, ở phần trích dẫn dưới đây:
Thật ra thì đích thân HPNT đã trả lời câu hỏi này, nhiều lần ở nhiều thời điểm khác nhau. Có thể tìm thấy câu trả lời trong lần phỏng vấn năm 1982 do hệ thống WGBH Boston thực hiện, trong đó HPNT đã phô diễn nhiều lần kiến thức của mình trong việc “trừng phạt” những người có nợ máu với nhân dân và gần đây nhất, trong bài phỏng vấn của Nguyễn Đức Tùng, ở phần trích dẫn dưới đây:
[…] Còn riêng trong vụ Mậu Thân thì giết lầm rất nhiều. Ví dụ
như tôi nhớ rằng trong mặt trận Huế có phân công cho một người là ông… tỉnh đội
trưởng nắm giữ mặt trận phía trái, phụ trách vùng Phú Cam. Họ giết người nhiều
ở mặt trận này.
Kết luận, HPNT biết về kế hoạch giết người có dự mưu này,
trước, trong, và sau khi cuộc thảm sát xảy ra.
Và tôi có cơ sở để tin rằng ông, cùng với nhiều người khác,
phải gánh chịu một phần trách nhiệm cho tội ác chiến tranh này.
Trách nhiệm nào? Bạn hỏi.
Trách nhiệm nào? Bạn hỏi.
Đây là một câu hỏi kịp thời và cần thiết.
Ở phần trên tôi đã đưa ra một luận cứ để bác bỏ việc HPNT có
khả năng ra lệnh giết người hàng loạt. Riêng việc HPNT có giữ bất cứ vai trò
nào trong kế hoạch thủ tiêu hàng ngàn người hay không vẫn chưa ngã ngũ. Cho đến
khi mọi việc rõ trắng đen, tôi từ chối lên án HPNT như là người chủ mưu hoặc
giúp tạo điều kiện cho thảm sát Mậu Thân xảy ra.
Nhưng HPNT không thể nào trốn tránh trách nhiệm như là một
đồng lõa trong thảm án Tết Mậu Thân. Ông đã biết được rất sớm và rất chính xác
về kế hoạch giết người hàng loạt này nhưng đã chọn không sử dụng quyền hạn của
mình để ngăn chặn những cuộc hành quyết trước và trong khi chúng xảy ra. Ông đã
không động một móng tay để cứu vớt chỉ một hoặc hai mạng thường dân vô tội. Khi
cuộc thảm sát chấm dứt, ông đã tận dụng các cơ hội được tiếp xúc với các cơ
quan truyền thông quốc tế để bằng mọi cách biện minh và che đậy tội ác của phe
chiến thắng, đánh tráo sự thật bằng cách đổ lên đầu quân dân miền Nam tất cả
những tội lỗi do phe ông gây ra. Bằng cách đó, ông ngụy tạo vật liệu cho phe
thắng trận đánh tráo lịch sử, tiêm nọc độc vào mạch văn hóa của dân tộc, di hại
đến đời con đời cháu. Và ông kéo dài nỗi thống khổ của thân nhân của hàng ngàn
nạn nhân vô tội của Tết Mậu Thân bằng cách từ chối giúp họ viết ra chương cuối
cùng để đóng lại tấn thảm kịch này.
Tội ác và trừng phạt diễn ra dưới nhiều hình thức. Tôi cho
rằng cái cơ hội có một tòa án về tội ác chiến tranh được dựng lên cho vụ thảm
sát Mậu Thân sẽ vô cùng mong manh, ít ra là trong một tương lai có thể nhìn
thấy được. Tòa án công luận về thảm sát Mậu Thân thì đã diễn ra từ lâu, đặc
biệt trên liên mạng, nơi Wikipedia tiếng Việt và tiếng Anh được nhà cầm quyền
Hà nội, với nguồn tài nguyên vô tận từ mồ hôi nước mắt của nhân dân, sử dụng để
gieo rắc điều trá ngụy nhằm gỡ tội cho phe mình.
Chỉ còn lại một thứ tòa án mà chúng ta có thể đặt vào đó một
chút xíu hy vọng sẽ nhìn thấy hồi kết cuộc, tòa án của lương tri. Điều bất tiện
là chúng ta, ở vị trí người quan sát, không thể tham dự vào phiên tòa này. Nó
diễn ra ở một nơi chúng ta không len vào được, vào những thời khắc u ám, tối
tăm trong đời sống của người đang đứng trước vành móng ngựa. Đó là bị can. Cũng
là luật sư. Cũng là quan tòa. Tất cả chỉ là một người, đơn độc đối diện với
lương tâm của chính mình!
Chúng ta kỳ vọng gì ở tòa án của lương tâm? Ít nhất là hai
điều.
Một, hóa giải phần nào những nọc độc văn hóa mà phe thắng trận đã không ngừng bơm vào mạch máu dân tộc qua những nỗ lực “chế tạo lịch sử” với những chất liệu của trá ngụy trong hơn nửa thế kỷ. Thủ phạm chân chính của vụ thảm sát Mậu Thân cần được phô bày, lịch sử cần được viết lại với sự thật do những người trong cuộc tiết lộ và công nhận.
Một, hóa giải phần nào những nọc độc văn hóa mà phe thắng trận đã không ngừng bơm vào mạch máu dân tộc qua những nỗ lực “chế tạo lịch sử” với những chất liệu của trá ngụy trong hơn nửa thế kỷ. Thủ phạm chân chính của vụ thảm sát Mậu Thân cần được phô bày, lịch sử cần được viết lại với sự thật do những người trong cuộc tiết lộ và công nhận.
Hai, mọi thảm kịch đều cần thiết phải được khép lại với sự
minh bạch về nguyên nhân, hậu quả của sự kiện để giảm bớt nỗi thống khổ của
người còn lại. Nạn nhân của vụ thảm sát, lên đến hàng ngàn, không chỉ là mớ
xương khô rời rã sau nhiều năm tháng. Vẫn còn đó những mảnh sọ vỡ nát, những
cánh tay bị trói giật cánh khuỷu, những hơi thở bị đẩy ngược lại vào lồng ngực
bởi đất đá đổ xuống cái hố chôn tập thể trong ký ức không thể xóa đi của người
ở lại. Còn đó là nỗi oan khuất buộc phải nuốt ngược vào lòng, và cùng với nó,
những giọt lệ phẫn uất chảy lặng lẽ trong hơn 40 mươi năm dài.
Một chương mới cần được mở ra, không phải để kết thúc mà để
bắt đầu cho một chung cuộc của thảm kịch Mậu Thân. Và khả năng mở ra chương
sách này tùy thuộc vào kết quả của phiên tòa đơn độc mà HPNT và những HPNT đang
phải đối diện.
Những ý tưởng này được viết ra trong khi có tin tình hình sức
khỏe của HPNT đang suy sụp. Tôi chân thành mong ông sớm hồi phục và giữ được
minh mẫn cho đến cuối đời. Bởi vì ông còn có việc phải làm.
Phùng Nguyễn
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA
nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét