Lý Chánh Trung, Tố Hữu, Lê Quang Vịnh, Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Đình Thi. |
Trong một
bài biên khảo nhan đề: 20 năm giới trí thức miền Nam, tôi đã có dịp đề cập đến
trường hợp Lý Chánh Trung.. như một biểu tượng của trí thức thiên tả miền Nam
trước 1975. Nhưng nay ông vào tuổi xế chiều mà thời gian còn lại cho ông không
còn bao nhiêu nữa. Vinh danh và quyền lực của đảng cộng sản dành cho ông như chức
tước cũng đã đến lúc trắng tay.
Cuộc sống của ông hiện nay lúc cuối đời xem ra thanh bạch, đạm bạc
mà nhiều phần là túng thiếu.
Còn nhớ vào những năm tháng ấy, sau 1975- quyền lực trong tay
cũng có- vậy mà Lý Chánh Trung cảm động và khoe một cách hãnh diện là vừa có học
trò cho một bao gạo.
Bao gạo ấy đượm tình nghĩa thầy trò của người miền Nam, nhưng nó
tố cáo một cách gián tiếp chế độ bất nhân ấy.
Cái còn lại như chứng tích duy nhất của nền Đệ Nhất Cộng Hòa để
lại cho ông là căn nhà của ông ở làng đại học Thủ Đức, số 17 đường công lý, phường
Bình Thọ, quận Thủ Đức, Sài gòn. Chính nơi đây con cái ông lớn lên, được nuôi
dưỡng ăn học và nay là cái mái che mưa nắng cho ông lúc tuổi xế chiều[1]
Sự đãi ngộ ấy có thể ông không bao giờ muốn nhìn nhận, có thể
ông chỉ coi như một điều đương nhiên là như thế..
Nay được biết ông lại bị bệnh lãng trí nặng, đi lang thang quên
cả lối về nhà. Chắc nhiều bạn bè thương cảm và buồn cho ông.
Buồn thì đúng rồi.
Nhưng với tôi, tôi nghĩ nó lại là cơ may, là nguồn hạnh phúc cho
riêng ông.
Nếu ông còn trí nhớ, còn biết vui buồn, còn biết phân biệt thị
phi nhìn thấy cảnh đất nước như ngày hôm nay- như trường hợp luật sư Lê Hiếu Đằng-
thì có khi đến chết ông cũng không nhắm mắt được.
Lý Chánh Trung hơn ai hết là một giáo sư triết hiểu sự mất trí
nhớ đôi khi lại là là con đường giải thoát cho riêng ông.
Mới đây nhất, cậu con trai út Lý Trung Dũng, sinh năm 1970,
phóng viên báo Tuổi Trẻ trước đây bị xe ô tô cán, sau nhiều năm chữa trị đã qua
đời ngày 22 tháng11-2013.
Cuộc sống vắn vỏi ấy kết thúc một cuộc đời-kết thúc cả cuộc đời
tuổi trẻ đến phi lý- phải chăng Lý Trung Dũng như một con chiên làm vật hiến tế
thay cho bố?
Tin chắc là ông buồn vô kể. Như một phần đời của ông không còn nữa.
Tôi còn nhớ, đến thăm ông, tiếng kêu của Dũng ở trong nhà vọng ra ngoài phòng
khách, ông làm như thản nhiên tiếp tục nói chuyện.
Khi buổi chiều ra về, lòng tôi chùng xuống một nỗi buồn. Trên
tay cầm cuốn: Một thời bom đạn, một thời Hòa Bình. [2]
Lý Chánh Trung trước 1975, khi viết thường luôn luôn kết án chế
độ tư bản bóc lột, đã làm tha hóa con người. Theo ông,con người bị vong thân trở
thành những công cụ. Đó là hình ảnh của những con sen, thằng ở, cô vũ nữ, anh bồi,
anh tài xế.. những người lao động là nạn nhận nằm trong mối tương quan :ông chủ-
thằng ở.
Hoàn cảnh ấy so với người trí thức miền Nam trở thành công cụ
cho chế độ cộng sản thì có khác gì? Nghĩ tới hoàn cảnh người trí thức miền Nam,
miền Bắc- hoàn cảnh của một Lý Chánh Trung hiện nay thì cũng chỉ là một công cụ
của chế độ? Nói huỵch tẹt là một thứ nô lệ tệ hơn nô lệ. Bảo sao thì phải nói vậy.
Có bao giờ Lý Chánh Trung nghĩ rằng chính ông hiện đang vong
thân, tự đánh mất phẩm tính, nhân cách con người, trở thành những con vẹt biết
nói?
Vì thế, tôi thiết nghĩ cần có một bài viết đầy đủ về ông- như một
nhân chứng sáng giá nhất cũng như bi kịch nhất- của một trí thức miền Nam đã tự
vong thân cho cộng sản và nếu không nói bây giờ thì còn có dịp nào để nói?
Một lần nữa, tôi muốn đi lại hành trình trí thức cũng như những
hoạt động thời VNCH và thời sau 1975 của ông.
Đó là hai thời kỳ, hai chặng đường của một người trí thức tiêu
biểu của miền Nam.
Hai thời kỳ ấy, ông đã diễn dịch và phân định bằng hai biểu tượng
là: Một Thời đạn bom. Một thời Hòa Bình.[3]
Một thời đạn bom được hiểu là một thời oan trái do bom đạn Mỹ
gây ra. Và một thời Hòa Bình, thời sau 1975 mà dân chúng được hưởng tự do, an
bình, hạnh phúc, ấm no.
Thật là mỉa mai quá. Thời bom đạn vì ai nên nỗi. Và thời Hòa
Bình, hạnh phúc nơi mô? Hòa bình kiển nào, cho ai sau 1975?
Sự phân hai thời kỳ của Lý Chánh Trung đã giản dị hóa đến cùng cực
thực tế đau buồn của cả hai thời kỳ. Nó chỉ còn là những tuyên truyền đầy cảm
tính.
Cuộc chiến được tô vẽ như một bên thật giầu, thật lớn, thật mạnh,
một bên thật nghèo, thật nhỏ, thật yếu. Một bên thả bom, một bên hứng bom. Một
bên đi giầy, một bên chân không, một bên mập lù, một bên ốm nhách. Một bên cỡi
máy bay, một bên chạy bộ…Và cứ thế, trong năm năm trời, không bên nào thắng bên
nào..
Và ông có một giấc mơ được huyễn hoặc:
Trên đỉnh núi Sọ, trơ vơ một cây thập giá. Trên cây Thập giá, có
một người bị đóng đinh đang hấp hối.. Chung quanh người bị đóng đinh vần vũ một
bầy kên lông trắng, lông vàng với những cái cánh bao la che kín mặt trời..
Tôi đến dưới chân Thập giá, ngước mắt nhìn lên.
Người bị đóng đinh là dân tộc tôi. [4]
Đọc những dòng trên, tôi có cảm tưởng Lý Chánh Trung chả thua gì
một Tố Hữu ngoài Bắc.
Tôi không nói oan cho ông đâu. Những Lê Hiếu Đằng, những ông Hồ
Ngọc Nhuận, những Lý Quý Chung cũng đã từng là những con vẹt biết nói tiếng người
như thế cả. Trách ai bây giờ?
Lý Quý Chung trong một dịp trả lời phỏng vấn của Alain Ruscio nhận
xét :
"Như phần đông những người bạn tôi ở đây, tôi đã sống nghiệm
trải hai chế độ báo chí..Trước đây chúng tôi đã là những người thợ bửa củi, còn
bây giờ, chúng tôi là những người thợ mộc. Thái độ đã hoàn toàn khác. Bây giờ
chúng tôi lao mình vào việc xây dựng. Bây giờ tôi cảm thấy mình có ích cho xã hội
hơn cho Việt Nasm, cho dân tộc tôi, liên hệ gắn bó với dân tộc, trách nhiệm
hơn’.[5]
Hãy cứ hỏi 700 tờ báo hiện nay ở VN họ là thợ bửa củi hay họ là
thợ mộc?
Chính vì làm báo kiểu thợ mộc Lý Quý Chung mà khi giáo sư Trần
Văn Giàu đến thăm tòa báo Tin Sáng lần đâu tiên đã đưa ra lời nhận xét khen mà
mỉa mai như sau :
‘ Các anh làm báo cộng sản Như… Cộng sản
Lần sau ông đến khen nhiều hơn :
Các anh làm báo cộng sản Hơn.. cộng sản.[6].
Lời khen này nếu hiểu ra thì quả thực Trần Văn Giàu quá hiểu cộng
sản cũng như quá hiểu những kẻ nịnh cộng sản.
Có nghĩa là các anh nịnh giỏi quá.
Vì thế, Hồ Ngọc Nhuận khi viết cuốn Hồi Ký Đời, đã ghi chú thêm
: Chuyện về những người tù của tôiNhững người tù ở đây là ai? Là Nguyễn Ngọc
Lan, là Lý Chánh Trung, là Lê Hiếu Đằng, là Ngô Công Đức, là Dương Văn Ba, là
Nguyễn Hữu Hiệp mặc dầu họ chưa đi tù một ngày nào trong chế độ mới.
Nói chung, đọc hết các sách của Lý Chánh Trung như Tìm Về Dân tộc,
Tôn Giáo và Dân Tộc, Những Ngày Buồn Nôn. Tôi chỉ thấy những lời nguyền rủa và
xưng tụng.
Nó thiếu vắng một nụ cười .
Để cho việc vẽ lại chân dung và diện mạo cũng như hành trình nhận
thức hay hành trạng cuộc đời Lý Chánh Trung được đầy đủ, xin chia bài viết làm
hai phần:
- Lý Chánh Trung trước 1975- Thời đạn bom
- Lý Chánh Trung sau 1975- Thời Hòa Bình
.- Cuộc đời Hoạt động của ông trước 1975
Lý Chánh Trung và những người trí thức công giáo
Ông đã tự vẽ chân dung của mình là khi từ Bỉ về nước, ông đã về
quê ở Vĩnh Bình và dạy cho một trường học là cơ sở của Cách mạng. Một thời gian
ngắn sau ông lên Sài Gòn..Năm 1955, ông từ bỏ Vĩnh Bình- quê ông- và gia nhập
vào trong nhóm trí thức công giáo Pax Romana với các quý ông như bs Nguyễn Văn
Ái, lm Nguyễn Bình An( qua đời rất sớm vì bệnh cancer) bs Nguyễn Văn Thơ, luật
sư Nguyễn Văn Huyền, các giáo sư Phạm Thị Tự, Phó Bá Long, Trần Long, các
chuyên viên như Lâm Võ Hoàng, Anh Tôn Trang, Võ Long Triều, Đoản Thanh Liêm vv
Nhóm này đã tổ chức’ Tuần lễ Hội Học công giáo ‘ và và cho ra ‘
Tủ sách Đạo và Đời»
Đây là giai đoạn hiền lành và trong sáng nhất của một người trí
thức như ông. Nó tiêu biểu cho giới trí thức công giáo thành thị mà phần đông
du học ở ngoại quốc về.
Sau đó do sáng kiến phần lớn của Nguyễn Đình Đầu để thể hiện
tinh thần Công đồng Vatican 2, ông cùng với Nguyễn Văn Trung Nguyễn Đình Đầu,
Anh Tôn Trang chủ trương tờ tuần báo Sống Đạo. Trụ sở tờ báo là mượn văn phòng
xã hội của linh mục Parrel, trên đường Nguyễn Du, cạnh nhà thờ Đức Bà.
Tổ chức tờ báo có hai bộ phận. Bộ phận viết bài chủ lực là Nguyễn
Văn Trung, Lý Chánh Trung, Nguyễn Đình Đầu, Anh Tôn Trang., Bộ phận phát hành
do các anh em trong phong trào Thanh Sinh Công, do anh Phong trách nhiệm đi các
giáo xứ. Anh Phong đã ra đi rất sớm khi còn trẻ . Thật đáng tiếc một con người
hoạt động xông xáo, lúc nào cũng vui vẻ nhanh nhẹn. Tinh thần của anh Phong là
phục vụ-. phục vụ cho xã hội, cho con người- và cũng là vâng theo Chúa của anh.
Sau đây, xin trích dẫn vài bài báo của Lý Chánh Trung đã được
đăng trên Sống Đạo vào các tháng 7,8,9 năm 1962 như :
Thân Phận tôi đòi
Ông chủ xe hơi và cô thư ký-
Hai giới thanh niên
Những gót chân non
Các bài viết của Lý Chánh Trung trong thời kỳ này đã có những ám
ảnh mà chủ yếu đặt nặng vấn đề Công Bằng Xã hội- một đề tải quen thuộc và được
ông khai thác nhiều lần-. Nó phản ánh một phần các tư tưởng xã hội của chủ
nghĩa Mác Xít trong đó có các vấn đề Cần Lao, vấn đề Vong Thân, vấn đề Bạo động
tranh đấu giai câp, vấn đề Bóc lột giữa chủ và thợ ..vv..
Những ý tưởng then chốt về công bằng xã hội sẽ là những bước mở
đường cho Lý Chánh Trung một ngày không xa đến thực sự với cộng sản.
Nói như thế chỉ là hoàn cảnh đặc biệt dành cho Lý Chánh Trung
thôi.. Những sinh viên nào ngồi trên ghế nhà trường đã bước qua cổng trường của
Platon thì không có gì xa lạ với những chủ đề xã hội trên
Lý Chánh Trung và Lý Lan Phương, con gái Lý Chánh Đức
|
Tôi còn nhớ, lúc bấy giờ Báo Sống Đạo bán rất chạy, gây được tiếng
vang lớn. Ai cũng hăng say tin tưởng từ anh em viết bài chủ lực, đến các sinh
viên và đến anh em phụ trách phát báo.. Phản ứng của độc giả thì nhiều- đủ loai
khen chê tức giận cũng có, đôi khi cấm bán báo nữa.-
Phần Lý Chánh Trung được đề nghị làm chủ bút. Nhưng ông thừa biết,
bọn trí thức Bắc Kỳ công giáo làm hết mọi chuyện:-Từ sáng kiến cũng do họ- tổ
chức do họ- phương tiện vật chất do họ tự liệu- viết cũng do họ. Nhưng họ vẫn đẩy
ông ra làm người đứng đầu.. Sau này cũng thế khi làm các tờ Hành Trình, ông vẫn
giữ vai trò chủ bút. Nguyễn Văn Trung vai chủ nhiệm. Việc thì người khác làm,
danh xưng thì ông nhận.[7]
Và nhóm trí thức này cũng đã tổ chức được một tuần lễ Hội học xã
hội dưới nhan đề: Lương tâm công giáo và công bằng xã hội vào năm 1963, do nhóm
Trí thức công giáo Sài gòn. Điều hành và tổ chức cũng do tụi công giáo Bắc Kỳ
làm hết. Nhưng bài thuyết trình khai mạc cũng dành cái vinh dự đó cho ông..Với
sự góp mặt của Lý Chánh Trung, Trần Văn Toàn, Trần Long, Anh Tôn Trang, Võ Long
Triều, Mai Văn Lễ, Lm Nguyễn Bình An, Nguyễn Văn Trung.
Lý Chánh Trung với bài tham luận khai mạc: Sự phát triển của ý
niệm Công Bằng trong lịch sử. Nguyễn Văn Trung là người kết thúc tuần lễ hội thảo
với:Trách nhiệm hiện tại của người công giáo. [8]
Xin lưu ý là trong tuần lễ Hội thảo này, ban tổ chức đã chỉ mời
giới chưc lãnh đạo tôn giáo như TGM Nguyễn Văn Bình, cả Khâm sứ tòa Thánh..
Nhưng đã không mời đại diện chính quyền như ông Trần Kim Tuyến hay Ngô Đình
Nhu..
Điều đó muốn nói lên tính cách độc lập của buổi Hội thảo. Và họ
củng thừa biết rằng, dù có mời, ông Ngô Đình Nhu cũng không đi dự vì ông không
muốn dính dáng vào sinh hoạt của tôn giáo…
Giữa ông Diệm, ông Hồ, Lý Chánh Trung chọn ai? Một chọn lựa
chính trị?
Ông đặc biệt ác cảm với ông Diệm ngay từ lần đầu gặp gỡ khi còn
là sinh viên ở Bỉ. Ông kể lại có gặp ông Diệm một lần khi ông nảy đến thăm sinh
viên. Ông tỏ ra thất vọng vì ông Diệm thân Mỹ và không am hiểu hết về các vấn đề
xã hội.
Trong một bài viết, ông còn tỏ ra bất công và miệt thị ông Diệm
một cách nặng nề. Mặc dầu khi về Việt Nam, ông cũng đã được trọng dụng hơn ai hết
trong guồng máy giáo dục miền Nam. Ông cũng như ông anh ruột Lý Chánh Đức trở
thành nhữngcông chức cao cấp trong ngành giáo dục với vị trí giám đốc và Tổng
Thư ký bộ giáo dục, rồi giáo sư đại học, có nhà ở khu làng đại học Thủ Đức và
đây là những nhận xét đầy miệt thị của ông trước cái chết của ông Diệm:
Nhưng từ đó mà cho rằng chế độ ông Diệm là một thời đại hoàng
kim và chỉ cần bắt chước ông Diệm là có thể giải quyết những vấn đề đất nước,
như một số tay chân bộ hạ của ông đang tuyên bố rùm beng thì thật là lố bịch và
vô liêm sỉ.
Những người đang hò hét khóc lóc chung quanh cái tên ông Diệm
như một bầy quạ trên một xác chết..
Và nếu họ không còn chút tự trọng, xin họ dầu sao cũng thương
dùm ông Diệm. Tội nghiệp ông! Tôi ứa nước mắt mà viết câu này, xin họ hiểu
cho.[15]
Nhưng đối với ông Hồ Chí Minh thì ông tỏ ra cung kính hết mực
như trong một bài viết của ông nhan đề:Nói chuyện với người đã khuất, nhân dịp
Hồ Chí Minh qua đời.[16]
Cho nên tôi không tiếc mà cũng không trách cụ Hồ đã lựa chọn con
đường cộng sản. Tôi chỉ khâm phục Cụ đã trung thành tuyệt đối với sự lựa chọn của
mình. Tôi không thể đi theo con đường của Cụ, nhưng tôi có thể noi gương Cụ để
đi tận cùng con đường của tôi, con đường mà tôi đã lựa chọn trước lương tâm
tôi, như Cụ đã làm 50 năm trước. 50 năm trước, với sự thành công của Cách Mạng
tháng 10, với nhân cách và tài năng vô song của Lê Nin, với cái bầu khí huynh đệ,
chí tình, hăng say và tin tưởng trong một đệ tam Quốc tế vừa thành lập với một
điểm tựa vững chắc, chủ nghĩa cộng sản đã hiện ra tước mắt Cụ như là con đường
duy nhất để giải phóng/ dân tộc và giải phóng con người…
Những đoạn văn viết như thế này, nếu có dịp đọc lại thấy ngượng-
ngượng cho cả người viết lẫn người đọc-.
Ông viết như thế mà nhiều người không thù oán ông và chính thể của
nền Đệ Nhị Công Hòa cũng để ông yên. Ông vẫn được làm đổng lý văn phòng Bộ giáo
dục. Đi làm vẫn có tài xế đưa đón.
Ông ăn thóc nhà Chu mà chửi nhà Chu. Hoặc ông rập khuôn cái tinh
thần : Nắng được lúc nào thì cứ nắng như trong một bài viết của cụ Phan Khôi
chăng?
Nhưng người cộng sản đọc thì đánh giá ông là người cộng sản
không có thẻ đảng. Một lời khen hay một lời cảnh cáo?
Thế nhưng, trong cả hai chế độ Đệ Nhất và Đệ Nhị miền Nam, ông đều
tạo cho mình một chỗ đứng cao và không phe phái nào oán ghét cả. Và từ chỗ đó,
ông là người người miền Nam duy nhất có thể thỏa hiệp, đồng hành với nhiều phía
ở ngoài chính quyền. Từ cấp tiến tới khuynh tả rồi cuối cùng tới cộng sản, từ
công giáo tới Phật giáo, từ phe cánh miền Nam tới thành phần lực lượng thứ ba
thiên tả.
Chỗ nào có chống đối là có ông.
Lý Chánh Trung- nhà trí thức thiên tả- Hoạt động Cánh tả.
“Những Ngày Buồn Nôn” của tác giả Lý Chánh Trung
Sau 1963, tình thế xã hội, chính trị,quân sự có nhiều dấu hiệu xấu
đi. Tình thế mỗi ngày mỗi bi quan tỏ ra lúng túng, rối loạn, không đường lối,
thiếu cả chính nghĩa đến tính hợp pháp.
Sự bất tài càng rõ nét nơi các nhà lãnh đạo miền Nam. Họ thay đổi
chính phủ như cơm bửa tạo ra một tình thế bất ổn chính trị.
Nghĩ là có một khoảng trống chính trị về quyền lực nên một năm
thay đổi ba bốn chính quyền.
Tâm trạng giới trẻ và giới trí thức rơi vào tinh trạng chán nản
và mất tin tưởng hay trăn trở muốn đi tìm một giải pháp cứu nguy miền Nam.
Khuynh tả với thành phần thứ ba xuất hiện như một giải pháp của
không giải pháp.
Kể từ đây, gió đổi chiều. Lý Chánh Trung nổi bật lên như một người
trí thức tiêu biểu nhất!!! Trí thức khuynh tả đã ra đời trong hoàn cảnh này và
thuộc nhiều dạng, nhiều thành phần, nhiều mức độ.
Có loại như Thích Nhất Hạnh, Trí Quang, Chân Tín, Nguyễn Ngọc
Lan, Trương Bá Cần, Phan Khắc Từ, Huỳnh Công Minh, Thiện Cẩm. Hầu hết thuộc giới
tu sĩ công giáo hay Phật giáo. Cái lợi điểm của những vị này là bộ áo nhà tu- mầu
nâu hay mầu đen không đáng kể- mặc bộ áo nhà tu như một thứ lá chắn chính trị
không ai dám đụng tới họ. Phần lớn chỉ sau 1975, họ mới ló dạng và cho biết họ
là ai.
Có loại trí thức tham gia tích cực như Ngô Bá Thành, Ngô Công Đức,
Lý Quý Chung, Trần Ngọc Liễng, Hồ Ngọc Nhuận, Vũ Hạnh, Lý Chánh Trung, Nguyễn
Trọng Văn, Lữ Phương, Nguyễn Hữu Hiệp, Trần Hữu Lục, Châu Tâm luân, Ngô Kha, Thế
Nguyên ..Họ được coi là trí thức thiên tả và sau tự nhận là trí thức thuộc lực
lượng thứ ba (Troisième force) rồi lần lượt ngả theo cộng sản và chịu sự chỉ
huy của cộng sản.
Ở miền Trung có Lê Khắc Quyến, Tôn Thất Hanh, Lê Tuyên, Mai Văn
Lễ, Cao Huy Thuần, Ngô Kha, Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường mà mức độ ngả
theo cộng sản cũng khác nhau. Có theo đậm, có theo một cách chừng mực, nửa chân
trong chân ngoài.
Loại đông nhất chiếm đa số chỉ lên tiếng phản kháng- trí thức
thiên tả- mà không hẳn ngả theo cộng sản.
Có thể gọi chung là trí thức sa lông chỉ nói mà không dám làm,
chỉ viết mà không thực sự dấn thân nhập cuộc. Họ là những trí thức, giáo sư,
nhà văn, có cả sĩ quan trong quân đội VNCH. Đứng đầu là Nguyễn Văn Trung rồi
kéo theo Trần Bích Lan tức Nguyên sa, Nguyễn Khắc Ngữ, Diễm Châu, Trịnh Viết Đức,
Nguyễn Đông Ngạc, Thảo Trường, Nguyễn Tử Lộc, Đỗ Long Vân, Thái Lãng, Thế Uyên.
Và nhiều tên tuổi khác viết cho Đất nước, Hành Trình như Nguyễn Quốc Thái, Du Tử
Lê, Bùi Khải Nguyên,Trần Văn Toàn. Huỳnh Kim Khánh, Bùi Tiến, Sầm Thương, Thế
Phong. Nguyễn Tử Lộc, Nguyễn Tử Quý, Ngô Thế Vinh, Trần Tuấn Nhậm, Võ Hồng Ngự,
Nguyễn Quốc Thái, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Ngọc Lan, Cao Thanh Tùng, Chu Vương
Miện, Hương Khê, Thái Lãng, Luân Hoán, Trịnh Viết Đức
Mặc dầu viết cho Hành Trình, Đất Nước hay Trình Bảy, mặc dầu bầy
tỏ thái độ băn khoăn có thể bất mãn, họ vẫn có tư thế độc lập.
Nhóm Hành Trình không phải đơn độc. Bên cạnh đó còn có nhiểu
nhóm khác như Lực Lượng Tranh Thủ Cách Mạng, Phong trào Dân Tộc Tự Quyết, Ủy
Ban Vận động Hòa Bình, Phong trào Bảo vệ Hòa Bình, Hạnh Phúc dân tộc và cuối
cùng là Lực Lượng Hòa Giải Dân Tộc.
Những phong trào này- dù chỉ là những tên gọi khác nhau- có dấu
hiệu cho người ta ngờ vực là con bài của cộng sản như trường hợp Thích Quảng
Liên.
Bên cạnh đó còn có những phong trào văn nghệ phản kháng, trở về
nguồn như Phong trào Du Ca, Tâm Ca, Da vàng ca.. Những phong trào văn nghệ này
thực chất có thể chỉ là những khát vọng Tuổi trẻ và không có những vận động
chính trị hay sự xâm nhập của cộng sản.. Và vì thế, nó được nhiều giới trẻ hưởng
ứng tham gia.
Cho nên việc phân định ranh giới rõ rệt các nhóm trí thức khuynh
tả không phải là một điều dễ dàng gì.
Nhưng nhìn chung, nhóm Hành Trình được coi là nhóm khuynh tả
tiêu biểu ..Đa số những người trong nhóm đã ở tuổi trưởng thành, có sự nghiệp vững
vàng và họ tham gia với tính cách tự nguyện.
Sợi dây nối kết họ lại với nhau chỉ vì họ có một số quan điểm
khá tương đồng có thể gói trọn trong một số ý tưởng nòng cốt sau đây :
- Chống mọi hình thức can thiệp của Mỹ vào miền Nam. Điều mà có
thể thời chính ông Diệm, ông Nhu cũng chủ trương như thế.
- Chống lại cuộc chiến tranh đang diễn ra mà theo họ, đó chỉ là
một thứ chiến tranh ủy nhiệm.
- Gián tiếp chống lại chính quyền miền Nam mà theo họ chỉ là tay
sai bản xứ do Mỹ chỉ đạo.
- Cổ võ cho một quan điểm Cách Mạng Xã Hội không cộng sản được gọi
là đường lối thứ ba.
Phải nhìn nhận rằng đa số thành viên chính của tờ Hành Trình đểu
là người công giáo, nhưng với chủ điểm và đường lối của họ đã tách rời khỏi đường
lối chung của Hội đồng Giám Mục Việt Nam cũng như giáo dân Việt Nam.
Nhất là nó đi ngược với đa số người công giáo nói chung. Trên
căn bản, những người công giáo đa số thầm lặng này vẫn khẳng định vị thế đối
kháng đến một mất một còn với cộng sản..
Nội dung các bài viết nhất là nhóm Đất Nước, Hành Trình thường bầy
tỏ nỗi băn khoăn, trăn trở về thời cuộc, về hiện tình đất nước và muốn tìm ra
những giải pháp và hướng đi cho mình.. Đó là các bài viết mang tựa đề như: Cùng
nhau cảm thức về một nỗi buồn nhược tiểu, Cách mạng của người nghèo,, Độc tài
hay dân chủ, Tìm một hướng đi cụ thể cho cuộc cách mạng Việt Nam, Cách mạng và
dân chủ,
Nhưng chỉ đến đây là điểm chung, điểm dừng lại, điểm rẽ ngoặc giữa
Lý Chánh Trung và Nguyễn Văn Trung..
Họ khác nhau vì thái độ chọn lựa dấn thân, hành động hay không
hành động.
Lý Chánh Trung cũng như Nguyễn Văn Trung và có thể nhiều người
khác như giáo sư Châu Tâm Luân, Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, luật sư Trần Ngọc Liễng
đều nhận được những bức thư lấy danh nghĩa sinh viên học trò. Trong đó, đại diện
cộng sản tìm cách thúc dục đặt vấn đề tranh đấu, dấn thân cụ thể thay vì chỉ sống
trong môi trường đại học viết bài.
Người thảo ra những bức thư ấy có thể là Trần Bạch Đằng, Phạm
Chánh Trực hay Năm Nghị. Sau đó được giao những sinh viên như Trần Thị Lan tiếp
xúc các vị trên..
Nhiều người trong số đó đã bị mắc bãy và chính họ – như trường hợp
Lý Chánh Trung đã thú nhận..
Lý Chánh Trung viết:
Chính anh em sinh viên đã kéo tôi ra khỏi tình trạng bất động ấy
bằng lời mời gọi của họ. Sự dũng cảm ấy đập vào tim óc mọi người và bắt mọi người
phải suy nghĩ..
Nhất là trong bài viết: Nói chuyện với người học trò, ông ghi lại
như sau:
Theo con nghĩ, cần phải có một hành động cụ thể, kịp thời, không
trí thức và hữu hiệu. Hành động cụ thể, kẻ cạn suy xét mới không ngộ nhận hành
vi của thầy là một phản ứng nhát thời của lương tâm trí thức, hay một sự hiện
diện tượng trưng, coi cho được với lịch sử..
Thầy chỉ suy tư về những nỗi đau khổ, những niềm tuyệt vọng của
kẻ khác, mà thầy chưa nằm trong những nỗi đau khổ, những niềm tuyệt vọng đó. Thế
đứng của thầy là ở ngoài, ở trên.
Thầy cũng đã suy tư về một cuộc cách mạng theo phương cách nào
đó cho một lý tưởng công bằng xã hội mà em biết rằng thầy chỉ đứng ngoải cuộc
cách mạng lý tưởng đó thôi..[17]
Đây là những lời lẽ khích động, đánh đòn tâm não, đánh vào tự ái
của người trí thức.. Lý Chánh Trung đã bị kích động và làm theo sự kích động ấy
sau nhiều trăn trở..
Và cũng kể từ đây có một Lý Chánh Trung đã lột xác, đã dấn thân,
nhập cuộc.
Và cũng kể từ đây chia ngã rẽ với những người như Nguyễn Văn
Truug. Một bên rời bỏ tháp ngà suy tưởng, một bên tiếp tục con đường suy tư-
nhưng ngại dấn thân, ngại nhập cuộc..
Và dần dần kể từ năm 1968, Lý Chánh Trung đã có thể tự coi mình
là người của Đảng- đã tiếp xúc với người của Mặt trận- đã được đưa lên vùng mật
khu- đã nhận chỉ thị, đã viết theo đường lối của Mặt trận..
Thay vì được điều động vào mật khu, Lý Chánh Trung được khuyến
cáo ở lại thành phố, quấy phá bằng ngòi bút, có mặt trong các cuộc biểu tình,
xuống đường của giới sinh viên..
Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu thời bấy giờ cùng lúc phải đối đầu
với hai mặt trận.
Ngoài Sài gòn, cuộc chiến được giải quyết bằng bom đạn, bằng những
trận mưa pháo ban đêm vọng về thành phố ngủ không yên giấc vì những tiếng ì ầm.
Binh lính ngày đêm phải đối đâu trực diện với cái chết từng ngày, từng giờ.
Trong thành phố là một trận chiến bằng hàng rào kẽm gai, bằng
lưu đạn cay và những biểu ngữ, hô hào đủ kiểu..
Và Lý Chánh Trung đứng bên ngoài cổ võ:
“Khóc đi con, khóc cho quê hương của con đã rách nát như áo ăn
mày, cho những cánh đồng loang lổ vỉ bom đan, xơ xác vì thuốc khai quang, cho
những thành phố tanh ôi mùi tinh trùng Mỹ, cứt đái Mỹ, rác rến Mỹ, đô la Mỹ..
Khóc đi con, khóc cho các anh các chị con đang bị giam cầm, đánh
đập mà không ai biết vì tội gì, và sắp được đưa ra xử trước một tòa án mà không
ai tin”.[18]
Có nhiều cách móc nối. Và cộng sản đã móc nối được nhiều người,
trên dưới cả trăm người.
Tôi không biết ai đã móc nối Lý Chánh Trung mà cứ như những điều
ông trình bày thì có thể là học trò. Trường họp Nguyễn Trọng Văn cũng vậy.
Riêng Nguyễn Văn Trung thì có ông Thanh Nghị (chồng bà Tâm Vấn) rủ Nguyễn Văn
Trung, Nguyễn Đỉnh Đầu, Nguyễn Ngọc Lan vào khu.
Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Đình Đầu từ chối tham gia vào sinh hoạt
chính trị. Chỉ có Nguyễn Ngọc Lan nhận lời và đã vào khu.. Những việc móc nối
này, theo tôi, ngành mật vụ biết hết, nhưng để yên, chỉ theo dõi..
Năm 1968- Tết Mậu Thân là thời điểm quyết dịnh dứt khoát ai
theo, ai không theo cộng sản. Có một lằn ranh rõ rệt, lộ mặt và nhiều khi không
còn dấu diếm nữa
Như Lý Chánh Trung tự thú nhận:
Trong những năm đó, nhất là từ sau tết Mạu Thân, tôi đã tham gia
hầu hết các phong trào đấu tranh công khai tại thành phố.[19]
Ông xác định rõ hơn:
Nhưng tôi cũng phải vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, và nếu
không có sự mời mọc, lôi kéo của những người trẻ tuổi, thì rất có thể tôi đã
không tham gia đến mức độ ấy. [20]
Nhưng những cái chung đó không đủ để nối kết họ làm một.. khi
tình thế chuyển biến.. Nguyễn Văn Trung dừng lại ở bình diện nhận thức, phân
tích, tra hỏi, bới tìm, chứng minh bằng lý luận. Lý Chánh Trung viết ít chú ý đến
mặt lý luận với nhiều độ cảm tính, viết bằng cả tâm tình, khơi dậy, đánh động
và nhất là nhập cuộc, tham gia gia vào các cuộc biểu tình, xuống đường.. và ở
cuối đường gia nhập tổ chức cộng sản..[21]
Rồi đến 1975 thì kết quả một người bị đi tù, một người được trọng
vọng, cất nhắc..Nhưng số phận sau cùng dành cho họ ra sao. Đó mới là điều quan
trọng.
Sắc thái chung của những trí thức thiên tả
Đó là một sinh hoạt đứng bên lề trái, đứng để phê phán, đứng để
chống lại cái chính thống. Đó là thái độ bất mãn thường trực với cái đang có,
cái trật tự hiện có còn dở dang, chưa hoàn chỉnh,-cái chính quyền hiện tại-. Chống
bất kể là ai, bất kể là đệ nhất hay đệ nhị cộng hòa, Chống là chống. Hay cũng
chống, dở cũng chống, chống một phía.
Người cánh tả thường chỉ nhìn thấy những kẽ hở, những điều xấu,
điều tiêu cực-quên đi những điều tốt đẹp- đứng về phía thiểu số hay đứng về
phía kẻ bị coi là bị áp bức, người nghèo. Hoặc rộng lớn hơn họ đứng lên bênh vực
các nước nghèo, nước bị trị, kém mở mang..
Sau này tạm đủ lớn mạnh, ông đã tự nhận mình là thuộc thành phần
lực lượng thứ ba.(Troisième Force). Có nghĩa không phải là quốc gia chống Cộng
mà cũng không hẳn là cộng sản. Nhiều chỗ trong những bài báo trên Hành Trình, Đất
Nước, Nguyễn Văn Trung và Lý Chánh Trung gọi đó là một thứ Xã Hội chủ nghĩa
không cộng sản..
Trong tình thế đất nước chúng ta, lồi hô hào xuông một chủ nghĩa
xã hội không cộng sản là một ảo tưởng. Đó là một ước mơ và một đề nghị lơ lửng
và còn tin rằng có thể hòa hợp, hòa giải với cộng sản.
Chính Lý Chánh Trung sau này cũng phải nhìn nhận rằng:
‘ Lực lượng hay Thành phần thứ ba chỉ là một khát vọng hơn là một
thực lực thực tế. Tổ chức vỏn vẹn có vài trăm người. Nhóm người đó mở ra mọi
phía và đón nhận nhiều ảnh hưởng. Vì thế họ không có một ý thức hệ chính xác
nào”.[22]
Chính vì mấy chữ này mà ông bị Nguyễn Trọng Văn viết tham luận tố
giác ông và Nguyễn Văn Trung sau 1975. Nguyễn Trọng Văn đóng vai một kẻ đấu tố-
một phiên bản của những cuộc đấu tố trong cải cách ruộng đất. Hay là phiên bản
của vụ Nhân Văn Giai Phẩm?
Hiện tượng tố giác này, sau 20 năm sống ở miền Nam, tôi chưa hề
bao giờ thấy xẩy ra. Tại sao Nguyễn Trọng Văn vốn cũng là một trí thức miền Nam
có hạng, trở thành một tên chỉ điểm, đi tố giác đàn anh. Kẻ đi tố cáo đã tự làm
mất bản thân mình trở thành tên đao phủ như Tố Hữu?
Trước những lời tố cáo như thế, Lý Chánh Trung giữ thái độ im lặng.
Trước 1975, ông nghênh ngang ngậm tẩu, đầy phong cách trí thức,
đầy tự tin, tham dự các cuộc mít tinh biểu tỉnh như một thứ lãnh tụ sinh viên.
Sau 1975, ông học làm thinh.
Và để gỡ tội với chế độ, ông đã điều chỉnh cách nhìn, quay 180 độ,
đổi giọng. và đây mới là điều đáng trách, đây mới là điều tủi hổ cho trí thức
miền Nam.
Thà chạy mẹ ra nước ngoài cho yên. Thà buông súng đầu hàng
Hay thà ngồi trong trại Cải Tạo nó bảo trắng thì mình bảo trắng,
nó bảo đen thì mình bảo đen..
Ở đây có ai bắt ông chịu nhục phải viết như thế!!
Trong một bài phỏng vấn của nhà báo Alain Ruscio, ông nói:
Đã từ lâu, tôi vẫn mơ một cuộc cách mạng khoan hòa, đúng mực và
khoan nhượng… Chủ nghĩa xã hội Việt Nam đã đáp đúng nguyện vọng của tôi.. Chúng
tôi đã làm mọi cách để xã hội mới được hình thành với ít đau đớn bao nhiêu hay
bấy nhiêu… Ảnh hưởng của Hồ Chí Minh về điều này là một yếu tố quyết định.[23]
Ở chỗ bạn bè, chỗ những người quốc gia, ông lý luận rất khéo léo
để che đậy, rất thuyết phục.
Tôi chỉ đồng hành với họ (cộng sản), nhưng không là đồng chí.
Một lối nói ngụy biện chỉ những tay biện luận triết học có tay
nghề mới nói được như thế.
Bởi vì cũng trong một bài trả lời phỏng vấn Alain Ruscio, ông được
coi là dại diện cho thành phần thứ ba, ông lại nói khác. Ông cho rằng:
Người ta không thể nào là người yêu nước, yêu hòa bình, hòa hợp
dân tộc mà lại đồng thời có thể chống lại cộng sản.[24]
Ở đây lại là một lối ngụy biện cao đồng hóa tình tự yêu nước và
yêu Đảng vào làm một.
Điều này rõ ràng ông học được- không phải từ trường đại học
Louvain- mà từ trường Đảng, trường dạy ngụy biện gian dối có đẳng cấp nhất mà
tôi thường được nghe từ những nhà trí thức đủ loại ở Hà Nội.
Tôi có thể bỏ qua cho ông tất cả những gì ông đã làm, đã nói trước
1975-. Nhưng thật là khó cho tôi không thể dung nhượng được những điều ông nói
và làm sau 1975..
Nói cho cùng, cả Lý Chánh Trung, cả Nguyễn Trọng Văn tiêu biểu
cho một bi kịch của trí thức miền Nam sau 1975.
Có lẽ lời nhận đinh của Nguyễn Văn Trung đáng nhẽ trước tiên phải
được dành ưu tiên cho Lý Chánh Trung- người bạn đồng hành của ông- mới phải:
Tham gia cách mạng là tham gia vào quá trình tự tiêu diệt chính
mình.
Ông chọn một thế đứng chênh vênh như thế ở miền Nam trước 1975
cũng có phần nào hiểu được, nhưng nhiều phần đó chỉ là một ảo tưởng, lãng mạn
chính trị. Nhiều phần là không thực tế. Nếu không nói là ngây thơ, khờ khạo vì
không hiểu được thực tại chính trị.
Ngay từ thời sinh viên khi còn học triết học ở Louvain vào thập
niên 1950 cùng với nhiều sinh viên khác như Trần Văn Toàn, Lê Tôn Nghiêm vv,
ông đã ngả theo khuynh hướng triết học Mác Xít, chống Pháp.
Sự ngả theo như thế hầu như là một cái mốt của giới trí thức trẻ.
Phảỉ tả phái mới được.
Tả khuynh mới được coi là có đầu óc, trí thức. Nó chẳng khác gì
cánh trí thức tả của Pháp như A. Camus, Simone de Beauvoir, J.P. Sartre, André
Gide hay các nhà báo như Bernard B. Fall, J. Lacouture, Stanley Karnow, Alain
Ruscio, David Halberstam, Oriana Fallaci vv..
Và nếu nói theo khoa học bây giờ, người ta tìm thấy trong đầu
con người có những loại Genes đặc biệt như Gène de Dieu, có tên khoa học là
VMT, gène về đồng tính vv . Người có gène tôn giáo này có những khuynh hướng thần
tính, siêu nhiên khó mà cắt nghĩa được. Cái Gène tôn giáo xác định cái căn cước,
cái thần linh ngự trị trong cuộc sống của một người.?.[25]
Nếu đã có những gènes về tôn giáo và đồng tính thì cũng có thể
có những loại Gènes về chống đối, bất mãn và xung đột..Nếu thực sự cũng có những
gènes như vậy thì có thể lý giải được nhiều điều về cá tính con người cũng như
cách hành xử của những người tả phái.
Họ có cái gene bất mãn nên luôn ở thế đối đầu, chống đối.
Phải chăng Lý Chánh Trung về phạm vi tâm sinh lý có một não trạng
bất mãn thường trực và điều đó làm nên cá tính, nhân cách của ông chăng?
Nhưng nói chung, trong số thành phần trí thức thiên tả ngả theo
cộng sản thì theo tôi người tiêu biểu về mọi phương diện là Lý Chánh Trung…Tiêu
biểu của ông có thể về mặt nhận thức, trí thức, về mặt dấn thân nhập cuộc, tiêu
biểu cả về mặt thành thật hoặc không thành thật, tiêu biểu của việc đón chiều
gió, tính cơ hội cũng có, khi nào cần phải lên tiếng và khi nào cần biết im lặng.
Có thể ông không phải là loại người quá khích, hung hăng sốc nổi.
Trái lại điềm tĩnh và cân nhắc mỗi khi phát biểu, đôi khi dè dặt cẩn trọng, có
tính toán, cân nhắc…
Vì ở thế đối lập, ông luôn tỏ ra thái độ từ bất mãn đến chống đối
các chính thể từ Đệ Nhất sang Đệ Nhị Cộng Hòa.
Ông luôn có việc để làm, để chống đối mà không bao giờ sợ thất
nghiệp.
Vậy mà ông đã thất nghiệp sau 1975, vì không có gì để chống đối
nữa.
Chống độc tài, chống kỳ thị tôn giáo, chống gia đình trị, chống
cá nhân ông Diệm, chống chiến tranh, chống Mỹ Ngụy, chống tham nhũng, chống cá
nhân ông Thiệu như tay sai Mỹ.
Nhưng đó là thứ chống một phía.
Không bao giờ dám nhìn nhận sự thật phía cộng sản đang làm gì ?
Chống chán rồi đòi. Đòi tự do, tự do báo chí, đòi dân chủ, đòi
thả tù nhân chính trị, đòi thả những sinh viên theo cộng cộng sản nằm vùng,
ngay cả những đặc công cộng sản. đòi quyền cho phụ nữ..
Chống và đòi. Đó là hai công việc đi đôi với nhau của ông Lý
Chánh Trung.
Còn tiếp....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét