Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2023

TRẦN VÀNG SAO - TRÀO VÀNG SÂN

Trần Vàng Sao là một trong những trường hợp đặc biệt của văn nghệ Việt Nam hiện đại. Với giọng điệu đầy cá tính, một số tác phẩm của anh đã tạo lắm hiệu quả đáng nhớ: Bài thơ của một người yêu nước mình (1967), Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình (1984), Buổi trưa giữa đường tôi ngồi núp mưa (1990) đem lại cho tác giả niềm vinh quang lẫn nỗi hệ luỵ. Bao năm nay, dưới mái nhà ở Vỹ Dạ, cố đô Huế, Trần Vàng Sao còn say sưa vẽ tranh bằng nhiều chất liệu.
Tôi thỉnh thoảng về Huế, khá thú vị khi gặp Trần Vàng Sao. Nâng tách trà, chung rượu, hoặc ly bia, chúng tôi rổn rảng chuyện nọ nối chuyện kia tưởng không dứt. Đã mấy lần, Trần Vàng Sao tặng tôi tranh do anh vẽ. Bức thì đậm nhạt bút chì. Bức thì ngoằn ngoèo mực xạ. Bức lại tung tẩy bột màu.
Xin ghi lại cuộc chuyện vãn giữa Trần Vàng Sao với tôi bên bờ sông Hương mới đây.

* Hình như cuộc đời Trần Vàng Sao luôn gắn kết với lắm ngộ nhận, xuất phát bởi nhiều lý do. Năm anh lọt lòng là ví dụ đơn giản. Phải rứa không hè?
- Đúng. Giấy tờ ghi mình sinh ngày 12-12-1942. Nhưng thực sự thì mình chào đời năm Tân Tị 1941.

* Vỹ Dạ là sinh quán và trú quán của anh. Còn nguyên quán?
- Làng Đông Xuyên, thôn Quảng An, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Để nhớ nguyên quán, vợ chồng mình dùng địa danh Đông Xuyên đặt tên cho đứa con trai.

Anh sáng tác thơ từ bao giờ? Anh vẽ vời hồi nào? Anh cộng tác với báo chí từ thuở sinh viên ư?
- Trẻ con nào mà không vẽ? Mình chẳng phải ngoại lệ. Sau ni, nhiều lúc trơ trọi một mình, càng hì hục vẽ. Do không qua đào tạo, nên lắm phen mình rất lúng túng khi xử lý chất liệu. Như thuở mới chơi bột màu, mình không biết hoà trộn với keo dính nên vẽ xong một thời gian ngắn, bức tranh bị bong lở tả tơi! Còn thơ, mình bắt đầu mần từ năm 1959, lúc học lớp đệ tam, bữa ni là lớp 10, trường Quốc Học. Với báo chí thì từ thời học sinh, kéo dài sang thời sinh viên, mình đã viết bài đăng tập san Lành Mạnh. Chẳng hạn loạt bài điểm sách, như điểm các tập thơ Hoa đăng của Vũ Hoàng Chương, Hoa cô độc của Ngô Kha, Chuyện của nàng của Dương Diên Nghị, v.v.

Kỷ niệm của anh về thuở lên rừng rồi ra Bắc?
- Tại Huế, mình với Nguyễn Thiết, Lê Minh Trường, Nguyễn Đình Nghĩa, Lê Văn Sắc, v.v., in và rải truyền đơn chống đế quốc Mỹ xâm lược. Bị lộ, cảnh sát lùng sục, rứa thì mình phải lên xanh vào tháng 6-1965. Ở trên rừng, quá nhớ Huế, nhưng mình chẳng được về Huế, ngay cả dịp Tết Mậu Thân 1968. Chẳng may mình bị thương, lại thêm loét dạ dày, phải ra Bắc điều trị năm 1970. Hồi ký Tôi bị bắt do mình viết năm 1993 đã kể lại thời gian mình bị rơi vào hoàn cảnh quá đỗi éo le tại miền Bắc từ năm 1972 đến mãi sau này.

* Dẫu sao, bây giờ anh cũng có lương hưu.
- Ngày 16-8-1981, mình nghỉ công tác tại Uỷ ban nhân dân (UBND) xã Hương Lưu. Quyết định thôi việc của mình do ông Nguyễn Đức Hân — Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế — ký ngày 20-5-1982. Ban đầu, mình nhận trợ cấp hằng tháng 44 đồng 9 xu. Ngày 1-7-1986, Sở Thương binh - Xã hội Bình Trị Thiên xét lại trường hợp mình, cho hưởng trợ cấp hưu trí hằng tháng 217 đồng 5 hào. Bữa ni thì mức lương hưu mình mỗi tháng 1,6 triệu đồng.

* Kể tí chút về bà xã Nguyễn Thị Hay cùng các con của anh được chăng?
- Hay rất… hay. Nàng người làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang. Nhà vườn của ông bà ngoại nàng hiện chừ trở thành di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống giai đoạn 1898-1900. Cha nàng lại là trung tá chế độ cũ, từng làm quận trưởng Phú Vang. Tháng 1-1976, hai đứa cưới nhau. Lúc đó, Hay học lớp Y tế xã ở trường Trung học Y tế Bình Trị Thiên. Năm 1977, đẻ con gái đầu lòng, tên thân mật là Bồ Câu, giấy tờ thì Nguyễn Cát Hiên. Đến tháng 4-1979, Hay tốt nghiệp Trung học Y tế, tháng 6-1979 đi làm ở trạm y tế phường Vĩnh Lợi, đầu năm 1980 thì nàng nghỉ, ra Vinh (Nghệ An) buôn bán nào cà phê bột, nào phân đạm, nào bút chì, nhưng lỗ nặng, bèn về Huế bán lẻ thuốc lá và bánh kẹo, rồi buôn bán trái cây, rồi gánh thuê nước đá tại chợ Đông Ba, rồi nấu bánh canh bán nhiều nơi nhằm mưu sinh qua ngày. Năm 1982, đẻ con thứ nhì, trai, tên thân mật là Bờm, giấy tờ thì Nguyễn Đông Xuyên. Nay, Bồ Câu đã có chồng với 2 con, Bờm đã có vợ với 1 con.

* Bút danh Trần Vàng Sao xuất hiện bao giờ? Anh sáng tác Bài thơ của một người yêu nước mình trong hoàn cảnh nào?
- Nhiều người tưởng mình ký bút danh Trần Vàng Sao lúc ở côi ngàn. Không phải mô. Mình chọn bút danh Trần Vàng Sao khi ở Huế, từ bài thơ Khởi hành. Tập san Nhận Thức đăng tác phẩm ni, nhưng ban biên tập lo ngại lộ bí mật nên giản lược Trần Vàng Sao thành Trần Sao. Tháng 6-1965, mình lên rừng. Cuối năm 1967, mình bị sốt, phải vô trạm xá chiến khu để điều trị. Lúc đó, Ban Tuyên huấn Thành ủy Huế thực hiện tập văn thơ Nổi lửa. Anh em tới trạm xá hỏi bài, mình viết ngay một mạch Bài thơ của một người yêu nước mình, kể toàn chuyện đời mình.[*] Cuối bài thơ, mình ghi rõ ngày sáng tác: 19-12-1967. Tập Nổi lửa được in ronéo theo phương pháp thủ công ở chiến khu, chỉ mấy chục bản. Không hiểu bằng cách chi mà Bài thơ của một người yêu nước mình của Trần Vàng Sao được phổ biến nhanh chóng và sâu rộng.

Nhưng nói lái bút danh Trần Vàng Sao thì hiển hiện số phận anh cực kỳ nhọc nhằn gay cấn: Trào Vàng Sân!
Bài thơ của một người yêu nước mình được văn đàn cùng bạn đọc miền Nam lẫn miền Bắc khen ngợi. Sách 100 bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỷ XX(NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2007) đã in bài này. Rứa mà năm 1976, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế ấn hành Huế từ ấy, tập thơ chọn lọc nhiều tác giả, thì nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nói rằng nhạc sĩ Trần Hoàn muốn mình đừng ký Trần Vàng Sao mà ký Nguyễn Đính. Mình cự: “Đăng hay không là quyền anh. Đổi tên tác giả là quyền tôi. Tôi không bao giờ đổi tên Trần Vàng Sao. Nếu đăng, anh không đươc quyền đổi tên tác giả.” Lúc đó, báo Văn Nghệ Giải Phóng in lại Bài thơ của một người yêu nước mình với bút danh Trần Vàng Sao. Do đó, Trần Hoàn — lúc nớ mần Trưởng ty Văn hoá tỉnh Thừa Thiên — đồng ý giữ nguyên bút danh Trần Vàng Sao ở 2 bài thơ Nổi thêm lửa căm thù và Bài thơ của một người yêu nước mình trong tập Huế từ ấy. Sau, nhờ bạn bè, mình thỉnh thoảng đăng thơ trên tạp chí Sông Hương, nhưng mấy lần mắc nạn. Tháng 7-1988,Sông Hương 32, số kỷ niệm 5 năm tạp chí ra đời, đăng bức tranh mình tự hoạ và bài thơ Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình. Tháng 4-1990,Sông Hương 42 đăng 3 bài thơ của mình là Buổi trưa giữa đường tôi ngồi núp mưa, Những điều có khi hôm nay bỏ qua không nhớ, Lúc đó thế này em ơi. Ối chao ôi! Mấy sáng tác nớ bị quan chức cùng báo in, đài phát thanh và truyền hình ở địa phương xỉ vả thậm tệ, có kẻ dám lăng nhục mình là chó!

Vẽ tranh thì anh lại ký Nguyễn ĐínhTrong nghệ thuật tạo hình, đề tài nào khiến anh cảm thấy thú vị nhất?
- Tranh, có những bức mình chép, có những bức mình sáng tạo ít nhiều. 10 bức tranh chăn trâu do mình chép lại Thập mục ngưu đồ từ sách Thiền. Bồ Đề Đạt Ma và bài tới, thoạt tiên mình chép, dần dà mình bóc tách một số hoạ tiết rồi bố cục theo ý riêng. Cuối mỗi năm âm lịch, mình vẽ con vật chuẩn bị cầm tinh năm mới để treo chơi Tết. Năm trước, Mậu Tý 2008, con chuột. Năm ngoái, Kỷ Sửu 2009, con trâu. Năm ni, Canh Dần 2010, con cọp. Năm tới, Tân Mão 2011, con mèo. Bìa và một số trang ruột sách Tuyển tập truyện cười của Hoàng Thiếu Phủ (NXB Trẻ, 1995) sử dụng tranh mình vẽ lại bộ bài tới. Với bản thân mình, thích nhất vẫn là vẽ sư tổ Đạt Ma, Phanxipăng nờ.

http://www.tienve.org/home/images/bodedatma-tvs.jpg
Bồ đề Đạt Ma
Tranh: Nguyễn Đính (tức Trần Vàng Sao)


------------
PHỤ LỤC:
Dưới đây là bốn bài thơ của Trần Vàng Sao, trích từ tập Bài thơ của một người yêu nước mình (Nhà xuất bản Giấy Vụn, Sài Gòn, 2009).

Bài thơ của một người yêu nước mình

Buổi sáng tôi mặc áo đi giày
                                   ra đứng ngoài đường
Gió thổi những bông nứa trắng bên sông
Mùi toóc khô còn thơm lúa mùa qua
Bầy chim sẻ đậu trước sân nhà
Những đứa trẻ đứng nhìn ngấp nghé
Tôi yêu đất nước này như thế
Mỗi buổi mai
Bầy chim sẻ ngoài sân
Gió mát và trong
Đường đi đầy cỏ may và muộng chuộng
Tôi vẫn sống
            vẫn ăn
                  vẫn thở
                           như mọi người

Đôi khi chợt nhớ một tiếng cười lạ
Một câu ca dao buồn có hoa bưởi hoa ngâu
Một vết bùn khô trên mặt đá
Không có ai chia tay
Cũng nhớ một tiếng còi tàu.
Mẹ tôi thức khuya dậy sớm
Năm nay ngoài năm mươi tuổi
Chồng chết đã mười mấy năm
Thuở tôi mới đọc được i tờ
Mẹ thương tôi mẹ vẫn tảo tần
Nước sông gạo chợ
Ngày hai buổi nhà không khi nào vắng người đòi nợ
Sống qua ngày nên phải nghiến răng
Cũng không vui nên mẹ ít khi cười
Những buổi trưa buổi tối
Ngồi một mình hay khóc
Vẫn thở dài mà không nói ra
Thương con không cha
Hẩm hiu côi cút
Tôi yêu đất nước này xót xa
Mẹ tôi nuôi tôi mười mấy năm không lấy chồng
Thương tôi nên ở góa nuôi tôi
Những đứa nhà giàu hằng ngày chửi bới
Chúng cho mẹ con tôi áo quần tiền bạc,
                                                        như cho một đứa hủi
Ngày kỵ cha họ hàng thân thích không ai tới
Thắp ba cây hương
Với mấy bông hải đường
Mẹ tôi khóc thút thít
Cầu cha tôi phù hộ tôi nên người
Con nó còn nhỏ dại
Trí chưa khôn chân chưa vững bước đi
Tôi một mình nuôi nó có kể chi mưa nắng
Tôi yêu đất nước này cay đắng
Những năm dài thắp đuốc đi đêm
Quen thân rồi không ai còn nhớ tên
Dĩ vãng đè trên lưng thấm nặng
Áo mồ hôi những buổi chợ về
Đời cúi thấp
Giành từng lon gạo mốc,
Từng cọng rau hột muối
Vui sao khi con bữa đói bữa no
Mẹ thương con nên cách trở sông đò
Hàng gánh nặng phải qua cầu xuống dốc
Đêm nào mẹ cũng khóc
Đêm nào mẹ cũng khấn thầm
Mong con khôn lớn cất mặt với đời
Tôi yêu đất nước này khôn nguôi
Tôi yêu mẹ tôi áo rách
Chẳng khi nào nhớ tuổi mình bao nhiêu.
Tôi bước đi
Mưa mỗi lúc mỗi to,
Sao hôm nay lòng thấy chật
Như buổi sáng mùa đông chưa thấy mặt trời mọc
Con sông dài nằm nhớ những chặng rừng đi qua
Nỗi mệt mỏi, rưng rưng từng con nước
Chim đậu trên cành chim không hót
Khoảng vắng mùa thu ngủ trên cỏ may
Tôi yêu đất nước này những buổi mai
Không ai cười không tiếng hát trẻ con
Đất đá cỏ cây ơi
Lòng vẫn thương mẹ nhớ cha
Ăn quán nằm cầu
Hai hàng nước mắt chảy ra
Mỗi đêm cầu trời khấn phật, tai qua nạn khỏi
Tôi yêu đất nước này áo rách
Căn nhà dột phên không ngăn nổi gió
Vẫn yêu nhau trong từng hơi thở
Lòng vẫn thương cây nhớ cội hoài
Thắp đèn đêm ngồi đợi mặt trời mai
Tôi yêu đất nước này như thế
Như yêu cây cỏ ở trong vườn
Như yêu mẹ tôi chịu khó chịu thương
Nuôi tôi thành người hôm nay
Yêu một giọng hát hay
Có bài mái đẩy thơm hoa dại
Có sáu câu vọng cổ chứa chan
Có ba ông táo thờ trong bếp
Và tuổi thơ buồn như giọt nước trong lá sen
Tôi yêu đất nước này và tôi yêu em
Thuở tóc kẹp tuổi ngoan học trò
Áo trắng và chùm hoa phượng đỏ
Trong bước chân chim sẻ
Ngồi học bài và gọi nhỏ tên tôi
Hay nói chuyện huyên thuyên
Chuyện trên trời dưới đất rất lạ
Chuyện bông hoa mọc một mình trên đá
Cứ hay cười mà không biết có người buồn.
Sáng hôm nay gió lạnh vẫn còn
Khi xa nhà vẫn muốn ngoái lại
Ngó cây cam cây vải
Thương mẹ già như chuối ba hương
Em chưa buồn
Vì chưa rách áo
Tôi yêu đất nước này rau cháo
Bốn ngàn năm cuốc bẫm cày sâu
Áo đứt nút qua cầu gió bay
Tuổi thơ em hãy giữ cho ngoan
Tôi yêu đất nước này lầm than
Mẹ đốt củi trên rừng cha làm cá ngoài biển
Ăn rau rìu rau éo rau trai
Nuôi lớn người từ ngày mở đất
Bốn ngàn năm nằm gai nếm mật
Một tấc lòng cũng trứng Âu Cơ
Một tiếng nói cũng đầy hồn Thánh Gióng.
Tôi đi hết một ngày
Gặp toàn người lạ
Chưa ai biết chưa ai quen
Không biết tuổi không biết tên
Cùng sống chung trên đất
Cùng nỗi đau chia cắt Bắc Nam
Cùng có chung tên gọi Việt Nam
Mang vết thương chảy máu ngoài tim
Cùng nhức nhối với người chết oan ức
Đấm ngực giận hờn tức tối
Cùng anh em cất cao tiếng nói
Bản tuyên ngôn mười bốn triệu người đòi độc lập tự do
Bữa ăn nào cũng phải được no
Mùa lạnh phải có áo ấm
Được nói cười hát ca yêu đương không ai cấm
Được thờ cúng những người mình tôn kính
Hai mươi năm cuộc đời chưa khi nào định.
Tôi trở về căn nhà nhỏ
Đèn thắp ngọn lù mù
Gió thổi trong lá cây xào xạc
Vườn đêm thơm mát
Bát canh rau dền có ớt chìa vôi
Bên hàng xóm có tiếng trẻ con khóc
Mẹ bồng con lên non ngồi cầu Ái tử
Đất nước hôm nay đã thấm hồn người
Ve sắp kêu mùa hạ
Nên không còn mấy thu
Đất nước này còn chua xót
Nên trông ngày thống nhất
Cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam
Cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc
Lòng vui hôm nay không thấy chật
Tôi yêu đất nước này chân thật
Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi
Như yêu em nụ hôn ngọt trên môi
Và yêu tôi đã biết làm người
Cứ trông đất nước mình thống nhất.

(19-12-1967)


Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình

1.

tôi tuổi tỵ
năm nay bốn mươi ba tuổi
thường không có một đồng trong túi
buổi sáng buổi chiều
thứ hai thứ ba thứ bảy chủ nhật
trong nhà ngoài sân với hai đứa con
cây cà cây ớt
con chó con mèo
cái đầu gãy cái tay gãy của con búp bê
cọng cỏ ngọn lá vú sữa khô
thúng mủng chai chén sách vở quần áo mũ nón cuốc rựa trên ghế dưới bàn
hai ba ngày một tuần một tháng có khi không đi đâu hết
một hai ba giờ sáng thức dậy ngồi vác mặt ngó trời nghe chó sủa
miếng nước trà mốc nguội có mùi bông lài rát cổ
cũng không có chi phiền
vấn một điếu thuốc hút
hai ba lần tắt đỏ
rồi nửa chừng rách giấy
bạn bè gặp nhau
cho uống một ly cà phê
một lần
qua hai lần phải tránh
không phải ai cũng nghĩ như mình
nhiều đứa vui gặp nhau cho năm ba đồng một chục
đưa tay cầm lấy
miệng nói không được

2.

tôi thấy tôi như người tù được thả rông
lang thang giữa đường giữa phố
nhìn hết mọi người
xem mình lâu ngày mặt mũi có khác người không
tôi đi lui
tôi đi tới
phố phường đông chật
tiếng cười tiếng la tiếng nói tiếng xe cộ
chẳng có ai quen thử nói chào tôi một tiếng
tôi đưa hai tay lên đầu vuốt tóc
lấy chân hất một hòn đá
cúi xuống nhìn mấy bao thuốc không bên lề đường
rồi đi về
qua cầu dép sút một quai
tôi không muốn nhớ gì hết

3.

tôi ngồi trên hòn đá trước nhà
buổi chiều không có một con chim đậu trên cây
đám trẻ con chia phe bắn nhau cười la ngoài sân
đứa sống đứa chết cãi nhau ăn gian chửi thề
những người đi bán về nói chuyện to
hai đứa nhỏ nhà bên cạnh cầm đèn che miếng lá chuối
qua xin lửa hỏi tôi nấu cơm chưa
tôi cười lắc đầu muốn đi ngủ
trong gió có mùi rơm cháy
tôi không biết làm gì hết
tôi bỏ hai chân ra khỏi dép cho mát
đám trẻ con bỏ chơi chạy theo phá đàn trâu bò đi qua
tôi bước vào nhà mở rộng hai cánh cửa lớn thắp một cây đèn để lên bàn thờ
hai đứa con ra ngoài đường chờ mẹ chưa về
trời còn lâu mới tối
tôi đi gánh một đôi nước uống

4.

tôi sống yên ổn với những việc làm hàng ngày của mình
không định được ngày mai
có một đồng để mua cho con nửa cái bánh tráng hay hai cái kẹo gừng
có hai đồng cất dưới chân đèn trên bàn thờ
           lỡ khi hết dầu thắp tới bữa thiếu ruốc hết bột ngọt
mả cha cuộc đời quá vô hậu
cơm không có mà ăn
ngó lui ngó tới không biết thù ai
những thằng có thịt ăn thì chẳng bao giờ ỉa vất

5.

lâu ngày tôi thấy quen đi
như quen thân thể của mình
tiếng ho gà nửa đêm của những đứa bé chưa đầy hai tuổi
buổi chiều không có cơm ăn
những con ruồi ăn nước mũi khô trên má
           những đứa đau quan sát những con chuột
                                  chết lòi ruột ở bến xe đò
những tiếng cha mẹ vợ chồng anh em con cái chửi bới la hét trong bữa ăn
người điên ở trần đứng làm thinh giữa trời mưa ngoài chợ
những ngày hết gạo hết tiền hết củi
          muối sống không còn một hột của tôi
những trách canh rau khoai tháng năm không có bột ngọt
hai mắt tôi mở to
đầu tôi cúi thấp
miệng tôi há ra
những lá khoai nhám và rít mắc vài hột cơm
                               dồn cứng chật cuống họng

nói thật lúc này tôi muốn được say rượu
họa may thấy một đồng thành ba bốn đồng

6.

nhiều khi tôi quá chán
chân tay rã rời
đầu óc đau nhức
không muốn làm gì hết
mấy đứa nhỏ chơi buôn bán bỏ đi đâu không biết
                                           để đất đá lá cây đầy nhà
tôi dựa cửa ngồi yên một chỗ
dụi mắt nghĩ hết chuyện này tới chuyện khác
nói chi tới những đứa đã chết trên rừng giữa phố
bạn bè có đứa giàu đứa nghèo
đứa ngụy đứa cách mạng
đứa của tiền ăn tiêu mấy không hết
đứa không có được một cái áo lành
đứa đi kinh tế mới ba bốn bảy tám năm
                            trở về xách một cái bị lát
mặt cắt không có một hột máu
đứa đạp xe thồ ngồi vắt chân ăn củ sắn
                            chờ khách ở bến xe
đứa vô tích sự ở nhà không có việc chi làm
có đứa râu tóc dài che kín mặt
có đứa tàng không nhớ mình tên chi
có đứa chịu không nổi dắt vợ con vào nam
                                             ăn chợ ngủ đường
mỗi lần gặp nhau mở to mắt cười hút một điếu thuốc
hết chuyện nói

hai đứa con đi chơi về cười nói
đứa nhỏ bắt tôi đánh trống
             cho nó làm ông địa múa thiên cẩu

7.

cái trống lon mặt ni lông và hai chiếc đũa tre
tôi đánh
múa đi các con
này đây cái nón gãy vành làm đầu thiên cẩu
và sợi dây chuối treo ngọn lá làm tiền
múa đi các con
cái bụng ông địa to tròn giơ lỗ rún gài nút áo không được
ông địa chống tay vỗ bụng ngửa mặt lên trời cười ha ha
tôi vỗ tay hoan hô
và không biết mình có nhớ ra được
                             cái mặt ông địa không

(tháng 9 năm 1984)


Những điều có khi hôm nay bỏ qua không nhớ

những điều hôm nay có khi bỏ qua không nhớ
như ăn miếng cơm có hột sạn nhả ra trên bàn tay nhìn một lúc hắt xuống đất
rồi và miếng khác
như mặc trái cái quần cột dây lưng
sáng sớm đi ra vườn con sâu rớt trên áo
nắng buổi trưa một nửa trên tàu lá chuối
cái đuôi con thằn lằn rớt giữa nhà
đầu hôm chó sủa lảng ngoài cửa ngõ
những mảnh chai mảnh chén trên vạt đất mới cuốc lật
con mèo ngồi trên cái ghế đẩu dưới tấm cửa chống
tiếng chuột đuổi nhau nửa đêm trên mái nhà
có ai ở nhà bên cạnh kêu tên
cây cỏ lùng mọc dưới nước chết khô
những cọng rơm rớt vãi giữa đường
hai con trâu nằm nhai cỏ đầu ngã ba sợi dây dắt mũi chảy nước
con nhện sa trước mặt
tiếng trẻ con ru em buổi trưa trời nắng
những điều đó bỏ đi có khi tình cờ thấy lại
không kể năm
không kể tháng
không kể ngày
những bãi phân trâu trời mưa nước đọng vũng ở giữa
chiếc chiều rách phơi ngoài hàng rào
cái lưng ướt mồ hôi của đứa con gái đi qua trước mặt
tôi đứng yên một lúc
những miếng vá làm cho hai ống quần của tôi dày thêm và cứng lại
có chín mười giờ rồi
đèn hêt dầu
tôi lấy chai ra đường kêu cửa mua chịu
người bán hàng dim mắt ngó tôi đứng ngoài tối
mấy đứa bán bánh về gặp tôi giữa đường hỏi tôi đi chơi
trời mưa chưa to
đường đi có tiếng người

không biết ở nhà người khác về tôi có bỏ quên gì không
tôi cứ nhìn phía trước
gặp người quen chào đi khỏi một lúc lâu mới nhớ
tôi bỏ hai bàn tay vào túi quần xóc xóc đồng bạc kên
không biết mua cái gì cho con
con chuồn chuồn hết đạp nước rồi đậu trên dây thép gai
con bò kéo xe chở gạch bước lách cách
người đánh xe đội trụp cái mũ levis ngồi dựa ngửa hút thuốc
buổi chiều nước sông không có mặt trời
tôi xoa hai đồng bạc kên trên mấy đầu ngón tay

năm năm
mười năm
hai ba mươi năm
những nồi canh chuối cau trộn bột sắn khô đang nóng húp vội vàng
chảy mồ hôi nước mắt
ăn rồi ra đứng dựa cửa nhìn người đi qua đi lại
bạn bè gặp nhau cứ nói chuyện trên trời
miếng vá nơi quần lâu ngày chỉ đứt không biết
tôi tưởng tôi dại và quá tội
những điều bỏ qua khi không nhớ lại
con kiến cắn ở sau lưng
tay không với tới được
cuộc đời kể cũng vui

(ngày 20 tháng 3 năm 1985)


Buổi trưa giữa đường tôi ngồi núp mưa

rồi tôi chỉ còn lại có một mình em
như thằng điên tự vẽ mặt mình hề ngồi núp mưa trong góc phố
buổi trưa không có người đi qua đi lại tôi ngó cho đỡ buồn
tôi sẽ đi hết cơn mưa này tối tăm mặt mũi
em sẽ là người cuối cùng tôi còn nhớ lại
da tóc và lông lá
những giọt nước mưa chảy trong kẽ ngón chân
tôi rùng mình
trời mưa lâu quá
em không đi qua ngã này cho tôi thấy em ướt hết
tôi không còn tham lam gì nữa
tôi muốn ngồi ở đây rồi ngủ quên
một người
hai người
mưa như to thêm
một ngàn một vạn muôn vạn ức triệu người chết
hôm qua
hôm nay
mai mốt nữa
Timishoara Budapest Praha Berlin Bucarest Sofia Siberia Thiên An Môn
súng máy súng trường dao găm lựu đạn
xe tăng thiết giáp
thuốc độc thuốc mê
chết đứt đầu chết mất xác
chết bị moi óc
chết bị móc mắt
chết như kiến chết
chết ruồi bu kiến đậu
chết không kịp ngáp
chết buổi sáng
chết buổi trưa
chết buổi chiều
chết lúc nửa đêm
chết oan ức
chết tức tối
chết nghiến răng
chết trợn mắt
chết trong tù
chết ngoài đồng
chết giữa đường phố
chết trong hầm mỏ
chết một mình
chết tập thể
chết không có giấy đắp mặt
chết không ai chôn
chết hết đường chết
chết trần truồng như cha mẹ sinh ra
lúc đó
kẻ giết người không đeo mặt nạ
kẻ giết người không làm dấu thánh
kẻ giết người không lần tràng hạt nam mô
kẻ giết người đứng đọc diễn văn
kẻ giết người hô nhân dân muôn năm
kẻ giết người cười
kẻ giết người sửa lại cổ áo
súng máy xả vào đám đông
nhân dân tôi muôn năm
lúc đó
không còn tiếng người la hét nữa

trời mưa to thêm
một người đàn ông bên kia đường chạy qua đứng chen chân vào chỗ tôi ngồi
người đàn ông nhìn tôi
tôi không nghe tiếng người đàn ông nói
tôi đứng dậy hút thuốc bước ra ngoài
người đàn ông ngồi vào chỗ tôi
tấm băng khẩu hiệu giăng giữa hai cột điện nước trôi còn hai chữ muôn năm không có N
không biết ở nhà mấy đứa con có lấy áo quần phơi ngoài dây thép vào không


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét