Chuyến thăm nước Mỹ của chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang
đang thu hút nhiều bình luận và đồn đoán của công luận. Chuyến đi có gì mới hay
chỉ là một động tác bình thường trong bang giao quốc tế?
Thế đứng chông chênh của VN
Chuyến bay của đoàn Việt Nam do chủ tịch nước Trương Tấn
Sang dẫn đầu đã hạ cánh trên đất Mỹ, lần thứ hai kể từ khi cuộc chiến Việt Nam
kết thúc, một người đứng đầu nhà nước Việt Nam thăm nước Mỹ. So với người tiền
nhiệm là ông Nguyễn Minh Triết, chuyến đi lần này của ông Sang có vẻ được quan
tâm nhiều hơn, các bài viết về chuyến đi này trên truyền thông, cộng với nhiều
lời đồn đoán trên mạng internet, mà hồi thời ông Triết tại vị chưa phát triển
như hiện nay, làm cho không khí rộn ràng hơn, ít nhất trong không gian Việt ngữ,
dù biết rằng thủ đô chính trị của nước Mỹ cũng đã quá rộn ràng sau hàng lọat vấn
đề làm đau đầu giới hành pháp và ngọai giao, từ Snowden đến Zimmerman, và hậu sự
Benghazi hình như cũng còn nhiều lấn cấn.
Bên cạnh vấn đề nhân quyền và tôn giáo cố hữu của nhà nước
Việt Nam như một căn bệnh mãn tính, thì có lẽ nguyên nhân quan trọng nhất làm
dư luận quan tâm đến chuyến đi này là thế đứng chông chênh của nước Việt Nam hiện
tại giữa hai cường quốc, một bên là nước Mỹ cựu thù có vẻ mệt mỏi vì đa đoan thế
sự, bên kia là người anh em thù hận ngàn năm nhưng cùng ý thức hệ là Trung Hoa
đang hồi sinh, lắm tiền nhiều của do xuất khẩu đồ tiêu dùng, dù mới chỉ có tàu
sân bay giả nhưng cũng đã lên vũ trụ. Nước Mỹ thì ở xa nhưng nhiều hấp dẫn với
một tiềm lực kinh tế mạnh mẽ và gần hai triệu người Việt vẫn hằng ngày đọc tin
tức từ Việt Nam. Nước Trung Hoa gần bên nhưng thiếu đất và khát tài nguyên, lăm
le muốn tạo nên cuộc chơi mới trên bàn cờ thế giói Made in China.
Trước chuyến thăm này chỉ vài tuần lại là chuyến thăm
cũng của ông Trương Tấn Sang đến Bắc Kinh làm nhiều người quan tâm đến thế sự nảy
sinh đồn đoán rằng thì là do Bắc Kinh mà có Washington, rằng Bắc Kinh o ép quá
nên ông Sang và chính phủ Việt Nam phải tức tốc sang Hoa Kỳ. Và trước đó nữa là
liên tục các vụ tấn công ngư dân Việt Nam của người Trung quốc trên Biển đông.
Kết thúc chuyến đi Bắc Kinh vẫn là những lời tuyên bố thắm
tình hữu nghị theo công thức cộng sản, tuy nhiên người lạc quan vẫn hy vọng,
như tiến sĩ Nguyễn Nhã, một người nghiên cứu về Biển Đông phát biểu với Nam
Nguyên sau chuyến thăm Bắc Kinh của ông Sang như sau,
“Mọi người đều biết rõ ý đồ Trung Quốc hiện nay như thế
nào ở Biển Đông cũng như trên thế giới. Dĩ nhiên Việt Nam là một nước nhỏ và ở
bên cạnh Trung Quốc. Tôi nghĩ những hoạt động của Chủ tịch nước Trương Tấn
Sang, cũng như tất cả các hoạt động ngoại giao thì chắc chắn sẽ góp phần làm
cho căng thẳng ngày càng giảm đi, nhưng trong thực tế chính trị là vấn đề rất
phức tạp.”
Chính trị càng phức tạp hơn nữa khi ngòai quan hệ giữa
hai quốc gia bình thường với các xung khắc quyền lợi của chúng, Việt Nam và
Trung quốc lại cùng chia sẻ (hoặc có thể làm ra vẻ chia sẻ) một ý thức hệ, cùng
một cách cai trị mà không còn tồn tại ở bất cứ đâu trên thế giới này ngòai hai
nơi khá kỳ cục là Bắc Hàn và Cuba. Một hệ thống tòan trị đã phủ lên nước Việt
nam hơn nửa thế kỷ qua, đi sâu vào từng ngóc ngách thôn xóm, một di sản lịch sử
mà những cái đầu duy lý nhất chắc chắn sẽ rất cẩn trọng khi muốn tháo dỡ.
Ngoài ra, định mệnh đã cho dân tộc Việt Nam một vị trí địa
chính trị đầy sôi động và phức tạp. Vài ngàn năm trước, đất Việt chính là mối
tiếp nối giữa hai thế giới, một bên là Trung Hoa của Khổng giáo tôn ti trật tự
cùng những cuộc chinh phục bằng cơ bắp, còn bên kia là Ấn độ mưa mùa hay chinh
phục người khác bằng triết lý và thơ ca. Vài trăm năm trước đây, Việt Nam lại
là nơi giằng xéo giữa một bên là đế quốc Đại Thanh mòn mỏi với những lề thói
già nua, còn bên kia là chủ nghĩa tư bản phương Tây đang lên đầy sức sống. Và
chỉ mới mấy chục năm nay thôi, đất nước này đã từng là ranh giới khốc liệt giữa
thí nghiệm cộng sản và phần còn lại của thế giới.
Có vẻ một lần nữa nước Việt lại đứng giữa hai thế giới với
chính sách chuyển trục sang Á Châu của nước Mỹ được khẳng định trong vài năm gần
đây.
Làm sao để cân bằng?
Trong tương quan địa chính trị, quyền lợi, ý thức hệ đầy
phức tạp như thế, Việt Nam đã và đang tìm thế cân bằng giữa hai cường quốc đứng
đầu thế giới hiện nay. Tiến sĩ Vũ Tường, khoa chính trị Đại học Oregon, nói
chuyện với chúng tôi từ Việt Nam,
“Vấn đề Việt Nam sử dụng chính sách đu dây đã được nói đến
từ lâu. Tôi không có kỳ vọng vào chuyến thăm này.”
Tuy nhiên cũng có một vài khác lạ trong chi tiết về phái
đòan của chủ tịch nước lần này đến Washington. Trước ngày ông Sang lên đường đã
có một bức thư của nhiều nhân sĩ trí thức trong nước nhắn nhủ ông nhân cơ hội
này tìm cách giải “Hán hóa”, ý nói thóat ra khỏi ảnh hưởng của người Trung quốc.
Trong đòan cũng có nhiều chức sắc tôn giáo, rõ ràng là sang Mỹ với mục đích tìm
kiếm sự đối thọai với cộng đồng Việt Nam tại Mỹ về những vấn đề nhân quyền và
tôn giáo, điều mà chính giới Mỹ lúc nào cũng gây sức ép lên chính quyền của tổng
thống Mỹ.
Sự hiện diện của nhóm người này chưa biết có gây nên hiệu
quả nào lớn hơn chuyến thăm lần trước của chủ tịch Triết hay không, nhưng đó có
lẽ là một tín hiệu cho thấy những người cầm quyền Việt Nam coi trọng hơn sự vận
động chính trị tại Mỹ, chứ không đơn thuần nghĩ rằng chỉ cần tư bản Mỹ vào Việt
Nam là đủ. Bên cạnh đó, sức ép của những ý kiến chống lại sự thân tình cộng sản
Việt-Hán cũng dường như ngày càng mạnh lên với bức thư của các nhân sĩ trí thức,
dù nó chỉ mới được biết đến bởi những ai tiếp xúc được với internet.
Cách đây hơn 2000 năm, sử gia Hy lạp là Thucydides có viết
về mối liên quan giữa một đế quốc và một tiểu quốc bên cạnh như sau: Khi thế giới
chuyển động thì chỉ có một vấn đề trong sự tương quan sức mạnh, kẻ mạnh làm cái
gì mà họ muốn, còn kẻ yếu chịu đựng cái gì họ phải chịu.
Trong trường hợp Việt nam, sự chịu đựng đó còn trầm trọng
hơn bởi trò đu dây giữa một rừng gươm giáo. Một bên là những tôn ti trật tự cũ
cộng với sự cầm quyền của ý thức hệ, một bên là xã hội mở nhiều hấp dẫn nhưng
cũng gây lo âu vì niềm tin không đủ lớn.
Cách đây hơn mười năm, một sử gia người Nhật chuyên
nghiên cứu về Việt Nam là giáo sư Tsuboi từ đại học Waseda đã khái quát tình
hình nước Việt Nam thời Tự Đức, thời kỳ chuyển tiếp quan trọng của Việt Nam,
trong một cuốn sách có nhan đề: Nước Đại Nam giữa đế quốc Pháp và Trung Hoa.
Nay, Trung hoa không còn là Đại Thanh nữa, Hoa Kỳ cũng chẳng phải là đế quốc của
Napoleon đệ tam, nhưng chủ đề Việt Nam giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa có thể là viễn
cảnh sẽ còn kéo dài chưa thấy đường chân trời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét