Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

BIÊN KHẢO: TỪ CHIẾN TRƯỜNG KHE SANH ĐẾN CHIẾN DỊCH MẬU THÂN 1986


1-   Tình hình tổng quát: 
Vào cuối năm 1967, các mặt trận khắp 4 Vùng Chiến Thuật tại Nam Việt Nam bùng nổ những trận đánh dữ dội, chứng tỏ mức độ “leo thang” cuả chính sách quân sự cuả Hoa Kỳ tại miền đất nước xa xôi này đã lên đến tột đỉnh. Tuy nhiên, tình hình quân sự tại đây không có gì sáng suả, tốt đẹp như sự mong muốn cuả Ngũ Giác Đài, Quốc Hội, cuả Chính Phủ cũng như nhiều Tướng Lãnh Hoa Kỳ, đã từng hưá hẹn, cam kết với nhân dân, Quốc Hội và dư luận truyền thông Hoa Kỳ khi quân đội tác chiến được ào ạt và liên tục đổ vào Việt Nam.

   2- Oanh tạc Miền Bắc Việt Nam:
* Ngày 30 - 9 - 1967: Phi cơ chiến đấu thuộc Hải Quân Hoa Kỳ oanh tạc dữ dội Cưả Cấm, cách Đông Bắc Hải Phòng 4 dậm, điểm tập trung tầu bè vận chuyển đồ tiếp liệu, quân trang, vũ khí cho lực lượng cộng sản, chính quy và chủ lực địa phương đang chiến đấu tại Miền Nam. Đồng thời không quân Mỹ cũng đánh phá căn cứ không quân cộng sản tại Kiến An, dành cho các phi cơ MIG viện trợ từ Liên Sô, các trại binh cũng tại vùng này, và phá huỷ kho chưá nhiên liệu Phúc Lợi, gần thành phố Vinh.
* Ngày 2 - 10 -1967: Không quân Mỹ mở rộng mức độ đánh phá Miền Bắc Việt Nam, nhắm vào các cầu, đường vận chuyển thực phẩm, quân trang, vũ khí đưa từ Trung Quốc sang, nhắm vào vùng biên giới phiá Bắc.
Trong lúc này, Thượng Nghị Sĩ John Sherman Cooper  (Cộng Hoà) thúc giục Chính Phủ Hoa Kỳ phải tìm cách mở đường thương nghị với cộng sản  (để tìm ra lối thoát vì coi bộ không ăn được rồi) với sự Ngưng oanh tạc Miền Bắc Việt Nam một cách vô điều kiện. Ngược lại, Thượng Nghị Sĩ Gale McGee (Dân Chủ) lại bênh vực đường lối chiến tranh mà chính phủ Hoa Kỳ đang theo đuổi vì đó không phải chỉ là vấn đề an ninh cuả riêng khu vực Việt Nam mà còn cuả cả vùng Đông Nam Á Châu, không thể lui được. Thượng Nghị Sĩ Thomas Kuchel (Cộng Hoà) lên tiếng cảnh cáo “Sự đơn phương ngưng oanh tạc Miền Bắc sẽ vô cùng nguy hiểm vì nó sẽ khuyến khích cộng sản Bắc Việt gia tăng vận chuyện phương tiện chiến tranh đổ vào Miền Nam”. Những bất đồng tương tự như thế ngày càng thêm rõ rệt, sôi nổi trong Quốc Hội Hoa Kỳ.


•    Ngày 12 - 10 -1967: Trong một cuộc họp báo, ngoại trưởng Dean Rusk đề nghị: Quốc Hội nên  tìm ra 1 giải pháp hoà bình tại Việt Nam, ngưng hay giới hạn mức độ oanh tạc Miền Bắc , vận động Liên Hiệp Quốc để đi đến một Hoà Hội Geneva mới (ý nói Hoà Hội Geneva cũ là vụ người Pháp… tháo chạy hồi 1954, chia đôi đất nước Việt Nam.) Hà Nội thì đang tính chuyện sẽ đánh thắng và ăn lớn trong canh bạc này, khi biết rằng Quốc Hội, Chính Phủ và nhân dân Hoa Kỳ không cách nào chịu nổi cuộc chiến tranh… cù cưa, dai dẳng, tốn kém, mệt mỏi, nhất là không có chiến tuyến rõ ràng đễ Hoa Kỳ sử dụng cái ưu thế hoả lực cuả mình. Cộng sản quốc tế, Hà Nội, Hồ Chí Minh và Tướng Võ Nguyên Giáp muốn đánh thắng cuộc chiến tranh này trên mặt trận chính yếu, không phải ở chiến trường Việt Nam mà là ở ngay nước Mỹ, tại Quốc Hội, trên đường phố và tại các trường Đại Học Hoa Kỳ, với sự tiếp tay cuả Đảng cộng sản Mỹ, tuy là cò con, nhưng rất được việc trên mặt trận chiến tranh tâm lý trên đất Mỹ, xuất phát từ các trường Đại Học, rồi đánh lan ra các đường phố.
3- Phong trào phản chiến:

* Ngày 16 - 21 tháng 10 - 1967: Những cuộc biểu tình cuả thanh niên, sinh viên bùng nổ trên các đường phố, và lan mạnh đi khắp nước Mỹ, chống lại chính sách quân dịch cuả chính phủ, đem lính đi đánh nhau ở Việt Nam xa xôi. Hàng trăm người đứng đầu, chủ mưu đã bị bắt. Điều này càng làm cho vấn đề chống chiến tranh Việt Nam thêm lớn mạnh. Cái tổ cuả nó là từ trường Đại Học Kent University, do một Giáo Sư, cán bộ cộng sản Mỹ lãnh đạo. Người ta biết chuyện này là khi Giáo Sư đó từ trần thì chính Tổng Bí Thư Đảng cộng sản Mỹ đã đọc điếu văn, ca ngợi công cuộc lãnh đạo sinh viên đấu tranh chống chiến tranh Việt Nam một cách can truờng và thành công vĩ đại.
* Ngày 19 - 10 - 1967: Thấy tình hình nội bộ nước Mỹ đã rơi đúng vào kế hoạch mong đợi cuả mình, cộng sản Hà Nội thẳng thừng bác bỏ ý muốn thương thuyết chấm dứt chiến tranh, được Tổng Thống Mỹ, Lyndon B. Johson , đề cập đến trong bài diễn văn đọc trước đó ít ngày tại San Antonio.
* Ngày 22 - 10 -1967: Dân biểu Morris K Udall, trong một bài diễn văn đã chính thức lên tiếng xác nhận rằng Hoa Kỳ đang đi trên con đường lầm lẫn và nguy hiểm tại Việt Nam. Hoa Kỳ nên chấm dứt sự leo thang chiến tranh và lo chuyện đem những thanh niên Mỹ trở về, và giao trả cuộc chiến tranh đó cho những người Việt Nam (…the United States is on a mistaken and dangerous road in Vietnam and should stop escalation and start bringing American boys home and start turning this war back to the Vietnamese.)
* Ngày 24 - 25 tháng 10 - 1967: Sinh viên biểu tình chống Dow Chemical Company, hãng chế tạo bom Napalm để đem đi sử dụng tại chiến trường Việt Nam.

* Ngày 29 - 10 - 1967: Thấy tình hình thuận lợi, cộng sản tung quân cấp Trung Đoàn  (Regiment) mở một cuộc tấn công thử sức, đánh thẳng vào căn cứ đóng quân cuả lực lượng đặc biệt Mỹ tại Lộc Ninh, nằm gần khu vực lãnh thổ an toàn hay cưả ngõ đi vào chiến khu cuả Việt Cộng, nhằm tạo thế mạnh cho những cuộc thương thảo, hoà đàm có thể diễn ra trong tương lai không xa. Mỹ tăng cường 1 Trung Đoàn cỡ 1,400 quân từ Sư Đoàn I Bộ Binh Mỹ. Quân hai bên đánh nhau xáp lá cà, chiếm giữ từng căn nhà, từng khu phố cuả thị trấn Lộc Ninh. Cuối cùng Việt Cộng chịu không nổi, đành rút quân khỏi Lộc Ninh với khoảng 2 Tiểu Đoàn bị tiêu diệt. Số khá đông phơi xác tại trận dưới sức mạnh cuả hỏa lực yểm trợ của không quân.
* Ngày 2 - 11 -1967: Tổng Thống Johnson triệu tập 1 cuộc họp mật, gồm những nhân vật lãnh đạo có uy tín hàng đầu cuả quốc gia để yêu cầu các vị này tìm giúp một phương cách “Làm thế nào để đoàn kết quốc gia” (President Johnson holds a secret meeting with some of the nation’s most prestigious leaders… Johnson asks them for advice on “How to unite the country?”. Nếu không, quân đội đang chiến đấu tại các mặt trận mà ở hậu phương, ngay trên đất nước Hoa Kỳ, thanh niên, sinh viên cùng nhiều tầng lớp dân chúng khác lại cứ liên tục biểu tình chống lại công việc chiến đấu, hao tổn sinh mạng và tiền bạc đó thì không thể nào chấp nhận được.
Nhiều thành viên cuả chính phủ Mỹ cũng như giới chính trị đã phải tính tới điều mà cộng sản Hà Nội mong muốn: Mỹ phải công nhận cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, con cờ cuả cộng sản Hà Nội tại Miền Nam, có quyền tham dự bình đẳng trong một cuộc Hội Nghị Hoà Đàm trong tương lai để giải quyết vấn đề chiến tranh tại Nam Việt Nam.                                          
 4 - Cộng sản tạo thế mạnh để chuẩn bị hoà dàm sẽ được đưa ra từ phiá đối phương:
* Từ ngày 3 đến 22 -11 - 1967: Nhằm mục đích đẩy Hoa Kỳ và Nam Việt Nam phải ngồi vào bàn hội nghị có thể là ở Geneva Thụy Sĩ, hay Paris cuả Pháp, để giải quyết cuộc chiến tại Nam Việt Nam theo ý muốn cuả Hà Nội, giống như Hà Nội đã đẩy người Pháp phải ngồi vào bàn Hội Nghị hoà đàm hồi 1954 tại Geneva, chia đôi đất nước Việt Nam, cộng sản Hà Nội tung 4 Trung Đoàn (Regiments) khoảng 6,000 quân đánh thẳng vào 1 căn cứ quan trọng cuả Hoa Kỳ, căn cứ quân sự Dakto ở cao nguyên Trung Phần Việt Nam, cách Sài Gòn 280 dậm về hướng Bắc. Trước đây, cộng sản rất kỵ việc tấn công các căn cứ quân sự cuả Mỹ, một quân đội nhà giầu, mà hoả lực phòng thủ cũng như hoả lực yểm trợ cuả không quân và pháo binh rất là ghê gớm, kinh khủng. Căn cứ này do gần 1,000 quân Mỹ trú đóng cho nên cộng sản dùng chiến thuật “biển người”, lấy 6 đánh 1, để mong dứt điểm chớp nhoáng. Chúng không ngờ Mỹ có thể tăng viện mau chóng, ồ ạt với một lực lượng 4,000 quân thuộc Sư Đoàn 4 Bộ Binh, và tăng viện thêm bằng Lữ Đoàn 173 không Kỵ. Cuộc chiến ác liệt và đẫm máu xẩy ra giưã đôi bên. Cộng sản phải bỏ phòng tuyến cuối cùng ở sườn đồi 875, truớc sức phản công cuả Lữ Đoàn 173 Không Kỵ, với sự yểm trợ dữ dội và quyết liệt cuả không quân. Dữ dội và quyết liệt đến nỗi chính ngay 30 quân nhân Mỹ cũng bị chiến đấu oanh tạc cơ cuả Mỹ tiêu diệt luôn cùng một lúc với quân cộng sản. Lữ Đoàn này đã chịu hy sinh 158 quân nhân cho cuộc phá vỡ tuyến phòng thủ cuối cùng cuả cộng sản tại ngọn đồi này.Phần cộng sản, đã “nướng” trọn 1 Trung Đoàn , trên 1 ngàn quân, cho trận đánh mang nhiều tham vọng liều lĩnh, điên cuồng.
* Ngày 6 và 7 - 11 - 1967: Không quân Mỹ đánh tới tấp xuống các căn cứ quân sự, tiếp liệu cuả cộng sản ngay chung quanh Hà Nội và lên tận biên giới phiá Bắc, ngăn chặn các con đường tiếp tế dường bộ từ Trung Quốc sang Việt Nam. Hoa Kỳ cũng biết rằng sẽ phải vào bàn Hội Nghị tính chuyện hoà đàm nên khai thác tối đa ưu thế về hoả lực cuả không quân để tạo thế mạnh, trong khi đó, cộng sản tính chuyện phải đánh thắng một trận thật lớn nhắm vào căn cứ cuả quân đội Hoa Kỳ dù biết rằng hoả lực phòng thủ  cuả quân đội  “nhà giầu cỡ nhất thế giới” nó như thế nào. Đó là chưa nói đến hoả lực yểm trợ cuả những giàn pháo binh khủng khiếp cuả Mỹ, cuả pháo đài bay B-52 rải bom kín mặt đất, cuả các phản lực phóng pháo cơ cuả Mỹ sẵn sàng nhào tới xịt hoả tiễn mù trời, xối đại liên như tưới nước, thả bom săng đặc phủ lên đầu quân cộng sản…
* Ngày 11 -11 -1967: Cộng sản Hà Nội chơi trội bằng một đòn Chiến tranh tâm lý  là lựa chọn, và cho thả 3 tù binh Mỹ, đã được hoàn toàn tẩy não, sẵn sàng về nước tham gia chống chiến tranh Việt Nam, trong 1 buổi lễ long trọng, đầy tính cách tuyên truyền, tổ chức không phải tại Hà Nội, mà lại ở thủ đô Phnompenh cuả nước láng giềng Cambodia. Việt Cộng tuyên bố cho cả thế giới biết là 3 tù binh Mỹ này được phóng thích, trở về với gia đình để đáp ứng lại tinh thần đấu tranh cuả nhân dân Hoa Kỳ chống lại cuộc chiến ở Việt Nam, và cũng để bầy tỏ tinh thần ủng hộ cuộc đấu tranh can cường cuả những người bạn da đen tại Hoa Kỳ    (The Vietcong say the men were released in response to opposition to the war in the United States and also to express support for the “courageous struggle” of the Blacks in the United States…).
* Ngày 14 -11 -1967: Chỉ 3 ngày sau đó, 1 cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, được đa,ụ nổ bùng ra tại New York, 1 thành phố lớn, đông người, có nhiều cơ quan tai mắt cuả thế giới. Cuộc xô xát dữ dội đã xẩy ra giưã cảnh sát và đám đông biểu tình. Thế là ngọn lưả chống chiến tranh lại càng bùng lên mạnh hơn bao giờ.  Quân đội còn tinh thần nào mà chiến đấu cho ai nưã đây? Hậu phương to lớn đã như vậy thì chỉ còn có nước tính bài… bỏ cuộc là “thuận lòng dân nhất”. Có điều là bỏ cuộc cách nào cho được mắt với thiên hạ một chút cho! Cộng sản quốc tế cũng như Hà Nội biết rõ cái tẩy này cho nên nó phải để Hà Nội đánh thắng 1 trận thật lớn, dù với giá nào, để bắt đối phương phải ngồi vào bàn Hội Nghị hoà đàm ở Geneva hay Paris cũng được, miễn là cộng sản Hà Nội đứng trên thế mạnh và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, con bài của Hà Nội tại Miền Nam, phải có quyền ngồi vào bàn Hội Nghị để bàn thảo và quyết định về vấn đề chính trị và quân sự cuả Nam Việt Nam, dù cho các Ông Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ, 2 nhân vật lãnh đạo hàng đầu cuả chính quyền Việt Nam Cộng Hoà lúc đó từng lên tiếng phủ nhận vai trò cuả Mặt Trận này bất kể dưới hình thức nào.

* Ngày 29 - 11 -1967: Trước sự bế tắc cuả cuộc chiến, trước sức phản chiến mạnh mẽ cuả dân chúng Mỹ, nhất là thanh niên, sinh viên, Ông Robert S. McNamara, Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ hết còn lạc quan, tin tưởng ở sự chiến thắng cộng sản tại Nam Việt Nam như khi mới đổ quân tác chiến cuả Mỹ vào chiến trường này hơn 2 năm về trước, đành xin từ chức, lui về hậu trường cuả tình hình chính trị rối beng, để làm chức vụ “President of the World Bank”.
* Từ ngày 1 đến 7 - 12 - 1967: Cảnh sát Việt Nam Cộng Hoà theo dõi và bắt được Nguyễn Văn Huân , một cán bộ cao cấp, đại diện cuả Việt Cộng, từ vùng chiến khu vào, được CIA xếp đặt cho gặp Đại Sứ Mỹ Bunker để tính chuyện làm 1 cuộc “đi đêm - Furtive agreement” cho vấn đề Nam Việt Nam, giưã Mỹ và cộng sản. Chính giới Nam Việt Nam lên tiếng chỉ trích dữ dội Hoa Kỳ âm mưu phản bội người bạn đồng minh để đi đêm riêng lẻ và trực tiếp với cộng sản.
5 - Lựa chọn một Điện Biên Phủ thứ 2:
* Từ 20 - 1 đến 14 - 4 / 1968: Bộ Chính trị, cơ quan cao nhất cuả Cộng Sản Hà Nội cùng Quân Ủy Trung Ương quyết định chọn chiến trường Khe Sanh, 14 dặm về phiá Nam vĩ tuyến 17 và 6 dăỉm cách biên giới Lào để làm một Điện Biên Phủ thứ 2, một đòn dứt điểm, nhằm đánh xụp luôn tinh thần nhân dân Mỹ và đánh bại quân đội Mỹ tại chiến trường Việt Nam như chúng đã từng đánh bại quân đội Pháp tại chiến trường Đông Dương 14 năm về trước. Căn cứ Khe Sanh này đã được Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ trấn giữ cả năm trước đó, nhằm kiểm soát các trục chuyển quân và vận chuyển quân nhu, vũ khí từ Bắc Việt vòng qua biên giới Lào rồi vào Nam Việt Nam. Trận đánh được mở đầu và thăm dò vào ngày 20 tháng 1 - 1968 bằng một lực lượng xung kích cuả cộng sản, theo đường hầm đào từ xa, thình lình tấn công tiêu diệt 1 Tiểu Đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ đóng vị trí tiền đồn nằm về phiá Tây-Bắc cuả căn cứ này. Thấy có thể đánh lớn được, ngay ngày hôm sau, Quân Ủy Trung Ương cộng sản cho quân chính quy Bắc Việt tràn ngập khu vực này trong khi pháo binh tầm xa    (cuả Liên Sô) xối đạn như mưa bão khu vực chung quanh, đánh trúng vào kho chưá 1,500 tấn chất nổ cuả quân Mỹ tại đây. Cộng sản áp dụng “chiến thuật mưa bão pháo binh - Tactic of Storm-beating Artillery” y như hồi đánh Điện Biên Phủ năm 1954, làm tê liệt các giàn pháo binh cuả Pháp, khiến Đại tá Pirotti, Chỉ Huy trưởng Pháo Binh cuả Pháp tại Điện Biên Phủ phải tháo chốt lựu đạn mà tự sát vì thấy mình bất lực, và pháo binh cuả mình bị tiêu diệt một cách tang thương. Tình trạng mưa bão pháo binh này cuả quân cộng sản quả có làm cho lực lượng Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ trấn giữ căn cứ Khe sanh đành nằm yên cứng ngắc dưới giao thông hào và các ụ phòng thủ xây bằng bao cát   (An incessant barrage of storm-beating artillery keeps Khe Sanh’s Marines defenders pinned down in their trenches and bunkers). Vì căn cứ Khe Sanh lúc này cần được tiếp tế bằng đường không vận (giống như Điện Biên Phủ ngày trước) cho nên Trung Tướng Robert Cushman, Tư Lệnh chiến trường, không dám sử dụng lực lượng tác chiến cơ hữu cuả căn cứ để mong đánh lui các cuộc tấn công dữ dội cuả quân cộng sản đang tràn vào từ mọi phiá, mà chỉ phòng thủ để giữ trận địa, đồng thời yêu cầu không quân và pháo binh can thiệp ồ ạt trong suốt thời gian căn cứ bị bao vây (… calling for massive artillery and air strikes, during the siege…). Người Pháp ở chiến trường Điện Biên Phủ 14 năm về trước, không có được sức mạnh yểm trợ dữ dội này cho nên đành bó tay chịu chết cả Tướng lẫn quân. Người Mỹ là “Quân đội tân tiến, nhà giầu “ cho nên hơn hẳn người Pháp ở điểm này. Cộng sản Hà Nội tuy biết có sức không yểm (Power of Air Protection), nhưng không thể ngờ rằng quân đội Mỹ lại có thể vượt quá xa người Pháp trên thế trận núi rừng hiểm hóc như thế này. Máy bay Mỹ ném xuống khu vực giao tranh mỗi ngày 5,000 trái bom mà sức công phá tương đương bằng 5 trái bom nguyên tử đã ném xuống Hiroshima hồi tháng 8 năm 1945, đánh gục sức chiến đấu cuả quân đội Nhật Bản   “bách chiến bách thắng”, để rồi sau trái bom thứ hai, đánh xuống Nagasaki thì quân đội Nhật Bản đành buông súng đầu hàng vô điều kiện (… U.S. planes dropping 5,000 bombs daily, explode the equivalent of five Hiroshima-sized atomic bombs in the area…).
Khác hẳn với chiến trường Điện Biện Biên Phủ ngày trước: Quân cộng sản hoàn toàn vây chặt Điện Biên Phủ, quân Pháp không thể giải vây bằng lục quân, trong khi sức can thiệp yếu ớt cuả không quân Pháp bị hoả lực phòng không cuả cộng sản trên các ngọn đồi chung quanh hoàn toàn chế ngự, làm cho tê liệt, vô hiệu.
Ở chiến trường Khe Sanh này, mọi sự đều khác xa. Chiến dịch Pegasus, giải vây căn cứ Khe Sanh cuả Mỹ mở màn từ đầu tháng 4- 1968 bằng Đệ Nhất Sư Đoàn Không Kỵ cuả Mỹ  (The Ist U.S. Air Cavalry Division) cùng với 1 Tiểu Đoàn cuả Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà (An ARVN Battalion)- chắc là thông thạo trận địa hơn- từ ngoài tiến vào trận đánh bằng ngả Đông Nam, trong khi Sư Đoàn I Thủy Quân Lục Chiến Mỹ tiến đánh về phiá Tây, tái lập lưu thông vận chuyển trên quốc lộ số 9. Cuộc giải vây hoàn toàn thành công, và quân cộng sản hoàn toàn thất bại trong âm mưu  “ Đánh thắng 1 trận Điện Biên Phủ thứ 2 .“ (Đây là súng cao xạ cuả Liên Sơ phá tan kế hoạch khơng vận cuả Pháp, góp phần tiêu diệt lực lượng pháo Binh cuả Đại Tá Piroti, chỉ huy pháo binh Pháp tại chiến trường Điẹn Biên Phủ). Các cánh quân giải vây tiếp xúc được với nhau, đánh từ ngoài vào, và Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ bảo vệ căn cứ từ trong đánh ra, cộng với hoả lực yểm trợ kinh khủng cuả không quân.
Chính nhật báo Nhân Dân  (cơ quan ngôn luận chính thức cuả cộng sản Hà Nội) đã từng thúc đẩy Hà Nội nên coi chiến dịch tiến đánh Khe Sanh như một cơ hội lập lại chiến tích vẻ vang oanh liệt tại Điện Biên Phủ ngày trước để bắt người Mỹ phải chịu chung số phận với người Pháp (Various statements in Nhan Dan, the North Vietnamese Communist Party newspaper, suggest that Hanoi sees Khe Sanh battle as an opportunity to re-enact its famous victory at Dien Bien Phu…).
Sau ít ngày đụng trận tại chiến trường Khe Sanh, cộng sản Hà Nội sớm nhận thức ra rằng thời thế đã đổi khác ngày xưa rất nhiều cho nên sẽ không thể nào biến Khe Sanh thành một Điện Biên Phủ thứ 2 được:
* Ngày xưa, hồi năm 1954, địch thủ cuả cộng sản Hà Nội tại chiến trường chính yếu là Pháp, mà quân đội và hoả lực không thể nào so với quân dội tân tiến, nhà giầu như Mỹ được.
* Lúc này, cuộc chiến đấu chống cộng sản cuả Quân Đội và nhân dân Miền Nam Việt Nam còn là một vấn đề khó khăn cho cộng sản trên nhiều mặt trận, nhiều lãnh vực liên kết với nhau. Hà Nội không thể chiến thắng toàn diện chỉ bằng một trận đánh như Điện Biên Phủ 14 năm về trước.
* Muốn chiến thắng toàn diện trên chiến truờng Nam Việt Nam, cộng sản Hà Nội bắt buộc phải nghĩ đến một trận đánh đại quy mô, đồng loạt trên khắp các mặt trận quân sự tại Nam Việt Nam, và điều quan trọng chính yếu là “Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam”, con cờ cuả Hà Nội, phải huy động, lôi cuốn được dân chúng Miền Nam tham gia vào một cuộc “Tổng nổi dậy - General Uprising” để tiêu diệt quân đội và lật đổ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, tạo thế mạnh tuyệt đối hầu có thể giàn xếp toàn bộ vấn đề Nam Việt Nam ,theo sách lược cuả cộng sản Hà Nội cũng như cộng sản quốc tế, với Hoa Kỳ là đối thủ đã mệt mỏi, rối loạn ở hậu phương, đang tìm đường rút chân ra khỏi cái “ Vũng lầy Việt Nam”.
Chính do những nhận thức kể trên mà Cộng Sản Hà Nội, với sự chi viện tối đa cuả Liên Sô và Trung Quốc, cùng toàn thể khối cộng sản quốc tế đã phải gấp rút chuẩn bị và đi một nước cờ liều lĩnh, táo bạo, không ai có thể nghi ngờ một cách đúng mức được. Đó là: dùng chiến trường Khe Sanh để thu hút mọi sự chú ý, tập trung lực lượng đốùi phó cuả đối phương về vùng này, đồng thời mở vài cuộc tấn công nhằm vào Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà ở Cao Nguyên Trung Phần, cũng như ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long để rồi chuẩn bị tung ra một chiến dịch đại quy mô, phối hợp quân chính quy Bắc Việt với quân chủ lực Miền cuả Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, cùng các đơn vị đặc công nội thành tại các thành phố, thị trấn cuả các Thành và Tỉnh Uỷ cộng sản, lợi dụng cuộc hưu chiến vào giờ phút thiêng liêng cuả đêm Giao Thưà Tết Mậu Thân (1968)  để bất ngờ mở cuộc tổng tấn công đều khắp vào 7 thành thị lớn nhất cuả Nam Việt Nam, và đánh chiếm 30 Tỉnh Lỵ cuả Nam Việt Nam từ vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long cho đến tận vùng phi quân sự ở vĩ tuyến 17. Trong lúc đó, cộng sản dùng pháo binh Liên Sô và hoả tiễn Trung Cộng bắn phá các căn cứ quân sự Mỹ cũng như Việt Nam Cộng Hoà, gây hoang mang tinh thần dân chúng cả nước, để cố tạo nên một cuộc “Tổng nổi dậy” cuả dân chúng Nam Việt Nam, mà cộng sản đánh giá là đã chán ghét chính quyền, căm thù… Mỹ ngụy đến mức cao độ, qua các cuộc biểu tình từ Huế đến Sài Gòn, đấu tranh chống Diệm-Nhu năm 1963, chống Nguyễn Khánh năm 1964, chống Thiệu-Kỳ-Có năm 1966 vv… Cộng sản Hà Nội đã lầm lẫn lớn để cho rằng dân chúng chống lại chính quyền đương thời ở Nam Việt Nam , trong bầu không khí có ít nhiều tinh thần tự do, dân chủ, có nghiã là dân chúng Nam Việt Nam ưa thích, nghiêng theo cộng sản.  Cộng sản đã lầm to! Một số dân chúng chống chính quyền Nam Việt Nam là quyền và ý muốn cuả họ, nhưng hoàn toàn không phải vì họ ưa thích, muốn đi theo cộng sản.
Cộng sản tấn công ngay vào Thủ Đô Sài Gòn, chiếm giữ nhiều cứ điểm quan trọng, nhằm lật đổ chính quyền từ Trung ương, dùng đài phát thanh, truyền hình để huy động dân chúng Tổng nổi dậy lập chính quyền nhân dân. Tiểu đội cảm tử quân cộng sản, gồm 19 tên, liều mạng đánh thẳng vào Toà Đại Sứ Mỹ, cơ quan đầu não cuả Mỹ tại Việt Nam, chiếm giữ 1 khu vực cuả Toà Đại Sứ trong suốt 6 tiếng đồng hồ, cho tới khi quân nhẩy dù Mỹ được trực thăng vận đổ quân xuống ngay nóc nhà Toà Đại Sứ, quân cộng sản mới bị tiêu diệt hay bị đánh bật ra ngoài. Cuối cùng, quân cộng sản đã bị liên quân Việt-Mỹ cũng như các lực lượng cảnh sát đánh bại ở Sài Gòn, sau 1 tuần lễ đánh nhau, giành từng khu phố, từng căn nhà, giống như trong phim ảnh Âu-Mỹ. Tại các thành phố, thị trấn khác, cộng sản đều bị Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà đánh bại, phải tháo chạy, để lại nhiều xác chết, trong đó có nhiều quân chính quy Bắc Việt, được trang bị tối tân bằng tiểu liên xung kích AK cuả Liên Sô, Tiệp Khắc và Trung Cộng.  Riêng thành phố Huế, cộng sản dựa lưng vào hậu phương to lớn là phiá bên kia vĩ tuyến 17, với những Sư Đoàn thiện chiến và danh tiếng, đã chiếm giữ được lâu nhất, gần 1 tháng trời, với ý định chiếm giữ vùng đất làm bàn đạp tiến sâu xuống miền Nam. Chúng bắt giữ nhiều quân nhân, nhân viên chính quyền, đảng phái chống cộng, bắt đầu thiết lập chính quyền nhân dân, tính chuyện lâu dài. Khi cộng sản bị đánh bại ở khắp các nơi, từ Đà Nẵng trở vào đến tận đồng bằng sông Cửu Long thì ở Huế cộng sản cũng bị mất tinh thần, chống giữ không nổi sức tấn công giải phóng Huế cuả Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà tại đây, dưới sự chỉ huy cuả Danh Tướng Ngô Quang Trưởng, được tăng cường thêm bằng lực lượng Tổng trừ bị: Nhẩy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, từ trong Nam đã rảnh tay, kéo ra. Cuối cùng, cộng sản đành phải tháo chạy khỏi thành phố Huế với những cứ điểm cố thủ, có những tên lính cộng sản bị xích chân vào những cỗ đại liên, bích kích pháo, để phải đánh đến chết, không được rút lui, bỏ chạy.
Phải bỏ chạy khỏi Huế, cộng sản cùng bọn tay sai nằm vùng, chống chính quyền ngày trước, bỏ vào bưng, nay trở về trả thù, điên cuồng thù hận. Chúng đã để lại những hình anh ghê rợn cuả cuộc tàn sát ghê tởm, kinh hoàng cuả cộng sản trong cuộc đánh chiếm Thành Phố Huế trong chiến dịch Tết Mậu Thân- 1968.
* Bài viết này chỉ muốn nói lên: Sự liên hệ giưã Chiến Trường Khe Sanh và Chiến Dịch Tết Mậu Thân.
* Ở chiến trường Khe Sanh, cộng sản Hà Nội đã ước tính sai lầm khả năng phòng thủ cùng hỏa lực yểm trợ cuả quân đội Mỹ cho nên chúng đã hoàn toàn thất bại trong việc tạo nên một chiến thắng Điện Biên Phủ thứ 2. Cộng sản đành tranh thủ tình hình, dùng Chiến trường Khe Sanh để làm một  Kế nghi Binh  (Diversionary Strategem) đánh lưà liên quân Việt-Mỹ tập trung sức mạnh vào vùng này để rồi chúng tung ra một chiến dịch quyết định, đại quy mô hòng dứt điểm là Chiến Dịch Tết Mậu Thân.
* Trong chiến dịch Tết Mậu Thân, cộng sản lại ước tính sai lầm tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường cuả Quân Đội và Cảnh Sát Việt Nam Cộng Hòa, tinh thần chống Cộng cuả dân chúng Miền Nam cho nên chúng đã thất bại trong việc tạo nên một cuộc Võ Trang Tổng Nổi Dậy (Armed General Uprising)  cuả dân chúng cùng với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, hòng đập tan Quân Đội và chính quyền Việt Nam Cộng Hoà vào ngay thời điểm đó.
* Phải đợi thêm 8 năm sau, tức là tới năm 1975, với tình hình thuận lợi hơn, với sự yểm trợ hết mình cuả cộng sản quốc tế, quân đội Mỹ ra đi theo Hiệp định Paris 1973, Việt Nam Cộng Hoà bị cắt hoàn toàn viện trợ quân sự và kinh tế, cộng thêm những âm mưu quốc tế trong Ván bài Việt Nam cộng sản Hà Nội mới thực hiện được những gì mà chúng mong ước có thể đạt được ngay từ khi chúng tung ra những trận đánh táo bạo tại Chiến Trường Khe Sanh cũng như bất chấp thoả hiệp ngưng bắn, liều lĩnh, điên cuồng tung ra Chiến dịch Tổng Công Kích Tết Mậu Thân (1968) trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà. Tuy nhiên, ta phải công nhận 1 điều: Chiến dịch Tết Mậu Thân (1968), cộng sản Hà Nội đã thất bại quân sự nặng nề trước tinh thần chiến đấu anh dũng kiên cường của quân dân miền Nam Việt Nam tại chiến trường này, nhưng trái lại, tại đất nước Hoa Kỳ, từ Quốc Hội, chính phủ cho đến các giới chính trị cũng như đối với đông đảo dân chúng Mỹ, thì cộng sản Hà Nội đã thực sự chiến thắng, đã làm tan rã hoàn toàn ý chí... chiến thắng, hay bảo vệ cái Tiền Đồn chống Cộng tại Nam Việt Nam như lúc bắt đầu đổ đại quân tác chiến (combattant forces) vào mảnh đất xa xôi, nhỏ bé này hồi năm 1965 tại... đầu cầu Chu Lai, Đà Nẵng để tính đến chuyện bắt buộc phải ra đi… dù là ra đi không vinh quang hay danh dự....

San Diego, California

Phan Đức Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét