Thứ Ba, 14 tháng 7, 2015

"GIẤC NGỦ CÔ ĐƠN"

Cao Đắc Tuấn - Nhạc sĩ Anh Bằng và nhạc sĩ Lê Dinh viết ca khúc "Giấc Ngủ Cô Đơn" vào năm 1963, mô tả nỗi buồn cô đơn của một thiếu phụ trẻ xa cách chồng vì anh tập kết ra Bắc ngay sau Hiệp định Geneva chia đôi đất nước năm 1954. Bài hát diễn tả nỗi đau buồn của cô gái trong màn đêm mưa, thương nhớ chồng, và mong ước anh trở về. Với giai điệu nhẹ nhàng, tiết tấu chậm đều, lời nhạc hữu hiệu qua các kỹ thuật dung hòa và mỹ từ lựa chọn, ca khúc "Giấc Ngủ Cô Đơn" là một tác phẩm xuất sắc về văn chương nghệ thuật và có giá trị lịch sử và xã hội. Bài hát được dùng trong chương trình Chiêu Hồi kêu gọi người cộng sản trở về với chính nghĩa quốc gia trong 1963-1975.

Như mọi tác phẩm văn chương khác, ngoài việc đem lại sự thưởng thức nghệ thuật, âm nhạc còn là một nguồn tài liệu ghi nhận lại những biến cố lịch sử hoặc sự kiện xã hội đương thời. Nền âm nhạc miền Nam Việt Nam trước 1975 không những đạt được tột đỉnh của nghệ thuật mà còn ghi nhận lịch sử và xã hội một cách trung thực nhờ các điều kiện độc đáo của thời chiến tranh, nhân tình hiền hòa của miền Nam, môi trường khuyến khích tự do sáng tạo của chính thể Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), và cuộc sống thanh bình bị khuấy động bởi cộng sản. 

Có nhiều ca khúc ca ngợi lòng can đảm và nỗi nhọc nhằn của chiến sĩ VNCH, lòng ái quốc, tình yêu thương tổ quốc, gia đình, và người yêu. Có những ca khúc mô tả sự khốc liệt của chiến tranh và sự tàn bạo của cộng sản chém giết dân vô tội. Có nhiều bài hát nói đến ước mơ hòa bình, quê hương đất nước, và cuộc sống thanh bình sung túc của miền Nam. Bên cạnh những bài hát về chiến tranh và quê hương còn có những bài hát về tình yêu trai gái, lãng mạn hoặc ngây thơ trong trắng của tuổi học trò.

Trong những ca khúc trên, ca khúc "Giấc Ngủ Cô Đơn," được viết bởi Anh Bằng và Lê Dinh vào năm 1963, là một đóng góp đáng kể trong kho tàng âm nhạc và văn chương miền Nam trước 1975. "Giấc Ngủ Cô Đơn" có giá trị cả về văn chương nghệ thuật lẫn xã hội và lịch sử vì nó được lồng trong bối cảnh sự việc tập kết của quân cộng sản sau Hiệp định Geneva vào năm 1954 và nó được dùng trong chương trình Chiêu Hồi của chính phủ VNCH trong khoảng thời gian 1963-1975.

Trong bài "Căn Nhà Ngoại Ô," tôi đã viết về tiểu sử nhạc sĩ Anh Bằng (Cao-Đắc 2014). Do đó, tôi sẽ không nhắc lại trong bài này. Sau đây là tiểu sử vắn tắt của nhạc sĩ Lê Dinh (Wikipedia 2015a).

Lê Dinh tên thật là Lê Văn Dinh, sinh năm 1934 tại tỉnh Gò Công (nay là tỉnh Tiền Giang). Ông là nhạc sĩ nối tiếng trong miền Nam từ thập niên 1950 cho tới 1975, và tiếp tục sáng tác tại hải ngoại sau khi ông vượt biên rời Việt Nam năm 1978. Ông từng là một trong 3 thành viên của nhóm Lê Minh Bằng gồm có Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng.

Lê Dinh theo học trung học tại Collège Le Myre de Vilers (Mỹ Tho) trong 1948-1953. Ông học hàm thụ lớp hòa âm và sáng tác của École Universelle de Paris. Sau đó, ông học trường Cao đẳng Vô Tuyến Ðiện Saigon (École Supérieure de Radioélectricité de Saigon) trong 1953-1955. Ông dạy học (Pháp văn và âm nhạc) ở Gò Công và ở Chợ Lớn trong 1955-1957. Trong khoảng thời gian dài từ 1957 tới 1975, ông làm việc tại Ðài Phát thanh Saigon, giữ các chức vụ như Chủ sự Phòng Sản Xuất rồi Chủ sự Phòng Ðiều Hợp. Vào tháng 8 năm 1978, Lê Dinh vượt biên đến Đài Loan. Sau đó, ông định cư ở Montréal, Canada từ tháng 10 năm 1978 cho đến nay. 

Những ca khúc nổi tiếng của ông gồm có Làng Anh Làng Em (1956), Tấm Ảnh Ngày Xưa (1961), Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao (1964), Chiều Lên Bản Thượng (1964), Cánh Thiệp Đầu Xuân (1962, viết cùng với Minh Kỳ), Giấc Ngủ Cô Đơn (1963, viết cùng với Anh Bằng), Làng Tôi (Lê Minh Bằng), Những Đêm Chờ Sáng (Lê Minh Bằng).

Nguyên văn lời bài hát "Giấc Ngủ Cô Đơn" như sau (Xem, Nhạc Việt trước 75):

Nửa đêm nhớ anh, buồn nghe mưa khóc bên mành
Nửa đêm nhớ anh, tủi thân mi khép mong manh
Ai ngỡ duyên mình, bẽ bàng lá thắm xa cành
Chim đàn xa tổ tội tình, người chờ người trong lúc tuổi xanh.

Gọi anh giữa đêm, sầu thương tay đứt ruột mềm
Gọi anh giữa đêm, khổ đau như xé con tim
Nghe gió qua thềm, ngỡ ngàng chân bước đi tìm,
Nghiêng mình qua cửa im lìm, trời lạnh lùng như gợi buồn thêm.

Anh, người bên vĩ tuyến, xin nhớ quay về
khung trời miền Nam sống trong tình thương.
Nghe chăng tiếng mưa rơi,
như xót thương người vùi chôn sắc hương cuộc đời.

Về đây với nhau, đừng cho duyên thắm phai màu.
Đã yêu mến nhau, đừng gieo cay đắng cho nhau.
Anh nhớ đêm nay, có người em gái thơ ngây,
môi hồng nức nở canh dài, bàng hoàng vì trong mộng chờ ai.

Bàng hoàng vì giấc ngủ cô đơn.
  
Có phiên bản sửa lại lời bài hát ở đoạn quan trọng nhất, và làm hủy hoại ý nghĩa của bài hát. Đó là câu "Anh, người bên vĩ tuyến, xin nhớ quay về khung trời miền Nam sống trong tình thương" bị thay đổi thành "Anh, giờ anh ở đâu, thương/nhung nhớ vô vàn, ân tình đầu tiên với bao niềm thương." 

Trong bài này, như thường lệ, tôi sẽ chú trọng thảo luận về các khía cạnh văn chương của bài hát, nội dung và hình thức, và vài điểm về âm nhạc. Tôi dùng "khán giả" để chỉ người nghe, người đọc, và người xem.

A. Bối cảnh lịch sử của câu chuyện trong ca khúc"Giấc Ngủ Cô Đơn" 

Ca khúc "Giấc Ngủ Cô Đơn" ra đời năm 1963 nhưng câu chuyện và tâm tình của cô gái diễn tả trong bài hát liên hệ đến các sự kiện lịch sử xảy ra trước đó, vào năm 1954-1955 sau hiệp định Genève năm 1954 chia đôi đất nước thành hai miền Nam Bắc tại vĩ tuyến 17. Ngoài ra, bài hát này cũng được dùng cùng với những ca khúc khác trong chương trình phát thanh hoặc văn nghệ cho chương trình Chiêu Hồi của miền Nam Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1963-1975. Do đó, ta nên tìm hiểu thêm về hai khía cạnh lịch sử này liên hệ đến bài hát. 

1. Theo Hiệp Định Geneva 1954, những thành phần quân sự cộng sản ở trong Nam tập kết ra Bắc nhưng với mưu đồ trở lại miền Nam với dự tính thôn tính miền Nam:

Hiệp định Geneva ký ngày 21 tháng 7 năm 1954 có những điều khoản nhắm vào giải quyết các vấn đề liên hệ tới Đại Hàn và Đông Dương. Có hai điểm quan trọng cần phải ghi nhận. Thứ nhất, hiệp định này về việc ngưng bắn chỉ có Pháp và cộng sản Bắc Việt ký. Miền Nam Việt Nam (bấy giờ là Quốc Gia Việt Nam) và Hoa Kỳ không hề ký hiệp định. Thực ra, Quốc Gia Việt Nam còn phản đối mãnh liệt về việc chia đôi đất nước (Miller 2013, 95, 97). Thứ nhì, về tuyên bố chót của hiệp định nói đến việc bầu cử thống nhất hai mìền, không có nước nào ký. Ngoài ra, Quốc Gia Việt Nam và Hoa Kỳ đặc biệt "từ chối chấp nhận tuyên bố này" (Logevall 2012, 605-606; Wikipedia 2015b).

Một trong những điều khoản của Hiệp định Geneva là hai phe phải hoàn toàn rút quân ra khỏi lãnh thổ của phe kia. Nghĩa là quân Pháp và quân quốc gia Việt Nam rút ra khỏi miền Bắc và trở về miền Nam, và quân cộng sản Việt Minh rút ra khỏi miền Nam và trở về miền Bắc (Asselin 2013, 13). Quân đội Pháp và quốc gia Việt Nam triệt để theo điều khoản này. Tất cả thành phần quân đội thuộc Pháp và quốc gia Việt Nam, tổng cộng 132.000 lính, rời khỏi miền Bắc nằm trên vĩ tuyến 17 (Logevall 2012, 631). Ngược lại, cộng sản Bắc Việt vi phạm điều khoản này ngay sau khi ký Hiệp định. Đảng cộng sản Việt Nam, bấy giờ trá hình là Đảng Lao động Việt Nam, ra lệnh một số lớn lính ở lại miền Nam (Asselin 2013, 18). "Sau Hiệp định Geneva, thời gian định cư chứng kiến khoảng 200.000 người ra Bắc và 1 triệu người đi ngược chiều. Là bí thư Xứ Ủy Nam Bộ (Southern Territorial Committee), Lê Duẩn chọn ở lại bí mật trong miền Nam, cùng với khoảng 10.000 quân cách mạng" (Nguyễn 2012, 31). Con số 10.000 lính cộng sản ở lại miền Nam có thể là con số thấp vì cộng sản giữ thống kê với số ít để làm giảm mức độ vi phạm hiệp định Geneva 1954. Trên thực tế, có những trường hợp quân cộng sản làm bộ lên tàu ra Bắc, nhưng sau đó lại bí mật lẻn về. Thí dụ điển hình là Lê Duẩn, lên tàu ra đi trước công chúng, nhưng sau đó lẻn về Cà Mau trên chiếc tàu nhỏ (Nguyễn 2012, 31). Nhiều lính Việt Minh (danh xưng cộng sản bấy giờ) có lệnh tập kết ra Bắc nhưng thực ra ở lại miền Nam. Thí dụ, có trường hợp cấp lãnh đạo cộng sản nhờ hải quân Pháp gíúp mang 17.000 lính và gia đình ra Bắc, nhưng chỉ có 11.000 người đến, cho thấy 6.000 người ở lại (Asselin 2013, 18). Đây chỉ là thí dụ cho một chuyến.

Phái đoàn Gia Nã Đại của Ủy hội Quốc tế Giám Sát và Kiểm soát tại Việt Nam (International Commission for Supervision and Control in Vietnam, ICSC) "ước lượng 173.900 lính và 86.000 'người thêm nữa,' gồm có 'gia đình quân sự, cán bộ hành chánh, và những tù chiến tranh được thả,' tập kết ra Bắc trong 1954-55" (Asselin 2013, 18-19). Ta khó xác định được số người dân di cư ra Bắc, nhưng có vẻ là không đáng kể. Nhiều người hối hận là đã ra Bắc, và có người còn đòi trở về Nam (sđd.). Có khoảng 930.000 người dân miền Bắc rời xứ vô Nam trong 1954-55 (sđd., 20; Logevall 2012, 637). Khoảng 3/4 dân số người di cư theo Công giáo và khoảng 200.000 theo Phật giáo (Miller 2013, 98). Ngược lại với tuyên truyền cộng sản, quyết định tị nạn của những người rời bỏ miền Bắc chẳng có dính líu gì đến các tin đồn về Đức Mẹ Virgin Mary hoặc nỗi lo sợ về cuộc tấn công bom nguyên tử (sđd., 99).

Trong khi hầu hết mọi người miền Bắc di cư xuống Nam là thường dân, người trong Nam đi ra Bắc toàn là quân du kích cộng sản và gia đình họ (Huyen 1971, 249; Asselin 2013, 18-19). Số người miền Bắc di cư vào Nam còn nhiều hơn nếu cộng sản không cố gắng cản trở việc ra đi của họ (Asselin 2013, 20; Duiker 2000, 487; Huyen 1971, 248-249; Nixon 1985, 35). Ngoài ra, theo tài liệu cộng sản, "[t]ừ năm 1954 đến 1975, hơn 32.000 học sinh miền Nam lần lượt theo xe bộ đội, đi tàu thủy, đi bộ vượt dãy Trường Sơn… ra miền Bắc học tập" (Hoàng 2014). Tuy thời gian cho biết là từ 1954 đến 1975, đa số là ngay sau khi Hiệp định Geneva được ký. "Năm 1954, hiệp định Giơnevơ được ký kết. Cùng với việc tập kết bộ đội và cán bộ miền Nam ra Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Chính phủ chủ trương đưa học sinh từ 6 -7 tuổi cho đến 19-20 tuổi là con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam từ các địa phương ra miền Bắc học tập. Nhiệm vụ là đào tạo thành đội ngũ kế cận cho cách mạng miền Nam cũng như cách mạng cả nước sau này" (Hoàng 2014). Hồ Chí Minh và các lãnh tụ cộng sản khác đã có âm mưu đào tạo các cán bộ cộng sản trung thành ngay từ lúc họ còn bé, thích hợp cho chương trình tẩy não và nhồi sọ.

Thời bấy gìờ, sau hiệp định Geneva, "[b]iết bao nhiêu người trong Nam lỡ mê say lý tưởng với chiêu bài yêu nước của đảng Cộng sản đã ra đi tập kết bỏ lại vợ con mà ra Bắc" (Lê 2006). Việc bỏ vợ con hoặc gia đình của những người theo cộng sản tập kết ra Bắc tạo ra những cảnh ngang trái đau lòng, và là bối cảnh cho ca khúc "Giấc Ngủ Cô Đơn." Có vài lý do họ bỏ vợ con. Thứ nhất, họ nghĩ là họ sẽ chỉ xa nhau hai năm, vì trong hiệp định Geneva, phần tuyên bố sau cùng ghi sẽ có tổng bầu cử thống nhất trong vòng hai năm (Logevall 2012, 606; Wikipedia 2015b). Cấp lãnh đạo cộng sản không cho lính họ biết rõ rệt rằng việc bầu cử chỉ là lời tuyên bố suông, không được nước nào ký, kể cả Bắc Việt, và không có hiệu lực pháp lý. Thứ nhì, họ nhận chỉ thị tập kết ra Bắc để được huấn luyện và chuẩn bị trở lại miền Nam trong kế hoạch thôn tính miền Nam của cấp lãnh đạo cộng sản Bắc Việt bấy giờ. Vì họ đã từng sinh sống ở miền Nam, quen thuộc địa thế, tập quán, và ngay cả cách ăn nói, họ sẽ dễ dàng gia nhập vào đời sống miền Nam sau này mà không bị nghi ngờ.

Năm 1959, quốc gia Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) (Democratic Republic Vietnam, DRV) của cộng sản Bắc Việt bắt đầu cuộc xâm lăng quốc gia Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) (Republic of Vietnam, RVN) tại miền Nam, dưới chỉ thị của Tàu cộng và Liên Xô, thực hiện đề thôn tính quốc gia VNCH. Cuộc xâm lăng này rõ ràng vi phạm Hiệp định Geneva 1954 lần nữa. Cấp lãnh đạo cộng sản Bắc Việt thiết lập Đoàn 559 và 959, đặt tên theo ngày thành lập, tháng 5 và tháng 9 năm 1959, để duy trì đường cung cấp vật liệu và quân lính qua ngả Lào và theo biển (Logevall 2012, 690; Nguyễn 2012, 45-46), mở đầu cho cuộc di chuyển binh lính, vũ khí, đạn dược, xe cộ, vật liệu, cho cuộc xâm lăng có hệ thống trong nhiều năm sau đó. "Đa số nhân viên trong các chuyến đầu tiên này là những 'người tập kết,' những người Việt Minh trước đó từ miền Nam ra Bắc để được huấn luyện và nhồi sọ sau Hội Nghị Geneva. Công việc của họ bây giờ là trở về nhà để giúp đám nổi loạn với một lực lượng cán bộ kinh nghiệm và trung thành cốt lõi vững vàng" (Logevall 2012, 690).

2. Chương trình Chiêu Hồi kêu gọi quân cộng sản trở về với chính nghĩa đạt được thành công đáng kể với gần 200.000 hồi chánh viên trong 1963-1971:

Chương trình Chiêu Hồi khởi sự với chính phủ VNCH năm 1963 do hai nỗ lực cố vấn. Bên Mỹ, Rufus Philips, bấy giờ là nhân viên CIA, và C.R. Bohannan dùng kinh nghiệm của họ trong chương trình EDCOR tại Phi Luật Tân. Robert Thompson (lúc ấy làm việc trong Cơ Quan Cố Vấn Anh tại Việt Nam) riêng biệt tạo ảnh hưởng cho một chương trình rời bỏ cộng sản tại cấp chính quyền cao nhất của VNCH (Friedman; Koch 1973, v-vi; Moyar 2007, 36).

Chương trình này ân xá những người Việt Cộng muốn rời bỏ cộng sản (Moyar 2007, 36). Những người trở về với chính phủ VNCH được gọi là hồi chánh viên. Họ được đối đãi tử tế, cho tiền thưởng, được huấn luyện có nghề nghiệp, được trở về sinh sống với gia đình hoặc định cư trong vùng kiểm soát bởi chính phủ VNCH, và được chính phủ bảo vệ khỏi sự trả thù của cộng sản. Nhiều hồi chánh viên cung cấp tin tức hữu ích về hoạt động cộng sản, điềm chỉ và nhận diện cán bộ cộng sản, mang vũ khí hoặc dẫn đến chỗ giấu vũ khí, và các nguồn tin quan trọng khác.

Tuy có chút lạm dụng và Việt Cộng cố tình gài người làm hồi chánh viên, chương trình Chiêu Hồi được coi thành công và thỏa đáng hơn chương trình Phụng Hoàng (Valentine 2000, 281). (Chương trình Phượng Hoàng là chương trình riêng biệt nhằm tiêu hủy hạ tầng cơ sở của Việt cộng.) Chương trình Chiêu Hồi khiến Việt Cộng mất rất nhiều cán bộ. Phe cộng sản coi việc rời bỏ là một trong những vấn đề lớn lao nhất. "Đảng coi Chương trình Chiêu Hồi nguy hiểm hơn cả chương trình Phượng Hoàng" (Moyar 2007, 250). 

Thống kê của chính phủ VNCH cho thấy tổng số tích lũy hồi chánh viên cho tới đầu năm 1971 là 176.458 (Friedman). Con số này phù hợp với thống kê chính thức của Koch (1973, 11). Theo Koch, tổng số hồi chánh viên trong 1963-1971 là 194.424. Đặc biệt, vào năm 1969, sau trận Tổng tấn công thất bại vào Tết Mậu Thân, số hồi chánh viên nhảy vọt lên tới 47.023. Tài liệu của Koch được giữ bí mật từ năm 1973 cho tới năm 2005 khi nó được giải mật. Do đó, những tài liệu hoặc sách vở viết trước năm 2005 có thể không có những thống kê này.

Tin tức về chương trình Chiêu hồi được mang đến dân chúng và những hồi chánh viên tương lai qua nhiều cách: truyền đơn thả từ máy bay hoặc rải tay, báo chí, truyền thanh, truyền hình, phim ảnh, ảnh hưởng gia đình, liên lạc với các cựu Việt cộng đã hồi chánh (Koch 1973, 64). Trong các loại truyền đơn, Giấy Thông Hành (Safe Conduct Pass) có hiệu quả nhất (Koch 1973, 66-67). Có vài trang mạng có nhiều hình ảnh và tài liệu về chương trình Chiêu Hồi (Xem, thí dụ như. Friedman, Nam Ròm 2013). Biểu tượng của chương trình Chiêu Hồi là chim bồ câu trắng hướng về nhóm lửa, đưa ra hình ảnh trở về với gia đình ấm áp (Friedman, Nam Ròm 2013).

Ca khúc chính thức cho chương trình chiêu hồi trên đài phát thanh và truyền hình là bản "Ngày Về" của nhạc sĩ Hoàng Giác. Câu mở đầu của bài hát là "Tung cánh chim tìm về tổ ấm," phù hợp với biểu tượng chim bồ câu và đóm lửa. Ngoài ca khúc "Ngày Về," nhiều bài hát khác cũng được dùng trong các chương trình văn nghệ về chiêu hồi, như "Chuyến Đò Vĩ Tuyến" của Lam Phương, "Bóng đêm" của Anh Bằng, và "Giấc Ngủ Cô Đơn" của Anh Bằng và Lê Dinh (Wikipedia 2015c).

B. "Giấc Ngủ Cô Đơn" là lời than thở của một thiếu phụ trẻ có chồng tập kết ra Bắc sau hiệp định Geneva 1954.

Bài hát kể câu chuyện một cô gái thức khuya không ngủ vì nhớ người yêu hay người chồng đã ra đi tập kết ra Bắc, bỏ cô ở lại miền Nam sống cuộc đời cô đơn. (Tuy bài hát không nói rõ chàng trai là người yêu hay người chồng, có một chi tiết, như sẽ được trình bày sau, khiến ta có thể suy đoán đó là người chồng.) Bài hát có bố cục thông thường, gồm có ba phiên khúc (PK) và điệp khúc (ĐK). PK 1 và PK 2 mô tả cảnh cô đơn của cô gái và nỗi nhớ nhung chồng. ĐK kêu gọi người chồng ngoài Bắc trở về với gia đình trong Nam. PK 3 kết thúc với lời khuyên người chồng và nhắc nhở hình ảnh cô gái buồn trong giấc ngủ cô đơn.

Bài hát mở đầu trong PK 1 với hình ảnh nửa đêm cô gái vẫn còn thao thức, nhớ chồng. Bên ngoài, trời mưa như đang khóc bên mành che nhà. Cô gái cảm thấy tủi thân vì bị bỏ rơi và cô đơn, nhắm mắt với hàng mi mong manh ("Nửa đêm nhớ anh, buồn nghe mưa khóc bên mành/ Nửa đêm nhớ anh, tủi thân mi khép mong manh.").

Khi cô và anh mới lấy nhau, cô không ngờ là sau này cuộc đời tình duyên của cô lại bẽ bàng chịu cảnh xa nhau như lá rời cành, như chim xa đàn, và cô phải trông chờ chồng lúc còn trẻ tuổi ("Ai ngỡ duyên mình bẽ bàng lá thắm xa cành/ Chim đàn xa tổ tội tình, người chờ người trong lúc tuổi xanh.") Với câu "chim đàn xa tổ tội tình," Anh Bằng và Lê Dinh gợi ý cho hình ảnh những kẻ lầm đường lạc lối, đi theo con đường tội lỗi của cộng sản chống lại quê hương, và tạo ra cảnh chia ly xa cách cho những cặp tình nhân hoặc vợ chồng trẻ.

Cô gái tiếp tục bày tỏ nỗi thương nhớ trong PK 2. Trong lúc thương nhớ anh, cô gọi tên anh trong màn đêm với nỗi buồn sầu thảm đau khổ thấu da xé tim ("Gọi anh giữa đêm, sầu thương tay đứt ruột mềm/ Gọi anh giữa đêm, khổ đau như xé con tim.") "Tay đứt ruột mềm" là câu ghép giữa hai thành ngữ "máu chảy ruột mềm" và "tay đứt ruột xót." Cả hai thành ngữ này nói đến tình nghĩa anh chị em gắn bó với nhau như tay và ruột. Dùng thành ngữ về tình nghĩa anh em cho tình yêu trai gái vợ chồng có chút lạ lùng, nhưng tác giả muốn nhấn mạnh nỗi đau buồn của cô gái xa chồng và thương xót anh như người ruột thịt. Tác giả tiếp tục mô tả nỗi đau buồn thống thiết này đến tột độ với "khổ đau như xé con tim." Ta hiểu những từ ngữ "xé tim," "đứt ruột," "nát gan" nói đến sự tàn phá của các bộ phận trong cơ thể là cách diễn tả cho cơn đau buồn cực độ.

Nhớ nhung anh, cô tưởng tượng anh đang ở quanh nhà hoặc về nhà. Tiếng gió lay động qua thềm nhà khiến cô tưởng bước chân anh. Cô nghiêng người nhìn qua cửa, mong thấy bóng dáng anh. Nhưng buồn thay, bên ngoài trời vẫn lạnh lùng yên tĩnh, không có ai khiến cô lại càng thêm buồn thảm ("Nghe gió qua thềm, ngỡ ngàng chân bước đi tìm/ Nghiêng mình qua cửa im lìm, trời lạnh lùng như gợi buồn thêm."). Với câu "Nghe gió qua thềm, ngỡ ngàng chân bước," ta không khỏi không liên tưởng đến Nguyễn Công Trứ với bài thơ "Tương Tư" có câu "Trăng soi trước mặt ngờ chân bước/ Gió thổi bên tai ngỡ miệng chào." Những tiếng động hình ảnh mùi vị của thiên nhiên hoặc khung cảnh chung quanh gợi ra tưởng tượng đến người yêu là những gợi ý mạnh mẽ cho mối tình nồng nàn.

Trong hai PK đầu, khán giả vẫn chưa hiểu tại sao hai người xa cách và tại sao cô gái đau buồn vì cô đơn. Với ĐK, khán giả mới bừng hiểu lý do. Cô kêu gọi anh, đang ở miền Bắc trên vĩ tuyến 17, trở về miền Nam, nơi có đầy tình thương yêu ("Anh, người bên vĩ tuyến, xin nhớ quay về/ khung trời miền Nam sống trong tình thương.") Hai nhóm chữ "người bên vĩ tuyến" và "khung trời miền Nam" cho thấy bối cảnh lịch sử và giải thích lý do cho nỗi cô đơn và cơn đau buồn thống thiết của cô gái xa chồng. Câu này cũng là câu chính yếu kêu gọi những người cộng sản lầm đường lạc lối trở về với chính nghĩa quốc gia trong chương trình Chiêu Hồi của chính phủ VNCH trong năm 1963-1975.

Tiếng mưa rơi rả rích như tiếng khóc của ai trong đêm trường, thương xót cho cô vùi chôn cuộc đời hương sắc không chồng ("Nghe chăng tiếng mưa rơi, như xót thương người vùi chôn sắc hương cuộc đời.") Tác giả nhắc lại cảnh mưa rơi "mưa khóc bên mành" trước đó. Lần này, tiếng mưa rơi còn nghe thê thảm hơn như đang than khóc cho người con gái "vùi chôn sắc hương cuộc đời." 

Tại sao cô có thể vùi chôn sắc hương cuộc đời? Nếu hai người xa nhau và nếu cô gái không nghe tin về người yêu hoặc chồng sau một thời gian lâu, thì cô vẫn có thể coi như anh đã chết hoặc không còn muốn trở về nữa và bỏ rơi cô hoàn toàn. Do đó, cô vẫn có thể có người yêu khác, hoặc sang ngang. Tại sao cô vùi chôn sắc hương cuộc đời? Một cách tinh tế, tác giả nói lên tình nghĩa vợ chồng thắm thiết và sâu đậm của người phụ nữ miền Nam thời bấy giờ. Tình nghĩa vợ chồng khiến cô giữ lòng chung thủy suốt đời, cho dù cô không nhận được tin tức gì về người chồng. Trong bài "Cái Cò," (Cao-Đắc 2015) tôi đã đề cập đến đức tính này. Đó là đặc tính của phụ nữ miền Nam trước 1975, và có lẽ bây giờ với những người còn giữ đức hạnh của phụ nữ Việt Nam. Ngoài ra, chi tiết này cho thấy người cô đang thương nhớ hầu như chắc chắn là chồng cô, và không phải chỉ là người yêu, vì chỉ có với chồng, cô mới giữ gìn lòng chung thủy "vùi chôn sắc hương cuộc đời."

Trong PK 3, cô gái nhắn nhủ người yêu, với lời lẽ gần như van xin. Cô kêu gọi anh trở về với cô, đừng làm phôi phai mối tình nồng thắm của hai người. Hai người đã yêu mến nhau thì không nên gieo buồn thương cay đắng cho nhau ("Về đây với nhau, đừng cho duyên thắm phai màu/ Đã yêu mến nhau, đừng gieo cay đắng cho nhau.") Với cách dùng chữ "đừng," cô gái không phải chỉ có lời nhắn nhủ, mà còn như là lời van lơn kêu gọi chồng hồi tâm mà không nên phụ rẫy cô. Lời nhắn nhủ của cô rất đơn gỉản, hơi có phần yếu đuối, nhưng nói lên tâm tình mạnh mẽ của cô.

Cô nhắc với anh rằng hãy nhớ đến cô, một cô gái thơ ngây với đôi môi hồng còn tràn nhựa sống, mà đang nức nở khóc cho thân phận trong đêm dài. Cô cảm thấy tái tê bàng hoàng mơ chờ đợi anh trong giấc ngủ cô đơn ("Anh nhớ đêm nay có người em gái thơ ngây/ môi hồng nức nở canh dài, bàng hoàng vì trong mộng chờ ai/ Bàng hoàng vì giấc ngủ cô đơn.") Dùng từ ngữ "bàng hoàng" hơi có chút lạ lùng. "Bàng hoàng" có ý nghĩa thông thường là ngạc nhiên cực độ, sửng sốt, choáng váng đến độ không ý thức rõ rệt. Tại sao cô bàng hoàng "vì trong mộng chờ ai" hoặc "vì giấc ngủ cô đơn"? Thực ra, ngoài ý nghĩa sững sờ, sửng sốt, ngạc nhiên, "bàng hoàng" còn có nghĩa dao động tâm trí, tâm thần không được ổn định có thể do bởi lý do tinh thần hoặc vật chất. Thí dụ truyện Kiều có câu: "Bàng hoàng dở tỉnh dở say" khi nàng Kiều tỉnh cơn mê. Tác giả dùng nghĩa này trong bài hát có ý nói tâm thần cô gái dao động do bởi nỗi cô đơn trong giấc ngủ.

C. Dưới cấu trúc âm nhạc truyền thống, "Giấc Ngủ Cô Đơn" mô tả tâm tình cô gái với các kỹ thuật diễn tả dung hòa giữa cảnh và tình, và một gói ghém chi tiết lịch sử độc đáo

Về phương diện âm nhạc, "Giấc Ngủ Cô Đơn" có nét đặc sắc thông thường của âm điệu cho một bài hát về tâm tình. Bài hát có giá trị văn chương nghệ thuật qua cách diễn tả hữu hiệu với kỹ thuật dung hòa về "cho thấy" và "kể," tả cảnh và tả tình, cách dùng mỹ từ so sánh và ẩn dụ. Lý do của cuộc xa cách của hai người được tiết lộ một cách vắn tắt, tạo ra nét độc đáo, nhưng có phần mạo hiểm.

1. Bài hát có nhịp điệu chậm và giai điệu nhẹ nhàng trong phiên khúc và bay bổng trong điệp khúc, thích hợp cho khung cảnh đêm mưa và lời kêu gọi trở về:

Như đa số ca khúc miền Nam trước 1975, "Giấc Ngủ Cô Đơn" có một cấu trúc truyền thống với ba phiên khúc có cùng giai điệu và tiết tấu, và điệp khúc với giai điệu cao bổng để nhấn mạnh ý tưởng. Giai điệu và tiết tấu phù hợp với ý tưởng của lời ca về tâm tình cô đơn của một thiếu phụ xa chồng trong màn đêm.

Nhịp điệu của ba phiên khúc chậm đều, thích hợp với lời ca mô tả cảnh màn đêm dưới cơn mưa. Bài hát nói đến mưa, nhưng không phải là cơn mưa thác lũ xối xả, tí tách, hoặc dầm dề, mà là cơn mưa rả rích trong màn đêm, do đó không có tiết tấu dồn dập và linh hoạt như "Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội" của Phạm Đình Chương, khúc đoạn như "Giọt Mưa Trên Lá" của Phạm Duy, hoặc lê thê như "Thà Như Giọt Mưa" của Phạm Duy. Các nốt nhạc liên kết trong một chuyến động đều, không có những lên xuống đột ngột, giúp khán giả cảm nhận hình ảnh được diễn tả.

Điểm đặc sắc nhất nằm ở giai điệu bay bổng của điệp khúc giúp nhấn mạnh chi tiết lịch sử độc đáo. Vì đây là cao điểm của bài hát khi chi tiết lịch sử đó cho biết lý do xa cách của hai người, chuyển tiếp của giai điệu trở nên đột ngột với âm tiết lên cao với câu "Anh, người bên vĩ tuyến. . . " Chi tiết đó chỉ được đề cập một lần trong đoạn này trong cả bài hát. Do đó tác giả đã cố gắng dàn dựng để nhấn mạnh câu này với giai điệu bốc cao khiến cho khán giả khó lòng mà nhỡ chi tiết đó. Tuy nhiên, vì chi tiết đó chỉ được đề cập đến một lần, khán gỉả vô ý có thể không để ý. Trong phần ĐK, như thường lệ, âm tiết chót của mỗi câu được kéo dài để tạo âm hưởng cho khán gỉả.

2. Bài hát dung hòa kỹ thuật "cho thấy" và "kể" để dung hòa cảnh và tình, phối hợp với mỹ từ so sánh và ẩn dụ, với vần điệu êm ái, và táo bạo với đề cập vắn tắt về chi tiết lịch sử:

Anh Bằng và Lê Dinh có lối diễn tả sống động khiến khán giả thấu hiểu nỗi buổn cô đơn và tâm sự da diết của cô gái thương nhớ người chồng. Nhờ vậy, khán giả thấy được sự sai lầm của những người cộng sản tập kết ra Bắc, thiếu tình cảm, theo đuổi những mơ ước hoang tưởng và ngu muội phụng vụ cộng sản ngoại bang. 

Tác giả diễn tả tâm sự cô gái buồn thảm bằng cách dung hòa tả cảnh và tả tình qua phối hợp kỹ thuật "cho thấy" và "kể." Thí dụ, "mưa khóc qua mành" cho thấy cảnh trời mưa để kể cơn buồn, "mi khép mong manh" cho thấy hình ảnh nhắm mắt để kể niềm chịu đựng chấp nhận, "lá thắm xa cành" cho thấy cảnh lá rơi khỏi cành cây để kể sự chia cách, "chim đàn xa tổ" cho thấy đàn chim rời tổ ấm để kể sự ra đi dại dột lầm đường lạc lối, "tay đứt ruột mềm" và "xé con tim" cho thấy hình ảnh đau đớn thể chất để kể nỗi đau thương, "môi hồng nức nở" cho thấy cô gái khóc lóc để kể nỗi thống hận.

Song song với sự dung hòa này là cách dùng mỹ từ so sánh (simile) và ẩn dụ (metaphor) gợi hình và linh động. Thí dụ, "lá thắm xa cành" là ẩn dụ cho chia cách, "chim đàn xa tổ" là ẩn dụ cho ra đi lầm đường, "tay đứt ruột mềm" là ẩn dụ cho tình nghĩa yêu thương, "xé con tim" là so sánh nỗi buổn cùng cực, "vùi chôn sắc hương" là ẩn dụ cho phí phạm cuộc đời.

Tác giả có cách dùng chữ mạnh mẽ, gợi hình và tạo nét sống động. Thí dụ, "mưa khóc" nhấn mạnh sự tỉ tê của cơn mưa rả rích. ("Mưa khóc" thực ra là cách dùng sai chữ, vì mưa không thể khóc được khi mưa chính là giọt nước mắt, và do đó không thể là chủ từ của động từ khóc. Tuy nhiên cách dùng sai chữ này không là một vấn đề vì người nghe có thể hiểu dễ dàng.) Các thí dụ khác về từ ngữ mạnh mẽ, tượng hình, và gây cảm xúc gồm có "mi khép,""tội tình," "xé con tim," "im lìm," "lạnh lùng," "vùi chôn," "môi hồng," và "bàng hoàng." 

Đi theo với bố cục truyền thống, tác giả duy trì vần điệu để làm tăng âm hưởng êm ả, trôi chảy. Tác giả gieo vần kỹ càng và nhất quán trong các phiên khúc. Điểm đặc sắc là lối gieo vần kép, vừa giữa câu và cuối câu. Thí dụ, trong PK 1, ta thấy vần gieo giữa câu gồm có "anh," "anh," "mình," "tình," và cuối câu gồm có "mành," "manh," "cành", và "xanh."

Nửa đêm nhớ anh, buồn nghe mưa khóc bên mành
Nửa đêm nhớ anh, tủi thân mi khép mong manh
Ai ngỡ duyên mình, bẽ bàng lá thắm xa cành
Chim đàn xa tổ tội tình, người chờ người trong lúc tuổi xanh.

Gọi anh giữa đêm, sầu thương tay đứt ruột mềm
Gọi anh giữa đêm, khổ đau như xé con tim
Nghe gió qua thềm, ngỡ ngàng chân bước đi tìm,
Nghiêng mình qua cửa im lìm, trời lạnh lùng như gợi buồn thêm.

...

Về đây với nhau, đừng cho duyên thắm phai màu.
Đã yêu mến nhau, đừng gieo cay đắng cho nhau.
Anh nhớ đêm nay, có người em gái thơ ngây,
môi hồng nức nở canh dài, bàng hoàng vì trong mộng chờ ai

Một điểm nổi bật trong "Giấc Ngủ Cô Đơn" là cách tác giả tiết lộ lý do của sự xa cách giữa cô gái và người yêu. Thật độc đáo và táo bạo, Anh Bằng và Lê Dinh để khán giả lắng nghe nỗi lòng buồn thảm của cô gái, với những hình ảnh linh động của cảnh tượng cô đơn trong màn đêm mưa rơi rả rích, trong suốt hai phiên khúc rồi mới bật ra cho biết lý do của sự xa cách trong phần ĐK. Tác giả viết nhạc như viết một truyện tiểu thuyết hồi hộp, với những tình tiết kết hợp dần dần làm tăng sự tò mò.

Kỹ thuật này độc đáo vì sự kiện lịch sử tập kết ra Bắc như một nét chấm phá phác nhẹ trên một bức tranh như một nét thiên tài không cần cố gắng (an effortless stroke of genius) của những họa sĩ thuộc trường phái ấn tượng (impressionism). Khán giả như chợt bừng tỉnh và cảm thấy thấm thía với nỗi buồn thống thiết của người thiếu phụ xa chồng. Việc xa cách trong chuyện tình là việc thông thường, nhưng lý do của sự xa cách có thể làm tăng hoặc giảm giá trị của cuộc tình. Khi lý do không nói ra, giá trị cuộc tình có thể được gia tăng khi người trong cuộc quyết định giữ xa nhau, như ta thấy trong ca khúc "Thu Sầu" khi hai người xa nhau như Ngưu Lang Chức Nữ. Trong "Giấc Ngủ Cô Đơn," lý do này được cho biết một cách phớt nhẹ qua một câu ngắn gọn. Với khán giả hiểu biết bối cảnh lịch sử như được trình bày ở trên, lý do này khiến khán gỉả thấu hiểu tâm sự và nỗi niềm cô đơn của cô gái, và do đó nhận ra sự hy sinh cao quý của người thiếu phụ trẻ có chồng lầm đường lạc lối.

Kỹ thuật này táo bạo và mạo hiểm vì khán gỉả có thể không nhận ra nét chấm phá đó và không hiểu được bối cảnh lịch sử, và do đó không quý sự hy sinh của cô gái. Toàn bài hát chỉ có hai nhóm chữ "người bên vĩ tuyến" và "khung trời miền Nam" nhắc đến việc chia cắt đất nước. Tuy hai nhóm chữ này được đặt ở phần giai điệu lên cao, nhiều khán giả vô ý có thể không nhận ra và tưởng bài hát chỉ là bài hát nói về mối tình xa cách thông thường nào đó.

D. Kết Luận:

Ca khúc "Giấc Ngủ Cô Đơn" nói lên nỗi buồn cô đơn của một cô gái xa người yêu hoặc người chồng tập kết ra Bắc sau Hiệp định Geneva chia đôi đất nước năm 1954. Tâm sự cô được trình bày qua giai điệu êm ái, tiết tấu chậm đều, phù hợp với cảnh mưa rả rích trong đêm. Tác giả diễn tả nỗi cô đơn và buồn thảm một cách hữu hiệu qua sự dung hòa của kỹ thuật cho thấy và kể, và tả cảnh và tả tình, lồng trong bố cục truyền thống và cách dùng mỹ từ điêu luyện với vần điệu gieo chặt chẽ, giúp cho lời ca êm ái và trôi chảy.

Ngoài khía cạnh nghệ thuật văn chương, ca khúc "Giấc Ngủ Cô Đơn" có giá trị lịch sử vì nó ghi nhận sự kiện người cộng sản tập kết ra Bắc sau Hiệp định Geneva năm 1954 và việc dùng bài hát trong chương trình Chiêu Hồi kêu gọi người cộng sản trở về với chính nghĩa quốc gia. Một cách gián tiếp, bài hát cũng cho thấy bản chất hiền hòa, chịu đựng, và chung thủy của phụ nữ miền Nam trước 1975 và sự vô tình cảm của người cộng sản sẵn sàng bỏ rơi người yêu hoặc người vợ để theo đuổi mục tiêu sai lầm trong việc đem chủ nghĩa ngoại bang vào Việt Nam.

Cảm tạ:

Tôi xin có lời cám ơn các bạn trên trang mạng Dân Làm Báo đã có lời khích lệ trong các bài về âm nhạc trước và giúp tôi có ý định viết bài này, đặc biệt là lời yêu cầu của bạn Lê Cửu Long.

Tài Liệu Tham Khảo:

Asselin, Pierre. 2013. Hanoi’s Road to the Vietnam War, 1954-1965. University of California Press, California, U.S.A.

Cao-Đắc, Tuấn. 2014. "Căn Nhà Ngoại Ô". 26-12-2014. 

____. 2015. "Cái Cò". 30-4-2015. http://danlambaovn.blogspot.com/2015/04/cai-co_29.html (truy cập 11-7-2015).

Duiker, William J. 2000. Ho Chi Minh - A Life, Hyperion, New York, U.S.A.

Friedman, Herbert A. Không rõ ngày. The Chieu Hoi Program of Vietnam. Không rõ ngày. http://www.psywarrior.com/ChieuHoiProgram.html (truy cập 10-7-2015).

Hoàng Phương. 2014. Cuộc dịch chuyển lịch sử của hơn 32.000 học sinh miền nam. 14-12-2014. VNExpress. http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/cuoc-dich-chuyen-lich-su-cua-hon-32-000-hoc-sinh-mien-nam-3120192.html (truy cập 8-7-2015).

Huyen, N. Khac. 1971. Vision Accomplished? The Enigma of Ho Chi Minh. The Macmillan Company, New York, U.S.A.

Koch, J. A. 1973. The Chieu Hoi program in South Vietnam, 1963-1971. http://www.rand.org/content/dam/rand/pubs/reports/2006/R1172.pdf (truy cập 11-7-2015).

Lê Văn Lân. 2006. Xuân Vũ: Cây bút lớn trui rèn với kinh nghiệm sống. 22-8-2006. http://namkyluctinh.org/xuanvu/levanlan-xuanvu.htm (truy cập 8-7-2015).

Logevall, Fredrik. 2012. Embers of War. Random House, New York, U.S.A.

Miller, Edward. 2013. Misalliance. Ngo Dinh Diem, the United States, and the Fate of South Vietnam. Harward University Press, Cambridge, Massachusetts, U.S.A.

Moyar, Mark. 2007. Phoenix And The Birds Of Prey. Counterinsurgency and Counterterrorism in Vietnam. University Of Nebraska Press, Lincoln, Nebraska, U.S.A.

Nam Ròm. 2013. Hình xưa về Chương Trình Chiêu Hồi. 8-11-2013. http://namrom64.blogspot.com/2013/11/hinh-xua-ve-chuong-trinh-chieu-hoi.html (truy cập 1-7-2015).

Nguyen, Lien-Hang T. 2012. Hanoi’s War. The University of North Carolina Press, North Carolina, U.S.A.

Nhạc Việt trước 75. Không rõ ngày. Giấc ngủ cô đơn (Anh Bằng - Lê Dinh). Không rõ ngày. http://amnhacmiennam.blogspot.com/2013/05/giac-ngu-co-on-anh-bang-le-dinh.html (truy cập 1-7-2015).

Nixon, Richard. 1985. No More Vietnams. Avon Books, New York, U.S.A.

Valentine, Douglas. 2000. The Phoenix Program. iUniverse.com, Inc. Lincoln, Nebraska, U.S.A

Wikipedia. 2015a. Lê Dinh. 11-7-2015. https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_Dinh (truy cập 12-7-2015). 

______.2015b. Geneva Conference (1954). 27-6-2015. https://en.wikipedia.org/wiki/Geneva_Conference_%281954%29 (truy cập 11-7-2015).

______. 2015c. Chiêu hồi. 16-6-2015. https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%C3%AAu_h%E1%BB%93i (truy cập 11-7-2015).

Cao-Đắc Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét