Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

CÔNG HÀM BÁN NƯỚC CỦA PHẠM VĂN ĐỒNG NĂM 1958 CÓ HIỆU LỰC PHÁP LÝ HAY KHÔNG?


Gia Minh RFA -Trung Quốc vừa qua lại đưa ra Công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958 để biện luận cho hành động của họ tại khu vực Biển Đông. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã họp báo phản đối cho rằng công hàm đó vô hiệu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nói đến việc kiện Trung Quốc về việc xâm chiếm biển đảo của Việt Nam.
Gia Minh đặt một số câu hỏi liên quan với nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn hiện đang ở tại Pháp về các vấn đề đó:
Tùy tư cách pháp nhân
Gia Minh: Ông không đồng ý với một số ý kiến cho rằng Công Hàm Phạm Văn Đồng năm 1958 là vô hiệu, vậy những điểm chính ông muốn nêu ra là gì?
Trương Nhân Tuấn: Công hàm 1958 có hiệu lực ràng buộc pháp lý hay không, theo tôi, là do quan điểm của nhà cầm quyền Việt Nam hôm nay về tư cách pháp nhân của thực thể Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong thời kỳ từ 1954 đến 1975.
Theo như lập trường của Việt Nam hôm nay, qua lời tuyên bố của các viên chức bộ ngoại giao phát biểu trong hôm họp báo vừa rồi, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa ngày trước là hai quốc gia độc lập, có chủ quyền. Trên quan điểm này thì tôi cho rằng công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng có hiệu lực pháp lý ràng buộc.
Vì sao? Tại vì nếu Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là một quốc gia độc lập có chủ quyền, thì công hàm của ông Đồng là một tuyên bố đơn phương, nội dung nhìn nhận tuyên bố về chủ quyền và hải phận của Trung Quốc.
Công hàm 1958 có hiệu lực ràng buộc pháp lý hay không, theo tôi, là do quan điểm của nhà cầm quyền VN hôm nay về tư cách pháp nhân của thực thể VNDCCH trong thời kỳ từ 1954 đến 1975. 
-Trương Nhân Tuấn
Để dễ hiểu, tôi lấy thì dụ về cái tuyên bố đơn phương về vùng “nhận diện phòng không của” Trung Quốc hôm 23 tháng 11 năm ngoái 2013. Tuyên bố này, một cách tổng quát, thì phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế. Nếu không có nước nào lên tiếng phản đối, hay bảo lưu một điều khoản nào, thì tự động tuyên bố “vùng nhận diện phòng không” của Trung Quốc có hiệu lực. Ta thấy Nhật, Mỹ, Nam Hàn cùng nhiều nước khác đồng loạt lên tiếng phản đối. Các nước này phản đối vì chồng lấn vùng nhận diện phòng không của nước họ đã đặt ra từ trước, trong thời chiến tranh lạnh, mặt khác, còn có chồng lấn do tranh chấp chủ quyền giữa Nhật và Trung Quốc tại quần đảo Điếu Ngư. Các nước khác thì phản đối điều khoản mà trong đó Trung Quốc đe dọa sẽ sử dụng vũ lực nếu vùng “nhận diện phòng không” của họ bị xâm phạm. Những nước không lên tiếng, thì tôn trọng tuyên bố này. Mình thấy hôm nay, các hãng hàng không dân sự, kể cả của Nhật hay của Mỹ, cũng hải tôn trọng vùng trời của Trung Quốc.
Trở lại công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng. Ta biết tuyên bố của Trung Quốc về lãnh thổ và hải phận ngày 4-9-1958 là phù hợp với các công ước quốc tế vềBiển đã được một số nước ký kết vào tháng 4 cùng năm, trong đó có Trung Hoa Dân Quốc, tức Đài Loan hiện nay. Vì chính quyền Bắc Kinh không phải là đại diện nước Trung Hoa ở LHQ do đó tuyên bố của Trung Quốc là cần thiết. Tương tự như tuyên bố về “vùng nhận diện phòng không” vừa rồi, nếu không ai lên tiếng phản đối, thì tự động nó có hiệu lực.
Tức là, thay vì phản lên tiếng phản đối hay bảo lưu chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa, nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lại lên tiếng ủng hộ nó.
Hiện nay, các viên chức cũng như học giả Việt Nam cố gắng bào chữa ràng công hàm 1958 của ông Đồng chỉ công nhận hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, chứ không công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa. Những lý lẽ bào chữa này không hề thuyết phục. Giả sử rằng công hàm này không có hiện hữu, tức là ông Đồng chưa bao giờ ký công hàm này, thì thái độ im lặng của nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trước tuyên bố đơn phương, công khai của Trung Quốc, được hiểu như là sự “im lặng đồng tình”.
Còn nếu quan niệm rằng, trong khoản 1954 và 1975 nước Việt Nam bị phân chia theo hiệp định Genève 1954 thành hai vùng lãnh thổ tại vĩ tuyến 17, lần lượt mang tên: Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa. Vĩ tuyến 17 là đường ranh quân sự tạm thời, không phải là đường phân định biên giới về chính trị hay lãnh thổ.
Nội dung Hiệp định Genève xác nhận Việt Nam là nước độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, có chủ quyền và thống nhất. Điều này được tái xác nhận theo Hiệp định Paris năm 1973.
Điều này thể hiện lên thực tế. Trong khoảng thời gian từ 1954 đến 1973, không có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới nhìn nhận sự hiện hữu của hai quốc gia Việt Nam. Khối Tư bản nhìn nhận Việt Nam Cộng Hòa là đại diện của nước Việt Nam duy nhất. Khối XHCN công nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là đại diện nước Việt Nam duy nhất. Nước này nhìn nhận phía này thì không nhìn nhận phía kia, hay ngược lại.
Trên tinh thần một nước Việt Nam “độc lập, có chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ” của các hiệp ước 1954 và 1973, thì bất kỳ các tuyên bố, các hành vi đơn phương của một bên (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa), nếu có làm tổn hại đến việc toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chúng đều không có giá trị.
Công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng viết trong khoản thời gian 1954-1973, có liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần hai Hiệp định 1954 và 1973, do đó không có giá trị pháp lý ràng buộc.
Quan điểm này phù hợp với thực tế lịch sử, thực tế pháp lý của hai miền Nam Bắc Việt Nam trong thời kỳ 1954-1975. Và cũng là một quan điểm có lợi, vì Việt Nam gỡ bỏ được những hứa hẹn, những cam kết mà nhà cầm quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã thể hiện với nhà cầm quyền Trung Quốc trong quá khứ. Tôi vừa mới gởi một lá thư không niêm, gởi lên TT Nguyễn Tân Dũng với nội dung tương tự. Hy vọng Việt Nam kịp thời thay đổi lập trường của mình để có một tư thế mạnh hơn, nếu vấn đề tranh chấp được đưa ra một trọng tài quốc tế để phân xử.

Kiện Trung Quốc như thế nào?

Gia Minh: Theo ông biện pháp kiện Trung Quốc từ phía Việt Nam hiện nay cần tiến hành ra sao và kiện ra các tòa án nào?
Trương Nhân Tuấn: Trước hết là mình phải biết phía Trung Quốc họ bảo lưu ở LHQ các điều nào, từ đó mình mới biết Việt Nam có thể kiện ở các điều gì, sau đó là kiện ra tòa án nào.
Theo tôi biết, năm 2006 Trung Quốc có bảo lưu ở LHQ, là họ không chấp nhận bất kỳ thủ tục nào, qui định theo mục 2, Phần XV của Công ước, đối với tất cả các loại tranh chấp được ghi ở các khoản a), b) và c) của điều 298 của Công ước.
Tức là Trung Quốc không nhìn nhận thẩm quyền của Tòa liên quan các vụ tranh chấp chủ quyền, cũng không nhìn nhận trọng tài để phân định ranh giới trên biển.
Tức là, trong vụ giàn khoan 981, Việt Nam không thể kiện Trung Quốc ra Tòa về tranh chấp chủ quyền các đảo, cũng không thể kiện để nhờ phân định ranh giới biển, thí dụ giữa đảo Hải Nam và bờ biển Việt Nam. Điều duy nhất mà Việt Nam có thể kiện là về hiệu lực các đảo Hoàng Sa. Nhưng mà nếu Việt Nam đệ đơn kiện về điều này thì Việt Nam mặc nhiên nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa rồi!
Trước hết là mình phải biết phía Trung Quốc họ bảo lưu ở LHQ các điều nào, từ đó mình mới biết Việt Nam có thể kiện ở các điều gì, sau đó là kiện ra tòa án nào. 
-Trương Nhân Tuấn
Gia Minh: Vụ kiện nếu Việt Nam tiến hành sẽ khác vụ kiện mà Philippines đang kiện Trung Quốc về tranh chấp lãnh hải ở khu vực Biển Đông ra sao?
Trương Nhân Tuấn: Thì nếu kiện, Việt Nam sẽ kiện tương tự như Philippines mà thôi. Có điều Việt Nam sẽ không có được tư thế thoải mái như là Philippines.
Philippines kiện Trung Quốc gồm 10 điều, nội dung đại khái: kiện về yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc, về quyền chiếm hữu các cấu trúc địa lý lúc chìm lúc nổi ở trong hải phận của Philippines, về việc chiếm đóng và xây dựng trên các bãi lúc chìm lúc nổi, về hiệu lực của các bãi đá, về quyền tự do hàng hải…
Còn Việt Nam kiện, xem lại danh sách bảo lưu của Trung Quốc, nếu không lầm thì Việt Nam sẽ chỉ có thể kiện Trung Quốc về hiệu lực các đảo thuộc Hoàng Sa mà thôi. Ở đây là hiệu lực đảo Tri Tôn. Mà khi làm điều này, như đã nói, gián tiếp Việt Nam lại công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa rồi. Vì nếu quần đảo Hoàng Sa là của mình, thì mắc mớ gì mình đi kiện?
Mặt khác, khi kiện như vậy, Việt Nam cũng làm một cuộc phiêu lưu khác không kém phần nguy hiểm. Là vì Việt Nam cũng chủ trương các đảo Hoàng Sa có hiệu lực tối đa, theo như các bản đồ thấy trên báo chí thế giới hiện nay, hay theo một tuyên bố về hải phận của Việt Nam từ thập niên 80.
Thói thường thì mình đâu thể cấm người khác có chủ trương giống như mình? VN đã từng chủ trương các đảo có hiệu lực tối đa, thì bây giờ đâu thể nào kiện Trung Quốc khi Trung Quốc cũng chủ trương y như vậy được?
Vì thế tình hình Việt Nam hôm nay thật là tiến thoái lưỡng nan.
Vì thế để thoát ra khỏi tình thế này, nhà nước Việt Nam nên thực hành ý kiến của tôi vừa nói ở trên. Tức là tuyên bố Công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng viết trong khoản thời gian 1954-1973, vì có liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, vì đi ngược lại tinh thần hai Hiệp định 1954 và 1973, do đó không có giá trị pháp lý ràng buộc.
Sau đó, Tôi nghĩ rằng Việt Nam vẫn còn phương pháp để mà thoát ra khỏi cảnh khó khăn hôm nay.
Gia Minh: Ý kiến người dân trong nước và những cộng đồng người Việt ở nước ngoài sẽ có giá trị ra sao khi được đưa vào vụ kiện?
Trương Nhân Tuấn: Theo tôi, ý kiến của cộng đồng người Việt nước ngoài cũng như dư luận quốc tế sẽ ảnh hưởng đến thái độ của Trung Quốc. Cho dầu thế nào thì Trung Quốc cũng không thể bất chấp dư luận quốc tế, trong khi khu vực biển Đông là nơi vận chuyển hàng hóa khoảng 50% số lượng thế giới. Nếu khu vực bất ổn, kinh tế cả thế giới bị ảnh hưởng, chắc chắn các nước sẽ làm áp lực. Mình cũng thấy Mỹ và Nhật họ cũng ủng hộ Việt Nam, mặc dầu còn trong chừng mực, nhưng là điều tốt.
Theo tôi, việc đi kiện là thiên nan vạn nan, nhưng việc chuẩn bị đi kiện, khua chuông gióng trống lên cho mọi người biết mình đi kiện, sẽ tạo cho Việt Nam một tư thế chính đáng. Quan trọng là việc hóa giải công hàm 1958. Việc này tạo cho Việt Nam một tư thế thoải mái hơn về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa. Việt Nam có thể có những hành động mạnh bạo hơn trong việc đáp trả những hành vi côn đồ của Trung Quốc, như đâm chìm tàu của Việt Nam. Và đó sẽ là hành động tự vệ chính đáng, được LHQ nhìn nhận.
Gia Minh: Cám ơn ông Trương Nhân Tuấn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét